28/03/2020
Thứ bảy tuần 4 Mùa
Chay
BÀI ĐỌC I: Gr 11, 18-20
“Con như chiên con hiền lành bị
đem đi giết”.
Trích sách Tiên tri
Giêrêmia.
Lạy Chúa, Chúa đã tỏ cho con và con đã biết; vì Chúa đã chỉ cho con những
mưu toan của chúng. Còn con, con như chiên con hiền lành bị đem đi giết. Con đã
không biết chúng mưu toan hại con khi chúng nói: “Chúng ta hãy bỏ cây vào bánh
của nó, chúng ta hãy diệt trừ nó khỏi đất kẻ sống, và người ta không còn nhớ đến
tên nó nữa”.
Nhưng lạy Chúa các đạo binh, Chúa xét xử công minh, và dò xét tâm can. Chớ
gì con sẽ thấy Chúa báo thù chúng, vì con đã phó thác việc con cho Chúa. Đó là
lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 7, 2-3.
9bc-10. 11-12
Đáp: Lạy Chúa là
Thiên Chúa con, con đến nương nhờ Ngài (c. 2a).
Xướng: 1) Lạy Chúa là Thiên Chúa con, con đến nương nhờ Ngài, xin cứu con
khỏi mọi người đang lùng bắt, và xin giải thoát thân con, kẻo có người như sư tử
chộp bắt hồn con, xé nát ra mà không ai cứu gỡ. – Đáp.
2)Xin minh xét cho con, thân lạy Chúa, theo sự công chính và vô tội ở nơi
con. Nguyện cho chấm dứt sự độc dữ kẻ ác nhân, và xin Ngài củng cố người hiền đức,
khi Ngài lục soát tâm can, ôi Chúa công minh. – Đáp.
3)Thuẫn che thân con là Thiên Chúa, Đấng cứu độ những kẻ lòng ngay. Thiên
Chúa là vị công minh thẩm phán, và Thiên Chúa hăm doạ hằng ngày. – Đáp.
CÂU XƯỚNG TRƯỚC PHÚC
ÂM: Ga 11, 25a và 26
Chúa phán: “Ta là sự
sống lại và là sự sống; ai tin Ta, sẽ không chết đời đời”.
PHÚC ÂM: Ga 7, 40-53
“Đấng Kitô xuất thân từ Galilêa
sao?”
Tin Mừng Chúa Giêsu
Kitô theo Thánh Gioan.
Khi ấy, sau khi nghe Chúa Giêsu giảng, có nhiều người trong đám dân chúng
nói rằng: “Ông này thật là tiên tri”. Kẻ khác nói: “Ông này thật là Đấng Kitô”.
Người khác nữa lại nói: “Đấng Kitô xuất thân từ Galilêa sao? Nào Kinh Thánh chẳng
nói: Đấng Kitô xuất thân bởi dòng dõi Đavit, và từ làng Bêlem, quê hương của
Đavit?” Vì thế, dân chúng bất đồng ý kiến với nhau về Người. Trong số đó, có một
ít kẻ định bắt Người, nhưng không ai dám ra tay bắt Người. Vậy khi những người
thừa hành đến với thượng tế và biệt phái, các ông này hỏi họ rằng: “Tại sao các
ngươi không điệu nó tới?” Các người thừa hành thưa rằng: “Chẳng hề có ai nói
như người ấy”. Các người biệt phái trả lời rằng: “Chớ thì các ngươi cũng bị mê
hoặc rồi sao? Trong các vị thủ lãnh và các người biệt phái, có ai tin nó đâu?
Chỉ có lũ khốn nạn đó nó không biết gì lề luật”. Nicôđêmô là người đã tới gặp
Chúa Giêsu ban đêm, cũng là người trong nhóm họ, nói với họ rằng: “Chớ thì luật
của chúng ta có lên án cho ai mà không nghe họ, hoặc không biết rõ họ làm gì
không?” Nhưng họ trả lời rằng: “Hay ông cũng là người Galilêa? Hãy đọc kỹ Kinh
Thánh, ông sẽ thấy rằng không có tiên tri nào phát xuất từ Galilêa”. Sau đó ai
về nhà nấy. Đó là lời Chúa.
SUY NIỆM : Dư luận
về Chúa Giêsu.
Blondin là một trong những tên tuổi của ngành xiếc tại Mỹ. Một trong những
kỳ công đáng ghi nhớ nhất của anh ta là đã có thể đi trên một sợi dây qua thác
Nirgara là thác dài nhất và cao nhất thế giới. Trong một dịp biểu diễn, anh
quay sang hỏi một cậu bé gần đó: “Em có tin là tôi có thể mang một người trên
vai và đi xuyên qua dòng thác không? Giữa tiếng thác đổ ầm ầm, cậu bé thét lên:
“Vâng, cháu tin là chú có thể làm được điều đó”. Thế nhưng khi anh đề nghị mang
cậu bé trên vai, thì em đã lắc đầu từ chối, vì không đủ tin tưởng vào sự đảm bảo
của người biểu diễn.
Cậu bé trên đây có thể là hình ảnh của rất nhiều người trong chúng ta khi
phải trả lời cho câu hỏi của Chúa Giêsu: “Phần các con, các con bảo Ta là ai?”.
Cũng như Phêrô khi đại diện cho các Tông đồ, chúng ta cũng sẽ trả lời: “Thày là
Con Thiên Chúa hằng sống”. Nhưng trong thực tế, thái độ sống của chúng ta có lẽ
còn tương phản với lời tuyên xưng ấy. Chúng ta chưa là những kitô hữu thực sự,
nghĩa là chưa tin tưởng và sống theo lời mời gọi của Chúa. Thái độ của chúng ta
có lẽ cũng giống như của những người Do Thái trong Tin Mừng hôm nay: người thì
xem Ngài như một tiên tri, kẻ nhận Ngài là Chúa Kitô, đa số thì dựa vào những
hiểu biết trong Kinh Thánh để lý giải về thân thế của Ngài.
Sự hiểu biết mà Chúa Giêsu muốn chúng ta có về Ngài không phải là một hiểu
biết trên lý thuyết hoặc chỉ là lời tuyên xưng trên môi miệng, mà phải là vác
Thánh giá mỗi ngày và đi theo Ngài. Liền sau khi Phêrô tuyên xưng Ngài là Con
Thiên Chúa, Chúa Giêsu đã loan báo về cuộc Tử nạn của Ngài và Ngài đề ra như một
mệnh lệnh: “Ai muốn theo Ta, hãy từ bỏ mình, vác Thập giá và đi theo Ta”. Danh
hiệu Kitô gắn liền với Thập giá. Không thể tuyên xưng Chúa Kitô mà lại chối bỏ
Thập giá của Ngài, không thể tự cho mình biết Chúa Kitô mà không liên kết với
Ngài trong cuộc tử nạn. Thánh Phaolô đã nói lên kinh nghiệm của ngài: “Phần
tôi, tôi chỉ biết có một Đức Kitô chịu đóng đinh”. Biết theo nghĩa Kinh Thánh
là môt sự kết hợp thâm sâu. Biết do đó phải là một cam kết. Biết Đức Kitô như
thánh Phaolô diễn tả chính là nên một với Chúa Kitô trong mầu nhiệm tử nạn. Biết
Đức Kitô chịu đóng đinh chính là bổ túc nơi mình những gì còn thiếu trong cuộc
Tử nạn của Ngài.
Mùa chay là mùa thanh luyện, chúng ta được mời gọi để sống một cách ý thức
hơn bản sắc đích thực của người kitô hữu, đó là để Đức Kitô chiếm hữu và sống bằng
chính sức sống của Ngài. Điều đó cũng có nghĩa là người kitô hữu không chỉ mang
danh hiệu của Đức Kitô, lời tuyên xưng của họ không chỉ đọng lại trên môi miệng,
mà phải là một cuộc sống kết hiệp với Ngài, với những cố gắng không ngừng của từ
bỏ, quảng đại, yêu thương và phó thác.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Bảy Tuần IV MC
Bài đọc: Jer 11:18-20; Jn 7:40-53.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ:
Phải suy xét trước khi buộc tội người công chính.
Khi một người hay một nhóm muốn buộc tội một người, họ sẽ tìm cho được mọi
lý do để có thể buộc tội người đó: gây mâu thuẫn cá nhân hay các nhóm, tìm người
làm chứng gian, cắt nghĩa sai luật lệ; nhưng không bao giờ tiết lộ lý do chính
của việc buộc tội.
Các Bài Đọc hôm nay xoay quanh việc buộc tội các người công chính. Trong
Bài Đọc I, tiên-tri Jeremiah được Thiên Chúa cho thấy âm mưu của những người định
bắt và giết ông, vì họ không muốn nghe những lời ông tố cáo họ đã vi phạm Lề Luật
của Thiên Chúa. Trong Phúc Âm, các thượng tế và kinh sư thi hành âm mưu bắt và
giết Chúa Giêsu, vì họ sợ dân chúng sẽ bỏ họ mà theo Ngài. Một mặt họ gởi các vệ
binh đi bắt Chúa Giêsu, một mặt họ tìm cách chia rẽ để kéo dân về phía họ.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Âm mưu để giết tiên-tri
Jeremiah.
1.1/ Âm mưu của bọn ác nhân: Là ngôn sứ của Thiên Chúa, tiên tri phải nói
những gì Thiên Chúa truyền cho ông nói. Tiên tri tố cáo tội ác của nhà Judah và
hình phạt sắp xảy đến cho họ. Họ không những không muốn nghe, mà còn phác họa một
âm mưu để thủ tiêu Jeremiah. Họ bảo nhau: “Cây đương sức, nào ta chặt nó đi, loại
nó ra khỏi đất dành cho kẻ sống, để không còn ai nhớ đến tên tuổi nó nữa!” Mục
đích của họ là để khỏi phải nghe những lời tố cáo của tiên tri, và phi tang
nhân chứng để tiếp tục con đường gian ác của họ.
1.2/ Uy quyền của Thiên Chúa: Nhưng kẻ thù của tiên tri Jeremiah đã không
biết uy quyền của Thiên Chúa, Đấng gởi tiên tri đi. Ngài không những cho
Jeremiah biết âm mưu của chúng, mà còn dùng Vua Babylon như cây roi để đánh phạt
họ và đem đi lưu đày.
Tiên tri Jeremiah tin tưởng vào uy quyền của Thiên Chúa, và cầu xin:
“Nhưng, lạy Đức Chúa các đạo binh, Ngài công minh khi xét xử, Ngài thấu suốt
tâm can từng gang tấc, con thấy Ngài trị tội chúng thật là đích đáng, vì con đã
giãi bày cơ sự cùng Ngài.”
Con người phải rất cẩn thận khi tố cáo những người được Thiên Chúa sai tới,
vì máu của họ đổ ra sẽ kêu thấu đến trời, và Thiên Chúa sẽ xét xử phân minh cho
họ.
2/ Phúc Âm: Âm mưu giết Đức Kitô:
2.1/ Âm mưu giết Đức Kitô của các thượng tế và kinh-sư: Lý do chính yếu họ
muốn giết Đức Giêsu là vì quyền lợi. Họ sợ dân chúng theo Chúa Giêsu và họ sẽ mất
hết quyền lợi họ đang được hưởng, như thánh-sử Gioan tường thuật: Khi thấy dân
chúng đi đón Người, vì họ nghe biết Người đã làm dấu lạ đó. Bấy giờ người
Pharisees bảo nhau: “Các ông thấy chưa: các ông chẳng làm nên trò trống gì cả!
Kìa thiên hạ theo ông ấy hết!” (Jn 12:19).
2.2/ Các phản ứng khác nhau về Chúa Giêsu:
(1) Phản ứng của dân chúng: Họ không biết nhiều về Kinh Thánh, các thượng
tế và kinh sư dùng sự hiểu biết Kinh Thánh của họ để làm cho dân chúng bị hoang
mang và chia rẽ:
– Khi thấy trong dân chúng có những người cho Chúa Giêsu là một ngôn-sứ.
Họ dùng Kinh Thánh trả lời: “Không một ngôn sứ nào xuất thân từ Galilee cả!”
– Khi thấy kẻ khác cho: “Ông này là Đấng Kitô.” Họ lại nói: “Đấng Kitô mà
lại xuất thân từ Galilee sao? Nào Kinh Thánh đã chẳng nói: Đấng Kitô xuất thân
từ dòng dõi vua David và từ Bethlehem, làng của vua David sao?” Sự thật Kinh
Thánh có nói điều ấy để chỉ nơi sinh của Đức Kitô, chứ không nói gì tới nơi trưởng
thành của Ngài. Họ dùng những lời ấy để từ chối Chúa Giêsu là Đức Kitô. Họ đạt
được mục đích khi thánh-sử Gioan tường thuật: “Vậy, vì Người mà dân chúng đâm
ra chia rẽ.”
(2) Phản ứng của các vệ binh: Các vệ binh trở về với các thượng tế và người
Pharisees. Họ liền hỏi chúng: “Tại sao các anh không điệu ông ấy về đây?” Các vệ
binh trả lời: “Xưa nay chưa hề đã có ai nói năng như người ấy!” Đây là phản ứng
có lẽ trung thực nhất vì những vệ binh không biết nhiều về Lề Luật và Kinh
Thánh; hơn nữa, họ còn là những người thuộc về các thượng tế và kinh-sư. Họ có
lẽ được nhìn thấy và nghe Chúa Giêsu lần đầu tiên, nên chưa có thành kiến với
Ngài.
(3) Phản ứng của Nicodemus: Ông là một người Pharisee, trước đây ông đã đến
gặp Đức Giêsu ban đêm và đàm đạo với Ngài. Ông nói với họ: “Lề Luật của chúng
ta có cho phép kết án ai, trước khi nghe người ấy và biết người ấy làm gì
không?” Nicodemus biết Lề Luật đòi sự công bằng cho mọi người (Exo 23:1, Deut
1:16); vì thế, mọi người đều có quyền để biện hộ, và tòa án không thể kết án họ
khi chưa có bằng chứng rõ rệt. Các kinh-sư đã không theo tiến trình này khi buộc
tội Chúa Giêsu. Nhưng Nicodemus đã không có can đảm để làm chứng cho Ngài, khi
ông phải đối diện với sự tức giận của họ.
(4) Phản ứng của các kinh-sư: Họ không chỉ tức giận và tố cáo Chúa Giêsu,
nhưng còn giận dữ với tất cả những ai không theo phe nhóm họ để tố cáo Ngài. Họ
tức giận:
– Với các vệ binh: Họ mắng: “Cả các anh nữa, các anh cũng bị mê hoặc rồi
sao? Trong hàng thủ lãnh hay trong giới Pharisees, đã có một ai tin vào tên ấy
đâu?” Họ kiêu hãnh lấy địa vị của mình như tiêu chuẩn để bắt người khác cũng phải
hành động như họ.
– Với dân chúng: Họ khinh thường: “Còn bọn dân đen này, thứ người không
biết Lề Luật, đúng là quân bị nguyền rủa!” Luật của các Rabbi có 6 điều ngăn cấm
trong việc giao tiếp với “dân đen”: “Không làm chứng cho họ, không tin vào lời
chứng của họ, không nói điều bí mật cho họ nghe, không cho họ làm cha nuôi của
những trẻ mồ côi, không cho họ làm quản lý của các quĩ bác ái, và không đi
chung với họ trong cuộc hành trình.” Vì họ quan niệm “dân đen” không biết Lề Luật,
nên họ mặc sức giải thích theo cách thức để đạt được mục đích của họ!
– Với Nicodemus: Họ đáp: “Cả ông nữa, ông cũng là người Galilee sao? Ông
cứ nghiên cứu, rồi sẽ thấy: không một ngôn sứ nào xuất thân từ Galilee cả.”
ÁP DỤNG TRONG CUỘC
SỐNG:
– Có sự liên quan giữa điều răn thứ 5 và điều răn thứ 8: Chúng ta thường
để ý đến việc giết người bằng gươm giáo hay súng đạn, mà rất ít khi để ý đến việc
giết người bằng sự nói hành hay làm chứng gian.
– Thiên Chúa thấu suốt mọi sự trong tâm hồn con người, nên chúng ta đừng
bao giờ vào hùa với nhau để giết hại người công chính và vô tội; vì chúng ta sẽ
phải trả giá máu của họ đổ ra.
– Chúng ta phải có can đảm làm nói, sống, và làm chứng cho sự thật; cho
dù nhiều khi chúng ta phải trả giá đắt vì sự thật, nhưng chỉ có sự thật mới giải
thóat con người.
Linh mục Anthony
Đinh Minh Tiên, OP
28/03/2020 – THỨ BẢY TUẦN 4 MC
Ga 7,40-53
BẠN CÓ THÁI ĐỘ NÀO?
“Sau đó, ai nấy trở về nhà mình.” (Ga 7,53)
Suy niệm: Đứng trước Đức Giê-su,
người ta có nhiều cách đáp lại khác nhau. Nghe lời giảng của Ngài, có nhiều người
nhìn nhận Ngài là Đấng Ki-tô, hay là một ngôn sứ; nhưng cũng có lắm kẻ không
tin vì định kiến về dòng tộc, quê quán của Ngài, thậm chí đã có người định bắt
Người. “Dấu hiệu chống đối” Đức Giê-su (x. Lc 2,34) đặc biệt nổi bật trong hàng
ngũ các thượng tế và người Pha-ri-sêu. Những người lính được lệnh bắt Ngài đã
trở về tay không, do say mê lời giảng của Ngài, chấp nhận bị thượng cấp khiển
trách, thậm chí bị kỷ luật nữa. Ông Ni-cô-đê-mô đã can đảm đứng lên biện hộ cho
Đức Giê-su, cho dù tiếng nói của ông chỉ là thiểu số không đủ để thuyết phục
phe chống đối Ngài.
Mời Bạn: Ngày nay Thầy Giê-su vẫn
còn mang thân phận ngôn sứ nơi những người bị bách hại, bị loại trừ. Họ là những
người đấu tranh cho tự do và công lý, các tín hữu bị bách hại vì niềm tin, những
vị chủ chăn bị bách hại vì bênh vực quyền sống của con người, cũng như các giá
trị Tin Mừng. Họ là những người dám nói lên sự thật như bác sĩ Li Wenliang để cảnh
báo sự lây lan của dịch bệnh do Covid-19 gây ra. Còn bạn, bạn thuôïc nhóm người
nào: tin nhận hay chối bỏ Thầy Giê-su? Bạn có dám sống theo lương tâm và bênh vực
công lý, can đảm lội ngược dòng để đứng về phía người cô thế bị hàm oan?
Sống Lời Chúa: Tập lắng nghe và tìm hiểu
kỹ về tha nhân trước khi nhận xét họ như Lời Chúa dạy.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con một
tâm hồn khôn ngoan và nhạy bén, để đón nhận chân lý mạc khải, những dấu chỉ thời
đại, và yêu thương anh chị em của con. Amen.
(5 Phút Lời Chúa)
SUY NIỆM : Ông này
là Đấng Kitô
Suy niệm:
Bài Tin Mừng hôm qua cho thấy người Do Thái không tin Đức Giêsu là Kitô
vì đối với họ, Đấng Kitô phải là người mà họ không biết xuất thân từ đâu.
Còn Đức Giêsu thì họ tự hào đã quá biết gốc gác của Ngài (Ga 7, 27).
Bài Tin Mừng hôm nay lại tiếp tục cuộc tranh luận về căn tính của Đức
Giêsu.
Đức Giêsu gây ra một sự chia rẽ trong dân chúng
đang nghe Ngài giảng tại Đền thờ Giêrusalem (cc. 40-45).
Có những người tin Ngài là Vị Ngôn sứ được ông Môsê tiên báo (Đnl 18,
15).
Có người lại cho Ngài là Đấng Kitô (c.41).
Có người không đồng ý như thế, vì Đức Giêsu xuất thân từ Galilê,
còn Đấng Kitô thì phải xuất thân từ Bêlem, quê của vua Đavít (c.42).
Thật ra chuyện gốc Đức Giêsu ở đâu, chẳng quan trọng mấy.
Chuyện quan trọng là Đức Giêsu Nazareth ấy xuất thân từ Thiên Chúa.
Đức Giêsu còn gây ra sự chia rẽ trong giới lãnh đạo.
Các thượng tế và người Pharisêu đã sai các vệ binh đi bắt Đức Giêsu
(c.32).
Nhưng họ đã không tuân lệnh các nhà lãnh đạo ấy,
chỉ vì họ bị ngây ngất trước lời giảng dạy đầy quyền uy của Đức Giêsu.
“Xưa nay chưa hề có ai nói năng như người ấy” (c. 46).
Nhận xét của họ còn đúng mãi đến tận thế.
Trước chuyện bất phục tùng của các vệ binh, người Pharisêu cảm thấy bực bội.
Họ không thể hiểu được tại sao các vệ binh lại có thể bị lừa dối dễ đến
thế.
Vì khinh bỉ những người tin vào Đức Giêsu,
Họ gọi những người này là bọn dân đen, dốt nát không biết Lề Luật.
Ai không biết Lề Luật thì cũng chẳng thể giữ Lề Luật,
nên đây đúng là những người bị Thiên Chúa nguyền rủa (c. 49).
Thật ra không phải là không có thủ lãnh nào trong dân tin vào Đức Giêsu.
Ông Nicôđêmô là một thủ lãnh (Ga 3,1) đã đến gặp Đức Giêsu ban đêm.
Ngay bây giờ ta sẽ thấy ông dám lên tiếng để bênh vực cho Ngài (c. 50).
Ông đòi Đức Giêsu phải có tiếng nói trước khi bị kết tội (x. Đnl 1,
16-17).
Khi kết án Ngài cách vội vã, Thượng Hội Đồng Do Thái đã phạm luật.
Nhưng tiếng nói của ông Nicôđêmô đã không được nghe nghiêm túc.
Bất chấp vai vế của ông, ông cũng bị chế nhạo:
“Cả ông nữa, ông cũng là người Galilê sao?” (c.52).
Người Galilê là hạng người bị coi khinh vì ít giữ Luật so với người
Giuđê.
Nhưng đừng quên từ Galilê cũng có ngôn sứ Giôna, con ông Amíttai (2V 14,
25).
Thái độ của những thượng tế và người Pharisêu thật đáng ta suy nghĩ.
Họ khép lại trong thành kiến với Đức Giêsu.
Họ vùi dập bất cứ ai có cái nhìn ngược với họ, dù là vệ binh hay
Nicôđêmô.
Họ không ngại châm biếm hay khinh miệt những người khác quan điểm.
Xin Chúa cho ta hồn nhiên như các vệ binh,
và can đảm nói sự thật như ông Nicôđêmô.
Cầu nguyện :
Chỉ mong tôi chẳng còn gì,
nhờ thế Người là tất cả của tôi.
Chỉ mong ý muốn trong tôi chẳng còn gì,
nhờ thế tôi cảm thấy Người ở mọi nơi,
đến với Người trong mọi sự,
và dâng Người tình yêu trong mọi lúc.
Chỉ mong tôi chẳng còn gì,
nhờ thế tôi không bao giờ muốn tránh gặp Người.
Chỉ mong mọi ràng buộc trong tôi chẳng còn gì,
nhờ đó tôi gắn bó với ý muốn của Người
và thực hiện ý Người trong suốt đời tôi. Amen. (R. Tagore)
Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
28 THÁNG BA
Vâng Phục Cho Đến
Chết
Mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Giê-su Kitô hàm chứa những gì? Nó bao gồm các
biến cố của những ngày cuối cùng Mùa Chay, nhất là những ngày cuối cùng Tuần
Thánh. Các biến cố này có khía cạnh nhân loại của chúng, được ghi lại trong các
trình thuật thương khó của Chúa trong các Sách Tin Mừng. Xuyên qua những biến cố
này mà mầu nhiệm Vượt Qua mặc lấy một chiều kích nhân loại đích thực. Nó trở
thành lịch sử của chúng ta.
Nhưng các biến cố ấy còn có chiều kích thần linh nữa. Thánh Phao-lô viết
về Đức Kitô như vị Người Chúa: “Mặc dù Người vốn là Thiên Chúa, Người đã không
nghĩ phải giành cho được địa vị ngang hàng với Thiên Chúa. Trái lại, Người đã hủy
mình ra không, mặc lấy thân phận nô lệ, trở thành giống hẳn phàm nhân” (Pl
2,6-7).
Chiều kích này của mầu nhiệm được gọi là Nhập Thể: Chúa Con – chia sẻ
cùng bản tính với Chúa Cha – đã trở thành con người. Người trở thành người tôi
tớ khiêm hạ của Thiên Chúa, người tôi tớ của Gia-vê, như Sách Isaia đã nói. Nhờ
sự tự hạ này của Con Người mà nhiệm cục cứu độ thần linh đạt đến đỉnh điểm hoàn
thành của nó.
Thánh Phao-lô tiếp tục nói với chúng ta về mầu nhiệm này: “Người đã hạ
mình, vâng phục cho đến chết – chết trên thập giá” (Pl 2,7-8).
Chiều kích ấy của mầu nhiệm được gọi là Cứu Chuộc. Sự vâng phục của Con
Người – vâng phục cho đến chết trên thập giá – đã vượt qua và đã xóa được món nợ
tội lỗi của chúng ta.
– suy tư 366 ngày của
Đức Gioan Phaolô II –
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations
by Pope John Paul II
Lời Chúa Trong Gia Đình
Ngày 28/3
Gr 11, 18-20; Ga 7,
40-53.
Lời Suy Niệm: “Đấng Kitô mà lại xuất thân từ Galilê sao?” Nào Kinh Thánh đã chẳng
nói: “Đấng Kitô xuất thân từ dòng dõi vua Đavít và từ Bêlem làng của vua Đavít
sao?”
Trong việc “Dân chúng lại tranh luận
về nguồn gốc của Đấng Kitô” Cho chúng ta thấy được đối với những người đi theo
và tin vào Chúa Giêsu qua giáo huấn của Người và những dấu lại Người làm, họ
tin Chúa Giêsu là Đấng Kitô. Còn đối với các kinh sư và người Pharisêu họ đã
không nhận ra Chúa Giêsu là Đấng Kitô, bởi ngay từ đầu họ nghiên cứu Kinh Thánh
với chủ quan của họ: biết và chỉ biết mà không sống.
Lạy Chúa Giêsu. Chúng con tạ ơn Chúa
đã ban cho chúng con nhiều đấng bậc làm thầy dạy giáo lý, Kinh Thánh cho chúng
con, giúp cho đức tin của chúng con ngày càng trưởng thành hơn.
Mạnh Phương
28 Tháng Ba
Ðem Lại Một Chút Bầu Trời
Ngày kia, tại miền Nam TrungQuốc, một em bé gái tiều tụy, đói rách và
mang bệnh phong hủi bị dân chúng sinh sống trong một làng nhỏ dùng gậy gộc và gạch
đá xua đuổi ra khỏi nơi chôn rau cắt rốn của mình.
Giữa cảnh hỗn loạn ấy, một nhà truyền giáo xông ra ẵm em bé lên tay để bảo
vệ em khỏi những trận đòn và khỏi bị những viên gạch, những hòn đá ném bừa bãi
vào tấm thân bé bỏng của em.
Thấy có người mang em bé đi, dân làng mới chịu rút lui, nhưng miệng vẫn
còn gào thét: “Phong hủi! Phong hủi!”.
Với những dòng nước mắt lăn tròn trên đôi má, lần này là những giọt nước
mắt vui mừng chứ không phải là những giọt lệ sầu đau, em bé hỏi vị cứu tinh của
mình: “Tại sao ông lại lo lắng cho tôi?”. Nhà truyền giáo đáp lại: “Vì Ông Trời
đã tạo dựng cả hai chúng ta và cũng vì thế con sẽ là em bé gái của ta và ta sẽ
trở nên người anh của con”.
Suy nghĩ hồi lâu, em bé cất tiếng hỏi: “Con có thể làm gì để tỏ lòng biết
ơn cứu giúp của ông?”. Nhà truyền giáo mỉm cười đáp: “Con hãy trao tặng lại cho
những kẻ khác tình yêu này càng nhiều càng tốt”.
Kể từ ngày ấy cho đến 3 năm sau khi em bé tắt hơi thở cuối cùng, em đã
vui vẻ băng bó các vết thương của các bệnh nhân khác, đút cơm cho họ và nhất là
em tỏ ra dễ thương và yêu mến tất cả mọi người trong trại. Lúc từ giã cõi đời,
em bé chỉ lên tròn 11 tuổi và các bệnh nhân đã từng chung sống với em kháo láo
với nhau: “Bầu trời nhỏ bé của chúng ta đã về trời”.
“Ngươi hãy yêu mến Chúa là Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn, hết sức
và hết trí khôn ngươi, và hãy thương mến anh chị em như chính mình”.
Chúng ta cố gắng áp dụng luật trên với niềm xác tín rằng: với những cử chỉ
yêu thương nho nhỏ, với sự trao nhau một nụ cười, một lời thông cảm, một sự tha
thứ, với những hành động chia cơm sẻ áo, dù chỉ là một ly nước lã, với các lần
thăm viếng các bệnh nhân: nấu cho họ tô canh, chén cháo, quét nhà, giặt giũ quần
áo cho họ v.v… là chúng ta mang một chút thực tại Nước Trời đến trong xã hội trần
thế.
(Lẽ Sống)
Lectio Divina: Gioan 7:40-53
Saturday 28 March,
2020
Lectio Divina
Thứ Bảy Tuần IV Mùa
Chay
1. Lời nguyện
mở đầu
Lạy Chúa, là Thiên
Chúa toàn năng,
Khi đám đông dân chúng
gặp gỡ Con Chúa,
Người đã trở thành
nguyên nhân của sự chia rẽ:
Người ảnh hưởng đến đời
sống của họ
Cách này hay cách
khác.
Nguyện xin cho chúng
con chấp nhận Người hoàn toàn
Và dọn sẵn sàng chính
mình để dành chỗ cho Người
Trong cuộc sống hàng
ngày của chúng con, ngay cả khi đau khổ.
Lạy Chúa, xin giúp
chúng con, rằng với Người
Chúng con có thể luôn
tìm kiếm và làm theo ý Chúa.
Chúng con cầu xin nhờ
Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng con.
2. Phúc Âm –
Gioan 7:40-53
Khi ấy, sau khi nghe
Chúa Giêsu giảng, có nhiều người trong đám dân chúng nói rằng: “Ông này
thật là tiên tri”. Kẻ khác nói: “Ông này thật là Đấng Kitô”.
Người khác nữa lại nói: “Đấng Kitô xuất thân từ Galilêa sao? Nào
Kinh Thánh chẳng nói: Đấng Kitô xuất thân bởi dòng dõi Đavít, và từ làng
Bêlem, quê hương của Đavít?” Vì thế, dân chúng bất đồng ý kiến với nhau về
Người.
Trong số đó, có một ít
kẻ định bắt Người, nhưng không ai dám ra tay bắt Người. Vậy khi những người
thừa hành đến với thượng tế và biệt phái, các ông này hỏi họ rằng: “Tại
sao các ngươi không điệu nó tới?” Các người thừa hành thưa rằng:
“Chẳng hề có ai nói như người ấy”. Các người biệt phái trả lời rằng:
“Chớ thì các ngươi cũng bị mê hoặc rồi sao? Trong các vị thủ lãnh và các
người biệt phái, có ai tin nó đâu? Chỉ có lũ khốn nạn đó nó không biết gì
lề luật”.
Nicôđêmô là người đã tới
gặp Chúa Giêsu ban đêm, cũng là người trong nhóm họ, nói với họ rằng: “Chớ
thì luật của chúng ta có lên án cho ai mà không nghe họ, hoặc không biết rõ họ
làm gì không?” Nhưng họ trả lời rằng: “Hay ông cũng là người
Galilêa? Hãy đọc kỹ Kinh Thánh, ông sẽ thấy rằng không có tiên tri nào
phát xuất từ Galilêa”. Sau đó ai về nhà nấy.
3. Suy Niệm
– Trong chương 7, thánh Gioan khẳng định rằng đã có
những ý kiến khác nhau và có nhiều hoang mang trong dân chúng về Chúa
Giêsu. Những họ hàng thân thích đã nghĩ một đàng (Ga 7:2-5), dân chúng lại
nghĩ đàng khác (Ga 7:12). Một số người nói rằng: “Ông này thật là
tiên tri!” (Ga 7:40). Kẻ khác lại nói: “Ông ta mê hoặc dân chúng!”
(Ga 7:12). Một số người ca ngợi: “Ông ấy là một người tốt!” (Ga
7:12). Kẻ khác nữa lại chỉ trích Người: “Ông này đã không được giáo
dục, đã không học hành gì cả!” (Ga 7:15). Nhiều ý kiến. Mỗi người đều
có lý lẽ riêng của mình, trích từ Kinh Thánh hay từ Truyền Thống. Nhưng
không ai nhớ đến Người Tôi Tớ Thiên Sai, được công bố bởi tiên tri Isaia (Is
42:1-9; 49:1-6; 50:4-9; 52:13-53:12; 61:1-2). Ngày nay cũng thế, có nhiều
cuộc thảo luận về tôn giáo, và tất cả mọi người đều trích Kinh Thánh để biện
minh cho lý lẽ của mình. Như trong quá khứ, việc tương tự cũng xảy ra
ngày nay, nó xảy ra nhiều lần đến nỗi mà những kẻ bé mọn đã bị đánh lừa bởi những
bài thuyết giảng của những người cao trọng, và thỉnh thoảng, thậm chí bởi những
bài thuyết giảng của những người thuộc về Giáo Hội nữa.
– Ga 7:40-44: Sự hoang mang trong dân
chúng. Phản ứng của dân chúng thì rất đa dạng. Có người
thì nói: Ông này thật là tiên tri. Kẻ khác nói: Ông này thật
là Đấng Thiên Sai; Đấng Kitô. Những người khác nữa cho rằng: Ông
này không thể là Đấng Cứu Thế được vì Đấng Cứu Thế xuất thân bởi dòng dõi
Đavít, và từ làng Bêlem, và ông này xuất thân từ Galilêa! Những ý kiến
khác nhau về Đấng Thiên Sai tạo ra sự chia rẽ và tranh cãi. Có một số kẻ định bắt
Người, tống giam Người, nhưng họ không dám ra tay. Có lẽ vì họ sợ dân
chúng (xem Mt 14:2).
– Ga 7:45-49: Lập luận của kẻ cầm quyền.
Trước đây, đứng trước phản ứng của người dân thiên về Chúa Giêsu, người Biệt
Phái đã sai vệ binh đi bắt Người (Ga 7:32). Nhưng vệ binh trở về tay
không. Họ đã hết sức thán phục khi nghe người ta bảo nhau rất rõ
ràng: “Chẳng hề có ai nói như người ấy!” Người Biệt Phái phản ứng lại:
“Chớ thì các ngươi cũng bị mê hoặc rồi sao?” Theo lời người Biệt Phái nói
rằng: “Đám tiện dân này không biết gì về Lề Luật” và để cho bản thân mình
bị Chúa Giêsu lừa dối. Điều đó như thể họ nói rằng: “Không, chỉ có
chúng ta, những thượng tế, là người khôn ngoan hơn và chúng ta không để cho
mình bị mê hoặc!” Và họ cho rằng dân chúng là “kẻ chết tiệt”! Các
giới chức tôn giáo thời ấy đã đối xử dân chúng hết sức khinh miệt.
– Ga 7:50-52: Lời bênh vực Chúa Giêsu
của ông Nicôđêmô. Trước lời lập luận ngu ngốc này, tính chân thật
của ông Nicôđêmô nổi dậy và ông lên tiếng bênh vực Chúa Giêsu: “Chớ thì
luật của chúng ta có lên án cho ai mà không nghe họ, hoặc không biết rõ họ làm
gì không?” Phản ứng của những người khác là họ cho rằng ông Nicôđêmô đang
chế giễu họ: “Nicôđêmô, ông cũng là người Galilêa sao? Hãy đọc kỹ
Kinh Thánh đi, ông sẽ thấy rằng không có tiên tri nào phát xuất từ
Galilêa!” Họ chắc mẩm! Cầm quyển sách của quá khứ, họ tự bảo vệ
mình chống lại tương lai đang đến và quấy nhiễu họ. Ngày nay, nhiều người
vẫn tiếp tục làm điều tương tự. Họ chỉ chấp nhận điều mới lạ nếu điều ấy
hợp với ý tưởng riêng thuộc về quá khứ của họ.
4. Một vài
câu hỏi gợi ý cho việc suy gẫm cá nhân
– Ngày nay, những ý kiến khác nhau mà mọi người có về
Chúa Giêsu là gì? Và trong cộng đoàn của bạn, có những ý kiến khác nhau
gây ra hoang mang không?
– Có những người chỉ chấp nhận sự mới lạ mà thuận với
ý tưởng của họ và thuộc về quá khứ. Còn bạn thì sao?
5. Lời nguyện
kết
Lạy Thiên Chúa, xin lấy
lòng nhân hậu xót thương con
Mở lượng hải hà xóa tội
con đã phạm.
Xin rửa con sạch hết mọi
lỗi lầm
Tội lỗi con, xin Ngài
thanh tẩy.
(Tv 51:1-2)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét