Trang

Thứ Ba, 3 tháng 9, 2019

04-09-2019 : THỨ TƯ - TUẦN XXII THƯỜNG NIÊN


04/09/2019
 Thứ tư tuần 22 thường niên


BÀI ĐỌC I: Cl 1, 1-8
“Lời chân thật đã đến với anh em, như đã đến trong khắp thiên hạ”.
Khởi đầu bức thư của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côlôxê. 
Phaolô, Tông đồ của Đức Giêsu Kitô do ý định của Thiên Chúa, và anh Timôthêu, kính gửi các thánh ở Côlôxê, và anh em tín hữu trong Đức Giêsu Kitô. Nguyện xin ân sủng và bình an của Thiên Chúa là Cha chúng ta và của Chúa Giêsu Kitô, ở cùng anh em.
Chúng tôi hằng cảm tạ Thiên Chúa, là Cha Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, khi chúng tôi cầu nguyện cho anh em, bởi nghe biết lòng tin của anh em vào Đức Giêsu Kitô, và lòng yêu mến của anh em đối với tất cả các thánh. Chúng tôi cảm tạ vì niềm hy vọng dành cho anh em trên trời, mà anh em đã nghe biết trong lời chân thật của Tin Mừng. Tin Mừng đó đã đến với anh em, như đã đến trong khắp thiên hạ, sinh hoa kết quả và gia tăng nơi anh em, từ ngày anh em đã nghe và nhận biết ơn Thiên Chúa trong chân lý. Như anh em đã thụ giáo cùng Êpaphra là đồng liêu rất yêu dấu của chúng tôi, là kẻ trung tín giúp việc Đức Giêsu Kitô thay cho chúng tôi. Ông cũng đã tỏ cho chúng tôi biết lòng yêu mến của anh em trong Thánh Thần. Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 51, 10. 11
Đáp: Tôi tin cậy vào lượng từ bi Chúa tới muôn đời (c. 10b).
Xướng:
1) Phần tôi như cây ô-liu xanh tốt trong nhà Thiên Chúa; tôi tin cậy vào lượng từ bi Chúa tới muôn đời. – Đáp.
2) Tôi sẽ ca ngợi Chúa muôn đời vì Chúa đã hành động, và tôi sẽ chúc tụng danh Ngài, vì danh Ngài thiện hảo trước mặt chư tín hữu. – Đáp.

ALLELUIA: 2 Tm 1, 10b
Alleluia, alleluia! – Đấng Cứu Chuộc chúng ta là Đức Giêsu Kitô, đã dùng Tin Mừng tiêu diệt sự chết, và chiếu soi sự sống. – Alleluia. 

PHÚC ÂM: Lc 4, 38-44
“Ta còn phải rao giảng Tin Mừng cho các thành khác, bởi chính vì thế mà Ta đã được sai đến”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, Chúa Giêsu chỗi dậy ra khỏi hội đường, Người đến nhà Simon. Nhạc mẫu ông Simon phải cơn sốt nặng, và người ta xin Người chữa bà ấy. Người đứng bên bà, truyền lệnh cho cơn sốt, và cơn sốt biến khỏi bà. Tức thì bà chỗi dậy, và dọn bữa hầu các ngài. Khi mặt trời lặn, mọi người có bệnh nhân đau những chứng bệnh khác nhau, đều dẫn họ đến cùng Người. Người đặt tay trên từng bệnh nhân, và chữa họ lành. Các quỷ xuất khỏi nhiều người và kêu lên rằng: “Ông là Con Thiên Chúa”. Nhưng Người quát bảo không cho chúng nói, vì chúng biết chính Người là Đức Kitô.
Đến sáng ngày (hôm sau), Người ra đi vào hoang địa, dân chúng liền đi tìm đến cùng Người, họ cố cầm giữ Người lại, kẻo Người rời bỏ họ. Người bảo họ rằng: “Ta còn phải rao giảng Tin Mừng nước Thiên Chúa cho những thành khác, bởi chính vì thế mà Ta đã được sai đến”. Và Người giảng dạy trong các hội đường xứ Giuđêa. Đó là lời Chúa.


Suy Niệm : Mến Chúa Và Yêu Người
Năm 1990, trong chuyến viếng thăm Phi Châu, Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã đến Gia Mô Su Cô, thủ đô nước Qua Tê Ðô Bu A để kính viếng Vương Cung Thánh Ðường Ðức Mẹ Nữ Vương Hòa Bình do tổng thống nước này cho xây cất và dâng tặng cho Tòa Thánh.
Ðược mô phỏng từ Vương Cung Thánh Ðường ở Rôma, ngôi giáo đường vĩ đại này có thể chứa đến tám ngàn chỗ ngồi và mười ngàn chỗ đứng. Người ta không biết rõ kinh phí xây cất ngôi thánh đường này là bao nhiêu, nhưng tổng thống Kufues cho biết mọi chi phí đều do gia đình ông đài thọ. Vào giữa lúc dân chúng Qua Tê Ðô Bu A vẫn còn sống trong nghèo nàn lạc hậu, nhiều người đã có lý để chất vấn ông Kufues tại sao không dùng số tiền kếch sù ấy để xây cất trường học và đẩy mạnh công cuộc phát triển có lợi cho dân nghèo. Ðây cũng chính là điều kiện để Tòa Thánh đón nhận món quà của tổng thống nước này.
Ðức Thánh Cha đã đến thánh hiến Vương Cung Thánh Ðường Ðức Mẹ Nữ Vương Hòa Bình nhưng đồng thời cũng kêu gọi tổng thống Kufues quan tâm tới công tác giáo dục và xã hội cho dân nghèo. Do đó, tổng thống Kufues đã tặng cho Giáo Hội một khu đất gần nhà thờ để thiết lập một bệnh viện cho người nghèo.
Ðức Thánh Cha đã thánh hiến ngôi giáo đường nguy nga nhưng đồng thời cũng đặt viên đá đầu tiên để xây cất bệnh viện. Cử chỉ này mang một ý nghĩa tượng trưng cao độ, nó nói lên mối quan tâm của Giáo Hội đối với vấn đề phát triển toàn diện con người.
Rao giảng Tin Mừng không chỉ có nghĩa là công bố những chân lý liên quan đến phần rỗi linh hồn, sống đạo không chỉ có nghĩa là xây cất nhà thờ và chu toàn những việc đạo đức đóng khung trong bốn bức tường nhà thờ. Góp phần phát triển xã hội, tranh đấu cho công bình, nỗ lực mang lại no cơm ấm áo và xoa dịu bao vết thương đau của con người, đó cũng là thành phần thiết yếu của công cuộc rao giảng Tin Mừng.
Giáo Hội trong thế giới ngày nay như hiến chế Vui Mừng và Hy Vọng khẳng định không thể xa lạ hay làm ngơ trước những vui mừng và hy vọng, đau thương và sầu khổ của con người thời đại, và những vấn đề sống còn của con người. Giáo Hội hành động như thế là vì tính cách toàn diện của ơn cứu rỗi. Thiên Chúa không chỉ cứu rỗi phần linh hồn mà cả con người với hồn lẫn xác. Giáo Hội loan báo ơn cứu rỗi toàn diện như thế là bởi vì chính Chúa Giêsu đã loan báo và thực hiện một ơn cứu rỗi như thế. Ngài không chỉ rao giảng và hứa hẹn một Nước Trời hoàn toàn xa lạ với những thực tại trần thế. Nước Trời mà Ngài rao giảng đến ngay trong những thực tại trần thế và trong cuộc sống cụ thể của con người. Ngài không chỉ tha tội trừ quỉ, chữa phần linh hồn mà còn dâng bánh và cá cho nhiều người được ăn no nê, cũng như chữa lành mọi thứ tật bệnh của con người.
Cử chỉ của Chúa Giêsu đối với nhạc mẫu của thánh Phêrô và việc Ngài đặt tay chữa những người bệnh tật ốm đau được ghi lại trong Tin Mừng hôm nay là điển hình của một tình yêu được trải rộng đến mọi người, từng người, từng nhu cầu của con người mà Chúa Giêsu muốn Giáo Hội tiếp tục trong thế giới ngày nay. Cần có nhà thờ để qui tụ lại, tôn vinh Thiên Chúa và thỏa mãn nhu cầu thiêng liêng của con người, nhưng càng cần có nhà thương và trường học để phục vụ con người hơn. Gặp gỡ Thiên Chúa trong nhà thờ đã đành, nhưng gặp gỡ Ngài trong tha nhân và cuộc sống hàng ngày mới thiết thực hơn. Có những giây phút tĩnh lặng để cầu nguyện, nhưng cầu nguyện là để được tỉnh thức hơn hầu gặp gỡ, yêu thương và phục vụ người anh em trong cuộc sống hàng ngày. Con đường nào cũng phải dẫn tới nhà thờ nhưng nhà thờ nào cũng có lối thông với cuộc đời. Người tín hữu Kitô gặp gỡ Chúa để múc lấy sức sống và trở lại cuộc sống hàng ngày hầu gặp gỡ và yêu thương người anh em của mình nhiều hơn.
Nguyện xin Chúa cho chúng ta biết thống nhất hai giới răn mến Chúa và yêu người và ý thức rằng cốt lõi của Ðạo là Tình Yêu.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)



Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Tư Tuần 22 TN1
Bài đọcCol 1:1-8; Lc 4:38-44.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Mỗi người cần đóng góp một tay cho việc rao giảng Tin Mừng.
Có thể nói việc quan trọng nhất trong cuộc đời là làm sao cho mọi người có lòng tin yêu Thiên Chúa để họ có thể đạt được cuộc sống đời đời. Rao giảng Tin Mừng là điều thiết yếu để khơi dậy niềm tin yêu và hy vọng của con người vào Thiên Chúa. Nhưng một “cánh én không thể làm nên một mùa xuân,” một người không thể làm hết mọi sự, Thiên Chúa cần mọi người chung sức trong việc rao giảng Tin Mừng. Vì thế, bổn phận của tất cả tín hữu, sau khi đã lãnh nhận niềm tin yêu, là góp phần vào việc rao giảng Tin Mừng bằng nhiều cách khác nhau, tùy khả năng như: rao giảng, cộng tác với các người rao giảng, cầu nguyện và giúp đỡ cho công cuộc truyền giáo, giúp các nhà rao giảng có sức khỏe để phục vụ Chúa cách đắc lực.
Các Bài Đọc hôm nay tập trung trong việc cộng tác giữa Thiên Chúa và con người trong việc làm cho Tin Mừng được lan rộng đến mọi nơi. Trong Bài Đọc I, Phaolô dẫn chứng Tin Mừng có hiệu lực vì đến từ Ba Ngôi Thiên Chúa. Cả Ba Ngôi cùng cộng tác với nhau trong việc khơi dậy và ban đức tin, cậy, mến cho con người. Ngoài ra, Thiên Chúa dùng con người để cộng tác vào việc tiếp tục rao truyền Tin Mừng. Phaolô có 2 cộng tác viên đắc lực trong việc rao giảng Tin Mừng là Timothy và Epaphras. Cộng đoàn Colossê có Epaphras, và chính họ cũng giúp đỡ lẫn nhau để củng cố và làm cho Tin Mừng được lan rộng. Trong Phúc Âm, Đức Kitô phải trở nên gương mẫu cho các nhà rao giảng Tin Mừng. Ngài không quản mệt nhọc rao giảng Tin Mừng trong các hội đường, chữa lành mọi vết thương hồn xác cho mọi người. Sau khi được chữa bệnh, bà nhạc của Phêrô đã mau mắn chỗi dậy phục vụ các sứ giả của Tin Mừng bằng cách chuẩn bị bữa ăn cho các ngài. Khi được yêu cầu để ở lại, Chúa Giêsu đã từ chối và tiếp tục lên đường.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Tin Mừng hiệu nghiệm là do sự cộng tác giữa Thiên Chúa và con người.
1.1/ Tin Mừng có sức mạnh lan rộng vì đến từ Thiên Chúa.
(1) Ân sủng của Chúa Cha: Tin Mừng trước tiên là quà tặng của Thiên Chúa ban cho con người: Ngài ban Đức Kitô cho con người, và tạo mọi cơ hội cho con người gặp gỡ Đức Kitô. Ngài gởi Thánh Thần đến để soi sáng và thúc đẩy con người tin vào Đức Kitô. Thánh Phaolô nhận ra hồng ân cao cả này và tạ ơn Thiên Chúa Cha cho các tín hữu: “Xin Thiên Chúa là Cha chúng ta ban cho anh em ân sủng và bình an. Chúng tôi không ngừng tạ ơn Thiên Chúa, là Thân Phụ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, khi cầu nguyện cho anh em.”
(2) Dạy dỗ bởi Đức Kitô: Đức Kitô đã thân hành xuống thế giảng dạy, và để lại những gì ngài giảng dạy qua các Tông-đồ, những người rao giảng Tin Mừng, và các Thánh-sử, những người ghi chép lại Tin Mừng.
– Tin Mừng có sức mạnh tạo nên ba nhân đức đối thần: tin, cậy, mến nơi con người: “Thật vậy, chúng tôi đã được nghe nói về lòng tin của anh em vào Đức Giêsu Kitô, và về lòng mến của anh em đối với toàn thể dân thánh; lòng tin và lòng mến đó phát xuất từ niềm trông cậy dành cho anh em trên trời, niềm trông cậy anh em đã được nghe loan báo khi lời chân lý là Tin Mừng đến với anh em.”
– Tin Mừng có sức mạnh lan rộng đến toàn cõi đất: “Tin Mừng này đang sinh hoa trái và lớn lên trên toàn thế giới như thế nào, thì nơi anh em cũng vậy, từ ngày anh em được nghe nói và nhận biết ân sủng của Thiên Chúa thực sự là gì.”
(3) Soi sáng và thánh hóa bởi Thánh Thần: Nhiều lần thánh Phaolô đã nhấn mạnh đến vai trò của Thánh Thần trong việc làm cho các tín hữu tin vào Tin Mừng khi ngài nói: Không ai có thể tin vào Đức Kitô và gọi Thiên Chúa là Cha, nếu không được Thánh Thần tác động. Ngoài ra, Chúa Thánh Thần còn ban các đặc sủng cho cả người rao giảng lẫn người nghe. Hơn nữa, nguyên việc có thể hiểu Tin Mừng là tác động của Thánh Thần. Trong trình thuật hôm nay, thánh Phaolô quy lòng mến các tín hữu có được là quà tặng của Chúa Thánh Thần.
1.2/ Cần nhiều sứ giả cộng tác với nhau trong việc phục vụ Tin Mừng: Thiên Chúa, Đấng có thể làm tất cả, chọn con người cộng tác với Ngài trong việc loan truyền Tin Mừng. Con người phải cộng tác với Thiên Chúa và cộng tác với nhau trong việc làm cho Tin Mừng lan rộng đến mọi người và mọi nơi. Chỉ trong một đoạn Tin Mừng ngắn ngủi, Phaolô cho thấy sự cần thiết của việc cộng tác giữa người và người:
(1) Phaolô có Timothy, người anh em luôn cộng tác đắc lực với ngài.
(2) Cộng đoàn Colossê có Epaphras, người đồng sự yêu quý của Phaolô và là người thay thế Phaolô với tư cách là người phục vụ trung thành của Đức Kitô.
(3) Các người trong cộng đoàn Colossê cộng tác với nhau.
2/ Phúc Âm: Đức Kitô nhiệt thành rao truyền Tin Mừng mọi nơi.
2.1/ Đức Kitô chữa lành mọi vết thương hồn xác cho con người.
(1) Chữa lành bà nhạc Phêrô: là do sự cộng tác của nhiều người: Phêrô, các bạn của Phêrô, Đức Kitô: “Đức Giêsu rời khỏi hội đường, đi vào nhà ông Simon. Lúc ấy, bà mẹ vợ ông Simon đang bị sốt nặng. Họ xin Người chữa bà.” Bà nhạc của Phêrô trở thành người phục vụ Tin Mừng sau khi được chữa lành: “Đức Giêsu cúi xuống gần bà, ra lệnh cho cơn sốt, và cơn sốt biến mất: tức khắc bà trỗi dậy phục vụ các ngài.”
(2) Chữa lành mọi bệnh hoạn tật nguyền: “Lúc mặt trời lặn, tất cả những ai có người đau yếu mắc đủ thứ bệnh hoạn, đều đưa tới Người. Người đặt tay trên từng bệnh nhân và chữa họ.”
Sứ vụ của Đức Kitô ngoài việc rao giảng Tin Mừng là diệt trừ ảnh hưởng của quỉ thần trên con người. Trong Tin Mừng, nhiều lần Ngài đã khử trừ chúng ra khỏi con người. Trong trình thuật hôm nay, trước khi quỉ xuất khỏi nhiều người, chúng la lên rằng: “Ông là Con Thiên Chúa!” Nhưng Người quát mắng, không cho phép chúng nói, vì chúng biết Người là Đấng Kitô.
2.2/ Tin Mừng cần được rao giảng mọi nơi: Khuynh hướng an toàn của con người là muốn giữ nhà rao giảng và chữa bệnh ở lại với mình, để sinh lợi ích cho cá nhân hay cho cộng đồng của họ. Vì thế, họ đi tìm Người; và khi đã tìm thấy Người, họ muốn giữ Người lại, kẻo Người bỏ họ mà đi.” Nhưng Người nói với họ: “Tôi còn phải loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa cho các thành khác nữa, vì tôi được sai đi cốt để làm việc đó.” Và Người đi rao giảng trong các hội đường miền Judah. Đây phải là bài học quan trọng cho mọi người.
– Nhà rao giảng phải tiếp tục lên đường, tiếp tục cho đi cho tới khi hoàn tất sứ vụ Thiên Chúa trao. Nhà rao giảng không được phép ở lại một chỗ để tìm sự an toàn cho chính mình, đang khi con người đang khao khát được nghe Tin Mừng.
– Các tín hữu cần nhớ Tin Mừng cần được rao giảng cho mọi người và mọi nơi. Họ không thể ích kỷ chỉ biết giữ cho mình, vì giữ lại là sẽ mất. Họ phải tìm cách khích lệ và làm nhà rao giảng an tâm để tiếp tục lên đường, phần họ sẽ ở lại để củng cố và rao giảng Tin Mừng.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
– Bổn phận quan trọng nhất trong cuộc đời chúng ta là cộng tác với Thiên Chúa trong việc loan truyền Tin Mừng cho mọi người, sao cho tất cả đều được hưởng ơn cứu độ.
– Chúng ta có thể đóng góp vào công cuộc rao giảng Tin Mừng bằng nhiều cách: trực tiếp như rao giảng Phúc Âm, dạy học, viết bài, dạy giáo lý … gián tiếp như đóng góp thời gian, tiền của, tài năng, công sức để giúp cơ hội cho những nhà rao giảng Tin Mừng.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP


04/09/2019 – THỨ TƯ ĐẦU THÁNG TUẦN 22 TN
Lc 4,38-44

VỚI TỪNG NGƯỜI
“Người đặt tay trên từng bệnh nhân và chữa họ.” (Lc 4,40)

Suy niệm: Sự kiện mới xảy ra tại thủ đô của một quốc gia giàu có gây sốc cho nhiều người: Han Sung-ok, 42 tuổi, trốn khỏi Triều Tiên tìm đến sống ở Hàn quốc để mong thoát khỏi cảnh túng đói. Thế nhưng cuối tháng 7 vừa qua, người ta phát hiện cô và con trai 6 tuổi chết vì đói ăn tại Seoul, một trong những thành phố giàu nhất Á Châu. Giá như những người chung quanh biết và giúp họ chỉ một chút ít thôi, xã hội tránh được một sự cố đau lòng. Trong khi đi rao giảng, Chúa Giê-su bị vây quanh bởi đám đông dân chúng thuộc đủ mọi thành phần nhưng Ngài luôn dành tình yêu cho từng người đến với mình. Bài Tin Mừng hôm nay kể rằng: “Người đặt tay trên từng bệnh nhân và chữa lành họ” (Lc 4,40). Chúa Giê-su không loại trừ một ai, không xa tránh người nào. Mọi người và từng người, cho dù họ là gì, họ đều là đối tượng cho tình yêu thương của Ngài. Ngài được sai đến để hết mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý.
Mời Bạn: Trong cuộc sống hằng ngày, người ta dễ bị lôi cuốn vào dòng xoáy của công việc, dịch vụ, cơ hội, các mối giao tiếp,… đến nỗi không còn quan tâm đủ đến những người đến với mình. Lắm khi họ tiếp xúc cách hời hợt, lạnh lùng với chính người thân đang sống trong cùng mái nhà với mình. Nếu không ý tứ, con virus thờ ơ lãnh đạm đã thâm nhập và phá hoại tâm hồn ta từ lúc nào rồi mà ta không biết.
Sống Lời Chúa: Xét lại thái độ của bạn đối với người thân bên cạnh: Bạn có nhận ra những nỗi niềm của họ và họ đang cần sự trợ giúp của bạn không? Bạn có sẵn sàng trợ giúp họ theo khả năng của bạn không?
Cầu nguyện: Đọc kinh Kính Mến.
(5 Phút Lời Chúa)


Phải loan báo Tin Mừng (4.9.2019 – Thứ tư Tuần 22 Thường niên)

Suy niệm
Sáng ngày sa-bát Đức Giêsu đã giảng dạy ở hội đường Caphácnaum.
Lời của Ngài đầy uy quyền và uy lực.
Lời ấy đã trục được quỷ khỏi một người đàn ông (Lc 4, 31-37).
Có lẽ đến trưa, Đức Giêsu rời khỏi hội đường để về nhà ông Simôn.
Tiếc thay bà mẹ vợ của ông lại bị sốt nặng, nằm một chỗ.
Người ta yêu cầu Ngài chữa cho người phụ nữ này.
Ngài đã lại gần và cúi xuống trên bà.
Ngài quát mắng cơn sốt như đã quát mắng thần ô uế (c. 39).
Lập tức cơn sốt phải rút lui.
Bà có thể đứng dậy được để phục vụ cơm nước cho Đức Giêsu và môn đệ.
Một lần nữa, chúng ta lại thấy sức mạnh của Lời Ngài.
Ngài chữa bệnh cho người phụ nữ chỉ bằng một lời ra lệnh.
Bệnh tật, dù nhẹ đi nữa, cũng làm phiền con người,
làm cản trở mọi sinh hoạt bình thường, và làm con người mất tự do.
Đức Giêsu đã nâng dậy một người đang nằm, mất sức làm việc.
Khi mặt trời lặn, lúc đã hết ngày sa-bát là ngày lễ nghỉ,
người ta mới đem cho Ngài những người bị đau đủ thứ bệnh.
Ngài chữa cho họ bằng cách đặt tay trên từng người (c. 40).
Đức Giêsu cúi xuống và chạm vào nỗi đau của từng thân xác.
Không rõ khi nào Ngài dừng tay để đi ngủ.
Chỉ biết khi trời hừng sáng, Ngài đã thức dậy ra đi, đến một nơi vắng vẻ.
Hẳn là Ngài cần chút thinh lặng, xa đám đông, để gặp gỡ Cha,
Ngài cần dâng cho Cha một tuần mới đang đến.
ức Giêsu không chỉ mê phục vụ cho đám đông,
Ngài còn mê ở một mình, mê cầu nguyện, mê chỗ vắng.
Nhưng các đám đông hối hả đi tìm Ngài, vì nhiều người cần chữa bệnh.
Khi bắt được Ngài, họ không cho Ngài lìa bỏ họ (c. 42).
Thành công và tiếng tăm, thiện cảm và sự thân quen gần gũi,
là những điều có thể giữ chân người tông đồ.
Trước sự chèo kéo của những người đau yếu đang thực sự cần Ngài,
Đức Giêsu vẫn muốn giữ cho mình sự tự do của người được Cha sai.
Ngài nhìn thấy cánh đồng mênh mông của thế giới.
Ngài hiểu là mình không được phép dừng chân ở một chỗ, để đặt trụ sở.
Ngài biết là mình được mời gọi lên đường mỗi ngày.
Đâu phải chỉ có thành Caphácnaum hay Nadarét hay vùng Galilê.
“Tôi còn phải loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa
cho các thành khác nữa, vì tôi được sai cốt để làm chuyện đó” (c. 43).
Chữ phải đến như một mệnh lệnh từ Cha, kéo Đức Giêsu đi không nghỉ.
Ngài vượt qua bao biên giới của gia đình, làng quê, tỉnh thành…
Rồi có ngày việc loan báo Tin Mừng sẽ trải dài đến tận cùng thế giới.
Khi chữa lành cho con người, Đức Giêsu cho thấy Nước Thiên Chúa đến.
Con người hôm nay cũng bị đau yếu về nhiều mặt.
Mong mỗi tông đồ hôm nay cũng có khả năng chữa lành như Thầy Giêsu.
Lời nguyện
Lạy Chúa Giêsu thương mến,
xin ban cho chúng con
tỏa lan hương thơm của Chúa
đến mọi nơi chúng con đi.
Xin Chúa hãy tràn ngập tâm hồn chúng con
bằng Thần Khí và sức sống của Chúa.
Xin Chúa hãy xâm chiếm toàn thân chúng con
để chúng con chiếu tỏa sức sống Chúa.
Xin Chúa hãy chiếu sáng qua chúng con,
để những người chúng con tiếp xúc
cảm nhận được Chúa đang hiện diện nơi chúng con.
Xin cho chúng con biết rao giảng về Chúa,
không phải bằng lời nói suông,
nhưng bằng cuộc sống chứng tá,
và bằng trái tim tràn đầy tình yêu của Chúa.
(Mẹ Têrêxa Calcutta)
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.


Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
4 THÁNG CHÍN
Cắm Rễ Thâm Sâu Trong Thiên Chúa
Ý nghĩa của việc “củng cố mạnh mẽ con người nội tâm” – là hoạt động của Chúa Thánh Thần trong lòng chúng ta – được giải thích rõ trong thư gửi tín hữu Eâphêsô: “Xin cho anh em được bén rễ sâu và xây dựng vững chắc trên đức ái, để có đủ sức thấu hiểu và nhận biết tình yêu của Đức Kitô vốn vượt quá mọi sự hiểu biết. Như vậy anh em sẽ được đầy tràn tất cả sự viên mãn của Thiên Chúa”. (Ep 3,17-19).
Điều đó chỉ có thể được hoàn thành bởi quyền năng của Chúa Thánh Thần hoạt động trong tinh thần con người. Chỉ có Chúa Thánh Thần mới có thể khai phóng cho chúng ta sự viên mãn của con người nội tâm như được tìm thấy nơi tấm lòng của Đức Kitô. Chỉ có Ngài mới có thể làm cho tâm hồn chúng ta ngày càng hấp thu năng lực từ nguồn viên mãn này. Tâm hồn chúng ta – tức con người nội tâm – không thể chỉ dừng lại nơi những ưu tư về các thực tại chóng qua. Không, chúng ta phải “bén rễ sâu” trong tình yêu không bao giờ hư mất.
Nguyện xin Nữ Tì khiêm cung của Thiên Chúa cầu thay nguyện giúp cho chúng ta, để trái tim nhân loại của chúng ta có thể “bén rễ sâu” trong Thiên Chúa, vì chỉ có Ngài là tình yêu không bao giờ hư mất. Và tình yêu này được mạc khải nơi trái tim nhân loại của Đấng được sinh bởi cung lòng Đức Maria.
– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II


Lời Chúa Trong Gia Đình
NGÀY 04/ 9
Cl  1, 1-8;  Lc 4, 38-44.

LỜI SUY NIỆM: : “Đức Giêsu ra khỏi hội đường, đi vào nhà ông Simon. Lúc ấy, bà mẹ vợ ông Simon đang bị sốt nặng. Họ xin Người chữa bà. Đức Giêsu cúi xuống gần bà, ra lệnh cho cơn sốt, và cơn sốt biến mất; tức khắc bà trỗi dậy phục vụ các ngài.”
          Đối với Chúa Giêsu, bất cứ ai đặt trọn niềm tin vào Người mà cầu xin bất cứ điều gì cho bản thân mình hay cho người khác với tình thương chân thật, đều được Người hiện diện, nhậm lời và ban cho những ơn cần thiết để vui sống mà phục vụ.
          Lạy Chúa Giêsu. Xin cho chúng con luôn biết cầu nguyện cho mình và cho người anh em, và khi nhận được ơn lành của Chúa thì biết tạ ơn với cung cách phục vụ lẫn nhau.
Mạnh Phương


04 Tháng Chín
Người Ta Sao, Tôi Vậy!
Theo khuynh hướng tự nhiên, có lẽ ai trong chúng ta cũng thích dựa theo đám đông để hành động.
Chúng ta thử quan sát trong sự đi lại trong các thành phố. Cũng như xe cộ, khách bộ hành cũng phải tuân theo đèn xanh, đèn đỏ. Những buổi chiều khi tan sở, người ta thường thấy các xe cộ nối đuôi nhau ở các ngã tư. Ðối lại với một chuỗi dài của những xe cộ, người ta cũng thấy lố nhố cả một đoàn người đang chờ đèn xanh để qua đường.
Quan sát cho kỹ, thỉnh thoảng người ta thấy một điều rất buồn cười, nhưng cũng rất bình thường: nếu có một người trong đám bộ hành này, vội vàng vì công việc hoặc không đủ kiên nhẫn, đã lợi dụng lúc vắng xe để băng qua đường bất chấp đèn đỏ, thì lúc đó, một số người trong đám đứng đợi cũng sẽ làm theo, nghĩa là cũng sẽ băng qua đường ngay giữa lúc đèn còn đỏ… Những người đi theo này có lẽ không nhìn thấy những dấu hiệu của luật lệ đi đường, mà chỉ làm theo người khác. Ðối với những người này, dấu hiệu để băng qua đường này không phải là đèn xanh, mà là gương của người khác.
Trong cuộc sống hằng ngày cũng thế, nhiều người trong chúng ta có lẽ không hành động, không cư xử theo những dấu hiệu, theo những chỉ dẫn của chân lý, mà có lẽ theo gương kẻ khác nhiều hơn. Người ta làm sao, tôi làm vậy! Ðó là lý luận thông thường của chúng ta. Như thế người vượt đèn đỏ để băng qua đường chỉ làm một hành động cá nhân cho riêng mình, mà còn trở thành dấu hiệu để cho không biết bao nhiêu người làm theo.
Không ai có thể tự phụ sống cho riêng mình mà hoàn toàn không ảnh hưởng gì đến người khác. Bằng lời nói hay hành động, tất cả mọi hành xử của chúng ta đều gây một chấn động nào đó với người khác. Một cách nào đó, chúng ta không sống như một hòn đảo, mà là một dấu hiệu đối với người khác.
Riêng với những môn đệ của Ðức Kitô, thì vai trò dấu hiệu ấy càng hiển nhiên hơn. Thật thế, Chúa Giêsu đã quả quyết: “Các con là muối đất, các con là ánh sáng thế gian”.
Ước gì cuộc sống chứng ta của bác ái, của nhẫn nhục, của tha thứ, của quảng đại, của phục vụ và của sự cần kiệm liêm chính mà người Kitô luôn phải thể hiện, có sức trở thành dấu hiệu của chân lý, của Sự Sống. Và để trở thành dấu hiệu cho người khác, người Kitô cần phải luôn hướng nhìn về Ðấng là Ðường, là Sự Thật và là Sự Sống. Sống theo Ngài, cư xử như Ngài, người Kitô cũng sẽ lôi cuốn nhiều người đến với Ngài.
(Lẽ Sống)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét