Trang

Thứ Tư, 5 tháng 2, 2020

Đức Tổng Giám Mục Anthony Fisher: Úc và Amazon cần phong chức cho các thổ dân và bản địa, nhưng lo ngại luật độc thân giáo sĩ bị thay đổi


Đức Tổng Giám Mục Anthony Fisher: Úc và Amazon cần phong chức cho các thổ dân và bản địa, nhưng lo ngại luật độc thân giáo sĩ bị thay đổi
Vũ Văn An
Đức Tổng Giám Mục Anthony Fisher

Hôm qua, chúng tôi thuật lại phần đầu cuộc phỏng vấn của tạp chí Crux với Đức Tổng Giám Mục Anthony Fisher của Sydney, tức phần ngài đề cập tới “Con đường Đồng nghị” của Giáo Hội Đức và việc tấn phong linh mục cho nữ giới. Trong phần thứ hai của cuộc phỏng vấn, được Crux công bố hôm nay, Đức Cha đề cập đến Thượng Hội Đồng Giám Mục về vùng Amazon và việc phong chức linh mục cho các người đàn ông có gia đình nhưng có đời sống được chứng minh là đạo đức.

Đức Cha Fisher xác nhận ngài chỉ mới nhận được văn kiện tóm tắt các điều được bàn luận tại Thượng Hội Đồng Giám Mục về vùng Amazon hồi tháng 10 năm ngoái chứ chưa nhận được gì về chính tông huấn hậu thượng hội đồng.

Được hỏi có gì tương tự giữa Úc và Amazon hay không và ngài nghĩ gì về việc phong chức linh mục cho các Viri Probati, Đức Cha Fisher cho hay: tại Úc cũng có những vấn đề tương tự. Nhiều người nói rằng sau hơn 200 năm, Úc vẫn chưa có hàng linh mục thổ dân. Thưc thế, Đức Cha cho hay hiện ở Úc chỉ có một linh mục thổ dân, nhưng là một linh mục từ Hiệp Thông Anh Giáo trở lại Công Giáo. Trước đây, có một linh mục khác, nhưng ông này đã rời bỏ chức linh mục và nay là một chính trị gia và là một nhà lãnh đạo quan trọng.

Người Thổ Dân, chiếm tới 5 phần trăm dân số Úc, tuy có phó tế và nữ tu, nhưng không có ai tham gia hàng ngũ linh mục cả. Đức Cha hỏi tại sao và ngài trả lời: “một trong các lý do... là trong các xã hội thổ dân truyền thống, cho tới khi bạn cưới vợ và có con, bạn không thể lãnh đạo, được tôn kính như một nhà lãnh đạo. Bạn phải chứng tỏ tư cách đàn ông của mình bằng cách có con. Và do đó, theo các nền văn hóa này, không thể quan niệm được việc trở thành một nhà lãnh đạo tinh thần nếu bạn là người độc thân.

Thành thử ta phải thừa nhận thực tại văn hóa của người bản địa Amazon và người Thổ Dân Úc. Theo Đức Cha, “ban bí tích và quyền lãnh đạo tinh thần cho các cộng đồng này là điều quan trọng hơn truyền thống độc thân của chúng ta”.

Nhưng Đức Cha Fisher không đồng ý đối với quan điểm cho rằng vì người bản địa Amazon và người Thổ Dân Úc “không có khả năng sống độc thân” nên ta phải chấp nhận, như một nhượng bộ, cho phép những viri probati của họ được phong chức linh mục.

Đức Cha gọi quan điểm ấy là quan điểm kỳ thị chủng tộc. “Chúng ta phải nhấn mạnh rằng mọi người, kể cả những người thuộc các nền văn hóa thổ dân, đều có khả năng có nền linh đạo và nhân đức cao độ như mọi con người khác”.

Nhân dịp này, Đức Cha Fisher tỏ ý lo ngại trước viễn ảnh thay đổi luật độc thân giáo sĩ, khi ngài phát biểu sau đó rằng “Tôi nghĩ còn có một vấn đề về việc, trong một đất nước, có thể có một nhóm có thể có các linh mục có vợ còn các nhóm khác thì không thể. Liệu tình huống này có còn hiện hữu trong trường kỳ hay không?”.

Nếu vì bất cứ lý do gì mà “bạn phải cho phép một hàng giáo sĩ có vợ, chẳng bao lâu bạn sẽ đẩy luật độc thân vào các đan viện. Nó sẽ trở thành một thực hành trong đan viện, không dành cho các linh mục thông thường mà chỉ dành cho những người thuộc các cộng đồng tu trì thường sống cô lập, trên những đỉnh núi cao”.

Đức Cha nhận định về luật độc thân như sau: “Tôi nghĩ bất kể các thất bại của một số linh mục độc thân tại một số thời điểm và tại một số nơi, luật độc thân vẫn mang lại nghị lực lớn lao và tài lãnh đạo tinh thần cho Giáo Hội, ở nhiều thời điểm trong lịch sử và tại nhiều nơi. Và đẩy luật độc thân vào các đan viện như tôi nghĩ sẽ diễn ra trong một số ít thế hệ hay thậm chí nhanh hơn, sẽ là một mất mát lớn lao cho Giáo Hội”.

Ngài kết luận “Tôi lo lắng về điều đó, tuy không muốn nói rằng tôi tuyệt đối loại bó nó”.

Làm những điều đã có cách tốt hơn

Trở lại chuyện Thượng Hội Đồng hay bất cứ loại hội nghị nào, kể cả công đồng toàn thể của Giáo Hội Công Giáo Úc, Đức Cha Fisher cho rằng người ta thường có những hoài mong không có thực chất. Đức Cha thuật lại phản ứng lúc mới công bố Công đồng Tòan thể của Úc năm 2017, “người ta bảo rằng mọi điều có đó để nắm bắt: bất cứ bạn nghĩ hay muốn gì, bất cứ bạn mơ ước gì, cứ việc nói ra”.

Họ làm như thể “Giáo Hội ở Úc không phải là thành phần của một điều gì đó lớn hơn, nó có thể đi con đường riêng; hay Giáo Hội Công Giáo không lệ thuộc Chúa và Thầy, chúng ta chỉ là một nghị viện có thể tạo ra luật lệ riêng; hay Giáo Hội Công Giáo không phải là một phần của truyền thống, nhưng thực sự có thể tiến hành theo tinh thần thời nay... “.

Theo ngài, có một lối nói cùng một điều như thế nhưng không tạo ra các hoài mong không thực tiễn. “Và tôi nghĩ đó là điều các nhà tổ chức muốn nói: ‘dĩ nhiên, chúng ta vẫn sẽ là Công Giáo, nhưng làm thế nào để có thể là một Giáo Hội tốt đẹp hơn cho anh chị em và với anh chị em’”.

Nhưng theo Đức Cha, chúng ta ưa nói và nghĩ theo các khẩu hiệu vắn tắt, và qua đó, thông điệp chúng ta nhận được khiến người ta có cảm tưởng nếu họ muốn bãi bỏ hàng giáo phẩm thì điều đó có thể thực hiện được. Hoặc nếu họ muốn thay đổi một vài điều trong Kinh Tin Kính, việc này có thể được Giáo Hội Úc thực hiện.

Nhưng đâu có thể thế được, vì Giáo Hội tại Úc là “một phần của điều gì đó lớn hơn". Đức Cha nói: “Giáo Hội Công Giáo, trong tư cách một Giáo Hội hoàn cầu, chuyển dịch chậm hơn. Tôi nghĩ Chesterton từng nói ‘Nó là một trong các định chế dân chủ nhất, vì người chết cũng có lá phiếu của họ’. Truyền thống của chúng ta có một lá phiếu, chúng ta không tạo hoẹt ra nó trên đường chúng ta đi. Không nên coi nó như cối đá treo ở cổ vì quả là giải thoát khi không phải tái phát minh mỗi ngày điều niềm tin và nền luân lý của tôi sẽ là gì. Tôi cũng có một bản sắc, một truyền thống và một cộng đồng mà tôi tự hào”.

Tôn trọng nó có nghĩa có những điều sẽ không thay đổi hay không thay đổi một cách nhanh chóng. “Tôi nghĩ phương thức tích cực hẳn phải nghĩ bên trong những điều khả hữu, chúng ta có đang làm điều tốt nhất không? Có thể có thay đổi giáo luật trong tương lai, và chúng ta có thể giúp việc này. Nhưng chúng ta có làm tốt nhất với những gì chúng ta đã có chưa? Tôi không nghĩ như thế”.

Như trong vấn đề phụ nữ giữ các chức vụ lãnh đạo. Nhiều nơi trên thế giới chưa làm đủ. Ta phải thách thức việc này bằng cách “nhìn ra bên ngoài chiếc hộp ta đang sử dụng một cách sáng tạo, cách chúng ta luôn luôn làm, nhưng bên trong những điều đã khả hữu trong luật lệ và phong tục cũng như thần học của ta, điều này là một khởi điểm tốt hơn là chỉ nói: ‘ta hãy hoàn toàn tưởng nghĩ lại Giáo Hội’, trừ phi là chuyện tiểu thuyết khoa học giả tưởng”


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét