Trang

Thứ Sáu, 11 tháng 5, 2012

SẮC LỆNH AD GENTES TRONG ĐỜI SỐNG GIÁO HỘI HÔM NAY


Sắc Lệnh Ad Gentes Trong Đời Sống Giáo Hội Hôm Nay

 

 

Gioan B. Phạm Minh Mẫn 
Hồng Y Tổng Giám mục

Theo lời yêu cầu của Hội đồng Giáo hoàng về Truyền thông Xã hội, Roma ngày 30.4.2012, chúng tôi dựa vào kinh nghiệm mục vụ trong hoàn cảnh văn hoá xã hội, kinh tế chính trị, tại Việt Nam hôm nay, xin chia sẻ vài suy nghĩ về việc áp dụng Sắc lệnh Ad Gentes vào đời sống Giáo hội trong tình hình thế giới toàn cầu hoá hôm nay.
1. Nguyên tắc: Ý THỨC THAM GIA SỨ VỤ. Giới hữu trách trong Giáo hội, - qua những khoá đào tạo, huấn luyện, thường huấn linh mục, tu sĩ, giáo dân, qua những buổi sinh hoạt với các tổ chức Giáo hội và phong trào tông đồ giáo dân, - quan tâm tạo điều kiện cho mọi người Công giáo ý thức sứ vụ Chúa Giêsu trao cho Giáo hội, là công bố Tin Mừng cứu độ và mở rộng Nước Thiên Chúa, và xác tín sứ vụ đó bắt nguồn từ ý định yêu thương cứu độ của Thiên Chúa là Cha trên trời đối với các dân tộc trên thế giới. Đồng thời quan tâm tạo khả năng cho mọi người tham gia sứ vụ đó, đồng hành cùng dân tộc bước đi theo ánh sáng Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô, vượt qua những vấn đề nghiêm trọng và mọi sự dữ trong đời sống nhân loại, tiến đến nguồn sống mới, nguồn sống dồi dào trong Nước Chúa là trời mới đất mới chan hoà ánh sáng chân lý và tình yêu, công lý và an bình.
2. Công việc: XÂY GIÁO HỘI TRÊN NỀN VỮNG CHẮC LÀ LỜI CHÚA. Hướng đến hoàn thành sứ vụ, mọi tín hữu chung sức xây mới gia đình Công giáo, cộng đoàn tín hữu (dòng tu, giáo xứ, các tổ chức Giáo hội) trên nền tảng vững chắc là Lời Chúa, để tất cả trở nên: - Giáo Hội-mầu nhiệm, là cộng đoàn tín hữu sống trọn tình con thảo đối với Thiên Chúa là Cha trên trời; - Giáo Hội-hiệp thông, sống vẹn nghĩa huynh đệ hợp nhất với nhau là con một Cha; - Giáo Hội-sứ vụ, sống trọn nghĩa huynh đệ, đồng cảm và chia sẻ mọi hồng ân Chúa thương ban, đối với mọi người là anh em một nhà, trong thế giới toàn cầu hoá hôm nay.
PHÚC ÂM HOÁ ĐỜI SỐNG. Sứ vụ loan báo Tin Mừng và mở rộng Nước Chúa đòi hỏi mọi thành phần dân Chúa đáp lại lời Đức Bênêđitô XVI kêu gọi mọi tín hữu hãy Phúc Âm hoá đời sống, đưa ánh sáng và sức sống của Lời Chúa vào trong lời nói cùng việc làm, đưa những giá trị Tin Mừng vào trong mọi sinh hoạt, để đời sống toả ánh sáng Tin Mừng, ánh sáng chân lý và tình yêu của Chúa Giêsu Kitô, trong môi trường xã hội hôm nay. Ngoài ra, có sáng kiến Phúc Âm hoá lễ hội trong xã hội hôm nay, như ngày quốc tế Phụ nữ, ngày Tình nhân, ngày Người Cha, ngày Người Mẹ..., và đưa vào trong sinh hoạt cộng đồng tín hữu.
ĐỔI MỚI CÁCH SỐNG ĐẠO. Ba trụ cột của đời sống đạo là: - ăn chay hãm mình, - kiên nhẫn và chuyên cần cầu nguyện, - cùng thực thi bác ái chia sẻ, cách riêng đối với người túng thiếu. Đó là nguồn phân bón cho đất trở nên màu mỡ, là nguồn nước vun tưới cho hạt giống Tin Mừng, hạt mầm ơn thánh, - mà Chúa đã gieo vào lòng đất nhân loại - , được phát triển và sinh hoa trái cho mọi người. Điều cần là đổi mới cách làm những việc đạo đó, theo cách Chúa Giêsu đã làm, và Đức Gioan Phaolô II đã dạy. Chủ yếu là chuyên cần lắng nghe tiếng Chúa, trung thành bước theo Chúa Giêsu, ý thức cởi bỏ con người cũ, và để Chúa Thánh Thần biến đổi nên người mới theo hình mẫu Đức Kitô.

3. Các nhà truyền giáo: BƯỚC THEO CHÚA GIÊSU TRÊN ĐƯỜNG TÌNH YÊU CỨU ĐỘ. Giáo sĩ, tu sĩ, giáo dân cùng các giới thiếu nhi, người trẻ, gia đình, y bác sĩ, giáo chức, doanh nhân, kỹ sư, luật sư, di dân, cần có điều kiện mở rộng kiến thức đức tin, lắng nghe tiếng Chúa, bước theo Chúa Kitô trên đường tình yêu cứu độ với bốn dấu ấn nổi bật là : - khiêm tốn hội nhập văn hoá và chia sẻ phận người nhằm đem lại yêu thương và bình an cho mọi người; - dấn thân phục vụ cho Tin Mừng Sự Sống và Tình Thương cho mọi người, nhất là người gặp khó khăn; - quảng đại yêu thương tới cùng, vì sự sống con người và sự phát triển gia đình nhân loại; - mở đường cho mọi người đổi mới và tiến bước đến nguồn sống mới của Chúa Kitô Phục Sinh.
XÂY ĐẮP TÌNH HUYNH ĐỆ HIỆP THÔNG LIÊN KẾT. Đồng thời họ cũng cần được tạo điều kiện liên kết với nhau để làm chứng nhân Tin Mừng, trong môi trường và đất nước họ đang sinh sống. Trong bối cảnh thế giới toàn cầu hoá hôm nay, cần mở rộng nhịp cầu hiệp thông liên kết giữa 2 Giáo hội địa phương, giữa hai quốc gia, nhằm chia sẻ cho nhau nhân sự cùng mọi hồng ân Chúa thương ban, cùng chung sức Phúc Âm hoá thế giới toàn cầu hoá hôm nay.
4. Hoạt động truyền giáo: HOÀ NHẬP VÀ THAM GIA. Nhằm làm chứng nhân tình thương của Thiên Chúa đối với mọi dân tộc, người Công giáo hoà nhập vào đời sống văn hoá xã hội, tham gia các công tác giáo dục, y tế, các tổ chức chăm lo cho người bị loại trừ do bệnh tật, như bệnh phong, nhiễm HIV/AIDS, chăm lo cho người già, người khuyết tật, trẻ mồ côi, mở lớp học tình thương, lớp dạy nghề cho người trẻ, đặc biệt đối với người nghèo khổ, bị bỏ rơi. Đó cũng là góp phần vun đắp nền văn hoá sự sống và văn minh tình thương cho xã hội đất nước hôm nay.
ĐỐI THOẠI VÀ HỢP TÁC. Đường lối truyền giáo hôm nay còn là đối thoại và hợp tác với mọi người phục vụ cho sự sống con người và sự phát triển cộng đồng xã hội. Đặc biệt đối thoại liên tôn, liên văn hoá, liên quốc gia. Kiên nhẫn đối thoại và chân thành hợp tác theo ánh sáng chân lý và tình yêu, nhằm chung sức với mọi người phát triển xã hội cách toàn diện và vững bền, trong sự tôn trọng những giá trị nhân bản và đạo đức trong Tin Mừng, những giá trị nhân văn lành mạnh trong truyền thống văn hoá dân tộc.
TGP Thành phố HCM
Ngày 2. 5. 2012

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét