Thứ Sáu Ngày 24/05/2013
Tuần VII Mùa Thường Niên
Năm C
BÀI ĐỌC I: Hc 6, 5-17
"Không gì sánh
được với người bạn trung thành".
Trích
sách Huấn Ca.
Lời
nói ngọt ngào gia tăng số bạn hữu và thoa dịu những kẻ thù; lưỡi êm dịu nơi
người hiền tăng thêm hoà khí.
Ngươi
nên có nhiều bạn hữu, nhưng chỉ nên chọn một trong ngàn người làm cố vấn.
Nếu
ngươi có được người bạn hữu, hãy thử thách rồi hãy nhận, và đừng dễ dàng tin
tưởng người đó. Vì có thứ bạn hữu chỉ thân trong lúc vận hên và không trung
thành trong cơn khốn khó. Có thứ bạn hữu sau trở thành thù địch. Có thứ bạn hữu
tiết lộ những chuyện oán thù, tranh chấp và ghen tương của ngươi. Có thứ bạn
hữu chỉ thân lúc ở bàn ăn, gặp lúc gian truân không nhìn thấy bóng. Có thứ bạn
hữu khi được thâu nhận sẽ trở thành bình đẳng với ngươi, vì tự do hành động
trong những điều thuộc nội bộ nhà ngươi. Nếu ngươi bị người ta hạ nhục, hắn sẽ
phản lại ngươi, và hắn sẽ xa tránh mặt ngươi. Ngươi hãy xa lánh kẻ thù và hãy
đề phòng với bạn hữu.
Người
bạn trung thành là chỗ dung thân vững chắc. Ai gặp được người bạn hữu như thế,
là gặp được kho báu. Không có gì sánh được với người bạn trung thành, không số
lượng vàng bạc nào có thể cân nặng hơn lòng trung tín tốt lành của người bạn
đó. Người bạn hữu trung thành là liều thuốc trường sinh bất tử. Những ai kính
sợ Chúa, sẽ gặp được người bạn đó. Ai kính sợ Chúa, người đó cũng có tình bạn
tốt, vì người bạn hữu của người đó sẽ giống như người đó. Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 118, 12. 16. 18. 27. 34. 35.
Đáp: Lạy Chúa, xin
hướng dẫn con vào đường lối chỉ thị Ngài
(c. 35a).
1)
Thân lạy Chúa, Ngài muôn phúc đức, xin dạy con các thánh chỉ của Ngài. .
2) Con lấy thánh chỉ Ngài làm hoan lạc, và lời
Ngài dạy, con chẳng dám quên. .
3) Xin mở rộng tầm con mắt của con, để quan
chiêm những điều kỳ diệu trong luật Chúa.
.
4) Xin cho con am hiểu đường lối huấn lệnh của
Chúa, để con suy gẫm các điều kỳ diệu của Ngài. .
5) Xin dạy con, để con vâng theo luật pháp Ngài,
và để con hết lòng tuân giữ luật đó. .
6)
Xin hướng dẫn con vào đường lối chỉ thị Ngài, vì chính trong đường lối này con
sung sướng. .
ALLELUIA: Tv 129, 5
Alleluia,
alleluia! - Con hy vọng rất nhiều vào Chúa, linh hồn con trông cậy ở lời Chúa.
- Alleluia.
PHÚC ÂM: Mc 10, 1-12
"Sự gì Thiên Chúa
đã kết hợp, loài người không được phân rẽ".
Tin
Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.
Khi
ấy, Chúa Giêsu đến địa hạt xứ Giuđêa và miền bên kia sông Giođan. Dân chúng lại
tụ họp bên Người và Người lại dạy dỗ họ như thường lệ. Những người biệt phát
đến gần và hỏi thử Người rằng: "Người ta có được phép ly dị vợ mình
chăng?" Người đáp: "Môsê đã truyền cho các ông thế nào?" Họ
thưa: "Môsê cho phép làm giấy ly dị và cho ly dị". Bấy giờ Chúa Giêsu
đáp lại: "Chính vì sự cứng lòng của các ông mà Môsê đã viết ra điều luật
đó. Nhưng lúc khởi đầu cuộc sáng tạo, Thiên Chúa đã dựng nên một người nam và
một người nữ. Bởi đó người nam sẽ lìa cha mẹ để luyến ái vợ mình, và hai người
sẽ nên một huyết nhục. Vì thế, họ không còn là hai mà là một huyết nhục. Vậy sự
gì Thiên Chúa đã kết hợp, loài người không thể phân rẽ".
Về
đến nhà, các môn đệ lại hỏi Người về điểm đó. Và Người bảo các ông: "Ai bỏ
vợ mình và lấy vợ khác, thì phạm tội ngoại tình đối với người vợ trước. Và
người nữ bỏ chồng mà lấy chồng khác, thì cũng phạm tội ngoại tình". Đó là lời Chúa.
SUY NIỆM : Mối giây bất
khả phân ly
Tin
Mừng hôm nay như muốn đưa chúng ta về những trang đầu tiên của lịch sử nhân
loại, trong đó Thiên Chúa đã tạo dựng người nam và người nữ để họ chung sống
với nhau trong mối giây bất khả phân ly của đời sống đôi lứa. Có thể nói, đó là
gia đình đầu tiên của lịch sử loài người. Chúa Giêsu đã nại đến sự kiện này để
giải đáp vấn nạn của người Biệt phái: "Người ta có được phép rẫy vợ
không?", và như vậy một cách nào đó, Ngài đã đề cập đến hôn nhân, đến giá trị
và đòi hỏi của hôn nhân.
Trước
hết, hôn nhân là một sự tự do trao đổi yêu thương giữa người nam và người nữ,
một sự cam kết sống chung suốt đời. Chiếc nhẫn mà họ trao cho nhau trong ngày
cưới là dấu chứng tình yêu, và từ ngày đó mọi hành vi đi ngược với lời cam kết
đều bị coi là ngoại tình, bởi vì hôn nhân là do Thiên Chúa thiết lập và con
người không thể phân ly những gì Ngài đã kết hợp.
Hôn
nhân còn là một cộng đồng kết hợp hai tâm hồn và được xây dựng trên nền tảng
tình yêu. Hôn nhân là giây tình yêu liên kết hai người phối ngẫu, và tình yêu
này phản chiếu tình yêu thần diệu giữa Chúa Kitô và Giáo Hội. Thánh Phaolô đã
ân cần nhắc nhở: "Chồng hãy yêu thương vợ như Chúa Kitô yêu mến Giáo Hội
và phó nộp mình đi". Trong đời sống hôn nhân, hai người nương tựa vào nhau,
bổ túc và tài bồi lẫn nhau. Thiên Chúa thấy người nam ở một mình không tốt,
Ngài đã dựng nên cho nó một người nữ, rút từ cạnh sườn người nam, và người nam
sẽ bỏ cha mẹ để nên một với vợ mình, đó là hình ảnh của một tình yêu kết hợp.
Nhờ tình yêu kết hợp trong hôn nhân, người nam và người nữ sẵn sàng chấp nhận
việc sinh dưỡng và giáo dục con cái thành những đứa con ngoan của Thiên Chúa,
của Giáo Hội, của gia đình và xã hội.
Nhưng
một cuộc hôn nhân chỉ thành công khi người nam và người nữ thực tình yêu nhau,
có sức hiến thân cho nhau, sẵn sàng chấp nhận mọi thử thách mà hoàn cảnh đè
nặng trên con người, trong tâm tình chúc tụng tạ ơn. Thật vậy, việc cam kết
trước bàn thờ là một lời khấn trọng thể, một lời hứa thánh thiêng đặt nền tảng
trên tình yêu, tình yêu mà Thánh giá là biểu hiện rõ nét nhất, tình yêu mà Chúa
Kitô hiến mình cho Giáo Hội đến cùng mức. Hôn nhân không phải luôn luôn là một
khúc tình ca, một cuộc ve vãn suốt đời, nhưng là một cuộc sống chung nhiều khi
khó khăn. Do đó chỉ có tình yêu đích thực khi đôi bạn có khả năng và muốn giữ
lời gắn bó với nhau cho đến chết. Những hy sinh từ bỏ, sự trung tín qua những
thử thách, những lần nhượng bộ, đều là bằng chứng của đức tin và sức mạnh nhận
được từ Thánh Thần.
Chính
vì những giá trị cao đẹp của hôn nhân như thế, nên thái độ của Chúa Giêsu về
vấn đề hôn nhân thật dứt khoát. Ngài xác định lại nền tảng thánh thiêng cũng
như tính cách bất khả phân ly của giây hôn phối. Ngài mạnh mẽ lên án tội dâm
bôn ngoại tình, cả việc rẫy vợ nữa, trừ phi là nố gian dâm, nhưng điều đó có lẽ
không nhằm biện minh cho việc ly dị, mà chỉ là đuổi người vợ bất chính, hoặc là
ly thân rồi sau đó không được tái hôn nữa. Như thế, chính nhờ Chúa Giêsu, hôn
nhân đã được nâng lên hàng Bí Tích và mặc một sắc thái mới phản ánh vẻ đẹp ban đầu
đã bị lu mờ vì tội lỗi nhân loại.
Chúng
ta hãy cầu xin cho các gia đình được luôn gắn bó với nhau trong tình yêu thương
hợp nhất, để làm chứng cho tình yêu duy nhất và vĩnh cửu của Thiên Chúa.
(Veritas Asia)
Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Sáu Tuần 7 TN1, Năm Lẻ
GIỚI
THIỆU CHỦ ĐỀ:
Hãy cẩn thận khi chọn vợ và chọn bạn.
Chúng
ta đang chứng kiến hoặc đã có kinh nghiệm về sự bất trung, phản bội, ngoại
tình, ly thân, ly dị ... Hoàn cảnh có thể là lý do gây nên, nhưng lý do chủ yếu
cho những đổ vỡ này là nơi con người. Tục ngữ Việt-nam có rất nhiều những lời
khuyên quí giá cho chúng ta khi phải lựa chọn bạn hữu hay chọn vợ chồng tương
lai: “Chọn bạn mà chơi.” “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn. Xấu người đẹp nết còn hơn
đẹp người.” “Chẳng tham ruộng cả, ao sâu. Chỉ tham cái bút, cái nghiên anh đồ.”
Lựa chọn làm sao, chúng ta phải lãnh nhận hậu quả của sự lựa chọn đó.
Các
bài đọc hôm nay tập trung trong việc chọn bạn hữu và chọn vợ chồng, người bạn
sẽ đi với mình trong suốt cuộc đời. Trong bài đọc I, tác giả Sách Huấn Ca cho
chúng ta hiểu biết giá trị của người bạn trung thành, trước khi giúp chúng ta
cách thức để tìm ra người bạn đó. Trong Phúc Âm, những người Pharisees đến hỏi
Chúa Giêsu về một vấn nạn gia đình: "Thưa Thầy, chồng có được phép rẫy vợ
không?" Chúa Giêsu cho câu trả lời rõ ràng: “Lúc khởi đầu công trình tạo
dựng, Thiên Chúa đã làm nên con người có nam có nữ; vì thế, người đàn ông sẽ
lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ thành một xương một thịt. Như
vậy, họ không còn là hai, nhưng chỉ là một xương một thịt. Vậy, sự gì Thiên
Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly."
KHAI
TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/
Bài đọc I: Chọn bạn trung thành
Tình
bằng hữu đòi hỏi tình cảm và sự tương kính của cả hai bên, không thể chỉ là mối
tình đơn phương hay cư xử độc điệu. Dĩ nhiên, nó phải được bắt nguồn từ phía
người tìm kiếm nó trước. Tác giả khuyên những người đi tìm nó như sau: “Ăn nói
dịu dàng thì tăng thêm bạn hữu,
phát
biểu dễ thương thì tăng thêm lời thân ái. Ước chi có nhiều người sống hoà nhã
với con;
nhưng
cố vấn cho con, thì trong muôn ngàn chỉ nên chọn một.” Chúng ta có thể rút ra 3
điều quan trọng trong trình thuật hôm nay.
1.1/
Người bạn trung thành phải được thử nghiệm trong hoàn cảnh khó khăn: Khi một người thành
công hay làm ăn phát tài, người đó sẽ bị bao vây bởi những người muốn trở thành
bạn hữu. Tác giả khuyên chúng ta phải thận trọng tìm bạn trong lúc này, “Vì có
kẻ chỉ là bạn nhất thời, ngày con gặp nạn, nó chẳng còn là bạn nữa.” Con người
muốn làm bạn với người giàu có để nhờ cậy và để được giúp đỡ; nhưng nếu người
đó chẳng may sa cơ nghèo đói và cần được giúp đỡ, họ sẽ không ngần ngại quay đi
và chửi rủa chẳng hết lời.
1.2/
Giá trị của người bạn trung thành: Tác giả hiểu giá trị của người bạn trung
thành: “Người bạn trung thành là một nơi nương tựa vững chắc, ai gặp được người
bạn như thế, là gặp được kho tàng. Không gì đổi lấy được một người bạn trung
thành, và giá trị của người bạn ấy, không cân nào lường được. Người bạn trung
thành là phương thuốc xoa dịu cuộc đời.” Việt-nam chúng ta có câu truyện đôi bạn
Lưu Bình-Dương Lễ đề cao giá trị tuyệt vời của tình bạn. Dương Lễ vì ham học
nên thành tài và làm quan tri phủ, Lưu Bình vì ham chơi nên thi rớt và trở nên
nghèo khó. Một ngày, Lưu Bình đến tìm Dương Lễ mong được giúp đỡ, Dương Lễ thấy
Lưu Bình nghèo khó rất xót xa và mong giúp bạn, nhưng ông nghĩ cách làm cho bạn
thành công, nên nói: “Người làm quan như ta không làm bạn với người nghèo đói.”
Lưu Bình ôm hận trở về nhà và quyết chí học hành để làm lại cuộc đời. Dương Lễ
cũng bí mật gởi Châu Long, vợ ông, giả trang để giúp Lưu Bình trong khi ăn học.
Kỳ thi tới, Lưu Bình cũng thi đậu và được làm quan tri phủ, ông muốn tới gặp
Dương Lễ để trả mối hận ngày nào; nhưng khi tới, ông gặp Châu Long đang đứng
bên cạnh Lưu Bình. Ông hiểu ra sự hy sinh mà Dương Lễ đã âm thầm giúp ông. Kể
từ đó, hai người trở thành bạn tri kỷ suốt cuộc đời, không gì có thể ngăn cách
họ.
1.3/
Làm thế nào để tìm được một người bạn trung thành? Tác giả cho chúng ta
hai chìa khóa: Thứ nhất, trước khi có thể kiếm được một người bạn trung thành,
chính bản thân phải là một người trung thành trước, vì theo tác giả Sách Huấn
Ca: “bản thân mình thế nào, thì cận thân mình cũng thế.” Người tự mình không
trung thành, làm sao bắt người khác phải trung thành? Thứ hai, người bạn trung
thành chỉ dành cho những ai biết kính sợ Thiên Chúa: “Những ai kính sợ Đức Chúa
sẽ gặp được người như vậy. Người kính sợ Đức Chúa thì điều khiển được tình bạn
của mình.” Vì thế, đức tính đầu tiên cần có trong việc chọn bạn: chọn người
biết kính sợ Đức Chúa.
2/
Phúc Âm: Chọn vợ chồng chung thủy.
2.1/
Vấn nạn ly dị: Vấn nạn này xảy ra ở mọi nơi và mọi thời, chứ không phải chỉ là
vấn đề thời đại hay chỉ xảy ra tại các nước giàu có mà thôi. Câu trả lời của
Chúa Giêsu quá rõ ràng và Giáo Hội vẫn tuân theo những sự chỉ dạy của Ngài.
Nhiều người đặt vấn đề: Thế tại sao Giáo Hội cho phép ly dị, nếu đó là Luật
Thiên Chúa? Chúng ta cần phân biệt hai điều: Thứ nhất, lý tưởng mà Thiên Chúa
muốn con người đạt tới. Lý tưởng này không bao giờ thay đổi; và thực tế cũng
chứng minh rất nhiều đôi vợ chồng đã đạt tới lý tưởng này. Nhiều cặp vợ chồng
đã trung thành với nhau đến khi chết, dù phải trải qua bao nhiêu gian khổ. Thứ
hai, yếu đuối và tội lỗi làm con người không đạt tới lý tưởng của Thiên Chúa.
Khi con người không đạt được lý tưởng, không có nghĩa là lý tưởng của Thiên
Chúa muốn không thể thực hiện được, hay Lề Luật của Thiên Chúa sai; nhưng con
người phải khiêm nhường thống hối vì yếu đuối tội lỗi của mình.
2.2/
Tại sao con người bỏ nhau? Hội Thánh gỡ dây hôn phối là vì những tội lỗi, yếu đuối,
và cứng lòng của con người. Có nhiều lý do để gỡ; một cách tổng quát là con
người không chịu học hỏi hay coi thường bí-tích Hôn Phối như:
(1) Cha mẹ ép buộc con cái phải lấy người chúng
không muốn,
vì cha mẹ tham quyền cao, chức trọng, hay lợi nhuận vật chất. Trường hợp này,
con cái thiếu tự do để kết hôn. (2) Con người kết hôn bừa bãi. Đa số trường hợp Giáo
Hội giải quyết là trường hợp "lack of form," có nghĩa: không theo Lề
Luật của Giáo Hội, không thành bí-tích. Chẳng hạn, làm hôn thú giả vì muốn xuất
ngoại, vì tham tiền, hay vì bất cứ lý do nào khác.
(3) Vợ chồng không chịu tìm hiểu nhau kỹ lưỡng
trước khi kết hôn: lấy người đã có gia đình, lấy người bị ngăn trở không được kết
hôn, lấy người không cùng tôn giáo.
ÁP DỤNG
TRONG CUỘC SỐNG:
-
Người bạn trung thành chỉ dành cho những ai biết kính sợ Thiên Chúa. Chúng ta
phải biết kính sợ Thiên Chúa và phải theo tiêu chuẩn quan trọng này trong việc
chọn bạn hữu và vợ chồng tương lai.
-
Chọn thế nào, chúng ta sẽ phải lãnh nhận hậu quả của việc chọn lựa đó. Chúng ta
phải dành thời gian tìm hiểu và thử nghiệm sự trung thành trước khi bước vào
cuộc sống gia đình.
-
Chúng ta đừng học cách cư xử của dân ngoại để rồi “giầu đổi bạn, sang đổi vợ”
hay “thay vợ chồng như thay áo.” Chắc chắn chúng ta sẽ phải lãnh nhận hậu quả
của nó cả đời này và đời sau.
Linh mục Anthony Đinh
Minh Tiên OP
HẠT GIỐNG NẨY MẦM
- MÙA QUANH NĂM –
- TUẦN 7 -
"Có những hạt rơi vào đất tốt.
Chúng mọc và lớn lên, sinh hoa kết quả :
hạt thì được ba mươi, hạt thì được sáu
mươi,
hạt thì được một trăm" (Mc 4,8)
Thứ Sáu :
Mc 10,1-12
A. Hạt giống...
Những người biệt phái phỏng vấn Chúa Giêsu
về vấn đề li dị.
Ngay trong giới biệt phái cũng có hai lập
trường ngược nhau về vấn đề này : lập trường dễ dãi (đứng đầu là Rabbi Hillel)
cho phép li dị vì những cớ rất tầm thường ; lập trường khắt khe (đứng đầu là
Rabbi Shammað) chỉ cho li dị trong trường hợp ngoại tình. Tuy khác nhau, nhưng
hai lập trường này có điểm chung là cho phép li dị.
Còn lập trường của Chúa Giêsu là tuyệt đối
không được li dị : "Điều gì Thiên Chúa kết hợp, loài người không được phân
li".
Nhân dịp này, Chúa Giêsu còn dạy cách sống
đời hôn nhân : phải yêu thương nhau ("luyến ái") và đồng tâm nhất trí
("nên một huyết nhục") với nhau.
B.... nẩy mầm.
1. Tình trạng li dị ngày càng gia tăng là
biểu hiện của những tật xấu căn bản hơn của người thời nay, đó là không trung
thành và hay thay đổi, sống theo sở thích hơn là theo trách nhiệm. Tình trạng
li dị cũng cho ta hiểu rằng sống thủy chung với một tình yêu là điều rất khó.
Lạy Chúa, mới ngày nào con còn cảm thấy rất
yêu mến Chúa, sao hôm nay lòng con đã bớt nồng nàn, và không biết mai ngày sẽ
ra thế nào nữa ! Phần Chúa thì muôn đời vẫn một mực yêu thương con. Xin gìn giữ
con mãi mãi trong tình yêu thương của Chúa.
2. Đời sống độc thân của những người dâng
mình cho Chúa là một dấu chỉ và một bằng chứng và một sự khích lệ cho những kẻ
sống đời hôn nhân :
- dấu chỉ về một tình yêu hoàn toàn không
vị kỷ
- bằng chứng rằng trung thành với tình yêu
đã cam kết là một điều có thể
- vì là dấu chỉ và bằng chứng nên nó là một
sự khích lệ.
Xin cho các Linh mục, tu sĩ sống đời tận
hiến của mình một cách vui vẻ và trung thành.
Lm.Carolo HỒ BẶC XÁI –
Gp.Cần Thơ
24/05/13 THỨ
SÁU TUẦN 7 TN
Mc 10,1-12
Mc 10,1-12
NÊN MỘT TRONG TÌNH YÊU
“Còn lúc khởi đầu công trình tạo dựng, Thiên Chúa đã làm nên con
ngưòi có nam có nữ; vì thế, người đàn ông sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình,
và cả hai sẽ thành một xương một thịt.” (Mc
10,6-8)
Suy niệm: Nhà văn Nga I. Tourguéniev tâm
sự: “Tôi sẵn sàng đổi hết tài năng
và tác phẩm của tôi để được cái thú êm đềm biết rằng ở một nơi nào đó có một
người đàn bà lo âu vì tôi về trễ.” Không gì hạnh phúc cho bằng biết rằng mình được yêu, cũng như
không có gì chua xót cho bằng từ tình yêu chuyển thành thù hận. Hôm nay, Đức
Giêsu nhắc ta hai điều: 1/ Con người cần có người bạn đời chung sống với mình (“sỏi đá cũng còn có nhau”, huống gì con người!). 2/ Hai
người nam nữ hợp nhất nên một, không phải chỉ nên một trong thân xác, nhưng còn
cả trong lý tưởng, trong trách nhiệm, trong việc xây dựng hạnh phúc gia đình...
Nhờ vậy, vợ chồng vừa đem lại hạnh phúc cho nhau, vừa dìu nhau tiến về hạnh
phúc Nước Trời.
Mời Bạn: Nhớ rằng hôn nhân không phải
chỉ đem lại thú vui, mà còn mang đến trách nhiệm. Bạn chỉ tìm thấy niềm vui
thật sự khi nào bạn chu toàn trách nhiệm của mình trong gia đình.
Chia sẻ: Trong đời sống gia đình, tôi
tìm thú vui riêng cho bản thân, hay tôi quên mình để chăm lo hạnh phúc của
những người thân?
Sống Lời Chúa: Làm một việc nhỏ để phục vụ,
giúp đỡ vợ, chồng, cha mẹ tôi.
Cầu nguyện: Lạy Cha nhân ái, xin Cha thương
bảo vệ gìn giữ từng gia đình là hình ảnh của Thánh Gia, từng trẻ em là hình ảnh
của Con Cha thuở ấu thơ. Xin Cha sai Thánh Thần tình yêu đem hạnh phúc đến mọi
gia đình trong đại gia đình nhân loại. Amen.
Một
xương một thịt
Hôn nhân không phải chỉ là chuyện của hai người yêu nhau và
lấy nhau. Trong Lễ Cưới có sự hiện diện của Thiên Chúa là Đấng phối hợp. Ngài
tiếp tục bảo vệ tình yêu, cả khi hai người cùng muốn chia tay.
Suy niệm:
“Sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không
được phép phân ly.”
Lời của Đức Giêsu đã vang vọng qua hai mươi thế
kỷ,
và vẫn thường được chọn để in trên thiệp cưới.
Phải chăng người ta ngầm nhắc nhau rằng
ly dị là từ không nên có trong từ điển của các
đôi vợ chồng.
Tiếc thay số vụ ly hôn nơi các kitô hữu đã gia
tăng đáng kể.
Sống với nhau đến đầu bạc răng long lại trở
thành một giấc mơ.
Có mấy người Pharisêu đến hỏi Đức Giêsu về
chuyện chồng ly dị vợ.
Đức Giêsu hỏi ngược họ xem ông Môsê đã truyền dạy thế nào (c. 3).
Những người Pharisêu trích sách Đệ Nhị Luật
(24, 1)
để cho thấy ông Môsê cho phép viết giấy ly dị và sau đó ly dị (c.
4).
Dĩ nhiên, cho phép không phải là truyền dạy!
Đức Giêsu đã trích sách Sáng Thế (2, 24)
để nhấn mạnh sự hiệp nhất vĩnh viễn giữa đôi vợ
chồng.
“Cả hai thành một xương một thịt” không chỉ về
mặt thân xác (c. 8),
mà còn trở nên một lòng, một ý, một ước mơ, một
hành động.
Ngài khẳng định điều này đã có từ thuở ban đầu (c. 6)
và nằm trong ý định nguyên thủy của Thiên Chúa.
Việc Môsê cho phép ly dị chỉ là một nhượng bộ
tạm thời (c. 5).
Đức Giêsu mới là Đấng đến để hoàn chỉnh Luật
Môsê
và khai mở ý muốn trọn vẹn của Thiên Chúa về
hôn nhân.
Trong xã hội, văn hóa và Do Thái giáo thời Đức
Giêsu,
người phụ nữ không được bình đẳng với nam giới.
Vì vợ là một thứ tài sản thuộc sở hữu của người
chồng,
nên thực tế chỉ vợ mới có thể phạm tội ngoại
tình đối với chồng,
và chỉ người chồng mới có quyền ly dị vợ.
Đức Giêsu không chấp nhận chuyện coi vợ như một
món hàng,
mua về, thích thì dùng, không thích thì bỏ đi.
Vợ đã trở nên xương thịt của chồng, ngang hàng
với chồng,
nên khi chồng thiếu chung thủy với vợ, ly dị vợ
mà cưới vợ khác
thì anh ta cũng phạm tội ngoại tình đối với vợ
(c. 11).
Hôn nhân không phải chỉ là chuyện của hai người
yêu nhau và lấy nhau.
Trong Lễ Cưới có sự hiện diện của Thiên Chúa là
Đấng phối hợp.
Ngài tiếp tục bảo vệ tình yêu, cả khi hai người
cùng muốn chia tay.
Hôn nhân không phải là một bản hợp đồng
mà hai bên được phép xé bỏ khi muốn.
Chung thủy mãi mãi là chuyện khó đối với con
người thời nay.
Khi thịnh vượng, lúc gian nan, khi mạnh khỏe,
lúc đau yếu,
khi buồn chán và thất vọng về nhau, khi yếu
đuối và vấp ngã,
khi đổ vỡ quá lớn tưởng như không sao hàn gắn
được,
khi đời sống vợ chồng thành như hỏa ngục trần
gian…
khi ấy người ta cần Thiên Chúa để tiếp tục yêu
thương và kính trọng nhau.
Xin bớt một chút ích kỷ tự ái, thêm một chút
khiêm hạ yêu thương,
bớt một chút tự do đam mê, thêm một chút hy
sinh tha thứ…
để gìn giữ tình nghĩa vợ chồng như quà tặng
mong manh của trời cao.
Cầu nguyện:
Lạy Cha nhân ái, từ trời cao,
xin Cha
nhìn xuống
những gia
đình sống trên mặt đất
trong
những khu ổ chuột tồi tàn
hay biệt
thự sang trọng.
Xin thương nhìn đến
những gia
đình thiếu vắng tình yêu
hay thiếu
những điều kiện vật chất tối thiểu,
những gia
đình buồn bã vì vắng tiếng cười trẻ thơ
hay vất
vả âu lo vì đàn con nheo nhóc.
Xin Cha
nâng đỡ những gia đình đã thành hỏa ngục
vì chứa
đầy dối trá, ích kỷ, dửng dưng.
Lạy Cha, xin nhìn đến những trẻ em trên thế giới,
những trẻ
em cần sự chăm sóc và tình thương
những trẻ
em bị lạm dụng, bóc lột, buôn bán,
những trẻ
em lạc lõng bơ vơ, không được đến trường,
những trẻ
em bị đánh cắp tuổi thơ và trở nên hư hỏng.
Xin Cha thương bảo vệ gìn giữ
từng gia
đình là hình ảnh của thánh Gia Thất,
từng trẻ
em là hình ảnh của Con Cha thuở ấu thơ.
Xin Cha
sai Thánh Thần Tình Yêu
đem đến
hạnh phúc cho mỗi gia đình;
nhưng xin
cũng nhắc cho chúng con nhớ
hạnh phúc
luôn ở trong tầm tay
của từng
người chúng con. Amen.
Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
Tình yêu, thực phẩm mau hư?
Có
mấy người Pha-ri-sêu đến gần Đức Giêsu và hỏi rằng: “Thưa Thầy, chồng có được
phép rẫy vợ không?” Họ nói thế là để thử Người.
“Vậy
sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly.” (Mc. 10, 2. 9)
Nền
văn minh của chúng ta đã phát triển khả quan lãnh vực thực phẩm. Từ ngữ lương
thực mau hư ngày xưa ám chỉ những thực phẩm rất dễ hư thối như rau cỏ, trái
cây, v.v….Thật là điều lạ: kỹ thuật tân tiến tìm cách bảo quản những thực phẩm
dễ hư này bằng kỹ thuật đông lạnh, nhưng xã hội tiêu thụ thì lại làm cho những
vật không hư hóa ra mau hư. Người ta nghĩ và làm ra những sản phẩm để rồi những
sản phẩm ấy lại mau chóng được thay thế bằng những sản phẩm khác. Có những áo
dài giấy, những tấn lưỡi dao bào, những bầt lửa máy bị “đổ tháo đi.” Nền văn
minh “sính-cái-mới”, thích-sắm-sửa. ưa-giục-bỏ! Cái não trạng tiềm ẩn ở bên
dưới cách sống này có nguy cơ làm ô nhiễm những quan hệ của con người, làm cho
những quan hệ ấy trở nên mau hư. Tình yêu giữa con người trở nên mau hư, hôn
nhân, một vấn đề phải giục bỏ, bởi lẽ làm lại cuộc sống với một người khác thì
dễ hơn là xây dựng lại những quan hệ đã sứt mẻ với người bạn đời của mình.
Câu
trả lời của Chúa Giêsu
Câu
hỏi của những người Pharísiêu phản ánh cái não trạng ưa tạm thời, thích mới nới
cũ này. Cứ theo mặt chữ thì đây đúng là một câu hỏi cúa người tiêu thụ: “Thưa
Thầy, người ta có được phép (dục) bỏ vợ mình không?” Nói cách khác, tình yêu
con người có mau hư không? Câu hỏi thừa, vì luật Mô-sê đã có ghi khoản này cho
cặp vợ chồng Do thái. Chỉ cần thời gian ăn xong một bữa cơm là có được tờ giấy
ly dị. Phản ứng đầu tiên của Chúa Giêsu là đưa những người chất vấn mình trở về
với luật Mô-sê. Rồi Người giải thích điều luật cho phép đó bằng lời này: “Chính
vì các ông lòng dạ chai đá …”
Chúa
Giêsu sẽ khẳng định điều luật căn bản này, dựa vào sách Sáng Thế: “Thiên Chúa
đã làm nên con người có nam có nữ”. Có nghĩa là con người là một sinh vật có
những quan hệ với nhau, rằng, để hiện hữu như là người, con người phải
đồng-hiện hữu, nghĩa là cùng sống với người khác: “Không nên để con người sống
một mình.” Con người cần một người khác để sống với. Và ước muốn này rất mạnh,
thậm chí” người đàn ông sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình.” Thiên Chúa muốn
cho tình yêu vợ chồng lớn hơn cả tình yêu đối với cha mẹ nữa. Kết qủa khác nữa
là hai vợ chồng “sẽ thành một xương một thịt.”, nghĩa là “tuy hai mà một, tuy
một mà hai”. Vì thế, không một quyền lực nào của loài người được phép phân ly
hai người đã nhờ hôn nhân mà nên một. Cũng như chỉ có sự chết mới phá vỡ được
sự duy nhất của con người thế nào, thì cũng chỉ có một sự chết mới cắt đứt được
mối giây ràng buộc hai người nam nữ đã nên một mà thôi. “Vậy, sự gì Thiên Chúa
đã phối hợp, loài người không được phân ly”.
Suy Niệm Mc 10, 1-12
Tình trạng li dị thời nay ngày càng gia
tăng là biểu hiện của một tật xấu đang phổ biến nơi con người ngày nay, đó là
không trung thành và hay thay đổi. Họ thích sống theo sở thích hơn là trách
nhiệm. Do đó trong hôn nhân, vợ chồng chung thủy với nhau đang trở thành một
điều rất khó. Tuy nhiên đây lại là con đường mà Chúa Giêsu muốn khẳng định ý
muốn nguyên thủy của Thiên Chúa là một vợ một chồng. Sợi dây hôn nhân là một
hồng ân Thiên Chúa ban cho hai người nam-nữ, để họ yêu thương, chia sẻ với nhau
trong cuộc sống và để duy trì nòi giống. Vì thế, đôi hôn nhân phải tôn trọng và
yêu thương nhau chân thành (luyến ái) và đồng tâm nhất trí (nên một huyết nhục)
với nhau. Bởi vì "sự gì Thiên Chúa đã kết hợp, loài người không thể phân
rẽ".
Trung thành trong đời sống độc thân của
những người dâng mình cho Chúa cũng là một bằng chứng cho những đôi hôn nhân.
Đời dâng hiến là một dấu chỉ về một tình yêu hoàn toàn không vị kỷ. Vấn đề đặt
ra là làm sao để tôi, dù sống trong bậc sống nào đi tu hay lập gia đình, vẫn
luôn thủy chung trong trong bậc sống của mình. Thật ra chỉ có tình yêu Thiên
Chúa mới là tình yêu chân thật và cao cả nhất: vì yêu chúng ta, Ngài đã ban Con
Một cho chúng ta, và dù con người có phản bội Thiên Chúa vẫn tha thứ (bí tích
hòa giải) và ngài vẫn yêu thương và dâng hiến (bí tích Thánh Thể).
Lạy Chúa, xin dạy con biết yêu thương và
trung thành như Chúa. Dẫu biết rằng lòng dạ con người hay thay đổi nhưng con
xin Chúa ban cho những ai đang và sẽ sống đời hôn nhân biết luôn chung thủy,
tôn trọng và giữ mãi lời thề hứa để nhờ đó các gia đình được hòa thuận, xã hội
phát triển, con người sống đúng phẩm giá của mình hơn. Amen.
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên Tháng Ba
24 THÁNG
NĂM
Thiên Chúa Rọi Ánh
Sáng Ngài Trên Tội Lỗi Chúng Ta
Chúa Thánh
Thần hoạt động như một nguồn ánh sáng soi chiếu tâm hồn, giúp tội nhân nhận ra
tội lỗi của mình. Bao lâu con người còn khép mắt lại trước tội lỗi của mình,
bấy lâu họ không thể được biến đổi. Thánh Thần soi rọi ánh sáng của Thiên Chúa
trong linh hồn người ta, xét xử lương tâm người ta và làm cho tội nhân được
giải phóng khỏi tình trạng mù tối vốn không cho họ thấy thân phận tội lỗi của
mình. Đó là lý do tại sao những người tham gia vào vụ xử án Đức Giêsu (qua việc
yêu cầu tử hình Người) đã bất thần khám phá ra rằng thái độ của họ là tội lỗi.
Thánh Thần
cũng sản sinh lòng sám hối và thúc đẩy tội nhân xưng thú tội lỗi. Thánh Thần
giúp chúng ta hiểu rằng ơn thứ tha của Thiên Chúa luôn có sẵn đó cho ta, nhờ lễ
hy sinh của Đức Kitô. Ai cũng có thể nhận được ơn tha thứ đó. Chương 2 Sách
Công Vụ Tông Đồ kể rằng sau diễn từ của Phê-rô, các thính giả đã hỏi: “Vậy thì
chúng tôi phải làm gì đây?” Bằng cách nào tội nhân có thể quay lưng lại với tội
lỗi? Không có con đường nào để vượt thoát ra được nếu ơn tha thứ bị đóng lại
trước mặt tội nhân! Nhưng thực tế thì ơn tha thứ luôn rộng mở; và con người chỉ
cần làm một việc là bước vào để lãnh nhận sự thứ tha. Thánh Thần làm dậy lên
trong lòng người ta niềm tin tưởng vào tình yêu thứ tha của Thiên Chúa. Thánh
Thần đưa dẫn người ta vào nẻo đường cứu rỗi trong Chúa Giê-su Kitô.
- suy tư 366 ngày của Đức Gioan
Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul
II
Lời Chúa Trong Gia Đình
Hc
6, 5-15 ; Mc 10, 1-12.
LỜI SUY NIỆM : « Vậy
sự gì Thiên Chúa đã phối hợp con người không được phân ly » (Mc 19,9).
Trong
vấn đề ly dị mà các người Pharisêu đặt vấn đề với Chúa Giêsu, Chúa Giêsu đã đưa
ra những định chế về gia đình mà ngay từ đầu Thiên Chúa đã thiết lập ; và Ngài
khẳng định lập trường của Ngài là : không có vấn đề ly dị với bất cứ lý do gì.
Đến bây giờ Giáo Hội của Chúa cũng đang trung thành với lập trường của Chúa
Giêsu, thật là hạnh phúc cho toàn thể nhân loại. Bởi gia đình là nền tảng vững
chắc của mọi cơ cấu của xã hội, trong đó có Giáo Hội và mọi tổ chức của trần
thế.
Mạnh
Phương
24 Tháng Năm
Lòng Tham Không Ðáy
Hôm ấy, trời vừa rạng
đông, một ông hoàng nói với tên đầy tớ: "Xem chừng anh mơ ước giàu lắm.
Vậy từ giờ này cho tới lúc mặt trời lặn, anh có sức ngần nào thì cứ chạy. Tất
cả những ruộng vườn anh chạy vòng quanh được, tôi vui lòng nhường lại cho anh
hết".
Sướng quá! Cha chết
sống lại cũng không bằng.
Tức thì chàng cắm đầu
chạy, chạy vùn vụt như Hạng Vũ trên lưng con ngựa Ô-Truy. Chín mười tiếng đồng
hồ qua, chàng ta làm chủ được mấy cánh đồng bao la mù mịt. Chàng vừa dừng chân,
thì một khu rừng mơn mởn hiện ra trước mắt cám dỗ chàng. Không kịp thở, chàng
lại cắm đầu chạy tiếp, chạy một vòng dài nữa.
Vừa dừng chân, lại một
hồ cá mênh mông, với mặt nước trong ngần, huyền ảo phản chiếu ánh mặt trời đã
xế chiều. Lại một vòng nữa... Sau cùng, màn đêm đã phủ xuống trên nẻo đường đi.
Chàng hổn hển quay bước trở về nhà, để làm bậc tỉ phú với "Ruộng vườn mặc
sức chim bay, biển hồ lai láng mặc bầy cá đua".
Nhưng vừa bước chân
qua ngưỡng cửa, chàng ngã lăn xuống đất bất tỉnh. Vợ con vội vàng thuốc thang
săn sóc... Nhưng vô hiệu. Nhà tỉ phú đã trút linh hồn sau một ngày dài lao lực
quá sức. Người ta đào cho chàng một chỗ nghỉ trong lòng địa cầu, vừa dài vừa
rộng, nhưng không quá ba tấc đất.
Ðiểm
qua những câu chuyện cổ kim về lòng tham, chúng ta rút ra được bài học gì?...
Chắc có người tự hỏi: sống trong thời củi quế gạo châu, chạy ăn từng bữa này
làm gì có nhiều của mà tham với lam. Như những anh ăn mày cũng gắn bó với manh
chiếu rách, với chiếc áo tơi đến độ có thể "ăn thua đủ" với những ai
đánh cắp.
Lòng
tham không cần bị nhiều cám dỗ mới nổi tính tham. Vì thế đức tính đầu tiên
chúng ta cần phải tập là tinh thần từ bỏ, dùng của cải như những phương tiện
chứ không phải như mục đích. Bước thứ hai là tập cho có quan niệm: chúng ta chỉ
là những người quản lý chứ không phải là chủ nhân những của cải vật chất và có
như thế chúng ta mới dễ dàng tiến thêm bước thứ ba: sẵn sàng chia sẻ với những
người cần thiết hơn. Không cần phải đợi có tiền muôn bạc vạn mới chia sẻ. Hạt
muối cắn hai mới thật sự sưởi ấm lòng người và công đức trước mặt Thiên Chúa.
(Lẽ Sống)
Thứ Sáu 24-5
Thánh Maria Mađalêna Pazzi
(1566 -- 1607)
S
|
ự ngây ngất huyền bí là nâng tâm hồn lên đến Chúa trong một phương
cách có ý thức về sự kết hợp này, đồng thời, các giác quan nội tại và ngoại vi
đều tách biệt khỏi thế giới cảm xúc. Thánh Maria Mađalêna Pazzi được Chúa ban
cho ơn đặc biệt này thật nhiều đến nỗi người ta gọi ngài là "thánh ngây
ngất."
Ngài tên thật là Catarina "de' Pazzi", sinh trong
một gia đình quyền quý ở Florence
năm 1566. Bình thường, ngài đã có thể lấy một người chồng giầu sang và an hưởng
cuộc đời nhàn hạ, nhưng ngài đã chọn một con đường đặc biệt cho chính mình.
Ngay từ khi chín tuổi, ngài đã tập suy niệm qua sự chỉ bảo của cha giải tội cho
gia đình. Lúc 10 tuổi ngài được rước lễ lần đầu và một tháng sau đó ngài thề
giữ mình đồng trinh. Khi 16 tuổi, ngài gia nhập Dòng Camêlô ở Florence chỉ vì muốn rước Mình Thánh Chúa
hằng ngày (là một điều ngoại lệ vào thời ấy).
Vào dòng, Catarina lấy tên là Maria Mađalêna và khi bị từ chối
không cho khấn trọn vì còn nhỏ tuổi, ngài lâm bệnh nặng. Tưởng ngài sắp chết,
mẹ bề trên cho ngài khấn trọn khi còn nằm trên giường bệnh trong một nghi thức
đặc biệt. Nhưng ngay sau đó, ngài rơi vào trạng thái ngây ngất (xuất thần) và
kéo dài khoảng hai giờ đồng hồ. Trong vòng 40 ngày kế tiếp, trạng thái này liên
tục xảy ra sau mỗi lần rước Mình Thánh Chúa. Những lần ngây ngất này đầy dẫy
những cảm nghiệm hợp nhất với Thiên Chúa và chứa đựng những hiểu biết lạ lùng
về chân lý của Thiên Chúa.
Ðể khỏi bị lừa gạt và để giữ lại các điều mặc khải, cha giải tội
yêu cầu ngài kể lại các điều được cảm nghiệm để các nữ tu thư ký ghi chép lại.
Chỉ trong vòng sáu năm, các trang giấy ghi chép ấy đã tổng hợp thành năm bộ sách
lớn.
Những gì chúng ta cho là phi thường thì đối với thánh nữ lại là
điều bình thường. Ngài có thể đọc được tư tưởng của người khác, và tiên đoán
các biến cố tương lai. Ngay khi còn sống, ngài đã xuất hiện với vài người ở
cách xa nhau và đã chữa nhiều người khỏi bệnh.
Qua những ơn sủng kỳ lạ của thánh nữ, chúng ta tưởng rằng ngài
luôn luôn sống trong trạng thái tinh thần cao độ. Sự thật thì khác hẳn. Dường
như Thiên Chúa cho phép ngài được gần gũi với Chúa một cách đặc biệt là để
chuẩn bị cho thời gian cô độc khi thánh nữ cảm thấy đời sống tâm linh khô khan
một cách kỳ lạ. Vào năm mười chín tuổi ngài bắt đầu thời kỳ năm năm dài thật
khô khan và lẻ loi, bị cám dỗ đủ mọi mặt. Tâm hồn ngài lúc ấy như một căn phòng
tối đen với chút ánh sáng thật yếu ớt mà chỉ làm bóng đêm thêm dầy đặc. Ngài
thật buồn sầu đến nỗi đã hai lần toan tự tử. Tất cả những gì ngài có thể làm để
chống trả các cám dỗ là kiên trì cầu nguyện, hãm mình, phục vụ tha nhân dù rằng
tất cả những điều ấy dường như vô nghĩa.
Vào năm 1604, bệnh nhức đầu và tê bại khiến ngài phải nằm liệt
giường. Tất cả các giác quan của ngài thật nhạy ứng đến độ bất cứ đụng đến đâu,
thân thể ngài đau khủng khiếp. Sau ba năm chịu đựng, ngài từ trần năm 1607 khi
41 tuổi, và được phong thánh năm 1669.
Lời Bàn
Sự kết hợp mật thiết, mà Chúa ban cho các vị thần nghiệm, là một
nhắc nhở cho tất cả chúng ta về sự kết hợp vinh phúc đời đời mà Người muốn ban
cho chúng ta. Trong cuộc đời trần thế, Chúa Thánh Thần là động lực tạo nên sự
ngây ngất huyền nhiệm qua các ơn sủng thiêng liêng. Sự ngây ngất xảy ra là vì
thân xác quá yếu đuối, không thể chịu đựng nổi sức khai minh thánh thiêng,
nhưng khi thân xác được thanh tẩy và vững mạnh, sự ngây ngất không còn xảy ra
nữa. (Muốn biết thêm về sự ngây ngất, tìm đọc cuốn Interior Castle [Thành Trì
Nội Tâm] của Thánh Têrêsa Avila, và cuốn Dark Night of the Soul [Ðêm Tối của
Linh Hồn] của Thánh Gioan Thánh Giá.)
Lời Trích
Nhiều người ngay nay không thấy giá trị của sự đau khổ. Thánh
Maria Mađalêna Pazzi khám phá ra ơn cứu độ trong sự đau khổ. Khi đi tu, ngài ao
ước chịu đau khổ vì Ðức Kitô trong suốt cuộc đời. Lời di chúc của thánh nữ để
lại cho các nữ tu trong dòng là: "Ðiều sau cùng tôi muốn xin các chị --
và tôi xin vì danh Chúa Giêsu Kitô -- đó là các chị chỉ yêu thương một mình
Người, hoàn toàn tín thác vào Người và khuyến khích lẫn nhau tiếp tục chịu đau
khổ vì yêu thương Người."
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét