03/06/2020
Thứ Tư tuần 9 thường
niên.
Thánh Carôlô Loan-ga và các bạn, tử đạo.
Lễ nhớ.
*
Cùng với hai mươi hai vị tử đạo U-găng-đa này, trang sử về các
Chứng Nhân Tử Đạo những thế kỷ đầu lại tái diễn. Rất nhiều vị trong số đó chỉ mới
là Kitô hữu được ít lâu. Bốn vị trong số đó được cha Carôlô Loan-ga thanh tẩy
ngay trước lúc hành hình. Phần lớn các vị bị thiêu sống ở Nu-mun-gun-gô
(1886) thuộc lớp tuổi từ mười sáu đến hai mươi bốn. Vị trẻ
nhất tên là Ki-di-tô mới có mười ba tuổi.
Bài Ðọc I: (Năm II) 2 Tm 1,
1-3. 6-12
"Con
hãy làm sống lại ơn Thiên Chúa trong con qua việc đặt tay của cha".
Khởi đầu
thư thứ hai của Thánh Phaolô Tông đồ gửi cho Timôthêu.
Phaolô,
tông đồ của Ðức Giêsu Kitô, bởi ý định của Thiên Chúa, thể theo lời hứa ban sự
sống trong Ðức Giêsu Kitô, gởi lời hỏi thăm Timôthêu, người con yêu dấu. Nguyện
chúc ân sủng, lòng từ bi và bình an của Thiên Chúa Cha và Ðức Giêsu Kitô, Chúa
chúng ta, ở cùng con. Cha cảm tạ ơn Thiên Chúa, Ðấng cha phụng thờ như tổ tiên
cha đã làm, với một lương tâm trong sạch, ngày đêm cha luôn luôn nhớ đến con,
khi cha cầu nguyện. Vì thế, cha khuyên con hãy làm sống lại ơn Thiên Chúa đã
ban cho con do việc đặt tay của cha. Vì chưng, Thiên Chúa không ban cho chúng
ta một thần trí nhát sợ, mà là thần trí dũng mạnh, bác ái và tiết độ. Vậy con,
con chớ hổ thẹn làm chứng cho Chúa chúng ta, và cho cha nữa, là tù nhân của Người,
nhưng con hãy đồng lao cộng tác với cha vì Tin Mừng, nhờ quyền năng của Thiên
Chúa, Ðấng đã giải thoát và kêu mời chúng ta bằng ơn thiên triệu thánh của Người,
không phải do công việc chúng ta làm, mà là do sự dự định và ân sủng đã ban cho
chúng ta từ trước muôn đời trong Ðức Giêsu Kitô, nhưng bây giờ mới tỏ bày bằng
sự xuất hiện của Ðức Giêsu Kitô, Ðấng Cứu Chuộc chúng ta. Người đã dùng Tin Mừng
tiêu diệt sự chết và chiếu soi sự sống, và sự không hư nát được tỏ rạng. Cha đã
được đặt làm kẻ rao giảng, làm tông đồ và làm thầy dạy các dân ngoại. Cũng do
đó, cha phải chịu những thử thách này, nhưng cha không hổ thẹn, vì cha biết cha
tin vào Ðấng nào, và cha chắc chắn rằng Người có quyền phép gìn giữ kho tàng của
cha cho đến ngày đó.
Ðó là lời
Chúa.
Ðáp Ca: Tv 122, 1-2a. 2bcd
Ðáp: Lạy Chúa, con ngước mắt nhìn lên
Chúa (c. 1a).
Xướng:
1) Con ngước mắt nhìn lên Chúa, Ngài ngự trị ở cõi cao xanh. Kìa, như mắt những
người nam tôi tớ nhìn vào tay các vị chủ ông. - Ðáp.
2) Như
mắt của những người tỳ nữ nhìn vào tay các vị chủ bà, mắt chúng tôi cũng nhìn
vào Chúa là Thiên Chúa của chúng tôi như thế, cho tới khi Ngài thương xót chúng
tôi. - Ðáp.
Alleluia: Tv 129, 5
Alleluia,
alleluia! - Con hy vọng rất nhiều vào Chúa, linh hồn con trông cậy ở lời Chúa.
- Alleluia.
Phúc Âm: Mc 12, 18-27
"Người
không phải là Thiên Chúa kẻ chết, mà là Thiên Chúa kẻ sống".
Tin Mừng
Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.
Khi ấy,
có ít người phái Sađốc đến cùng Chúa Giêsu; phái này không tin có sự sống lại
và họ hỏi Người rằng: "Thưa Thầy, luật Môsê đã truyền cho chúng tôi thế
này: Nếu ai có anh em chết đi, để lại một người vợ không con, thì hãy cưới lấy
người vợ goá đó để gây dòng dõi cho anh em mình. Vậy có bảy anh em: người thứ
nhất cưới vợ rồi chết không con. Người thứ hai lấy người vợ goá và cũng chết
không con, và người thứ ba cũng vậy, và cả bảy người không ai có con. Sau cùng
người đàn bà ấy cũng chết. Vậy ngày sống lại, khi họ cùng sống lại, thì người
đàn bà đó sẽ là vợ của người nào? Vì cả bảy anh em đã cưới người đó làm vợ".
Chúa Giêsu trả lời rằng: "Các ông không hiểu biết Kinh Thánh, cũng chẳng
hiểu biết quyền phép của Thiên Chúa, như vậy các ông chẳng lầm lắm sao? Bởi khi
người chết sống lại, thì không lấy vợ lấy chồng, nhưng sống như các thiên thần ở
trên trời. Còn về sự kẻ chết sống lại, nào các ông đã chẳng đọc trong sách Môsê
chỗ nói về bụi gai, lời Thiên Chúa phán cùng Môsê rằng: "Ta là Chúa
Abraham, Chúa Isaac và Chúa Giacóp". Người không phải là Thiên Chúa kẻ chết,
mà là Thiên Chúa kẻ sống. Vậy các ông thật lầm lạc".
Ðó là lời
Chúa.
Suy Niệm: Có sự sống lại
Tin Mừng
hôm nay mô tả cuộc đụng độ đầu tiên giữa Chúa Giêsu và nhóm người Sađốc. Những
người Sađốc thuộc về hàng tư tế quí tộc. Về mặt chính kiến, họ theo bọn xâm lược.
Về mặt tôn giáo, họ rất bảo thủ. Ðối với họ, lề luật phải tuân theo chỉ có
trong năm cuốn sách đầu tiên của Bộ Kinh Thánh. Họ phi bác mọi giáo thuyết xuất
hiện sau này do các tiên tri và các bậc trí giả giảng dạy, chẳng hạn việc kẻ chết
sống lại. Do đó chẳng có gì ngạc nhiên khi họ tấn công Chúa Giêsu về vấn đề
này.
Thật thế,
dựa vào niềm tin mà họ cho là đúng đắn, những người Sađốc bắt đầu hỏi Chúa
Giêsu bằng bộ luật Môsê, theo đó khi người chồng chết, nếu người vợ anh ta chưa
có con, thì người anh (hoặc em) chồng phải cưới bà này để nối dõi tông đường.
Họ đặt
ra trường hợp một người đàn bà có bảy đời chồng, vào lúc sống lại, bà ấy sẽ là
vợ của ai trong bảy người anh em vì tất cả đã lấy bà làm vợ? Những người Sađốc
hỏi thế, không phải vì thành tâm tìm kiếm để sống theo sự thật, mà chỉ để đùa
giỡn với sự thật mà thôi.
Chúa
Giêsu biết rõ họ ngoan cố và cố ý thử thách Ngài, nhưng Ngài vẫn điềm tĩnh và
chỉ cho họ thấy sự dốt nát lầm lẫn của họ: Thứ nhất, họ thiếu hiểu biết Kinh
Thánh và quyền năng của Thiên Chúa; thứ hai, hoàn cảnh con người sau khi sống lại
hoàn toàn thay đổi, không giống như lúc còn sống ở trần gian này. Chúa Giêsu
nói rõ có sự sống lại, nhưng sở dĩ họ không tin là vì họ thiếu hiểu biết Kinh
Thánh. Thật thế, trong sách Môsê, đoạn nói về bụi gai, Thiên Chúa phán:
"Ta là Chúa của Abraham, Chúa của Isaac, Chúa của Yacob", Ngài không
là Chúa của kẻ chết, mà là của kẻ sống. Hơn nữa, nếu Thiên Chúa đã phán một lời
liền có mọi sự, chẳng lẽ Ngài không thể làm cho kẻ chết sống lại sao? Sự sống
và sự chết đều do Thiên Chúa, vì thế sự sống lại cũng thuộc về Thiên Chúa. Lại
nữa, khi sống lại từ cõi chết, thân xác con người được biến đổi hoàn toàn, nó sẽ
giống như các thiên thần, giống như Chúa Kitô Phục Sinh, nên không còn phải chết
và cũng chẳng phải dựng vợ gả chồng nữa.
Từ khi
Chúa Giêsu mạc khải về sự thật này, biết bao người đã tin vào Thiên Chúa và đã
sống trọn vẹn với niềm tin đó; biết bao người đã can đảm sống sự thật được mạc
khải, dù phải hy sinh mạng sống, dù phải từ bỏ mọi danh lợi trần gian. Ðó là
gương của những vị anh hùng tử đạo qua bao thế hệ nơi các dân tộc.
Nguyện
xin Chúa soi lòng mở trí chúng ta hiểu biết và mộ mến Lời Chúa dạy trong sách
Kinh Thánh, để chúng ta am tường các mầu nhiệm của Chúa và thực thi thánh ý
Chúa. Xin cho chúng ta trân trọng sự sống, trau dồi cuộc sống tại thế tốt đẹp để
được sống đời đời với Chúa.
Veritas Asia
LỜI CHÚA MỖI NGÀY
Thứ Tư Tuần 9 TN2, Năm Chẵn
Bài đọc: 2 Tim 1:1-3, 6-12; Mk 12:18-27.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Tin Mừng cắt nghĩa rõ ràng phúc
trường sinh bất tử.
Sự sống
đời đời hay phúc trường sinh bất tử là yếu tố quyết định làm con người sống thế
nào trong cuộc sống đời này. Nếu một người không tin có sự sống đời đời, người
đó sẽ làm mọi cách để hưởng thụ cuộc sống ngắn ngủi đời này, vì đó là quãng thời
gian duy nhất họ có để hưởng thụ. Họ sợ đau khổ, sợ mất những gì họ có, và nhất
là sợ chết vì chết là mất tất cả. Ngược lại, nếu một người tin có cuộc sống trường
sinh bất tử, người đó sẽ làm mọi cách cho được hưởng cuộc sống hạnh phúc đời
sau cho dẫu phải hy sinh chịu đau khổ ở đời này. Họ sẽ không quan tâm lắm đến
việc hưởng thụ cuộc sống đời này vì họ biết còn cả một cuộc sống đời đời để hưởng
hạnh phúc với Thiên Chúa.
Các bài
đọc hôm nay muốn nêu bật câu hỏi có cuộc sống trường sinh bất tử không và làm
thế nào để đạt được cuộc sống ấy. Trong bài đọc I, thánh Phaolô nhắn nhủ
Timothy, người môn đệ yêu quí của mình hãy nhớ lại Kế hoạch cứu độ của Thiên
Chúa dành cho mọi người và sự cần thiết của việc rao giảng Tin Mừng để mọi người
biết Thiên Chúa muốn họ được hưởng sự sống đời đời qua việc sai Người Con xuống
trần để chuộc tội cho họ. Trong Phúc Âm, một số người Sadducees, những người
không tin có sự sống lại, dựa vào Luật Moses bày ra một câu hỏi để chứng minh với
Chúa Giêsu không có sự sống lại. Chúa Giêsu mắng họ đã sai lầm vì không hiểu
Kinh Thánh: Thiên Chúa không phải là của kẻ chết, nhưng là của kẻ sống.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Chính Đức Kitô đã tiêu diệt thần chết,
và đã dùng Tin Mừng mà làm sáng tỏ phúc trường sinh bất tử.
1.1/ Sự hiểu
biết về cuộc sống đời đời qua các thời đại: Sự hiểu biết về sự sống lại và cuộc sống đời sau tuy đã được nói tới
trong Cựu Ước; nhưng chưa rõ nét lắm. Đa số dân chúng vẫn tin cuộc sống hạnh
phúc chỉ ở đời này, ai làm lành sẽ được Thiên Chúa cho sống lâu, cho nhiều con
cháu, và cho của cải vật chất.
Đến thế
kỷ thứ 2 BC, tiên tri Daniel là một trong số người đầu tiên nói về sự sống lại,
sự phán xét và sự sống đời sau: "Trong số những kẻ an nghỉ trong bụi đất,
nhiều người sẽ trỗi dậy: người thì để hưởng phúc trường sinh, kẻ thì để chịu ô
nhục và bị ghê tởm muôn đời. Các hiền sĩ sẽ chói lọi như bầu trời rực rỡ, những
ai làm cho người người nên công chính, sẽ chiếu sáng muôn đời như những vì sao”
(Dan 12:2-3). Bà mẹ và bảy anh em nhà Maccabees sẵn sàng chết để tuân giữ luật
của cha ông, vì họ tin Thiên Chúa sẽ trả lại thân xác và linh hồn cho họ. Bà mẹ
khuyên người con út bằng những lời tin tưởng sau đây: "Mẹ không rõ các con
đã thành hình trong lòng mẹ thế nào. Không phải mẹ ban cho các con hơi thở và sự
sống. Cũng không phải mẹ sắp đặt các phần cơ thể cho mỗi người trong các con.
Chính Đấng Tạo Hoá càn khôn đã nắn đúc nên loài người, và đã sáng tạo nguồn gốc
muôn loài. Chính Người do lòng thương xót, cũng sẽ trả lại cho các con hơi thở
và sự sống, bởi vì bây giờ các con trọng Luật Lệ của Người hơn bản thân
mình" (2 Mac 7:22-23).
Đến thời
Chúa Giêsu, Ngài mặc khải cho con người rõ ràng sự sống đời đời nằm trong Kế hoạch
cứu độ của Thiên Chúa, và Ngài chính là Đấng mang phúc trường sinh bất tử cho
con người qua cái chết và sự phục sinh vinh hiển của Ngài. Đây chính là cốt lõi
của Tin Mừng mà Phaolô rao giảng và Ngài nhắc nhở cho môn đệ yêu quí là Timothy
hôm nay: Phải đem Tin Mừng này cho mọi người để họ cũng nhận được phúc trường
sinh bất tử đó.
1.2/ Làm
sao con người đạt được phúc trường sinh bất tử: Đại đa số những người Do-thái thời Chúa Giêsu tin, họ có thể đạt được cuộc
sống đời sau bằng việc giữ cẩn thận các Lề Luật của Moses. Khi Chúa Giêsu đến,
Ngài mặc khải cho họ biết Lề Luật không có sức làm cho họ được cuộc sống trường
sinh bất tử; nhưng họ phải tin và làm những gì Ngài truyền dạy. Thánh Phaolô là
một ví dụ cho sự thay đổi này vì Ngài tin vào sức mạnh của Lề Luật cho tới khi
bị ngã ngựa trên đường đi Damascus. Ngài dạy rõ ràng trong Thư Roma và Thư
Galat: con người được công chính hóa (điều kiện để có ơn cứu độ) là do bởi niềm
tin vào Đức Kitô, chứ không do bởi việc giữ Luật vì không ai có thể giữ trọn vẹn
Luật. Ngài lặp lại điều đó với Timothy hôm nay: “Người đã cứu độ và kêu gọi
chúng ta vào dân thánh của Người, không phải vì công kia việc nọ chúng ta đã
làm, nhưng là do kế hoạch và ân sủng của Người. Ân sủng đó, Người đã ban cho
chúng ta từ muôn thuở trong Đức Giêsu Kitô, nhưng giờ đây mới được biểu lộ, vì
Đấng cứu độ chúng ta là Đức Giêsu Kitô đã xuất hiện. Chính Đức Kitô đã tiêu diệt
thần chết, và đã dùng Tin Mừng mà làm sáng tỏ phúc trường sinh bất tử.”
2/ Phúc Âm: Chúa Giêsu mặc khải về sự sống đời đời
2.1/ Khi
người ta từ cõi chết sống lại, thì chẳng còn lấy vợ lấy chồng: Trình thuật hôm nay nói về cuộc tranh
luận giữa Chúa Giêsu và những người thuộc phái Sadducees. Nhóm này chủ trương
không có sự sống lại. Họ là những người thuộc phái lãnh đạo và là thành phần
giàu có, nhiều người trong số họ là tư tế hay thượng tế. Khi họ đã có quyền
hành, danh vọng, giầu có ở đời này, họ không cần đến sự sống đời sau nữa!
Họ dựa
vào Luật (Deut 25:5) để chứng minh với Chúa Giêsu là “không có sự sống lại;” vì
người vợ đó không thể thuộc về cả bảy người nếu có sự sống lại. Chúa Giêsu trả
lời họ thẳng thắn: "Chẳng phải vì không biết Kinh Thánh và quyền năng Thiên
Chúa mà các ông lầm sao? Quả vậy, khi người ta từ cõi chết sống lại, thì chẳng
còn lấy vợ lấy chồng, nhưng sẽ giống như các thiên thần trên trời” (cf. Lk
20:35-36).
2.2/ Thiên
Chúa không phải của kẻ chết, nhưng là của kẻ sống: Chúa Giêsu nói họ không hiểu Kinh
Thánh đúng đắn, vì Kinh Thánh đã nói về sự sống lại rồi. Khi Thiên Chúa hứa với
Abraham sẽ ban cho ông một dòng dõi và đất làm gia sản. Ngài hứa cho Abraham,
chứ không phải chỉ cho dòng dõi của ông. Abraham phải sống để nhìn thấy dòng
dõi và hưởng đất làm gia sản; nếu không, ông làm sao biết lời hứa của Thiên
Chúa được thực hiện. Lý luận tương tự như thế cho những lời Thiên Chúa hứa với
Isaac, Jacob, và vua David.
Trong
trình thuật hôm nay, Chúa Giêsu dẫn chứng lời Thiên Chúa nói với Moses trong đoạn
nói về bụi gai: “Ta là Thiên Chúa của Abraham, Thiên Chúa của Isaac, và Thiên
Chúa của Jacob.” Động từ “là” được dùng ở thời hiện tại để chỉ Người luôn luôn
là Thiên Chúa của Abraham, Isaac và Jacob. Điều này có nghĩa các tổ phụ đó phải
đang sống. Chúa Giêsu kết luận: “Người không phải là Thiên Chúa của kẻ chết,
nhưng là của kẻ sống. Các ông lầm to!"
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Hiểu
biết mặc khải của Thiên Chúa về phúc trường sinh bất tử là kiến thức không thể
thiếu cho chúng ta và cho tất cả mọi người, vì biết làm sao sẽ sống như vậy.
- Phúc
trường sinh bất tử là do bởi tình thương Thiên Chúa. Chúng ta không thể dựa vào
bất cứ lý do gì ngoài việc tin tưởng Đức Kitô và giữ những gì Ngài truyền dạy.
- Chúng
ta đừng mô tả Thiên Đàng theo trí tưởng tượng và sở thích con người, nhưng phải
học hỏi Kinh Thánh để biết cách đúng đắn về cuộc sống đời sau.
Lm. Anthony ĐINHMINH TIÊN,
OP.
03/06/20 THỨ TƯ ĐẦU THÁNG TUẦN 9
TN
Th. Ca-rô-lô Loan-ga và các bạn tử đạo
Mc 12,18-27
Th. Ca-rô-lô Loan-ga và các bạn tử đạo
Mc 12,18-27
CHUYỆN Ở ĐỜI NÀY
“Khi người ta từ cõi chết sống lại, thì chẳng còn lấy
vợ lấy chồng, nhưng sẽ sống như các thiên thần trên trời.” (Mc
12,25)
Suy niệm: Nếu cuộc sống chỉ vỏn vẹn mấy
mươi năm ở cõi đời này, rồi chết là hết, chỉ còn lại nấm mồ, thì thật là đáng
tiếc vì đời thật đẹp mà sao quá vắn vỏi! Cái chết tước đi hết mọi thứ của họ. Nếu
con người phải kết thúc tất cả với cái chết, thì những năm tháng sống ở trần
gian nào có ý nghĩa gì! Thế nên, việc dựng vợ gả chồng và sinh con cái để duy
trì nòi giống nơi những thế hệ con cháu là chuyện cần thiết ở đời này. Chính vì
tâm trạng tiếc nuối “chuyện ở đời này”
như thế, nên dù tin có đời sau, người ta cũng muốn hình dung cuộc sống mai hậu “dương sao âm vậy” không khác chi đời
này. Chúa Giê-su tiết lộ, cuộc sống đời sau là cuộc sống trổi vượt, không còn bị
giới hạn trong không gian và thời gian, nên không còn chuyện ăn uống, dựng vợ gả
chồng mà là cuộc sống như các thiên thần.
Mời Bạn: Trong kinh Tin Kính chúng
ta tuyên xưng: “Tôi tin xác loài người ngày sau sống lại.” Chúng ta được mời gọi
đừng vì quyến luyến “chuyện ở đời này”
mà lãng quên “tìm kiếm những sự trên trời”
là quê hương đích thực của chúng ta.
Chia sẻ điều bạn đã làm rút ra từ câu tuyên xưng đức
tin: “Tôi tin xác loài người ngày sau sống lại.”
Sống Lời Chúa: Mỗi ngày làm một số việc hy
sinh hãm mình để tập dứt bỏ tính quyến luyến “những sự đời này”.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su là Đấng Hằng Sống. Chúa hứa ban phần thưởng Nước Trời
cho những ai tin vào Người. Xin ban ơn để chúng con ngay khi đang sống ở đời
này biết chứng minh niềm tin vào sự sống đời sau.
(5 phút Lời Chúa)
Thiên Chúa của kẻ
sống
Chúng ta tuyên xưng có sự sống đời sau qua kinh Tin
Kính. Nhưng sống niềm tin ấy giữa thế giới vật chất và vô tín là điều không dễ.
Suy niệm:
Khi được hỏi về cuộc sống mai hậu,
Đức Khổng Tử đã trả lời đại khái như sau:
chuyện đời này còn chưa nắm hết, nói gì đến
chuyện đời sau.
Nhưng chuyện đời sau vẫn là thao thức muôn
thuở của con người.
Con người muốn biết sau cuộc sống ngắn ngủi
này, mình sẽ đi về đâu.
Đi mà không rõ đích đến thì sẽ đi lông bông
vô định.
Tiếc là có người đã tin rằng chẳng có gì
sau cái chết!
Nhóm Xađốc cũng thuộc hạng người trên.
Họ là những tư tế Do thái giáo bảo thủ,
không chấp nhận các ý tưởng mới
như chuyện người chết sống lại hay sự hiện
hữu của các thiên thần.
Trong Kinh Thánh, họ chỉ dựa vào Ngũ Thư,
trong đó có sách Đệ nhị luật.
Sách này có nói đến chuyện một người trong
họ hàng gần (Đnl 25, 5-10),
phải lấy bà vợ góa không con của anh em
mình, để có người nối dõi.
Nhóm Xađốc đã đưa ra một trường hợp hãn hữu
và buồn cười (cc. 20-23),
để cho thấy chuyện sống lại là vô lý, và
Môsê cũng chẳng tin chuyện đó.
“Khi sống lại, bà ấy sẽ là vợ của ai? Vì cả
bảy người đều đã lấy bà làm vợ.”
Đức Giêsu đã nặng lời chê các tư tế trong
nhóm này (c. 24).
Họ đã hiểu cuộc sống đời sau như một thứ
kéo dài cuộc sống hiện tại,
nơi đó người ta vẫn cưới vợ, lấy chồng, vẫn
sinh con đẻ cái.
Đức Giêsu cho thấy một bộ mặt khác hẳn của đời
sau.
Người được sống lại là người bước vào cuộc
sống hoàn toàn mới.
Họ sống “như các thiên thần trên trời” (c.
25),
nghĩa là sống trọn vẹn cho việc phụng sự
Thiên Chúa,
với một thân xác đã được biến đổi nên giống
thân xác Đấng phục sinh.
Nhưng đừng hiểu thiên đàng là nơi mất đi sự
ấm áp của tình người.
“Hôm nay anh sẽ được ở với tôi trên thiên
đàng” (Lc 23, 43).
“Thầy đi dọn chỗ cho anh em, để Thầy ở đâu,
anh em cũng ở đó” (Ga 14,3).
Tình yêu với Thầy Giêsu và những mối dây
thân ái giữa người với người,
chẳng có gì bị phá vỡ, nhưng trở nên hoàn
hảo vững bền.
Người ta sẽ không cưới hỏi hay sinh con,
nhưng tình nghĩa vợ chồng được nâng lên một
bình diện mới.
Đức Giêsu trưng dẫn sách Xuất hành để minh
chứng có sự sống lại.
Thiên Chúa nhận mình là Thiên Chúa của các
tổ phụ Ítraen (Xh 3,15).
Mà người Do thái tin là Ngài không gắn mình
với các anh hùng đã chết.
Vậy Abraham, Ixaác và Giacóp phải là những
người đang sống,
nghĩa là những người đã chết và đã được
phục sinh.
Chúng ta tuyên xưng có sự sống đời sau qua
kinh Tin Kính.
Nhưng sống niềm tin ấy giữa thế giới vật
chất và vô tín là điều không dễ.
Chỉ xin cho vất vả lo toan đời này không
làm ta quên đời sau.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu,
giàu sang, danh vọng, khoái lạc
là những điều hấp dẫn chúng con.
Chúng trói buộc chúng con
và không cho chúng con tự do ngước lên cao
để sống cho những giá trị tốt đẹp hơn.
Xin giải phóng chúng con
khỏi sự mê hoặc của kho tàng dưới đất,
nhờ cảm nghiệm được phần nào
sự phong phú của kho tàng trên trời.
Ước gì chúng con mau mắn và vui tươi
bán tất cả những gì chúng con có,
để mua được viên ngọc quý là Nước Trời.
Và ước gì chúng con không bao giờ quay lưng
trước những lời mời gọi của Chúa,
không bao giờ ngoảnh mặt
để tránh cái nhìn yêu thương
Chúa dành cho từng người trong chúng con.
Amen.
Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
3 THÁNG SÁU
Bản Tính Lưỡng Diện Của Chúng
Ta
Người
ta thường nhấn mạnh rằng truyền thống Thánh Kinh nêu bật tính duy nhất của ngã
vị con người khi sử dụng những từ ngữ như “xác phàm” hay “nhục thể” để chỉ con
người xét như một toàn thể (Tv 145,21; Ge 3,1; Is 66,23; Ga 1,14). Cái nhìn ấy
thật chính xác. Song điều đó không phủ nhận rằng trong truyền thống Thánh Kinh,
tính lưỡng diện của con người cũng được trình bày – đôi khi một cách rõ rệt.
Truyền thống này được phản ảnh nơi lời Đức Kitô: “Anh em đừng sợ những kẻ giết
thân xác mà không giết được linh hồn. Đúng hơn, anh em hãy sợ Đấng có thể tiêu
diệt cả hồn và xác trong hỏa ngục” (Mt 10,28).
– suy tư 366 ngày của Đức
Gioan Phaolô II –
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope
John Paul II
Lời Chúa Trong Gia Đình
Ngày 03/6
Thánh Carôlô Lwanga và các bạn
tử đạo
2Tm 1, 1-3.6-12; Mc 12,
18-27.
Lời Suy Niệm: “Khi người ta từ cõi chết sống lại, thì chẳng còn lấy vợ lấy chồng,
nhưng sẽ giống như các thiên thần trên trời.”
Chúa Giêsu đang cho chúng ta biết: con người có sự sống lại. Khi con người sống
lại, thì các định luật của sự sống của thân xác con người trên trần thế không
còn có giá trị nào cả. Nhưng khi đã được sống lại, thì con người sẽ nên tốt đẹp
như các thiên thần của Thiên Chúa.
Lạy Chúa Giêsu. Chúa cho chúng con biết có sự sống lại với niềm tin mà Thiên
Chúa đã báo cho Môsê biết, khi hiện ra trong bụi gai bốc cháy: “Ta là Thiên
Chúa của Ápraham, Thiên Chúa của Ixaác, Thiên Chúa của Giacóp; Người không phải
là Thiên Chúa kẻ chết, nhưng là của kẻ sống.” Xin cho chúng con luôn biết sống
giới luật: “Kính Chúa yêu người” để ngày sau chúng con được nên giống như các
thiên thần.
Mạnh Phương
Gương Thánh Nhân
Ngày 03-06: Thánh CAROLÔ
và PHÊRÔ LWANGA
và các bạn tử đạo (1885 –
1887)
Dân da
đen sống ở miền Ouganda, Trung Phi thuở ấy chưa hề nghe đến tên Chúa. Ma quỉ
còn thống trị họ với mọi thứ phù phép. Họ chém giết lẫn nhau và ăn thịt nhau nữa.
Trẻ em bị bỏ rơi. Đàn bà bị coi như thú vật phải làm việc mệt nhọc và bị sát hại
theo sở thích của đàn ông.
Ngày
kia hai cha thừa sai Lourdel và Livinhac đến với họ sau một cuộc hành trình đầy
cực khổ. Các Ngài đến gặp nhà vua trong chòi của ông và buổi đầu mọi sự tốt đẹp.
Các Ngài tận tụy phục vụ.
Dân da
đen đã không bao giờ tưởng tượng được điều các vị thừa sai nói cho lại là điều
tốt đẹp như vậy: Họ có một người cha trên trời đã yêu thương họ đến nỗi đã ban
con mình là Chúa Giêsu đến cứu chuộc họ, và Chúa Giêsu lại chết trên thánh giá
đã họ được về trời với Người, như thế họ lại không yêu mến vâng phục Người để
được gặp lại Người trong hạnh phúc bất tận sao ? Để được như vậy, họ quyết yêu
thương nhau theo luật Chúa để nên tốt hơn. Khi đã cố gắng lãnh phép Rửa tội.
Chúa Giêsu đổ tràn ơn thánh vào trong lòng họ và kết hợp với họ trong Bàn tiệc
Thánh Thể.
Nhà
Vua cũng rất thích điều các Cha nói. Những điều các Ngài rao giảng làm cho các
phù thủy và bọn người Ả rập buôn người giận dữ. Một thị động bị vu oan và bị
thiêu sống. Anh ta xin được rửa tội và đã can đảm chịu cực hình, các nhà thừa
sai cảm thấy cơn bách hại đã đến nên vội rửa tội cho những người đã được chuẩn
bị rồi rút lui với một số trẻ em các Ngài đã chuộc lại được. Các Ngài rút lui về
bờ hồ phía nam, là nơi bệnh đậu mùa đang giết hại rất nhiều người. Số đông trẻ
em sắp chết đều được rửa tội.
Các
Ngài nói với một em bé 9 tuổi: Hãy cầu nguyện xin Chúa Giêsu cứu chữa con.
Nhưng em bé trả lời: – Bây giờ được làm con Thiên Chúa, con không sợ chết nữa.
Được
ba năm, nhà vua qua đời, các vị thừa sai trở lại, dân chúng mừng rỡ. Dân được rửa
tội trước đã rửa tội cho nhiều người khác nữa. Việc tông đồ khởi sắc nhưng một
viên chức của Tân vương đã gieo nghi ngờ đối với các thành quả của các Kitô hữu,
nhất là đối với Giuse Mukasa, thủ lãnh các thị đồng, người đã chống lại sự vô
luân của ông. Ông ta tâu vua rằng: các Kitô hữu mưu chiếm ngôi vua. Các phủ thủy
bảo rằng bọn khởi xướng phải chết. Vua tin họ và Giuse bị thiêu sống. Lý hình
muốn trói Ngài lại nhưng Ngài nói:- Tôi chết vì đạo mà lại tìm cách thoát thân
sao ? Một Kitô hữu không có sợ chết đâu.
Nhà
vua nghĩ rằng bản án nầy sẽ làm cho các Kitô hữu khiếp sợ. Trái lại, ngày càng
có nhiều người theo đạo. Khi đi săn về, ông gọi tiểu đồng Mwafou 14 tuổi lại,
và khi biết rằng em đang học đạo với một thiếu niên tên là Denis, ông truyền dẫn
Denis lại, la lớn: – Tên nô lệ khốn khiếp, ngươi dạy đạo hả ?
Và ông
dùng lưỡi dao tẩm thuốc độc hạ sát Denis.
Giận dữ
đi ra, ông gặp Honôrat và hỏi: – Mày cũng là Kitô hữu hả ?
– Phải.
Và
Hônôrat bị tra khảo, bị xẻ thịt. Bấy giờ vua khám phá ra một tân tòng là
Giacôbê và tra gông vào cổ. Về nhà ông thúc trống tập họp các đao phủ lại. Bọn
đao phủ và các phù thủy nhảy múa như được thoát khỏi ngục. Ngược lại tại các
nhà thị đồng quang cảnh như thần tiên. Carôlô Lwanga, chiến sĩ anh dũng nhất của
triều đình đã rửa tội cho em bé Kizitô và ba trẻ em khác, dọn mình cho các em
chịu chết cách thánh thiện.
Ngày
28 tháng 5, nhà vua truyền thiêu sống các thị đồng dám cầu nguyện. Mwa-Ga là
con một đao phủ. Ba em khẩn khoản xin em trốn đi, nhưng em từ chối. Một chiến
sĩ Kitô giáo nói với vua: – Con lên trời và cầu nguyện cho Đức Vua.
Các phạm
nhân mạnh dạn tiến đi chịu khổ hình, gặp Pontianô tên đao phủ hỏi anh: – Mày biết
cầu nguyện không ?
Vừa trả
lời “biết” Pontianô bị chém đầu ngay. Những người khác nói: – Ở trên trời
Pontianô sẽ cầu nguyện cho chúng ta được can đảm chịu chết.
Các vị
tử đạo bị kềm cứng trong gông cùm trong khi người con của đao phủ bị ép đến với
cha mẹ. Họ phải đợi sáu ngày để chuẩn bị giàn thiêu, đã đến ngày xử, Mwaga nhảy
xổ đến nhập bọn tại pháp trường, các vị tử đạo nói với nhau: – Chính tại nơi
đây chúng mình được thấy Thiên Chúa.
Các
Ngài bị đặt trên các tấm phên như những cây đuốc sống. Người ta đốt chân các vị
tử đạo để mong các Ngài thôi cầu nguyện, nhưng các Ngài đã trả lời: – Còn sống,
chúng tôi sẽ không ngừng cầu nguyện.
Một
phù thủy nói với các Ngài: Thiên Chúa sẽ không giải thoát các Ngài đâu. Brunô
trả lời: – Ông không đốt cháy linh hồn chúng tôi được đâu, nhưng nó sẽ bay lên
thiên đàng.
Giàn
thiêu được đốt lên. Lời kinh lạy cha của các thánh còn vượt trên những tiếng la
hét man rợ và những tiếng nổ lốp đốp của lò lửa. Người ta biết được là các Ngài
đã chết khi hết nghe tiếng các Ngài cầu nguyện.
Ông
vua da đen tự nhiên chắc rằng sau tội ác này, chẳng còn bóng dáng Kitô hữu nào
trong xứ sở của ông nữa. Nhưng ngày nay, Ouganda có hơn nửa triệu tín hữu.
(daminhvn.net)
03 Tháng Sáu
Chúa Là Nơi Con Nương
Tựa
Dạo tháng 6 năm 1985, những người
theo dõi truyền hình bên Tây phương vẫn còn nhớ mãi hình ảnh chiếc máy bay đang
đậu ở phi trường, với viên phi công trong buồng lái ngó ra ngoài nói chuyện với
một số phóng viên, trong khi có một người đứng bên cạnh, cầm súng dí sát vào đầu
viên phi công. Ðó là hình ảnh của viên phi công John Testrake trên chiếc máy
bay của hãng hàm không TA, bị không tặc uy hiếp trên đường bay từ thủ đô Hên của
Hy Lạp về La Mã. Trong suốt 17 ngày, không tặc đã dùng lựu đạn và súng uy hiếp
viên phi công, buộc ông phải bay từ Bút qua Alger rồi bay về Bút cả thảy bốn lần.
Họ cũng đã bắn chết một hành khách, đánh đập một số hành khách khác. Cuối cùng
họ đã để cho 39 con tin trên máy bay được đem đến một căn nhà ở Bút rồi được chở
về Ðoác trước khi được trả tự do. Mặc dù không phải là con tin trên chiếc máy
bay đó, nhiều người cũng thấy căng thẳng hồi hộp chỉ vì theo dõi tin tức trên
truyền hình hay truyền thanh...
Mới đây, viên phi công John
Testrake có thuật lại kinh nghiệm hi hữu của mình. Anh nói như sau: "Lúc
đó, tôi biết chắc chắn là có Chúa ở với tôi, nên tôi không những không sợ hãi
mà còn tràn ngập bình an tin tưởng là khác". Anh cũng nói thêm rằng anh đã
theo đạo năm lên 25 tuổi, nhưng lúc bấy giờ anh chưa thật sự thức tỉnh, bắt đầu
đọc Kinh Thánh và cầu nguyện một cách đều đặn. Nhờ có Kinh Thánh mang trong
mình, cho nên trong suốt 17 ngày bị uy hiếp, anh vẫn không tỏ ra nao núng vì
tin chắc có Chúa đang phù trợ anh...
Cách đây hai năm, John Testrake
đã xin thôi không làm việc cho háng hàng không TWA để tập trung vào các công việc
từ thiện và để lái máy bay đưa các nhà truyền giáo đến các vùng xa xôi hẻo
lánh. Ði đến đâu, anh cũng thuật lại việc Chúa đã giải cứu anh, nhất là việc
Ngài đã ban cho anh bình an tin tưởng khi phải chạm trán với tử thần.
Ai trong chúng ta có lẽ cũng hơn
một lần chạm trán với tử thần hay kinh qua những giờ phút đen tối trong cuộc sống...
Những người không có niềm tin thường sợ hãi bối rối vì không biết những gì đang
chờ đợi mình bên kia cuộc sống. Những người có niềm tin hẳn không là những con
người không biết sợ hãi, nhưng họ tin rằng bên cạnh họ luôn có Ðấng che chở phù
trợ họ.
Chúng ta có thái độ nào khi đứng
trước những giờ phút nguy ngập, những thử thách trong cuộc sống? Chúng ta có
tin tưởng rằng có Ðấng luôn ở bên cạnh chúng ta, để giữ gìn, phù hô chúng ta
không? Với niềm tin vững vào Tình Yêu của Ðấng luôn có mặt bên cạnh chúng ta,
chắc chắn chúng ta có thái độ lạc quan hơn trước cuộc sống, chúng ta sẽ đối đầu
với những khó khăn và thử thách với bình thản và vui tươi.
Lẽ Sống
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét