24/01/2020
Thánh Phanxicô
Salêsiô, giám mục, tiến sĩ Hội Thánh.
Lễ nhớ.
GIAO THỪA. CẦU BÌNH AN CHO NĂM MỚI.
* Thánh nhân sinh tại
Xavoa năm 1567. Sau khi làm linh mục, người tận tuỵ với công việc canh tân Hội
Thánh công giáo tại quê hương. Được chọn làm giám mục Geneve, người tỏ ra là một
mục tử lo lắng cho giáo sĩ và giáo dân.
Người là vị sáng lập dòng các nữ tu thăm viếng cùng với chị Phanxica đờ
Săngtan. Suốt cuộc đời, người trở nên mọi sự cho mọi người qua lời nói và chữ
viết, cũng như khi tranh luận thần học với anh em Tin Lành, khi giúp cho giáo
dân biết sống đời sống thiêng liêng, lo lắng chăm nom cả kẻ bé lẫn người lớn.
Thánh nhân qua đời ở Lyon ngày 28 tháng 12 năm 1622.
BÀI ĐỌC I: 1 Sm 24,
3-21
“Tôi sẽ không ra tay sát hại
người, vì người là Đấng xức dầu của Chúa”.
Trích sách Samuel
quyển thứ nhất.
Trong những ngày ấy,
Saolê đem ba ngàn người được tuyển chọn trong toàn dân Israel và đi tìm Đavít
và các người theo ông, cho đến những mỏm đá cao dốc rất hẻo lánh, nơi chỉ có những
con dê rừng lui tới. Ông đến các chuồng chiên ở vệ đường. Nơi đây có một cái
hang, Saolê vào đó đi việc cần. Đavít và những người theo ông đang núp phía
trong hang.
Các người đầy tớ nói với
Đavít rằng: “Đây là ngày Chúa phán cùng ông: Ta trao thù địch của ngươi cho
ngươi, để ngươi đối xử với hắn thế nào tuỳ ý ngươi”. Vậy Đavít đứng lên, lén cắt
một mảnh chiến bào của Saolê. Sau đó Đavít hối hận, vì đã cắt áo chiến bào của
Saolê. Ông nói với các người theo ông rằng: “Xin Chúa thương tôi, đừng để tôi
làm việc này cho chủ tôi, đấng Chúa xức dầu, là ra tay sát hại vua, vì vua là đấng
xức dầu của Chúa”. Đavít ngăm đe những người theo ông không được phép xông vào
Saolê. Saolê đứng lên ra khỏi hang và tiếp tục cuộc hành trình. Đavít cũng đứng
dậy đi theo Saolê ra khỏi hang và gọi giật sau lưng vua rằng: “Tâu đức vua”.
Saolê nhìn lại đàng sau, Đavít sấp mình kính lạy và nói cùng Saolê rằng:
“Tại sao bệ hạ lại
nghe những lời người ta đồn thổi rằng: Đavít toan làm hại bệ hạ. Đây hôm nay
chính mắt bệ hạ thấy rằng: trong hang, Chúa đã trao bệ hạ vào tay tôi. Tôi đã
tưởng giết bệ hạ, nhưng tôi thương hại bệ hạ, vì tôi đã nói: Tôi không ra tay
sát hại chủ tôi, vì người là đấng xức dầu của Chúa. Hơn thế nữa, cha ôi, hãy
nhìn xem mảnh chiến bào của bệ hạ trong tay tôi, vì khi xén vạt chiến bào của bệ
hạ, tôi không muốn ra tay sát hại bệ hạ. Xin bệ hạ hãy nhận biết rằng tay tôi
không làm điều ác và bất công, tôi không phạm đến bệ hạ, nhưng bệ hạ cứ âm mưu
hãm hại mạng sống tôi. Xin Thiên Chúa xét xử cho bệ hạ và tôi, và xin Chúa báo
thù cho tôi. Nhưng tay tôi sẽ không phạm đến thân bệ hạ. Như ngạn ngữ xưa có
nói “Ác giả ác báo”, nhưng tay tôi cũng sẽ không phạm đến bệ hạ. Hỡi vua
Israel, bệ hạ bắt bớ ai? Bệ hạ bắt một con chó chết, một con bọ chét sao? Xin
Chúa làm quan án và xét xử cho tôi và bệ hạ, xin Chúa nhìn xem và xét xử vụ này
mà giải thoát tôi khỏi tay bệ hạ”.
Đavít vừa dứt lời,
Saolê liền nói: “Hỡi Đavít con ta, có phải tiếng đó là tiếng của con không?”
Saolê cất tiếng khóc và nói cùng Đavít rằng: “Con công chính hơn cha, con làm
ơn cho cha mà cha trả oán cho con. Hôm nay con vạch rõ, con đối xử nhân đạo với
cha, vì mặc dầu Chúa đã trao cha vào tay con mà con cũng không giết cha. Nào có
ai gặp kẻ thù mà để nó đi yên lành không? Vậy xin Chúa báo đáp lại cho con về
ân huệ mà con đã làm cho cha trong ngày hôm nay. Nay cha biết chắc rằng con sẽ
làm vua, và con sẽ nắm mãi mãi trong tay con vương quốc Israel”. Đó là lời
Chúa.
ĐÁP CA: Tv 56, 2. 3-4.
6 và 11
A+B:Nguyện xót
thương con, lạy Chúa, nguyện xót thương con (c. 2a).
1.
A) Nguyện xót thương
con, lạy Chúa, nguyện xót thương con, vì linh hồn con tìm đến nương tựa Ngài.
Con nương nhờ bóng cánh của Ngài, cho tới khi cơn hoạn nạn qua đi.
2.
B) Con kêu lên Thiên
Chúa Tối Cao, Thiên Chúa thực hiện cho con điều lành. Nguyện Chúa tự trời thi
ân và cứu độ con, làm cho những người bách hại con phải nhục nhã, nguyện Chúa tỏ
ra ân sủng và lòng trung tín của Ngài.
3.
A) Lạy Chúa, xin
Ngài hiện ra cao cả trên trời, xin tỏ vinh quang Ngài ra trên toàn cõi đất, vì
đức từ bi Chúa cao tới cõi trời, và lòng trung tín Ngài chạm ngàn mây.
A+B: Nguyện xót
thương con, lạy Chúa, nguyện xót thương con (c. 2a).
ALLELUIA: Ga 10, 27 -Chúa phán: “Con chiên Ta thì nghe tiếng Ta; Ta biết
chúng và chúng theo Ta”. – Alleluia.
PHÚC ÂM: Mc 3, 13-19
“Người gọi những kẻ Người muốn
gọi để họ ở cùng Người”.
Tin Mừng Chúa Giêsu
Kitô theo Thánh Marcô.
Khi ấy, Chúa Giêsu lên
núi và gọi những kẻ Người muốn gọi, và họ đến cùng Người. Người chọn mười hai vị
để theo Người, và sai các ông đi giảng và ban cho các ông quyền trừ quỷ. Mười
hai vị ấy là: Simon mà Người đặt tên là Phêrô, Giacôbê con ông Giêbêđê, và
Gioan là em Giacôbê, (cả hai được Người đặt tên là Boanerges, nghĩa là con của
sấm sét), rồi đến Anrê, Philipphê, Bartôlômêô, Matthêu, Tôma, Giacôbê con ông
Alphê, Tađêô, Simon nhiệt tâm, và Giuđa Iscariô là kẻ nộp Người. Đó là lời
Chúa.
Suy Niệm : Giáo Hội là
một Mầu Nhiệm
Nếu thời Cựu Ước đã có
những tiên tri cung đình, chuyên phụ họa cho vua chúa, thay vì nói lời của
Chúa; thì ngày nay cũng không thiếu những tiên tri như thế: thay vì nói Lời
Chúa, lên tiếng tố cáo bất công, người ta lại chỉ làm tiên tri để công kích và
chỉ trích Giáo Hội của mình. Dù sao, đây cũng là dịp để các Kitô hữu suy nghĩ
và đào sâu về bản chất của Giáo Hội.
Ðiều cơ bản nhất mà
chúng ta cần phải tuyên xưng trước tiên khi nói về Giáo Hội, đó là Giáo Hội là
một mầu nhiệm, do đó chúng ta không thể so sánh hay xếp Giáo Hội vào bất cứ một
tổ chức trần thế nào. Giáo Hội không là một thể chế quân chủ chuyên chế hay
quân chủ lập hiến. Giáo Hội cũng không hề là một chế độ tập quyền hay Bô lão trị;
Giáo Hội lại càng không phải là một chế độ dân chủ. Giáo Hội thiết yếu là một mầu
nhiệm, do đó mà không có một tên gọi nào diễn tả và múc cạn mầu nhiệm ấy. Giáo
Hội được gọi là Hiền thê của Chúa Kitô, Giáo Hội được gọi là thân thể mầu nhiệm
của Chúa Kitô, Giáo Hội được gọi là Dân Chúa; mỗi kiểu nói này bày tỏ một khía
cạnh, nhưng không thể nào nói hết về Giáo Hội.
Tin Mừng hôm nay như
muốn đưa chúng ta vào trong bản chất mầu nhiệm ấy của Giáo Hội. Chúa Giêsu thiết
lập nhóm Mười Hai để các ông ở với Ngài và được Ngài sai đi rao giảng. Ngài
trao ban cho các ông quyền năng mà chính Ngài đã từng sử dụng: chỉ có các Tông
Ðồ mới có quyền trừ quỷ, mới có quyền cử hành các Bí Tích, và chỉ những ai được
các ông trao quyền cho mới được cử hành các Bí Tích. Chúa Giêsu trao phó cho
các Tông Ðồ kho tàng mạc khải, chỉ có các ông mới có khả năng và có quyền giải
thích kho tàng ấy và giảng dạy đúng ý muốn của Chúa. Trong Nhóm Mười Hai, Chúa
Giêsu đặt Phêrô làm thủ lãnh để cai trị và trở thành mối giây hữu hình trong
Giáo Hội, Ngài hứa ở với Giáo Hội mỗi ngày cho đến tận thế: như Ngài đã ở với
các Tông Ðồ ngay từ buổi đầu, thì hơn 2,000 năm qua, Ngài vẫn tiếp tục ở với và
trong Giáo Hội.
Giáo Hội chính là thân
thể Chúa Kitô. Thuộc về Giáo Hội chính là chấp nhận lời rao giảng của Chúa
Giêsu được ủy thác cho các Tông đồ và những người mà các ông cắt đặt để thay thế
và tiếp tục sứ mệnh của mình. Thuộc về Giáo Hội một cách cụ thể, là đón nhận và
sống giáo huấn của chính các Tông đồ được ủy thác cho Giáo Hội và những người kế
vị các ông. Giáo Hội không phải là một thể chế dân chủ, nhưng Giáo Hội chưa hề
cưỡng bách ai phải gia nhập Giáo Hội; nhưng nếu đã thuộc về Giáo Hội thì không
thể không chấp nhận quyền bính của Giáo Hội. Dù vậy, ngay cả khi một Kitô hữu
không chấp nhận quyền giáo huấn của Giáo Hội, thì Giáo Hội cũng không phải dùng
đến võ lực hoặc nhà tù để đe dọa và trừng phạt.
Hằng năm, Giáo Hội
dành một tuần lễ để cầu cho sự hiệp nhất của các Kitô hữu, một tuần lễ để đi
sâu vào mầu nhiệm của Giáo Hội, một tuần lễ để hoán cải. Chúng ta hãy cầu xin bằng
chính lời cầu nguyện của Chúa Giêsu: "Xin cho chúng nên một như Cha ở
trong Con và như Con ở trong Cha, ngõ hầu thế gian tin rằng Cha đã sai
Con".
(Trích
trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
Lễ Giao Thừa
Bài đọc I: Ds 6, 22-27
"Họ sẽ kêu cầu
danh Ta trên con cái Israel và Ta sẽ chúc lành cho chúng".
Trích sách Dân Số.
Chúa phán cùng Môsê rằng:
"Hãy nói với Aaron và con cái nó rằng: Các ngươi hãy chúc lành cho con cái
Israel; hãy nói với chúng thế này: 'Xin Chúa chúc lành cho con, và gìn giữ con.
Xin Chúa tỏ nhan thánh Chúa cho con, và thương xót con. Xin Chúa ghé mặt lại
cùng con, và ban bằng yên cho con'. Họ sẽ kêu cầu danh Ta trên con cái Israel,
và Ta sẽ chúc lành cho chúng".
Đó là lời Chúa.
Đáp ca: Tv
120,1-2.3-4.5-6.7-8
Đáp: Ơn phù hộ chúng
ta ở nơi danh Chúa, là Đấng dựng nên cả đất trời.
Xướng: Tôi ngước mắt
nhìn lên rặng núi, ơn phù hộ tôi đến tự nơi nao? Ơn phù hộ tôi đến từ Đức Chúa
là Đấng dựng nên cả đất trời.
Xướng: Xin Đấng gìn giữ
bạn đừng để bạn lỡ chân trật bước, xin Người chớ ngủ quên. Đấng gìn giữ
Ít-ra-en, lẽ nào chợp mắt ngủ quên cho đành!.
Xướng: Chính Chúa là Đấng
canh giữ bạn, chính Chúa là Đấng vẫn chở che, Người luôn luôn ở gần kề. Ngày
sáu khắc, vầng ô không tác hoạ, đêm năm canh, vành nguyệt chẳng hại chi.
Xướng: Ngày sáu khắc,
vầng ô không tác họa. Đêm năm canh, vành nguyệt chẳng hại chi, Chúa gìn giữ bạn
không khi bất hạnh, bảo vệ cho sinh mạng an toàn.
Xướng: Chúa giữ gìn bạn
khỏi mọi điều bất hạnh, giữ gìn cho sinh mệnh an toàn. Chúa giữ gìn bạn lúc ra
vào lui tới, từ giờ đây cho đến mãi muôn đời.
Bài Đọc II : 1 Tx 5,
16-26.28
Lời Chúa
trong thư thứ nhất của thánh Phao-lô tông đồ gửi tín hữu Thesalonica
Anh em hãy vui mừng
luôn mãi và cầu nguyện không ngừng. Hãy tạ ơn trong mọi hoàn cảnh.
Anh em hãy làm như vậy, đó là điều Thiên Chúa muốn trong Ðức Kitô Giêsu.
Anh em đừng dập tắt Thần
Khí. Chớ khinh thường ơn nói tiên tri. hãy cân nhắc mọi sự: điều gì tốt
thì giữ; còn điều xấu dưới bất cứ hình thức nào thì lánh cho xa.
Nguyện chính Thiên
Chúa là nguồn mạch bình an, thánh hóa toàn diện con người anh em, để thần trí,
tâm hồn và thân xác anh em, được gìn giữ vẹn toàn, không gì đáng trách, trong
ngày Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, quang lâm. Ðấng kêu gọi anh em là Ðấng
trung thành: Người sẽ thực hiện điều đó.
Thưa anh em, xin anh
em cũng cầu nguyện cho chúng tôi nữa. Tất cả anh em hãy hôn chào nhau một
cách thánh thiện. Chúc anh em được đầy tràn ân sủng của Ðức Giêsu Kitô,
Chúa chúng ta.
Đó là lời Chúa.
Câu xướng trước Phúc Âm
Đó là lời Chúa.
Câu xướng trước Phúc Âm
Alleluia, alleluia! -
Lạy Chúa là Thiên Chúa Israel tổ phụ chúng con, Chúa đáng được chúc tụng; mọi tạo
vật trên trời dưới đất đều là của Chúa. - Alleluia.
Phúc âm: Mt 5, 1-10
"Hãy vui mừng
hoan hỉ, vì phần thưởng sung mãn dành cho các con trên trời".
Tin Mừng Chúa Giêsu
Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, Chúa Giêsu thấy
dân chúng thì Người lên núi. Người ngồi xuống và các môn đệ đến gần. Người liền
mở miệng mà giảng dạy rằng: "Phúc thay những kẻ có tinh thần nghèo khó, vì
Nước Trời là của họ. Phúc thay những kẻ hiền lành, vì họ sẽ được đất làm cơ
nghiệp. Phúc thay những kẻ than khóc, vì họ sẽ được an ủi. Phúc thay những kẻ
đói khát công chính, vì họ sẽ được no đủ. Phúc thay những kẻ biết thương xót,
vì họ sẽ được thương xót. Phúc thay những kẻ có lòng trong sạch, vì họ sẽ được
thấy Thiên Chúa. Phúc thay những kẻ gây hoà thuận, vì họ sẽ được gọi là con
Thiên Chúa. Phúc thay những kẻ bị bắt bớ vì sự công chính, vì Nước Trời là của
họ".
Đó là lời Chúa.
SUY NIỆM
Ai ai trên trần thế này cũng luôn muốn mưu cầu hạnh phúc cho bản thân. Và người làm cha làm mẹ lại càng mong muốn hơn về niềm hạnh phúc ấy cho con cái của mình. Cũng thế, Thiên Chúa là Cha yêu thương và quan phòng, Ngài lại càng mong muốn điều thiện hảo nhất đến cho con người. Vì thế mà Chúa đã chỉ dạy các Mối Phúc để con người sống theo, hầu mỗi ngày dần được nên thánh.
Hạnh phúc thật mà theo lời Chúa Giêsu dạy (Mt 5,1-10), còn được các tín hữu quen gọi là Tám Mối Phúc Thật làm cho nhiều người không khỏi ngạc nhiên sau khi nghe những lời ấy. Lý do là vì điều Chúa Giêsu dạy bảo xem ra khác với những điều mà trước nay con người chúng ta tìm kiếm và theo đuổi để mong sao cho mình cùng gia đình được hạnh phúc. Vâng, là con người, ai mà chẳng muốn sống giàu sang, dư giả; ai mà chẳng muốn mình có được quyền hành để sai khiến người khác; ai mà chẳng muốn được sung sướng, ấm no; ai mà chẳng muốn tránh đi nỗi phiền hà, vì thế, việc lo cho người khác lại bị xem là việc “bao đồng”; và ai mà chẳng muốn tránh đi những sự bách hại, chính điều này có thể làm cho người ta sống bất công, lươn lẹo… thậm chí thoả hiệp với sự xấu.
Thế nhưng, Thiên Chúa lại chúc phúc cho những ai sống tinh thần nghèo khó. Dẫu người đó có giàu sang nhưng biết nhận ra sự nghèo khó của mình, bằng việc biết ơn những ân ban của Chúa để cũng biết nhận nhưng không thì hãy cho đi cách vô điều kiện. Người ấy còn là người sống hiền lành, sầu khổ, khát khao mình được nên công chính; người ấy biết xót thương anh chị em mình, có lòng trong sạch, không nghĩ gian nghĩ xấu cho ai; và người ấy luôn ăn ở thuận hoà cũng như dám đối mặt với việc bị bách hại vì lẽ công chính.
Vậy giờ phút Giao thừa là thời khắc cuối cùng trong năm cũ, thật thích hợp để chúng ta cùng nhìn lại xem mình đã sống một năm qua thế nào? Chúng ta có đang theo đuổi hạnh phúc của thế gian ban tặng không, hay sẵn sàng thực thi những đòi hỏi của Tin Mừng để sống các Mối Phúc của Chúa? Khi chúng ta sống những Mối Phúc theo lời dạy của Thiên Chúa thì Ngài sẽ ban hạnh phúc cho chúng ta cả đời này lẫn đời sau.
Lạy Chúa, khi suy niệm về các Mối Phúc mà Chúa đã dạy, xin cho mỗi người chúng con cũng tập chọn cho mình một con đường nên thánh. Trước thềm Năm mới Canh Tý, cho con biết chọn một mối phúc để dốc tâm sống thiện hảo như Chúa đã mời gọi: “Anh em hãy nên hoàn thiện như Cha trên trời là Đấng hoàn thiện”. Amen.
Lm. Anphongsô
Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Sáu, Tuần II TN
Bài đọc: Heb
8:6-13; I Sam 24:3-21; Mk 3:13-19.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Khi cái hoàn
hảo tới, cái bất toàn phải qua đi.
Con người thường có
khuynh hướng tiếc nuối những huy hoàng của quá khứ và từ chối không tiếp nhận
những thay đổi trong cuộc sống hiện tại. Họ quên đi nhân loại càng ngày càng phải
phát triển để tiến bộ hơn, trong đời sống xã hội cũng như tôn giáo. Tục ngữ Việt-nam
có rất nhiều câu khuyên mọi người phải bỏ thái độ thủ cựu, nắm giữ quyền hành:
“Tre già, măng mọc” hay “Con hơn cha, nhà có phúc.” Trong Kế Hoạch Cứu Độ cũng
thế, Thiên Chúa không dựng nên con người toàn hảo hay mặc khải mọi sự cho con
người ngay từ đầu; nhưng muốn con người từ từ tiến đến chỗ hoàn hảo và càng
ngày càng thấu hiểu về Thiên Chúa và Kế Hoạch Cứu Độ của Ngài. Vì thế, con người
cần có sự khôn ngoan và tâm hồn cởi mở để đón nhận những thay đổi trong cuộc sống;
chứ không ích kỷ nắm giữ quá khứ.
Các Bài Đọc hôm nay
xoay quanh sự tiệm tiến của những gì Thiên Chúa đã làm cho con người. Trong Bài
Đọc I, năm lẻ, tác giả Thư Do-thái so sánh hai giao ước cũ và mới mà Thiên Chúa
thiết lập với dân: vì giao ước cũ bất toàn nên mới có giao ước mới; giao ước mới
hoàn hảo hơn giao ước cũ vì đặt căn bản trên những lời hứa tốt đẹp hơn của
Thiên Chúa. Trong Bài Đọc I, năm chẵn, vua Saul phải công nhận David là người
công chính và xứng đáng làm vua của Israel hơn ông; vì trong khi Vua luôn tìm
cơ hội để thủ tiêu David, còn David luôn tìm dịp để giúp đỡ và tha chết cho
Vua. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu thiết lập Nhóm Mười Hai để các ông ở với Ngài và
được huấn luyện, trước khi Ngài sai các ông đi rao giảng Tin Mừng và tiếp tục sứ
vụ của Ngài trên trần gian.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I (năm lẻ): Chúa Giêsu là trung gian của một giao ước tốt đẹp hơn.
1.1/ Quan niệm về giao ước: Thông thường, giao ước là một hợp đồng giữa hai bên, đồng
ý thỏa thuận về một số những điều mà hai bên đồng ý giữ. Nếu một bên không chịu
giữ hợp đồng, giao ước ấy sẽ trở nên vô hiệu. Từ ngữ Hy-Lạp thường dùng để chỉ
giao ước là suntheke. Điều đáng chú ý trong đọan văn này, tác giả
không dùng suntheke, mà dùng diatheke; từ ngữ này được
dùng để chỉ một lời hứa mà một người ở cấp bậc cao hơn hứa với một người dưới
mình. Trong giao ước của Thiên Chúa với con người, Thiên Chúa là nguồn gốc và
là nguyên nhân của những lời hứa.
1.2/ Giao ước mới toàn hảo
hơn giao ước cũ:
(1) Giao ước cũ: là
giao ước Thiên Chúa thiết lập với Israel qua trung gian của Moses trên núi
Sinai. Theo giao ước này, Thiên Chúa hứa sẽ thương yêu và săn sóc Israel nếu họ
tuân giữ cẩn thận các giới răn của Ngài (Deut 4:23).
(2) Giao ước mới: là
giao ước Thiên Chúa thiết lập với Giáo Hội qua trung gian của Đức Kitô. Tác giả
thư Do-thái nêu bật những đặc điểm của giao ước mới:
– Hoàn hảo hơn giao ước
cũ: Tác giả dẫn chứng lời đã được tiên báo bởi tiên-tri Jeremiah 31:31-34: “Quả
thật, Thiên Chúa khiển trách Dân rằng: Đức Chúa phán: Này sắp đến những ngày Ta
hoàn thành một Giao Ước Mới với nhà Israel và nhà Judah. Giao ước đó sẽ không
như giao ước Ta đã thiết lập với cha ông của chúng, trong ngày Ta cầm tay dẫn
chúng ra khỏi Ai-cập. Bởi vì chúng đã không trung thành với giao ước của Ta,
nên Ta cũng đã bỏ mặc chúng, Đức Chúa phán.” Tác giả dùng tĩnh từ kainos để
chỉ mới cả về thời gian lẫn phẩm giá: “Nhưng hiện nay, Đức Giêsu được một tác vụ
cao trọng hơn, bởi vì Người là trung gian của một giao ước tốt đẹp hơn; giao ước
này căn cứ vào những lời hứa tốt đẹp hơn.”
– Lý do hiện hữu: vì sự
bất toàn của giao ước cũ. “Thật vậy, giả như giao ước thứ nhất đã hoàn hảo rồi,
thì chẳng cần phải tìm giao ước thứ hai để thay thế.” Tác giả lý luận: “Khi
Thiên Chúa nói đến Giao Ước Mới, Người làm cho giao ước thứ nhất hoá ra giao ước
cũ; và cái gì cũ kỹ, lỗi thời, thì sắp tan biến đi.”
– Sự khác biệt nền tảng
giữa 2 giao ước: Thập Giới của giao ước cũ được khắc ghi trong 2 bia đá; trong
khi Lề Luật của giao ước mới sẽ được Thiên Chúa: “ghi vào lòng trí chúng, sẽ khắc
vào tâm khảm chúng lề luật của Ta; Ta sẽ là Thiên Chúa của chúng, còn chúng sẽ
là Dân của Ta.”
Con người giữ Lề Luật
không chỉ vì bắt buộc, nhưng vì yêu thương Đấng dạy dỗ mình.
– Mọi người đều biết
Thiên Chúa, chứ không còn chỉ giới hạn trong vòng dân Do Thái mà thôi: “Không
ai còn phải dạy đồng bào mình, không ai còn phải dạy anh em mình rằng: “Hãy học
cho biết Đức Chúa”, vì hết thảy chúng, từ người nhỏ đến người lớn, sẽ biết Ta.”
– Hoàn toàn tha thứ mọi
tội lỗi cho dân: “Ta sẽ dung thứ những điều gian ác chúng làm, sẽ không còn nhớ
đến lỗi lầm của chúng nữa.”
2/ Bài đọc I (năm chẵn): Saul thú nhận với David: “Con
công chính hơn cha, vì con xử tốt với cha, còn cha thì xử ác với con.”
2.1/ Phản ứng của David: Ông biết Saul muốn tìm dịp hại ông vì ghen tị, không muốn
ông làm Vua Israel. Dịp may để hạ sát vua Saul đã tới tại En-Gedi, cạnh Biển Chết,
khi Saul vào trong một hang đá để làm việc cần cá nhân. Lúc đó David và người của
ông đang ngồi ở cuối hang. Người của ông David nói với ông: “Đây là ngày Đức
Chúa phán với ông: “Này ta trao kẻ thù của ngươi vào tay ngươi, ngươi sẽ đối xử
với nó thế nào tùy ý.””
David có thể triệt hạ
Saul lúc đó để khỏi phải lo chạy trốn mãi; nhưng ông sợ động tới người Thiên
Chúa đã xức dầu tấn phong. Ông cũng ngăn cấm người của ông không được đụng tới
vua Saul; ông chỉ nhẹ nhàng đi tới chỗ Saul treo áo choàng và cắt vạt áo của
vua Saul. Hành động cắt vạt áo choàng có lẽ là một biểu tượng để nhắc lại chuyện
vua Saul đã vô ý giật rách áo choàng của ngôn-sứ Samuel trong trình thuật
15:27-28.
Sau đó, David ra khỏi
hang và kêu lớn tiếng đằng sau vua Saul rằng: “Thưa đức vua là chúa thượng
con!” rồi sấp mặt sát đất mà lạy. David nói với vua Saul: “Tại sao cha lại nghe
lời người ta nói rằng David đang tìm cách hại cha? Hôm nay đây, chính mắt cha
thấy Đức Chúa đã trao cha vào tay con, hôm nay, trong hang; người ta nói đến
chuyện giết cha, nhưng con đã thương hại cha và nói: “Tôi sẽ không tra tay hại
chúa thượng tôi, vì người là đấng Đức Chúa đã xức dầu tấn phong. Thưa cha, xin
nhìn xem, vâng, xin nhìn xem vạt áo choàng của cha trong tay con. Vì con đã cắt
áo choàng của cha và không giết cha, thì xin cha biết và thấy cho rằng tay con
không làm điều ác, điều lỗi, và con đã không phạm tội hại cha, trong khi cha
mưu toan lấy mạng sống con.” David cầu xin Thiên Chúa phân xử mối liên hệ giữa
ông và Saul: trong khi David luôn đối xử tốt lành với Saul, thì Saul lại luôn
tìm cách hãm hại David vì ghen tị. David tin Đức Chúa sẽ giải quyết xung đột giữa
hai người; chứ ông không dám ra tay hại người Đức Chúa đã xức dầu tấn phong.
2.2/ Phản ứng của Saul: Khi ông David nói những lời đó xong, thì vua Saul Saul oà
lên khóc. Vua nói với David: “Con công chính hơn cha, vì con xử tốt với cha,
còn cha thì xử ác với con. Hôm nay con đã tỏ ra là con làm điều tốt cho cha, vì
Đức Chúa đã nộp cha vào tay con mà con đã không giết cha. Có ai gặp kẻ thù của
mình mà cứ để nó đi yên lành không?” Công chính là tiếp tục sống đúng mối liên
hệ của mình, cho dù tha nhân đã không sống đúng mối liên hệ đó.
Vua Saul cũng nhận ra
David là người xứng đáng lãnh nhận vương quyền để cai trị Israel, ông cầu chúc
cho David: “Xin Đức Chúa thưởng con vì điều tốt con làm cho cha hôm nay. 21 Giờ
đây cha biết rằng chắc chắn con sẽ làm vua và vương quyền Israel sẽ vững mãi
trong tay con.”
3/ Phúc Âm: Chúa Giêsu thành lập Nhóm Mười Hai.
3.1/ Sứ vụ của Nhóm Mười
Hai: “Rồi Người lên núi và gọi đến với Người
những kẻ Người muốn. Và các ông đến với Người. Người lập Nhóm Mười Hai, để các
ông ở với Người và để Người sai các ông đi rao giảng, với quyền trừ quỷ.” Tại
sao phải lập Nhóm Mười Hai?
(1) Để tiếp tục thi
hành sứ vụ rao giảng Tin Mừng: Chúa Giêsu biết rõ những gì sẽ xảy đến cho Ngài
trong tương lai, vì thế Ngài cần những người tiếp tục công việc của Ngài. Người
lãnh đạo giỏi là người biết nhìn đến tương lai, và biết huấn luyện những người
có khả năng để thay thế mình sau này; vì nếu không huấn luyện người để thay thế,
tất cả những cố gắng của mình, cho dù hay đến đâu chăng nữa, cũng sẽ rơi vào
quên lãng.
(2) Để Tin Mừng đựơc
loan báo sâu rộng và nhiều người được chữa lành hơn: Phương tiện truyền thông
duy nhất thời đó là loan báo bằng miệng, và phương tiện di chuyển thịnh hành nhất
là đi bộ. Chúa Giêsu băn khoăn làm sao để Tin Mừng có thể đạt tới mọi người, và
không còn cách nào hiệu quả hơn là mời gọi nhiều người cộng tác để huấn luyện,
và rồi sai họ đi thi hành sứ vụ. Đó là lý do tại sao Ngài không chỉ huấn luyện
một, mà 12 Tông-đồ; bên cạnh đó, Ngài còn huấn luyện rất nhiều các môn đệ đi
theo Ngài. Điều này dạy chúng ta, để Tin Mừng có thể lan tràn đến mọi người,
chúng ta cần sự cố gắng và cộng tác của rất nhiều người, chứ không giới hạn
trong một thiểu số có tài năng hay kiến thức mà thôi.
(3) Chúa Giêsu gọi các
ông để ở với Ngài: Cách huấn luyện hiệu quả nhất của người thời xưa là cho ở với
Thầy; mục đích không những là để cho các trò học tất cả những gì nơi Thầy: sự
khôn ngoan cũng như cách cư xử, nhưng còn là cơ hội cho Thầy quan sát các trò của
mình và sửa sai những tính xấu cho họ.
3.2/ Thành phần của Nhóm
Mười Hai: “Người lập Nhóm Mười Hai và đặt
tên cho ông Simon là Phêrô, rồi có ông Giacôbê con ông Zebedee, và ông Gioan em
ông Giacôbê – Người đặt tên cho hai ông là Boarneghese, nghĩa là con của thiên
lôi – rồi đến các ông Anrê, Philípphê, Barthôlômêô, Mátthêu, Tôma, Giacôbê con
ông Anphê, Tađêô, Simon thuộc nhóm Quá Khích, và Giuđa Iscariot là chính kẻ nộp
Người.” Nhìn qua danh sách của 12 Tông-đồ, một người có những nhận xét như sau:
(1) Không có ai nổi bật:
về danh giá, quyền thế, cũng như về kiến thức. Ngược lại, đa số là những ngư phủ
thất học tầm thường. Các ông có thành công và trung thành với sứ vụ hay không
là do cách Chúa Giêsu huấn luyện.
(2) Là những con người
yếu đuối, tội lỗi: Matthew là người thu thuế, và được xem là tội lỗi thường
xuyên và công khai. Judah Iscarioth là người sẽ nộp Chúa. Hai con ông Zebedee,
Gioan và Giacôbê, là người nhắm địa vị “ngồi bên tả và bên hữu” Chúa Giêsu
trong vương quốc của Ngài. Phêrô chối Chúa 3 lần, và hầu hết các Tông-đồ đều bỏ
Chúa trong Cuộc Thương Khó của Ngài. Điều này cho chúng ta thấy việc huấn luyện
con người không dễ.
(3) Tính khí rất khác
nhau: Simon, người thuộc Nhóm Quá Khích, có khuynh hướng bảo vệ quốc gia
Do-Thái, rất ghét những người cấu kết với ngọai bang để bóc lột dân như
Matthew, người thu thuế. Thế mà Chúa Giêsu chọn hai ông để sống chung với nhau,
dẹp bỏ sự khác biệt, và cùng chung lo một sứ vụ rao giảng Tin Mừng. Phêrô rất
nhanh nhẩu đến nỗi làm mà không chịu suy nghĩ, để ở với Gioan, người luôn thâm
trầm và cẩn thận suy nghĩ trước khi làm. Nói tóm, sự huấn luyện của Chúa Giêsu
và cuộc sống chung đã làm các ông phải dẹp bỏ những khác biệt cá nhân để cùng
hy sinh cho sứ vụ rao giảng Tin Mừng.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
– Trong sự quan phòng
và Kế Hoạch Cứu Độ của Thiên Chúa, Ngài không dựng nên mọi sự hoàn hảo và tốt đẹp
ngay từ đầu; nhưng một cách tiệm tiến, mọi sự dần dần trở nên hoàn thiện. Ngài
muốn chúng ta đừng tiếc nuối và níu kéo quá khứ; nhưng biết dùng trí khôn và mở
lòng để đón nhận những mặc khải mới, và cố gắng để càng ngày càng trở nên tốt
hơn.
– Sự ghen tị là lý do
ngăn cản đà tiến của nhân loại, chúng ta đừng để nó làm mờ mắt đến nỗi chúng ta
không nhận ra thánh ý của Thiên Chúa; nhất là làm chúng ta mù quáng đến độ muốn
tiêu diệt sự thật và giết hại những người lành.
– Chúng ta hãy tin tưởng
hoàn toàn nơi Chúa Giêsu, vì Ngài là trung gian của một giao ước hoàn hảo. Ngài
luôn yêu thương và lo lắng mọi sự cho chúng ta.
Linh mục Anthony
Đinh Minh Tiên, OP
24/01/2020 – THỨ SÁU TUẦN 2 TN
Th. Phan-xi-cô Sa-lê-si-ô, giám mục, tiến sĩ HT Mc
3,13-19
HOA VÀ GỐC
Người lập Nhóm Mười
Hai, để các ông ở với Người và để Người sai các ông đi rao giảng. (Mc 3,14)
Suy niệm: Chúa Giê-su chọn gọi các
môn đệ. Thế nhưng Ngài không vội vàng sai họ đi rao giảng, Ngài muốn họ ở lại với
Ngài trước đã. Kim chỉ nam của hộïi viên Legio Mariae nhắc lại cho chúng ta
‘cái lý’ của Chúa: “Cầu nguyện là gốc, công tác là hoa. Hoa không gốc sẽ tàn.”
Chúng ta thường chỉ nghĩ đến ‘hoa’ tức là ‘đi rao giảng,’ mà quên ‘gốc,’ nghĩa
là ‘ở với Người.’ Chúa mời gọi chúng ta kín múc sức mạnh, nguồn ân sủng nhờ
luôn kết hợp với Người. Chính mối tương quan này sẽ giúp chúng ta bền chí trên
con đường theo Đức Ki-tô, và sẽ tạo nên những hương thơm cho anh chị em xung
quanh.
Mời Bạn: Là con cái Thiên Chúa và
là môn đệ Thầy Giê-su, chúng ta luôn được mời gọi ra đi làm chứng cho Tin Mừng.
Điều đó cũng phải lẽ thôi, vì làm sao không hãnh diện, tự tin, và vui mừng khi
chúng ta có Chúa là Cha nhân lành, có Đức Giê-su vừa là bậc Thầy khôn ngoan, đồng
thời cũng là người Bạn chân tình hướng dẫn. Nhưng để có được niềm vui, tự tin,
và hãnh diện ấy, mỗi một người chúng ta cần phải sống thân mật với Chúa, tạo mối
tương quan thân thiết với Ngài. Thánh nữ Tê-rê-xa Hải Đồng dù không ra khỏi bốn
bức tường, nhưng được đặt làm bổn mạng các xứ Truyền giáo, do đời sống cầu nguyện
của ngài. Mời bạn hãy bắt đầu mọi việc bằng tâm tình kết hợp với Chúa. Chắc chắn
bạn sẽ đem lại hiệu quả cho anh chị em mình. Bạn có tin điều đó không?
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa luôn mong muốn các môn đệ ở với
Chúa. Xin cho chúng con biết sống kết hợp với Chúa trong mọi lúc, để hương thơm
của Chúa qua chúng con đến được với thế giới hôm nay. Amen.
(5 Phút Lời Chúa)
Suy Niệm : Đến với
Người, ở với Người
Suy niệm :
Thông thường ở xã hội Do Thái, người môn đệ đi tầm sư học đạo.
Còn Thầy Giêsu lại đi “gọi” học trò.
Thầy muốn lập một nhóm học trò ruột, hết sức gần gũi với mình.
Những người Thầy muốn, Thầy đã gọi họ lại.
Và họ đã đáp lời mà đến với vị Thầy đang ở trên núi.
Như thế sáng kiến thì bắt nguồn từ Thầy,
còn đáp lại là điều con người cần thực hiện.
Thầy Giêsu muốn lập một nhóm mười hai môn đệ.
Có thể vì Thầy nhớ đến mười hai chi tộc Ítraen ngày xưa.
Mục đích của nhóm Mười Hai này là ở với Thầy và được Thầy sai đi.
Ở với là chuyện ưu tiên, và cũng là chuyện dễ bị xao lãng.
Ở với là có tương quan thân thiết và thường xuyên với Thầy.
Ở với là chia sẻ cuộc sống ăn ở, đói no, thành công, thất bại.
Khi ở với Thầy Giêsu, người môn đệ hiểu Thầy sâu xa và gắn bó với Thầy.
Khi các môn đệ đến với và ở với Thầy Giêsu,
họ như được tách ra khỏi đám đông.
Sau này, khi tìm người thay thế Giuđa phản bội,
Phêrô đòi đó phải là người đã sống với Thầy Giêsu ngay từ đầu (x.Cv 1,
22).
Ở với nằm trong định nghĩa về người môn đệ của Thầy Giêsu.
Nhưng đó không phải là điểm dừng.
Ở lại với Chúa là để được sai đến với con người.
Được tách ra khỏi đám đông chính là để được sai đến với đám đông,
trong tư cách của người đã được mắt thấy tai nghe Thầy Giêsu.
Người môn đệ được sai sẽ được phép làm những việc y hệt như Thầy:
rao giảng Tin Mừng và trừ quỷ nhằm phục vụ cho con người.
Chẳng những họ làm việc như Thầy, họ còn làm việc của Thầy và với Thầy.
Không ở với thì cũng chẳng được sai đi, và cũng không đủ sức để được sai.
Nhưng ở với là để có ngày được sai đi, mà sai đi thì vẫn luôn ở với.
Kitô hữu là người được gọi, để ở với Chúa Giêsu và được ngài sai đi.
Cuộc sống xao động hôm nay có vẻ làm ta quên ở với Chúa
và rơi vào tình trạng nghiện việc.
Chính vì thế công việc ta làm không đem lại hiệu quả thực sự và lâu bền.
Hãy ở với Giêsu mỗi ngày 15 phút, bạn sẽ thấy mọi sự thay đổi.
Cầu nguyện :
Khi bị bao vây bởi muôn tiếng ồn ào,
xin cho con tìm được những phút giây thinh lặng.
Khi bị rã rời vì trăm công ngàn việc,
xin cho con quý chuộng những lúc
được an nghỉ trước nhan Chúa.
Khi bị xao động bởi những bận tâm và âu lo,
xin cho con biết thanh thản ngồi dưới chân Chúa
để nghe lời Người.
Khi bị kéo ghì bởi đam mê dục vọng,
xin cho con thoát được lên cao
nhờ mang đôi cánh thần kỳ của sự cầu nguyện.
Lạy Chúa,
ước gì tinh thần cầu nguyện
thấm nhuần vào cả đời con.
Nhờ cầu nguyện,
xin cho con gặp được con người thật của con
và khuôn mặt thật của Chúa. Amen.
Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
24 THÁNG GIÊNG
Sống Để Làm Việc –
Hay Làm Việc Để Sống?
Con người được mời gọi
trân trọng phẩm giá của mình trong công việc mình làm.
Đáng tiếc, rất nhiều
hiện trạng lao động dường như đang phản nghịch lại mục tiêu quan trọng ấy. Tình
trạng làm việc quá nặng, quá căng thẳng, quá chú trọng đến tính ganh đua hay sức
sản xuất của người công nhân, và rất nhiều những khía cạnh cơ giới hóa khác … đều
đang nhất tề ‘thọc gậy bánh xe’! Nhiều khi chúng đi đến mức biến công việc
thành chủ của con người chứ không phải con người làm chủ công việc.
Nhiều người bắt đầu cảm
thấy rằng dường như mình sống để làm việc chứ không phải là làm việc để sống.
Có người đã đặt câu hỏi
với tôi: Phải đối phó thế nào với tình hình như vậy? Rõ ràng vấn đề có liên hệ
đến người lao động, đến gia đình của họ và điều kiện làm việc của họ. Tôi tin rằng
– một cách căn bản – tôi có thể chỉ ra câu trả lời cho vấn đề. Đó chính là một
tuyên bố rất hàm súc của Công Đồng Vatican II: “Điều quan trọng hệ tại ở chỗ
con người là gì chứ không phải ở chỗ con người có gì” (MV 35). Một châm ngôn đệ
nhất!
Người ta phải không ngừng
tự tra xét mình để hiểu sự thực mình là ai. Mỗi người phải lặn sâu xuống đáy
lòng mình để khám phá sự thực về hướng đích của mình trong lao động. Phải nhận
ra những giới hạn của mình và cố vượt qua chúng càng nhiều càng tốt. Phải nhận
ra những khả năng của mình và làm cho chúng sinh hoa trái phục vụ Thiên Chúa và
tha nhân. Càng nhận hiểu sự thực về mình, chúng ta sẽ càng hiểu hơn mình phải
làm gì để quân bình và hòa điệu các quyền và các bổn phận của chúng ta trong tư
cách là những con người .
Làm người – đó phải là
nền tảng để đánh giá cả những gì mình làm lẫn những gì mình có. Đó là điểm qui
chiếu mà mọi hoạt động của chúng ta phải hướng về. Đó là cơ sở để bảo đảm mối
thống nhất trong chính con người chúng ta. Mọi khía cạnh của con người phải hòa
hợp chặt chẽ với nhau. Chẳng hạn, những trách nhiệm mà người công nhân đảm nhận
ở sở làm phải giúp cho người ấy trưởng thành hơn trong đời sống gia đình cũng
như trong sự đóng góp của đương sự đối với cộng đồng.
– suy tư 366 ngày của
Đức Gioan Phaolô II –
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations
by Pope John Paul II
Lời Chúa Trong Gia Đình
Ngày 24/1
Thánh Phanxicô
Salêsiô,
giám mục tiến sĩ Hội
Thánh
1Sm 24,3-21; Mc 3,
13-19
Lời Suy Niệm: “Người lập
Nhóm Mười Hai, để các ông ở với Người và để Người sai các ông đi rao giảng với
quyền trừ quỷ.”
Ngay từ đầu sứ vụ của Chúa Giêsu, Người gọi đến với Người những kẻ Người muốn.
Người lập “Nhóm Mười Hai, để các ông ở với Người và để Người sai đi rao giảng.
Như vậy thừa tác vụ của họ là sự tiếp tục sứ vụ của Chúa Giêsu Kitô.
Lạy Chúa Giêsu. ngày hôm nay chúng con có những giám muc, linh mục, đang cùng sống
với chúng con; xin cho chúng con ra sức cọng tác với các ngài trong tình yêu và
sự tôn trọng các ngài với chức thánh mà các ngài đã nhận lãnh từ Giáo Hội.
Mạnh Phương
Gương Thánh Nhân
Ngày 24-01: Thánh
PHANXICÔ SALÊ
Giám Mục Tiến Sĩ
(1567-1622)
Một đứa trẻ giận dữ nhất
cũng phải nói rằng: thánh Phanxicô Salêciô là vị thánh hiền hoà nhất thế giới,
Ngài đã biết cách để sửa mình và do đó đưa ra phương thức tốt đẹp để nên thánh:
“Tôi chỉ nghĩ tới sự dịu hiền, dĩ nhiên, không phải chỉ có điều đó mà thôi. Sau
này các bạn hữu Ngài đã ngạc nhiên vì sự im lặng thánh nhân giữ được trước những
lăng nhục.
Ngài nói: – “Gì vậy, bạn
muốn tôi bỏ mất trong giây lát một chút dịu dàng mà tôi đã mất 20 năm để thu thập
sao ?”
Sự dịu dàng Ngài đã thực
hiện với bao nghị lực, bắt nguồn từ tình yêu Thiên Chúa, Ngài đã có thể nói với
bạn bè sau một cảnh thô tục mà một lãnh Chúa đã làm cho Ngài rằng: – Tôi giận
sôi người lên, nhưng tôi thích chết đi còn hơn là nói lên một điều nhỏ nào có
thể làm buồn lòng Thiên Chúa.
Thật khó hiểu nổi cách
thế mà trong Ngài, một lòng nhân hậu dịu dàng như vậy đã thay thế cho bạo lực.
Đối với người dọa nạt, Ngài trả lời: – Thưa ông, nếu ông có một con mắt, tôi sẽ
nhìn ông bằng con mắt kia với lòng trìu mến.
Cả thánh Vincentê
Phaolô cũng nói: – Khi muốn chiêm ngưỡng sự dịu hiền của Thiên Chúa, tôi nhìn về
giám mục thành Ghênêva.
Chào đời ngày 21 tháng
tám năm 1567 ở lâu đài Sales, Phanxicô từ trong nôi đã gặp được đức tin và đức
ái. Ngài học được từ người mẹ đã từng dẫn Ngài đi thăm các người nghèo khó, để
yêu thương và giúp đỡ họ. Năm 1582, Ngài theo học khoa hùng biện và ôn triết tại
Paris. Vào tuổi 17 một cơn dằn vặt thiêng liêng kinh khủng ám ảnh Ngài: người
tưởng rằng: mình không còn sống trong tình trạng ơn thánh nữa, hoả ngục dành
cho Ngài và nơi khủng khiếp này không còn tình yêu Chúa nữa.
Phanxicô cầu khần: – Lạy
Chúa ít ra cuộc sống vắn vỏi này con biết dành để yêu mến Chúa.
Kiệt sức, Ngài chạy đến
xin đức Trinh nữ gìn giữ mình được trinh trong và cứu thoát cho khỏi cơn thử
thách gay go này. Ngài đọc kinh “hãy nhớ” và sau cùng tìm lại được bình an.
Từ năm 1586 -1591,
Ngài theo học luật tại Padua và đậu bằng tiến sĩ. Trở lại gia đình gia đình,
Ngài được đón tiếp trong niềm hân hoan phấn khởi. Cha mẹ Ngài vui sướng về đám
cưới của Ngài. Nhưng Ngài đã từ khước mọi dự định của gia đình. Hạnh phúc và
danh vọng trần thế không đáng kể gì đối với Phanxicô, con người đã được tình
yêu tuyệt đối chiếm đoạt, Ngài muốn trở thành linh mục. Được phong chức vào
ngày 31 thắng 5 năm 1593, Ngài trở thành linh mục hoàn hảo, luôn có Chúa Giêsu
ngự trong mình, Ngài sống gần dân làng như một người cha hiền, có mặt trong mọi
sự. Gặp cơn dịch hạch lan tràn, ngày đêm người ta thấy Ngài đi từ bệnh nhân này
tới bệnh nhân khác, chú ý tới những thể xác lẫn tinh thần đau khổ.
Một sứ mệnh lớn lao
kêu gọi tới Phanxicô. Những người theo phái thệ phản thêm nhiều trong xứ sở,
phá hủy nhiều nhà thờ và tu viện, lòng nhiệt thành đã đưa Ngài tới với đức Cha
Granier, giám mục Ghênêva, Ngài được phép hiến mình thực hịên một nỗ lực dường
như không thể được, là đưa dân chúng Chablais trở lại khỏi ảnh hưởng phái ở
Calvinnô. Không có đe dọa hay bạo lực nào bắt Người ngừng giảng được. Nơi nào
không thể đến rao gảing, Ngài phân phát truyền đơn. Suốt ba năm dưới ảnh hưởng
của thánh nhân, 72 ngàn người theo thệ phản đã hoán cải.
Năm 1602, vua Henri IV
đã muốn thánh Phanxicô làm giám mục thành Paris nhưng Ngài đã từ khước danh dự
này và nói: – Thưa Ngài, tôi đã đính hôn với một bà Chúa nghèo, tôi không thể từ
giã bà để theo một bà khác giàu có hơn.
Nhà vua rất thán phục
sự độc lập của Ngài và tuyên bố rằng: Phanxicô vĩ đại hơn ông là kẻ làm vua nhiều.
Dầu vậy tháng 6 năm 1602, Ngài Ngài đã phải nhận tòa giám mục Annecy – Gheneva.
Các bài giảng thuyết của
Ngài sớm lừng danh, đến độ những thành phố lớn đòi được nghe tiếng Ngài. Nhưng
giám mục người Xa-voa (Savoie) thích giảng cho dân nghèo hơn. Ngài còn cho họ cả
tới áo mặc của mình. Người ta thấy Ngài không giữ lại gì cho mình. Ngài chỉ
thánh giá và nói: – Người ta có thể từ chối điều gì được, đối với một Thiên
Chúa đã tự đặt mình vào trạng huống này vì chúng ta ?
Đối với các tội nhân,
Ngài thân tình đón tiếp họ: – Các con hãy đến đây để cha ôm ẵm và đặt các con
vào lòng cha. Cha chỉ đòi các con một điều là không được thất vọng, phần còn lại
cha lãnh tất cả.
Đi tìm kiếm một linh hồn,
nếu cần Ngài vượt qua rừng trong đêm tối, bất chấp bọn cướp giật hay thú rừng độc
dữ, chân Ngài thường rớm máu vì băng giá. Một lần bọn sát nhân nhào tới, Ngài
âu yếm bảo họ: – Các bạn không cần đòi mạng tôi làm chi, bởi vì tôi đã hiến mạng
sống tôi để bảo tồn sự sống của các bạn.
Người ta có thể thấy
rõ là Ngài đã nói thực. Bao người sát nhân đã làm như bao người khác: họ trở
thành bạn hữu của Phanxicô. Và làm sao yêu Ngài, mà lại không yêu tôn giáo đã
làm cho Ngài hiến thân trọn vẹn cho mỗi tâm hồn như vậy. Ngài nói: – Một linh hồn
là một giáo phận rộng đủ cho một giám mục rồi.
Phanxicô không ngừng
rao giảng, ngồi tòa, thăm viếng bệnh nhân, giúp đỡ người cùng khổ. Giữa những
công việc bề bộn, Ngài còn viết nhiều tác phẩm được nhiều Kitô hữu mến chuộng
như quyển: “Đường trọn lành”, quyển “Dẫn vào đời sống nhiệt thành” (cuốn này đã
được chuyển sang Việt ngữ với tựa đề: sống thánh giữa đời), chứng tỏ rằng: đời
nhiệm hiệp và các nhân đức cao cả nhất, đều có thể nảy nở, ngay trong cuộc sống
từ cung điện, lẫn “trong binh đội và trong các xưởng máy”, Ngài truyền “dệt nên
những sợi dây nhân đức nhỏ bé”. Cuốn “khảo luận về tình yêu Thiên Chúa” của
Ngài đáng cho Ngài được vinh quang như ở giữa bầu lửa, trong khi chuẩn bị viết
về tình yêu của Ngôi Lời vĩnh cửu.
Thánh Phanxicô đã lập
nhiều tu viện và tiếp tục hứơng dẫn các tu viện ấy. Hai ngàn bức thư của Ngài vẫn
còn, Ngài trao dòng “Thăm viếng” cho thánh nữ Chantal, Đấng mà Ngài hiệp nhất bằng
một tình yêu trắng hơn tuyết, trong sáng hơn ánh mặt rời.
Thánh nhân kiệt sức
khi Ngài nhận giảng dạy tại Lyon dịp lễ Giáng sinh. Ngài ngã bệnh lúc lên đường.
Vừa tới nơi Ngài biết mình sắp chết. Người ta chỉ còn nghe thấy Ngài nói: – Lạy
Chúa là tất cả của con.
Với các bạn bè đang
khóc lóc Ngài nói: – Các bạn lại không muốn ý Chúa được thực hiện sao ?
Trọn đời thánh
Phanxicô yêu mến hoàn thành thánh ý Chúa. Bí quyết đời thánh thiện của Ngài diễn
tả như sau: – Với giá vĩnh cửu, cái gì chấm đứt với thời gian lại có thể ảnh hưởng
trên chúng ta được ? Phải ước muốn một mình Thiên Chúa thôi, một cách tuyệt đối
không thay đổi và bất khả xâm phạm.
Ngài qua đời ngày 28
tháng 12 năm 1622 và được Đức Gáio hoàng Alexandre VII tôn phong hiển thánh năm
1665.
(daminhvn.net)
24 Tháng Giêng
Hãy Triệt Hạ Thập Giá
Gibert Keith
Chesterton, một văn sĩ Công giáo người Anh, qua đời năm 1936, đã mô tả thảm họa
của vua thần trong một quyển tiểu thuyết mang tựa đề: “Bầu trời và Thập Giá”. Một
giáo sư vô thần tên là Lucifer được ông cho ngồi bên cạnh một tu sĩ tên là
Michel trên một chuyến máy bay xuyên qua Anh quốc.
Khi máy bay đi qua
London, giáo sư Lucifer bỗng nhìn thấy thập giá trên tháp chuông nhà thờ chánh
tòa. Không tự chế được, ông đã thốt lên lời sỉ vả đối với Kitô Giáo. Vị tu sĩ mới
xin phép kể câu chuyện như sau: “Tôi cũng biết có một người thù ghét thập giá
như ông. Bất cứ nơi nào có thập giá, ông ta cũng tìm đủ mọi cách để triệt hạ
cho bằng được. Bao nhiêu tác phẩm nghệ thuật có hình thập giá ông đều xé nát.
Ngay cả chiếc thập giá bằng vàng trên cổ người vợ, ông cũng tìm cách giành giật
để kéo ra khỏi người bà. Oâng nói rằng thập giá là một biểu trưng của sự độc ác
dã man, hoàn toàn đối nghịch với niềm vui, với cuộc sống.
Ngày nọ,
không còn chịu đựng nổi hình thù của thập giá nữa, ông đã leo lên tháp chuông
nhà thờ của giáo sứ, tháo gỡ thập giá và ném xuống đất. Sự thù hận đối với thập
giá không mấy chốc đã biến thành điên loạn… Một buổi chiều mùa hè nóng bức nọ,
ông đứng tựa vào một balcon gỗ, miệng phì phà khói thuốc. Bỗng chốc, ông thấy
nguyên chiếc balcon gỗ biến thành một đạo binh thánh giá. Rồi trước mặt, đằng
sau lưng ông, nơi nào cũng có thập giá. Hoa cả mắt lên, ông cầm chiếc gậy trên
tay để đánh đổ tát cả những cây thập giá. Vào trong nhà, bất cứ những gì làm bằng
gỗ cũng được ông nhìn thấy với hình thù của thập giá. Không còn dùng gậy để đạp
đổ nữa, người đàn ông đành phải dùng đến lửa mới may ra tiêu diệt được thập
giá. Ngọn lửa bốc cháy thiêu chụi căn nhà. Ngày hôm sau, người ta tìm thấy xác
của người đàn ông đáng thương trong dòng sông bên cạnh nhà.
Câu kết luận
mà văn sĩ đã đặt trên môi miệng vị tu sĩ là: “Nếu bạn bắt đầu bẻ gãy thập giá,
bạn sẽ không chóng thì chày phá hủy chính cái thế giới có thể sống được này”. Với
cái chết của Ðức Kitô, thập giá trở thành biểu trưng của một sự chiến thắng: đó
là chiến thắng của Tình yeu trên hận thù. Nơi nào có thập giá, nơi đó có người
còn tin ở sức mạnh của tình yêu. Ðạp đổ thành giá có nghĩa là nâng cao hận thù
chết chóc lên cao và chối bỏ tình yêu. Một thế giới không có tình yêu là một thế
giới của chết chóc. Bất cứ một con người có lý luận bình thường nào cũng có thể
thấy được điều đó.
Ngày nay, con
người vẫn còn tiếp tục chối bỏ và chà đạp thập giá. Không cần phải leo lên tháp
chuông nhà thờ để có thể triệt hạ thập giá; hình thù của thập giá, dấu chỉ của
Tình Yêu, đã được vẽ trên mỗi một con người. Xúc phạm đến con người cách này
hay cách khác cũng đã là một triệt hạ thập giá rồi.
(Lẽ Sống)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét