Trang

Thứ Hai, 23 tháng 3, 2020

ĐHY Mauro Piacenza diễn giải sắc lệnh ban ơn toàn xá trong đại dịch


ĐHY Mauro Piacenza diễn giải sắc lệnh ban ơn toàn xá trong đại dịch
Các nhân viên y tế chăm sóc cho một bệnh nhân (AFP)

"Một chiếc áo choàng lớn của lòng thương xót được mở ra bao phủ trên tất cả những ai ước ao lãnh nhận". Đức Hồng y Mauro Piacenza, Chánh Tòa Ân giải Tối cao đã diễn giải như trên trong cuộc phỏng vấn của ông Andrea Tornielli, giám đốc biên tập Vatican News, liên quan đến sắc lệnh về ơn toàn xá trong trường hợp nguy cấp do đại dịch.
Ngọc Yến - Vatican
Ông Andrea Tornielli: Thưa Đức Hồng y, xin Đức Hồng y giải thích nguồn gốc của sắc lệnh về ơn toàn xá trong thời điểm khẩn cấp của đại dịch Covid -19
ĐHY Piacenza: Luật tối thượng của Giáo hội là cứu rỗi các linh hồn. Giáo hội hiện diện trong thế giới để loan báo Tin Mừng và trao ban các bí tích, nghĩa là trao ban cho tất cả các tín hữu sự dư tràn của hồng ân và ân sủng Thiên Chúa.
Hiện nay, chúng ta đang sống trong tình trạng khẩn cấp: có những bệnh viện có nguy cơ không thể tiếp đón người bệnh được nữa, có những bệnh nhân buộc phải sống cách ly và thật đáng tiếc có những người khi giờ chết đến không có được sự an ủi và gần gũi của những người thân yêu, có những người bệnh không gặp được linh mục để nhận lãnh bí tích xức dầu bệnh nhân và bí tích giao hòa. Có rất nhiều người đang sống trong khu vực cách ly, họ phải ở lại trong nhà do các các quy định của chính quyền nhằm tránh lây nhiễm virus.
Ông Andrea Tornielli: Thưa Đức Hồng y, những nhu cầu rất cấp bách nào?
ĐHY Piacenza: Tính bất thường trong lúc này đòi hỏi các biện pháp ngoại thường để giúp đỡ, gần gũi, an ủi, trợ giúp, để không ai bị thiếu sự âu yếm của Thiên Chúa khi phải đối diện với đau khổ, và cái chết sắp xảy ra. Vì lý do này, Tòa Ân giải Tối cao hành động phục vụ Giáo hoàng và với thẩm quyền đã ban hành sắc lệnh về ơn xá.
Ông Andrea Tornielli: Đức Hồng y có thể liệt kê các nét đặc thù của biện pháp này?
ĐHY Piacenza: Trước hết, ơn toàn xá dành cho các tín hữu Công giáo bị nhiễm virus corona đang ở trong bệnh viện, hoặc khu vực cách ly cũng như các nhân viên y tế, người thân trong gia đình và cho tất cả những người chăm sóc họ. Hơn nữa, ơn xá cũng được ban cho tất cả những ai cầu nguyện cho đại dịch chấm dứt, cầu nguyện cho những người đang đau khổ và cho những người mà Chúa đã gọi.
Ông Andrea Tornielli: Những điều kiện nào để lãnh nhận ơn toàn xá?
ĐHY Piacenza: Điều kiện rất đơn giản. Ở nơi đâu có thể, qua các phương tiện truyền thông người bệnh và những người chăm sóc họ được yêu cầu tham gia cách thiêng liêng Thánh lễ hoặc đọc kinh Mân Côi hay ngắm đàng Thánh giá hoặc các việc đạo đức khác. Nếu điều này cũng không thể được, thì đọc một kinh Tin Kính, một kinh Lạy Cha và một lời cầu khẩn lên Đức Trinh Nữ Maria. Các tín hữu Công giáo cầu nguyện cho đại dịch chấm dứt, cho bệnh nhân được chữa lành và cho những người qua đời được an nghỉ ngàn thu, cũng được ban ơn toàn xá.
Đối với những người khác, các tín hữu cầu nguyện cho những người đã qua đời, cầu nguyện cho đại dịch chấm dứt, viếng Thánh Thể hoặc chầu Thánh Thể. Hoặc đọc Kinh thánh ít nhất nửa giờ, hoặc đọc kinh Mân côi hay ngắm đàng Thánh giá. Như một điều hiển nhiên đối với tất cả mọi người, việc đọc kinh và đọc Kinh Thánh có thể được thực hiện mà không cần ra khỏi nhà, và do đó tuân thủ đầy đủ các quy tắc để chống lại sự lây lan của bệnh truyền nhiễm.
Ông Andrea Tornielli: Trường hợp nào được cho là gần kề cái chết?
ĐHY Piacenza: Những người đang cận kề cái chết và không thể lãnh nhận bí tích xức dầu bệnh nhân, không thể xưng tội, hay rước lễ, họ được phó thác cho Lòng thương xót Chúa. Trong trường hợp này, mỗi người được đón nhận ơn toàn xá, với điều kiện là họ đã chuẩn bị một cách thích đáng và trước đây trong cuộc sống thường xuyên cầu nguyện. Có thể thấy, một áo choàng lớn của lòng thương xót bao phủ trên tất cả những ai muốn nhận lãnh lòng thương xót Chúa.
Ông Andrea Tornielli: Sắc lệnh của Tòa Ân giải Tối cao luôn nói về các bệnh nhân bị ảnh hưởng bởi virus corona. Điều này có nghĩa là ơn xá không được ban cho các bệnh nhân khác?
ĐHY Piacenza: Chúng ta phải luôn nhớ những điều tốt đẹp cho các linh hồn: sắc lệnh đưa ra các biện pháp ngoại thường do tình trạng khẩn cấp nói chung mà chúng ta đang trải qua. Nó mở rộng cho mọi bệnh nhân, bởi vì tất cả các bệnh nhân phải nhập viện trong thời gian này trong các bệnh viện bằng cách này hay cách khác họ đang trải qua hậu quả của tình trạng khẩn cấp vì đại dịch.
Ông Andrea Tornielli: Chúng ta nói về bí tích giải tội. Có thể có những hình thức khác ngoài hình thức xưng tội cá nhân với linh mục?
ĐHY Piacenza: Tha tội tập thể và không có xưng tội cá nhân là điều luôn có thể được thực thi trong trường hợp nguy tử sắp xảy ra, hoặc trong trường hợp Giáo luật cho phép, đó là: trong những trường hợp có “nhu cầu nghiêm trọng”. Với thẩm quyền của Tòa Ân giải chúng tôi nói cụ thể ở đây đó là những nơi bị ảnh hưởng lây lan nhiều của đại dịch.
Và do đó, theo nghĩa này, các giám mục giáo phận, vì lợi ích của các linh hồn, có thể đưa ra quyết định, cũng như các linh mục có thể làm điều đó trong trường hợp đột ngột, nhưng cần báo cho giám mục của mình hoặc thông báo cho giám mục càng sớm càng tốt sau khi ban bí tích. Những người nhận ơn xá giải tập thể có thể đến tại cửa các khu của bệnh viện nơi các tín hữu bị nhiễm bệnh đang trong cơn nguy tử, cho họ tham gia càng sớm càng tốt.
Ông Andrea Tornielli: Đức Hồng y có thể nói về việc xưng tội riêng
ĐHY Piacenza: Chúng tôi khuyên, nếu có xưng tội riêng, thì phải luôn được cử hành trong việc tuân thủ đầy đủ các quy tắc nhằm ngăn chặn lây nhiễm: một khoảng cách an toàn và sử dụng khẩu trang. Tất nhiên phải luôn giữ bí mật bí tích.
Nhưng ở đây tôi muốn nhắc lại, như Đức Thánh Cha đã nói trong bài giảng Thánh lễ tại nhà nguyện Thánh Marta vào thứ Sáu ngày 20 tháng 3, tầm quan trọng của việc ăn năn, khi không thể xưng tội. Điều đã được Giáo lý Hội thánh Công giáo dạy: xét mình, đọc kinh Ăn năn tội, thống hối dốc lòng chừa và quyết tâm là sẽ đi xưng tội cáng sớm càng tốt, điều này đẹp lòng Chúa, chúng ta giao hòa với Ngài và nhận được ơn tha thứ tội lỗi.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét