Thứ Tư Lễ Tro
Bài Ðọc I: Ge 2, 12-18
"Hãy xé tâm hồn chứ đừng xé áo các ngươi".
Trích sách Tiên tri Giôel.
Bấy giờ Chúa phán: Các ngươi hãy thật lòng trở về với Ta
trong chay tịnh, nước mắt và than van. Hãy xé tâm hồn, chớ đừng xé áo các
ngươi. Hãy trở về với Chúa là Thiên Chúa các ngươi, vì Người nhân lành và từ
bi, nhẫn nại, giầu lòng thương xót và biết hối tiếc về tai hoạ. Biết đâu Người
sẽ trở lại, sẽ hối tiếc và sẽ ban lại phần phúc để có của lễ hiến tế dâng lên
Chúa là Thiên Chúa các ngươi?
Hãy thổi kèn lên khắp Sion, hãy ra lệnh ăn chay, triệu tập
một đại lễ, quy tụ dân chúng, ra lệnh mở đại hội, tập họp các bô lão, quy tụ
các thiếu nhi và các trẻ còn măng sữa. Tân lang hãy ra khỏi nhà, và tân nương
hãy ra khỏi phòng. Các tư tế là những kẻ phụng sự Chúa, hãy đứng giữa cửa chính
và bàn thờ mà than khóc và kêu lên rằng: Lạy Chúa, xin thương xót dân Chúa, xin
đừng để cho cơ nghiệp Chúa phải hổ thẹn, đừng để các dân tộc thống trị nó. Tại
sao thiên hạ dám nói rằng: "Chúa của chúng ở đâu?" Chúa đã nhiệt thành
với xứ sở Người và đã tha thứ cho dân Người.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 50, 3-4. 5-6a. 12-13. 14 và 17
Ðáp: Lạy Chúa, nguyện thương con
theo lòng nhân hậu Chúa (x. c. 3a).
Xướng: 1) Lạy Chúa, nguyện thương con theo lòng nhân hậu
Chúa, xoá tội con theo lượng cả đức từ bi. Xin rửa con tuyệt gốc lỗi lầm, và tẩy
con sạch lâng tội ác. - Ðáp.
2) Vì sự lỗi con, chính con đã biết, và tội con ở trước mặt
con luôn; con phạm tội phản nghịch cùng một Chúa. - Ðáp.
3) Ôi lạy Chúa, xin tạo cho con quả tim trong sạch, và
canh tân tinh thần cương nghị trong người con. Xin đừng loại con khỏi thiên
nhan Chúa, chớ thu hồi Thánh Thần Chúa ra khỏi con. - Ðáp.
4) Xin ban lại cho con niềm vui ơn cứu độ, với tinh thần
quảng đại, Chúa đỡ nâng con. Lạy Chúa, xin mở môi con, để miệng con sẽ loan
truyền lời ca khen. - Ðáp.
Bài Ðọc II: 2 Cr 5, 20 - 6, 2
"Hãy làm hoà cùng Chúa đi... Bây giờ là cơ hội thuận
tiện".
Trích thư thứ hai của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu
Cô-rintô.
Anh em thân mến, chúng tôi đây là sứ giả của Ðức Kitô, chính
Thiên Chúa nhờ chúng tôi mà khích lệ anh em. Nhân danh Ðức Kitô, chúng tôi năn
nỉ anh em hãy làm hoà cùng Thiên Chúa. Ðấng không hề biết đến tội lỗi thì Thiên
Chúa đã làm Người thành thân tội vì chúng ta, để trong Người, chúng ta được trở
nên sự công chính của Thiên Chúa.
Với tư cách là những cộng sự viên của Người, chúng tôi
khuyên anh em đừng nhận lấy ơn của Thiên Chúa một cách vô hiệu. Quả thật Chúa
phán: "Dịp thuận tiện đến rồi, Ta đã nhậm lời ngươi, vào ngày giải thoát,
Ta đã cứu vớt ngươi". Bây giờ là cơ hội thuận tiện, giờ đây là ngày cứu
thoát.
Ðó là lời Chúa.
Câu Xướng Trước Phúc Âm: Tv 50, 12a và 14
Ôi lạy Chúa, xin tạo cho con quả tim trong sạch. Xin ban lại cho con niềm vui
ơn cứu độ.
Phúc Âm: Mt 6, 1-6. 16-18
"Cha ngươi, Ðấng thấu suốt mọi bí ẩn, sẽ trả công
cho ngươi".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Các
con hãy cẩn thận, đừng phô trương công đức trước mặt người ta để thiên hạ trông
thấy, bằng không các con mất công phúc nơi Cha các con là Ðấng ở trên trời. Vậy
khi các con bố thí, thì đừng thổi loa báo trước, như bọn giả hình làm ở nơi hội
đường và phố xá, để cho người ta ca tụng họ. Quả thật, Ta bảo các con, họ đã được
thưởng công rồi. Các con có bố thí, thì làm sao đừng để tay trái biết việc tay
phải làm, để việc con bố thí được giữ kín và Cha con, Ðấng thấu suốt mọi bí ẩn,
sẽ trả công cho con.
"Rồi khi các con cầu nguyện, thì cũng chớ làm như những
kẻ giả hình: họ ưa đứng cầu nguyện giữa hội đường và các ngả đàng, để thiên hạ
trông thấy. Quả thật, Ta bảo các con rằng: họ đã được thưởng công rồi. Còn con
khi cầu nguyện, thì hãy vào phòng đóng cửa lại mà cầu xin với Cha con, Ðấng ngự
nơi bí ẩn, và Cha con, Ðấng thấu suốt mọi bí ẩn, sẽ trả công cho con.
"Khi các con ăn chay, thì đừng làm như bọn giả hình
thiểu não: họ làm cho mặt mũi ủ dột, để có vẻ ăn chay trước mặt người ta. Quả
thật, Ta bảo các con, họ đã được thưởng công rồi. Còn con khi ăn chay, hãy xức
dầu thơm trên đầu và rửa mặt, để thiên hạ không biết con ăn chay, nhưng chỉ tỏ
ra cho Cha con, Ðấng ngự nơi bí ẩn, và Cha con thấu suốt mọi bí ẩn, sẽ trả công
cho con".
Ðó là lời Chúa.
Suy Niệm:
Bài Phúc
Âm hôm nay là những lời dạy bảo của Ðức Giêsu cho các môn đệ của Ngài và cũng
là cho tất cả chúng ta. Ngài phân tích rõ những việc làm phô trương của bọn người
giả hình. Những công việc họ làm, những luật lệ họ giữ, không phát xuất từ tấm
lòng yêu mến, mà chỉ vì lợi danh. Phần thưởng của họ không còn gì hơn là vinh
quang nơi trần thế. Còn người môn đệ Ðức Giêsu phải làm vì vinh quang Nước Trời.
Cầu Nguyện:
Lạy Chúa
là Ðấng từ bi nhân hậu, Chúa không muốn cho kẻ có tội phải chết, nhưng muốn họ
được ơn hối cải và được cứu. Vì thế, Chúa không ngừng dạy dỗ chúng con những
phương thế để trở nên trọn lành. Xin cho chúng con nhận biết mình chỉ là tro bụi
và sẽ trở về bụi tro. Trong Mùa Chay này, xin cho chúng con được sốt sắng tuân
giữ các giới luật của Chúa bằng tấm lòng yêu mến, hầu được ơn tha thứ và canh
tân đời sống, xứng đáng mừng mầu nhiệm Vượt Qua của Con Chúa. Chúng con cầu xin
nhờ Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng con. Amen.
Suy Niệm:
Các việc
đạo đức
Tại nhiều
nơi, cứ vào mùa tranh cử, người ta lại dễ dàng nhìn thấy những bảng hiệu ghi ơn
dân biểu này, nghị sĩ nọ, hoặc loan báo những công trình xây dựng của các nhân
vật chính trị. Dĩ nhiên, ai cũng hiểu đó là những vận động gián tiếp, những hứa
hẹn với dân chúng để hy vọng được bầu vào những chức vụ công quyền. Tâm thức và
lối hành xử thường tình của con người là như thế đó: làm việc tốt để kể công, để
được trọng vọng, khen thưởng. Người Kitô hữu cũng dễ bị cám dỗ để có tinh thần
khoe khoang kể công như trên vào đời sống đạo đức.
Tin Mừng
hôm nay ghi lại những lời dạy của Chúa Giêsu về tinh thần tu đức cần phải có, với
nguyên tắc sống đạo: đừng làm việc lành có ý phô trương cho người ta thấy. Theo
luật Môsê, bố thí, cầu nguyện, ăn chay là những việc lành cao quý, và người ta
thường tổ chức các việc đạo đức đó cách công khai để thúc đẩy nhiều người tham
gia. Chúa Giêsu không phản đối các việc đó, nhưng Ngài chỉ muốn người ta thực
hiện chúng với ý hướng mới, đó là làm vì lòng yêu mến và tìm đẹp lòng Chúa hơn
là để được người đời khen ngợi. Chẳng vậy, các việc đạo đức ấy có thể chỉ có
hình thức, đấy là chưa nói đến trường hợp có nhiều người làm bộ cầu nguyện lâu
giờ, ăn chay nhiều ngày, bố thí rộng rãi để dễ lừa gạt người khác.
Chúa Giêsu
cảnh giác chúng ta đề phòng thứ đạo đức vụ hình thức. Nhưng việc đạo đức tự nó
rất ích lợi cho bản thân, cho tha nhân và đáng được Thiên Chúa ban thưởng, với
điều kiện chúng được thực hiện với ý ngay lành. Chúng ta cần thực hành các việc
lành với ý hướng này, vì đó là lẽ sống, là niềm vui và là động lực cho cuộc đời
hy sinh phục vụ của chúng ta.
22/02/12 THỨ TƯ LỄ TRO
Mt 6,1-6.16-18
*****
SỐNG MÙA CHAY
“Khi anh làm việc lành phúc đức… cầu nguyện… ăn chay…Cha của
anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo.” (Mt 6,1.5.16)
Suy niệm: Hôm nay, Giáo Hội khai mạc Mùa Chay thánh, là nhịp mạnh
của đời sống đạo. Đây là thời gian Chúa tuôn đổ ân sủng và lòng từ bi chan chứa
trên con người tội lỗi. Trong mùa này, người Kitô hữu được mời gọi cùng Chúa
Kitô bước vào cuộc chiến đấu thiêng liêng chống lại ma quỷ, thế gian, xác thịt
(ba thù) bằng các phương thế siêu nhiên là cầu nguyện, chay tịnh và bác ái. Như
Chúa Kitô ở trong sa mạc bốn mươi ngày, người Kitô hữu cũng vào “sa mạc” của
lòng mình, để âm thầm, kín đáo duyệt lại và làm mới các mối tương quan: (1) với
Chúa: gắn bó hơn bằng việc cầu nguyện có phẩm và lượng; (2) với mình: kềm
hãm các đam mê, khát vọng bằng chay tịnh, khổ chế; (3) với tha nhân: yêu thương
hơn qua việc chia sẻ vật chất và tinh thần.
Mời Bạn: Mỗi năm, bạn có mùa Chay để canh tân các mối tương quan
trên. Bạn hãy tận dụng thời cơ: “Đây là lúc thuận tiện, đây là ngày cứu độ.” Ước
gì bạn đừng để mỗi ngày mùa Chay qua đi mà không tiến thêm một bước trên đường
thiêng liêng.
Chia sẻ: Nhóm, gia đình, đoàn thể tôi sẽ làm gì để sống mùa Chay
thánh này?
Sống Lời Chúa: Hôm nay tôi sẽ giữ chay cách nghiêm túc, để chứng tỏ
lòng tôi khao khát Chúa, muốn tiết chế dục vọng xác thịt để tinh thần vươn cao.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, hàng năm Chúa ban cho chúng con bốn mươi
ngày chay tịnh, để tôi luyện hồn xác chúng con. Xin giúp chúng con sống những
ngày khắc khổ này để học biết Đức Kitô, và dõi theo gương Người, hầu xứng đáng
hưởng ơn Người cứu độ. Amen.
(Lời nguyện Chúa Nhật I mùa Chay)
(5 Phút Lời Chúa)
++++++++++++++++++
Lời Chúa Trong Gia Đình
Lễ Tro; Gc 2, 12-18; 2Cr 5, 20-6,2; Tin Mừng theo Thánh Mt 6,
1-6.16-18.
LỜI SUY NIỆM: “Khi làm việc lành phúc
đức” anh em phải coi chừng, chớ có phô trương cho thiên hạ thấy. Bằng không,
anh em sẽ chẳng được Cha của anh em, Đấng ngự trên trời, ban thưởng. (Mt 6,1).
Thường thường con người sống trên trần gian này khi làm một điều gì tốt đẹp ai
ai cũng muốn có càng nhiều người biết, càng hãnh diện và cảm thấy sung sướng.
Theo Chúa Giêsu những người này đã được khen thưởng rồi, nhưng sự khen thưởng
này là của trần gian, Chúa Giêsu đang dạy chúng ta người được Thiên Chúa ban
thưởng chính là những người ăn chay đúng, bố thí đúng và cầu nguyện đúng. Chúa
Giêsu muốn trong đời sống Ki-tô hữu chúng ta cần phải ý thức khi làm bất cứ việc
gì đều hướng về tình yêu Thiên Chúa và vì yêu mến Thiên Chúa, khi đó chúng ta sẽ
được Thiên Chúa ban thưởng, không những đời sống về sau, mà còn được hưởng ngay
trong cuộc sống hiện tại.
Mạnh Phương
++++++++++++++++++
Gương Thánh Nhân
Ngày 22-02
KÍNH TÒA THÁNH PHÊRÔ TÔNG ĐỒ
Thánh Phêrô đã được Chúa Giêsu chọn làm thủ lãnh
hữu hình của Giáo hội. Phụng vụ muốn dành ngày hôm nay để tôn kính tòa thánh
Phêrô, đồng thời cũng tôn kính quyền tối thượng của đấng kế vị thánh Phêrô đã ở
tại Antiokia. Bởi đó trước kia có hai lễ riêng biệt để kính toà thánh Phêrô một
tại Roma. Nhưng cả hai lễ đều mang cùng một ý nghĩa nên ngày nay phụng vụ kính
chung trong một lễ "kính tòa thánh Phêrô".
Trong Giáo hội sơ khai, các Kitô hữu, nhất là
bên Đông phương thường mừng ngày giáp năm chịu phép rửa tội. Vào ngày này họ lặp
lại lời khấn hứa khi chịu phép rửa tội và cảm tạ Thiên Chúa đã nhận mình vào số
con cái người.
Họ gọi ngày này là sinh nhật thiêng liêng của
mình. Hợp với thực hành thánh thiện này, các giám mục cũng mừng ngày thụ phong
của các Ngài. Sau khi các giám mục qua đời, dân chúng thường kính nhớ ngày thụ
phong của các Ngài. Đó là nguồn gốc các ngày lễ kính tòa thánh Phêrô tại
Antiokia và tại Roma.
Chúng ta vui mừng với lễ kính này, để tôn kính
việc cất nhắc vị thủ lãnh các tông đồ lên làm mục tử Giáo hội chiến đấu và để
quyết tâm hiệp nhất với Ngài bằng giây liên kết đức tin, đức cậy và đức mến.
(Daminhvn.com)
+++++++++++++++++
22 Tháng Hai
Lầm Lỗi Là Chuyện Thường
Hôm nay kỷ niệm ngày
sinh của George Washington, vị tổng thống đầu tiên của Hiệp chủng quốc Hoa Kỳ.
Con người đã có công đưa nước Mỹ đến độc lập, tự do và phồn thịnh ấy nổi tiếng
là người nóng nảy, nhưng luôn biết phục thiện và yêu sự thanh liêm. Ngay từ lúc
thiếu thời, ông đã tỏ ra là người đơn thành và sẵn sàng nhận lỗi của mình...
Ngày kia, cậu bé George
được trao cho một con dao để ra vườn làm cỏ. Trong vườn có một cây anh đào nhỏ
mà cha mẹ cậu rất quý. Chưa phân biệt được thế nào là cỏ dại thế nào là cây
trái, George đã chặt đứt cây anh đào vô cùng qúy giá của cha mẹ mình.
Cha của George đau lòng
nhìn thấy cây anh đào đổ xuống mặt đất. Ông đã thoáng nghi George là thủ phạm,
nên mới hỏi cậu: "Con có biết ai là người đốn hạ cây anh đào không? Cha không
muốn thấy điều đó lập lại một lần nữa...". George suy nghĩ một lúc và trả
lời: "Chính con là người đã đốn cây anh đào. Cha cứ phạt con đi".
Và George ngạc nhiên vô
cùng khi nghe cha cậu trả lời: "Ðiều con vừa làm là một điều sai
trái.Nhưng con đã chữa được điều sai trái đó khi dám nói lên sự thật. Cha đánh
giá lòng can đảm và sự thành thật của con cao hơn là trăm nghìn những cây đẹp
như thế...".
Không ai trong chúng ta,
đặc biệt là tuổi trẻ, mà lại không sống với hy vọng tốt đẹp hơn trong tương
lai. Nhưng phải thành thật mà nói thì cuộc đời không phải lúc nào cũng là con
đường trải hoa, vì nhiều lần chúng ta gặp hoàn cảnh vô cùng tệ hại. Ðố với nhiều
người, dường như hy vọng về những điều tốt đẹp chỉ thành tựu trong mơ mộng mà
thôi và thực tế rất phũ phàng.
Tuổi trẻ đi qua rất
nhanh. Ngày tháng trôi qua, chúng ta chẳng mấy chốc già đi. Tóc trên đầu chúng
ta mỗi lúc một điểm thêm nhiều muối tiêu. Sau khoảng 45, mỗi lần nhìn vào trong
gương, chúng ta giật mình thấy mình già mau quá. nhìn lại tập ảnh của gia đình,
lắm khi chúng ta không có can đảm ngắm lâu hơn. Chẳng những gương mặt, mái tóc
bên ngoài, mà tuổi già còn gặp nhiều hạn chế hơn tuổi trẻ. Những môn thể thao
trước kia ưa thích, nay không còn đủ sức để chơi nữa. Cặp mắt sắc sảo đã phải
đeo thêm kính mới đọc được sách. Khi bước vào lớp tuổi 60 trở lên, bước đi của
chúng trỏe nên chậm chạp hơn. Trí nhớ mỗi lúc một ra kém cỏi...
Tuổi trẻ là một chuỗi những
vấp ngã, tuổi già là những tháng ngày để ân hận và hối tiếc khi chợt nhận ra giới
hạn của mình. Cuộc đời là thế. Chúng ta có nên bi quan không?
Người Kitô chúng ta luôn
được mời gọi để sống hy vọng. Ðổ vỡ, thất bại không phải là những ngõ cụt trong
cuốc sống, nhưng phải là bàn đạp để chúng ta vươn cao hơn. Cuộc đời không phải
là một chuỗi ngày giữa chiếc nôi và ngôi mộ. Cuộc đời là một hành trình đi từ
chỗ hữu hạn đến chỗ vô hạn, từ chỗ tuyệt vọng đến chỗ đầy hy vọng. Và cuối cùng
cánh cửa của sự chết mà chúng ta rồi đây sẽ bước qua chỉ là một khúc quanh của
cuộc hành trình này mà thôi...
(Lẽ Sống)
++++++++++++++++++
Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Tư Lễ Tro, Mùa Chay
Bài đọc: Joel
2:12-18; II Cor 5:20-6:2; Mt 6:1-6, 16-18.
1/ Bài đọc I:
12 Đây
là sấm ngôn của Đức Chúa: "Nhưng ngay cả lúc này, các ngươi hãy hết lòng
trở về với Ta, hãy ăn chay, khóc lóc, và thống thiết than van." 13 Đừng xé áo, nhưng hãy xé lòng. Hãy trở
về cùng Đức Chúa là Thiên Chúa của anh em, bởi vì Người từ bi và nhân hậu, chậm
giận và giàu tình thương, Người hối tiếc vì đã giáng hoạ. 14 Biết đâu Người chẳng nghĩ lại và hối
tiếc mà để lại phúc lành, hầu anh em có lễ phẩm và lễ tưới rượu dâng lên Đức
Chúa là Thiên Chúa của anh em.
15 Hãy
rúc tù và tại Xi-on, ra lệnh giữ chay thánh, công bố mở cuộc họp long trọng; 16 hãy tụ tập chúng dân, mời dự đại hội
thánh, triệu tập các cụ già, tụ họp đám thiếu nhi cũng như trẻ thơ còn đang bú.
Tân lang hãy ra khỏi loan phòng, tân nương hãy rời bỏ phòng khuê! 17 Giữa tiền đình và tế đàn, các tư tế phụng
sự Đức Chúa hãy than khóc và nói rằng: "Lạy Đức Chúa, xin dủ lòng thương
xót dân Ngài! Xin đừng để gia nghiệp của Ngài phải nhục nhã và nên trò cười cho
dân ngoại! Chẳng lẽ các dân lại được cớ mà nói: Thiên Chúa của chúng ở đâu rồi?" 18 Đức Chúa đã nồng nhiệt yêu thương đất
của Người, đã tỏ lòng khoan dung đối với dân Người. Tai ương chấm dứt và dân được
giải thoát.
2/ Bài Đọc II:
20 Vì
thế, chúng tôi là sứ giả thay mặt Đức Ki-tô, như thể chính Thiên Chúa dùng
chúng tôi mà khuyên dạy. Vậy, nhân danh Đức Ki-tô, chúng tôi nài xin anh em hãy
làm hoà với Thiên Chúa. 21 Đấng chẳng hề biết tội là gì, thì
Thiên Chúa đã biến Người thành hiện thân của tội lỗi vì chúng ta, để làm cho
chúng ta nên công chính trong Người. 1 Vì được cộng tác với Thiên Chúa, chúng
tôi khuyên nhủ anh em: anh em đã lãnh nhận ân huệ của Thiên Chúa, thì đừng để
trở nên vô hiệu.
2 Quả
thế, Chúa phán rằng: Ta đã nhận lời ngươi vào thời Ta thi ân, phù trợ ngươi
trong ngày Ta cứu độ. Vậy, đây là thời Thiên Chúa thi ân, đây là ngày Thiên
Chúa cứu độ.
3/ Phúc Âm:
1 "Khi
làm việc lành phúc đức, anh em phải coi chừng, chớ có phô trương cho thiên hạ
thấy. Bằng không, anh em sẽ chẳng được Cha của anh em, Đấng ngự trên trời, ban
thưởng.
2 Vậy
khi bố thí, đừng có khua chiêng đánh trống, như bọn đạo đức giả thường biểu diễn
trong hội đường và ngoài phố xá, cốt để người ta khen. Thầy bảo thật anh em,
chúng đã được phần thưởng rồi. 3 Còn anh, khi bố thí, đừng cho tay trái
biết việc tay phải làm, 4 để việc anh bố thí được kín đáo. Và
Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh.
5 "Và
khi cầu nguyện, anh em đừng làm như bọn đạo đức giả: chúng thích đứng cầu nguyện
trong các hội đường, hoặc ngoài các ngã ba ngã tư, cho người ta thấy. Thầy bảo
thật anh em: chúng đã được phần thưởng rồi. 6 Còn anh, khi cầu nguyện, hãy vào
phòng, đóng cửa lại, và cầu nguyện cùng Cha của anh, Đấng hiện diện nơi kín đáo.
Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh. 16 "Còn khi ăn chay, anh em chớ làm
bộ rầu rĩ như bọn đạo đức giả: chúng làm cho ra vẻ thiểu não, để thiên hạ thấy
là chúng ăn chay. Thầy bảo thật anh em, chúng đã được phần thưởng rồi. 17 Còn anh, khi ăn chay, nên rửa mặt cho
sạch, chải đầu cho thơm,
18 để
không ai thấy là anh ăn chay ngoại trừ Cha của anh, Đấng hiện diện nơi kín đáo.
Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ:
Lòng thương xót của Thiên Chúa và tội lỗi của
con người
Mùa Chay nhắc nhở con người
nhiều điều: Thân phận mỏng giòn của con người qua nghi thức xức tro: “Hãy nhớ
mình là bụi đất và sẽ trở về bụi đất!” Hay tính yếu đuối và tội lỗi của con người:
“Hãy ăn năn xám hối và tin vào Tin Mừng!” Tuy nhiên, tình thương của Thiên Chúa
lớn hơn những tội lỗi mà con người xúc phạm; Ngài sẵn sàng tha thứ tất cả nếu
con người biết ăn năn xám hối.
Các Bài Đọc cho chúng ta
những khía cạnh khác nhau của Mùa Chay. Trong Bài Đọc I, tiên-tri Joel nhắc nhở
con người chú ý đến hai khía cạnh: hãy xé lòng chứ đừng xé áo và chiều kích cộng
đồng của việc xám hối. Trong Bài Đọc II, thánh Phaolô nhấn mạnh đến sự thuận tiện
của thời gian để con người làm hòa với Thiên Chúa. Trong Phúc Âm, thánh Matthêu
chú trọng đến 3 cột trụ của Mùa Chay: ăn chay, cầu nguyện, và làm các việc lành
phúc đức.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Hãy xé lòng chứ đừng xé áo.
1.1/ Hãy ăn chay, khóc
lóc, và thống thiết than van: Để con người được tha tội, họ cần 2 điều kiện căn
bản sau đây:
(1) Tin Thiên Chúa là Đấng
giàu lòng thương xót: Ngài sẽ tha thứ mọi lỗi lầm con người đã phạm. Con người
phải tin vào sự thật này trước khi có thể ăn năn trở lại. Sự thật này được nhắc
lại nhiều lần trong Sách Tiên Tri và là hy vọng của dân trong Thời Lưu Đày.
(2) Phải hết lòng hết dạ
trở về với Thiên Chúa: Tiên tri Joel nhấn mạnh đến chiều kích trong tâm hồn: “Đừng
xé áo, nhưng hãy xé lòng… hãy ăn chay, khóc lóc, và thống thiết than van.”
Thiên Chúa là Đấng thấu suốt mọi sự trong tâm hồn, những lễ nghi hay hành động
hời hợt bên ngòai sẽ không đủ để được Ngài tha thứ.
1.2/ Chiều kích cộng đồng
của tội lỗi: Ngòai chiều kích cá nhân, tội lỗi còn mang tính cộng đồng; vì
Thiên Chúa muốn con người sống chung và nâng đỡ nhau ngay từ đầu khi Ngài tạo dựng
con người. Vì thế, khi xét mình, con người không chỉ xét những tội cố tình phạm,
mà còn những tội vô tình quên như: bổn phận phải giúp đỡ người khác (7 mối phần
hồn cũng như 7 mối phần xác). Tiên tri Joel nhấn mạnh đến chiều kích cộng đồng
trong Bài Đọc hôm nay: “Hãy rúc tù và tại Sion, ra lệnh giữ chay thánh, công bố
mở cuộc họp long trọng; hãy tụ tập chúng dân, mời dự đại hội thánh, triệu tập
các cụ già, tụ họp đám thiếu nhi cũng như trẻ thơ còn đang bú. Tân lang hãy ra
khỏi loan phòng, tân nương hãy rời bỏ phòng khuê!” Tiên tri Jonah còn đi xa
hơn, khi tường thuật Vua Nineveh ra lệnh không những cho con người, mà ngay cả
những súc vật cũng phải ăn chay đền tội (Joh 3:7-8).
Khi hội đủ 2 điều kiện
trên, Thiên Chúa sẽ tha thứ tội vạ cho dân và sẽ tiếp tục săn sóc và bảo vệ họ:
“Đức Chúa đã nồng nhiệt yêu thương đất của Người, đã tỏ lòng khoan dung đối với
dân Người. Tai ương chấm dứt và dân được giải thoát.”
2/ Bài đọc II:
Đây là thời Thiên Chúa
thi ân, đây là ngày Thiên Chúa cứu độ.
2.1/ Hãy làm hoà với
Thiên Chúa: Hai lý do để con người phải làm hòa với Thiên Chúa: (1) Tất cả đều
đã phạm tội; và (2) Đức Kitô đã chết để gánh tội cho con người: “Đấng chẳng hề
biết tội là gì, thì Thiên Chúa đã biến Người thành hiện thân của tội lỗi vì
chúng ta, để làm cho chúng ta nên công chính trong Người.”
2.2/ Đây là thời gian thuận
tiện: Con người lệ thuộc vào thời gian, phần hồn cũng như phần xác. Con người
phải lệ thuộc thời gian về phần xác, khi con người phải chờ thời để gieo cũng
như gặt. Con người phải lệ thuộc thời gian về phần hồn như giữ ngày Sabbath, Lễ
Tuần, Năm Thánh, hay Năm Đại Thánh.
Mỗi năm khi Mùa Chay tới,
Mẹ Giáo Hội nài nỉ và khuyến khích các tín hữu hãy ăn năn xám hối và quay về với
Thiên Chúa như Thánh Phaolô khuyên nhủ các tín hữu của Ngài: “Anh em đã lãnh nhận
ân huệ của Thiên Chúa, thì đừng để trở nên vô hiệu.” Mùa Chay là mùa hồng phúc,
mùa Thiên Chúa giáng phúc thi ân, mùa con người có cơ hội nhìn lại và định vị
cuộc đời để biết mình đang ở đâu trong hành trình về nhà Cha trên trời. Nếu đã
đi trật đường, Mùa Chay cung cấp cho con người bẻ lái cho đúng hay kịp thời
quay đầu trở lại.
3/ Phúc Âm: Ba cột trụ của Mùa Chay
(1) Làm việc lành phúc đức:
Vì chiều kích cộng đòan của tội, con người cũng phải đền bù tội bằng việc làm
những việc lành phúc đức: giúp đỡ người nghèo khó, thăm viếng bệnh nhân và tù
nhân, khuyên bảo tội nhân quay về với Chúa…
Khi làm những việc lành
phúc đức này, Chúa Giêsu dạy: “Anh em phải coi chừng, chớ có phô trương cho
thiên hạ thấy. Bằng không, anh em sẽ chẳng được Cha của anh em, Đấng ngự trên
trời, ban thưởng.”
(2) Cầu nguyện: không thể
thiếu trong đời sống hằng ngày của các Kitô hữu. Tuy nhiên, họ phải gia tăng việc
cầu nguyện trong Mùa Chay vì là Mùa kỷ niệm Cuộc Thương Khó của Đức Kitô, Đấng
đã hy sinh đổ máu để chuộc tội cho con người. Hơn nữa, Mùa Chay cũng là mùa
giúp con người nhìn lại cuộc đời, con người cần nhiều thời gian để xét mình và
ăn năn xám hối xin Chúa tha thứ các tội đã xúc phạm đến Ngài.
Khi cầu nguyện, Chúa
Giêsu dạy: "Anh em đừng làm như bọn đạo đức giả: chúng thích đứng cầu nguyện
trong các hội đường, hoặc ngoài các ngã ba ngã tư, cho người ta thấy. Thầy bảo
thật anh em: chúng đã được phần thưởng rồi. Còn anh, khi cầu nguyện, hãy vào
phòng, đóng cửa lại, và cầu nguyện cùng Cha của anh, Đấng hiện diện nơi kín
đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh.”
(3) Ăn chay: không phải là chỉ đơn giản bớt ăn
uống, nhưng còn phải để ý đến ý hướng của việc ăn chay. Trước tiên, ăn chay là
để cho mọi người đều có của ăn, chứ không phải ăn chay để tiết kiệm tiền; vì thế,
những gì chúng ta không ăn, phải được phân phát cho những người đang cần của
ăn. Ngòai ra, chúng ta cũng cần ăn chay con mắt để đừng nhìn những sự chẳng nên
nhìn; ăn chay trí óc để đừng có những ao ước bất chính hại người; ăn chay miệng
lưỡi để đừng đưa điều đặt chuyện làm thiệt hại danh giá của tha nhân.
Khi ăn chay, Chúa Giêsu dạy: "Anh em chớ
làm bộ rầu rĩ như bọn đạo đức giả: chúng làm cho ra vẻ thiểu não, để thiên hạ
thấy là chúng ăn chay. Thầy bảo thật anh em, chúng đã được phần thưởng rồi. Còn
anh, khi ăn chay, nên rửa mặt cho sạch, chải đầu cho thơm, để không ai thấy là
anh ăn chay ngoại trừ Cha của anh, Đấng hiện diện nơi kín đáo. Và Cha của anh,
Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh.”
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Mùa Chay nhắc nhở chúng ta tình thương Thiên
Chúa qua việc trao ban Người Con Một để gánh tội cho chúng ta. Hãy biết sống xứng
đáng với tình thương này.
- Việc cần thiết nhất mỗi người phải làm trong
Mùa Chay là hòa giải với Thiên Chúa qua Bí-tích Giao Hòa để lãnh nhận ơn tha thứ.
- Chúng ta phải làm cho đời sống thiêng liêng
trở nên vững mạnh qua việc làm cho 3 cột trụ của Mùa Chay trở nên vững chắc: ăn
chay, cầu nguyện, và làm các việc lành phúc đức.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên OP
****************
Suy niệm:
Cần ăn chay với mục
đích cao thượng:
Bài Tin Mừng cho thấy
những người ăn chay, hay làm bất kỳ một hành động tốt nào với mục đích để được
người đời khen ngợi, ca tụng, thì việc ấy sẽ không có giá trị trước mặt Thiên
Chúa. Ngài không ân thưởng cho những hành động ấy, vì họ đã được phần thưởng rồi.
Để việc ăn chay hay bất kỳ hành động tốt nào có giá trị trước mặt Thiên Chúa,
thì việc tiên quyết là phải làm việc ấy với động lực yêu thương, nghĩa là với mục
đích cuối cùng là phụng sự Thiên Chúa, thánh hóa bản thân, hay phục vụ tha
nhân, nghĩa là phải ăn chay với những mục đích đã kể trên. Thật vậy, thánh
Phaolô nói: “Giả như tôi có đem hết gia tài cơ nghiệp mà bố thí, hay nộp cả
thân xác tôi để chịu thiêu đốt, mà không có tình yêu, thì cũng chẳng ích gì cho
tôi” (1Cr 13,3).
Theo tinh thần câu
Kinh Thánh này, nếu tôi ăn chay, hãm mình, thậm chí làm ân làm phúc, bố thí cho
người khác, không phải vì tình yêu thương, mà vì một động lực nào khác, như để
được tiếng khen là ngoan đạo, hay chỉ để chu toàn luật Giáo Hội một cách nô lệ,
sợ sệt (nghĩa là một cách miễn cưỡng, không làm thì sợ bị Chúa phạt), để không
bị ai chê mình là khô đạo, là thiếu đạo đức, v.v… thì việc ăn chay đó chẳng mấy
đẹp lòng Thiên Chúa, chẳng có giá trị lắm trước Thiên Chúa.
Thật vậy, nhiều Kitô
hữu ăn chay chỉ vì luật buộc, nên việc ăn chay của họ chỉ hoàn toàn là hình thức.
Ngày thứ ba trước đó và thứ năm sau đó, họ ăn cho thật nhiều, thật ngon, thật bổ,
để bù cho việc nhịn ăn ngày thứ tư. Vì thế, thứ ba đó gọi là “thứ ba béo”
(mardi gras). Việc ăn bù trước và sau thứ tư lễ tro khiến cho lượng thực phẩm
và chất bổ ăn trong ba ngày đó còn cao hơn ba ngày bình thường khác cộng lại.
Nếu ăn chay chỉ vì luật
Giáo Hội buộc phải ăn chay, thì như thế là ăn chay vì lề luật chứ không phải vì
tình yêu. Điều đó không làm cho ta nên công chính trước mặt Thiên Chúa chút
nào. Thánh Phaolô viết: Anh em mà tìm sự công chính trong Lề Luật, là anh em đoạn
tuyệt với Đức Kitô và mất hết ân sủng (Gl 5,4). Nếu ăn chay chỉ vì Giáo Hội buộc
phải ăn chay, thì ta sẽ chỉ ăn chay một cách hình thức, lấy lệ, không có nội
dung tinh thần. Việc đi dâng lễ các ngày Chúa Nhật cũng vậy: nếu chỉ đi lễ để
khỏi lỗi luật Giáo Hội, để khỏi mắc tội trọng, chứ chẳng phải đi vì yêu mến
Thiên Chúa, thì giá trị việc đi lễ ấy trước mặt Thiên Chúa thật là ít!
Ăn chay để có phương
tiện phục vụ Thiên Chúa và tha nhân:
Ăn chay, theo nghĩa
đen, chính là tự nguyện nhịn ăn hoàn toàn hay ăn ít hơn bình thường. Ăn chay,
theo nghĩa rộng hơn, không chỉ là tự nguyện nhịn ăn, mà còn là tự nguyện nhịn
tiêu xài ăn mặc, chấp nhận sống kham khổ hơn, thiếu thốn hơn. Như thế việc ăn
chay sẽ khiến ta dư ra một chút tiền hay chút thức ăn.
Chút tiền hay thức ăn
dư ra ấy nên dùng làm gì?
Nếu ta lại cất tiền
hay thức ăn ấy vào tủ để mai mốt đem ra dùng, thì việc ăn chay ấy có ích lợi
cho ai đâu! Ăn chay như thế thì chẳng phải vì yêu thương chút nào! Ăn chay như
thế có khác nào một hành vi tiết kiệm hay hà tiện? Số tiền hay thức ăn tiết kiệm
được do ăn chay cần được dành để lo việc Chúa, việc Giáo Hội (như truyền giáo,
nâng đỡ đời sống các giáo lý viên, những người tình nguyện không công phục vụ
nhà thờ…), để xây dựng xã hội (lập các bệnh viện, trường học, cơ sở từ thiện…)
hay cho việc giúp đỡ tha nhân (những người nghèo khổ, bệnh tật, tàn tật…). Có
như thế, việc ăn chay mới có ý nghĩa bác ái, yêu thương, và nhờ vậy trở nên giá
trị hơn trước Thiên Chúa.
Thiết tưởng trong thời
đại chúng ta – con người trở nên rất gần nhau nhờ những phương tiện giao thông
và truyền thông hết sức tân tiến. Việc ăn chay phải mang chiều kích xã hội và
Giáo Hội hơn bao giờ hết. Nói cách khác, việc ăn chay phải nhằm xây dựng Nước
Trời ở trần gian này, nghĩa là phải biến việc ăn chay thành một phong cách sống
nhằm xây dựng xã hội hay Giáo Hội ngày càng tốt đẹp hơn, càng có nhiều công lý
và tình thương hơn.
Mùa chay là những
ngày thánh, vì là thời thuận tiện, là ngày cứu độ. Thiên Chúa lúc nào cũng sẵn
sàng ban ơn cứu độ với điều kiện con người phải chuẩn bị tâm hồn để đón nhận.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa, xin ban cho
chúng con bắt đầu cuộc chiến thiêng liêng này bằng ngày chay tịnh hôm nay. Ước
gì những kiêng khem, hãm mình của chúng con giúp chúng con nên dũng mạnh để chiến
đấu với sự dữ. Amen.
Suy niệm:
Cứ đến Thứ Tư Lễ Tro là chúng ta lại được nghe bài Tin Mừng này.
Đức Giêsu nói đến ba việc đạo đức quan trọng của người Do Thái:
cầu nguyện, bố thí, ăn chay.
Chẳng phải cứ đợi đến Mùa Chay chúng ta mới làm ba việc đó.
Nhưng Mùa Chay là thời gian thuận lợi để ta tập trung chú ý hơn.
Đức Giêsu nói đến ba việc đạo đức quan trọng của người Do Thái:
cầu nguyện, bố thí, ăn chay.
Chẳng phải cứ đợi đến Mùa Chay chúng ta mới làm ba việc đó.
Nhưng Mùa Chay là thời gian thuận lợi để ta tập trung chú ý hơn.
Tập trung vào cầu nguyện là làm mới lại tương quan với Thiên Chúa,
từ bỏ những gì làm tôi xa Chúa và dứt bỏ mọi tội lỗi quen phạm.
Tập trung vào bố thí là chia sẻ của cải cho những người nghèo hơn,
tự nguyện bỏ bớt một phần tiện nghi để giúp những ai đói khổ.
Tập trung vào chay tịnh là làm cho thân xác, tâm hồn mình trở nên nhẹ nhàng,
thoát khỏi những kéo xuống nặng nề, những cám dỗ sống hưởng thụ, ích kỷ.
Cả ba việc này có tương quan chặt chẽ với nhau.
Khi làm tốt một việc, ta sẽ dễ làm hai việc còn lại hơn.
từ bỏ những gì làm tôi xa Chúa và dứt bỏ mọi tội lỗi quen phạm.
Tập trung vào bố thí là chia sẻ của cải cho những người nghèo hơn,
tự nguyện bỏ bớt một phần tiện nghi để giúp những ai đói khổ.
Tập trung vào chay tịnh là làm cho thân xác, tâm hồn mình trở nên nhẹ nhàng,
thoát khỏi những kéo xuống nặng nề, những cám dỗ sống hưởng thụ, ích kỷ.
Cả ba việc này có tương quan chặt chẽ với nhau.
Khi làm tốt một việc, ta sẽ dễ làm hai việc còn lại hơn.
Ăn chay giúp chúng ta hàn gắn lại tình bạn với Chúa,
và lớn lên trong sự thân mật đối với Ngài.
Ăn chay giúp ta tránh tội và tránh mọi thứ dẫn đến tội.
Ăn chay là thoát ra khỏi sự thèm muốn tự nhiên về cơm bánh vật chất,
để nếm cảm sự cần thiết của tấm bánh tinh thần.
Nhờ ăn chay con người thấy mình được tự do hơn để sống theo ý Chúa.
Khi chịu đói nơi thân xác, chúng ta sẽ thấy tim mình đói khát Thiên Chúa
và mong Ngài đến với ta để làm ta mãn nguyện.
Nhưng ăn chay cũng giúp ta mở mắt trước tình cảnh thiếu thốn của tha nhân.
Nhờ ăn chay, chúng ta không còn sống cho chính mình nữa,
nhưng biết sống cho Chúa và tha nhân.
và lớn lên trong sự thân mật đối với Ngài.
Ăn chay giúp ta tránh tội và tránh mọi thứ dẫn đến tội.
Ăn chay là thoát ra khỏi sự thèm muốn tự nhiên về cơm bánh vật chất,
để nếm cảm sự cần thiết của tấm bánh tinh thần.
Nhờ ăn chay con người thấy mình được tự do hơn để sống theo ý Chúa.
Khi chịu đói nơi thân xác, chúng ta sẽ thấy tim mình đói khát Thiên Chúa
và mong Ngài đến với ta để làm ta mãn nguyện.
Nhưng ăn chay cũng giúp ta mở mắt trước tình cảnh thiếu thốn của tha nhân.
Nhờ ăn chay, chúng ta không còn sống cho chính mình nữa,
nhưng biết sống cho Chúa và tha nhân.
Ăn chay giúp ta chế ngự được tính ích kỷ làm ta co lại,
nhờ đó ta có thể mở lòng ra trước nhu cầu của anh chị em mình
và chia sẻ cho họ điều mình đã tiết kiệm được từ ăn chay.
Ngay cả một người có hai áo cũng có thể chia sẻ được cho người trần trụi.
Người chỉ còn vài lon gạo cũng có thể chia cho người đang đói.
Chúng ta đã bắt đầu cuộc hành trình 40 ngày Mùa Chay.
Không phải chỉ là ăn chay, mà là sống chay.
Chay tịnh phải là một thái độ thấm vào cuộc sống.
Khi bớt nuông chiều những đòi hỏi ngày càng nhiều của thân xác,
chúng ta sẽ thắng được những cám dỗ của thèm muốn vô độ.
nhờ đó ta có thể mở lòng ra trước nhu cầu của anh chị em mình
và chia sẻ cho họ điều mình đã tiết kiệm được từ ăn chay.
Ngay cả một người có hai áo cũng có thể chia sẻ được cho người trần trụi.
Người chỉ còn vài lon gạo cũng có thể chia cho người đang đói.
Chúng ta đã bắt đầu cuộc hành trình 40 ngày Mùa Chay.
Không phải chỉ là ăn chay, mà là sống chay.
Chay tịnh phải là một thái độ thấm vào cuộc sống.
Khi bớt nuông chiều những đòi hỏi ngày càng nhiều của thân xác,
chúng ta sẽ thắng được những cám dỗ của thèm muốn vô độ.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu,
xin cho con trở nên đơn sơ bé nhỏ,
nhờ đó con dễ nghe được tiếng Chúa nói,
dễ thấy Chúa hiện diện
và hoạt động trong đời con.
xin cho con trở nên đơn sơ bé nhỏ,
nhờ đó con dễ nghe được tiếng Chúa nói,
dễ thấy Chúa hiện diện
và hoạt động trong đời con.
Sống giữa một thế giới đầy lọc lừa và đe dọa,
xin cho con đừng trở nên cứng cỏi,
khép kín và nghi ngờ.
xin cho con đừng trở nên cứng cỏi,
khép kín và nghi ngờ.
Xin dạy con sự hiền hậu
để con biết cảm thông và bao dung với tha nhân.
Xin dạy con sự khiêm nhu
để con dám buông đời con cho Chúa.
để con biết cảm thông và bao dung với tha nhân.
Xin dạy con sự khiêm nhu
để con dám buông đời con cho Chúa.
Cuối cùng, xin cho con sự bình an sâu thẳm,
vui tươi đi trên con đường hẹp với Ngài,
hạnh phúc vì được cùng Ngài chịu khổ đau. Amen.
vui tươi đi trên con đường hẹp với Ngài,
hạnh phúc vì được cùng Ngài chịu khổ đau. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J
Ngày 22
Thứ tư lễ tro
Chay lòng và kiêng thịt
Chay lòng và kiêng thịt
Quà tặng của
thời gian sám hối là để đón nhận niềm vui Phục sinh
trọn vẹn. Chương trình thật đơn sơ: quay
lưng lại với tội lỗi để hướng về Thiên Chúa. Khi người làm vườn chuẩn bị đất
đai để gieo giống cho mùa xuân, ông sẽ cắt cỏ, sau đó rải tro làm phân bón.
Trong ngày này, chúng ta được xức tro, là
dấu chỉ chết đi để làm cho đời sống thần linh trong chúng ta được lớn dậy .Giáo hội qui tụ chúng ta
như một dân cầu khẩn. Vững vàng trong niềm tin, chúng ta dám cầu xin lòng nhân
từ của Chúa, chỉ vì chúng ta xứng đáng lãnh nhận hình phạt.
Phúc Âm trình bày cho chúng ta ba phương
thế truyền thống để cụ thể hóa ước muốn thay đổi đời sống. Bố thí sẽ mở lòng
chúng ta cho những nhu cầu của anh em và nhắc nhớ chúng ta, tài sản của chúng
ta đến từ Thiên Chúa, hãy kiểm soát ý hướng của chúng ta không phải như ông chủ
tài sản. Lời cầu nguyện mở lòng chúng ta cho lời kêu gọi của Thiên Chúa, phải
cùng đồng tâm với Người. Cầu nguyện trong âm thầm, có nghĩa là bước vào một lời
cầu nguyện sâu thẳm, chính đáng, tự do với hiệu quả thấy được. Chúng ta không
quen với chay tịnh, đó là điều đáng tiếc. "Khi ăn chay, nên rửa mặt cho sạch,
chải đầu cho thơm" (Mt 6,17). Nếu như chay tịnh mở lòng cho chúng ta đón
nhận niềm vui?
Christelle Javary
Ngày 22
KÍNH TOÀ THÁNH
PHÊRÔ Tông Đồ.
Lễ kính/ có
kinh Vinh Danh/1 bài đọc
Đáp ca SlGd trang 1486 in thiếu câu đáp: Chúa
chăn nuôi tôi, tôi chẳng thiếu thốn chi.
Ngày 20/2/2002, Đức Cha Nguyễn Quang Tuyến,
Giám mục Bắc Ninh, nói mấy lời rất ý nghĩa với một số anh chị em Cộng đoàn
thánh Phêrô tại Boston, MA như sau: "Trong lịch sử thế giới, triều đại Tần
Thủy Hoàng bên Tàu rất vững mạnh, tưởng không bao giờ tàn lụi, nhưng đã tiêu
tan, không bao giờ lấy lại được. Triều đại đế quốc Rôma cũng rất vĩ đại, nhưng
cũng đã qua đi từ lâu rồi. Chế độ nào rồi cũng thế, nói chi chế độ Cộng sản...
Nhưng Giáo hội
Chúa Kitô, trải qua bao sóng gió thăng trầm, qua bao thời mà vẫn tồn tại".
- Từ thế kỉ
thứ 4, ngày lễ kính Tòa thánh Phêrô hôm nay là lễ ghi nhớ thánh nhân được chọn
làm đầu Giáo hội và làm giám mục tiên khởi thành Rôma.
Hôm nay chúng
ta nhớ lại người đánh cá biển Galilê đã được Chúa Giêsu chọn là Thủ lãnh cả
đoàn chiên của Chúa . Hôm nay ta suy nghĩ về vai trò đặc biệt của Phêrô giữa
các Tông đồ và giáo hoàng đầu tiên của Giáo hội . Ta cũng nghĩ tới nhiệm vụ của
các giáo hoàng kế vị thánh Phêrô, và giám mục Rôma.
- GH hữu
hình, có phẩm trật. Trên hết có ĐGH thay mặt CGS, thay mặt thánh Phêrô. Bây giờ
là ĐTC Bênêdictô 16, là vị Giáo hoàng thứ 265 sau thánh Phêrô.
- Mừng lễ trọng
hôm nay, chúng ta hãy hết lòng cảm tạ Chúa, vì Người đã cho ta làm con
Giáo hội qua Bí tích Rửa tội. Ta được sống trong GH như "trong đồng cỏ
xanh", ăn cỏ ngon, uống nước mát qua các Bí tích...
- Bổn
phận ta phải đáp đền: Xây đắp Giáo hội trong hoàn cảnh của mình bằng lời cầu
nguyện, sức lực, tiền bạc và ngay cả mạng sống cho Giáo hội yêu quí này.
Ta cũng phải
tuân phục Đức Thánh Cha là đại diện Chúa qua những hướng dẫn của Ngài, đặc biệt
trong 2 phương diện: đức tin và luân lý.
- Cùng nhau,
ta hát: "Ta hãy cầu xin cho Đức giáo hoàng Bênêdictô...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét