04/07/2020
Thứ bảy đầu tháng,
tuần 13 thường niên.
BÀI ĐỌC I:
Am 9, 11-15
“Ta sẽ đem dân Ta bị lưu đày trở
về, và sẽ trồng họ trên đất của họ”.
Trích sách Tiên tri
Amos.
Đây Chúa phán: “Trong ngày ấy, Ta sẽ dựng lại nhà xếp của Đavít đã xiêu đổ,
Ta sẽ lấp những lỗ hổng nơi tường, trùng tu lại những gì đổ nát. Ta sẽ xây dựng
lại như ngày xưa, để chúng chiếm hữu những gì còn sót của Êđom và tất cả các
dân tộc, vì chúng đã xưng tụng danh Ta”.
Chúa hoàn thành những việc Chúa đã phán như thế. Và Chúa còn phán: “Đây
đã đến những ngày mà người cày ruộng tiếp nối người thợ gặt, kẻ ép nho tiếp nối
người gieo giống. Từ các núi non, rượu nho mới sẽ chảy tuôn tràn, và từ các đồi,
rượu sẽ vọt ra lai láng. Ta sẽ đem Israel dân Ta bị lưu đày trở về. Họ sẽ xây lại
các thành phố bị bỏ hoang và cư ngụ tại đó. Họ sẽ trồng nho và sẽ uống rượu
nho. Họ sẽ lập vườn, và sẽ ăn quả sinh ra ở nơi ấy. Ta sẽ trồng họ trên đất của
họ, và không khi nào họ bị nhổ ra khỏi đất Ta đã ban cho họ. Chúa là Thiên Chúa
của ngươi phán như thế”. Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 84, 9.
11-12. 13-14
Đáp: Chúa
phán bảo về sự bình an cho dân tộc của Người (c. 9).
Xướng:
1) Tôi sẽ nghe Chúa là Thiên Chúa của tôi phán bảo điều chi? Chắc hẳn Người
sẽ phán bảo về sự bình an, bình an cho dân tộc và các tín đồ của Chúa, và cho
những ai thành tâm trở lại với Người. – Đáp.
2) Lòng nhân hậu và trung thành gặp gỡ nhau; đức công minh và sự bình an
hôn nhau âu yếm. Từ mặt đất, đức trung thành sẽ nở ra, và đức công minh tự trời
nhìn xuống. – Đáp.
3) Vâng, Chúa sẽ ban cho mọi điều thiện hảo, và đất nước chúng tôi sẽ
sinh bông trái. Đức công minh sẽ đi trước thiên nhan Chúa, và ơn cứu độ theo
sau lối bước của Người. – Đáp.
ALLELUIA: Tv 24, 4c và
5a
Alleluia, alleluia!
– Lạy Chúa, xin dạy bảo con về lối bước của Chúa và xin hướng dẫn con trong
chân lý của Ngài. – Alleluia.
PHÚC ÂM: Mt 9, 14-17
“Làm sao các phù rể có thể buồn
rầu khi tân lang còn đang ở với họ”.
Tin Mừng Chúa Giêsu
Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, Chúa Giêsu sang miền Giêsarênô, các môn đệ Gioan đến gặp Người mà
hỏi: “Tại sao chúng tôi và những người biệt phái thì giữ chay, còn môn đệ của
Ngài lại không?” Chúa Giêsu nói với họ rằng: “Làm sao các khách dự tiệc cưới
có thể buồn rầu khi tân lang đang còn ở với họ? Rồi sẽ có ngày tân lang ra đi,
bấy giờ họ mới giữ chay. Không ai lấy vải mới mà vá vào áo cũ, vì miếng vải mới
làm áo dúm lại, và chỗ rách lại càng tệ hơn. Người ta cũng không đổ rượu mới
vào bầu da cũ, chẳng vậy, bầu da vỡ, rượu đổ ra, và bầu da hư mất. Nhưng rượu mới
thì đổ vào bầu da mới, và cả hai được nguyên vẹn”. Đó là lời Chúa.
Suy Niệm : Thái độ dứt
khoát
Phanxicô được mệnh danh là người nghèo của Thiên Chúa, đã làm một cuộc đoạn
tuyệt với tất cả những gì thuộc về thế gian để nên giống Chúa Giêsu trong mọi sự.
Trên bước đường theo Ngài, Chúa Giêsu không chấp nhận bất cứ thỏa hiệp nào
nơi người môn đệ: "Ai muốn theo Ta, hãy từ bỏ mình". Nếu chính bản
thân mà còn phải từ bỏ, thì huống chi những gì thuộc về thế gian. Thái độ dứt
khoát này được Chúa Giêsu làm nổi bật trong cách xử thế của Ngài đối với một số
những luật lệ Cựu ước. Trong khi các môn đệ của Gioan Tẩy Giả và những người Biệt
phái tuân giữ một số ngày chay tịnh, thì Chúa Giêsu và các môn đệ của Ngài tự
miễn chước. Hành động như thế, Chúa Giêsu muốn nói lên sự độc lập của Ngài và của
các môn đệ đối với một số truyền thống cũ. Chúa Giêsu đã minh định thái độ của
Ngài khi tuyên bố về sự hiện diện của Tân lang. Ngài chính là Tân lang, là Ðấng
Cứu Thế mà con người mong đợi.
Theo truyền thống Do thái giáo, việc giữ chay được liên kết chặt chẽ với
việc chờ đợi Ðấng Cứu Thế. Ăn chay có nghĩa là nói lên niềm trông đợi Ðấng Cứu
Thế. Căn cứ trên ý nghĩa và mục đích của việc giữ chay như thế, Chúa Giêsu muốn
cho mọi người thấy rằng Ngài chính là Ðấng Cứu Thế, do đó các môn đệ không cần
giữ chay, bởi vì họ không cần phải trông đợi nữa. Ðó là thái độ hợp thời và hợp
lý: họ đang sống bên Chúa Giêsu: thái độ của họ không phải là thái độ buồn sầu,
khóc lóc. Thời của Ðấng Cứu Thế không phải là thời của tang chế, ủ dột, mà là
thời của hân hoan.
Làm môn đệ Chúa Giêsu, sống với Chúa Giêsu, thái độ của người theo Chúa
phải là sống tất cả cho Ngài và vì Ngài. Ðưa ra dụ ngôn chiếc áo và bình rượu,
Chúa Giêsu muốn nói rằng thái độ của người môn đệ phải là thái độ dứt khoát tận
căn, một thái độ không pha lẫn Tin Mừng với tinh thần thế tục.
Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta xét lại tương quan của chúng ta với
Chúa Giêsu. Mang danh hiệu của Ngài, làm môn đệ của Ngài có nghĩa là phải sống
trọn cho Ngài. Nói như thánh Phaolô: "Tôi sống, nhưng không phải tôi sống,
mà là chính Chúa Kitô sống trong tôi".
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Bảy Tuần 13 TN2
Bài đọc: Amo 9:11-15; Mt 9:14-17.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ:
Đừng mù quáng và cố chấp.
Tội lỗi là điều không tránh khỏi bao lâu con người còn ở trong thân xác;
điều quan trọng là con người phải nhận ra những lầm lỗi đó để ăn năn, để xin
Thiên Chúa tha thứ, và biết lợi dụng những cơ hội Thiên Chúa ban để mỗi ngày mỗi
sống tốt đẹp hơn. Những ai không biết lợi dụng những cơ hội Ngài ban, lại còn
mù quáng trong tội lỗi của mình, làm sao họ có thể lãnh nhận ơn tha thứ và biết
bao ơn thánh của Thiên Chúa!
Các bài đọc hôm nay muốn thức tỉnh con người để họ nhận ra những tội lỗi
họ đã xúc phạm đến Thiên Chúa, và biết tận dụng những cơ hội Ngài ban để thăng
tiến. Trong bài đọc I, ngôn sứ Amos tiên đoán những ngày huy hoàng của vương
triều David sẽ trở lại, con cái Israel lưu lạc từ bốn phương sẽ hân hoan trở về
để tái thiết quốc gia, Dân Ngoại sẽ được nhập đoàn, và con số những người nhận
biết Đức Chúa sẽ gia tăng khi triều đại của Đấng Thiên Sai tới. Trong Phúc Âm,
khi các môn đệ của Gioan chất vấn Chúa Giêsu về việc không ăn chay, Ngài trả lời
ăn chay cũng phải có thời và có lúc. Người ta chỉ ăn chay khi nhận ra mình tội
lỗi và sống xa cách với Thiên Chúa; nhưng phải vui mừng và phấn khởi dự tiệc
khi đã có Ngài.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Ta sẽ đổi vận mạng của Israel
dân Ta.
1.1/ Ta sẽ dựng lại lều xiêu vẹo của David.
Triều đại của David được coi như thời kỳ hoàng kim của dân tộc Do-thái,
vì mối liên hệ mật thiết của vua David với Thiên Chúa. Từ đó trở đi, vương quốc
của Do-thái bị suy yếu dần trong thời đại của các vua kế tiếp: Bắt đầu bằng biến
cố vương quốc bị chia cắt làm hai, rồi đến vương quốc Israel bị rơi vào tay của
Assyria, và sau cùng vương quốc Judah bị rơi vào tay vua Babylon.
Sự “siêu vẹo” của giòng dõi David là do tội bất trung của vua chúa và con
cái Israel: Họ không chịu thờ phượng Thiên Chúa, nhưng chạy theo thờ phượng các
thần của Dân Ngoại. Họ không chịu tuân giữ những Lề Luật Thiên Chúa truyền,
nhưng làm những gì họ muốn và theo sự xúi giục của các bà vợ Dân Ngoại.
Để giúp họ trở về với tình yêu đích thực, Ngài phải để cho họ rơi vào tay
quân thù và chịu lưu đày cực khổ; nhưng rồi cũng chính Ngài quan phòng để con
cái Israel tản mác khắp nơi được hồi hương để xây dựng lại Đền Thờ và tái thiết
xứ sở; khi họ nhận ra tội lỗi của họ và kêu cầu lòng thương xót của Ngài.
Ngôn sứ Amos nhìn thấy tương lai: Khi Thiên Chúa thương nhìn đến con cái
Israel, không những họ được phục hồi giang sơn đã mất, mà còn được nới rộng
lãnh thổ và gia tăng dân số. Điều ngôn sứ có lẽ muốn nói ở đây là khi triều đại
của Đấng Thiên Sai tới, Ngài sẽ làm cho nhiều dân tộc nhận biết và tin vào
Thiên Chúa, để họ được tháp nhập vào với con cái Israel, và được kể vào số dân
riêng của Ngài.
1.2/ Chúng sẽ không còn bị bứng đi khỏi thửa đất Ta đã ban cho chúng.
Những hình ảnh ngôn sứ dùng để mô tả những gì Thiên Chúa sẽ ban cho con
cái Israel khi họ biết ăn năn hối lỗi quay về: Họ sẽ có cơm ăn áo mặc vì Thiên
Chúa chúc lành cho mùa màng của họ. Thiên Chúa sẽ phục hồi những gì đã mất:
“chúng sẽ tái thiết những thành phố điêu tàn và định cư ở đó; chúng sẽ uống rượu
vườn nho mình trồng, ăn thổ sản vườn mình canh tác.” Họ sẽ không lo phải vất vả
vun trồng mà không biết có được ăn hay không! Thiên Chúa sẽ bảo vệ họ khỏi tay
quân thù, và họ sẽ không sợ phải lưu đày và làm tôi mọi cho quân thù phương Bắc.
Một khi đã đưa họ trở về, họ sẽ không còn lo phải bị lưu đày một lần nữa.
2/ Phúc Âm: “Chẳng lẽ khách dự tiệc cưới
lại có thể than khóc, khi chàng rể còn ở với họ?”
2.1/ Ăn chay phải có mục đích: Khi con người làm bất cứ việc gì, là
cho một mục đích; chứ không làm theo hứng, cũng không theo thời, hay thấy người
ta làm mình cũng làm. Các môn đệ ông Gioan thấy môn đệ Chúa Giêsu không ăn chay
lên tiến lại hỏi Ngài: “Tại sao chúng tôi và các người Pharisees ăn chay, mà
môn đệ ông lại không ăn chay?”
Đức Giêsu trả lời: “Chẳng lẽ khách dự tiệc cưới lại có thể than khóc, khi
chàng rể còn ở với họ? Nhưng khi tới ngày chàng rể bị đem đi rồi, bấy giờ họ mới
ăn chay.” Câu trả lời của Chúa Giêsu nhắc nhở cho các môn đệ của Gioan biết: một
trong những mục đích của việc ăn chay là để một người sống mối liên hệ của họ với
Thiên Chúa. Nếu một người đang sống mối liên hệ đó như các môn đệ đang có Chúa
Giêsu, các môn đệ chưa cần phải ăn chay. Họ sẽ ăn chay khi Chúa Giêsu rời xa họ
hay khi họ đang sống xa cách với Thiên Chúa mà muốn trở lại với Ngài.
2.2/ Phải có tinh thần mới để đón nhận mặc khải và đạo lý mới: Nếu
con người muốn tiến bộ, họ phải có một tinh thần hay thái độ cầu tiến; nếu
không có tinh thần này, họ sẽ giữ chặt những gì họ đã có hay đã biết và từ chối
thay đổi. Chúa Giêsu đưa ra hai ví dụ để mời gọi khán giả suy xét:
(1) Không ai lấy vải mới vá vào áo cũ: “vì miếng vá mới sẽ co lại, khiến
áo rách lại càng rách thêm.” Vải mới có độ co dãn mạnh hơn áo cũ, vì chưa được
giặt giũ nhiều. Nếu một người vá vải mới vào áo cũ, nó sẽ co lại và làm cho chỗ
rách của áo cũ càng tệ hơn.
(2) Không ai đổ rượu mới vào bầu da cũ: “vì như vậy, bầu sẽ bị nứt: rượu
chảy ra và bầu cũng hư. Nhưng rượu mới thì đổ vào bầu mới: thế là giữ được cả
hai.” Một ví dụ tân thời hiện đại giúp chúng ta dễ hiểu hơn: Các softwares mới
ra phải được dùng trong các máy vi tính mới, vì chúng đòi nhiều chỗ để chứa các
dữ kiện và đòi một vận tốc nhanh hơn mà các máy vi tính cũ không thể đáp ứng nổi.
Nếu một người ngoan cố cứ dùng các softwares mới này trong máy vi tính cũ của
mình, mà không chịu update, họ sẽ chỉ chuốc lấy thất bại mà thôi.
Trong lãnh vực tri thức cũng thế, để có thể hiểu truyền thống của một nước,
người nghiên cứu phải đặt mình trong hoàn cảnh và lối suy tư của dân địa
phương; nếu không, họ sẽ không bao giờ hiểu được truyền thống của dân địa
phương, và dễ đi tới những phê phán sai lầm. Cũng vậy, để có thể tiếp nhận đạo
lý của Chúa Giêsu, người nghe phải có một thái độ khiêm nhường và cởi mở, họ mới
có thể tiếp nhận những mặc khải mới của Chúa Giêsu. Nếu họ cho Lề Luật đã hoàn
hảo như các kinh-sư, họ sẽ không bao giờ muốn tiếp nhận đạo lý mới của Ngài.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC
SỐNG:
– Chúng ta đừng cố chấp ở trong sự sai lạc và tội lỗi; nhưng cần có một
tinh thần học hỏi và cầu tiến để nhận ra những gì cần hủy bỏ và những gì cần
thay đổi cho cuộc đời tốt đẹp hơn.
– Lắng nghe sự hướng dẫn của Thánh Thần sẽ giúp chúng ta nhận ra sự thật
từ bao nhiêu sai lầm. Ngài sẽ giúp chúng ta sửa đổi con người cũ và canh tân
thành những người con sống đẹp lòng Thiên Chúa.
Linh mục Anthony
Đinh Minh Tiên, OP
04/07/20 – THỨ BẢY ĐẦU THÁNG TUẦN 13 TN
Th. Ê-li-sa-bét Bồ Đào Nha
Mt 9,14-17
CHỈ VÌ YÊU CHÚA MÀ THÔI
“Chẳng lẽ khách dự tiệc cưới lại có thể than khóc, khi chàng
rể còn ở với họ? Nhưng khi tới ngày chàng rể bị đem đi rồi, bấy giờ họ mới ăn
chay.” (Mt 9,15)
Suy niệm: Trong một đám cưới, cô
dâu chú rể là “cái đinh” của sự kiện. Điều này càng đúng đối với một đám cưới
theo phong tục Do Thái. Mọi sự long trọng bậc nhất đều dành cho đôi tân hôn.
Ngay cả những việc đạo đức quan trọng như ăn chay cũng phải nhường bước cho niềm
vui của bữa tiệc cưới khi chàng rể còn đang hiện diện. Chúa Giê-su ví mình như
chàng rể và các môn đệ như những bạn thiết của chàng. Mọi niềm vui hay nỗi buồn
của các môn đệ đều qui hướng về Đức Ki-tô, nghĩa là họ có làm gì cũng vì Chúa
muốn và vì yêu mến Ngài.
Mời Bạn: Giống như tâm sự một thiếu
nữ đang yêu : “Có chàng, đánh phấn tô son. Vắng chàng, điểm thắm trang hồng với
ai?” việc trang điểm không chỉ là để làm đẹp cho bản thân mà còn để diễn tả
tình yêu chung thuỷ. Cũng thế, làm các việc đạo đức không phải để hoàn thiện bản
thân – sự hoàn thiện ấy đương nhiên sẽ có; tôi làm hay không làm việc gì đó chỉ
vì ý Chúa muốn, chỉ vì lòng tôi yêu mến Ngài. Nếu mọi việc chúng ta làm đều “vì
chàng rể”, nghĩa là vì yêu mến Đức Ki-tô thì việc gì cũng trở thành việc đạo đức,
có giá trị, có công phúc trước mặt Chúa.
Chia sẻ: Làm việc tốt với ý hướng
ích kỷ khác làm việc tốt với ý hướng tốt thế nào?
Sống Lời Chúa &
Cầu nguyện: Khi
sắp làm việc gì, bạn hãy dâng lên Chúa lời nguyện sau đây hoặc một lời tương tự:
Lạy Chúa Giê-su đáng mến, con xin dâng lên Chúa công việc con sắp làm đây. Con
ước ao làm việc này vì yêu mến Chúa. Xin Chúa giúp con làm việc này hết sức tốt
đẹp theo thánh ý Chúa.
(5 Phút Lời Chúa)
Suy Niệm : Giữ được
cả hai
Suy niệm:
Mỗi năm người Do thái
dành một ngày chính thức để cả nước ăn chay.
Đó là ngày lễ Xá tội
(Lv 23, 29).
Tuy nhiên cũng có những
ngày ăn chay khác có tính tập thể
để kỷ niệm những biến
cố đau buồn của dân tộc.
Ngôn sứ Giôen đã mời
người ta ăn chay, khóc lóc và than van (Ge 2, 12).
Vào thời Đức Giêsu,
các môn đệ của Gioan Tẩy Giả và nhóm Pharisêu
còn ăn chay do lòng đạo
đức riêng, có người hai lần một tuần (Lc 18, 12).
Nhìn chung bầu khí ăn
chay không phải là bầu khí vui tươi phấn khởi.
Bởi đó có người cố
mang bộ mặt rầu rĩ để khoe là mình đang ăn chay.
Trong bài Tin Mừng hôm
nay,
Đức Giêsu bị các môn đệ
của Gioan tra hỏi
về chuyện tại sao các
môn đệ của Ngài lại không ăn chay như họ (c. 14).
Đối với họ ăn chay là
một việc đạo đức quan trọng, không thể thiếu
trong đời sống của một
nhóm như nhóm các môn đệ Đức Giêsu.
Đức Giêsu đã trả lời họ
bằng một câu hỏi khác.
Gián tiếp Ngài nhận
mình là chàng rể, các môn đệ là khách dự tiệc cưới.
Chính vì thế chuyện ăn
chay than khóc hoàn toàn không hợp chút nào.
Bầu khí vui tươi là
nét đặc trưng của thời kỳ Đấng Mêsia đến.
Đúng là cần phải sám hối,
vì Nước Trời đã đến rồi (Mt 4, 17),
nhưng Nước Trời được
ví như một tiệc cưới lớn (Mt 22, 1-14; 25, 1-13),
nên phải đón lấy Nước
này trong niềm vui của ngày hội.
Chỉ khi nào chàng rể
Giêsu bị đem đi trong cuộc Khổ nạn,
khi ấy các môn đệ của
Ngài mới ăn chay.
Các Kitô hữu sơ khai vẫn
giữ việc ăn chay (Cv 13, 2; 14, 23; 2 Cr 6, 5)
đặc biệt vào những
ngày thứ tư và thứ sáu (sách Điđakhê 8, 1),
thay vì thứ hai và thứ
năm như người Do thái.
Nhưng họ ăn chay không
phải để chờ một Đấng chưa đến,
mà để chuẩn bị lòng
mình đón đợi một Đấng sắp lại đến trong vinh quang.
Đức Giêsu đem đến những
giáo huấn và tinh thần mới mẻ.
Liệu có thể ghép những
cái mới đó vào cái khung của lối sống cũ không?
Bằng hai ví dụ, Ngài
cho thấy điều đó khó thực hiện và gây nguy hại.
Miếng vải mới được vá
vào chiếc áo cũ, sẽ co lại và làm áo rách thêm.
Rượu mới được đổ vào bầu
da cũ, thì bầu sẽ bị nứt mà rượu lại chảy ra.
Đối với Đức Giêsu, muốn
giữ được cả bầu lẫn rượu mới, thì cần có bầu mới.
Bầu mới chính là cách
sống mới Luật Tôra của Thiên Chúa
như đã được Ngài giải
thích lại trong Bài Giảng trên núi.
Kitô hữu được định
nghĩa là những người luôn sống trong niềm vui,
bất chấp những bách hại
và giá phải trả để làm môn đệ Đức Giêsu.
Chàng rể đã bị đem đi,
nhưng Chàng rể vẫn đang ở lại (Mt 28, 20).
Bầu khí của tiệc cưới
và rượu mới
vẫn là bầu khí của mọi
cộng đoàn Kitô hữu hôm nay.
Cầu nguyện :
Lạy Chúa,
xin dạy con luôn tươi
tắn và dịu dàng
trước mọi biến cố của
cuộc sống,
khi con gặp thất vọng,
gặp người hờ hững vô tâm,
hay gặp sự bất trung,
bất tín
nơi những người con
tin tưởng cậy dựa.
Xin giúp con gạt mình
sang một bên
để nghĩ đến hạnh phúc
người khác,
giấu đi những nỗi phiền
muộn của mình
để tránh cho người
khác phải đau khổ.
Xin dạy con biết tận dụng
đau khổ con gặp trên đời,
để đau khổ làm con
thêm mềm mại,
chứ không cứng cỏi hay
cay đắng,
làm con nhẫn nại chứ
không bực bội,
làm con rộng lòng tha
thứ,
chứ không hẹp hòi hay
độc đoán, cao kỳ.
Ước gì không ai sút
kém đi
vì chịu ảnh hưởng của
con,
không ai giảm bớt lòng
thanh khiết, chân thật,
lòng cao thượng, tử tế,
chỉ vì đã là bạn đồng
hành của con
trong cuộc hành trình
về quê hương vĩnh cửu.
Khi con loay hoay với
bao nỗi lo âu bối rối,
xin cho con có lúc
thì thầm với Chúa một
lời yêu thương.
Ước chi đời con là cuộc
đời siêu nhiên,
tràn trề sức mạnh để
làm việc thiện,
và kiên quyết nhắm tới
lý tưởng nên thánh. Amen.
(dịch theo Learning
Christ)
Lm. Ant. Nguyễn Cao
Siêu SJ.
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
4 THÁNG BẢY
Biến Cái Hỗn Mang
Thành Trật Tự
Trong nhiều bản văn,
Thánh Kinh ca ngợi sự quan phòng thần linh như là quyền bính tối cao của thế giới,
quyền bính đầy quan tâm đối với mọi tạo vật, nhất là đối với con người. Thiên
Chúa, trong tư cách là chủ nhân đầy tình yêu thương đối với tất cả những gì mà
Ngài đã tạo dựng, vẫn luôn luôn làm việc trong mọi sự.
Thiên Chúa, bằng sự
khôn ngoan đầy sức sáng tạo của Ngài, dự liệu mọi sự và làm việc trong mọi sự.
Sự khôn ngoan của Thiên Chúa vượt xa sự khôn ngoan và cẩn trọng của con người.
Thật vậy, Thiên Chúa – Đấng siêu việt trên mọi sự – làm cho thế giới có thể biểu
hiện trật tự lạ lùng theo ý Ngài ở nhiều cấp độ khác nhau.
Chính sự quan phòng và
khôn ngoan này của Đấng Tạo Hóa làm cho thế giới có thể vận hành như một vũ trụ
có hệ thống và trật tự chứ không phải như một mớ hỗn mang. “Chúa đã sắp xếp có
chừng có mực, đã tính toán và cân nhắc cả rồi” (Kn 11,20). Thánh Kinh trầm trồ
về sự khôn ngoan sáng tạo của Thiên Chúa.
– suy tư 366 ngày của
Đức Gioan Phaolô II –
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations
by Pope John Paul II
Lời Chúa Trong Gia Đình
NGÀY 04/7
Thánh nữ Elisabeth
Bồ Đào Nha
Am 9, 11-15; Mt 9,
14-17.
LỜI SUY NIỆM: “Chẳng ai lấy
vải mới mà vá áo cũ, vì miếng vá mới sẽ co lại, khiến áo rách lại càng rách
thêm. Người ta cũng không đổ rượu mới vào bầu da cũ, vì như vậy, bầu sẽ bị nứt:
rượu chảy ra và bầu cũng hư. Nhưng rượu mới thì đổ vào bầu mới, thế là giữ được
cả hai.”
Với câu hỏi của các người môn đệ Giaon Tẩy Giả về việc ăn chay và không ăn
chay. Chúa Giêsu thấy con người khi thực hiện một điều Luật, họ chỉ thi hành
theo thói quen, chứ không có tâm tình. Nên Chúa Giêsu mời gọi cần phải thu dẹp
những cái hình thức đó, mà cần mặc lấy những tâm tình yêu mến; nếu không thì chẳng
đem lại ích lợi nào cả mà có khi làm hỏng, đánh mất tất cả.
Lạy Chúa Giêsu. Chúa dạy chúng con phải bỏ đi bầu da cũ, sắm lấy bình da mới để
bảo toàn rượu mới. Xin cho mỗi người chúng con biết canh tân cuộc sống của
chúng con theo Tin Mừng của Chúa. “Tất cả vi tình yêu Chúa và tình yêu người”
Mạnh Phương
Gương Thánh Nhân
Ngày
04-07: Thánh ELISABETH LUSITANIA
(1271 – 1336)
Thánh Elisabeth là con
vua Phêrô III nước Aragon, và là cháu vua Giacôbê I. Ngài sinh ra năm 1271 và
được đặt tên là Elisabeth, để kính nhớ thánh nữ Elisabeth, hoàng hậu nước
Hungari là dì của cha Ngài, mới được đức giáo hoàng Grêgôriô IX tuyên thánh 40
năm trước. Elisabeth ra đời như sứ giả hòa bình, vì khi Ngài sinh ra cha Ngài
và ông nội Ngài làm hoà với hau.
Vua Giacôbê muốn tự
mình giáo huấn đứa cháu gái. Elisabeth lên sáu tuổi thì ông nội từ trần. Nhưng
những chỉ dẫn thánh thiện của ông nội lẫn gương sáng của bà nội đã in sâu trong
tâm hồn thánh nữ. Nhận xét về đứa cháu gái của mình. Có lần nhà vua thánh thiện
Giacôbê đã nói: – Đây là viên ngọc xứ Aragon.
Lên tám, Elisabeth đã
tỏ ra là người trưởng thành. Vào tuổi này Ngài đã bắt đầu đọc kinh nhật tụng và
sẽ trung thành đến phút cuối đời. Dầu thân xác yếu đuối, Ngài vẫn sống đời khắc
khổ. Ngày áp lễ Đức Mẹ thánh nữ thường giữ chay nhiệm nhặt để dọn mình, không
thích chưng diện sang trọng, Ngài sống khiêm tốn hiền hậu. Mọi người trong triều
đình coi Ngài như một thiên thần được Thiên Chúa gởi xuống. Cha Ngài cũng phải
nhìn nhận rằng: chính lòng đạo đức của con gái mình đã kéo ơn phúc lành từ trời
cao xuống cho vương quốc.
Vào tuổi 12, Elisabeth
được nhiều hoàng tử chú ý. Sau hai lần từ khước lời cầu hôn của hoàng tử nước
Anh và của hoàng tử nước Ý, thánh nữ nhận lời thành hôn với hoàng tử Denis nước
Bồ Đào Nha. Trở thành hoàng hậu, Elisabeth vẫn luôn hướng lòng về Thiên Chúa.
Ngài dốc toàn lực để chu toàn phận vụ của một hoàng hậu. Nhưng ưu tư quan yếu của
Ngài là trang hoàng các thánh đường và cung ứng của ăn áo mặc cho người nghèo.
Đối với những ai biết được cuộc sống nhiệm nhặt âm thầm của thánh nữ mà muốn
khuyên Ngài giảm bớt, Ngài nói: – Ở đâu cần hy sinh hãm mình hơn là ở trong triều
đình là nơi có nhiều nguy hiểm lớn lao.
Ngài thường nói: –
Thiên Chúa đặt tôi lên ngai là để tôi làm việc lành cho những người bất hạnh.
Mọi người đau khổ đều
được Ngài săn sóc, nhưng Ngài quan tâm hơn tới trẻ mồ côi, nhưng người thiếu nữ
cô độc và khốn khổ. Ngài còn tiếp đón khách hành hương, săn sóc các bệnh nhân.
Mỗi ngày thứ sáu trong mùa chay, Ngài rửa chân cho 13 người hành khất. Lần kia,
hoàng hậu rửa sạch, băng bó vết thương nơi chân một bệnh nhân, rồi âu yếm hôn
lên vết thương ấy. Hành động anh hùng này đã được ân thưởng: vết thương được lành.
Đối với những người
nghèo khổ mà mắc cỡ, thánh nữ mang của bố thí đến cho họ. Vào một ngày mùa
đông, Ngài giấu đồ cứu trợ trong áo. Chồng Ngài bắt gặp và lên tiếng hỏi. Thấy
chồng giận dữ, Ngài không dám trả lời. Nhà vua giật áo Ngài ra. Và lạ lùng nhà
vua chỉ thấy toàn là hoa hồng. Để ghi nhớ phép lạ này, một cửa vào tu viện
thánh Clara do thánh nữ thiết lập được đặt tên là hoa hồng.
Đức bác ái của thánh
Elisabeth còn lan rộng tới những miền xa xôi khác nữa, hoà giải các gia đình và
các dân tộc lại với nhau. Ngài đã hòa giải vua miền Aragon với vua miền
Castille, rồi vua miền Castilia với vua Bồ đào Nha. Như thế Ngài đã dập tắt được
nhiều cuộc chiến.
Trong khi mang hạnh
phúc đến cho mọi người, thánh nữ lại là người chịu bao nhiêu cay đắng. Denis,
chồng Ngài là một nhà cai trị có khả năng, nhưng lại là một người chồng thất
tín. Chúng ta nhớ rằng: cuộc hôn nhân của Ngài là một cuộc dàn xếp chính trị và
các vua mà giữ được sự tinh khiết thì quả là đặc biệt. Elisabeth không những đã
nhẫn nhục và êm đềm chịu đựng sự bất trung của chồng mà còn tận tâm săn sóc những
đứa con ngoại hôn của chồng với trọn tình mẫu tử. Dần dần những nhẫn nại và
thùy mị đã cảm hóa được Denis.
Câu chuyện sau đây là
một ví dụ: Hoàng hậu Elisabeth đã chọn một tiểu đồng nhân đức là Alonsô để phân
phát của bố thí. Ghen tức Alonsô, một tiểu đồng khác đã vu cáo là Alonsô có những
liên hệ tội lỗi với hoàng hậu. Nhà vua tin lời. Ong ra lệnh cho một chú lò vôi:
– Khi một tiểu đồng đến hỏi rằng: “Lệnh nhà vua đã được thi hành chưa ?” thì cứ
túm lấy cổ nó mà ném vào lò cho chết.
Hôm sau vua sai Alonsô
đi hỏi như trên. Dọc đường anh vào nhà thờ dự ba thánh lễ liền. Còn nhà vua thì
nóng lòng, sai tên vu cáo đi dò hỏi sự việc. Hắn tới và bị túm cổ ném vào lò
vôi. Hết lễ Alonsô đến hỏi chủ lò vôi rồi về tường trình sự việc cho vua. Nhà
vua ngạc nhiên và nhận biết sự vô tội của Alonsô. Ong hối cải và quyết tâm sống
xứng đáng với người vợ thánh thiện của mình.
Nhưng rồi một thảm họa
đã xảy ra. Hoàng tử Alfonsô nổi loạn. Hoàng hậu Elisabeth rất đau lòng. Ngài
thêm lời cầu nguyện, sám hối và bố thí, Ngài đã thành công khi cỡi ngựa vào giữa
trận địa, tay cầm thánh giá để ngăn cho khỏi xẩy ra việc đổ máu. Tại Lisbonne vẫn
còn tấm đá cẩm thạch ghi dấu sự kiện này. Lợi dụng thời cơ bọn nịnh thần xúi giục
nhà vua tin rằng: chính hoàng hậu đã thông đồng với con để khởi loạn. Elisabeth
bị giam trong pháo đài Alamquer: nhưng hoàng hậu vẫn nhân từ, Ngài không chống
đối theo lời khuyên của các lãnh Chúa mà còn làm cho họ trung thành hơn với
vương quyền. Denis nhờ đó nhận biết sự lầm lẫn của mình. Ông công khai hối hận.
Năm 1325 Denis từ trần cách thánh thiện sau một cơn bệnh lâu dài và đau đớn, dưới
sự săn sóc tận tình của người vợ.
Từ đây Elisabeth cởi bỏ
mọi y phục sang trọng, cắt tóc ngắn và nhập dòng ba Phanxicô. Ngài mặc áo dòng
và đã sống trong một ngôi nhà cạnh dòng thánh Clara mà Ngài đã thiết lập ở
Coimbra. Đời sống Ngài là một gương mẫu cho các nữ tu.
Năm 1336, con Ngài là
vua Alphonsô gây chiến với vua miền Castille, người đã xử tệ với vợ mình, là
con gái vua Alfonsô. Dầu đã yếu đau, thánh Elisabeth đã đuổi theo và gặp được
đoàn quân ở Estremoz. Ngài đã thành công trong việc hòa giải hai nhà vua.
Trong cơn bệnh cuối đời
của Ngài, có cả con và cháu hiện diện, Ngài còn được ơn an ủi đặc biệt và được
Đức Mẹ đến đón trong lúc hơi thở cuối cùng. Ngài qua đời ngày 4 tháng 7 năm
1336. Đức giáo hoàng Urbanô đã suy tôn Ngài lên bậc hiển thánh.
(daminhvn.net)
04 Tháng Bảy
Củ Cà Rốt Của Tôi
Một lão bà nọ qua đời,
được các Thiên Thần mang đến tòa phán xét. Trong khi duyệt xét các hành động của
bà lúc còn sống, Ðấng phán xét đã không tìm thấy bất cứ một hành động bác ái
nào, ngoại trừ có một lần bà đã cho người ăn mày một củ cà rốt. Tuy nhiên, Ðấng
phán xét tối cao đầy lòng nhân từ cũng xem hành động ấy có đủ sức để mang người
đàn bà lên Thiên Ðàng. Dĩ nhiên, củ cà rốt sẽ được dùng như sợi xích vững để
người đàn bà bám vào và leo lên các bậc trong chiếc thang dẫn về Thiên Ðàng.
Người ăn mày cũng
chết vào khoảng trong thời gian ấy. Anh cũng được diễm phúc bám vào gấu áo của
người đàn bà để được đưa lên Thiên Ðàng.
Một người khác cũng
qua đời vào ngày hôm đó. Người này cũng níu lấy chân của người hành khất. Không
mấy chốc, chiếc thang bắt đầu từ củ cà rốt mỗi lúc một dài ra đến gần như vô tận:
mọi người đều níu kéo nhau để lên Thiên Ðàng. Nhưng từ trên đỉnh thang nhìn xuống,
người đàn bà bỗng châu mày khó chịu. Bà thấy sợi dây mỗi lúc một dài, bà sợ nó sẽ
căng ra rồi đứt chăng. Cho nên trong cơn bực tức, bà cố gắng dành riêng cho
mình củ cà rốt và la lên: “Các người giang ra, đây là củ cà rốt của tôi”.
Người đàn bà cố gắng
giữ củ cà rốt cho riêng mình cho nên sợi dây tạo nên chiếc thang bắc lên Trời bị
đứt. Bà rơi nhào xuống đất và cả đoàn người bám víu vào sợi dây ấy cũng rơi
theo.
Một tác giả nào đó đã
nói như sau: “Nguyên nhân của tất cả các sự dữ trên trần gian đều bắt đầu từ
câu nói điều này thuộc về tội, điều kia thuộc về tôi”.
Khi con người muốn chiếm
giữ cho riêng mình là lúc con người cũng muốn chối bỏ và loại trừ người khác.
Nhưng càng muốn chiếm giữ cho riêng mình, con người không những chối bỏ người
khác mà cũng đánh mất chính bản thân mình. Tình liên đới là điều thiết yếu cho
sự thành toàn của bản thân chúng ta. Càng ra khỏi chính mình để sống cho người
khác, chúng ta càng gặp lại bản thân, chúng ta càng lớn lên trong tình người.
Ðó là nghịch lý mà Chúa Giêsu đã nói với chúng ta: “Ai mất mạng sống mình, người
đó sẽ tìm gặp lại bản thân”. Hạnh phúc của bản thân chính là làm sao cho người
khác được hạnh phúc.
(Lẽ Sống)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét