30/08/2020
Chúa Nhật 22 Thường
Niên năm A
(phần I)
BÀI ĐỌC I: Gr 20, 7-9
“Lời Chúa làm cớ cho tôi bị nhục
nhã”.
Trích sách Tiên tri
Giêrêmia.
Lạy Chúa, Chúa đã khuyến dụ tôi, và Chúa đã khuyến dụ được tôi. Chúa đã
hùng mạnh hơn tôi và thắng được tôi: suốt ngày tôi đã trở nên trò cười, và mọi
người đều chế nhạo tôi. Mỗi lần tôi nói, tôi phải la lớn và loan báo sự hung bạo
và điêu tàn, cho nên lời Chúa làm cớ cho tôi bị nhục nhã và bị chế nhạo suốt
ngày. Tôi đã nói rằng: “Tôi sẽ không nhớ đến Người nữa, sẽ không nhân danh Người
mà nói nữa, thì lúc đó trong lòng tôi như lửa đốt nóng, âm ỉ trong xương cốt
tôi, tôi kiệt sức, không chịu nổi nữa”. Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 62, 2. 3-4.
5-6. 8-9
Đáp: Lạy Chúa là
Thiên Chúa con, linh hồn con khát khao Chúa (c. 2b).
Xướng:
1) Ôi lạy Chúa, Chúa là Thiên Chúa của con, con thao thức chạy kiếm Ngài.
Linh hồn con khát khao, thể xác con mong đợi Chúa con, như đất héo khô, khát
mong mà không gặp nước! – Đáp.
2) Con cũng mong được chiêm ngưỡng thiên nhan ở thánh đài, để nhìn thấy
quyền năng và vinh quang của Chúa. Vì ân tình của Ngài đáng chuộng hơn mạng sống,
miệng con sẽ xướng ca ngợi khen Ngài. – Đáp.
3) Con sẽ chúc tụng Ngài như thế trọn đời con; con sẽ giơ tay kêu cầu
danh Chúa. Hồn con được no thỏa dường như bởi mỹ vị cao lương, và miệng con ca
ngợi Chúa với cặp môi hoan hỉ. – Đáp.
4) Vì Chúa đã ra tay trợ phù con, để con được hoan hỉ núp trong bóng cánh
của Ngài. Linh hồn con bám thân vào Chúa, và tay hữu Chúa nâng đỡ người con. –
Đáp.
BÀI ĐỌC II: Rm 12, 1-2
“Anh em hãy tiến thân làm của lễ
sống động”.
Trích thư Thánh
Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma.
Anh em thân mến, tôi nài xin anh em vì lượng từ bi Thiên Chúa, hãy hiến
thân anh em làm của lễ sống động và thánh thiện, đẹp lòng Thiên Chúa. Đó là việc
phụng thờ hợp lý anh em phải làm. Anh em đừng theo thói đời này, nhưng hãy canh
tân lòng trí anh em, để anh em biết đâu là thánh ý Chúa, biết điều gì tốt lành
đẹp lòng Chúa và hoàn hảo. Đó là lời Chúa.
ALLELUIA: Ga 6, 64b và
69b
Alleluia, alleluia!
– Lạy Chúa, lời của Chúa là thần trí và là sự sống; Chúa có những lời ban sự sống
đời đời. – Alleluia.
PHÚC ÂM: Mt 16, 21-27
“Nếu ai muốn theo Thầy, thì hãy
từ bỏ mình”.
Tin Mừng Chúa Giêsu
Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, Chúa Giêsu bắt đầu tỏ cho các môn đệ thấy: Người sẽ phải đi
Giêrusalem, phải chịu nhiều đau khổ bởi các kỳ lão, luật sĩ và thượng tế, sẽ bị
giết và ngày thứ ba thì sống lại. Phêrô kéo Người lại mà can gián Người rằng:
“Lạy Thầy, không thể thế được! Thầy sẽ chẳng phải như vậy đâu”. Nhưng Người
quay lại bảo Phêrô rằng: “Hỡi Satan, hãy lui ra đàng sau Thầy, con làm cớ cho
Thầy vấp phạm, vì con chẳng hiểu biết những gì thuộc về Thiên Chúa, mà chỉ hiểu
biết những sự thuộc về loài người”.
Bấy giờ Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Nếu ai muốn theo Thầy, thì
hãy từ bỏ mình đi, và vác thập giá mình mà theo Thầy. Vì chưng, ai muốn cứu mạng
sống mình, thì sẽ mất; còn ai đành mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ được sự sống.
Nếu ai được lợi cả thế gian mà thiệt hại sự sống mình, thì được ích gì? Hoặc
người ta sẽ lấy gì mà đổi được sự sống mình? Bởi vì Con Người sẽ đến trong vinh
quang của Cha Người, cùng với các thiên thần của Người, và bấy giờ, Người sẽ trả
công cho mỗi người tuỳ theo việc họ làm”. Đó là lời Chúa.
Suy Niệm: Ðấng Cứu Thế Chịu Ðóng Ðinh
Như bài Tin Mừng vừa cho chúng ta biết: hôm ấy
Chúa Yêsu bắt đầu tỏ cho môn đệ thấy Người sẽ phải chịu nhiều đau khổ và sẽ bị
giết rồi ngày thứ ba sẽ sống lại. Ðó là một mạc khải kinh khủng đối với các
Tông đồ. Cứ nhìn vào phản ứng của Phêrô thì rõ. Tuy nhiên đó chỉ là những đau
khổ động tới con người của Chúa Yêsu, chứ chưa phải là những đau đớn đổ xuống
trên thân xác các môn đệ. Hôm nay, phụng vụ muốn nói chính bản thân chúng ta
đây phải sẵn sàng chịu mọi đau khổ vì Chúa. Chúng ta phản ứng thế nào? Và trước
hết chúng ta có thâm tín như vậy không? Chúng ta có chắc rằng chúng ta, mọi kẻ
theo Chúa đều phải khổ vì Chúa không? Nếu có, chúng ta phải đón nhận những đau
khổ đó như thế nào? Thiết tưởng việc đọc lại các bài Kinh Thánh hôm nay sẽ có
ích nhiều cho chúng ta.
A. Nhà Tiên Tri Ðau Khổ
Bài sách Yêrêmya vắn tắt nhưng lâm ly. Nhà
tiên tri than thở với Chúa nhưng thực ra cũng muốn cho người khác nghe. Ông tóm
tắt cuộc đời của mình trong những lời rất bi quan và đau xót. Lúc nào ông cũng
phải la lối: "hành hung và bức hiếp", bởi vì ông được Chúa chọn để
sai đi nói với dân: khủng khiếp sắp đổ xuống dân bội bạc, bất tín và dâm đãng
này. Ðầu tiên người ta cũng giật mình, nhưng rồi bị thói quen lôi đi, phù vân hấp
dẫn và được các tiên tri giả luôn luôn phỉnh nịnh, người ta đâm chán, đâm ghét
và muốn xóa bỏ con người cứ liên tiếp đe dọa những tai ương, hình phạt. Có lần
người ta đã bắt ông, tống giam và suýt nữa đập chết ông.
Bị kỳ thị tránh né, hiểu lầm, ghét bỏ, Yêrêmya
suy nghĩ về cuộc đời của mình. Vì sao lại đâm đầu vào cái nghề tiên tri này? Và
sao không bắt chước loại tiên tri kia cứ nói hay, nói tốt cho người ta để được
yêu, được thích, được nhiều tiền nhiều của? Cớ sao cứ nói mãi những điềm dữ và
tuyên bố kinh khủng sắp đổ xuống trên mọi người, để người ta phải tránh, phải sợ
mình như sợ dịch?
Càng suy nghĩ, Yêrêmya càng hiểu rõ bản chất
và ơn gọi của mình. Con người xác thịt của ông chắc chắn không muốn sống như
xưa nay ông vẫn sống. Nếu cứ phải là tiên tri, chắc chắn nó muốn làm như bọn
tiên tri giả, cứ phỉnh nịnh người ta là được chiều chuộng và sung sướng. Làm
tiên tri thật, biết nói lên cái hay nhưng cũng không câm miệng trước cái dở của
người ta, kể cũng đã khó... huống nữa là chỉ rặt kêu la: "hành hung và bức
hiếp!". Lại nữa có chắc gì sẽ xảy ra như vậy? Yôna cũng có lần bị cám dỗ
như thế. Ông được Chúa sai đi để cảnh cáo dân tội lỗi. Ông không muốn đi vì ông
nghĩ Chúa nhân từ vô bờ, chỉ cần người ta quay đầu lại một tý là Người đã tha
thứ và rút cánh tay đe phạt về. Nhưng tại sao Yêrêmya cứ cố chấp và còn nhiệt
thành nữa trong việc rao truyền những hình phạt khủng khiếp sắp đổ xuống trên
con cái Israel?
Cuối cùng Yêrêmya phải thốt ra những lời hôm
nay chúng ta vừa nghe đọc. Không phải ông tự chọn cho mình ơn gọi này; không phải
ông thích thú khi tuyên sấm bi quan khủng khiếp như vậy; không phải ông không
biết những ê chề, đau khổ và nguy hiểm cho bản thân khi nói ngược với những sự
chờ mong của người ta. Cực chẳng đã ông phải làm tiên tri. Không phải để dù sao
cũng phải sống và phải có một nghề; nhưng nào ai hiểu được, chỉ để tuân lệnh
Yavê!
Người ta bảo ông bị mê hoặc, lừa dối. Phải,
nói cho cùng, ông thấy mình bị dụ dỗ thật sự. Nhưng không phải là bùa thiêng
hay ma quỷ nào lừa đảo được ông; nhưng là chính sức mạnh của Thiên Chúa. Thần
khí Người ập xuống. Ông bị uy hiếp và bị khắc phục, không phải một cách miễn cưỡng
và khó chịu, nhưng êm ái và bình an. Thiên Chúa uy dũng đã chiếm đoạt lấy ông.
Ông nằm trong tay Người như đứa con trên tay người mẹ: khoan khoái và tin tưởng
làm sao! Gặp Thiên Chúa rồi, cảm tình yêu của Người rồi, Yêrêmya phó thác hoàn
toàn tấm thân và đời sống nhỏ bé và mỏng manh của mình trong tay Người. Từ nay,
Yêrêmya chỉ còn là khí cụ trong tay Ðấng điều khiển tất cả trời đất "vừa
cương vừa nhu" (fortiter et suaviter). Ông không làm chủ đời mình nữa. Ông
thấy thích thú sâu xa lạ lùng khi được sử dụng vào công việc của Thiên Chúa,
cho dù xác thịt tự nhiên cảm thấy ngược lại.
Thế nên nói cho cùng những ê chề, đau đớn, khổ
sở mà người ngoài nhìn thấy ở nơi ông và chính xác thịt ông cũng thấm thía thật
sự, tất cả những sự ấy vẫn không động đến được ý chí và quan điểm của ông vì
"nơi lòng ông như lửa bừng bừng, bị dồn ép trong xương cốt ông; ông hết sức
nén lại, nhưng không tài nào nén được" bởi vì Thiên Chúa đã dụ dỗ và đang
thắng ông.
Yêrêmya đúng là "Người của Thiên
Chúa". Ông mô tả trước con người của Ðức Kitô. Ông nhắc nhở tất cả chúng
ta về ơn gọi tiên tri của mình. Chúng ta đã lãnh nhận ơn gọi này khi chịu phép
Rửa. Mỗi người chúng ta đã được Chúa đặt làm tiên tri để công bố đường lối chân
thật của Người. Chúng ta không thấy vất vả vì ơn gọi đó sao? Hay là chúng ta
không thi hành ơn gọi đó? Hoặc là chúng ta đang phàn nàn ta thán về số phận khó
khăn của ơn gọi là Kitô hữu? Chúng ta chỉ tìm được bình an chân chính và sâu xa
nếu chúng ta biết suy nghĩ và tìm ra sự thật như Yêrêmya trong bài Kinh Thánh
hôm nay. VÀ bây giờ chúng ta được trang bị đầy đủ để đi vào hai bài Kinh Thánh
khác.
B. Ðấng Cứu Thế Chịu Ðóng Ðinh
Sách Tin Mừng Matthêô kể: từ bấy giờ Ðức Yêsu
bắt đầu tỏ cho môn đệ hay "Ngài phải đi Yêrusalem và chịu nhiều đau khổ...".
Ðó là câu văn rất quan trọng. Nó đánh dấu một giai đoạn mới trong cuộc đời Chúa
Cứu thế. Cho đến hôm ấy, Người chưa bao giờ bảo môn đệ biết những đau khổ đang
chờ Người. Nói đúng hơn, cho đến bấy giờ Người thường đi giữa quần chúng và dạy
dỗ họ. Từ nay Người sắp đi Yêrusalem với Nhóm môn đệ của Người. Như vậy hoạt động
của Người như muốn thu nhỏ lại hơn, để có giờ đào tạo, huấn luyện, sát các môn
đệ hơn. Làm cho họ hiểu Người và giống như Người hơn. Và vì thế Người bắt đầu tỏ
cho họ thấy sứ mạng và vinh quang đích thực của Người: Người sẽ đi Yêrusalem, bị
bắt, bị xử, bị giết và sống lại ngày thứ ba.
Ðó là chương trình đào tạo của Người kể từ hôm
nay. Không phải chỉ là một bài học chỉ cần cắt nghĩa là môn đệ hiểu được. Nhưng
là cả một nếp sống mà Người sẽ lần lần "tỏ" ra cho họ thấy, mặc dù
chưa chắc họ đã hiểu. Nhưng dù sao cũng phải dùng lời nói để mô tả nếp sống ấy.
Hôm nay Chúa Yêsu đã làm công việc này. Chẳng may Người gặp phải một phản ứng tức
thời, phản ứng của Phêrô, kẻ mà Người mới đặt làm Ðá để xây lên Hội Thánh.
Phêrô kéo Ngài lại với mình và lên tiếng trách
Ngài: "Thiên Chúa thương! Chứ sẽ có đâu như thế!". Kể ra ông cũng rất
tế nhị. Ông không dám thẳng thắn phản đối Ngài. Ông kéo Ngài ra để nói riêng,
không muốn cho đồng bạn nghe thấy. Ông còn nại đến Thiên Chúa: Người tốt lành
không thể để xảy ra như lời Ðức Yêsu đã nói.
Thế thì vì sao Ðức Yêsu lại như phẫn nộ đối với
Phêrô. Người nói to không nể mặt: "Xéo đi sau Ta! Hỡi Satan! Ngươi là cớ vấp
phạm cho Ta...". Có lẽ câu tiếp theo làm cho người ta hiểu ý của Người
hơn, Người bảo: "Vì ý tưởng của ngươi không phải là ý tưởng của Thiên
Chúa, mà là của loài người".
Phải, hôm ấy Ðức Yêsu bắt đầu tỏ cho môn đệ thấy
tương lai của Người; mà tương lai ấy đâu phải Người xây dựng, mà là chính Thiên
Chúa vì Người đã nói rõ: "Ta đến không phải để làm theo ý muốn của mình,
mà là ý của Ðấng đã sai Ta". Như vậy, cuộc Tử nạn Phục sinh của Người là kế
hoạch của Thiên Chúa. Phêrô chưa nhận ra điều ấy. Ông tưởng đó là ý riêng của Ðức
Yêsu. Thế nên ông tưởng có thể góp ý với Người. Và ý của ông cũng là ý của các
môn đệ, là ý của quần chúng, của con cái Israel... và nói chung, của tất cả
loài người. Ai ai cũng đang trông chờ một vị cứu tinh vinh quang, một Ðấng Cứu
thế uy hùng, một Ðức Yêsu quyền phép sắp xây dựng Nước Trời trong huy hoàng, rực
rỡ. Họ không biết, hoặc chưa biết "Con Người sẽ phải chịu đau khổ... Các lời
tiên tri phải nên trọn... Người phải là Con Chiên Thiên Chúa gánh tội thiên hạ...
Và người Tôi Tớ của Thiên Chúa kể trong sách Isaia chính là Người". Phát
biểu của Phêrô là tiếng nói của loài người. Hơn nữa phá kế hoạch của Thiên Chúa
là ý muốn của Satan. Ðức Yêsu thẳng thắn vạch trần những bộ mặt ấy để từ nay
người ta sống chân thật và tôn thờ Thiên Chúa trong chân lý.
Tác giả sách Tin Mừng Matthêô có lẽ đã hiểu rõ
ý Ðức Yêsu Kitô. Ông đính ngay vào đoạn văn trên những lời Chúa dạy dỗ môn đệ:
"Nếu ai muốn đi sau Ta, thì hãy chối bỏ chính mình, hãy vác lấy khổ giá của
mình và hãy theo Ta". Ðó là bài học cụ thể phải rút ra sau khi đã thấy mầu
nhiệm Thánh giá của Chúa. Là điều chúng ta phải ngẫm nghĩ khi muốn đi theo Người
và làm môn đệ của Người. Phêrô và các Tông đồ khi đi theo Chúa cũng muốn tham dự
vào công cuộc cứu thế của Người. Chúng ta còn hơn nữa, vì khi chịu phép Rửa tội,
chúng ta được sát nhập vào Thân Thể của Người. Chúng ta trở nên Kitô hữu. Chúng
ta mặc lấy thân phận của Ðức Kitô. Người tuy là Cứu thế và hơn nữa chính để cứu
thế, đã chấp nhận chương trình của Thiên Chúa là đi lên Yêrusalem để bị bắt, bị
xử, bị đóng đanh và bị giết. Ðó là con đường cứu thế, con đường của Vua Kitô,
con đường của những ai được xức dầu Vương giả của Người.
Hôm nay chúng ta không thể không suy nghĩ những
điều ấy, để thấy không những ơn gọi tiên tri mà cả ơn gợi vương đế trong Bí
tích Rửa tội đều thúc đẩy chúng ta phải đi vào con đường của mầu nhiệm thánh
giá. Nếu muốn sống làm chứng nhân cho đường lối của Chúa, chúng ta đã phải sẵn
sàng can đảm, thì muốn tham dự và tiếp nối sứ mạng cứu thế của Người, chúng ta
không thể không muốn chấp nhận lấy thân phận của người Tôi Tớ Thiên Chúa. Lúc ấy
chúng ta mới thấm thía lời Chúa dạy: ai muốn làm lớn hãy trở nên rốt bét... Hết
thảy hãy học với Ta vì Ta có lòng khiêm nhường hiền lành... Ai muốn cứu mạng sống
mình thì sẽ mất; còn ai đành mất mạng sống mình vì Thầy thì sẽ được sự sống. Chỉ
khi thâm tín những chân lý này, việc làm dấu Thánh giá và đeo ảnh Thánh giá
trên mình mới có ý nghĩa. Ðó không phải chỉ là dấu hiệu nói rằng chúng ta đã
thuộc về Chúa Yêsu Kitô Cứu thế chịu đóng đinh, nhưng còn là cử chỉ muốn đóng
đinh xác thịt và đời sống của mình để cứu thế với Ðức Yêsu Kitô. Sống ơn gọi
vương đế cũng phải vác thập giá và chết trên thập giá như khi sống ơn gọi tiên
tri. Còn muốn sống ơn gọi tư tế trong Bí tích Rửa tội có như vậy không?
C. Anh Em Hãy Hiến Dâng Thân Mình Là Lễ Tế Sống
Ðoạn thư Phaolô hôm nay mở đầu phần khuyên bảo
trong thư Rôma. Thánh Tông đồ thôi giảng về giáo lý và bắt đầu dạy dỗ tín hữu về
cách ăn ở. Chúng ta phải thờ phượng Thiên Chúa. Nhưng sự tôn thờ chân thật mà
Người muốn, không phải là kinh kệ hay lễ dâng bề ngoài, nhưng là lễ tế thiêng
liêng.
Chúng ta hay hiểu lầm ý nghĩa của hai chữ
thiêng liêng này. Chúng ta tưởng thiêng liêng là không hữu hình, không nhìn thấy.
Và chúng ta nghĩ tôn thờ thiêng liêng không cần đến nhà thờ, bàn thờ, kinh kệ,
nghi lễ, mà chỉ cần tâm hồn. Thế là vô tình chúng ta có thể rơi vào "duy
tâm".
Nhưng không có tâm hồn ở ngoài thân xác. Và
không phải tâm hồn hay thân xách chúng ta phải thờ phượng Thiên Chúa, mà là
chính chúng ta là những con người có cả tâm thần và xác thịt. Thánh Phaolô nói
chúng ta phải dâng thân mình làm lễ tế sống, tức là phải dâng chính chúng ta và
tất cả chúng ta với những sự thuộc về chúng ta làm lễ tế sống thánh thiện đẹp
lòng Thiên Chúa. Không phải chúng ta sẽ trói mình lại như Abraham bắt trói
Isaac ném lên đống củi... Kiểu tế sống đó Thiên Chúa không muốn. Người không
cho Abraham làm. Nhưng Người đã ban Con Một Người đi chịu chết. Và lễ tế sống
thánh thiện, đẹp lòng Thiên Chúa, chính là lễ hy sinh của Ðức Yêsu Kitô trong mầu
nhiệm Thập giá. Lễ hy sinh này, Ðức Yêsu Kitô đã khởi sự hôm nay khi Người bắt
đầu tỏ cho môn đệ thấy Người sẽ đi lên Yêrusalem để chịu chết. Nói đúng hơn,
Người đã bắt đầu tế lễ sống chính mình khi bước vào thế gian như thư Hipri nói:
"Này Con xin đến để làm theo Thánh Ý Cha".
Mà ý của Thiên Chúa không phải ý của thế gian
vàloài người. Thế nên thánh Phaolô diễn tả tư tưởng ở trên rằng: "Ðừng rập
theo đời này, trái lại hãy canh tân lương tri, mà biến hình đổi dạng, làm sao
anh em thẩm định được Ý Thiên Chúa là gì, thật là tốt lành, thú vị, trọn hảo".
Mọi chữ đều ý nghĩa. Chính đời sống không rập
theo đời này, nhưng canh tân lương tri, biến hình đổi dạng, ăn ở theo giáo huấn
của Thiên Chúa, là lễ tế sống, thánh thiện đẹp lòng Người. Như vậy đời sống tư
tế của người tín hữu chẳng thuần túy thiêng liêng theo nghĩa vô hình và hoàn
toàn nội tâm; bởi vì canh tân biến đổi đời sống cho phù hợp với Ý Chúa phải tác
động đến thân xác và nếp sống hữu hình. Nhưng tất cả những kinh kệ và lễ dâng
chỉ trở thành lễ tế thiêng liêng khi đó là những lời kinh và lễ dâng của con
người đang kết hiệp với Ðức Yêsu Kitô trong mầu nhiệm thánh giá, là mầu nhiệm
hiến dâng và trao ban cả thân mình cho Thiên Chúa và cho hạnh phúc của loài người.
Giờ đây chúng ta sắp cử hành mầu nhiệm ấy nơi bàn
thờ. Ước gì việc tham dự thánh lễ hôm nay đưa chúng ta vào sâu hơn ơn gọi của
Bí tích Rửa tội, là bí tích biến chúng ta nên Kitô hữu, môn đệ của Ðức Kitô. Bí
tích ấy xức dầu chúng ta nên ngôn sứ, vương đế và tư tế trong Ðức Yêsu. Người
đã là Vị Ngôn sứ đau khổ hơn hết. Người đã làm Vua trên Thánh giá. Người đã tế
lễ khi hiến dâng sự sống mình. Người đang kêu gọi và đòi hỏi chúng ta: nếu muốn
đi theo Người hãy vác lấy thập giá của mình mà đi theo Người.
Quan điểm này phải canh tân lương tri và biến
đổi đời sống chúng ta nên lễ tế sống, thánh thiện, đẹp lòng Thiên Chúa và hữu
ích cho mọi người hơn.
(Trích dẫn từ tập sách Giải Nghĩa Lời Chúa
của Ðức cố Giám Mục Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm)
Lời Chúa Mỗi Ngày
Chúa Nhật 22 Thường Niên, Năm A
Bài đọc: Jer 20:7-9; Rom 12:1-2; Mt 16:21-27.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Xung đột ý kiến.
Xung đột ý kiến xảy ra ở mọi nơi mọi thời: Ở nhà, các em bé muốn tiếp tục
xem phim trong khi bố mẹ bảo tắt đi ngủ. Ngoài đường, người lái xe cứ phải đứng
chờ khi đèn đỏ tại các ngã tư trong khi ngã bên kia vắng tanh. Nơi công sở,
công nhân muốn làm theo ý mình mà cứ bị buộc phải làm theo ý chủ. Khi xung đột
ý kiến xảy ra, đương sự nên theo ý của ai? Và dựa vào đâu để biết ý kiến đúng?
Các bài đọc hôm nay cho chúng ta thấy xung đột ý kiến xảy ra ở mọi thời
và cách chọn của các nhân vật trong các bài đọc: họ chọn để sống theo ý Thiên
Chúa. Trong bài đọc I, sự xung đột ý kiến xảy ra giữa Thiên Chúa và ngôn sứ
Jeremiah. Thiên Chúa muốn ông nói những điều mà dân chúng không thích nghe, và
vì không thích nghe nên họ đấu tố ông. Jeremiah nhiều khi không muốn nói lời
Thiên Chúa truyền, nhưng sau cùng, ý Thiên Chúa toàn thắng. Trong bài đọc II,
người môn đệ của Đức Kitô bị đòi hỏi để hiến dâng toàn bộ cuộc đời mình để làm
của lễ hiến dâng thánh thiện lên cho Thiên Chúa. Điều này không dễ, vì những
cám dỗ của thế gian vẫn dằng dai đeo đuổi để bắt người môn đệ phải lựa chọn.
Trong Phúc Âm, Matthew tường thuật sự xung đột giữa Chúa Giêsu và tông đồ
Phêrô. Chúa báo trước Ngài sẽ lên Jerusalem để bắt đầu Cuộc Thương Khó theo ý định
của Thiên Chúa, Phêrô kéo Chúa Giêsu ra một nơi và khuyên Ngài đừng chọn con đường
ấy. Chúa Giêsu mắng Phêrô: “Satan, lui lại đàng sau Thầy! Anh cản lối Thầy, vì
tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người.”
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Xung đột ý kiến giữa Jeremiah
và Thiên Chúa.
1.1/ Ý của Thiên Chúa: Chúa muốn chọn Jeremiah làm tiên tri của Chúa.
Jeremiah từ chối nại cớ ông không biết ăn nói vì ông còn trẻ con. Chúa phán: “Đừng
nói ngươi còn trẻ. Tất cả những ai Ta sai ngươi tới với họ, ngươi phải tới; và
tất cả những gì Ta muốn ngươi nói, ngươi phải nói. Đừng sợ họ, vì Ta sẽ ở với
ngươi để cứu chuộc ngươi.” Rồi Đức Chúa giơ tay ra và chạm vào miệng Jeremiah
và phán: “Hãy coi, Ta đã đặt Lời Ta vào miệng ngươi, hôm nay Ta đã đặt ngươi có
quyền trên các quốc gia và vương quốc, để nhổ lên và tàn phá, để phá hủy và dẹp
đi, để xây dựng và vun trồng” (Jer 1:6-10). Ông đã trở thành tiên tri của Chúa
từ đó. Chính Jeremiah trong Bài đọc I hôm nay đã thốt lên: “Lạy Đức Chúa, Ngài
đã quyến rũ con, và con đã để cho Ngài quyến rũ. Ngài mạnh hơn con, và Ngài đã
thắng.”
Ông dùng động từ “quyến rũ,” là động từ thường dùng trong lãnh vực tình cảm
lãng mạn, và ông đã rơi vào “bẫy” của Thiên Chúa. Một khi đã trở thành tiên tri
là ông phải nói và làm những điều Thiên Chúa muốn. Tuy nhiên, nếu hiểu theo mục
đích của cuộc đời, thì đây là một sự “quyến rũ tốt lành” để bị rơi vào.
1.2/ Ý của tiên tri Jeremiah: Làm tiên tri là phải nói những gì Chúa muốn
nói, dẫu mình không thích nói những điều đó, hay con người không thích nghe.
Con người muốn nghe những lời xây dựng hòa bình mà ông buộc phải nói tới lưu
đày chiến tranh. Đó là lý do mà ông nêu lên: “Suốt ngày con đã nên trò cười cho
thiên hạ, để họ nhạo báng con. Mỗi lần nói năng là con phải la lớn, phải kêu
lên: “Bạo tàn! Phá huỷ!” Vì lời Đức Chúa mà con đây bị sỉ nhục và chế diễu suốt
ngày.” Chẳng những ông bị nhạo cười chế diễu, mà còn bị quăng xuống giếng bùn
và đe dọa bị giết chết nữa.
1.3/ Cách chọn lựa: Nhiều lần ông muốn nổi lọan và có lần ông đã tự nhủ:
“Tôi sẽ không nghĩ đến Người, cũng chẳng nhân danh Người mà nói nữa.” Nhưng Lời
Ngài cứ như ngọn lửa bừng cháy trong tim, âm ỉ trong xương cốt. Ông nén chịu đến
phải hao mòn, nhưng làm sao nén được!
2/ Bài đọc II: Xung đột ý kiến giữa cách sống
cho Thiên Chúa và cho thế gian.
2.1/ Cách sống cho Thiên Chúa: Ai trong chúng ta cũng đều biết biến cố
ngã ngựa trở lại của ngài trên đường đi Damascus. Ý của Phaolô là muốn đi tìm bắt
các tín hữu tin vào Chúa Giêsu để giải về Jerusalem tống ngục hay xử tử. Nhưng
ý Thiên Chúa lại muốn ngược lại, muốn biến Phaolô thành Tông Đồ của Ngài để rao
truyền Tin Mừng cho Dân Ngọai. Biến cố ngã ngựa đã thay đổi hòan tòan cuộc đời
Phaolô, và ngài đã dành tất cả cuộc đời cho việc rao giảng Tin Mừng. Những gì
hôm nay chúng ta đọc diễn tả sự nhiệt thành của ngài: “Thưa anh em, vì Thiên
Chúa thương xót chúng ta, tôi khuyên nhủ anh em hãy hiến dâng thân mình làm của
lễ sống động, thánh thiện và đẹp lòng Thiên Chúa. Đó là cách thức xứng hợp để
anh em thờ phượng Người.”
Của lễ dâng lên Thiên Chúa theo Phaolô không còn là những con chiên, con
dê, hay bất cứ những gì con người có thể mua ngòai chợ, nhưng là tòan diện con
người với đầy đủ tự do, ước muốn, suy nghĩ, và tình cảm. Của lễ dâng lên Thiên
Chúa không chỉ giới hạn vào cuối tuần, hay mỗi sáng chiều nữa, mà bao gồm tất cả
mọi giây phút của cuộc đời. Những đòi hỏi này là một thách đố to lớn của cuộc đời
tận hiến, và chỉ có những người nào cảm nhận trọn vẹn được lòng thương xót của
Chúa hay tình yêu vô bờ bến của Ngài mới dám hy sinh đáp trả.
2.2/ Cách sống của thế gian: Là con người, ai cũng muốn đua nhau chạy
theo tiền để trở nên giầu có và hưởng thụ các tiện nghi vật chất; người môn đệ
Chúa được đòi hỏi phải từ bỏ tất cả các tiện nghi để sống đức khó nghèo. Mang
trong con người một thân xác đòi hỏi để được nâng niu ôm ấp, để có một mái ấm
gia đình sau những lúc làm việc vất vả mệt nhọc; người môn đệ Chúa được đòi hỏi
phải bỏ tất cả tình cảm hôn nhân để sống đức khiết tịnh. Và, cái phải hy sinh
khó nhất là hy sinh tòan bộ con người của mình qua việc bỏ ý riêng của mình để
làm theo ý của các Bề-trên cũng là con người với mọi yếu đuối như mình qua đức
vâng lời.
Sống trong thế gian với đầy đủ những nhu cầu và cám dỗ khắp nơi, thánh
Phaolô khuyên tất cả chúng ta: “Anh em đừng có rập theo đời này, nhưng hãy cải
biến con người anh em bằng cách đổi mới tâm thần, hầu có thể nhận ra đâu là ý
Thiên Chúa: cái gì là tốt, cái gì đẹp lòng Chúa, cái gì hoàn hảo.” Dĩ nhiên, lời
khuyên này không phải chỉ dành cho những người muốn sống cuộc đời tận hiến, mà
còn cho tất cả các Kitô hữu của mọi bậc. Mỗi người trong hòan cảnh riêng của
mình đều mang trong mình chức vụ tư tế và cũng phải dâng lên Chúa những lễ vật
tinh tuyền, thánh thiện, và hòan hảo bằng những hy sinh trong đời sống.
3/ Phúc Âm: Xung đột ý kiến giữa Phêrô và
Chúa Giêsu.
3.1/ Ý Chúa Giêsu: Ngài bắt đầu tỏ cho các môn đệ biết kế họach cứu độ của
Thiên Chúa. Theo kế họach này, Ngài phải đi Giêrusalem, phải chịu nhiều đau khổ
do các kỳ mục, các thượng tế và kinh sư gây ra, rồi bị giết chết, và ngày thứ
ba sẽ sống lại.
Khi bị Phêrô can ngăn, Ngài đã nghiêm khắc quở trách ông: “Satan, lui lại
đàng sau Thầy! Anh cản lối Thầy, vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của
Thiên Chúa, mà là của loài người.” Qua lời sửa phạt của Chúa Giêsu cho chúng ta
thấy có sự xung đột ý kiến giữa lòai người và Thiên Chúa; nhưng để hòan tất
chương trình cứu độ, Chúa Giêsu phải làm theo ý định của Thiên Chúa.
3.2/ Ý của Phêrô: Ông kéo riêng Người ra và trách: “Xin Thiên Chúa thương
đừng để Thầy gặp phải chuyện ấy!” Phêrô cũng giống bao người Do-Thái đương thời,
ông không thể hiểu nổi một Đấng Thiên Sai phải chịu đau khổ mới cứu được con
người. Bằng việc can ngăn Chúa, ông đang làm công việc của Satan cám dỗ Chúa
trong sa mạc và trong vườn Ghetsemane: Hãy chọn con đường khác, con đường chiến
thắng mà không phải đương đầu với đau khổ và cái chết.
Rồi Đức Giêsu nói với các môn đệ: “Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính
mình, vác thập giá mình mà theo.” Giống như Jeremiah và Phaolô, Phêrô và các
môn đệ cảm thấy điều khó khăn nhất là phải bỏ ý riêng mình để làm theo ý Chúa.
Chúa Giêsu đưa ra những lý do tại sao phải làm như thế:
(1) “Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng
sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm được mạng sống ấy.” Lý do này thọat nghe khó hiểu,
nhưng con người có thể tìm ra không thiếu những ví dụ cụ thể trong cuộc sống: Nếu
ai cũng chỉ lo cho mình thì lấy ai bảo vệ kẻ thù xâm lăng? Và khi kẻ thù tiến
vào lãnh thổ, họ có thể bảo vệ mạng sống được không? Nếu ai cũng khinh thường
luật lệ thì trật tự xã hội sẽ bị rối lọan, một khi xã hội mất an ninh mạng sống
con người sẽ không được bảo vệ. Cũng vậy trong đời sống thiêng liêng, chỉ một
mình Thiên Chúa biết con người phải sống làm sao để đạt tới Nước Trời. Ngài biết
con người không thể đạt đích với lối sống dễ dãi buông thả và truyền con người
phải đi qua cửa hẹp: bỏ ý riêng, vác thập giá hằng ngày, và theo Chúa. Con người
vẫn có tự do để chọn lựa, nhưng Ngài nêu vấn nạn để con người suy nghĩ: Nếu người
ta được cả thế giới mà phải thiệt mất mạng sống, thì nào có lợi gì? Hoặc người
ta sẽ lấy gì mà đổi mạng sống mình?
(2) Tất cả các việc làm của con người sẽ bị xét xử bởi Thiên Chúa: “Vì
Con Người sẽ ngự đến trong vinh quang của Cha Người, cùng với các thiên thần của
Người, và bấy giờ, Người sẽ thưởng phạt ai nấy xứng việc họ làm.” Ngay khi còn ở
trong trần thế, con người đã phải lãnh nhận hậu quả do các việc mình làm: làm tốt
sẽ lãnh nhận hậu quả tốt, làm xấu sẽ lãnh nhận hậu quả xấu. Những gì con người
có thể không bị lãnh nhận hậu quả đời này, nhưng chắc chắn họ sẽ bị xét xử và
lãnh hậu quả tương xứng ở đời sau.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC
SỐNG:
– Không thể không có xung đột trong cuộc sống vì mỗi người mỗi ý, trăm
người trăm ý; nhưng phải tìm ra ý nào tương đối tốt đẹp nhất để làm theo. Điều
này tương đối không khó nếu chúng ta tuân theo các luật lệ trong gia đình, xã hội,
và quốc gia.
– Khi có sự xung đột trong lãnh vực luân lý và thiêng liêng, chúng ta phải
tìm ra thánh ý Chúa để làm theo; vì chỉ có Chúa mới có đủ khôn ngoan để hướng dẫn
con người. Tiếng nói của Chúa được mặc khải trong Thánh Kinh và Thánh Truyền
qua sự hướng dẫn và bảo vệ của Giáo-Hội.
– Con người dễ nổi lọan vì bị ảnh hưởng của môi trường: khí hậu, áp lực của
gia đình, bạn bè, công sở, xã hội… nên thường có khuynh hướng làm theo ý mình
và không muốn bị người khác chi phối. Tuy nhiên, chúng ta cần khôn ngoan để nhận
định: khả năng con người mình rất giới hạn, cần rộng mở tâm hồn để đón nhận cái
hay của người khác, để bảo vệ trật tự, và nhất là để đạt được mục đích của cuộc
đời bằng cách làm theo ý Chúa.
Linh mục Anthony
Đinh Minh Tiên, OP
30/08/2020 – CHÚA NHẬT TUẦN 22 TN – A
Mt 16,21-27
ĐỪNG LÀ XA-TAN CỦA NHAU!
“Xa-tan, lui lại đằng sau Thầy ! Anh cản lối Thầy, vì tư tưởng
của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa.” (Mt 16,23)
Suy niệm: “Xa-tan là bậc thầy gây xao lãng. Hắn luôn hoạt động
để giữ ta lệch xa con đường đi với Chúa” (J. Meyer). Khởi đầu sứ vụ, Đức Giê-su
đã bị Xa-tan cám dỗ đừng chọn con đường thập giá để cứu độ nhân loại. Kết thức
sứ vụ, Ngài lại bị cám dỗ, thách thức xuống khỏi thập giá. Còn trong bài Tin Mừng,
cám dỗ không đến từ ma quỷ hay kẻ thù nghịch, mà từ một người thân tín là
Phê-rô. Không lạ gì Phê-rô bị Thầy gọi là “Xa-tan,” vì ông cản trở con đường thập
giá cứu độ của Thầy.
Mời Bạn: Đời ta cũng vậy thôi, lắm khi chính các người thân
tìm cách đem ta ra khỏi con đường hy sinh, thập giá của Chúa vì sợ khổ, sợ nhọc
cho ta. Họ đáng bị gọi là Xa-tan như Phê-rô. Thật đáng tiếc vì bao bậc cha mẹ
mãi lo cho tương lai sự nghiệp con cái, nhưng lại chểnh mãng việc giáo dục đức
tin, cản trở con cái đến với Chúa! “Lo lắng và lý luận là hai trong số các dụng
cụ đắc lực nhất của Xa-tan. Hắn thúc dục ta khởi đầu bằng một ý tưởng tiêu cực,
và rồi ngồi quan sát ta tự kết liễu chính mình” (J. Meyer). Bạn có thể rơi vào
hai cái bẫy này của Xa-tan khi quá ưu tư lo lắng chuyện hưởng thụ cuộc sống, lý
luận sai lầm về cùng đích cuộc đời. Bạn làm gì để tránh hai cái bẫy lợi hại
này?
Sống Lời Chúa: Tôi cố gắng giúp người thân, người lân cận gặp gỡ,
tiếp xúc với Chúa, thay vì cản trở họ đến với Ngài.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa đã toàn thắng mọi cám dỗ hành
xử theo tinh thần thế tục. Xin cho con đừng vì yêu mến, tôn sùng cái tôi của
mình, biến cái tôi ấy thành Xa-tan cản trở con trên đường cứu độ đi theo Chúa.
Amen.
(5 Phút Lời Chúa)
Nếu được cả thế
giới.
(Trích trong ‘Manna’ -
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ.)
Suy Niệm
Đức Giêsu đã gặp nhiều
cám dỗ trong đời.
Cám dỗ bởi ma quỷ
trong sa mạc.
Cám dỗ bởi đám đông
đòi xem phép lạ từ trời.
Cám dỗ bởi nhiều người
thách xuống khỏi thập giá.
Bài Tin Mừng hôm nay
cho thấy Đức Giêsu bị cám dỗ
bởi chính Phêrô, người
mà Ngài đã đặt làm nền tảng cho Hội Thánh.
Cơn cám dỗ này nguy hiểm
biết bao, vì đến từ tình thương của một người môn đệ.
Phêrô không thể nào chấp
nhận được
chuyện Đấng Mêsia phải
chịu khổ đau và chịu chết.
Đức Giêsu đã mạnh mẽ
chống lại cơn cám dỗ này.
Ngài nói với ông như
nói với Xatan trước đây:
"Xatan, lui lại
đàng sau Thầy!"
Phêrô đã đi trước Thầy.
Ông quên mất vị trí đi
sau của người môn đệ.
Ông không ngờ mình trở
nên viên đá làm Thầy suýt vấp.
Lối nghĩ của Phêrô rất
tự nhiên, rất "người",
nhưng đó không phải là
lối nghĩ của Thiên Chúa.
Dần dần ông mới chấp
nhận số phận bi đát của Thầy
và dám mất tất cả vì
Thầy.
Sống ở đời ai cũng
tranh phần được, và sợ mất.
Vấn đề là phải xác định
xem
đâu là cái được thực sự,
lâu bền, trọn vẹn,
đâu là cái được quan
trọng nhất, cần thiết nhất.
Kitô hữu là người say
mê cái được vĩnh cửu,
vì thế họ chấp nhận những
mất mát tạm thời:
mất công, mất của, mất
thì giờ, mất uy tín,
mất tương lai và mất cả
mạng nữa.
Họ tin rằng cuối cùng
chẳng có gì mất cả.
Mọi sự họ mất vì Thầy
Giêsu, họ đều được lại.
Mất tạm thời để giữ được
mãi mãi.
Từ bỏ chính mình là để
tìm lại cái tôi trong suốt hơn, ngời sáng hơn.
Các vị tử đạo là những
người say mê sự sống,
đến nỗi dám chấp nhận
cái chết.
Các ngài coi trọng sự
sống vĩnh cửu của mình
hơn cả thế giới phú
quý vinh hoa.
Lắm người tưởng mình
được, hoá ra lại mất
Lắm người vui lòng mất,
hoá ra lại được.
Chúng ta cần suy nghĩ
sâu về cái được, cái mất,
để không phải hối hận
sau này.
Đức Giêsu đã mất tất cả
và đã được lại tất cả.
Đó là lý do khiến
chúng ta dám từ bỏ, hy sinh,
dám vượt lên trên lối
sống thực dụng, ích kỷ.
Không cần đợi sau cái
chết, ta mới thấy mình được.
Bình an, niềm vui, triển
nở trong tự do và yêu thương
là những cái được ta
có ngay từ đời này.
Gợi Ý Chia Sẻ
Cuộc đời thường được
ví như một cái chợ: chợ đời. Ai cũng phải tranh đua, vật lộn, thậm chí dùng cả
những thủ đoạn, lọc lừa để thắng được người khác. Bạn nghĩ một Kitô hữu đạo đức
có cơ may thành công giữa chợ đời không?
Chấp nhận sống đúng Lời
Chúa là chấp nhận vác thập gía. Có khi nào bạn đã vác thập giá vì sống Lời Chúa
không? Có thập giá nào hiện nay bạn còn sợ vác?
Cầu Nguyện
Lạy Chúa,
Chúa đẵ chịu chết và sống
lại,
xin dạy chúng con biết
chiến đấu trong cuộc chiến mỗi ngày
để được sống dồi dào
hơn.
Chúa đã khiêm tốn và
kiên trì
nhận lấy những thất bại
trong cuộc đời
cũng như mọi đau khổ của
thập giá,
xin biến mọi đau khổ
cũng như mọi thử thách
chúng con phải gánh chịu
mỗi ngày,
thành cơ hội giúp
chúng con thăng tiến và trở nên giống Chúa hơn.
Xin dạy chúng con biết
rằng
chúng con không thể
nên hoàn thiện
nếu như không biết từ
bỏ chính mình và những ước muốn ích kỷ.
Ước chi từ nay, không
gì có thể làm cho chúng con khổ đau và khóc lóc
chỉ vì quên đi niềm
vui ngày Chúa phục sinh.
Chúa là mặt trời tỏa
sáng Tình Yêu Chúa Cha,
là hy vọng hạnh phúc bất
diệt, là ngọn lửa tình yêu nồng nàn;
xin lấy niềm vui của
Người mà làm cho chúng con nên mạnh mẽ
và trở thành mối dây
yêu thương, bình an và hiệp nhất giữa chúng con. Amen.
(Mẹ Têrêxa Calcutta)
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
30 THÁNG TÁM
Hướng Tới Một Giáo
Lý Sáng Tỏ
Công việc chuẩn bị cho
Sách Giáo Lý Công Giáo toàn cầu phản ảnh ước muốn của các nghị phụ về việc giải
quyết dứt khoát một số giáo huấn và diễn dịch đức tin không am hợp với huấn quyền
của Giáo Hội. Các nghị phụ nhận ra nhu cầu thiết yếu phải có sự sáng tỏ và chắc
chắn về giáo lý để bác bỏ các sai lầm như thế.
Nhằm mục tiêu đó, Thượng
Hội Đồng đã đề nghị phải có một bản tổng lược tất cả các giáo thuyết Công Giáo
cơ yếu liên quan đến đức tin và các vấn đề luân lý. Mục đích của chúng ta là
sao cho bản giáo lý này có thể phục vụ như một điểm qui chiếu cho mọi sách giáo
lý được biên soạn bởi các địa phương khác nhau trên thế giới. Đây không phải là
lần đầu tiên các mục tử của Giáo Hội đòi hỏi phải có sự sáng tỏ hơn trong việc
hướng dẫn đức tin. Điều này đã được đề cập một cách đặc biệt trong Thượng Hội Đồng
giám mục 1977. Trong Tông Huấn Catechesi tradendae, tôi cũng đã mời gọi các Thượng
Hội Đồng giám mục “kiên trì và quyết liệt đảm nhận công việc rất quan trọng là
hình thành được sách giáo lý có chất lượng và am hợp với nội dung cốt yếu của mạc
khải.”
Chúng ta mong muốn thế
hệ mới của chúng ta có một đức tin vững chãi đặt nền trên chân lý Đức Kitô.
Chúng ta hãy cầu nguyện cho sách giáo lý quan trọng này sẽ hướng dẫn tất cả
chúng ta trên khắp thế giới đến một sự hiểu biết sáng tỏ về chân lý. Lạy Chúa
Thánh Thần, xin hãy đến và soi trí mở lòng cho chúng con.
– suy tư 366 ngày của
Đức Gioan Phaolô II –
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations
by Pope John Paul II
Lời Chúa Trong Gia Đình
NGÀY 30/8
Chúa Nhật XXII Thường
Niên
Gr 20, 7-9; Rm 12,
1-2; Mt 16, 21-27.
LỜI SUY NIỆM: Ông Phêrô liền
kéo riêng Người ra và bắt đầu quở trách Người: “Xin Thiên Chúa đừng để Thầy gặp
phải chuyện ấy.” Nhưng Đức Giêsu quay lại bảo ông Phêrô: “Xa tan, lui lại đằng
sau Thầy! Anh cản lối Thầy, vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của
Thiên Chúa, mà là của loài người.”
Phêrô chỉ là một con người đơn sơ chất phát, chỉ là một người
môn đệ đi theo Chúa Giêsu thôi, nên khi Phêrô nghe lời tiên báo lần đầu tiên về
cuộc thơng khó và phục sinh của Chúa Giêsu. Ông đâm ra hoảng sợ, và muốn can
ngăn Người. Nhưng với Chúa Giêsu, Người xem đây là một cản trờ đối với Người
trong việc vâng phục thánh ý Chúa Cha về tự hiến để cứu chuộc loài người đem lại
cho Chúa Cha. Nên đã bị Chúa Giêsu quở trách nặng lời.
Lạy Chúa Giêsu. Xin cho mỗi người trong chúng con luôn biết vị trí của mình
trong hiện tại và làm tốt công việc có trách nhiệm của mình.
Mạnh Phương
30 Tháng Tám
Ban Phát Không Ngừng
Trong một câu chuyện
ngắn, văn hào Tolstoi của Nga đã ghi lại mẩu đối thoại của 3 người khách bộ
hành như sau:
Mệt mỏi vì đường
xa, ba người bộ hành đã dừng lại nghỉ chân bên một dòng suối trong vắt. Trong
những giây phút thoải mái bên cạnh dòng suối, mỗi người mới phát biểu về lợi
ích của nó.
Người thứ nhất lên
tiếng: “Còn gì sung sướng bằng gặp được một dòng suối mát bên vệ đường! Nước suối
trong vắt không những làm cho chúng ta được tươi mát, nhưng còn mời gọi chúng
ta sống thành thật với nhau”.
Người bộ hành thứ
hai góp ý: “Dòng suối chảy như không ngừng muốn nói với tôi: Hỡi loài ngơừi,
hãy làm việc! Hãy làm việc không ngừng để làm cho thế giới được tốt đẹp hơn”.
Người bộ hành thứ
ba, sau một phút trầm ngâm, mới thốt lên: “Những gì các bạn vừa phát biểu đều
đúng cả. Nhưng còn có một điều quan trọng hơn nữa mà tôi muốn chia sẻ cho các bạn.
Các bạn hãy nhìn kìa, dòng suối này chảy không ngừng. Nó ban phát không ngừng,
nó ban phát cho tất cả mọi người mà không đòi hỏi một sự đáp trả nào… Mỗi người
chúng ta hãy sống cao thượng như thế”.
Sự sống đang châu lưu
trong tâm hồn chúng ta chính là Thần Khí của Thiên Chúa. Thiên Chúa ban cho
chúng ta sức sống của Ngài, Tình Yêu của Ngài, mà không đòi hỏi một điều kiện
nào nơi chúng ta.
Thiên Chúa chỉ muốn
thông ban, Thiên Chúa chỉ muốn san sẻ và Ngài chờ đợi chúng ta cũng sống như thế.
Nguồn suối đang châu lưu trong tâm hồn chúng ta, nhờ đó chúng ta được sống một
cách tươi mát, luôn mời gọi chúng ta cũng hãy ban phát không ngừng.
Thánh Thần là ân ban của
Thiên Chúa… Người Kitô nhận lãnh Thánh Thần cũng hãy trở thành ân ban của Thiên
Chúa cho người khác. Càng trao ban, càng phân phát, người Kitô càng tìm gặp lại
chính mình.
(Lẽ Sống)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét