Trang

Thứ Sáu, 31 tháng 1, 2020

Nỗ lực cứu người Do Thái của Đức Giáo hoàng Pio XII được nêu bật tại sự kiện của Liên Hiệp quốc


Nỗ lực cứu người Do Thái của Đức Giáo hoàng Pio XII được nêu bật tại sự kiện của Liên Hiệp quốc
Một buổi tưởng niệm các nạn nhân của Đức quốc xã

Hôm 27/01, trong buổi lễ tưởng niệm Ngày diệt chủng 27/01 hàng năm được cử hành tại trụ sở của Hội đồng Quản thác của Liên Hiệp quốc, các tham luận viên đã đưa ra các chứng cứ nhìn nhận vai trò của Đức Giáo hoàng Pio XII trong việc cứu người Do Thái trong Thế chiến thứ hai.
Hồng Thủy - Vatican
Năm 2005, Đại hội đồng Liên Hiệp quốc quyết định thành lập ngày 27/01 là Ngày Tưởng niệm Diệt chủng quốc tế. Từ đó, vô số lễ kỷ niệm diễn ra trên toàn thế giới. Nhưng ngày 27/01 năm nay là lần đầu tiên Liên Hiệp Quốc tổ chức một sự kiện dành để “Tưởng nhớ cuộc Diệt chủng: Những nỗ lực đã được lưu lại của Giáo hội Công giáo để cứu các sự sống.”
Theo sử gia người Đức Michael Hesemann, vào ngày 02/03 tới đây, khi Văn khố Tòa Thánh mở các tài liệu về triều đại của Đức Giáo Hoàng Pio XII, các nhà nghiên cứu và học giả có thể tiếp cận với triều đại Giáo hoàng Pio XII và người ta không còn lý do để không công nhận đóng góp của ngài trong việc cứu người Do Thái. Ông nói: “Thế giới phải công nhận những gì vị giáo hoàng vĩ đại này đã làm để cứu càng nhiều người Do Thái càng tốt”.
Đức Pio XII: thánh quan thầy cho người tị nạn và người giúp đỡ người tị nạn!
Sử gia Hesemann chứng minh: “Thông qua hơn 40 sự can thiệp ngoại giao, bằng cách giúp ẩn nấu cho hàng ngàn người ngay cả ở Roma và bằng cách xin nhiều visa khi các chính phủ trên thế giới sẵn sàng cấp phát, ngài đã cứu khoảng 947.000 người Do Thái. Vì lý do này, ông lên án “tin giả” loan truyền về “một vị thánh giáo hoàng, người xứng đáng được công nhận và biết ơn, và nên được tuyên bố là vị thánh quan thầy cho người tị nạn và người giúp đỡ người tị nạn!”
Tòa thánh và Đức Piô XII đã cứu nhiều người Do Thái hơn tất cả
Chủ tịch Gary Krupp, đồng sáng lập của của Tổ chức “Pave the Way”, nhắc lại dấn thân của ông để làm trong sạch hình ảnh Đức Pio XII bị hoen ố bởi “huyền thoại đen” về “vị Giáo hoàng của Hitler”,  miêu tả ngài đã im lặng khi 6 triệu người Do Thái bị tàn sát. Ông Krupp giải thích: “Mục đích chính của Tổ chức Pave the Way là loại bỏ các rào cản về thông tin sai lệch gây nên sự mất lòng tin giữa các tôn giáo. Tổ chức đã dành hàng ngàn giờ để tìm kiếm các tài liệu gốc và có xuất xứ để chứng minh rằng Tòa thánh và Đức Piô XII đã cứu nhiều người Do Thái hơn tất cả các nhà lãnh đạo tôn giáo và chính trị thế giới cộng lại.”
Đức Pio XII đã cứu khoảng 2/3 số người Do Thái ở Roma vào ngày 04/06/1944
Hướng đến ngày Văn khố Tòa Thánh mở tài liệu về Đức Pio XII, ông Johan Ickx, giám đốc văn khố lịch sử về Quan hệ của Vatican với các quốc gia, cho biết dữ liệu đã nói lên điều đó. Ông Ickx tập trung vào Roma và cuộc vây bắt nổi tiếng của Đức Quốc xã vào ngày 16 tháng 10 năm 1943, chống lại cư dân Do Thái ở Roma. Ông nói: “Trước cuộc vây bắt, 1.323 người Do Thái rời khỏi nhà của họ, và nhiều người chắc chắn đã được Đức Pio XII giúp đỡ. Sau đó, trong số 1.290 người bị bắt và giam giữ, 249 đã được thả ra nhờ sự can thiệp của Vatican, trong khi đó, 235 tu viện và đan viện được dùng làm nơi ẩn náu cho 4.205 người Do Thái.” Theo ông, Đức Pio XII có thể được xem là trực tiếp hay gián tiếp cứu khoảng 2/3 người Do Thái có mặt trong thành phố vào ngày 4 tháng 6 năm 1944, khi quân đội Đồng minh giải phóng Roma.”
Sự sáng tạo để bảo vệ người Do Thái
Một tham luận viên khác tại sự kiện, ông Matteo Luigi Napolitano, giáo sư về lịch sử quan hệ quốc tế tại Đại học Molise của Ý, đã chia sẻ những bằng chứng về các con tem và con dấu giả mà ông tìm thấy trong nghiên cứu của mình. Ông nói: “Nhiều nhân vật trong giáo hội đã vô cùng sáng tạo; họ tạo ra các tài liệu và con dấu giả của Đức Quốc xã để cứu mạng người Do Thái.” Ông cho biết, nhiều giám mục và linh mục đã tham gia vào các hoạt động tương tự nhằm cứu người khỏi bị bắt hoặc khỏi bị trục xuất. Ông nhấn mạnh rằng họ đã làm điều này vì người Do Thái và vì những người bị Đức quốc xã hay phát xít truy nã vì bất cứ lý do gì. Ông giải thích, nếu không có sự bảo vệ sáng tạo này, những người Do Thái ấy đã phải bị chỉ định chết trong các trại tập trung của Đức quốc xã.” (Our Sunday Visitor 29/01/2020)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét