27/12/2020
Chúa Nhật Mùa Giáng Sinh Năm B
Lễ Thánh Gia Thất
BÀI
ĐỌC I: St 15:1-6;21:1-3
Lời Chúa trong sách Sáng Thế.
Hồi đó, có lời ĐỨC CHÚA phán với ông Áp-ram trong một thị kiến
rằng: "Hỡi Áp-ram, đừng sợ, Ta là khiên che thuẫn đỡ cho ngươi; phần thưởng
của ngươi sẽ rất lớn." Ông Áp-ram thưa: "Lạy ĐỨC CHÚA là Chúa Thượng,
Chúa sẽ ban cho con cái gì? Con ra đi mà không con cái, và người thừa tự gia
đình con là Ê-li-e-de, một người Đa-mát." Ông Áp-ram thưa: "Chúa coi,
Chúa không ban cho con một dòng dõi, và một gia nhân của con sẽ thừa kế
con." Và đây có lời ĐỨC CHÚA phán với ông rằng: "Kẻ đó sẽ không thừa
kế ngươi, nhưng một kẻ do chính ngươi sinh ra mới thừa kế ngươi." Rồi Người
đưa ông ra ngoài và phán: "Hãy ngước mắt lên trời, và thử đếm các vì sao,
xem có đếm nổi không." Người lại phán: "Dòng dõi ngươi sẽ như thế
đó!" Ông tin ĐỨC CHÚA, và vì thế, ĐỨC CHÚA kể ông là người công chính.
ĐỨC CHÚA viếng thăm bà Xa-ra như Người đã phán, và Người đã
làm cho bà như Người đã hứa. Bà Xa-ra có thai và sinh cho ông Áp-ra-ham một con
trai khi ông đã già, vào thời kỳ Thiên Chúa đã hứa. Ông Áp-ra-ham đã đặt tên
cho đứa con mà bà Xa-ra sinh ra cho ông là I-xa-ác. Lời của Chúa.
ĐÁP CA: Tv 127, 1-2. 3. 4-5
Đáp: Phúc thay những bạn nào tôn sợ Thiên Chúa, bạn nào
ăn ở theo đường lối của Người (x. c. 1).
1) Phúc thay những bạn nào tôn sợ Thiên Chúa, bạn nào ăn ở
theo đường lối của Người! Công quả tay bạn làm ra bạn an hưởng, bạn được hạnh
phúc và sẽ gặp may. - Đáp.
2) Hiền thê bạn như cây nho đầy hoa trái, trong gia thất nội
cung nhà bạn. Con cái bạn như những chồi non của khóm ô-liu ở chung quanh bàn
ăn của bạn. Đó là phúc lộc dành để cho người biết tôn sợ Đức Thiên Chúa. - Đáp.
3) Nguyện xin Thiên Chúa từ Sion chúc phúc cho bạn, để bạn
nhìn thấy cảnh thịnh đạt của Giêrusalem hết mọi ngày trong đời sống của bạn, và
để bạn nhìn thấy lũ cháu đoàn con! - Đáp.
BÀI ĐỌC II: Dt
11:8,11-12,17-19
Lời Chúa trong thư gửi tín hữu Do-thái.
Anh em thân mến, nhờ đức tin, ông Áp-ra-ham đã vâng nghe tiếng
Chúa gọi mà ra đi đến một nơi ông sẽ được lãnh nhận làm gia nghiệp, và ông đã
ra đi mà không biết mình đi đâu. Nhờ đức tin, cả bà Xa-ra vốn hiếm muộn, cũng
đã có thể thụ thai và sinh con nối dòng vào lúc tuổi đã cao, vì bà tin rằng Đấng
đã hứa là Đấng trung tín. Vì thế, do một người duy nhất, một người kể như chết
rồi mà đã sinh ra một dòng dõi nhiều như sao trời cát biển, không tài nào đếm
được. Nhờ đức tin, khi bị thử thách, ông Áp-ra-ham đã hiến tế I-xa-ác; dù đã nhận
được lời hứa, ông vẫn hiến tế người con một. Về người con này, Thiên Chúa đã
phán bảo: Chính do I-xa-ác mà sẽ có một dòng dõi mang tên ngươi. Quả thật, ông
Áp-ra-ham nghĩ rằng Thiên Chúa có quyền năng cho người chết trỗi dậy. Rốt cuộc,
ông đã nhận lại người con ấy như là một biểu tượng. Lời của Chúa.
ALLELUIA: Cl 3, 15a. 16a
Alleluia, alleluia! - Nguyện cho bình an của Chúa Kitô làm
chủ trong lòng anh em. Nguyện cho lời Chúa Kitô cư ngụ dồi dào trong anh em. -
Alleluia.
PHÚC ÂM: Lc 2, 22-40 (bài dài)
"Con trẻ lớn lên, đầy khôn ngoan".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, đủ ngày thanh tẩy theo luật Môsê, cha mẹ Chúa Giêsu
liền đem Người lên Giêrusalem để hiến dâng cho Chúa, như đã chép trong Lề luật
Chúa rằng: "Mọi con trai đầu lòng sẽ được gọi là người thánh thuộc về
Chúa". Và cũng để dâng lễ vật cho Chúa, như có nói trong Luật Chúa, là một
đôi chim gáy hay một cặp bồ câu con.
Và đây ở Giêrusalem có một người tên là Simêon, là người
công chính, kính sợ Thiên Chúa, và đang đợi chờ niềm ủi an của Israel. Thánh Thần
cũng ở trong ông. Ông đã được Thánh Thần trả lời rằng: Ông sẽ không chết trước
khi thấy Đấng Kitô của Chúa. Được Thánh Thần thúc giục, ông vào đền thờ ngay
lúc cha mẹ trẻ Giêsu đưa Người đến để thi hành cho Người những tục lệ của Lề luật.
Ông bồng Người trên cánh tay mình, và chúc tụng Thiên Chúa rằng:
"Lạy Chúa, bây giờ, Chúa để cho tôi tớ Chúa đi bình an
theo như lời Chúa, vì chính mắt con đã thấy ơn cứu độ mà Chúa đã sắm sẵn trước
mặt muôn dân, là ánh sáng chiếu soi các lương dân, và vinh quang của Israel dân
Chúa".
Cha mẹ Người đều kinh ngạc về những điều đã nói về Người.
Simêon chúc lành cho hai ông bà và nói với Maria mẹ Người rằng: "Đây trẻ
này được đặt lên, khiến cho nhiều người trong Israel phải sụp đổ hay được đứng
dậy, và cũng để làm mục tiêu cho người ta chống đối. Về phần bà, một lưỡi gươm
sẽ đâm thấu tâm hồn bà để tâm tư nhiều tâm hồn được biểu lộ!"
Lúc ấy, cũng có bà tiên tri Anna, con ông Phanuel, thuộc chi
họ Asê, đã cao niên. Mãn thời trinh nữ, bà đã sống với chồng được bảy năm. Rồi
thủ tiết cho đến nay đã tám mươi bốn tuổi. Bà không rời khỏi đền thờ, đêm ngày
ăn chay cầu nguyện phụng sự Chúa. Chính giờ ấy, bà cũng đến, bà liền chúc tụng
Chúa, và nói về trẻ Giêsu cho tất cả những người đang trông chờ ơn cứu chuộc
Israel.
Khi hai ông bà hoàn tất mọi điều theo luật Chúa, thì trở lại
xứ Galilêa, về thành mình là Nadarét. Và con trẻ lớn lên, thêm mạnh mẽ, đầy
khôn ngoan, và ơn nghĩa Thiên Chúa ở cùng Người. Đó là lời Chúa.
_____________________________
Hoặc đọc bài vắn này: Lc 2, 22.
39-40
Khi ấy, đủ ngày thanh tẩy theo luật Môsê, cha mẹ Chúa Giêsu
liền đem Người lên Giêrusalem để hiến dâng cho Chúa. Khi hai ông bà hoàn tất mọi
điều theo luật Chúa, thì trở lại xứ Galilêa, về thành mình là Nadarét. Và Con
Trẻ lớn lên, thêm mạnh mẽ, đầy khôn ngoan, và ơn nghĩa Thiên Chúa ở cùng Người. Đó
là lời Chúa.
Suy
Niệm: Vâng Phục Thiên Chúa
Lễ Thánh
Gia thất tương đối mới. Nó được thiết lập vào cuối thế kỷ 19. Ðức Giáo Hoàng
Lêô XIII bấy giờ rất quan tâm đến các vấn đề xã hội. Người thấy nhân loại đang
đi vào một nền văn minh mới. Lý trí và khoa học đòi quyền tự lập và tự chủ. Ảnh
hưởng đạo đức bớt dần. Và trong phạm vi gia đình, người ta đã nói nhiều đến tự
do, ly dị, cởi mở... Những phong trào "gia đình công giáo" có từ thế
kỷ 16 ráo riết cổ động người ta noi gương Thánh Gia thất. Ðức Giáo Hoàng Lêô
XIII cũng nhưn các vị kế tiếp muốn chúc phúc cho những phong trào này. Và lễ
Thánh Gia Thất được thiết lập trong bối cảnh ấy.
Dĩ nhiên đời
sống gia đình hiện nay có nhiều vấn đề khác với hồi cuối thế kỷ 19. Và ngày lễ
Thánh Gia Thất hôm nay là dịp để chúng ta suy nghĩ về đời sống cụ thể của các
gia đình chúng ta. Những vấn đề kế hoạch hóa gia đình và giáo dục gia đình mới
là những đề tài chắc chắn rất hợp thời, nếu chưa muốn nói là khẩn trương. Nhưng
trong Thánh lễ chúng ta không thể suy nghĩ rộng rãi. Chúng ta chỉ có thể lắng
nghe Lời Chúa theo Phụng vụ để được tâm hồn đạo đức, giúp chúng ta sau đó suy
nghĩ cụ thể hơn.
1. Vâng Phục Thiên Chúa
Tư cách đạo
đức, mà các gia đình phải có, được ba bài đọc Kinh Thánh hôm nay nhấn mạnh. Bài
sách Huấn ca có vẻ không sâu sắc và giống như nhiều bài "gia huấn
ca", khuyên con cái phải thờ kính cha mẹ. Tuy nhiên nền tảng của những lời
khuyên ở đây lại rất sâu. Con cái phải kính yêu cha mẹ vì Chúa; phải coi các
người như Chúa, đến nỗi bỏ bê cha là lộng ngôn phạm thượng và khinh dể mẹ là chọc
giận Thượng đế. Thứ đạo đức này có lỗi thời không? Rõ ràng thư Phaolô cũng có một
lập trường như vậy. Thánh Tông đồ viết: con cái hãy vâng phục cha mẹ trong mọi
sự vì là điều đẹp lòng Chúa. Dĩ nhiên Người cũng đã nói luôn: cha mẹ đừng để
con cái trở thành khiếp đảm! Nhưng theo người, thái độ của con cái vẫn là phải
vâng phục. Và ở điểm này, người đã theo sát đường lối của Phúc Âm.
Quả vậy, một
trong những câu điệp khúc của các bài tường thuật cuộc đời niên thiếu của Chúa
Yêsu là Người đã trở về Nadarét nơi cha mẹ Người cư trú; và Người đã lớn lên đầy
khôn ngoan và ân sủng; Người đã phục tùng cha mẹ Người. Khi viết đi viết lại điệp
khúc đó, Luca làm vọng lại nhiều lời Cựu Ước, đặc biệt những câu về Samson và
Samuel (Tp 13,24-25; 1S 2,19.21.26). Người cũng viết về Yoan Tẩy giả một cách
tương tự (1,80). Tất cả khiến chúng ta nghĩ rằng: trong khi đề cao thần tính của
trẻ Yêsu, tác giả các sách Phúc Âm vẫn nhấn mạnh việc Người vâng phục cha mẹ, để
nêu gương sáng cho hàng con cái trong các gia đình.
Những người
này cũng hãy yên tâm. Sách Huấn ca đòi con cái đối với cha mẹ phải như nô đối với
chủ (3,7); nhưng bài Tin Mừng dường như đòi bậc cha mẹ nhiều hơn. Các người phải
vâng lời luật Chúa như cha mẹ Yêsu... Ðến ngày phải làm lễ thanh tẩy theo luật
Môsê, cha mẹ Người đã đem trẻ Yêsu lên dâng trong Ðền thờ. Chúng ta không hiểu
việc thi hành luật pháp đã đòi các người phải hy sinh thế nào. Nhưng chúng ta
có thể đoán được những đau đớn tinh thần Maria phải chịu theo lời Simêon hôm
nay tiên báo.
Ông và bà
tiên tri Anna thuộc loại người đạo đức trong dân Israel, sống chờ đợi ngày Chúa
an ủi dân Người, tức là trông mong thời đại Thiên Sai Cứu Thế. Khi được Thánh
Thần cho biết trẻ Yêsu đây chính là Ðấng muôn dân trông đợi, cả hai đều sung sướng
cảm tạ Thiên Chúa đã cho mình được phúc nhìn thấy ánh sáng muôn dân. Nhưng nghĩ
đến trách nhiệm của những người sống trong thời đại ấy, Simêon đã lặp đi lặp lại
tư tưởng của Kinh thánh, đặc biệt nhiều đoạn Isaia, trong đó Ðấng Thiên Sai
không những được ca tụng như ánh sáng của muôn dân (60,1-3; 52,7-10), nhưng đồng
thời cũng là tảng đá vấp ngã cho nhà Israel (8,12-15). Tâm tư mọi người sẽ phải
lộ ra (Lc 2,35). Ðấu tranh, dằn vặt sẽ xảy ra nơi lòng mọi người, bó buộc người
ta phải lựa chọn hoặc chấp nhận hay phủ nhận đường lối của Người.
Maria cũng
không thoát được luật chung đó. Những lời của Chúa luôn luôn làm Người phải đem
lòng mà suy nghĩ. Chính lúc ấy một mũi gươm đâm thâu lòng Người. Mũi gươm này
không phải chỉ là lưỡi đòng khi đâm vào cạnh sườn Chúa chịu treo trên Thập giá
thì cũng như chọc vào trái tim Người. Mũi gươm mà Simêon gợi lên hôm nay là mũi
gươm "Lời Chúa" sống động và linh hoạt, sắc bén hơn mọi thứ gươm hai
lưỡi, và đâm phập vào tận ranh giới hồn phách, gân cốt và tủy não cùng biện
phân ra được tình và ý tưởng của lòng dạ (Hr 4,12).
Vậy, nếu Lời
Chúa đối với Ðức Maria còn sắc bén như vậy và còn đòi hỏi Người phải hy sinh
đau đớn để luôn luôn đi sâu hơn vào mầu nhiệm đức tin, thì huống nữa là đối với
chúng ta hết thảy! Con cái phải vâng lời cha mẹ. Nhưng cha mẹ cũng phải vâng lời
Thiên Chúa. Thi hành chỉ thị này của cha mẹ đòi hy sinh. Nhưng những hy sinh của
bậc cha mẹ để giữ Lời Chúa còn to lớn hơn nhiều. Và có hy sinh như thế mới là đạo
đức.
Thật ra đạo
đức gia đình không phải chỉ đơn sơ như vậy. Nó không phải chỉ đòi con cái vâng
lời cha mẹ và cha mẹ tuân giữ Lời Chúa. Ngay bài sách Huấn ca đã giục con cái
tìm cách làm đẹp lòng Chúa khi vâng lời cha mẹ; và bài Tin Mừng cho thấy Ðức
Maria phải khổ vì thánh ý Chúa nơi chính trẻ Yêsu. Ðạo đức gia đình không
nguyên chỉ lên thẳng từ con cái đến cha mẹ rồi tới Thiên Chúa. Nền đạo đức thật
đã tỏ hiện khi chính Thiên Chúa xuống với con người như chúng ta đã suy niệm
nhiều trong mùa Giáng sinh này (1Tm 3,16). Và như vậy lý do cuối cùng của nền đạo
đức gia đình cũng phải sát nhập vào chiều hướng đi xuống. Nói cách khác đạo đức
gia đình đòi con cái phải vâng lời cha mẹ và cha mẹ tuân giữ Lời Chúa; nhưng nó
chỉ thực hiện được nếu mọi người trong gia đình biết nhận lấy lòng đạo đức mà
Chúa đã ban xuống cho trần gian trong mầu nhiệm Giáng sinh, để tựa vào đó mà đi
lên.
Ðó là điều
mà bài thư Phaolô hôm nay muốn nói với chúng ta.
2. Hãy Mặc Lấy Ðức Mến
Thánh Tông
đồ không hài lòng khi nhìn thấy nhiều người không hiểu rõ lòng đạo đức Kitô
giáo. Họ tưởng đây cũng là một trong nhiều lý tưởng đạo đức. Các lời khuyên
Phúc Âm về đời sống gia đình chẳng hạn bị coi như là một thứ gia huấn ca. Ðạo
nào cũng dạy thờ cha kính mẹ và cha mẹ thì phải vâng mệnh trời mà sửa dạy con
cái. Người ta không thấy rõ nét độc đáo và mới lạ của nền đạo đức Phúc Âm. Thế
nên thánh Phaolô phải mạnh mẽ lên tiếng. Người gọi tín hữu bằng những từ ngữ chọn
lọc nhất của Kinh Thánh. Họ là các thánh, là những người được tuyển chọn và là
những người được Thiên Chúa yêu mến. Các danh xưng này nằm trong sách Thứ luật
(7,6). Chúng là tên riêng của dân Chúa. Họ thánh không phải vì họ tốt lành,
nhưng chỉ vì Ðấng thánh đã tuyển chọn và đang thánh hóa họ. Và Người làm như vậy
chỉ vì yêu mến.
Họ là những
người được yêu. Nhưng họ lại không sống trong tình yêu. Kinh nghiệm lưu đày đã
mở mắt cho họ thấy cuộc đời bất trung bất nghĩa của họ như thế nào, đến nỗi từ
ngữ dân thánh của Chúa từ nay sẽ dành để nói về dân ở thời đại thiên sai (Is
4,3). Và như vậy các tín hữu tiên khởi của Hội Thánh Chúa Kitô tự xưng là
"thánh hữu" thì thật hợp lý. Nhưng khi xử dụng từ ngữ này, họ vẫn biết
mình chưa thánh. Sự thánh thiện mới tỏ hiện nơi họ thôi vì Ðức Kitô đã đem sự sống
sung mãn của Thiên Chúa vào thế gian. Và bổn phận của họ bây giờ là phải đón nhận
lấy sự thánh thiện ấy.
Việc đón nhận
này được thánh Phaolô mô tả như là một việc "mặc lấy". Người nói: anh
em hãy mặc lấy lòng lân mẫn biết chạnh thương, đức nhân hậu khiêm nhu, hiền từ
và đại lượng. Nghe đọc thì tưởng đó là một mới những nhân đức, ít nhiều liên hệ
với nhau. Nhưng dò lại thì sẽ thấy chúng gợi lên những lời sách Xuất hành
(34,6) nói đến Thiên Chúa là Ðấng "chạnh thương, huệ ái, bao dung, và đầy
nhân nghĩa, tín thành". Và như vậy, thánh Phaolô muốn nói chúng ta phải mặc
lấy chính những tâm tình của Chúa. Lòng đạo đức của chúng ta phải là lòng đạo đức
của Người. Nếu không, nói chỉ là lòng đạo đức của loài người chứ không phải của
Kitô giáo. Người tín hữu của Chúa Kitô trước khi sống, tức là hành động, đã phải
cởi bỏ con người cũ và mặc lấy con người mới là chính sự thánh thiện của Thiên
Chúa, để từ đó cư xử như Thiên Chúa.
Người đã
bày tỏ lòng "đạo đức" của Người khi đặt ra và thi hành kế hoạch cứu
thế, ban Con Một Người cho nhân loại để làm giá tha thứ và hòa giải loài người
tội lỗi trở về với mình... Ðó chính là lòng "bác ái" của Thiên Chúa,
mà thánh Phaolô bảo chúng ta phải mặc lấy. Nếu không, chúng ta không được tha
thứ, không được thánh thiện, không được đạo đức. Nhưng nếu chúng ta mặc lấy
lòng bác ái tha thứ, thì có lẽ nào chúng ta lại không biết tha thứ và chịu đựng
lẫn nhau, để sống hòa hợp như trong một thân thể?
Thế là
thánh Phaolô đã chỉ cho chúng ta thấy đâu là cơ sở và nền tảng của nền đạo đức
Kitô giáo. Thiên Chúa đã đổ nó từ trời xuống trên chúng ta khi ban Con Một Người
làm hy tế tha thứ, giao hòa và bình an. Chúng ta đón nhận lòng đạo đức ấy thì
cũng phải sống tha thứ hòa hợp và hợp nhất như trong một cơ thể.
Những điều
này thật hợp để nói về đời sống gia đình. Và bây giờ chúng ta thấy rõ đạo đức
gia đình đối với chúng ta phải được xây dựng trên nền tảng đức mến trọn lành của
Thiên Chúa. Những gia đình nào sống như vậy mới thật là những gia đình Kitô hữu
và mới giống như Thánh Gia Thất Chúa Yêsu, Ðức Maria và Thánh Yuse. Nếp sống của
họ bây giờ sẽ được như lời thư Phaolô viết tiếp: tất cả những gì họ nói và làm
đều vì Danh Chúa Yêsu và vợ chồng, cha mẹ, con cái đều giúp đỡ nhau nên thánh
thiện. Họ có nếp sống gia đình tuyệt hảo, vì lời Ðức Kitô, tức là ân sủng của
Người đã ngự nơi họ dồi dào phong phú.
Thế thì hôm
nay muốn thánh hóa gia đình theo gương Thánh Gia Thất, chúng ta hãy nghe lời
thánh Phaolô sốt sắng cử hành Thánh lễ này. Ở đây Thiên Chúa bày tỏ lòng bác ái
từ tâm đối với hết thảy chúng ta khi ban thịt máu Con của Người làm giá cứu chuộc
và cứu độ chúng ta. Chúng ta hãy nhận lấy như tinh thần và sự sống mới mà chúng
ta phải mặc lấy, để như Chúa đã yêu thương chúng ta thì vợ chồng, cha mẹ, con
cái, được tình bác ái của Người thúc đẩy sẽ xây dựng, phát triển đời sống gia
đình như Thánh Gia Thất.
(Trích dẫn
từ tập sách Giải Nghĩa Lời Chúa
của Ðức
cố Giám Mục Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm)
Lectio Divina: Lễ Thánh Gia (B)
Chủ Nhật 27 Tháng Mười Hai, 2020
Lectio
Divina | Lectio Divina Năm
B
Đấng được mọi người trông
ngóng
Tiến dâng Chúa Hài Đồng trong
Đền Thờ
Lc 2:22-40
1. Lời nguyện mở đầu:
Lạy Thiên Chúa, Người là Đấng Tạo Hóa và là Cha của chúng
con, Chúa đã muốn Con Một Chúa, Đấng đã hiện hữu trước khi thế gian được tạo dựng,
phải trở thành một thành viên của gia đình nhân loại.
Xin Chúa hãy nhen nhúm lại trong chúng con lòng biết ơn về
món quà của sự sống, để cho các bậc cha mẹ có thể tham dự vào sự sinh sản của
tình yêu Chúa, để người già có thể truyền lại cho thế hệ con cháu sự khôn ngoan
trưởng thành của họ, và con cháu có thể lớn lên trong sự khôn ngoan, lòng đạo đức
và ân sủng, mọi người ca tụng tôn vinh danh thánh Chúa. Nhờ Đức Kitô,
Chúa chúng con.
2. Bài đọc: Luca 2:22-40
22 Khi đã đến ngày lễ thanh tẩy của các ngài
theo luật Môisen, bà Maria và ông Giuse đem con lên Giêrusalem, để tiến dâng
cho Chúa, 23 như đã chép trong Luật Chúa rằng: “Mọi
con trai đầu lòng phải được gọi là của thánh, dành cho Chúa”,24 và
cũng để dâng của lễ theo Luật Chúa truyền, là “một đôi chim gáy hay một cặp bồ
câu non.”
25 Hồi ấy ở Giêrusalem, có một người tên là
Simêôn. Ông là người công chính và sùng đạo, ông những mong chờ niềm an ủi của
Israel, và Thánh Thần hằng ngự trên ông.26 Ông đã được Thánh Thần
linh báo cho biết là ông sẽ không thấy cái chết trước khi được thấy Đấng Kitô của
Đức Chúa. 27 Được Thần Khí thúc đẩy, ông lên Đền Thờ. Vào
lúc cha mẹ Hài Nhi Giêsu đem con tới để chu toàn tập tục Luật đã truyền liên
quan đến Người, 28 thì ông ẵm lấy Hài Nhi trên tay, và
chúc tụng Thiên Chúa rằng:
29 “Muôn lạy Chúa, giờ đây
theo lời Ngài đã hứa,
xin để tôi tớ này được an bình ra đi.
30 Vì chính mắt con được thấy ơn cứu độ
31 Chúa đã dành sẵn cho muôn dân:
32 Đó là ánh sáng soi đường cho dân ngoại,
là vinh quang của Israel Dân Ngài.”
33 Cha và mẹ Hài Nhi ngạc nhiên vì những lời
ông Simêôn vừa nói về Người. 34Ông Simêôn chúc phúc cho hai ông
bà, và nói với bà Maria, mẹ của Hài Nhi: “Thiên Chúa đã đặt cháu bé này làm
duyên cớ cho nhiều người Israel ngã xuống hay đứng lên. Cháu còn là dấu hiệu
cho người đời chống báng; 35 và như vậy, những ý nghĩ từ
thâm tâm nhiều người sẽ lộ ra. Còn chính bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn
bà.”
36 Lại cũng có một nữ ngôn sứ tên là Anna,
con ông Phanuel, thuộc chi tộc Asê. Bà đã nhiều tuổi lắm. Từ khi xuất giá, bà
đã sống với chồng được bảy năm, 37 rồi ở góa, đến nay đã
tám mươi tư tuổi. Bà không rời bỏ Đền Thờ, những ăn chay cầu nguyện, sớm hôm thờ
phượng Thiên Chúa. 38 Cũng vào lúc ấy, bà tiến lại gần
bên, cảm tạ Thiên Chúa, và nói về Hài Nhi cho hết những ai đang mong chờ ngày
Thiên Chúa cứu chuộc Giêrusalem.
39 Khi hai ông bà đã làm xong mọi việc như
Luật Chúa truyền, thì trở về nơi cư ngụ là thành Nagiarét, miền Galilê. 40 Còn
Hài Nhi ngày càng lớn lên, thêm vững mạnh, đầy khôn ngoan, và hằng được ân
nghĩa cùng Thiên Chúa.
3. Giây phút thinh lặng cầu nguyện
– Để Lời Chúa có thể ngự vào lòng chúng ta và để
cho lời ấy soi sáng đời sống chúng ta;
– Để trước khi chúng ta đưa bất kỳ ý kiến
nào, xin cho ánh sáng Lời Chúa có thể tỏa sáng và bao phủ với mầu nhiệm về sự
hiện diện sống động của Chúa.
4. Một vài câu hỏi gợi ý
Để giúp chúng ta trong việc suy gẫm cá nhân.
a) Tại sao Đức Giêsu, Con Một của Đấng Tối
Cao, và Đức Maria mẹ Người, đã được thụ thai không vướng tội lỗi, mà lại phải
tuân theo các lề luật của Môisen? Có phải bởi vì Đức Maria chưa nhận
thức được sự vô nhiễm và thánh thiện của bà không?
b) Lời nói và thái độ của ông Simêon và bà
tiên tri Anna có ý nghĩa đặc biệt nào không? Cử chỉ và sự vui mừng của
họ có làm gợi nhớ lại phong thái của các tiên tri cổ xưa không?
c) Làm thế nào chúng ta có thể giải thích
được câu “một lưỡi gươm sẽ đâm thấu tâm hồn”: đó có phải là việc xé
nát lương tâm trước những thách thức và sự phong phú của Chúa Giêsu
không? Hay đó chỉ là nỗi đau lòng của Đức Mẹ?
d) Cảnh này có thể nào có một ý nghĩa gì
đó cho các bậc phụ huynh ngày nay không: về ý thức tôn giáo của con
cái họ; về kế hoạch của Thiên Chúa dành cho mỗi con cái của Người; về những nỗi
sợ hãi và đau khổ mà bậc cha mẹ mang trong tâm tư những khi họ nghĩ đến lúc con
cái họ lớn khôn?
5. Chìa khóa dẫn đến bài đọc
Dành cho những ai muốn đào sâu hơn vào trong bài Tin Mừng.
a) Như đã chép trong Luật Môisen/Lề Luật
Chúa. Đây là một loại điệp khúc được lặp đi lặp lại nhiều lần. Thánh
sử Luca hòa lẫn hai hệ thống lề luật mà không có bất kỳ một sự phân biệt
nào. Luật thanh tẩy người mẹ đã được dự kiến trong Sách Lêvi (12:2-8)
và đã được định là bốn mươi ngày sau khi lâm bồn. Cho đến lúc ấy,
người phụ nữ không được phép đến gần những nơi thiêng liêng, và nghi thức được
đi kèm với lễ vật là một con vật nhỏ. Nhưng lễ thánh hiến con đầu
lòng đã được quy định trong sách Xuất Hành chương 13:11-16, và được xem như là
một loại “tiền chuộc” để tưởng nhớ cử chỉ cứu rỗi của Thiên Chúa khi Người giải
thoát dân Israel khỏi ách nô lệ Ai Cập. Vì việc này cũng dâng lên lễ
vật là một sinh vật nhỏ. Trong cả hai trường hợp này, các bậc cha mẹ
dường như là trong tiến trình dâng/thánh hiến con trai của họ như đã làm với vật
hiến tế và chi tộc Lêvi, trong khi nhờ vào con người của ông Simêon và bà Anna,
có vẻ như chính Thiên Chúa là Đấng dâng/hiến tế Con Người để cứu độ nhân loại.
b) Ông Simêon và bà Anna: Đây
là những nhân vật đầy đủ giá trị tiêu biểu. Vai trò của họ là sự
công nhận, xuất phát từ việc soi sáng lẫn việc làm của Chúa Thánh Thần và một
cuộc sống đã sống trong sự mong đợi và đức tin. Cách đặc biệt, ông
Simêon được mô tả như là một người hoàn toàn đắm chìm trong sự chờ
đợi (prodekòmenos), và là kẻ bước tới để chào đón. Ông cũng
xuất hiện để tuân giữ lề luật, lề luật của Chúa Thánh Thần, Đấng hướng dẫn ông
về phía hài nhi trong đền thờ. Bài ca vịnh ông công bố biểu lộ khuynh
hướng sống cho người khác (pro-existentia) của ông, ông đã
sống để chờ đến thời khắc này và giờ đây ông rút lui để cho những người khác có
thể nhìn thấy ánh sáng và ơn cứu độ đến cho dân tộc Israel cũng như dân ngoại. Bà
Anna hoàn thành bức tranh, bằng vào số tuổi của bà (con số tượng
trưng: 84 = 7 x 12; mười hai chi tộc Israel; hoặc 84 – 7 = 77, con số
toàn thiện kép), nhưng hơn hết cả là bằng lối sống của bà (ăn chay và cầu nguyện)
và bằng lời công bố của bà cho tất cả những ai “nhìn về tương
lai”. Bà được hướng dẫn bởi Chúa Thánh Thần về việc nói tiên tri, phụng
thờ Chúa và sự trinh khiết trong lòng của bà. Ngoài ra, bà thuộc về
một chi tộc nhỏ bé nhất, chi tộc Asê, một dấu chỉ cho thấy rằng những người nhỏ
bé và mong manh là những người có khuynh hướng nhận ra Chúa Giêsu, Đấng Cứu Thế,
hơn. Cả hai ông bà lão này – trông giống như là một cặp đôi thuở tạo
dựng trời đất – là những biểu tượng đẹp nhất của Do Thái giáo, của thành
Giêrusalem trung thành và hiền lành, đang chờ đợi và vui mừng và từ bây giờ sẽ
để cho nguồn ánh sáng mới lan tỏa.
c) Một lưỡi gươm sẽ đâm thấu:thông thường
những chữ này được hiểu như có nghĩa là Đức Maria sẽ chịu đau khổ, một cảnh được
thấy rõ ràng là hình ảnh Đức Mẹ Sầu Bi. Thay vào đó, chúng ta cần
xem Đức Mẹ như là một biểu tượng của dân tộc Israel. Ông Simêon linh
cảm được cảnh tượng dân tộc của ông sẽ bị chia rẽ sâu xa bởi lời sắc bén và hằng
sống của Đấng Cứu Thế (xem Lc 12:51-53). Đức Maria đại diện cho đường
đi: bà phải tín thác, nhưng sẽ phải trải qua những thời gian đau
thương và đen tối, sự im lặng đớn đau và cố gắng. Câu chuyện của Đấng
Mêssia đau khổ sẽ làm cho mọi người đau đớn, ngay cả đối với Đức Mẹ. Người
ta không thể đi theo ánh sáng mới của toàn thế giới mà không phải trả giá, mà
không phải bị khích động để chọn các quyết định đầy rủi ro, mà không phải được
tái sinh từ trời và trong sự mới mẻ. Nhưng hình ảnh của “lưỡi gươm
đâm thấu” này, về một hài nhi sẽ “làm vấp ngã” và giao động những trái tim khỏi
sự thờ ơ của họ, thì không thể bị tách rời khỏi hành động đầy ý nghĩa của hai cụ
già: một người là ông Simêon, kẻ đã bế Chúa Hài Đồng trên tay mình để
cho thấy rằng đức tin là một sự gặp gỡ và vòng tay ôm, chứ không phải là một lý
thuyết suông; còn người kia, cụ bà Anna, đảm nhận vai trò công bố và nhen nhóm
lại ánh sáng rực rỡ trong lòng tất cả những ai “đã nhìn về phía” Người.
d) Đời sống hằng ngày, sự hiển linh của
Thiên Chúa: Cuối cùng, thật là thú vị khi nhận thấy rằng
toàn bộ câu chuyện nhấn mạnh đến hoàn cảnh đơn sơ và chất phác nhất: một
cặp vợ chồng trẻ với một đứa con trong tay, một ông già vui mừng và ôm ấp đứa
bé, một bà lão cầu nguyện và nói tiên tri, những kẻ lắng nghe dường như là những
người đang gián tiếp tham gia. Ở phần cuối của đoạn Tin Mừng, chúng
ta cũng có một cái nhìn thoáng qua về làng Nagiarét, về sự phát triển của đứa
trẻ trong một bối cảnh thông thường, ấn tượng về một đứa trẻ có năng khiếu khác
thường cùng với sự khôn ngoan và tốt lành. Chủ đề của sự khôn ngoan
được đan dệt vào trong tấm vải của đời sống bình thường và lớn lên trong một bối
cảnh của ngôi làng, để cho câu chuyện dường như treo lơ lửng, và nó sẽ được nhắc
lại lần nữa đúng với chủ đề sự khôn ngoan của cậu bé ở giữa các luật sĩ trong đền
thờ. Thật vậy, đây là cảnh kế tiếp ngay sau đây (Lc 2:41-52).
6. Thánh Vịnh 122
Vui dường nào khi thiên hạ bảo tôi:
“Ta cùng trẩy lên đền thánh CHÚA! “
Và giờ đây, Giêrusalem hỡi,
cửa nội thành, ta đã dừng chân.
Giêrusalem khác nào đô thị
được xây nên một khối vẹn toàn.
Từng chi tộc, chi tộc của CHÚA,
trẩy hội lên đền ở nơi đây,
để danh CHÚA, họ cùng xưng tụng,
như lệnh đã truyền cho Israel.
Cũng nơi đó, đặt ngai xét xử,
ngai vàng của vương triều Đavít.
Hãy nguyện chúc Giêrusalem được thái bình,
rằng: “Chúc thân hữu của thành luôn thịnh đạt,
tường trong lũy ngoài hằng yên ổn,
lâu đài dinh thự mãi an ninh.”
Nghĩ tới anh em cùng là bạn hữu,
tôi nói rằng: “Chúc thành đô an lạc.”
Nghĩ tới đền thánh CHÚA, Thiên Chúa chúng ta thờ,
tôi ước mong thành được hạnh phúc, hỡi thành đô.
7. Lời nguyện kết
Lạy Cha, chúng con ngợi khen và chúc tụng Cha bởi vì nhờ Con
Cha, được sinh ra bởi một người phụ nữ do việc làm của Chúa Thánh Thần, được
sinh ra theo lề luật, đã cứu chuộc chúng con khỏi lề luật và Cha đã làm đầy cuộc
sống chúng con với ánh sáng và niềm hy vọng mới mẻ. Nguyện xin cho
gia đình chúng con hân hoan chào đón và trung thành với chương trình của Cha,
nguyện xin cho những người trong gia đình chúng con giúp đỡ và duy trì trong
con cái họ những giấc mơ và sự nhiệt tình mới, xin Cha ấp ủ chúng trong sự dịu
dàng khi chúng yếu ớt mong manh, xin Cha dạy dỗ chúng trong tình yêu dành cho
Cha và cho tất cả tha nhân. Lạy Cha, tất cả mọi danh dự và vinh
quang đều quy về Cha.
https://dongcatminh.org/event/lectio-divina-le-thanh-gia-b/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét