03/08/2020
Thứ hai tuần 18
thường niên năm A
BÀI ĐỌC I: Gr 28, 1-17
“Hỡi Hanania, Chúa không hề sai
anh, anh đã làm cho dân tin tưởng sự giả dối”.
Trích sách Tiên tri
Giêrêmia.
Năm ấy, vào đầu triều đại Sêđêcia, vua Giuđa, tháng năm, năm thứ tư, có
tiên tri Hanania, con của Azur, quê ở Gabaon, nói với Giêrêmia trong Đền thờ
Chúa, trước mặt các tư tế và toàn dân rằng: “Chúa các đạo binh, Thiên Chúa
Israel phán thế này: “Ta đã bỏ ách của vua Babylon. Còn hai năm nữa thì tất cả
những đồ dùng trong Đền thờ Chúa, mà Nabucôđônosor, vua Babylon, đã đoạt đem
qua Babylon, Ta sẽ đem về nơi này. Giêcônia, con Gioakim, vua Giuđa, cùng tất cả
những người Giuđa bị lưu đày đi Babylon, Ta cũng sẽ đem về nơi này: vì Ta bỏ
ách vua Babylon. Chúa phán như thế”.
Bấy giờ tiên tri Giêrêmia trả lời tiên tri Hanania trước mặt các tư tế và
toàn dân đang đứng trong Đền thờ Chúa. Tiên tri Giêrêmia nói: “Được, Chúa cứ
làm như vậy. Chúa cứ thực hiện những lời anh đã nói tiên tri. Ngài cứ đem các đồ
dùng trong Đền thờ Chúa và mọi người lưu đày từ Babylon về nơi này. Nhưng anh
hãy nghe lời tôi nói cho anh và toàn dân nghe: Các tiên tri trước anh và tôi,
đã nói tiên tri từ lâu, cho nhiều xứ và vương quốc vĩ đại biết có chiến tranh,
cơ cực và đói khát. Nhưng tiên tri nào nói tiên tri cho biết có hoà bình, khi ứng
nghiệm lời mình nói, thì mới được nhận là tiên tri thật Chúa sai đến”.
Bấy giờ tiên tri Hanania giật cái ách nơi cổ của tiên tri Giêrêmia mà bẻ
đi. Rồi Hanania nói trước mặt toàn dân rằng: “Chúa phán thế này: Hai năm nữa,
Ta sẽ bẻ ách của Nabucôđô-nosor, vua Babylon, nơi cổ mọi dân tộc như thế đó”.
Và tiên tri Giêrêmia bỏ đi. Nhưng sau khi tiên tri Hanania giật cái ách nơi cổ
tiên tri Giêrêmia mà bẻ đi, thì có lời Thiên Chúa phán cùng Giêrêmia rằng: “Hãy
đi nói với Hanania rằng: Chúa phán thế này: “Ngươi đã bẻ ách gỗ, thì Ta sẽ lấy
ách sắt thay vào”. Vì Chúa các đạo binh, Thiên Chúa Israel phán: “Ta đã đặt ách
sắt vào cổ mọi dân tộc này, để chúng làm tôi Nabucô-đônosor, vua Babylon. Chúng
sẽ làm tôi vua ấy, và cả đến thú vật ngoài đồng, Ta cũng nạp cho vua ấy”.
Tiên tri Giêrêmia liền nói với tiên tri Hanania rằng: “Hỡi Hanania, hãy
nghe đây: Chúa không hề sai anh. Anh đã làm cho dân này tin tưởng sự giả dối.
Vì vậy, Chúa phán thế này: ‘Đây Ta sẽ cất ngươi khỏi mặt đất: năm nay ngươi sẽ
chết, vì ngươi đã nói chống lại Chúa’ “. Và tiên tri Hanania đã chết trong
tháng bảy năm ấy. Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 118, 29. 43.
79. 80. 95. 102
Đáp: Lạy Chúa, xin
dạy bảo con những thánh chỉ của Chúa (c. 68b).
Xướng:
1) Xin đưa con xa cách con đường gian dối, và rộng tay ban luật pháp của
Ngài cho con. – Đáp.
2) Xin Chúa đừng rút lời chân lý khỏi miệng con, vì con trông cậy vào sắc
dụ của Ngài. – Đáp.
3) Tâm hồn chúng như mỡ đặc, vô cảm giác; phần con biết sướng vui do luật
pháp của Ngài. – Đáp.
4) Nguyện cho lòng con trọn vẹn hướng về thánh chỉ, để con không bị xấu hổ
thẹn thùng. – Đáp.
5) Những tên ác nhân đợi chờ để thủ tiêu con, nhưng con vẫn quan tâm đến
lời Ngài nghiêm huấn. – Đáp.
6) Con không bước trật đường thánh dụ của Ngài, bởi vì chính Ngài dạy bảo
con. – Đáp.
ALLELUIA: Mt 4, 4b
Alleluia, alleluia!
– Người ta sống không nguyên bởi bánh, nhưng bởi mọi lời do miệng Thiên Chúa
phán ra. – Alleluia.
PHÚC ÂM: Mt 14, 22-36
“Xin truyền cho con đi trên mặt
nước mà đến cùng Thầy”.
Tin Mừng Chúa Giêsu
Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi dân chúng đã ăn no, lập tức Chúa Giêsu giục môn đệ trở xuống thuyền
mà qua bờ bên kia trước, trong lúc Người giải tán dân chúng. Giải tán họ xong,
Người lên núi cầu nguyện một mình. Đến chiều, Người vẫn ở đó một mình. Còn thuyền
thì đã ra giữa biển, bị sóng đánh chập chờn vì ngược gió.
Canh tư đêm tối, Người đi trên mặt biển mà đến với các ông. Thấy Người đi
trên mặt biển, các ông hoảng hồn mà nói rằng: “Ma kìa” và các ông sợ hãi kêu la
lớn tiếng. Lập tức, Chúa Giêsu nói với các ông rằng: “Hãy yên tâm. Thầy đây, đừng
sợ”. Phêrô thưa lại rằng: “Lạy Thầy, nếu quả là Thầy, thì xin truyền cho con đi
trên mặt nước mà đến cùng Thầy”. Chúa phán: “Hãy đến”. Phêrô xuống khỏi thuyền
bước đi trên mặt nước mà đến cùng Chúa Giêsu. Khi thấy gió mạnh, ông sợ hãi và
sắp chìm xuống nên la lên rằng: “Lạy Thầy, xin cứu con”. Lập tức, Chúa Giêsu
giơ tay nắm lấy ông mà nói: “Người hèn tin, tại sao lại nghi ngờ?” Khi cả hai
đã lên thuyền thì gió liền yên lặng. Những người ở trong thuyền đến lạy Người
mà rằng: “Thật, Thầy là Con Thiên Chúa!”
Khi đã sang qua biển hồ, các ngài lên bộ và ghé vào Ghênêsarét. Nhận ra
Ngài, dân địa phương liền loan tin đi khắp cả vùng xung quanh, và người ta đem
đến cho Ngài hết mọi kẻ ốm đau. Họ nài xin Ngài cho họ rờ đến tua áo choàng của
Ngài thôi, và ai đã rờ đến thì đều được chữa lành. Đó là lời Chúa.
Suy Niệm : Chúa Ði Trên
Biển
Thiên Chúa tỏ ra là một nhà giáo dục đại tài: Ngài luôn tôn trọng tư tưởng,
dự định của con người, nhưng với thời gian và qua dòng lịch sử, Ngài thanh lọc,
kiện toàn những gì không phù hợp với Nước Trời. Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa nhập
thể làm người cũng đi theo đường lối đó, như chúng ta có thể thấy trong bài Tin
Mừng hôm nay.
Sau khi cho dân chúng ăn no, Chúa Giêsu buộc các môn đệ lên đò sang bờ
bên kia. Giải tán dân chúng xong, Chúa Giêsu lên núi cầu nguyện một mình. Các
môn đệ vâng lời Thầy ra đi, nhưng có lẽ các ông không được hài lòng. Các ông đã
hết sức kiên nhẫn chờ đợi ngày Chúa Giêsu làm vua, cơ hội đó hôm nay đã đến,
nhưng Chúa lại từ chối. Không những bỏ lỡ cơ hội, Chúa còn ra lệnh cho các ông
lập tức rời bỏ hiện trường. Bất mãn, chán nản và mệt nhọc làm cho các ông ngã
lòng. Chúa Giêsu biết rõ tâm trạng của các ông, không những bằng ánh mắt và bằng
cả cõi lòng khi Ngài cầu nguyện trên triền núi. Ngài thấy các ông chèo chống
ngược với sóng gió và ngược với cả ý muốn. Chính lúc đó, Ngài đi trên mặt biển
để đến với các ông. Ngài đã làm như thế để các ông hiểu rằng Ngài có quyền năng
trên các tạo vật, Ngài có chương trình của Ngài và Ngài sẽ thực hiện chương
trình ấy khi giờ của Ngài đến.
Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta đặt tất cả niềm tin vào quyền năng của
Chúa. Ngài có chương trình cho mỗi người chúng ta. Ðiều quan trọng không phải
là chúng ta bắt Thiên Chúa làm theo ý chúng ta, để rồi khi không được như ý
nguyện, chúng ta tỏ ra buồn phiền, than trách Chúa. Trái lại, chúng ta hãy đặt
hết tin tưởng vào Chúa, Ngài vẫn hiện diện để sẵn sàng cứu giúp chúng ta. Hãy
phó thác vào quyền năng yêu thương của Ngài và như thế tâm hồn chúng ta sẽ được
bình an.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Hai Tuần 18 TN2,
Năm Chẵn
Bài đọc: Jer
28:1-17; Mt 14:22-36
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ:
Nhà lãnh đạo phải có bản lĩnh.
Trong cuộc đời chúng
ta thấy có nhiều nhà lãnh đạo; nhưng không phải ai cũng là những nhà lãnh đạo
có bản lĩnh. Có những nhà lãnh đạo thành công khi gặp cơ hội thuận tiện; nhưng
khi phải đương đầu với những khó khăn và nguy hiểm trên đường, họ không có bản
lĩnh đủ để vượt qua các trở ngại để bảo vệ dân chúng.
Các bài đọc hôm nay
cho chúng ta thấy những ví dụ của hai nhà lãnh đạo có bản lĩnh. Trong bài đọc
I, ngôn sứ Jeremiah phải đương đầu với ngôn sứ giả Hananiah. Dân chúng có
khuynh hướng chạy theo Hananiah, vì ông có những lời mà dân chúng muốn nghe:
bình an sẽ trở lại mau chóng, các vật dụng trong Đền Thờ sẽ được trả về, và vua
Judah là Jeconiah sẽ được hồi hương trở về để lãnh đạo quốc gia. Đứng trước khó
khăn này, Jeremiah chọn thái độ kiên nhẫn và tìm dịp cho dân chúng nhận ra sự
thật đến từ Đức Chúa. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu bị các tông đồ tạo áp lực thiếu
của ăn để Ngài phải giải tán dân chúng; nhưng Chúa Giêsu đòi chính các ông phải
cho dân chúng ăn. Ngài đã dùng năm chiếc bánh và hai con cá để nuôi năm ngàn
người đàn ông, chưa kể đàn bà và trẻ thơ. Chúa Giêsu có ý muốn dạy các tông đồ
phải có lòng quan tâm đến dân chúng cả phần hồn cũng như phần xác, cho dù có phải
đương đầu với những khó khăn.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Cuộc tranh chấp giữa tiên tri thật Jeremiah và tiên tri
giả Hananiah.
1.1/ Ngôn sứ thật và
ngôn sứ giả: Bối cảnh lịch sử của cuộc tranh chấp trong trình thuật hôm
nay là thời gian đầu khi Jerusalem bị thất thủ và một số vua quan và dân Do
Thái đã bị lưu đày bên Babylon; nhưng Đền Thờ chưa bị phá hủy. Sống trong tình
cảnh như thế, ngôn sứ giả biết rõ lòng dân đang mong đợi những gì, và ông biết lợi
dụng nước đục để thả câu.
Có tiên tri Hananiah,
con của Azzur người Gibeon, tuyên sấm nhân danh Thiên Chúa như sau: “Còn hai
năm nữa, Ta sẽ đem về nơi này (Jerusalem) mọi đồ dùng trong Nhà Đức Chúa mà
Nebuchadnezzar, vua Babylon, đã lấy ra khỏi nơi này đưa sang Babylon. Cả
Jeconiah, con của Jehoiakim, vua Giuđa và tất cả những người Giuđa bị lưu đày
sang Babylon, chính Ta sẽ dẫn chúng về nơi đây, sấm ngôn của Đức Chúa, vì Ta bẻ
gãy ách của vua Babylon!”
Đương đầu với lời tiên
tri sai sự thật này, tiên tri Jeremiah nói với tiên tri Hananiah như sau:
“A-men! Ước gì Đức Chúa làm như thế! Ước gì Người thực hiện các điều ông vừa
tuyên sấm, và đưa các đồ dùng trong Nhà Đức Chúa cũng như tất cả những người
lưu đày từ Babylon trở lại nơi này. Nhưng xin ông lưu ý đến lời tôi sắp nói cho
ông và cho toàn dân nghe đây.” Tiên tri Jeremiah rất khôn ngoan để cắt nghĩa
cho toàn dân biết: nói tiên tri ai cũng nói được; nhưng để biết lời tiên tri đó
có ứng nghiệm không, phải mất thời gian để kiểm chứng hậu quả của nó. Jeremiah
nói với Hananiah: “Các ngôn sứ có trước tôi và ông từ ngàn xưa đã tuyên sấm về
nhiều xứ sở và vương quốc hùng mạnh, là sẽ có chiến tranh, tai ương và ôn dịch;
còn ngôn sứ nào tuyên sấm có bình an, thì chỉ khi nào lời ngôn sứ ấy ứng nghiệm,
ông mới được nhìn nhận là ngôn sứ Đức Chúa sai đến thật sự!”
1.2/ Hậu quả chứng
minh ai là ngôn sứ thật: Thùng rỗng kêu to, khi nghe những lời ấy,
Hananiah tức giận tháo cái gông Jeremiah đang đeo trên cổ ra và bẻ gãy. Rồi ông
Hananiah nói trước mặt toàn dân rằng: “Đức Chúa phán như sau: “Cũng giống như
thế, hai năm nữa, Ta sẽ bẻ gãy cái ách của Nebuchadnezzar, vua Babylon, không
còn để nó đè trên cổ mọi dân tộc.”
Jeremiah vẫn kiên nhẫn
và rút lui cầu nguyện với Thiên Chúa. Sau đó, ông nghe lời Đức Chúa phán và đi
nói với Hananiah như sau: “Ngươi đã bẻ gãy những cái gông bằng gỗ, thì hãy làm
những cái gông bằng sắt thế vào! Quả thật, Đức Chúa các đạo binh, Thiên Chúa
Israel, phán như sau: Ta sẽ quàng một cái ách bằng sắt vào cổ tất cả các dân tộc
này, khiến chúng phải làm tôi Nebuchadnezzar, vua Babylon, và chúng sẽ làm tôi
nó. Ngay cả những giống vật ngoài đồng, Ta cũng trao cho nó.”
Và tiên tri Jeremiah
tuyên án Hananiah: “Ông Hananiah, hãy nghe đây, Đức Chúa chẳng hề sai ông, thế
mà ông lại làm cho dân này tin vào điều dối trá. Bởi thế, Đức Chúa phán như
sau: Này, Ta sẽ bứng ngươi ra khỏi mặt đất: Ngay năm nay, ngươi sẽ phải chết vì
ngươi đã hô hào nổi loạn chống Đức Chúa.” Tiên tri Hananiah đã chết vào tháng bảy
năm ấy. Điều này là bằng chứng hùng hồn cho thấy ông là tiên tri giả, và
Jeremiah là tiên tri thật. Jeremiah đã vững tin nơi Đức Chúa, không sợ nói sự
thật, và kiên nhẫn dạy bảo dân chúng.
2/ Phúc Âm: “Họ không cần phải đi đâu cả, chính anh em hãy cho họ
ăn.”
1.1/ Phản ứng sợ sệt của
các môn đệ: Phép lạ “Bánh hóa nhiều để nuôi 5,000 người ăn” là một trong những
phép lạ được tường thuật bởi cả 4 thánh-ký. Chúng ta có thể trưng dẫn một số lý
do các môn đệ xin Chúa Giêsu giải tán dân chúng để họ đi kiếm của ăn trong các
làng mạc:
– Sợ tốn tiền: Philip
thưa với Chúa: “Hai trăm bạc cũng không đủ cho mỗi mỗi người một mẩu bánh nhỏ!”
(Jn 6:7).
– Sợ phải san sẻ những
gì mình có: Ông Andrew thưa với Chúa: “Ở đây, chúng con chỉ có vỏn vẹn năm cái
bánh và hai con cá. Làm sao đủ để chia cho mọi người!” (Jn 6:9).
– Sợ phải vất vả đi kiếm
của ăn cho dân chúng. Các môn đệ có thể nghĩ: Chúa Giêsu và các ông chỉ có
trách nhiệm phần hồn như dạy dỗ và chữa lành; phần xác dân chúng có bổn phận phải
lo lấy. Làm sao Chúa Giêsu và các ông có thể đáp ứng hết mọi nhu cầu của dân
chúng?
1.2/ Phản ứng thương
xót của Đức Kitô: Chúa Giêsu chạnh lòng thương dân chúng về phần hồn, vì họ
không biết sự thật để sống. Ngài cũng chạnh lòng thương dân chúng về phần xác,
vì sợ họ sẽ ngất xỉu vì đói trên đường về nhà. Vì thế, Đức Giêsu bảo các môn đệ:
“Họ không cần phải đi đâu cả, chính anh em hãy cho họ ăn.”
Người lãnh đạo có bản
lĩnh không chỉ quan tâm đến một hay hai khía cạnh trong đời sống của dân chúng;
nhưng phải mở rộng đến mọi khía cạnh phần hồn cũng như phần xác. Như một Mục Tử
Tốt Lành, Chúa Giêsu đã làm gương cho chúng ta những điều sau: Người dạy dỗ, chữa
lành, và nuôi dưỡng dân chúng. Người không những lo lắng hiện tại, mà còn chuẩn
bị để có người lo tương lai cho dân chúng, bằng cách huấn luyện các môn đệ để
tiếp tục sứ vụ rao giảng Tin Mừng và loan truyền tình thương. Người còn lập
bí-tích Thánh Thể để ở lại an ủi và nuôi dưỡng dân chúng: Người truyền cho dân
chúng ngồi xuống cỏ. Người cầm lấy năm cái bánh và hai con cá, ngước mắt lên trời,
dâng lời chúc tụng, và bẻ ra, trao cho môn đệ, và môn đệ trao cho dân chúng. Ai
nấy đều ăn và được no nê.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC
SỐNG:
– Nhà lãnh đạo phải có
can đảm đương đầu với sự dối trá bằng cách nói thật, sống thật, và làm chứng
cho sự thật.
– Nhà lãnh đạo có bản
lĩnh phải quan tâm đến mọi nhu cầu của dân chúng, phần hồn cũng như phần xác;
chứ không được nhường bước trước khó khăn và để dân chúng muốn ra sao thì
ra.
Linh mục Anthony
Đinh Minh Tiên, OP
03/08/2020 THỨ HAI TUẦN 18 TN
Mt 14,22-36
NHỜ CHÚA
“Quả thật Ngài là Con Thiên Chúa!” (Mt 14,33)
Suy niệm: Trong lúc tính mạng các môn đệ bị đe dọa bởi cơn
bão biển dữ dằn, Đức Giê-su đi trên sóng biển đến và lên thuyền của các ông, và
các ông được cứu khỏi cơn gian nan nguy hiểm. Chúa là chỗ dựa vững chắc cho những
ai tin tưởng và kêu cầu Người. Có Chúa sóng yên biển lặng; có Chúa, các môn đệ
được bình an; có Chúa, các môn đệ vượt qua được mọi gian nan khốn khó. Và về
phía các môn đệ, lòng tin được củng cố, Phê-rô đã có thể đi trên biển như để đến
với Thầy của mình. Hiệu ứng của lòng tin còn lan toả đến cả dân ngoại, những
người dân miền Ghen-nê-xa-rét: họ chỉ cần chạm vào tua áo choàng của Chúa
Giê-su thì thần lực của Ngài cũng đủ chữa họ lành mọi bệnh hoạn tật nguyền.
Mời Bạn: Được cứu thoát và được chữa lành nhờ quyền năng
Thiên Chúa, các môn đệ được củng cố niềm tin. Các ông đã chứng thực niềm tin đó
bằng lời tuyên xưng: “Quả thật Ngài là Con Thiên Chúa!” Bạn thân mến, tâm hồn
con người mong manh và dường như bất lực trước biển đời đầy cám dỗ và thách thức,
có nguy cơ lôi kéo chúng ta đến sự chết đời đời. Để được trợ giúp và cứu thoát
hãy mời Chúa Giê-su đồng hành trên con thuyền đời mình; hãy thể hiện lòng tin với
tâm hồn khiêm tốn, và lời cầu xin đơn sơ với lòng tin tưởng.
Sống Lời Chúa: Nhẩm lại lời cầu của thánh Phê-rô, nhất là khi gặp
gian nan khốn khó: “Thưa Ngài, xin cứu con với.”
Cầu nguyện: Lạy Chúa, sống trên biển đời trần gian chúng con phải
đối diện với nhiều nguy cơ làm chúng con hư mất. Xin ban thêm cho chúng con đức
tin và lòng cậy trông vào Chúa là Đấng cứu độ chúng con.
(5 Phút Lời Chúa)
Suy Niệm : Xin cứu
con
Suy niệm :
Bài Tin Mừng hôm nay
là một loạt những kinh nghiệm thiêng liêng.
Có thể chúng ta ít nhiều
đều đã có những kinh nghiệm này.
Thầy Giêsu là một nhà
giáo nhân từ và cương quyết.
Ngài giáo dục các môn
đệ bằng cách đưa họ vào những kinh nghiệm.
Kinh nghiệm bị Thầy bắt
buộc phải qua bờ bên kia (c. 22),
dù họ rất muốn ở lại bờ
bên này để nếm dư vị của thành công vừa rồi.
Sau phép lạ nhân bánh,
người ta định tôn Thầy lên làm vua (Ga 6, 15).
Chỉ cần Thầy gật đầu
là trò được chia sẻ tiếng tăm và quyền lực.
Các môn đệ đã bị ép
lên thuyền, ngay lập tức, lúc chạng vạng tối.
Kinh nghiệm bị sóng
đánh vì ngược gió.
Thuyền đã xa bờ mấy
cây số, tiến tới không được, lùi lại cũng không xong.
Vào lúc khó khăn ấy lại
không có Thầy ở trong thuyền.
Hầu như suốt đêm các
môn đệ phải vất vả chèo chống với sóng gió.
Họ phải tập chiến đấu
trong đêm tối khi không có Thầy ở bên.
Họ có nghĩ quyết định
của Thầy là sai lầm, vội vã không ?
Kinh nghiệm hốt hoảng,
sợ hãi và được trấn an.
Mãi đến lúc gần sáng,
Thầy Giêsu mới đi trên biển mà đến với các môn đệ.
Ngài đến khi họ chưa
thấy rõ mặt Ngài.
Ngài đến vào lúc bất
ngờ và đến theo cách bất ngờ, khiến họ khiếp kinh.
Ngài đến đem bình an
mà họ tưởng là ma quái đe dọa (c. 26).
Quả thật có những lúc
không dễ nhận ra là Chúa đang đến với mình.
Chúa đến làm các môn đệ
sợ hãi hơn cả sóng gió.
Nhưng “Cứ yên tâm,
chính Thầy đây. Đừng sợ !” (c. 27).
Kinh nghiệm tự đưa
mình vào một thách đố của lòng tin.
Một mặt Phêrô vẫn chưa
tin trọn vẹn khi nói câu: Nếu quả là Thầy…(c. 28).
Nhưng mặt khác ông lại
rất táo bạo khi dám xin ơn đi trên mặt nước.
Ông coi đó là cách thức
chắc chắn nhất để biết có phải là Thầy không.
Nếu đúng là Thầy thì
Thầy cũng có thể cho mình làm được như Thầy.
Chỉ cần Thầy truyền lệnh
là đủ, Phêrô tin như thế.
Kinh nghiệm đi trên mặt
nước và kinh nghiệm bị chìm.
Khi được Thầy cho
phép, Phêrô đã dám từ thuyền bước xuống biển động.
Và ông đã đi được một
quãng không rõ bao xa (c. 29).
Mặt nước cứng như đá
hay người ông trở nên nhẹ bổng?
Bây giờ thì đúng là Thầy
rồi, chỉ Thầy mới cho mình làm được như Thầy.
Phêrô sung sướng tiến
về phía Thầy với lòng tin đang lớn lên.
Nhưng khi gặp gió thổi
mạnh thì ông lại sợ, lại hoài nghi, yếu tin.
Ông mất tập trung vào
sự hiện diện quyền năng của Thầy và bị chìm.
Người ta có thể bị
chìm ngay khi biết Chúa ở trước mặt.
Kinh nghiệm được Thầy
nắm tay mà dắt vào thuyền.
Khi Phêrô kêu cứu, Thầy
Giêsu đã giữ ông khỏi bị nước nuốt chửng.
Sau đó hẳn hai Thầy trò
đã cùng nhau đi trên sóng mà về thuyền.
Khi cả hai lên thuyền
thì gió lặng, chẳng cần Thầy phải dẹp yên sóng gió.
Các kinh nghiệm môn đệ
vừa trải qua thật kinh khủng và gần gũi với ta.
Buồn bực, sợ hãi, căng
thẳng, bình an, nghi ngờ, chới với, hạnh phúc.
Đời Kitô hữu là một
chuỗi những kinh nghiệm như thế.
Chúng ta tưởng Chúa bỏ
rơi, Chúa vắng mặt, Chúa là ma làm ta sợ hãi.
Đơn giản Chúa là Thầy
biết cách làm ta trưởng thành qua kinh nghiệm.
Cuối cùng chúng ta sẽ
nhìn nhận: “Quả thật Thầy là Con Thiên Chúa” (c. 33).
Cầu nguyện :
Lạy Chúa Giêsu,
con chẳng dám xin đi
trên mặt nước như Phêrô,
nhưng nhiều khi con cảm
thấy
sống đức tin giữa lòng
cuộc đời
chẳng khác nào đi trên
mặt nước.
Có bao thứ sóng gió đẩy
đưa và lôi cuốn.
Có bao cám dỗ muốn hút
con vô vực sâu.
Cả sự nặng nề của thân
xác con
cũng kéo ghì con xuống.
Đi trên mặt nước cuộc
đời chẳng mấy dễ dàng.
Nhiều khi con thấy
mình bàng hoàng sợ hãi.
Xin cứu con khi con hầu
chìm.
Xin nắm lấy tay con
khi con quỵ ngã.
Xin nâng đỡ niềm tin yếu
ớt của con,
để con trở nên nhẹ
tênh
mà bước những bước dài
hướng về Chúa. Amen.
Lm. Ant. Nguyễn Cao
Siêu SJ.
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
3 THÁNG TÁM
Sự Ác Không Thể Lướt Thắng Được Sự Khôn Ngoan Của Thiên
Chúa
Chúng ta đã đối diện với
những câu hỏi và những tiếng kêu của con người ở mọi thời liên quan đến sự quan
phòng của Thiên Chúa. Chúng ta đã đối diện với thực tại sự dữ và đau khổ.
Lời Chúa tuyên bố rõ
ràng rằng “sự ác không thể lướt thắng được sự khôn ngoan của Thiên Chúa” (Kn
7,30), và rằng Thiên Chúa cho phép sự dữ xảy ra trong thế giới vì sự thiện lớn
lao hơn, dù Ngài không muốn sự dữ. Hôm nay chúng ta muốn lắng nghe Đức Giê-su
Kitô. Xuyên qua mầu nhiệm Vượt Qua, Người cung ứng câu trả lời đầy đủ cho những
câu hỏi dày vò này của con người.
Trước hết, chúng ta
hãy suy nghĩ về cách mà Thánh Phaolô loan báo Đức Kitô chịu đóng đinh như là “sức
mạnh và là sự khôn ngoan của Thiên Chúa” (1Cr 1,24), trong Người, ơn cứu độ được
trao ban cho những người tin. Sức mạnh của Người chắc chắn là một sức mạnh lớn
lao kỳ diệu nếu nó được thể hiện trong sự yếu đuối và trong sự sỉ nhục của cái
chết thập giá. Và đó là sự khôn ngoan cao vời mà con người không thể biết được
nếu không được Thiên Chúa mạc khải cho.
Trong kế hoạch đời đời
của Thiên Chúa và trong hoạt động quan phòng cứu độ của Ngài, mọi sự dữ – nhất
là sự dữ luân lý tức tội lỗi – trở thành phụ thuộc đối với sự thiện lớn lao hơn
gấp bội là ơn cứu chuộc xuyên qua Thập Giá và cuộc Phục Sinh của Đức Kitô.
Có thể nói rằng trong
Đức Kitô, Thiên Chúa “rút sự lành ra từ sự dữ”, sự dữ ấy từng gây nên nỗi đau
khổ của Con Chiên hiền lành bị thí bỏ vì tội lỗi thế gian. Phụng vụ của Giáo Hội
không ngần ngại nói thẳng về “tội hồng phúc” của chúng ta, tội đã đem lại cho
chúng ta ơn cứu độ vô cùng cao cả. Đó là ‘Exultet’- bài ca loan báo tin vui Phục
Sinh vĩ đại mà chúng ta hát lên trong phụng vụ Đêm Vọng Phục Sinh.
– suy tư 366 ngày của
Đức Gioan Phaolô II –
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations
by Pope John Paul II
Lời Chúa Trong Gia Đình
NGÀY 03/8
Gr 28, 1-17; Mt 14,
22-36.
LỜI SUY NIỆM: “Lập tức, Đức
Giêsu liền bắt các môn đệ xuống thuyền qua bờ bên kia trước, trong lúc Người giải
tán dân chúng. Giải tán họ xong, Người lên núi mà cầu nguyện.”
Sau khi Chúa Giêsu hóa bánh ra nhiều để nuôi dân nơi miền hoang vắng, dân chúng
sau khi được no nê, họ muốn tôn Người lên làm vua, và tinh thần của các môn đệ
của Người cũng đang lên cơn sốt vinh quang đó. Người biết đây là một lầm tưởng
có thể dẫn đến một tình trạng nguy hiểm, và các môn đệ của Người có thể làm cho
tình trạng thêm rắc rối. Nên Người đã tách các môn đệ ra khỏi đám đông, để một
mình Người giải tán đám đông ấy.
Lạy Chúa Giêsu, Chúa đến để phục vụ, nuôi sống và nâng cao phẩm giá con người.
Xin cho chúng con luôn tìm vinh quang trong cung cách của Chúa, để chúng con
luôn sống trong bình an và yêu thương.
Mạnh Phương
03 Tháng Tám
Dòng Nước Từ Sa Mạc
Có một người Ả Rập
nghèo nọ phải băng qua giữa sa mạc trong cơn đói khát và mệt lả. Tình cờ, người
đó bắt gặp một dòng suối. Với tất cả tấm lòng biết ơn, ông ta uống từng ngụm nước
và cảm thấy ngọt ngào khôn tả. Ông múc nước đổ vào bầu da cho đầy và tiếp tục
cuộc hành trình.
Sau nhiều ngày vất
vả, ông đã đến thủ đô Baghdad. Tìm đủ mọi cách để tiếp kiến với quan đầu tỉnh,
ông dâng kính cho quan tặng vật là chính bầu nước. Quan đầu tỉnh đón nhận món
quà một cách vui vẻ. Cho nước vào trong ly, ông uống cạn và cám ơn người Ả Rập,
đồng thời tưởng thưởng ông một cách quảng đại.
Những người hầu cận
cứ nghĩ thầm rằng đây là một thứ nước kỳ diệu nên ai cũng mong được nếm thử.
Nhưng quan đầu tỉnh nhất mực từ chối… Chờ cho người Ả Rập đi khuất, quan mới giải
thích về cử chỉ của mình. Nước để lâu trong bầu da đã trở nên rất bẩn vàhôi thối.
Quan nghĩ rằng, nếu tất cả mọi người đều uống nước đó và đều tỏ ra khó chịu trước
mặt người Ả Rập, ông ta hẳn sẽ bị tổn thương…
Quà tặng cao quý nhất
mà người Ả Rập đã biếu cho quan đầu tỉnh chính là những giọt nước đa cứu sống
mình. Quan đầu tỉnh đã tặng cho ông món quà quý giá nhất bằng cách uống lấy nước
ông dâng biếu… Cuộc đời sẽ đẹp biết bao nếu con người chỉ biết đối xử với nhau
bằng những cử chỉ tế nhị và thân ái. Một cử chỉ nhỏ mọn đến đâu, nhưng nếu được
làm với tất cả yêu mến sẽ không bao giờ qua đi.
(Lẽ Sống)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét