07/09/2020
Thứ Hai tuần 23
thường niên
BÀI ĐỌC I: 1 Cr 5, 1-8
“Anh em hãy tẩy trừ men cũ, vì
Chiên Vượt Qua của chúng ta là Đức Kitô đã hiến tế”.
Trích thư thứ nhất
của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.
Anh em thân mến, người ta nghe nói giữa anh em có chuyện tà dâm, thứ tà
dâm mà nơi dân ngoại cũng không có như vậy, là có người lấy vợ cha mình. Thế mà
anh em còn lên mặt kiêu căng, đáng lẽ anh em phải để tang mà loại trừ khỏi anh
em con người làm chuyện đó. Tuy tôi vắng mặt phần xác, nhưng hiện diện bằng
tinh thần, tôi đã tuyên án kẻ làm chuyện đó, như tôi đang hiện diện, nhân danh Chúa
chúng ta là Đức Giêsu Kitô, tập họp anh em lại với tâm trí tôi, lấy quyền năng
của Chúa chúng ta, là Đức Giêsu, tôi trao con người như thế cho Satan, để xác
nó chết đi, hầu cho tâm hồn nó được cứu thoát trong ngày của Chúa chúng ta, là
Đức Giêsu Kitô.
Việc anh em lên mặt kiêu căng không tốt đâu. Nào anh em chẳng biết rằng
chỉ một dúm men là đủ làm hư cả khối bột đó sao? Anh em hãy tẩy trừ men cũ, để
nên bột mới, như anh em là bánh không men. Vì Chiên Vượt Qua của chúng ta là Đức
Kitô đã hiến tế. Vì thế, chúng ta hãy mừng lễ không phải với men cũ, cũng không
phải với men gian tà và độc ác, nhưng với bánh không men tinh tuyền và chân
chính. Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 5, 5-6. 7.
12
Đáp: Lạy Chúa, xin
dẫn con trong đức công minh (c. 9a).
Xướng:
1) Chúa không phải là Chúa tể ưa điều gian ác, kẻ độc dữ không được cư
trú nhà Ngài, đứa bất nhân không thể đứng trước thiên nhan. Chúa ghét những kẻ
làm điều gian ác. – Đáp.
2) Ngài tiêu diệt những đứa nói man; người độc ác và gian giảo, thì Chúa
ghê tởm không nhìn. – Đáp.
3) Nhưng hết thảy ai tìm đến Chúa sẽ mừng vui, họ sẽ hân hoan cho tới
muôn đời. Chúa che chở họ, họ sẽ mừng vui bởi Chúa, đó là những kẻ yêu mến danh
Ngài. – Đáp.
ALLELUIA: Pl 2, 15-16
Alleluia, alleluia!
– Anh em hãy tích trữ lời ban sự sống, anh em hãy chiếu sáng như những vì sao ở
giữa thế gian. – Alleluia.
PHÚC ÂM: Lc 6, 6-11
“Các ông quan sát xem Người có
chữa lành bệnh trong ngày Sabbat không”.
Tin Mừng Chúa Giêsu
Kitô theo Thánh Luca.
Vào một ngày Sabbat, Chúa Giêsu vào hội đường và giảng dạy. Khi ấy ở đó
có một người tay hữu bị khô bại. Những luật sĩ và biệt phái quan sát xem Người
có chữa lành người ấy trong ngày Sabbat không, để có cớ tố cáo Người. Nhưng Người
biết tư tưởng các ông, liền bảo người có tay khô bại rằng: “Ngươi hãy chỗi dậy
mà đứng ra giữa đây”. Người đó đứng thẳng dậy. Đoạn Chúa Giêsu bảo các ông ấy rằng:
“Tôi hỏi các ông, ngày Sabbat được phép làm sự lành hay sự dữ, cứu sống hay là
giết chết?” Rồi đưa mắt nhìn mọi người, Chúa bảo người đó rằng: “Ngươi hãy giơ
tay ra”. Người ấy giơ ra, và tay người ấy được lành.
Bấy giờ các ông đầy lòng tức giận, và bàn định với nhau xem có thể làm gì
được Chúa Giêsu. Đó là lời Chúa.
Suy Niệm : Làm việc
ngày sabát
Ðoạn Phúc Âm hôm nay kể lại việc Chúa Giêsu chữa lành người bị bại tay phải
trong ngày nghỉ sabát, hoặc cho những luật sĩ và những biệt phái đang rình xem
Chúa có lỗi luật nghỉ ngày sabát hay không, ngõ hầu có lý do ám hại Chúa.
Chu toàn bổn phận bác ái có ưu tiên trên việc tuân giữ luật nghỉ ngày
sabát, một việc thực hành đạo đức quan trọng của Do Thái Giáo. Thực hành việc đạo
đức mà không có lòng bác ái yêu thương anh chị em thì việc thực hành kia có thể
trở thành vụ lợi, khoe khoang. Bảo vệ cách quá khích luật nghỉ ngày sabát, các
luật sĩ và những người biệt phái đã làm cớ cho người ta hiểu lầm rằng Thiên
Chúa đối nghịch với con người. Trong đoạn Phúc Âm hôm nay, các luật sĩ và biệt
phái xem ra bắt buộc Chúa Giêsu phải chọn một trong hai việc: hoặc tuân giữ luật
nghỉ ngày sabát, hoặc chữa lành người bị bại tay phải. Tinh thần vụ hình thức
đã làm hư cốt tủy của đạo Chúa. "Tôi hỏi các ông, ngày sabát được làm sự
lành hay sự dữ, cứu sống người hay giết chết?" Câu hỏi của Chúa Giêsu thức
tỉnh những kẻ sống đạo vụ hình thức.
Nơi đoạn Phúc Âm theo thánh Luca mà chúng ta vừa đọc lại trên đây, những luật
sĩ và những người Pharisiêu xem ra có thái độ dứt khoát phải chọn một trong hai
việc là giữ ngày sabát hoặc làm việc thiện để cứu người bị bại tay phải. Nhưng
theo Phúc Âm thánh Mátthêu chương 12 câu 11 và những câu kế tiếp, chúng ta được
biết rằng những luật sĩ và biệt phái có một giải thích rộng rãi khác về luật
nghỉ ngày sabát. Họ cho phép cứu thoát con vật bị sa xuống giếng trong ngày
sabát. Thật là nghịch đời, họ cho phép cứu con vật mà lại không cho phép cứu
con người. Phải chăng các luật sĩ và biệt phái coi trọng con vật hơn con người.
Ngày nay, chúng ta có thể gặp trường hợp tương tự, có những người nhân danh
lòng nhân từ để kêu gọi bảo vệ súc vật nhưng lại thẳng tay loại trừ những thai
nhi còn trong lòng mẹ, mạnh mẽ cổ võ việc phá thai.
Phần Chúa Giêsu, qua hành động chữa lành người bị bại tay cả trong ngày
sabát, Chúa Giêsu biểu lộ tâm hồn tràn đầy yêu thương đối với con người và đặt
luật nghỉ ngày sabát trong viễn tượng rộng rãi hơn của tình yêu thương. Các
ngày sabát được làm việc lành để thể hiện tình thương. Một tâm hồn khô khan
không có tình yêu đối với Thiên Chúa cũng như đối với anh chị em thi sẽ dễ dàng
rơi vào cám dỗ chạy trốn trước việc lành cần phải làm để phục vụ anh chị em. Họ
dễ dàng biện hộ cho thái độ sống thiếu quảng đại, thiếu bác ái bằng lý do hết sức
đạo đức nhưng có thể đó là sự đạo đức giả hình, chưa trưởng thành.
Lạy Chúa,
Chúng con cảm tạ Chúa vì đã thức tỉnh chúng con qua mẫu gương và bài học
căn bản. "Trong ngày sabát được làm sự lành hay sự dữ, cứu sống hay giết
chết?" Xin thương giải thoát con khỏi thái độ sống đạo vụ hình thức, ham
danh lợi, lo củng cố địa vị hơn là thực hành yêu thương bác ái. Xin thương ban
cho chúng con tâm hồn tràn đầy tình yêu Chúa để có thể trổ sinh những việc làm
tốt phục vụ anh chị em mọi nơi và mọi lúc.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Hai Tuần 23 TN2
Bài đọc: 1 Cor 5:1-8; Lk 6:6-11.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ:
Phải thẳng thắn sửa chữa gương mù.
Corintô là thành phố rất giầu có và tội lỗi. Rất khó cho các tín hữu của
cộng đòan mới được thành lập bởi thánh Phaolô tránh khỏi những tội lỗi mà họ đã
quá quen thuộc. Trong lãnh vực tình dục, Dân Ngọai không hiểu được ý nghĩa của
nhân đức trong sạch, họ xem tình dục là chuyện bình thường. Nhưng thánh Phaolô
cảnh cáo các tín hữu Corintô trong Bài đọc I: một khi đã gia nhập Dân Thánh, họ
phải có can đảm thay đổi những thói quen của đời sống quá khứ, để mặc lấy tấm
lòng tinh tuyền và chân thật của đời sống mới theo đòi hỏi của Tin Mừng. Trong
Phúc Âm, Chúa cũng thẳng thắn sửa chữa các Kinh-sư và Biệt-phái về lối sống giả
hình của họ.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Thánh Phaolô kết án người làm
chuyện lọan luân và cộng đòan Corintô.
Mặc dầu Dân Ngọai là những người có đời sống tình dục phóng khóang, họ
cũng kết án chuyện làm tình giữa con cái với cha mẹ; thế mà chuyện này lại xảy
ra trong cộng đòan tín hữu Corintô: “Đi đâu cũng chỉ nghe nói đến chuyện dâm ô
xảy ra giữa anh em, mà là thứ dâm ô không thấy xảy ra ngay cả nơi Dân Ngoại: có
kẻ ăn ở với vợ kế của cha mình!”
Thánh Phaolô không những lên án người vi phạm chuyện lọan luân mà còn
trách móc cả cộng đòan về thái độ im lặng của họ; vì đúng ra họ đã phải sửa chữa
và loại trừ kẻ làm điều ấy ra khỏi cộng đoàn. Thái độ im lặng của họ chẳng những
là cớ cho người vi phạm không nhận ra tội lỗi mà còn gây gương mù trong cộng
đòan. Ngài tỏ rõ lập trường của ngài: “Phần tôi, tuy vắng mặt về thân xác,
nhưng về tinh thần vẫn có mặt, tôi đã lên án kẻ có hành vi đó như thể tôi có mặt
tại chỗ.”
Vì thế, chuyện phải thẳng thắn sửa phạt người đã vi phạm là chuyện phải
làm, và ngài đề nghị một giải pháp: “Trong một buổi họp của anh em, ở đó có tôi
hiện diện bằng tinh thần, nhân danh Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, và với quyền
năng của Người, chúng ta phải nộp con người đó cho Satan, để phần xác nó bị huỷ
diệt, còn phần hồn được cứu thoát trong Ngày của Chúa.” Nộp người vi phạm cho
Satan là khai trừ người đó ra khỏi cộng đòan. Tuy nhiên, vì tình thương nên cộng
đòan vẫn để cho kẻ vi phạm có cơ hội biết ăn năn hối cải để linh hồn được cứu rỗi.
Để cắt nghĩa sự nguy hiểm của gương mù trong cộng đòan, thánh Phaolô dùng
hai hình ảnh men và bột, mà không một người Do-Thái nào xa lạ với hai hình ảnh
này. Mỗi năm để chuẩn bị ăn mừng Lễ Vượt Qua, người Do-Thái thường thu dọn nhà
cửa sạch sẽ, nhất là nhà bếp nơi chứa đựng men và bột. Lý do tại sao phải làm
như thế là vì chỉ cần một chút men cũng đủ làm cho cả khối bột dậy lên; và nếu
khối bột đã dậy lên còn vương vãi trong nhà thì men cũ trong đó vẫn còn.
Cũng vậy về phương diện luân lý, nếu không chịu cắt bỏ hòan tòan với các
thói quen và con người cũ, chúng sẽ dần dần lan ra trong cộng đòan tín hữu và
làm hoen ố đời sống thánh thiện của các tín hữu khác. Ngài so sánh men cũ với
lòng gian tà và độc ác, và bánh không men với lòng tinh tuyền và chân thật. Để
chuẩn bị mừng Lễ Vượt Qua Mới mà Đức Kitô đã chịu hiến tế làm chiên lễ Vượt
Qua, cộng đòan phải rửa sạch lòng gian tà và độc ác; đồng thời phải mặc lấy
lòng tinh tuyền và chân thật.
2/ Phúc Âm: Chúa Giêsu kết án các Kinh-sư
và Biệt-phái.
Thường thường, những người có bệnh hay thân nhân của họ theo Chúa Giêsu
và xin Ngài chữa lành, nhưng biến cố trong Phúc Âm hôm nay có sự khác lạ. Người
bệnh đã có mặt trước khi Chúa đến và được xử dụng như một cái bẫy chờ Chúa
Giêsu rơi vào để kết tội Ngài như Phúc Âm tường thuật: “Một ngày sa-bát khác, Đức
Giê-su cũng vào hội đường và giảng dạy. Ở đó có một người bị khô bại tay phải.
Các Kinh-sư và những người Biệt-phái rình xem Đức Giê-su có chữa người ấy trong
ngày Sabbath không, để tìm được cớ tố cáo Người.”
Nhưng đã quá khinh thường sự khôn ngoan và uy quyền của Chúa Giêsu. Ngài
không những có uy quyền để chữa bệnh mà còn đọc được những tính tóan nhơ bẩn mà
họ đang suy nghĩ. Để dạy họ một bài học, Chúa bảo người bại tay: “Anh trỗi dậy,
ra đứng giữa đây!” Người ấy liền trỗi dậy và đứng đó. Ngài hỏi các Kinh-sư và
Biệt-phái: “Tôi xin hỏi các ông: ngày Sabbath, được phép làm điều lành hay điều
dữ, cứu mạng người hay huỷ diệt?”
Những người muốn truy tố Ngài lú này trở thành những bị cáo. Chắc chắn
tinh thần của ngày Sabbath đòi họ phải làm điều lành, thế mà họ lại tìm cách để
có cớ tố cáo người lương thiện như Chúa. Ngày Sabbath đòi phải quí và bảo vệ mạng
sống mà họ lại kết án việc chữa lành của Chúa. Như tên trộm bị bắt quả tang phạm
tội, Chúa Giêsu đã phơi bày những ý định độc ác của họ trước mặt tòa án, và họ
thinh lặng không dám trả lời.
Chúa có thể chữa lành người khô bại trong nơi kín hay nơi khác, nhưng để
dạy cho tất cả một bài học về việc phải thẳng thắn lọai trừ các gương mù về lối
sống giả hình. Người rảo mắt nhìn họ tất cả, rồi bảo người bại tay: “Anh giơ
tay ra!” Anh ấy làm như vậy và tay anh liền trở lại bình thường. Thánh Luca kết
luận: “Nhưng họ thì giận điên lên, và bàn nhau xem có làm gì được Đức Giêsu
không.” Đã bị lột trần mọi ác ý nham hiểm, thay vì ăn năn trở lại, lại còn kiêu
ngạo điên hơn nữa để có thể giết hại người làm lành.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC
SỐNG:
Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng. Ai trong chúng ta cũng biết câu truyện
mẹ của Thầy Mạnh-Tử phải thay đổi chỗ ở 3 lần cho tới khi tìm được chỗ ở tốt
lành cho con. Ngày nay nhiều người nại lý do nhà cửa, công ăn việc làm, nên
đành chịu ở trong những môi trường với đầy dẫy những gương mù nguy hiểm. Làm
như thế họ đã hy sinh tương lai gia đình mình cho của cải vật chất và chắc chắn
sẽ phải chịu trách nhiệm trước mặt Chúa nếu các phần tử trong gia đình cũng đi
vào đàng tội lỗi với những người chung quanh họ. Các Bài đọc hôm nay, thay vì
chú trọng đến việc thay đổi chỗ ở, chú trọng đến việc sửa chữa và khai trừ những
hành vi xấu, để mọi người được sống trong bầu khí đạo đức hơn.
Linh mục Anthony
Đinh Minh Tiên, OP
07/09/2020 – THỨ HAI TUẦN 23 TN
Lc 6,6-11
LIÊN MINH MA QUỶ
Các kinh sư và những người Pha-ri-sêu rình xem Đức Giê-su có
chữa người ấy trong ngày sa-bát không, để tìm được cớ tố cáo Người. (Lc 6,7)
Suy niệm: Đức Giê-su quá là khổ! Giảng dạy con đường cứu độ,
trừ quỷ, cứu chữa mọi kẻ bệnh hoạn tật nguyền (Mt 4,23), ấy thế mà Ngài vẫn bị
những người thù ghét rình mò “để tìm cớ tố cáo Ngài”. Hai phe nhóm vốn kình địch
nhau là các kinh sư và Pha-ri-sêu đã liên minh với nhau, chỉ vì muốn bới lông
tìm vết, nhân danh lề luật để triệt hạ Chúa Giê-su. Chúa thấu rõ tâm địa ác độc
của “liên minh ma quỷ” này, Ngài đã chất vấn ngược lại họ bằng nguyên tắc “làm
lành lánh dữ” của lương tâm, nền tảng của lề luật: “Ngày sa-bát được phép làm
điều lành hay điều dữ, cứu mạng người hay huỷ diệt?” Sự chai lỳ kiêu căng, vốn
là đặc điểm của ma quỷ, khiến họ thay vì nhận ra chân lý của luật yêu thương, họ
“giận điên lên” và tiếp tục tìm cách thực hiện ác ý của họ.
Mời Bạn: Nhiều người dễ “bán mình” cho những liên minh ma quỷ
thời hiện đại bằng cách “rình mò” để “bới” ra những sai lỗi của người khác mà
bêu riếu trên mạng xã hội. Bạn có vô tình hay hữu ý gia nhập một thứ liên minh
nào đó như vậy không? Bạn hãy nhớ và đáp trả lời chất vấn của Chúa: “Được phép
làm điều lành hay điều dữ? Được phép cứu sống hay giết chết?”
Sống Lời Chúa: Thường xuyên hồi tâm để phân định: Tôi có nỗ lực để
bênh vực cho chân lý và điều thiện hay tôi a dua theo bè nhóm để vùi dập người
vô tội?
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin giúp con biết tránh xa những “liên
minh ma quỷ” chuyên làm hại người bằng những lời lẽ thiếu bác ái. Trái lại, xin
cho chúng con biết liên kết với nhau để nên thánh, phụng sự Chúa và phục vụ tha
nhân.
(5 Phút Lời Chúa)
Suy Niệm : Giơ bàn
tay anh ra
Suy niệm:
Chúng ta không biết
nhiều chi tiết về người đàn ông này.
Ông bao nhiêu tuổi, có
gia đình chưa, sống bằng nghề gì?
Chỉ biết là bàn tay phải
của ông bị teo, không duỗi được (c. 6).
Chắc là nó bị co quắp
vì các cơ không hoạt động bình thường.
Như thế sẽ rất khó chịu
và bất lợi để sinh hoạt hàng ngày.
Hơn nữa đây lại là bàn
tay phải, bàn tay chính để làm việc.
Người đàn ông có bàn
tay thương tật đã đến hội đường vào ngày sabát.
Ông đến để nghe giảng
dạy và cầu nguyện như mọi người.
Có vẻ ông chẳng mong
gì, chẳng xin được Đức Giêsu chữa lành,
dù tiếng tăm của Ngài
lúc đó đã lan rộng nhiều nơi (Lc 5, 15).
Thật bất ngờ khi Ngài
bảo ông: “Hãy trỗi dậy và ra đứng giữa đây.”
Ông chẳng biết chuyện
gì sẽ xảy ra cho mình, nhưng đã vâng lời.
Ông đứng ở ngay giữa
cho mọi người thấy.
Sau đó Ngài bảo ông:
“Hãy duỗi bàn tay của anh ra!” (c. 10).
Một lần nữa ông lại
vâng lời.
Ông làm điều mà có lẽ
từ lâu ông không làm được.
Duỗi bàn tay khô héo,
co quắp này, để có thể cầm cái ly, cái chén.
Ước mơ đơn giản ấy nào
ngờ hôm nay được thực hiện.
Ông đã duỗi bàn tay
theo lời Đức Giêsu, và nó đã trở lại bình thường.
Bàn tay như được sống
lại, được phục hồi, mềm mại, dễ bảo.
Cuộc đời ông từ nay sẽ
tươi hơn, có ích hơn, ít phải nhờ vả hơn.
Đức Giêsu đã làm phép
lạ này không phải vì được yêu cầu,
nhưng như một câu trả
lời cho các kinh sư và những người Pharisêu.
Họ rình xem Ngài có chữa
bệnh trong ngày sabát không, để tố cáo Ngài.
bởi lẽ theo họ, ngày
sabát chỉ được chữa những bệnh nguy tử.
Đức Giêsu đã vạch trần
âm mưu này và công khai tỏ thái độ.
Câu hỏi quen thuộc: có
được phép làm điều này vào ngày sabát không?
được thay bằng câu hỏi
mới: ngày sabát được phép làm điều lành hay dữ;
cứu mạng sống hay hủy
hoại mạng sống? (c. 9).
Phép lạ sau đó của Đức
Giêsu chính là câu trả lời (c. 10).
Nhiều khi không làm một
điều tốt, cũng bằng với việc làm một điều xấu,
Không cứu một người
vào giây phút ấy, cũng bằng gián tiếp giết chết họ.
Đức Giêsu đã không coi
ngày sabát như ngày chỉ biết ngồi khoanh tay,
nhưng như ngày để làm
điều tốt, để cứu sự sống con người.
Dù sao Đức Giêsu đã
không hề đụng đến ông có bàn tay bị tật.
Khó lòng bắt lỗi Ngài
đã vi phạm ngày sabát
Ngài chữa cho ông ấy
chỉ bằng một lời mà thôi.
Các Kitô hữu không còn
phải giữ ngày sabát nữa, nhưng giữ Chúa Nhật.
Đây là ngày để chúng
ta làm điều tốt, để chăm lo cho sự sống.
Chữa cho một bàn tay bị
teo tóp được lành, việc này không nhỏ.
Làm cho một con người
có thể sống bằng đôi tay của mình, là chuyện lớn.
Đức Giêsu đã phải trả
giá cho việc chữa bệnh của mình.
Chúng ta cũng phải trả
giá khi dám bảo vệ một sự sống nhỏ nhoi.
Chỉ mong bàn tay tôi
không co lại, nhưng mở ra cho mọi người.
Cầu nguyện :
Lạy Chúa Giêsu,
ai trong chúng con
cũng thích tự do,
nhưng mặt khác chúng
con thấy mình dễ bị nô lệ.
Có nhiều xiềng xích do
chính chúng con tạo ra.
Xin giúp chúng con được
tự do thực sự :
tự do trước những đòi
hỏi của thân xác,
tự do trước đam mê của
trái tim,
tự do trước những
thành kiến của trí tuệ.
Xin giải phóng chúng
con khỏi cái tôi ích kỷ,
để dễ nhận ra những
đòi hỏi tế nhị của Chúa,
để nhạy cảm trước nhu
cầu bé nhỏ của anh em.
Lạy Chúa Giêsu,
xin cho chúng con được
tự do như Chúa.
Chúa tự do trước những
ràng buộc hẹp hòi,
khi Chúa đồng bàn với
người tội lỗi
và chữa bệnh ngày
Sabát.
Chúa tự do trước những
thế lực đang ngăm đe,
khi Chúa không ngần ngại
nói sự thật.
Chúa tự do trước khổ
đau, nhục nhã và cái chết,
vì Chúa yêu mến Cha và
nhân loại đến cùng.
Xin cho chúng con đôi
cánh của tình yêu hiến dâng,
để chúng con được tự
do bay cao.
(Lm. Ant. Nguyễn Cao
Siêu SJ.)
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
7 THÁNG CHÍN
Liên Kết Với Cây
Nho
Dưới tác động của Chúa
Thánh Thần, mối kết hiệp thiêng liêng giữa cành và cây phải được củng cố. Bản
thân người được kêu gọi và Chúa Kitô phải hiệp nhất ngày càng thâm sâu hơn. Và
điều này nhất thiết có nghĩa rằng đương sự phải có kỷ luật sống và biết hy sinh
– cách riêng phải biết học hỏi và cầu nguyện. Chính sự hy sinh sẽ giải phóng
trái tim chúng ta, nhờ đó chúng ta có thể nhiệt thành bám chặt vào Lời Chúa.
Chính sự hy sinh sẽ thúc đẩy chúng ta quên mình để phục vụ anh chị em mình. Như
thánh Gioan viết: “Cành nào sinh hoa trái, thì sẽ được cắt tỉa để sinh nhiều
hoa trái hơn”. (Ga 15,2). Vì vậy, bạn đừng nghi ngờ tình yêu Thiên Chúa khi phải
đối diện với những thử thách hay khổ đau – bởi vì Chúa “cắt tỉa” những ai Người
yêu mến để người ấy sinh hoa trái dồi dào hơn.
Để nên một với Đức
Kitô, chúng ta phải đón nhận trọn vẹn Lời của Người. Lời này được chuyển đạt
cho chúng ta qua Thánh Kinh và qua truyền thống Giáo Hội. Giáo Hội gìn giữ và
giới thiệu Lời Chúa trong tất cả vẻ tinh ròng, nhất quán và trong tất cả sức mạnh
của Lời đó. Nhờ hoạt động của Chúa Thánh Thần và nhờ đoàn sủng của quyền giáo
huấn, Giáo Hội có thể chuyển trao Tin Mừng cho mọi thế hệ. Thật vậy, một thái độ
vâng phục trong tình yêu đối với quyền giáo huấn đích thực của Giáo Hội sẽ đảm
bảo cho chúng ta nắm bắt được Lời của Thiên Chúa. Bởi nếu không bám vào Lời
Chúa, chúng ta sẽ không thể kết hiệp với Đức Kitô – sự kết hiệp đem lại cho ta
sự sống. Trung thành với quyền giáo huấn của Giáo Hội, đó là một điều kiện tất
yếu để có thể nhận hiểu đúng các “dấu chỉ của thời đại”. Nhờ đó chúng ta được ở
trong mối liên kết với Cây Nho trao ban nguồn sống.
– suy tư 366 ngày của
Đức Gioan Phaolô II –
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations
by Pope John Paul II
Lời Chúa Trong Gia Đình
NGÀY 07/9
1Cr 5, 1-8; Lc 6,
6-11.
LỜI SUY NIỆM: Đức Giêsu nói
với họ: “Tôi xin hỏi các ông: ngày Sabát, được phép làm điều lành hay điều dữ,
cứu mạng người hay hủy diệt?”
Lời Chúa Giêsu trong Tin Mừng hôm nay: “Ngày Sabát cứu mạng người hay là hủy diệt.”
Chúa muốn đánh thức tâm trí của những người Pharisêu trong Hội đường đang rình
xem Chúa có chữa cho người bị bại tay trong ngày Sabát, nhưng đồng thời Chúa
cũng đang đặt lại vấn đề này với mỗi người trong chúng ta ngày hôm nay; để
chúng ta phải có thái độ và cách sống “Ngày của Chúa” hôm nay.
Lạy Chúa Giêsu. Xin
cho chúng con luôn biết tận dụng mọi thời gian, mọi hoàn cảnh và mọi nơi chốn để
thực thi đức bác ái; vì sự kính mến Chúa và yêu người.
Mạnh Phương
07 Tháng Chín
Ðâu Là Hạnh Phúc Ðích Thực
Seiji Katagire, một
phi công Nhật Bản, đang trên cần lái của chiếc phản lực cơ DC 8 của hãng hàng
không dân sự với 174 hành khách trên tàu. Ðang lúc anh chuẩn bị đáp xuống phi
trường Ðông Kinh, thì anh bỗng nghe được những âm thanh khủng khiếp báo hiệu một
sự chết chóc rùng rợn. Do phản ứng tự nhiên, anh đã kéo giật cần lái, khiến cho
chiếc máy bay đâm nhào xuống đất gây tử thương cho 24 hành khách và hàng trăm
người bị thương.
Khi cuộc điều tra về
tai nạn kết thúc thì anh được gửi ngay đến bệnh viện tâm thần. Các bác sĩ về
khoa thần kinh học cho rằng những tiếng kêu gào khủng khiếp mà viên phi công đã
nghe được, xuất hiện ngay trong cơn ác mộng giữa lúc tỉnh táo của anh và đó
chính là nguyên nhân gây ra tai nạn… Theo các bác sĩ tâm thần, ác mộng xảy ra
trong tình trạng nửa tỉnh nửa mơ là dấu hiệu báo trước một cơn khủng hoảng tinh
thần.
Theo những con số
chính xác được tiết lộ từ các bệnh viện thần kinh tại Nhật Bản, thì con số người
mắc bệnh mất trí và thác loạn thần kinh đã gia tăng theo tỷ lệ thuận với sự
phát triển khoa học kỹ thuật và kinh tế tại quốc gia này… Người Nhật Bản nổi tiếng
là người cần cù siêng năng nhất thế giới. Từ em bé mới tập tễnh cắp sách đến
trường với một vị bộ trưởng trong chính phủ, tất cả mọi người đều lấy sự bon
chen và lấy sự phấn đấu làm phương châm của cuộc sống… Sự cố gắng đó vừa đưa nước
Nhật đến chỗ phồn thịnh cũng vừa xô đẩy người dân đến tình trạng căng thẳng
không ngừng. Một chút lơ đễnh có thể đưa đến thất bại, một chút sơ sót có thể
đưa đến chỗ mất công ăn việc làm… Tự ái cá nhân và tự ái dân tộc khiến người Nhật
không chịu đựng được sự thất bại. Một lần thi trượt có thể xô ngã không biết
bao nhiêu học sinh Nhật đến chỗ tự vận.
Nhật Bản là quốc
gia được coi là mạnh nhất Á Châu và là nước một trong những kỹ thuật cao nhất
thế giới. Nhưng chúng ta hãy tự hỏi: liệu sự giàu có phồn thịnh đó có đem lại
cho con người hạnh phúc hay không?
Hạnh phúc là một cái
gì vô cùng tương đối… Nhà giàu đứt tay bằng ăn mày đổ ruột.
Chúng ta hãy thử so
sánh niềm vui của các trẻ em thuộc hai xã hội khác nhau. Trong một gia đình mà
cơm trắng được coi như một thứ xa xỉ phẩm, thì chắc chắn một ổ bánh mì tây sẽ tạo
cho các em bé trong gia đình nghèo một niềm vui gấp nghìn lần niềm vui của những
em bé suốt đời sống trên nhung lụa và ăn toàn cao lương mỹ vị.
Một chiếc áo mới mỗi
năm chỉ được mặc một lần của em bé nhà nghèo có lẽ sẽ làm cho em bé đó vui hơn
tất cả những em bé suốt đời chỉ biết có lụa là gấm vóc.
Của cải vật chất là một
điều kiện cần thiết để cho con người được sống xứng với phẩm giá con người. Những
phương tiện kỹ thuật giúp con người phát triển nhiều hơn trong nhân cách. Sự
sung túc về vật chất phải đem lại sự phát triển nhân bản và tinh thần. Có hiều
hơn để nên người nhiều hơn: đó là khẩu hiệu người ta thường đề ra để kêu gọi
giúp đỡ các nước kém mở mang… Tuy nhiên, tự nó, của cải vật chất, sự giàu có,
những phương tiện văn minh tiến bộ không phải là cùng đích của con người.
Người Kitô luôn thức tỉnh
để đánh giá đúng những phương tiện vật chất họ đang sử dụng hay đang tìm cách để
đắc thủ. Sự chạy đua với những phương tiện vật chất không nên làm họ mờ mắt,
bán đứng lương tâm của mình.
Hạnh phúc duy nhất và
đích thực trong cuộc sống của người Kitô phải là chính Chúa. Có được hạnh phúc
đó trong tâm hồn, chúng ta sẽ đánh giá đúng mức của cải vật chất và đồng thời sẽ
tìm được hạnh phúc ngay trong những điều kiện thiếu thốn nhất của cuộc sống.
(Lẽ Sống)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét