Ngày 03/4/2013
Thứ Tư Tuần I Mùa Phục
Sinh Năm C
BÀI ĐỌC I: Cv 3, 1-10
"Có cái này tôi
cho anh, là nhân danh Đức Giêsu, anh hãy đứng dậy mà đi".
Trích
sách Tông đồ Công vụ.
Trong những ngày ấy, vào giờ thứ chín, là giờ
cầu nguyện, Phêrô và Gioan lên đền thờ. Lúc bấy giờ có một anh què từ lúc mới
sinh, hằng ngày được người ta khiêng đến cửa đền thờ, gọi là Cửa Đẹp, để xin
những người vào đền thờ bố thí cho. Khi thấy Phêrô và Gioan tiến vào đền thờ,
anh liền xin bố thí. Phêrô và Gioan nhìn anh và nói: "Anh hãy nhìn chúng
tôi". Anh ngước mắt chăm chú nhìn hai ngài, mong sẽ được hai ngài cho cái
gì. Nhưng Phêrô nói: "Vàng bạc thì tôi không có, nhưng có cái này tôi cho
anh, là: nhân danh Đức Giêsu Kitô Nadarét, anh hãy đứng dậy mà đi!" Rồi
Phêrô nắm tay mặt anh mà kéo dậy, tức thì mắt cá và bàn chân anh trở nên cứng
cát; anh nhảy ngay lên mà đứng và đi được; anh cùng hai ngài tiến vào đền thờ,
anh vừa đi vừa nhảy nhót và ngợi khen Thiên Chúa, và dân chúng đều thấy anh đi
và ngợi khen Chúa. Họ nhận ra anh chính là kẻ ngồi ăn xin ở Cửa Đẹp đền thờ,
nên họ bỡ ngỡ sửng sốt về việc xảy đến cho anh.
Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 104, 1-2. 3-4. 6-7. 8-9
Đáp: Tâm hồn những ai
tìm Chúa, hãy mừng vui (c. 3b).
Hoặc
đọc: Alleluia.
1)
Hãy ca tụng Chúa, hãy hoan hô danh Ngài, hãy kể ra sự nghiệp Chúa ở giữa chư
dân. Hãy xướng ca, đàn hát mừng Ngài, hãy tường thuật mọi điều kỳ diệu của
Chúa. - Đáp.
2)
Hãy tự hào vì danh thánh của Ngài, tâm hồn những ai tìm Chúa, hãy mừng vui. Hãy
coi trọng Chúa và quyền năng của Chúa, hãy tìm kiếm thiên nhan Chúa luôn luôn.
- Đáp.
3)
Hỡi miêu duệ Abraham là tôi tớ của Ngài, hỡi con cháu Giacóp, những người được
Ngài kén chọn. Chính Chúa là Thiên Chúa chúng ta, quyền cai trị của Ngài bao
trùm khắp cả địa cầu. - Đáp.
4)
Tới muôn đời Ngài vẫn nhớ lời minh ước, lời hứa mà Ngài đã an bài tới muôn thế
hệ, lời minh ước Ngài đã ký cùng Abraham, lời thề hứa Ngài đã thề với Isaac. - Đáp.
ALLELUIA: Tv 117, 24
Alleluia,
alleluia! - Đây là ngày Chúa đã thực hiện, chúng ta hãy mừng rỡ hân hoan về
ngày đó. - Alleluia.
PHÚC ÂM: Lc 24, 13-35
"Hai ông đã nhận
ra Người lúc bẻ bánh".
Tin
Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Cùng ngày thứ nhất trong tuần, có hai môn đệ
đi đến một làng tên là Emmaus, cách Giêrusalem độ sáu mươi dặm. Dọc đường, các
ông nói với nhau về những việc vừa xảy ra. Đang khi họ nói truyện và trao đổi ý
kiến với nhau, thì chính Chúa Giêsu tiến lại cùng đi với họ, nhưng mắt họ bị
che phủ nên không nhận ra Người. Người hỏi: "Các ông có truyện gì vừa đi
vừa trao đổi với nhau mà buồn bã vậy?" Một người tên là Clêophas trả lời:
"Có lẽ ông là khách hành hương duy nhất ở Giêrusalem mà không hay biết
những sự việc vừa xảy ra trong thành mấy ngày nay". Chúa hỏi: "Việc
gì thế?" Các ông thưa: "Sự việc liên can đến ông Giêsu quê thành
Nadarét. Người là một vị tiên tri có quyền lực trong hành động và ngôn ngữ,
trước mặt Thiên Chúa và toàn thể dân chúng. Thế mà các trưởng tế và thủ lãnh
của chúng ta đã bắt nộp Người để xử tử và đóng đinh Người vào thập giá. Phần
chúng tôi, chúng tôi vẫn hy vọng Người sẽ cứu Israel . Các việc ấy đã xảy ra nay
đã đến ngày thứ ba rồi. Nhưng mấy phụ nữ trong nhóm chúng tôi, quả thật đã làm
chúng tôi lo sợ. Họ đến mồ từ tảng sáng. Và không thấy xác Người, họ trở về nói
đã thấy thiên thần hiện ra bảo rằng: Người đang sống. Vài người trong chúng tôi
cũng ra thăm mồ và thấy mọi sự đều đúng như lời các phụ nữ đã nói; còn Người
thì họ không gặp".
Bấy giờ Người bảo họ: "Ôi kẻ khờ dại,
chậm tin các điều tiên tri đã nói! Chớ thì Đấng Kitô chẳng phải chịu đau khổ
như vậy rồi mới được vinh quang sao?" Đoạn Người bắt đầu từ Môsê đến tất
cả các tiên tri, giải thích cho hai ông tất cả các lời Kinh Thánh chỉ về Người.
Khi gần đến làng hai ông định tới, Người giả vờ muốn đi xa hơn nữa. Nhưng hai
môn đệ nài ép Người rằng: "Mời ông ở lại với chúng tôi, vì trời đã về
chiều, và ngày sắp tàn". Người liền vào với các ông.
Đang khi cùng các ông ngồi bàn, Người cầm
bánh, đọc lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho hai ông. Mắt họ sáng ra và nhận ra
Người. Đoạn Người biến mất. Họ bảo nhau: "Phải chăng lòng chúng ta đã
chẳng sốt sắng lên trong ta khi Người đi đường đàm đạo và giải thích Kinh Thánh
cho chúng ta đó ư?" Ngay lúc ấy họ chỗi dậy trở về Giêrusalem, và gặp mười
một tông đồ và các bạn khác đang tụ họp. Các vị đó bảo hai ông: "Thật Chúa
đã sống lại, và đã hiện ra với Simon". Hai ông cũng thuật lại các việc đã
xảy ra dọc đường và hai ông đã nhận ra Người lúc bẻ bánh như thế nào.
Đó
là lời Chúa.
SUY NIỆM : Chúa Ðã Sống
Lại
Anh chị em thân mến!
Trên đường về làng Emmau có hai kẻ song hành.
Họ âm thầm bước đi bên nhau, mỗi người một suy nghĩ nhưng có cùng một mẫu số
chung là tuyệt vọng. Và tuyệt vọng cũng là điều dễ hiểu vì Thầy họ, một người
đầy uy quyền mà phải đầu hàng trước hội đường Do Thái, phải gục ngã trước uy
quyền của thần chết.
Bởi thế, dù bước đi bên nhau mà tưởng chừng
như độc hành. Cùng trên đoạn đường đi ấy, một người thứ ba xuất hiện đi cùng và
đối thoại trao đổi cách thân tình. Vì thế, lòng họ ấm áp lại và rồi tâm hồn họ
đã hồi sinh thực sự khi Ngài bẻ bánh trao cho họ. "Trao bánh" là ban
một cử chỉ thông hiệp thân mật và là mối dây thông cảm thân tình giữa Thầy và
Trò.
Thế giới hôm nay cũng không thiếu những tâm
hồn cô độc tuyệt vọng. Tuyệt vọng vì mất niềm tin, vì không thấy ý nghĩa cuộc
đời. Tuyệt vọng vì chiến tranh bạo lực, vì những cấu xé tranh giành giữa con
người cùng chung một dòng máu. Tuyệt vọng vì nghèo đói, bị khinh bỉ, bị đặt ra
ngoài lề xã hội.
Giữa những cảnh tuyệt vọng ấy, bổn phận người
Kitô hữu là gì nếu không phải là đốt lên ngọn lửa yêu thương để sưởi ấm tâm
hồn. Bổn phận này không đòi hỏi phải có những tổ chức rộng lớn, nhưng phương
tiện tân kỳ hoặc những khả năng phi thường, nhưng chỉ cần những đối thoại trao
đổi đơn sơ nhưng đầy tình Chúa và tình người cũng mang lại những giá trị của
nó: "Phải chăng trong lòng chúng ta đã chẳng sốt sắng lên trong khi Ngài
đi đường đàm đạo và giải thích Kinh Thánh cho chúng ta đó ư?"
Một cử chỉ cầm tay và ngồi bên giường bệnh
nhân hàng giờ của người nữ y tá chẳng là gì, nhưng nếu không có cử chỉ ấy thì
giá trị của cuộc giải phẫu sẽ chẳng lường trước được.
Lạy Chúa, nếu cuộc
sống đã làm cho con đau lòng tuyệt vọng thì xin Chúa cho con biết tìm về Lời
Chúa và Mình Chúa để lấy lại sức mạnh cho tâm hồn. Vì Lời Chúa sẽ hâm nóng tâm
hồn giá lạnh của con; và bàn tiệc Thánh Thể sẽ cho con được hồi sinh. Ðể như
hai môn đệ trên đường Emmau, một khi đã được hồi sinh, con sẽ đến với người anh
em để nói cho họ về niềm tin vui Phục Sinh, về tình thương của Chúa. Amen.
(Veritas Asia)
Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Tư Tuần I Bát Nhật Phục Sinh
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Chúa vẫn đồng hành với các môn đệ sau cái chết của Ngài.
Xa cách Chúa là một khủng hỏang và mất mát tất
cả cho các môn đệ, vì họ đã đặt trọn vẹn niềm tin và cuộc đời của họ nơi Ngài.
Hầu hết đã bỏ Chúa trong Cuộc Thương Khó của Ngài; và giờ đây không còn được
nhìn thấy Ngài nữa, họ chán nản, thất vọng. Nhiều người rời Jerusalem để trở về với gia đình, làm lại
cuộc đời như hai môn đệ trên đường về Emmaus. Chính Chúa Giêsu đã nhìn thấy
trước viễn ảnh này khi Ngài nói với các môn đệ: “Họ sẽ diệt chủ chăn, và đàn
chiên sẽ tan tác.”
Các Bài Đọc hôm nay muốn nhấn mạnh: mặc dầu
không còn sống trên dương gian, Chúa vẫn đồng hành và hoạt động trong và với
các ông. Ngài vẫn có thể chữa lành, dạy dỗ, và làm cho con người thất vọng được
sống hy vọng qua các môn đệ của Ngài. Trong Bài Đọc I, Chúa cho Phêrô quyền lực
để chữa lành người què từ khi sinh, như Ngài đã từng làm cho dân chúng. Phêrô
đã nhân danh Chúa Giêsu Kitô người Nazareth
để làm phép lạ này. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu thắp lên niềm hy vọng cho 2 môn
đệ trên đường Emmaus khi Ngài cùng các ông bẻ bánh và học hỏi những biến cố vừa
xảy ra dưới lăng kính của Kinh Thánh.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/
Bài đọc I: Ông Phêrô chữa lành người què từ khi lọt lòng mẹ.
Một hôm, ông Phêrô và ông Gioan lên Đền Thờ,
vào buổi cầu nguyện giờ thứ chín. Các ông vẫn giữ thói quen lên Đền Thờ cầu
nguyện mặc dù Chúa Giêsu không còn nữa và Ngài đã khai mào một kỷ nguyên mới.
Điều này chứng tỏ cho chúng ta thấy, có những thói quen tốt lành cần giữ, chứ
không phải khi bắt đầu kỷ nguyên mới là đạp đổ tất cả những gì của kỷ nguyên
cũ.
(1) Phép lạ chữa lành cần thiết để khơi dậy niềm
tin:
Thiên Chúa vẫn không ngừng cảm thương với những đau khổ của kiếp người, và Ngài
luôn dùng tình thương của con người để làm vơi đi những nỗi bất hạnh của đồng
loại. Phép lạ chữa lành của Phêrô hôm nay chứng minh điều này, và cần thiết để
cho các tông đồ biết Chúa ban uy quyền và tình thương để các ông tiếp tục thi
hành sứ vụ mang con người về cho Thiên Chúa.
(2) Giúp đỡ tha nhân không chỉ bằng vàng bạc: nhưng có thể là làm
cho bình phục, hay mở mang trí tuệ bằng sự dạy dỗ, hay làm cho tha nhân có được
niềm tin và hy vọng ... Khi anh què nhìn thấy ông Phêrô và ông Gioan sắp vào
Đền Thờ, anh liền xin bố thí. Ông Phêrô nói với anh: "Vàng bạc thì tôi
không có; nhưng cái tôi có, tôi cho anh đây: nhân danh Đức Giêsu Kitô người Nazareth , anh đứng dậy mà
đi!" Rồi ông nắm chặt lấy tay mặt anh, kéo anh chỗi dậy. Lập tức bàn chân
và xương mắt cá của anh trở nên cứng cáp. Anh đứng phắt dậy, đi lại được.
(3) Phản ứng của con người khi chứng kiến phép
lạ: Sau
khi được chữa lành, anh què vào Đền Thờ cùng với hai ông, anh vừa đi vừa nhảy
nhót và ca tụng Thiên Chúa. Toàn dân thấy anh đi lại và ca tụng Thiên Chúa. Và
khi nhận ra anh chính là người vẫn ngồi ăn xin tại Cửa Đẹp Đền Thờ, họ kinh
ngạc sững sờ về sự việc mới xảy đến cho anh.
2/
Phúc Âm: Chúa Giêsu hiện đến với hai môn đệ trên đường đi Emmaus.
Có hai người trong nhóm môn đệ đi đến một làng
kia tên là Emmaus, cách Jerusalem
chừng mười một cây số. Họ trò chuyện với nhau về tất cả những sự việc mới xảy
ra. Sự kiện hai ông đi khỏi Jerusalem
và tâm sự của hai ông khi trò chuyện với Chúa Giêsu chứng tỏ hai ông đã đánh
mất niềm tin và hy vọng vào Đức Kitô.
2.1/
Họ nghe và nhìn thấy Chúa, nhưng không nhận ra Ngài: Đang lúc hai ông trò
chuyện và bàn tán, thì chính Đức Giêsu tiến đến gần và cùng đi với họ. Nhưng
mắt họ còn bị ngăn cản nên không nhận ra Người. Chúa đồng hành với họ, để tìm
ra những băn khoăn lo lắng của họ, và Ngài giúp họ để nhìn thấy ý nghĩa của
những biến cố liên quan đến Ngài.
(1)
Nỗi lo âu và thất vọng của hai môn đệ: Người hỏi họ: "Các anh vừa đi vừa trao
đổi với nhau về chuyện gì vậy?" Họ dừng lại, vẻ mặt buồn rầu, và thưa:
"Chuyện ông Giêsu Nazareth. Người là một ngôn sứ đầy uy thế trong việc làm
cũng như lời nói trước mặt Thiên Chúa và toàn dân. Thế mà các thượng tế và thủ
lãnh của chúng ta đã nộp Người để Người bị án tử hình, và đã đóng đinh Người
vào thập giá. Phần chúng tôi, trước đây vẫn hy vọng rằng chính Người là Đấng sẽ
cứu chuộc Israel .
Hơn nữa, những việc ấy xảy ra đến nay là ngày thứ ba rồi. Thật ra, cũng có mấy
người đàn bà trong nhóm chúng tôi đã làm chúng tôi kinh ngạc. Các bà ấy ra mộ
hồi sáng sớm, không thấy xác Người đâu cả, về còn nói là đã thấy thiên thần
hiện ra bảo rằng Người vẫn sống. Vài người trong nhóm chúng tôi đã ra mộ, và
thấy sự việc y như các bà ấy nói; còn chính Người thì họ không thấy." Các
ông đã không thể nối kết các sự kiện đã xảy ra nên đã không nhìn ra ý nghĩa của
chúng. Trong cuộc đời, chúng ta đã nhiều lần như vậy. Chúng ta để cho những
biến cố qua đi mà không nhận ra sự liên hệ của chúng trong cuộc đời chúng ta.
Để có thể nhìn thấy ý nghĩa và vai trò của chúng, chúng ta cần năng nhìn lại và
dành thời giờ suy tư về những biến cố xảy ra.
(2)
Giải thích Kinh Thánh: Bấy giờ Đức Giêsu nói với hai ông rằng: "Các anh chẳng
hiểu gì cả! Lòng trí các anh thật là chậm tin vào lời các ngôn sứ! Nào Đấng
Kitô lại chẳng phải chịu khổ hình như thế, rồi mới vào trong vinh quang của
Người sao?” Rồi bắt đầu từ ông Moses và tất cả các ngôn sứ, Người giải thích
cho hai ông những gì liên quan đến Người trong tất cả Sách Thánh. Khi gần tới
làng họ muốn đến, Đức Giê-su làm như còn phải đi xa hơn nữa. Họ nài ép Người
rằng: "Mời ông ở lại với chúng tôi, vì trời đã xế chiều, và ngày sắp tàn."
Bấy giờ Người mới vào và ở lại với họ.
2.2/
Các môn đệ nhận ra Chúa.
(1)
Qua việc cử hành Thánh Lễ: Khi đồng bàn với họ, Người cầm lấy bánh, dâng lời chúc
tụng, và bẻ ra trao cho họ. Mắt họ liền mở ra và họ nhận ra Người, nhưng Người
lại biến mất. Họ mới bảo nhau: "Dọc đường, khi Người nói chuyện và giải
thích Kinh Thánh cho chúng ta, lòng chúng ta đã chẳng bừng cháy lên sao?"
Đây là hình ảnh của một Thánh Lễ mà chúng ta tham dự: phần cắt nghĩa Kinh Thánh
tương xứng với phần Phụng Vụ Lời Chúa, và phần bẻ bánh tương xứng với phần
Phụng Vụ Thánh Thể; cả hai đều cần thiết để chúng ta nhận ra sự hiện diện của
Chúa trong cuộc đời mỗi người, và có sức mạnh để đương đầu với mọi vấn đề của
cuộc sống.
(2)
Qua việc hiệp thông huynh đệ và học hỏi: Ngay lúc ấy, họ đứng dậy, quay trở lại
Jerusalem, gặp Nhóm Mười Một và các bạn hữu đang tụ họp tại đó. Những người này
bảo hai ông: "Chúa trỗi dậy thật rồi, và đã hiện ra với ông Simon."
Còn hai ông thì thuật lại những gì đã xảy ra dọc đường và việc mình đã nhận ra
Chúa thế nào khi Người bẻ bánh. Khi đứng riêng lẻ một mình, chúng ta dễ cảm
thấy chán nản, thất vọng; nhưng khi hội họp cùng nhau chia sẻ niềm tin, chúng
ta sẽ được thêm khôn ngoan và sức mạnh để nâng đỡ niềm tin của nhau.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
-
Chúa vẫn đang sống; Ngài vẫn hoạt động giữa chúng ta. Cuộc sống sẽ vô nghĩa,
nặng nề, và buồn tẻ nếu chúng ta không có Chúa Giêsu đồng hành; nhưng cuộc sống
sẽ vô cùng ý nghĩa nếu chúng ta có sự hiện diện của Ngài trong đời sống. Ngài
cung cấp cho chúng ta tất cả khôn ngoan, sức mạnh, ơn thánh để sống cách ý
nghĩa trong cuộc đời này.
-
Những lúc chán nản, nghi nan, và thất vọng, chúng ta hãy cầu nguyện với Ngài:
“Mời Chúa ở lại với chúng con, vì trời đã xế chiều, và ngày sắp tàn.”
Linh mục Anthony Đinh
Minh Tiên OP
SỐNG LỜI CHÚA - Thứ tư (Lc 24, 13-35)
Dẫn
Tin
mừng hôm nay tiếp tục trình thuật về việc Chúa Giêsu phục sinh hiện ra với hai
môn đệ trên đường Em-mau. Chúa đã dùng Lời Chúa và cử chỉ bẻ bánh trong bữa ăn
thân tình để giúp hai ông nhận ra Chúa. Mọi ưu phiền và chán nản tan biến
nhường chổ cho niềm vui và hạnh phúc. Hai ông hân hoan trở về Giêrusalem báo
tin phục sinh cho các tông đồ.
Xin
Chúa cho chúng ta ý thức được tầm quan trọng của Lời Chúa và Thánh Thể mà yêu
mến gắn kết với Thánh Thể Chúa cũng như siêng năng tìm hiểu, suy niệm và sống
theo Lời Chúa hướng dẫn.
Chia sẻ
Truyện kể
Cô
con gái hay than thở với cha sao bất hạnh này cứ vừa đi qua thì bất hạnh khác
đã vội ập đến với mình, và cô không biết phải sống thế nào. Có những lúc quá
mệt mỏi vì vật lộn với cuộc sống, cô đã muốn chối bỏ cuộc đời đầy trắc trở này.
Cha
cô vốn là một đầu bếp. Một lần, nghe con gái than thở, ông dẫn cô xuống bếp.
Ông bắc ba nồi nước lên lò và để lửa thật to. Khi ba nồi nước sôi, ông lần lượt
cho cà rốt, trứng và hạt cà phê vào từng nồi riêng ra và đun lại để chúng tiếp
tục sôi, không nói một lời.
Người
con gái sốt ruột không biết cha cô đang định làm gì. Lòng cô đầy phiền muộn mà
ông lại thản nhiên nấu. Nửa giờ sau người cha tắt bếp, lần lượt múc cà rốt,
trứng và cà phê vào từng tô khác nhau.
Ông
bảo con gái dùng thử cà rốt. "Mềm lắm cha ạ", cô gái đáp. Sau đó, ông
lại bảo cô bóc trứng và nhấp thử cà phê. Cô gái cau mày vì cà phê đậm và đắng.
-
Điều này nghĩa là gì vậy cha - cô gái hỏi.
-
Ba loại thức uống này đều gặp phải một nghịch cảnh như nhau, đó là nước sôi 100
độ. Tuy nhiên mỗi thứ lại phản ứng thật khác.
Cà
rốt khi chưa chế biến thì cứng và trông rắn chắc, nhưng sau khi luộc sôi, chúng
trở nên rất mềm.
Còn
trứng lúc chưa luộc rất dễ vỡ, chỉ có một lớp vỏ mỏng bên ngoài bảo vệ chất lỏng
bên trong. Sau khi qua nước sôi, chất lỏng bên trong trở nên đặc và chắc hơn.
Hạt
cà phê thì thật kỳ lạ. Sau khi sôi, nước của chúng trở nên rất đậm đà.
Người
cha quay sang hỏi cô gái: Còn con? Con sẽ phản ứng như loại nào khi gặp phải
nghịch cảnh.
Con
sẽ như cà rốt, bề ngoài tưởng rất cứng cáp nhưng chỉ với một chút đau đớn, bất
hạnh đã trở nên yếu đuối chẳng còn chút nghị lực?
Con
sẽ là quả trứng, khởi đầu với trái tim mỏng manh và tinh thần dễ đổi thay.
Nhưng sau một lần tan vỡ, ly hôn hay mất việc sẽ chín chắn và cứng cáp hơn.
Hay
con sẽ giống hạt cà phê? Loại hạt này không thể có hương vị thơm ngon nhất nếu
không sôi ở 100 độ. Khi nước nóng nhất thì cà phê mới ngon.
Cuộc
đời này cũng vậy con ạ. Khi sự việc tưởng như tồi tệ nhất thì chính lúc ấy lại
giúp con mạnh mẽ hơn cả. Con sẽ đối mặt với những thử thách của cuộc đời như
thế nào? Cà rốt, trứng hay hạt cà phê?
Để
thay đổi cái nhìn bi quan, chán nản của cô con gái mình, người cha đã dùng hình
ảnh rất đổi quen thuộc mà dạy cho con mình bài học vượt qua.
Cũng
thế, để thay đổi tâm trạng buồn phiền, chán nản, thất vọng của hai môn đệ trên
đường Em-mau, Chúa Giêsu phục sinh cũng dùng những hình ảnh xem ra rất đổi bình
thuờng với chúng ta.
Bằng
cách xuất hiện như một người khách bộ hành để cùng chia sẻ những ưu tư, những
quan tâm mà các ông đang gặp phải. Cũng như gợi lại cho hai ông nhớ lại những
Lời Chúa đã tiên báo và giải thích như xưa Ngài đã từng làm. Nhờ thế lòng các
ông cảm thấy bừng cháy lên bởi Lời Chúa.
Bằng
việc ở lại và ngồi vào bàn dùng bữa với các ông như khi còn sống. nhất là qua
cử chỉ “ cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, và bẻ ra trao cho họ”.
Đúng
như cử chỉ Chúa làm khi lập bí tích Thánh Thể. Lúc đó mắt họ mở ra và nhận ra
Chúa.
Nhờ
sống Lời Chúa và Bí Tích Thánh Thể, ta sẽ nhận ra Chúa phục sinh hiện diện nơi
những người anh em mà chúng ta gặp gỡ hàng ngày, như hai môn đệ Em-mau xưa.
Nhờ
Lời Chúa và Bí Tích Thánh Thể, chúng ta sẽ có cái nhìn lạc quan trước những
biến cố dưới con mắt người đời bị coi là xui xẻo, mất mác, đau thương, bất hạnh…,
bởi chúng ta nhận ra Chúa phục sinh hiện diện qua các biến cố ấy.
Xin
cho chúng ta biết gắng bó với Lời Chúa và kết hiệp mật thiết với Bí Tích Thánh
Thể. Nhờ đó chúng ta đủ sức mạnh vượt qua mọi thử thách trong cuộc đời.
03/04/13 THỨ TƯ ĐẦU THÁNG TUẦN BÁT NHẬT
PS
Lc 24,13-35
Lc 24,13-35
XIN CHÚA Ở LẠI VỚI CHÚNG CON
Khi
đồng bàn với họ, Người cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, và bẻ ra trao cho họ.
Mắt họ liền mở ra và họ nhận ra Người. (Lc 24,30-21)
Suy niệm: Ba
năm theo Đức Giêsu, hai môn đệ làng Emmau vẫn tưởng Thầy sẽ là một Đấng Mêsia
làm cách mạng giải phóng Ítraen và họ sẽ có một vị thế vững chắc trên con đường
công danh sự nghiệp. Đó là suy nghĩ rất đời thường của các môn đệ. Thế nhưng
giờ đây, bước chân họ nặng trĩu trở về quê trong tâm trạng chán chường thất
vọng. Thầy Giêsu của họ đã bị bắt, và bị giết chết. Không còn một chút hy vọng,
họ quyết định trở về với nếp sống ngày nào, khép lại sau lưng giấc mộng vàng
tan vỡ. Nhưng may mắn cho họ, Chúa phục sinh hiện ra đồng hành với họ, họ cảm
thấy ấm lòng khi Người giải thích Kinh Thánh. Chỉ khi “người khách lạ” được mời
đồng bàn ăn, cầm lấy Bánh bẻ ra trao cho, hai ông mới nhận ra vị khách đó chính
là Thầy Giêsu sống lại.
Mời Bạn:
Nhiều khi cuộc sống đức tin của chúng ta trong đời thường rơi vào tình trạng bế
tắc, thất vọng. Chớ gì chúng ta cũng làm như hai môn đệ Emmau tha thiết mời
Chúa đến và ở lại với mình: “Lạy Chúa xin ở lại với chúng con vì trời đã xế
chiều, và ngày sắp tàn” để niềm tin của chúng ta được củng cố. Chớ gì
chúng ta biết lắng nghe Lời Chúa để lòng chúng ta được sưởi ấm. Và nhất là
trong thánh lễ, chúng ta nhận ra Ngài nơi bí tích Thánh Thể như hai môn đệ nhận
ra Ngài khi Ngài bẻ bánh.
Sống Lời Chúa: Tôi sắp xếp để tham dự thánh lễ ngày thường khi có thể; riêng
đọc và suy niệm Lời Chúa là việc tôi quyết tâm thực hiện mỗi ngày.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Ktiô Phục Sinh, xin ở lại với chúng con và đỡ nâng đức
tin yếu kém của chúng con.
MỜI ÔNG Ở LẠI VỚI CHÚNG TÔI
Ðấng Phục Sinh vẫn đến
với ta hôm nay qua một người bạn hay một người lạ ta gặp tình cờ. Ngài vẫn đến
với ta qua từng thánh lễ. Ngài đích thân giảng Tin Mừng và bẻ bánh trao cho ta
Suy niệm:
Dưới dáng dấp một người khách lạ,
Chúa Giêsu phục sinh đến với hai môn đệ Emmau.
Ngài đến đúng lúc, đúng lúc họ đang
bỏ cuộc, quay quắt và ray rứt vì chuyện đã qua.
Ngài đi cùng với họ, đi gần bên họ,
khiêm tốn trở thành một người bạn đồng hành.Ngài gợi chuyện, hay đúng hơn, Ngài
muốn tham dự vào câu chuyện dở dang của họ. Chúa Giêsu không nản lòng trước câu
trả lời lạnh nhạt: “Chắc chỉ có ông mới không biết chuyện vừa xảy ra...” Ngài
không cắt đứt cuộc đối thoại: “Chuyện gì vậy?” Ngài giả vờ không biết để họ nói
cho vơi nỗi buồn. Chúa Giêsu kiên nhẫn lắng nghe lời họ tâm sự. “Trước đây,
chúng tôi hy vọng rằng...” Như thế niềm hy vọng này chỉ còn là chuyện quá khứ.
Cả niềm tin cũng trở nên chai lì, họ đâu có tin vào lời của các bà ra thăm mộ.
Khi lắng nghe, Chúa Giêsu nhận ra cái gút của vấn đề, những câu hỏi mà họ không
tìm ra lời giải đáp. Tại sao một người của Chúa, người mà họ tin là Ðức Kitô
lại bị đóng đinh như một kẻ bị Thiên Chúa chúc dữ? Chúa Giêsu vén mở ý nghĩa
của mầu nhiệm đau khổ.
Ðau khổ là nhịp cầu mà Ðức Kitô phải
vượt qua để sang bờ bên kia là vinh quang bất diệt. Ðau khổ không phải là
chuyện xui xẻo, rủi ro, nhưng nó có chỗ đứng trong chương trình cứu độ. Lời của
Chúa Giêsu là Tin Mừng ngọt ngào, khiến nỗi đau của họ dịu đi, lòng họ như ấm
lại. Họ cố nài ép Ngài ở lại dùng bữa chiều. Và chính lúc Ngài cầm bánh bẻ ra
trao cho họ thì họ nhận ra vị khách lạ chính là Thầy Giêsu. Kinh nghiệm của hai
môn đệ Emmau cũng là của chúng ta. Lúc ta tưởng Ngài vắng mặt, thì Ngài lại
đang ở gần bên. Lúc ta nhận ra Ngài ở gần bên, thì Ngài lại biến mất rồi. Nhưng
chính lúc Ngài biến mất, ta lại cảm nghiệm sâu hơn sự hiện diện của Ngài. Ngài
đến lúc ta không ngờ.
Ngài đi mà ta không giữ lại được.
Ngài ở lại với ta cả khi ta không thấy Ngài nữa. Ðấng Phục Sinh vẫn đến với ta
hôm nay qua một người bạn hay một người lạ ta gặp tình cờ.
Qua họ, Ngài thổi vào lòng ta niềm
hy vọng tin yêu. Ngài vẫn đến với ta qua từng thánh lễ. Ngài đích thân giảng
Tin Mừng và bẻ bánh trao cho ta. Sống như Chúa phục sinh là tập đến với tha
nhân, tập đồng hành, tập gợi ý, tập lắng nghe, tập soi sáng...
Hôm nay vẫn có nhiều người bạn đang
lê gót về Emmau.
Cầu nguyện:
Xin ở lại với con, lạy Chúa, vì con cần có Chúa hiện diện để con khỏi quên Chúa.
Chúa thấy con dễ bỏ Chúa biết chừng nào. Xin ở lại với con, lạy
Chúa,
vì con yếu đuối, con cần Chúa đỡ nâng để con khỏi ngã
quỵ.Không có Chúa, con đâu còn nồng nhiệt hăng say.
Xin ở lại với con, lạy Chúa, vì trời đã xế chiều và ngày sắp tàn, cuộc đời qua đi, vĩnh cửu gần đến. Con cần được thêm sức
mạnh để khỏi ngừng lại dọc đường.
Xin ở lại với con, lạy Chúa, vì con cần Chúa trong đêm
tối cuộc đời. Con không dám xin những ơn siêu
phàm, chỉ xin ơn được Ngài hiện diện.
Xin ở lại với con vì con chỉ tìm Chúa, yêu
Chúa và không đòi phần thưởng nào khác ngoài việc được yêu Chúa hơn.
(Cha Piô)
Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
SUY NIỆM : Trên đường Emmaus
Tin Mừng hôm nay ghi lại cảm nghiệm về Ðấng Phục Sinh của hai người môn đệ đang trên đường đi về lành Emmaus. Cuộc gặp gỡ của họ với Chúa Kitô Phục Sinh đã diễn ra trong lúc họ đang trên đường trở về làng cũ trong tâm trạng chán nản, buồn bã. Chúa Giêsu đã xuất hiện, không phải để mang lại giải đáp cho những câu hỏi được đặt ra, mà trái lại, Người gây nên thắc mắc và dẫn họ đi cho đến cùng sự tìm kiếm của mình.
Cảm nghiệm về Ðấng Phục Sinh của hai người môn đệ đang trên đường đi về làng Emmaus cũng có thể diễn ra trong cuộc sống hàng ngày của mỗi người tín hữu Kitô. Ðấng Phục Sinh luôn là người đồng hành với chúng ta. Trên mọi nẻo đường của cuộc sống chúng ta, Ngài luôn đi bên cạnh kể chuyện, hỏi han, tra vấn và tham dự vào mọi sinh hoạt của chúng ta. Cuộc sống của mỗi ngày chính là nơi Ngài đến để gặp gỡ con người. Cuộc sống mỗi ngày mới là nơi hẹn hò của Ðấng Phục Sinh với con người, là bởi vì cuộc sống ấy không bao giờ có thể làm cho con người thỏa mãn. Bên kia niềm vui và nỗi khổ, bên kia thành công và thất bại, con người vẫn nhận ra sự vong thân và thân phận nghèo hèn của mình. Nỗi khao khát về tuyệt đối con người không thể thỏa mãn được trong cuộc sống này, hoặc nếu có tìm cách xoa dịu thì lại tuyệt đối hóa những giá trị chóng qua của cuộc sống, để rồi cuối cùng vẫn thấy mình bị vong thân và bất lực. Bất lực trước cảnh khốn cùng, bất lực trước chiến tranh nghèo khổ, bệnh tật, bất lực trước hận thù, ích kỷ và nhất là bất lực trước cái chết. Sống trong thân phận ấy, con người không khỏi nêu lên câu hỏi: "Ðâu là ý nghĩa của tất cả những điều đó? Ðâu là ý nghĩa của thân phận con người?"
Chính lúc ấy, Chúa Kitô Phục Sinh xuất hiện, Ngài đến không phải để mang lại câu giải đáp, mà trước hết, như một con người giữa chúng ta, một con người cũng từng nêu lên những câu hỏi ấy, và cũng đã từng nổi loạn trước những nghiệt ngã của thân phận con người. Ngài đã từng mơ ước về một nhân loại tốt đẹp hơn. Ngài đã nói tất cả và đã làm hết sức có thể để xây dựng nhân loại ấy. Và cuối cùng, với cái chết đau thương trên thập giá, xem ra Ngài cũng đành bó tay bỏ cuộc. Nhưng chính lúc ấy, vì đã vâng phục Chúa Cha một cách tuyệt đối để sống tận kiếp người và sống trọn vẹn cho con người, Ngài đã mang lại ý nghĩa cho cuộc sống.
Ðây chính là kinh nghiệm mà người bạn đồng hành, Chúa Giêsu Phục Sinh, đã chia sẻ cho hai người môn đệ trên đường Emmaus. Tâm hồn họ nóng bừng lên khi Ngài chia sẻ kinh nghiệm của Ngài, và nhất là khi Ngài nói lên ý nghĩa về cái chết của Ngài qua cử chỉ bẻ bánh và trao ban. Mắt của hai người môn đệ đã mở ra để nhận biết Ngài, hiểu được các biến cố vừa xảy ra, và dĩ nhiên thấy được ý nghĩa của chính cuộc sống của họ.
Ngày nay, trong từng biến cố của cuộc sống chúng ta, Chúa Kitô Phục Sinh cũng đang đến và đồng hành với chúng ta trong từng sinh hoạt và gặp gỡ của chúng ta. Ngài có mặt trong từng niềm vui và nỗi khổ của chúng ta. Nếu chúng ta đón nhận Ngài như người bạn đồng hành, chuyện vãn và chia sẻ với chúng ta, đôi mắt đức tin của chúng ta sẽ mở ra, và lúc đó, trong ánh sáng Phục Sinh của Ngài, chúng ta sẽ tìm thấy ý nghĩa của cuộc sống.
Ước gì sự hiện diện của Ðấng Phục Sinh và hai người môn đệ trên đường Emmaus cảm nhận được lấp đầy tâm hồn chúng ta, để trong mọi cảnh huống của cuộc sống, chúng ta không lẫm lũi bước đi trong đơn độc mà trái lại, hân hoan tiến bước với Ngài.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
Hãy Nâng
Tâm Hồn Lên
3
THÁNG TƯ
Qua Cái
Chết - Đến Với Sự Sống
Giáo Hội, được qui tụ lại bởi ngôi mộ Đức
Giêsu, nhìn tội lỗi dưới một ánh sáng mới khi Giáo Hội dám ca lên rằng : “Ôi
tội hồng phúc! Tội đã đem lại cho chúng ta Đấng Cứu Chuộc quá đỗi cao cả!”
Chúng ta có thể thực sự nói về những gì diễn ra đêm nay rằng “Đây là điều Chúa
đã làm ra; thật kỳ diệu trước mắt chúng ta” (Tv 118,23).
Chúng ta được Giáo Hội đặc biệt mời gọi đón
nhận mạc khải này về quyền năng Thiên Chúa, về quyền năng sáng tạo và cứu độ
của Thiên Chúa. Mầu nhiệm Vượt Qua của Chúa Giê-su Kitô luôn luôn hiện diện
trong bí tích của Giáo Hội. Quyền năng của cái chết và cuộc Phục Sinh của Người
vẫn không ngừng tác động trong linh hồn người ta.
Nhờ tác động của chính quyền năng Thiên Chúa –
quyền năng sáng tạo và cứu độ – Giáo Hội được sinh lại nơi cuộc Phục Sinh của
Đức Chúa chịu đóng đanh của mình: “Tảng đá mà những người thợ xây loại bỏ đã
trở nên tảng đá góc tường” (c.22).
Tất cả chúng ta đã được sinh ra từ tảng đá ấy:
Tất cả chúng ta đều là những viên đá sống trong tư cách là thành viên của Giáo
Hội. Tất cả chúng ta đều được sống nhờ hơi thở trao ban sự sống của Đức Kitô
Phục Sinh. “Chúng ta phải coi như mình đã chết đi đối với tội lỗi, nhưng nay
lại sống cho Thiên Chúa, trong Đức Giê-su Kitô” (Rm 6,11).
- suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II
Lời Chúa Trong Gia Đình
Ngày
03-4
Thứ
Tư Trong Tuần Bát Nhật Phục Sinh.
Cv
3, 1-10; Lc 24,13-35
LỜI
SUY NIỆM: “Khi đồng bàn với họ, Người cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng và bẻ ra
trao cho họ. Mắt họ liền mở ra và họ nhận ra Người, nhưng Người lại biến mất”
(Lc24,30-31)
Hai
môn đệ trên đường về Ê-mau họ được gặp Chúa bởi họ là hai người cùng nhau đang
tìm hiểu về Chúa nên có Chúa hiện diện. Chúa hiện diện để giúp tâm trí của họ
nhận ra những sự cần thiết, mà họ đang muốn được hiểu và biết, không những vậy
mà Chúa còn cho thấy dấu chỉ gần gủi để nhận ra Ngài. Trong đời sống của chúng
ta hôm nay, nếu mỗi người đều sống với đức tin, thì phải tin khi có hai hoặc ba
người hợp nhau lại cầu nguyện thì có Chúa hiện diện như lời Chúa đã hứa, đặc
biệt với đức tin, thì trong mọi Thánh lễ Chính Chúa đang diện diện và Ngài sẽ
đến trong từng tâm hồn nếu biết đón nhận Ngài, Ngài không còn đứng bên ngoài
nhưng Ngài ở trong chúng ta, để sống với chúng ta.
Mạnh
Phương
Gương các Thánh
Ngày
03-04: Thánh CASIMIRÔ
(1458
- 1483)
Thánh Casimirô sinh tại Krakow
ngày 5 tháng 12 năm 1458. Ngài là con út trong số 13 anh em của vua Balan và
hoàng hậu Elisabeth nước Áo, con người nổi tiếng nhân đức. Gioan Dugloss thời
danh, tổng giám mục Lemberg. Sau này, là thầy dạy của Ngài.
Casimirô nhiệt thành học hỏi và chỉ nghĩ tới việc
làm đẹp ý Chúa. Tâm hồn trong trắng của Ngài ảnh hường tới mọi người chung
quanh. Các gia nhân Ngài quen với với phong thái tốt đẹp này đến nỗi tại các
triều đình ngoại quốc, người ta nhận ra họ bằng sự cao thượng hơn là bằng sắc
phục họ mặc.
Casimirô cảm thấy nỗi đau khổ của người nghèo như
là của mình và giúp đỡ họ tận tình đến nỗi dân nghèo coi Ngài như một người
cha. Người ta trách Ngài đã quá hạ mình đau khổ săn sóc cho những người cùng
khổ, Ngài đã đáp rằng : - Có vinh dự nào lớn lao hơn là được phục vụ Chúa Kitô
trong các chi thể người ?
Vị hoàng tử trẻ tự khắc phục bằng việc sám hối
liên tục. Dưới sắc phục sang trọng, Ngài mặc áo nhặm và ngủ trên đất, dưới chân
giường. Ngài chỉ muốn ăn bánh và sống trong nghèo khó giữa những vinh dự đến
nỗi người ta có thể nói về Ngài như nói về Đức Giám mục Milanô. Thánh Carolô
Borrômêô rằng, Ngài chỉ là con chó tội nghiệp trong nhà chủ mình.
Thời gian tại nhà thờ là phút giây êm ái quí báu
nhất của Ngài, Ngài tới nhà thờ mỗi tối khi cửa còn đóng, và gục mặt xuống đất
cầu nguyện. Trong thánh lễ, người ta thấy Ngài xuất thần như lúc truyền phép,
dường như Ngài thấy Chúa Kitô trong tay linh mục, Ngài đặc biệt tôn sùng Đức
Trinh Nữ mà Ngài gọi là "Mẹ nhân ái" và hàng ngày đọc thánh thi Ommi
die để kính Mẹ. Hai mươi năm sau khi qua đời, người ta còn tìm thấy bản chép
thánh thi trong mộ Ngài. Ngài có óc phán đoán thật thông minh đến nỗi cha Ngài
thường hỏi ý kiến Ngài:
Lúc Casimiro được 13 tuổi, dân Hungarie bất mãn
với vua Mathias đã gửi đại diện tới Balan để dâng ngai báu cho Ngài. Vị hoàng
tử trẻ không ao ước gì điều này, nhưng vì kính trọng cha, nên đã hướng dẫn binh
đội đi nâng đỡ ước nguyện này. Khi tới biên thùy Hungaria, Ngài biết rằng
Mathias đã tới chiếm được lòng dân và sẵn sàng chiến đấu cho chính nghĩa. Đức
Giáo hoàng cũng ủng hộ vị vua bị truất ngôi. Casimiro vui mừng vì bản tin này
và gửi đại diện về cho cha xin bãi bỏ sự việc.
(daminhvn.net)
03 Tháng Tư
Giỗ Tổ
Hùng Vương
Ngày mùng 10 tháng 3
Âm Lịch là ngày giỗ tổ Hùng Vương...
Theo tục truyền, vua
Ðế Minh là cháu ba đời vua Thần Nông, đi tuần thú phương Nam, đến núi Ngũ Linh
(nay thuộc tỉnh Hà Nam) gặp một nàng tiên, lấy nhau đẻ ra một người con gọi là
Lộc Tục. Sau, Ðế Minh truyền ngôi cho con trưởng làm vua phương Nam xưng là
Kinh Dương Vương, quốc hiệu là Xích Quỷ.
Ranh giới nước Xích
Quỷ lúc bấy giờ phía Bắc giáp Ðộng Ðình Hồ (tức Hồ Nam), phía Nam giáp Hồ Tôn
(Chiêm Thành), phía Tây giáp Ba Thục, phía Ðông giáp bể Nam Hải.
Kinh Dương Vương làm
vua nước Xích Quỷ vào khoảng năm Nhâm Tuất (Tức là năm 2879 trước Tây Lịch) và
lấy con gái Ðộng Ðình Quân là Long Nữ đẻ ra Sùng Lãm, nối ngôi làm vua, gọi là
Lạc Long Quân.
Lạc Long Quân lấy con
gái vua Ðế Lai tên là Âu Cơ đẻ ra một lần 100 con trai. Sau này, Lạc Long Quân
chia cho nàng 50 con để dắt lên núi, còn 50 con, ông đưa về hướng biển Nam Hải.
Lạc Long Quân phong
cho người con trai trưởng sang làm vua nước Văn Lang, xưng là Hùng Vương, sáng
lập ra nước Việt Nam
sau này...
"Vật
đổi sao rời, phúc tổ vẫn lưu nền cổ tích
Nước
nguồn cây cối, đạo người nên nhớ đạo Hùng Vương".
Hai câu thơ khuyết
danh này như muốn nhắc nhở chúng ta về công đức của tổ tiên. Ngày 10 tháng 3 Âm
Lịch, chúng ta không biết là ngày húy nhật của vua Hùng Vương nào, chỉ biết
rằng người xưa đã biết chọn một ngày để con cháu về sau muôn đời có dịp tụ họp
nhau lại mà nhớ đến tổ tiên, nhớ đến công đức của người đã sáng lập ra dòng họ,
nhất là sáng lập ra quốc gia.
Cách đây vài năm, tổng thống Rigan của Hoa Kỳ
đã về thăm Ái Nhĩ Lan. Ông muốn nói lên mối dây liên kết giữa ông, những người
da trắng đang sinh sống tại Bắc Mỹ và tổ tiên của họ... Là người, ai cũng thấy
cần có một tổ quốc, một quê hương trong đó cả một dòng giống được phát sinh và
liên kết với nhau.
Cũng như tất cả những người tha hương, những
người Việt Nam
đang sống ở hải ngoại lúc nào cũng hướng về quê hương của họ. Quê hương là một
cái gì vô cùng cao quý và thiêng liêng mà chỉ khi nào mất đi người ta mới cảm
thấy luyến nhớ. Nhưng nói đến quê hương không có nghĩa là gợi lại một mảnh đất,
một phong cảnh, một dòng sông... Nói đến quê hương là nói đến những người cùng
bởi một ông tổ mà ra, những người cùng nói chung một thứ tiếng, những người có
cùng một màu da, hay nói như người Việt Nam chúng ta, những người đồng bào,
nghĩa là những người cùng chung một cái bọc mà sinh ra... Ðó là ý nghĩa của
huyền thoại 100 cái trứng, trong câu chuyện lập quốc của chúng ta.
Nhưng những người công giáo không chỉ ý thức
về tình máu mủ ruột thịt của những người cùng một dân tộc, họ còn có một gia
đình rộng rãi hơn: đó là gia đình nhân loại.
Nhà vô thần Voltaire đã nói: nếu Thiên Chúa
không có thì chúng ta phải tạo ra Ngài... Vì sao thế? Thưa, để cuộc đời chúng
ta có một ý nghĩa, để chúng ta biết chúng ta có chung một người Cha, và tất cả
mọi người, dù không đồng một ngôn ngữ, dù không đồng một màu da, tất cả chúng
ta đều là anh em với nhau. Và kết luận tất yếu của chân lý đó là: chúng ta phải
thương yêu nhau.
Người trong cùng một nước, có cùng một ông tổ
phải thương yêu nhau vượt lên trên tất cả mọi khác biệt về địa lý, về tôn giáo,
về quan điểm chính trị.
Ðó là tất cả ý nghĩa của ngày giỗ tổ Hùng
Vương mà chúng ta cử hành hằng năm. Ngày giỗ tổ ấy cũng còn mời gọi chúng ta đi
xa hơn nữa để nhìn nhận mọi người đều là con cái Chúa và đều là anh em với
nhau.
(Lẽ
Sống)
Thứ Tư 3-4
Thánh Richard ở Chichester
(1197-1253)
T
|
Richard vào Ðại Học Oxford và với sự chăm chỉ học hành, không lâu ngài đã có được một địa vị quan trọng trong trường. Sau đó, Thánh Edmund, lúc ấy và tổng giám mục của
Vua Henry III không muốn Richard làm giám mục ở đây. Nhà vua có một người bạn, nhưng lại không đủ tư cách nên vua từ chối không để ÐGM Richard sử dụng vương cung thánh đường. Nhà vua còn đe dọa dân chúng ở
Ðức giám mục Richard rất nhân từ với người dân nhưng ngài kiên quyết đương đầu với các giáo dân xấu mà không biết hối lỗi.
Người ta kể rằng khi Ðức Richard lâm bệnh nặng, ngài đã được Chúa cho biết trước ngày giờ và nơi chết. Ngài từ trần năm 1253, khi năm mươi năm tuổi. Vào năm 1262, Ðức Giáo Hoàng Urbanô IV đã phong thánh cho ngài.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét