Chúa
Nhật Ngày 10/03/2013
Chúa
Nhật 4 Mùa Chay Năm C
(Phần I)
BÀI ĐỌC I: Gs 5, 9a. 10-12
"Dân Chúa tiến
vào đất Chúa hứa và mừng Lễ Vượt Qua".
Trích sách Giosuê.
Trong những ngày ấy, Chúa phán cùng Giosuê
rằng: "Hôm nay, Ta đã cất sự dơ nhớp của Ai-cập khỏi các ngươi!" Con
cái Israel
tạm trú tại Galgali và mừng Lễ Vượt Qua vào ban chiều ngày mười bốn trong
tháng, trên cách đồng Giêricô. Ngày hôm sau Lễ Vượt Qua, họ ăn các thức ăn địa
phương, bánh không men và lúa mạch gặt năm ấy. Từ khi họ ăn các thức ăn địa
phương, thì không có manna nữa. Và con cái Israel
không còn ăn manna nữa, nhưng họ ăn thổ sản năm đó của xứ Canaan .
Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 33, 2-3. 4-5. 6-7
Đáp: Các bạn hãy nếm thử
và hãy nhìn coi, cho biết Chúa thiện hảo nhường bao (c. 9a).
1)
Tôi chúc tụng Chúa trong mọi lúc, miệng tôi hằng liên lỉ ngợi khen Người. Trong
Chúa linh hồn tôi hãnh diện, bạn nghèo hãy nghe và hãy mừng vui.
2)
Các bạn hãy cùng tôi ca ngợi Chúa, cùng nhau ta hãy tán tạ danh Người. Tôi cầu
khẩn Chúa, Chúa đã nhậm lời, và Người đã cứu tôi khỏi mọi điều lo sợ.
3)
Hãy nhìn về Chúa để các bạn vui tươi, và các bạn khỏi hổ ngươi bẽ mặt. Kìa
người đau khổ cầu cứu và Chúa đã nghe, và Người đã cứu họ khỏi mọi điều tai
nạn.
BÀI ĐỌC II: 2 Cr 5, 17-21
Trích
thư thứ hai của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.
Anh
em thân mến, nếu ai ở trong Đức Kitô, thì người đó sẽ là một thụ tạo mới, những
gì là cũ đã qua đi: này đây tất cả mọi sự đã trở thành mới. Vì mọi sự bởi Thiên
Chúa, Đấng đã nhờ Đức Kitô giao hoà chúng ta với mình, và trao phó cho chúng
tôi chức vụ giao hoà. Thật vậy, Thiên Chúa là Đấng giao hoà thế gian với chính
mình Người trong Đức Kitô, nên không kể chi đến tội lỗi của loài người, và đặt
lên môi miệng chúng tôi lời giao hoà. Nên chúng tôi là sứ giả thay mặt Đức
Kitô, như chính Chúa dùng chúng tôi mà khuyên bảo. Vì Đức Kitô, chúng tôi van
nài anh em hãy giao hoà với Thiên Chúa. Đấng không hề biết tội, thì Thiên Chúa
làm nên thân tội vì chúng ta, để trong Ngài, chúng ta trở nên sự công chính của
Thiên Chúa. Đó là lời Chúa.
CÂU
XƯỚNG TRƯỚC PHÚC ÂM: Lc 15, 18
Tôi
muốn ra đi trở về với cha tôi và thưa người rằng: Thưa cha, con đã lỗi phạm đến
trời và đến cha.
PHÚC ÂM: Lc 15, 1-3. 11-32
"Em
con đã chết nay sống lại".
Tin
Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, những người thu thuế và những kẻ tội
lỗi đến gần Chúa Giêsu để nghe Người giảng; thấy vậy, những người biệt phái và
luật sĩ lẩm bẩm rằng: "Ông này đón tiếp những kẻ tội lỗi và cùng ngồi ăn
uống với chúng". Bấy giờ Người phán bảo họ dụ ngôn này: "Người kia có
hai con trai. Đứa em thưa với cha rằng: 'Thưa cha, xin cha cho con phần gia tài
thuộc về con'. Người cha liền chia gia tài cho các con. Ít ngày sau, người em
thu nhặt tất cả của mình, trẩy đi miền xa và ở đó ăn chơi xa xỉ phung phí hết
tiền của. Khi nó tiêu hết tiền của thì vừa gặp nạn đói lớn trong miền đó, và nó
bắt đầu cảm thấy túng thiếu. Nó vào giúp việc cho một người trong miền, người
này sai nó ra đồng chăn heo. Nó muốn ăn những đồ cặn bã heo ăn cho đầy bụng,
nhưng cũng không ai cho. Bấy giờ nó hồi tâm lại và tự nhủ: 'Biết bao người làm
công ở nhà cha tôi được ăn uống dư dật, còn tôi, tôi ở đây phải chết đói. Tôi
muốn ra đi trở về với cha tôi và thưa người rằng: "Thưa cha, con đã lỗi
phạm đến trời và đến cha, con không đáng được gọi là con cha nữa, xin cha đối
xử với con như một người làm công của cha" '. Vậy nó ra đi và trở về với
cha nó. Khi nó còn ở đàng xa, cha nó chợt trông thấy, liền động lòng thương;
ông chạy ra ôm choàng lấy cổ nó và hôn nó hồi lâu... Người con trai lúc đó thưa
rằng: 'Thưa cha, con đã lỗi phạm đến trời và đến cha, con không đáng được gọi
là con cha nữa'. Nhưng người cha bảo đầy tớ: 'Mau mang áo đẹp nhất ra đây và
mặc cho cậu, hãy đeo nhẫn vào ngón tay cậu, và xỏ giầy vào chân cậu. Hãy bắt
con bê béo làm thịt để chúng ta ăn mừng: vì con ta đây đã chết, nay sống lại,
đã mất, nay lại tìm thấy'. Và người ta bắt đầu ăn uống linh đình.
"Người con cả đang ở ngoài đồng. Khi về
gần đến nhà, nghe tiếng đàn hát và nhảy múa, anh gọi một tên đầy tớ để hỏi xem
có chuyện gì. Tên đầy tớ nói: 'Đó là em cậu đã trở về, và cha cậu đã giết bê
béo, vì thấy cậu ấy về mạnh khoẻ'. Anh liền nổi giận và quyết định không vào
nhà. Cha anh ra xin anh vào. Nhưng anh trả lời: 'Cha coi, đã bao năm con hầu hạ
cha, không hề trái lệnh cha một điều nào, mà không bao giờ cha cho riêng con
một con bê nhỏ để ăn mừng với chúng bạn. Còn thằng con của cha kia, sau khi
phung phí hết tài sản của cha với bọn đàng điếm, nay trở về thì cha lại sai làm
thịt bê béo ăn mừng nó'. Nhưng người cha bảo: 'Hỡi con, con luôn ở với cha, và
mọi sự của cha đều là của con. Nhưng phải ăn tiệc và vui mừng, vì em con đã
chết nay sống lại, đã mất nay lại tìm thấy' ". Đó là lời Chúa.
SUY NIỆM : Vui Với Toàn
Thể Hội Thánh
Chúa
nhật trước đã cho chúng ta thấy Chúa là Ðấng đầy lòng thương xót để kêu gọi
chúng ta hối cải trở về với Người. Các bài Kinh Thánh hôm nay còn nói về lòng
thương xót của Chúa một cách rõ ràng hơn nữa. Chúng cho chúng ta thấy nỗi sung
sướng của Người khi có thể thi hành lòng thương xót; và Người kêu gọi chúng ta
chia sẻ niềm hân hoan thương xót ấy. Thế nên Chúa nhật hôm nay đáng được gọi là
Chúa nhật Vui Mừng trong mùa Chay, để khi phấn đấu theo gương Chúa Giêsu trong
mầu nhiệm thánh giá, chúng ta luôn phấn khởi vì đạo Tin Mừng.
1. Vui Vì Ðược Cứu Ðộ
Bài
sách Giôsua hôm nay chỉ có mấy câu, nhưng ghi lại một niên hiệu đáng muôn đời
nhớ mãi trong lịch sử dân Chúa. Hôm nay "Chúa lăn nỗi nhục Ai Cập ra khỏi
con cái Israen". Người cuộn thời gian ô nhục của họ ở bên Ai Cập lại một
cách vĩnh viễn. Vẫn biết họ từ giã đất nô lệ Ai Cập ngay từ khi vượt qua Biển
Sậy. Nhưng ròng rã 40 năm nơi sa mạc, con cái Israen vẫn còn mang nhiều tồn tại
của thời ô nhục nơi đất khách quê người. Dĩ chí có những kẻ còn chưa cắt bì; và
phần lớn còn ăn ở như những kẻ không cắt bì. Tất cả những sự ấy, hôm nay Chúa
cuốn lại và không còn mở ra nữa. Nói theo kiểu văn chương ngày nay Chúa đã rỡ
một trang sử qua rồi cho dân Người; và từ nay bắt đầu một trang sử mới. Chính
vì vậy người ta đã đặt một tên mới cho nơi xảy ra sự việc ngày hôm nay. Nó được
gọi là Gilgal và có nghĩa là "cuộn lại", vì Chúa đã cuộn nỗi ô nhục
Ai Cập lại xa khỏi dân Người ở nơi chốn này vào ngày hôm nay.
Nhưng
người ta chỉ nới cũ khi có mới. Chúa chỉ cuộn thời đại cũ lại vì đã có thời đại
mới. Việc "có mới nới cũ" này cũng là một cuộc vượt qua. Thế nên hôm
nay con cái Israen cử hành lễ Vượt Qua. Họ không tổ chức nơi đền thờ nhưng nơi
hoang dại miền Giêrichô để duy trì tính chất gia đình của lễ này. Dĩ nhiên họ
nhớ lại cuộc Vượt Qua Ai Cập ngày xưa; nhưng họ cảm thấy rõ ràng cuộc Vượt Qua
bấy giờ, hôm nay mới kết thúc. Hôm nay họ mới được mừng Vượt Qua nơi Ðất Hứa.
Và rõ ràng họ đã thôi một nếp sống cũ và chuyển qua một nếp sống mới. Trước đây
họ là dạng lang thang, du mục; từ nay họ cư ngụ nơi Ðất chảy sữa và mật. Cuộc
vượt qua này không lớn lao sao? Mọi sử gia đều làm chứng có cuộc chuyển biến
quan trọng trong nếp sống của con người từ chế độ du mục qua chế độ định canh.
Cũng
vì vậy, tác giả bài sách hôm nay không muốn diễn tả tí nào lễ Vượt Qua. Ông bỏ
rơi mọi nghi lễ để chỉ chú trọng đến những nét mới mẻ của đời sống mới. Ông
nói: con cái Israen đã ăn các thổ sản trong xứ. Ðặc biệt họ không còn ăn Manna
nữa nhưng đã ăn cốm rang. Ðúng hơn họ không còn ăn Manna nữa vì đã có thóc lúa
của địa phương. Manna không phải là lương thực của người đã về tới quê, mà chỉ
là lương thực của kẻ đi đàng. Nó cần thiết cho con người khi trở về Ðất Hứa;
nhưng đến nơi rồi nó trở thành vô dụng. Chính vì vậy Manna trở thành hình ảnh
của Thánh Thể, cũng chỉ cần cho con cái Chúa khi sống ở trần gian. Sau này trên
Nước Trời, chính Chúa sẽ làm cho họ no thỏa mà không cần bí tích nào nữa...
Như
vậy, việc con cái Israen đến định canh ở Ðất Hứa hôm nay báo trước việc chúng
ta vào Nước Trời sau này, khi đã chấm dứt cuộc hành trình lữ thứ trần gian. Nó
khiến chúng ta thèm số phận của con cái Israen ngày xưa ư? Vì sánh với những kẻ
đã vào Ðất Hứa, chúng ta còn là lữ hành? Có phần đúng và điều này nhắc nhở
chúng ta phải có tu đức và tác phong của lữ khách: không bám víu vào trần gian,
nhưng luôn phải lên đường; và nhất là luôn phải nhờ Thánh Thể nuôi sống vì đó
là lương thực của dân Chúa trên đường lữ thứ trần gian.
Tuy
nhiên chúng ta phải phấn khởi vì việc con cái Israen vào Ðất Hứa bả đảm việc
chúng ta sẽ vào tới Nước Trời. Hơn nữa nó còn nhắc chúng ta nhớ đến hạnh phúc
của người Kitô hữu. Họ cũng đã được đưa ra khỏi thế gian để đi vào nước sáng
láng của Con Thiên Chúa. Những thực tại thiêng liêng Chúa ban cho họ hằng ngày
trong đời sống Kitô hữu vượt xa những nắm "cốm rang" ngày xưa của con
cái Israen. Chúng ta hãy vui mừng vì những việc ấy và vì mạc khải lớn lao mà
Chúa dành cho chúng ta ở trong Nước Trời mà bài Tin Mừng hôm nay muốn thông tri
cho chúng ta.
2. Vui Với Toàn Thể Hội Thánh
Thánh
Luca là tác giả duy nhất đã thuật lại dụ ngôn hôm nay. Người kể lại sau hai
chuyện cũng cùng một ý tưởng. Chuyện đầu tiên là dụ ngôn một người tìm thấy con
chiên lạc của một đàn gần 100 con chiên. Và chuyện thứ hai nói về một người đàn
bà tìm thấy đồng tiền đã mất. Cả hai câu chuyện đều kết thúc bằng lời van xin
mọi người hãy vui vẻ chia sẻ nỗi vui mừng đã tìm thấy những của đã mất. Và đó
cũng là câu kết thúc bài dụ ngôn hôm nay về người con trở về. Như vậy câu
chuyện chỉ là cớ, điều mà tác giả Luca muốn diễn tả là niềm vui và kêu gọi mọi
người cùng chung vui với kẻ tìm lại được những gì đã mất hoặc đã lạc.
Trong
câu chuyện hôm nay, chủ động là một người Cha với hai đứa con. Ðứa trẻ hơn đến
xin Cha chia gia tài cho mình, rồi nó đi xa, sống trác táng, phá tan cả sản
nghiệp.
Dĩ
nhiên người ta có thể đoán nó đã cạn túi vì bọn đĩ điếm như thói thường ở đời.
Sạch của rồi, nó phải đi làm thuê ở mướn, và chăn heo cho người ta. Nó thèm đến
cả cám heo. Thật đầy tớ ở trong nhà Cha nó cũng còn dư ăn! nghĩ vậy, nó quyết
tâm trở về, và sẽ lựa lời để được số phận của những người này.
Với
những nét tả như vậy, đứa con hoang này có đáng khen không? Hình như Luca không
cho rằng nó đáng thương nữa. Không kể đời sống bê bối của nó; việc nó trở về
cũng đầy tính toán và bần tiện. Nó đâu đã muốn hối cải; nó chỉ mong ra khỏi
thân phận chết đói, nó chẳng đáng thương, thế mà vẫn được thương. Ðó mới là
điều mà tác giả Luca muốn diễn tả. Ông viết về đứa con hư như thế là để làm nổi
bật lòng thương lạ lùng của người Cha.
Mà
thật vậy, lòng người Cha tốt lành chi lạ! Ðứa con về đang còn ở đàng xa mà ông đã
thấy nó. Ông đã chạnh lòng thương nó. Ông quên cả tư cách đạo mạo, dè dặt của
một người Cha trong một gia đình nề nếp ở Ðông phương. Ông không nhớ mình đã
chân yếu tay mềm. Ông chạy ra đón nó, ôm cổ nó mà hôn. Nó vừa mới bập bẹ vài
câu ông đã quay bảo đầy tớ mau mau đem áo quần và trang sức mới ra mặc cho nó;
và lập tức hãy đem bò tơ nẫy ra hạ đi để khao ăn vì, ông nói: "Này, con ta
đây, nó đã chết mà đã hoàn sinh, đã mất mà tìm lại được".
Chúng
ta có thể để ý, ông không nói gì với đứa con. Nó chưa đáng nói, nó chưa hoàn
toàn. Nó còn phải thấy lòng Cha thương nó, rồi nó mới thay đổi được. Ít ra ông
hy vọng như vậy. Ông đã chỉ nói với tôi tớ và ông muốn nói với mọi người. Ông
xin mọi người chia sẻ niềm vui của ông. Ông thật quá tốt.
Nhưng
ngay đến đứa con cả trong nhà cũng không hiểu được ông. Cậu ở ngoài đồng về.
Cậu thấy trong nhà có đàn ca múa hát. Cậu gọi một tên đầy tớ ra hỏi dò. Biết
chuyện đứa em về mà Cha cho bày tiệc mừng như vậy, cậu nổi giận, không thèm vào
nhà. Người Cha đi ra dỗ dành cậu. Cậu phân phô lẽ hơn thiệt. Cậu có lý nên
người Cha đứng nghe, khác với lúc khi đứa con hoang trở về muốn thưa bẩm. Ông
công nhận hết mọi lời cậu nói. Nhưng đây là điều con ông chưa bao giờ nghĩ đến:
"Này con, con hằng ở với Cha thì tất cả của Cha đều là của con. Nhưng phải
ăn khao mà mừng chứ. Vì em con đó, nó đã chết mà lại sống, đã mất đi mà lại tìm
thấy được".
Tác
giả Luca đã không viết gì thêm. Ông dừng lại ở đây để độc giả viết nốt câu
chuyện. Ðúng hơn Ðức Giêsu đã dừng lại bài dụ ngôn ở chỗ này để thính giả của
Người suy nghĩ. Họ là ai, chúng ta có thể đoán được. Họ là người con cả trong
câu chuyện mà người Cha vừa nói mấy câu để cho suy nghĩ.
Muốn
rõ hơn, chúng ta chỉ cần đọc lại những câu đầu tiên mà Luca đã viết trước khi
kể bài dụ ngôn về con chiên lạc, về đồng tiền mất và về lòng thương xót của
người Cha. Người viết: "Các người thu thuế, cùng những kẻ tội lỗi hết thảy
thường lui tới bên Ngài để nghe Ngài. Và biệt phái kêu trách. Họ nói: Ông tiếp
đón quân tội lỗi và ăn uống với chúng". Ngài mới nói cùng họ những dụ ngôn
sau này...
Như
vậy, người Cha ở đây không cần phải là Cha chúng ta ở trên trời. Lòng thương
xót bao la của Người đã nhập thể nơi con người Ðức Giêsu Kitô, Ðấng đang tiếp
đón những người thu thuế và tội lỗi khiến bọn biệt phái phải kêu trách. Họ kêu
trách vì họ tưởng mình nhân đức và đòi được đối xử xứng đáng. Thiên Chúa phải
dành tất cả sản nghiệp Nước Trời cho họ và cho một mình họ mà thôi; Phường thu
thuế, quân tội lỗi không được phép tham dự những của thánh ấy. Thế mà Ðức
Giêsu, người tự xưng đã được Chúa Cha sai đến, lại đi tiếp đón bọn thu thuế và
tội lỗi... Với bài dụ ngôn hôm nay, phải chăng Ðức Giêsu đã không muốn nói với
những kẻ suy nghĩ như vậy, lời mà Người có lần bảo họ: hãy đi mà hiểu lời này:
Ta muốn lòng thương xót chứ không phải hy lễ!
Nhưng
như vậy dụ ngôn này có còn nói gì với chúng ta không, vì đâu chúng ta còn muốn
nghĩ như biệt phái? Thiết tưởng chúng ta vẫn còn có thái độ dửng dưng đứng
ngoài niềm vui lớn lao của lòng Chúa thương yêu. Người vẫn tiếp tục kêu gọi và
đón nhận những phường thu thuế và tội lỗi, tức là những phần tử xã hội ít được
thiện cảm của chúng ta. Người vẫn rộng rãi với họ. Hội Thánh gồm một phần lớn
những người như họ. Chúng ta chưa biết chung vui với họ như Chúa đang tỏ lòng
quảng đại với họ, khiến trái tim chúng ta chưa giống như trái tim Chúa. Và vì
vậy sự thánh thiện của chúng ta cũng chưa có gì đáng kể. Do đó chúng ta hãy
nghe Lời Chúa, nhìn anh em đang đến với Chúa trong mùa Chay. Chúng ta hãy nhập
hội tham gia, nếu chưa muốn khá hơn nữa là còn đi rao giảng Tin Mừng cứu độ cho
anh em như lời Phaolô hôm nay viết.
3. Sứ Vụ Hòa Giải
Thánh
tông đồ biết rằng: ai ở trong Chúa Kitô thì là tạo thành mới; cũ đã qua đi và
mới đã thành sự. Những lời này trở nên ý nghĩa biết bao trong thánh lễ hôm nay,
sau khi đã đọc bài Cựu Ước viết về việc con cái Israen đã được chuyển sang một
đời sống mới hoàn toàn sánh với những năm tháng lang thang du mục qua sa mạc.
Dân cũ đã phải lao nhọc biết bao để vượt qua được nếp sống cũ và đi vào cuộc
sống mới. Ðang khi ấy, nhờ Chúa Kitô, ai kết hợp với Người thì đều trở thành
tạo vật mới. Trước đây tội lỗi và ở dưới chế độ thù địch với Thiên Chúa nay họ
được trở nên thánh thiện và sống đời làm con yêu dấu của Người. Mọi sự đó đều
do Thiên Chúa, vì Người đã thương giảng hòa ta lại với chính Người nhờ Chúa
Kitô. Và một lần nữa chúng ta lại thấy lòng thương xót bao la của Thiên Chúa và
của Ðức Giêsu Kitô. Lòng thương của người Cha trong bài Tin Mừng đã lớn, nhưng
sánh với lời Phaolô viết dưới đây về lòng thương thật sự của Thiên Chúa, chúng
ta khó có thể hiểu nổi.
Quả
vậy: "Ðấng không hề biết tội thì với ta, Thiên Chúa đã cho làm thành sự
tội để trong Ngài ta được trở thành sự công chính của Thiên Chúa". Phaolô
có ý nói đến việc Ðức Giêsu Kitô tuy vô tội, nhưng đã chấp nhận mang lấy mọi
tội của chúng ta lên cây thập giá theo lệnh của Chúa Cha, để nhờ đó chúng ta
được khỏi tội. Lẽ nào chúng ta không biết cảm mến một tình thương như vậy?
Chúng ta hãy lo làm hòa lại với Thiên Chúa trong mùa Chay này. Chúng ta hãy
chạy đến tòa cáo giải để trút bỏ tội lỗi trên cây thập giá Ðức Kitô và đóng
đinh xác thịt vào thánh giá của Người, để ơn công chính hóa lại được ban cho
chúng ta. Chúng ta lại trở thành tạo vật mới, có thể cử hành lễ Vượt Qua như
con cái Israen ngày trước. Và cho được như vậy, chúng ta hãy nghe lời Hội Thánh
rao giảng trong mùa Chay này. Ðây là sứ vụ hòa giải, Thiên Chúa đã trao cho Hội
Thánh. Chính Người khuyên bảo, khi Hội Thánh rao giảng vì Hội Thánh chỉ thay
mặt Ðức Kitô và tiếp nối sứ mạng của Ngài mà bài Tin Mừng hôm nay đã cho thấy
Ngài tha thiết với việc tội nhân trở về như thế nào.
Vậy
nếu chúng ta muốn chia sẻ thật sự lòng thương xót của Chúa như các bài Kinh
Thánh hôm nay cho biết, chúng ta phải tiếp tay và cộng tác với Hội Thánh trong
sứ vụ hòa giải. Chúng ta làm thế nào để nhiều người và hết mọi người trở về với
Chúa trong mùa Chay này: có bao nhiêu thói quen xấu trong xã hội mà chúng ta có
thể xa tránh hoặc dẹp đi để giáo xứ và gia đình chúng ta trong mùa Chay này tỏ
ra thánh thiện đạo đức hơn? Và tạo được bầu không khí đông đủ sốt sắng cho
những buổi Phụng Vụ trong mùa Chay cũng là một cách mở hội ăn mừng ngày nhiều
con cái Chúa trở về với Người.
Ngay
giờ phút này đây, chúng ta có thể bắt đầu làm những công việc như thế. Chúng ta
tạo cho thánh lễ này một bầu khí như mở hội bằng thái độ tham gia của chúng ta.
Chúng ta sốt sắng ca hát, cầu nguyện và thờ phượng với mọi người. Nhất là chúng
ta đang quyết tâm trở về với Chúa, đến rước Chúa và yêu mến Chúa nhiều hơn.
Ðang khi ấy chúng ta thêm cảm tình và lòng mến đối với anh em. Chúng ta nhận
biết nhau nhiều hơn mọi khi và nhất là nếu có thể được thầm hứa sẽ động viên
nhau tạo cho mùa Chay này một tinh thần và một bầu khí mới mẻ như của một cuộc
vượt qua, một cuộc đổi mới, một thời đại hội trong ý nghĩ giảng hòa với Chúa và
với mọi người. Ðược những tâm tình như vậy, chúng ta xứng đáng cử hành thánh lễ
Chúa nhật Vui Mừng của mùa Chay.
(Trích dẫn từ tập sách Giải Nghĩa Lời Chúa
của Ðức cố Giám Mục
Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm)
LỜI CHÚA MỖI
NGÀY
Chủ Nhật
IV Mùa Chay, Năm C
GIỚI
THIỆU CHỦ ĐỀ:
Hoà giải với Thiên Chúa và với tha nhân
Nếu con người biết vâng lời Thiên Chúa và giữ
trọn Thập Giới, họ sẽ sống đúng mối liên hệ với Thiên Chúa, với tha nhân, và
với thế giới chung quanh. Thiên Chúa sẽ chúc lành cho mọi việc họ làm và bảo vệ
họ khỏi mọi điều nguy hiểm hồn xác. Nhưng con người đã không giữ lời Thiên Chúa
dạy, họ nghe theo tiếng gọi của ba thù và đảo lộn mọi trật tự của Thiên Chúa.
Họ khước từ tình yêu đích thực của Thiên Chúa, cha mẹ, và anh em để chạy theo
những tình yêu giả dối và tạm thời. Mùa Chay là mùa Thiên Chúa kêu gọi con
người xét lại mối liên hệ của con người đối với Ngài và với nhau, để hòa giải
và sống đúng các mối liên hệ trong cuộc đời.
Các
Bài Đọc hôm nay đặt trọng tâm trong sự hòa giải giữa con người với Thiên Chúa
và với nhau. Trong Bài Đọc I, Thiên Chúa dẫn đưa con cái Israel vào Đất Hứa, sau cuộc Xuất
Hành và thanh luyện 40 năm trong sa mạc. Ngài truyền cho ông Joshua phải cắt bì
cho tất cả những người nam của Israel
tại Ghilgal, như một giao ước phải tuân giữ: Ngài sẽ bảo vệ và chúc lành nếu họ
tuân giữ các thánh chỉ và Lề Luật của Ngài. Trong Bài Đọc II, con người tự mình
không thể giao hòa với Thiên Chúa vì tất cả đều phạm tội; nhưng vì yêu thương,
Thiên Chúa đã cho Đức Kitô, Người Con duy nhất xuống trần để đền tội cho con
người. Đức Kitô là lý do con người được giao hòa với Thiên Chúa. Trong Phúc Âm,
người con thứ khước từ tình yêu chân thật của cha để chạy theo những tình yêu
gian dối và tạm thời của thế gian; nhưng khi nhận ra tình yêu đích thực, anh đã
mạnh dạn trỗi dậy và quay về để hòa giải với cha và với anh của mình.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/
Bài đọc I: "Hôm nay Ta đã cất khỏi các ngươi cái ô nhục của người
Ai-cập."
1.1/
Chấm dứt hành trình 40 năm trong sa mạc: Đức Chúa phán với ông Joshua: "Hôm nay
Ta đã cất khỏi các ngươi cái ô nhục của người Ai-cập." Vì thế, người ta đã
gọi tên nơi ấy là Ghilgal cho đến ngày nay. Biến cố Xuất Hành và thanh luyện
trong sa mạc suốt 40 năm là thời kỳ Thiên Chúa sống mật thiết với con cái Israel .
Ngài theo họ trong suốt cuộc hành trình để hướng dẫn, dạy dỗ, thanh luyện, và
bảo vệ; trước khi dẫn đưa họ vào Đất Hứa. Trình thuật hôm nay kết thúc cuộc
hành trình, Ngài ký kết với họ giao ước tại Ghilgal qua sự kiện ông Joshua cắt
bì cho tất cả các người nam của Israel :
Ngài sẽ bảo vệ họ sống hạnh phúc trong Đất Hứa nếu họ tuân giữ cẩn thận các
giới răn của Ngài.
1.2/
Bắt đầu cuộc sống trong Đất Hứa: “Con cái Israel
đóng trại ở Ghilgal và cử hành lễ Vượt Qua ngày mười bốn trong tháng, vào buổi
chiều, trong vùng thảo nguyên Jericho .
Hôm sau lễ Vượt Qua, họ đã dùng thổ sản trong xứ, tức là bánh không men và hạt
lúa rang, vào đúng ngày đó. Hôm sau, không còn manna nữa, khi họ dùng thổ sản
trong xứ. Năm ấy, họ đã dùng hoa màu của đất Canaan .”
Bắt đầu cuộc sống tự do trong Đất Hứa, con cái Israel không còn lý do nào để than
phiền và làm nô lệ cho tội lỗi. Họ được hưởng dùng tất cả những của ngon vật lạ
trong Đất Hứa, vùng đất chảy sữa và mật. Họ được tự do sống mối liên hệ yêu
thương và trung thành với Thiên Chúa.
2/
Bài đọc II: Trong Đức Kitô, Thiên Chúa đã cho thế gian được hoà giải với Người.
2.1/
Đức Kitô đã chịu chết để con người được hòa giải với Thiên Chúa: Theo thánh Phaolô,
tất cả mọi người đều đã vi phạm Lề Luật; vì thế, họ phải chịu hình phạt Thiên
Chúa ra là phải chết. Không một ai có thể cho mình là công chính trước mặt
Thiên Chúa và xứng đáng được hưởng cuộc sống đời đời; nhưng vì yêu thương,
Thiên Chúa đã cho Đức Kitô, Người Con duy nhất xuống trần để đền tội cho con
người. Nhờ Máu của Người đổ ra trên Thập Giá, Người đã giao hòa con người với
Thiên Chúa và với nhau. Trước khi con người được hòa giải với Thiên Chúa, con
người làm nô lệ cho tội lỗi và phải chết. Sau khi con người được hòa giải với
Thiên Chúa, họ trở nên một tạo vật mới: tội lỗi không còn thống trị con người
nữa; con người được trở nên công chính; và con người không phải chết, nhưng
được sống đời đời.
2.2/
Các tông đồ được Đức Kitô trao ban sứ vụ hòa giải: Trong Kế Hoạch Cứu Độ, Đức Kitô chọn
các tông đồ và trao ban cho các ông và những người kế vị, sứ vụ giao hòa con
người với Thiên Chúa (Mt 16:19; Lk 24:47). Thánh Phaolô cũng được trao ban sứ
vụ hòa giải; vì thế, thánh nhân kêu gọi tất cả các tín hữu: “Thật vậy, trong
Đức Kitô, Thiên Chúa đã cho thế gian được hoà giải với Người. Người không còn
chấp tội nhân loại nữa, và giao cho chúng tôi công bố lời hoà giải… Vậy, nhân
danh Đức Kitô, chúng tôi nài xin anh em hãy làm hoà với Thiên Chúa.
Đấng
chẳng hề biết tội là gì, thì Thiên Chúa đã biến Người thành hiện thân của tội
lỗi vì chúng ta, để làm cho chúng ta nên công chính trong Người.”
3/
Phúc Âm: "Thưa cha, con thật đắc tội với Trời và với cha.”
3.1/
Quay mặt đi với tình yêu đích thực: Tại sao người con thứ bỏ đi? Trình thuật
không nêu rõ lý do, nhưng chúng ta có thể phỏng đoán những lý do sau: Thứ nhất,
cậu nghĩ cuộc sống kỷ luật trong gia đình giới hạn sự tự do của cậu; vì thế,
cần thoát ly gia đình để có thể làm tất cả những gì mình muốn. Thứ hai, cậu
không cảm nhận được tình yêu của cha dành cho và hạnh phúc khi còn sống trong
mái ấm gia đình, và muốn chạy theo những tiếng mời gọi hấp dẫn hơn của xác
thịt, bè bạn, và thế gian. Sau cùng, cậu nghĩ có tiền và có tự do là sẽ có hạnh
phúc; nhưng cuộc đời không đơn giản nhưng cậu tưởng.
3.2/
Người con thứ nhận ra tình yêu chân thực của cha và hạnh phúc của mái ấm gia
đình: Con
người thường hay giả định mọi sự phải như vậy thay vì biết suy nghĩ tại sao
những sự ấy xảy ra; nhưng khi đã mất rồi, con người mới biết trân quí khi nhận
lại. Người con thứ phải trải qua đói khát và đau khổ để nhận ra tình yêu của
Thiên Chúa và của cha mình. Khi xa cha, phẩm giá con người của cậu còn thua cả
loài heo, là con vật được coi là nhơ bẩn theo truyền thống Do-thái. Là một con
người mà muốn ăn thứ heo ăn cũng không ai cho. Cậu hồi tưởng tới những đầy tớ ở
nhà cha mình: Đầy tớ của cha còn có cơm gạo dư thừa để ăn, thế mà phận làm con
phải chết đói.
Khi
đã nhận ra đâu là tình yêu và hạnh phúc đích thực, cậu can đảm bảo mình: Thôi,
ta đứng lên, đi về cùng cha và thưa với người: "Thưa cha, con thật đắc tội
với Trời và với cha, chẳng còn đáng gọi là con cha nữa. Xin coi con như một
người làm công cho cha vậy.”
3.3/
Hạnh phúc khi con người được hòa giải: Người cha tuy đau khổ phải xa con; nhưng ông biết ông
không thể giữ con ở nhà, nên ông đã đau khổ chia gia tài cho con. Ông biết có
thể ông sẽ mất con vĩnh viễn, nhưng ông hy vọng đói khát và đau khổ sẽ làm cho
con ông nhận ra đâu là tình yêu đích thực và quay về với ông. Nhiều người thắc
mắc tại sao ông biết lúc nào con trở về và nhận ra cậu ngay khi còn ở đàng xa.
Điều này chỉ có thể trả lời bằng tình yêu mà ông dành cho con, ông phải ra đầu
ngõ ngóng chờ mỗi ngày để có thể thấy con từ xa như trình thuật hôm nay.
Chúa
Giêsu đưa tình phụ tử lên tới tuyệt đỉnh khi mô tả thái độ của người cha đón
con về: Không giống như người cha thế gian ngồi đợi con đến trước mặt và nói
lời xin lỗi trước khi người cha có thể tha thứ; người cha trong trình thuật
chạy ra trước đón con, ông không đòi một điều kiện nào, và cũng chẳng đợi cho
con nói hết lời xin lỗi; ông phục hồi tất cả phẩm giá cho con mình khi nói với
các đầy tớ: "Mau đem áo đẹp nhất ra đây mặc cho cậu, xỏ nhẫn vào ngón tay,
xỏ dép vào chân cậu, rồi đi bắt con bê đã vỗ béo làm thịt để chúng ta mở tiệc
ăn mừng! Vì con ta đây đã chết mà nay sống lại, đã mất mà nay lại tìm thấy.” Và
họ bắt đầu ăn mừng.
3.4/
Tính ghen tị là kẻ thù của tình yêu: Người con cả tuy ở nhà với cha luôn; nhưng
vẫn không hiểu tình yêu của cha mình. Anh làm việc vất vả không phải vì thương
cha; nhưng hy vọng sẽ được thừa hưởng tất cả những gì cha để lại. Anh nghĩ mình
có lý do để tức giận vì sẽ phải chia gia tài với em mình lần nữa. Anh đặt giá
trị vật chất lên trên tình phụ tử và tình huynh đệ khi nói thẳng vào mặt cha
mình: "Cha coi, đã bao nhiêu năm trời con hầu hạ cha, và chẳng khi nào
trái lệnh, thế mà chưa bao giờ cha cho lấy được một con dê con để con ăn mừng
với bạn bè. Còn thằng con của cha đó, sau khi đã nuốt hết của cải của cha với
bọn điếm, nay trở về, thì cha lại giết bê béo ăn mừng!”
Anh
không một chút quan tâm đến tình cảm của cha mình, cho dù anh đã được chứng
kiến nỗi đau khổ của cha mỗi ngày ra ngõ ngóng con. Nếu cảm nhận được tình yêu
với cha, anh phải vui chung với niềm vui của cha, chứ không để cho niềm vui của
cha chưa trọn đã phải đương đầu với một đứa con khác, đứa con cha anh tưởng nó
yêu thương mình thật, nhưng nay khám phá ra nó yêu mình vì tài sản. Anh cũng
chẳng còn chút tình cảm gì cho em. Khi nói với cha “thằng con của cha đó,” anh
coi nó chẳng có chút liên hệ máu mủ ruột thịt gì với mình.
Trình
thuật muốn nêu bật tình yêu chân thật, tha thứ, và vô vị lợi của người cha. Tuy
bị phản kháng cách tàn nhẫn từ người con cả, ông vẫn hạ mình năn nỉ và khuyên
con: "Con à, lúc nào con cũng ở với cha, tất cả những gì của cha đều là
của con. Nhưng chúng ta phải ăn mừng, phải vui vẻ, vì em con đây đã chết mà nay
lại sống, đã mất mà nay lại tìm thấy."
Chúng
ta có thể rút ra rất nhiều những bài học
khôn ngoan trong dụ ngôn hôm nay:
1. Tình cha có chỗ tất cả cho mọi người
con. Thiên Chúa yêu thương tất cả mọi người.
2. Đừng bao giờ đặt những giá trị vật chất
trên tình nghĩa gia đình. Mất của có thể tìm lại được; mất tình yêu gia đình,
con người sẽ ôm hận suốt đời.
3. Tình yêu Thiên Chúa không quan tâm đến
tội lỗi con người; nhưng Ngài cung cấp mọi cơ hội để con người nhận ra và đáp
trả tình yêu của Ngài cách tự nguyện.
4. Nếu đã được Thiên Chúa yêu thương, hòa
giải và tha thứ cách vô điều kiện; con người cũng phải cư xử như thế cho những
ai có lỗi với mình.
5. Đừng mù quáng chạy theo những tình yêu
giả trá hay chóng qua; hãy biết quay về để sống yêu thương và hạnh phúc với
những ai yêu thương mình chân thành.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC
SỐNG:
-
Thời gian và việc thanh luyện cần thiết vì chúng giúp con người nhận ra đâu là
tình yêu đích thực giữa bao tình yêu ích kỷ và giả trá.
-
Chỉ một mình Thiên Chúa là tình yêu đích thực; vì Ngài không quan tâm đến tội
lỗi, luôn tìm mọi cách đưa con người trở về, và yêu thương con người đến cùng.
-
Càng xa Thiên Chúa bao nhiêu con người càng đau khổ bấy nhiêu, và phẩm giá con
người bị hạ giá tới độ không bằng một con vật. Khi quay về với Thiên Chúa, Ngài
sẽ phục hồi xứng đáng phẩm giá của chúng ta như các con cái của Ngài.
Linh Mục An-tôn Đinh
Minh Tiên
10/03/13 CHÚA NHẬT TUẦN 4 MC – C
Lc 15,1-3.11-32
Lc 15,1-3.11-32
NIỀM VUI
CỦA CHA
“Mau đem áo đẹp nhất ra đây mặc cho cậu, xỏ
nhẫn vào ngón tay, xỏ dép vào chân cậu rồi đi bắt con bê đã vỗ béo làm thịt để
chúng ta mở tiệc ăn mừng! Vì con ta đây đã chết mà nay sống lại, đã mất mà nay
lại tìm thấy.” (Lc 15,22-24)
Suy niệm: Sao không
vui được khi cha mẹ có những người con ngoan! Càng vui hơn khi lỡ có đứa con
nào hư hỏng mà nay biết ăn năn trở về. Đức con hư, bỏ nhà đi hoang coi như đã
chết; nay nó trở về, khác nào sống lại, niềm vui được nhân đôi. Dụ ngôn diễn tả
niềm vui khôn tả của người cha khi thấy con mình trở về nhà: ông không còn nhớ
tới quá khứ tội lỗi của con nữa, mà phục hồi cho cậu trọn vẹn quyền làm con: “Đem
áo đẹp nhất ra đây mặc cho cậu, xỏ nhẫn vào ngón tay, xỏ dép vào chân cậu rồi
đi bắt con bê đã vỗ béo làm thịt để chúng ta mở tiệc ăn mừng.”
Mời Bạn: Hôm nay,
ngày Chúa Nhật thứ IV Mùa Chay, gọi là ngày Chúa Nhật Vui Tươi
vì chữ đầu tiên của ca nhập lễ trong Chúa Nhật này là “hãy vui lên.” Tin Mừng
của ngày lễ hôm nay diễn tả niềm vui ấy qua hình ảnh người cha khi đứa con đi
hoang trở về. Tuy nhiên, niềm vui của người cha chưa được trọn vẹn vì còn người
con tuy “ở nhà” bằng thân xác nhưng tâm hồn thì đã bỏ nhà ra đi qua thái độ
chấp nhất, phân bì với em mình và trách móc cha. Người cha đang tha thiết mời
gọi hãy tha thứ và sám hối. Người cha ấy là Thiên Chúa cũng sẽ rất đỗi mừng vui
mỗi khi tội nhân sám hối trở về.
Sống Lời
Chúa: Mỗi ngày làm một hành vi sám hối để hoà giải với Chúa.
Cầu nguyện: Lạy
Chúa, sám hối trở về là điều kiện để được sống trong niềm vui. Xin cho chúng
con trong Mùa Chay này dứt khoát đứng lên trở về với Chúa là Cha đầy tình
thương và tha thứ.
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên Tháng Ba
10 THÁNG BA
Cái Giá Của Ơn Giao
Hòa
Đức Kitô, Đấng Cứu Chuộc, đã trả giá cân xứng cho tội lỗi chúng
ta. “Người là sự bình an của chúng ta” (Ep 2,14). Người là sự giao hòa của
chúng ta.
Đó là lý do tại sao cuộc khổ nạn và cái chết của Đức Kitô – được
biểu trưng một cách bí tích trong Thánh Lễ – thường được gọi là phụng vụ “hy lễ
hòa giải”. Đây là lời của Kinh Nguyện Thánh Thể III: “Xin Cha nhìn đến Đấng mà
cuộc tử nạn của Người đã giao hòa chúng con với chính Cha”. Giao hòa với Thiên
Chúa và với anh chị em, đó là việc thiết yếu. Chính Đức Giêsu đã dạy rằng trước
khi dâng của lễ, cần phải giao hòa với anh em trước đã (Mt 5,23).
Thánh Phao-lô viết: “Nhân danh Đức Kitô, chúng tôi van nài anh
em hãy làm hòa với Thiên Chúa” (2Cr 5,20). Giáo Hội tha thiết lặp lại lời kêu
gọi ấy của Thánh Tông Đồ. Giáo Hội kêu gọi tất cả chúng ta tiến tới sự thánh
thiện đích thực trong Đức Kitô. Thánh Phao-lô tiếp tục: “Vì chúng ta, nên Đấng
chẳng hề biết tội là gì, thì Thiên Chúa đã biến Người thành hiện thân của tội
lỗi – để làm cho chúng ta nên công chính trong Người” (2Cr 5,21).
Tiếng gọi mời con người hòa giải với Thiên Chúa không đơn thuần
chỉ là một sứ điệp hay thậm chí một tiếng kêu van. Sứ điệp ấy mạnh mẽ không kém
so với sứ điệp của Gio-an Tẩy Giả trên bờ sông Gio-đan, hay so với sứ điệp của
các ngôn sứ trong Cựu Ước. Song nó không chỉ là một sứ điệp. Đó là một hành
động đầy năng lực. Đó là một hành động phát xuất từ tình yêu của Chúa Cha và
Chúa Con. Đó là một hy tế, một sự trả giá lớn lao. Chúng ta đã được chuộc về
với một giá đắt. Chúng ta hãy tôn vinh và cảm tạ Thiên Chúa vì lòng thương xót
của Ngài (1Cr 6,20; 7,23)
-
suy
tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –
-
Lm.
Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
-
LIFT
UP YOUR HEARTS
-
Daily
Meditations by Pope John Paul II
Lời Chúa Trong Gia Đình
Ngày 10-3
CHÚA NHẬT IV MÙA CHAY
Gs 5, 9a. 10-12; 2 Cr 5, 17-21; Lc 15, 1-3. 11-32
LỜI SUY NIỆM: Trong dụ ngôn người cha nhân hậu Chúng ta thấy Khi
người con thứ muốn trở lại với cha mình đã nghĩ ra một cách để đánh động lòng
thương của cha mình với một lập luận: “Thưa cha, con thật đắc tội với Trời và
với cha, chẳng còn đáng gọi là con cha nữa. Xin coi con như một người làm công
cho cha vậy”. Nhưng khi gặp, người cha đã cắt đứt câu nói này bằng cách gọi tôi
tớ trang điểm cho cậu ta đúng với cương vị là con của ông ta. Trong khi đó
người con trưởng lại muốn cắt đứt tình ruột thịt đã dùng ngôn từ kết án cha và
em của mình: “Cha coi, đã bao nhiêu năm trời con hầu hạ cha, và chẳng có khi
nào trái lệnh, thế mà chưa bao giờ cha cho lấy được một con dê con để ăn mừng
với bạn bè. Còn thằng con của cha đó, sau khi đã nuốt hết của cải của cha với
bọn điếm, nay trở về, thì cha lại giết bê béo ăn mừng” Người cha đã cho biết:
“tất cả những gì của cha đều là của con” Trong dụ ngôn cho chúng ta thấy người
Cha không theo một tính toán nào cả, chỉ biết yêu thương và tha thứ cho cả hai
con của mình. Thật hạnh phúc cho chúng ta khi được làm con của Cha Trên Trời.
Mạnh Phương
10 Tháng Ba
Gieo Gió Gặt Bão
Ðêm 17/5/1987, một
chiến đấu cơ do Pháp chế tạo đã được Iraq sử dụng để phóng đi hai hỏa
tiễn Exocet cũng do Pháp chế tạo. Không rõ do tính toán hay tai nạn, hai hỏa
tiễn này đã đâm bổ xuống hàng không mẫu hạm Satark của Mỹ đang đậu trong vùng
vịnh Ba Tư. 37 người Mỹ đã vong mạng trọng vụ ấy!
Người Ả Rập thường
nói: "Kẻ thù của kẻ thù của tôi là bạn tôi". Có lẽ người Mỹ và nhiều
nước Tây phương cũng xử sự theo châm ngôn ấy. Trong cuộc chiến kéo dài 8 năm
của Iran và Iraq, đa số các nước Tây phương kể cả Liên Xô đều đứng về phía
Iraq.
Liên Xô là nước cung
cấp cho I raq nhiều vũ khí nhất. Từ giữa năm 1983 đến năm 1988, Iraq
đã mua của thế giới một số vũ khí trị giá khoảng 34 tỷ Mỹ kim. Cùng với chiến
xa T-72 và hỏa tiễn Scud-B, Liên Xô là nước đã bán cho thế giới đến 50% khí
giới.
Ðể đổi lấy dầu của
Iraq, Pháp đã bán cho nước này số khí giới trị giá khoảng 16 tỷ Mỹ kim. Ngày
nay, 133 chiến đậu cơ Mirage F.I và hỏa tiễn Exocet mà Iraq đã đưa vào
cuộc chiến ở vùng vịnh Ba Tư đều do Pháp cung cấp.
Năm 1984, Hoa Kỳ đã
tái lập ngoại giao với Iraq
và loại Iraq
ra khỏi sổ những nước chuyên gây các cuộc khủng bố trên thế giới. Sự tín nhiệm
của Hoa Kỳ đối với Iraq cũng khiến cho những nước Tây phương khác như Tây Ðức
cung cấp cho Iraq chuyên viên, kỹ thuật và nguyên liệu nhờ đó Iraq đã có thể
chế tạo các vũ khí hóa học và nguyên tử.
Vô tình hay hữu ý, các
nước Tây phương đã củng cố cho nền độc tài của Saddam Hussein và đưa ông đến
cuộc thách thức hiện nay. Một nhà chính trị người Iraq hiện lưu vong tại Pháp đã nói
như sau: "Chúng tôi đã lên tiếng về chế độ độc ác của Hussein. Nhưng đó
chỉ là tiếng kêu trong sa mạc. Vì bức tường của những lợi lộc kinh tế, chúng
tôi đã không được lắng nghe. Kết quả cho thấy là một nhà độc tài như ong được
nuôi trong tay áo, nay đang hiện nguyên hình thành một quái vật".
Câu chuyện trên đây có thể giúp chúng ta rút ra một bài học về
những hậu quả mà người ta phải gánh chịu về những việc làm của mình. Chúng ta
vẫn thường nói: "Gieo gió thì gặt bão"... Các nước Tây phương ngày
nay hẳn phải đấm ngực để chịu đựng cơn bão táp mà chính họ là người đã đóng góp
vào để tạo nên. Khí giới do Tây phương cung cấp ngày nay đã quay lại chống họ.
Thánh Phaolô trong thư gửi cho giáo đoàn Galata đã kêu gọi chúng
ta, thay vì gieo trong xác thịt, hãy gieo trong thần khí.
Gieo trong xác thịt tức là gieo rắc hận thù, chết chóc, là nuôi
dưỡng ích kỷ, là gây đố kỵ, chia rẽ: những hạt giống ấy chỉ nảy nở bằng cây của
tang thương, đau khổ và hủy diệt cho chính mình cũng như cho người khác.
Gieo trong thần khí chính là sống quảng đại, phục vụ, hòa nhã,
yêu thương, cảm thông, nhẫn nhục, tha thứ... Hạt giống của thần khí có thể là
hạt giống nhỏ bé và âm thầm như hạt cải, nhưng sẽ trở thành cây to lớn. Không
có một nghĩa cử nào, dù nhỏ mọn đến đâu, mà không mang lại hoa trái Bình An cho
tha nhân và cho chính bản thân.
Chiến tranh trên quy mô thế giới, chiến tranh giữa nước này với
nước nọ, chiến tranh trong cùng một quốc gia: Ở mọi quy mô, chiến tranh nào
cũng là cơn bão táp mà chính con người tự góp gió để thổi lên.
Nơi nào có bất hòa, thì nơi đó có chiến tranh. Nơi nào lợi lộc
được đặt lên trên mọi giá trị khác, thì nơi đó đã có chiến tranh.
Người môn đệ của Ðức Kitô, Nguyên Ủy của Hòa Bình, luôn được mời
gọi để xây dựng Hòa Bình và Hòa Bình chớm nở khi con người bắt đầu gieo trồng
hạt giống của Yêu Thương.
(Lẽ Sống)
Chúa Nhật 10-3
Thánh Ðaminh Saviô
(c. 1857)
N
|
hiều người thánh thiện dường như lại chết yểu. Trong số đó có Thánh
Ðaminh Saviô, quan thầy của các chú hội hát.
Sinh trong một gia đình nông dân ở Riva, Ý Ðại Lợi, ngay từ khi
lên bốn, mẹ ngài đã thấy cậu con trai bé nhỏ quỳ cầu nguyện trong một góc nhà.
Lúc năm tuổi, ngài là chú giúp lễ. Khi lên bẩy, ngài được Rước Lễ Lần Ðầu. Vào
ngày trọng đại ấy, ngài đã chọn phương châm: "Thà chết chứ không phạm
tội!" và ngài luôn luôn giữ điều ấy.
Quả thật, Ðaminh là một cậu bé bình thường nhưng lòng yêu mến
Thiên Chúa của cậu thật phi thường.
Vào lúc 12 tuổi, Ðaminh theo học trường của Thánh Don Bosco. Qua
cách cầu nguyện của Ðaminh, mọi người trong trường đều nhận thấy cậu thật khác
biệt. Ðaminh yêu quý tất cả mọi người, và dù trẻ hơn họ, cậu cũng lo lắng để ý
đến họ. Cậu sợ rằng họ sẽ mất ơn sủng của Thiên Chúa vì tội lỗi.
Có lần, chúng bạn đưa cho cậu xem hình ảnh đồi trụy. Vừa thoáng
nhìn thấy, cậu đã cầm lấy tờ báo xé tan ra từng mảnh và hỏi, "Thiên
Chúa ban cho chúng ta cặp mắt để nhìn những điều xấu xa như vậy hả? Các anh
không thấy xấu hổ sao?"
Một lần khác, hai đứa con trai giận dữ lấy đá ném nhau. Thấy thế,
Ðaminh đứng vào giữa, cầm tượng thánh giá nhỏ đưa lên cao, và nói, "Trước
khi đánh nhau, mấy anh hãy nhìn vào thánh giá và nói, 'Ðức Giêsu Kitô vô tội
khi Ngài chịu chết đã tha thứ cho kẻ giết mình. Tôi là kẻ tội lỗi, và tôi sẽ
làm đau khổ Ngài khi không tha thứ cho kẻ thù.' Rồi sau đó mấy anh hãy bắt đầu
-- và hãy ném đá tôi trước!"
Hai anh kia cảm thấy xấu hổ, xin lỗi nhau và hứa sẽ đi xưng tội.
Sức khoẻ của Ðaminh rất mỏng manh, thường hay đau yếu luôn và đưa
đến biến chứng về phổi khiến cậu phải về nhà để tĩnh dưỡng. Tuy nhiên, khi ở
nhà, bệnh tình lại càng gia tăng nên đã được chịu các Bí Tích sau cùng. Lúc ấy
Ðaminh mới 15 tuổi, nhưng cậu không sợ chết. Thật vậy, cậu vô cùng sung sướng
khi nghĩ đến lúc được lên thiên đàng. Ngay trước khi chết, cậu cố gượng ngồi
dậy. Cậu nói thầm vào tai cha mình, "Giã biệt bố." Rồi bỗng
dưng mặt cậu tươi sáng với nụ cười rạng rỡ. Cậu kêu lên, "Con đang nhìn
thấy những điều kỳ diệu!" và trút hơi thở cuối cùng.
Chính Thánh Don Bosco là người viết lại tiểu sử của Ðaminh Saviô.
Ðaminh Saviô được phong thánh năm 1954. Trong buổi lễ phong thánh,
Thánh Giáo Hoàng Piô X đã nói, "Một thiếu niên như Ðaminh, là người cố
gắng giữ mình sạch tội từ khi rửa tội cho đến khi chết, quả thật là một vị
thánh."
Lời Trích
Thánh Ðaminh Saviô thường nói, "Tôi không làm được những
điều trọng đại. Nhưng tôi muốn tất cả những gì tôi làm, ngay cả những gì nhỏ
nhặt nhất, là để vinh danh Thiên Chúa."
www.nguoitinhuu.com
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét