Ngày
28/04/2013
Chúa Nhật
Tuần V Mùa Phục Sinh Năm C
(Phần II)
ĐIỀU
RĂN MỚI
Thế
giới hôm nay như sa mạc thiếu vắng tình yêu. Ước gì thế giới Kitô trở thành một
ốc đảo xanh tươi mời mọi người đặt chân tới
Suy niệm:
Gandhi được
coi là bậc đại thánh của dân Ấn Ðộ. Ông say mê Kinh Thánh, nhất là bài
giảng trên núi. Ông
nghĩ rằng Kitô giáo sẽ là câu trả lời thích đáng cho những xung đột giữa
các giai cấp ở Ấn. Một ngày nọ ông đến dự lễ tại một nhà thờ. Nhưng người giữ cửa ngăn
ông lại, và bảo ông nên đến dự lễ ở một nhà thờ khác dành cho người da đen. Ông đã bỏ đi và không bao
giờ quay trở lại. Có thể chúng ta đã mất một Kitô hữu tốt như Gandhi chỉ vì có sự phân biệt
màu da nơi nhà thờ. Biết đâu thế giới này lại chẳng có nhiều Gandhi, họ sống tinh thần Ðức
Kitô còn hơn cả các Kitô hữu.
“Thầy ban
cho anh em một điều răn mới: hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em.” Lời trăn trối của Ðức Giêsu vẫn
làm chúng ta nhức nhối. Ở đây Ngài không nhắc chúng ta
yêu thương người ngoài, nhưng Ngài đòi buộc các môn đệ
Ngài yêu thương nhau. Yêu thương nhau trở thành điều
răn mới, mới vì Ngài đòi họ phải yêu nhau như Ngài đã yêu họ. Vấn đề cốt lõi là cảm nhận được tình yêu của Ngài.
Trước khi công bố điều răn mới này, Ðức Giêsu đã rửa chân cho môn đệ, trong đó có Giuđa. Ngài cúi xuống bên chân Giuđa để bày tỏ một tình yêu. Sau đó Ngài còn chấm miếng bánh đầu tiên trao cho Giuđanhư
đưa ra một vẫy gọi thân thương cuối cùng. (x. Ga 13,26) Nhưng vô ích, Giuđa không đổi ý. Anh vẫn ra đi để làm điều mình muốn (x. Ga 13,31) Ðức Giêsu biết rõ số phận đang chờ mình. Ngài sẽ yêu đến cùng bằng việc hiến mạng trên thập giá. Ðức Giêsu đã yêu trước khi truyền cho ta yêu nhau. Nếu ta không cảm nhận được tình yêu Ngài dành cho ta, thì ta cũng chẳng thể yêu nhau như Ngài muốn. Có nhiều dấu hiệu để người ta nhận ra một Kitô hữu: đeo thánh giá nơi cổ, làm dấu thánh giá trước khi ăn... Nhưng theo Ðức Giêsu, dấu hiệu đặc trưng của nhóm môn đệ là tình yêu thương mà họ dành cho nhau: cảm thông, tha thứ, cộng tác, hy sinh, chia sẻ, đối thoại... Giữa các môn đệ, có bao dị biệt, bao hàng rào. Nếu không vượt qua được những hàng rào dị biệt này thì coi như việc truyền giáo bị đổ vỡ.
Tiếc thay, vẫn chưa có sự hiệp nhất giữa các
Kitô hữu khác màu da, khác văn hoá, khác quan điểm chính trị... Có bất đồng giữa Công Giáo và Chính Thống Giáo ở Nga, giữa người Công Giáo và người Tin Lành ở Bắc Ailen. Ðến bao giờ mọi Kitô hữu có thể đọc chung kinh Lạy Cha, mừng chung với nhau lễ Phục Sinh trong một ngày, cử hành chung với nhau một phụng vụ.
Thế giới hôm nay như sa mạc thiếu vắng tình
yêu. Ước gì thế giới Kitô trở thành một ốc đảo xanh tươi mời mọi người đặt chân tới.
Cầu nguyện:
Lạy Cha, xin
dạy chúng con biết cộng tác với nhau trong việc
xây dựng Nước Trời ở trần gian. Xin cho
chúng con đến với nhau không chút thành kiến, và tin tưởng và thiện chí của nhau. Khi cộng tác với nhau, xin
cho chúng con cảm thấy Cha hiện diện, nhờ đó
chúng con vượt qua những tự ái nhỏ nhen, những tham vọng ích kỷ và
những định kiến cằn cỗi. Ước gì chúng con dám từ
bỏ mình,
để tìm kiếm chân lý ở mọi nơi và mọi người, nhất
là nơi những ai khác quan điểm.
Lạy Cha, xin
sai Thánh Thần đến trên chúng con, để chúng
con biết lắng nghe nhau bằng quả tim, và hiểu
nhau ngay trong những dị biệt. Nhờ sống
mầu nhiệm cộng tác, xin cho chúng con được triển
nở không ngừng và Thánh Ý Cha được thể hiện
trên mặt đất. Amen.
Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
Giáo Lý Phúc Âm Chúa Nhật V Phục
Sinh năm C ngày 28.4.2013
CHÚA NHẬT V PHỤC SINH NĂM C
Sách Tồng Đồ Công Vụ 14,21b -27;
Sách Khải Huyền của Thánh Gioan Tông Đồ
21,1-5a 2,4-9
và Phúc Âm Thánh Gioan Ga.
13,31-33a.34-35
I. Giáo Huấn P.Â.:
“Hãy yêu thương
nhau” – Chúa dạy giới luật yêu thương như điều răn mới của Tân Ước và như là
lời trối của Chúa Giêsu.
“Hãy yêu thương nhau như Thầy yêu thương”
– Chúa thực hành giới luật yêu thương là chết cho người mình yêu thương.
“Mọi người nhận biết anh em là môn
đệ của Thầy: là anh em có lòng yêu thương” Đạo Tân Ước là đạo yêu thương –
Những người tin Chúa làm thành Hội Thánh – Hội Thánh phải thành chứng nhân tình
yêu và là dấu chỉ của tình yêu.
II. Vấn nạn P.Â.
Phúc Âm nói “Khi Giuđa ra khỏi phòng tiệc…” Chúa dạy và trối lại cho các tông
đồ giới luật yêu thương – Tại sao Chúa không dạy giới luật yêu thương trước khi
Giuđa ra khỏi phòng tiệc để may ra có hoán cải Giuđa chăng?
Thật ra Chúa
không nói tại sao phải đợi Giuđa ra khỏi phòng tiệc rồi Chúa mới truyền dạy
giới luật yêu thương. Tuy nhiên, khi đọc Phúc Âm Thánh Gioan về những ngày sau
cùng của Chúa Giêsu, chúng ta thấy thế nầy:
Giuđa đã
nhận tiền từ các thượng tế để bán Chúa. Chúng ta không biết rõ là họ đã trao
tiền “trọn gói” hay đã đặt cọc phần nào. Tuy nhiên, ngày giờ bắt Chúa và cách
thức bắt Chúa bằng chiếc hôn đã được xếp đặt. Như vậy là “Trời đã tối” theo
quan điểm thần học của Gioan, tức giờ của tà thần, của ác xấu tung hoành.
Giới răn hay
lời trối “hãy yêu thương nhau” chỉ dành cho con cái của sự sáng. Bóng tối, tức
ma quỉ úp chụp và khống chế Giuđa hoàn toàn, ông không còn có khả năng để nghe
và sống giới luật yêu thương Chúa dạy. Nên Chúa phải đợi Giuđa ra khỏi phòng
tiệc.
Có quá nhiều
giáo phái trên thế giới ngày nay. Điều đó gây chia rẽ và làm cho con người lộn
xộn không biết đạo nào là đường, là sự thật và là sự sống. Hơn nữa với tình
trạng chia rẽ trầm trọng như thế thì làm sao có thể là dấu chỉ của yêu thương
hợp nhất.
Giáo Hội Kitô Giáo toàn cầu gồm:
1. Chính Thống Giáo Đông Phương – Eastern Orthodox có nhiều ở Hy Lạp và
Liên Sô.
2. Chính Thống Giáo Cổ Đông Phương – Oriental Orthodox – Có nhiều ở Armenia –
Syria, Ai Cập và Ethiopia.
3. Giáo Hội Assyrian Đông Phương. Tất cả những giáo Hội Chính Thống Đông
Phương nầy có chừng 300 triệu tín đồ.
Những bất
đồng trong việc tranh chấp quyền bính giữa Đông và Tây đã đưa đến tuyệt thông
và tuyệt giao giữa hai giáo hội năm 1054. Hai bên vẫn cố gắng để hàn gắn,
nhưng xem chừng khoảng cách vẫn còn xa. Tuy nhiên, không có quá nhiều những dị
biệt hay đố kỵ giữa Công Giáo La mã và Chính Thống Giáo Đông Phương. Cả hai đều
tuyên tín theo Kinh Tin Kính của Công Đồng Nicêa năm 325.
Khoảng cách
còn xa trong đại kết là Chính thống giáo Đông Phương luôn cho rằng: Giáo Hội
duy nhất, thánh thiện, chính thống và tông truyền do chính Chúa Giêsu thiết
lập. Giáo Hội chính thống Đông Phương nhìn nhận hoàn toàn sự bình đẵng giữa các
giám mục cũng như xưa các tông đồ có quyền hành ngang nhau. Công Giáo Rôma cũng
tin rằng mình là duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền. Giáo Hoàng
Rôma, là Giám Mục Rôma nhưng hưởng trọn vẹn quyền đại diện Chúa ở trần gian.
4. Giáo Hội Công Giáo Đông Phương – Eatsern Catholic Churches Sui iuris. Có
22 Giáo Hội theo nghi lễ Đông Phương và độc lập, cũng gọi là autonomous particular
churches, Được xếp vào
Công Giáo, vì tùng phục Giáo Hoàng Rôma. Có khoảng 14 triệu tín đồ theo thống
kê năm 2010.
5. Giáo Hội Công
Giáo Rôma – Roman
Catholic Church. Tức Giáo Hội theo nghi lễ Latinh, được lãnh đạo bởi Giáo
Hoàng, tức Giám Mục Rôma và Giáo Triều Roma, cũng quen gọi là Roman Curia. Theo
thồng kê gần đây nhất năm 2013: Công Giáo Rôma có một tỉ hai trăm triệu tín đồ,
có 2795 giáo phận, có 207 Hồng Y và 117 vị trong tuổi bầu Giáo Hoàng. Có 5214
Giám Mục trong cả hai Giáo Hội Đông và Tây. Có 412,025 linh mục công giáo trong
cả hai nghi lễ Latinh và Đông Phương.
6. Các Giáo Hội
Tin Lành – Theo David
Barrett trong quyển Thế Giới Kitô giáo Bách khoa (The World Christian
Encyclopedia), có khoảng 34,000 nhóm tín đồ Kitô hữu khác nhau trên toàn thế
giới và phần lớn họ sinh hoạt độc lập với các giáo phái. Người ta ước lượng có
hơn 1000 giáo phái Tin Lành ở Bắc Mỹ. Có khoảng hơn 500 triệu tín đồ cho hàng
ngàn giáo phái Tin Lành nầy.
Ngay từ lúc đầu, tên gọi Tin Lành hay Evangelicalism được dùng để chỉ một nhóm các giáo phái khởi phát từ
cuộc cải cách tôn giáo bắt đầu vào thế kỷ 16 bởi Martin Luther. Nhưng sau đó nhóm giáo hội ly khai nầy được
gọi là protestant để chỉ nhóm chống đối hay nhóm người thệ phản. Tiếng Việt
dịch và hiểu từ thệ phản là thề phản lại Công Giáo Roma. Thực ra protestant bắt
nguồn từ protestio trong tiếng Latinh, có nghĩa là công bố chống lại nghị quyết của Nghị
viện Speyer năm 1529 . Vì nghị quyết nầy tuyên bố vô hiệu hoá sự hiện hữu của các nhóm
Tin lành vừa ly khai khỏi Công Giáo La Mã.
Người ta có
thể liệt kê hàng ngàn sự khác biệt nhỏ lớn. Tuy nhiên giữa Tin lành và Công
Giáo Rôma, có bốn điểm dị biệt căn bản trong tín điều:
Sola scriptura – Chỉ có Kinh Thánh được viết thành
văn bản. Công Giáo: không chỉ có Kinh Thánh nhưng còn có Thánh Truyền và giáo
huấn của Giáo Hội.
Sola gratia – Ân sủng duy nhất đến từ Lời Chúa và
sự tôn thờ Chúa Giêsu – Không cần bí tích. Công giáo Rôma: Ân Sủng gồm có ơn
thánh hoá đến từ Chúa qua các bí tích – Ơn tha thứ đến từ Bí Tích giải tội – và
những ân huệ của Chúa Thánh Thần qua Bí Tích Thêm Sức.
Sola fide – Chỉ có đức tin – Người ta được công
chính hoá bởi đức tin. Chỉ cần tin là được cứu độ. Công Giáo: Đức tin cần thiết
nhưng đức tin phải thể hiện qua việc làm, qua đời sống bác ái. Đức tin không
việc làm là đức tin chết.
Solus Christus – Chỉ có một Chúa Kitô – Không ai có
thể và có quyền xưng mình là thay mặt cho Chúa Kitô ở trần gian. Bất cứ ai lãnh
nhận phép rửa cũng thừa hưởng chức linh mục của Chúa Kitô. Không cần giáo sĩ,
vì ai cũng là giáo sĩ. Công Giáo Rôma: Đức Giáo Hoàng là Vicar of Christ là đại
diện cho Chúa Giêsu ở trần gian. Ngài hưởng quyền bất khả ngộ khi tuyên dạy
những gì thuộc phạm vi tín lý và luân lý.
Trở lại bài phúc Âm Thánh Gioan về giới
luật yêu thương, chúng ta thấy: Trong diễn từ ly biệt, Chúa Giêsu đã dạy “Hãy
yêu thương nhau”; Chúa Giêsu đã sống điều mình dạy “Yêu thương nhau như Thầy
yêu thương các con”; Chúa Giêsu đã chỉ rõ cách thức là “Yêu thương là dấu chỉ
Giáo Hội Chúa Kitô” và Chúa đã cầu nguyện “Xin cho chúng nên một giống như Cha
con ta là một”.
Nhưng rồi
mỗi ngày chia rẽ càng nhiều và càng trầm trọng. Ngày Giáo Hội Kitô Giáo là một
xem chừng rất mù xa. Có qua nhiều giáo hội cùng tin Chúa Kitô. Có mặt yếu và
mạnh. Có tiêu cực và tích cực.
Tiêu cực: Không diễn tả được yếu tính của Giáo
Hội Chúa: duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền.
Tích cực: Sự chia rẽ Đông Tây
làm cho Giáo Hội Công Giáo Rôma phải xét lại việc xử dụng quyền hạn một cách
thái quá nhằm thoả tự ái của mình. Sự chia rẽ Đông Tây cho Giáo Hội Đông Phương
một suy nghĩ về sự tự hào chính thống của mình. Chính thống không có nghĩa là
duy trì đúng y chang những gì các tông đồ đã thực hiện, nhưng chính thống còn
có nghĩa là thay đổi phần phụ thuộc và duy trì phần cốt lõi.
Sự phản
kháng và thành lập Tin lành năm 1517 là một cảnh tỉnh tận gốc rễ cho Giáo Hội
Công Giáo La Mã. Giáo Hoàng và Giáo Triều Rôma đã bám vào quyền lực trần thế và
tiền bạc để xây dựng Giáo Hội. Đang khi đó nhiệm vụ của Giáo Hội là bênh vực kẻ
nghèo hèn và tin mừng phải được rao giảng cho muôn dân. Giáo Hội Công Giáo Rôma
thời Luthêrô là Giáo Hội của người giàu và quyền thế. Hoàn toàn sai lệch với
Phúc Âm.
III. Thực hành P.Â.:
Chọn Kitô giáo, nhưng là giáo phái
nào?
Chính Thống giáo Đông Phương? Chính thống giáo tự hào là
chính thống, nhưng lại bỏ quên vài trò lãnh đạo của Phêrô là Giáo Chủ. Đành
rằng, các tông đồ có quyền ngang nhau. Nhưng Chúa đặt Phêrô làm thủ lãnh:
“Phêrô, con là đá, trên đá nầy Thầy sẽ xây Giáo Hội của Thầy”. Chúa không nói
Phêrô, Gioan, Giacôbê, Anrê…. Trên tất cả các con Ta sẽ xây Giáo Hội… Giáo Hội
chính thống sơ khai có thủ lãnh.
Tin Lành:
Cực đoan khi chủ trương Sola Scriptura – Sola gratia – Sola Fide hay Solus
Christus và hoàn toàn khai trừ chức linh mục thừa tác, mà chỉ nhìn nhận chức
linh mục phổ cập, để rồi không có hàng giáo sĩ, không có bí tích. Như vậy, tại
sao Chúa lại chọn các tông đồ và dạy họ “hãy làm việc nầy để nhớ đến Ta!” Hoá
ra Tin lành chỉ là một phản để của Giáo Hội cơ cấu Roma chăng? Tin Lành không
mấy khác với hình ảnh đứa con bỏ nhà ra đi, vì Cha Mẹ quá câu nệ hình thức và
hà khắc? Thay vì bỏ ra đi, nên ở lại để tìm cách thay đổi cho tốt hơn. Nếu được
như vậy, hay biết mấy.
Sau cùng chỉ
còn lại Giáo Hội Công Giáo: Duy Nhất – Công giáo - Thánh Thiện và Tông Truyền.
Không ai có thể chối bỏ những sai sót của Giáo Hội Công Giáo Rôma trong quá
khứ. Nhưng ai cũng phải nhìn nhận là Giáo Hội nầy đã phản ảnh chính xác Đấng
Sáng Lập là Chúa Kitô, Ngài chính là đường là sự thật và là sự sống. Giáo Hội
nầy luôn chủ trương bác ái và thương xót. Dù sống chưa trọn vẹn giới luật yêu
thương, nhưng rất đáng khen vì Giáo Hội Công Giáo chủ trương sống hiền hòa,
nhân ái và luôn biết cố gắng hoàn thiện chính mình. Tôi rất yêu thương Giáo Hội
Công Giáo mà tôi là thành phần.
Lm. Phêrô Trần thế Tuyên
28/04/13 CHÚA NHẬT TUẦN
5 PS – C
Ga 13,31-35
Ga 13,31-35
YÊU THƯƠNG : DẤU HIỆU MÔN ĐỆ
“Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này
: là anh em có lòng yêu thương nhau.” (Ga 13,35)
Suy niệm: Người ta nói nhiều – quá nhiều
nữa là khác – về tình yêu. Thế nhưng, tình yêu là dấu hiệu nhận biết môn đệ Chúa Kitô lại không phải là một trong những thứ tình yêu đó. Có thứ tình yêu
theo tính tự nhiên: yêu người vừa ý mình; còn ghét người trái ý mình. “Cao cấp
hơn”, Cựu Ước dạy “yêu đồng loại” như chính mình (Lv 19,18). Còn Chúa Giê-su
dạy yêu bằng một tình yêu cao cả hơn nữa: phải yêu thương nhau như Chúa đã yêu. Khi Giuđa ra đi để thực hiện âm mưu phản bội
(c. 31) lẽ ra Chúa phải chua chát cho tình nghĩa thầy trò, thế mà đó lại là lúc
Chúa nói lời chan chứa yêu thương. Yêu thương theo cách của Chúa là thương yêu
ngay chính lúc người thường không thể yêu; yêu chính điều người đời thường
không thể yêu; và yêu những người mà người thường không thể yêu.
Mời Bạn: Chúng ta dễ theo lối xói mòn
của tính tự nhiên để yêu thương theo kiểu ‘có qua có lại mới toại lòng
nhau’.
Còn lời Chúa dạy “yêu kẻ thù” (Mt 6,44), “hy sinh tính mạng vì bạn hữu
của mình” (Ga 15,13) thì sao mà khó quá!
Bạn cứ thử thực hiện yêu thương cách quảng đại ‘cho đi mà không cần tính toán’, rồi bạn hãy chia sẻ cho biết
bạn cảm nhận thế nào khi đã làm được điều thầy Giê-su muốn như hôm nay.
Sống Lời Chúa: Hãy cảm nhận được niềm vui khi
sống ‘Cho thì có phúc hơn là nhận’(Cv 20,35).
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa đã yêu
thương con bằng cách cho con tất cả cuộc sống của Chúa. Xin cho con dũng cảm
yêu thương như Chúa đã yêu, để anh chị em con nhận ra được Chúa chính là Tình
Thương. Amen.
Lectio: Chúa Nhật V Phục Sinh (C)
Chúa Nhật, 28 Tháng 4, 2013
Điều răn mới:
Hãy yêu thương
nhau như Chúa Giêsu đã yêu thương chúng ta
Ga
13:31-35
1. Bài Đọc
a) Lời Nguyện Mở Đầu:
Lạy Chúa Giêsu, xin hãy
giúp chúng con hiểu được sự mầu nhiệmcủa Hội Thánh như một cộng đoàn thương yêu. Khi Chúa ban cho chúng con điều răn
mới về yêu thương như là bản hiến chương của Giáo Hội, Chúa đã nói với chúng
con rằng đây là điều có giá trị cao nhất. Khi Chúa sắp sửa từ giã các môn đệ của
mình, Chúa đã muốn ban cho các ông một điều ghi nhớ về giới răn mới, quy chế
mới về cộng đoàn Kitô hữu. Chúa đã không cho họ một lời huấn dụ ngoan đạo, mà
lại là một giới răn mới về thương yêu. Trong
lúc “tạm thời vắng mặt” này, chúng con được kêu gọi nhận ra Chúa đang hiện diện
trong anh chị em của chúng con. Trong
mùa Phục Sinh này, lạy Chúa Giêsu, Chúa nhắc nhở chúng con rằng thời giờ của Giáo Hội là thời giờ của việc bác
ái, thời giờ củaviệc gặp gỡ Chúa
qua anh chị em chúng con. Chúng
con biết rằng vào giây phút
cuối đời của chúng con, chúng con sẽ phải chịu phán xét về đức yêu thương. Xin Chúa hãy giúp cho chúng con
biết gặp gỡ Chúa trong mỗi một anh chị em chúng con, trong tất cả
mọi dịp của đời sống hằng ngày.
b) Phúc Âm:
31 Khi người ấy ra khỏi phòng tiệc, Chúa Giêsu liền
phán: “Bây giờ Con Người
được vinh hiển, và Thiên Chúa được vinh hiển nơi Người. 32 Nếu Thiên Chúa được vinh hiển nơi
Người, thì Thiên Chúa lại cho Người được vinh hiển nơi chính mình, và Thiên
Chúa sẽ cho Người vinh hiển. 33 Các con yêu quý, Thầy chỉ còn ở
với các con một ít nữa thôi. Các con sẽ tìm kiếm Thầy; nhưng như Thầy đã nói
với người Do-Thái: “Nơi Tôi
đi, các người không thể đến được”, bây giờ, Thầy cũng nói với các con như
vậy.
34 Thầy ban cho các con một điều răn mới: là các con hãy yêu
thương nhau; như Thầy đã yêu thương các con, thì các con cũng hãy yêu thương
nhau. 35 Căn cứ vào điều này mà mọi người nhận
biết các con là môn đệ của Thầy, là nếu các con yêu thương nhau”.
c) Giây phút thinh lặng cầu nguyện:
Đoạn
Tin Mừng mà chúng ta sắp sửa suy gẫm, nhắc nhớ lại lời chia tay
của Chúa Giêsu với các môn đệ của Người. Đoạn Tin Mừng như thế nên được xem như
một loại bí tích của việc gặp gỡ với Ngôi Lời Giêsu.
2. Suy Gẫm
a) Lời mở đầu về bài giảng của Chúa Giêsu:
Đoạn Tin Mừng hôm nay
của chúng ta là phần kết luận của chương 13, nơi hai chủ đề đan chéo nhau, được
đề cập đến một lần nữa và được triển khai trong chương 14: nơi việc Chúa sắp ra
đi; và chủ đề về giới răn yêu thương. Một
vài nhận xét về bối cảnh trong đó Lời Chúa Giêsu nói về giới răn mới diễn ra có
thể hữu ích cho phần suy gẫm tốt đẹp về nội dung của chúng.
Đầu tiên, câu 31 viết:
“khi người ấy ra khỏi phòng tiệc”, người nào đã đi khỏi? Để có thể hiểu điều này, chúng ta cần
phải tìm đến câu 30 nơi chúng ta sẽ biết rằng “Sau khi ăn miếng bánh, Giuđa
liền ra đi. Lúc đó trời đã
tối.” Vì thế, người đi ra
khỏi phòng tiệc là Giuđa. Kế
đến, câu “lúc ấy trời đã tối” cho chúng ta biết chi tiết buổi chia tay xảy ra
vào ban tối. Theo Phúc Âm
Gioan đoạn 13:31-35, lời nói của Chúa Giêsu được dẫn trước bởi việc người này
biến mình vào trong bóng đêm. Điều
này mang ý nghĩa tượng trưng gì? Trong
Tin Mừng của Gioan, ban đêm tượng trưng cho tột đỉnh của sự thân mật (ví dụ như
đêm tân hôn), nhưng cũng tượng trưng cho sự đau khổ tột cùng. Trong những ý nghĩa khác của đêm tối
còn tượng trưng cho giờ khắc nguy hiểm nhất; đó là lúc mà kẻ thù đan dệt các kế
hoạch báo thù chúng ta, nó mang ý nghĩa thời khắc của tuyệt vọng, hoang mang,
tinh thần và trí tuệ bị rối loạn. Bóng
tối của ban đêm giống như một con đường không có lối thoát.
Trong Tin Mừng của Gioan chương 6, khi cơn bão ban
đêm xảy ra, bóng tối của đêm đen diễn tả nỗi tuyệt vọng và sự cô đơn khi họ
phải chống trả lại các sức mạnh tối tăm đang khuấy động mặt biển. Một lần nữa, mốc thời gian “trong khi
trời vẫn còn tối” trong Tin Mừng Gioan chương 20:1 chỉ về bóng tối vì sự vắng
mặt của Chúa Giêsu. Thật
vậy, trong Phúc Âm của thánh Gioan, ánh sáng của Chúa Kitô không thể tìm thấy
được trong mộ, đó là lý do tại sao bóng tối đã bao trùm (20:1).
Vì thế, “bài giảng từ
biệt” đã được đặt để một cách chính xác vào khoảng thời gian này. Dường như bối cảnh của bài giảng này
là sự chia cách, chết chóc hoặc sự ra đi của Chúa Giêsu và điều này tạo ra một
cảm giác trống vắng hoặc cô đơn đau khổ. Trong Giáo Hội hôm nay và đối với nhân
loại ngày nay, điều này có nghĩa là khi chúng ta xa lìa Chúa Giêsu trong cuộc
sống của chúng ta thì khi ấy chúng ta chỉ còn biết khổ đau và thống khổ.
Khi viết về những lời
của Chúa Giêsu trong chương 3:31-34, liên quan đến sự ra đi và cái chết không
thể tránh được của Chúa Giêsu, thánh Gioan nhớ lại chính cuộc sống của mình với
Chúa Giêsu trong quá khứ, đan dệt với những kỷ niệm đã giúp ông nhận thức được
sự phong phú mầu nhiệm của Thầy mình. Những kỷ niệm của quá khứ như thế là
một phần của hành trình đức tin riêng của riêng mỗi chúng ta.
Đó là đặc tính của “bài
giảng từ biệt” mà bất cứ điều gì đã được truyền đạt trong các môn đệ, nhất là
tại thời điểm bi thảm và trang nghiêm của cái chết trở thành một di sản không
thể sang nhượng, một giao ước cần được giữ gìn một cách trung tín. “Bài giảng từ biệt” của Chúa Giêsu
cũng đã tổng hợp tất cả những gì Chúa đã giảng dạy và thực hành để tạo sự chú
tâm của các môn đệ hầu có thể đi theo phương hướng mà Người đã vạch ra cho họ.
b) Phần đào sâu:
Khi chúng ta đọc đoạn
Tin Mừng của Chúa Nhật mùa Phục Sinh tuần này, trước hết, chúng ta hãy chú tâm
vào chữ đầu tiên được Chúa Giêsu dùng trong bài giảng từ biệt của Người: “Bây giờ”. “Bây giờ Con Người được vinh
hiển”. “Bây giờ” là lúc
nào? Đó là lúc mà cây thập
giá xảy ra cùng lúc với sự vinh hiển của Người. Phần cuối cùng này của sách Tin Mừng
Gioan là một biểu lộ hay một điều mặc khải. Vì thế, thập giá của Chúa Giêsu chính
là lúc “bây giờ” của việc hiện ra hoặc biểu hiện của chân lý tuyệt vời
nhất. Trong sự vinh hiển
này, không có một câu hỏi nào mang bất kỳ ý nghĩa gì liên quan đến “danh dự”
hay “vui mừng chiến thắng”, v.v.
Trái với Giuđa là người
đi vào trong đêm tối, Chúa Giêsu chuẩn bị cho sự vinh hiển của Người: “Khi Giuđa ra khỏi phòng tiệc, Chúa
Giêsu liền phán: “Bây giờ
Con Người được vinh hiển, và Thiên Chúa được vinh hiển nơi Người. Nếu Thiên Chúa được vinh hiển nơi
Người, thì Thiên Chúa lại cho Người được vinh hiển nơi chính mình, và Thiên
Chúa sắp tôn vinh Người” (Các câu 31-32). Sự phản bội của Giuđa mang đến sự chín
chắn trong Chúa Giêsu xác tín rằng cái chết của Người là “sự vinh hiển”. Giờ tử nạn trên thập giá được định sẵn
trong kế hoạch của Thiên Chúa; đó là “giờ” khi sự vinh hiển của Chúa Cha sẽ tỏa
sáng khắp thế gian thông qua sự vinh hiển của “Con Người”. Chúa Giêsu, Đấng đã hiến cả mạng sống
mình cho Đức Chúa Cha vào “giờ” của thập giá, Thiên Chúa đã được vinh hiển bởi
việc mặc khải bản tính siêu nhiên của Người và đón mời nhân loại cùng hiệp
thông với Người.
Sự vinh hiển của Chúa
Giêsu (Con Thiên Chúa) bao gồm “tình yêu vô bờ” của Người dành cho tất cả mọi
người trên thế gian, thậm chí Chúa đã sẵn sàng chịu chết cho những kẻ phản bội
Người. Tình yêu của Con
Thiên Chúa bao la đến nỗi Người đã đánh đổi mạng sống của mình cho cả những
trường hợp bi thảm và hủy duyệt đã là gánh nặng cho đời sống và lịch sử loài
người. Sự phản bội của
Giuđa là một thí dụ điển hình, không nhất thiết đó là hành động của một cá
nhân, nhưng là của một nhân loại tội lỗi, bất trung với ý muốn của Thiên Chúa.
Tuy nhiên, sự phản bội
của Giuđa vẫn là một sự kiện đầy bí ẩn. Một
chuyên gia về Kinh Thánh viết: Trong việc phản bội Chúa Giêsu, “đó là sự
mặc khải để quy lỗi; ngay cả đó có thể là một hành động phục vụ cho sự mặc
khải” (trích Simoens, Thánh Kinh theo
Gioan, 561). Trong một cách nào đó, sự phản bội của
Giuđa cho chúng ta một cơ hội hiểu biết về Chúa Giêsu hơn; sự phản bội của
Giuđa đã cho phép chúng ta nhận thấy Chúa Giêsu yêu môn đệ của mình dường
bao. Don Primo Massolari đã
viết: “Các tông đồ đã trở
thành những người bạn của Chúa Giêsu, cho dù là bạn tốt hay không, hào phóng
hay không, trung thành hay không, họ vẫn là những bằng hữu của Người. Chúng ta không thể phản bội lại tình
bạn của Chúa Giêsu: Đức Kitô không bao giờ phản bội chúng ta, các bằng hữu của
Người, ngay cả khi chúng ta không xứng đáng với tình bạn ấy, ngay cả khi chúng
ta chống lại Người, ngay cả khi chúng ta chối bỏ Người. Trong mắt của Người và trong tim của
Người, chúng ta mãi mãi là “các bằng hữu” của Người. Giuđa là một người bạn của Chúa ngay
cả tại thời điểm hắn ta thực hiện việc phản bội Thầy mình với một nụ hôn””
(Trích trong: Thuyết Giảng 147).
c) Điều răn mới:
Chúng ta hãy tập trung
sự chú ý vào điều răn mới.
Trong câu 33, chúng ta
lưu ý có một thay đổi trong bài giảng từ biệt của Chúa Giêsu. Chúa không còn dùng đại danh từ ngôi
thứ ba nữa. Người bây giờ
gọi môn đệ là “các con”. Chữ
“các con” là số nhiều và theo nghĩa chữ Hy-Lạp mang ý nghĩa của tất cả sự trìu
mến “các con” (teknía). Trong cách xử dụng chữ này, qua giọng
nói và sự tha thiết của Người, Chúa Giêsu đã truyền tải đến các môn đệ một cách
cụ thể lòng trìu mến bao la của Người dành cho các ông.
Chúng ta cũng thấy có
một điểm lý thú khác được tìm thấy trong câu 34: “các con hãy yêu thương nhau như Thầy
đã yêu thương các con”. Trong
tiếng Hy-Lạp, chữ Kathòs “như” không được dùng để so sánh: yêu thương nhau
như Thầy đã yêu thương các con. Ý
nghĩa của nó có thể là quan hệ nhân quả liên đới: “Bởi vì Thầy đã yêu
thương các con, vì vậy các con cũng phải yêu thương nhau”.
Có những người giống như
cha Lagrange đã nhìn thấy trong điều răn này mang một ý nghĩa cánh
chung: trong thời gian vắng mặt tạm thời của Chúa và trong khi chờ đợi sự
xuất hiện lần thứ hai của Người, Chúa Giêsu muốn chúng ta yêu thương và phục vụ
Người qua anh chị em của Chúa. Điều
răn mới là điều răn duy nhất. Nếu
không có lòng yêu thương, thì không có gì cả. Tác giả Magrassi đã viết: “Khi lột bỏ
đi những tước hiệu và đẳng cấp, mỗi một người anh em đều là nhiệm thể của Chúa
Kitô. Chúng ta hãy nhìn lại
trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta: có
khi nào chúng ta chung sống với anh em chúng ta từ sáng đến tối mà không thể
chấp nhận và yêu thương người anh em đó? Điều tuyệt vời trong trường hợp này là
trạng thái xuất thần hiểu theo nghĩa nguyên gốc của nó, đó là hãy ra khỏi cái
tôi của mình để làm người lân cận cho những người cần đến tôi, bắt đầu với
những người gần tôi nhất và với những cung cách khiêm tốn nhất trong đời sống hằng
ngày” (Trích trong: Cuộc Sống Giáo Hội, 113).
d) Dành cho phần
suy gẫm của chúng ta:
- Lòng yêu thương mà chúng ta dành cho
anh chị em chúng ta có đồng thuận tương xứng với tình yêu của chúng ta dành cho
Chúa Kitô hay không?
- Tôi có thấy Chúa hiện diện ở trong con
người của anh chị em tôi không?
- Tôi có dùng tất cả các cơ hội trong
đời sống hằng ngày để làm những việc thiện cho người khác không?
- Chúng ta hãy kiểm điểm lại cuộc sống
hằng ngày của chúng ta: tôi
có thể nào sống với anh chị em tôi từ sáng đến tối mà không chấp nhận và thương
yêu họ không?
- Tình yêu có đem lại cho tôi ý nghĩa
đầy đủ trọn vẹn của cuộc đời tôi không?
- Tôi có thể làm được điều gì để thể
hiện lòng biết ơn của tôi đối với Chúa, Đấng đã trở thành kẻ tôi tớ vì tôi và
dâng hiến cả cuộc đời của Người cho sự phúc lợi của tôi? Chúa Giêsu đã trả lời: Hãy phục vụ Thầy trong anh chị em con:
đây là cách bày tỏ tình yêu của con dành cho Thầy một cách thực tế và trung
thực nhất.
3. Cầu Nguyện
a) Thánh Vịnh 23:1-6
Bài Thánh Vịnh này
trình bày một hình ảnh cuộc hành trình của Giáo Hội được đồng hành bởi sự tốt
lành và trung tín của Thiên Chúa, cho đến lúc cuối cùng khi đã đến nhà của Chúa
Cha. Trong cuộc hành trình này, Giáo Hội được hướng dẫn bởi sự yêu thương làm
kim chỉ nam: sự tốt lành và lòng trung tín của Chúa
đeo đuổi tôi.
Chúa là mục tử chăn dắt
tôi,
Tôi chẳng thiếu thốn gì.
Trong đồng cỏ xanh tươi,
Người cho tôi nằm nghỉ.
Người đưa tôi tới dòng
nước trong lành,
Và bổ sức cho tôi.
Người dẫn tôi trên đường
ngay nẻo chính vì danh dự của Người.
Lạy Chúa, dẫu qua thung
lũng âm u,
Con sợ gì nguy khốn,
Vì có Chúa ở cùng.
Côn trượng Ngài bảo vệ,
con vững dạ an tâm.
Chúa dọn sẵn cho con bữa
tiệc ngay trước mắt quân thù;
Đầu con, Chúa xức đượm
dầu thơm;
Ly rượu con đầy tràn
chan chứa.
Lòng nhân hậu và tình
thương của Chúa ấp ủ con suốt cả cuộc đời.
Và con được ở trong nhà
Người
Những ngày thánh, những
năm dài triền miên.
b) Cầu nguyện với các Giáo Phụ của Giáo
Hội:
Lạy Chúa, con yêu Chúa
vì chính Chúa, con yêu Chúa vì các ơn thánh của Chúa,
Con yêu Chúa vì tình yêu
của Chúa
Và con yêu Chúa theo một
cách,
Rằng giả sử nếu có ngày
Augustinô là Thiên Chúa
Và Thiên Chúa là
Augustinô,
Con muốn trở về và muốn
được là chính mình, Augustinô,
Để con có thể biết được
về Chúa hơn,
Bởi vì chỉ có Chúa mới
xứng đáng là Thiên Chúa.
Ôi lạy Chúa, Người thấy
đó,
Miệng lưỡi con nói như
điên dại,
Con không thể nào diễn
tả hết được những ý nghĩ của mình,
Nhưng trái tim con không
hề điên dại.
Chúa biết con đã trải
qua những điều gì
Và những gì con không
thể kể xiết.
Con yêu mến Chúa, lạy
Thiên Chúa của con
Trái tim con thì quá
giới hạn cho một tình yêu bao la như vậy,
Hơi sức con phải chịu
thua trước một tình yêu mãnh liệt như thế,
Và con thì quá nhỏ bé
một tình yêu mênh mông ngần ấy.
Con bước ra khỏi sự bé
nhỏ của con
Và con nhận chìm cả bản
thể con ở trong Chúa.
Con biến đổi và từ bỏ
bản thân mình.
Chúa là nguồn sống của
con,
Chúa là căn nguyên mọi
điều tốt lành nơi con:
Chúa là tình yêu của
con, và là Thiên Chúa của con.
(Trích từ: Lời Tự Thuật của
thánh Augustinô)
c) Lời Nguyện Kết:
Chân phước Têrêsa
Scrilli, có một ao ước nồng nhiệt muốn đáp trả lại tình yêu của Chúa Giêsu, đã
thốt lên như sau:
Con yêu Chúa,
Ôi, lạy Thiên Chúa của
con,
Trong các ân sủng Chúa
ban;
Con yêu Chúa trong sự
đơn sơ của con,
Và ngay cả trong điều
này, con hiểu,
Sự khôn ngoan vô hạn của
Chúa;
Con yêu Chúa trong nhiều
sự kiện khác nhau hoặc đặc biệt,
Bởi vì Chúa cùng đồng
hành trong đời sống của con …
Con yêu Chúa trong tất
cả mọi việc,
Cho dù trong đau đớn hay
lúc bình an;
Bởi vì con không tìm,
Cũng chẳng bao giờ kiếm,
Những an ủi của Chúa;
Chỉ có Chúa, Thiên Chúa
của an ủi.
Đó là lý do tại sao con
không bao giờ ca ngợi
Cũng không vui mừng.
Đó là vì Chúa đã ban cho
con được sống trong tình yêu chí thánh của Chúa một cách hoàn toàn nhưng không.
Con cũng không cảm thấy
đau khổ hay bối rối,
Khi cảm thấy vô vị và
nhỏ bé.
(Trích trong Tự
Truyện, đoạn 62)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét