30/03/2020
Thứ hai tuần 5 mùa
Chay
BÀI ĐỌC I: Đn 13, 1-9.
15-17. 19-30. 33-62 (Bài dài)
“Đây tôi phải chết, dù tôi
không làm điều họ vu khống cho tôi”.
Trích sách Tiên tri
Đaniel.
Trong những ngày ấy, có một người đàn ông ở Babylon tên là Gioakim cưới
bà vợ tên là Susanna, con của Helcia, bà rất xinh đẹp và có lòng kính sợ Chúa,
vì cha mẹ bà là những người công chính, đã dạy con cho biết giữ luật Môsê. Lúc
đó Gioakim rất giàu có, ông có một khu vườn gần nhà ông, các người Do-thái năng
lui tới nhà ông, vì ông là người đáng kính hơn mọi người khác.
Năm đó, người ta đã đặt lên hai vị thẩm phán trong dân. Chúa đã phán về
những kẻ ấy rằng: “Sự gian ác phát sinh từ Babylon bởi những vị thẩm phán kỳ
lão, là những người xem ra như cai quản dân chúng”. Các ông năng lui tới nhà
ông Gioakim, nên tất cả những ai kiện tụng, thì tìm gặp các ông ở đó. Đến trưa,
khi dân chúng trở về nhà, bà Susanna vào đi bách bộ trong vườn của chồng. Hai vị
kỳ lão thấy bà mỗi ngày đi bách bộ trong vườn, thì phải lửa dục mê đắm; hai ông
mất lương tâm, không còn muốn đưa mắt nhìn lên trời và không còn muốn nhớ đến sự
xét xử công minh.
Hai ông chờ ngày thuận tiện, lúc bà Susanna vào vườn như hôm trước và hôm
trước nữa, bà chỉ dẫn theo hai cô thiếu nữ, bà muốn tắm trong vườn, vì trời
nóng bức. Lúc bấy giờ ở đó không có ai, ngoài hai vị kỳ lão đang ẩn núp và ngắm
nhìn bà. Bà nói với hai cô thiếu nữ rằng: “Hãy mang dầu và thuốc thơm cho ta, rồi
đóng cửa vườn lại để ta tắm”.
Khi hai cô thiếu nữ ra khỏi vườn, hai vị kỳ lão đứng lên, tiến lại gần bà
Susanna và nói: “Kìa cửa vườn đã đóng hết; không ai trông thấy ta đâu, chúng
tôi say mê bà, bà hãy chấp nhận lời yêu cầu của chúng tôi và hiến thân cho
chúng tôi. Nếu bà không chấp nhận, chúng tôi sẽ làm chứng nói bà phạm tội với một
thanh niên, và vì đó, bà đã bảo các cô thiếu nữ ra khỏi vườn”.
Bà Susanna thở dài và nói: “Tôi phải khốn cực tư bề; nếu tôi hành động
như thế, tôi phải chết, và nếu tôi không hành động như thế, tôi cũng không
thoát khỏi tay các ông. Nhưng thà tôi phải tay các ông mà không làm điều gì phạm
tội trước mặt Chúa thì hơn!” Đoạn bà tri hô lên, nên hai vị kỳ lão cũng kêu lên
tố cáo bà. Và một trong hai ông chạy ra mở cửa vườn. Khi người nhà nghe tiếng
kêu la trong vườn, liền đổ xô ra cửa để xem coi việc gì đã xảy ra. Khi nghe hai
vị kỳ lão kể lại, thì các đầy tớ rất lấy làm hổ thẹn, vì thiên hạ không khi nào
nghe nói như thế về bà Susanna.
Ngày hôm sau, khi dân chúng tụ họp tại nhà ông Gioakim, chồng bà Susanna,
hai vị kỳ lão cũng đến, lòng đầy những ý nghĩ bất chính để tố cáo bà Susanna
cho người ta giết bà. Hai ông nói với dân chúng: “Các người hãy đi tìm bà
Susanna, con ông Helcia, vợ của ông Gioakim”. Người ta liền sai đi bắt bà, bà đến
với cả cha mẹ, con cái và tất cả họ hàng. Nhưng tất cả họ hàng và mọi kẻ biết
rõ bà đều khóc lóc.
Khi hai vị kỳ lão ra đứng giữa dân chúng, hai ông đặt tay lên đầu bà. Bà
Susanna thì khóc lóc, ngước mắt lên trời, vì tâm hồn bà tin tưởng nơi Chúa. Hai
vị kỳ lão nói: “Khi chúng tôi đi bách bộ một mình trong vườn, bà này đi vào với
hai đứa tớ gái. Bà bảo hai đứa đóng cửa vườn lại, rồi đi ra. Bấy giờ một chàng
thanh niên đã ẩn núp trong vườn tiến tới gần bà và phạm tội với bà. Lúc đó
chúng tôi núp ở góc vườn, nhìn thấy tội ác, chúng tôi liền chạy đến bắt quả
tang hai người đang phạm tội. Chúng tôi không bắt được chàng thanh niên, vì anh
ta khoẻ mạnh hơn chúng tôi, nên đã mở cửa tẩu thoát. Còn bà này chúng tôi bắt
được, chúng tôi gạn hỏi chàng thanh niên đó là ai, nhưng bà không muốn nói cho
chúng tôi biết. Đó là điều chúng tôi xin làm chứng”. Dân chúng tin lời hai ông
nói, vì hai ông là bậc kỳ lão trong dân và là thẩm phán, nên họ lên án tử hình
cho bà.
Bấy giờ bà Susanna kêu lớn tiếng rằng: “Lạy Chúa hằng hữu, Đấng thấu biết
mọi bí ẩn và mọi sự trước khi xảy ra, Chúa biết họ làm chứng gian hại con; và
đây con phải chết, dù con không làm điều gì mà họ ác ý vu khống cho con”.
Chúa nhậm lời bà. Khi họ dẫn bà đi xử tử, thì Chúa giục thần trí một đứa
trẻ tên là Đaniel. Trẻ này kêu lớn rằng: “Còn tôi, tôi không vấy máu bà này”. Mọi
người hướng mắt nhìn về đứa trẻ và nói: “Lời mi nói có ý nghĩa gì?” Đứa trẻ ra
đứng giữa mọi người và nói: “Hỡi con cái Israel, các ngươi ngu muội thế sao,
khi chưa xét xử và chưa biết sự thật thế nào, mà lại lên án một thiếu nữ
Israel? Các người hãy xét xử lại, vì hai ông đã làm chứng dối hại bà”.
Bấy giờ dân chúng vội vã trở lại. Các kỳ lão nói với Đaniel: “Này, em hãy
ngồi giữa chúng tôi và bảo cho chúng tôi, vì Thiên Chúa đã cho em danh dự của bậc
kỳ lão”. Đaniel liền nói với họ: “Các người hãy tách biệt hai ông ra, và cho
hai ông đứng xa nhau, rồi tôi xét xử hai vị kỳ lão cho”.
Khi hai ông đứng xa nhau, Đaniel gọi ông thứ nhất đến và nói: “Hỡi lão
già độc ác, các tội xưa kia ông đã phạm, giờ đây lại tái phạm, ông đã xét xử bất
công, đã lên án kẻ vô tội và tha cho người có tội, mặc dầu có lời Chúa phán:
‘Ngươi chớ giết kẻ vô tội và người công chính’. Vậy nếu ông thấy bà Susanna phạm
tội, thì hãy nói hai người phạm tội dưới cây gì?” Ông ta trả lời: “Dưới cây
chò”. Đaniel liền nói: “Đúng là ông nói dối. Đây sứ thần Chúa được lệnh phân
thây ông”. Đaniel cho ông ta lui ra, và bảo dẫn ông kia đến. Đaniel nói với ông
này rằng: “Hỡi dòng giống Canaan, chớ không phải dòng giống Giuđa, sắc đẹp đã
mê hoặc ông, và tình dục đã làm cho tâm hồn ông ra đồi bại. Ông đã cư xử như thế
đối với các thiếu nữ Israel, các cô vì sợ mà phạm tội với ông. Nhưng một thiếu
nữ Giuđa không chiều theo tội ác của ông. Vậy bây giờ, ông hãy nói cho tôi biết
ông đã bắt được hai người phạm tội dưới cây gì?” Ông ta trả lời: “Dưới cây sồi”.
Đaniel liền nói: “Cả ông nữa, ông hoàn toàn nói dối, cho nên thiên thần Chúa,
tay cầm gươm, chờ đợi phân thây tiêu diệt ông”.
Bấy giờ tất cả dân chúng hô lớn tiếng và chúc tụng Chúa đã cứu thoát những
kẻ trông cậy vào Chúa. Đoạn họ nghiêm trị hai vị kỳ lão mà Đaniel đã minh chứng
rằng hai ông đã vu khống, họ đã xử với hai ông như hai ông đã xử độc ác với kẻ
khác. Chiếu theo luật Môsê, họ lên án xử tử hai ông, và ngày hôm đó máu người
vô tội khỏi đổ oan. Đó là lời Chúa.
Hoặc đọc bài vắn này:
Đn 13, 41c-62
Trong những ngày ấy, dân chúng lên án tử hình bà Susanna. Bấy giờ bà
Susanna kêu lớn tiếng rằng: “Lạy Chúa hằng hữu, Đấng thấu biết mọi bí ẩn và mọi
sự trước khi xảy ra, Chúa biết họ làm chứng gian hại con; và đây con phải chết,
dù con không làm điều gì mà họ ác ý vu khống cho con”.
Chúa nhậm lời bà. Khi họ dẫn bà đi xử tử, thì Chúa giục thần trí một đứa
trẻ tên là Đaniel. Trẻ này kêu lớn rằng: “Còn tôi, tôi không vấy máu bà này”. Mọi
người hướng mắt nhìn về đứa trẻ và nói: “Lời mi nói có ý nghĩa gì?” Đứa trẻ ra
đứng giữa mọi người và nói: “Hỡi con cái Israel, các ngươi ngu muội thế sao,
khi chưa xét xử và chưa biết sự thật thế nào, mà lại lên án một thiếu nữ
Israel? Các người hãy xét xử lại, vì hai ông đã làm chứng dối hại bà”.
Bấy giờ dân chúng vội vã trở lại. Các kỳ lão nói với Đaniel: “Này, em hãy
ngồi giữa chúng tôi và bảo cho chúng tôi, vì Thiên Chúa đã cho em danh dự của bậc
kỳ lão”. Đaniel liền nói với họ: “Các người hãy tách biệt hai ông ra, và cho
hai ông đứng xa nhau, rồi tôi xét xử hai vị kỳ lão cho”.
Khi hai ông đứng xa nhau, Đaniel gọi ông thứ nhất đến và nói: “Hỡi lão
già độc ác, các tội xưa kia ông đã phạm, giờ đây lại tái phạm. Ông đã xét xử bất
công, đã lên án kẻ vô tội và tha cho người có tội, mặc dầu có lời Chúa phán:
‘Ngươi chớ giết kẻ vô tội và người công chính’. Vậy nếu ông thấy bà Susanna phạm
tội, thì hãy nói hai người phạm tội dưới cây gì?” Ông ta trả lời: “Dưới cây
chò”. Đaniel liền nói: “Đúng là ông nói dối. Đây sứ thần Chúa được lệnh phân
thây ông”. Đaniel cho ông ta lui ra, và bảo dẫn ông kia đến. Đaniel nói với ông
này rằng: “Hỡi dòng giống Canaan, chứ không phải dòng giống Giuđa, sắc đẹp đã
mê hoặc ông, và tình dục đã làm cho tâm hồn ông ra đồi bại. Ông đã cư xử như thế
đối với các thiếu nữ Israel, các cô vì sợ mà phạm tội với ông. Nhưng một thiếu
nữ Giuđa không chiều theo tội ác của ông. Vậy bây giờ, ông hãy nói cho tôi biết
ông đã bắt được hai người phạm tội dưới cây gì?” Ông ta trả lời: “Dưới cây sồi”.
Đaniel liền nói: “Cả ông nữa, ông hoàn toàn nói dối, cho nên thiên thần Chúa,
tay cầm gươm, chờ đợi phân thây tiêu diệt ông”.
Bấy giờ tất cả dân chúng hô lớn tiếng và chúc tụng Chúa đã cứu thoát những
kẻ trông cậy vào Chúa. Đoạn họ nghiêm trị hai vị kỳ lão mà Đaniel đã minh chứng
rằng hai ông đã vu khống; họ đã xử với hai ông như hai ông đã xử độc ác với kẻ
khác. Chiếu theo luật Môsê, họ lên án xử tử hai ông, và ngày hôm đó máu người
vô tội khỏi đổ oan. Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 22, 1-3a.
3b-4. 5. 6
Đáp: Dù bước đi
trong thung lũng tối, con không lo mắc nạn, vì Chúa ở cùng con (c. 5ab).
Xướng: 1) Chúa chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn chi; trên đồng cỏ xanh
rì, Người thả tôi nằm nghỉ. Tới nguồn nước, chỗ nghỉ ngơi, Người hướng dẫn tôi;
tâm hồn tôi, Người lo bồi dưỡng. – Đáp.
2) Ngài dẫn tôi qua những con đường đoan chính, sở dĩ vì uy danh Người.
(Lạy Chúa), dù bước đi trong thung lũng tối, con không lo mắc nạn, vì Chúa ở
cùng con. Cây roi và cái gậy của Ngài, đó là điều an ủi lòng con. – Đáp.
3) Chúa dọn ra cho con mâm cỗ, ngay trước mặt những kẻ đối phương. Đầu
con thì Chúa xức dầu thơm, chén rượu con đầy tràn chan chứa. – Đáp.
4) Lòng nhân từ và ân sủng Chúa theo tôi, hết mọi ngày trong đời sống; và
trong nhà Chúa, tôi sẽ định cư cho tới thời gian rất ư lâu dài. – Đáp.
CÂU XƯỚNG TRƯỚC PHÚC
ÂM: 2 Cr 6, 2b
Đây là lúc thuận tiện,
đây là ngày cứu độ.
PHÚC ÂM: Ga 8, 1-11
“Ai trong các ngươi sạch tội,
hãy ném đá chị này trước đi”.
Tin Mừng Chúa Giêsu
Kitô theo Thánh Gioan.
Khi ấy, Chúa Giêsu lên núi cây dầu. Và từ sáng sớm, Người lại vào trong đền
thờ. Toàn dân đến cùng Người, nên Người ngồi xuống và bắt đầu giảng dạy. Lúc đó,
luật sĩ và biệt phái dẫn đến Người một thiếu phụ bị bắt quả tang phạm tội ngoại
tình, và họ đặt nàng đứng trước mặt mọi người. Họ hỏi Chúa Giêsu: “Thưa Thầy,
thiếu phụ này bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình, mà theo luật Môsê, hạng phụ
nữ này phải bị ném đá. Còn Thầy, Thầy dạy sao?” Họ nói thế có ý gài bẫy Người để
có thể tố cáo Người. Nhưng Chúa Giêsu cúi xuống, bắt đầu lấy ngón tay viết trên
đất. Vì họ cứ hỏi mãi, nên Người đứng lên và bảo họ: “Ai trong các ngươi sạch tội,
hãy ném đá chị này trước đi”. Và Người ngồi xuống và lại viết trên đất. Nghe
nói thế họ rút lui từng người một, bắt đầu là những người nhiều tuổi nhất, và
còn lại một mình Chúa Giêsu với người thiếu phụ vẫn đứng đó. Bấy giờ Chúa Giêsu
đứng thẳng dậy và bảo nàng: “Hỡi thiếu phụ, những người cáo chị đi đâu cả rồi?
Không ai kết án chị ư?” Nàng đáp: “Thưa Thầy, không có ai”. Chúa Giêsu bảo: “Ta
cũng thế, Ta không kết tội chị. Vậy chị hãy đi, và từ nay đừng phạm tội nữa”.
Đó là lời Chúa.
SUY NIỆM : Khả năng
chinh phục
Đức cha Bossuet là một văn hào và một nhà hùng biện Pháp đã tuyên bố: “Ai
muốn tranh luận giáo lý, hãy đến với tôi, tôi sẽ làm cho họ thua lý”. Còn Đức
cha Salêsiô thì lại chinh phục những người lạc giáo bằng cách đón tiếp, lắng
nghe, tìm hiểu và giải quyết những thắc mắc của họ.
Khi rao giảng Tin Mừng, Chúa Giêsu đã cho thấy Ngài có khả năng chinh phục
lạ thường. Không ai có uy quyền như Ngài để làm những việc kỳ diệu, để chứng
minh Ngài là Con Thiên Chúa, là Đấng được Chúa Cha sai đến; những lời Ngài nói
có sức hấp dẫn đến độ dân chúng nghe Ngài đã nhận xét: “Không ai ăn nói được
như Ngài”. Tuy nhiên, quyền năng chinh phục của Ngài không hủy diệt sự tự do của
con người. Trước thái độ không tin và bắt bẻ của người Biệt phái, Ngài đã dùng
ngôn ngữ của con người để mặc khải sự thật cao cả của Thiên Chúa, sự thật có sức
cứu rỗi.
Bài Tin Mừng hôm nay mời gọi chúng ta xét lại thái độ sống đức tin của
chúng ta: biết bao lần Chúa Giêsu đã thực hiện những dấu lạ trong đời sống cá
nhân chúng ta cũng như trong sinh hoạt cộng đoàn để nhắc nhở chúng ta rằng Ngài
là Đấng Cứu Thế, là Ánh Sáng, là Chân lý, nhưng chúng ta đã nhìn nhận ánh sáng
và chân lý Ngài đem đến với tất cả chân thành và khiêm tốn chưa? Tác giả tập
sách Đường Hy vọng đã viết:
“Đối với người kitô hữu tin trước hết là chấp nhận được cứu rỗi, được tha
thứ, được yêu thương. Chúa không phải là Đấng bắt con kính mến, nhưng đúng hơn
Ngài là Đấng con phải để cho Ngài yêu thương. Nhân loại cảm thấy mình làm được
mọi sự, nhưng không biết tại sao mình sống, mình đi về đâu, tương lại thế nào.
Nhân loại đang trải qua cơn khủng hoảng hy vọng, nhưng có thể chính cá nhân
chúng ta cũng đang gặp cơn khủng hoảng đó, vì chúng ta không có đức tin trọn vẹn,
không chấp nhận sự thật mà Chúa mạc khải… Ta là Ánh sáng thế gian, ai theo Ta sẽ
không đi trong tối tăm, nhưng sẽ được ánh sáng ban sự sống. Đó là bí quyết của
niềm hy vọng”.
Xin Chúa gia tăng đức tin và hướng dẫn chúng ta theo ánh sáng chân lý để
cuộc đời chúng ta trổ sinh hoa trái làm vinh danh Chúa và phục vụ anh em.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Hai Tuần V MC
Bài đọc: Dan 13:1-9, 15-17, 19-30, 33-62; Jn 8:1-11 or 8:12-20.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ:
Không được kết án tha nhân.
Con người thường dễ phê bình và kết án tha nhân, hơn là nhìn vào chính
mình để xét mình và để nhận ra những ước muốn sai trái và tội lỗi của mình. Nhiều
khi vì ham muốn tình dục, uy quyền, danh vọng, hay của cải, con người có thể sẵn
sàng làm chứng gian để kết án người vô tội, hay tìm đủ mọi cách để tha bổng kẻ
đắc tội. Chúa Giêsu dạy các môn đệ không được kết án bất cứ ai, vì quyền phán
xét là quyền của Thiên Chúa, và không ai sạch tội để có thể kết án tha nhân.
Các Bài Đọc hôm nay xoay quanh vấn đề kết án tha nhân. Trong Bài Đọc I,
TT Daniel phá vỡ âm mưu của hai vị thẩm phán làm chứng gian để kết án người vô
tội. Họ ham muốn sắc đẹp của Bà Suzanna và lập mưu để thông gian với Bà. Khi Bà
từ chối không chịu, họ đã tri hô Bà phạm tội ngọai tình với một thanh niên trẻ.
Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu cũng phá vỡ âm mưu của các kinh-sư và Biệt-phái khi họ
đặt Ngài vào thế lưỡng nan: hoặc phải giữ luật Moses hoặc phải giữ luật yêu
thương. Ngài trả lời họ: “Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném
trước đi.”
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Không được làm chứng gian để
kết án người lành.
1.1/ Sự ác độc của hai vị thẩm phán:
(1) Lòng ham muốn tình dục của hai vị thẩm phán: Là những người xét xử
dân chúng, lẽ ra họ phải giữ tâm hồn sáng suốt để xét xử công minh cho dân, hai
vị thẩm phán này đã để “tâm trí ra đồi bại, quay mắt đi để khỏi nhìn lên trời
cao và chẳng nhớ đến những phán quyết công minh của Thiên Chúa.” Họ ham muốn sắc
đẹp của bà Suzanna, rình rập khi Bà tắm trong vườn, và sửa sọan sẵn một âm mưu
để cưỡng bức Bà hoặc phải thông gian với họ, hoặc sẽ bị ném đá chết vì tội ngọai
tình.
(2) Làm chứng gian khi âm mưu không thành: Hai kỳ lão đó đứng dậy đặt tay
lên đầu bà, và làm chứng gian: “Chúng tôi đang dạo chơi một mình trong vườn,
thì mụ này đã vào với hai tớ gái, đóng cửa vườn lại, rồi cho các tớ gái đi ra.
Một gã thanh niên núp sẵn ở đó, đến bên mụ và nằm với mụ. Lúc ấy, chúng tôi
đang ở một góc vườn, thấy chuyện đồi bại, liền chạy tới. Chúng tôi thấy chúng
ăn nằm với nhau, nhưng không tóm được gã thanh niên, vì hắn khoẻ hơn chúng tôi,
và đã mở cửa chạy mất. Còn mụ này, chúng tôi bắt được và hỏi mụ ta xem gã thanh
niên kia là ai. Nhưng mụ không chịu nói cho chúng tôi. Chúng tôi xin làm chứng
về những điều ấy.”
1.2/ Thiên Chúa bảo vệ những ai biết kính sợ Người.
(1) Khác với hai vị thẩm phán, Bà Suzanna là người biết kính sợ Thiên
Chúa. Cha mẹ bà là người công chính, đã dạy dỗ con gái theo Luật Moses. Khi bị
cưỡng bức bởi hai vị thẩm phán, Bà Suzanna biết họ có quyền phán xét luận tội
mình, nên phân vân: “Tôi bị khốn tứ bề! Quả thật, nếu làm thế, tôi sẽ phải chết;
còn nếu không làm, tôi cũng không thoát khỏi tay các ông. Nhưng thà không làm
gì cả mà sa vào tay các ông, còn hơn là phạm tội trước mặt Chúa!” Vì thế, Bà
Suzanna liền kêu lớn tiếng và hai kỳ lão cũng la lên để hại bà. Khi bị kết án
oan uổng, Bà vừa khóc vừa ngước mắt lên trời, vì bà đầy lòng trông cậy vào
Chúa. Bà Suzanna kêu lớn tiếng: “Lạy Thiên Chúa hằng hữu, Đấng am tường những
điều bí ẩn và thấy hết mọi sự trước khi chúng xảy ra, Ngài biết là họ đã làm chứng
gian hại con. Này con phải chết, tuy chẳng làm điều gì trong những điều họ đã
vu cho con.”
(2) Thiên Chúa gởi TT Daniel đến để xét xử cho Bà: Trời có mắt, Thiên
Chúa đã nghe tiếng bà kêu. Trong lúc bà bị điệu đi hành hình, Thiên Chúa đã
đánh động tâm trí thánh thiện của một thiếu niên tên là Daniel. Thiếu niên đó
kêu lớn tiếng rằng: “Tôi vô can trong vụ đổ máu người phụ nữ này!” Toàn dân đều
quay về phía cậu thiếu niên và hỏi: “Lời cậu vừa nói có nghĩa gì?” Cậu đứng giữa
họ và nói: “Các người ngu xuẩn đến thế sao, hỡi con cái Israel? Các người đã
lên án một người con gái Israel mà không xét hỏi và cũng không biết rõ sự việc
ra sao! Hãy trở lại nơi xét xử, vì những người kia đã làm chứng gian để hại người
phụ nữ này.”
Cách xét xử của Daniel: Cậu ra lệnh: “Hãy tách riêng họ ra, rồi tôi sẽ
xét hỏi.” Câu hỏi của Daniel: Nếu đã thấy họ phạm tội, thì phạm tội dưới cây
nào? Hai người làm chứng khác nhau:
* Người thứ nhất: “Dưới cây trắc.”
* Người thứ hai: “Dưới cây dẻ.”
Bấy giờ toàn thể cộng đồng lớn tiếng reo hò và chúc tụng Thiên Chúa, Đấng
cứu những kẻ trông cậy vào Người. Rồi người ta quay lại chống hai kỳ lão, vì
Daniel đã dựa vào lời chính miệng các ông nói mà thuyết phục họ là các ông đã
làm chứng gian. Theo luật Moses, người ta giáng cho các ông hình phạt mà các
ông định bắt người khác phải chịu, đó là giết các ông. Ngày ấy, máu người vô tội
khỏi bị đổ oan.
2/ Phúc Âm: Không được kết án tha nhân vì
không ai sạch tội.
2.1/ Bẫy giăng để hại Chúa Giêsu: Trình thuật của Gioan nói rõ: “Họ nói
thế nhằm thử Người, để có bằng cớ tố cáo Người.” Chúa Giêsu bị họ đặt vào giữa
hai thế lưỡng nan: hoặc trung thành với giáo huấn Ngài dạy là luật yêu thương
và không được kết án tha nhân, hoặc vi phạm Luật Moses dạy phải ném đá chết người
bị bắt quả tang phạm tội ngọai tình.
2.2/ Chúa Giêsu muốn mọi người phải xét mình.
(1) Phải sạch tội trước khi tố cáo người khác: Vì họ cứ hỏi mãi, nên Người
ngẩng lên và bảo họ: “Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước
đi.” Rồi Người lại cúi xuống viết trên đất. Nghe vậy, họ bỏ đi hết, kẻ trước
người sau, bắt đầu từ những người lớn tuổi. Chỉ còn lại một mình Đức Giêsu, và
người phụ nữ thì đứng ở giữa.
(2) Cách Chúa Giêsu đối xử với người phụ nữ: Người ngẩng lên và nói: “Này
chị, họ đâu cả rồi? Không ai lên án chị sao?” Người đàn bà đáp: “Thưa ông,
không có ai cả.” Đức Giêsu nói: “Tôi cũng vậy, tôi không lên án chị đâu! Thôi
chị cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa!” Qua những lời đối thọai này, Chúa
Giêsu muốn chị nhận ra những điều sau:
1.
a) Chúa cho chị cơ hội thứ hai để trở nên tốt đẹp hơn: Tôi biết chị đã phạm
tội, nhưng cuộc đời chị vẫn còn thời gian để sửa đổi. Tôi cho chị cơ hội thứ
hai để chị làm lại cuộc đời.
2.
b) Chúa tha thứ lỗi lầm của chị: Không giống như những người biệt-phái và
kinh-sư chỉ lo tìm dịp để luận tội và kết án chị, Chúa lợi dụng cơ hội để tha
thứ và để chữa lành chị.
3.
c) Chúa khuyến khích chị trở thành người tốt hơn: Tội lỗi hủy diệt con
người. Chị hãy tránh xa tội lỗi để cuộc đời chị tốt đẹp hơn.
4.
d) Chúa tin tưởng mọi người đều có thể trở nên tốt nếu được cho cơ hội:
Tôi tin chị sẽ trở nên tốt nếu tôi cho chị cơ hội để sửa đổi.
5.
e) Chúa cũng cảnh cáo chị hậu quả sẽ xấu hơn nếu chị không chịu thay đổi:
Nếu chị không nắm lấy cơ hội để sửa đổi, chị sẽ phải lãnh nhận hậu quả nghiêm
trọng hơn.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC
SỐNG:
– Chúng ta không bao giờ được làm chứng gian để hại người khác (điều răn
thứ 9).
– Quyền xét đóan thuộc về Thiên Chúa. Chúng ta không có quyền xét đóan
tha nhân nếu chúng ta không có bổn phận với họ.
Linh mục Anthony
Đinh Minh Tiên, OP
30/03/2020 – THỨ HAI TUẦN 5 MC
Ga 8,1-11
XÉT MÌNH TRƯỚC KHI KẾT ÁN
“Ai trong các ông sạch
tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi.” (Ga 8,7)
Suy niệm: “Ta giống nhau về việc
sai lỗi, nhưng không bao giờ giống nhau về sự chấp nhận” (Nhà văn Mỹ A.
Liccione). Các kinh sư và người Pha-ri-sêu đã cầm đá trong tay, sẵn sàng ném
vào người phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình. Thế nhưng, chỉ cần một lời
nói nhẹ nhàng của Đức Giê-su, họ lại từ từ bỏ các hòn đá lớn nhỏ xuống, rồi già
trẻ lặng lẽ rút lui. Lúc đầu, họ hăng hái kết án người khác, vì không thấy lỗi
lầm của mình. Chỉ khi Ngài bắt buộc họ phải đối diện với cõi lòng, chợt nhận ra
bao tội tà dâm không bị bắt quả tang, lắm ước muốn thầm kín trái luân thường đạo
lý. Rút lui, không lên án người khác, là họ chấp nhận mình không phải là kẻ vô
tội. Họ vẫn còn đủ liêm sỉ để không lên án người chị em của mình.
Mời Bạn: “Đừng dùng lời nói để phê
phán, lên án, hay phàn nàn; nhưng để nhận thức đúng, gợi hứng và tạo ra năng lực
cho người khác” (Nhà văn D. Mridha). Mỗi ngày bạn “ném đá” người khác không biết
bao lần, vì quên nhìn và chấp nhận các sai lỗi của mình. Nhớ Lời Chúa dạy, bạn
soi, xét mình kỹ lưỡng trước khi đưa ra lời nhận định. Tích cực hơn, bạn tập
thói quen sử dùng miệng lưỡi để nói lên lời khích lệ, nâng đỡ người chung
quanh.
Sống Lời Chúa: Tôi tập nhìn lại mình, đối
diện với những lầm lỗi của mình, trước khi bị cám dỗ xét đoán, lên án người
khác.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, con cảm
phục thái độ bình thản trước đối thủ và nhân từ với tội nhân của Chúa. Xin cho
con có được sự bình thản khi thẳng thắn xét mình, cũng như nhân từ khi đối xử với
người anh em. Amen.
(5 Phút Lời Chúa)
SUY NIỆM : Đừng phạm
tội nữa
Bị bắt quả tang phạm tội là điều đáng xấu hổ.
Nhưng nếu tội đó là tội ngoại tình
thì thật là kinh khủng.
Ta cần hình dung người phụ nữ ấy, xốc xếch, rối bù,
bị lôi đi, mắt cúi xuống tránh những cái nhìn khinh miệt.
Trời tang tảng sáng, nơi Ðền Thờ Giêrusalem,
Ðức Giêsu đang ngồi giảng dạy cho đám đông.
Chị ta bị đặt trước mặt Ngài, đứng ngay giữa.
Các kinh sư và pharisêu hí hửng với cái bẫy của mình.
Người phụ nữ này thật là một cơ may hiếm có
để họ có bằng chứng tố cáo Ngài.
“Luật Môsê truyền cho chúng tôi phải ném đá hạng người này.
Còn Thầy, Thầy nghĩ sao?”
Quả là một câu hỏi bất ngờ, lịch sự và nham hiểm.
Ðức Giêsu không thể nói ngược với luật Môsê,
và cũng không thể nói ngược với trái tim của mình.
Ngài cúi xuống, lấy tay vẽ nguệch ngoạc trên đất.
Có vẻ như Ngài thờ ơ, không muốn can dự vào
hay Ngài đang suy nghĩ cho ra câu trả lời thích hợp.
Thời gian thinh lặng trôi qua, các kẻ tố cáo sốt ruột.
Họ đắc thắng gặng hỏi, tưởng Ngài bị dồn vào thế bí.
“Ai trong các ông vô tội thì hãy ném đá trước đi.”
Ngài trả lời, rồi lại cúi xuống viết trên đất.
Câu trả lời của Ngài bất ngờ vang trong tĩnh lặng,
bắt người ta phải trở về đối diện với lòng mình.
Ai dám tự hào mình vô tội?
Có bao tội bất trung nặng chẳng kém tội ngoại tình.
Có bao tội ngoại tình thầm kín không bị bắt quả tang.
Có bao tội ngoại tình trong tư tưởng và ước muốn.
Khi tố giác người khác, người ta thường quên tội của mình.
Không thấy cái xà ở mình mà lại thấy cái rác nơi người khác.
Các kinh sư và pharisêu đã khiêm tốn xét mình.
Họ lần lượt rút lui, gián tiếp nhận mình có tội.
Kẻ trước người sau, người lớn tuổi đi trước.
Chúng ta trân trọng thái độ chân thành của họ.
Họ ra đi, để lại hai người mà họ tố cáo và định tố cáo.
Cuối cùng chỉ còn lại người đáng thương và chính Tình Thương.
Bầu khí trở nên nhẹ hơn, êm hơn cho cuộc đối thoại.
Ðấng duy nhất có thể ném đá lại nói:
“Tôi không lên án chị đâu! Chị về đi,
từ nay đừng phạm tội nữa.”
Lắm khi việc áp dụng luật lại dẫn đến bế tắc.
Ném đá quả là một hình phạt răn đe hữu hiệu,
nhưng lại không ích lợi gì cho người phạm tội.
Ðức Giêsu chẳng những đã cứu một mạng người,
Ngài còn làm sống lại một đời người.
Dù con người vốn yếu đuối, dễ sa ngã,
nhưng Ngài vẫn tin tưởng, yêu mến và hy vọng vào họ.
Ngài không dung túng cái xấu, nhưng Ngài khơi dậy cái tốt
còn đang yên ngủ nơi người phụ nữ và cả nơi các kinh sư.
Cầu nguyện :
Lạy Chúa,
xin cho con quả tim của Chúa.
Xin cho con đừng khép lại trên chính mình,
nhưng xin cho quả tim con quảng đại như Chúa
vươn lên cao, vượt mọi tình cảm tầm thường
để mặc lấy tâm tình bao dung tha thứ.
Xin cho con vượt qua mọi hờn oán nhỏ nhen,
mọi trả thù ti tiện.
Xin cho con cứ luôn bình an, trong sáng,
không một biến cố nào làm xáo trộn,
không một đam mê nào khuấy động hồn con.
Xin cho con đừng quá vui khi thành công,
cũng đừng quá bối rối khi gặp lời chỉ trích.
Xin cho quả tim con đủ lớn
để yêu người con không ưa.
Xin cho vòng tay con luôn rộng mở
để có thể ôm cả những người thù ghét con. Amen.
Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
30 THÁNG BA
Để Bước Vào Tam Nhật
Thánh
“Nguyện chúc anh em ân sủng và bình an của Đức Giê-su Kitô, vị chứng nhân
trung thành” (Kh 1,4-5).
Đức Giê-su Kitô, vị chứng nhân trung thành của Thiên Chúa vô hình, thách
đố chúng ta với uy lực của bài diễn từ mà Người đưa ra trên căn gác thượng
trong phụng vụ Thứ Năm Thánh. Đây là những lời thiết lập nên Giao Ước Mới trong
máu hy tế của Người. Những lời này mạc khải chiều sâu thẳm nhất của mầu nhiệm
Thiên Chúa là Tình Yêu.
Bằng cách nào chúng ta có thể sửa soạn để cử hành Tam Nhật Thánh? Tam Nhật
Thánh là khoảng thời gian thánh thiêng nhất trong năm. Trong khoảng thời gian
thánh thiêng này, chúng ta cử hành: Thứ Năm Thánh, Thứ Sáu Thánh và Đêm Vọng Phục
Sinh. Thời gian đặc biệt này sẽ tái hiện cho chúng ta tình yêu của Thiên Chúa đối
với nhân trần: “Người vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và
Người yêu thương họ đến cùng” (Ga 13,1).
Trước khi bước vào thời gian thánh này, Giáo Hội cử hành phụng vụ buổi
sáng Thứ Năm Thánh – gọi là Thánh Lễ Truyền Dầu – một phụng vụ mang đậm sắc
thái của niềm mong đợi và sự chuẩn bị thánh thiêng. Trong Thánh Lễ này, Bài Đọc
thứ nhất trích từ Sách Ngôn Sứ Isaia – về sau được Đức Giêsu dẫn lại trong Tin
Mừng Luca: “Thánh Thần Chúa ngự trên tôi, vì Ngài đã xức dầu cho tôi” (Lc 4,18;
Is 61,1). Đức Giêsu Na-da-rét đã tham chiếu đến những lời này của Ngôn Sứ Isaia
ngay từ buổi bắt đầu sứ mạng cứu thế của Người.
– suy tư 366 ngày của
Đức Gioan Phaolô II –
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations
by Pope John Paul II
Lời Chúa Trong Gia Đình
Ngày 30/3
Đn 13,
1-9.15-17.19-30.33-62; Ga 8, 1-11.
Lời Suy Niệm: “Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi.”
Đối với tội nhân,
con người thường cư xử nhau theo luật lệ và muốn loại trừ; Nhưng đối với Chúa
Giêsu, Người dùng sự nhân từ, chờ đợi sự sám hối, sửa lỗi: “Tôi cũng không lên
án chị đâu! Thôi chị cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa.”
Lạy Chúa Giêsu, nhờ
lòng nhân từ và thương xót của Chúa mà mọi con người tội lỗi có thời gian và cơ
hội nhận ra tội lỗi của mình mà sám hối. Xin cho chúng con vững tin vào lòng
nhân từ của Chúa mà không bi quan sa ngã theo đường tội lỗi.
Mạnh Phương
30 Tháng Ba
Chết Thay Cho Người
Môn đệ của một vị đạo sĩ kia muốn từ bỏ thế gian, nhưng anh ta quyến luyến
gia đình và bảo rằng: “Vợ con tôi quá thương yêu tôi, nên họ không bằng lòng
cho tôi thoát tục”.
Nghe nói thế, vị đạo sĩ muốn cho anh ta biết sự thật nên đã dạy cho anh một
kỹ thuật giả chết. Sau một thời gian học thuần thục, vị đạo sĩ bảo anh hãy áp dụng
kỹ thuậ này khi về đến nhà. Và quả thật, anh ta đã thực hành bài học cách tuyệt
hảo để nhắm mắt xuôi tay, nhưng vẫn còn nghe được mọi tiếng khóc than của vợ
con và thân nhân, bạn bè.
Ngày hôm sau, vị đạo sĩ đến để phân ưu cùng thâm quyến. Sau những giây
phút tưởng niệm người quá cố, ông nghiêm nghị bảo thân nhân đang khóc thương
người đã từ biệt cõi đời rằng: “Tôi có bí quyết để cứu sống anh ta, nếu có ai sẵn
lòng chết thay cho anh”.
Anh chàng giả chết ngạc nhiên khi nghe mọi người trong gia đình nêu ra mọi
lý do để biện minh là mình cần phải sống. Càng ngạc nhiên hơn khi anh nghe người
vợ nghĩa thiết của mình tóm lược mọi lý lẽ trên bằng một lời quả quyết: “Tôi
nghĩ không ai cần chết thay cho chồng tôi. Không có anh ta, chúng tôi vẫn có thể
làm lụng để sống”.
Câu chuyện trên có thể xảy ra bất cứ ở đâu và trong bất cứ gia đình nào.
Và theo sự suy luận thông thường, chúng ta phải công nhận rằng: Người vợ và
thân nhân của anh chàng giả chết có lý của họ. Nhưng triết gia Pascal cũng có
lý khi nhận định: “Con tim có những lý lẽ của nó mà lý trí không thể hiểu nổi”.
Ðó là lý lẽ của con tim trong con người của cha Ðamien, tông đồ người hủi
mà cách đây không lâu nhiều người đã long trọng tưởng niệm một trăm ngày qua đời
của Ngài. Cha Ðamien đã dấn thân phục vụ những người bị bệnh phong hủi để rồi kết
thúc cuộc đời bằng chính căn bệnh của những người cha đã săn sóc với sự bình thản
được biểu lộ trong những dòng tâm sự cha viết cho bạn bè vài ngày trước khi
trút hơi thở cuối cùng: “Tôi chết vì bệnh phong cùi, nhưng tôi là một thừa sai
sung sướng nhất trên địa cầu này”.
Ðó cũng là lý lẽ của con tim trong con người của cha Maximilian Kolbe, nạn
nhân của chính sách bạo tàn tiêu hủy người Do Thái của Ðức quốc xã. Cha
Maximilian đã đứng ra chịu chết thay cho một anh bạn tù.
Có thể những người mang lý lẽ này trong con tim hiểu được câu giáo huấn của Ðức Kitô: “Không ai có tình yêu lớn hơn kẻ hy sinh mạng sống vì bạn hữu mình”.
Có thể những người mang lý lẽ này trong con tim hiểu được câu giáo huấn của Ðức Kitô: “Không ai có tình yêu lớn hơn kẻ hy sinh mạng sống vì bạn hữu mình”.
(Lẽ Sống)
Lectio Divina: Gioan 8:12-20
Monday 30 March, 2020
Lectio Divina
Thứ Hai Tuần V Mùa
Chay
1. Lời nguyện
mở đầu
Lạy Chúa, bởi ân sủng
nhiệm màu của Chúa
Chúng con được giàu
thêm với mọi phúc lành,
Xin Chúa cho chúng con
có thể vượt khỏi những cách sống trước đây để đổi mới cuộc sống,
Để chúng con có thể sẵn
sàng cho vinh quang Nước Trời.
Chúng con cầu xin nhờ
Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng con, Con của Chúa,
Đấng hằng sống hằng trị
cùng với Chúa và Chúa Thánh Thần, một Thiên Chúa,
đến muôn thuở muôn đời.
2. Phúc Âm –
Gioan 8:12-20
Khi ấy, Chúa Giêsu nói
với những người Biệt Phái rằng: “Ta là sự sáng thế gian. Ai
theo Ta sẽ không đi trong tối tăm, nhưng sẽ có ánh sáng ban sự sống”.
Những người Biệt Phái
nói: “Ông tự làm chứng cho mình, nên chứng của ông không xác thực”.
Chúa Giêsu trả lời:
“Cho dầu Ta tự làm chứng về Ta, thì chứng của Ta cũng xác thực, vì Ta biết rõ
Ta từ đâu tới và đi về đâu. Còn các ông, các ông không biết Ta từ đâu tới,
cũng chẳng biết Ta đi đâu. Các ông đoán xét theo xác thịt; còn Ta, Ta
không đoán xét ai. Hoặc nếu Ta có đoán xét, thì sự đoán xét của Ta cũng
xác thực, bởi vì không phải chỉ có mình Ta, nhưng còn có Cha Ta là Đấng đã sai
Ta. Vả lại trong luật của các ông có ghi: Chứng của hai người thì
xác thực. Ta tự làm chứng về Ta, và Đấng đã sai Ta, là Chúa Cha, cũng làm
chứng cho Ta nữa”.
Họ nói: “Cha của
ông đâu?”
Chúa Giêsu trả lời:
“Các ông không biết Ta, cũng chẳng biết Cha Ta. Nếu các ông biết Ta thì
cũng sẽ biết Cha Ta”. Chúa Giêsu nói những lời trên gần nơi để kho tiền,
khi Người giảng dạy trong đền thờ. Thế mà không ai bắt Người, vì chưa đến
giờ Người.
3. Suy Niệm
Ai theo Ta sẽ không
đi trong tối tăm
Chúa Giêsu, sự hiện diện
vinh quang, phủ đầy đền thờ của Chúa, tại Giêrusalem, đang cho các khán giả
nghe thấy giáo huấn tuyệt vời và mầu nhiệm của Người về Con Đường phải đi theo,
con đường phải trải qua để đến ơn cứu rỗi. Chúng ta lưu ý rằng bài Tin Mừng
được bắt đầu bằng động từ “theo”, và toàn bộ Chương 8 được đánh dấu bởi động từ
“đi ra”, nói về Chúa Giêsu.
Như thế, chúng ta có
thể hiểu rằng Lời Chúa muốn mời gọi chúng ta lữ hành trên con đường cứu rỗi về phía
Ánh Sáng, đi theo bước chân của Chúa Giêsu, Đấng mà giống như Nơi Trú Ngụ của
Thiên Chúa, ra khỏi đền thờ (Ga 8:59 và E6dz 10:18), đi và sống trong lều cùng
với những người tị nạn của mọi thời đại, sống trong lòng của Chúa Cha.
Đây chính là lối của
con đường ánh sáng mà Chúa Giêsu mời gọi, đi cùng với Người, từ đền thờ đến
cùng Chúa Cha.
Chúng ta hãy nhìn xem,
những gì mà Lời của Tin Mừng chỉ cho chúng ta.
Ông tự làm chứng
cho mình…
Đây là lần đầu tiên
trong một chuỗi bảy lần xuất hiện của chữ “lời chứng” cùng với động từ tương ứng,
“làm chứng”: một chữ chính vững chắc và rất quan trọng mang đến một khía
cạnh quan trọng của luật Do Thái, đó là việc làm chứng là một hình ảnh quan trọng
và không thể thiếu trong lề luật của dân Do Thái. Còn có một điều nữa:
chữ người chứng trong ngôn ngữ Do Thái, ‘ed, được gạch dưới trong đoạn Kinh
Thánh đó, kết tạo nên lời tuyên xưng đức tin thiết yếu và quan trọng nhất như
chúng ta thấy trong lời kinh cầu hằng ngày trong sách Ngũ Thư, trong sách Đệ Nhị
Luật câu 6:4. Nó được gạch dưới bởi vì trong thánh kinh Do Thái câu này
được viết theo một cách riêng; nghĩa là âm tiết cuối cùng của chữ đầu tiên, động
từ shemah, lắng nghe, và âm tiết cuối cùng của chữ cuối cùng, tĩnh
từ echad, một, được viết bằng các chữ lớn hơn các chữ
khác. Hai chữ cuối cùng, ‘ayin và dalet, hợp
với nhau tạo thành chữ “lời chứng”, ‘ed.
Trong đoạn Tinh Mừng
này, chúng ta thấy mình đối mặt với một khởi điểm độc đáo và không thể nhầm lẫn:
cuộc hành trình của chúng ta hướng về Chúa Cha, cùng với Đức Giêsu, chỉ có thể
bắt đầu từ lời chúng của chúng ta, từ lòng tin tưởng yêu thương và vững chắc của
chúng ta vào Thiên Chúa, một Thiên Chúa và là Thiên Chúa duy nhất. Đây là
lời chứng của Chúa Giêsu. Đây là tiếng kêu của Chúa Giêsu, ngay tại đền
thờ Giêrusalem, tiếng kêu sẽ xé tan màn đêm của chúng ta, xé tan sự cứng lòng
tin của chúng ta.
Ta biết rõ Ta từ
đâu tới và đi về đâu…
Chúa Giêsu biết rõ điểm
khởi hành và điểm đến của cuộc hành trình này của chúng ta, xuyên qua màn đêm
hướng về ánh sáng. Trên thực tế, hai điểm trùng khớp, bởi vì cả hai
đều ở trong Chúa Cha, nhưng đối với chúng ta, chúng ta phải tìm kiếm chúng, xác
định chúng, và biến chúng thành của chúng ta.
Nhiều lần trong sách
Tin Mừng Gioan, chúng ta nghe Chúa Giêsu tuyên bố rằng Chúa Cha đã sai Người
(Ga 5:37; 6:44; 7:28; 12:49, cũng như những gì chúng ta tìm thấy trong
Chương 8 này). Chúa Cha là điểm khởi đầu của Ngài, là nơi bí mật của sự
tiến triển hướng về thế gian.
Vấn đề liên quan đến
nguồn gốc của Chúa Kitô rất nổi bật này luôn hiện hữu, luôn gây tranh luận, và
dường như không có câu trả lời: Ông từ đâu mà đến? (Ga 19:9), khi chúng
ta nghe thấy từ môi miệng của tổng trấn Philatô.
Chúa Giêsu mặc khải
cho chúng ta nơi Người đến từ nơi nào, nhưng lòng chúng ta vẫn kiếm tục tìm kiếm,
muốn đi tìm lại sự khởi đầu này, nơi mà chúng ta cũng có thể thực sự được tái
sinh, có sự khởi đầu của riêng chúng ta.
Theo cách tương tự,
Chúa Giêsu mặc khải mầu nhiệm cuộc xuất hành của chính Người. Người nói với
chúng ta về điểm đến của cuộc hành trình của Người trong thế gian này.
Người nói rằng: “Thầy đến cùng Chúa Cha” (Ga 16:10).
Do đó, chúng ta có tất
cả các tọa độ cần thiết cho cuộc hành trình của mình: từ Chúa Cha đến
Chúa Cha, trong cùng một cách mà nó đã dành cho Chúa Giêsu.
Cha của ông đâu?
Lời cầu nguyện này, việc
tìm kiếm của tâm can này, vẫn còn hiện hữu trong chúng ta: nó không bao
giờ dập tắt và không bao giờ muốn bị dập tắt. Đây là lòng khát khao phải
hướng dẫn chúng ta, thúc đẩy chúng ta trên cuộc hành trình, làm cho trái tim của
chúng ta bừng cháy, trong sự hiệp thông với Chúa Giêsu. Người là khuôn mặt
sống động của Chúa Cha.
4. Một vài
câu hỏi gợi ý cho việc suy gẫm cá nhân
– Tôi có ước ao đi theo Chúa Giêsu không?
Và tôi có muốn bắt đầu ngay lúc này không?
– Tôi có đã sẵn sàng từ bỏ chính mình để làm chứng
như Chúa Giêsu không?
5. Lời nguyện
kết
Như nai rừng mong mỏi
tìm về suối nước trong,
Hồn chon cũng trông
mong được gần Ngài, lạy Chúa.
Linh hồn con khao khát
Chúa Trời, là Chúa Trời hằng sống.
Bao giờ con được đến
vào bệ kiến Tôn Nhan?
Châu lệ là cơm bánh
đêm ngày,
Khi thiên hạ thường
ngày cứ hỏi:
“Này Thiên Chúa ngươi
đâu?”
Tôi thả hồn miên man
tưởng nhớ
Thuở tiến về lều thánh
cao sang đến tận nhà Thiên Chúa,
Cùng muôn tiếng reo mừng
tán tạ,
Giữa sóng người trẩy hội
tưng bừng.
(Tv 41)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét