Chúa Nhật
Ngày 19/05/2013
Chúa Nhật
Tuần VII Mùa Thường Niên Năm C
CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG
(Phần II)
Giáo Lý Phúc Âm - Chúa Nhật Lễ
Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, ngày 19.5. 2013
CHÚA NHẬT LỄ CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG, NĂM
C
Sách Tồng Đồ Công Vụ 2,1-11; Thư Thứ I Thánh
Phaolô gửi Côrintô 12.3-7,12-13; hoặc Thư Thánh Phaolô gửi tín hữu Rôma 8. 8-7
và Phúc Âm Thánh Gioan 20.19-23
I. Giáo Huấn P.Â.:
Tông đồ được ban ơn bình an, được nhận lãnh
chính Chúa Giêsu Phục Sinh.
Tông Đồ được ban Chúa Thánh Thần để hướng
dẫn thi hành sứ mệnh truyền đạo.
Tông Đồ được sai đi rao giảng tin mừng cho
muôn dân và phát triển Giáo Hội Chúa Kitô ở trần gian.
II.
Vấn nạn P.Â.
Những biểu tượng của Chúa Thánh Thần, đặc
biệt biểu tượng của gió và hình lưỡi lửa trong ngày lễ Hiện Xuống.
Kinh Thánh dùng nhiều biểu tượng để chỉ Chúa Thánh Thần:
Chúa Thánh Thần được tượng trưng
bằng nước:
Nước thanh tẩy có sức tái sinh trong Bí Tích rửa tội được mô
tả trong thư Thứ I của Thánh Phaolô gửi giáo đoàn Côrintô 12.13.
Nước cứu độ chảy ra từ cạnh sườn Chúa Giêsu bị đâm thủng như trong Phúc Âm
Gioan 19. 34.
Nước, máu và Thánh Thần hoà nhập làm thành nguồn ơn cứu rỗi như trong Thư Thứ I
Thánh Gioan Tông Đồ 5.8
Chúa Thánh Thần được tượng trưng
bằng việc xức dầu Thánh:
Chúa Kitô được gọi là Đấng Messia, tức Đấng được xức dầu, Đấng được nhận lãnh
sức mạnh của Chúa Thánh Thần. Xức dầu đồng nghĩa với Thánh Thần (Thư Thứ I
Thánh Gioan 2,20,27 hay Thư Thứ II của Thánh Phaolô gửi Côrintô 1,21)
Xức dấu tấn phong và thánh hiến trong nghi thức truyền chức thánh.
Xức dầu ban sức mạnh của Chúa Thánh Thần làm chứng nhân cho Chúa Kitô trong Bí
Tích Thêm Sức.
Chúa Thánh Thần được trưng bằng
hình chim câu:
Trong các ảnh tượng Kitô giáo, hình chim bồ câu là biểu tượng truyền thống để
chỉ Thánh Thần. Ông Nôe, sau lụt hồng thuỷ đã thả chim câu để thăm dò về sự
sống trên mặt đất (Sáng Thế Ký 8. 8-12). Chúa Giêsu sau khi lãnh nhận phép rửa
của Gioan, Thánh Thần với hình chim bồ câu đã đáp xuống trên Ngài (Matt.3.16)
Chúa Thánh Thần được trưng bằng
lửa:
Lửa tượng trưng cho năng lực biến đổi: Gioan Tẩy Giả loan
báo Đức Kitô là Đấng “sẽ làm phép rửa trong Thánh Thần và trong lửa” (Lc 3.16)
Đức Giêsu cũng nói “Thầy đã đến đem lửa xuống thế gian và Thầy mong muốn biết
bao cho lửa ấy bùng cháy lên” (Lc 12. 49) Trong ngày Lễ Ngũ Tuần, các Tông Đồ
nhận Chúa Thánh Thần với hình lưỡi lửa (Công Vụ 2.3-4) Hay như trong Thư
I Thánh Phaolô gửi Tessalonica khuyên “Anh chị em đừng dập tắt Thánh Thần”
( I Th.5.19)
Chúa Thánh Thần được tượng trưng
bằng gió:
Trong ngày Lễ Ngũ Tuần, khi các tông đồ đang hội họp với
nhau thì nghe tiếng gió thổi mạnh, Chúa Thánh Thần lấy hình lưỡi lửa xuống trên
các ông và các Ông đầy Chúa Thánh Thần, mở toang cửa ra đi rao giảng tin mừng.
Thánh Thần dịch từ tiếng Hy Lạp Cỗ Pneuma, có nghĩa là hơi thở, là thần khí là
sức sống. Sau khi nắn đúc hình người xong, Chúa thổi hơi vào mũi và hình người
bằng đất sét ấy thành vật sinh linh.
Gió
nhẹ nhàng, êm ái, có thể len lỏi vào mọi chỗ, mọi nơi. Nhưng gió cũng có thể
thành bão tố phá sập tất cả những gì cản trở. Không quyền lực nào có thể cản
trở sự phát triển của Giáo Hội.
Chúa Thánh Thần còn được trưng
bằng:
Áng mây và ánh sáng như trong việc rợp bóng trên Đức Trinh Nữ
làm cho Bà mang thai Chúa Cứu Thế (Lc 1.35) hay Khi Chúa biến hình trên núi
Tabor (Lc 9, 34-35).
Ấn Tín: dấu thuộc về Chúa Kitô cũng như ngày xưa
những vua Chúa đóng ấn trên trán binh lính mình để họ muôn đời thưộc về và
chiến đấu cho nhà vua của mình.
Bàn tay: Thánh Thần được thông ban nhờ việc đặt tay
như trong nghi thức truyền chức thánh hay ban Bí Tích Thêm Sức. (CV. 89. 17-19)
Ngón tay: Thiên Chúa
dùng Thánh Thần như ngón tay của Ngài để viết lề luật trong tâm hồn con người
(II Corintô 3.3)
Thánh Thần và Giáo Hội.
Đức Kitô thành lập Giáo Hội:
Qua việc chọn gọi các tông đồ như những chủ chiên như trong Phúc Âm Gioan
21.16.
Qua việc rao giảng tin mừng cho dân chúng
và qui tụ họ thành đàn chiên Chúa. Thấy dân chúng Chúa chạnh lòng thương xót vì
họ như chiên không người chăn dắt (Matt.9.36)
Qua việc thành lập bí tích, ban sức sống
cho đàn chiên như trong Matt.14.13-21; Matcô 6.31-44; Luca 9.10-17 và Gioan
6.5-15 mô tả việc hoá bánh ra nhiều, hình ảnh tiền trưng của bí tích Thánh Thể.
Qua việc ban quyền tha tội và sai các
tông đồ đi truyền đạo như trong Phúc Âm hôm nay.
Tuy nhiên, tông đồ Chúa đã tán loạn khi
Chúa bị bắt và bị giết chết.
Các tông đồ Chúa vẫn còn ở trong phòng khoá
cửa khi Chúa Phục Sinh.
Rồi Chúa Thánh Thần đến biến đổi toàn bộ:
Các Tông Đồ mở toang cửa và can đảm đi rao
giảng tin mừng cho muôn dân.
Các tông đồ đã thực sự bắt đầu truyền giáo
ngay từ ngày lễ ngũ tuần. Ba ngàn người đã xin chịu phép rửa tội trong ngày đó.
Phêrô và các bạn ông không còn chối thầy, không còn sợ giới cầm quyền Do Thái
nhưng hiên ngang làm chứng về Đức Kitô đã chết và đã phục sinh cho muôn dân
nước. Tất cả các tông đồ chết vì đạo, khởi đầu là Phêrô và sau Phêrô, 39 Giáo
Hoàng tiên khởi đều chết vì đạo. Những tác động đổi mới của Chúa Thánh Thần
được mô tả trong sách Tông Đồ Công Vụ, là quyển sách ghi lại công việc truyền
giáo của các tông đồ.
Trong ý nghĩa nầy, lễ Chúa Thánh Thần hiện
xuống là ngày khai sinh Giáo Hội. Giáo Hội còn tồn tại và sinh động cho đến
ngày nay là công việc của Chúa Thánh Thần. Nên tu đức dạy chúng ta đọc kinh
“cầu xin Chúa Thánh Thần” trước mỗi sinh hoạt đạo đức và tông đồ.
Bảy
ơn Chúa Thánh Thần và Hoa quả của Chúa Thánh Thần
Thánh Ambrosiô (c. 340-397) , Giám Mục
Thành Milan nước Ý cùng với các Thánh Giáo Phụ khác như Augustinô,
Giêrômêô và Grêgôriô cả đã liệt kê những đặc sủng thiêng liêng của Chúa Thánh
Thần mà chúng ta thường gọi là bảy ơn Chúa Thánh Thần như sau:
Ơn khôn ngoan (spirit of wisdom)
Ơn hiểu biết (spirit of understanding)
Ơn hướng dẫn (spirit of counsel)
Ơn sức mạnh (Spirit of strength)
Ơn kiến thức (Spirit of knowledge)
Ơn sốt sáng (Spirit of Godliness)
Ơn kính sợ Chúa (Spirit of Holy fear)
Ngoài ra chúng ta cũng nghe nói đến hoa quả
của Chúa Thánh Thần được rút ra từ trong các Thư của Thánh Phaolô
gửi Giáo Đoàn Roma 1.29-31, 13;13; Thư Thứ I gửi Giáo đoàn Corintô 6.9-10; Thư
Thứ II gửi Côrintô 12.20; Thư gửi Galata 5.19-23 và Philipphê 4,8. Đó là:
Bác ái – Love – Caritas.
Vui mừng – joy – Gaudium.
Bình an – Peace – Pax
Kiên nhẫn – Patience – Longalimitas
Tử tế – Kindness – Benignitas
Lòng tốt – Goodness – Bonitas
Trung thành – Faithfulness – Fides
Dịu dàng – Gentleness – Mansuetudo
Tự chế - self-control – Contienentia
Chúng ta không quan tâm mấy đến ơn Chúa
Thánh Thần hay hoa quả của Chúa Thánh Thần trong đời sống chúng ta. Tuy nhiên
đây lại là thước đo hay sự đánh giá về sự đạo đức chân thật của một con người.
Nếu một linh mục dễ nóng giận, thích lớn tiếng quát tháo người khác thì phải
hiểu là vị chủ chăn nầy thiếu bác ái, thiếu kiên nhẫn và thiếu lòng tốt với
người khác. Nếu đã thiếu bác ái thì làm sao đáng gọi là kitô hữu.
III. Thực hành P.Â.:
Tôi tin: Chúa Thánh Thần luôn hướng dẫn
Giáo Hội
Giáo Hội được gọi là Hội Thánh:
Đấng sáng lập là chính Chúa Giêsu, Con
Thiên Chúa và là Thiên Chúa, là Đấng Thánh.
Bao gồm những người được rửa tội và hành
trình về thiên đàng là nơi thánh.
Hội Thánh được nuôi dưỡng bằng những thức
ăn thánh là lời Chúa và Mình Máu Thánh Chúa cũng như các bí tích.
Hội thánh được chăm sóc bởi những chủ chiên
là Đức Giáo Hoàng, các Giám Mục và linh mục là những người đã lãnh nhận bí tích
truyền chức thánh.
Nhưng Giáo Hội hay Hội Thánh là một tổ chức
trần thế. Nên không thiếu những tì vết của tội lỗi. Giáo Hội đã bị bách hại
cũng như đã tranh đấu trường kỳ để nên thánh, để độc lập khỏi những thế lực
trần gian.
Ngay từ thời sơ khai, Giáo Hội có thần
quyền và bị thế quyền tức hoàng đế La Mã bách hại. Như trên đã nói về 40 Giáo
Hoàng tiên khởi đều bị giết chết vì đạo.
Nhưng đến năm 325, dưới thời hoàng đế
Constantine Cả, Ông có thị kiến về hình thánh giá với chữ XP, trong tiếng Hy
Lạp là CHI-RHO có nghĩa là Christ, Chúa Kitô. Ông đã cho khắc vào cờ của quân
đội và đúng như lời tiên báo IN HOC SIGNO VINCES, cứ dấu nầy, ngươi sẽ chiến
thắng. Ông chiến thắng quân thù vẻ vang nhờ hình thánh giá và ông đã cho phép
toàn đế quốc theo đạo và ủng hộ việc truyền đạo rất mạnh mẽ.
Bắt đầu thời cực thịnh của Giáo Hội với sự
yểm trợ của thế quyền. Nhưng rồi thần quyền bị thế quyền thao túng dần. Các Đức
Giáo Hoàng thành vua trên các vua và bị lèo lái bởi thế lực chính trị. Nên có
lúc, toà thánh Rôma và các Giáo Hoàng đã bị lưu đày sang Avignon ở Pháp từ
1305-1378 để tránh sự theo túng của các Giáo Hoàng giả.
Ngày 11 tháng 2,1929 giữa đại diện toà
thánh Vatican, Hồng y quốc vụ khanh Pietro Gaparri dưới thời Đức Thánh Cha Piô
XI và Benito Mussolini đã ký hoà ước Lateran để thoả thuận việc nhìn nhận
Vatican, một quốc gia độc lập với các thế lực chính trị.
Càng ngày Giáo Hội Công Giáo và cụ thể là Vatican luôn củng cố thần quyền của mình và tránh mọi lệ
thuộc chính trị. Thí dụ Vatican không là thành
viên của Liên Hiệp Quốc mà chỉ là quan sát viên thường trực. Vatican
sẵn sàng huỷ bỏ những bổ nhiệm nếu khám phá ra những thủ đoạn chính trị tiềm ẩn
bên trong. Tổng Giám Mục Stanislaw Wielgus đã phải xin từ nhiệm chức tổng Giám
Mục Warsaw chỉ một giờ trước thánh lễ nhậm chức ngày 8 tháng 1, 2007. Vì Ngài
bị tố giác làm gián điệp cho chế độ cộng sản. Tôi thật sự tin: Chúa Thánh Thần
luôn hướng dẫn Giáo Hội.
Niềm tin nầy càng vững mạnh hơn qua việc
Đức Thánh Cha Phanxicô làm Giáo Hoàng, làm chủ chăn tối cao của Giáo Hội Công
Giáo hoàn vũ. Ngài đạo đức, đơn sơ và giàu lòng nhân ái. Chúa Thánh Thần đã
canh tân bộ mặt Giáo Hội. Giáo Hội thành dễ thương và gần gũi với nhân loại hơn
bao giờ hết.
Lm.
Phêrô Trần thế Tuyên
CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG
Các bài đọc thánh lễ Chúa Thánh Thần hiện
xuống xoay quanh hai chủ đề chính tường thuật biến cố lịch sử Chúa Thánh Thần
hiện xuống trên các tông đồ như lời Chúa Giêsu đã hứa, biến đổi con người yếu
đuối của các ngài thành những kẻ hiểu biết và phân biệt mầu nhiệm Thiên Chúa.
Và ý nghĩa thứ hai là ý nghĩa thiêng liêng đi liền biến cố lịch sử của biến cố
Chúa Thánh Thần hiện xuống. Chúa Thánh Thần là linh hồn của đời sống Kitô của
mỗi tín hữu trong nhiệm thể duy nhất của Chúa. Biến cố Chúa Thánh Thần hiện
xuống trong ngày lễ Ngũ tuần của người Do Thái năm mươi ngày sau lễ vượt qua.
Người Do Thái mừng lễ Giao Ước, nhắc nhở Giao Ước của Thiên Chúa đã ký kết với
dân của Thiên Chúa đã chọn. Và mỗi thành phần của dân Chúa chọn cam kết sống
trung thành với Giao Ước này, Chúa Giêsu đến để thiết lập Giao Ước mới bằng
chính máu của Ngài trên cây thập giá, và qua việc chọn ngày lễ Ngũ tuần để thực
hiện biến cố Chúa Thánh Thần hiện xuống trên các tông đồ. Chúa Giêsu muốn cho
các ngài hiểu rằng từ nay, đây là ngày lễ của Giao Ước mới, từ Giao Ước mới
này, Giáo Hội được khai sinh, và từ Giao Ước mới này, mỗi tín hữu được mời gọi
sống đời sống mới, một cuộc sống làm chứng cho Chúa Kitô.
Mừng lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống mỗi người
chúng ta được mời gọi nhớ
lại và dấn thân thực hành Giao Ước mới đã được Chúa Giêsu Kitô thực hiện cho
mỗi người chúng ta. Chúa Thánh Thần hiện diện trong Giáo Hội, hướng dẫn Giáo
Hội và qua các thời đại, vẫn phát triển, vẫn trung thành, mặc dù, đôi khi có
những sa ngã, những sai lầm, những tội lỗi làm cho một số người xa lìa Giao Ước
mới.
Biến cố lịch sử Chúa Thánh Thần hiện xuống
trên các tông đồ không những chỉ có chiều kích thiêng liêng canh tân cá nhân mà
thôi, nhưng còn có chiều
kích Giáo Hội nữa, liên kết
mọi kẻ tin Chúa và lãnh nhận Thánh Thần trong cùng một cộng đoàn, một thân thể
sống liên đới với nhau, như bài đọc thứ hai nhắc lại cho chúng ta. Nhưng đồng
thời cũng là một cộng đoàn có tổ chức, có một lãnh đạo chịu trách nhiệm thừa
hành quyền lãnh nhận từ Chúa, như được nhấn mạnh nơi bài Phúc Âm, Chúa Giêsu
đến ban bình an, đổi mới các tông đồ rồi trao quyền cho họ: “Các con hãy nhận
lấy Chúa Thánh Thần. Các con tha tội cho ai thì người đó được tha. Các con cầm
buộc ai thì người đó bị cầm buộc”. Các tông đồ lãnh nhận Chúa Thánh Thần vừa
đồng thời chia sẻ quyền thần linh tha tội của Chúa, sống bên cạnh Chúa nhiều
năm trước đã nhìn thấy Chúa thực hiện những phép lạ, để chứng minh quyền tha
tội của các ngài, nên khi nghe lời Chúa phán, các tông đồ hiểu rõ hơn ai hết.
Những lời này có nghĩa gì. Các ngài được biến đổi để trở thành người tiếp tục
sứ mạng của Chúa: “Hãy ra đi rao giảng cho mọi dân nước những gì Thầy đã truyền
cho các con, dạy họ tuân giữ những gì Thầy đã truyền và rửa tội cho họ”.
Mỗi thành phần trong Giáo Hội đều đã lãnh nhận
Chúa Thánh Thần nhưng trong những cấp bậc khác nhau, qua bí tích rửa tội và
thêm sức qua bí tích chức thánh, trở thành tác viên thánh của Chúa. Mỗi người
chúng ta đều đã được canh tân, được biến đổi để chu toàn những tác vụ khác
nhau, nhưng cùng một Thánh Thần.
Ước cho ngày lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống
mời gọi mỗi người chúng ta trở về với ơn gọi nguyên thủy của mình, trở về với
sự soi sáng của Chúa Thánh Thần, canh tân đời sống cá nhân và chu toàn sứ mạng
trong sự hiệp nhất và hiệp thông của cùng một nhiệm thể Chúa Kitô. Xin Chúa
Thánh Thần luôn hiện diện và hướng dẫn cuộc đời chúng ta thực hiện thánh ý
Chúa.
(Trích
trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên Tháng Ba
19 THÁNG NĂM
Vị Khách Tuyệt Diệu Của Linh Hồn Ta
Đức Kitô gọi Chúa Thánh Thần là
“Đấng Bảo Trợ” khác – hay Đấng An Ủi – bởi vì, bằng một cách thế khác với cách
thế của Đức Kitô, Chúa Thánh Thần cũng mang đến cùng một Tin Mừng cứu độ và ân
sủng. Tất cả những gì đã được Đức Kitô mặc khải bằng lời nói và hành động – và
đã xác nhận mạnh mẽ qua cuộc phục sinh của Người – cũng chính là công việc mà
Thần Khí sự thật sẽ thể hiện. Thánh Thần sẽ ở lại mãi mãi với Giáo Hội như hơi
thở của Chúa Cha và Chúa Con, như tặng phẩm từ trên cao, và như “vị khách tuyệt
diệu của linh hồn con người”. Công Đồng Vatican II đã chỉ ra cho ta thấy công
trình của Thánh Thần xuyên qua toàn thể lịch sử của Giáo Hội. Hoa quả của Thánh
Thần là sự thật, tình yêu và ánh sáng. Những hoa quả này triển nở nơi con người
nhờ hơi thở của Thánh Thần.
- suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II
Lời Chúa Trong Gia Đình
Chúa Nhật Chúa Thánh Thần Hiện Xuống. (lễ trọng)
Cv 2,, 1-11; 1Cr 12,3b-7.12-13;
Ga 20, 19-23.
LỜI SUY NIỆM: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha
tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ”
(Ga 20,22b-23)
Chúa Giêsu đã nhiều lần Ngài lấy
quyền năng nơi Ngài để tha tội cho con người, nên nhóm Biệt Phái và Pharisêu đã
chống đối. Sau khi Chúa Phục Sinh, Chúa ban Thánh Thần trên các Tông Đồ và Chúa
lại còn thông ban quyền tha tội cho các Tông Đồ. Đây mới thật là một tin mừng
cho nhân loại, bởi không ai trên thế gian này là kẻ không có tội, khi có tội
thì làm sao có sự bình an trong tâm hồn được. Quyền tha tội theo người Do-Thái
chỉ một mình Thiên Chúa mới có quyền, giờ đây đã được Chúa Giêsu ban phát cho
các Tông Đồ, điều này cho chúng ta thấy đây là một hồng ân lớn lao. Giúp chúng
ta luôn phải cầu nguyện cho hàng linh mục và biết tôn quý các ngài. Trong các
ngài có quyền năng chủa Chúa Giêsu và cả Chúa Thánh Thần.
Mạnh Phương
19 Tháng Năm
Tôi Chết Thay Cho Thầy Tôi
Một tu sĩ Hồi Giáo nọ quy tụ được 60 môn sinh. Sau một
thời gian giáo huấn họ, ông quyết định như sau: Ta thấy đã đến lúc phải làm một
cuộc hành trình mới. Ta không biết những gì sẽ xảy ra cho thầy trò chúng ta.
Các ngươi hãy tuân giữ các điều ta đã truyền dạy cho các ngươi. Hãy nhớ điều
này: trong bất cứ lúc nào, hễ ta giơ tay lên trời thì các ngươi hãy hô lớn:
"Tôi chết thay cho thầy tôi".
Ðám môn sinh nhận thấy không thể chấp nhận được một đề
nghị xem ra điên rồ như thế, cho nên 59 người đã bỏ cuộc trở về với nếp sống cũ
của họ. Chỉ có một người chấp nhận điều kiện và quyết tâm đi theo thầy mình cho
đến cùng. Hai thầy trò lên đường mà không biết đi về đâu. Họ đi mãi cho đến lúc
tới một thành phố do một bạo chúa cai trị. Không bao lâu thì họ vào thành phố,
ông bạo chúa đã ra lệnh cho các binh lính như sau: "Các ngươi hãy bắt giữ
lấy tên du thử du thực đầu tiên và điệu đến đây cho ta. Ta muốn treo cổ hắn để
làm một bài học cho bọn vô lại trong thành phố này".
Thế là bọn lính đã đến bắt người đệ tử của vị tu sĩ và
điệu đến trước mặt bạo chúa. Giữa lúc cuộc hành quyết sắp bắt đầu, thì vị tu sĩ
mới xuất hiện giữa đám đông và hô lớn: "Thưa quan lớn, xin hãy giết tôi,
vì chính tôi là người đã dụ dỗ thanh niên này bỏ nhà ra đi để sống kiếp sống
lang thang như tôi". Nói xong ông giơ tay lên trời.
Vừa thấy cử chỉ ấy của vị thầy, người thanh niên mới gào
lên: "Thưa quan lớn, tôi muốn chết thay cho thầy tôi".
Quan bạo chúa nghe thế, mới hỏi các viên cố vấn của mình
như sau: "Họ là ai mà sẵn sàng chết thay cho nhau?". Quan bạo chúa
mới cho điệu vị tu sĩ đến trước mặt và yêu cầu giải thích cho cặn kẽ về mối
tương quan giữa thầy trò.
Vị tu sĩ Hồi Giáo mới bình tĩnh phát biểu như sau:
"Thưa quan lớn, chúng tôi có nghe nói rằng bất cứ ai được giết trong thành
phố này đều được phúc trường sinh bất tử. Dĩ nhiên, nghe biết như thế, cho nên
thầy trò chúng tôi mới hăm hở đến đây để được chết như thế".
Nghe thế, quan bạo chúa mới mỉm cười, rồi ra lệnh trả tự
do cho họ. Người môn sinh chợt hiểu được rằng ai hy sinh mạng sống mình thì sẽ
tìm lại được nó.
Cái chết của Ðức Kitô trên thập
giá đều là vô nghĩa, nếu cái chết đó không phải là cái chết cho mọi người. Thập
giá của Ðức Kitô sẽ chỉ là một ô nhục, nếu thập giá đó không là biểu trưng của
tình yêu, sự hy sinh.
Bước theo Ðức Kitô trong cuộc tử
nạn, vác lấy thập giá và đi theo Ngài không là một việc làm nhiệm ý và tùy
hứng, nhưng là đòi hỏi thiết yếu của ơn gọi Kitô. Con đường của Ðức Kitô chính
là con đường của tình yêu, của hy sinh hiến thân cho người khác.
(Lẽ Sống)
Lectio: Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống (C)
Chúa Nhật, 19 Tháng 5, 2013
Lời hứa về Đấng Phù Trợ. Chúa Thánh Thần,
Là Thầy dạy và là ký
ức sống của Lời Chúa
Giêsu
Ga 14:15-16, 23-26
1. Lời Nguyện Mở Đầu
Lạy Cha rất nhân từ, vào ngày cực thánh này mà con khóc với Cha trong phòng con sau cánh cửa khép kín. Con xin dâng lời cầu nguyện của con lên tới Cha trong nỗi lo sợ và bất động khi đối diện với cái chết. Xin
Cha ban Chúa Giêsu đến và ngự trị trong lòng con để Người sẽ xua đuổi đi tất cả các nỗi sợ hãi và bóng tối vây quanh con. Xin ban cho
con sự bình an, một sự bình an
thật sự, bình an từ trong lòng. Xin Cha ban Chúa Thánh Thần đến với con, Thần Khí Chúa là ngọn lửa của tình
yêu, Người sưởi ấm và soi sáng, Người làm tan mọi băng giá và gột sạch tội lỗi; Người là nước hằng sống, chảy miên man đến muôn đời, Người làm giảm cơn khát và tẩy sạch, Người thanh tẩy và làm đổi mới; Người là sức mạnh đồng thời là ngọn gió nhẹ, Đấng là tiếng nói và
hơi thở của Chúa, là sứ giả thông báo
ơn tha thứ, bắt đầu cho một thế giới mới và trường tồn.
Xin Cha hãy gửi Thánh Thần Chúa trên con khi con đọc và lắng nghe Lời Chúa để con có thể thấu hiểu được những mầu nhiệm trong đó; xin cho con được tràn ngập và chìm ngập trong ơn nghĩa Chúa, được thanh tẩy và trở nên một con người mới, để con có thể tận hiến cuộc đời con cho
Chúa và cho anh chị em con. Amen, Alleluia.
2. Tin Mừng
a) Bối cảnh của đoạn tin Mừng:
Một ít câu Kinh Thánh này, không được nối kết chặt chẽ với nhau lắm, là một vài giọt nước được lấy từ đại dương. Thật ra, chúng là một phần của bài giảng dài và vĩ đại của Tin Mừng Gioan, bắt đầu từ chương 13:31 cho đến hết chương 17. Toàn phần của bài giảng thâm thúy này chỉ nói về một chủ đề, đó là “sự ra đi của Chúa
Giêsu”, mà chúng ta có thể tìm thấy trong câu 13:33 như sau: “Thầy còn ở với anh em một ít lâu nữa thôi … Nơi Ta đi, các người không thể đến được” và trong câu 16:28: “Thầy từ Chúa Cha
mà đến, và Thầy đã đến thế gian. Thầy lại bỏ thế gian mà đến cùng Chúa Cha” và lần nữa trong câu 17:13: “Bây giờ Con đến cùng Cha”. Việc Chúa Giêsu đến với Chúa Cha cũng biểu hiệu cho việc đi của chúng ta, cuộc hành trình đức tin và cần thiết của chúng ta trong thế giới này; nơi đây
chúng ta học theo gương Chúa Giêsu, lắng nghe lời Người, và sống như Người đã sống. Chính lúc này chúng ta nhận được sự mặc khải hoàn toàn về Chúa
Giêsu trong mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi cũng như mặc khải về đời sống người Kitô hữu, cùng với quyền năng và nhiệm vụ, niềm hoan lạc và nỗi muộn phiền, sự hy vọng và các
cuộc phấn đấu. Để phản ảnh những lời này
chúng ta tìm thấy sự thật về Chúa Giêsu và về chính chúng ta với Người và trong Người.
Những câu Kinh Thánh này một cách đặc biệt nói về ba lý do rất vững vàng an ủi cho chúng ta: lời hứa về Đấng Phù Trợ sắp đến; sự hiện đến của Đức Chúa Cha và Chúa Con trong những người Kitô hữu; sự hiện diện của một Thầy dạy, Chúa Thánh Thần, nhờ Người những lời giáo huấn của Chúa Giêsu sẽ không bao giờ ngừng nghỉ.
b) Để giúp
chúng ta hiểu rõ hơn bài Tin
Mừng:
Các câu 15-16: Chúa Giêsu mặc khải rằng việc tuân giữ các giới răn không phải là vấn đề nghĩa vụ, mà đó là hoa trái ngọt ngào được sinh ra từ tình yêu của người môn đệ dành cho
Chúa. Sự vâng lời trong
tình yêu này là do lời cầu nguyện toàn năng của Chúa Giêsu cho chúng ta. Chúa
hứa ban cho
một Đấng Phù Trợ khác, do Đức Chúa Cha sai đến, Ngài sẽ ở lại với chúng ta
luôn mãi để xua tan
đi sự cô đơn của chúng ta một lần cho mãi
mãi.
Các câu 23-24: Chúa Giêsu lặp lại rằng tình
yêu và việc tuân giữ các giới răn là hai sự thật quan trọng thiết yếu liên quan với nhau, có khả năng giới thiệu người môn đệ vào một cuộc sống mầu nhiệm, đó là,
vào trong cảm nghiệm được việc hiệp thông tức khắc và mật thiết với Chúa Giêsu và với Chúa Cha.
Câu 25: Chúa Giêsu nói về một điều rất quan trọng: có sự khác biệt rõ rệt giữa những gì Người nói với các môn đệ khi Người còn đang ở với các ông và những gì Người sẽ nói sau đó, nhờ Chúa Thánh Thần, là khi Người sẽ đến ở trong và ở bên trong các ông. Lúc đầu, việc thông hiểu thì rất giới hạn vì mối liên hệ với Người là một liên hệ bên ngoài: Lời Chúa đến từ bên ngoài và nghe bằng tai, nhưng không được vang lên bên trong lòng. Sau đó, sự hiểu biết sẽ được đầy đủ.
Câu 26: Chúa Giêsu loan báo rằng Chúa Thánh Thần là Thầy, Đấng sẽ không dạy chúng ta từ bên ngoài nhưng từ trong lòng chúng ta. Người sẽ ban cho chúng ta một cuộc sống mới với Lời của Chúa Giêsu, những Lời bị lãng quên sẽ được nhớ lại và các môn đệ sẽ hiểu được trong khả năng hiểu biết của các ông.
c) Phúc Âm:
15 “Nếu các con yêu mến Thầy, thì hãy
giữ giới răn Thầy. 16 Và Thầy sẽ xin Cha, và Người sẽ ban cho
các con một Đấng Phù Trợ khác, để Ngài ở với các con
luôn mãi.
23 Chúa Giêsu đáp: “Ai yêu mến Thầy, sẽ giữ lời Thầy, và Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy, và chúng ta sẽ đến và ở trong người ấy. 24 Kẻ không yêu mến Thầy, thì sẽ không giữ lời Thầy; lời mà các con nghe không phải là của Thầy, nhưng là của Cha, Đấng đã sai Thầy.
25 “Thầy đã nói với các con những đều này khi còn ở với các con. 26 Nhưng Đấng Phù Trợ, là Thánh Thần, mà Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, chính Người sẽ dạy cho các con mọi điều và sẽ nhắc nhở cho các con tất cả những gì Thầy đã nói với các con.”
3. Giây phút thinh lặng cầu nguyện
Tôi đi đến trường của Thầy, Chúa Thánh Linh. Tôi ngồi dưới chân Người và tôi từ bỏ quên bản thân mình trước mặt Người. Tôi mở lòng mình ra, không chút sợ hãi, để Người có thể hướng dẫn tôi, an ủi, quở trách và giúp tôi trưởng thành.
4. Một vài câu hỏi gợi ý
a) “Nếu các con
yêu mến Thầy”. Mối quan hệ của tôi đối với Chúa Giêsu có phải một mối quan hệ của tình yêu không? Tôi đã dọn cho Chúa một chỗ trong trái tim tôi chưa? Tôi đã có xét mình một cách chân thành và tự hỏi: “Tình yêu của đời tôi đang đặt ở đâu, tôi
có tình yêu nào không?” Nếu tôi nhận ra rằng trong con người tôi không hề có tình yêu, hoặc chỉ yêu một cách hời hợt, tôi có
thử hỏi lòng: “Điều gì đang ngăn cản tôi, điều gì đã khiến tôi sống khép kín,
tù hãm, biến tôi trở nên buồn bã và cô đơn như thế?”
b) “Các con hãy giữ giới răn Thầy”. Tôi nhận thấy động từ “giữ” bao hàm
nhiều ý nghĩa: chăm sóc, bảo vệ, để tâm, nuôi dưỡng, dự trữ và bảo toàn, không phung phí, cất giữ cẩn thận, với tình yêu thương. Tôi đã có ý thức và thấu hiểu được những thái độ này, bởi mối quan hệ của tôi như là một môn đệ, như một người Kitô hữu, với Lời Chúa và
các giới răn mà
Chúa Giêsu đã truyền vì hạnh phúc của chúng ta chưa?
c) “Người sẽ ban cho
chúng con một Đấng Phù Trợ khác”. Tôi đã thường không đi tìm kiếm một ai đó để an ủi tôi, để chăm sóc tôi, để bày tỏ lòng trìu mến và lo lắng cho tôi! Nhưng tôi có thật sự tin rằng niềm an ủi đích thực là chính từ Chúa không? Hay tôi vẫn còn tin nhiều vào các sự an ủi tôi đang kiếm tìm, những sự ủi an mà tôi van xin từ đây đó, như những vụn bánh tôi
nhặt nhạnh mãi mà không bao giờ có thể cảm thấy no đủ không?
d) “Ở trong người ấy”. Chúa đang đứng ở cửa, gõ cửa và chờ đợi. Người không nài ép hay bắt buộc ai. Người chỉ nói: “Nếu con muốn …”. Chúa đề nghị rằng tôi có thể thành nơi trú ngụ của Người, là nơi cho Người nghỉ ngơi, cận kề với Người. Chúa
Giêsu đã sẵn sàng và
vui mừng để đến với tôi, để hiệp nhất Người với tôi trong một tình bạn hết sức đặc biệt. Nhưng, tôi đã sẵn sàng chưa? Tôi
có đang mong chờ việc viếng thăm của Người, có mong
mỏi Người ngự sâu vào trong lòng tôi, bản ngã nhất của riêng tôi? Có một chỗ trống nào cho
Chúa trong cái quán trọ của tôi không?
e) “Người sẽ … nhắc nhở cho các
con tất cả những gì Thầy đã nói với các
con”. Danh từ “ký ức” gợi nhớ một việc thậm chí thiết yếu và rất quan trọng. Tôi
có được thử thách và khảo sát kỹ lưỡng bởi Thánh Kinh không? Trong đó
tôi gợi nhớ về điều gì? Tôi đang cố gắng nhớ gì, đem
gì đến cho đời sống nội tâm của tôi? Lời của Chúa là một kho tàng quý giá nhất; đó là hạt giống của đời sống đã được gieo vào trong lòng tôi; nhưng tôi đã có vun xới cho hạt giống này không? Tôi đã có bảo vệ nó từ ngàn kẻ thù và các nguy hiểm đang vây hãm nó: chim chóc, sỏi đá, gai góc, và sự dữ không? Mỗi sáng, tôi có mang theo với tôi Lời của Chúa để nhớ trong ngày và dùng như ánh sáng nội tâm, nguồn sức mạnh, của ăn tinh thần cho tôi không?
5. Chìa khóa của bài đọc
Bây giờ tôi tiến lại mỗi một nhân vật trong bài đọc và tôi lắng nghe một cách sốt sắng, suy gẫm, lắng đọng, trong sự chiêm niệm…
Khuôn mặt của Chúa Cha:
Chúa Giêsu phán: “Thầy sẽ xin Cha” (câu 26) và từ đó tấm màn bí ẩn xung quanh lời cầu nguyện được vén qua một bên: cầu nguyện là cuộc sống dẫn đến Chúa Cha. Để đến với Chúa Cha, chúng ta được ban cho con đường cầu nguyện. Chúa Giêsu sống mối quan hệ của Người với Chúa Cha
qua phương cách cầu nguyện, vì vậy chúng ta cũng phải làm như vậy. Tôi cần phải đọc các sách Phúc Âm và trở nên một người nghiên cứu cẩn thận các dấu chỉ liên quan đến bí mật tình yêu
giữa Chúa
Giêsu và Chúa Cha, để từ đó, bằng cách bước vào mối quan hệ đó, tôi cũng có thể phát triển trong kiến thức về Thiên Chúa, Cha của tôi.
“Người sẽ ban cho
các con một Đấng Phù Trợ khác”. Chúa Cha là Đấng ban cho chúng ta Đấng Phù Trợ. Món
quà tặng này được tiếp nối bởi tình yêu của Chúa Cha, Đấng biết rằng chúng
ta cần có sự an ủi: Người đã trông thấy nỗi đau khổ của tôi trong miền đất Ai Cập và đã nghe thấy tiếng khóc than của tôi. Người thực sự biết nỗi thống khổ của tôi và
thấy các áp bức đang dày vò tôi (Es 3:7-9); không
có điều gì bị bỏ sót bởi tình yêu
vô biên của Người dành cho tôi. Đó
là lý do tại sao Người ban cho chúng ta Đấng Phù Trợ. Chúa Cha là Đấng Ban Cho. Mọi thứ chúng ta có là đều do Người, không
do một ai khác.
“Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy”. Chúa Cha là Đấng Yêu Thương, yêu với một tình yêu miên viễn, tuyệt đối, không thể xâm phạm, không
thay đổi. Y như lời tiên tri
Isaia, Giêrêmia, và các tiên tri khác đã nói (Gr 31:3, Is 43:4; 54:8; Hos 2:21;
11:1).
“Chúng ta sẽ đến”. Chúa Cha được sum họp với Con Người, Chúa
Giêsu, và là một với Người, và Người sẽ đến với mỗi người chúng
ta. Người đã hành động, đi ra, hạ mình và đến với chúng
ta. Được thúc đẩy bởi một tình yêu điên cuồng và không thể giải thích,
Người đến với chúng ta.
“Và chúng ta sẽ ở trong người ấy”. Chúa Cha xây nhà của Người trong chúng ta; Người làm cho
chúng ta, cho tôi, cho sự hiện hữu của tôi, tất cả thân xác của tôi trở nên nơi trú ngụ của Người. Người đến và sẽ không lìa xa nhưng ở lại một cách trung thành.
Khuôn mặt của Chúa Con:
“Nếu các con
yêu mến Thầy…” (câu 15); “Ai yêu mến Thầy…” (câu 23). Chúa Giêsu tiến tới một mối quan hệ đặc biệt và riêng
tư với tôi, mặt đối mặt, tâm kề tâm, hồn cận hồn; Người muốn có một mối quan hệ mãnh liệt, duy nhất, không thể sao chép, và Người sẽ cho tôi hiệp nhất với Người bằng tình
yêu nếu tôi muốn. Người luôn luôn dùng chữ “nếu” và khi Người hỏi riêng
tôi: “Nếu con muốn…” Phương pháp duy nhất Người hằng tìm
cách để đến với tôi là qua tình yêu. Thật ra, điều đáng chú ý là việc xử dụng những đại danh từ “các con”
và “ai” được liên kết với chữ “tôi” bởi động từ “yêu thương” và không có động từ nào khác.
“Thầy sẽ xin Cha” (câu 16). Chúa Giêsu là người cầu nguyện, Người sống bằng sự cầu nguyện và vì cầu nguyện. Tất cả cuộc đời Người được đúc kết lại bởi lời cầu nguyện và trong
lời cầu nguyện. Người là linh mục tối cao và đời đời, là Đấng đã can
thiệp cho
chúng ta và dâng những lời khẩn nguyện và nài
xin cùng với những giọt nước mắt (Dt 5:7), cho sự cứu rỗi của chúng ta; “Người có thể đem ơn cứu độ vĩnh viễn cho những ai nhờ Người mà tiến lại gần
Thiên Chúa. Thật vậy, Người hằng sống để chuyển cầu cho họ.” (Dt
7:25).
“Nếu ai yêu mến Thầy, sẽ giữ lời Thầy” (câu 23); “Kẻ không yêu
mến Thầy, thì sẽ không giữ lời Thầy.” (câu 24). Chúa Giêsu ban tặng Lời của Người cho tôi, Người trao ban cho tôi trong niềm tín thác rằng tôi sẽ chăm sóc và giữ gìn những lời ấy, rằng tôi sẽ đặt để những lời ấy trong
trái tim tôi và ở đó Lời Chúa sẽ được sưởi ấm, trông nom, chiêm niệm, lắng nghe và do đó sẽ làm cho Lời ấy nảy sinh hoa
trái. Lời Chúa là hạt giống; là
viên ngọc quý báu
nhất trong tất cả, vì đó chính là kho tàng đáng được đánh đổi bằng tất cả mọi sự giàu sang
khác; đó là kho tàng tiềm ẩn xứng đáng được đào bới vì nó vô
giá; đó là ngọn lửa nung nấu trái tim
tôi; đó là ngọn đèn soi
sáng những bước chân của chúng ta ngay cả trong đêm đen tối nhất. Tình yêu dành cho Lời của Chúa
Giêsu có thể được xác định bởi tình yêu của tôi dành cho chính Chúa Giêsu, cho những gì thuộc về Người, bởi vì, rốt cuộc, Người chính là Ngôi Lời. Đó
là lý do tại sao
trong đoạn Phúc Âm
này, Chúa Giêsu đang khóc lóc với trái tim của tôi rằng chính
Người là cái
tôi phải cần giữ lại.
Khuôn mặt của Chúa Thánh
Thần:
“Cha sẽ ban cho
chúng con một Đấng Phù Trợ khác” (câu 16). Chúa Cha ban cho chúng ta Chúa Thánh
Thần; đây là
“tặng phẩm tốt đẹp và phúc
lộc hoàn hảo do từ trên” (Gb 1:17) Người là “Đấng Phù Trợ khác” ngoài Chúa Giêsu, Đấng sẽ đến và ở lại để chúng ta
không phải đơn côi, bị quên lãng. Trong khi tôi đang sống trên thế gian này,
tôi sẽ không thiếu sự an ủi, nhưng tôi được vỗ về bởi sự hiện diện của Chúa Thánh Thần, Đấng không
chỉ an ủi, nhưng còn nhiều hơn thế nữa: Người là một người đang sống và luôn
hiện diện bên cạnh tôi. Sự hiện diện này, người bạn đồng hành này có khả năng đem lại cho tôi niềm vui, niềm vui thật sự. Thực thế, thánh
Phaolô đã nói: “Hoa quả của Chúa
Thánh Thần là lòng
bác ái, niềm hoan lạc, sự bình an…” (Gl 5:22; và cũng xem Rm 14:17)
“để Người ở với các con
luôn mãi”. Chúa Thánh Linh đang ở giữa chúng ta, Người đang ở với tôi, giống như Chúa Giêsu đã ở với các môn
đệ Người xưa kia. Sự hiện đến của Người là một sự hiện diện cá nhân thực thể; tôi không thấy Người, nhưng tôi biết rằng Người có đó và
Người sẽ không bao giờ lìa xa tôi. Chúa Thánh Thần luôn luôn hiện diện ở đây, sống với tôi và trong tôi, không hề có giới hạn của không gian hoặc thời gian; do
đó Người là Đấng Phù Trợ.
“Người sẽ dạy các con
mọi điều” (câu 26). Chúa Thánh Thần là Thầy dạy, Người mở đường cho lương tâm, kinh nghiệm; không ai ngoại trừ Người có thể dẫn dắt tôi, bảo ban tôi, cho tôi một con người mới. Người không phải là một ngôi trường nơi người ta thu thập kiến thức loài người để tạo ra lòng tự hào và không giải thoát; những giáo huấn của Người, những lời thầm thì, những lời chỉ đường chính xác của Người đến từ Thiên Chúa và quy hướng về Thiên Chúa. Chúa Thánh
Thần dạy cho chúng ta xét cho đúng và hiểu cho tường tận (Tv 118:66), Người chỉ cho chúng
ta biết thánh chỉ của Chúa Cha (Tv 118:26-64), đường lối của Chúa (Tv 24:4), các giới răn của Chúa (Tv 118:124-135), chính là đời sống. Chúa Thánh Linh là một người thầy có khả năng hướng dẫn tôi đến sự thật toàn vẹn (Ga
16:13), Người ban cho
tôi một sự tự do sâu xa, ngay cả khi lúc linh hồn và tinh thần tách xa nhau, vì chỉ có Người, là Thiên Chúa, có thể mang cho tôi sự sống và sự sống lại. Là Thiên Chúa, nhưng Người lại khiêm tốn, Người hạ mình xuống, rời khỏi ngai tòa
của mình và
đi vào trong tôi (xem Cv 1:8; 10:44), Người đã ban chính bản thân Người cho tôi một cách
hoàn toàn và tuyệt đối; Người không hề so đo hơn thiệt với món quà tặng của Người, với ánh quang minh của Người, nhưng Người đã cho đi không giới hạn.
6. Giây phút cầu nguyện: Thánh Vịnh 30
Một bài ca chúc tụng Thiên Chúa,
Đấng đã ban cho chúng con đời sống mới của Chúa Thánh Linh từ trời xuống
Đáp ca: Lạy Chúa,
Chúa đã ban cho con cuộc sống trọn vẹn, alleluia!
Lạy Chúa,
con xin tán dương Ngài,
Vì đã thương cứu vớt,
Và không để quân thù
đắc chí nhạo cười con.
Ôi lạy Chúa là Thiên Chúa con thờ, con kêu lên cùng Chúa,
Và Ngài đã cho con bình phục
Lạy Chúa,từ âm phủ Ngài đã
kéo con lên,
Tưởng đã xuống mồ mà Ngài thương cứu sống. Đ
Tưởng đã xuống mồ mà Ngài thương cứu sống. Đ
Hỡi những kẻ tín trung, hãy đàn ca mừng Chúa,
và cảm tạ thánh danh Người.
Người nổi giận, giận trong giây lát,
nhưng yêu thương, thương suốt cả đời.
Lệ có rơi khi màn đêm buông xuống,
hừng đông về đã vọng tiếng hò reo. Đ
Thuở được yên vui, có lần tôi tự nhủ:
“Mình sẽ chẳng bao giờ nao núng!”
Lạy Chúa, vì yêu thương,
Ngài đã đặt con trên núi an toàn.
Nhưng khi Ngài vừa ẩn mặt đi,
con liền thấy bàng hoàng sợ hãi.
Lạy Chúa, con đã kêu lên Ngài,
năn nỉ với Ngài là Chúa của con. Đ
Lạy Chúa, xin lắng nghe và xót thương con!
Lạy Chúa, xin phù trì nâng đỡ!
Khúc ai ca, Chúa đổi thành vũ điệu;
và cảm tạ thánh danh Người.
Người nổi giận, giận trong giây lát,
nhưng yêu thương, thương suốt cả đời.
Lệ có rơi khi màn đêm buông xuống,
hừng đông về đã vọng tiếng hò reo. Đ
Thuở được yên vui, có lần tôi tự nhủ:
“Mình sẽ chẳng bao giờ nao núng!”
Lạy Chúa, vì yêu thương,
Ngài đã đặt con trên núi an toàn.
Nhưng khi Ngài vừa ẩn mặt đi,
con liền thấy bàng hoàng sợ hãi.
Lạy Chúa, con đã kêu lên Ngài,
năn nỉ với Ngài là Chúa của con. Đ
Lạy Chúa, xin lắng nghe và xót thương con!
Lạy Chúa, xin phù trì nâng đỡ!
Khúc ai ca, Chúa đổi thành vũ điệu;
cởi áo sô, mặc cho con lễ phục huy hoàng.
Vì thế, tâm hồn con ca ngợi Chúa, và không hề nín lặng.
Lạy Chúa là Thiên Chúa con thờ, xin tạ ơn Ngài mãi mãi ngàn thu. Đ
Vì thế, tâm hồn con ca ngợi Chúa, và không hề nín lặng.
Lạy Chúa là Thiên Chúa con thờ, xin tạ ơn Ngài mãi mãi ngàn thu. Đ
7. Lời Nguyện Kết
Lạy Chúa Thánh Thần, xin cho phép con nói với Chúa
lần nữa. Thật khó cho con để đi ra khỏi buổi gặp gỡ của con với Ngôi Lời bởi vì Người đang hiện ở đó. Vì thế, Chúa đã sống và tác động trong con. Con xin
dâng lên Chúa, sự thắm thiết của Chúa,
tình yêu của Chúa,
khuôn mặt người môn đệ của con; con soi bóng mình trong Chúa, ôi Lạy Chúa Thánh Thần. Con xin dâng lên Chúa, ngón tay của cánh tay phải của Thiên Chúa, các khả năng, mắt, môi,
tai của con… xin
quyền năng chữa lành của Chúa hãy làm việc trong con, nhờ sự giải thoát và
ơn cứu độ của Chúa mà
con có thể được tái sinh, hôm nay, một con người mới từ trong cái nôi của ngọn lửa Chúa, hởi thở của ngọn gió Chúa, lạy Chúa Thánh Thần, con đã không được sinh ra để sống một mình. Vì vậy, con nài xin Chúa, xin Chúa hãy gửi cho con các anh chị em con để con có thể loan báo
cho họ về cuộc sống phát
sinh từ Chúa. Amen. Alleluia!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét