30/09/2019
Thứ Hai tuần 26 thường niên
Thánh Giêrônimô, linh mục, tiến sĩ Hội Thánh.
Lễ nhớ
* Thánh
nhân sinh quãng năm 340 tại Xơtriđôn, Đanmaxia. Người đến Rôma học văn chương
và đã lãnh bí tích Thánh Tẩy tại đó. Người sang Đông phương và làm linh mục. Trở
lại Rôma, người làm thư ký cho Đức Giáo Hoàng Đamaxô. Thời gian này, người bắt
đầu dịch Sách Thánh sang tiếng La tinh và cổ võ nếp sống đan
tu. Nhưng nhất là người đã sống 35 năm cuối đời ở Bêlem, gần cái hang nơi Đức
Giêsu ra đời. Ở đây, người cầu nguyện hãm mình, chăm chỉ nghiên cứu, dịch
và chú giải Kinh Thánh. Người qua đời ở Bêlem năm 420.
BÀI ĐỌC
I: Dcr 8, 1-8
"Ta sẽ cứu
dân Ta khỏi đất phía mặt trời mọc và phía mặt trời lặn".
Trích
sách Tiên tri Dacaria.
Có lời Chúa các đạo binh phán rằng: "Đây Chúa
các đạo binh phán: Ta đã ghen tức Sion với lòng ghen tức cực độ; Ta đã ghen tức
nó với cơn phẫn nộ quá sức".
Chúa các đạo binh còn phán như thế này: "Ta trở
về Sion, và sẽ ngự giữa Giêrusalem; Giêrusalem sẽ được gọi là Thành chân lý, và
núi Chúa các đạo binh sẽ được gọi là Núi thánh".
Chúa các đạo binh lại phán như thế này: "Sẽ còn
có lão ông lão bà cư ngụ trên phố phường Giêrusalem, mỗi người cầm gậy trong
tay, vì họ đã cao niên. Các ngả đường thành phố đầy những trẻ nam trẻ nữ chơi
trên đường phố".
Chúa các đạo binh phán thêm rằng: "Trong những
ngày ấy, nếu điều đó làm chướng mắt những kẻ còn sót lại trong dân, chớ thì nó
sẽ làm chướng mắt Ta sao?" Chúa các đạo binh phán như vậy. Chúa các đạo
binh còn phán rằng: "Này đây Ta sẽ cứu dân Ta thoát khỏi đất phía mặt trời
mọc và phía mặt trời lặn. Ta sẽ dẫn chúng về cư ngụ giữa Giêrusalem: Chúng sẽ
là dân Ta và Ta sẽ là Thiên Chúa của chúng, trong chân lý và công
chính". Đó là lời Chúa.
ĐÁP
CA: Tv 101, 16-18. 19-21. 29 và 22-23
Đáp:
Chúa sẽ tái lập Sion, và xuất hiện trong vinh quang xán lạn (c. 17).
1) Lạy Chúa, muôn dân sẽ kính tôn danh thánh Chúa,
và mọi vua trên địa cầu sẽ quý trọng vinh quang Ngài; khi Chúa sẽ tái lập Sion,
Chúa xuất hiện trong vinh quang xán lạn; Chúa sẽ đoái nghe lời nguyện kẻ túng
nghèo, và không chê lời họ kêu van. - Đáp.
2) Những điều này được ghi lại cho thế hệ mai sau,
và dân tộc được tác tạo sẽ ca tụng Thiên Chúa. Từ thánh điện cao sang Chúa đã
đoái nhìn, từ trời cao Chúa đã nhìn xuống trần thế, để nghe tiếng than khóc của
tù nhân, để giải thoát kẻ bị lên án tử. - Đáp.
3) Con cháu của bầy tôi Chúa sẽ được an cư, và miêu
duệ chúng sẽ tồn tại trước thiên nhan, để người ta truyền bá danh Chúa tại
Sion, và lời khen ngợi Ngài ở Giêrusalem, khi chư dân cùng nhau quy tụ, và các
vua nhóm họp để phụng thờ Chúa. - Đáp.
ALLELUIA:
Tv 129, 5
Alleluia,
alleluia! - Con hy vọng rất nhiều vào Chúa, linh hồn con trông cậy ở lời Chúa.
- Alleluia.
PHÚC
ÂM: Lc 9, 46-50
"Kẻ nào
bé nhỏ nhất trong tất cả các con, đó là người cao trọng nhất".
Tin
Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, các mộn đệ nghĩ ngợi trong lòng rằng ai
trong các ông sẽ là người cao trọng nhất. Chúa Giêsu thấu biết tư tưởng trong
lòng các ông, Người liền dẫn một trẻ nhỏ tới, để đứng bên cạnh Người, và bảo
các ông rằng: "Hễ ai đón nhận trẻ nhỏ này vì danh Thầy, tức là đón nhận Thầy:
mà hễ ai đón nhận Thầy, tức là đón nhận Đấng đã sai Thầy. Vì kẻ nào bé nhỏ nhất
trong tất cả các con, đó là người cao trọng nhất".
Gioan lên tiếng thưa Người rằng: "Lạy Thầy,
chúng con thấy một người kia lấy danh Thầy mà trừ quỷ, và chúng con đã ngăn cản
nó, vì nó không theo Thầy cùng với chúng con". Chúa Giêsu bảo ông rằng:
"Các con chớ ngăn cản, vì ai không chống nghịch các con, tức là thuận với
các con". Đó là lời Chúa.
SUY NIỆM
: Nhân Danh Chúa Giêsu
Một hôm, họa sĩ Picasso đến một xưởng mộc làm một
cái tủ. Ông lấy bút phác họa hình thù và kích thước cái tủ rồi trao cho người
thợ mộc và hỏi giá cả. Người thợ mộc cầm lấy tờ giấy một cách trân trọng và trả
lời: "Ngài không phải trả gì cả, chúng tôi chỉ xin Ngài ký tên vào giấy
này là đủ rồi".
Tên tuổi gắn liền với sự nghiệp của con người. Người
ta nhắc nhớ và đề cao tên tuổi của những bậc anh hùng, những người tài ba, những
ân nhân của dân tộc hay nhân loại. Nhưng người ta phỉ nhổ và nguyền rủa tên tuổi
của những con người chỉ biết gây đau thương tang tóc cho đồng loại. Khi một người
nào đó đã được nổi tiếng, thì tên tuổi người đó tạo được một sức mạnh lạ thường.
Chúng ta thích xin chữ ký của những người nổi tiếng, chúng ta thích ăn mặc và sử
dụng những sản phẩm có chữ ký hoặc tước hiệu của những người nổi tiếng. Một
cách nào đó, chúng ta tôn thờ tên tuổi của những người nổi tiếng, chúng ta tự đặt
mình dưới quyền lực của những người nổi tiếng.
Ðối với người Kitô hữu, như thánh Phêrô đã nói trước
Công nghị Do thái: "Dưới bầu trời này không một danh hiệu nào đã được ban
cho con người, để được cứu rỗi, ngoài danh Chúa Giêsu Kitô".
Trong Tin Mừng hôm nay, thánh Luca cũng ghi lại sức
mạnh của Danh Giêsu. Chính nhân danh Ngài mà một số người có thể xua trừ ma quỉ
và chữa bệnh. Nhân Danh Chúa là một quyền hạn đã được trao ban cho các môn đệ
Chúa Giêsu. Người ta chỉ có thể trừ quỉ và như vậy tiếp tục hoạt động cứu rỗi của
Chúa Giêsu nhờ quyền năng Ngài và lòng tin vào Ngài mà thôi. Ðó là lý do tại
sao Chúa Giêsu đã không lo ngại với những kẻ lén lút nhân danh Ngài để trừ quỉ,
bởi vì khi hành động như thế, họ chỉ hành động với lòng tin vào quyền năng Ngài
mà thôi.
Danh Chúa Giêsu không những có sức mạnh chữa lành bệnh
và xua trừ ma quỉ, mà còn tạo được mối tương quan giữa con người . Chính nhân
danh Ngài mà con người mới có thể tập họp để cầu nguyện; chính nhân danh Ngài
mà con người phải tiếp rước những kẻ Ngài sai đi; chính nhân danh Ngài mà con
người phải đón rước tha nhân, nhất là những kẻ bé mọn, hèn kém như các trẻ em.
Chúa Giêsu nói: "Ai nhân danh Thầy mà đón tiếp trẻ nhỏ này là đón tiếp Thầy,
và ai đón tiếp Thầy là đón tiếp Ðấng đã sai Thầy". Câu nói của Chúa Giêsu
cho thấy được bản chất của Giáo Hội: Chúa Giêsu tiếp tục sống trong Giáo Hội
Ngài, không như một vĩ nhân sống trong sự nghiệp mình và trong ký ức của dân tộc;
Giáo Hội chính là một nối dài của Chúa Giêsu, Giáo Hội sống bằng sức sống của
Chúa Giêsu.
Người Kitô hữu không chỉ mang danh hiệu Chúa Giêsu,
họ còn sống bằng chính sức sống của Ngài. Ngài tự đồng hóa mình với mỗi tín hữu.
Người Kitô hữu nhân danh Ngài để hành động, đến độ họ có thể nói như thánh
Phaolô: "Tôi sống, nhưng không phải tôi sống, mà là chính Chúa Kitô sống
trong tôi".
Chúng ta thường nói đến tội kêu tên Chúa vô cớ,
chúng ta nói đến tội xúc phạm Danh Chúa. Thực ra, khi cuộc sống chúng ta chưa
là thể hiện của sức sống Chúa Kitô trong chúng ta; khi nhìn vào chúng ta, người
ta chưa nhận ra Chúa Kitô đang sống trong chúng ta, phải chăng đó không là một
kiểu chúng ta kêu tên Chúa một cách vô cớ và làm ô Danh Ngài?
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Hai Tuần 26 TN1
Bài đọc: Zec 8:1-8; Lk 9:46-50.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Hãy biết quên mình để phục vụ tha nhân
Các Bài Đọc hôm nay chú trọng đến việc quên mình để
phục vụ tha nhân. Trong Bài Đọc I, tiên-tri Zechariah khuyên con cái Israel tin
tưởng nơi tình yêu Thiên Chúa, để vững tâm xây dựng một Jerusalem thái bình.
Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu chỉ cho các môn đệ biết con đường để trở thành người
lớn nhất trong Nước Trời: Hãy trở nên nhỏ nhất và phục vụ các trẻ thơ.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài
đọc I: Thị kiến về
tương lai an bình của Jerusalem.
1.1/ Thành Trung Tín sẽ được thiết lập trên Núi
Thánh của Thiên Chúa: Bản dịch của Nhóm PVCGK lẫn lộn hai thời quá khứ và
tương lai trong câu hai và câu ba; nên không lột tả được ý nghĩa của lời sấm của
tiên tri Zechariah. Hai câu này cần được dịch và phân tích như sau:
(1) Câu hai là những gì đã xảy ra trong quá khứ:
"Vì Sion, Ta đã phát ghen dữ dội, Ta đã nổi giận đến
tột cùng vì nó.'' Bản LXX dùng hai động từ ở thời quá khứ (aorist); bản MT dùng
động từ ở thời quá khứ (piel). Câu này gợi lại cho dân chúng biết lý do của việc
phải đi lưu đày, họ đã làm cho Đức Chúa tức giận tột độ vì lối sống không cần
Thiên Chúa và bất công với tha nhân.
(2) Câu ba là những gì sẽ xảy đến trong tương lai: Đức
Chúa phán thế này: ''Ta sẽ trở lại Sion, Ta sẽ ngự lại ở
Jerusalem. Jerusalem sẽ được gọi là Thành Trung Tín, và núi của
Đức Chúa các đạo binh là Núi Thánh.'' Cả hai, Bản LXX và MT đều dùng ba động từ
ở thời tương lai. Câu này muốn nhắn nhủ dân chúng: một khi họ đã nhận ra lỗi lầm
và ăn năn trở lại với Thiên Chúa, Ngài sẽ nối lại tình xưa nghĩa cũ với họ.
Thành Jerusalem và Núi Sion là hai biểu tượng cho mối liên hệ tốt đẹp này:
Jerusalem sẽ được gọi là Thành Trung Tín, và Núi Sion sẽ được gọi là Núi Thánh,
nơi cư ngụ của Đức Chúa các đạo binh.
1.2/ Thành Jerusalem sẽ là nơi cư ngụ của Dân Chúa
trong cảnh thái bình.
(1) Dấu chỉ của thời thanh bình: Đức Chúa các đạo
binh phán thế này: "Trên những đường phố của Jerusalem, các cụ ông cụ bà
ra ngồi nghỉ; ai nấy tay chống gậy vì tuổi thọ đã cao. Tại các đường phố trong
thành, đông đảo thiếu nhi nam nữ tới vui đùa.''
Trong thời chiến tranh, ít có người đạt tới tuổi thọ,
vì bị chết trong khi thi hành nghĩa vụ quân sự; nhưng sẽ có nhiều các cụ ông, cụ
bà xuất hiện trong thời thái bình trên các đường phố của Jerusalem, hay ngồi
chơi cờ và nói chuyện trong các công viên. Một dấu chỉ nữa của thời hòa bình là
sự xuất hiện của nhi đồng chơi giỡn trên các đường phố. Trong thời chiến, cha mẹ
không có con được, vì chồng phải lên đường bảo vệ giang sơn; nhưng khi chiến
tranh chấm dứt, nhiều trẻ thơ sẽ xuất hiện và chơi giỡn trên các nẻo đường.
(2) Ước mơ hòa bình có thể thực hiện: Trong thời
gian đầu khi mới hồi hương từ nơi lưu đày, ít người nghĩ đến cảnh thái bình thịnh
trị của Jerusalem, vì chung quanh toàn là những hoang tàn, đổ nát, và đe dọa.
Tiên-tri Zechariah phải trấn an dân bằng lời sấm của Đức Chúa các đạo binh:
"Nếu đó là điều không thể đối với số dân còn sót lại trong những ngày này;
thì cũng là điều không thể được với Ta chăng?'' Những gì được coi là không thể
đối với sức con người; nhưng luôn là có thể đối với uy quyền của Thiên Chúa.
Ngài sẽ thúc đẩy tâm hồn con cái Israel đang cư ngụ rải rác khắp nơi, để họ kéo
về cư ngụ tại Jerusalem, để nối lại mối liên hệ với Thiên Chúa trong chân lý và
công chính: ''Ta sẽ cứu dân Ta ra khỏi miền đất phía Đông và miền khỏi miền đất
phía Tây. Ta sẽ dẫn chúng về và cho cư ngụ giữa Jerusalem. Chúng sẽ là dân của
Ta; Ta sẽ là Thiên Chúa của chúng trong sự thật và chính trực.''
2/
Phúc Âm: Ai nhỏ nhất
trong tất cả anh em, kẻ ấy là người lớn nhất.
2.1/ Tính yêu chuộng danh vọng, quyền bính, và lợi lộc
vật chất: Trình thuật
hôm nay xảy ra ngay sau lời tiên báo thứ hai của Chúa Giêsu về Cuộc Thương Khó
sắp đến, các tông-đồ tranh luận với nhau để tìm ra, ''trong các ông, ai là người
lớn nhất?''
Vấn nạn này không chỉ xảy ra trong hàng ngũ các
tông-đồ, nhưng xảy ra ở mọi nơi và mọi thời. Theo bản ngã, con người muốn được:
+ Danh vọng: được nổi tiếng hay được mọi người biết
tới. Chúng ta không bàn tới những người "hữu xạ tự nhiên hương," họ xứng
đáng được biết tới và khen ngợi vì việc làm của họ. Có những người đã bất tài
còn vô đức, nhưng lại muốn được nổi tiếng bằng cách: chỉ làm những việc quan trọng,
chỉ làm khi có sự hiện diện của người khác, hay khi làm thì đánh chống khua
chiêng để mọi người chú ý. Đó là chưa kể đến việc tìm cách dìm người khác xuống
để mình được nổi bật hơn, hay xuyên tạc những ý hướng ngay lành của tha nhân.
+ Quyền bính: thích được truyền lệnh, nhưng không muốn
vâng lời hay làm theo ý của người khác. Chúng ta không bàn tới những người phải
dùng quyền hành để cai trị dân chúng trong công bằng và yêu thương. Có những
người muốn dùng quyền hành để bắt người khác phục vụ họ, để ức chế người khác,
hay để mưu cầu lợi nhuận cho bản thân hay cho gia đình.
+ Lợi lộc: Ẩn giấu đàng sau hai bản ngã trên là lòng
ham muốn lợi nhuận vật chất. Chúng ta không bàn tới những người cố gắng làm việc,
phần thưởng vật chất đến với họ là điều tự nhiên. Có những người muốn ăn trên
ngồi chốc hay vơ vét lợi nhuận vật chất cách bất công như: ăn hối lộ, đút lót để
có cơ hội ăn hối lộ, lạm dụng quyền để tước đoạt tài sản của người khác...
2.2/ Cách chân thật và khôn ngoan để trở thành lớn
nhất: Đức Giêsu biết
điều các ông đang tự hỏi trong lòng, liền đem một em nhỏ đặt bên cạnh mình và
nói với các ông: "Ai tiếp đón em nhỏ này vì danh Thầy, là tiếp đón chính
Thầy; và ai tiếp đón Thầy, là tiếp đón Đấng đã sai Thầy. Thật vậy, ai nhỏ nhất
trong tất cả anh em, kẻ ấy là người lớn nhất."
Trẻ em không có gì để trả lại cho người lớn: Các em
chưa có danh vọng, quyền bính, và của cải để ban cho người lớn; ngược lại, các
em hầu như hoàn toàn trông cậy vào sự chăm sóc và dạy dỗ của cha mẹ, anh chị
em, thầy cô, và những người có trách nhiệm. Một số lý do thúc đẩy chúng ta phục
vụ các em:
(1) Thiên Chúa sẽ trả thay cho các em: Chúa Giêsu rất
rõ ràng trong việc đồng nhất việc phục vụ trẻ nhỏ hay những người cô thân cô thế
là phục vụ chính Ngài và Thiên Chúa; ngược lại, khi ai từ chối phục vụ những
người này là từ chối phục vụ chính Ngài và Cha của Ngài. Nếu con người phục vụ
để mong người khác trả công, khi người khác trả rồi, Thiên Chúa sẽ không cần trả
lại nữa. Nhưng nếu con người phục vụ những người không có cơ hội trả lại, Thiên
Chúa sẽ trả thay cho họ. Khi Thiên Chúa trả, phần thưởng chắc chắn sẽ xứng đáng
và cao quí hơn những gì lòng người dám ước mong. Nếu muốn Thiên Chúa trả, hãy
làm cho những người không có gì để trả.
(2) Đã nhận nhưng không, hãy cho cách nhưng không:
Con người khi vào cuộc trần này chẳng mang theo được gì vào; nhưng hoàn toàn là
do công ơn Thiên Chúa, cha mẹ, và những người đi trước. Vì không trả lại được
gì cho Thiên Chúa (Ngài chẳng cần gì nơi con người), ít người có cơ hội trả lại
cho cha mẹ và những người đi trước; điều con người có thể làm được là giúp cho
thế hệ tương lai để các em lớn lên mạnh khỏe, biết yêu thương Thiên Chúa, và
giúp ích mọi người.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Chúng ta phải sống đúng mối liên hệ với Thiên Chúa
và với tha nhân để có bình an và hạnh phúc thực sự; nếu không, chiến tranh, lưu
đày, và đau khổ chắc chắn sẽ xảy ra.
- Vì đã lãnh nhận tình yêu và yêu thương chăm sóc từ
Thiên Chúa, cha mẹ, và các thế hệ đi trước, chúng ta cũng phải biết hy sinh và
phục vụ cho thế hệ tương lai.
Linh
mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
30/09/2019
THỨ
HAI TUẦN 26 TN
Lc 9,46-50
Lc 9,46-50
TINH
THẦN BAO DUNG
Ông
Gio-an lên tiếng nói: “Thưa Thầy, chúng con thấy có người nhân danh Thầy mà trừ
quỷ. Chúng con cố ngăn cản, vì người ấy không cùng chúng con đi theo Thầy.” Đức
Giê-su bảo ông: “Đừng ngăn cản người ta. Quả thật, ai không chống lại chúng ta
là ủng hộ chúng ta.” (Lc
9,49-50)
Suy niệm: Gio-an con ông Giê-bê-đê vốn đã bị
Chúa đặt tên là Bô-a-nê-ghê nghĩa là “con của sấm sét”, chẳng những vì tính
nóng nảy mà còn vì nặng óc bè phái phe nhóm và thiếu tinh thần bao dung: Người
có tinh thần ấy thường nghĩ rằng chỉ có mình tôi, nhóm của tôi, đạo của tôi, mới
có quyền làm điều tốt; nếu không đồng hội đồng thuyền với tôi thì dù có làm điều
tốt mấy đi nữa cũng kể như là không có giá trị gì. Chúa dạy sống bao dung: ai
không chống lại Chúa là ủng hộ Chúa. Có thể nhân danh Chúa mà trừ quỷ thì đã
thuộc về Chúa rồi dù trên danh nghĩa không thuộc đoàn ngũ các tông đồ, hoặc người
công khai theo Chúa.
Mời Bạn: Phải xoá bỏ những định kiến hẹp hòi.
Đó là thái độ tự phụ cho rằng chỉ có chúng tôi mới nắm giữ chân lý, mới có thể
hoặc được quyền làm điều tốt. Đó là thái độ khích bác dèm pha những người không
thuộc cùng tổ chức với mình khiến họ chột dạ không dám làm điều tốt. Trái lại
phải đẩy mạnh tinh thần sống quảng đại bao dung. Thấy điều thiện được thực hiện,
thấy công lý được tôn trọng thì vui mừng cho dù người thực hiện đó là ai. “Miễn
là Đức Ki-tô được rao giảng”.
Chia sẻ: Tôi/chúng tôi đang có óc bè phái, kỳ
thị không?
Sống Lời Chúa: Mời bạn đến thăm một gia đình tôn giáo
bạn.
Cầu nguyện: Đọc
kinh Lạy Cha với tâm tình hướng về mọi người là con cùng một
Cha trên trời.
(5 phút Lời Chúa)
Người nhỏ nhất
Suy niệm:
Phá kỷ lục là ước mơ của các vận động
viên.
Làm sao phá kỷ lục của quốc gia, của
vùng, của châu lục và thế giới?
Để phá kỷ lục cần có thành tích vượt
hơn người đang giữ nó.
Chỉ cần chạy nhanh hơn một phần ngàn
giây,
nhảy cao hơn hay xa hơn một centimét,
cũng đủ để làm một kỷ lục đứng vững
nhiều năm bị phá đổ.
Nhưng không phải chỉ các vận động viên
mới thích phá kỷ lục.
Các nước cũng tranh nhau xem ai là cường
quốc về một lãnh vực nào đó.
Có vẻ cả nhân loại đều ở trong một cuộc
đua tranh xem ai đứng đầu.
Có những cuộc đua tranh lành mạnh,
thúc đẩy tiến bộ.
Nhưng cũng có những cuộc đua tranh dẫn
đến chiến tranh và hủy diệt.
Các môn đệ vẫn loay hoay với một câu hỏi
trong đầu:
“Trong các ông, ai là người lớn nhất
?”(c. 46).
Thầy Giêsu muốn dạy cho họ một bài học
rất gợi hình,
nên đem một em nhỏ đến và trân trọng đặt
em đứng bên cạnh (c. 47)
Thầy đồng hóa mình với em nhỏ yếu đuối
và không có địa vị ấy:
ai tiếp đón em này là tiếp đón chính
Thầy.
Thầy cũng cho biết, ai tiếp đón Thầy
là tiếp đón chính Thiên Chúa (c. 48).
Như thế một em nhỏ bình thường là con
đường dẫn ta gặp gỡ Đức Giêsu,
và gặp gỡ chính Thiên Chúa siêu việt.
Để tiếp đón Thiên Chúa và Đức Kitô
trong đời,
ta phải sẵn sàng tiếp đón những người
yếu kém và nhỏ bé nhất trong xã hội.
Khi các môn đệ bị ám ảnh bởi chuyện
làm lớn
thì Thầy Giêsu đem lại cho họ một em
nhỏ,
và cho thấy sự cao trọng lớn lao của
em trong cái nhìn của Thiên Chúa.
Câu trả lời của Thầy đã rõ: kẻ nhỏ nhất
chính là người lớn nhất trong anh em.
Vượt ra khỏi sự tranh chấp trong nhóm,
bây giờ các môn đệ lại phải đối diện với
một người trừ quỷ ở ngoài nhóm.
“Chúng con đã cố ngăn cản, vì người ấy
không cùng chúng con đi theo Thầy.”
Tại sao một người ở ngoài nhóm lại dám
lấy danh Thầy mà trừ quỷ?
Lẽ ra việc dùng danh Thầy phải là độc
quyền của chúng con.
Người ấy không được chiếm lấy sự thành
công và tăm tiếng
mà chỉ những ai theo Thầy như chúng
con mới được hưởng.
Các môn đệ đã có thái độ cục bộ và bè
phái.
Họ cần cởi mở và khoan dung hơn với những
người ngoài.
Danh Thầy Giêsu là quà tặng cho cả thế
giới, chứ không cho riêng môn đệ.
Ai cũng có thể đến múc lấy sức mạnh từ
Danh ấy và sẻ chia.
Thầy Giêsu mời các môn đệ bước ra khỏi
sự hẹp hòi khép kín,
để vui vẻ kính trọng một người tuy
không thuộc nhóm mình,
nhưng làm được những việc mà có khi
mình không làm nổi (Lc 9, 40).
Danh Giêsu được tôn vinh: đó là điều
chúng ta nhắm tới.
Chúng ta chỉ mong sức mạnh của Danh
này làm thế giới được trừ quỷ.
Chỉ mong ai đó đang ở ngoài nhóm và
đang trừ quỷ nhờ Danh Giêsu,
sẽ có ngày trở thành người môn đệ
trong nhóm.
Cầu nguyện :
Lạy Cha,
xin dạy chúng con biết cộng tác với
nhau
trong việc xây dựng Nước Trời ở trần
gian.
Xin cho chúng con đến với nhau
không chút thành kiến,
và tin tưởng vào thiện chí của nhau.
Khi cộng tác với nhau,
xin cho chúng con cảm thấy Cha hiện diện,
nhờ đó chúng con vượt qua
những tự ái nhỏ nhen,
những tham vọng ích kỷ
và những định kiến cằn cỗi.
Ước gì chúng con dám từ bỏ mình,
để tìm kiếm chân lý
ở mọi nơi và mọi người,
nhất là nơi những ai khác quan điểm.
Lạy Cha,
xin sai Thánh Thần đến trên chúng con,
để chúng con biết lắng nghe nhau bằng
quả tim,
và hiểu nhau ngay trong những dị biệt.
Nhờ sống mầu nhiệm cộng tác,
xin cho chúng con được triển nở không
ngừng
và Thánh Ý Cha được thể hiện trên mặt
đất. Amen.
Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.
Hãy
Nâng Tâm Hồn Lên
30 THÁNG CHÍN
Chúng Ta Vẫn Ở Lại Với Chúa Giêsu Trong Thánh Thể
“Thầy là cây nho … ai ơ ûlại trong Thầy
thì sẽ sinh nhiều hoa trái” (Ga 15,5). Đức Kitô ở lại trong chúng ta qua Bí
Tích Thánh Thể. Chúa Giêsu mời gọi ta ở lại trong Ngài, lời mời gọi này nhắc
chúng ta nhớ một chân lý khác mà Ngài đã đề cập trong bối cảnh diễn từ về Bánh
Hằng Sống. “Ai ăn Thịt Ta và uống Máu Ta, sẽ được sống đời đời” (Ga 6,56). Đức Giêsu đã
nói như thế với đám đông.
Bản văn song song này cho chúng ta thấy rằng trong
biểu tượng cây nho có chứa đựng ý nghĩa của Bí Tích Thánh Thể. Chúng ta hiểu ra
cách thế để mình ở lại trong Đức Giêsu, Cây Nho Thật: đó là đón nhận Ngài làm của
ăn của uống cho mình. Thánh Thể chính là Chúa Giêsu ở lại giữa chúng ta một
cách thực sự. Ngài thực sự hiện diện với chúng ta, ngay cả dù chúng ta thấy có
vẻ như Ngài hiện diện qua các dấu chỉ bí tích là bánh và rượu.
Thực ra những dấu chỉ ấy không đem lại cho chúng ta
niềm vui được cảm giác Ngài, nhưng chúng bảo đảm với chúng ta rằng Ngài đang hiện
diện trọn vẹn giữa chúng ta. Qua bí tích này, Chúa Giêsu trở thành lương thực mọi
nơi và mọi thời cho linh hồn người ta. Và chúng ta là những người được hưởng dụng.
Chúng ta hãy tiến tới với bàn tiệc của Chúa để lãnh nhận thứ lương thực quí giá
này.
-
suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II -
Lm.
Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT
UP YOUR HEARTS
Daily
Meditations by Pope John Paul II
Lời Chúa Trong Gia Đình
NGÀY
30-9
Dcr
8, 1-8; Lc 9, 46-50.
LỜI
SUY NIỆM: Đức Giêsu bảo các ông: “Đừng ngăn cản người
ta. Quả thật, ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta”.
Trong xã hội loài người có rất nhiều tôn giáo khác
nhau. Tôn giáo nào cũng muốn giúp con người nhận ra chân giá trị của mình, mà
tôn trọng nhau trong yêu thương, cùng nhau làm việc thiện. Điều này không thể tự
nhiên mà có được. Mọi sự đều nằm trong sự quan phòng của Thiên Chúa và sự hoạt
động của Chúa Thánh Thần. Chúa Giêsu đang dạy chúng ta phải an tâm, khi thấy bất
cứ ai đang làm việc thiện vì yêu thương con người.
Lạy Chúa Giêsu. Xin cho chúng con đừng có con mắt hẹp
hòi khi nhìn thấy người anh em làm việc thiện, nhưng biết cùng nhau cọng tác để
đem lại niềm an ủi và hạnh phúc cho người khác.
Mạnh
Phương
Gương Thánh Nhân
NGÀY
30-09 THÁNH HIÊRÔNIMÔ - LINH MỤC, TIẾN SĨ HỘI THÁNH (340 - 420)
Thánh
Hiêrônimô chào đời khoảng năm 340 tại Stridon gần Aquila, miền tam biên giữa
Dalmatia, Pannonia và Italia. Tên đầy đủ của Ngài là Eusêbiô Hiêrônimô
Sôphrôniô. Dường như Ngài thuộc một gia đình giàu có và được giáo dục đầy đủ về
văn chương, theo thường lệ dành cho các thiếu niên thượng lưu thời đó. Trước hết
Ngài đã theo học tại Stridon rồi sau đó tại Roma với nhà văn phạm thời danh
Donatô, Ngài đã học để viết văn Latin cho tuyệt diệu tinh ròng và chính xác. Bởi
đó Ngài say mê các tác phẩm cổ, dầu sau này Ngài coi chúng như một thứ cám dỗ.
Trong
một bức thư gởi cho Eustochium, Ngài có kể lại một giấc mơ khi nằm tại bệnh viện
Antiochia. Trong giấc mơ Ngài thấy mình phải đến trước vị quan án. Ngài tự xưng
mình là Kitô hữu, nhưng quan án trả lời : - Ngươi không phải là Kitô hữu. Ngươi
là đồ đệ Cicêrô. Kho tàng ngươi ở đâu thì lòng ngươi cũng ở đó. Mà kho tàng của
ngươi là các thứ tác phẩm của Cicêrô.
Sau
đó Ngài bị đánh đòn và hứa sẽ từ bỏ các tác phẩm trần tục này.
Thánh
Hiêrônimô được giáo dục để trở thành Kitô hữu và luôn coi trọng tôn giáo. Dầu vậy
19 tuổi Ngài mới lãnh bí tích rửa tội ở Roma vào ngày Phục sinh năm 366. Khi viếng
thăm Trier, sau khi hoàn tất việc học ở Roma, Ngài hiểu biết ít nhiều về lối sống
khổ hạnh, có lẽ do thánh Athanasiô bị lưu đày tới và đã quyết rằng đó là ơn gọi
của Ngài. Ngài gia nhập một cộng đoàn linh mục và giáo dân tại Aquileia năm
370. Cộng đoàn bị tan vỡ vì một cuộc tranh chấp nào đó.
Năm
375, Hiêrônimô đi về hướng đông với mấy người bạn, tới miền tổ đời khổ hạnh
Kitô giáo. Sau khi dừng lại ở Antiochia ít lâu, Ngài đến sống trong sa mạc
Chalcis như một ẩn sĩ, nơi dây Ngài "không có bè bạn nào khác ngoài bò cạp
và hoang thú". Ngài khổ cực vì bệnh tật mà nhất là các cơn cám dỗ.
"Trong đầu óc tôi thường thấy mình giữa đám gái nhảy". Và Ngài khóc
thương rằng: "Một người chết yểu trong xác thịt như vậy mà ngọn lửa thèm
muốn còn cháy lên dữ dội".
Để
kiềm chế óc tưởng tượng, sau khi đã xử phạt xác mà không được, Ngài chú tâm học
tiếng Do thái. Như vậy Ngài đã khởi đầu công trình chính yếu trong đời làm học
giả nhiệt thành giải thích thánh kinh.
Năm
378, Ngài trở lại Antiochia và đến với Constantinople để học thánh kinh với nhà
thần học lừng danh là thánh Gregôriô thành Nazian. Năm 382, Ngài đến Roma và trở
thành thư ký của Đức giáo hoàng Đamasô. Tại đây Ngài bắt đâu công trình hệ trọng
về thánh kinh. Ngài hiệu đính các bản dịch Latinh về Phúc âm và thánh vịnh.
Ngoài ra Ngài cũng hăng hái khích lệ phong trào sống khổ hạnh giữa các phụ nữ
Roma.
Nỗ
lực này đã gây nên một số chống đối của một số giáo sĩ Roma. Chống lại, Ngài đã
viết những dòng sống dộng: - "Cái gì sơn phết lên khuôn mặt người Kitô hữu.
Các miếng cao dán đầy tham vọng này là dấu chỉ của đầu óc thiếu trong sạch. Làm
sao có thể nói được rằng một phụ nữ khóc than tội mình mà nước mắt họ cầy luống
trên cặp má tô vẽ của họ. Hạnh phúc trông đợi gì từ thiên đàng khi mà cầu khẩn
Chúa, họ lại chường mặt ra cho đấng tạo thành không còn nhận diện được họ nữa
?"
Do
những lời quở trách này mà Ngài trở nên xa lạ với dân gian. Sau cái chết của
thánh Damasô, Ngài lại lui về phương đông (năm 348).
Một
nhóm phụ nữ đã sống dưới sự hướng dẫn của Ngài đã theo Ngài, đứng đầu là thánh
nữ Paula với con Ngài là thánh nữ Eustochium. Họ lập thành một nhóm các tu viện
gần đại giáo đường Giáng sinh tại Bêlem, tại đây thánh Hiêrônimô đã trải qua những
ngày an bình hạnh phúc cuối đời, Ngài cũng dự phần vào nhiều cuộc tranh luận dữ
dội. Một trong các cuộc tranh luận ấy là cuộc tranh luận giáo thuyết của
Origen. Nhưng công cuộc lớn lao nhất của đời Ngài ... chính là công cuộc Ngài
đã chuẩn bị từ sa mạc Chalcis, đã khởi sự từ Roma, công cuộc phiên dịch thánh
kinh ra tiếng Latinh. Dựa vào công trình này mà thế giá Ngài tồn tại mãi trong
Giáo hội công giáo, cũng như sự thánh thiện của Ngài có được một bằng chứng
hùng hồn.
Toàn
bộ thánh kinh bằng tiếng Latinh, gọi là bản phổ thông đều được thánh Hiêrônimô
phiên dịch hay nhuận đính trừ các sách: Khôn ngoan, Huấn ca, Baruch và hai sách
Macabê. Ngài thực hiện bản dịch thứ nhất đã làm tại Roma, chính bản dịch thứ
hai này nằm trong bản dịch thánh kinh phổ thông và được Giáo hội dùng trong phụng
vụ giờ kinh.
Thánh
Hiêrônimô qua đời bình an tại Belem ngày 30 tháng 9 năm 420. Thánh Paula và
Eustochium đã chết trước Ngài. Thi thể Ngài được chôn cất với họ trong nhà thờ
Giáng sinh, nhưng sau này được đưa về Roma và nay đang được chôn cât tại đề thờ
Đức bà Cả.
(daminhvn.net)
30
Tháng Chín
Tình Thương Ðáp Trả Hận Thù
Bà
Coretta King, vợ của cố mục sư Martin Luther King, đã ghi lại trong quyển hồi
ký của bà như sau:
Martin
ra trước cửa nhà. Một cách nào đó, đây là giờ phút quan trọng nhất của cuộc đời
của anh.
Trước
đó vài hôm, một quả bom đã được quăng vào nhà. Vợ và con anh suýt bị sát hại.
Ðây là thử thách đầu tiên nặng nề nhất mà anh phải chịu đựng. Ðồng thời nó cũng
là trắc nghiệm để xem anh có thể sống nguyên tắc Kitô và thuyết bạo động mà anh
hằng rao giảng không. Anh xuất hiện một cách bình thản trước đám đông người da
đen đang sôi sục hận thù.
Khi
anh vừa giơ tay lên làm hiệu thì mọi tiếng động bỗng như dừng lại. Anh đã chiếm
lĩnh được tâm hồn mọi người, từ những người đứng tuổi đến các bạn trẻ bốc đồng
nhất, từ các cảnh sát viên cho đến những người sợ hãi đang đứng nép bên các bậc
thang trước cổng nhà.
Với một
giọng nói bình tĩnh, nhẹ nhàng, anh khuyên nhủ mọi người như sau:
"Vợ
tôi và con gái tôi vẫn bình an. Tôi xin anh em hãy trở về nhà và hãy buông khí
giới. Chúng ta không thể giải quyết vấn đề bằng bạo động. Chúng ta phải yêu
thương những người da trắng anh em của chúng ta, dù họ có làm gì cho chúng ta
đi nữa. Chúng ta phải làm cho họ hiểu rằng chúng ta yêu thương họ thật sự.
Chúng ta phải sống như thế đó: nghĩa là lấy tình thương đáp trả hận thù".
Lời kêu gọi trên
đây của mục sư Luther King và cái chết của ông là một bản sao trung thành nhất
của Tin Mừng: đó là Tin Mừng của Ðấng yêu thương và yêu thương cho đến chết
trên thập giá...
Vào tù ra khám, bị
đòn vọt, trải qua trăm nghìn gian lao khốn khổ do những người không tiếp nhận
Tin Mừng gây ra, thánh Phaolô vẫn có thể khuyên nhủ các tín hữu Roma như sau:
"Hãy chúc lành
cho kẻ bắt bớ, chúc lành chứ đừng chúc dữ. Hãy vui với kẻvui, hãy khóc với kẻ
khóc. Cùng nhau tâm đầu ý hợp. Ðừng qúa cao vọng về mình. Trái lại, hãy biết bỏ
mình, chuộng phần yếu kém... Ðừng lấy ác báo ác: điều thiện trước mắt mọi người,
hãy cố quan tâm. Hãy sống an hòa với mọi người... Anh em thân mến, hãy sống an
hòa với hết thảy mọi người. Ðừng báo oán. Chớ để sự dữ thắng được ngươi, nhưng
hãy lấy lành mà thắng dữ".
Ước gì những lời
khuyên nhủ trên đây trở thành khuôn vàng thước ngọc trong mọi giao tiếp và gặp
gỡ của chúng ta với mọi người.
(Lẽ
Sống)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét