Trang

Thứ Sáu, 4 tháng 10, 2019

Tài liệu năm 2014 về Linh Hứng của Ủy Ban Giáo Hoàng về Thánh Kinh, Phần II: Chứng từ của các bản văn Tân Ước, Kết luận phần II


Tài liệu năm 2014 về Linh Hứng của Ủy Ban Giáo Hoàng về Thánh Kinh, Phần II: Chứng từ của các bản văn Tân Ước, Kết luận phần II
Vũ Văn An


4. Kết luận

101. Người đọc Sách Thánh chỉ có thể được gấy ấn tượng bởi cách mà nhiều bản văn đa dạng cả trong hình thức văn học lẫn gốc rễ lịch sử của chúng đã được hợp nhất thành một qui điển duy nhất, và làm hiển thị một sự thật nhất trí, một sự thật tìm được phát biểu trọn vẹn trong con người của Chúa Kitô.

a. Những phát biểu văn chương và thần học của Cựu Ước

Việc nghiên cứu về các hợp thể (ensembles) văn chương khác nhau của Cựu Ước đã cho thấy sự phong phú cực độ trong các biểu hiện của Thiên Chúa trong lịch sử. Kinh thánh làm chứng rằng Thiên Chúa muốn bước vào mối liên hệ với nhân loại, qua các trung gian đa dạng.

- Chính công trình sáng thế cũng đã phản ảnh thánh ý Thiên Chúa muốn là một vị Thiên Chúa "cho con người": Thiên Chúa chủ động sáng kiến tự tỏ mình ra trong một công trình sáng tạo mà trình thuật Kinh thánh xác định là "tốt" (St 1:31). Sau đó, trình thuật Kinh thánh nhận xét rằng công trình này ngay lập tức phải giáp mặt với vấn đề sự ác (x. St. 3:1-24).

- Thiên Chúa cũng tỏ mình ra trong lịch sử đặc thù của dân tộc Israel, qua nhiều can thiệp cứu rỗi - giải thoát khỏi ách nô lệ Ai Cập (x. Xh 14); giải thoát khỏi việc thờ ngẫu thần (xem Xh 20; Đnl 5) -, và qua hồng ân Lề Luật, dạy cho Israel một cuộc sống cởi mở đối với tình yêu người lân cận (xem Lv 19).

- Văn chương tiên tri mang lại đặc tính linh hứng cho lời lẽ của các Tiên tri (trong phần dẫn nhập các sách, trong "công thức sứ giả", trong các công thức sấm ngôn). Các sấm ngôn tiên tri có thể phát biểu các đòi hỏi của Thiên Chúa, Đấng tự mặc khải cho dân giữa những thăng trầm của lịch sử. Chúng cũng phát biểu lòng tín trung của Chúa, bất chấp lỗi lầm của Israel.

- Về phần nó, văn chương khôn nhoan phản ảnh các xung đột có thể nảy sinh giữa các nền văn hóa cổ đại vốn khao khát sự thật và mặc khải chuyên biệt mà Israel được hưởng nhờ. Các truyền thống khôn ngoan có điểm chung là trình bày sự khôn ngoan của Israel như biều thức ưu hạng của sự thật mặc khải. Một cách đặc biệt, trong thời kỳ văn hóa Hy Lạp, Đức Khôn Ngoan của Israel, khi bị đối đầu bởi các hệ thống triết học Hy Lạp, tìm cách đề ra một hệ thống tư tưởng mạch lạc, nhấn mạnh đến giá trị luân lý và thần học của Tôra, và tự đề cho mình việc khuyến khích trái tim và trí thông minh tuân thủ giá trị này.

- Văn chương thánh thi, đặc biệt là các Thánh vịnh, tích hợp tất cả các chiều kích đã nêu trên đây: Thánh vịnh gia ca ngợi Thiên Chúa tạo hóa và Cứu Chúa, vị Thiên Chúa hiện diện trong lịch sử, vị Thiên Chúa vốn là nguồn sự thật. Đồng thời, ông mời các tín hữu tiến tới một cuộc sống trung thành, chính trực và ngay thẳng.

b. Những tuyên bố thần học của Tân Ước

102. Dự án mà các sách Tân Ước có điểm chung là cho phép người đọc gặp gỡ Chúa Kitô, "Đấng mặc khải Chúa Cha", nguồn cứu rỗi và là biểu hiện sau cùng của sự thật. Mục tiêu chung này đi qua các phương pháp sư phạm đa dạng.

- Các Tin Mừng nhất lãm, mà các soạn giả dựa trên các chứng tá lịch sử trực tiếp, cho thấy Chúa Giêsu thành Nadarét "hoàn tất" mọi trông chờ của Israel như thế nào: Người là Đấng Mêsia, Con Thiên Chúa, Đấng trung gian cứu rỗi. Được Chúa Thánh Thần thánh hiến, bằng cái chết và phục sinh, Người khai mở thời đại mới: tức Nước Thiên Chúa.

- Tin Mừng Gioan cho thấy Chúa Kitô là sự viên mãn của Lời Thiên Chúa, Ngôi Lời được mặc khải cho các môn đệ, những người nhận được lời hứa hồng ân Chúa Thánh Thần.

- Các thư của Thánh Phaolô đòi thẩm quyền của một Tông đồ, người, do trải nghiệm đích thân được gặp Chúa Kitô, đã truyền bá Tin mừng cho dân ngoại, và làm chứng, bằng một từ vựng mới, cho công trình của Chúa Kitô trong bối cảnh văn hóa thời đại của ngài.

– Theo sách Khải huyền, Chúa Giêsu, Đấng nhận và ban Lời linh hứng (xem Kh 1:1) đại diện cho hồng ân tối cao của Chúa Cha. Có một sự tương ứng tuyệt đối giữa dự án Vương quốc được Thiên Chúa muốn, và sự thể hiện thực sự của nó trong lịch sử nhân loại qua trung gian Chúa Kitô. Khi mọi lời linh hứng đều được hiện thực hóa, tiêu diệt sự ác trong lịch sử và cấy trồng vào đó kỳ quan của Chúa Kitô, Thiên Chúa sẽ long trọng tuyên bố, khi nói đến những lời này: "Chúng đã được ứng nghiệm" (Kh 21:6).

c. Sự cần thiết và các phương thức tiếp cận qui điển của Kinh Thánh

103. Hiến chế tín lý Dei Verbum (số 12) và tông huấn hậu Thượng Hội Đồng Verbum Domini (các số 40-41) cho thấy chỉ có cách tiếp cận duy nhất có tính đến toàn bộ qui điển của Kinh thánh mới cho phép ta khám phá đầy đủ ý nghĩa thần học và thiêng liêng của nó. Do đó, bất cứ truyền thống Kinh Thánh nào cũng cần được giải thích trong ngữ cảnh qui điển lúc phát biểu, điều này giúp đưa ra ánh sáng các nối kết dị đại và đồng đại với toàn bộ Qui Điển. Do đó, cách tiếp cận này làm chứng cho các liên hệ hiện có giữa các truyền thống Cựu Ước và các truyền thống Tân Ước. Bên kia sự đa dạng hết sức của các bản văn, được mô tả trong các đoạn trên đây, Qui Điên Kinh thánh đề cập đến một Chân lý duy nhất, - Chúa Kitô – Đấng mà chứng từ Tông đồ nhìn nhận là Con Thiên Chúa, Đấng mặc khải Chúa Cha và là vị cứu tinh của con người. Toàn bộ Qui điển đạt đến đỉnh cao trong lời khẳng định này, lời khẳng định, có thể nói, mà tất cả các yếu tố cấu thành ra nó đều “hướng” tới. Nói cách khác, Qui điển Kính thánh tạo nên ngữ cảnh giải thích thỏa đáng cho từng truyền thống đã soạn ra nó: sau khi đã được tích hợp vào Qui Điển, mỗi truyền thống đặc thù nhận được một ngữ cảnh phát biểu mới, làm mới ý nghĩa của nó.

"Luận lý qui điển" này giải thích các nối kết giữa Tân ước và Cựu ước: Các truyền thống Tân Ước sử dụng từ vựng "cần thiết" và từ vựng "hoàn tất" (hoặc "hoàn thành") để diễn tả cuộc sống và việc làm của Chúa Kitô luôn tham chiếu các truyền thống của Cựu Ước (xem Mt 26:54; Lc 22:37; 24:44). Nội dung của Kinh thánh, muốn đúng sự thật, nhất thiết phải được hoàn tất, và sự hoàn tất này được thực hiện trọn vẹn trong sự sống, cái chết và sự phục sinh của Chúa Kitô (Ga 13:18; 19:24; Cv 1:16). Một mình con người của Chúa Kitô đủ đem ý nghĩa tối hậu lại cho các truyền thống hết sức đa dạng: chúng ta thấy điều này, thí dụ, trong trình thuật ở chương 24 của Tin Mừng Luca, trong đó Chúa Giêsu đích thân cho thấy lịch sử chuyên biệt của Người đã soi sáng các truyền thống Tôra, Tiên tri và Thánh vịnh ra sao. Do đó, con người của Chúa Kitô đáp ứng các mong đợi của Israel và mang sự mặc khải thần thiêng đến chỗ hoàn tất. Chúa Kitô "tóm lược" các nhân vật chính của giao ước thứ nhất và dệt nên mối liên kết giữa họ: Người là Người Tôi tớ, Đấng Mêsia, người trung gian của giao ước mới, Đấng Cứu Rỗi.

Mặt khác, Chúa Kitô phát biểu sự thật một cách hoàn hảo và không ai vượt qua được, một sự thật dần dần được mặc khải và truyền đạt trong các truyền thống thành văn, trong bối cảnh giao ước thứ nhất. Sự thật của Chúa Kitô được ghi lại trong các truyền thống Tân Ước, là truyền thống đã tập hợp chặt chẽ chứng tá tận mắt của các môn đệ đầu tiên, và việc tiếp nhận nó, trong Chúa Thánh Thần, bởi các cộng đồng Kitô giáo đầu tiên.

Sự thật về Thiên Chúa này và sự cứu rỗi loài người, vốn tạo nên tâm điểm của việc mặc khải thần thiêng, và, trong Chúa Giêsu Kitô, mang biểu thức hoàn tất và dứt khoát hệ ở điều gì? Chúng ta tìm được câu trả lời cho câu hỏi này trong công trình của Chúa Giêsu. Người mặc khải Thiên Chúa, Đấng là Cha, Con và Thánh Thần (xem Mt 28:19), Thiên Chúa, Đấng hiện hữu và sống trong chính Người một sự hiệp thông hoàn hảo. Chúa Giêsu kêu gọi các môn đệ hiệp thông sự sống với Người, bằng cách bước theo Người (Mt 4: 18-22), và Người trao cho họ trách nhiệm làm cho mọi người và mọi dân tộc thành các môn đệ của Người (Mt 28:19). Do đó, Người bày tỏ mong muốn cao nhất của Người, khi xin với Chúa Cha: " “Lạy Cha, con muốn rằng con ở đâu, thì những người Cha đã ban cho con cũng ở đó với con, để họ chiêm ngưỡng vinh quang của con” (Ga 17:24). Do đó, sự thật được mặc khải trong Chúa Giêsu có thể được phát biểu: Thiên Chúa là sự hiệp thông trong chính Người, và Thiên Chúa ban sự hiệp thông với Người qua Con của Người (xem Dei Verbum, 2). Linh hứng, mà chúng ta đã nhận ra đặc tính Ba Ngôi trong các tác giả Tân Ước, xuất hiện như con đường thỏa đáng để truyền đạt sự thật này. Có một mối tương quan qua lại giữa linh hứng và sự thật của Kinh Thánh.

Như thế, Qui điển Kinh thánh cho phép chúng ta tiếp cận cùng một lúc cả sự năng động qua đó Thiên Chúa đích thân tự truyền đạt cho con người, qua trung gian các Tiên tri, các tác giả Kinh thánh và cuối cùng qua Chúa Giêsu thành Nadaret, lẫn diễn trình qua đó các cộng đồng tiếp nhận sự mặc khải này trong Chúa Thánh Thần và ghi lại nội dung của nó bằng văn bản.

Kỳ tới: Phần Ba: VIỆC GIẢI THÍCH LỜI THIÊN CHÚA VÀ CÁC THÁCH THỨC CỦA NÓ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét