20/08/2019
Thứ Ba tuần 20 thường
niên
Thánh Bênađô, viện
phụ, tiến sĩ Hội Thánh.
Lễ nhớ.
* Thánh nhân sinh năm 1090 gần Đi-giông, nước Pháp. Được giáo dục theo nếp
sống đạo đức, năm 1111, người nhập dòng các đan sĩ Xitô. Ít lâu sau, người được chọn làm viện phụ.
Người đã dùng hoạt động và gương sáng để hướng dẫn các đan sĩ tập luyện các
nhân đức. Vì có sự phân ly trong Hội Thánh, người đã đi khắp châu Âu để lo
vãn hồi sự hòa bình và hiệp nhất.
Người đã biên soạn nhiều tác phẩm thần học và tu đức. Người qua đời năm 1153.
BÀI ĐỌC I: Tl 6, 11-24a
“Hỡi Giêđêon, hãy
đi giải thoát Israel: ngươi biết Ta thương xót ngươi”.
Trích sách Thủ
Lãnh.
Trong những ngày ấy, Thiên thần Chúa đến ngồi dưới gốc cây sồi ở đất
Êphra, thuộc sở hữu của ông Gioas, tổ gia tộc Abiêzer. Khi ấy, Giêđêon, con
trai của ông, đang đập và rê lúa trong nhà ép nho để tránh mắt quân Mađian, thì
Thiên thần Chúa hiện ra với ông và nói rằng: “Hỡi người dũng sĩ, Chúa ở cùng
ngươi”. Giêđêon thưa lại rằng: “Thôi, xin Ngài, nếu Chúa ở cùng chúng tôi, tại
sao chúng tôi phải chịu tất cả những sự này? Nào đâu những việc kỳ diệu của
Chúa mà cha ông chúng tôi đã kể lại cho chúng tôi mà rằng: ‘Chúa đã dẫn chúng
ta ra khỏi Ai-cập’? Nhưng nay Chúa lại bỏ rơi chúng tôi và trao chúng tôi vào
tay quân Mađian”. Chúa nhìn ông mà phán rằng: “Ngươi hãy mạnh mẽ tiến đi mà giải
thoát Israel khỏi tay quân Mađian: chính Ta sai ngươi đó”. Ông thưa lại rằng:
“Thôi, xin Chúa, con dựa vào đâu mà giải thoát Israel? Đây gia đình con là gia
đình rốt hết trong chi tộc Manassê, và con là con út trong nhà cha con”. Chúa
phán cùng ông rằng: “Ta sẽ ở cùng ngươi: ngươi sẽ đánh ngã quân Mađian như đánh
một người vậy”. Ông thưa rằng: “Nếu con đẹp lòng Chúa, thì xin Chúa ban cho con
một dấu chứng rằng chính Chúa phán dạy con. Xin Chúa chớ lìa khỏi nơi đây cho đến
khi con trở lại cùng Chúa, mang theo của lễ dâng lên Chúa”. Chúa đáp lại rằng:
“Ta sẽ đợi ngươi trở lại”.
Vậy Giêđêon vào nhà làm thịt một con dê đực, lấy một đấu bột làm bánh
không men: để thịt vào giỏ, đổ nước thịt vào nồi, mang các món đó đến dưới cây
sồi mà dâng cho Chúa. Thiên thần Chúa bảo ông rằng: “Ngươi hãy đem thịt và bánh
không men đặt trên tảng đá kia, rồi đổ nước thịt lên trên”. Khi ông làm như vậy,
thì Thiên thần Chúa giơ cây gậy Người cầm trong tay lên và chạm đến thịt và
bánh không men, tức thì có lửa từ tảng đá bốc lên thiêu đốt thịt và bánh không
men. Thiên thần Chúa liền biến đi khuất mắt ông. Giêđêon nhận biết đó là Thiên
thần Chúa, liền thưa rằng: “Ôi, lạy Chúa là Thiên Chúa của con, con đã nhìn thấy
Thiên thần Chúa nhãn tiền”. Chúa phán cùng ông rằng: “Bình an cho ngươi. Đừng sợ,
ngươi không chết đâu”. Giêđêon liền dựng một bàn thờ dâng kính Chúa, và gọi bàn
thờ đó là “Bình an của Chúa”. Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 84, 9.
11-12. 13-14
Đáp: Chúa phán bảo về
sự bình an cho dân tộc Người (x. c. 9).
Xướng:
1) Tôi sẽ nghe Chúa là Thiên Chúa của tôi phán bảo điều chi? Chắc hẳn Người
sẽ phán bảo về sự bình an, bình an cho dân tộc và các tín đồ của Chúa, và cho
những ai thành tâm trở lại với Người. – Đáp.
2) Lòng nhân hậu và trung thành gặp gỡ nhau, đức công minh và sự bình an
hôn nhau âu yếm. Từ mặt đất, đức trung thành sẽ nở ra, và đức công minh tự trời
nhìn xuống. – Đáp.
3) Vâng Chúa sẽ ban cho mọi điều thiện hảo, và đất Nước chúng tôi sẽ sinh
bông trái. Đức công minh sẽ đi trước thiên nhan Chúa, và ơn cứu độ theo sau lốt
bước của Ngài. – Đáp.
ALLELUIA: Tv 118, 36a
và 29b
Alleluia, alleluia!
– Lạy Chúa, xin nghiêng lòng con theo lời Chúa răn bảo, và xin rộng tay ban luật
pháp của Chúa cho con. – Alleluia.
PHÚC ÂM: Mt 19, 23-30
“Con lạc đà chui qua lỗ kim còn
dễ hơn người giàu có vào Nước Trời”.
Tin Mừng Chúa Giêsu
Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Thầy bảo thật các con: Người
giàu có thật khó mà vào Nước Trời. Thầy còn bảo các con rằng: Con lạc đà chui
qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu có vào Nước Trời”. Các môn đệ nghe vậy thì bỡ
ngỡ quá mà thưa rằng: “Vậy thì ai có thể được cứu độ?” Chúa Giêsu nhìn các ông
mà phán rằng: “Đối với loài người thì không thể được, nhưng đối với Thiên Chúa
thì mọi sự đều có thể được”. Bấy giờ Phêrô thưa Người rằng: “Này đây chúng con
đã bỏ mọi sự mà theo Thầy, vậy chúng con sẽ được gì?” Chúa Giêsu bảo các ông rằng:
“Thầy bảo thật các con: Các con đã theo Thầy, thì trong ngày tái sinh, khi Con
Người ngự trên toà vinh hiển, các con cũng sẽ ngồi trên mười hai toà mà xét xử
mười hai chi tộc Israel. Và tất cả những ai bỏ nhà cửa, anh chị em, cha mẹ, vợ
con, ruộng nương vì danh Thầy, thì sẽ được gấp trăm và được sự sống đời đời.
Nhưng có nhiều kẻ trước hết sẽ nên sau hết, và kẻ sau hết sẽ nên trước hết”. Đó
là lời Chúa.
SUY NIỆM : Giáo Hội Của
Người Nghèo
"Giáo Hội của người nghèo", "Ưu tiên phục vụ người
nghèo", đó là những khẩu hiệu đã trở thành thời trang trong Giáo Hội kể từ
vài thập niên qua. Bất cứ ai có ý thức về công bằng xã hội hoặc đôi chút trăn
trở về Giáo Hội trong thế giới ngày nay, cũng đều thốt lên những khẩu hiệu ấy.
Nhưng Giáo Hội có thực sự là Giáo Hội của đại đa số dân nghèo khổ chưa?
Sự hiện diện của người nghèo quả là một thách đố lớn cho Giáo Hội. Ngày
nay, tiếng kêu than của họ luôn là một nhắc nhớ cho Giáo Hội về bản chất và sứ
mệnh của mình trong thế giới. Cuộc trở lại của Hoàng đế Constantinople vào thế
kỷ thứ 4 đã chấm dứt những cuộc bách hại đẫm máu và đã biến Tây Phương thành thế
giới Kitô giáo, nhưng không chừng đã làm Giáo Hội quên đi bản chất đích thực của
mình. Sự tương nhập giữa thế quyền và giáo quyền đã biến Giáo Hội thành một thế
lực chính trị, và các vị lãnh đạo Giáo Hội thành những vua chúa trần gian. Nhiều
người đã có lý để nói rằng nhờ những lay động của Karl Marx mà Giáo Hội đã lắng
nghe được tiếng kêu than của người nghèo, đồng thời ý thức được vai trò và sứ mệnh
của mình trong thế giới ngày nay.
Ngay từ khi mới khai sinh, cộng đoàn Kitô tiên khởi đã ý thức được vấn đề
ấy. Tin Mừng hôm nay là một phản ánh về những trăn trở của cộng đoàn Kitô hữu
tiên khởi, cách riêng cộng đoàn Giêrusalem là cộng đoàn gồm toàn những người
nghèo trong xã hội thời bấy giờ. Ðọc lại giáo huấn của Chúa Giêsu về thái độ của
Kitô hữu đối với tiền bạc của cải, cộng đoàn tiên khởi đặt lại vấn đề về sự hiện
diện của người giầu trong Giáo Hội. Theo quan niệm quen thuộc của người Do
thái, thì sự giầu sang phú quí là một chúc lành của Thiên Chúa. Chúa Giêsu đánh
đổ quan niệm sai lầm ấy, khi nói rằng: "Phúc cho những ai có tinh thần
nghèo khó", và rằng sự nghèo khó là điều kiện thiết yếu để vào Nước Trời.
Giáo Hội của người nghèo, điều đó có nghĩa là trước tiên tất cả những ai
thuộc về Giáo Hội đều phải có tinh thần nghèo khó đích thực, họ phải sống phó
thác và quảng đại chia sẻ cho nhau. Các Kitô hữu tiên khởi đã hiểu được điều ấy:
họ để chung của cải lại, chia sẻ với nhau và yêu thương đùm bọc nhau như trong
cùng một gia đình. Giáo Hội của người nghèo, điều đó cũng có nghĩa là các tín hữu
phải lấy sự phục vụ người nghèo làm ưu tiên hàng đầu. Bản sắc của người Kitô hữu
do đó được xác nhận bằng chính tương quan với người nghèo.
Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta duyệt xét lại cách sống đạo của chúng
ta. Thách đố của Giáo Hội hiện nay cũng chính là thách đố của mỗi người chúng
ta. Nếu những người cùng khổ chưa phải là thao thức trăn trở của chúng ta, thì
có lẽ chúng ta còn quá xa với Giáo Hội Chúa Kitô. Nếu cuộc sống chúng ta chưa
phải là cuộc sống liên đới chia sẻ với người khốn khổ, thì có lẽ chúng ta chỉ
là những Kitô hữu hữu danh vô thực.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Ba Tuần 20 TN1, Năm lẻ
Bài đọc: Judg 6:11-24a; Mt 19:23-30.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Thiên Chúa chọn
những kẻ khiêm cung, khó nghèo.
Tiêu chuẩn chọn lựa của Thiên Chúa khác hẳn tiêu chuẩn chọn lựa của thế
gian. Trong khi thế gian chọn những kẻ tài giỏi, khỏe mạnh, giầu có; Thiên Chúa
lại chọn kẻ ít tài, yếu đuối và nghèo khó. Hơn nữa, Đức Kitô còn mặc khải tiêu
chuẩn chọn lựa của Thiên Chúa trong Ngày Phán Xét: “Nhiều kẻ đứng đầu sẽ phải
xuống hàng chót, và nhiều kẻ đứng chót sẽ được lên hàng đầu.”
Các Bài Đọc hôm nay dẫn chứng cách chọn lựa của Thiên Chúa. Trong Bài Đọc
I, Thiên Chúa chọn Gideon làm Thủ Lãnh, một người trẻ nhất trong gia đình, thuộc
một chi tộc nhỏ nhất của Israel, chi tộc Manasseh, để giải phóng dân chúng khỏi
tay những người Midian. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu chọn 12 tông-đồ: đa số là
nghèo khó, yếu đuối và thất học; để huấn luyện các ông trở nên những người rao
giảng Tin Mừng. Tiêu chuẩn chọn lựa này chứng tỏ: tất cả thành công hay vinh
quang con người có được là do sức mạnh và uy quyền của Thiên Chúa, chứ không đến
từ con người.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Thiên Chúa chọn Gideon là Thủ
Lãnh cứu dân khỏi tay quân thù Midian.
1.1/
Thiên Chúa chọn ông Gideon: Khi con cái Israel quay lưng lại với Thiên Chúa và chạy theo thờ phượng
các thần ngoại bang; nên Thiên Chúa không bảo vệ họ nữa, và để cho quân thù
Midian bắt họ làm nô lệ cực khổ. Nhưng vì tình yêu trung thành, Thiên Chúa muốn
chọn một vị Thủ Lãnh, để lãnh đạo và giải phóng con cái Israel khỏi ách nô lệ của
quân thù.
Sách Thủ Lãnh kể: Sứ Thần của Đức Chúa đến và ngồi dưới cây tùng ở
Ophrah. Cây này là của ông Joash, thuộc gia đình Abiezrite. Con ông là Gideon bấy
giờ đang đập lúa trong bồn đạp nho để tránh mặt người Midian. Sứ Thần Đức Chúa
nói với Gidion: “Chào chiến sĩ can trường! Đức Chúa ở với ông.” Ông Gideon thưa
với Sứ Thần: “Ôi, thưa Ngài, nếu Đức Chúa ở với chúng tôi, thì sao chúng tôi đến
nông nỗi này? Đâu cả rồi những kỳ công mà cha ông đã kể lại cho chúng tôi nghe,
rằng: chẳng phải Đức Chúa đã đưa chúng ta lên khỏi Ai-cập sao? Thế mà bây giờ Đức
Chúa đã bỏ rơi chúng tôi, trao chúng tôi vào tay người Midian.” Ông Gideon có
lý do để nghi ngờ vì ông chỉ nghe thế hệ cha ông nói về những gì Thiên Chúa đã
làm cho con cái Israel; nhưng chưa bao giờ ông chứng kiến Thiên Chúa tỏ uy quyền,
mà chỉ thấy trước mắt cảnh dân Israel phải làm nô lệ cho người Midian.
Sứ thần Đức Chúa quay lại nhìn ông và nói: “Hãy mạnh bạo lên đường cứu
Israel khỏi tay quân Midian. Không phải chính Ta sai ngươi sao?” Ông Gideon tỏ
vẻ nghi ngờ: “Ôi, thưa Ngài, con lấy gì mà cứu Israel? Này giòng họ con thấp
kém nhất trong chi tộc Manasseh, mà con lại nhỏ nhất trong nhà cha con.” Đức
Chúa phán với ông: “Ta sẽ ở với ngươi, và ngươi sẽ đánh quân Midian như đánh có
một người.”
1.2/
Ông Gideon xin sứ thần một dấu chỉ để biết chắc chắn sự chọn lựa của Thiên
Chúa.
Ông Gideon thưa với Sứ Thần: “Nếu Ngài thương con thì xin cho con một dấu
chứng tỏ Ngài đang nói với con. Xin Ngài đừng rời khỏi đây cho tới khi con trở
lại, mang theo của lễ đặt trước nhan Ngài.” Người phán: “Ta sẽ ở lại cho tới
khi ngươi trở về.”
Ông Gideon đi bắt một con dê non làm thịt, và lấy hai thùng bột làm mấy
chiếc bánh không men. Thịt thì ông để trong một cái rổ, còn nước cốt thì đựng
trong một cái thố. Rồi ông mang đến cho Người ở dưới cây tùng. Khi ông đến gần,
thì Sứ Thần Thiên Chúa nói với ông: “Hãy lấy thịt và bánh không men đặt trên tảng
đá này và rưới nước cốt lên.” Ông đã làm như thế.
Sứ thần của Đức Chúa giơ đầu gậy đang cầm trong tay đụng vào thịt và bánh
không men, lửa liền từ tảng đá bốc lên, đốt cháy hết thịt cùng bánh không men.
Sứ Thần Đức Chúa biến khỏi mắt ông. Khi ông Gideon nhận ra đó chính là Thần sứ
Đức Chúa, ông kêu lên: “Chết tôi rồi, lạy Đức Chúa là Chúa Thượng của tôi, vì
tôi đã thấy Thần sứ Đức Chúa nhãn tiền!” Nhưng Đức Chúa phán với ông: “Bình an
cho ngươi! Đừng sợ: ngươi không chết đâu.”
2/ Phúc Âm: Đối với Thiên Chúa, mọi sự đều có
thể được.
2.1/
Người giầu có khó vào nước Thiên Chúa: Trình thuật của Matthew hôm nay tiếp nối cuộc đàm đạo
của Chúa Giêsu với chàng thanh niên giầu có. Khi chàng thanh niên buồn bã bỏ đi
rồi, bấy giờ Chúa Giêsu nói với các môn đệ của Người: “Thầy bảo thật anh em,
người giàu có khó vào Nước Trời. Thầy còn nói cho anh em biết: con lạc đà chui
qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu vào Nước Thiên Chúa.” Nghe nói vậy, các môn đệ
vô cùng sửng sốt và nói: “Thế thì ai có thể được cứu?”
Các môn đệ ngạc nhiên vì các ông đã quá quen tiêu chuẩn chọn lựa của thế
gian. Có lẽ vì các môn đệ nghĩ rằng: giầu có được Thiên Chúa chúc phúc, nên mới
sửng sốt khi Chúa Giêsu tuyên bố như vậy. Chúng ta cần hiểu quan niệm về sự sống
đời sau của người Do-thái thời đó chưa rõ nét cho lắm. Nhiều người Do-thái quan
niệm hạnh phúc cho những người tuân giữ luật pháp của Thiên Chúa được sống lâu,
con đàn cháu đống, và được sung túc về của cải chỉ ở đời này. Phải đợi tới khoảng
thế kỷ thứ hai trước Chúa Giêsu, chúng ta mới thấy nói về sự sống đời sau qua
Sách Daniel và Maccabees. Khi Chúa Giêsu đến, Ngài mặc khải cho các môn đệ cách
rõ ràng về sự sống đời sau và điều kiện để được vào Nước Trời.
Tại sao Chúa Giêsu dạy “người giàu có khó vào Nước Trời.” Chúng ta có thể
dẫn chứng những lý do sau đây:
(1) Người giầu có tin ở mình: thay vì họ phải tin ở tình yêu và sức mạnh
của Thiên Chúa.
(2) Người giầu có không khôn ngoan: họ yêu của cải hơn Đấng dựng nên của
cải.
(3) Người giầu có không biết tiêu chuẩn để được vào Nước Trời: hoàn toàn
là do tình thương và ơn thánh của Thiên Chúa, chứ không do cố gắng của con người,
như Đức Giêsu tuyên bố với các môn đệ: “Đối với loài người thì điều đó không thể
được, nhưng đối với Thiên Chúa, thì mọi sự đều có thể được.”
2.2/
Phần thưởng Chúa Giêsu hứa ban cho các môn đệ: Bấy giờ ông Phêrô lên tiếng thưa Người: “Thầy coi,
phần chúng con, chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy. Vậy chúng con sẽ được gì?”
Đức Giêsu đáp: “Thầy bảo thật anh em: anh em là những người đã theo Thầy, thì đến
thời tái sinh, khi Con Người ngự toà vinh hiển, anh em cũng sẽ được ngự trên mười
hai toà mà xét xử mười hai chi tộc Israel. Và phàm ai bỏ nhà cửa, anh em, chị
em, cha mẹ, con cái hay ruộng đất, vì danh Thầy, thì sẽ được gấp bội và còn được
sự sống vĩnh cửu làm gia nghiệp.”
Mục đích của Thiên Chúa khi cho chúng ta vào cuộc đời này không phải để nỗ
lực làm giầu; nhưng biết sống làm sao để đạt tới Nước Trời và giúp cho tha nhân
cũng đạt được mục đích đó.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
– Chúng ta cần tập làm quen và sống theo những tiêu chuẩn chọn lựa của
Thiên Chúa, thay vì sống theo các tiêu chuẩn chọn lựa của thế gian.
– Vào Nước Trời không do nỗ lực và công lao của con người; nhưng do tình
yêu và ơn thánh Chúa ban. Chúng ta cần biết khiêm nhường đón nhận và sống theo
sự chỉ dạy của Chúa.
Linh mục Anthony
Đinh Minh Tiên, OP
20/08/19 – THỨ BA TUẦN 20 TN
Th. Bê-na-đô, viện phụ, tiến sĩ HT
Mt 19,23-30
THEO CHÚA SẼ ĐƯỢC GÌ?
Bấy giờ ông Phê-rô lên tiếng thưa Người: “Thầy coi, phần
chúng con, chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy. Vậy chúng con sẽ được gì?” (Mt
19,27)
Suy niệm: Trước khi bắt tay làm công việc gì, theo lẽ tự nhiên
chúng ta thường phân định sự thiệt hơn, được thua thế nào rồi mới quyết định
làm. Nếu không có sự tính toán như thế, chúng ta chẳng khác gì người xây tháp
mà không tính trước phí tổn, hay như người đi giao chiến mà không biết rõ nguồn
lực của mình như thế nào (x. Lc 14,28-32). Phê-rô và các bạn tông đồ hẳn cũng
tính toán nhưng là mới nửa vời. “Đã bỏ mọi sự mà theo Thầy” rồi, nhưng e rằng
“cụt vốn”: các ông theo Chúa đã lâu mà chưa thấy “nên cơm cháo” gì. Có lẽ
Phê-rô chỉ nhìn thấy những cái “mất”, tức là những gì ông phải từ bỏ mà chưa thấy
“được” điều gì cả. Tuy nhiên, Chúa khẳng định rằng: những người đó “sẽ nhận được
gấp bội, và còn được sự sống vĩnh cửu làm gia nghiệp.”
Mời Bạn: Chúa mời gọi chúng ta “ngồi xuống bàn tính” với Chúa
(x. Lc 14,31), để làm một bản liệt kê chúng ta “được-mất” những gì khi trở
thành Ki-tô hữu, trở thành môn đệ của Ngài. Bạn sẽ nhận ra rằng những gì Ngài
yêu cầu chúng ta từ bỏ thực ra chính là những điều Chúa đã ban tặng. Và khi từ
bỏ chúng, Ngài còn ban lại gấp bội cho chúng ta cùng với “sự sống vĩnh cửu làm
gia nghiệp.” Theo lối nhìn của thế gian, bạn có vẻ như “mất” hết, nhưng theo
cái nhìn vĩnh cửu, bạn đang “được” tất cả.
Sống Lời Chúa: Nguyện tắt: “Lạy Chúa, Chúa đã cho con tất cả, con
xin dâng lại cho Chúa tất cả.”
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin cho con
hoàn toàn tín thác vào Chúa để con không tìm kiếm điều gì khác ngoài phần thưởng
Nước Trời. Amen.
(5 Phút Lời Chúa)
Lạc đà qua lỗ kim (20.8.2019 –
Thứ Ba Tuần 20 TN - Thánh Bernardo, Viện phụ)
Suy niệm:
Người thanh niên giàu có đã bỏ đi
khi Thầy Giêsu mời anh bán tài sản và cho người nghèo.
Của cải đã trói buộc anh, dù anh là người có thiện chí.
Anh tìm sự sống đời sau, nhưng lại bị vướng bởi vật chất đời này.
“Người giàu có thật khó vào Nước Trời” (c. 23).
Câu nói này của Thầy Giêsu khiến các môn đệ rất đỗi ngạc nhiên (c. 25),
vì vào thời đó, giàu sang thường được coi là dấu hiệu Chúa chúc lành.
Thầy Giêsu dùng một hình ảnh ngoa dụ, cường điệu,
để diễn tả việc người giàu khó vào Nước Trời,
khó hơn con lạc đà rất to chui qua lỗ kim rất nhỏ.
Dĩ nhiên lạc đà thì chẳng thể nào chui qua lỗ kim được,
nhưng người giàu thì vẫn có thể được vào Nước Trời, dù rất khó khăn,
“vì đối với Thiên Chúa, thì mọi sự đều có thể được” (c. 26).
Đã có những người giàu tốt bụng đi theo Thầy Giêsu.
Họ là Giuse Arimathia, Nicôđêmô, Dakêu, là các phụ nữ.
Giuse và Nicôđêmô đã lo mộ phần và việc tẩm liệm Thầy Giêsu.
Dakêu đã tự nguyện chia nửa phần tài sản mình cho người nghèo khó.
Các phụ nữ theo Thầy từ Galilê đã giúp đỡ vật chất cho Thầy (Lc 8, 3).
Có vẻ họ được tự do với của cải trần thế.
Của cải không ngăn cản họ trở thành người môn đệ Thầy Giêsu.
Nhưng cũng phải nhìn nhận của cải vật chất có sức mạnh của nó.
Như người ta hay nói: có tiền mua tiên cũng được.
Tiền bạc của cải có vẻ đem lại chỗ dựa vững chắc cho chủ nhân,
chính vì thế người ta thích thu tích của cải một cách vô độ (Lc 12, 21).
Của cải làm chúng ta phải bận tâm:
“Kho tàng anh em ở đâu, trái tim anh em ở đó” (Mt 6, 21),
kho tàng dưới đất sẽ giữ tim ta dưới đất.
Ham mê của cải có thể bóp nghẹt hạt giống lời Chúa trong tim ta (Mt 13,
22).
Nó làm chúng ta dễ trở nên nô lệ:
“Anh em không thể làm tôi hai chủ, vì sẽ ghét chủ này mà yêu chủ kia…
Anh em không thể làm tôi Thiên Chúa lẫn tiền tài” (Mt 6, 24).
Như thế nó có khả năng đẩy Thiên Chúa xuống hàng thứ yếu.
Quả thực của cải dễ làm ta khép lòng lại trước Thiên Chúa và tha nhân,
và làm cái tôi của ta trở nên cứng cỏi, tự mãn.
Khác với anh thanh niên giàu có, nhóm Mười Hai đã bỏ mọi sự mà theo Thầy.
“Vậy chúng con sẽ được gì?”, họ đã hỏi Thầy Giêsu như vậy.
Thầy hứa sẽ cho họ được cùng Thầy xét xử Israel trong ngày tận
thế.
Hơn nữa, Thầy còn hứa bất cứ ai chịu mất mát về gia đình, cơ nghiệp,
đều được đền bù gấp trăm, và nhất là được sự sống đời đời (c. 29).
Hôm nay chúng ta cũng hỏi Ngài như vậy, về cái được, cái mất.
Chúng ta có thể bỏ mất nhiều điều mà thiên hạ coi là giá trị,
như một đời sống tiện nghi, một chỗ làm ổn định, hay một chút tiếng tăm.
Chỉ mong được tấm lòng luôn an vui, hạnh phúc,
vì biết mình được Đức Kitô và ở lại trong Ngài (Pl 3, 8-9).
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu,
sống cho Chúa thật là điều
khó.
Thuộc về Chúa thật là một
thách đố cho con.
Chúa đòi con cho Chúa tất cả
để chẳng có gì trong con lại
không là của Chúa.
Chúa thích lấy đi những gì
con cậy dựa
để con thực sự tựa nương vào
một mình Chúa.
Chúa thích cắt tỉa con khỏi
những cái rườm rà
để cây đời con sinh thêm hoa
trái.
Chúa cương quyết chinh phục
con
cho đến khi con thuộc trọn về
Chúa.
Xin cho con dám ra khỏi
mình,
ra khỏi những bận tâm và
tính toán khôn ngoan
để sống theo những đòi hỏi bất
ngờ của Chúa,
dù phải chịu mất mát và thua
thiệt.
Ước gì con cảm nghiệm được rằng
trước khi con tập sống cho
Chúa
và thuộc về Chúa
thì Chúa đã sống cho con
và thuộc về con từ lâu.
Amen.
Lm.
Antôn Nguyễn Cao Siêu,S.J.
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
20 THÁNG TÁM
Hiệp Nhất: Sứ Mạng
Cốt Thiết Của Giáo Hội
Công Đồng xác nhận những xác tín của các tín hữu khi tuyên bố rằng Giáo Hội
nhìn nhận tất cả những điều thiện hảo có thể được tìm thấy trong trật tự xã hội
ngày nay: nhất là, khát vọng hiệp nhất, sự phát triển của công cuộc “xã hội hóa
y tế“ giữa các dân tộc, và một sự nhấn mạnh về “sự liên đới kinh tế và dân sự”.
Thật vậy, “sự thăng tiến hiệp nhất tương ứng với sứ mạng cốt thiết của Giáo Hội,
bởi trong Đức Kitô, Giáo Hội có sứ mạng trở thành một bí tích và một dấu chỉ của
sự hiệp nhất với Thiên Chúa và của sự hiệp nhất toàn thể nhân loại… Năng lực mà
Giáo Hội đóng góp cho xã hội con người hiện đại là năng lực đức tin và tình yêu
được sống cụ thể, chứ không phải năng lực của một thế lực bên ngoài xuyên qua
duy chỉ những phương tiện của con người” (MV 42).
Vì những lý do này, một mối gắn kết sâu sắc và thậm chí một sự đồng nhất
nào đó được ghi nhận giữa -một đàng – sự phát triển và tiến bộ của con người
trong xã hội và – đàng khác – lịch sử cứu độ. Kế hoạch cứu độ có gốc rễ của nó
trong những ước vọng thực và trong những mối quan tâm sâu thẳm nhất của con người.
Tiếng gọi đón nhận ơn cứu chuộc không ngừng được loan báo cho con người trong
thế giới. Vì Giáo Hội luôn luôn đứng trước thế giới khi Giáo Hội đặt mình trước
những ước vọng và những ưu tư của con người.
Vâng, lịch sử cứu độ diễn ra giữa lòng lịch sử thế giới, nhận lấy lịch sử
thế giới làm lịch sử của chính mình theo một nghĩa nào đó. Nếu nói ngược lại
cũng đúng. Những thành tựu vĩ đại của con người và những chiến thắng thật sự của
lịch sử cũng chính là nền móng của triều đại Thiên Chúa trên trái đất này. Hiệp
nhất chính là mục đích của kế hoạch Thiên Chúa, Đấng vừa vượt trên mọi sự vừa ở
trong mọi sự.
– suy tư 366 ngày của
Đức Gioan Phaolô II –
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations
by Pope John Paul II
Lời Chúa Trong Gia Đình
NGÀY 20/8
Thánh Bênarđô, viện
phụ, tiến sĩ Hội Thánh
Tl 6, 1-24; Mt 19,
23-30.
LỜI SUY NIỆM: Bấy giờ Đức
Giêsu nói với các môn đệ của Người: “Thầy bảo thật anh em, người giàu có khó
vào Nước Trời. Thầy còn nói cho anh em biết: con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ
hơn người giàu vào Nước Thiên Chúa.”
Chúa Giêsu đang cảnh
tỉnh những người giàu có, đồng thời Người cũng muốn con cái của Người tránh
thoát những cái tính của người giàu thường mắc phải, đó là: Người giàu họ ỷ vào
của cải của họ, họ có khuynh hướng nghĩ rằng tự họ có thể giải quyết mọi sự, mọi
cảnh ngộ sẽ xãy ra cho họ. Người giàu có họ bị ràng buộc bởi của cải thế gian,
trở nên nô lệ tiền bạc và các thế lực đen tối của xã hội. Người giàu có họ còn
tự giam mình trong sự ích kỷ, chỉ biết lợi ích riêng cho mình, ngày càng muốn
giàu có hơn. Trong lúc đó họ dững dưng và thờ ơ đối với tất cả cảnh vật và con
người chung quanh họ.
Lạy Chúa Giêsu.
Chúa rất yêu thương chúng con, Chúa muốn cứu độ chúng con. Xin Chúa cho chúng
con luôn luôn nhớ lời Chúa dạy: “Của cải ngươi ở đâu thì lòng ngươi ở đó”. Để
chúng con có sự chuẩn bị cho đời sống mai sau.
Mạnh Phương
Gương Thánh Nhân
Ngày 20-08
Thánh BERNADÔ
Tu Viện Trưởng, Tiến
Sĩ Hội Thánh (1090 – 1153)
Bernađô sinh năm 1090, tại lâu đài Phontaine gần Dijon. Cha Ngài là hiệp
sĩ Tescelin khôn ngoan và đạo đức. Mẹ Ngài là bà Aleth Thánh thiện. Một đêm kia
bà mơ thấy Bernađô đang nô đùa bỗng hoá thành con chó sủa vang. Giấc mơ này
tiên báo Bernađô sẽ trở thành tông đồ, thành nhà giảng thuyết đại tài. Bernađô
luôn luôn khẩn cầu Thiên Chúa cho lòng mình khỏi vướng tội nhơ. Một lần lỡ nhìn
người phụ nữ, Ngài đã dìm mình xuống hồ giá lạnh cho tới tận cổ.
Năm 22 tuổi, cả một tương lai sáng mở ra rước mắt, tại triều đình, nơi
quân ngũ, trong toà án, mỗi nơi có thể ao ước, Ngài đều có thể thành công.
Nhưng một đêm Giáng sinh, Ngài được thị kiến thấy Chúa Giêsu âu yếm ẵm lấy
Ngài, kỷ niệm này in dấu sâu đậm suốt đời Ngài. Một ngày khác vào thánh đường,
tha thiết cầu xin Chúa cho Ngài biết thánh ý Chúa, cũng như xin Chúa ban ơn can
đảm thi hành thánh ý ấy. Chỗi dậy, Ngài quyết định gia nhập dòng Citeax, một
dòng tu nổi tiếng khắc khổ. Thế là giã từ danh vọng thế gian và các niềm vui giả
tạo.
Một hiệp sĩ trẻ trung sắp chôn vùi đời mình trong tu viện. Sẽ hiến mình cầu
nguyện liên lỉ, làm việc cực nhọc và hãm mình hết mực. Điều đặc biệt là Ngài đã
chọn một tu viện xa nhà và nghèo khổ thay vì những tu viện Bênêdictô mà tặng vật
và ảnh hưởng của gia đình có thể bảo đảm cho Ngài những chức vụ sáng giá.
Bernađô trình bày ý định với cha, Ngài đã bị phản đối, anh em trong gia
đình cũng không chấp nhận được ý kiến này. Ngài nói: – Này hãy tin tôi đi, cuộc
chinh phục linh hồn không được đáng giá sao ?
Cương quyết và nhiệt tình, Bernađô không những đã làm cho cha mẹ và anh
em nhượng bộ, lại còn lôi cuốn họ vào dòng theo chân mình nữa. Lần kia em út
Nivard đang ngồi chơi, Guy người anh cả nói: – Giã từ em nhé. Tất cả sản nghiệp
thuộc về em, bằng lòng chứ ?
Người em út nói lớn: – Sao ? Trời cho các anh, còn đất cho em, phân chia
chẳng đồng đều tý nào.
Rồi người em út cũng theo cha và các anh vào dòng. Ngoài ra ông cậu và
các bạn của Bernađô, cả thẩy trên 30 người đã theo chân Ngài vào dòng.
Sự gia nhập đông đảo này đã tiêm một nhiệt huyết mới vào dòng Citeaux.
Thái độ của Bernađô và của các bạn còn được một số đông các bạn trẻ noi theo. Đức
viện phụ của dòng lúc ấy là thánh Têphanô Harding, một người gốc Anh, thánh hiện,
khôn ngoan và uyên bác. Ngài sai từng nhóm nhỏ đi lập các tu viện mới rập theo
khuôn mẫu của nhà mẹ. Ba năm sau, tới phiên Bernađô, Ngài dẫn đầu một nhóm tu
sĩ 12 người đến một thung lũng gần Langres. Họ dựng chòi một nhà nguyện, nhà
ăn, làm những cái hòm giống như quan tài để ngủ. Sự thánh thiện của các tu sĩ
cũng như vùng thung lũng trở thành thung lũng ánh sáng hay là Claivaux.
Thánh Bernađô sẽ là đan viện phụ của tu viện này cho đến hết đời. Lúc đầu
Ngài tỏ ra đòi hỏi gắt gao. Nhưng rồi về sau, Ngài đã hiểu và nhân hậu hơn.
Danh tiếng Ngài lan rộng. Nhiều người từ xa đến xin Ngài giúp đỡ, hay xin Ngài
phân xử cho những vụ tranh chấp. Việc này không được mọi người bằng lòng, vì
Ngài không biết sợ ai cả. Ngày kia người nhận được một lá thư ngắn ngủi từ
Roma, dạy đừng xen mình vào chuyện đời. Không gì làm Ngài vui mừng bằng được ở
yên trong tu viện. Nhưng vì cảm thấy mình có liên hệ tới lợi ích của Giáo hội
nên đã không ngại viết một lá thư hồi âm rất can đảm nhiệt tình.
Ngài là người ủng hộ nhiệt liệt cho những cải cách Hildebrand, nhưng Ngài
nghĩ rằng: sự tập quyền trong Giáo hội đã đi quá xa. Khi nâng đỡ cho những đòi
hỏi của toà thánh, Ngài không tin là phải phỉnh nịnh Đức giáo hoàng. Nhưng khi
sự phân rẽ đe dọa làm rạn nứt Giáo hội, Ngài được triệu vời đến. Một cách rạng
rỡ, Ngài đã đánh bại vị phản giáo hoàng. Lúc này danh tiếng Ngài lan rộng khắp
Châu Au. Cả thế giới đều như muốn quay về Ngài để tìm ý kiến giúp đỡ. Không đến
với Ngài được người ta viết thư và Ngài đã quyết hồi âm cho tất cả mọi người. Một
phần nhỏ trong số thư tín khổng lồ này con sót lại, nhưng cũng là một trong những
nguồn tài liệu lịch sử chính yếu về thời đó.
Như nhà dẫn đầu trong cuộc cải tổ dòng Citeaux, Ngài tranh luận với các
tu sĩ dòng Bênêdictô thuộc cộng đoàn chung. Rất tôn trọng cách sống của họ,
Ngài không thể tha thứ cho những lạm dụng đang thịnh hành trong một vài nhà
dòng. Dầu vậy đối với Đan viện phụ Cluny, cha đáng kính Phêrô, Ngài vẫn giữ được
một tình bạn nghĩa thiết. Nhưng sự chống đối của thánh Bernađô với Phêrô
Abelardô mới thật nổi bật. Không những chống lại các chủ trương của ông, Ngài
còn chống lại cả cách thức ông kiêu hãnh tranh luận về các vấn đề thánh nơi chợ
búa. Thánh Bernađô luôn nghĩ tới đức tin của những người dân đơn sơ và đứng về
phái bảo thủ, nhưng vẫn là bạn của người học thức đỡ đầu cho các học giả như
Robertô Pullen và Gioan miền Sabisbury.
Đối với Đức Maria, thánh Bernađô có một lòng sùng kính đặc biệt. Một ngày
kia tại nhà thờ chính tòa Sprine, khi nghe hát Kinh Lạy Vữ Vương, Ngài đã nhiệt
tình thêm vào:
– Ôi khoan thay, nhân thay, dịu thay, Thánh Maria trọn đời đồng trinh.
– Ôi khoan thay, nhân thay, dịu thay, Thánh Maria trọn đời đồng trinh.
Chính Ngài cũng Ngài viết thánh thư cảm động: Ave Maria Stella. Dường như
Ngài cũng là tác giả kinh “Hãy nhớ” nữa.
Suốt thời gian làm đan viện phụ của thánh Bernađô dòng Clairvaux phát triển
mạnh và sinh ra 60 nhà khác nữa rải rác khắp Âu Châu. Rất bận rộn công việc,
Ngài không sao lãng việc chăm sóc cho các tu sĩ của mình. Suốt đời, Ngài là một
tu sĩ và là một nhà thần bí. Ngài trước tác những bài chú giải sách Nhã Ca và
nhiều tác phẩm thần học và thần bí khác nữa.
Những năm cuối cùng đời Ngài bị phủ mờ vì sự thất bại của đạo binh thánh giá thứ nhì. Đức giáo hoàng cậy Ngài cổ động cho đạo binh này. Nghe lời Ngài toàn Au Châu cầm khí giới lên đường. Nhưng khi xa khỏi ảnh hưởng của Ngài, các nghĩa binh thánh giá đã quên hẳn lý tưởng cao cả của mình mà làm vỡ cuộc viễn chinh vì đánh phạt nhau và vì các việc làmbất xứng với danh hiệu Kitô hữu.
Những năm cuối cùng đời Ngài bị phủ mờ vì sự thất bại của đạo binh thánh giá thứ nhì. Đức giáo hoàng cậy Ngài cổ động cho đạo binh này. Nghe lời Ngài toàn Au Châu cầm khí giới lên đường. Nhưng khi xa khỏi ảnh hưởng của Ngài, các nghĩa binh thánh giá đã quên hẳn lý tưởng cao cả của mình mà làm vỡ cuộc viễn chinh vì đánh phạt nhau và vì các việc làmbất xứng với danh hiệu Kitô hữu.
Dầu không thể quy trách được cho thánh Bernađô, nhưng như các thánh nhân
khác và như chính Chúa Kitô, Ngài đã qua đời ngày 20 tháng năm 1153, dưới bóng
mây mù vì thất bại đã quá rõ ràng. Ngài nói với con cái Ngài : – Cha không phải
giải quyết thế nào. Tình thương yêu con cái đời cha ở lại nhưng tình yêu Thiên
Chúa kéo cha lên cao.
Cả Âu Châu thương tiếc Ngài. 21 năm sau, Đức Alexander III phong Ngài lên
bậc hiển thánh. Năm 1830, Ngài được đặt làm tiến sĩ Hội Thánh. Ngài đã sống trước
khi hình thành thuyết kinh viện và bởi vì giáo huấn của Ngài còn nằm trong truyền
thống các giáo phụ, người ta thường coi Ngài là thánh giáo phụ cuối cùng.
(daminhvn.net)
20 Tháng Tám
Hai Vì Sao Mỉm Cười
Một vị ẩn sĩ nọ tịnh niệm và chay tịnh đến suốt ngày không động đến thức
ăn và nước uống.Từ trên đỉnh núi cao, ai ai cũng thấy có một ngôi sao xuất hiện
giữa ban ngày: đó là dấu hiệu trời cao chấp nhận của lễ hy sinh của ông.
Ngày nọ, vị ẩn sĩ quyết định leo lên núi cao. Ông muốn vươn lên cao hơn
trong sự khổ chế. Vừa lúc ông đương leo núi, thì một cô bé trong làng chạy tới
xin đi theo. Không thể từ chối được, vị ẩn sĩ đành để cho cô bé đi theo. Họ ra
đi khi mặt trời vừa lên. Nhưng không mấy chốc, ánh nắng mỗi lúc một chói chang,
cả vị ẩn sĩ lẫn cô bé gái đều cảm thấy khát nước. Vị ẩn sĩ vẫn cố gắng khắc phục
cơn khát của mình, nhưng ông lại giục cô gái hãy uống nước. Cuối cùng, không ai
chạm đến nước. Vị ẩn sĩ không uống nước vì lời thề của mình, còn cô gái không nỡ
uống một mình.
Họ càng đi, cơn khát càng dằn vặt. Ðến một lúc, vị ẩn sĩ không nỡ nhẫn
tâm nhìn thấy cô bé phải quằn quại trong cơn khát. Cuối cùng, ông đành lỗi lời
thề. Ông cầm lấy nước đưa lên miệng và lúc bấy giờ cô bé gái cũng mỉm cười uống
nước với ông. Sau khi đã uống nước, vị ẩn sĩ không dám nhìn lên trời cao nữa.
Ông cứ đinh ninh rằng vì sao hiện ra mỗi ngày như một chứng giám cho sự khổ chế
của ông, giờ đây có lẽ đã biến mất. Thế nhưng, trước sự ngạc nhiên vỡ lở của
ông, khi ông ngước mắt nhìn lên đỉnh núi, ông thấy có hai vì sao lấp lánh như
đang mỉm cười với ông.
Ðể mặc khải cho chúng ta bộ mặt thông cảm, nhân từ, yêu thương của Thiên
Chúa, Chúa Giêsu đã không ngần ngại đến ngồi đồng bàn với những người thu thuế,
những kẻ tội lỗi. Phúc Âm ghi lại rằng, khi đi qua dãy bàn thu thuế, Ngài đã
nhìn thấy Matthêô. Ngài đã chọn ông vào số các tông đồ của Ngài. Trong bữa tiệc
do Matthêô khoản đãi, những người bạn của ông ngồi cùng bàn với Chúa Giêsu. Thấy
thế, những người biệt phái đã tỏ ra khó chịu. Chúa Giêsu đã nói với họ như sau:
“Không phải những kẻ khỏe mạnh cần đến thầy thuốc, mà chính là những người đau ốm.
Hãy đi học hiểu câu nói: Ta muốn lòng nhân từ chứ không phải của lễ”.
Qua thái độ và lời phát biểu trên đây, Chúa Giêsu muốn cho chúng ta thấy
rằng cốt lõi của Tin Mừng, cốt lõi của Ðạo chính là tình thương. Thực thi bác
ái là việc ăn chay có giá trị nhất, là của lễ cao đẹp nhất mà con người có thể
dâng lên Thiên Chúa. Nếu chỉ có một vì sao mọc lên để chứng giám cho một hành động
khổ chế, thì sẽ có hai vì sao hiện ra để xác nhận cho một hành động bác ái. Thật
ra, bác ái đích thực cũng là một hành động khổ chế, bởi vì nó đòi hỏi con người
phải chết cho bản thân, phải ra khỏi chính mình để đến với người khác. Một hành
động bác ái đích thực phải là một cái chết dần chết mòn trong chính bản thân.
Nói như mẹ Têrêxa Calcutta: “Khi tôi chia sẻ, khi tôi trao ban cho người
một điều gì làm tôi cảm thấy mát mát, đau khổ, thì sự chia sẻ của tôi mới có
giá trị. Tôi không chia sẻ và trao ban của dư thừa, mà chính là trao ban chính
tôi.
Khi tôi cố gắng chào hỏi một người tôi ghét cay ghét đắng, đó mới thật sự
là một hành động bác ái. Khi tôi có thể đến sống nghèo, chia sẻ kiếp sống nghèo
của người khác, đó mới là một hành động bác ái. Khi tôi có thể tha thứ cho những
người xúc phạm đến tôi, đó mới là một hành động bác ái thực sự. Tôi đã chết đi
một phần và cái chết ấy sẽ được Thiên Chúa của lòng nhân từ đón nhận như là lễ
hy sinh đích thực”.
(Lẽ Sống)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét