Trang

Thứ Sáu, 17 tháng 2, 2012

THỨ BẢY TUẦN VI MÙA THƯỜNG NIÊN


Thứ Bảy sau Chúa Nhật 6 Quanh Năm


Bài Ðọc I: (Năm I) Dt 11, 1-7
"Nhờ đức tin, chúng tôi hiểu rằng vũ trụ do lời Thiên Chúa mà cấu thành".
Trích thư gửi tín hữu Do-thái.
Ðức tin là nền tảng của những điều hy vọng, là bằng chứng cho những thực tại vô hình. Quả thật, nhờ đức tin mà các tiền nhân đã được một bằng chứng. Nhờ đức tin, chúng ta hiểu rằng vũ trụ do lời Thiên Chúa mà cấu thành, nên cái gì hữu hình là bởi vô hình mà có. Nhờ đức tin mà Abel đã dâng lên Thiên Chúa của lễ hoàn hảo hơn của lễ Cain, và bởi đức tin mà ông được chứng thực là công chính; Thiên Chúa đã làm chứng cho lễ vật của ông. Bởi đức tin đó, cho dầu ông đã chết, ông vẫn còn lên tiếng. Nhờ đức tin, Henoch được cất lên nơi khác, để ông khỏi thấy sự chết; người ta không còn gặp ông nữa, vì Thiên Chúa đã cất ông lên nơi khác: trước khi được cất đi nơi khác, ông được làm chứng là người đẹp lòng Chúa. Vậy không có đức tin, thì không thể đẹp lòng Chúa, vì chưng ai đến gần Thiên Chúa, thì phải tin có Thiên Chúa, và Người thưởng công cho những kẻ tìm kiếm Người. Nhờ đức tin, Noe được Chúa cho biết những điều chưa hề thấy, nên ông sợ hãi và đóng tàu để cứu sống gia đình ông. Nhờ đức tin đó mà ông đã lên án thế gian, và được nên người thừa hưởng sự công chính bởi đức tin.
Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 144, 2-3. 4-5. 10-11
Ðáp: Lạy Chúa, con sẽ chúc tụng danh Chúa tới muôn đời (c. 1b).
Xướng: 1) Hằng ngày con sẽ chúc tụng Chúa, và con sẽ khen ngợi danh Chúa tới muôn đời. Chúa vĩ đại và rất đáng ngợi khen, sự vĩ đại của Chúa không thể đo lường được. - Ðáp.
2) Thế hệ này rao giảng cho thế hệ kia hay công việc Chúa, và thiên hạ loan tin quyền năng của Ngài. Người ta nói đến vinh quang cao cả oai nghiêm, và phổ biến những điều diệu kỳ của Chúa. - Ðáp.
3) Lạy Chúa, mọi công cuộc của Chúa hãy ca ngợi Chúa, và các thánh nhân của Ngài hãy chúc tụng Ngài. Thiên hạ hãy nói lên vinh quang nước Chúa, và hãy đề cao quyền năng của Ngài. - Ðáp.

* * *

Bài Ðọc I: (Năm II) Gc 3, 1-10
"Không ai có thể kiềm chế được cái lưỡi".
Trích thư của Thánh Giacôbê Tông đồ.
Anh em thân mến, đừng để lắm người trong anh em làm thầy: vì anh em biết rằng do đó, anh em sẽ bị xét đoán nặng hơn. Tất cả chúng ta đã sai lỗi nhiều lần. Nếu ai không sai lỗi trong lời nói, thì là người trọn lành, vì kẻ ấy có thể chế ngự được thân xác mình. Nếu chúng ta tra được hàm thiết vào miệng ngựa để bắt nó tùng phục chúng ta, thì chúng ta cũng có thể điều khiển được cả mình nó. Kìa, cả những chiếc thuyền, tuy to lớn và bị cuồng phong lôi cuốn, mà một bánh lái nhỏ điều khiển chúng theo ý người hoa tiêu. Cũng thế, lưỡi là một chi thể bé nhỏ, nhưng cao rao nhiều điều vĩ đại.
Kìa, một ngọn lửa có là bao, mà đốt cháy cả một khu rừng lớn. Lưỡi cũng là ngọn lửa, là cả một thế giới gian ác. Lưỡi là một trong các chi thể của chúng ta, nó làm hoen ố cả thân xác, được hoả ngục nhen nhúm lên, nó đốt cháy cả cuộc đời chúng ta. Mọi loài cầm thú, muông chim, rắn rít, và cá biển đang và đã bị loài người chế ngự. Nhưng không ai có thể chế ngự được cái lưỡi: một tai hoạ bất trị, và chứa đầy nọc độc giết người. Với cái lưỡi, chúng ta chúc tụng Thiên Chúa là Cha; với cái lưỡi, chúng ta chúc dữ con người đã được tạo thành giống hình ảnh Thiên Chúa. Bởi chính cái miệng mà phát xuất ra vừa lời chúc tụng, vừa lời chúc dữ. Hỡi anh em, đừng để xảy ra như thế.
Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 11, 2-3. 4-5. 7-8
Ðáp: Phần Ngài, lạy Chúa, xin gìn giữ chúng con (c. 8a).
Xướng: 1) Xin cứu nguy, lạy Chúa! Vì không còn nữa kẻ hiền nhân, không còn nữa sự trung tín giữa con người! Thiên hạ nói với nhau những điều man trá, nói bằng cặp môi gian giảo, tâm địa nước đôi. - Ðáp.
2) Xin Chúa diệt hết các cặp môi gian giảo, mọi cái lưỡi ngoa ngôn, những đứa tự khoe: "Nhờ tấc lưỡi của ta, ta mạnh; cặp môi ta biện hộ cho ta, đối với ta có ai là Chúa?" - Ðáp.
3) Lời của Chúa là những lời chân thật, là kim ngân đã thử, bảy lần gạn lọc, hết trơn bụi đất. Phần Ngài, lạy Chúa, xin gìn giữ chúng con, xin bảo vệ chúng con khỏi thế hệ này mãi mãi. - Ðáp.

* * *

Alleluia: Tv 94, 8ab
Alleluia, alleluia! - Ước chi hôm nay các bạn nghe tiếng Chúa và đừng cứng lòng. - Alleluia.

Phúc Âm: Mc 9, 1-12
"Người biến hình trước mặt các ông".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.
Khi ấy, Chúa Giêsu đưa Phêrô, Giacôbê, và Gioan đi riêng với Người lên núi cao, và Người biến hình trước mặt các ông, và áo Người trở nên chói lọi trắng tinh như tuyết, không thợ giặt nào trên trần gian có thể giặt trắng đến thế. Rồi Êlia cùng Môsê hiện ra và đàm đạo với Chúa Giêsu. Bấy giờ Phêrô lên tiếng thưa Chúa Giêsu rằng: "Lạy Thầy, chúng con được ở đây thì tốt lắm, chúng con xin làm ba lều, một cho Thầy, một cho Môsê, và một cho Êlia". Phêrô không rõ mình nói gì, vì các ông đều hoảng sợ. Lúc đó một đám mây bao phủ các Ngài, và từ đám mây có tiếng phán rằng: "Ðây là Con Ta rất yêu dấu, các ngươi hãy nghe lời Người". Bỗng nhìn chung quanh, các ông không còn thấy ai khác, chỉ còn một mình Chúa Giêsu với các ông.
Và trong lúc từ trên núi đi xuống, Chúa Giêsu ra lệnh cho các ông đừng thuật lại cho ai những điều vừa xem thấy, trước khi Con Người từ cõi chết sống lại. Các ông tuân lời căn dặn đó, nhưng vẫn tự hỏi nhau: "Từ trong cõi chết sống lại nghĩa là gì?" Và các ông hỏi Người: "Tại sao các biệt phái và luật sĩ lại nói Êlia phải đến trước đã?" Người đáp: "Êlia phải đến trước để sửa lại mọi sự, và như có lời chép về Con Người rằng 'Người phải chịu nhiều đau khổ và khinh bỉ'. Vậy Thầy bảo cho các con hay: Êlia đã đến rồi và chúng xử với người mặc ý chúng, như đã chép về người".
Ðó là lời Chúa.

Suy Niệm:
Ðức Giêsu bày tỏ cho các môn đệ thấy trước vinh quang phục sinh của Người và truyền các ông không được tiết lộ trước khi Người từ cõi chết sống lại. Mầu nhiệm đã được mạc khải: Ðức Giêsu, Con Thiên Chúa cũng là người Tôi Tớ Ðau Khổ. Qua cái chết, Ngài vào vinh quang Phục Sinh.

Cầu Nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã tỏ vinh quang cho các môn đệ nhận ra Ngài là Con Thiên Chúa và cũng là người tôi trung của Thiên Chúa. Xin ban cho chúng con một đức tin vững mạnh để luôn xác tín: những đau khổ, những thử thách nơi cuộc sống trần thế chính là con đường dẫn chúng con đến vinh quang với Chúa. Amen.

Suy Niệm:
Biến Hình với Chúa
Lịch sử cứu độ được dệt bằng những cuộc ra đi. Dường như Thiên Chúa không muốn cho người dậm chân tại chỗ: Ngài kêu gọi Abraham từ bỏ quê hương xứ sở để đi đến một nơi mà ông không biết; Ngài thúc đẩy Môsê rời bỏ cung điện nguy nga để tìm đến nơi hoang vắng, Ngài ra lệnh cho ông phải đưa dân Israel ra khỏi Ai Cập; Ngài kêu gọi Êlia hãy lên ngọn núi cao để nhận ra sứ điệp của Ngài. Chính Chúa Giêsu cũng đã làm một cuộc ra đi: Ngài rời bỏ ngôi nhà của Cha để đến cư ngụ giữa loài người.
Tin Mừng hôm nay hé mở cho chúng ta thấy vinh quang mà Con Thiên Chúa đã có trước khi đến trần gian. Vinh quang mà Chúa Giêsu hé mở cho các Tông đồ thân tín được thể hiện sáu ngày sau khi Ngài loan báo về cuộc khổ nạn và cái chết mà Ngài sắp trải qua. Qua cuộc biến hình này, Ngài muốn củng cố niềm tin của các Tông đồ vào sứ mệnh của Ngài: Ngài phải chịu chết rồi mới sống lại vinh hiển, Ngài phải trẩy đi từ sự sống qua sự chết và đạt tới sự Phục sinh vinh hiển. Và đó cũng là con đường tất yếu của những ai muốn đi theo Ngài; con đường Chúa Giêsu sẽ đi qua cũng sẽ là con đường mà các môn đệ Ngài phải đi qua.
Cuộc biến hình nào cũng là một cuộc trẩy đi, một cuộc đổi đời. Cuộc sống của người Kitô hữu là một chuỗi những ra đi, những cái chết từng giây từng phút. Ðó là điều Chúa Giêsu đòi hỏi nơi chúng ta: "Ai đã tra tay vào cày mà còn ngó lại sai, thì không xứng đáng là môn đệ Ta".
Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta nghiêm chỉnh tự đặt cho mình câu hỏi: Tôi có thực sự muốn được biến hình không? Tôi có thực sự muốn sống sự sống thần linh của Chúa không? Tôi có thực sự muốn làm môn đệ của Chúa không? Ðức tin của tôi có đủ mạnh để biến đổi cuộc sống của tôi không? Mỗi quyết định của tôi trong cuộc sống có là một bước tiến để đưa tôi đến gần cuộc sống vĩnh cửu không?
Ước gì Lời Chúa hôm nay soi sáng cuộc sống hiện tại của chúng ta. Những vất vả khổ đau mà chúng ta đang trải qua trong cuộc sống này phải được sống và được nhìn với niềm hy vọng vào cuộc biến hình vinh hiển đang chờ đón chúng ta. Từng bước một, xin Chúa Kitô Phục Sinh thêm sức để chúng ta vững tin tiến tới.
18/02/12 THỨ BẢY TUẦN 6 TN
Mc 9,2-13
*****
CẮM LỀU
“Thưa Thầy, chúng con ở đây hay quá! Chúng con xin dựng ba cái lều, Thầy  một cái, ông Môsê một cái, và ông Êlia một cái.” (Mc 9,5)
Suy niệm: Ba môn đệ thật bất ngờ và vui sướng ngây ngất khi chứng kiến cảnh Thầy mình dung nhan chói ngời, đàm đạo với hai vĩ nhân của dân tộc là ông Môsê và Êlia. Các ông muốn “cắm lều” ở lại mãi trên chốn bồng lai tiên cảnh này, giã từ sứ vụ loan báo Tin Mừng nhọc nhằn dưới kia. Thế nhưng, tiếng của Chúa Cha từ đám mây kéo các ông trở về với sứ vụ của mình: “Hãy vâng nghe lời Người,” nghĩa là hãy lắng nghe và tiếp tục tiến bước với Thầy Giêsu, Người tôi tớ của Thiên Chúa, trên con đường Khổ Nạn Ngài sắp bước vào, để có thể đạt đến vinh quang vĩnh cửu nhờ sự phục sinh của Ngài.
Mời Bạn: Theo lẽ thường, ai cũng muốn “cắm lều” ở lại trong sự ổn định, sung sướng mình đang tận hưởng. Sự kiện Hiển Dung là điểm dừng chân tạm thời của hành trình lên núi và xuống núi, là trạm tiếp sức cho các môn đệ chuẩn bị bước vào cuộc Khổ Nạn. Tựa như các môn đệ, bạn cũng được mời gọi lắng nghe Đức Giêsu, hiệp thông trong tình thương và sứ vụ của Ngài, để tiếp tục tiến bước trên hành trình dương thế.
Chia sẻ: Những “căn lều” nào trong cuộc sống bạn đang muốn dựng lên hay bám trụ và cần được gỡ bỏ?
Sống Lời Chúa: Thứ bốn thì gẫm: “Đức Chúa Giêsu biến hình trên núi, ta hãy xin cho được biến đổi nhờ Chúa Thánh Thần” (Mầu nhiệm sự Sáng).
Cầu nguyện: Lạy Chúa, giữa những bận rộn và buồn vui của phận người, xin cho con biết dừng chân tìm đến bên Chúa, lắng nghe Lời Chúa, thấy Chúa hiện diện trong đời và đang tiếp thêm sức mạnh cho con. Amen.
(5 Phút Lời Chúa)
++++++++++++++++++
Lời Chúa Trong Gia Đình
Gc 3, 1-10; Tin Mừng theo Thánh Mc 9, 2-13.
LỜI SUY NIỆM: Ở trên núi xuống, Đức Giêsu truyền cho các ông không được kể lại cho ai nghe những điều vừa thấy, trước khi Con Người từ cõi chết sống lại. Các ông tuân lệnh đó, nhưng vẫn bàn hỏi nhau xem câu “từ cõi chết sống lại” nghĩa là gì. (Mc 9, 9-10)
            Chúa Giêsu biêt ba môn đệ của Ngài sau khi đã chứng kiến sự tỏ mình của Ngài với ông Mô-sê và Êlia, vẫn còn bị ám ảnh bởi ý niệm về một Đấng Mêsia đầy sức mạnh và quyền năng, nên Ngài đã bảo các ông phải giữ kín. Các ông đã tuân lệnh đó. Nhưng trong tâm trí của các ông vẫn thắc mắc những gì đã thấy và đã nghe Chúa Giêsu báo về sự chết và sự sống lại. Các ông còn cần phải chứng kiến thập giá và phục sinh của Chúa Giêsu. Chính khi chứng kiến thập giá các ông mới hiểu được sứ vụ Mêsia của Ngài, và sự phục sinh của Ngài sẽ thuyết phục các ông  tin Ngài là Đấng Mêsia. Trong đời sống Ki-tô hữu của chúng ta, có khi chúng ta cũng đã bám riết vào những suy nghĩ, đường lối của riêng mình, mà không chịu nhìn thấy đường lối của Thiên Chúa.
Mạnh Phương
+++++++++++++++++
18 Tháng Hai
Hai Biển Hồ

Palestina có tới hai biển hồ... Hai biển hồ này hoàn toàn khác nhau. Một biển hồ thường được gọi là biển hồ Galilêa. Ðây là một biển hồ rộng lớn với nước trong xanh mà người ta có thể uống và cá cũng có thể sống trong đó. Xung quanh hồ này là những vườn cây và thảm cỏ xanh tươi. Nhà cửa cũng mọc lên rất nhiều xung quanh biển hồ này... Chúa Giêsu đã gặp gỡ với những người môn đệ đầu tiên của Ngài tại đây và Ngài cũng nhiều lần đi thuyền xuyên qua biển hồ này.
Biển hồ thứ hai tại Palestina là Biển Chết. Ðúng như tên gọi của nó, không có sự sống nào trong cũng như xung quanh biển hồ này. Nước mặn đến nỗi mà người cũng có thể trở thành bệnh hoạn nếu uống phải. Mùi hôi thối từ Biển Chết xông lên khiến không ai muốn sống gần đó.
Có điều kỳ lạ là hai biển hồ này đều nhận nước từ cùng một nguồn là sông Jordan. Nước sông Jordan chảy vào biển hồ Galilêa rồi từ đó tràn qua các hồ nhỏ và sông lạch khác. Hồ Galilêa nhận lãnh để rồi chia sẻ cho những hồ khác, nhờ đó nước của nó luôn luôn trong sạch và mang lại sức sống cho cây cỏ, muôn thú cũng như con người.
Biển Chết cũng nhận nước từ sông Jordan, nhưng nó giữ lấy riêng cho nó do đó nước của nó trở thành mặn chát và hôi thối.
Thánh Phaolô đãghi lại lời vàng ngọc của Chúa Giesu như sau: "Cho thì có phúc hơn nhận lãnh". Thật ra, càng trao ban, người ta càng nhận lãnh trở lại nhiều hơn.
Một đồng tiền kinh doanh là một đồng tiền sinh lợi. Một ánh lửa chia sẻ là một ánh lửa tỏa lan. Một vết dầu thả lỏng là một vết dầu loang. Ðôi môi có hé mở mới thu nhận được nhiều nụ cười. Bàn tay có mở rộng trao ban, tâm hồn mới tràn ngập vui sướng...
Càng trao ban, càng được nhận lãnh: đó là một định luật sống của con người trong mọi lĩnh vức. Tất cả con người chúng ta, tất cả sự sống của chúng ta, tất cả tài năng của chúng ta, tất cả những gì chúng ta có: tất cả đều do Chúa ban tặng. Thiên Chúa ban tặng tất cả cho chúng ta để chúng ta trao ban cho người khác và như vậy, chúng ta mới cảm nhận được hạnh phúc đích thực... Cũng như biển hồ Galilêa tiếp nhận nước từ dòng sông Jordan để rồi ban tặng cho những sông lạch xung quanh và nhờ đó, trở thành trong xanh tươi tốt, cũng thế, sự sống chúng ta lãnh nhận từ Thiên Chúa chỉ trở thành tươi tốt nếu nó được chia sẻ và trao ban cho người khác. Càng giữ lấy riêng cho mình, sự sống trong chúng ta sẽ héo tàn và chết dần chết mòn.
(Lẽ Sống)
++++++++++++++++++
Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Bảy Tuần VI TN2
Bài đọc: Jam 3:1-10; Mk 9:2-13.

1/ Bài đọc I:
1 Thưa anh em, đừng có nhiều người trong anh em ham làm thầy thiên hạ, vì anh em biết rằng chúng ta sẽ bị xét xử nghiêm khắc hơn.
2 Thật vậy, tất cả chúng ta thường hay vấp ngã. 3 Nếu ta tra hàm thiếc vào miệng ngựa để bắt chúng vâng lời, thì ta điều khiển được toàn thân chúng.
4 Anh em cũng hãy nhìn xem tàu bè: dù nó có to lớn, và có bị cuồng phong đẩy mạnh thế nào đi nữa, thì cũng chỉ cần một bánh lái rất nhỏ để điều khiển theo ý của người lái.
5 Cái lưỡi cũng vậy: nó là một bộ phận nhỏ bé của thân thể, mà lại huênh hoang làm được những chuyện to lớn. Cứ xem tia lửa nhỏ bé dường nào, mà làm bốc cháy đám rừng to lớn biết bao! 6 Cái lưỡi cũng là một ngọn lửa, là cả một thế giới của sự ác. Cái lưỡi có một vị trí giữa các bộ phận của thân thể chúng ta, nó làm cho toàn thân bị ô nhiễm, đốt cháy bánh xe cuộc đời, vì chính nó bị lửa hoả ngục đốt cháy.
7 Thật thế, mọi loài thú vật và chim chóc, loài bò sát và cá biển, thì loài người đều có thể chế ngự và đã chế ngự được. 8Nhưng cái lưỡi thì không ai chế ngự được: nó là một sự dữ không bao giờ ở yên, vì nó chứa đầy nọc độc giết người.
9 Ta dùng lưỡi mà chúc tụng Chúa là Cha chúng ta, ta cũng dùng lưỡi mà nguyền rủa những con người đã được làm ra theo hình ảnh Thiên Chúa. 10 Từ cùng một cái miệng, phát xuất lời chúc tụng và lời nguyền rủa. Thưa anh em, như vậy thì không được.

2/ Phúc Âm:

2 Sáu ngày sau, Đức Giê-su đem các ông Phê-rô, Gia-cô-bê và Gio-an đi theo mình. Người đưa các ông đi riêng ra một chỗ, chỉ mình các ông thôi, tới một ngọn núi cao. Rồi Người biến đổi hình dạng trước mắt các ông. 3 Y phục Người trở nên rực rỡ, trắng tinh, không có thợ nào ở trần gian giặt trắng được như vậy.
4 Và ba môn đệ thấy ông Ê-li-a cùng ông Mô-sê hiện ra đàm đạo với Đức Giê-su.
5 Bấy giờ, ông Phê-rô thưa với Đức Giê-su rằng: "Thưa Thầy, chúng con ở đây, thật là hay! Chúng con xin dựng ba cái lều, một cho Thầy, một cho ông Mô-sê, và một cho ông Ê-li-a." 6 Thực ra, ông không biết phải nói gì, vì các ông kinh hoàng.
7 Bỗng có một đám mây bao phủ các ông. Và từ đám mây, có tiếng phán rằng: "Đây là Con Ta yêu dấu, hãy vâng nghe lời Người." 8 Các ông chợt nhìn quanh, thì không thấy ai nữa, chỉ còn Đức Giê-su với các ông mà thôi. 9 Ở trên núi xuống, Đức Giê-su truyền cho các ông không được kể lại cho ai nghe những điều vừa thấy, trước khi Con Người từ cõi chết sống lại. 10 Các ông tuân lệnh đó, nhưng vẫn bàn hỏi nhau xem câu "từ cõi chết sống lại" nghĩa là gì. 11 Các ông hỏi Đức Giê-su: "Tại sao các kinh sư lại nói ông Ê-li-a phải đến trước?" 12 Người đáp: "Đúng thế, ông Ê-li-a đến trước để chỉnh đốn mọi sự. Vậy sao có lời chép rằng Con Người phải chịu nhiều đau khổ và bị khinh chê?
13 Nhưng Thầy nói cho anh em biết: ông Ê-li-a đã đến, và họ đã xử với ông theo ý họ muốn, như Sách Thánh đã chép về ông."

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ:
Tin Thiên Chúa đòi chúng ta phải chấp nhận đường lối của Ngài.

Niềm tin đòi hai chiều: Nếu chúng ta tin những gì người khác nói là thật, chúng ta phải làm những điều họ nói; chúng ta không thể “nói một đàng, làm một nẻo.” Ví dụ, vợ nói là tin chồng; nhưng lúc nào cũng đi sát bên chồng để xem chồng có thực sự chung thủy với mình hay không! Niềm tin của chúng ta vào Thiên Chúa cũng thế: Nếu chúng ta đã tuyên xưng niềm tin vào Thiên Chúa là chúng ta phải giữ những gì Ngài truyền.
Các bài đọc hôm nay tập trung trong việc thể niềm tin vào Thiên Chúa và vào tha nhân. Trong bài đọc I, thánh Giacôbê giúp chúng ta nhận ra những lợi ích và tai hại của cái lưỡi. Nếu con người biết tập luyện để điều khiển được chiếc lưỡi là con người làm chủ được họ. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu mang 3 môn đệ thân tín lên núi Thabor để cho họ nhìn thấy vinh quang đích thực của Ngài với các nhân nhứng lừng danh của Cựu Ước, Moses và Elijah. Mục đích của việc biến hình là để các ông tin Ngài là Thiên Chúa; và để giúp các ông sẵn sàng chấp nhận một Đấng Thiên Sai chịu đau khổ để cứu chuộc con người.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Cái lưỡi cũng là một ngọn lửa, là cả một thế giới của sự ác.
1.1/ Lưỡi là một con dao hai lưỡi: Lưỡi là một bộ phận tuy nhỏ bé, nhưng tiềm năng của nó vô cùng lớn lao. Sách Thánh Vịnh và Châm Ngôn là nguồn cung cấp cho chúng ta những lợi ích và tai hại của cái lưỡi. Chúng ta có thể sắp xếp những lợi ích và tai hại của chiếc lưỡi theo Sách Thánh Vịnh, Châm Ngôn, và Thư Giacôbê như sau.
(1) Lợi ích của cái lưỡi:
- để ngợi khen Thiên Chúa: Đây có lẽ là mục đích của chiếc lưỡi khi Thiên Chúa tạo nên chiếc lưỡi.
- để rao giảng Tin Mừng: Nhiều học giả cho ngôn sứ là miệng lưỡi của Thiên Chúa. Vì Thiên Chúa vô hình không có miệng, nên đã dùng ngôn sứ như miệng lưỡi của Ngài.
- để truyền bá kiến thức: Nhân loại sẽ nghèo nàn về đàng tinh thần vô cùng nếu không có những cái lưỡi của thầy cô, cha mẹ; nhất là trong quá khứ, khi nhân loại chưa có những phương tiện truyền thông hiện đại. Truyền miệng là cách thức phổ thông thời đó để truyền bá văn hóa.
- để xây dựng tha nhân: Một lời nói có suy nghĩ chân thành có thể vực dậy một người đang chán nản cuộc đời. Một lời dạy của Thiên Chúa hay của bậc thánh hiền có thể làm thay đổi cả đời người.
(2) Tai hại của cái lưỡi:
- để giết người: Cái lưỡi có thể giết người bằng cách cáo gian, bỏ vạ, hay làm hại thanh danh người khác. Biết bao nhiêu người bị tan tành sự nghiệp và thiệt thân vì những chiếc lưỡi đưa điều đặt chuyện. Biết bao nhiêu gia đình bị tan nát vì vợ hay chồng không kiểm soát được chiếc lưỡi của mình, nên đã thốt ra những lời thô tục có sức giết người, những chiếc lưỡi cằn nhằn, lải nhải suốt ngày làm cho người phối ngẫu không kìm hãm được tính nóng giận nên đã phải vào tù, ly dị hay thiệt mạng.
- để phô trương, khuyếch lác, khoe mình, kiêu ngạo: Lưỡi có thể vẽ ra những chuyện to lớn hoang đường mà không khi nào có trong thực tế! “Nó là một bộ phận nhỏ bé của thân thể, mà lại huênh hoang làm được những chuyện to lớn.”
- để làm sai lạc sự thật: nói đúng thành sai và nói sai thành đúng. Nhiều luật sư và chính trị gia sống vì cái lưỡi của họ.
1.2/ Phải học và tập luyện để xử dụng cái lưỡi cho đúng: Khi con người điều khiển được cái lưỡi, họ đã điều khiển được toàn thân thể con người. Thánh Giacôbê dùng hình ảnh chiếc hàm thiếc trong miệng ngựa: “Nếu ta tra hàm thiếc vào miệng ngựa để bắt chúng vâng lời, thì ta điều khiển được toàn thân chúng.” Con người phải chịu phán xét vì miệng lưỡi của mình.
Rất khó để chinh phục được cái lưỡi. Con người có thể chinh phục mọi sự, nhưng không thể chinh phục cái lưỡi: “Thật thế, mọi loài thú vật và chim chóc, loài bò sát và cá biển, thì loài người đều có thể chế ngự và đã chế ngự được. Nhưng cái lưỡi thì không ai chế ngự được: nó là một sự dữ không bao giờ ở yên, vì nó chứa đầy nọc độc giết người.”

2/ Phúc Âm: Chúa Giêsu biến hình trước mặt 3 môn đệ.
2.1/ Những gì xảy ra khi Chúa biến hình:
(1) Chúa Giêsu đàm đạo với ông Elijah cùng ông Moses: Elijah đại diện cho các tiên tri, và Moses đại diện cho Lề Luật. Họ đàm đạo về điều gì? Dựa vào câu hỏi của các Tông-đồ bên dưới: “Từ cõi chết sống lại nghĩa là gì,” chúng ta có thể đóan được họ nói về Cuộc Thương Khó sắp tới và sự sống lại từ cõi chết của Người. Trình thuật của Luca nói rõ: “Hai vị hiện ra, rạng ngời vinh hiển, và nói về cuộc xuất hành Người sắp hoàn thành tại Jerusalem” (Lk 9:31).
(2) Tiếng của Thiên Chúa Cha làm chứng về Chúa Giêsu: "Đây là Con Ta yêu dấu, hãy vâng nghe lời Người." Tiếng này đã được nói lần nhất khi Chúa Giêsu chịu phép rửa ở sông Jordan. Lời của Chúa Cha ở đây xác tín Cuộc Thương Khó Chúa Giêsu sắp trải qua, và nhắn nhủ các Tông-đồ phải tin vào những gì Chúa Giêsu nói với họ.
2.2/ Mục đích của việc biến hình: không những là để các môn đệ tin Ngài là Đấng Thiên Sai, mà còn tin Ngài phải ngang qua Cuộc Thương Khó để cứu chuộc con người. Các Tông-đồ dễ chấp nhận điều thứ nhất hơn là điều thứ hai, như chúng ta sẽ thấy phản ứng của họ trong 3 lần Chúa nói về Cuộc Thương Khó của Ngài.
(1) Sống lại từ cõi chết: “Đức Giêsu truyền cho các ông không được kể lại cho ai nghe những điều vừa thấy, trước khi Con Người từ cõi chết sống lại. Các ông tuân lệnh đó, nhưng vẫn bàn hỏi nhau xem câu "từ cõi chết sống lại" nghĩa là gì.” Tại sao Chúa Giêsu truyền cho các ông không được kể lại cho ai nghe Cuộc Biến Hình? Một lần nữa, điều này làm sáng tỏ lý do “bí mật của Đấng Thiên Sai” của Marcô. Truyền thống Do-thái không thể chấp nhận một Đấng Thiên Sai chịu đau khổ, nhất là phải chịu chết để chuộc tội cho con người. Họ có thể kể lại điều này sau khi Chúa sống lại từ cõi chết, như một bằng chứng: những gì Ngài đã nói đều được ứng nghiệm.
(2) Elijah đã đến: Chúa Giêsu có ý nói về Gioan Tẩy Giả và sự cầm tù cùng cái chết của ông bởi tay Vua Herode. Ngài cũng có ý nói cho các Tông-đồ biết, nếu họ đã đối xử như thế với người dọn đường, họ cũng đối xử với Ngài, Đấng Thiên Sai như vậy. Mặc dù Chúa Giêsu đã cho các Tông-đồ nhìn thấy và cắt nghĩa các ông tường tận, nhưng rất khó cho các môn đệ chấp nhận một Đấng Thiên Sai chịu đau khổ; vì không những các ông tin vào truyền thống, mà còn như hầu hết con người: không ai muốn theo con đường đau khổ cả!

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Hãy học cho biết cách xử dụng lưỡi để ca tụng Thiên Chúa, để rao giảng Tin Mừng, để loan truyền kiến thức, và để xây dựng cho nhau.
- Tin nơi Thiên Chúa đòi chúng ta phải thực hành những gì Ngài truyền. Nếu chúng ta nói tin vào Chúa và không thực thi những gì Thiên Chúa dạy, sự thật không có trong chúng ta.
- Rất nhiều lần chúng ta không thực hành những gì Thiên Chúa dạy, vì đó không phải là điều chúng ta mong muốn; nhưng làm theo những gì Thiên Chúa muốn sẽ đem lại kết quả tốt cho chúng ta.

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên OP
****************


Suy niệm:
Trong Tin Mừng Máccô, Đức Giêsu được tuyên bố là Con Thiên Chúa ba lần :
lúc chịu phép rửa (1, 11), lúc được biến hình (9, 7), và sau khi tắt thở (15, 39).
Trong cả ba lần này, Đức Giêsu đều ở trong thái độ vâng phục tự hạ.
Lần thứ nhất, khi ngài đứng chung với những tội nhân chịu phép rửa (1, 9).
Lần thứ hai, sau khi ngài tiên báo và chấp nhận cuộc Thương Khó (8, 31).
Lần thứ ba, sau khi ngài bị đóng đinh và chết trên thập giá (15, 39).
Như thế khi Đức Giêsu đi xuống đến cùng của phận người tội lụy
thì ngài lại được tôn vinh là Con Thiên Chúa.
Bài Tin Mừng hôm nay kể chuyện Đức Giêsu lên một ngọn núi cao.
Ngài chỉ đem theo ba môn đệ thân tín, Phêrô, Giacôbê và Gioan.
Ba ông này đã được thấy ngài hồi sinh con gái ông Giairô (5, 37),
và sẽ được ở bên ngài trong vườn Dầu sau này (14,33).
Đức Giêsu được biến hình trước mắt các ông, y phục ngài trắng tinh rực rỡ.
Cha đã muốn cho ba môn đệ thấy sự cao trọng thánh thiêng của Đức Giêsu,
vốn được ẩn dấu che khuất bởi bề ngoài rất đỗi bình thường.
Đức Giêsu biến hình không phải là đổi qua một hình khác,
mà là vén mở trong một thời gian ngắn
để cho ta thấy tư cách thần linh vẫn luôn luôn có nơi ngài.
Phêrô và các bạn ngây ngất trước cảnh tượng chưa từng thấy.
Hơn nữa, họ còn thấy ông Êlia và ông Môsê hiện ra trò chuyện với Đức Giêsu.
Hai ông này đã từng đàm đạo với Thiên Chúa trên núi (Xh 33,11; 1V 19, 8-18).
Bây giờ họ cũng đàm đạo với Đức Giêsu trên núi cao.
Phêrô chỉ muốn kéo dài giây phút tuyệt vời này mãi.
Ông đề nghị căng ba lều để ba vị ở lại đây luôn.
Có lẽ ông quên là Thầy Giêsu còn cả một con đường nhọc nhằn phải đi.
 “Đây là Con Ta yêu dấu, hãy nghe ngài” (c. 7).
Câu duy nhất của Chúa Cha nói với chúng ta trong Tin Mừng Máccô.
Cha giới thiệu cho ta Con của Cha, Cha mời gọi ta vâng nghe ngài.
Ba môn đệ chẳng thể ngờ rằng trên ngọn núi này
họ sẽ được bao phủ bằng sự hiện diện gần gũi của Thiên Chúa qua đám mây,
và tai họ được nghe thấy lời của chính Thiên Chúa nói.
Rồi đến lúc Thầy và các trò phải xuống núi.
Con người Thầy Giêsu trở lại như thường, y phục trở lại bình thường.
Thầy xuống núi này để chuẩn bị lên một ngọn núi khác.
Nhưng những gì diễn ra ở ngọn núi này thật là không thể quên.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu,
Chúa thường hay lên núi cầu nguyện.
Thỉnh thoảng xin dẫn con lên một ngọn núi cao
để con sống tình bạn với Chúa.
Xin cho con ngỡ ngàng khi chiêm ngắm khuôn mặt của Chúa,
khuôn mặt mà con tưởng mình đã quen biết từ lâu.
Chúa cho con thấy những nét đơn sơ để lòng con trở nên giản dị.
Chúa cho con thấy những nét hiền hậu để con biết thứ tha.
Chúa cho con gặp những nét sáng tươi
để con nở một nụ cười với cuộc sống.
Lạy Chúa, xin hãy cho con có kinh nghiệm lên núi với Chúa,
yêu thích sự cô tịch và thanh thoát, trầm lặng để lắng nghe.
Ước gì khoảng trời bao la trên đỉnh núi
nâng con lên khỏi những nhỏ mọn hàng ngày.
Và ước gì khi xuống núi,
con thấy mình mạnh mẽ hơn để đón lấy những gai góc của đời con.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J
Ngày 18

"Mẹ không hứa với con sẽ làm cho con được hạnh phúc trên thế gian này trong một thế giới khác" Đức Mẹ Lộ Đức đã nói với cô bé Benadet. Có phải qua câu này mà chúng ta có thể hiểu được các lời chúc phúc của Phúc Âm? Nơi trần gian này, chỉ có cực khổ và khổ đau, thế giới bên kia là niềm vui? Một quan niệm thật là kinh ngạc vì đưa đến cho Kitô giáo lời than trách là "thuốc phiện nhân dân"?
 
Thánh Luca đặt diễn từ của Đức Giêsu nơi đồng bằng chứ không phải trên núi. Có phải những lời chúc phúc chỉ dành cho những người được ưu tuyển ở trên cao hay không, còn ở dưới đất này, sống trong đời thường hằng ngày thì sao?
 
Các lời chúc phúc không phải là một lời hứa, nhưng là một tình trạng: "Phúc cho anh em" chứ không phải "anh em sẽ hạnh phúc". Chúa không hứa với các môn đệ, sau khi chấm dứt bị bách hại mà họ là đối tượng cho thù ghét, họ sẽ hạnh phúc. Người nói với họ: "Ngày mà người ta bách hại anh em, nhục mạ anh em, xóa tên anh em, ngày đó, anh em hãy vui mừng nhảy múa vì vui" (Lc 6,23).

G.M.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét