Trang

Thứ Sáu, 25 tháng 10, 2019

26-10-2019 : THỨ BẢY -TUẦN XXIX THƯỜNG NIÊN


26/10/2019
 Thứ Bảy tuần 29 thường niên

BÀI ĐỌC I: Rm 8, 1-11
“Thánh Thần của Đấng đã làm cho Đức Giêsu Kitô từ cõi chết sống lại ở trong anh em”.
Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma.
Anh em thân mến, giờ đây không còn gì là án phạt dành cho những ai ở trong Đức Giêsu Kitô: vì những kẻ ấy không còn sống theo xác thịt. Bởi chưng lề luật của Thánh Thần ban sự sống trong Đức Giêsu Kitô, đã giải thoát tôi khỏi lề luật sự tội và sự chết. Điều mà lề luật không thể làm được, vì bị xác thịt làm cho ra yếu đi, thì Thiên Chúa sai Con của Người đến trong xác thịt giống như xác thịt tội lỗi, và để phản đối sự tội, Người đã luận phạt tội lỗi, và phản đối sự tội, Người đã luận phạt tội lỗi trong xác thịt, khiến cho ơn công chính của lề luật thành tựu đầy đủ trong chúng ta, là những người không còn sống theo xác thịt, nhưng theo tinh thần. Vì những ai sống theo xác thịt, thì tưởng ước những sự thuộc về xác thịt: còn những ai sống theo tinh thần, thì tưởng ước những sự thuộc về tinh thần. Mà tưởng ước của xác thịt là sự chết, còn tưởng ước của tâm thần là sự sống và bình an. Vì chưng sự khôn ngoan của xác thịt là thù nghịch với Thiên Chúa: bởi nó không tùng phục lề luật của Thiên Chúa: vả lại nó cũng không thể tùng phục được. Những kẻ sống theo xác thịt, thì không thể đẹp lòng Chúa. Còn anh em, anh em không sống theo xác thịt, nhưng sống theo tinh thần, nếu thật sự Thánh Thần Chúa ở trong anh em. Nếu ai không có Thánh Thần của Đức Kitô, thì kẻ ấy không thuộc về Người. Nhưng nếu Đức Kitô ở trong anh em, cho dù thân xác đã chết vì tội, nhưng tinh thần vẫn sống vì đức công chính. Và nếu Thánh Thần của Đấng đã làm cho Đức Giêsu Kitô từ cõi chết sống lại ở trong anh em, thì Đấng đã làm cho Đức Giêsu Kitô từ cõi chết sống lại cũng cho xác phàm hay chết của anh em được sống, nhờ Thánh Thần Người ngự trong anh em. Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 23, 1-2. 3-4ab. 5-6
Đáp: Lạy Chúa, đó là dòng dõi người tìm kiếm long nhan Chúa (c. 6).
Xướng:
1) Chúa là chủ trái đất và mọi vật làm sung mãn nó, chủ địa cầu và muôn loài cư trú ở trong. Vì chính Người xây dựng nó trên biển cả, và Người giữ vững nó trên chỗ nước nguồn. – Đáp.
2)Ai khá trèo lên cao sơn của Chúa, ai được đứng trong nơi thánh của Người? Người tay vô tội và lòng thanh khiết, người không để lòng xu hướng bả phù hoa. – Đáp. 
3)Người đó sẽ được Chúa chúc phúc cho, và được Thiên Chúa là Đấng cứu độ ban ân thưởng. Đó là dòng dõi người tìm kiếm Chúa, người tìm long nhan Thiên Chúa nhà Giacóp. – Đáp.

ALLELUIA: Tv 118, 18
Alleluia, alleluia! – Lạy Chúa, xin mở rộng tầm con mắt của con, để quan chiêm những điều kỳ diệu trong luật Chúa. – Alleluia. 

PHÚC ÂM: Lc 13, 1-9
“Nếu các ngươi không ăn năn hối cải, thì tất cả các ngươi cũng sẽ bị huỷ diệt như vậy”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, có những kẻ thuật lại cho Chúa Giêsu về việc quan Philatô giết mấy người Galilê, làm cho máu họ hoà lẫn với máu các vật họ tế sinh. Người lên tiếng bảo: “Các ngươi tưởng rằng mấy người xứ Galilê đó bị ngược đãi như vậy là những người tội lỗi hơn tất cả những người khác ở xứ Galilê ư? Ta bảo các ngươi: không phải thế. Nhưng nếu các ngươi không ăn năn hối cải, thì tất cả các ngươi cũng sẽ bị huỷ diệt như vậy. Cũng như mười tám người bị tháp Silôe đổ xuống đè chết, các ngươi tưởng họ tội lỗi hơn những người khác ở Giêrusalem ư? Ta bảo các ngươi: không phải thế; nhưng nếu các ngươi không ăn năn hối cải, thì tất cả các ngươi cũng sẽ bị huỷ diệt như vậy”.
Người còn nói với họ dụ ngôn này: “Có người trồng một cây vả trong vườn nho mình. Ông đến tìm quả ở cây đó mà không thấy, ông liền bảo người làm vườn rằng: Kìa, đã ba năm nay ta đến tìm quả cây vả này mà không thấy có. Anh hãy chặt nó đi, còn để nó choán đất làm gì!” Nhưng anh ta đáp rằng: “Thưa ông, xin để cho nó một năm nay nữa, tôi sẽ đào đất chung quanh và bón phân: may ra nó có quả chăng, bằng không năm tới ông sẽ chặt nó đi”. Đó là lời Chúa.


Suy niệm
Lời dạy của Đức Giêsu trong bài Tin Mừng hôm nay bắt đầu bằng một câu chuyện được một vài người kể lại cho Người về những người Galilê bị Philatô sát hại khi họ dâng lễ hi sinh tại Đền Thờ. Không những vụ tàn sát này diễn ra trong khuôn viên Đền Thờ, mà cảnh máu người hòa lẫn với máu các con vật hi tế càng khơi dậy sự ghê tởm và giận dữ. Không rõ tại sao họ kể lại câu chuyện này cho Đức Giêsu. Có lẽ vì Đức Giêsu là người Galilê và họ muốn cảnh báo cho Người, giống như sau đó ít lâu về vụ Hêrôđê Antipas muốn giết Người. Hoặc cũng có thể họ muốn đe dọa Người rằng nếu Người bị tố cáo với chính quyền Rôma, Người cũng sẽ phải chịu chung số phận như thế. Hoặc cũng có thể họ chỉ truyền tai nhau một ít lời đồn về các thảm kịch của những người khác; như lời thánh vịnh nói, những kẻ vui mừng vì những khốn khổ của người khác sẽ phải tủi hổ.
Nhưng câu trả lời của Đức Giêsu gợi ra một cái gì nghiêm trọng hơn: sự phán xét đồng tình đối với số phận của những nạn nhân, cho rằng họ đáng phải chết thảm như thế khi đang cầu nguyện, và hành động tàn bạo của người Rôma là một phán quyết của Thiên Chúa đối với những người bị sát hại. Đức Giêsu không bình luận về sự kiện, nhưng Người rút ra một bài học từ thái độ của những người thuật lại vụ việc đó. Người nói rằng không ai được phép cắt nghĩa những đau khổ, bệnh tật, tai nạn hay thảm kịch của những người khác như là do Thiên Chúa trừng phạt vì các tội lỗi của họ, nhưng mỗi người phải coi tội lỗi của họ như là nỗi bất hạnh ghê gớm nhất và phải thật lòng ăn năn sám hối. Không ai được phép xét xử và phân biệt giữa “người tốt” và “người xấu”. Chỉ một mình Chúa biết sự thật trong lòng con người.
Ngay khi nghe câu chuyện này, Đức Giêsu lập tức bác bỏ ý kiến cho rằng có mối quan hệ nhân quả giữa trọng tội và cái chết thảm. Đức Giêsu muốn nhấn mạnh rằng vụ thảm sát không nhất thiết cho thấy đây là vì các nạn nhân đã phạm một trọng tội kín ẩn nào đó. Đúng hơn, nó giống như những lời cảnh báo để nhắc nhở chúng ta rằng cái chết luôn luôn có thể đến, cả khi chúng ta ít trông chờ nó nhất. Đó là lý do chúng ta phải làm thức tỉnh nơi mọi người nhu cầu cấp bách của sự hoán cải bên trong, chấp nhận và thực thi hoán cải trước khi quá muộn. Đó là lý do tại sao Đức Giêsu bác bỏ ý kiến cho rằng sở dĩ những người Galilê bị Philatô giết và mười tám người bị tháp Siloê đè chết là vì họ tội lỗi hơn những người khác, rồi Đức Giêsu dạy tiếp rằng nếu những người đang nghe Ngài nói mà không hối cải tâm hồn, họ cũng có thể bị diệt vong giống như thế. Họ phải hối cải không phải vì sự hối cải có thể bảo vệ họ khỏi cái chết, nhưng vì sự hối cải đặt họ vào một tình trạng tốt lành về thiêng liêng và nhân bản để gặp Chúa của sự sống, trong sự thanh thản và bình an hoàn toàn của tâm hồn họ. Cái chết mà sự hối cải giải phóng chúng ta là cái chết đời đời, không phải cái chết của thân xác. Hình dung về Thiên Chúa như là nguồn gốc của cái chết thê thảm của một nạn nhân vì họ phạm trọng tội không phải là hình ảnh đúng về Thiên Chúa Cha được Đức Giêsu mặc khải cho chúng ta. Người không phải là một Thiên Chúa báo thù kẻ có tội, nhưng là một Thiên Chúa kiên nhẫn luôn luôn hi vọng rằng, khi có đủ thời gian, loài người có thể nhận ra được rằng tình yêu họ nhận được là triệt để như thế nào, và nhận thức này sẽ mang lại hoa trái là tình huynh đệ và tình liên đới mà loài người cần phải thể hiện.
Suy cho cùng, đây chính là cái nhìn mà dụ ngôn này gợi ra, là luận điểm thần học được chuyển thể thành câu chuyện về một ông chủ vườn với cây vả và người thợ làm vườn của ông. Thất vọng vì không thu hoạch được trái vả nào từ cây vả mà ông đã chăm sóc nhiều năm, người chủ vườn quyết định chặt nó đi thay vì để nó choán đất trong vườn. Nhưng ngạc nhiên thay, người thợ làm vườn của ông đã can thiệp, anh ta xin ông cho thêm thời gian chăm sóc cây vả và bón phân cho nó, hi vọng nó sẽ ra quả. Đức Giêsu không đưa ra kết luận cho câu chuyện, nhưng Người gợi ý rằng ông chủ đã bỏ quyết định chặt cây vả, mở ra một con đường hi vọng. Nếu chúng ta thấy mình được phản chiếu trong hình ảnh cây vả, tin tốt lành cho chúng ta là thời gian mà Chúa Trời còn để cho chúng ta sống là cơ hội để cho ân sủng của Người hoạt động và tạo ra những kết quả nơi chúng ta, đó là sự bình an, niềm vui, sự công chính và tình yêu. Mặt khác, nếu chúng ta thấy mình được phản chiếu trong hình ảnh của người thợ làm vườn, nó là một lời nhắc nhở rằng chúng ta phải cầu thay nguyện giúp và có những cố gắng để giúp những người khác ăn năn hối cải. Là cộng đoàn Hội Thánh, hiển nhiên chúng ta được kêu gọi có một cam kết hai chiều: thứ nhất, không ngừng hoán cải bản thân mình, ngày càng trở nên trong sáng trước Lời Thiên Chúa và dễ dạy với Thần Khí tình yêu ban sự sống; và thứ hai, làm việc cho sự hoán cải của thế giới, không bao giờ làm lu mờ khuôn mặt từ bi và nhẫn nại của Thiên Chúa, Cha của Đức Giêsu Kitô, Đấng chỉ muốn cứu thoát chứ không muốn kết án. Kinh nghiệm cho thấy rằng các trái tim của người ta thường đáp ứng một cách quảng đại khi họ cảm thấy mình được tin tưởng; chúng ta không chinh phục người ta cho tình yêu Thiên Chúa bằng sự sợ hãi, giam hãm họ trong những nỗi bất hạnh của họ. Ước mong rằng khoa sư phạm này hướng dẫn hoạt động truyền giáo của chúng ta mà không giảm thiểu giá trị ngôn sứ sắc bén của nó hay sự hiểu biết thâm sâu về bản tính con người và nội dung ơn cứu độ.
Hình ảnh cây vả trồng trong vườn nho có lẽ gợi ý rằng Nước Thiên Chúa (vườn nho) thì rộng lớn hơn Ítraen hay Giêrusalem (cây vả), và Đức Giêsu là Đấng Mêsia, người làm vườn của Thiên Chúa, đã đến để tìm trong Thành Thánh những hoa trái của nó là lòng thương xót, sự công chính và trung thành. Đây là những hoa trái Thiên Chúa ưa thích, những hoa trái mà “ông chủ vườn” mong đợi. Nhưng thời gian đang cạn dần và quyết định chặt bỏ cây vả đã được ông chủ tính đến, vì ông không thấy cây ra trái. Đây cũng là ý nghĩa của câu chuyện về cây vả không có trái của Máccô (Mc 13:28) và của Mátthêu (Mt 21:18-22; 24:32), với kết luận là cây vả bị nguyền rủa.
Nhưng điều ngạc nhiên là trong dụ ngôn của Luca, chính người làm vườn can thiệp với ông chủ vườn, xin ông kiên nhẫn thêm với cây vả của ông, nghĩa là xin ông dủ lòng thương Giêrusalem. Và cho rằng như thế vẫn chưa đủ, người thợ làm vườn còn tự nguyện làm bất cứ điều gì mình có thể để cái cây rất quí này sinh hoa trái. Bởi vì, như lời ngôn sứ Êdêkien tuyên bố trong câu đáp Allêluia hôm nay, Thiên Chúa không vui khi kẻ ác phải chết; trái lại, Người muốn họ ăn năn hối cải, bỏ đường gian tà và nếp sống tội lỗi của họ. “Hãy trở lại, hãy từ bỏ đường lối xấu xa của các ngươi mà trở lại. Sao các ngươi lại muốn chết, hỡi nhà Ít-ra-en?” (Ed 33:11). Đáng tiếc là người ta đã không đón nhận lời mời gọi, không lắng nghe những lời cảnh cáo, không hiểu những dấu chỉ, không chấp nhận giờ của ân sủng. Nhưng trước khi thảm kịch cuối cùng của Giêrusalem xảy ra, chính Cây Sự Sống là Đức Giêsu đã chấp nhận bị chặt đi để sau cùng, gốc rễ mọi sự dữ được nhổ sạch và Cây ấy được trồng trong trái tim chúng ta, và sống mãi muôn đời bằng nhựa sống của Thánh Thần.
(Trích 31 bài giảng của uỷ ban loan báo Tin Mừng trong tháng truyền giáo ngoại thường 10/2019)
Nguồn: Uỷ ban loan báo Tin Mừng



Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Bảy Tuần 29 TNNăm lẻ
Bài đọcRom 8:1-11; Lk 13:1-9.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Phải biết sống thế nào để sinh ích lợi cho mình và cho tha nhân.
Làm việc gì ai cũng muốn có kết quả tốt; nếu không, họ sẽ ngưng không làm nữa. Ví dụ, nhà nông sẽ không trồng hay giữ lại những cây mà không đem lại lợi tức; người thương gia sẽ không giữ những món hàng mà không có ai hay ít người mua; người chủ sẽ không giữ để phải trả tiền lương cho những người thợ không mang lợi tức về cho công ty. Trong lãnh vực tâm linh cũng thế, Thiên Chúa đòi con người phải sinh lợi ích cho Ngài, cho tha nhân, và cho bản thân. Ngài sẽ cho con người nhiều cơ hội để sinh lợi ích, nhưng sẽ lấy đi nếu con người không sinh ích lợi.
Các Bài Đọc hôm nay tập trung trong câu hỏi con người phải biết sống thế nào để sinh ích lợi cho mình và cho Nước của Thiên Chúa. Trong Bài Đọc I, thánh Phaolô vạch ra hai lối sống hoàn toàn trái ngược nhau: một lối sống theo xác thịt sẽ đưa con người dần dần đến cái chết và một lối sống theo Thánh Thần sẽ làm cho con người sinh hoa trái và dẫn đến cuộc sống đời đời. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu khuyên khán giả đừng lo việc xét đoán người khác để tìm ra lý do của đau khổ; nhưng tốt hơn nên biết thường xuyên xét mình, để biết hoán cải và biết sinh lợi ích cho mình và cho tha nhân.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Hai lối sống theo xác thịt và theo Thánh Thần
Theo thần học thân thể của Phaolô, con người không đứng riêng lẻ một mình, nhưng trong sự liên hệ với Thiên Chúa và tha nhân. Như con người có liên hệ với Adam trong tội nguyên tổ và sự chết, con người cũng có liên hệ với Đức Kitô trong ân sủng và sự sống đời đời. Như hậu quả của tội làm cho con người phải chết như Adam, hậu quả của ân sủng làm cho con người được sống lại với Đức Kitô.
1.1/ Lối sống theo xác thịt:
(1) Từ ngữ xác thịt được xử dụng theo Phaolô: Phaolô dùng chữ xác thịt (sark) để chỉ theo nghĩa đen là thân xác con người như việc cắt bì (Rom 2:28). Phaolô cũng dùng để chỉ theo nghĩa bóng: sống theo xác thịt là sống theo tiêu chuẩn của con người (Rom 7:5). Lối sống theo xác thịt không chỉ bao gồm tội ham muốn xác thịt, nhưng còn mở rộng đến mọi tội khác như: thờ bụt thần, ghen tị, tranh chấp… (Gal 5:19-21).
(2) Hậu quả của lối sống theo xác thịt: Như đã thảo luận trong chương 7, con người không có sức mạnh để chống lại tội lỗi; và hậu quả của tội là con người phải lãnh nhận cái chết. Thánh Phaolô lặp lại điều này trong trình thuật hôm nay: “Hướng đi của tính xác thịt là sự chết, Thật vậy, hướng đi của tính xác thịt là sự phản nghịch cùng Thiên Chúa, vì tính xác thịt không phục tùng luật của Thiên Chúa, mà cũng không thể phục tùng được.”
1.2/ Lối sống theo Thánh Thần:
(1) Từ ngữ Thánh Thần được xử dụng theo Phaolô: Theo truyền thống Do-thái, họ chỉ có một chữ (pneuma) để chỉ gió, hơi thở, tinh thần và năng lực của con người. Theo Phaolô, tinh thần này ám chỉ năng lực, đời sống thần linh, hay Thánh Thần của Thiên Chúa. Khi con người sống theo Thánh Thần, con người vâng theo theo sự dạy dỗ của Ba Ngôi Thiên Chúa.
(2) Hậu quả của lối sống theo Thánh Thần: sẽ dẫn tới bình an và sự sống vì có sức mạnh làm cho con người trở nên công chính. Phaolô xác tín: “Nếu Thánh Thần ngự trong anh em, Thánh Thần của Đấng đã làm cho Đức Giêsu sống lại từ cõi chết, thì Đấng đã làm cho Đức Giêsu sống lại từ cõi chết, cũng sẽ dùng Thánh Thần của Người đang ngự trong anh em, mà làm cho thân xác của anh em được sự sống mới.”
2/ Phúc Âm: Nếu các ông không chịu sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết y như vậy.
2.1/ Con người phải năng xét mình để biết ăn năn xám hối: Đâu là sự liên quan giữa đau khổ và tội lỗi? Có 2 cách nhìn: của thế gian và của Thiên Chúa. Theo cách nhìn của thế gian: đau khổ phải chịu là do tội lỗi gây lên, “Ác giả ác báo, tội càng lớn đau khổ càng nhiều.” Theo cách nhìn của Thiên Chúa: đau khổ có thể không do tội lỗi. Chẳng hạn, có người hy sinh chịu đau khổ cho người khác được sống (Chúa Giêsu), hay để vinh quang Thiên Chúa được tỏ hiện (ví dụ ông Job hay người mù từ lúc mới sinh trong chương 9 của Tin Mừng Gioan). Chúa Giêsu dẫn chứng 2 ví dụ:
(1) Những người Galilê bị tổng trấn Philatô giết, khiến máu đổ ra hoà lẫn với máu tế vật họ đang dâng. Chúa Giêsu hỏi khán giả: “Các ông tưởng mấy người Galilê này phải chịu số phận đó vì họ tội lỗi hơn mọi người Galilê khác sao? Tôi nói cho các ông biết: không phải thế đâu; nhưng nếu các ông không sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết như vậy.” Truyền thống Do-thái tin những người này bị Philatô giết chết vì họ chống lại việc Philatô lấy thuế của Đền Thờ để làm hệ thống nước cho dân thành Jerusalem.
(2) Mười tám người bị tháp Siloam đổ xuống đè chết. Chúa Giêsu cũng đặt câu hỏi cho khán giả: “Các ông tưởng họ là những người mắc tội nặng hơn tất cả mọi người ở thành Jerusalem sao? Tôi nói cho các ông biết: không phải thế đâu; nhưng nếu các ông không chịu sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết y như vậy.”
Điều quan trọng Chúa Giêsu muốn nhấn mạnh ở đây là thay vì tranh luận tìm ra sự liên hệ giữa đau khổ và tội lỗi, con người nên nhìn vào chính mình để nhận ra tội và ăn năn xám hối.
2.2/ Con người phải sinh hoa trái cho Thiên Chúa: “Người kia có một cây vả trồng trong vườn nho mình. Bác ta ra cây tìm trái mà không thấy, nên bảo người làm vườn: “Anh coi, đã ba năm nay tôi ra cây vả này tìm trái, mà không thấy. Vậy anh chặt nó đi, để làm gì cho hại đất? Nhưng người làm vườn đáp: “Thưa ông, xin cứ để nó lại năm nay nữa. Tôi sẽ vun xới chung quanh, và bón phân cho nó. May ra sang năm nó có trái, nếu không thì ông sẽ chặt nó đi.””
(1) Mọi người đều được Thiên Chúa cho cơ hội như cây vả để sinh hoa kết trái. Nếu vây vả không sinh hoa kết trái, nó sẽ bị chặt để lấy chỗ cho cây khác để sinh lợi cho con người hơn. Con người cũng thế, nếu không sinh lợi ích như Thiên Chúa muốn, Ngài sẽ cất đi để cho người khác có cơ hội sinh lợi cho Ngài.
(2) Thiên Chúa cho con người nhiều cơ hội; nhưng nếu con người không biết lợi dụng, có thể là cơ hội cuối cùng. Thiên Chúa cũng kiên nhẫn chờ đợi để con người sinh hoa kết quả; nhưng nếu con người vẫn không sinh trái, Ngài sẽ chặt đi và lấy chỗ cho người khác để sinh trái cho Ngài.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
– Chúng ta cần hiểu biết tường tận Kế Họach Cứu Độ của Thiên Chúa và vai trò của mỗi người chúng ta trong Kế Họach này. Hãy làm trọn vai trò Ngài muốn chúng ta làm.
– Đừng ghen tị đòi làm những gì người khác làm, nhưng biết chu tòan ơn gọi Chúa ban, để cùng với mọi người, đưa Kế Họach Cứu Độ của Thiên Chúa tới chỗ viên mãn.
– Đừng nhìn chung quanh để dò xét và kết án người khác, nhưng hãy tự xét mình để xem mình đã sinh hoa kết trái tương xứng với những hồng ân Thiên Chúa đã ban chưa?
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP


26/10/19 – THỨ BẢY TUẦN 29 TN
Lc 13,1-9

HOA TRÁI BỐN MÙA
“Thưa ông, xin cứ để nó lại năm nay nữa. Tôi sẽ vun xới chung quanh và bón phân cho nó, may ra sang năm nó có trái. Nếu không, thì ông sẽ chặt nó đi.” (Lc 13,8-9)

Suy niệm: Ai trồng cây cũng trông mong ăn trái, nhưng chẳng phải cây nào cũng cho trái, nhất là trái ngon. Cây lại ra trái theo mùa vụ. Ít có giống nào ra trái quanh năm. Thế mà Chúa “trồng” chúng ta trong cuộc đời để chúng ta cho hoa trái và phải đâm hoa kết trái bốn mùa và trong mọi thời tiết dù có khắc nghiệt đến mấy đi nữa!!! Nhưng đời sống thiêng liêng đâu có mùa vụ. Những mùa phụng vụ trải rộng quanh năm, Giáo Hội dùng để “bón phân tưới tắm” cho cây tín hữu.
Mời Bạn: Bạn ơi, có bao giờ bạn nghe người ta diễu cợt: “Anh ấy, chị ấy theo đạo hồi hồi” – nghĩa là ba hồi giữ đạo, ba hồi không. Tưởng là đùa thế nhưng đó lại là điều có thật! Nhiều khi người đó lại chính là bạn hoặc là người thân. Những lúc chúng ta không còn đâm hoa kết trái thiêng liêng, đó là lúc chúng ta không còn sống trọn vẹn niềm Tin, Cậy, Mến. Bạn hãy sẵn sàng đón nhận sự chăm bón của Giáo Hội bằng cách lãnh nhận các bí tích, nhất là bí tích giao hoà thường xuyên chứ không đợi đến “mùa lễ trọng”.
Chia sẻ: Những hoa trái thiêng liêng bạn có thể “sinh sản” được kể tên trong Kinh Hoà Bình. Bạn thử liệt kê những loại trái ngon ngọt đó và thảo luận với nhau về cách làm thế nào để cho những loại trái cây đó được trổ sinh phong phú trong đời sống Ki-tô hữu của mình.
Sống Lời Chúa: Bạn hãy chọn một loại “trái cây” trong vườn cây trái “Hoà Bình” đó để trao tặng cho nhau.
Cầu nguyện: Lạy Chúa xin hãy dùng con như khí cụ bình an của Chúa.
(5 Phút Lời Chúa)


Tìm trái mà không thấy (26.10.2019 – Thứ Bảy Tuần 29 TN)
Suy niệm:


Trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu cảnh báo hai lần (cc. 3, 5).
“Nếu các ông không sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết như vậy.”
Đức Giêsu đi từ những chuyện đau thương chết chóc
của một số người ở Galilê và Giêrusalem,
để nhắc nhở người nghe ra khỏi sự tự mãn của mình mà sám hối.
Dụ ngôn cây vả sẽ cho thấy thế nào là sám hối theo cái nhìn của Ngài.


Đơn giản sám hối là sinh trái.
Trái là điều ông chủ có ý nhắm đến khi trồng cây vả giữa vườn nho.
Ông không trồng vả để lấy củi hay bóng mát.
Cây vả có chỗ trong khu vườn và cũng có chỗ trong tâm trí ông.
Ông có một người làm vườn.
Hẳn người này đã hết sức chăm bón cho cây vả để nó sinh trái.
Ba năm trôi qua, cứ đến mùa vả, ông chủ lại đến, tìm trái và không thấy.
Những hành vi này được lặp lại như một điệp khúc mỗi năm (cc. 6-7).
Ông chủ đi từ hy vọng đến thất vọng.
Cái háo hức khi lần đầu đến cây tìm trái chẳng còn.
Ông đã kiên nhẫn, đã chờ, không phải một năm, mà ba năm.
“Vậy anh chặt nó đi, để làm gì cho hại đất” (c. 7).
Rõ ràng quyết định này không do sự tàn ác hay nóng nảy.
Chặt đi khi chẳng còn gì để hy vọng, khi chờ đợi đã mỏi mòn.
Cây vả đã lấy màu mỡ của đất trồng nho, mà không sinh trái.
Nó không đáp ứng ước mơ tự nhiên của ông chủ,
người đã cho nó hiện hữu ở trong khu vườn này.
“Xin cứ để cho nó lại năm nay nữa” (c. 8).
Lời xin của người làm vườn, người đã chăm sóc cây vả từ nhiều năm.
Người ấy xin cho cây vả một cơ hội,
cơ hội duy nhất và cuối cùng để tránh cái chết chắc chắn.
“Tôi sẽ vun xới, bón phân. May ra sang năm nó có trái…”
Cây vả cằn cỗi vẫn còn được hy vọng, còn được chăm sóc.
Không thấy ông chủ phản đối, chắc ông đồng ý chờ thêm một năm.
Cả ông chủ cũng nuôi lại niềm hy vọng.


Cuối cùng cây vả cằn cỗi này có ra trái không, có bị chặt không?
Dụ ngôn không cho ta câu trả lời.
Vì câu trả lời nằm ở chính tôi.
Tôi chính là cây vả ấy.
Tôi đã được trồng, được yêu, được hy vọng, được chờ, được chăm bón.
Bao điều lớn nhỏ Chúa làm cho đời tôi từ trước đến nay.
Hoa trái của cây vả đời tôi có tương xứng với những gì Chúa ban không?
Tôi suy nghĩ về sự kiên nhẫn của Chúa và cả sự thất vọng của Ngài nữa.
Chúa vẫn muốn cho tôi tiếp tục sống trên đời.
Mỗi ngày sống là quà tặng của lòng thương xót.
Còn sống là còn cơ hội để sinh trái, để bày tỏ lòng sám hối ăn năn.
Dù sao câu kết của người làm vườn tốt bụng vẫn là một đe dọa.
“Nếu không ông cứ chặt nó đi!” (c. 9).


Cầu nguyện:


Như thánh Phaolô trên đường về Đamát,
xin cho con trở nên mù lòa
vì ánh sáng chói chang của Chúa,
để nhờ biết mình mù lòa mà con được sáng mắt.


Xin cho con đừng sợ ánh sáng của Chúa,
ánh sáng phá tan bóng tối trong con
và đòi buộc con phải hoán cải.
Xin cho con đừng cố chấp ở lại trong bóng tối
chỉ vì chút tự ái cỏn con.


Xin cho con khiêm tốn
để đón nhận những tia sáng nhỏ
mà Chúa vẫn gửi đến cho con mỗi ngày.
Cuối cùng, xin cho con hết lòng tìm kiếm Chân lý
để Chân lý cho con được tự do.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.


Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
26 THÁNG MƯỜI
Kiểu Mẫu Và Nguồn Mạch Tối Thượng Của Hiệp Nhất
Mối hiệp nhất liên kết các Kitô hữu vào một thân thể, đó là mối hiệp nhất bắt nguồn từ Thiên Chúa. Mẫu thức tối thượng của sự hiệp nhất này là Thiên Chúa Ba Ngôi, là sự hiệp thông của Ba Ngôi Vị Thần Linh – Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Chính vì thế Chúa Giêsu đã cầu nguyện trong bữa Tiệc Ly: ” Cũng như, lạy Cha, Cha ở trong con, và con ở trong Cha, con cầu xin để họ nên một trong chúng ta” (Ga 17, 21).
Tất cả những người nhờ cùng một đức tin và cùng một Phép Rửa, đã trở nên con cái Thiên Chúa, đều được mời gọi đi vào trong mối hiệp nhất này. Thánh Phaolô nói: “Nhờ đức tin, tất cả anh em đều là con cái Thiên Chúa trong Đức Giêsu Kitô” (Gl 3,26). Vì thế nhờ đức tin, chúng ta là con cái Thiên Chúa trong Đấng là Con Một của Thiên Chúa Cha. Chúng ta phải hiệp nhất trong nguồn hiệp nhất tối thượng này: mối hiệp nhất thần linh giữa Chúa Con với Chúa Cha. Rồi, Chúa Cha và Chúa Con đã tuôn tràn Thánh Thần xuống trên Giáo Hội.
Chúa Thánh Thần ngự trong tâm hồn tất cả những người đã chịu Phép Rửa, thúc đẩy họ tin tưởng cầu xin và thưa lên: “Abba, Cha ơi!”. Như Công Đồng Vatican II đã dạy: “Chúa Thánh Thần – Đấng cư ngụ trong lòng các tín hữu và cai quản toàn thể Giáo Hội – tạo ra sự hiệp thông kỳ diệu của các tín hữu và hiệp nhất tất cả trong Đức Kitô cách mật thiết đến nỗi Ngài chính là nguyên lý hiệp nhất của Giáo Hội. Ngài phân phát vô số các ân sủng và các sứ vụ khác nhau (1Cr 12, 4-11) và làm cho Giáo Hội của Chúa Giêsu Kitô nên phong phú bằng nhiều ân huệ, ‘nhờ đó các thánh được chuẩn bị làm công việc phục vụ, là xây dựng thân thể Chúa Kitô’ (Eph 4, 12).
– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II


Lời Chúa Trong Gia Đình
NGÀY 26/ 10
Rm 8, 1-11; Lc 13, 1-9.

LỜI SUY NIỆM: “Tôi nói cho các ông biết: không phải thế đâu; nhưng nếu các ông không chịu sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết như vậy.”
          Trước cảnh tượng những người Galilê bị tổng trấn Philatô giết, khiến máu đổ ra hòa lẫn với máu tế vật họ đang dâng, cũng như mười tám người kia bị tháp Silôác đổ xuông đè chết. Người đương thời đã quy kết sự đau khổ này, những cái chết này, đều do tội lỗi bản thân của những người ấy đã phạm mà xãy ra. Điều này Chúa Giêsu đã cho biết: “không phải thế đâu.”
          Lạy Chúa Giêsu, ngày hôm nay, trong chúng con cũng có nhiều người quan niệm như vậy. Xin Chúa mở lòng trí chúng con, để chúng con nhận ra những gì đang xãy ra chung quanh chúng con, chỉ là dấu chỉ để nhắc nhở chúng con biết xét mình, sửa đổi đời sống của mình, biết sám hối ăn năn những lỗi phạm của mình, để giúp mỗi người chúng con khỏi phải chết đời đời.
Mạnh Phương


25 Tháng Mười
Con Chim Sáo
Trong một tập thơ mang tựa đề “Có muôn nghìn lý do để sống”, Ðức Cha Helder Camera, vị giám mục người Brazil nổi tiếng là vị tông đồ của người nghèo đã ghi lại câu chuyện ngụ ngôn sau đây: Bên cạnh nhà tôi, có một con chim sáo quanh năm ngày tháng sống giữa trời… Tôi vẫn có thói quen nói chuyện với nó. Một hôm, tôi hỏi chú sáo có nơi ngủ nghỉ không. Nó ngạc nhiên trả lời: “Có chứ!… Màn là trời, chiếu là đất. Có bao giờ thiếu đâu”.
Do những đòi hỏi của trí khôn loài người, tôi mới hỏi nó: “Thế thì những lúc mưa gió, chú trú ngụ ở đâu”. Nó nhanh nhẩu trả lời: “Bộ ông nghĩ là thỉnh thoảng tôi không cần tắm gội sao?” Tôi hỏi nó có đói không. Con chim sáo mỉm cười đáp: “Ðiều mà tôi muốn là được hót. Tôi sinh ra để hót mà…”. Và nó cất tiếng hót như sau: “Hỡi loài người kiêu ngạo. Hãy nói cho ta biết đi: liệu ngươi không chết sao?”.
Tôi cứ nài nỉ để chú sáo nhận món quà tôi biếu: đó là một ít bánh mì có thịt… Chú sáo lại được dịp cười cợt sự ngây ngô của tôi. Nó bảo tôi: “Ông không biết là loài sáo chúng tôi không có ăn bánh mì và thịt như các ông sao?”.
Lần kia, tôi hỏi chú sáo có cầu nguyện không. Nó không hiểu được câu hỏi của tôi. Nó chỉ cười trả lời: “Có mấy chú nhóc con lấy đá ném tôi. Nhưng tôi bay đi, tôi cười và tôi hót”.
Một lúc nào đó, tôi có ý nghĩ đưa con sáo vào bệnh viện để nhờ các bác sĩ tìm ra căn bệnh của nó và chữa trị cho nó. Nhưng tôi chợt nhận ra rằng nó chỉ là một con chim.
Qua câu chuyện ngụ ngôn trên đây, có lẽ Ðức Cha Helder Camera muốn gợi lên cho chúng ta cái thảm trạng của con người ngày nay: chiến tranh, chết chóc, đau khổ đều phát xuất từ chỗ con người không chấp nhận nhau. Ai cũng muốn người khác phải suy nghĩ như mình, phải hành động như mình, phải sống như mình. Ý thức hệ nào cũng cho là ưu việt và muốn áp đặt trên người khác ngay cả bằng bạo lực.
Ngày nay, con người mỗi lúc một ý thức hơn về sự đa diện của các nền văn hóa, của các khuynh hướng chính trị, của các tôn giáo… Sự trưởng thành của nhân loại được thể hiện qua chính sự chấp nhận ấy: chấp nhận sự khác biệt của tha nhân, chấp nhận tư tưởng của người khác. Khoan dung là thái độ mà con người ngày nay đang cần hơn bao giờ hết.
(Lẽ Sống)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét