ĐTC Phanxicô: Cần dẹp bỏ những
gian dối trong tâm hồn để nhìn thấy Chúa
Đức Thánh Cha mời gọi các tín hữu thanh tẩy và giải thoát
tâm hồn mình khỏi sự đố kị, giận dữ, giả dối, thù hận, ích kỷ, cứng lòng… nhờ cầu
nguyện, làm việc bác ái và lòng thương xót.
Trong buổi tiếp kiến chung sáng thứ Tư 01/04, Đức Thánh Cha
tiếp tục loạt bài giáo lý về các Mối Phúc thật. Ngài giải thích Mối Phúc thứ
sáu: “Ai giữ lòng sạch sẽ, ấy là phúc thật, vì chưng sẽ được thấy mặt Đức
Chúa Trời.” Nhìn thấy Chúa nghĩa là có tương quan cá nhân với Ngài. Điều này
đòi chúng ta phải nhìn vào tận thẳm sâu tâm hồn mình và dành chỗ cho Chúa. Tuy
nhiên tâm hồn chúng ta thường mê muội và chậm tin, do đó cần phải được thanh tẩy,
giải phóng khỏi những tội lỗi làm chúng ta không nhìn thấy sự hiện diện của
Chúa.
Sau đây là bài giáo lý của Đức Thánh Cha.
Anh chị em thân mến, chào anh chị em!
Hôm nay chúng ta cùng nhau đọc Mối Phúc thứ sáu, là Mối Phúc
hứa rằng những người có lòng trong sạch sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa.
Trong một Thánh vịnh có viết: “Nghĩ về Ngài, lòng con tự nhủ:
hãy tìm kiếm Thánh Nhan. Lạy CHÚA, con tìm thánh nhan Ngài, xin Ngài đừng ẩn
mặt” (27,8-9).
Nhìn thấy Chúa là sống tương quan cá nhân gần gũi với
Chúa
Những lời này bày tỏ khát khao về một tương quan cá nhân với
Thiên Chúa, một tương quan không máy móc hay mơ hồ nhưng là tương quan cá nhân.
Ngay cả sách Gióp cũng diễn tả điều này như một dấu chỉ của mối liên hệ chân
thành: “Trước kia, con chỉ được biết về Ngài nhờ người ta nói lại, nhưng giờ
đây, chính mắt con chứng kiến” (G 42,5). Nhiều lần tôi nghĩ rằng đây là
hành trình của cuộc sống, trong các tương quan của chúng ta với Thiên Chúa.
Chúng ta biết Thiên Chúa nhờ đã nghe nói, nhưng chúng ta tiến bước với kinh
nghiệm của mình và đến cuối cùng, nếu chúng ta trung thành, chúng ta biết Ngài
cách trực tiếp. Đây là lớn lên, trưởng thành trong Thần Khí.
Làm sao để có được tương quan gần gũi, sâu sắc này, biết
Thiên Chúa bằng cách nhìn thấy Ngài? Chúng ta có thể nghĩ về hai môn đệ trên đường
đi Emmau, Chúa ở bên cạnh họ, “nhưng mắt họ bị ngăn cản không nhận ra Ngài” (Lc
24,16). Chúa đã khai sáng cái nhìn của họ vào cuối hành trình, với đỉnh điểm là
việc bẻ bánh và lời trách mắng: “Các anh chẳng hiểu gì cả! Lòng trí các anh thật
là chậm tin vào lời các ngôn sứ!” (Lc 24,25). Đây là nguyên nhân gốc rễ sự mù
quáng của họ: lòng họ mê muội và chậm tin. Khi lòng chúng ta mê muội và chậm
tin, chúng ta không nhìn thấy sự việc, chúng ta thấy mọi sự như bị mây che phủ.
Dành chỗ cho Chúa trong tâm hồn mình
Sự khôn ngoan của Mối Phúc này là: để có thể chiêm niệm, cần
đi vào nội tâm của chúng ta và dành chỗ cho Thiên Chúa, bởi vì như thánh
Augustino nói: Thiên Chúa gần gũi với tôi hơn chính bản thân tôi” (“interior
intimo meo”: Confessioni, III,6,11). Để nhìn thấy Thiên Chúa,
không cần phải thay đổi mắt kiếng hay vị trí quan sát, nhưng cần giải thoát con
tim khỏi những điều lừa lọc của nó! Đây là cách thế duy nhất!
Cuộc chiến khó khăn nhất là chống lại những lừa dối nội
tâm
Đây là sự trưởng thành quyết định: khi chúng ta nhận ra rằng
kẻ thù xấu nhất thường ẩn nấp trong trái tim của chúng ta. Cuộc chiến khó khăn
nhất là chống lại những lừa dối nội tâm, là những điều khiến chúng ta phạm tội.
Bởi vì tội lỗi thay đổi cái nhìn nội tâm, thay đổi cách đánh giá sự việc, nó
làm bạn nhìn thấy những thứ không thật, hay ít nhất là những điều đó không thật
như thế.
Do đó điều quan trọng là hiểu “tâm hồn thanh sạch” nghĩa là
gì. Để hiểu điều này cần nhớ rằng trong Kinh Thánh, trái tim không chỉ bao gồm
các tình cảm, nhưng còn là nơi sâu thẳm nhất của con người, là không gian nội
tâm nơi con người là chính mình.
Thánh Mátthêu nói: “Nếu ánh sáng nơi anh lại thành bóng tối,
thì tối biết chừng nào ! (6,23). “Ánh sáng” này là cái nhìn của con tim, là viễn
cảnh, sự tổng hợp, là quan điểm mà từ đó chúng ta đọc thực tại. (x Tông huấn Niềm
vui Tin Mừng, 143).
Tâm hồn thanh sạch là không quanh có dối trá nhưng đơn giản
Nhưng “thanh sạch” nghĩa là gì? Người có tâm hồn thanh sạch
sống với sự hiện diện của Thiên Chúa, gìn giữ trong tâm hồn mình điều xứng đáng
với tương quan với Ngài, chỉ như thế họ mới có một cuộc sống hiệp nhất, nhất
quán, không quanh có dối trá, nhưng đơn giản.
Tâm hồn thanh sạch là quá trình giải phóng và từ bỏ
Do đó, tâm hồn thanh sạch là kết quả của một quá trình giải
phóng và từ bỏ. Người có tâm hồn thanh sạch không phải sinh ra đã được như vậy,
nhưng họ đã trải qua một sự đơn giản hóa nội tâm khi học cách chối từ sự ác
trong chính mình, điều mà Kinh thánh gọi là cắt bì tâm hồn (x. Đnl 10,16; 30,6;
Ed 44,9; Gr 4,4).
Cắt bì nội tâm có nghĩa là nhìn nhận rằng có một phần của
tâm hồn mình chịu ảnh hưởng của sự ác, nhìn nhận cái phần xấu, phần bị che mờ bởi
sự ác, để học nghệ thuật để cho mình luôn luôn được dạy dỗ và hướng dẫn bởi
Chúa Thánh Thần. Hành trình từ trái tim bệnh tật tội lỗi, từ tâm hồn không thể
nhìn thấy điều thiện vì bị bao bọc bởi tội lỗi, đến một trái tim tràn đầy ánh
sáng chính là hoạt động của Chúa Thánh Thần. Chính Ngài hướng dẫn chúng ta đi
qua hành trình này. Qua hành trình này của trái tim, chúng ta sẽ “nhìn thấy
Thiên Chúa”.
Nhìn thấy Thiên Chúa: nhận ra kế hoạch của Chúa nơi những
điều xảy ra
Trong “cái nhìn hạnh phúc” này có một chiều kích tương lai,
cánh chung, như trong tất cả các Mối Phúc: đó là niềm vui của Thiên Quốc mà
chúng ta đang hướng đến. Nhưng cũng có một chiều kích khác: “nhìn thấy Thiên
Chúa” muốn nói đến các kế hoạch của Đấng Quan phòng nơi những gì xảy ra, nhận
ra sự hiện diện của Ngài trong các bí tích, sự hiện diện của Ngài nơi các anh
chị em, đặc biệt là nơi người nghèo và người đau khổ, và nhận ra Ngài nơi Ngài
tỏ mình ra (x. Giáo lý Hội thánh Công giáo, 2519).
Hãy mở cửa tâm hồn để Chúa Thánh Thần thanh tẩy và đưa
chúng ta đến niềm vui trọn vẹn
Mối Phúc này là kết quả của các Mối Phúc trước: nếu chúng ta
lắng nghe sự khao khát điều thiện ở trong lòng chúng ta và chúng ta ý thức về
việc sống lòng thương xót, thì một hành trình giải thoát bắt đầu, nó kéo dài suốt
cuộc sống và đưa chúng ta đến Thiên đàng. Đó là một công việc nghiêm túc, công
việc được Chúa Thánh Thần thực hiện nếu chúng ta dành chỗ cho Ngài thực hiện, nếu
chúng ta mở lòng mình với hoạt động của Chúa Thánh Thần và chúng ta có thể nói
đó là hoạt động của Thiên Chúa nơi chúng ta – trong thử thách và thanh luyện của
cuộc sống – và hoạt động này đưa đến một niềm vui lớn lao, đến hạnh phúc chân
thật và sâu sắc. Chúng ta đừng sợ hãi, chúng ta hãy mở các cánh cửa tâm hồn cho
Chúa Thánh Thần để Ngài thanh tẩy chúng ta và đưa chúng ta tiến bước trên hành
trình tiến đến niềm vui trọn vẹn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét