03/04/2020
Thứ sáu tuần 5 Mùa
Chay
BÀI ĐỌC I: Gr 20, 10-13
“Chúa ở cùng tôi như người lính
chiến hùng dũng”.
Trích sách Tiên tri
Giêrêmia.
Tôi đã nghe nhiều người thoá mạ và chế nhạo rằng: “Người này gieo khủng bố
khắp nơi. Chúng ta hãy tố cáo nó, chúng ta hãy tố cáo nó”. Tất cả bạn hữu tôi
rình tôi vấp ngã mà nói rằng: “Ước gì nó bị lừa dối để chúng ta thắng nó và sẽ
trả thù nó”. Nhưng Chúa ở cùng tôi như người lính chiến hùng dũng; vì thế, những
kẻ bắt bớ tôi sẽ ngã quỵ và kiệt sức. Chúng sẽ thất bại bẽ bàng, chuốc lấy sự hổ
nhục muôn đời, không bao giờ quên được.
Còn Chúa, lạy Chúa các đạo binh, Đấng xét xử người công chính, thấu suốt
tâm can, lạy Chúa, ước gì con sẽ được thấy Chúa trả thù chúng cho con, vì con
đã tỏ bày công việc con cho Chúa.
Hãy hát mừng Chúa, hãy ca tụng Chúa, vì Người đã cứu thoát mạng sống người
bất hạnh khỏi tay kẻ dữ. Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 17, 2-3a.
3bc-4. 5-6. 7
Đáp: Trong cơn đại
hoạ, tôi đã cầu khẩn Chúa, tôi đã kêu xin Thiên Chúa của tôi (x.c. 7).
Xướng: 1) Lạy Chúa là dũng lực con, con yêu mến Chúa, lạy Chúa là Tảng
Đá, chiến luỹ, cứu tinh. – Đáp.
2) Lạy Chúa là Thiên Chúa, là sơn động chỗ con nương mình, là khiên thuẫn,
là uy quyền cứu độ, là sức hộ phù con. Con xướng ca khen ngợi cầu cứu Chúa, và
con sẽ được cứu thoát khỏi tay quân thù. – Đáp.
3) Sóng tử thần đã bao bọc thân con, và thác nước ôn dịch làm con kinh
hãi. Thừng chão địa ngục đã quấn lấy con, lưới tử thần đã chụp bắt con rồi. –
Đáp.
4) Trong cơn đại hoạ, tôi đã cầu khẩn Chúa, tôi đã kêu xin Thiên Chúa của
tôi; từ nơi thánh đài, Ngài nghe rõ tiếng, và tiếng tôi kêu thấu đến tai Ngài.
– Đáp.
CÂU XƯỚNG TRƯỚC PHÚC
ÂM: Ed 33, 11
Chúa phán: “Ta
không muốn kẻ gian ác phải chết, nhưng muốn nó ăn năn sám hối và được sống”.
PHÚC ÂM: Ga 10, 31-42
“Họ tìm bắt Người, nhưng Người
thoát khỏi tay họ”.
Tin Mừng Chúa Giêsu
Kitô theo Thánh Gioan.
Khi ấy, người Do-thái lượm đá để ném Chúa Giêsu. Người lên tiếng hỏi rằng:
“Ta đã cho các ngươi thấy nhiều việc tốt lành bởi Cha Ta. Vậy vì việc nào mà
các ngươi muốn ném đá Ta?”
Người Do-thái trả lời: “Chúng tôi muốn ném đá ông không phải vì việc
lành, nhưng vì một lời lộng ngôn, bởi vì ông chỉ là người mà lại tự cho mình là
Thiên Chúa”.
Chúa Giêsu đáp lại: “Nào trong sách luật của các ngươi không có chép câu
này: ‘Ta đã nói: các ngươi là thần’? Vậy nếu sách luật gọi những kẻ được nghe lời
Chúa là thần, mà Kinh Thánh không thể huỷ diệt được, thì tại sao các ngươi nói
với Đấng đã được Chúa Cha thánh hoá và sai đến trong trần gian rằng ‘Ông nói lộng
ngôn’, vì Ta đã nói Ta là Con Thiên Chúa? Nếu Ta không làm những việc của Cha
Ta, thì các ngươi đừng tin Ta. Nhưng nếu Ta làm những việc đó, thì dầu các
ngươi không muốn tin Ta, cũng hãy tin vào các việc đó, để các ngươi biết và tin
rằng: Cha ở trong Ta, và Ta ở trong Cha”.
Bởi đó họ tìm cách bắt Người, nhưng Người thoát khỏi tay họ. Người lại
qua bên kia sông Giođan, nơi trước kia Gioan đã làm phép rửa. Và Người ở lại
đó. Có nhiều kẻ đến cùng Người. Họ nói: “Gioan đã không làm một phép lạ nào.
Nhưng mọi điều Gioan nói về người này đều đúng cả”. Và có nhiều kẻ tin Người.
Đó là lời Chúa.
SUY NIỆM : Ðường chân lý
Ðây là lần thứ hai những người Do Thái muốn ném đá Chúa Giêsu vì Người
xưng mình là Con Thiên Chúa. Sự xung khắc giữa hai bên, một bên vì sự thật, bên
kia vì mê muội, càng ngày càng gia tăng. Chúa Giêsu cương quyết thi hành sứ mạng
Chúa Cha trao phó cho Người bất chấp mọi nguy hiểm, kể cả nguy cơ bị giết chết.
Người Do Thái cũng nhất quyết loại trừ Chúa Giêsu vì họ cho Người phạm thượng.
Cuộc đối kháng sẽ đi đến cao trào vào ngày lễ Lá khi Chúa Giêsu công khai vào
thành Giêrusalem với tư cách là Ðấng Mêsia. Về phía các đối thủ của Chúa Giêsu,
họ cũng lập một kế hoạch để trừ khử Người.
Trong bài Tin Mừng hôm nay, người Do Thái khăng khăng buộc tội Chúa
Giêsu, họ cho rằng Người đã nói phạm thượng khi xưng mình là Con Thiên Chúa. Họ
không thèm đếm xỉa đến những việc tốt lành Chúa Giêsu đã thực hiện, cũng không
thèm nghe những lời người khác làm chứng về Chúa Giêsu để xét xem Người có phải
là Ðấng Mêsia hay không? Càng đối chất với Chúa Giêsu, họ càng trở nên ương ngạnh,
ngoan cố. Vì tự ái và để bảo vệ tư lợi, họ không còn quan tâm đến tính cách
khách quan của sự kiện, đầu óc họ bây giờ chỉ còn một ý nghĩ duy nhất chiếm ngự
đó là phải khử trừ Chúa Giêsu bằng bất cứ giá nào. Sự giận dữ nung đốt lòng họ,
biến họ thành những kẻ gian ác, như hình ảnh những tá điền hung dữ mà Chúa
Giêsu đã mô tả trong các dụ ngôn Người giảng dạy trước đây.
Người xưa có nói: "Giận mất khôn", người Do Thái vì giận Chúa
nên không còn kể gì sự khôn ngoan hay rồ dại nữa. Ðã biết bao lần Chúa Giêsu nhắc
đến Chúa Cha. Người cố tình nhắc đi nhắc lại nhiều lần để mong họ thức tỉnh mà
suy xét lại. Biết họ giận dữ, Người vẫn tiếp tục nói, không phải Chúa muốn chọc
giận họ mà là muốn họ ăn năn sám hối và được cứu rỗi. Sứ mạng Chúa Cha đã trao
phó cho Người, Người phải thi hành đến cùng. Chúa Giêsu càng thiết tha giảng dạy
cho họ, họ càng tức điên lên, Chúa Giêsu càng nói họ càng tức giận và cuối
cùng, không dằn được cơn giận họ đành tóm lấy Chúa Giêsu để trừng trị cho hả dạ.
May thay, Chúa Giêsu đã lánh ra khỏi chỗ họ mà đi sang bên kia sông Giordan.
Khung cảnh bên kia sông Giordan lắng dịu và khách quan hơn, ở đó có nhiều
người đến với Chúa Giêsu, những người này là những người thành tâm thiện chí, họ
muốn tìm ra sự thật về vị Thầy Giêsu mà dân chúng xôn xao bàn tán bấy lâu. Dư
luận nói tốt về Người cũng có, mà dư luận nói xấu về Người cũng chẳng thiếu, họ
bình tâm đứng giữa hai luồng dư luận và để tìm hiểu những lời ông Gioan đã nói
về Chúa Giêsu, họ tin vào sự chân thật của ông Gioan, bởi ông được mọi người
công nhận là một ngôn sứ đích thực. Ông đã nói nhiều điều về Chúa Giêsu, và những
điều đó đã xảy ra đúng như lời ông nói. Lời chứng của một người chân thật thì
phải là một sự thật, thế thì chắc chắn Chúa Giêsu phải là Ðấng Mêsia mà Kinh
Thánh đã từng tiên báo. Dù có nhiều điều họ chưa hiểu tường tận, nhưng dựa vào
lời chứng của Gioan, họ đã tin vào lời Chúa Giêsu và họ đã tìm đến với Người. Tấm
lòng rộng mở của họ đã dẫn họ đến với sự thật.
Hai cách hành xử của hai nhóm người trong đoạn Phúc Âm chúng ta vừa đọc lại
trên đây là những gợi ý quý báu cho chúng ta khi phải nhận định đánh giá các
nguồn dư luận quanh ta hàng ngày về Chúa Giêsu. Là những người yêu chuộng sự thật,
chắc chắn chúng ta biết mình sẽ chọn con đường nào để đạt tới chân lý, để đến với
Chúa Giêsu.
Lạy Chúa Thánh Thần là nguồn chân lý và là nguồn sự khôn ngoan. Xin ban
cho con một trí óc luôn bình tâm sáng suốt, một con tim luôn khách quan vô tư,
để con có thể nhận xét mọi người mọi việc quanh con và tìm ra sự thật mà đến với
Chúa. Xin cho con cũng biết tích cực làm chứng cho sự thật mà mình đã xác tín.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Sáu Tuần V MC
Bài đọc: Jer 20:10-13; Jn 10:31-42.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ:
Ngôn sứ của Thiên Chúa bị truy tố và bị ném đá.
Quyền hành đến từ Thiên Chúa. Khi con người nắm quyền hành, họ phải biết
dùng quyền được trao để phân xử công minh: trừng trị kẻ gian ác và bảo vệ quyền
lợi cho kẻ vô tội. Thế nhưng nhiều người khi có quyền, đã không làm như thế. Họ
nghĩ họ có thể bắt mọi người làm theo lệnh truyền của họ, bất chấp sự thật và
công bình.
Các Bài Đọc hôm nay tập trung trong việc lạm dụng uy quyền để đấu tố người
công chính. Trong Bài Đọc I, tư tế Pathhur lạm dụng uy quyền của mình để bắt bớ,
đánh đập, và bỏ tù tiên-tri Jeremiah, vì ông đã tuyên sấm tội lỗi và hình phạt
của dân thành Jerusalem. Trong Phúc Âm, những người Do-thái lượm đá ném Chúa
Giêsu vì cho Ngài phạm thượng, là người mà dám cho mình ngang hàng với Thiên
Chúa. Chúa Giêsu dùng Kinh Thánh để cắt nghĩa và dùng các việc làm để chứng
minh Ngài được Thiên Chúa thánh hiến và sai đến thế gian; nhưng họ vẫn ngoan cố
không tin vào Ngài.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Ngôn sứ Jeremiah bị truy tố.
1.1/ Jeremiah bị tư tế Pathhur chống đối: Là ngôn sứ của Đức Chúa,
tiên-tri Jeremiah phải tuyên sấm những gì Thiên Chúa muốn nói cho vua Judah,
các tư tế, và dân thành Jerusalem. Tư tế Pathhur, con ông Immer, tổng quản đốc
Nhà Đức Chúa, chẳng những đã không nghe lời Jeremiah tuyên sấm, lại còn cho
đánh đòn ngôn sứ Jeremiah và cho cùm ông tại cửa Bengiamin, tức là Cửa Trên
trong Nhà Đức Chúa. Lão “Tứ phía kinh hoàng” là tên của Jeremiah đặt cho tư tế
Pashhur, sau khi ông này bắt bớ, đánh đập, và giam cầm tiên tri (Jer 20:3).
Jeremiah nói tiên tri về vận mạng của Pathhur và của tòan dân: “Quả thật,
Đức Chúa phán như sau: Này Ta sẽ biến ngươi thành nỗi kinh hoàng cho chính
ngươi và tất cả bạn bè của ngươi. Chúng sẽ ngã gục dưới lưỡi gươm quân thù,
chính mắt ngươi sẽ chứng kiến điều đó. Ta sẽ trao nộp toàn thể Judah vào tay
vua Babylon; nó sẽ bắt chúng đi lưu đày ở Babylon; sẽ dùng gươm tàn sát chúng.
Tất cả của cải thành này cùng với mọi công lao vất vả và mọi đồ quý giá, cũng
như tất cả kho tàng của các vua Judah, Ta sẽ nộp vào tay quân thù chúng; bọn
này sẽ cướp phá, tịch thu đem về Babylon. Còn ông, hỡi Pathhur, chính ông và tất
cả những người ở trong nhà ông sẽ phải đi lưu đày. Ông sẽ đi Babylon, sẽ chết tại
đó và sẽ phải chôn tại đó; ông cũng như tất cả bạn bè, tức là những người đã
nghe ông tuyên sấm láo!”
1.2/ Ngôn sứ Jeremiah tìm sức mạnh nơi Thiên Chúa: Một mình phải đương đầu
với bao nhiêu chống đối từ gia đình, bạn bè, các tư tế, và triều đình nhà vua,
tiên-ri Jeremiah biết mình sẽ không thể địch nổi với bè lũ hung tàn, nếu không
có sức mạnh của Thiên Chúa. Tiên tri tin tưởng và cầu nguyện: “Nhưng Đức Chúa hằng
ở bên con như một trang chiến sĩ oai hùng. Vì thế những kẻ từng hại con sẽ thất
điên bát đảo, chúng sẽ không thắng nổi con. Chúng sẽ phải thất bại, và nhục nhã
ê chề: đó là một nỗi nhục muôn đời không thể quên.”
Tiên-tri biết Thiên Chúa có uy quyền để trừng phạt và sức mạnh để giải
thóat người công chính: “Lạy Đức Chúa các đạo binh, Đấng dò xét người công
chính, Đấng thấu suốt tâm can, con sẽ thấy Ngài trị tội chúng đích đáng, vì con
đã giãi bày cơ sự cùng Ngài. Hãy ca tụng Đức Chúa, hãy ngợi khen Đức Chúa, vì
Người đã giải thoát kẻ cơ bần khỏi tay phường hung bạo.”
2/ Phúc Âm: Chúa Giêsu bị người Do-thái
ném đá.
2.1/ Lý do Chúa Giêsu bị ném đá: Chúa Giêsu chất vấn người Do-thái tại
sao ném đá Ngài, người Do-thái cho Chúa Giêsu biết lý do: “Chúng tôi ném đá
ông, không phải vì một việc tốt đẹp, nhưng vì một lời nói phạm thượng: ông là
người phàm mà lại tự cho mình là Thiên Chúa.” Lời mà họ vịn vào để ném đá Chúa
Giêsu là “Tôi và Chúa Cha là một” (Jn 10:30). Chúa Giêsu biết rất khó để cắt
nghĩa cho họ hiểu câu này, nên Ngài dùng cách cắt nghĩa bằng việc làm. Chúa
Giêsu dùng lời Thánh Vịnh 82:6: “Ta đã phán: Hết thảy các ngươi đây đều là bậc
thần thánh (elohim), là con Đấng Tối Cao (benê Elyôn).” Trong Cựu
Ước, Thiên Chúa thường chọn các Quan Án và gởi họ đến cho dân để họ xét xử dân
theo lẽ công bình. Các Quan Án này thường được coi như các vị thần của dân
chúng. Ý tưởng này rõ ràng hơn trong Sách Xuất Hành khi Đức Chúa phán với ông
Moses: “Coi này, Ta làm cho ngươi nên một vị thần (elohim) đối với
Pharao, còn Aaron, anh ngươi, sẽ là ngôn sứ của ngươi” (Exo 7:1). Chúa Giêsu kết
luận: “Nếu Lề Luật gọi những kẻ được Thiên Chúa ngỏ lời là những bậc thần thánh,
mà lời Kinh Thánh không thể bị huỷ bỏ, thì tôi là người Chúa Cha đã thánh hiến
và sai đến thế gian, làm sao các ông lại bảo tôi: “Ông nói phạm thượng! vì tôi
đã nói: “Tôi là Con Thiên Chúa?””
2.2/ Chúa Giêsu chứng minh bằng việc làm: Chúa Giêsu không chỉ chứng minh
cho họ bằng lời Kinh Thánh, mà còn bằng các việc Người đã làm: nuôi dân chúng
ăn, chữa lành mọi bệnh tật, trục xuất quỷ, cho người chết sống lại … Những việc
này chứng minh Ngài có uy quyền của Thiên Chúa. Chúa Giêsu hỏi họ: “Nếu tôi
không làm các việc của Cha tôi, thì các ông đừng tin tôi. Còn nếu tôi làm các
việc đó, thì dù các ông không tin tôi, ít ra cũng hãy tin các việc đó. Như vậy,
các ông sẽ biết và ngày càng biết thêm rằng: Chúa Cha ở trong tôi và tôi ở
trong Chúa Cha.” Không thể tranh luận với Ngài lời, cũng không thể bắt lỗi Ngài
bằng việc làm; lẽ ra họ phải phục thiện và tin vào Ngài, nhưng họ lại chọn dùng
vũ lực để uy hiếp Người vô tội như trình thuật kể: “Bấy giờ họ lại tìm cách bắt
Người, nhưng Người đã thoát khỏi tay họ.”
Chúa Giêsu trở về chỗ Ngài đã chịu Phép Rửa bởi Gioan và Ngài ở lại đó: Tại
sao Chúa Giêsu tìm đến nơi này? Ngài biết giờ của Ngài trên dương gian sắp hết
và Ngài muốn tìm lại nguồn sức mạnh nơi Ngài bắt đầu sứ vụ rao giảng để có đủ sức
đương đầu với những người chống đối. Đây là chỗ mà Thiên Chúa Cha đã làm chứng
cho Ngài bằng tiếng vọng từ Trời: “Đây là Con Ta yêu dấu, các ngươi hãy nghe lời
Người.” Nhiều người đến gặp Đức Giêsu. Họ bảo nhau: “Ông Gioan đã không làm một
dấu lạ nào cả, nhưng mọi điều ông ấy nói về người này đều đúng.” Họ nhận ra sự
khác biệt giữa Chúa Giêsu và Gioan: Ông Gioan là ngôn sứ nói cho họ biết về
Chúa Giêsu, nhưng không làm một phép lạ nào cả. Chúa Giêsu chứng minh những gì
Gioan nói về Ngài là sự thật bằng các việc Ngài làm. Tổng hợp cả hai lời chứng
và việc làm, “Ở đó, nhiều người đã tin vào Đức Giêsu.”
ÁP DỤNG TRONG CUỘC
SỐNG:
– Chúng ta phải sáng suốt để nhận ra sự thật, cho dù sự thật có phũ phàng
và thiệt hại đến đâu đi nữa; vì chỉ có sự thật mới thực sự giải thóat con người.
– Làm ngôn sứ cho Thiên Chúa là phải đương đầu với quyền lực của thế gian
và ma quỉ; chúng ta không được khiếp sợ những quyền lực này đến độ không dám
nói và làm chứng cho sự thật.
– Chúng ta phải tôn trọng những người dám nói và làm chứng cho sự thật. Đừng
bao giờ lạm dụng uy quyền để bịt miệng, đàn áp, bỏ tù, và thủ tiêu họ. Thiên
Chúa là Đấng Chí Công, Ngài sẽ bảo vệ, giải thóat, và trả thù cho những người
công chính.
Linh mục Anthony
Đinh Minh Tiên, OP
03/04/20 – THỨ SÁU ĐẦU THÁNG TUẦN 5 MC
Ga 10,31-42
KHÔNG CHẤP NHẬN!
“Tôi đã cho các ông
thấy nhiều việc tốt đẹp Chúa Cha đã giao cho tôi làm; vì việc nào mà các ông
ném đá tôi?” (Ga 10,32)
Suy niệm: Những người Do Thái khăng
khăng không chấp nhận lời mạc khải của Chúa Giê-su rằng Ngài là Con Thiên Chúa;
họ cho rằng Ngài phạm thượng vì họ coi Ngài chỉ là người phàm. Họ mong đợi một
Đấng Ki-tô theo nhãn quan của họ mà họ cho là đúng rồi, bất chấp những lời Kinh
Thánh làm chứng (Ga 5,39), kể cả những việc Chúa đã làm nhân danh Chúa Cha làm
chứng cho Chúa (Ga 10,25). Bởi đó, dù họ có nghe, có chứng kiến bao việc tốt
lành Đức Giê-su làm, họ cũng không tin, không chấp nhận. Thật khác với trường hợp
người mù từ mới sinh được Chúa chữa lành, anh ta lập luận: “Xưa nay chưa hề
nghe nói có ai đã mở mắt cho người mù từ lúc mới sinh. Nếu không phải là người
bởi Thiên Chúa mà đến, thì ông ta đã chẳng làm được gì” (Ga 11,32-33).
Mời Bạn: Thánh sử Gio-an đã ghi lại
một lời nghe mà đau xót: “Người đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận”
(Ga 1,11). Ngày nay, lắm khi chúng ta cũng đã không đón nhận Đức Giê-su vì đã
coi những thứ khác như thần của mình rồi! Đó có thể là của cải vật chất, tiếng
khen, địa vị xã hội… Mùa Chay mời gọi chúng ta từ bỏ “con bò vàng” mà bấy lâu
mình vẫn đeo đuổi để trở về với Chúa bằng việc sám hối.
Sống Lời Chúa: Dành ít phút hồi tâm và
xin ơn nhận ra lời mời gọi hoán cải qua dấu chỉ của cơn đại dịch Covid-19.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, đã từ
lâu Chúa mặc khải mình là ai, thế nhưng vẫn còn rất nhiều người không nhận ra
Chúa. Xin cho chúng con trở thành chứng nhân qua việc biết đặt Chúa lên trên mọi
sự.
(5 Phút Lời Chúa)
SUY NIỆM : Tôi là
Con Thiên Chúa
Suy niệm :
Bài Tin Mừng hôm nay cũng giống bài hôm qua,
Đức Giêsu lại bị ném đá vì bị kết tội phạm thượng.
Có lần Ngài đã bị kết tội là tự coi mình ngang hàng với Thiên Chúa
chỉ vì đã nói: “Cha tôi vẫn làm việc, thì tôi cũng làm việc” (Ga 5, 18).
Bây giờ Ngài bị kết tội phạm thượng vì dám tự cho mình là Thiên Chúa (c.
33).
Thực ra Đức Giêsu không bao giờ nhận mình như vậy,
vì Thiên Chúa là Cha của Ngài, Ngài chỉ nhận mình là Con (c. 36).
Nhận mình là Con Thiên Chúa không phải là một lời phạm thượng.
Nhưng Đức Giêsu là Con Thiên Chúa theo một nghĩa độc nhất vô nhị.
Ngài là Con Một hằng ở nơi cung lòng Cha (Ga 1, 18),
đầy tràn ân sủng và sự thật (Ga 1, 14).
Người Con Một ấy đã trở thành người phàm mang tên Giêsu (c. 33),
trở thành quà tặng cứu độ của Thiên Chúa cho nhân loại.
Đức Giêsu gắn bó với Chúa Cha đến nỗi Ngài có thể nói :
“Chúa Cha ở trong tôi và tôi ở trong Chúa Cha” (c. 38).
Hơn nữa, Ngài còn dám nói: “Tôi và Chúa Cha là một” (c. 30).
Con và Cha hiệp nhất làm một với nhau,
Người được sai kết hiệp làm một với Đấng sai mình.
Con không tự mình làm điều gì, không làm theo cách của mình,
Con luôn sống như người được Cha sai.
Đây không phải chỉ là sự hiệp nhất trong công việc,
mà còn là sự hiệp nhất sâu thẳm giữa hai ngôi vị thần linh.
Đức Giêsu đã làm nhiều việc tốt đẹp (c. 32).
Các việc này không phải là việc của Ngài, mà là việc của Cha Ngài (c.
37).
Suốt đời Đức Giêsu chỉ tận tụy với việc của Cha.
Trên thập giá, trước khi lìa đời, Ngài nói: “Thế là đã hoàn tất” (Ga
19,30).
Ngài đã vuông tròn mọi việc Cha giao.
Những việc tốt đẹp này là một lời chứng hùng hồn cho con người của Ngài:
“Nếu tôi làm các việc đó, thì dù các ông không tin tôi,
ít ra cũng hãy tin các việc đó” (c. 38).
Tin vào việc làm dẫn đến tin vào con người.
“Tôi là người Chúa Cha đã thánh hiến và sai đến thế gian” (c. 36).
Thiên Chúa Cha đã thánh hiến Chúa Con để Ngài thi hành sứ mạng.
Chúng ta cũng là những người được thánh hiến qua bí tích Thánh Tẩy,
được sai vào thế giới này để chia sẻ sứ mạng còn dang dở của Chúa Giêsu.
Chúng ta còn nhiều điều tốt đẹp phải làm cho cuộc đời này
trước khi có thể nói như Chúa: “Thế là đã hoàn tất”.
Cầu nguyện :
Lạy Chúa Giêsu,
xin cho con dám hành động
theo những đòi hỏi khắt khe nhất của Chúa.
Xin dạy con biết theo Chúa vô điều kiện,
vì xác tín rằng
Chúa ngàn lần khôn ngoan hơn con,
Chúa ngàn lần quảng đại hơn con,
và Chúa yêu con hơn cả chính con yêu con.
Lạy Chúa Giêsu trên thập giá,
xin cho con dám liều theo Chúa
mà không tính toán thiệt hơn,
anh hùng vượt trên mọi nỗi sợ,
can đảm lướt thắng sự yếu đuối của quả tim,
và ném mình trọn vẹn cho sự quan phòng của Chúa.
Ước gì khi dâng lên Chúa
những hy sinh làm cho tim con rướm máu,
con cảm nghiệm được niềm vui bất diệt
của người một lòng theo Chúa. Amen.
Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
3 THÁNG TƯ
Qua Cái Chết – Đến
Với Sự Sống
Giáo Hội, được qui tụ lại bởi ngôi mộ Đức Giêsu, nhìn tội lỗi dưới một
ánh sáng mới khi Giáo Hội dám ca lên rằng : “Ôi tội hồng phúc! Tội đã đem lại
cho chúng ta Đấng Cứu Chuộc quá đỗi cao cả!” Chúng ta có thể thực sự nói về những
gì diễn ra đêm nay rằng “Đây là điều Chúa đã làm ra; thật kỳ diệu trước mắt
chúng ta” (Tv 118,23).
Chúng ta được Giáo Hội đặc biệt mời gọi đón nhận mạc khải này về quyền
năng Thiên Chúa, về quyền năng sáng tạo và cứu độ của Thiên Chúa. Mầu nhiệm Vượt
Qua của Chúa Giê-su Kitô luôn luôn hiện diện trong bí tích của Giáo Hội. Quyền
năng của cái chết và cuộc Phục Sinh của Người vẫn không ngừng tác động trong
linh hồn người ta.
Nhờ tác động của chính quyền năng Thiên Chúa – quyền năng sáng tạo và cứu
độ – Giáo Hội được sinh lại nơi cuộc Phục Sinh của Đức Chúa chịu đóng đanh của
mình: “Tảng đá mà những người thợ xây loại bỏ đã trở nên tảng đá góc tường”
(c.22).
Tất cả chúng ta đã được sinh ra từ tảng đá ấy: Tất cả chúng ta đều là những
viên đá sống trong tư cách là thành viên của Giáo Hội. Tất cả chúng ta đều được
sống nhờ hơi thở trao ban sự sống của Đức Kitô Phục Sinh. “Chúng ta phải coi
như mình đã chết đi đối với tội lỗi, nhưng nay lại sống cho Thiên Chúa, trong Đức
Giê-su Kitô” (Rm 6,11).
– suy tư 366 ngày của
Đức Gioan Phaolô II –
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations
by Pope John Paul II
Lời Chúa Trong Gia Đình
Ngày 03/4
Gr 20,10-13; Ga 10,
31-42.
Lời Suy Niệm: “Tôi đã cho các ông thấy nhiều việc tốt đep Chúa Cha đã giao cho tôi
làm,; vì việc nào mà các ông ném đá tôi.”
Các dấu lạ do Chúa Giêsu thực hiện
minh chứng Chúa Cha đã sai Người đến. Những dấu lạ đó, mời gọi chúng ta hãy tin
vào Người. Những ai đến với Người bằng đức tin, đức tin cho họ điều họ thỉnh cầu.
Lúc đó, các phép lạ củng cố lòng tin vào Người. Đấng thực hiện các công việc của
Cha Người, chúng chứng tỏ Người là Con Thiên Chúa; Nhưng chúng cũng có thể là cớ
vấp ngã. Quả vậy, chúng không nhằm thỏa mãn tính tò mò, và lòng ưu chuộng ma
thuật. Bất chấp những phép lạ hết sức tỏ tường của Người; Chúa Giêsu vẫn bị một
số người loại bỏ, thậm chí Người còn bị tố cáo hành động nhờ ma quỷ. (GL 548)
Lạy Chúa Giêsu. Chúa đã đến và đã thực
hiện những gì Tiên tri Isaia đã loan báo; nhýng những nhà lãnh đạo trong dân đã
không tin nhận Chúa là Đấng Chúa Cha sai đến vì sự cứng lòng và kiêu ngạo của họ.
Xin cho chúng con ngày hôm nay vững tin vào Chúa là Đấng cứu độ chúng con, đem
lại sự sống đời đời cho chúng con.
Mạnh Phương
Gương Thánh Nhân
Ngày 03-04: Thánh
CASIMIRÔ
(1458 – 1483)
(1458 – 1483)
Thánh Casimirô sinh tại Krakow ngày 5 tháng 12 năm 1458. Ngài là con út
trong số 13 anh em của vua Balan và hoàng hậu Elisabeth nước Áo, con người nổi
tiếng nhân đức. Gioan Dugloss thời danh, tổng giám mục Lemberg. Sau này, là thầy
dạy của Ngài.
Casimirô nhiệt thành học hỏi và chỉ nghĩ tới việc làm đẹp ý Chúa. Tâm hồn
trong trắng của Ngài ảnh hường tới mọi người chung quanh. Các gia nhân Ngài
quen với với phong thái tốt đẹp này đến nỗi tại các triều đình ngoại quốc, người
ta nhận ra họ bằng sự cao thượng hơn là bằng sắc phục họ mặc.
Casimirô cảm thấy nỗi đau khổ của người nghèo như là của mình và giúp đỡ
họ tận tình đến nỗi dân nghèo coi Ngài như một người cha. Người ta trách Ngài
đã quá hạ mình đau khổ săn sóc cho những người cùng khổ, Ngài đã đáp rằng : –
Có vinh dự nào lớn lao hơn là được phục vụ Chúa Kitô trong các chi thể người ?
Vị hoàng tử trẻ tự khắc phục bằng việc sám hối liên tục. Dưới sắc phục
sang trọng, Ngài mặc áo nhặm và ngủ trên đất, dưới chân giường. Ngài chỉ muốn
ăn bánh và sống trong nghèo khó giữa những vinh dự đến nỗi người ta có thể nói
về Ngài như nói về Đức Giám mục Milanô. Thánh Carolô Borrômêô rằng, Ngài chỉ là
con chó tội nghiệp trong nhà chủ mình.
Thời gian tại nhà thờ là phút giây êm ái quí báu nhất của Ngài, Ngài tới
nhà thờ mỗi tối khi cửa còn đóng, và gục mặt xuống đất cầu nguyện. Trong thánh
lễ, người ta thấy Ngài xuất thần như lúc truyền phép, dường như Ngài thấy Chúa
Kitô trong tay linh mục, Ngài đặc biệt tôn sùng Đức Trinh Nữ mà Ngài gọi là “Mẹ
nhân ái” và hàng ngày đọc thánh thi Ommi die để kính Mẹ. Hai mươi năm sau khi
qua đời, người ta còn tìm thấy bản chép thánh thi trong mộ Ngài. Ngài có óc
phán đoán thật thông minh đến nỗi cha Ngài thường hỏi ý kiến Ngài:
Lúc Casimiro được 13 tuổi, dân Hungarie bất mãn với vua Mathias đã gửi đại
diện tới Balan để dâng ngai báu cho Ngài. Vị hoàng tử trẻ không ao ước gì điều
này, nhưng vì kính trọng cha, nên đã hướng dẫn binh đội đi nâng đỡ ước nguyện
này. Khi tới biên thùy Hungaria, Ngài biết rằng Mathias đã tới chiếm được lòng
dân và sẵn sàng chiến đấu cho chính nghĩa. Đức Giáo hoàng cũng ủng hộ vị vua bị
truất ngôi. Casimiro vui mừng vì bản tin này và gửi đại diện về cho cha xin bãi
bỏ sự việc.
(daminhvn.net)
03 Tháng Tư
Giỗ Tổ Hùng Vương
Ngày mùng 10 tháng 3 Âm Lịch là ngày giỗ tổ Hùng Vương…
Theo tục truyền, vua Ðế Minh là cháu ba đời vua Thần Nông, đi tuần thú
phương Nam, đến núi Ngũ Linh (nay thuộc tỉnh Hà Nam) gặp một nàng tiên, lấy
nhau đẻ ra một người con gọi là Lộc Tục. Sau, Ðế Minh truyền ngôi cho con trưởng
làm vua phương Nam xưng là Kinh Dương Vương, quốc hiệu là Xích Quỷ.
Ranh giới nước Xích Quỷ lúc bấy giờ phía Bắc giáp Ðộng Ðình Hồ (tức Hồ
Nam), phía Nam giáp Hồ Tôn (Chiêm Thành), phía Tây giáp Ba Thục, phía Ðông giáp
bể Nam Hải.
Kinh Dương Vương làm vua nước Xích Quỷ vào khoảng năm Nhâm Tuất (Tức là
năm 2879 trước Tây Lịch) và lấy con gái Ðộng Ðình Quân là Long Nữ đẻ ra Sùng
Lãm, nối ngôi làm vua, gọi là Lạc Long Quân.
Lạc Long Quân lấy con gái vua Ðế Lai tên là Âu Cơ đẻ ra một lần 100 con trai. Sau này, Lạc Long Quân chia cho nàng 50 con để dắt lên núi, còn 50 con, ông đưa về hướng biển Nam Hải.
Lạc Long Quân lấy con gái vua Ðế Lai tên là Âu Cơ đẻ ra một lần 100 con trai. Sau này, Lạc Long Quân chia cho nàng 50 con để dắt lên núi, còn 50 con, ông đưa về hướng biển Nam Hải.
Lạc Long Quân phong cho người con trai trưởng sang làm vua nước Văn Lang,
xưng là Hùng Vương, sáng lập ra nước Việt Nam sau này…
“Vật đổi sao rời, phúc tổ vẫn lưu nền cổ tích
Nước nguồn cây cối, đạo người nên nhớ đạo Hùng Vương”.
Hai câu thơ khuyết danh này như muốn nhắc nhở chúng ta về công đức của tổ
tiên. Ngày 10 tháng 3 Âm Lịch, chúng ta không biết là ngày húy nhật của vua
Hùng Vương nào, chỉ biết rằng người xưa đã biết chọn một ngày để con cháu về
sau muôn đời có dịp tụ họp nhau lại mà nhớ đến tổ tiên, nhớ đến công đức của
người đã sáng lập ra dòng họ, nhất là sáng lập ra quốc gia.
Cách đây vài năm, tổng thống Rigan của Hoa Kỳ đã về thăm Ái Nhĩ Lan. Ông
muốn nói lên mối dây liên kết giữa ông, những người da trắng đang sinh sống tại
Bắc Mỹ và tổ tiên của họ… Là người, ai cũng thấy cần có một tổ quốc, một quê
hương trong đó cả một dòng giống được phát sinh và liên kết với nhau.
Cũng như tất cả những người tha hương, những người Việt Nam đang sống ở hải
ngoại lúc nào cũng hướng về quê hương của họ. Quê hương là một cái gì vô cùng
cao quý và thiêng liêng mà chỉ khi nào mất đi người ta mới cảm thấy luyến nhớ.
Nhưng nói đến quê hương không có nghĩa là gợi lại một mảnh đất, một phong cảnh,
một dòng sông… Nói đến quê hương là nói đến những người cùng bởi một ông tổ mà
ra, những người cùng nói chung một thứ tiếng, những người có cùng một màu da,
hay nói như người Việt Nam chúng ta, những người đồng bào, nghĩa là những người
cùng chung một cái bọc mà sinh ra… Ðó là ý nghĩa của huyền thoại 100 cái trứng,
trong câu chuyện lập quốc của chúng ta.
Nhưng những người công giáo không chỉ ý thức về tình máu mủ ruột thịt của
những người cùng một dân tộc, họ còn có một gia đình rộng rãi hơn: đó là gia
đình nhân loại.
Nhà vô thần Voltaire đã nói: nếu Thiên Chúa không có thì chúng ta phải tạo
ra Ngài… Vì sao thế? Thưa, để cuộc đời chúng ta có một ý nghĩa, để chúng ta biết
chúng ta có chung một người Cha, và tất cả mọi người, dù không đồng một ngôn ngữ,
dù không đồng một màu da, tất cả chúng ta đều là anh em với nhau. Và kết luận tất
yếu của chân lý đó là: chúng ta phải thương yêu nhau.
Người trong cùng một nước, có cùng một ông tổ phải thương yêu nhau vượt
lên trên tất cả mọi khác biệt về địa lý, về tôn giáo, về quan điểm chính trị.
Ðó là tất cả ý nghĩa của ngày giỗ tổ Hùng Vương mà chúng ta cử hành hằng
năm. Ngày giỗ tổ ấy cũng còn mời gọi chúng ta đi xa hơn nữa để nhìn nhận mọi
người đều là con cái Chúa và đều là anh em với nhau.
(Lẽ Sống)
Lectio Divina: Gioan 10:31-42
Friday 3 April, 2020
Lectio Divina
Thứ Sáu Tuần V Mùa
Chay
1. Lời nguyện
mở đầu
Lạy Chúa là Thiên Chúa
của chúng con,
Chúa là Thiên Chúa
trung tín,
Mãi mãi chung thủy với
lời hứa của mình.
Xin Chúa hãy củng cố đức
tin của chúng con,
Để cùng với Chúa
Giêsu, chúng con có thể luôn giữ lòng tín thác vào Chúa
Cho dù có những thành
kiến, chế giễu hoặc mâu thuẫn.
Xin Chúa ban cho chúng
con niềm tin vững chắc
Rằng Chúa không bao giờ
thay đổi lời giao ước với chúng con
Nhờ Đức Giêsu Kitô,
Chúa chúng con.
2. Phúc Âm
– Gioan 10:31-42
Khi ấy, người Do Thái
lượm đá để ném Chúa Giêsu. Người lên tiếng hỏi rằng: “Ta đã cho các
ngươi thấy nhiều việc tốt lành bởi Cha Ta. Vậy vì việc nào mà các ngươi
muốn ném đá Ta?”
Người Do Thái trả lời:
“Chúng tôi muốn ném đá ông không phải vì việc lành, nhưng vì một lời lộng ngôn,
bởi vì ông chỉ là người mà lại tự cho mình là Thiên Chúa”. Chúa Giêsu đáp
lại: “Nào trong sách luật của các ngươi không có chép câu này: ‘Ta
đã nói: các ngươi là thần’? Vậy nếu sách luật gọi những kẻ được
nghe lời Chúa là thần, mà Kinh Thánh không thể hủy diệt được, thì tại sao các
ngươi nói với Đấng đã được Chúa Cha thánh hóa và sai đến trong trần gian rằng:
‘Ông nói lộng ngôn’, vì Ta đã nói Ta là Con Thiên Chúa? Nếu Ta không làm
những việc của Cha Ta, thì các ngươi đừng tin Ta. Nhưng nếu Ta làm những
việc đó, thì dầu các ngươi không muốn tin Ta, cũng hãy tin vào các việc đó, để
các ngươi biết và tin rằng: Cha ở trong Ta, và Ta ở trong Cha”.
Bởi đó họ tìm cách bắt
Người, nhưng Người thoát khỏi tay họ.
Người lại qua bên kia
sông Giođan, nơi trước kia Gioan đã làm phép rửa. Và Người ở lại
đó. Có nhiều kẻ đến cùng Người. Họ nói: “Gioan đã không làm một
phép lạ nào. Nhưng mọi điều Gioan nói về người này đều đúng cả”. Và
có nhiều kẻ tin Người.
3. Suy Niệm
– Chúng ta đến gần Tuần Thánh, lúc chúng ta tưởng niệm
và nhớ lại về Cuộc Thương Khó, cái Chết và sự Phục Sinh của Chúa Giêsu. Bắt
đầu từ tuần thứ tư Mùa Chay, các văn bản của bài Tin Mừng hằng ngày gần như độc
quyền được trích từ sách Tin Mừng Gioan, hai chương nhấn mạnh đến mối căng thẳng
bi thảm giữa việc mặc khải tăng dần lên; một phía, Chúa Giêsu cho thấy mầu nhiệm
về Chúa Cha hoàn toàn phủ đầy trong Chúa Giêsu, và ở phía kia, việc đóng cửa
lòng tăng dần lên của người Do Thái là những kẻ càng trở nên cứng lòng hơn với
sứ điệp của Chúa Giêsu. Khía cạnh bi thương của việc khép kín này là vì họ
cho rằng đó là lòng trung thành với Thiên Chúa. Họ nhân danh Thiên Chúa
mà chối từ Chúa Giêsu.
– Trong cách này, thánh sử Gioan trình bày cuộc
xung đột giữa Chúa Giêsu và giới thẩm quyền tôn giáo không chỉ là một việc gì
đó đã xảy ra trong quá khứ xa xưa. Nó cũng là tấm gương phản chiếu những
gì đang xảy ra ngày nay. Nhân danh Thiên Chúa, một số người tự biến mình
thành những trái bom và giết người khác. Nhân danh Thiên Chúa, chúng ta,
các thành viên thuộc ba tôn giáo của Thiên Chúa của Abraham, người Do Thái
giáo, Kitô hữu và người Hồi giáo, cùng lên án lẫn nhau, tranh chấp lẫn nhau,
trong suốt dòng lịch sử. Chương trình đại kết thì thật là khó khăn giữa
chúng ta, và đồng thời nó thật là cần thiết. Nhân danh Thiên Chúa, nhiều
điều khủng khiếp đã xảy ra và chúng ta lại tiếp tục tái phạm mỗi ngày.
Mùa Chay là thời gian quan trọng để cho chúng ta dừng lại và tự vấn: Hình
ảnh nào về Thiên Chúa mà tôi có trong lòng?
– Ga 10:31-33: Người Do Thái muốn ném
đá Chúa Giêsu. Người Do Thái chuẩn bị lượm đá để giết Chúa Giêsu
và Chúa lên tiếng hỏi rằng: “Ta đã cho các ngươi thấy nhiều việc tốt lành
bởi Cha Ta. Vậy vì việc nào mà các ngươi muốn ném đá Ta?” Họ trả lời
rằng: “Chúng tôi muốn ném đá ông không phải vì việc lành, nhưng vì một lời
lộng ngôn, bởi vì ông chỉ là người mà lại tự cho mình là Thiên Chúa”. Họ
muốn giết Chúa Giêsu vì Người phạm thượng. Luật đã ra lệnh rằng những kẻ
như thế phải bị ném đá.
– Ga 10:34-36: Kinh Thánh gọi tất cả mọi
người là con cái Thiên Chúa. Người Do Thái muốn giết Chúa Giêsu bởi
vì Người nói mình là Thiên Chúa. Chúa Giêsu trả lời đúng theo lề luật của
Thiên Chúa. “Nào trong sách luật của các ngươi không có chép câu
này: ‘Ta đã nói: các ngươi là thần’? Vậy nếu sách luật gọi những
kẻ được nghe lời Chúa là thần, mà Kinh Thánh không thể hủy diệt được, thì tại
sao các ngươi nói với Đấng đã được Chúa Cha thánh hóa và sai đến trong trần
gian rằng: ‘Ông nói lộng ngôn’, vì Ta đã nói Ta là Con Thiên Chúa?”
– Một cách khác thường, Chúa Giêsu nói “sách luật của
các ngươi”. Chúa đã có thể nói rằng: “Lề Luật của chúng ta”.
Tại sao Người lại nói theo cách này? Ở đây, một lần nữa xuất hiện sự chia
rẽ bi thảm giữa người Do Thái và Kitô hữu, anh chị em, con cái của cùng tổ phụ
Abraham, họ đã trở thành kẻ thù không đội trời chung cho đến nỗi mà các Kitô hữu
nói rằng “sách luật của các ngươi”, như thể nói không phải là sách luật của
chúng tôi.
– Ga 10:37-38: Ít ra là tin vào các việc tốt
lành. Chúa Giêsu lại nói về các việc mà Người đã làm và đó là những
việc mặc khải về Chúa Cha. “Nếu Ta không làm những việc của Cha Ta, thì
các ngươi đừng tin Ta. Nhưng nếu Ta làm những việc đó, thì dầu các ngươi
không muốn tin Ta, cũng hãy tin vào các việc đó, để các ngươi biết và tin rằng:
Cha ở trong Ta, và Ta ở trong Cha.” Đây cũng là những lời mà Chúa Giêsu
nói trong Bữa Tiệc Ly (Ga 14:10-11).
– Ga 10:39-42: Một lần nữa, họ lại muốn giết
Chúa Giêsu, nhưng Người thoát khỏi tay họ. Không có dấu hiệu của
sự chuyển đổi. Họ tiếp tục nói rằng Chúa Giêsu lộng ngôn và nhất quyết
đòi giết Người. Không có tương lai cho Chúa Giêsu. Cái chết của Người
đã được định đoạt, thế nhưng giờ của Người chưa đến. Chúa Giêsu đi ra và
sang bên kia sông Giođan, nơi mà trước kia ông Gioan Tẩy Giả đã làm phép rửa.
Chúa giúp người ta nhận thức được cách Thiên Chúa cư xử trong lịch sử.
Người ta nhận ra rằng Chúa Giêsu là Đấng mà Gioan đã công bố.
4. Một vài
câu hỏi gợi ý cho việc suy gẫm cá nhân
– Người Do Thái nhân danh Thiên Chúa mà lên án Chúa
Giêsu, nhân danh hình ảnh mà họ có về Thiên Chúa. Đôi khi, tôi đã có nhân
danh Thiên Chúa mà lên án một ai đó và tôi đã có khám phá ra rằng mình đã nhầm
lẫn chưa?
– Chúa Giêsu tự nhận mình là “Con Thiên Chúa”.
Trong kinh Tin Kính, khi tôi tuyên xưng rằng Đức Giêsu là Con Thiên Chúa, tôi
đã tuyên xưng đức tin của mình theo nội dung nào?
5. Lời nguyện
kết
Lạy CHÚA là núi đá, là
thành lũy, là Đấng giải thoát con;
Lạy Thiên Chúa con thờ,
là núi đá cho con trú ẩn,
Là khiên mộc, là Đấng
Cứu Độ quyền năng, là thành trì bảo vệ.
(Tv 18:2)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét