18/09/2020
Thứ Sáu tuần 24
thường niên
BÀI ĐỌC I: 1 Cr 15,
12-20
“Nếu Đức Kitô đã không sống lại,
thì đức tin của anh em cũng vô giá trị”.
Trích thư thứ nhất
của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.
Anh em thân mến, nếu
chúng tôi rao giảng rằng Đức Kitô đã từ cõi chết sống lại, làm sao trong anh em
lại có người dám nói: không có vấn đề kẻ chết sống lại? Nếu kẻ chết không sống
lại, thì Đức Kitô cũng đã không sống lại. Mà nếu Đức Kitô đã không sống lại,
thì lời giảng của chúng tôi sẽ nên trống rỗng, và Đức Tin của anh em cũng ra trống
rỗng. Vì chưng nếu kẻ chết không sống lại, thì chúng tôi bị coi là những chứng
nhân giả dối về Thiên Chúa, vì lẽ chúng tôi đã làm chứng nghịch với Thiên Chúa
rằng: Chúa đã phục sinh Đức Kitô, khi mà Chúa đã không làm cho Người sống lại.
Bởi chưng nếu những kẻ chết không sống lại, thì Đức Kitô cũng đã không sống lại.
Và nếu Đức Kitô đã không sống lại, thì đức tin của anh em cũng vô giá trị, vì
anh em vẫn còn ở trong tội lỗi. Vậy ngay cả những người đã an giấc trong Đức
Kitô cũng hư vong. Nếu chúng ta chỉ hy vọng vào Đức Kitô trong đời sống hiện tại
mà thôi, thì chúng ta là những người đáng thương hại nhất.
Nhưng kỳ thực Đức Kitô
đã sống lại, Người là đầu mùa những người đã an giấc ngàn thu. Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 16, 1. 6-7.
8b và 15
Đáp: Lạy Chúa, khi
thức giấc, con no thoả nhìn chân dung Chúa (c. 15b).
Xướng:
1) Lạy Chúa, xin nghe
điều chính nghĩa của con, xin để ý đến lời con kêu cứu, lắng tai nghe tiếng con
thốt ra từ cặp môi chân thành! – Đáp.
2) Con kêu van Ngài, bởi
Ngài nhậm lời con, lạy Chúa, xin ghé tai về bên con, xin nghe rõ tiếng con. Xin
tỏ ra đức từ bi lạ lùng của Chúa, là Đấng giải thoát khỏi bọn đối phương, những
ai tìm nương tựa tay hữu của Ngài. – Đáp.
3) Xin che chở con
trong bóng cánh tay Ngài. Phần con, nhờ công chính, sẽ được thấy thiên nhan,
khi thức giấc, con no thoả nhìn chân dung Chúa. – Đáp.
ALLELUIA: Tv 118, 36a
và 29b
Alleluia, alleluia!
– Lạy Chúa, xin nghiêng lòng con theo lời Chúa răn bảo, và xin rộng tay ban luật
pháp của Chúa cho con. – Alleluia.
PHÚC ÂM: Lc 8, 1-3
“Có mấy phụ nữ đi với Người và
họ đã lấy của cải mình mà giúp Người”.
Tin Mừng Chúa Giêsu
Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, Chúa rảo qua
các thành thị và xóm làng, giảng dạy và loan báo Tin Mừng nước Thiên Chúa. Có
nhóm Mười Hai cùng đi với Người, cũng có cả mấy người phụ nữ đã được chữa khỏi
tà thần và bệnh tật: là bà Maria cũng gọi là Mađalêna, người đã được trừ khỏi bảy
quỷ ám, bà Gioanna vợ của Chusa, viên quản lý của Hêrôđê, bà Susanna và nhiều
bà khác; những bà này đã lấy của cải mình mà giúp Người. Đó là lời Chúa.
SUY NIỆM : Sự Bình Ðẳng
Của Phụ Nữ
Vào thế kỷ 14, người
ta vẫn còn xem người phụ nữ như một thứ nguy hiểm, một cám dỗ triền miên, một tạo
vật thấp hèn, hay cùng lắm chỉ là phương tiện để bảo tồn nòi giống. Một quan niệm
và đối xử như thế với phụ nữ vẫn còn rơi rớt trong thời đại chúng ta: trong biết
bao xã hội, người phụ nữ vẫn còn bị đối xử như chưa bình đẳng với nam giới. Thời
Chúa Giêsu, dĩ nhiên cách đối xử với nữ giới còn tệ hơn. Chúa Giêsu quả thực đã
làm một cuộc cách mạng khi đảo lộn quan niệm về nữ giới nơi những người đồng thời
với Ngài.
Tin Mừng hôm nay cho
chúng ta thấy cách đối xử của Chúa đối với nữ giới. Những người phụ nữ mà thánh
Luca nhắc đến có người đã từng bị quỉ ám, bởi vì họ là đối tượng của những sức
mạnh huyền bí gây xáo trộn trong cuộc sống và chức năng của họ: không những họ
phải mang nặng đẻ đau mà còn bị nguyền rủa khi son sẻ. Mối quan tâm của Chúa
Giêsu đối với nữ giới, nhất là việc Ngài chữa lành cho họ, là dấu chỉ cho thấy
họ đã được tự do, không những được giải phóng khỏi sức mạnh tăm tối, mà còn trở
nên bình đẳng trước mặt mọi người.
Ðể nói sự bình đẳng ấy,
Chúa Giêsu cho các phụ nữ được tham gia vào sinh hoạt của Nhóm Mười Hai. Sự hiện
diện và phục vụ của họ bên cạnh Chúa Giêsu và Nhóm Mười Hai chứng tỏ rằng trong
Giáo Hội của Ngài không hề có sự phân biệt phụ nữ. Sự kiện những phụ nữ đi theo
Chúa Giêsu ngay từ lúc Ngài bắt đầu sứ vụ công khai chứng tỏ rằng họ là những
người đồng hàng với các Tông Ðồ trong việc loan báo Tin Mừng của Ngài. Có sứ mệnh
và trách nhiệm loan báo sứ điệp Tin Mừng, đây là thể hiện cao độ nhất của sự
bình đẳng của nữ giới.
Chúa Giêsu đã đến để
giải phóng con người khỏi ách nô lệ tội lỗi. Ngài tái lập con người trong tước
phẩm cao trọng của con cái Chúa. Chính tước phẩm ấy là nền tảng sự bình đẳng của
con người: nam nữ, già trẻ, giàu nghèo, tất cả đều có một phẩm giá cao trọng
như nhau. Thánh Phaolô đã diễn tả chân lý ấy trong thư Galata: "Không còn
Do thái hay Hy lạp, không còn nô lệ hay tự do, không còn nam hay nữ, bởi vì tất
cả là một trong Chúa Giêsu Kitô".
Chúa Giêsu đã khẳng định
sự bình đẳng của nữ giới không bằng tuyên bố suông, Ngài đã chứng minh điều đó
khi để cho các phụ nữ gia nhập vào nhóm mười hai Tông đồ của Ngài. Sự bình đẳng,
hay đúng hơn, phẩm giá của con người được thể hiện trước tiên qua hành vi phục
vụ: càng phục vụ, con người càng chứng tỏ phẩm giá cao trọng của mình. Thật ra,
đây cũng chính là nghịch lý chạy xuyên suốt Tin Mừng: càng đi tìm bản thân, con
người càng đánh mất bản thân; trái lại, càng quên mình phục vụ, con người càng
tìm lại bản thân và chứng tỏ phẩm giá cao trọng của mình.
Xin Chúa ban đức tin để
chúng ta luôn biết tôn trọng phẩm giá nơi mỗi người, nhất là biết cố gắng thể
hiện phẩm giá của mình bằng cuộc sống quảng đại phục vụ và yêu thương.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày
Một Tin Vui’)
Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Sáu Tuần 24 TN2, Năm Chẵn
Bài đọc: I
Cor 15:12-20; Lk 8:1-3.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ:
Làm việc cho một mục đích
Tất cả các hành động
có suy nghĩ của con người đều được làm cho một mục đích, ví dụ: học sinh đến trường
để trau dồi kiến thức và để chuẩn bị kiếm việc làm mai sau. Tòan bộ cuộc sống của
con người cũng thế, họ sống và hành động cho một mục đích. Đối với các tín hữu,
mục đích của cuộc đời chính là sự sống lại đời sau. Thánh Phaolô nhấn mạnh mục
đích này trong Bài đọc I. Nhóm Mười Hai và một số phụ nữ đi theo Chúa để giúp
phần vào việc rao giảng Tin Mừng: nhóm Mười Hai trực tiếp rao giảng trong khi
nhóm phụ nữ dùng của cải để giúp đỡ Chúa Giêsu và các môn đệ.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Niềm tin Phục Sinh
Có những người không
tin chuyện kẻ chết sống lại trong cộng đòan tín hữu Côrintô. Thánh Phaolô nhắc
nhở những người này trọng tâm của Tin Mừng mà ngài rao giảng là sự sống lại. Nếu
Chúa Kitô không sống lại thì kẻ chết cũng không sống lại; và nếu kẻ chết không
sống lại thì sẽ chẳng có cuộc sống đời sau. Nếu không có cuộc sống đời sau thì
các tín hữu cần gì phải tin vào Thiên Chúa và giữ vác lời dạy dỗ của Ngài. Họ cứ
việc sống như những Dân Ngọai: ăn uống thả cửa và hưởng thụ tối đa những gì thế
gian dâng tặng.
Nhưng Chúa Kitô thực
đã Phục Sinh. Thánh Phaolô tuy không được chứng kiến tận mắt “ngôi mộ trống,”
hay những lần Chúa hiện ra với Nhóm Mười Một sau khi Ngài sống lại; nhưng Ngài
đã thấy tận mắt Chúa Kitô Phục Sinh khi ngã ngựa trên đường đi Damascus, đã
nghe lời cảnh giác “khốn cho ngươi nếu cứ đưa chân đạp mũi nhọn,” và sứ vụ được
chính Chúa trao ban làm Tông Đồ Dân Ngọai. Chính biến cố này đã làm thay đổi cả
cuộc đời của ngài và là lý do tại sao ngài hăng say hy sinh tất cả cho việc rao
giảng Tin Mừng.
Nếu Chúa Kitô không sống
lại, thì đức tin của Phaolô và các tín hữu không có nền tảng và phải chịu nhiều
hâu quả quan trọng. Hậu quả đầu tiên là con người vẫn còn sống trong tội lỗi của
mình: Chúa chết là chết cho tội lỗi con người; nếu Chúa không sống lại thì sự
chết vẫn còn thống trị con người. Hậu quả thứ hai là hy vọng của con người vào
cuộc sống mai sau là hy vọng hão huyền và không có nền tảng. Hậu quả thứ ba là
các tín hữu sẽ là những người dại dột so với Dân Ngọai; tại sao lại phải hy
sinh giữ luật Chúa mà không tận hưởng tất cả những thú vui của thế gian dâng tặng
nếu chỉ có cuộc sống đời này và chết là hết?
Nhưng không phải thế!
Đức Ki-tô đã trỗi dậy từ cõi chết, Ngài mở đường cho những ai đã an giấc ngàn
thu.
2/ Phúc Âm: Loan báo Tin Mừng là bổn phận của nhiều người.
Chúa Giêsu rảo qua các
thành phố, làng mạc, rao giảng và loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa. Ngài không
đơn thân rao giảng, nhưng có hai nhóm cùng đi rao giảng với Ngài.
* Nhóm Mười Hai: là những
người môn đệ thân tín và nòng cốt cho sứ vụ rao giảng. Các ông đi theo Chúa để
học hỏi, để được Chúa huấn luyện, và để được Chúa sai đi. Các ông cũng sẽ tiếp
tục làm những gì Chúa đang làm: chọn các môn đệ để dạy dỗ, để huấn luyện, và để
sai đi.
* Nhóm phụ nữ đã được Người
trừ quỷ và chữa bệnh: Đó là (1) Bà Maria gọi là Maria Magđala, người đã được giải
thoát khỏi bảy quỷ, (2) bà Gioanna, vợ ông Khuda quản lý của vua Hêrôđê, (3) bà
Susanna và nhiều bà khác nữa. Chúa Giêsu và Nhóm Mười Hai có khả năng để vừa
rao giảng Tin Mừng vừa làm lụng nuôi thân; nhưng nếu làm như thế, họ sẽ còn rất
ít thời giờ cho việc rao giảng. Hơn nữa, Chúa Giêsu muốn cho mọi người đều góp
phần trong việc rao giảng Tin Mừng.
Mỗi người đóng góp vào
việc rao giảng Tin Mừng tùy theo khả năng của mình: Có người tận hiến cả cuộc đời
để học hỏi và rao giảng Tin Mừng như nhóm Mười Hai. Có người tuy sống trong ơn
gọi gia đình, nhưng vẫn có thể đóng góp vào việc rao giảng bằng cách giúp đỡ những
người rao giảng về phương diện vật chất như nhóm phụ nữ đi theo Chúa hôm nay. Họ
muốn Chúa Giêsu và các Tông Đồ có sức khỏe và thời gian để rao giảng Tin Mừng.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC
SỐNG:
– Trọng tâm của Tin Mừng
và mục đích của cuộc đời là sự sống đời sau. Nếu Chúa Kitô đã chết và đã sống lại
thì con người hy vọng sẽ cùng được sống lại để chung hưởng hạnh phúc với với
Ngài. Mục đích này phải là lý do của mọi hành động của con người.
– Mỗi người đều có bổn
phận đóng góp cho việc truyền giảng Tin Mừng theo khả năng Chúa ban cho. Trong
thực tế, nhiều bác sĩ, nha sĩ, dược sĩ đã chân thành giúp đỡ các linh mục, tu
sĩ nam nữ vì họ muốn các ngài có sứ khỏe để làm việc cho Chúa. Nhiều nhà chuyên
môn đã giúp các cha và các giáo xứ tài năng và thời giờ trong việc điều hành
giáo xứ. Sau cùng, có rất nhiều các phụ nữ đã góp công của trong việc dọn dẹp,
nấu ăn, và cung cấp những phương tiệc cần thiết cho những người rao giảng. Họ
cũng là những người cung cấp cho Giáo Hội những nhà rao giảng qua việc sinh và
nuôi dưỡng con cái. Tất cả đều mong cho Tin Mừng ngày càng lan rộng; và nếu họ
đã đón tiếp những người rao giảng, họ hy vọng cũng sẽ được chung phần với phần
thưởng Chúa ban cho những người rao giảng Tin Mừng cả đời này và đời sau như
Chúa đã hứa.
Linh mục Anthony
Đinh Minh Tiên, OP
18/09/2020 – THỨ SÁU TUẦN 25 TN
Lc 8,1-3
NHỮNG NGƯỜI “NỮ TÔNG ĐỒ”
“Cùng đi với Chúa Giê-su, có Nhóm 12, và mấy người phụ nữ…
Các bà này đã lấy của cải mình mà giúp đỡ các môn đệ.” (Lc 8,1-3)
Suy niệm: Mặc dù các Phúc Âm kể lại rất ít về hoạt động của đội
ngũ “nữ tông đồ” này, nhưng vai trò của họ trong công cuộc truyền giáo của Đức
Ki-tô chắc chắn không phải là nhỏ. Công tác hậu cần lo đời sống có vẻ tỉ mẩn vụn
vặt và âm thầm đấy, nhưng nếu không có họ, chắc gì những người làm việc tông đồ
trực tiếp có thể hoàn thành được sứ mạng? Chúa đã chẳng nói rằng: “Ai cho một
trong những kẻ bé nhỏ này uống, dù chỉ một chén nước lã thôi, vì kẻ ấy là môn đệ
Thầy… thì người ấy sẽ không mất phần thưởng đâu” (Mt 10,41.42) đó sao? Và Ngài
đánh giá cao những hoạt động của nhóm “nữ tông đồ” này; bằng chứng là trong đoạn
Tin Mừng đầy “tế nhị” của thánh Lu-ca đây, họ được nêu danh tính trong một danh
sách ngang hàng với các tông đồ chính hiệu.
Mời Bạn: nhìn lại sinh hoạt gia đình bạn để nhận ra sự hiện
diện của người thân của bạn cũng như những đóng góp của họ trong gia đình bạn
thật cần thiết và đáng trân trọng biết bao. Trong gia đình bạn, có sự chia sẻ
trách nhiệm với nhau qua việc phân công mỗi người mỗi việc không?
Sống Lời Chúa: Luôn sẵn sàng làm những việc phục vụ người thân
trong gia đình mình trước khi nghĩ đến nhu cầu của riêng mình.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, trên bước đường truyền giáo, Chúa
cũng cần đến những sự giúp đỡ thiết thực của những người phụ nữ. Xin cho con biết
đón nhận sự phục vụ của người thân với cả tấm lòng biết ơn, yêu mến và sẵn sàng
chia sẻ với họ bằng cách chính con cũng hiến thân phục vụ họ hết lòng.
(5 Phút Lời Chúa)
SUY NIỆM : Mấy người
phụ nữ cùng đi
Suy niệm:
Nhóm Mười hai cùng đi
với Thầy Giêsu qua các thành phố, làng mạc,
để rao giảng và loan
báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa (c. 1).
Chuyện các môn đệ nam
giới đi theo Thầy
là chuyện bình thường
trong xã hội Do Thái.
Chuyện lạ ở đây là
chuyện cùng đi với Thầy còn có các phụ nữ.
Các bà đi theo Thầy,
rong ruổi trên những nẻo đường của vùng Galilê.
Họ như thuộc cùng một
nhóm với các môn đệ.
Vào thời Đức Giêsu,
chuyện phụ nữ đi chung như thế quả là gây sốc.
Nếu một phụ nữ cứ tiếp
xúc với nam giới ở ngoài họ hàng,
thì bản thân chị ấy và
gia đình sẽ phải mang tiếng xấu.
Vả lại chẳng ông chồng
nào chịu để cho vợ mình làm như vậy.
Những phụ nữ đã đi
theo Thầy Giêsu từ Galilê.
Câu này nói lên căn cước
của nhóm phụ nữ.
Họ đã theo Thầy đến chỗ
Thầy chịu đóng đinh (Lc 23, 49).
Họ đã theo Thầy đến chỗ
Thầy được mai táng (Lc 23, 55).
Họ là những người đầu
tiên ra thăm mộ vào sáng sớm (Lc 24, 1-3).
Theo Tin Mừng Mátthêu
(28, 9-10), Máccô (16, 9) và Gioan (Ga 20, 18),
chính họ là những người
đầu tiên được thấy Đấng phục sinh
Hai môn đệ Emmau tuy
không tin lời chứng của các phụ nữ về Phục sinh,
nhưng hai ông đã gọi họ
là những phụ nữ trong nhóm chúng tôi (Lc 24, 22).
Những phụ nữ này còn
có mặt cùng với nhóm Mười Hai,
để cầu nguyện chung,
sau khi Thầy Giêsu được cất về trời (Cv 1, 13-14).
Như thế nhóm phụ nữ
này đã kiên trì và can đảm đi theo Thầy Giêsu,
từ Galilê đến Núi Sọ,
và từ Núi Sọ đến cộng đoàn Giáo Hội sơ khai.
Một cách nào đó, họ xứng
đáng được gọi là người môn đệ.
Đức Giêsu đã không chỉ
thu hút được các môn đệ nam theo Ngài.
Qua việc trừ quỷ và chữa
bệnh, Ngài đã làm cho nhiều cuộc đời tươi trở lại.
Một nhóm phụ nữ khi được
chữa lành, đã muốn tỏ lòng biết ơn,
trong đó có bà
Gioanna, là người đã lập gia đình, giàu có và quyền quý.
Họ quyết định đi theo
Đức Giêsu và các môn đệ như những trợ tá.
Họ dùng của cải mình
có để phục vụ các ngài (c. 3).
Không nên coi việc phục
vụ của nhóm phụ nữ là thấp kém,
vì các môn đệ cũng được
mời gọi làm người phục vụ anh em (Mc 10, 43).
Và chính Thầy Giêsu
cũng đã sống như một người phục vụ (Lc 22, 27).
Không thấy nói đến việc
các phụ nữ này được Thầy Giêsu sai đi rao giảng.
Có lẽ vì vào thời đó ở
nước Do Thái, người ta còn coi thường phụ nữ,
và không coi các phụ nữ
như những chứng nhân đáng tin.
Khi nhìn Nhóm Thầy
Giêsu cách đây hai mươi thế kỷ,
chúng ta thấy Thầy đã
táo bạo, dám đi ngược với nền văn hóa thời đó.
Ngài mở rộng thế giới
của phụ nữ, vốn chỉ giới hạn trong gia đình.
Phụ nữ hôm nay được mời
gọi tham gia vào những công việc chung.
Chúng ta cần thấy sự
hiện diện tích cực của các phụ nữ lo việc bác ái,
dạy giáo lý, làm việc
cho giáo xứ, hay ở trong các tổ chức của giáo phận.
Làm sao có được nhiều
phụ nữ thánh thiện và năng động như Mẹ Têrêsa?
Cầu nguyện:
Giữa một thế giới
đề cao quyền lực và lợi
nhuận,
xin dạy con biết phục
vụ âm thầm.
Giữa một thế giới say
mê thống trị và chiếm đoạt,
xin dạy con biết yêu
thương tự hiến.
Giữa một thế giới đầy
phe phái chia rẽ,
xin dạy con biết cộng
tác và đồng trách nhiệm.
Giữa một thế giới đầy
hàng rào kỳ thị,
xin dạy con biết coi mọi
người như anh em.
Lạy Chúa Ba Ngôi,
Ngài là mẫu mực của
tình yêu tinh ròng,
xin cho các kitô hữu
chúng con
trở thành tình yêu
cho trái tim khô cằn của
thế giới.
Xin dạy chúng con biết
yêu như Ngài,
biết sống nhờ và sống
cho tha nhân,
biết quảng đại cho đi
và khiêm nhường nhận
lãnh.
Lạy Ba Ngôi chí thánh,
xin cho chúng con tin
vào sự hiện diện của Chúa
ở sâu thẳm lòng chúng
con,
và trong lòng từng con
người bé nhỏ.
Lm. Antôn Nguyễn Cao
Siêu, S.J.
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
18 THÁNG CHÍN
Niềm Hy Vọng Vinh
Quang
Trong sứ vụ cứu rỗi phổ
quát của mình, Hội Thánh không ngừng được Thánh Thần của Chúa Phục Sinh thúc đẩy.
Hội Thánh thiết tha mong muốn đưa dẫn mọi người đến niềm hạnh phúc trên trời –
hạnh phúc mà các thánh đang vui hưởng. Trong thành đô trên trời ấy, các thánh
thi hành phần vụ của mình là cầu bầu cho Hội Thánh lữ hành dưới đất. Về phần
mình, Hội Thánh hướng nhìn với đôi mắt đức tin về Giêrusalem trên trời và tìm
thấy nơi đó ánh sáng và hy vọng mà Hội Thánh cần trong hành trình tiến tới và
chia sẻ con đường cứu rỗi và nên thánh với thế giới này.
Bởi đó, Hội Thánh giữa
lòng thế giới dẫn dắt nhân loại tiến tới đền thờ vĩnh cửu trong Thành Thánh
muôn đời, như ta đọc thấy trong Sách Khải Huyền của Thánh Gioan. “Tôi không thấy
đền thờ nào trong thành, vì đền thờ của thành chính là Đức Chúa toàn năng và là
Con Chiên” (Kh 21,22).
Thành Giêrusalem thiên
quốc – khác với Hội Thánh dưới thế này – hoàn toàn tinh tuyền và thánh thiện.
Thành ấy được thánh hiến hoàn toàn cho Thiên Chúa. Trong Thành đó không có một
chút gì phàm tục cần phải tách ra khỏi những sự thánh thiêng của Thiên Chúa.
Trong Thành đó không có đền thờ, bởi vì không cần phải có một hình thức hiện diện
trung gian. Không, mọi sự trên trời đều biểu hiện vẻ rạng ngời của Thiên Chúa
Ba Ngôi. Nói cách khác, Thiên Chúa hiện diện một cách vĩnh hằng trong đền thờ
là trong chính mọi sự mọi người trên thiên quốc.
Thiên Chúa cũng thực sự
hiện diện nơi Hội Thánh dưới đất này. Nhưng Ngài hiện diện một cách giấu ẩn
trong đức tin kiên định và đức cậy dạt dào của dân Thiên Chúa. Và vì thế, chúng
ta không nhìn thấy vinh quang của Đức Kitô rõ ràng như Hội Thánh trên trời,
nhưng chúng ta khắc khoải chờ mong cuộc quang lâm của Đức Kitô và sự sống lại của
những người đã chết. Bấy giờ, Hội Thánh sẽ hoàn toàn hiệp nhất trên trời với Đức
Kitô.
Ôi tuyệt diệu! Đấy sẽ
là Hội Thánh trong vinh quang sung mãn của mình. Đấy sẽ là Hội Thánh như Thánh
Gioan đã thị kiến trong Sách Khải Huyền.
– suy tư 366 ngày của
Đức Gioan Phaolô II –
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations
by Pope John Paul II
Lời Chúa Trong Gia Đình
NGÀY 18/9
1Cr 15, 12-20; Lc
8, 1-3.
LỜI SUY NIỆM: “Sau đó, Đức
Giêsu rảo qua các thành phố, làng mạc rao giảng và loan báo Tin Mừng Nước Thiên
Chúa. Cùng đi với Người có Nhóm Mười Hai và mấy người phụ nữ được Người trừ quỷ
và chữa bệnh.”
Chúa Giêsu không còn rao giảng trong các hội đường nữa, Người cùng các môn đệ
trong đó đủ mọi thành phần: có Nhóm Mười Hai và những người phụ nữ cùng theo
Người, đi loan báo Tin Mừng Nước Trời. Hình ảnh này đưa chúng ta liên tưởng đến
những cộng đoàn tu sĩ nam nữ tại Việt Nam. Họ là những người chưa từng biết
nhau, hiểu nhau, họ là những người đến từ Bắc, Trung, Nam, ở miền cao, miền
sâu; đồng bằng và hải đảo; trong đó có đủ lứa tuổi và đủ mọi trình độ khác
nhau, sở thích và năng khiểu khác nhau. Nhưng rồi họ cùng phải sống chung một
nhà và làm chung một công việc: Tu thân và truyền giáo.
Lạy Chúa Giêsu. Xin
cho mọi tín hữu luôn biết quan tâm đến các cộng đoàn tu sĩ nam nữ để cầu xin
cho tất cả được nhiều ơn thánh, vâng phục và khôn ngoan trong yêu thương để phục
vụ Giáo Hội và xã hội.
Mạnh Phương
18 Tháng Chín
Những Giọt Nước Mắt Của Sám Hối
Người Hồi Giáo thường
nói đến ý nghĩa và giá trị của lòng sám hối qua câu chuyện tưởng tượng như sau:
Một hôm Allah, Ðấng
Khôn Ngoan, truyền cho một sứ thần xuống trần gian để tìm cho được điều tốt đẹp
nhất và mang về Thiên quốc.
Vị sứ thần đáp ngay
xuống một trận chiến nơi máu của những vị anh hùng đang chảy lai láng. Vị sứ thần
thu nhặt một ít máu và mang về trình cho Ðấng Allah. Nhưng Ðấng Allah xem ra
không hài lòng mấy. Ngài nói: “Máu đổ ra cho tổ quốc và tôn giáo là một điều
quý giá, nhưng vẫn chưa phải là điều tốt đẹp nhất dưới trần gian”.
Vị sứ thần đành phải
giáng trần một lần nữa. Lần này, ngài gặp ngay một đám tang của một người giàu
có, nhưng rất quảng đại. Vô số người nghèo đi đằng sau quan tài, vừa đi vừa
khóc lóc, vừa xông hương để biểu lộ lòng biết ơn của họ đối với vị ân nhân. Vị
sứ thần bèn thu nhặt hương thơm ngào ngạt và mang về trời. Lần này, Ðấng Allah
mỉm cười đón lấy mùi thơm ngào ngạt. Nhưng xem ra Ngài vẫn chưa hài lòng. Ngài
nói: “Dĩ nhiên, lòng biết ơn là một trong những điều tốt đẹp và hiếm có dưới trần
gian. Nhưng ta nghĩ rằng còn có một cái gì khác tốt đẹp hơn”.
Lại một lần nữa, vị
sứ thần đành phải vâng lệnh Allah để trở lại trần gian. Phải mất một thời gian
lâu, sau khi đã đi rảo khắp bốn phương, vị sứ thần mới tìm được điều mong mỏi.
Một buổi chiều nọ, ngồi nghỉ mệt bên vệ đường, ngài bỗng thấy một người đàn ông
bên cạnh khóc sướt mướt. Vị sứ thần được người đàn ông giải thích như sau: “Tô
đã chiều theo cơn cám dỗ để phạm tội… Giờ đây, nước mắt là cơm bữa hằng ngày của
tôi”. Vị sứ thần bèn đưa tay hứng lấy những giọt nước mắt còn nóng hổi và vội
vã bay về trời. Ðấng Allah nhìn thật lâu vào những giọt nước mắt và mỉm cười
nói với vị sứ thần:
“Thế là người đã
hoàn thành tốt sứ mệnh. Quả thật dưới trần gian, không có gì đẹp và hữu ích cho
bằng lòng sám hối, bởi vì nó có sức canh tân cuộc sống. Tuy nhiên, người đã thấy
đó, trước khi vui mừng, ta đã nhìn thật kỹ xuyên qua những giọt nước mắt. Một
lòng sám hối giả dối không có ích lợi gì cả. Một sự sám hối thành thật có sức
biến đổi mùa đông giá rét của lòng người thành mùa xuân của Tình Yêu”.
Trong Tin Mừng theo
thánh Luca ở đoạn 15 câu 7, Chúa Giêsu đã nói: “Trên trời sẽ vui mừng gấp bội
khi có một người tội lỗi ăn năn hối cải hơn là 99 người công chính không ăn năn
hối cải”.
Vinh quang của Thiên
Chúa, niềm vui của Thiên Chúa chính là con người được sống. Và sự sung mãn, sự
sống đích thực chính là ân sủng, là sự sống của Thiên Chúa trong tâm hồn con
người. Sự sống ấy chỉ có thể đến trong tâm hồn con người, nếu con người biết mở
rộng cửa tâm hồn để đón nhận Thiên Chúa… Những giọt nước mắt sám hối chính là sức
đẩy để mở tung cánh cửa tâm hồn vậy.
(Lẽ Sống)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét