Trang

Thứ Ba, 2 tháng 4, 2013

Đức Phanxicô và mùi chiên


Đức Phanxicô và mùi chiên


Tin Mừng nói Chúa Giêsu sinh ra trong một chuồng chiên, đặt trong một máng cỏ, do đó, chắc chắn Người rất quen thuộc với mùi của chiên. Không lạ gì, khi bước vào tác vụ công khai, người khác và cả Người nữa đã tự ví mình như chiên, Chiên Thiên Chúa, và người chăn chiên.

Thứ Năm Tuần Thánh vừa qua, tại Đền Thờ Thánh Phêrô, vị đại diện của Người nơi trần gian cũng đã nói tới chiên và mùi chiên và nghĩa vụ của người chăn chiên là phải mang vào người cả cái mùi của chiên nữa để đi tới với đoàn chiên và cả những người chưa thuộc đoàn chiên.

Đọc bản dịch huấn từ của Đức Phanxicô với các linh mục tại Đền Thờ Thánh Phêrô đăng trên Vietcatholic, người ta không thấy đoạn nào nói rõ phần cuối của câu trên. Nhưng Stephen White, một chuyên viên nghiên cứu về Công Giáo Học tại Trung Tâm Đạo Đức và Chính Sách Công ở Washington D.C., trong bài “Eau de Sheep”, thì cho rằng: sau khi khuyên các linh mục ra khỏi mình, đem ít dầu thơm Chúa xức cho để làm thơm và giữ thơm cho tín hữu, Đức Phanxicô đã nói với các linh mục hiện diện rằng “Cha mời gọi các con điều này: các con hãy là những người chăn chiên có mùi của chiên!”.

Tưởng Stephen White bịa chuyện giống CNN, ngày Đức Phanxicô “ra mắt” quần chúng tín hữu tại công trường Nhà Thờ Thánh Phêrô tối ngày 13 tháng 3, đã tường thuật rằng trước khi chúc lành cho tín hữu, vị tân giáo hoàng xin tín hữu chúc lành cho mình! Thực ra, ngài chỉ xin họ cầu cùng Chúa chúc lành cho ngài, trước khi ngài chúc lành cho họ. Nhưng đọc kỹ lại trọn bài huấn từ của Đức Phanxicô hôm đó nói với các linh mục đăng trên trang mạng chính thức của Vatican, thì thấy Stephen White không sai. Đức Thánh Cha quả có phân biệt giữa người chăn chiên và người mối lái, người quản lý chuyên thu tích đồ cổ đồ mới. Điểm khác nhau: người chăn chiên thì sống với “mùi chiên”. “Đó là điều cha xin nơi các con: các con hãy trở thành những người chăn chiên, có ‘mùi chiên’, làm cho cái mùi ấy thành cái mùi thực, giống các người chăn chiên ở giữa đoàn chiên của các con”.

Phải là cái mùi của chiên, nói theo Stephen White, phải là mùi “Eau de Sheep”, chứ không phải "Eau de Cologne", càng không phải "Eau de Channel Five"! Mùi của chiên chỉ có được bằng cách sống các thực tại đời sống hàng ngày của họ, các bối rối khó khăn của họ, các niềm vui của họ, các gánh nặng và các hy vọng của họ. Đức Thánh Cha nhấn mạnh thêm rằng mùi ấy cũng có thể phát sinh từ những yêu cầu bất tiện, đôi lúc hoàn toàn vật chất hay hoàn toàn tầm phào. Người chăn chiên phải nhận thức và đồng cảm với ý muốn của đoàn chiên, như Chúa Giêsu đã nhận thức và đồng cảm cái đau ra huyết trắng của người đàn bà khốn khổ trong Tin Mừng. Muốn có cái mùi ấy, người mục tử phải ra khỏi con người mình, phóng mình tới những vùng ngoại biên nơi có đau khổ, đổ máu, mù lòa, giam cầm đủ loại. Mục tử phải cảm nhận được các gánh nặng và bộ mặt của quần chúng giáo dân, trên vai và trong trái tim mình.

Ngài tới đây làm gì?


Theo tiến sĩ Edward Mulholland, thuộc Viện Gregorian của Trường Cao Đẳng Benedictine, Đức Phanxicô đã làm gương về phương diện trên khi cử hành Bữa Tiệc Ly vào Thứ Năm Tuần Thánh tại Casal del Marmo, một trại giam thiếu niên tại Rôma.

Thực vậy, sau Thánh Lễ, trước khi trở lại Vatican, Đức Phanxicô đã tới phòng thể dục thể thao của trại giam để gặp mặt các thiếu niên cùng với bộ trưởng tư pháp Ý, trưởng ngành tư pháp Ý về thiếu niên phạm pháp và các viên chức cao cấp khác của trại giam. Các thiếu niên của trại kính tặng ngài cây thánh giá và một bàn qùy bằng gỗ do chính họ chế tạo. Trong buổi gặp mặt này, một thiếu niên đã hỏi Đức Phanxicô như sau: Cám ơn Đức Thánh Cha đã tới đây. Nhưng con muốn biết một điều: tại sao hôm nay, ngài lại tới Casal del Marmo?

Ngài cho hay: ngài sẵn sàng đến bất cứ nơi nào có người giúp ngài khiêm nhường hơn, trở thành đầy tớ nhiều hơn. Và vì có người cho hay nơi đó là Casal del Marmo, nên ngài tới. Chỉ có thế. Nhưng không phải chỉ có thế. Vì quyết định này phát xuất từ trái tim. Mà những điều phát xuất từ trái tim thì làm sao giải thích được. Chúng đến thì chúng đến, thế thôi.

Nói cách khác, chỉ có thế, ngài mới là người chăn chiên đích thực, người có đủ mùi chiên. Và ở đây, chiên quả đủ mầu đen trắng, đủ giống nam nữ, đủ cả tín ngưỡng ngược xuôi. Điều này gây ấn tượng mạnh mẽ nơi giới thiếu niên phạm pháp. Trên National Review Online, ngày 28 tháng 3, Kathryn Jean Lopez ghi nhận một số phản ứng của thiếu niên phạm pháp Los Angeles, dưới hình thức tweets đối với cuộc viếng thăm lịch sử của Đức Phanxicô tại Casal del Marmo:

* Đức Giáo Hoàng Phanxicô yêu quí, cám ơn Đức Giáo Hoàng đã rửa chân cho các thiếu niên như chúng con tại Ý. Chúng con cũng trẻ người non dạ và từng mắc nhiều lầm lỗi. Xã hội đã bỏ rơi chúng con, xin cám ơn Đức Giáo Hoàng vì ngài không bỏ rơi chúng con.

* Quả khó khăn khi phải làm người trẻ và bị bủa vây bởi bóng tối. Xin Đức Giáo Hoàng cầu nguyện cho con để một ngày kia con được tự do và có thể giúp đỡ những người trẻ khác như Đức Giáo Hoàng đang làm.

* Đức Giáo Hoàng Phanxicô yêu quí, đêm nay, con cầu nguyện cho mọi nạn nhân của bạo lực. Gia đình những người chúng con gây thương tổn cần được chữa lành. Gia đình chúng con cần được chữa lành. Tất cả chúng con đều đau khổ. Đêm nay, tất cả chúng ta hãy cảm nhận được ơn chữa lành của Chúa.

* Đức Giáo Hoàng Phanxicô yêu quí,… con vốn là người Công Giáo và vui mừng vẫn còn là người Công Giáo vì con có được một vị giáo hoàng như ngài. Mỗi ngày con sẽ cầu nguyện cho ngài vì chúng con cần các gương mẫu của Chúa như ngài trong thế giới đầy bạo lực ngày nay.

Nhíu mày

Tuy nhiên hành vi trên của Đức Phanxicô không khỏi làm nhiều người nhíu mày hay, ít nhất, thắc mắc tại sao ngài lại rửa chân cho hai phụ nữ và cho cả người không phải là Công Giáo? Nói cho cùng thì không có qui định nào buộc chỉ rửa chân cho người Công Giáo. Nhưng rửa chân cho nam giới thì có qui định đàng hoàng.

Thực thế, Jimmy Akin, trên National Catholic Register, ngày 28 tháng 3, cho rằng qui định đó tìm thấy trong hai văn kiện. Một là văn kiện qui định việc cử hành Tuần Thánh gọi là Paschales Solemnitatis. Theo văn kiện này, những người được chọn để được rửa chân là “đàn ông”. Văn kiện thứ hai, là Sách Lễ Rôma, cũng qui định như thế: những người được chọn để được rửa chân là “đàn ông” (viri)

Đức Phanxicô, khi rửa chân cho phụ nữ, đã không theo qui định này. Ngài có quyền làm thế hay không? Akin cho rằng có, ngài có quyền làm thế. Vì một vị giáo hoàng không cần bất cứ ai cho phép thực hiện các ngoại lệ đối với giáo luật liên quan tới ngài. Ngài là nhà lập pháp, người giải thích và thi hành tối cao của giáo luật. Ít nhất trong mấy thập niên gần đây, các vị giáo hoàng từng thực hiện nhiều ngoại lệ trong lúc cử hành nghi lễ. Đức Gioan Phaolô II, chẳng hạn, từng ra ngoài các bản văn phụng vụ của Giáo Hội nhất là khi ngài muốn vươn ra bắt tay với người khác.

Nhưng nếu Đức Giáo Hoàng làm thế, thì người khác có làm như thế được hay không? Akin trả lời: về phương diện kỹ thuật thì không. Khi, vì một hoàn cảnh đặc thù nào đó khiến vị giáo hoàng thấy cần phải thực hiện một ngoại lệ cho việc cử hành của mình, thì điều này không tạo ra một tiền lệ luật pháp khiến người khác cũng được phép làm như vậy.

Đây có lẽ cũng là nhận định của phát ngôn viên Tòa Thánh, tuy có bao quát hơn. Ngày 29 tháng 3, Cha Thomas Rosica, nhân danh cha Federico Lombardi, đã phân phối một thông cáo báo chí nói về nghi thức rửa chân cho cả nữ tù nhân tại Casal del Marmo của Đức Phanxicô. Thông cáo báo chí cho hay: để trả lời cho “nhiều câu hỏi và lo âu” liên quan tới nghi thức này, phòng báo chí Tòa Thánh cho hay: “trong một cử hành lớn lao, nam giới thường được chọn cho việc rửa chân vì Chúa Giêsu đã rửa chân cho mười hai tông đồ là những người đàn ông. Tuy nhiên, nghi thức rửa chân vào tối ngày Thứ Năm Tuần Thánh tại Trung Tâm Giam Giữ Thiếu Niên ở Rôma diễn ra trong một cộng đoàn đặc biệt và nhỏ bé bao gồm cả thiếu nữ nữa”. Thông cáo ngầm cho thấy Chúa Giêsu cũng thế, Người đã bao gồm mọi thành phần của cộng đoàn rửa chân nhỏ bé, có ai trong cộng đoàn ấy bị Người loại bỏ đâu? 


Và tuy có nhắc đến việc Đức Hồng Y Jorge Bergoglio, khi còn là Tổng Giám Mục Buenos Aires, từng rửa chân cho cả phụ nữ, thông báo vẫn nhấn mạnh tới hoàn cảnh đặc biệt “để chứng tỏ một cử chỉ yêu thương, trìu mến, tha thứ và xót thương của Giám Mục Rôma”, chứ không hẳn để tạo ra “cuộc tranh luận về luật lệ, phụng vụ hay giáo luật”. Nói cách khác, không tạo ra tiền lệ cho phép người khác cũng làm như vậy một cách tổng quát.

Dù gì, Akin vẫn chờ mong Thánh Bộ Phụng Tự Thánh và Kỷ Luật Bí Tích sẽ minh giải nhiều hơn trong tương lai. Thực ra, trong một bài khác, cũng trên tờ National Catholic Register, ngày 27 tháng 3, Akin cho hay, Thánh Bộ này từng cho Đức Hồng Y O’Malley của Boston hay: luật phụng vụ đòi chỉ rửa chân cho nam giới trong nghi thức Thứ Năm Tuần Thánh, tuy nhiên Thánh Bộ dành cho Đức Hồng Y quyền được quyết định mục vụ trong phạm vi này. Do đó, Đức Hồng Y O’Malley đã rửa chân cho cả phụ nữ nữa.

Như thế, ngoại lệ rửa chân cho phụ nữ của Đức Phanxicô, cả lúc ngài còn là Hồng Y Bergoglio, vẫn nằm trong qui định của Giáo Hội, chứ không hẳn vượt ra ngoài các qui định ấy. Và thiển nghĩ, trong hoàn cảnh đặc thù, bất cứ giám mục hay linh mục nào cũng có quyền bao gồm phụ nữ trong nghi thức rửa chân ngày Thứ Năm Tuần Thánh, miễn là thực hành việc này trong ngữ cảnh “ngoại lệ” như vừa nói.

Một đe dọa thầm lặng

Biến cố trên nói lên một nguy cơ: quá chú trọng tới Đức Phanxicô khiến nhiều người không nhìn ra trọng điểm. Đó là nhận định của Elizabeth Scalia, ngày 27 tháng 3 (www.patheos.com).

Scalia nhắc đến một số những lệch lạc hiện nay của dư luận đối với Đức Phanxicô. Như có người cho rằng Đức Phanxicô (người tốt) từ khước không dọn vào “các phòng ốc sang trọng của Đức Bênêđíctô” (người xấu). Thực ra, Đức Bênêđíctô có sở hữu phòng ốc sang trọng nào đâu! Các phòng ốc thuộc Tông Tòa chỉ là những căn phòng mà vị nào được bầu làm giáo hoàng đều cư ngụ từ năm 1906 cho tới nay. Việc Đức Phanxicô không dọn vào đó là điều tốt thôi, nhưng đâu có phải là một hành vi chống lại vị tiền nhiệm.

Báo chí cũng làm như thể trước đây, người nghèo chưa bao giờ là tập chú của Giáo Hội hay của các vị giáo hoàng. Họ làm thế để làm gì? Phần lớn để bẻ cong sự thật và gieo rắc hận thù, một hận thù bắt nguồn từ hợm hĩnh và ngu dốt. Có ai trong số họ sẵn sàng từ bỏ mọi xa xỉ hay không, vì xa xỉ rõ ràng là vô cảm đối với người nghèo? Có ai đòi tổng thống Mỹ phải thôi không chơi golf, hay một bữa ăn thịnh soạn hoặc một cuộc nghỉ hè “xa xỉ” chỉ vì trong nước, người nghèo còn nhiều quá hay không?

Thực ra, theo Scalia, Đức Phanxicô chỉ đem ra thực hành những điều đã được vị tiền nhiệm của ngài giảng dạy. Đức Bênêđíctô thấy thế gian thôi không còn chú ý nữa, nên ngài đã tuyên bố từ nhiệm để kéo sự chú ý của họ, sự chú ý đúng nghĩa. Làm thế, ngài đã dành chỗ để Chúa Thánh Thần hành động. Giờ đây, khi Giáo Hội đã có được sự chú ý của thế gian, nghĩa là Chúa Thánh Thần đã có chỗ để hành động, thì Đức Phanxicô nhanh chóng loại bỏ mọi chống đối phiến diện đối với Giáo Hội, vạch trần các than vãn vô cớ, rỗng tuếch xưa nay của thế gian. “Ngươi không thích Phêrô trong đôi giầy đỏ ư? Thì đây là Phêrô trong đôi giầy đen. Ngươi không thích Phêrô e thẹn và xa cách ư? Thì đây là Phêrô xông xáo sẵn sàng hôn người tàng tật mà sự hiện hữu vốn làm cho ngươi khó chịu, mà sự sống vốn bị ngươi coi là vô dụng, chẳng cần phải duy trì! Cầu được ước thấy nhá, bây giờ, chịu khó mà giải quyết vấn đề đi khi ta đưa ra những giáo huấn mà ngươi vẫn còn rất ghét, rất khinh bạc, chỉ lúc đó, ngươi mới hết ẩn mình đàng sau những “giận dữ công chính” nhân danh người nghèo; đến lúc đó, ngươi sẽ phải thừa nhận thực tại mà ngươi vốn hận thù; đến lúc đó, ngươi sẽ phải nhìn vào nội tâm, thấy được nỗi nghèo nàn cơ cực trong chính tâm hồn ngươi, và ngươi sẽ phải quyết định phải phục vụ ai và phục vụ điều gì, một cách tỉnh táo, không còn bị che phủ bởi những câu truyện tự bịa đặt hay thổi phồng xưa nay”.

Cũng theo Scalia, thực ra, Phêrô vẫn là Phêrô dù ở trong tông tòa hay không, dù ngài có gọi ngài là Giám Mục Rôma hay không. Phêrô vẫn là Phêrô dù ngự trên ngai hay đi lại giữa những người cần đến ơn chữa lành bằng cái bóng của mình. Thấy giáo triều, và Giáo Hội gặp khủng hoảng, giống một võ sĩ bị thế gian dồn vào góc quá lâu, Đức Bênêđíctô hiểu rõ nếu muốn sống còn, Giáo Hội cần phải lui vào một góc để giải lao và phục sức, sau đó sẽ tái xuất thi đấu. Ngài đã rung chuông và dành cho Giáo Hội cơ may ấy.

Ngay từ giây phút đầu tiên khi Đức Phanxicô xuất hiện trên bancông chính Nhà Thờ Thánh Phêrô, thế giới đã biết rõ vị giáo hoàng này là một võ sĩ thiêng liêng, một đe dọa thầm lặng, một võ sĩ có nụ cười và không đưa ra điều gì khác ngoài sự dịu dàng “đáng sợ”, một sự dịu dàng sẽ không ngừng đánh vào mạng lưới thần kinh ở bụng cho đến khi bạn nghẹt thở và cầu xin sự khoan hồng. Thế giới cần thứ thế đấm liên hồi này để hết còn phòng ngự. Mọi người, ít nhiều, đều sẽ thấy một điều gì đó đáng yêu nơi Đức Phanxicô nhưng đồng thời cũng một điều gì đó để bực mình nổi giận. Tất cả chúng ta đều bị thách thức phải ra khỏi vùng an toàn của mình.

Vũ Văn An 4/1/2013

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét