04/09/2020
Thứ Sáu đầu tháng,
tuần 22 thường niên
BÀI ĐỌC I: 1 Cr 4, 1-5
“Chúa sẽ phơi bày những ý định
của tâm hồn”.
Trích thư thứ nhất
của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.
Anh em thân mến, như vậy người ta coi chúng tôi như những thừa tác viên của
Đức Kitô, và những người phân phát các mầu nhiệm của Thiên Chúa. Do đó, người
ta đòi hỏi nơi những người phân phát các mầu nhiệm là mỗi người phải trung tín.
Phần tôi, tôi không lấy làm quan trọng khi bị anh em hay toà án nhân loại đoán
xét; nhưng tôi cũng không đoán xét chính mình tôi. Vì chưng, mặc dầu lương tâm
không trách cứ tôi điều gì, nhưng không phải vì thế mà tôi đã được công chính
hoá. Đấng đoán xét tôi chính là Chúa. Vì thế, anh em đừng đoán xét trước thời
gian cho đến khi Chúa đến, Người sẽ đưa ra ánh sáng những điều giấu kín trong
bóng tối và phơi bày những ý định của tâm hồn, và bấy giờ Thiên Chúa sẽ ban
khen tương xứng cho mỗi người. Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 36, 3-4.
5-6. 27-28. 39-40
Đáp: Người hiền được
Chúa ban ơn cứu độ (c. 39a).
Xướng:
1) Hãy trông cậy vào Chúa và hãy làm lành, để được cư ngụ trong đất nước,
thọ hưởng an ninh. Hãy hân hoan tin tưởng vào Chúa, Người sẽ ban cho sự lòng bạn
thỉnh cầu. – Đáp.
2) Bạn hãy phó thác đường lối mình cho Chúa, hãy trông cậy vào Người và để
chính Người hành động. Người sẽ làm cho chính nghĩa bạn sáng như bình minh, và
quyền lợi bạn tỏ như giờ ngọ. – Đáp.
3) Hãy tránh ác và hãy làm lành, hầu được an cư tới ngàn thu; bởi vì Chúa
yêu điều chân lý, và không bỏ rơi những tôi tớ trung thành. – Đáp.
4) Người hiền được Chúa ban ơn cứu độ, trong cơn khốn khó, Người là chỗ họ
dung thân. Chúa bang trợ và giải thoát họ, Người giải thoát và cứu họ khỏi lũ
ác nhân, vì họ đã nương tựa vào Người. – Đáp.
ALLELUIA: Cl 3, 16a và
17c
Alleluia, alleluia!
– Nguyện cho lời Chúa Kitô cư ngụ dồi dào trong anh em; anh em hãy nhờ Đức Kitô
mà tạ ơn Thiên Chúa Cha. – Alleluia.
PHÚC ÂM: Lc 5, 33-39
“Khi tân lang phải đem đi khỏi
họ, bấy giờ họ ăn chay”.
Tin Mừng Chúa Giêsu
Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, những người biệt phái và luật sĩ nói với Chúa Giêsu rằng: “Tại
sao môn đồ của Gioan năng ăn chay và cầu nguyện, cả môn đồ của những người biệt
phái cũng vậy, còn môn đệ của Thầy lại cứ ăn uống?” Người đáp lại rằng: “Các
ông có thể bắt các bạn hữu đến dự tiệc cưới, ăn chay, đang khi tân lang còn ở với
họ chăng? Nhưng sẽ đến những ngày mà tân lang phải đem đi khỏi họ, bấy giờ họ sẽ
ăn chay trong những ngày ấy”.
Người còn nói với họ thí dụ này rằng: “Không ai xé miếng vải áo mới mà vá
vào áo cũ; chẳng vậy, áo mới đã bị xé, mà mảnh vải áo mới lại không ăn hợp với
áo cũ. Cũng chẳng ai đổ rượu mới vào bầu da cũ; chẳng vậy, rượu mới sẽ làm vỡ bầu
da, rượu chảy ra và bầu da hư mất. Nhưng rượu mới phải đổ vào bầu da mới, thì
giữ được cả hai. Và không ai đang uống rượu cũ mà lại thèm rượu mới, vì người
ta nói: ‘Rượu cũ thì ngon hơn’ “. Đó là lời Chúa.
Suy Niệm : Kim chỉ nam
của cuộc sống
Theo sách Giảng Viên: "Ở dưới bầu trời này, mọi sự đều có lúc, mọi
việc đều có thời, một thời để chào đời, một thời để lìa thế, một thời để khóc
lóc, một thời để vui cười, một thời để than van, một thời để múa nhảy".
Trong Tin Mừng hôm nay khi giải thích về lý do tại sao Ngài và các môn đệ của
Ngài không ăn chay, có lẽ Chúa Giêsu cũng muốn lặp lại lời dạy của sách Giảng
Viên: "Mọi sự đều có lúc, mọi việc đều có thời. Có một thời không ăn chay
và một thời để ăn chay". Thời gian của Giáo Hội là thời gian vừa ăn chay vừa
không ăn chay. Ðúng hơn, thời gian của Giáo Hội là thời gian của cử hành.
Khi chúng ta nói về cử hành, chúng ta thường dễ nghĩ đến lễ lạc, trong đó
chúng ta có thể quên đi những khó khăn của cuộc sống và hòa mình vào đàn ca múa
nhảy, ăn uống, cười vui. Thật ra, trong ý nghĩa Kitô giáo, cử hành hoàn toàn xa
lạ với bầu khí ấy. Trong Kitô giáo, cử hành chỉ có thể có được khi chúng ta ý
thức một cách sâu xa rằng sự sống và cái chết là hai thực tại không bao giờ
tách lìa nhau. Cử hành chỉ thực sự đến khi nào tình yêu và nỗi lo sợ, niềm vui
và nỗi buồn, nước mắt và nụ cười, có thể hiện hữu chung với nhau. Cử hành chỉ
có thể đến khi nào chúng ta ý thức được rằng sự sống là điều quí giá vô cùng.
Và sự sống quí giá không những vì nó có thể được thấy, được sờ, được cảm nghiệm,
mà còn ngay cả khi nó mất. Khi chúng ta cử hành một đám cưới, chúng ta cử hành
sự kết hợp và chia tay cùng một lúc; khi chúng ta cử hành cái chết, chúng ta cử
hành một tình bạn đã mất nhưng đồng thời cũng cử hành một sự tự do và có được.
Có thể có nước mắt sau đám cưới và những nụ cười đám tang. Thật thế, chúng ta
có thể làm cho những nỗi buồn cũng như niềm vui của chúng ta trở thành một phần
của cuộc cử hành cuộc sống với ý thức sâu xa rằng sống và chết không phải là
hai điều đối nghịch nhau mà là bạn hữu thân tình với nhau trong mỗi một phút
giây của cuộc sống chúng ta. Khi chúng ta chào đời, chúng ta được tự do để hít
thở khí trời, nhưng chúng ta lại đánh mất sự an toàn trong lòng mẹ. Khi chúng
ta đi học, chúng ta được tự do để đi vào một xã hội rộng lớn hơn nhưng lại đánh
mất một chỗ đặc biệt trong gia đình chúng ta. Khi chúng ta lập gia đình, chúng
ta tìm được một người bạn đường nhưng lại đánh mất mối liên kết đặc biệt với
cha mẹ chúng ta. Khi chúng ta tìm được công ăn việc làm, chúng ta có được sự độc
lập để làm ra tiền, nhưng lại đánh mất khung cảnh vô tư của trường học. Khi
chúng ta có con cái, chúng ta khám phá ra một thế giới mới, nhưng lại đánh mất
đi một phần tự do đi lại. Khi chúng ta được thăng cấp trong công việc, chúng ta
trở nên quan trọng hơn trước mắt người khác nhưng lại đánh mất những cơ may
khác. Khi chúng ta về hưu, cuối cùng chúng ta có cơ may làm điều chúng ta muốn
nhưng lại đánh mất niềm vui trong công việc. Khi chúng ta có thể cử hành sự sống
trong mọi giây phút quyết liệt, trong đó cái được và cái mất quyện lấy vào
nhau, lúc ấy chúng ta có thể cử hành ngay cả cái chết của chúng ta, bởi vì
chúng ta đã học được từ cuộc sống rằng ai mất sẽ tìm thấy.
Trong mọi sự, lời của thánh Phaolô trong thư gởi cho giáo đoàn Philipphê
4,4 đáng được chúng ta lấy làm kim chỉ nam cho cuộc sống: "Anh em hãy vui
lên trong Chúa, tôi nhắc lại một lần nữa, anh em hãy vui lên vì Chúa ở gần
chúng ta".
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Sáu Tuần 22 TN2
Bài đọc: 1 Cor 4:1-5; Lk 5:33-39.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ:
Vấn đề xét đoán.
Xét đoán là điều con người thường xuyên làm trong cuộc đời. Tuy nhiên,
không phải xét đoán nào cũng đúng và có giá trị ngang nhau. Các Bài đọc hôm nay
nói về các lọai phán đoán và vạch ra cái đúng cũng như sai của nó.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Dân thành Corintô xét đoán
Phaolô.
Thánh Phaolô không muốn cho người ta gọi ngài, người rao giảng của Chúa
Kitô là nhà lãnh đạo, nhưng muốn được gọi là: đầy tớ (huperétes) và quản
gia (hoikonómos). Người đầy tớ là người làm theo ý của chủ mình khi được
ra lệnh. Người quản gia chịu trách nhiệm mọi việc trong nhà: điều khiển các người
làm việc, mua bán những vật dụng cần thiết và giữ sổ sách cho chủ. Tuy quyền
hành có cao hơn những đầy tớ khác, nhưng đối với chủ, người quản gia cũng chỉ
là đầy tớ. Điều này có thể áp dụng cho mọi chức vụ trong Giáo Hội, cho dẫu có
bao nhiêu quyền hành hay danh vọng, họ vẫn chỉ là đầy tớ của Chúa Kitô.
Đặc tính của người quản gia là phải đáng tin cậy vì chủ đặt trọn vẹn niềm
tin nơi ông. Vì vậy, ông sẽ bị xét xử từ 3 nguồn:
1.1/ Xét xử bởi người đời: Thánh Phaolô khẳng định: “Đối với tôi, dù có bị
anh em hay toà đời xét xử, tôi cũng chẳng coi là gì.” Thông thường những xét xử
của người đời không chính xác cho lắm vì không nắm giữ được toàn bộ các dữ kiện
liên quan; nhất là còn bị ảnh hưởng bởi nhiều những nguyên do khác: chủ quan,
ghen tương, lấy điểm… Tuy nhiên, những nhận định này là buớc đầu giúp đương sự
kiểm điểm các hành động của mình. Thánh Phaolô có lẽ thốt lên những lời trên
sau khi đã tự kiểm điểm mình trước tôn nhan Chúa.
1.2/ Xét xử bởi chính mình: Thánh Phaolô cũng xác quyết: “Quả thật, tôi
không thấy lương tâm áy náy điều gì, nhưng đâu phải vì thế mà tôi đã được kể là
người công chính. Mà tôi, tôi cũng chẳng tự xét xử lấy mình.” Những lời này cho
thấy sự cẩn thận của Phaolô: Cho dù mình xét xử chính mình cũng chưa chắc hòan
toàn đúng vì có thể bị chi phối bởi tính tự mãn, kiêu ngạo, hay tự đánh lừa.
Tuy nhiên, tự xét mình cần thiết trong tiến trình trở nên hoàn hảo. Phải biết
mình trước khi biết các tương quan với Thiên Chúa và tha nhân.
1.3/ Xét xử bởi Thiên Chúa: Đây là sự xét xử mà Phaolô quan tâm tới và chỉ
xét xử bởi Thiên Chúa mới hòan toàn đúng vì: (1) Chỉ mình Ngài biết mọi hòan cảnh
liên quan tới việc làm của đương sự; (2) Chỉ mình Ngài nhìn thấu những lý do tại
sao đương sự làm những việc đó; (3) Chỉ Thiên Chúa không bị chi phối bởi bất kỳ
giới hạn nào như con người.
Vì những lý do này, nên Thánh Phaolô khuyên: “Vậy xin anh em đừng vội xét
xử điều gì trước kỳ hạn, trước ngày Chúa đến. Chính Người sẽ đưa ra ánh sáng những
gì ẩn khuất trong bóng tối, và phơi bày những ý định trong thâm tâm con người.
Bấy giờ, mỗi người sẽ được Thiên Chúa khen thưởng đích đáng.”
2/ Phúc Âm: Các Biệt-phái và Kinh-sư xét
đoán Chúa Giêsu và các môn đệ của Ngài.
Đối với các Biệt-phái và Kinh-sư, cầu nguyện và ăn chay là hai tiêu chuẩn
dùng để xét xử con người có đạo đức hay không, và một cách gián tiếp, đánh giá
người Thầy của các môn đệ đó. Bằng một câu hỏi, họ đã xét xử và kết tội Chúa và
các môn đệ của Ngài là những người không đạo đức vì mê ăn uống. Họ nói với Người:
“Môn đệ ông Gioan năng ăn chay cầu nguyện, môn đệ người Biệt-phái cũng thế, còn
môn đệ ông thì ăn với uống!”
Đức Giêsu trả lời: “Chẳng lẽ các ông lại có thể bắt khách dự tiệc cưới ăn
chay, khi chàng rể còn ở với họ? Sẽ có ngày chàng rể bị đem đi; ngày đó, họ mới
ăn chay.” Mục đích của việc ăn chay, theo truyền thống của người Do-thái, là
dâng chính thân xác mình để cầu xin sự hiện diện của Thiên Chúa trong cuộc đời.
Các môn đệ không cần phải ăn chay vì họ đang có Chúa hiện diện giữa họ. Chàng rể
là Chúa Giêsu và khách dự tiệc là những môn đệ của Chúa. Sẽ có ngày Chúa Giêsu
rời bỏ các môn đệ, lúc đó họ sẽ ăn chay.
Thời đại nào cũng có sự phân biệt và giằng co giữa cái mới và cái cũ. Có
những người luôn chống lại với cái mới và tìm mọi cách để bảo vệ cái cũ như các
Biệt-phái và Kinh-sư hôm nay. Chúa Giêsu không hoàn toàn chống lại những cái cũ
của họ vì có những cái cũ tốt cần được giữ lại, nhưng Chúa muốn cho họ chấp nhận
những cái mới để kiện toàn những cái cũ, hay lọai bỏ đi những cái cũ không hay.
Nhưng để có thể chấp nhận những cái mới, họ cần có một tâm hồn hay trái tim mới.
Ngài dùng hai dụ ngôn này để dẫn chứng điều này:
(1) “Chẳng ai xé áo mới lấy vải vá áo cũ, vì như vậy, không những họ xé
áo mới, mà miếng vải áo mới cũng không ăn với áo cũ.” Khi vá áo, con người thường
chọn miếng vá từ những vải dư thừa hay áo cũ chứ không ai dại cắt miếng vá từ
áo mới. Không những thế, họ còn phải chọn miếng vá nào cùng mầu và cùng độ giãn
với áo cũ; nếu không, độ giãn của miếng vá mới sẽ làm cho chỗ rách tệ hại hơn.
(2) “Không ai đổ rượu mới vào bầu da cũ, vì như vậy, rượu mới sẽ làm nứt
bầu, sẽ chảy ra và bầu cũng hư. Nhưng rượu mới thì phải đổ vào bầu mới. Cũng
không ai uống rượu cũ mà còn thèm rượu mới. Vì người ta nói: “Rượu cũ ngon
hơn.”” Bầu da mới có độ co giãn trong khi bầu da cũ đã khô và mất hết độ co
giãn. Rượu mới có rất nhiều áp suất, đó là lý do tại sao phải đổ vào bầu da mới.
Các Biệt-phái và Kinh-sư cũng giống như những người thích uống rượu cũ, vì họ
luôn bảo vệ những truyền thống và quay lưng lại với những thay đổi mới.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC
SỐNG:
– Chúng ta đừng vội xét đóan tha nhân khi chưa có đủ bằng chứng.
– Chúng ta đừng quá chú trọng đến những lời phê bình chỉ trích của tha
nhân cũng đừng quá chắc chắn với lối nhìn chủ quan của mình; chỉ có phán xét của
Thiên Chúa mới hoàn toàn đúng.
– Chúng ta không nên mù quáng bảo vệ tất cả cái cũ, nhưng cũng đừng mang
thái độ “có mới nới cũ.” Chúng ta cần khôn ngoan để mở lòng tiếp nhận cái mới tốt
và có can đảm để vứt đi những cái cũ xấu.
Linh mục Anthony
Đinh Minh Tiên, OP
04/09/2020 – THỨ SÁU ĐẦU THÁNG TUẦN 22 TN
Lc 5,33-39
CHÀNG RỂ GIÊ-SU
Đức Giê-su trả lời: “Chẳng lẽ các ông lại có thể bắt khách dự
tiệc cưới ăn chay, khi chàng rể còn ở với họ?” (Lc 5,34)
Suy niệm: Nhiều lần Chúa Giê-su
dùng hình ảnh tiệc cưới, đặc biệt qua các dụ ngôn, để nói về Nước Trời, mà
trong đó Ngài là chàng rể, nhân vật chính của tiệc vui ấy; cũng tại bữa tiệc
đó, mọi dân tộc, không riêng gì dân Do Thái, đều là khách quý. Gio-an Tẩy giả,
vị Tiền hô của Đấng Cứu thế, cũng “vui mừng hớn hở” được là “bạn của chàng rể
Giê-su.” Bản thân mình “lu mờ đi”, nhưng Gio-an vui vì mình được “nghe tiếng
nói của chàng rể;” và “vui trọn vẹn” vì “Ngài được nổi bật lên” (x. Ga
3,28-30). Niềm vui cứu độ ấy phải toả lan cho mọi người: Niềm vui được hồi phục
nhân phẩm, niềm vui được làm bạn với Đức Ki-tô, và trên tất cả, được làm con
cái Thiên Chúa. Trong phép lạ “đầu tay” tại tiệc cưới Cana, tuy Chúa Giê-su
không tuyên bố nhưng Ngài đã ngầm báo trước sứ vụ cứu thế của Ngài là đem lại
niềm vui, “niềm vui trọn vẹn” cho muôn người, niềm vui vì được cứu độ.
Mời Bạn: Ki-tô giáo là đạo của Tin
Mừng, của niềm vui. Khi ví mình là chàng rể, Chúa Giê-su muốn nói Hội Thánh tại
thế chính là Tiệc Cưới Nước Trời đã khởi đầu, nơi đó những khách mời được tràn
đầy hoan lạc, niềm hoan lạc phải được chia sẻ cho nhau để được hưởng trọn vẹn
trên Thiên quốc. Bạn đã ý thức và hành động để làm chứng cho “niềm vui của Tin
Mừng” chưa?
Chia sẻ về lời cảnh
tỉnh của ĐGH Phan-xi-cô: “Có những Ki-tô hữu sống đời mình giống như chỉ có mùa Chay mà
không có mùa Phục Sinh” (số 6)?
Sống Lời Chúa: Hôm nay, tôi quyết làm việc
phục vụ để đem niềm vui cho gia đình, cho cộng đoàn tôi đang sống.
Cầu nguyện: Đọc kinh Kính Mến.
(5 Phút Lời Chúa)
Suy Niệm : Chàng rể ở
với họ
Suy niệm
:
Sau khi Lêvi, người thu thuế, được Thầy Giêsu mời gọi đi theo,
ông đã tổ chức bữa đại tiệc khoản đãi Thầy và các môn đệ.
Ông còn mời các bạn đồng nghiệp đến dùng bữa để từ giã.
Ăn uống vui vẻ, hòa đồng cả với những người bị xã hội tránh xa,
đó là một nét đặc biệt của nhóm Thầy Giêsu.
Đừng quên chính Thầy cũng bị mang tiếng là tay ăn nhậu (Lc 7, 34).
Như thế nhóm của Thầy không có nét khắc khổ,
như các nhóm môn đệ của Gioan hay của người Pharisêu.
Các nhóm này thường hay ăn chay và cầu nguyện.
“Còn môn đệ Thầy thì ăn với uống !” (c. 33).
Các nhà lãnh đạo Do Thái giáo hỏi Thầy về lý do có sự khác biệt đó.
Thầy trả lời: vì bầu khí của nhóm Giêsu là bầu khí vui của tiệc cưới.
Chú rể chính là Thầy, còn các môn đệ là những khách dự tiệc.
Chẳng ai dự tiệc cưới mà lại ăn chay.
Chẳng ai buồn khi chàng rể còn đang ở bên cạnh (c. 34).
Bởi đó thật là dễ hiểu nếu các môn đệ không ăn chay một tuần hai lần,
nếu họ có nét mặt tươi tắn và sẵn sàng chung vui với người khác.
Chuyện Thầy Giêsu ăn uống hồn nhiên với những tội nhân
cho thấy Thiên Chúa không khinh, nhưng quý họ và mời họ trở về.
Thầy cho thấy mình đang rao giảng Tin Mừng, loan báo Tin Vui.
Đến với Thầy là gặp được niềm vui cứu độ.
Thầy Giêsu và các môn đệ đều mời gọi người ta hoán cải (Mc 1,15; 6,12)
Nhưng hoán cải ở đây không phải là chuyện buồn, mà là chuyện vui,
bởi lẽ hoán cải là thay đổi tận căn cái nhìn về Thiên Chúa và người khác.
Chẳng ai vui bằng người thoát ra khỏi được cảnh nô lệ tội lỗi.
Cả thiên đàng cũng mừng vui khi một người hoán cải (Lc 15, 7. 10).
Thầy Giêsu đã trao cho các môn đệ niềm vui của chính mình.
Ba lần Ngài nói đến niềm vui trọn vẹn (Ga 15,11; 16,24; 17,13).
Kitô giáo bắt nguồn từ niềm vui phục sinh và sống mãi nhờ niềm vui ấy.
Các tông đồ bị đánh đòn mà lại vui, bởi họ chịu vì Đức Giêsu (Cv 5,41).
Niềm vui là đặc nét của người Kitô hữu qua mọi thách đố.
Niềm vui là quà tặng lớn của chúng ta cho một thế giới muộn phiền.
Chàng rể Giêsu đang ở với chúng ta cho đến tận thế và mãi mãi,
nên “anh em hãy vui luôn trong niềm vui của Chúa” (Pl 4, 4).
Chúng ta chỉ có thể là sứ giả của Tin Mừng nếu ta có niềm vui nội tâm.
Niềm vui này phải tỏa ra như hương thơm làm mọi người ngây ngất.
Ông Nietzsche một triết gia vô thần người Đức viết cho các Kitô hữu:
“Nếu niềm tin của các anh làm các anh hạnh phúc,
thì hãy cho tôi thấy hạnh phúc ấy trên khuôn mặt của các anh…
Nếu Tin Mừng của Sách Thánh được viết trên khuôn mặt của các anh rồi,
thì các anh chẳng cần phải cố nhấn mạnh đến giá trị của Sách ấy nữa.”
Nietzsche không tin một Kitô hữu buồn, mà bảo mình tin vào sự phục sinh.
Chúng ta có bao giờ để ý soi khuôn mặt Kitô hữu của mình không?
Cầu nguyện :
Lạy Chúa Giêsu,
có những ngày con cảm thấy
đời sống thật nặng nề;
có những lúc con muốn buông trôi,
để mặc cho dòng đời đưa đẩy;
có những khoảng thời gian dài,
con như mảnh đất khô khan cằn cỗi.
Xin cho con ánh sáng của Chúa
để con biết lối mà đi.
Xin cho con tấm bánh của Chúa
để con có sức mà dấn bước.
Xin cho con Lời của Chúa
để con vững một niềm tin.
Xin cho con sự sống của Chúa
để con lấy lại niềm hăng say và sự tươi tắn,
niềm vui và sáng tạo.
Lạy Chúa Giêsu,
con thấy mình cần Chúa
trong mỗi giây phút của cuộc đời.
Ước gì ai gặp con
cũng gặp được sự hiện diện của Chúa.
(Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.)
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
4 THÁNG CHÍN
Cắm Rễ Thâm Sâu
Trong Thiên Chúa
Ý nghĩa của việc “củng cố mạnh mẽ con người nội tâm” – là hoạt động của
Chúa Thánh Thần trong lòng chúng ta – được giải thích rõ trong thư gửi tín hữu
Eâphêsô: “Xin cho anh em được bén rễ sâu và xây dựng vững chắc trên đức ái, để
có đủ sức thấu hiểu và nhận biết tình yêu của Đức Kitô vốn vượt quá mọi sự hiểu
biết. Như vậy anh em sẽ được đầy tràn tất cả sự viên mãn của Thiên Chúa”. (Ep
3,17-19).
Điều đó chỉ có thể được hoàn thành bởi quyền năng của Chúa Thánh Thần hoạt
động trong tinh thần con người. Chỉ có Chúa Thánh Thần mới có thể khai phóng
cho chúng ta sự viên mãn của con người nội tâm như được tìm thấy nơi tấm lòng của
Đức Kitô. Chỉ có Ngài mới có thể làm cho tâm hồn chúng ta ngày càng hấp thu
năng lực từ nguồn viên mãn này. Tâm hồn chúng ta – tức con người nội tâm –
không thể chỉ dừng lại nơi những ưu tư về các thực tại chóng qua. Không, chúng
ta phải “bén rễ sâu” trong tình yêu không bao giờ hư mất.
Nguyện xin Nữ Tì khiêm cung của Thiên Chúa cầu thay nguyện giúp cho chúng
ta, để trái tim nhân loại của chúng ta có thể “bén rễ sâu” trong Thiên Chúa, vì
chỉ có Ngài là tình yêu không bao giờ hư mất. Và tình yêu này được mạc khải nơi
trái tim nhân loại của Đấng được sinh bởi cung lòng Đức Maria.
– suy tư 366 ngày của
Đức Gioan Phaolô II –
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations
by Pope John Paul II
Lời Chúa Trong Gia Đình
NGÀY 04/9
1Cr 4, 1-5;
Lc 5, 33-39.
LỜI SUY NIỆM: “Môn đệ ông Gioan năng ăn chay và cầu nguyện, môn đệ người Pharisêu cũng
thế, còn môn đệ của ông thì ăn với uống.”
Trước những lời chỉ trích về việc
không ăn chay của những môn đệ Chúa Giêsu; Nhân cơ hội này Người đã cho họ và cả
chúng ta ngày hôm nay một giáo huấn về: chay tịnh và cầu nguyện; Trong chay tịnh
để giúp cho bản thân nhận biết chính mình để canh tân đời sống trong hiện tại,
và hướng đến tương lai tốt hơn, để làm đẹp lòng Thiên Chúa, Trong cầu nguyện phải
khiêm tốn nhận ra sự thấp hèn và bất xứng của mình trước mặt Thiên Chúa để tôn
vinh Ngài.
Lạy Chúa Giêsu, Xin cho mỗi người chúng con luôn biết canh tân đời sống của
mình theo Tin Mừng để đáp lại đòi hỏi: đối với Thiên Chúa, đối với tha nhân và
đối với chính bản thân mình.
Mạnh Phương
04 Tháng Chín
Người Ta Sao, Tôi Vậy!
Theo khuynh hướng tự nhiên, có lẽ ai trong chúng ta cũng thích dựa theo
đám đông để hành động.
Chúng ta thử quan sát trong sự đi lại trong các thành phố. Cũng như xe cộ,
khách bộ hành cũng phải tuân theo đèn xanh, đèn đỏ. Những buổi chiều khi tan sở,
người ta thường thấy các xe cộ nối đuôi nhau ở các ngã tư. Ðối lại với một chuỗi
dài của những xe cộ, người ta cũng thấy lố nhố cả một đoàn người đang chờ đèn
xanh để qua đường.
Quan sát cho kỹ, thỉnh thoảng người ta thấy một điều rất buồn cười, nhưng
cũng rất bình thường: nếu có một người trong đám bộ hành này, vội vàng vì công
việc hoặc không đủ kiên nhẫn, đã lợi dụng lúc vắng xe để băng qua đường bất chấp
đèn đỏ, thì lúc đó, một số người trong đám đứng đợi cũng sẽ làm theo, nghĩa là
cũng sẽ băng qua đường ngay giữa lúc đèn còn đỏ… Những người đi theo này có lẽ
không nhìn thấy những dấu hiệu của luật lệ đi đường, mà chỉ làm theo người
khác. Ðối với những người này, dấu hiệu để băng qua đường này không phải là đèn
xanh, mà là gương của người khác.
Trong cuộc sống hằng ngày cũng thế, nhiều người trong chúng ta có lẽ
không hành động, không cư xử theo những dấu hiệu, theo những chỉ dẫn của chân
lý, mà có lẽ theo gương kẻ khác nhiều hơn. Người ta làm sao, tôi làm vậy! Ðó là
lý luận thông thường của chúng ta. Như thế người vượt đèn đỏ để băng qua đường
chỉ làm một hành động cá nhân cho riêng mình, mà còn trở thành dấu hiệu để cho
không biết bao nhiêu người làm theo.
Không ai có thể tự phụ sống cho riêng mình mà hoàn toàn không ảnh hưởng
gì đến người khác. Bằng lời nói hay hành động, tất cả mọi hành xử của chúng ta
đều gây một chấn động nào đó với người khác. Một cách nào đó, chúng ta không sống
như một hòn đảo, mà là một dấu hiệu đối với người khác.
Riêng với những môn đệ của Ðức Kitô, thì vai trò dấu hiệu ấy càng hiển
nhiên hơn. Thật thế, Chúa Giêsu đã quả quyết: “Các con là muối đất, các con là
ánh sáng thế gian”.
Ước gì cuộc sống chứng ta của bác ái, của nhẫn nhục, của tha thứ, của quảng
đại, của phục vụ và của sự cần kiệm liêm chính mà người Kitô luôn phải thể hiện,
có sức trở thành dấu hiệu của chân lý, của Sự Sống. Và để trở thành dấu hiệu
cho người khác, người Kitô cần phải luôn hướng nhìn về Ðấng là Ðường, là Sự Thật
và là Sự Sống. Sống theo Ngài, cư xử như Ngài, người Kitô cũng sẽ lôi cuốn nhiều
người đến với Ngài.
(Lẽ Sống)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét