Thứ Sáu Tuần Thánh
Kỷ Niệm Cuộc Khổ Nạn Của Chúa
Phần Thứ Nhất: Phụng Vụ Lời
Chúa
Bài Ðọc I: Is 52, 13-53, 12
"Người đã bị thương tích vì tội lỗi chúng
ta".
(Bài ca thứ tư của người Tôi Tớ Chúa)
Trích sách Tiên tri Isaia.
Này tôi tớ Ta sẽ được cao minh, sẽ vinh thăng tấn phát,
cao cả tuyệt vời. Cũng như nhiều người đã kinh ngạc, vì thấy người tàn tạ mất
hết vẻ người, dung nhan người cũng không còn nữa, cũng thế, muôn dân sẽ sửng
sốt, các vua không còn biết nói chi trước mặt người. Vì họ sẽ thấy việc chưa ai
kể cho mình, sẽ biết điều mình chưa hề được nghe.
Ai mà tin được điều chúng ta nghe? Và Chúa đã tỏ ra sức
mạnh cho ai? Người sẽ lớn lên trước mặt Ngài như một chồi non, như một rễ cây,
tự đất khô khan. Người chẳng còn hình dáng, cũng chẳng còn sắc đẹp để chúng ta
nhìn ngắm, không còn vẻ bên ngoài, để chúng ta yêu thích; bị người đời khinh dể
như kẻ thấp hèn nhất, như kẻ đớn đau nhất, như kẻ bệnh hoạn, như một người bị
che mặt và bị khinh dể, bởi đó, chúng ta không kể chi đến người.
Thật sự, người đã mang lấy sự đau yếu của chúng ta,
người đã gánh lấy sự đau khổ của chúng ta. Mà chúng ta lại coi người như kẻ
phong cùi, bị Thiên Chúa đánh phạt và làm cho nhuốc hổ. Nhưng người đã bị
thương tích vì tội lỗi chúng ta, bị tan nát vì sự gian ác chúng ta. Người lãnh
lấy hình phạt cho chúng ta được bình an, và bởi thương tích người mà chúng ta
được chữa lành. Tất cả chúng ta lang thang như chiên cừu, mỗi người một ngả.
Chúa đã chất trên người tội ác của tất cả chúng ta.
Người hiến thân vì người tình nguyện và không mở miệng
như con chiên bị đem đi giết, và như chiên non trước mặt người xén lông, người
thinh lặng chẳng hé môi. Do cưỡng bách và án lệnh, người đã bị tiêu diệt; ai sẽ
còn kể đến dòng dõi người nữa, bởi vì người đã bị khai trừ khỏi đất người sống;
vì tội lỗi dân Ta, Ta đánh phạt người. Người ta định đặt mồ người giữa những kẻ
gian ác, nhưng khi chết, người được chôn giữa kẻ giàu sang, mặc dầu người đã
không làm chi bất chánh, và miệng người không nói lời gian dối. Chúa đã muốn
hành hạ người trong đau khổ.
Nếu người hiến thân làm lễ vật đền tội, người sẽ thấy
một dòng dõi trường tồn, và nhờ người, ý định Chúa sẽ thành tựu. Nhờ nỗi khổ
tâm của người, người sẽ thấy và sẽ được thoả mãn. Nhờ sự thông biết, tôi tớ
công chính của Ta sẽ công chính hoá nhiều người, sẽ gánh lấy những tội ác của
họ. Bởi đó, Ta trao phó nhiều dân cho người, người sẽ chia chiến lợi phẩm với
người hùng mạnh. Bởi vì người đã hiến thân chịu chết và đã bị liệt vào hàng
phạm nhân, người đã mang lấy tội của nhiều người, và đã cầu bầu cho các phạm
nhân.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 30, 2 và 6.
12-13. 15-16. 17 và 25
Ðáp: Lạy Cha, con phó linh hồn con trong tay Cha
(Lc 23, 46).
Xướng: 1) Lạy Chúa, con tìm đến nương nhờ Ngài, xin
đừng để con muôn đời tủi hổ, vì đức công minh Ngài, xin cứu chữa con! Con phó
thác tâm hồn trong tay Chúa, lạy Chúa, lạy Thiên Chúa trung thành, xin cứu chữa
con. - Ðáp.
2) Con trở nên đồ ô nhục đối với những người thù, nên
trò cười cho khách lân bang, và mối lo sợ cho người quen biết; gặp con ngoài
đường, họ tránh xa con. Con bị người ta quên, không để ý tới, dường như đã
chết, con đã trở nên như cái bình bị vỡ tan. - Ðáp.
3) Phần con, lạy Chúa, con tin cậy ở Ngài, con kêu lên:
Ngài là Thiên Chúa của con! Vận mạng con ở trong tay Ngài, xin cứu gỡ con khỏi
tay quân thù và những người bách hại. - Ðáp.
4) Xin cho tôi tớ Chúa được thấy long nhan dịu hiền,
xin cứu sống con theo lượng từ bi của Chúa. Lòng chư vị hãy can trường mạnh
bạo, hết thảy chư vị là người cậy trông ở Chúa. - Ðáp.
Bài Ðọc II: Dt 4, 14-16; 5,
7-9
"Người đã học vâng phục do những đau khổ Người
chịu, và khi hoàn tất, Người đã trở nên căn nguyên ơn cứu độ đời đời".
Trích thư gởi tín hữu Do-thái.
Anh em thân mến, chúng ta có một thượng tế cao cả đã đi
qua các tầng trời, là Ðức Giêsu, Con Thiên Chúa, nên chúng ta hãy giữ vững việc
tuyên xưng đức tin của chúng ta. Vì chưng, không phải chúng ta có thượng tế
không thể cảm thông sự yếu đuối của chúng ta, trái lại, Người đã từng chịu thử
thách bằng mọi cách như chúng ta, ngoại trừ tội lỗi.
Khi còn sống ở đời này, Chúa Kitô đã lớn tiếng rơi lệ
dâng lời cầu xin khẩn nguyện lên Ðấng có thể cứu mình khỏi chết, và vì lòng
thành kính, Người đã được nhậm lời. Dầu là Con Thiên Chúa, Người đã học vâng
phục do những đau khổ Người chịu, và khi hoàn tất, Người đã trở nên căn nguyên ơn
cứu độ đời đời cho tất cả những kẻ tùng phục Người.
Ðó là lời Chúa.
Câu Xướng Trước Phúc Âm: Pl
2, 8-9
Chúa Kitô vì chúng ta đã vâng lời cho đến chết, và chết
trên thập giá. Vì thế, Thiên Chúa đã tôn vinh Người, và ban cho Người một danh
hiệu vượt trên mọi danh hiệu.
Phúc Âm: Ga 18, 1 - 19, 42
"Sự Thương Khó Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng
ta".
C: Người đọc
Chung, Thánh Sử; S: Người đối thoại khác,
hoặc Cộng đoàn. J: Chúa Giêsu
C. Bài Thương Khó
Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, theo Thánh Gioan.
Khi ấy, Chúa Giêsu đi với môn đệ sang qua suối Xêrông,
ở đó có một khu vườn, Người vào đó cùng với các môn đệ. Giuđa, tên phản bội, đã
biết rõ nơi đó, vì Chúa Giêsu thường đến đấy với các môn đệ. Nên Giuđa dẫn tới
một toán quân cùng với vệ binh do các thượng tế và biệt phái cấp cho, nó đến
đây với đèn đuốc và khí giới. Chúa Giêsu đã biết mọi sự sẽ xảy đến cho Mình,
nên Người tiến ra và hỏi chúng:
J. "Các
ngươi tìm ai?"
C. Chúng thưa
lại:
S. "Giêsu
Nadarét".
C. Chúa Giêsu
bảo: "Ta đây".
C. Giuđa là kẻ
định nộp Người cũng đứng đó với bọn chúng. Nhưng khi Người vừa nói "Ta
đây", bọn chúng giật lùi lại và ngã xuống đất. Người lại hỏi chúng:
J. "Các
ngươi tìm ai?"
C. Chúng thưa:
S. "Giêsu
Nadarét".
C. Chúa Giêsu đáp
lại: "Ta đã bảo các ngươi rằng Ta đây! Vậy nếu các ngươi tìm bắt Ta, thì
hãy để cho những người này đi".
C. Như thế là
trọn lời đã nói: "Con chẳng để mất người nào trong những kẻ Cha đã trao
phó cho Con". Bấy giờ Simon Phêrô có sẵn thanh gươm, liền rút ra đánh tên
đầy tớ vị thượng tế, chém đứt tai bên phải. Ðầy tớ ấy tên là Mancô. Nhưng Chúa
Giêsu bảo Phêrô rằng:
J. "Hãy xỏ
gươm vào bao. Chén Cha Ta đã trao lẽ nào Ta không uống!"
C. Bấy giờ, toán
quân, trưởng toán và vệ binh của người Do-thái bắt Chúa Giêsu trói lại, và điệu
Người đến nhà ông Anna trước, vì ông là nhạc phụ của Caipha đương làm thượng tế
năm ấy. Chính Caipha là người đã giúp ý kiến này cho người Do-thái: để một
người chết thay cho cả dân thì lợi hơn. Còn Phêrô và môn đệ kia vẫn theo Chúa
Giêsu. Môn đệ sau này quen vị thượng tế nên cùng với Chúa Giêsu vào trong sân
vị thượng tế, còn Phêrô đứng lại ngoài cửa. Vì thế, môn đệ kia là người quen
với vị thượng tế, nên đi ra nói với người giữ cửa và dẫn Phêrô vào. Cô nữ tì
gác cửa liền bảo Phêrô:
S. "Có phải
ông cũng là môn đệ của người đó không?"
C. Ông đáp:
S. "Tôi
không phải đâu".
C. Ðám thủ hạ và
vệ binh có nhóm một đống lửa và đứng đó mà sưởi vì trời lạnh, Phêrô cũng đứng
sưởi với họ. Vị thượng tế hỏi Chúa Giêsu về môn đệ và giáo lý của Người. Chúa
Giêsu đáp:
J. "Tôi đã
nói công khai trước mặt thiên hạ, Tôi thường giảng dạy tại hội đường và trong
đền thờ, nơi mà các người Do-thái thường tụ họp, Tôi không nói chi thầm lén cả.
Tại sao ông lại hỏi Tôi? Ông cứ hỏi những người đã nghe Tôi về những điều Tôi
đã giảng dạy. Họ đã quá rõ điều Tôi nói".
C. Nghe vậy, một
tên vệ binh đứng đó vả mặt Chúa Giêsu mà nói:
S. "Anh trả
lời vị thượng tế như thế ư".
C. Chúa Giêsu
đáp:
J. "Nếu Ta
nói sai, hãy chứng minh điều sai đó; mà nếu Ta nói phải, thì tại sao anh lại
đánh Ta?"
C. Rồi Anna cho
giải Người vẫn bị trói đến cùng vị thượng tế Caipha. Lúc ấy Phêrô đang đứng
sưởi. Họ bảo ông:
S. "Có phải
ông cũng là môn đệ người đó không?"
C. Ông chối và
nói:
S. "Tôi
không phải đâu".
C. Một tên thủ hạ
của vị thượng tế, có họ với người bị Phêrô chém đứt tai, cãi lại rằng:
S. "Tôi đã
chẳng thấy ông ở trong vườn cùng với người đó sao?"
C. Phêrô lại chối
nữa, và ngay lúc đó gà liền gáy.
Bấy giờ họ điệu Chúa Giêsu từ nhà Caipha đến pháp đình.
Lúc đó tảng sáng và họ không vào pháp đình để khỏi bị nhơ bẩn và để có thể ăn
Lễ Vượt Qua. Lúc ấy Philatô ra ngoài để gặp họ và nói:
S. "Các
ngươi tố cáo người này về điều gì".
C. Họ đáp:
S. "Nếu hắn
không phải là tay gian ác, chúng tôi đã không nộp cho quan".
C. Philatô bảo
họ:
S. "Các ông
cứ bắt và xét xử theo luật của các ông".
C. Nhưng người
Do-thái đáp lại:
S. "Chúng
tôi chẳng có quyền giết ai cả".
C. Thế mới ứng
nghiệm lời Chúa Giêsu đã nói trước: Người sẽ phải chết cách nào. Bấy giờ
Philatô trở vào pháp đình gọi Chúa Giêsu đến mà hỏi:
S. "Ông có
phải là Vua dân Do-thái không?"
C. Chúa Giêsu đáp:
J. "Quan tự
ý nói thế, hay là có người khác nói với quan về tôi?"
C. Philatô đáp:
S. "Ta đâu
phải là người Do-thái. Nhân dân ông cùng các thượng tế đã trao nộp ông cho ta.
Ông đã làm gì?"
C. Chúa Giêsu
đáp:
J. "Nước tôi
không thuộc về thế gian này. Nếu nước tôi thuộc về thế gian này, thì những
người của tôi đã chiến đấu để tôi không bị nộp cho người Do-thái, nhưng nước
tôi không thuộc chốn này".
C. Philatô hỏi
lại:
S. "Vậy ông
là Vua ư?"
C. Chúa Giêsu
đáp:
J. "Quan nói
đúng: Tôi là Vua. Tôi sinh ra và đến trong thế gian này là chỉ để làm chứng về
Chân lý. Ai thuộc về Chân lý thì nghe tiếng tôi".
C. Philatô bảo
Người:
S. "Chân lý
là cái gì?"
C. Nói lời này
xong, ông lại ra gặp người Do-thái và bảo họ:
S. "Ta không
thấy nơi người này có lý do để khép án. Nhưng theo tục lệ các ngươi, ta sẽ
phóng thích cho các ngươi một tù nhân vào dịp Lễ Vượt Qua. Vậy các ngươi có
muốn ta phóng thích Vua Do-thái cho các ngươi chăng?"
C. Họ liền la
lên:
S. "Không
phải tên đó, nhưng là Baraba".
C. Baraba là một
tên cướp. Bấy giờ Philatô truyền đem Chúa Giêsu đi mà đánh đòn Người. Binh sĩ
kết một triều thiên bằng gai nhọn đội lên đầu Người và nói:
S. "Tâu Vua
Do-thái!"
C. Và vả mặt
Người. Philatô lại ra ngoài và nói:
S. "Ðây ta
cho dẫn người ấy ra ngoài cho các ngươi để các ngươi biết rằng ta không thấy
nơi người ấy một lý do để kết án".
C. Bấy giờ Chúa
Giêsu đi ra, đội mão gai và khoác áo đỏ. Philatô bảo họ:
S. "Này là
Người".
C. Vừa thấy
Người, các thượng tế và vệ binh liền la to:
S. "Ðóng
đinh nó vào thập giá! Ðóng đinh nó vào thập giá!"
C. Philatô bảo
họ:
S. "Ðấy các
ngươi cứ bắt và đóng đinh ông vào thập giá, phần ta, ta không thấy lý do nào
kết tội ông".
C. Người Do-thái
đáp lại:
S. "Chúng
tôi đã có luật, và theo luật đó nó phải chết, vì nó tự xưng là Con Thiên
Chúa".
C. Nghe lời đó
Philatô càng hoảng sợ hơn. Ông trở vào pháp đình và nói với Chúa Giêsu:
S. "Ông ở
đâu đến?"
C. Nhưng Chúa
Giêsu không đáp lại câu nào. Bấy giờ Philatô bảo Người:
S. "Ông
không nói với ta ư? Ông không biết rằng ta có quyền đóng đinh ông vào thập giá
và cũng có quyền tha ông sao?"
C. Chúa Giêsu
đáp:
J. "Quan
chẳng có quyền gì trên tôi, nếu từ trên không ban xuống cho, vì thế nên kẻ nộp
tôi cho quan, mắc tội nặng hơn".
C. Từ lúc đó
Philatô tìm cách tha Người. Nhưng người Do-thái la lên:
S. "Nếu quan
tha cho nó, quan không phải là trung thần của Xêsa, vì ai xưng mình là vua, kẻ
đó chống lại Xêsa".
C. Philatô vừa
nghe lời đó, liền cho điệu Chúa Giêsu ra ngoài rồi ông lên ngồi toà xử, nơi gọi
là Nền đá, tiếng Do-thái gọi là Gabbatha. Lúc đó vào khoảng giờ thứ sáu ngày
chuẩn bị Lễ Vượt Qua. Philatô bảo dân:
S. "Ðây là
vua các ngươi".
C. Nhưng họ càng
la to:
S. "Giết đi!
Giết đi! Ðóng đinh nó đi!"
C. Philatô nói:
S. "Ta đóng
đinh vua các ngươi ư?"
C. Các thượng tế
đáp:
S. "Chúng
tôi không có vua nào khác ngoài Xêsa".
C. Bấy giờ quan
giao Người cho họ đem đóng đinh.
Vậy họ điệu Chúa Giêsu đi. Và chính Người vác thập giá
đến nơi kia gọi là Núi Sọ, tiếng Do-thái gọi là Golgotha .
Ở đó họ đóng đinh Người trên thập giá cùng với hai người khác nữa: mỗi người
một bên, còn Chúa Giêsu thì ở giữa. Philatô cũng viết một tấm bảng và sai đóng
trên thập giá. Bảng mang những hàng chữ này: "Giêsu, Nadarét, vua dân
Do-thái". Nhiều người Do-thái đọc được bảng đó, vì nơi Chúa Giêsu chịu
đóng đinh thì gần thành phố, mà bảng viết thì bằng tiếng Do-thái, Hy-lạp và
La-tinh. Vì thế các thượng tế đến thưa với Philatô:
S. Xin đừng viết
"Vua dân Do Thái", nhưng nên viết: "Người này đã nói: 'Ta là vua
dân Do-thái'".
C. Philatô đáp:
S. "Ðiều ta
đã viết là đã viết".
C. Khi quân lính
đã đóng đinh Chúa Giêsu trên thập giá rồi thì họ lấy áo Người chia làm bốn phần
cho mỗi người một phần, còn cái áo dài là áo không có đường khâu, đan liền từ
trên xuống dưới. Họ bảo nhau:
S. "Chúng ta
đừng xé áo này, nhưng hãy rút thăm xem ai được thì lấy".
C. Hầu ứng nghiệm
lời Kinh Thánh: "Chúng đã chia nhau các áo Ta và đã rút thăm áo dài của
Ta". Chính quân lính đã làm điều đó.
Ðứng gần thập giá Chúa Giêsu, lúc đó có Mẹ Người, cùng
với chị Mẹ Người là Maria, vợ ông Clopas và Maria Mađalêna. Khi thấy Mẹ và bên
cạnh có môn đệ Người yêu, Chúa Giêsu thưa cùng Mẹ rằng:
J. "Hỡi Bà,
này là con Bà".
C. Rồi Người lại
nói với môn đệ:
J. "Này là
Mẹ con".
C. Và từ giờ đó
môn đệ đã lãnh nhận Bà về nhà mình. Sau đó, vì biết rằng mọi sự đã hoàn tất, để
lời Kinh Thánh được ứng nghiệm, Chúa Giêsu nói:
J. "Ta
khát!"
C. Ở đó có một
bình đầy dấm. Họ liền lấy miếng bông biển thấm đầy dấm cắm vào đầu ngành cây
hương thảo đưa lên miệng Người. Khi đã nếm dấm rồi, Chúa Giêsu nói:
J. "Mọi sự
đã hoàn tất".
C. Và Người gục
đầu xuống trút hơi thở cuối cùng.
(Quỳ gối thinh lặng thờ lạy trong giây lát)
Hôm đó là ngày chuẩn bị lễ: để tội nhân khỏi treo trên
thập giá trong ngày Sabbat, vì ngày Sabbat là ngày đại lễ, nên người Do-thái
xin Philatô cho đánh dập ống chân tội nhân và cho cất xác xuống. Quân lính đến
đánh dập ống chân của người thứ nhất và người thứ hai cùng chịu treo trên thập
giá với Người. Nhưng lúc họ đến gần Chúa Giêsu, họ thấy Người đã chết, nên
không đánh dập ống chân Người nữa, tuy nhiên một tên lính lấy giáo đâm cạnh
sườn Người; tức thì máu cùng nước chảy ra. Kẻ đã xem thấy thì đã minh chứng, mà
lời chứng của người đó chân thật, và người đó biết rằng mình nói thật để cho
các người cũng tin nữa. Những sự việc này đã xảy ra để ứng nghiệm lời Kinh
Thánh: "Người ta sẽ không đánh dập một cái xương nào của Người". Lời
Kinh Thánh khác rằng: "Họ sẽ nhìn xem Ðấng họ đã đâm thâu qua".
Sau đó, Giuse người xứ Arimathia, môn đệ Chúa Giêsu,
nhưng thầm kín vì sợ người Do-thái, xin Philatô cho phép cất xác Chúa Giêsu.
Philatô cho phép. Và ông đến cất xác Chúa Giêsu. Nicôđêmô cũng đến, ông là
người trước kia đã đến gặp Chúa Giêsu ban đêm. Ông đem theo chừng một trăm cân
mộc dược trộn lẫn với trầm hương. Họ lấy xác Chúa Giêsu và lấy khăn bọc lại
cùng với thuốc thơm theo tục khâm liệm người Do-thái. Ở nơi Chúa chịu đóng đinh
có cái vườn và trong vườn có một ngôi mộ mới, chưa chôn cất ai. Vì là ngày
chuẩn bị lễ của người Do-thái và ngôi mộ lại rất gần, nên họ đã mai táng Chúa
Giêsu trong mộ đó.
Phụng Vụ Thứ Sáu Tuần Thánh A
Người Tôi Tớ Của Thiên Chúa
(Ys 52,13-53,12; Hr 4,14-16;5,7-9; Yn 18,1-19,42)
Phụng Vụ Thứ Sáu Tuần Thánh
A
Ys 52,13-53,12; Hr 4,14-16;5,7-9; Yn 18,1-19,42
Phụng vụ hôm nay không phải là Phụng vụ Thánh Thể mà là
Phụng vụ Thánh Giá. Cao điểm của buổi phụng vụ này là nghi thức mở Thánh Giá và
thờ lạy Thánh Giá. Nhưng để giúp chúng ta hiểu biết mầu nhiệm Thánh Giá, ba bài
Kinh Thánh vừa nghe lần lượt giới thiệu với chúng ta những khía cạnh của Thánh
gía Ðức Kitô, cũng là những nét chính trên khuôn mặt Ðức Kitô ở trên Thánh giá.
Là vì từ ngày Người bị đóng đinh, thập giá đã trở thành Thánh giá khi mang xác
thánh Người; và như lời thánh Phaolô nói, chúng ta cũng chẳng biết một Ðức Kitô
nào khác ngoài chính Ðức Kitô đã bị đóng đinh vào Thập giá. Nên suy nghĩ về
Thánh giá, là chiêm ngưỡng Ðức Kitô chịu đóng đinh. Qua những bài Kinh Thánh
vừa nghe, Phụng vụ muốn chúng ta nhìn ngắm Ðức Kitô trên Thánh giá như là Người
Tôi Tớ của Thiên Chúa, như là Vị Thượng Tế của Ðạo Mới, và như là Ðấng Hoàng Ðế
đã cứu chuộc chúng ta.
A. Người Tôi Tớ Của Thiên
Chúa
Isaia có một đoạn sách rất mầu nhiệm, đoạn mà chúng ta
vừa nghe đọc. Cho đến ngày Ðức Kitô chịu treo trên Thập giá, người ta chẳng
hiểu gì về đoạn sách này. Tác giả nói đến một người Tôi Tớ của Ðức Yavê. Người
có đủ mọi tư cách của một người công chính và của một vị tiên tri. Hơn nữa đó
còn là Vị Tiên tri công chính đặc biệt. Chẳng người công chính và vị tiên tri
nào trong lịch sử hội đủ những tư cách của Người. Phải nói Người là vị thánh
duy nhất và là Người của Thiên Chúa có một không hai. Bản chất của con người
của Người đã rất mầu nhiệm vì dường như Người không phải là một cá nhân nhưng
là toàn dân Thiên Chúa ở nơi Người. Ðịnh mệnh của Người còn mầu nhiệm hơn nữa.
Người đạo đức thánh thiện tuyệt vời, thế mà không hiểu sao lại bị đánh đập, mắng
chửi, ruồng rẫy, vất bỏ như một tên vô đạo, như một kẻ bất lương. Và cực hình
Người phải chịu dữ dằn đến nỗi làm nát khuôn mặt Người, khiến ai nhìn vào cũng
phải rùng rợn ngó đi nơi khác. Thế rồi Người được tôn vinh, tôn vinh đến cùng
độ khiến cả thiên hạ phải ngỡ ngàng. Ai hiểu được con người lạ lùng ấy? Isaia
viết ra theo ơn linh hứng cũng phải bàng hoàng. Ông suy nghĩ và táo bạo viết
thêm chính vì tội lỗi loài người mà Vị công chính kia phải chịu khổ như vậy.
Người là bầy tôi Thiên Chúa dùng để gánh vác các khổ đau của chúng ta, hầu trở
nên Vị trung gian cầu bầu cho tội nhân. Isaia được linh hứng viết đoạn trên,
nhưng ông cũng như mọi độc giả đều ngậm tăm, chẳng biết nhân vật mình mô tả đó
là ai. Lời tiên tri trên còn chờ mạc khải.
Nay Ðức Kitô chịu treo trên Thập giá. Và chính lúc ấy
trời đất chuyển động. Nhiều kẻ đấm ngực ăn năn thú nhận: Người bị treo kia thật
là Con Thiên Chúa. Mầu nhiệm Phục sinh tiếp đến chứng thực cho lời thú nhận
trên. Và bài sách Isaia nay được ứng nghiệm. Ðức Kitô bị đóng đinh chính là
Ðấng Thánh đã mang lấy tội lỗi và khổ đau của loài người. Người bị đánh đập,
ruồng rẫy, vứt bỏ như viên đá mà thợ xây quẳng đi. Nhưng Thiên Chúa đã nhặt lại
làm đá góc xây nên Ðền thờ mới là Hội Thánh hiện thời. Ðức Kitô Chúa chúng ta
đã hoàn tất lời tiên tri; đã làm trọn thời Cựu ước; đã trở nên phương xá cứu
rỗi loài người.
Bài sách Isaia ít nhất khuyên nhủ chúng ta điều này:
mỗi khi nhìn vào Thập giá Ðức Kitô, lập tức chúng ta phải nghĩ đến tội lỗi lớn
lao và khổ đau dữ dằn của loài người. Không có tội lỗi và hậu quả của nó, thì
không có việc Ðức Kitô phải đập đánh và khổ đau trên Thập giá. Thân thể rách
nát của Người nhắc nhở chúng ta ý thức sự kiện tội lỗi tràn lan mọi nơi, mọi
thời một cách thật độc dữ. Và trước hết chính mỗi người chúng ta phải nhận thức
lương tâm và đời sống nhiều khi còn tội lỗi của mình. Thiếu sự công nhận này là
phủ nhận Thánh giá Ðức Kitô; là không chấp nhận ý nghĩa cứu thế của việc Người
tử nạn; là cho rằng việc Người chịu chết thật vô ích, nếu không phải chỉ có hệ
tới Người. Và như vậy rõ rệt là phạm thượng và xúc phạm.
Ngược lại, ai có cái nhìn như Isaia, ai nhận thức rằng
Ðấng bị treo trên Thập giá đã phải khổ hình vì tội lỗi chúng ta, người đó dễ
nhận ra Ðức Kitô bị đóng đinh hiện nay là Vị trung gian cầu bầu cho kẻ có tội.
Khi ấy Thập giá của Người trở nên Thánh giá, trở thành phương xa cứu độ loài
người tội nhân.
Thế nên thái độ đầu tiên phải có để cử hành Phụng vụ
Thánh giá hôm nay là tâm tình nhận thức mình là tội nhân và Ðấng bị đóng đinh
kia đang đau khổ vì mình; chúng ta đến với Thập giá vừa khiêm cung vừa cảm mến.
Cái hôn nồng nàn đặt vào chân Ðấng bị đóng đinh sẽ có giá trị tha tội khác nào
những cái hôn đầy nước mắt của bà Maria đặt vào chân Chúa khi Người còn sống.
Ðó là những cái hôn thú nhận tội lỗi và trao phó chúng cho Ðấng đầy yêu thương
muốn gánh đỡ hết tội lỗi của loài người.
Tuy nhiên bài sách Isaia mới đem đến thái độ mở đầu.
Chúng ta còn phải đi xa hơn nữa vào Phụng vụ Thánh giá hôm nay. Và bài thư
Hipri tiếp sau gợi lên một tâm tình mới.
B. Vị Thượng Tế Của Ðạo Mới
Tác giả thư Hipri nói với chúng ta: Ðức Kitô bị đóng
đinh Thập giá là Vị Thượng tế đã tiến vào thiên cung. Không giống như bất cứ vị
thượng tế nào trong đạo cũ, hay đã gặp ở trần gian này, Vị Thượng tế của chúng
ta độc nhất vô song và đáng tin cậy hoàn toàn, vì lẽ Người đã chịu khổ nạn.
Ý tác giả muốn nói gì? Mấy lời thư chúng ta vừa nghe
chỉ nêu lên một ý tưởng. Theo ông, cuộc khổ nạn Ðức Kitô đã chịu chứng tỏ Người
có lòng tôn kính vâng phục Thiên Chúa. Người đã khiêm nhường sấp mình nài van
Ðấng có thể cứu thoát Người khỏi chết. Lòng vâng phục của Người đã khiến Người
được chấp nhận. Và cũng nhờ sự vâng phục cho đến chết như thế, Người đã trở nên
phương xá tội tất cả những ai tùng phục Người.
Muốn hiểu ý tác giả một cách đơn sơ, có lẽ chúng ta có
thể nói theo như đã học biết. Thánh Kinh dạy loài người đã sa ngã phạm tội bất
vâng phục Thiên Chúa và càng đi càng vấp váp nặng nề. Ðức Kitô đến gánh vác mọi
tội lỗi trần gian. Người phải tỏ ra vâng phục hết mình, tức là phải vâng phục
cho đến chết và chết trên Thập giá. Khi đó Người mới được nâng lên, trở thành
phương xá cứu độ tất cả những ai chấp nhận tinh thần vâng phục của Người. Nói
một cách vắn tắt hơn, như vì sự bất tuân phục của một người mà cả loài người
phải chết, thì nay nhờ sự vâng phục của một người khác mà cả nhân loại lại được
sống. Nhiều tác giả đạo đức còn suy nghĩ thêm: như loài người đã hư đi vì một
người đã bất tuân phục nơi cây trái cấm, thì nay nhân loại được cứu chuộc nhờ
một người khác đã vâng phục cho đến chết và chết trên cây gỗ. Do đó, Thánh giá
Ðức Kitô đã trở thành cây thang đưa người ta trở về Thiên Quốc. Và Ðức Kitô
cũng chỉ có thể lên nơi vinh hiển qua nhiều gian khổ đớn đau để học biết vâng
phục.
Tuy nhiên như vậy chúng ta vẫn chưa nói đủ về tư cách
Thượng tế của Ðức Kitô như bài Thánh thư hôm nay muốn. Tác giả nghĩ đến ngày xá
tội trong dân Dothái. Ông thấy đạo cũ đặt cả tin tưởng vào vị thượng tế, khi
ngài bước vào cung cực thánh, dâng máu chiên máu bò để xin ơn tha tội. Ðó là lễ
xá tội lớn nhất của đạo cũ. Ðó là ngày thượng tế thi hành đặc quyền của mình.
Nhưng nếu chỉ có vậy, thì sánh làm sao được với lễ xá tội trong Ðạo Mới? Hay
nói cách khác, lễ đền tội trên Thánh giá tỏ ra trổi vượt hơn biết bao! Ở đây
không phải là vị thượng tế thường, nhưng là vị Thượng tế tuyệt vời. Ở đây không
phải chỉ là máu chiên máu bò, nhưng là chính Máu Thánh Ðức Kitô. Ở đây vị
Thượng tế không khách quan dùng một hy lễ ngoài mình để dâng lên, nhưng dâng
chính sự đau khổ và sự chết của mình làm Hy tế. Nhất định vị Thượng tế này thật
là trổi vượt, Hy tế của Người thật là giá trị. Thế nên chúng ta hãy tin tưởng
đến gần ngai ân sủng để được cứu độ. Và để lòng tin tưởng không bị một nghi ngờ
nào có thể làm lung lay, thì chúng ta cũng cần biết: Vị Thượng tế của chúng ta
thông cảm vô ngần, vì Người đã kinh nghiệm nơi cuộc đời và thân thể của Người
mọi nỗi khổ đau của chúng ta ngoài trừ tội lỗi.
Nói đúng ra, khi nêu lên lý do tin tưởng này, tác giả
cũng hàm ý bảo chúng ta: muốn tin tưởng đến gần ngai ân sủng, chúng ta cũng
phải cảm thông những đau khổ đớn đau của Người. Cũng như khi gợi lên giá trị
của sự vâng lời trong cuộc Khổ nạn của Ðức Kitô, tác giả đã khuyên ta chỉ mong
được cứu độ khi chúng ta tuân phục Người.
Như vậy bài thư Hipri đã đi xa hơn bài sách Isaia
nhiều. Nhìn vào Thánh giá Ðức Kitô không những chúng ta phải nhận thức rằng
chính vì tội lỗi của loài người chúng ta mà Người Tôi Tớ Thiên Chúa đã phải cực
hình như vậy; nhưng sau bài thư Hipri, chúng ta còn thấy rõ hơn; Ðức Kitô đã
phải đi qua nhiều đau khổ và chết trên Thập giá để học biết và chứng tỏ lòng
vâng phục hầu chuộc tội bất tuân phục, khiến một đàng Người trở thành vị Thượng
tế duy nhất có thể ban ơn tha tội và đàng khác chúng ta chỉ có thể đến gần ngai
ân sủng nếu tùng phục Ðấng đã bị đóng đinh, tức là tham gia vào cuộc Khổ nạn
của Người. Tư tưởng cuối cùng này dẫn ta sang bài tường thuật việc Chúa chịu
nạn theo Tin Mừng Yoan.
C. Ðấng Hoàng Ðế Cứu Ðộ
Như đã có lần chúng ta nói: mỗi tác giả Tin Mừng có một
lối riêng để trình bày việc Chúa chịu chết. Nhờ vậy chúng ta có những bài tường
thuật phong phú và độc đáo. Cách thánh Yoan thuật lại việc Chúa chịu nạn cũng
thật là của người. Ở đây chúng ta chỉ làm nổi bật lên hai tư tưởng: Ðức Kitô là
Thượng Tế và là Hoàng Ðế.
Nếu tác giả thư Hipri còn nhận thấy Chúa chịu đóng đinh
là Thượng tế tuyệt vời, thì huống nữa là tác giả Tin Mừng Yoan. Cuốn Tin Mừng
sau chót này luôn có khuynh hướng phụng vụ: làm sao lại có thể không nhận ra
khuôn mặt Tư tế của Ðức Kitô trong cuộc Người thương khó?
Theo Yoan, sau khi bị bắt, Ðức Yêsu bị điệu đến nhà
Hanna là thân phụ của vị thượng tế năm ấy là Caipha. Và khi Người ở trước mặt
ông này, Yoan dùng đi dùng lại danh từ thượng tế để chúng ta thấy rõ tư cách
trổi vượt của Ðức Yêsu, khiến chúng ta công nhận chức thượng tế của đạo cũ
không còn giá trị gì nữa.
Rồi Yoan phân biệt rõ trong số y phục của Chúa mà lý
hình đem ra chia nhau, có cái áo dài một đường chỉ. Lý hình đã để nguyên và rút
thăm. Cái áo ấy gợi lên hình ảnh cái áo dài của thầy thượng tế. Và như vậy,
Yoan muốn cho chúng ta nhìn nhận nơi Ðức Kitô chịu đóng đinh, vị Thượng tế ở
trên bàn thờ Thánh giá.
Mà quả thật Thánh giá đã trở thành bàn thờ của Ðạo Mới.
Khi người lính không đánh dập ống chân Chúa như đã làm cho hai người tử tội hai
bên, Yoan đã nhận ra Người là Chiên Vượt qua, mà khi hy tế không được để gẫy
một cái xương nào.
Hơn nữa, lúc người lính cầm đòng đâm cạnh sườn Chúa,
Yoan thấy nước với máu chảy ra. Ông thấy ngay đó là Ðền thờ Yêrusalem mới, có
nước sinh sống chảy ra từ bên hông, đem sự sống mới đến phục sinh mọi loài.
Như vậy Yoan đã kín đáo nhưng rất tài tình và sâu sắc
giới thiệu Ðức Kitô chịu cực hình là Thượng tế, là Ðền thờ, là Hy lễ, tức là
tất cả tôn giáo mới của chúng ta. Ông đồng ý với tác giả thư Hipri. Cũng như
ông nhắc lại một câu trong sách Isaia để chứng tỏ ông coi Ðức Kitô chịu nạn đây
là Người Tôi Tớ Thiên Chúa: "Chúng sẽ trông lên Người chúng đã đâm".
Nhưng khi trông lên Ðấng đã bị đâm, Yoan còn nhìn thấy
Người là Hoàng đế muôn dân trông đợi. Tác giả sách Tin Mừng thứ tư có cái nhìn
đặc biệt này: ngay khi thấy Ðức Yêsu còn sinh hoạt ở trần gian này, ông đã nhìn
ra vinh quang của Người là Ngôi Lời Thiên Chúa. Lúc nào Người cũng có vẻ uy
nghi, mặc dầu kín đáo, vì Ngôi Lời đã hóa thành xác phàm. Thế nên cả trong cuộc
Khổ nạn này, Ðức Kitô uy nghi, lẫm liệt, và có thể nói, hơn bao giờ hết. Một
mình Yoan đã nói lên cái oai của Ðức Kitô nơi vườn Cây Dầu. Tiếng của Người vừa
phán, bọn lính đã ngã lăn ra. Mà không phải chỉ một lần! Thái độ của Người ở
trước tòa Caipha cũng vậy. Ðặc biệt cuộc đối thoại giữa Người với Philatô. Yoan
thuật lại tỉ mỉ và ông đã giải thích vương quyền của Chúa là gì. Ðến nỗi
Philatô bị ám ảnh. Hay bị chinh phục? Ông đã đưa Ðức Kitô ra trước mặt dân, chỉ
vào Người mà tuyên bố: Ðây là Người. Nhưng ông cũng đã nói: Ðây là Vua các
ngươi! Rồi một mình tác giả Tin Mừng thứ tư nhấn mạnh việc Philatô từ chối
không sửa lại bảng viết đặt trên đầu Thánh giá Ðức Yêsu. Ông muốn muôn đời
người ta nhìn nhận Ðấng chịu đóng đanh đây là Hoàng đế cứu độ muôn dân. Ông
ngồi ghế quan tòa, mà cuối cùng đã thú nhận người bị xét xử kia là Vua! Cũng
như Caipha là thượng tế đã bị mất mặt trước Vị Thượng tế mới!
Vậy, nếu chúng ta phải tóm tắt những tư tưởng và tâm
tình của Phụng vụ muốn chúng ta phải có khi đến với Thánh giá Ðức Kitô, thì
chúng ta có thể nói:
* Mọi người hãy như Isaia nhìn lên Thập giá mà nhận
thức rằng: Thân thể tan nát kia là nạn nhân của tội lỗi. Ðó là Người Tôi Tớ
Thiên Chúa đã gánh chịu mọi tội lỗi và hậu quả của trần gian. Không thể tôn thờ
Thánh giá mà không nhìn nhận phần trách nhiệm tội lỗi của mình; nên phải thống
hối ăn năn đến với Thánh giá Chúa Kitô.
* Khi đó, theo lời thư Hipri, chúng ta sẽ được dạn dĩ,
tin tưởng đến gần ngai ân sủng vì có Ðức Kitô làm Thượng tế. Người đã chịu đóng
đinh để tiến vào thiên cung với Máu Thánh của Người, hầu cầu bầu ơn tha thứ cho
chúng ta với một tấm lòng rất thông cảm mọi sự yếu đuối của chúng ta.
* Như vậy, chúng ta hãy để Ðức Kitô chịu đóng đinh kéo
mình lên với Người. Chính Người đã phán: khi nào Ta bị treo lên, Ta sẽ kéo mọi
sự lên cùng Ta. Người thống nhất mọi sự khi ở trên Thánh giá. Người chinh phục
mọi người khi hy sinh đến cả mạng sống cho người mình yêu. Người là Vua Tình
yêu khi chịu đóng đinh.
Phụng vụ hôm nay quy tụ chúng ta lại bên Thánh giá.
Chúng ta hãy nhìn lên Ðấng đã bị đóng đinh và bị lưỡi đòng đâm thâu. Người đang
khẩn khoản nài xin Chúa Cha tha tội cho chúng ta. Và ơn tha tội ấy như đang
chảy ra từ cạnh sườn Người trong Nước và Máu để rửa sạch và tưới mát chúng ta
thành tạo vật mới. Như vậy Ðấng bị đóng đinh vừa là Của Lễ Ðền Tội, vừa là Vị
Thượng Tế ban ơn cứu độ và là Thủ Cấp của một cơ thể mới, hay là Vua của Dân
Thánh Mới. Chúng ta đến với Thánh giá không những trong tâm tình ăn năn thống
hối, nhưng còn để được đổi mới canh tân và ý thức từ nay phải liên kết với Vị
Thủ Lãnh của mình đang giang tay trên Thập giá để cầu bầu cho nhân loại và đang
để mở cạnh sườn cho thiên hạ thấy tình yêu to lớn đã hy sinh phục vụ cho đến
chết và chết trên Thập giá. Liên kết với Ðấng yêu thương loài người như vậy,
chúng ta hãy đứng lên cầu nguyện cho mọi hạng người, mong mọi người đến thờ lạy
Thánh giá Chúa Kitô.
(Trích dẫn từ tập sách Giải Nghĩa Lời Chúa
của Ðức cố Giám Mục Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm)
(Veritas Asia)
Bài Suy Niệm của ÐTC Gioan Phaolô II trong Buổi Ði Ðàng Thánh Giá Thứ Sáu Tuần Thánh năm 2002 (Ga 18,1-19,42)
1. Crucem tuam adoramus, Domine! - Lạy Chúa, chúng con thờ lạy Thánh Giá Chúa!
Ở cuối của lời cầu xúc động này về cuộc Vượt Qua của Ðức Kitô, tia nhìn của chúng ta vẫn hướng về Thánh Giá. Chúng ta suy niệm trong đức tin mầu nhiệm cứu độ được mạc khải cho chúng ta. Khi chết đi, Ðức Giêsu vén lên bức màn trước mắt chúng ta, và giờ đây Thánh Giá đứng thẳng trên thế giới trong tất cả sự huy hoàng của nó. Sự yên lặng đem lại an bình của Ðấng mà sự dữ thế gian đã treo lên Cây này đang hé lộ ra hòa bình và yêu thương. Trên Thánh Giá, Con Người đã chết, mang theo với Ngài gánh nặng của mọi khổ đau và bất công nhân thế. Trên đồi
2. "Họ sẽ nhìn ngắm Ðấng mà họ đã đâm thâu qua" (Ga 19,37).
Ngày Thứ Sáu Tuần Thánh chứng kiến những lời các tiên tri được nên trọn, những lời mà Thánh Sử Gioan, một chứng nhân tận mắt, đã thấy được sự chính xác khi suy niệm trong lòng, Thiên Chúa làm người, Ðấng vì yêu thương đã chấp nhận hình phạt nhục nhã nhất mà bao nhiêu chủng tộc và các nền văn hóa ngày nay đang chứng kiến. Khi tia nhìn của họ được dẫn dắt bởi cảm nhận sâu sắc của đức tin, họ nhận ra trong Ðấng Bị Ðóng Ðinh một "chứng nhân" vô địch của yêu thương.
Từ Thánh Giá, Ðức Giêsu gom lại thành một dân tộc, Dân Do Thái và Dân Ngoại, hiển thị ý chí của Cha Ngài trên trời muốn tạo ra một gia đình duy nhất cho nhân loại được tụ họp dưới Danh Ngài.
Trong nỗi đau tê tái của Người Ðầy Tớ Thống Khổ, chúng ta đã nghe tiếng kêu khải hoàn của Thiên Chúa Trỗi Dậy. Ðức Kitô trên cây Thánh Giá là nhân loại mới đã được chuộc khỏi gánh nặng của tội lỗi và sự chết. Bất chấp những bóp méo và ngộ nhận của lịch sử, có thể có, chúng ta biết rằng nếu bước theo chân của Người Nazarét bị đóng đinh này, chúng ta sẽ đạt được mục đích. Giữa những xung đột của một thế giới thống trị bởi ích kỷ và thù hận, chúng ta, như những tín hữu, được kêu gọi để công bố vinh quang của Yêu Thương. Hôm nay, Thứ Sáu Tuần Thánh, chúng ta làm chứng cho vinh quang của Ðức Kitô bị đóng đinh.
3. Lạy Chúa, chúng con thờ lạy Thánh Giá Chúa!
Vâng, chúng con thờ lạy Ngài, Lạy Chúa, Ðấng đã bị treo lên Thánh Giá giữa trời và đất, Ðấng Trung Gian duy nhất của ơn cứu độ chúng con. Thánh Giá Ngài là bích chương của vinh quang chúng con!
Chúng con thờ lạy Ngài, Con của Ðức Trinh Nữ Rất Thánh, đang đứng bất khuất bên cạnh Thánh Giá, can đảm chia sẻ trong lễ hy sinh cứu chuộc của Ngài.
Qua Gỗ Thánh Giá trên đó Ngài bị đóng đinh, niềm vui đã đến với toàn thế giới - propter Lignum venit gaudium in universo mundo. Hôm nay chúng con tất cả nhận thức hơn về điều này khi tia nhìn của chúng con được nâng về phía sự kỳ diệu khôn tả của sự Phục Sinh của Chúa. "Chúng con thờ lạy Thánh Giá Chúa, Lạy Chúa, chúng con tán tụng và thờ lạy sự Phục Sinh thánh thiện của Ngài!".
Với những tình cảm này, anh chị em thân mến, tôi gỡi đến anh chị em lời chúc Phục Sinh với phép lành Tòa Thánh.
+ Gioan Phaolô II, Giáo Hoàng
(Bản dịch Việt Ngữ của J.B Ðặng Minh An)
Thứ Sáu 29-3
Chân Phước Ludovico ở Casoria
(1814-1885)
S
|
Vào năm 1847, ngài được một cảm nghiệm huyền nhiệm mà sau này ngài diễn tả cảm nghiệm ấy như một sự thanh tẩy. Sau đó ngài dùng cả cuộc đời để phục vụ người nghèo và người đau yếu, thành lập một nhà phát chẩn cho người nghèo, hai trường học cho các trẻ em Phi Châu, một học viện cho các em nhà giầu, một trung tâm cho các em mồ côi, các em câm điếc, và các trung tâm khác cho người mù và người già. Ngoài một bệnh xá dành cho các tu sĩ dòng, ngài còn thành lập các trung tâm bác ái khác ở
Ðể tiếp tục công việc bác ái, năm 1859 ngài thành lập tổ chức Các Thầy Áo Xám, là một tổ chức tôn giáo gồm những người trước đây thuộc về dòng Ba Phanxicô. Ba năm sau, ngài thành lập tổ chức Các Chị Áo Xám của Thánh Êligiabét, cũng cùng một mục đích ấy.
Trong những năm cuối đời, ngài bị đau yếu đến chín năm, và đã viết một chứng từ linh đạo mà trong đó ngài diễn tả đức tin như "ánh sáng trong tăm tối, sự trợ giúp khi đau yếu, một ân huệ khi khổ cực, nơi cực lạc khi bị đóng đinh và sự sống giữa cái chết." Sau khi ngài từ trần được năm tháng thì việc điều tra phong thánh đã được tiến hành. Ngài được phong chân phước năm 1993.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét