01/06/2020
Thứ Hai tuần 9 thường
niên.
Thứ Hai sau lễ Hiện Xuống.
Đức Trinh Nữ Maria Mẹ Hội Thánh.
Lễ nhớ.
Bài đọc I St 3,9-15.20
"Mẹ của toàn thể chúng
sinh"
Bài trích sách Sáng thế
Sau khi Ađam ăn trái cấm,
9 Chúa là Thiên Chúa đã gọi ông
và nói cùng ông rằng:
"Ngươi ở đâu vậy?"
10 Ông thưa: "Con nghe tiếng Ngài trong vườn, nhưng con
sợ hãi,
vì con trần truồng và con ẩn
núp".
11 Chúa hỏi ông: "Ai đã cho ngươi biết ngươi đang trần
truồng?
Có phải tại ngươi đã ăn trái cây
mà Ta cấm ngươi ăn không?"
12 Ađam thưa: "Người phụ nữ mà Ngài đã cho làm bạn với
con,
chính bà ấy đã cho con trái cây
và con đã ăn".
13 Chúa là Thiên Chúa nói cùng người phụ nữ rằng:
"Tại sao ngươi làm điều
đó?"
Người phụ nữ thưa: "Con rắn
đã lừa dối con, và con đã ăn".
14 Chúa là Thiên Chúa phán cùng con rắn rằng: "Bởi vì mi
đã làm điều đó,
mi là thứ bị chúc dữ giữa mọi
súc vật và thú hoang!
Mi sẽ bò bằng bụng và sẽ ăn bụi
đất suốt đời mi.
15 Ta sẽ đặt mối thù giữa mi và người phụ nữ,
giữa miêu duệ mi và miêu duệ Bà,
người miêu duệ này sẽ đạp đầu
mi, còn mi sẽ cắn gót chân người".
20 Rồi Ađam đặt tên cho vợ mình là Evà, vì bà là mẹ của chúng
sinh.
Ðó là Lời Chúa.
Hoặc: Cv 1,12-14
"Các Tông đồ đồng tâm kiên
trì cầu nguyện cùng với Ðức Maria, mẹ của Chúa Giêsu"
Bài trích sách Công vụ Tông đồ
12 Sau khi Chúa Giêsu lên trời,
các Tông đồ rời núi Cây Dầu trở
về Giêrusalem,
núi này ở gần Giêrusalem,
chỉ cách một quãng đường được đi
trong ngày sabbat.
13 Sau khi trở về thành, các ông lên phòng trên lầu.
Hiện diện tại đây có các ông
Phêrô, Gioan, Giacôbê, Anrê,
Philipphê, Tôma, Bartôlômêô,
Matthêu, Giacôbê con ông Alphê,
Simon nhiệt thành, và Giuđa con
ông Giacôbê.
14 Mọi người đều đồng tâm kiên trì cầu nguyện,
cùng với mấy người phụ nữ, với
bà Maria, mẹ của Chúa Giêsu,
và các anh em Người.
Ðó là Lời Chúa.
Thánh vịnh đáp ca Tv 86 (87) 1-2.3
và 5.6-7
Ðáp: Hỡi thành đô của
Thiên Chúa,
mọi người truyền tụng những điều
hiển hách về thành.
1 Nền móng Sion được đặt trên núi thánh,
2 Chúa yêu chuộng cửa thành
hơn mọi nơi cư ngụ của nhà
Giacob.
3 Hỡi thành đô của Thiên Chúa.
Mọi người truyền tụng những điều
hiển hách về thành. - Ð.
5 Nói đến Sion, thiên hạ bảo:
"Tại đó, người người đã
sinh ra,
chính Ðấng Tối Cao củng cố
thành". - Ð.
6 Thiên Chúa ghi vào sổ bộ các dân:
"Kẻ này người nọ đã sinh ra
tại đó",
7 và họ múa nhảy hát ca:
"Mọi nguồn mạch của tôi ở
nơi thành". - Ð.
Alleluia
Kính chào Ðức Trinh Nữ diễm
phúc, Mẹ đã hạ sinh Chúa Giêsu.
Kính chào Mẹ Hội Thánh, Mẹ là Ðấng
giữ gìn trong chúng con
Thần Khí của Thánh Tử Giêsu Kitô
Tin Mừng Ga 19, 25-27
Này là Con Bà. Này là Mẹ con.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo
thánh Gioan
Khi ấy,
25 đứng gần thập giá Chúa Giêsu, có mẹ Người,
cùng với chị mẹ Người là bà
Maria, vợ ông Clêôpas
và Maria Mađalêna.
26 Khi thấy mẹ và bên cạnh có môn đệ Người yêu,
Chúa Giêsu nói với mẹ rằng:
"Thưa Bà, này là Con Bà".
27 Rồi Người nói với môn đệ: "Này là Mẹ con".
Và từ giờ đó môn đệ đã đón bà về
nhà mình.
Ðó là Lời Chúa.
Suy Niệm : Mẹ Hội Thánh
Sau lễ Chúa Thánh Thần
Hiện Xuống, mừng long trọng vào Chúa nhật sau lễ Thăng Thiên, Giáo Hội mừng lễ
Mẹ Hội Thánh. Việc phụng vụ Hội Thánh mừng lễ này liền kề với lễ Chúa Thánh Thần
Hiện Xuống cho thấy Hội Thánh nhận thức được vai trò của Đức Maria trong Giáo Hội.
Từ sau Công đồng
Vatican II, hạn từ Mẹ Hội Thánh được sử dụng rộng rãi, không chỉ vì đây là gợi
ý của Đức Phaolô VI, mà còn là một kinh nghiệm đức tin được soi dẫn qua dòng lịch
sử Hội Thánh. Điều này cũng mặc nhiên nói cho các tín hữu về một viễn kiến đầy
hy vọng mà sách Khải huyền đã nêu lên, trong một cuộc chiến không khoan nhượng
giữa con rồng và người nữ. Người nữ ấy chính là hình ảnh Đức Maria, tượng trưng
cho Hội Thánh.
Cơ sở cho kinh nghiệm
đức tin này là đoạn Thánh Kinh mà chúng ta đọc và suy niệm hôm nay. Hội Thánh
đã được Chúa Giêsu thiết lập. Đã được khai sinh từ cạnh sườn bị đâm thủng, từ
đó máu và nước chảy ra. Nhiều nhà thần học đã cho đây là hình ảnh tượng trưng
cho giây phút Hội Thánh được sinh ra giống như trẻ sơ sinh được sinh ra từ cung
lòng người mẹ. Máu và nước tượng trưng cho sự sống. Đó cũng là hình ảnh mang
tính Thánh Thể của mầu nhiệm Hội Thánh, mà từ Thánh Thể, Hội Thánh được nuôi sống
do chính Mình và Máu Chúa. Hội Thánh lại tiếp tục mọi ngày làm cho hình ảnh của
hy tế Chúa Kitô được sống động qua việc hiện tại hóa mầu nhiệm yêu thương này
trong mỗi thánh lễ cử hành.
Thế nên, một Hội Thánh
non trẻ được Chúa Giêsu sinh ra và cưu mang, rồi trong giây phút Người chết
trên thập giá đến việc trao phó thánh Gioan làm con Đức Mẹ, gợi lên cho chúng
ta đầy hình ảnh mang tính biểu trưng về Hội Thánh. “Này là con Bà” và “Đây là mẹ
con”, hai câu nói này hàm chứa một nội hàm sâu xa. Rằng Hội Thánh thực sự là
con của Mẹ Maria. Chúa Giêsu chuyển giao Hội Thánh non trẻ và nhỏ bé ấy cho Đức
Mẹ trông nom. Và “Đây là mẹ con”, đây thực sự là lời căn dặn, Hội Thánh chính
là mẹ của chúng ta, Hội Thánh đó bao hàm tất cả mọi người chúng ta, những kẻ
tin và cử hành mầu nhiệm cứu độ của Chúa Kitô Con Mẹ.
Lạy Mẹ Maria, Mẹ là Mẹ
Hội Thánh và Mẹ của mỗi chúng con. Xin ban ơn nâng đỡ Hội Thánh Chúa trong mọi
cơn nguy khó, và cũng xin nâng đỡ đức tin cho mỗi người chúng con. Amen.
(https://ctqn.org)
LỜI CHÚA MỖI NGÀY
ĐỨC TRINH NỮ MARIA LÀ MẸ GIÁO HỘI
Bài đọc : Gen 3:9-15, 20; Jn 19:25-34
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ : Đức Trinh Nữ Maria, Evà mới, là Mẹ của Giáo Hội.
Tại sao Giáo Hội muốn chúng ta mừng ngày hôm nay : Đức Trinh Nữ Maria, Evà
mới, là Mẹ của Giáo Hội ngay sau Lễ Hiện Xuống ? Chúng ta biết Lễ Hiện Xuống
đánh dấu sự sinh ra chính thức của Giáo Hội vì các tông đồ và môn đệ của Chúa
Giêsu cùng với Mẹ Maria là những phần tử đầu tiên của Giáo Hội, được đầy tràn
ân sủng của Chúa Thánh Thần đã tung cửa ra đi khắp nơi để rao giảng Tin Mừng Cứu
Độ theo như ý muốn của Chúa Giêsu.
Nhưng Giáo Hội này có liên quan gì với những con người đầu tiên, Adong và Evà?
Chúng ta học được sự liên quan này trong chương 5 của Thư Thánh Phaolô gởi tín
hữu Rôma: Bởi tội của một người mà loài người phải chết thì cũng bởi sự vâng phục
của một người mà loài người được cứu độ (Adong và Chúa Giêsu). Adong phạm tội
là do sự xui giục của Bà Evà; Chúa Giêsu được sinh là do lời thưa “Xin Vâng” của
Đức Trinh Nữ Maria.
Hai bài đọc hôm nay được chọn rất khéo để làm sáng tỏ Kế hoạch Cứu Độ của Thiên
Chúa. Bài đọc I nói lên sự hủy hoại của những gì cao đẹp Chúa dựng nên cho con
người qua sự bất tuân của hai con người đầu tiên – Adong và Evà. Evà được gọi
là “mẹ của chúng sinh” (nhân loại). Bài Phúc Âm nói lên sự trung thành và vâng
phục của Chúa Giêsu và Mẹ Maria. Chúa muốn Đức Mẹ là Mẹ của các tông đồ Chúa đã
chọn để tiếp tục công việc cứu độ của Ngài; và như thế Mẹ Maria cũng chính thức
là Mẹ của Giáo Hội.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Vì sự bất tuân của cặp vợ
chồng đầu tiên – Adong và Evà – mà tội lỗi đã đột nhập vào thế gian và làm cho
tất cả mọi người phải chết.
1.1/ Sự bất tuân của Evà
và Adong: Sách Khởi Nguyên tường thuật sự sa
ngã của Nguyên Tổ và phản ứng của họ khi phải đương đầu với Thiên Chúa như
sau : ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa gọi con người và hỏi: "Ngươi ở đâu?
"10 Con người thưa: "Con nghe thấy tiếng Ngài trong
vườn, con sợ hãi vì con trần truồng, nên con lẩn trốn."11 ĐỨC
CHÚA là Thiên Chúa hỏi: "Ai đã cho ngươi biết là ngươi trần truồng? Có phải
ngươi đã ăn trái cây mà Ta đã cấm ngươi ăn không?"
- Ông Adong thưa : "Người đàn bà Ngài cho ở với con, đã cho con trái
cây ấy, nên con ăn."13 ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa hỏi người
đàn bà: "Ngươi đã làm gì thế?"
- Bà Evà thưa: "Con rắn đã lừa dối con, nên con ăn."
1.2/ Hình phạt do sự bất
tuân: Đức Chúa đã ra các hình phạt sau đây
cho 3 can phạm :
(1) Adong: Ba
hình phạt Ông phải chịu :
- Đất đai sẽ trổ sinh gai góc cho ngươi, ngươi sẽ ăn cỏ ngoài đồng.
- Ngươi sẽ phải đổ mồ hôi trán mới có bánh ăn.
- Phải chết : Ngươi là bụi đất, và sẽ trở về với bụi đất.
(2) Evà: Ba hình phạt
Bà phải chịu :
- Mang nặng đẻ đau : Ta sẽ làm cho ngươi phải cực nhọc thật nhiều khi
thai nghén; ngươi sẽ phải cực nhọc lúc sinh con.
- Ngươi sẽ thèm muốn chồng ngươi và nó sẽ thống trị ngươi.
- Phải chết : Đây là điều được hiểu ngầm vì Bà Evà cũng từ đất mà ra.
(3) Con rắn: cũng phải
chịu ba hình phạt :
- Phải bò bằng bụng ;
- Phải ăn bụi đất mọi ngày trong đời ;
- Ta sẽ gây mối thù giữa mi và người đàn bà, giữa dòng giống mi và dòng giống
người ấy; dòng giống đó sẽ đánh vào đầu mi, và mi sẽ cắn vào gót nó.
Ai là người đàn bà mà Đức Chúa đã gây mối thù với con rắn ? Đây chính là Mẹ
Maria mà Thiên Chúa đã báo trước cho nhân loại. Ai là dòng giống của Mẹ
Maria ? Đây chính là Chúa Giêsu Kitô và Giáo Hội của Ngài. Trong cuộc chiến
đấu, Thiên Chúa đã tuyên bố trước phần chiến thắng sẽ thuộc về Chúa Giêsu và Đức
Mẹ khi nói : Dòng giống đó sẽ đánh vào đầu mi, và mi sẽ cắn vào gót
nó.
Sau đó, ông Adong đặt tên cho vợ là Evà (hawah), vì bà là mẹ của chúng
sinh (tất cả sinh linh - hay).
2/ Phúc Âm : Vì sự vâng phục của
Đức Mẹ và của Chúa Giêsu cho đến nỗi bằng lòng chịu chết trên Thập Giá mà Thiên
Chúa đã tha mọi tội và cất đi bản án chết cho nhân loại.
2.1/ Vì lời thưa “Xin
Vâng” của Đức Trinh Nữ Maria mà Chúa Giêsu -
Con Thiên Chúa đã thụ thai trong lòng Trinh Nữ Maria.
Chúng ta đọc thấy sự vâng phục của Đức Trinh Nữ Maria khi sứ thần Gabriel đến
truyền tin cho Mẹ: Bấy giờ bà Ma-ri-a nói: "Vâng, tôi đây là nữ tỳ của
Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói." Rồi sứ thần từ biệt ra
đi (Lk 1:38). Ngay khi Mẹ Maria thưa hai tiếng “Xin Vâng,” Thánh Tử Giêsu,
Ngôi Hai Thiên Chúa, đã mặc lấy xác phàm và bắt đầu công trình cứu độ loài người;
hủy bỏ tội và bản án chết do ông Adong và bà Evà gây ra.
Sự vâng lời của Mẹ Maria không chỉ giới hạn trong biến cố Truyền Tin, nhưng cả
cuộc đời của Mẹ là lời thưa “Xin Vâng” với Thiên Chúa cho dẫu gặp bao nhiêu vất
vả, khó khăn và đau khổ. Mẹ chấp nhận tất cả và đồng hành với Con mình cho đến
đồi Golgotha và đứng dưới Thập Giá để cùng chịu đau khổ với con. Không những thế,
Mẹ còn vâng lời Con để chấp nhận làm Mẹ của người tông đồ được Chúa Giêsu yêu,
hình ảnh của Giáo Hội tương lai. Trong Giáo hội này, có những đứa con đáng yêu
làm theo lệnh truyền của Chúa Giêsu, nhưng cũng không thiếu những đứa con ngỗ
nghịch vẫn còn gây nên những vết thương đâm thấu trái tim Mẹ, như lời cụ già
Simêon đã tiên báo. Mẹ chấp nhận tất cả vì yêu Chúa Giêsu con Mẹ và yêu loài
người cũng là con của Mẹ. Tóm lại, Mẹ thưa lời “Xin Vâng” với Thiên Chúa và
trung thành vâng lời đến cùng.
2.2/ Vì công nghiệp
của Cuộc Thương Khó và cái chết của Chúa Giêsu mà
Thiên Chúa đã cất đi bản án chết và phục hội địa vị làm con cho loài người (Rom
5:12-19).
Thánh Phaolô trong Thư gởi các tín hữu Rôma là người đầu tiên nhận ra sự liên hệ
giữa tội của Nguyên Tổ và công trình cứu độ của Chúa Giêsu. Ngài nói: “12 Vì
một người duy nhất, mà tội lỗi đã xâm nhập trần gian, và tội lỗi gây nên sự chết;
như thế, sự chết đã lan tràn tới mọi người, bởi vì mọi người đã phạm tội. 15 Nhưng
sự sa ngã của Adong không thể nào sánh được với ân huệ của Thiên Chúa. Thật
vậy, nếu vì một người duy nhất đã sa ngã, mà muôn người phải chết, thì ân sủng
của Thiên Chúa ban nhờ một người duy nhất là Đức Giê-su Ki-tô, còn dồi dào hơn
biết mấy cho muôn người” (Rom 5:12-15).
Giống như ông Adong phạm tội là do sự cám dỗ của bà Evà, công trình cứu độ của
Chúa Giêsu được thực hiện là do lời thưa “Xin Vâng” của Đức Mẹ. Giống như bà
Evà là nguyên nhân cho sự sa ngã của ông Adong, Mẹ là nguyên nhân cho công cuộc
cứu độ của Chúa Giêsu. Nếu Đức Mẹ đã thông phần đau khổ với Chúa Giêsu thì Mẹ
cũng thông phần vinh quang với Con của mình.
Thánh Phaolô kết luận chương 5, Thư gởi tín hữu Rôma bằng những lời này: “Tóm lại,
cũng như vì một người duy nhất đã sa ngã mà mọi người bị Thiên Chúa kết án, thì
nhờ một người duy nhất đã thực hiện lẽ công chính, mọi người cũng được Thiên
Chúa làm cho nên công chính, nghĩa là được sống.19 Thật vậy,
cũng như vì một người duy nhất đã không vâng lời Thiên Chúa, mà muôn người
thành tội nhân, thì nhờ một người duy nhất đã vâng lời Thiên Chúa, muôn người
cũng sẽ thành người công chính” (Rom 5:18-19).
2.3/ Vì ý muốn của
Chúa Giêsu và sự vâng phục của Mẹ và người môn đệ mà Chúa Giêsu thương mến. Đức
Trinh Nữ Maria đã trở nên Mẹ của Giáo Hội do Chúa Giêsu thành lập.
Thánh Gioan tường thuật việc Chúa Giêsu đặt Mẹ Maria làm Mẹ Giáo Hội dưới chân
Thánh Giá cách đơn giản: “Khi thấy thân mẫu và môn đệ mình thương mến đứng bên
cạnh, Đức Giê-su nói với thân mẫu rằng: "Thưa Bà, đây là con của
Bà." Rồi Người nói với môn đệ: "Đây là mẹ của anh." Kể từ
giờ đó, người môn đệ rước bà về nhà mình.” (Jn
19:26-27)
Như
thánh Irênê đã nói: "Do sự tuân phục của mình, Mẹ đã trở thành nguyên
nhân ơn cứu độ cho bản thân Mẹ và cho toàn thể nhân loại.” Cùng với thánh
Irênê, nhiều Giáo Phụ xưa kia đã nói: “Cái thắt nút do sự bất tuân của Evà đã
được tháo cởi do sự vâng phục của Đức Maria; cái mà trinh nữ Evà đã buộc lại do
sự thiếu niềm tin, thì Trinh Nữ Maria đã tháo cởi do niềm tin của mình. So sánh
Đức Maria với bà Evà, các Giáo Phụ gọi Đức Maria là “Mẹ các sinh linh” (mẹ các
người sống) và thường tuyên bố rằng: “Do Evà có sự chết, do Maria, có sự sống.”
(LG 56)
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Do ý muốn của Thiên
Chúa, Bà Evà đã trở thành mẹ của chúng sinh tội lỗi. Do ý muốn của Thiên Chúa,
Đức Trinh Nữ Maria đã trở thành Mẹ của Giáo Hội, Mẹ của nhân loại đã được tẩy rửa
sạch tội bằng nước và máu châu báu của Chúa Giêsu.
- Tội bất tuân Thiên
Chúa gây ra muôn vàn khổ đau cho ông Adong, bà Evà và toàn thể nhân loại. Sự
vâng lời của Chúa Giêsu và Mẹ Maria đã lấy đi tội lỗi và án tử cho con người.
Chúng ta phải biết noi gương Chúa Giêsu và Mẹ Maria để trung thành vâng lời
Thiên Chúa cho đến cùng những gì chúng ta đã hứa với Thiên Chúa.
- Mẹ Maria luôn yêu
thương quan tâm đến mọi con cái và chuyển cầu cách đắc lực cho chúng ta trước
tòa Thiên Chúa. Chúng ta hãy luôn nhớ đến Mẹ và xin Mẹ che chở và chuyển cầu
cùng Thiên Chúa cho chúng ta.
Lm. Anthony ĐINH MINH TIÊN, OP.
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
1 THÁNG SÁU
Hơi Thở Sự Sống
Bản văn Thánh Kinh trong Sách
Sáng Thế cho phép chúng ta hiểu rõ rằng con người – được tạo thành như thế –
khác hẳn với toàn thể thế giới hữu hình, nhất là khác hẳn với thế giới động vật.
Chính “hơi thở sự sống” đã làm cho con người có thể biết các động vật, có thể đặt
tên cho chúng – và có thể nhận ra mình khác với chúng (St 2, 18 – 20).
Mặc dù trình thuật Gia-vít về cuộc
tạo dựng con người không nói đến “linh hồn”, ta vẫn dễ dàng nhận ra từ trình
thuật này rằng sự sống con người là một sự sống siêu việt trên sự sống thuần
túy chất thể của động vật, rằng sự sống vượt quá vật chất để vươn tới chiều
kích tinh thần. Đây chính là nền tảng cốt yếu của “hình ảnh Thiên Chúa” mà bản
văn Sáng Thế 1, 27 nói về.
– suy tư 366 ngày của Đức Gioan
Phaolô II –
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John
Paul II
Gương Thánh Nhân
Vai trò Mẹ thiêng liêng của Đức
Maria.
“Đứng gần
thập giá Đức Giê-su, có thân mẫu Người, chị của thân mẫu, bà Maria vợ ông
Cơlôpát, cùng với bà Maria Mácđala. Khi thấy thân mẫu và môn đệ mình thương mến
đứng bên cạnh, Đức Giêsu nói với thân mẫu rằng: “Thưa Bà, đây là con của Bà.” Rồi
Người nói với môn đệ : “Đây là mẹ của anh.” Kể từ giờ đó, người môn đệ rước bà
về nhà mình. (Ga 19, 25-27).
Chính đoạn Tin Mừng này chỉ cho
thấy tước hiệu Đức Maria, Mẹ Hội Thánh. Ở đây, Chúa Giêsu ủy thác thánh Gioan
cho Đức Mẹ như người con được tái sinh vào đời sống thiêng liêng mà chỉ có Mẹ mới
làm được. Như thế đây không phải đơn giản là lòng sùng kính Mẹ, cầu nguyện với
Đức Trinh Nữ với tước hiệu này, nhưng là tuân theo ý muốn của Chúa Giêsu, vì điều
này được truyền lại cho chúng ta từ Kinh thánh: Chúa Giêsu, với những lời tuyên
bố ngay lúc cận kề cái chết, xin Đức Maria chăm sóc mỗi người. Nhưng Chúa Giêsu
cũng đòi hỏi mỗi người phải cảm thấy được ở trong mối tương quan tình con thảo
với Mẹ.
Đức Maria trung tâm giáo lý về ơn Cứu độ
Lòng sùng kính đối với Đức Maria
- giống như tôn kính Thánh giá và Bí tích Thánh Thể - luôn luôn là một trụ cột
cơ bản của đức tin, nhưng với lễ nhớ Đức Maria, Mẹ Hội Thánh được thiết lập vào
năm 2108, Đức Thánh Cha Phanxicô muốn làm nhiều hơn nữa. Trước hết, ĐTC muốn
làm thế nào để lòng sùng kính này có thể là điều tốt cho Giáo hội và có thể làm
gia tăng ý nghĩa vai trò làm Mẹ trong Hội Thánh của Đức Maria, nhưng trên tất cả
là đặt Đức Maria ở trung tâm giáo lý về ơn cứu độ. Thực tế, trong mối tương
quan với Chúa Kitô, lòng đạo đức đối với Đức Maria xuất phát trực tiếp từ đức
tin vào Chúa Ba Ngôi. Bởi vì Chúa muốn Mẹ, một người phụ nữ, là Mẹ của Con
Thiên Chúa, qua mẹ, con người có thể đạt tới lòng thương xót của Thiên Chúa.
Vai trò làm mẹ của Đức Maria bắt đầu bằng việc Truyền tin: Với lời xin vâng, Đức
Mẹ ưng thuận để Chúa đi vào lịch sử. Và vì thánh ý Thiên Chúa, việc làm mẹ của
Đức Maria không kết thúc dưới chân Thánh giá, mà trở nên vĩnh cửu. Hơn nữa,
trong ngày Lễ Ngũ Tuần Mẹ còn hiện diện cùng với các tông đồ - các tín hữu đầu
tiên chờ đợi Chúa Thánh Thần: đây là mối liên kết giữa việc kính nhớ Mẹ Hội
Thánh với Lễ Chúa Thánh Thần mà Đức Giáo hoàng Phanxicô muốn nhấn mạnh.
Lòng sùng kính Đức Trinh Nữ trong giáo huấn của các Giáo hoàng
Tước hiệu Đức Maria Mẹ Hội Thánh
có nguồn gốc xa xưa và đã hiện diện trong Giáo Hội thời của Thánh Augustinô và
Thánh Leo Cả. Trong nhiều thế kỷ, lòng sùng kính Đức Mẹ với nhiều tước hiệu,
nhưng với tước hiệu Mẹ Hội Thánh xuất hiện trong một số văn bản của các tác giả
thiêng liêng và trong giáo huấn của ĐTC Benedict XIV và Leo XIII. Tuy nhiên, phải
đợi đến ĐTC Phaolô VI mới có bước ngoặt; đó là ngày 21 tháng 11 năm 1964, khi kết
thúc phiên thứ ba của Công đồng Vatican II, Đức Giáo hoàng tuyên bố Đức Trinh Nữ
Maria “Mẹ Hội Thánh”, nghĩa là của mọi Kitô hữu". Với quyết định này, ĐTC
Phaolô VI lấy nội dung chủ yếu trong Tín điều của Công đồng Nicea năm 325 và
trên hết là các quyết định của các giáo phụ Công đồng Êphêsô (430), xác định Đức
Maria là "Mẹ Thiên Chúa". Trong Năm Thánh (1975), có Thánh lễ tạ ơn
sùng kính Đức Maria, Mẹ Hội Thánh, sau đó lễ này được đưa vào Sách lễ Rôma,
nhưng chưa phải là lễ nhớ bắt buộc trong lịch phụng vụ. Tuy nhiên, ở một số quốc
gia - ví dụ Ba Lan và Argentina - và trong một số hội dòng, lễ Đức Maria, Mẹ Hội
Thánh được đưa vào lịch riêng. Vào năm 1980 ĐTC Gioan Phaolô II đưa lòng sùng
kính Đức Maria, Mẹ Hội Thánh vào trong kinh nguyện. Và đến ngày 11 tháng 02 năm
2018, kỷ niệm 160 năm lần đầu tiên Đức Trinh Nữ hiện ra tại Lộ Đức. Nhân dịp
này, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã ấn định lễ nhớ Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ Giáo hội,
được ghi vào Lịch Rôma và được cử hành hàng năm, vào thứ hai sau Chúa Thánh Thần
hiện xuống.
(Ngọc Yến – Vatican)
Ngày 01-06: Thánh GIUSTINÔ
Tử Đạo (+165)
Thánh Giustinô tử đạo sinh tại
Nablus, Samaria ở vào đầu thế kỷ thứ II. Sinh trưởng trong một gia đình ngoại
giáo, nhưng Ngài luôn nuôi dưỡng nhiệt tình tìm kiếm Thiên Chúa chân thật. Với
nhiệt tình này, Ngài đã tiếp xúc với mọi triết thuyết đương thời và không thoả
mãn được các đòi hỏi của trí khôn.
Trong tác phẩm “Đối thoại với
Tryphon” (Dialogus cum Tryphone), chính thánh Giustinô kể lại cuộc tìm kiếm của
mình: – Trước hết, Ngài tin tưởng vào một người theo phái khắc kỷ. Những người
này chẳng dạy gì về Thiên Chúa. Ông ta nói rằng sư hiểu biết ấy không cần thiết
gì. Sau đó, Ngài đến với một người theo thuyết của Aristote. Ông này đòi thù
lao quá cao, khiến sinh viên trẻ là Giustinô phẫn uất: người ta không rao bán
triết học.
Một người theo lý thuyết của
Pythagore hỏi Ngài: – Anh đã học âm nhạc, thiên văn và địa lý chưa ? Bởi vì để
chiêm ngưỡng điều góp phần tạo nên hạnh phúc cần phải biết học giải thoát tâm hồn
khỏi các đối tượng hữu hình để có thể tiếp nhận được những đối tượng trong trí
khôn và cho phép thấy được sự thiện mỹ nội tại.
Giustinô chưa biết gì về những
môn học, nhưng lại thấy mình bị thúc bách tìm kiếm Thiên Chúa hơn. Ngài gặp một
người theo phái Platon Ngài nói: – Sau nhiều đàm luận, tôi hiểu được những điều
vô hình ở mức độ cao hơn. Việc chiêm ngưỡng thế giới tư tưởng chấp cánh cho
tinh thần của tôi.
Dầu vậy, không có gì làm cho
Ngài thỏa mãn được cơn khát chân lý. Tại Ephesô, Giustinô gặp một cụ già đầy
khôn ngoan. Ông trách Ngài đã thích lý sự về từ ngữ hơn sự kiện. Ông đã cho
Ngài một lời khuyên cao cả là hãy tìm đọc kinh thánh: phải vượt qua những giới hạn
của trí khôn, phải đi xa trong thời gian hơn các triết gia, phải nghe các tiên
tri là những người nói bởi Chúa Thánh Thần, nhất là phải cầu nguyện vì: – Không
ai có thể thấy hay nghe được những điều này nếu Thiên Chúa và đức Kitô không
cho họ hiểu biết.
Theo lời khuyên này, Giustinô đã
khám phá ra Kitô giáo bảo đảm hơn triết học nhiều. Từ đấy đức tin là qui luật xử
thế và sự thánh thiện lý tưỏng của Ngài, Ngài mở một trường học tại Rôma và sống
đời tông đồ đích danh. – Tôi sẽ nói sự thật, không một đắn đo sợ sệt, cả vào
lúc bị phân thay thành trăm mảnh.
Gương mẫu của các thánh tử đạo
đánh động ngài rất nhiều: – Thấy họ kiên vững trước cái chết, tôi thầm nói rằng:
họ không thể sống trong sự dữ và ham mê các khoái lạc được nữa.
Ngài sẽ tìm được ở đâu sự thăng
hoa cuộc sống lớn lao hơn là trong Kitô giáo ? Bởi vậy Ngài đã tìm mở rộng môi
trường hoạt động ra ngoài ranh giới lớp học và những cuộc tranh luận, bằng việc
viết nhiều tác phẩm để phổ biến tư tưởng tôn giáo. Ngày nay chúng ta chỉ còn giữ
lại được hai cuốn: Đối Thoại Với Tryphone, và Hộ Giáo. Nhưng với hai tác phẩm ấy,
thánh Giustinô cũng tỏ ra là một nhà minh giáo có thế giá được thế kỷ thứ II và
là người đã phác họa ra nền thần học Kitô giáo.
Từ một đức tin vững chắc vào các
chân lý Kitô giáo. Thánh Giustinô đã không ngần ngại tìm hết khả năng trổi vượt
của trí khôn để hai lần viết thơ can ngăn các bạo vương. Lần thứ nhất vào năm
138. Ngài viết cho Antonin Le Pieux và lần thứ hai cho Marcô Aurelio. Cả hai lần
Ngài cố gắng chỉ dẫn đến kết quả là bị kết án tử hình.
Giustinô và các bạn bị dẫn tới
trước mặt tổng trấn Rusticus, một người theo triết thuyết Khắc Kỷ. Ngài lớn tiếng
tuyên xưng đức tin. – Không ai có lương tri mà lại bỏ rơi chân lý để theo sự lầm
lạc cả.
Thánh nhân từ chối không chịu tố
giác nơi các kitô hữu hội họp. Sau cùng Ngài và các bạn bi đánh đòn rồi bị chém
đầu. Tài liệu còn ghi lai nhiều chân lý mà thánh nhân đã phát biểu trong cuộc đối
thoại với Rustisus, chẳng hạn: – Mọi nguyên tắc chính đáng mà các triết gia và
các nhà lập luật khám phá được và trình bày cũng phải nhớ ở điều mà Ngôi lời đã
diễn tả một phần.
Ngài còn nói: – Không ai tin
Socrate đến độ chết vì điều ông ta dạy. Chính vì những lý do khác hẳn với lãnh
vực văn chương mà bao nhiêu giáo phụ đã lấy máu mình để ký nhận các công trình
của các Ngài, chính tình yêu Thiên Chúa nhập lòng các Ngài.
(daminhvn.net)
01 Tháng Sáu
Con Người Khờ Khạo
Một cuốn phim Pháp với tựa đề
“Gigot”, đã kể lại cuộc đời cao thượng nhưng vô cùng đáng thương của một người
câm tên là Gigot. Ðúng như cái tên có thể gợi lên, Gigot là một người khờ khạo
nhưng có một tâm hồn cao quí. Ngày ngày anh quét đường, kiếm từng đồng xu nhỏ để
mua những mẩu bánh mì vụn sống qua ngày. Nơi trú ngụ của anh là một cầu thang bẩn
thỉu nằm bên dưới một ngôi nhà. Những người bạn duy nhất của anh là các chú chó
và một con mèo hoang. Hằng ngày, từ tiệm bánh mì đi ra, anh đều mang theo thức
ăn cho chúng. Anh đi đâu, chúng quấn quít bên người đến đó… Những con thú
thương anh như một người bạn, nhưng những người đồng bào của anh chỉ nhìn anh
như trò đùa. Mỗi khi cần có một trận cười, người ta gọi Gigot đến cho anh uống
rượu để anh có thể nhảy múa trong cơn say và làm trò hề cho họ.
Một đêm nọ, sau khi say túy lúy
và làm đủ trò hề cho thiên hạ cười, Gigot đi ngã ngiêng về nhà giữa cơn mưa.
Anh bắt gặp một người đàn bà và một đứa con gái nhỏ đang nằm co ro trong góc hè
phố, mình mẩy ướt như chuột lột. Anh dìu hai mẹ con người đàn bà về nhà mình và
dọn chỗ cho họ qua đêm. Trong những ngày kế tiếp, anh tìm đủ mọi cách để làm
cho người đàn bà được hạnh phúc và cô bé được vui cười. Anh đưa cô bé đến nhà
thờ và dùng thứ ngôn ngữ câm của mình để nói với nó về Chúa Giêsu… Một hôm, người
mẹ muốn đi nơi khác vì không chịu nổi cảnh thiếu thốn trong căn nhà của anh.
Người câm không biết làm gì hơn là đành phải đến hiệu bánh mì quen để đánh cắp
một số tiền. Với số tiền ấy, anh có thể sắm sửa tươm tất cho hai mẹ con người
đàn bà…
Thế nhưng, một hôm, khi thức giấc,
anh không còn thấy người đàn bà trong căn gác của mình nữa. Anh đưa cô bé vào
sâu trong cầu thang và làm trò đùa cho nó cười. Vô tình, căn gác đổ nát sụp xuống
trên anh và đứa bé. Anh vừa mang đứa bé đến nhà thờ để xin cha sở chạy chữa,
thì người ta cũng phát giác ra sự mất tích của nó… Người ta tri hô lên anh là
thủ phạm bắt cóc đứa bé. Cuộc săn đuổi đã làm anh trượt té xuống một dòng sông…
Một chiếc phà chạy qua. Chiếc mũ của anh trồi lên. Mọi người tưởng rằng anh đã
chết chìm giữa dòng sông… Sự cảm thông và thương tiếc bỗng bừng dậy, người ta lấy
chiếc mũ của anh, đặt lên một chiếc quan tài và cử hành nghi lễ tống táng. Người
người sụt sùi khóc. Bao nhiêu bài điếu văn được đọc lên để ôn lại tấm lòng cao
thượng của người quá cố… Nhưng từ một chòm cây trong nghĩa địa, Gigot lắng nghe
tất cả, anh bật thành tiếng khóc, khóc vì sự cảm thông quá muộn màng của người
đồng loại, mà có lẽ cũng khóc khi nghĩ đến thân phận của anh.
Hôm nay chúng ta bước vào tháng
dành riêng để tôn kính Trái Tim Chúa Giêsu…. Có riêng một tháng để nhắc nhớ cho
con người về Tình Yêu của Thiên Chúa, bởi lẽ con người không hiểu mà cũng dễ
quên tình yêu của Thiên Chúa…
Thiên Chúa cũng giống như một
người tình câm. Ngài làm mọi sự và tìm đủ mọi cách để cho con người hiểu được Tình
Yêu của Ngài. Không còn ngôn ngữ nào nữa, Thiên Chúa đành phải dùng chính cái
chết, bởi lẽ không có tình yêu nào trọng đại cho bằng mối tình của người chết
vì người mình yêu…
“Chúng sẽ nhìn xem Ðấng chúng sẽ
đâm thâu qua”. Qua cái chết của Ðức Kitô trên thập giá, con người mới có thể thấy
được tình yêu của Thiên Chúa đối với mình. Cái chết là ngôn ngữ cuối cùng của
Tình Yêu. Mối tình câm lặng nhất đã được bày tỏ…
(Lẽ Sống)
Lectio Divina:
Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ Giáo Hội
Monday 1 June, 2020
Lectio Divina
Mùa Thường Niên
1. Lời nguyện mở đầu
Lạy Cha,
Xin ban cho chúng con
sự khôn ngoan và tình yêu
Mà Cha đã mặc khải
trong Chúa Con.
Xin giúp chúng con được
trở nên giống như Người
Trong lời nói và trong
việc làm,
Vì Người hằng sống và
ngự trị cùng với Cha và Chúa Thánh Thần,
Một Thiên Chúa, đến
muôn thuở muôn đời. Amen.
2. Bài Đọc Tin Mừng – Gioan 19:25-34
Đứng gần thập giá Đức
Giêsu, có thân mẫu Người, chị của thân mẫu, bà Maria vợ ông Clêôpát, cùng với
bà Maria Mađalêna. Khi thấy thân mẫu và môn đệ mình thương mến đứng bên cạnh,
Đức Giêsu nói với thân mẫu rằng: “Thưa Bà, đây là con của Bà.” Rồi
Người nói với môn đệ: “Đây là mẹ của anh.” Kể từ giờ đó, người môn
đệ rước bà về nhà mình.
Sau đó, Đức Giêsu biết
là mọi sự đã hoàn tất. Và để ứng nghiệm lời Kinh Thánh, Người nói: “Tôi
khát!” Ở đó có một bình đầy giấm. Người ta lấy miếng bọt biển có thấm
đầy giấm, buộc vào một nhanh hương thảo, rồi đưa lên miệng Người. Nhắp
xong, Đức Giêsu nói: “Thế là đã hoàn tất!” Rồi Người gục đầu xuống
và trao Thần Khí.
Hôm đó là ngày áp lễ,
người Do Thái không muốn để xác chết trên thập giá trong ngày Sabbát, mà ngày Sabbát
đó lại là ngày lễ lớn. Vì thế họ xin ông Philatô cho đánh giập ống chân
các người bị đóng đinh và lấy xác xuống. Quân lính đến, đánh giập ống
chân người thứ nhất và người thứ hai cùng bị đóng đinh với Đức Giêsu. Khi
đến gần Đức Giêsu và thấy Người đã chết, họ không đánh giập ống chân Người.
Nhưng một người lính lấy giáo đâm vào cạnh sườn Người. Tức thì, máu cùng
nước chảy ra.
3. Suy Niệm
– Ga
19:25-29: Đức Maria, người phụ nữ
kiên cường, hiểu được ý nghĩa đầy đủ của sự kiện này, sẽ giúp chúng ta đưa ra một
cái nhìn chiêm niệm về Đấng bị đóng đinh. Sách Tin Mừng thứ tư xác định rằng
những môn đệ này “đứng gần thập giá” (Ga 19:25-26). Chi tiết này có một ý
nghĩa sâu sắc. Chỉ có sách Tin Mừng thứ tư cho chúng ta biết rằng năm người
này đứng gần thập giá. Các Thánh Sử khác không nói như vậy. Lấy ví
dụ, thánh Luca nói rằng tất cả những người quen biết Đức Giêsu cũng như những
người đã đi theo Chúa Giêsu từ Galilêa chứng kiến những việc ấy từ đàng xa (Lc
23:49). Thánh Mátthêu cũng nói rằng có nhiều người phụ nữ đứng nhìn từ
đàng xa. Các bà này đã theo Đức Giêsu từ Galilêa để giúp đỡ Người.
Nhưng giờ đây họ theo dõi Người từ đàng xa (Mt 27:55-56). Giống như
Mátthêu, thánh Máccô cho chúng ta biết tên những người theo dõi cái chết Chúa
Giêsu từ xa xa (Mc 15:40-41). Do đó, chỉ có sách Tin Mừng thứ tư nói rằng
thân mẫu Chúa Giêsu, cùng các người phụ nữ khác và người môn đệ Chúa thương mến
“đứng gần thập giá”. Họ đứng đó như những người hầu đứng trước vua của họ.
– Ga
16:30-34: Họ hiện diện một cách
can đảm vào thời điểm Chúa Giêsu đã tuyên bố rằng “Thế là đã hoàn tất!” (Ga
19:30). Thân mẫu Chúa Giêsu đã có mặt vào giờ cuối cùng “đã đến”.
Giờ đó đã được báo trước tại tiệc cưới Cana (Ga 2:1 và tiếp theo). Sách
Tin Mừng thứ tư đã nhận xét rằng lúc ấy “thân mẫu Chúa Giêsu đã ở đó” (Ga
2:1). Do đó, người mà vẫn trung thành với Chúa trong số mệnh của Ngài,
người ấy là người môn đệ được Chúa yêu mến. Thánh sử cho người môn đệ này
ẩn danh để mỗi người chúng ta có thể thấy mình được phản chiếu trong người biết
những mầu nhiệm của Chúa, là người đã tựa đầu vào ngực Chúa Giêsu tại Bữa Tiệc
Ly (Ga 13:25). Người mẹ đứng dưới chân cây thập giá (xem Ga 19:25), đã chấp
nhận di ngôn yêu thương và chào đón tất cả mọi người trong con người của người
môn đệ yêu dấu như các con cái được tái sinh đến sự sống muôn đời.
– Chúa Giêsu dự phần tích cực trong cái chết của Người,
Chúa không để cho mình bị giết như những tên trộm bị đánh giập ống chân (Ga
19:31-33), mà Người trao Thần Khí của mình (Ga 19:30). Các chi tiết được
Phúc Âm Thánh Sử nhắc lại thì rất quan trọng: khi thấy thân mẫu và môn đệ
mình thương mến đứng bên cạnh, Chúa Giêsu nói với thân mẫu rằng: “Thưa
Bà, đây là con của Bà.” Rồi Người nói với môn đệ: “Đây là mẹ của
anh.” (Ga 19:26-27). Những lời đơn giản này cũng gợi lại những lời
được quan Philatô công bố trên sân đá: “Đây là người” (Ga 19:5). Với
những lời này, Chúa Giêsu trên thập giá, ngai tòa của Người, mặc khải thánh ý
và tình yêu của Người dành cho chúng ta. Ngài là Chiên Thiên Chúa, vị mục
tử hiến mạng mình vì chiên của Người. Vào lúc đó, bằng cây thập giá, Người
sinh ra Giáo Hội, được đại diện bởi Đức Maria, bà Maria vợ ông Clêôpát và bà
Maria Mađalêna, cùng với người môn đệ yêu dấu (Ga 19:25).
4. Một vài câu hỏi cá nhân
– Mẹ Maria đã cho bạn một mẫu mực cho việc làm cha mẹ,
làm môn đệ, và tình yêu thương như thế nào? Tôi đã áp dụng những điều
gì trong chính cuộc sống của tôi?
– Đức Maria thể hiện sự khiêm nhường và lòng vâng phục,
thế nhưng bà cũng lãnh đạo (như tại Cana). Tôi lãnh đạo người khác như thế
nào, bằng những phương cách gì, trong khi chính bản thân cũng thực sự khiêm tốn
và vâng phục?
5. Lời nguyện kết
Huấn lệnh CHÚA hoàn
toàn ngay thẳng, làm hoan hỷ cõi lòng.
Mệnh lệnh CHÚA xiết
bao minh bạch, cho đôi mắt rạng ngời.
(Tv 19:8)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét