28/05/2020
Thứ Năm tuần 7 Phục
Sinh
BÀI ĐỌC I: Cv 22, 30;
23, 6-11
“Con phải làm chứng về Ta tại
Rôma”.
Trích sách Tông đồ
Công vụ.
Trong những ngày ấy,
toà án muốn biết đích xác người Do-thái tố cáo Phaolô về tội gì, nên cởi trói
cho ngài, và truyền lệnh cho các thượng tế và toàn thể công nghị họp lại, rồi dẫn
Phaolô đến đứng trước mặt họ. Phaolô biết có một số người thuộc phe Sađốc, và một
số khác thuộc phe biệt phái, nên kêu lớn tiếng giữa công nghị rằng: “Thưa anh
em, tôi là biệt phái, con của người biệt phái, tôi bị xét xử vì niềm hy vọng và
vì sự sống lại của những người đã chết”. Ngài vừa nói thế, thì xảy ra sự bất đồng
ý kiến giữa các người biệt phái và Sađốc, và hội đồng đâm ra chia rẽ. Vì các
người Sađốc cho rằng không có sự sống lại, không có thiên thần và thần linh;
còn các người biệt phái thì tin tất cả điều đó. Tiếng la lối inh ỏi, và có mấy
người biệt phái đứng lên bênh vực rằng: “Chúng tôi không thấy người này có tội
gì; và nếu thần linh hay thiên thần nói với người này thì sao?” Cuộc tranh luận
đã đến hồi gây cấn, viên quản cơ sợ Phaolô bị phân thây, nên sai lính xuống kéo
ngài ra khỏi họ và dẫn về đồn.
Đêm sau, Chúa hiện đến
cùng ngài và phán: “Hãy can đảm lên! Con đã làm chứng về Ta tại Giêrusalem thế
nào, thì cũng phải làm chứng về Ta tại Rôma như vậy”. Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 15, 1-2a và
5. 7-8. 9-10. 11
Đáp: Xin bảo toàn
con, lạy Chúa, vì con tìm nương tựa Chúa (c. 1).
Hoặc đọc: Alleluia.
Xướng: 1) Xin bảo toàn
con, lạy Chúa, vì con tìm nương tựa Chúa. Con thưa cùng Chúa: Ngài là chúa tể
con; Chúa là phần gia nghiệp và phần chén của con, chính Ngài nắm giữ vận mạng
của con. – Đáp.
2) Con chúc tụng Chúa
vì đã ban cho con lời khuyên bảo, đó là điều lòng con tự nhủ, cả những lúc đêm
khuya. Con luôn luôn đặt Chúa ở trước mặt con, vì Chúa ngự bên hữu con, con sẽ
không nao núng. – Đáp.
3) Bởi thế, lòng con
vui mừng và linh hồn con hoan hỉ, ngay cả đến xác thịt của con cũng nằm nghỉ an
toàn, vì Chúa chẳng bỏ rơi linh hồn con trong Âm phủ, cũng không để thánh nhân
của Ngài thấy điều hư nát. – Đáp.
4) Chúa sẽ chỉ cho con
biết đường lối trường sinh, sự no đầy hoan hỉ ở trước thiên nhan, sự khoái lạc
bên tay hữu Chúa, tới muôn muôn đời! – Đáp.
ALLELUIA: Ga 14, 18
Alleluia, alleluia!
– Chúa phán: “Thầy sẽ không bỏ các con mồ côi: Thầy sẽ đến với các con và lòng
các con sẽ vui mừng”. – Alleluia.
PHÚC ÂM: Ga 17, 20-26
“Xin cho chúng nên một”.
Tin Mừng Chúa Giêsu
Kitô theo Thánh Gioan.
Khi ấy, Chúa Giêsu ngước
mắt lên trời cầu nguyện rằng: “Lạy Cha chí thánh, Con không cầu xin cho chúng
mà thôi, nhưng còn cho tất cả những kẻ, nhờ lời chúng mà tin vào Con, để mọi
người nên một, cũng như Cha ở trong Con và Con ở trong Cha, để cả chúng cũng
nên một trong Ta, để thế gian tin rằng Cha đã sai Con. Con đã ban cho chúng
vinh hiển mà Cha đã ban cho Con, để chúng nên một như Chúng Ta là một. Con ở
trong chúng, và Cha ở trong Con, để chúng được hoàn toàn nên một và để thế gian
biết rằng Cha đã sai Con, và Con đã yêu mến chúng như Cha đã yêu mến Con. Lạy
Cha, những kẻ Cha ban cho Con thì Con muốn rằng Con ở đâu, chúng cũng ở đấy với
Con, để chúng chiêm ngưỡng vinh quang mà Cha đã ban cho Con, vì Cha đã yêu mến
Con trước khi tạo thành thế gian. Lạy Cha công chính, thế gian đã không biết
Cha, nhưng Con biết Cha, và những người này cũng biết rằng Cha đã sai Con. Con
đã tỏ cho chúng biết danh Cha, và Con sẽ còn tỏ cho chúng nữa, để tình Cha yêu
Con ở trong chúng, và Con cũng ở trong chúng nữa”. Đó là lời Chúa.
SUY NIỆM : Sức mạnh của
hiệp nhất.
Có một câu truyện cổ
như sau:
Trong một buổi hội
họp của tất cả các muông thú rừng xanh, dòng giống nhà cọp đã dành được ngôi vị
Chúa sơn lâm nhờ vào sức mạnh và bản tính hung dữ của chúng. Ngày kia, cọp gặp
người thợ săn. Trước khi phóng mũi tên, bác thợ săn nói với cọp:
- Hỡi Chúa sơn lâm,
hãy đón nhận điều mà con người gửi đến các muông thú.
Và mũi tên đã cắm
phập vào lưng cọp. Quá đau đớn, cọp đã chạy trốn vào rừng rậm. Thấy cọp bỏ chạy,
một con sói già hỏi: tại sao? Cọp lắc đầu đáp:
- Chỉ một lời con
người muốn nói với ta, mà đã làm ta đau đớn thế này, thì làm sao chúng ta có thể
chống lại bọn họ.
Sói già an ủi cọp:
- Điều suy nghĩ của
Chúa sơn lâm thực tế, tuy nhiên, Chúa sơn lâm lại quên một điều là nếu tất cả
muông thú rừng xanh đoàn kết lại, chúng ta có thể chống lại con người. Như nhà
sói chúng tôi đây tuy sức mạnh không bằng Chúa sơn lâm, nhưng cả một bày sói, với
sức mạnh tổng hợp, chúng tôi có thể làm thịt người thợ săn.
Ý kiến ấy thật hay,
nhưng thú rừng vẫn bị tiêu diệt, vì chẳng bao giờ chúng học được hai chữ hiệp
nhất.
Trước khi từ giã các
môn đệ để về cùng Cha, Chúa Giêsu biết rằng những kẻ theo Ngài sẽ bị thế gian
ghét bỏ và bị quyền lực sự dữ tấn công, nếu đơn độc chiến đấu, chắc chắn họ sẽ
thất bại như Nguyên tổ của họ ngày xưa. Bởi thế, Chúa Giêsu đã cầu nguyện cho họ
được hiệp nhất nên một “như Cha ở trong Con và Con ở trong Cha”. Ngài không cầu
xin cho họ có sức mạnh, vì sức mạnh thường đưa con người đến nguy cơ ỷ lại vào
mình; Ngài cũng không cầu xin cho họ có quyền lực, vì quyền lực dễ đưa con người
lọt vào hố sâu của tham vọng.
Khi cầu nguyện cho cộng
đoàn những kẻ nhờ lời các Tông đồ mà tin, Chúa Giêsu đã không xin cho Giáo Hội
được phát triển bằng sức mạnh và quyền lực, mà chỉ xin cho tất cả được hiệp nhất
trong Ngài và hiệp nhất với nhau, để Ngài ở đâu, họ cũng ở đó, và để họ được
chiêm ngưỡng vinh quang của Thiên Chúa.
Người kitô hữu chúng
ta hôm nay cũng được mời gọi phản chiếu hình ảnh trung thực của Chúa Giêsu bằng
cách sống yêu thương hiệp nhất. Chắc chắn không ai trong chúng ta có thể đứng vững
một mình nhưng phải liên kết với nhau để thông truyền sức sống. Muốn liên kết với
nhau, chúng ta cần phải ra khỏi con người ích kỷ của mình, phải từ bỏ nhiều tật
xấu cố hữu của mình, nhờ đó chúng ta sẽ nên một trong Chúa và được chiêm ngưỡng
quyền năng vinh quang Chúa hoạt động nơi chúng ta.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày
Một Tin Vui’)
Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Năm Tuần VII PS
Bài đọc: Acts
22:30, 23:6-11: Jn 17:20-26.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ:
Chia rẽ và hiệp nhất
Hiệp nhất là điều ao ước
của con người cho gia đình, cộng đoàn, Giáo Hội, và toàn thế giới. Nhưng sự hiệp
nhất hệ tại điều gì? Có phải là cùng chung một màu da hay nói cùng một ngôn ngữ?
Nếu hiệp nhất chỉ cần như thế, thì đã không có những cuộc nội chiến tương tàn
như chiến tranh Nam-Bắc tại Việt Nam! Có phải là mang cùng một tên gọi? Nếu thế,
đã không có quá nhiều giáo phái giữa các Kitô hữu! Hay tin vào cùng một Chúa? Cả
ba tôn giáo độc thần: Do-thái, Kitô Giáo, và Hồi Giáo đều tin vào một Chúa mà vẫn
không hiệp nhất với nhau! Các Đức Giáo Hoàng sau này đã kêu gọi và cổ võ cho sự
hiệp nhất bằng cách chú trọng nhiều đến điểm tương đồng giữa các tôn giáo, để
cùng nhau làm việc và làm cho mọi người nhận biết Thiên Chúa.
Các Bài Đọc hôm nay
cho chúng ta thấy sự hiệp nhất hòan hảo phải đặt căn bản trên sự thật và yêu
thương quí trọng nhau. Trong Bài Đọc I, Phaolô tuy là người rao giảng về hiệp
nhất về nền học thần học thân thể, đã nói những lời gây ra cuộc ẩu đả dữ dội giữa
hai phái Pharisees và Saduccees. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu chú trọng đến việc làm
theo thánh ý Thiên Chúa và yêu thương. Đây là hai điều căn bản xây dựng sự hiệp
nhất.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Chính vì hy vọng rằng kẻ chết sẽ sống lại mà tôi bị đưa
ra xét xử.
1.1/ Phaolô gây chia rẽ
giữa những người Pharisees và Saduccees trong THĐ:
(1) Sự sống lại:
Phaolô rất tinh ý. Ông biết cả hai giáo phái đều chống ông về niềm tin vào Đức
Kitô, nên ông không đề cập trực tiếp đến Đức Kitô; nhưng ông đề cập đến sự sống
lại mà hai giáo phái khác biệt nhau, nên ông nói lớn tiếng giữa hội nghị: “Thưa
anh em, tôi là người Pharisee, thuộc giòng dõi Pharisees; chính vì hy vọng rằng
kẻ chết sẽ sống lại mà tôi bị đưa ra xét xử.”
(2) Hậu quả của những
gì Phaolô nói: Ông vừa nói thế, thì người Pharisees và người Saduccees chống đối
nhau, khiến hội nghị chia rẽ. Thật vậy, người Saduccees chủ trương rằng chẳng
có sự sống lại, chẳng có thiên sứ hay quỷ thần; còn người Pharisees thì lại tin
là có.
Người ta la lối om
sòm. Có mấy kinh sư thuộc phái Pharisees đứng lên phản đối mạnh mẽ: “Chúng tôi
không thấy người này có gì là xấu. Biết đâu một vị thần hay một thiên sứ đã nói
với ông ấy?” Hai bên chống đối gay gắt đến nỗi vị chỉ huy sợ người ta xé xác
ông Phaolô, nên mới ra lệnh cho lính xuống lôi ông ra khỏi đám người đó mà đưa
về đồn.
1.2/ Niềm tin của
Phaolô vào sự sống lại: Một người có thể trách Phaolô đã gây chia rẽ trong THĐ,
và đã không là sứ giả mang hòa bình tới cho mọi người; nhưng Phaolô hoàn toàn
có lý khi làm như thế vì những lý do sau:
+ Hiệp nhất lý tưởng
là hiệp nhất trong sự thật; chứ không hiệp nhất trong sự gian dối. Những người
trong THĐ đã không theo hướng dẫn của Lề Luật khi xét xử Chúa Giêsu, Phêrô,
Phaolô, và các môn đệ của Ngài. Một THĐ gồm những người như thế, con người
không buộc phải tuân theo, như Phêrô và Gioan đã từng nói: “Chúng tôi phải vâng
lời Thiên Chúa hơn vâng lời người đời.” Phaolô không nói điều gì gian dối,
nhưng hoàn toàn đúng theo sự thật: Ông tin có sự sống lại, và chính vì điều này
mà ông vào tin Đức Kitô, khi Ngài hiện ra khuyến cáo ông trên đường ngã ngựa tại
Damascus. Sự sống lại là nền tảng chính yếu cho đức tin của Kitô Giáo, đến nỗi
Phaolô đã phải nói mạnh: “Nếu Đức Kitô không sống lại, niềm tin của chúng ta sẽ
ra vô ích.”
+ Hiệp nhất đòi con
người phải công bằng: Người Kitô hữu không phải ngây thơ đến độ “cứ đưa má cho
người ta vả;” nhưng có lúc họ phải chất vấn những người bắt nạt, như Chúa Giêsu
đã chất vấn viên sĩ quan của Thượng Tế, khi hắn vả mặt Ngài: “Nếu Ta nói sai,
hãy chứng minh; nếu ta nói phải, sao ngươi đánh Ta” (Jn 18:22)?
+ Hiệp nhất đòi người
môn đệ phải khôn ngoan: Phaolô biết cách phân tán lực lượng của kẻ thù; đồng thời
ông cũng biết cách đặt vấn đề cho con người phải suy nghĩ. Chính Chúa Giêsu
cũng hài lòng về những gì ông làm, khi “đêm ấy Chúa đến bên ông Phaolô và nói: “Hãy
vững lòng! Con đã long trọng làm chứng cho Thầy ở Jerusalem thế nào, thì con
cũng phải làm chứng như vậy tại Rôma nữa.””
2/ Phúc Âm: Để tất cả nên một, như Cha ở trong con và con ở trong
Cha.
2.1/ Mô hình lý tưởng
của sư hiệp nhất: Sự hiệp nhất giữa Ba Ngôi Thiên Chúa.
+ Hiệp nhất trong sự
thật: mọi người cùng chung một niềm tin vào Đức Kitô. Đây là lời cầu nguyện của
Chúa Giêsu cho hết mọi người, trong đó có chúng ta, những người đã tin vào
Ngài: “Con không chỉ cầu nguyện cho những người này, nhưng còn cho những ai nhờ
lời họ mà tin vào con, để tất cả nên một, như Cha ở trong con và con ở trong
Cha để họ cũng ở trong chúng ta. Như vậy, thế gian sẽ tin rằng Cha đã sai con.”
Trong lời cầu nguyện này, chúng ta thấy biểu lộ một niềm tin không lay chuyển của
Chúa Giêsu vào Thiên Chúa và vào con người, cho dẫu Ngài đã thấy trước sự phản
bội của các môn đệ trong Cuộc Thương Khó. Ngài tin các môn đệ, sau khi đã trải
qua sóng gió, sẽ nhận ra sự thật, sẽ tin và làm chứng cho Ngài.
+ Hiệp nhất trong tình
yêu: mọi người cùng chung một tình yêu đến từ Thiên Chúa. Chúa Giêsu biết rõ
hai điều căn bản cho sự hiệp nhất là sự thật và tình yêu, nên Ngài cầu xin với
Chúa Cha: “Phần con, con đã ban cho họ vinh quang mà Cha đã ban cho con, để họ
được nên một như chúng ta là một: Con ở trong họ và Cha ở trong con, để họ được
hoàn toàn nên một; như vậy, thế gian sẽ nhận biết là chính Cha đã sai con và đã
yêu thương họ như đã yêu thương con.” Tình yêu phải là đồng phục của hiệp nhất:
các tín hữu có thể khác biệt về những điều khác, nhưng phải cùng một tình yêu,
như Chúa đã nhấn mạnh: “Người ta cứ dấu này, mà nhận biết các con là môn đệ Thầy,
là các con yêu thương nhau” (Jn 13:35).
2.2/ Vinh quang của
Chúa Cha ban cho Chúa Giêsu: Tình yêu đòi hỏi sự hiệp nhất với nhau trong mọi
nơi và mọi lúc, khi vinh quang cũng như lúc gian khổ. Chúa Giêsu cầu xin Chúa
Cha liên kết Ngài với các môn đệ luôn: “Lạy Cha, con muốn rằng con ở đâu, thì
những người Cha đã ban cho con cũng ở đó với con, để họ chiêm ngưỡng vinh quang
của con, vinh quang mà Cha đã ban cho con, vì Cha đã yêu thương con trước khi
thế gian được tạo thành.” Vinh quang Thiên Chúa đã ban cho Chúa Giêsu là những
điều gì?
(1) Thập Giá là vinh
quang của Chúa Giêsu: Theo Gioan, khi chịu treo trên Thập Giá là lúc Chúa Giêsu
được vinh quang. Thiên Chúa cũng được vinh quang vì Kế Hoạch Cứu Độ của Ngài
hoàn tất. Con người cũng được vinh quang vì từ nay con người không ở dưới ách của
tử thần nữa. Vì thế, khi các môn đệ chịu đựng đau khổ vì Chúa Giêsu, họ mang lại
vinh quang cho chính họ và cho Thiên Chúa.
(2) Hoàn toàn vâng lời
làm theo thánh ý Thiên Chúa là vinh quang của Chúa Giêsu: Trong giờ phút hấp hối
ở Vườn Cây Dầu, Chúa Giêsu đã cầu nguyện để làm theo thánh ý Thiên Chúa. Vì thế,
vượt qua mọi gian khổ để chu toàn thánh ý Thiên Chúa, làm Chúa Giêsu được vinh
quang.
(3) Làm cho các môn đệ
nhận biết Chúa là vinh quang: “Con đã cho họ biết danh Cha, và sẽ còn cho họ biết
nữa, để tình Cha đã yêu thương con, ở trong họ, và con cũng ở trong họ nữa.”
Khi các môn đệ làm cho
mọi người nhận biết Thiên Chúa, họ làm cho Danh Chúa được cả sáng.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC
SỐNG:
– Để có hiệp nhất
trong gia đình và cộng đoàn, chúng ta cần biết sống theo sự thật và yêu thương
nhau bằng tình yêu Thiên Chúa.
– Mỗi con người đều có
ý kiến khác nhau. Điều làm cho con người liên kết với nhau là cùng làm theo ý
Thiên Chúa.
Linh mục Anthony
Đinh Minh Tiên, OP
28/05/2020 – THỨ NĂM TUẦN 7 PS
Ga 17,20-26
Ở LẠI TRONG TÌNH YÊU CHÚA
“Lạy Cha, con muốn rằng
con ở đâu, thì những người Cha đã ban cho con cũng ở đó với con.” (Ga 17,24)
Suy niệm: Các tông đồ đầu tiên được biến đổi từ những ngư dân
hồ Ga-li-lê trở thành môn đệ Chúa Giê-su qua ba hành động: đến, xem và ở lại. Ở
lại là một quá trình dài lâu, không chỉ vài ba ngày, dăm ba tháng, đôi ba năm,
nhưng là cả cuộc đời. Nhờ ở lại với Thầy Giê-su, các môn đệ nhận biết Thầy mình
là Thiên Chúa ở giữa con người, rất mực yêu thương đến độ trở thành bạn hữu của
họ. Ngài còn muốn nâng họ lên một tầm cao hơn nữa: “Con muốn rằng con ở đâu, những
người Cha đã ban cho con cũng ở đó với con.” Đó là sự hiệp thông sâu xa nhất mà
tình yêu có khả năng đem lại, một sứ điệp có sức biến đổi ý nghĩa cả cuộc đời
ta khi biết rằng mình được Thiên Chúa yêu thương như vậy.
Mời bạn – Chia sẻ: Đến lượt mình, chúng ta cũng được mời gọi diễn tả
tình thương yêu ấy cho người khác. Trong những tháng qua, dịch bệnh Covid-19
làm cản trở nhịp sinh hoạt của đời sống xã hội và tôn giáo. Bị cách ly xã hội
nhưng các tín hữu vẫn cảm nếm được tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa,
qua các sáng kiến mục vụ của các vị mục tử, qua các Thánh lễ, giờ Chầu Thánh Thể,
cầu nguyện trực tuyến; các sáng kiến của lòng cảm thương đối với những phận người
nghèo khó. Bạn đã sống đức tin, tình yêu trong hoàn cảnh này như thế nào?
Sống Lời Chúa: Sau Thánh lễ, thinh lặng cầu nguyện trước Chúa
Giê-su Thánh Thể, hay tìm một “góc riêng” để học biết cảm nếm tình thương của
Chúa dành cho mình.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con nhận ra Chúa vẫn luôn ở với
con và yêu thương con mọi ngày. Amen.
(5 Phút Lời Chúa)
SUY NIỆM : Để họ được
nên một
Suy niệm
:
Bài Tin Mừng hôm nay là phần cuối của Lời Nguyện sau Tiệc Ly.
Đức Giêsu cầu nguyện, không phải cho các môn đệ đang hiện diện,
nhưng cho các môn đệ tương lai, là chính chúng ta,
những người tin nhờ nghe lời giảng của các môn đệ đi trước (c.20).
Hôm nay Đức Giêsu là Thượng Tế trên trời, là Đấng Trung Gian duy nhất,
vẫn dâng lên Chúa Cha lời nguyện tương tự.
Ngài nhìn thấy một phần ba dân số thế giới là Kitô hữu, hơn hai tỷ người.
Ngài nhìn thấy những người theo Công Giáo gồm hơn một tỷ,
theo Chính Thống giáo, Tin Lành, Anh giáo và bao giáo phái khác.
Ngài xin Cha cho họ nên một, như Cha và Con là một (c. 22).
Đức Giêsu đã xin cho các môn đệ đang hiện diện bên Ngài
được nên một “như chúng ta” (Ga 17, 11b).
Bây giờ Ngài xin cho các môn đệ tương lai cũng được nên một.
Sự hiệp nhất nên một giữa Cha và Con
vừa là khuôn mẫu, vừa là nguồn mạch cho sự hiệp nhất giữa các Kitô hữu.
“Để tất cả nên một, như Cha ở trong Con và Con ở trong Cha” (c. 21).
Cha và Con ở trong nhau, đó là mẫu mực cho sự hiệp nhất.
Chúng ta được mời gọi ở trong nhau khắng khít như Cha và Con.
Điều này không thể thực hiện được, nếu chúng ta không được đưa vào
trong mối tương quan thân thiết giữa Cha và Con:
“để họ cũng ở trong Chúng Ta” (c. 21).
Các Kitô hữu chỉ hiệp nhất khi họ được sống trong nguồn hiệp nhất
là sự ở trong nhau giữa Cha và Con.
Trong Lời Nguyện của Đức Giêsu, ta thấy có một tương quan ba chiều
giữa Cha, Con và các môn đệ.
“Con ở trong họ và Cha ở trong Con…
Cha đã yêu thương họ như đã yêu thương Con” (c. 23).
“Tình Cha đã yêu thương Con ở trong họ, và Con cũng ở trong họ nữa”
(c.26).
Tương quan này sâu lắng đến mức có sự ở lại trong nhau thật sự
giữa Cha, Con và các môn đệ là chính chúng ta.
Tuy vậy ít khi chúng ta dám nghĩ mình có tương quan gần gũi đến thế
với thế giới siêu việt của Cha và Con.
Nhưng Đức Giêsu còn nói đến tương quan giữa các môn đệ với thế gian.
Chỉ khi có sự hiệp nhất giữa các môn đệ, lúc đó mới hy vọng
“Thế gian sẽ tin rằng Cha đã sai Con” (c. 21),
“Thế gian sẽ nhận biết rằng Cha đã sai Con (c. 23).
Chúng ta cầu cho sự hiệp nhất yêu thương giữa các Kitô hữu trên thế giới.
Nếu một phần ba dân số thế giới sống nên một trong yêu thương,
hai phần ba còn lại sẽ sống trong hạnh phúc bình an.
Cầu nguyện :
Lạy Thiên Chúa Ba Ngôi là Đấng con tôn thờ,
xin giúp con quên mình hoàn toàn
để ở lại trong Chúa.
lặng lẽ và an bình
như thể hồn con đã sống trong vĩnh cửu.
Lạy Đấng thường hằng bất biến,
mong sao không gì có thể khuấy động
sự bình an của con,
hay làm cho con ra khỏi Chúa;
nhưng ước chi mỗi phút lại đưa con
tiến xa hơn vào chiều sâu của mầu nhiệm Chúa !
Xin làm cho hồn con bình an thanh thản,
xin biến hồn con thành chốn trời cao,
thành nơi cư ngụ dấu yêu của Chúa,
nơi Chúa nghỉ ngơi.
Ước chi
con không bao giờ để Chúa ở đó một mình
nhưng con luôn có mặt, với trọn cả con người,
với thái độ nhạy bén trong đức tin,
cung kính tôn thờ
và phó mình cho Chúa sáng tạo. Amen.
(Lời nguyện của chân phước Elisabeth de Trinité)
Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
28 THÁNG NĂM
Nỗi Xao Xuyến Không
Ngừng Gặm Nhấm Tạo Vật
Con người có khả năng
cầu nguyện. Vì thế, con người trở thành tiếng nói của mọi loài thụ tạo. Các
Tông Đồ cầu nguyện với nhau và với Đức Maria trong căn gác thượng ở
Giê-ru-sa-lem. Giáo Hội cầu nguyện nhân danh toàn thể mọi tạo vật.
Thật vậy, muôn loài đã
bị lâm vào cảnh hư ảo (Rm 8, 20) do tội lỗi là cái chống lại Thần Khí trao ban
sự sống. Và kìa, trước mắt chúng ta , con người đang đạt được những bước tiến bộ
kỳ diệu trong các lãnh vực khoa học và kỹ thuật. Những thành tựu ấy đặc biệt mở
ra cho thấy sự phong phú ẩn giấu trong tạo vật. Song nó cũng mở ra cho thấy sự
tội đồn trú trong lòng con người và lan tràn ra các xã hội xét như một phần của
lịch sử chúng ta.
Đó là lý do tại sao một
nỗi xao xuyến đang dậy lên trong thế giới. Nhiều người sợ rằng thế giới tạo vật
và mọi công cuộc của con người có thể còn lâm vào bế tắc hơn nữa – khi chúng ta
kinh nghiệm những mối khủng hoảng và những đe dọa đang ngày càng gia tăng. Vì
thế mọi tạo vật – xuyên qua lời cầu nguyện của mọi con người (hơn là xuyên qua
các công trình của con người) – lên lời rên siết kêu nài. Thánh Phao-lô nói:
“Muôn loài thọ tạo những ngong ngóng đợi chờ ngày Thiên Chúa mặc khải vinh
quang của con cái Ngài” (Rm 8, 19).
Chúng ta hãy cầu nguyện:
“Lạy Chúa, xin cho chúng con biết nói lên bằng mọi thứ ngôn ngữ của thế giới hiện
đại – ngôn ngữ của văn hóa và văn minh; ngôn ngữ của sự đổi mới xã hội, kinh tế
và chính trị; ngôn ngữ của công lý và giải phóng; ngôn ngữ của các hệ thống
thông tin và của các phương tiện truyền thông đại chúng. Lạy Chúa, xin cho
chúng con biết công bố khắp mọi nơi về bao công trình kỳ diệu của Chúa. Xin
Thánh Thần Chúa tràn ngập trên chúng con! Xin hãy đổi mới bộ mặt địa cầu xuyên
qua sự mặc khải vinh quang của con cái Ngài”.
– suy tư 366 ngày của
Đức Gioan Phaolô II –
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations
by Pope John Paul II
Lời Chúa Trong Gia Đình
Ngày 28/5
Cv 22, 30;23, 6-11;
Ga 17, 20-26.
Lời Suy Niệm: “Con không chỉ
cầu nguyện cho những người này, nhưng còn cho những ai nhờ lời họ mà tin vào
Con, để tất cả nên một, như Cha ở trong Con và Con ở trong Cha để họ cùng ở
trong chúng ta.”
Chúa Giêsu đang mạc khải và dạy chúng ta sự “hiểu biết” bất khả phân ly về Chúa
Cha và Người. Sự hiểu biết ấy chính là mầu nhiệm của đời sống cầu nguyện.
(GL2751)
Lạy Chúa Giêsu. Xin cho chúng con sống với đời chứng nhân, để tất cả nên một
trong Chúa, hầu chúng con cùng hưởng được sự sống đời đời.
Mạnh Phương
28 Tháng Năm
Người Tín Hữu Cuối Cùng
Tiểu thuyết gia Graham
Greene thuật câu chuyện ông dự định viết như sau:
Ðây là một chuyện
giả tưởng sẽ xảy ra trong tương lai rất xa, khi toàn thế giới chỉ còn được thống
trị do một đảng duy nhất. Cảnh đầu tiên ở trong câu chuyện diễn ra trong một
khách sạn nhỏ vào lúc màn đêm đã bao trùm vạn vật. Một người khách già nua, mệt
nhọc, xốc xếch trong chiếc áo đi mưa đã phai màu, mang một chiếc xách tay tiến
vào khách sạn, xin thuê một phòng. Ông ta viết tên họ, nghề nghiệp và địa chỉ
vào bản lý lịch và chệnh choạng đi lên phòng. Người quản gia nhìn vào bản lý lịch
và buộc miệng hỏi anh thư ký:
– Anh có biết ai đấy
không?
– Làm sao tôi biết
được. Anh thư ký trả lời.
– Ðức Giáo Hoàng đấy!
Người quản gia quả quyết để anh thư ký tròn xoe đôi mắt hỏi vặn lại: Ðức Giáo
Hoàng? Ðức Giáo Hoàng là gì?
Ðạo công giáo lúc ấy
đã bị tiêu diệt hoàn toàn, chỉ còn Ðức Giáo Hoàng là người duy nhất được sống
sót. Mạng Ngài còn được dung tha vì hai lý do: thứ nhất, đẻ chứng minh cho
chính Ngài và cho mọi người là Giáo Hội đã chết và thứ hai, để theo dõi xem có
tín hữu nào còn lần mò đến để tiếp xúc với Ngài không.
Khi đã biết chắc chắn
100% là duy có Ngài là độc nhất còn mang đức tin công giáo, nhà độc tài cho độ
Ngài đến và tự tay lảy có súng, kết liễu cuộc đời người tín hữu cuối cùng.
Nhưng trong giây phút, giữa lúc bóp cò và Ðức Thánh Cha chết, một ý tưởng lóe
ra trong đầu óc nhà độc tài: Có thể điều này ông tin lại có thật, thì sao?
Xuyên qua đời sống
tính nhân của các tín hữu, có thể những người xem thấy đời sống chứng tá của họ
tự hỏi: Tại sao họ lại sống như thế? Tại sao họ không chạy theo trào lưu, sống
như nhưng kẻ khác, thời bây giờ ai lại không mánh mum lừa đảo, chợ đen chợ đỏ,
v.v…? Lý tưởng nào hay ai đã ghi hình ảnh trên họ? Tại sao họ lại sống ở giữa
chúng ta? Như thế đời sống chứng nhân đã là một sự tuyên xưng thầm lặng của tín
hữu, nhưng nó rất mãnh liệt và hữu hiệu. Ðó là những lời phát biểu của Ðức cố
Giáo Hoàng Phaolô VI trong lời giáo huấn của Ngài mang tựa đề “Truyền giáo
trong xã hội tân tiến”, Chúa Giêsu đã khẳng định: “Các con là muối đất”, “Các
con là ánh sáng thế gian”. Ngài gọi những tín hữu như thế với lòng xác tín là họ
xứng đáng để phơi bày và chia sẻ cho anh chị em đang sống bên cạnh.
(Lẽ Sống)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét