ĐTC Phanxicô: Tổ phụ Áp-ra-ham dạy
chúng ta nói chuyện với Chúa như con nói với cha
Tiếp tục loạt bài giáo lý về cầu nguyện, Đức Thánh Cha
Phanxicô giải thích về cách cầu nguyện của Tổ phụ Áp-ra-ham: một cuộc đối thoại
với Chúa, không loại trừ các cuộc thảo luận, nhưng được đánh dấu bằng sự tin tưởng
và sẵn sàng thực hiện lời Chúa.
Hồng Thủy - Vatican News
Sáng thứ Tư 03/06, trong buổi tiếp kiến chung trực tuyến, Đức
Thánh Cha Phanxicô tiếp tục đề tài giáo lý về cầu nguyện và ngài giải thích về
cách cầu nguyện của ông Áp-ra-ham. Tổ phụ Áp-ra-ham nghe tiếng Thiên Chúa và
tín thác vào lời hứa của Người, làm theo lời Người mời gọi. Cuộc đời của ông trở
thành ơn gọi, một lời mời gọi sống theo lời hứa của Thiên Chúa.
Đức Thánh Cha mời gọi các tín hữu học theo gương cầu nguyện
với đức tin của tổ phụ Áp-ra-ham: lắng nghe, hành trình, trò chuyện và ngay cả
tranh luận với Chúa, nhưng luôn sẵn sàng đón nhận và thực hành lời Chúa.
Mở đầu bài giáo lý Đức Thánh Cha nói:
Can đảm tin tưởng vào lời Chúa hứa
Có một giọng nói đột ngột vang lên trong cuộc đời của tổ phụ
Áp-ra-ham, một giọng nói mời gọi ông bước vào một hành trình nghe có vẻ không hợp
lý: một giọng nói thúc đẩy ông rời bỏ quê hương, nguồn cội của gia đình, để đi
đến một tương lai mới mẻ, khác biệt. Và tất cả dựa trên cơ sở của một lời hứa
mà ông chỉ cần tin cậy. Tín tưởng vào một lời hứa không phải là điều dễ dàng,
và chúng ta cần can đảm để làm điều này. Ông Áp-ra-ham đã tin tưởng.
Kinh Thánh không nói về quá khứ vị tổ phụ đầu tiên. Luận lý
của các sự việc gỉa định rằng ông tôn thờ các vị thần khác, có lẽ ông là một
người khôn ngoan, quen với việc xem xét bầu trời và các tinh tú. Thật sự là
Chúa hứa với ông rằng hậu duệ của ông sẽ đông như những vì sao lấp lánh trên bầu
trời.
Ông Áp-ra-ham lên đường. Ông lắng nghe tiếng Chúa và tin tưởng
vào lời của Người. Sự khởi hành của ông đã tạo nên một cách hiểu mới về mối
quan hệ với Thiên Chúa; chính vì lý do này mà tổ phụ Áp-ra-ham hiện diện trong
các truyền thống linh đạo vĩ đại của Do Thái giáo, Kitô giáo và Hồi giáo như một
người hoàn hảo của Thiên Chúa, có khả năng phục tùng Chúa ngay cả khi ý muốn của
Chúa thật khó khăn, nếu không muốn nói là không thể hiểu được.
Cuộc đời Kitô hữu là thực hiện lời Chúa hứa
Do đó, Áp-ra-ham là con người của Lời Chúa. Khi Thiên Chúa
nói, con người trở thành người đón nhận Lời Chúa và cuộc sống của họ là nơi mà
Lời Chúa muốn nhập thể. Đây là một điều mới lạ tuyệt vời trong hành trình tôn
giáo của con người: cuộc sống của người có đức tin bắt đầu được hiểu như là một
ơn gọi, như nơi mà một lời hứa được thực hiện; và con người di chuyển trong thế
giới không phải dưới sức nặng của điều bí ẩn, nhưng với sức mạnh của lời hứa
đó, lời hứa mà một ngày kia sẽ trở thành sự thật. Và ông Áp-ra-ham tin vào lời
hứa của Thiên Chúa. Ông đã tin và ông đã đi, dù không biết mình đi đâu, thư gửi
các tín hữu Do Thái nói như thế. Nhưng ông đã tin tưởng.
Đức tin trở thành lịch sử
Đọc sách Sáng thế, chúng ta khám phá cách ông Áp-ra-ham sống
kinh nguyện trong sự trung thành liên tục với Lời Chúa, Lời xuất hiện theo định
kỳ dọc theo hành trình của ông. Tóm lại, chúng ta có thể nói rằng đức
tin trở thành lịch sử trong cuộc đời của ông Áp-ra-ham. Nghĩa là, ông
Áp-ra-ham, bằng cuộc sống và gương mẫu của ông, dạy cho chúng ta cuộc hành
trình này, con đường mà qua đó đức tin làm nên lịch sử. Thiên Chúa không chỉ được
thấy trong các hiện tượng vũ trụ, giống như một vị thần xa xôi, người có thể
làm cho sợ hãi. Thiên Chúa của ông Áp-ra-ham trở thành "Thiên Chúa của
tôi", Thiên Chúa của lịch sử cá nhân của tôi, Đấng hướng dẫn bước chân
tôi, Đấng không bỏ rơi tôi; Thiên Chúa của những ngày của tôi, người bạn đồng
hành trong những cuộc phiêu lưu của tôi; Thiên Chúa Quan phòng.
Đức tin là kinh nghiệm của con người về sự hiện diện của
Thiên Chúa
Đức Thánh Cha đặt câu hỏi: Chúng ta có cảm nghiệm Thiên Chúa
như là “Thiên Chúa của tôi”, Thiên Chúa đồng hành với tôi, Thiên Chúa của lịch
sử đời tôi, Người dẫn bước tôi đi, Người không bỏ rơi tôi, Thiên Chúa của mọi
ngày của tôi không?
Đức Thánh Cha giải thích tiếp: Kinh nghiệm này của Abram
cũng được chứng thực bởi một trong những văn bản nguyên bản nhất trong lịch sử
tu đức: Tưởng niệm của Blaise Pascal. Nó bắt đầu thế này:
"Thiên Chúa của Áp-ra-ham, Thiên Chúa của Isaac, Thiên Chúa của Gia-cóp,
không phải của các triết gia và học giả. Sự chắc chắn, chắc chắn. Tình cảm. Niềm
vui. Hòa bình. Thiên Chúa của Chúa Giêsu Kitô”. Tác phẩm tưởng niệm này, được
viết trên một tờ giấy nhỏ, và được tìm thấy sau khi ông qua đời, được may bên
trong chiếc áo của triết gia, cho thấy rằng nó không phải là một suy tư trí tuệ
mà một người khôn ngoan như ông có thể hiểu về Thiên Chúa, nhưng là cảm giác sống
động, được cảm nghiệm, về sự hiện diện của Người. Ông Pascal thậm chí còn ghi lại
khoảnh khắc chính xác mà ông cảm thấy thực tế đó, cuối cùng ông đã gặp nó: vào
tối ngày 23/11/1654. Đó không phải là một Thiên Chúa trừu tượng hay vị Thần của
vũ trụ. Người là Thiên Chúa của một con người, của một tiếng gọi, Thiên Chúa của
Áp-ra-ham, của I-sa-ác, của Gia-cóp… Thiên Chúa Đấng là sự chắc chắn, là tình cảm,
là niềm vui.
Sự hoàn toàn vâng theo ý Chúa của ông Áp-ra-ham
Giáo lý Hội thánh Công giáo dạy: “Kinh nguyện của ông
Áp-ra-ham được thể hiện trên hết bằng hành động: con người thinh lặng, ở mỗi
giai đoạn, ông xây dựng một bàn thờ cho Chúa" (Giáo lý Hội thánh Công
giáo, 2570). Ông Áp-ra-ham không xây một đền thờ, nhưng rải trên đường ông đi
những tảng đá nhắc nhớ Thiên Chúa đã đi qua đó. Một Thiên Chúa gây ngạc
nhiên, khi Người đến thăm ông trong hình hài của ba vị khách mà ông và bà Sarah
tiếp đón nồng nhiệt, và các ngài đã thông báo cho họ biết về sự ra đời của con
trai I-sa-ác (x. St 18, 1-15). Ông Áp-ra-ham đã 100 tuổi và vợ ông 90 tuổi, khoảng
đó. Và họ đã tin. Họ tin tưởng vào Thiên Chúa. Và bà Sa-ra, vợ ông, đã mang
thai. Ở tuổi đó! Đây là Thiên Chúa của ông Áp-ra-ham, Thiên Chúa của chúng ta,
Đấng đồng hành với chúng ta.
Do đó, ông trở nên quen thuộc với Thiên Chúa, có thể tranh
luận với Người, nhưng luôn trung thành, thậm chí cho đến bị thử thách hết mức,
khi Thiên Chúa yêu cầu ông tế lễ hy sinh con trai của mình là I-sa-ác, đứa con
của tuổi già, con duy nhất, con thừa tự. Ở đây, ông Áp-ra-ham sống đức tin như
một bi kịch, như cuộc hành trình giữa đêm đen, dưới bầu trời lần này không có
sao. Và nhiều lần nó cũng xảy đến với chúng ta như thế, đi trong đêm tối, nhưng
với đức tin. Chính Thiên Chúa sẽ ngăn bàn tay của ông Áp-ra-ham khi ông đã sẵn
sàng để sát tế con mình, vì Người đã thấy sự sẵn lòng thực sự của ông (x. St
22, 1-19).
Học cầu nguyện như ông Áp-ra-ham: lắng nghe, trò chuyện,
tranh luận, nhưng luôn với đức tin
Chúng ta hãy học theo ông Áp-ra-ham, học cầu nguyện bằng đức
tin: lắng nghe Chúa, bước đi, đối thoại để thảo luận. Chúng ta đừng sợ tranh luận
với Thiên Chúa, ngay cả nói một điều có vẻ như lạc đạo. Nhiều lần tôi đã nghe
người ta nói với tôi “Cha có biết không, điều này xảy ra với con và con nổi giận
với Chúa” – “Nhưng con có dám giận Chúa sao?” – “Dạ có, con nổi giận!” Nhưng
đây là một hình thức cầu nguyện bởi vì chỉ có con cái mới có thể nổi giận với
cha mình và sau đó gặp lại ông. Chúng ta hãy học ông Áp-ra-ham, trò
chuyện và tranh luận, với đức tin, nhưng luôn sẵn sàng đón nhận lời Chúa và đưa
nó vào thực hành. Với Chúa, chúng ta học cách nói chuyện như một người con với
cha của mình; lắng nghe Người, trả lời, tranh luận. Nhưng rõ ràng thẳng thắn
như con cái với cha. Ông Áp-ra-ham dạy chúng ta cầu nguyện như thế.
https://www.vaticannews.va/vi/pope/news/2020-06/dtc-phanxico-tiep-kien-chung-cau-nguyen-apraham.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét