Trang

Thứ Bảy, 7 tháng 9, 2013

08-09-2013 : (P2) CHÚA NHẬT XXIII MÙA THƯỜNG NIÊN năm C

CHÚA NHẬT 08/09/2013
Chúa Nhật XXIII Mùa Thường Niên năm C
(phần 2)

Giáo Lý Phúc Âm Chúa Nhật XXIII Quanh Năm C, ngày 8.9.2013
CHÚA NHẬT XXIII QUANH NĂM C
Sách Khôn Ngoan 9. 13-18; Thư Thánh Phaolô gửi Philêmôn 1.9-10, 12-17
và Phúc Âm Thánh Luca 14. 25-33

I.                   Giáo Huấn P.Â.:   
Môn đệ Chúa phải thuộc về Chúa trọn vẹn.
Thuộc về Chúa trọn vẹn bằng cách:
Từ bỏ hết những gì mình có: của cải vật chất, tình thân gia đình.
Và vác thánh giá hằng ngày theo Chúa.

Nên nhìn thấy trước và lượng định xem có khả năng đáp ứng sứ mạng làm tông đồ hay không, giống như người muốn xây nhà phải trù liệu xem cò đủ khả năng để hoàn tất công trình hay không? Một vua trước khi xuất chinh phải lượng định tình hình bên ta và bên địch.

II.        Vấn nạn P.Â.    
Philêmôn và Ônêsimô trong Thư Thánh Phaolô gửi Philêmôn.

Thư Thánh Phaolô gửi Philêmon được gọi là thư viết trong tù. Lá thư ngắn gọn chỉ gồm trong 335 chữ, được gửi trực tiếp cho Philêmon và cho hai người khác từng cộng tác với Thánh nhân trong việc truyền đạo. Một người đàn bà mang tên Apphia mà nhiều người cho là vợ của Phaolô và một người mang tên Archipus.  

Philêmon là một người giàu có, tòng giáo và được đặt làm người lãnh đạo cộng đoàn dân Chúa ở Côlossê. Ông có một tên nô lệ gọi là Ônêsimô. Anh này bỏ trốn. Phaolô đã tìm gặp anh và làm cho anh theo đạo. Nhưng thật khó xử cho Phaolô: Nếu không giao trả Ônêsimô lại cho Philêmon hoặc để anh trốn đi nơi khác, là bao che một kẻ phạm pháp và có thể gây ra hiểu lẩm với Philêmon, người chủ có nhiều nô lệ và được luật pháp bênh vực thời bấy giờ. Phaolô một mặt khuyên Ônêsimô trở về và mặt khác viết một thư để anh cầm theo mang đến cho Philêmon.

Lá thư thống thiết, chan chứa tình người và nhất là kêu gọi đức bác ái siêu nhiên nơi Philêmon. Phaolô nại đến tuổi già của mình và hoàn cảnh đang bị cầm tù vì Ðức Giêsu Kitô. Những lý do này khiến Ngài có thể đòi hỏi Philêmon bất cứ điều gì. Nhưng Ngài không muốn áp đặt mà chỉ muốn chính Philêmon phải lựa chọn. Ônêsimô trước đây khi trốn đi là tên nô lệ; nhưng bây giờ khi trở lại, anh đã trở thành con Chúa và là anh em của chúng ta. Hơn nữa, anh đã được sinh ra trong tuổi già và xiềng xích của Phaolô.

Philêmon sẽ đón nhận Ônêsimô như một Ông chủ gặp lại tên nô lệ đã bỏ trốn; hoặc ông sẽ cư xử với Ôsênimô như một môn đệ của Chúa, và đón nhận anh như một đồng đạo, như một người anh em và bạn hữu? Chúng ta không biết chắc kết quả như thế nào. Nhưng bằng một bức thư thống thiết, đầy tình nghĩa và lý tưởng cao như vậy, chắc chắn đã có hiệu quả tốt đẹp. Philêmon bỏ lòng giận dữ, khước từ quyền lợi thế gian và xã hội cho phép mình đón nhận lời Phaolô như sự khôn ngoan và Thánh Thần của Thiên Chúa, để cư xử như một môn đệ tốt của Chúa Giêsu Kitô, xứng đáng lưu tên tuổi lại trong bộ Kinh Thánh, trở thành gương mẫu cho Kitô hữu trong giai đoạn Tân Ước, giai đoạn mà tất cả là người tự do và bình đẵng trong ơn gọi làm con cái Chúa.

Huấn dụ: “Ai đến với tôi mà không dứt bỏ cha mẹ, vợ con, anh em, chị em, và cả mạng sống mình nữa, thì không thể làm môn đệ tôi được. Ai không vác thập giá mình mà đi theo tôi, thì không thể làm môn đệ tôi được”

Điếu kiện để làm môn đệ xem chừng qui vào hai chữ: BỎ - LẤY
Bỏ tất cả, bỏ người khác và bỏ chính mình.
Người khác ở đây không là người xa lạ, nhưng là ruột thịt than thiết máu mủ với chính mình.
Bỏ chính mình: mạng sống.

Lấy hy sinh khổ nhục được diễn tả qua hình ảnh cây thánh giá và lấy con đường đi đến cái chết như Chúa vậy.

Đòi hỏi xem chừng bất nhân?
Ở đây, một lần nữa chúng ta phải đối đầu với ngữ pháp “ấn tượng” mạnh tuyệt đối của Phúc Âm theo kiểu nói “Nếu mắt ngươi gây dịp tội, thì hãy móc mắt ném đi! Nếu tay ngươi gây dịp tội thì hay chặt mà quăng đi!”

Không bất nhân, không theo nghĩa đen tuyệt đối là phải bỏ cha mẹ, anh em, chị em hay vợ con…và tiêu diệt mạng sống mình để thành môn đệ Chúa. Nhưng việc làm môn đệ Chúa phải là chuyện ưu tiên hàng đầu trong cuộc sống. Nếu cần phải hy sinh, phải chọn lựa thì phải chọn làm môn đệ Chúa và bỏ tất cả, kể cả thân nhân và mạng sống mình.

Không bất nhân và vô lý nhưng thực tế cho thấy rằng: tình yêu Cha Mẹ, vợ con, gia đình có thể là một cản trở trên bước đường dấn thân trọn vẹn và hy sinh tất cả vì phần rỗi nhân loại. Đời sống phu thê, gia đình là ơn gọi Chúa ban cho nhân loại. Nhưng luật độc thân linh mục vẫn là một đòi hỏi và điều kiện để thuộc về Chúa trọn vẹn, để thành một linh mục của Chúa và cho phần rỗi nhân loại.

Nhận lấy hy sinh khổ nhục và theo đường Chúa đi, tức chấp nhận đường lên núi sọ, đường “không ai yêu bạn hữu mình cho bằng kẻ chết vì tình yêu thương bạn!”

Tại sao phải lấy thập giá. Tại sao phải hy sinh đến chết? Có cần thiết không?
Nhiều người không theo đạo.
Nhiều người ghét Chúa.
Nhiều người không hiểu và không muốn hiểu Chúa Giêsu.
Nhưng không một ai dám nói rằng: Chúa không thương yêu nhân loại. Tại sao? Tại vì Chúa dám chết cho người mình yêu. Người ta có thể chối bỏ tất cả, trừ tình yêu. Người ta không cần tất cả, trừ tình yêu. Và Chúa là tình yêu. Nên Chúa đã dùng tình yêu để chinh phục thế giới.

Ý nghĩa huấn dụ “Ai trong anh em muốn xây một cây tháp, mà trước tiên lại không ngồi xuống tính toán phí tổn, xem mình có đủ để hoàn thành không? . . . . . . Hoặc có vua nào đi giao chiến với một vua khác, mà trước tiên lại không ngồi xuống bàn tính xem …

Ai muốn theo Chúa phải khôn ngoan lượng định khả năng của mình trước những hy sinh Chúa đòi hỏi. Chúng ta được mời gọi để tin cậy và phó thác vào quyền năng vô biên của Chúa. Nhưng làm môn đệ Chúa và bổn phận chu toàn nhiệm vụ môn đệ trước nhất phải là chuyện của chúng ta.

Nói “ai muốn theo Chúa” có nghĩa là việc làm môn đệ Chúa là một tự do chọn lựa cá nhân: Nếu muốn làm môn đệ Chúa thì phải theo tiêu chuẩn BỎ - LẤY ở trên. Còn nếu không muốn thì không phải “ngồi xuống mà trù tính” gì cả chăng?

Khi Phúc Âm nói “ai muốn làm môn đệ tôi, thì . . . .”  điều đó không có nghĩa là một số được chọn làm môn đệ, còn một số thì được tự do thoải mái theo Chúa hay không theo Chúa tuỳ sự tự do chọn lựa cá nhân. Tất cả đều được kêu gọi để làm môn đệ Chúa. Vì Chúa đã căn dặn trước khi về trời “hãy đi rao giảng tin mừng khắp thế gian, rửa tội cho mọi người và dạy họ tuân giữ những điều Ta truyền dạy cho anh em. . .”  Chúa muốn mọi người làm môn đệ Chúa và toàn thể thế giới được ơn cứu độ.

Tuy nhiên, không phải là sai khi hiểu nghĩa làm môn đệ theo cả nghĩa rộng và nghĩa hẹp. Nghĩa rộng là mọi người đều được kêu gọi làm môn đệ Chúa. Mọi người đều nhận được ơn cứu độ. Mọi người phải theo nguyên tắc: làm môn đệ Chúa hay việc cứu rỗi mình là điều quyết liệt ưu tiên hàng đầu. Phải bỏ tất cả để được ơn cứu độ. Điều nầy được nhìn thấy nơi gương các anh hùng tử đạo.

Làm môn đệ Chúa hiểu theo nghĩa hẹp được giới hạn trong hàng giáo sĩ và tu sĩ, những người dâng hiến đời mình cho sứ mạng cứu rỗi nhân loại. Đòi hỏi BỎ - LẤY xem chừng phải được đáp ứng tuyệt đối và trọn vẹn hơn giáo dân.

Nên người đi tu làm linh mục và tu sĩ là người phải lìa khỏi gia đình cá nhân và nhỏ hẹp của mình để nhận lấy một gia đình rộng lớn hơn. Thành phần gia đình rộng lớn nầy gắn bó với nhau không vì máu mủ ruột thịt nhưng vì tình yêu thương cứu rỗi nhân loại. Những ai đi tu làm tu sĩ linh mục phải vác lấy Thánh Giá đời mình nhọc nhằn hơn và phải bước đi cho trọn đường thánh giá. Tu phục của tu sĩ, linh mục nói lên sự từ bỏ những gì mình ưa thích hay trần tục. Thí dụ: Phải khước từ quần áo sang trọng đắt tiền và nếp sống xa hoa, đồng thời phải chấp nhận một nếp sống đơn sơ và đạm bạc mà chúng ta quen gọi là khó nghèo.


III.   Thực hành P.Â.:
1.     Con én không làm nên mùa xuân
Nhưng ít ra con én cũng báo hiệu mùa xuân đang tới.
Chiếc áo không làm nên thầy tu
Tuy nhiên tu phục cho biết người đi tu.

Để cổ võ cho ơn thiên triệu làm linh mục, một địa phận nọ đã cho vẽ lên thành những chiếc xe của địa phận hình linh mục với chiếc áo dòng đen và hàng chữ “Chúng tôi yêu người mặc chiếc áo dòng đen!” Ai cũng biết đó là cách cổ võ ơn thiên triệu linh mục. Ngươi ta muốn hình ảnh linh mục được nhiều người nhìn thấy và gây tác động cho những thanh niên muốn đi tu làm linh mục.

Cũng có những chủ trương tục hoá giáo sĩ bằng cách cổ võ “đừng mặc áo dòng đen!” Vì con én đâu làm nên mùa xuân. Chiếc áo không thể làm nên thầy tu!” Mùa Xuân đến là do thời tiếc xoay vần chứ đâu do chim én. Linh mục tu sĩ là do đời sống tu hành, kinh nguyện và khắc chế của mình chứ đâu do chiếc áo màu đen.

Lý luận xem chừng “êm tai và hợp lý!” Tuy nhiên, chim ém vẫn là một báo hiệu mùa xuân đang đến. Người mặc tu phục linh mục, tu sĩ vẫn làm dấu chỉ mạnh về sự hiện diện của người tu hành trong thế giới nhhiều trần tục nầy. Tu phục cũng giữ cho người đi tu trong phong cách tu trì. Không lẽ linh mục mặc chiếc áo dòng mà có thể vào bar uống bia hay vào Casino đánh bài?

Giáo dân rất thích những linh mục đơn sơ, gần gũi, bình dân và hoà đồng với dân chúng. Nhưng họ không thích và không bao giờ kính trọng những linh mục nào tay cầm chai bia, tay cầm điếu thuốc và ăn mặc quần Jean áo gió như thanh niên ngoài đời hay miệng bô bô những cách xưng hô “mầy tao mi tớ!”

2.     Khuyến khích nhau làm môn đệ Chúa.

Cả hai Cha - Con đều làm Linh Mục.

BALTIMORE – Hoa Kỳ
Ông cố của một linh mục tại tổng giáo phận Baltimore,  Hoa Kỳ đã tiến lên bàn thánh để
được thụ phong Linh Mục vào ngày 12.6.2010.

Khi vợ còn sống, Ông Gregory Rapisarda đã làm phó tế vĩnh viễn phục vụ cho tổng giáo phận Baltimor. Hai vợ chồng Gregory Rapisarda đã chung sống với nhau gần bốn mươi năm qua và bà Rapisarda bị ung thư và qua đời năm 2006. Bà Rapisarda đã có lời trăn trối cho chồng và bốn đứa con, rất ngắn gọn nhưng thật ý nghĩa : “Tình yêu của em dành cho anh và các con sẽ không bao giờ mai một hay bị hủy diệt, chỉ có thân xác em. Hãy nâng đỡ nhau và sống như Thiên chúa muốn!”

Thầy phó tế Rapisarda đã ghi tâm những lới trăn trối của vợ mình và cầu xin Thiên Chúa soi sáng cho mình biết làm gì theo ý Thiên chúa trong quảng đời còn lại. Nhiều người đề nghị Thầy phó tế Rapisarda học làm linh mục như con trai của mình là cha John Rapisarda. Đức Cha Edwin F. O’Brien, tổng Giám Mục Baltimore gặp thầy và khuyến klhích “Thầy có sẵn sàng để làm linh mục chưa?” Thầy phó tế trả lời “Con vẫn còn sờ sợ!” Tuy nhiên mỗi ngày, thầy nghe rõ hơn tiếng gọi của Thiên Chúa. Thầy bán căn nhà và xin gia nhập chủng viện tháng tám năm 2009.

Ngày Thứ Bảy 12.6.2010, chỉ một ngày sau khi toàn thể thế giới bế mạc năm linh mục, Đức Tổng Giám Mục O’Brien đã đặt tay truyền chức linh mục cho Thầy Gregory Rapisarda. Đây là ngày lịch sử đáng nhớ trong lịch sử tổng giáo phận Baltimore: Cha của một linh mục thành linh mục. Trong lịch sử của tổng giáo phận nầy, vào đầu thế kỷ 19, hai cha con Vigil và Samuel Barber đã thành linh mục của dòng Tên và đã từng phục vụ cho Baltimore.

Thánh lễ đầu tay của Cha Gregory đã được cử hành ngày 13.6.2010 nhằm ngày sinh nhật thứ 33 của Cha con là linh mục John Rapisarda. Cha John đã vui mừng tuyên bố “Cảm tạ ơn Chúa đã gọi Ba tôi làm linh mục. Cảm tạ Chúa đã thương ban ơn đặc biệt cho gia đình tôi!”

Xin đang cử câu chuyện Hai Cha Con cùng làm linh mục để nói rằng:
Chúng ta nên khuyến khích nhau để làm môn đệ Chúa. Có thể khuyến khích nhau bằng lời cầu nguyện. Khuyến khích nhau bằng một lời khuyến khích như vợ của Cha Rapissarda. Khuyến khích nhau bằng một cử chỉ thân thiện, gẫn gũi, bạn bè. Tất cả đều đã được Chúa kêu gọi để làm môn đệ Chúa và nhận lãnh hạnh phúc thiên đàng.

Lm. Phêrô Trần thế Tuyên 


Đòi hỏi của tình yêu. 
Giới Tử Thôi người nước Tần, đời Xuân Thu Chiến Quốc, là bầy tôi trung thành của công tử Trùng Nhĩ.
Khi công tử Trùng Nhĩ phải lưu vong nơi đất khách quê người, lương thực đã cạn kiệt, công tử lại không thể ăn những loại rau hoang cỏ dại trong rừng. Giới Tử Thôi đã lén cắt thịt đùi của mình nấu canh cho Trùng Nhĩ ăn.
Về sau Trùng Nhĩ khôi phục lại nghiệp cả, làm vua nước Tần, Giới Tử Thôi xin về làng ở ẩn, chứ không hề kể công lênh ngày xưa.
Trùng Nhĩ sau này có làm vua thì cũng là người trần mắt thịt, mà Giới Tử Thôi còn dám bỏ cha mẹ, vợ con, anh em, chịu khổ cực để theo hầu, hơn nữa còn hy sinh chính thân mình để tỏ lòng trung thành với chủ nhân. Đức Giêsu là Thiên Chúa, Đấng đã yêu thương chúng ta trước khi cúng ta có mặt trên cõi đời này, lẽ nào chúng ta lại không dám bỏ người thân, của cải, và ngay cả chính mình để bước theo Người?
Lời Chúa trong Tin Mừng hôm nay thật rõ ràng: “Ai đến với tôi mà không dứt bỏ cha mẹ, vợ con, anh em, chị em, và cả mạng sống mình nữa, thì không thể làm môn đệ tôi được” (Lc 14, 26). Tuy nhiên, chúng ta phải hiểu động từ “dứt bỏ không có nghĩa là cắt đứt, là từ bỏ, mà là “ít hơn”. Vì tiếng Hy Bá không có thể văn so sánh hơn kém, nên khi cần diễn tả hơn kém người ta dùng lối văn đối ngẫu “yêu và bỏ. Thánh Matthêu hiểu như vậy nên đã viết: “Ai yêu cha mẹ hơn Thầy, thì không xứng đáng với Thầy” (Mt 10,37).
Vậy ý của Đức Giêsu là nếu ai muốn làm môn đệ Người thì phải đặt tình yêu Chúa lên trên hết mọi thứ tình yêu, hay nói cách khác tình yêu Chúa phải thấm nhuần và hướng dẫn mọi tình yêu: Tình yêu gia đình, bạn bè và ngay cả chính mình.
Như thế, người tín hữu khi đã chọn theo Chúa, làm môn đệ của Người, họ vẫn phải yêu mến người thân, gia đình, bạn bè; họ vẫn phải yêu mến chính bản thân mình; họ cũng phải quí mến của cải như là những ơn lành Chúa ban. Nhưng khi cần thiết thì tất cả những tình cảm đó phải hy sinh cho tình yêu Thiên Chúa. Đó chính là bậc thang giá trị mà người môn đệ nào khi theo Chúa cũng phải đặt lại cho mình.
Nhưng có một cám dỗ rất nguy hiểm này, là Thiên Chúa thì linh thiêng xa vời, mà con người và của cải thì sờ sờ trước mắt, lại hấp dẫn cuốn hút lạ thường, nên người ta dễ đặt lại giá trị ưu tiên lúc nào, mà chính mình cũng chẳng hay biết. Vì thế, Chúa mới cảnh giác qua hai dụ ngôn “Xây tháp” và “Cuộc giao chiến”. Tháp đã khởi công xây dựng, cuộc chiến đã bắt đầu, thì không thể ngồi xuống mà bàn tính. Phải dồn vốn để xây tháp, phải dồn sức mà tấn công. Nhiều người đã khởi công nhưng chẳng thành công, nhiều kẻ đã chiến đấu nhưng không chiến thắng.
Chúa muốn những kẻ theo Người phải trung thành trong tình yêu, và dám sống chết với ơn gọi của mình. Người không chấp nhận “cầm tay mà còn quay lại sau lưng”. Thật vậy, những kẻ “đứng núi này trông núi nọ thường là những người bỏ cuộc, và những kẻ “bắt cá hai tay” là những người thua thiệt nhiều nhất. Đứng như Pierre Charles đã nói về họ: “Có nhiều kẻ không leo đến đỉnh núi mà lại ngồi an hưởng ở lưng chừng với những tiện nghi tầm thường nhỏ nhoi”.
Lạy Chúa, chúng con đã chọn Chúa là cùng đích cuộc đời, nhưng biết bao lần chúng con chỉ thấy chọn Chúa là thua thiệt, là hy sinh, là mất mát.
Xin đừng bao giờ để chúng con nản chí, bỏ cuộc, rút lui vì những đòi hỏi gắt gao của tình yêu, nhưng xin cho những thử thách ấy trở nên những cơ hội, giúp chúng con lớn lên trong tình yêu Chúa nhiều hơn. Amen.
Thiên Phúc
(Trích dẫn từ ‘Như Thầy Đã Yêu’)
08/09/13 CHÚA NHẬT TUẦN 23 TN - C
Lc 14,25-33

ĐƯỢC PHÉP LÀM GÌ
Đức Giê-su nói :”Tôi xin hỏi các ông: ngày Sa-bát, được phép làm điều lành hay điều dữ, cứu mạng người hay hủy diệt?” (Lc 6,9)
Suy niệm: Lời Chúa Giêsu căn dặn các môn đệ được Phúc Âm Luca đặt trong một khung cảnh thật ý nghĩa: “Có rất đông người cùng đi đường với Đức Giêsu”. Hiển nhiên, không phải cứ cùng đi đường với Đức Giêsu mà đã là môn đệ của Ngài, mà còn phải “từ bỏ hết những gì mình có”  “vác thập giá mình theo Chúa”. Nếu chỉ làm phúc bố thí, hoạt động công tác xã hội, nếu chỉ đi lễ, đọc kinh… mà chưa xoá bỏ dấu ấn của cái tôi (từ bỏ ý riêng mình) và đóng lên những công việc đó dấu ấn của Đức Kitô (vác thập giá mình mỗi ngày), thì những việc đó chưa phải là việc của người môn đệ Chúa.
Mời Bạn hãy luôn tự nhủ mình rằng: những việc tôi đã làm có lớn lao mấy đi nữa, nếu như không được đóng dấu ấn “bỏ-mình” + “vác-thập-giá-theo-Đức-Kitô”, thì dù tôi đã đứng trước ngưỡng cửa thiên đàng đi nữa, Thiên Chúa cũng lắc đầu với tôi: “Hãy lui khỏi mặt Ta. Ta không biết ngươi là ai”.
Sống Lời Chúa: Mỗi tối kiểm điểm ngay cả những công việc tốt nhất bạn đã làm để phân định ra những động cơ ích kỷ nào đã xen lẫn vào những việc đó khiến bạn đánh mất đi phẩm chất người môn đệ Chúa.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin giúp con thanh tẩy chính mình khỏi những động cơ xấu xa ích kỷ, để mỗi việc con làm đều giúp con từ bỏ chính mình triệt để hơn và vác thập giá theo Chúa cách trung thành hơn.

Lectio: Chúa Nhật XXIII Thường Niên (C)

Chúa Nhật, 8 Tháng 9, 2013
Các điều kiện để làm môn đệ Đức Giêsu  
Lc 14:25-33 


Lời nguyện mở đầu

Lạy Thiên Chúa Toàn Năng ngự trên cao,
Chúa đã biến đời sống mỏng manh của chúng con thành đá tảng đền thờ Chúa ngự.
Xin hãy hướng dẫn tâm trí chúng con biết đập vỡ những phiến đá trong sa mạc,
để cho nước có thể chảy ra hầu làm dịu cơn khát của chúng con. 
Nguyện xin cho sự nghèo nàn về cảm xúc của chúng con che phủ chúng con như tấm áo choàng trong bóng tối của đêm đen.
Và xin Chúa hãy mở lòng trí chúng con để chúng con có thể nghe được tiếng vang vọng của sự im lặng cho đến lúc bình minh,
Xin Chúa hãy ấp ủ chúng con trong ánh sáng của buổi rạng đông,
Xin hãy mang đến cho chúng con,
Với than hồng từ lửa của những người chăn chiên của Đấng Tuyệt Đối
Là những người canh thức cho chúng con được gần với Thầy Chí Thánh, hương vị của kỷ niệm thánh.

1.  Bài Đọc

a)  Phúc Âm: 
25 Khi ấy, có nhiều đám đông cùng đi với Chúa Giêsu. Người ngoảnh lại bảo họ rằng: 26 "Nếu ai đến với Ta mà không bỏ cha mẹ, vợ con, anh chị em, và cả mạng sống mình, thì không thể làm môn đệ Ta27 Còn ai không vác thập giá mình mà đi theo Ta, thì không thể làm môn đệ Ta. 28 "Và có ai trong các ngươi muốn xây tháp, mà trước tiên lại không ngồi tính toán phí tổn cần thiết, xem mình có đủ để hoàn tất không? 29 Kẻo lỡ ra, đặt móng rồi mà không có khả năng hoàn tất, thì mọi người xem thế sẽ chế diễu người đó rằng: 30 "Tên này khởi sự xây cất, mà không hoàn thành nổi. 31 Hoặc có vua nào sắp đi giao chiến với một vua khác, mà trước tiên lại không ngồi suy nghĩ xem mình có thể đem một vạn quân ra, đương đầu với đối phương dẫn hai vạn quân tiến đánh mình chăng?  32 Nếu không đủ sức, thì khi đối phương còn ở xa, ắt nhà vua đã phải sai sứ đi cầu hoà.  33Cũng vậy, bất kỳ ai trong các ngươi không từ bỏ hết những gì mình có, thì không thể làm môn đệ Ta được.” 
b)  Giây phút thinh lặng cầu nguyện:

Chúng ta hãy để cho Lời Chúa vang vọng ở trong lòng chúng ta.

2.  Suy Gẫm
                            
a)  Một vài câu hỏi gợi ý: 

-  Nếu ai đến với Ta mà không dứt bỏ … thì người ấy không thể làm môn đệ Ta:  Có thật chúng ta phải đến độ tách rời chính mình với các mối liên hệ trong lòng chúng ta:  những tình cảm được nhận lãnh và cho đi, cả mạng sống mình, để đi theo Chúa Giêsu không?
-  Còn ai không vác thập giá mình mà theo Ta thì không thể làm môn đệ Ta được:  Tôi đã có được trong người lý lẽ của thập giá, đó là, lý lẽ của tình yêu cho đi một cách tự ý chưa?
-  Các phương tiện để hoàn tất điều này:  Tôi có khả năng để nghĩ rằng đời sống đức tin của tôi đã trưởng thành chưa hay là đó chỉ là một lúc bốc đồng nội tâm rồi sẽ tàn lụi theo với thời gian và trôi qua với các sự kiện trong cuộc sống hằng ngày của tôi mà thôi?
-  Để tránh có những kẻ đứng ngoài chế diễu về một việc mới bắt đầu:  những ai đi theo Chúa thì được hưởng gì khi không có những nguồn nhân lực để tiếp tục, đó là, sự chế nhạo vì kém khả năng, có sẽ áp dụng cho tôi không?
-  Không ai có thể làm môn đệ Ta trừ khi người ấy từ bỏ tất cả của cải mình đang có:  Tôi có tin rằng chìa khóa để làm môn đệ Chúa là sự nghèo khó vô tài sản và chân phúc của khó nghèo không?

b)  Chìa khóa dẫn đến bài đọc: 

Chúng ta là những người đi theo Chúa Giêsu, với tất cả những hành lý trong quá khứ của chúng ta.  Là một trong số nhiều người, tên chúng ta có thể không được biết đến.  Nhưng khi Chúa ngoảnh lại và Lời của Người đụng chạm vào nỗi đau của những mối quan hệ đã cột chặt các mảnh rời của đời sống chúng ta, các câu hỏi được gói ghém trong một thung lũng của các âm vang cổ xưa nhất và chỉ một câu trả lời khiêm tốn đến từ những hoang tàn đổ nát của các công trình dở dangLạy Chúa, chúng con sẽ phải theo ai bây giờ?  Chỉ có Chúa mới có Lời ban sự sống đời đời.

Câu 25-26:  Khi ấy, có nhiều đám đông cùng đi với Chúa Giêsu. Người ngoảnh lại bảo họ rằng:  "Nếu ai đến với Ta mà không bỏ cha mẹ, vợ con, anh chị em, và cả mạng sống mình, thì không thể làm môn đệ Ta”.  Chúa không quan tâm đến việc đếm xem có bao nhiêu người đến với Chúa.  Lời của Người rất mạnh mẽ và tỏ tường.  Có ai mà không biết được ý nghĩa của ghét bỏ không?  Nếu tôi ghét một người nào, thì tôi sẽ tránh xa người đó.  Sự chọn lựa giữa Chúa và lòng thương mến cha mẹ là điều đòi hỏi đầu tiên để làm môn đệ Chúa.  Để học hỏi từ Chúa Kitô, thật là cần thiết để đi tìm một lần nữa cốt lõi của mỗi tình yêu và sự quan tâm.  Tình yêu của một người đi theo Chúa không phải là một tình yêu chiếm hữu là một tình yêu của sự tự do.  Đi theo một aiđó mà không cần có bất kỳ bảo đảm như quan hệ huyết thống có thể có, đó là, mối quan hệ gia đình và huyết thống gia tộc của người ấy,  đó là, cuộc sống của một người, là môn đệ Chúa, một nơi mà cuộc sống của Ơn Khôn Ngoan được phát sinh.  

Câu 27:  Còn ai không vác thập giá mình mà đi theo Ta, thì không thể làm môn đệ Ta.  Mối ràng buộc duy nhất giúp chúng ta đi theo Chúa Giêsu là cây thập giá.  Dấu hiệu này của tình yêu mà không thể bị tước đoạtcó khả năng trở nên lời nói ngay cả khi mọi vật trên thế giới đều im lặng bằng cách lên án và cái chết, là bài học của người Rabbi sinh ra tại một làng nhỏ nhất trong xứ Giuđêa. 
                                                                                           
Câu 28:  Và có ai trong các ngươi muốn xây tháp, mà trước tiên lại không ngồi tính toán phí tổn cần thiết, xem mình có đủ để hoàn tất không?  Để xây một cái tháp, nó đòi hỏi một khoản tiền lớn lao cho những ai có nguồn tài lực hạn chế.  Một ý định tốt để xây thì chưa đủ, người ta cần phải ngồi xuống, tính toán các chi phí, tìm phương cách để đưa dự án đến hoàn tất.  Đời sống con người không đầy đủ và mãn nguyện bởi vì dự án càng lớn thì nợ càng chồng chất!  Một dự án được thực hiện để đánh giá:  không biết cách tính toán những gì trong khả năng để hoàn tất công việc không phải là sự khôn ngoan của những ai sau khi đã cày xong thửa đất để chờ cơn mưa, nhưng lại thiếu hiểu biết về cách thu hoa lợi từ những hạt giống được ném vào giữa sỏi đá và các bụi gai, lại không ra công tìm cách xới tơi miếng đất.

Câu 29-30:  Kẻo lỡ ra, đặt móng rồi mà không có khả năng hoàn tất, thì mọi người xem thế sẽ chế diễu người đó rằng:  "Tên này khởi sự xây cất, mà không hoàn thành nổi”.  Sự chế diễu của các người khác ví như cát được sàng lọc trên những cảm giác niềm hy vọng của người muốn tự mình với cao, là phần thưởng cho ai có tính kiêu căng khoác lên mình bộ áo nhân đức.  Có bao nhiêu sự bẽ mặt mà chúng ta không mang trên người, nhưng số hoa trái chúng ta thu nhặt được thì quá it ỏi so với biết bao kinh nghiệm đớn đau!  Đặt móng rồi mà sau đó không hoàn tất được công trình thì thật là vô ích.  Những ước vọng tiêu tan đôi khi là những trợ giáo tốt cho lòng tự tin ngờ nghệch của chúng ta … nhưng chúng ta đã không hiểu điều đó khi mà chúng ta còn cố gắng che đậy sự thất bại của chúng ta và ảo tưởng của chúng ta khi thức giấc từ thế giới thần thoại của những giấc mơ thời ấu thơ.  Vâng, Chúa Giêsu bảo chúng ta hãy trở nên như con trẻ, nhưng một đứa trẻ sẽ không bao giờ giả vờ xây một cái tháp “thật”!  Đứa trẻ sẽ hạnh phúc với một cái tháp nhỏ trên bãi biển, bởi vì đứa trẻ ấy biết rõ năng lực của mình.

Câu 31-32:  Hoặc có vua nào sắp đi giao chiến với một vua khác, mà trước tiên lại không ngồi suy nghĩ xem mình có thể đem một vạn quân ra, đương đầu với đối phương dẫn hai vạn quân tiến đánh mình chăng?  Nếu không đủ sức, thì khi đối phương còn ở xa, ắt nhà vua đã phải sai sứ đi cầu hoà.  Không ai có thể thắng một cuộc chiến mà không cần gửi đoàn sứ giả hòa bình đi trước.  Điều kiện để tranh đấu cho quyền lợi tối cao của nhà vua trên mọi người khác là không được phép chiến bại, bởi vì con người không được kêu gọi để làm vua trị vì, nhưng để làm chúa tể hòa bình.  Tiếp cận với đối phương khi họ còn ở xa là dấu hiệu tốt đẹp nhất của sự chiến thắng nơi mà không có người thắng cũng không có kẻ bại, nhưng tất cả đều trở thành tôi tá của Đấng có quyền lực thực sự trên thế giới: hòa bình và sự sung mãn của các tặng phẩm từ Thiên Chúa.

Câu 33:  Cũng vậy, bất kỳ ai trong các ngươi không từ bỏ hết những gì mình có, thì không thể làm môn đệ Ta được.  Nếu chúng ta xem xét cẩn thận các mối tội đầu, chúng ta sẽ khám phá ra chúng trong cách thức sở hữu mà Đức Giêsu đã nói đến.  Một người mà cuộc sống mình dựa vào các tài sản của cải thì là một kẻ vô hạnh là người giả vờ có quyền lực trên tất cả mọi thứ (tự phụ), tận hưởng một cuộc sống của hưởng thụ (dục vọng), vượt quá những giới hạn của quyền cá nhân (giận dữ), đói khát các của cải vật chất (mê ăn uống), ăn cắp của người khác (ganh tị), bo bo những thứ cho riêng mình (tham lam), chiều chuộng bản thân quá độ mà không cam kết bất cứ điều gì (lười biếng).  Người môn đệ, trái lại, đang đi trên lối của nhân đức sống của những ân sủng từ Chúa Thánh Thần:  Người ấy là người có sự hiểu biết về việc của Thiên Chúa (ơn khôn ngoan) và chia sẻ nó mà không giữ lại cho riêng mình, và đào sâu vào ý nghĩa thiết yếu của Đời Sống là gì (ơn hiểu biết), người đã lắng nghe tiếng nói của Chúa Thánh Linh (ơn biết lo liệu), và phản ảnh trên mỗi sự nhận thức rõ ràng (ơn biết lo liệu), người cho phép chính mình được bảo vệ bởi những giới hạn của bản thân (ơn dũng cảm) và không đầu hàng trước cám dỗ của tội lỗi, người hiểu biết những bí mật của lịch sử (ơn hiểu biết) để xây dựng những chân trời của sự tốt lành, người không tự cho mình có quyền tạo ra lý lẽ, nhưng lại là người hoan nghênh việc can thiệp của Thiên Chúa (ơn đạo đức), người xuất hiện từ vực thẳm của im lặng và biết ơn về những sự kỳ diệu của Đấng Hóa Công (ơn kính sợ Thiên Chúa) mà không e ngại về sự nhỏ bé của mình.  Vì thế, người môn đệ là một người giống như Chúa Giêsu.  

c)  Suy gẫm Lời Chúa: 
                                                                                                                               

Trái tim của chúng ta là những tấm lưới làm bằng sự ràng buộc.  Chúng ta có những mối quan hệ chăm sóc ân cần và lòng biết ơn, những mối quan hệ của tình yêu và sự lệ thuộc, những mối quan hệ bất tận với tất cả mọi thứ đã động chạm đến cảm xúc của chúng ta.  Chúa Giêsu nói về những mối liên hệ huyết tộc: cha, mẹ, vợ, con cái, anh chị em, và những mối quan hệ với cuộc sống mà theo tinh thần ngôn ngữ Do Thái Semitic được tượng trưng bằng máu.  Nhưng trái tim phải được thoát khỏi những ràng buộc này để đến với Chúa và tạo nên một mối liên hệ mới mang lại cho cuộc sống bởi vì nó cho người ấy sự tự do được đích thực là mình.  Mọi người môn đệ chỉ có một nhiệm vụ:  học hỏi và không phụ thuộc vào ai.  Các liên hệ huyết thống tạo nên sự phụ thuộc:  áp lực tình cảm thường xuyên ngăn trở người ta việc xây dựng tháp của sự tồn tại của họ như thế nào?  Thường xuyên các lời này đã được nghe:  Nếu con thương mẹ, thì hãy làm điều này!  Hoặc: Nếu anh yêu em, thì đừng làm việc này …?  Đời sống tự nó có thể giam hãm bạn khi nó ràng buộc bạn vào những chuyện không thích hợp vật chất hoặc tinh thần; vì thế làm ảnh hưởng đến câu chuyện phức tạp của bạn, hoặc khi nó ràng buộc bạn đến nỗi bạn phải quyết định một cách kém suy xét với một ý chí đã bị suy yếu bởi hàng ngàn các sự kiện và áp lực.  Cây thập giá không hề ràng buộc, nó thúc giục bạn tuôn đổ tất cả những gì bạn có thể tuôn đổ ra: máu và nước, ngay cả đến giọt cuối cùng: tất cả đời sống bạn như một món quà mà không mong đợi bất kỳ phần thưởng nào.  Thuộc về hơn là sở hữu là bí quyết của tình yêu cho không của Thầy và của các môn đệ.  Bất cứ ai đi theo Chúa Giêsu không chỉ là một môn đệ để tìm hiểu về một học thuyết, mà còn trở nên một môn đệ yêu dấu, có khả năng thuật lại những kỳ công của Thiên Chúa khi ngọn lửa Chúa Thánh Thần sẽ khiến người ấy thành ngọn lửa trên cây nến cho thế gian.
                                             
3.  Cầu Nguyện

Thánh Vịnh 22 (23)

CHÚA là mục tử chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì.
Trong đồng cỏ xanh tươi, Người cho tôi nằm nghỉ.

Người đưa tôi tới dòng nước trong lành
và bổ sức cho tôi.
Người dẫn tôi trên đường ngay nẻo chính
vì danh dự của Người.

Lạy Chúa, dầu qua lũng âm u
con sợ gì nguy khốn, vì có Chúa ở cùng.
Côn trượng Ngài bảo vệ, con vững dạ an tâm.
Chúa dọn sẵn cho con bữa tiệc ngay trước mặt quân thù.
Đầu con, Chúa xức đượm dầu thơm,
ly rượu con đầy tràn chan chứa.

Lòng nhân hậu và tình thương CHÚA
ấp ủ tôi suốt cả cuộc đời,
và tôi được ở đền Người
những ngày tháng, những năm dài triền miên.

4. Chiêm Niệm

Lạy Chúa, khi Chúa quay lại nhìn con, lời của Chúa thấu qua tâm trí con và thách thức con với tất cả mọi sự thuộc về đời sống con.  Nó như là một cái kéo không ngại ngần nhưng nhẹ nhàng cắt đứt mọi quan hệ đã nuôi dưỡng con và giúp con tiến bước.  Và điều này là hành động thật đích xác và cần thiết để phục hồi lại hơi thở hoàn toàn và sự tự do của con.  Kinh Thánh có nói trong những trang đầu tiên về nhân loại:  Người nam sẽ lìa cha mẹ mình và sẽ hướng tới một sự viên mãn mới, tất cả con người anh ta hướng tới sự hợp nhất với một người, có khả năng kết sinh hoa trái và sự sống mới.  Nhưng chúng ta đã chưa nắm giữ được ý chính của dự án tuyệt vời này, một lời tạo nên sự bất tiện bởi vì nó giống như những làn sóng của biển khơi nơi mà bạn không thể để tự thả lỏng mình mà không có sự bảo đảm, Lời: sự chuyển động.  Sự sống không ngừng lại. Một tình yêu và một sự sống nhận được từ người cha và người mẹ.  Vâng, một tình yêu trọn vẹn, nhưng tình yêu ấy không giới hạn chân trời.  Người nam sẽ lìa bỏ … và sẽ đi …  Một người nam và một người nữ, hai nên một, con cái sẽ là khuôn mặt của tình yêu của họ, nhưng rồi mai kia đến lượt chúng cũng sẽ lìa bỏ … nếu bạn dừng lại để níu lấy cuộc sống, cuộc sống sẽ chết trong nắm tay của bạn.  Và cùng với cuộc sống, giấc mơ chưa trọn vẹn của bạn cũng sẽ chết, giấc mơ của một tình yêu vẹn toàn thì không bao giờ cạn kiệt.  Lay Chúa, xin ban cho chúng con hiểu rằng yêu mến là đi theo, lắng nghe, đi, dừng lại, là đánh mất bản thân mình để tìm thấy chính mình trong chuyển động của sự tự do đáp ứng mọi ước muốn cho việc sở hữu đời đời.  Xin Chúa đừng để con, vì ích lợi của việc sở hữu một phần của đời sống, mà đánh mất đi niềm vui thuộc về đời sống, cho rằng đời sống thiêng liêng đến rồi đi trong con cho những người khác và từ những người khác cho con để làm cho ngày tháng qua đi bằng những làn sóng của sự Tự Do và các ân sủng từ Thiên Chúa trong những hạn chế của mỗi đời sống.  Xin ban cho con luôn có thể là người môn đệ yêu mến của sự sống chết dần của Chúa, có khả năng đón nhận di sản của tình cha con và giám hộ, trong Chúa Thánh Thần, của mọi tình mẫu tử đích thực.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét