THỨ HAI 09/09/2013
Thứ Hai sau Chúa Nhật
23 Quanh Năm
Bài Ðọc I: (Năm I) Cl 1, 24 - 2, 3
"Tôi đã được trở thành người
phục vụ Hội thánh để rao giảng mầu nhiệm ẩn giấu từ muôn thuở".
Trích thư Thánh
Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côlôxê.
Anh em thân mến, hiện
nay tôi vui sướng trong những đau khổ tôi phải chịu vì anh em. Tôi bổ khuyết
nơi thân xác tôi những gì còn thiếu sót trong cuộc thương khó của Ðức Kitô, để
Hội thánh là thân xác của Người được nhờ. Tôi đã được trở thành người phục vụ Hội
thánh, theo sự an bài của Thiên Chúa đã trao phó cho tôi rao giảng đầy đủ lời
Chúa, đó là mầu nhiệm ẩn giấu từ muôn thuở qua muôn thế hệ, nhưng nay đã được tỏ
bày cho các thánh của Người. Thiên Chúa muốn tỏ bày cho họ biết thế nào là sự
phong phú vinh quang của mầu nhiệm nơi dân ngoại, tức là Ðức Kitô trong anh em,
Người là niềm hy vọng vinh quang. Tôi loan báo Người, cảnh tỉnh mọi người, đem
tất cả khôn ngoan mà dạy dỗ mọi người, để làm cho mọi người nên hoàn hảo trong
Ðức Giêsu Kitô. Chính vì lẽ đó, tôi khó nhọc chiến đấu nhờ vào năng lực mà Người
hành động mạnh mẽ trong tôi. Vì chưng, tôi muốn anh em nhận thấy tôi lo lắng biết
bao cho anh em và cho những người ở Laođicêa, và cho những ai chưa hề thấy mặt
tôi tận mắt, để lòng họ được an ủi, và khi được giáo huấn trong đức mến, họ được
dư đầy sự thông hiểu là được nhận biết mầu nhiệm Thiên Chúa Cha và Ðức Kitô
Giêsu, nơi Người tiềm ẩn mọi kho tàng khôn ngoan và thông hiểu.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 61, 6-7. 9
Ðáp: Vinh dự và an toàn của tôi ở
nơi Thiên Chúa (c. 8a).
Xướng: 1) Duy nơi Thiên Chúa, hỡi linh
hồn tôi, hãy an vui, vì do chính Người, tôi được ơn cứu độ. Phải, chính Chúa là
Ðá Tảng, là ơn cứu độ của tôi, Người là chiến luỹ của tôi, tôi sẽ không hề nao
núng. - Ðáp.
2) Hỡi dân tộc, hãy
trông cậy Người luôn mọi lúc; hãy đổ giốc niềm tâm sự trước nhan Người, vì
Thiên Chúa là nơi ta nương náu.- Ðáp.
Alleluia: Pl 2, 15-16
Alleluia, alleluia!
- Anh em hãy tích trữ lời ban sự sống, anh em hãy chiếu sáng như những vì sao ở
giữa thế gian. - Alleluia.
Phúc Âm: Lc 6, 6-11
"Các ông quan sát xem Người
có chữa lành bệnh trong ngày Sabbat không".
Tin Mừng Chúa Giêsu
Kitô theo Thánh Luca.
Vào một ngày
Sabbat, Chúa Giêsu vào hội đường và giảng dạy. Khi ấy ở đó có một người tay hữu
bị khô bại. Những luật sĩ và biệt phái quan sát xem Người có chữa lành người ấy
trong ngày Sabbat không, để có cớ tố cáo Người. Nhưng Người biết tư tưởng các
ông, liền bảo người có tay khô bại rằng: "Ngươi hãy chỗi dậy mà đứng ra giữa
đây". Người đó đứng thẳng dậy. Ðoạn Chúa Giêsu bảo các ông ấy rằng:
"Tôi hỏi các ông, ngày Sabbat được phép làm sự lành hay sự dữ, cứu sống
hay là giết chết?" Rồi đưa mắt nhìn mọi người, Chúa bảo người đó rằng:
"Ngươi hãy giơ tay ra". Người ấy giơ ra, và tay người ấy được lành.
Bấy giờ các ông đầy
lòng tức giận, và bàn định với nhau xem có thể làm gì được Chúa Giêsu.
Ðó là lời Chúa.
SUY NIỆM : Cốt Lõi Của Ðạo
Văn hào Nga Léon
Tolstoi có kể câu truyện ngụ ngôn như sau: Một ông chủ nọ giao cho các gia nhân
một công việc và bảo họ chỉ chu toàn công việc ấy mà thôi. Ông hứa sẽ thưởng
công cho họ, nếu họ làm tốt công việc. Lúc mới bắt tay vào việc, ai cũng muốn
làm vừa lòng ông chủ, cho nên để hết tâm trí vào công việc được giao. Thế
nhưng, một thời gian sau đó, nhiều người cho rằng để làm vừa lòng ông chủ và để
được phần thưởng bội hầu hơn, cần phải làm nhiều việc khác nữa. Họ nghĩ ra nhiều
việc khác và dần dần chú tâm vào đó đến độ quên bẵng đi công việc được chủ giao
cho lúc đầu. Bận bịu với những công việc mới, chẳng những họ không còn nhớ tới
công việc đã được giao, mà cũng chẳng màng tới phần thưởng ông chủ đã hứa. Cuối
cùng, tưởng mình đã có thể tự túc với công việc của mình, họ cũng gạt luôn ông
chủ ra khỏi cuộc sống của họ. Léon Tolstoi đưa ra kết luận: Người ta thường thấy
một thái độ như thế nơi các Kitô hữu; họ thay thế đạo của tình thương bằng vô số
những nghi lễ trống rỗng vô hồn.
Nhiều người Do thái
thời Chúa Giêsu, nhất là các thành phần lãnh đạo trong dân cũng có lối hành đạo
tương tự. Thật ra, đạo của mạc khải Do thái giáo cốt yếu cũng là đạo của tình
thương; thế nhưng trong thực tế, cái cốt lõi ấy thường bị quên lãng để nhường
chỗ cho biết bao nghi thức trống rỗng vô hồn; người ta sẵn sàng loại trừ tha
nhân và chối bỏ tình thương để tuân giữ những nghi thức và luật lệ vô hồn ấy.
Chúa Giêsu đã đến
và đưa con người trở lại cái cốt lõi của đạo. Tin Mừng hôm nay ghi lại một nỗ lực
của Chúa Giêsu nhằm nhắc nhở cho người Do thái về cái cốt lõi của đạo được thể
hiện qua lề luật. Một trong những khoản quan trọng của lề luật chính là ngày
Hưu lễ. Chúa Giêsu đã không đến để hủy bỏ, nhưng để kiện toàn lề luật, và kiện
toàn lề luật chính là mặc cho tinh thần và ý nghĩa của yêu thương; không có
tình thương, lề luật chỉ còn là một cái xác không hồn. Như vậy, kiện toàn luật
giữ ngày Hưu lễ chính là biến ngày đó thành ngày tôn vinh Thiên Chúa, và không
gì đúng đắn và xứng hợp hơn để tôn vinh Thiên Chúa trong ngày Hưu lễ cho bằng
thể hiện tình thương đối với tha nhân. Chính trong ý nghĩa ấy mà Chúa Giêsu đã
chữa lành một người có bàn tay khô bại trong ngày Hưu lễ. Lề luật là một thể hiện
ý muốn của Thiên Chúa, và ý muốn của Chúa không gì khác hơn là con người được sống,
và sống dồi dào, sung mãn chính là sống yêu thương. Như vậy chu toàn lề luật
trước tiên là sống yêu thương.
Lời Chúa hôm nay mời
gọi chúng ta nhìn lại cách sống đạo của chúng ta. Ðọc kinh, dự lễ, tham gia
sinh hoạt giáo xứ mà không sống yêu thương, điều đó có thật sự là sống đạo
chưa? Sống đạo đích thực là sống yêu thương: một lời kinh đích thực phải phát
xuất từ cõi lòng rộng mở yêu thương; một của lễ đẹp lòng Chúa phải là một nghĩa
cử yêu thương dành cho tha nhân. Xin Chúa giúp chúng ta mỗi ngày thêm thấm nhuần
cái cốt lõi của đạo là yêu thương.
(Veritas Asia)
LỜI CHÚA MỖI NGÀY
Thứ Hai Tuần 23 TN1
Bài đọc: Col 1:24-2:3; Lk
6:6-11.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Bổn phận của các tín hữu là xây
dựng Nhiệm Thể của Đức Kitô.
Trong Kế Hoạch Cứu
Độ của Thiên Chúa, Đức Kitô là Người mang Kế-hoạch đến thành công qua việc nhập
thể, mặc khải, dạy dỗ, huấn luyện các môn đệ, chịu chết để chuộc tội cho con
người. Ơn cứu độ giờ đây là của mọi người, không phân biệt một ai cả. Nhưng để
ơn cứu độ này hiện thực trong tất cả mọi người, họ cần tin vào Đức Kitô; và để
tin vào Đức Kitô, Giáo Hội cần có nhiều nhà rao giảng. Bắt đầu từ một nhóm nhỏ
là các môn đệ, Giáo Hội từ từ lớn dần và lan rộng khắp nơi, cho tới con số như
ngày nay, và cần phải lan rộng hơn nữa cho tới khi mọi người đều tin vào Đức
Kitô. Để được như thế, mọi thành phần trong Giáo Hội đều có bổn phận phải hy
sinh và nỗ lực góp phần vào việc rao giảng Tin Mừng.
Các Bài Đọc hôm nay
tập trung trong việc làm cho các tín hữu nhận ra và góp phần vào việc xây dựng
Nhiệm Thể của Đức Kitô là Giáo Hội. Trong Bài Đọc I, thánh Phaolô vui mừng chịu
đựng đau khổ cho việc xây dựng Nhiệm Thể của Đức Kitô, qua việc rao giảng Tin Mừng.
Ngài cố gắng hết sức để cho Tin Mừng thấm nhập, phát triển, và sinh hoa kết
trái trong cuộc đời các tín hữu. Trong Phúc Âm, trong khi Chúa Giêsu tất tưởi
rao giảng Tin Mừng và chữa lành khắp nơi, các kinh-sư và biệt-phái lại nhân
danh Lề Luật của Thiên Chúa để cấm đoán Ngài không được chữa lành trong ngày
Sabbath, và cố gắng tìm mọi cách để tiêu diệt Ngài!
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Tôi vui mừng
được chịu đau khổ vì Đức Kitô, vì Giáo Hội, và vì anh em.
1.1/ Phaolô nhận ra
trách nhiệm của mình:
Trước khi có thể làm chứng cho Thiên Chúa, Phaolô cần xác tín niềm tin của
mình.
(1) Phaolô nhận ra
sự sai lầm của mình và nhận ra tình thương Thiên Chúa: Biến cố trên đường đi
Damascus đã mở mắt cho Phaolô biết ơn cứu độ không chỉ dành riêng cho người
Do-thái, mà còn mở rộng cho tất cả Dân Ngoại, qua Kế Hoạch Cứu độ của Thiên
Chúa. Thánh Phaolô nói về Kế-hoạch này như sau: "Mầu nhiệm đã được giữ kín
từ bao thời đại và qua bao thế hệ, nhưng nay đã được tỏ ra cho dân thánh của
Thiên Chúa. Người đã muốn cho họ được biết mầu nhiệm này phong phú và hiển hách
biết bao giữa các dân ngoại: đó là chính Đức Kitô đang ở giữa anh em, Đấng ban
cho chúng ta niềm hy vọng đạt tới vinh quang."
(2) Lấy tình thương
đáp trả tình thương: Được
chữa lành khỏi mù lòa về phần xác cũng như phần hồn, Phaolô nhận ra tình thương
của Thiên Chúa dành cho ông. Ông nghĩ nếu Thiên Chúa và Đức Kitô đã yêu thương
mình như thế, ông phải đáp trả tình thương bằng cách làm cho ơn cứu độ được hiện
thực trong tất cả mọi người. Phaolô biết mình không thể làm lại gì cho Thiên
Chúa, nên chú trọng vào việc xây dựng các chi thể trong một thân thể của Đức
Kitô là Giáo Hội "Tôi đã trở nên người phục vụ Giáo Hội, theo kế hoạch
Thiên Chúa đã uỷ thác cho tôi, liên quan đến anh em: đó là tôi phải rao giảng lời
của Người cho trọn vẹn."
(3) Đâu là những
gian nan thử thách mà Đức Kitô còn phải chịu? Mặc dù Đức Kitô đã chiến thắng thần chết, sống lại vinh quang,
và mang ơn cứu độ cho mọi người; nhưng Kế-hoạch Cứu Độ chưa hoàn tất cho đến
khi mọi người đều được hưởng ơn cứu độ qua việc tin vào Đức Kitô. Để hoàn tất
điều này, Đức Kitô trông chờ vào sự cộng tác của tất cả các tín hữu. Những đau
khổ mà Đức Kitô còn đang phải chịu là: sự hững hờ của các tín hữu trong việc
rao giảng Tin Mừng; những thái độ chống báng và các kế hoạch nhằm tiêu diệt đạo
thánh Chúa; đời sống giữ đạo cách hời hợt của hàng giáo sĩ và các tín hữu ngăn
cản việc làm chứng cho Tin Mừng; và sự chia rẽ giữa các giáo hội làm chia cắt
thân thể của Đức Kitô.
1.2/ Phaolô tìm mọi
cách để chu toàn sứ vụ được trao phó: Ngài
nói: "Chính vì mục đích ấy mà tôi phải vất vả chiến đấu, nhờ sức lực của
Người hoạt động mạnh mẽ trong tôi... Tôi vui mừng được chịu đau khổ vì anh em.
Những gian nan thử thách Đức Kitô còn phải chịu, tôi xin mang lấy vào thân cho
đủ mức, vì lợi ích cho thân thể Người là Hội Thánh." Những việc làm chứng
tỏ nỗ lực rao giảng Tin Mừng của Phaolô:
- Ngài rao giảng
Tin Mừng ở mọi nơi và trong một lúc: trong hội đường, ngoài phố chợ, trong khám
đường, khi đối chất ... rao giảng dù thuận tiện hay không thuận tiện.
- Giúp đỡ mọi tín hữu
để họ càng ngày càng trở nên hoàn thiện trong Đức Kitô: không chỉ bằng lòng với
việc thiết lập các cộng đoàn, Ngài vẫn trở lại để thăm viếng khi có dịp, và viết
thư để dạy dỗ và khuyên bảo mọi người.
- Lấy tình thương
và sức mạnh của Thiên Chúa để vượt qua mọi tranh chấp và ích kỷ cá nhân; để gìn
giữ sự hiệp nhất trong Giáo Hội.
2/ Phúc Âm: Phải tuyệt
đối tránh tất cả những gì ngăn cản không cho Nước Chúa trị đến.
2.1/ Tranh chấp cá
nhân để hưởng lợi nhuận vật chất: Trình
thuật Luca kể: Vào một ngày Sabbath, Đức Giêsu vào hội đường để giảng dạy. Ở đó
có một người bị khô bại tay phải. Các kinh-sư và những người biệt-phái rình xem
Đức Giêsu có chữa người ấy trong ngày Sabbath không, để tìm được cớ tố cáo Người.
Hội-đường Do-thái là nơi họ tụ tập lại để học hỏi Kinh Thánh và dâng lời cầu
nguyện lên Thiên Chúa; thế mà các kinh-sư và biệt phái là những nhà lãnh đạo
trong dân lại lợi dụng hội đường, giờ thờ phượng, và nhân danh Thiên Chúa để
rình rập và chờ cơ hội để tố cáo người ngay lành.
Lý do tại sao họ
làm như thế là vì họ ghen tị về sư khôn ngoan và uy quyền của Chúa Giêsu. Trong
Tin Mừng Gioan, họ sợ đến một ngày cả thế giới sẽ đi theo Ngài! Nếu thế giới chọn
đi theo Chúa Giêsu, thế giới sẽ bỏ họ. Để ngăn cản con người đừng đến với Chúa
Giêsu, họ dùng mọi thủ đoạn hèn hạ để tiêu diệt Ngài.
2.2/ Chúa Giêsu mạnh dạn
sửa sai và tố cáo thủ đoạn của họ.
(1) Chúa Giêsu vạch
ra những hiểu biết sai lầm: Chúa
Giêsu thấu hiểu họ đang suy nghĩ như thế, nên bảo người bại tay: "Anh trỗi
dậy, ra đứng giữa đây!" Người ấy liền trỗi dậy và đứng đó. Đức Giêsu chất
vấn họ: "Tôi xin hỏi các ông: ngày Sabbath, được phép làm điều lành hay điều
dữ, cứu mạng người hay huỷ diệt?"
Ngài muốn họ trở về
nguyên lý nền tảng: Lề Luật làm ra là cho lợi ích và bảo vệ đời sống con người.
Nguyên tắc nền tảng của luân lý là "làm lành tránh dữ, cứu mạng sống chứ
không hủy diệt." Vì thế, không ai được nhân danh Lề Luật để giết hại hay từ
chối làm điều lành trong ngày Sabbath.
(2) Chúa Giêsu can
đảm làm chứng cho sự thật: Không
một chút sợ hãi, Người rảo mắt nhìn họ tất cả, rồi bảo người bại tay: "Anh
giơ tay ra!" Anh ấy làm như vậy và tay anh liền trở lại bình thường. Nhưng
họ thì giận điên lên, và bàn nhau xem có làm gì được Đức Giêsu không. Họ giận
điên lên vì họ bị mất mặt trước đám đông; và giận quá mất khôn, họ không còn biết
phân biệt và nhận ra sự thật nữa!
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Mỗi tín hữu chúng
ta đều có bổn phận mang Kế Hoạch Cứu Độ của Thiên Chúa đến chỗ vẹn toàn, bằng
cách làm cho mọi người đều có cơ hội để lắng nghe Tin Mừng.
- Chúng ta cần
tránh tuyệt đối thái độ dùng Tin Mừng để mưu cầu lợi ích cá nhân. Đừng bao giờ
làm cho người khác mất niềm tin vì cuộc sống phản Tin Mừng của chúng ta. Đừng
bao giờ nhân danh Tin Mừng để chia cắt Nhiệm Thể của Đức Kitô.
(Lm.An-tôn ĐINH MINH TIÊN, OP.)
HẠT GIỐNG NẨY MẦM
- MÙA QUANH NĂM –
- TUẦN 23 –
"Có những hạt rơi vào đất tốt.
Chúng mọc và lớn lên, sinh hoa kết quả :
hạt thì được ba mươi, hạt thì được sáu mươi,
hạt thì được một trăm" (Mc 4,8)
Lc 6,6-11
A. Hạt giống...
Chúa Giêsu và các luật sĩ, biệt phái tranh luận
với nhau về luật nghỉ làm việc ngày sabát.
- Hôm ấy trong hội đường có một người bị bại tay,
các luật sĩ và biệt phái rình xem Chúa Giêsu có chữa bệnh cho người ấy không để
tố cáo Ngài.
- Chúa Giêsu biết ý của họ nên hỏi trước : “Ngày
sabát, được phép làm điều lành hay điều dữ ?” : Khi chống đối Chúa Giêsu, các
đối thủ đã dựa vào chủ trương “không làm gì cả” trong ngày sabat. Phần Chúa
Giêsu thì đặt vấn đề “làm điều lành” hay “(làm) điều dữ”.
- Thực ra chủ trương của Pharisêu không hẳn là
hoàn toàn không làm gì cả. Họ cũng chấp thuận được cứu người nguy tử trong ngày
đó (Mishna Yoma VIII,6). Nhưng họ phải nghiên cứu từng trường hợp cụ thể để cho
phép làm như vậy. Còn Chúa Giêsu, thái độ của Ngài trong trường hợp này cho
thấy rõ : luật ngày sabat phải lệ thuộc luật yêu thương và giúp đỡ kẻ khác, vì
đó là ngày giải phóng.
B.... nẩy mầm.
1. Kẻ được Chúa Giêsu cứu chữa hôm nay là một
người tay hữu bị khô bại, nghĩa là mất khả năng làm việc, do đó cũng mất phương
tiện để sinh sống. Tuy người này không xin, nhưng Chúa Giêsu thương anh và chữa
anh.
Ta hãy cầu nguyện cho những kẻ tật nguyền và
những người không có công ăn việc làm để sinh sống.
2. Cái nhìn của Chúa Giêsu và của các đối thủ
Ngài rất khác nhau : Chúa Giêsu thấy một người cần được Ngài giúp đỡ ; còn họ
thì không để ý gì đến người tàn tật mà chỉ lo rình mò để xem Chúa Giêsu có làm
gì sai luật không để mà bắt bẻ.
Xin Chúa cho con có cái nhìn của Chúa : cái nhìn
của tình thương chứ không phải cái nhìn soi bói rình mò.
3. Khi người khô tay đã được lành, các biệt phái
và luật sĩ không vui mừng với anh mà lại tức giận với Chúa Giêsu và bàn nhau
hại Ngài.
Xin Chúa đừng để cho lòng ganh ghét làm cho con
bị mù quáng, trái lại xin cho con biết vui với niềm vui của người khác.
4. Trong một giai thoại về Đức Thích Ca, có kể
rằng : Một hôm ngài rơi vào tay một tên cướp. Tên này dọa giết ngài. Trước khi
chết ngài xin hắn một ân huệ. Ngài chỉ vào một cây lớn trước mặt và nói :
- Ngươi hãy cắt đứt một nhánh cây.
Trong nháy mắt, tên cướp vung kiếm chém đứt nhánh
cây. Đức Thích Ca nói tiếp :
- Bây giờ ngươi hãy tháp nhánh cây vào thân cây.
Tên cướp cười gằn, nói :
- Mi quả là tên khùng nên mới nghĩ rằng ta có thể
làm được điều đó.
Đức Thích Ca liền dạy cho hắn một bài học :
- Ngươi mới là tên khùng khi nghĩ rằng sức mạnh
con người là để gây thương tích và phá huỷ. Người có sức mạnh thực sự là người
biết sáng tạo và chữa lành. ("Mỗi ngày một tin vui")
5. “Các kinh sư và những người pharisêu xem Chúa
Giêsu có chữa người ấy trong ngày sabát không, để tìm được cớ tố cáo Ngài” (Lc
6,7)
Lạy Chúa, dò xét, rình rập thì con hay lắm, còn
nhìn lại bản thân thì con thật là dở. Con dò xét người này, dòm ngó người kia,
rình rập người nọ… để tìm ra chỗ hở mà đả kích cho “đã”. Rồi tự biện hộ rằng
mình xây dựng cho anh em. Nhưng mắc cỡ thay, đó chỉ là những cử chỉ, hành động
phô trương đạo đức giả hình.
Nhược điểm và bao nhiêu cái xấu xa của con, con
lại không nói ra, mà còn khéo tô thêm một lớp sơn hào nhoáng như ngôi mô bên
ngoài trông đẹp nhưng bên trong mục nát thối hư…
Chúa ơi ! Xin cho con biết nhìn lại chính con
nhiều hơn là tìm những sơ hở của người khác mà lên án. (Hosanna)
Lm.Carolo HỒ BẶC XÁI – Gp.Cần
Thơ
09/09/13 THỨ HAI TUẦN 23 TN
Th. Phêrô Clave, linh mục
Lc 6,6-11
Th. Phêrô Clave, linh mục
Lc 6,6-11
ĐƯỢC PHÉP LÀM GÌ
Đức Giê-su nói :”Tôi xin hỏi các ông : ngày sa-bát, được phép
làm điều lành hay điều dữ, cứu mạng người hay hủy diệt ?” (Lc 6,9)
Suy niệm: Khi rình xem Chúa Giê-su có chữa bệnh trong
ngày sa-bát không, các kinh sư và những người pha-ri-sêu không chủ ý bảo vệ
luật ngày sa-bát, mà họ mượn luật làm bình phong nhằm chống lại Chúa Giê-su. Họ
còn biến người bị khô bại tay –một nạn nhân đáng ra họ phải thương– thành ‘con
mồi’ để ‘gài bẫy’ Chúa Giê-su. Lập luận của họ nguy hiểm ở chỗ họ nhân danh sự
tốt lành, nhân danh việc thờ phượng Thiên Chúa để che đậy cho mục đích xấu xa,
ích kỷ của mình. Chúa Giêsu lật mặt nạ của họ bằng cách chất vấn họ về một nguyên
lý căn bản và chắc chắn: Bảo vệ sự sống con người là mệnh lệnh cao cả nhất, bởi
vì “ngày sa-bát được tạo nên cho
con người chứ không phải con người cho ngày sa-bát” (Mc 2,27).
Mời Bạn: Hành
động của chúng ta đôi khi không gặp sự chống nào, chưa hẳn là mình đang làm
đúng. Vì thế sự lượng giá mỗi ngày là cần thiết. Cơ sở để chúng ta lượng giá
là: “Ngày sa-bát được phép làm điều lành hay điều dữ?”; “Luật hướng tới sự thiện hay sự
ác?”; “Thờ phượng Thiên Chúa thì hướng tới việc cứu sống hay là giết chết?”...
Chia sẻ: Chúa
Giê-su đã nhiều lần vạch trần thói giả hình của những người pha-ri-sêu và các
kinh sư, nhưng họ vẫn không thay đổi… Còn bạn, bạn có dễ chấp nhận sự sửa lỗi
không?
Sống Lời Chúa: Khi
xét mình, tôi không tìm cách bào chữa cho mình, nhưng xét xem mình đã sai lỗi
thế nào.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, tính kiêu ngạo là nguyên nhân của tính cố chấp và giả
hình nơi con, nhưng con thường khó nhận ra nó. Xin thương xót con Chúa ơi!
Làm việc ngày sabát
Ðoạn Phúc Âm hôm nay kể lại việc Chúa Giêsu chữa lành người bị bại
tay phải trong ngày nghỉ sabát, hoặc cho những luật sĩ và những biệt phái đang
rình xem Chúa có lỗi luật nghỉ ngày sabát hay không, ngõ hầu có lý do ám hại
Chúa.
Chu toàn bổn phận bác ái có ưu tiên trên việc tuân giữ luật nghỉ
ngày sabát, một việc thực hành đạo đức quan trọng của Do Thái Giáo. Thực hành
việc đạo đức mà không có lòng bác ái yêu thương anh chị em thì việc thực hành
kia có thể trở thành vụ lợi, khoe khoang. Bảo vệ cách quá khích luật nghỉ ngày
sabát, các luật sĩ và những người biệt phái đã làm cớ cho người ta hiểu lầm rằng
Thiên Chúa đối nghịch với con người. Trong đoạn Phúc Âm hôm nay, các luật sĩ và
biệt phái xem ra bắt buộc Chúa Giêsu phải chọn một trong hai việc: hoặc tuân giữ
luật nghỉ ngày sabát, hoặc chữa lành người bị bại tay phải. Tinh thần vụ hình
thức đã làm hư cốt tủy của đạo Chúa. "Tôi hỏi các ông, ngày sabát được làm
sự lành hay sự dữ, cứu sống người hay giết chết?" Câu hỏi của Chúa Giêsu
thức tỉnh những kẻ sống đạo vụ hình thức.
Nơi đoạn Phúc Âm theo thánh Luca mà chúng ta vừa đọc lại trên
đây, những luật sĩ và những người Pharisiêu xem ra có thái độ dứt khoát phải chọn
một trong hai việc là giữ ngày sabát hoặc làm việc thiện để cứu người bị bại
tay phải. Nhưng theo Phúc Âm thánh Mátthêu chương 12 câu 11 và những câu kế tiếp,
chúng ta được biết rằng những luật sĩ và biệt phái có một giải thích rộng rãi
khác về luật nghỉ ngày sabát. Họ cho phép cứu thoát con vật bị sa xuống giếng
trong ngày sabát. Thật là nghịch đời, họ cho phép cứu con vật mà lại không cho
phép cứu con người. Phải chăng các luật sĩ và biệt phái coi trọng con vật hơn
con người. Ngày nay, chúng ta có thể gặp trường hợp tương tự, có những người
nhân danh lòng nhân từ để kêu gọi bảo vệ súc vật nhưng lại thẳng tay loại trừ
những thai nhi còn trong lòng mẹ, mạnh mẽ cổ võ việc phá thai.
Phần Chúa Giêsu, qua hành động chữa lành người bị bại tay cả
trong ngày sabát, Chúa Giêsu biểu lộ tâm hồn tràn đầy yêu thương đối với con
người và đặt luật nghỉ ngày sabát trong viễn tượng rộng rãi hơn của tình yêu
thương. Các ngày sabát được làm việc lành để thể hiện tình thương. Một tâm hồn
khô khan không có tình yêu đối với Thiên Chúa cũng như đối với anh chị em thi sẽ
dễ dàng rơi vào cám dỗ chạy trốn trước việc lành cần phải làm để phục vụ anh chị
em. Họ dễ dàng biện hộ cho thái độ sống thiếu quảng đại, thiếu bác ái bằng lý
do hết sức đạo đức nhưng có thể đó là sự đạo đức giả hình, chưa trưởng thành.
Lạy Chúa,
Chúng con cảm tạ Chúa vì đã thức tỉnh chúng con qua mẫu gương và
bài học căn bản. "Trong ngày sabát được làm sự lành hay sự dữ, cứu sống
hay giết chết?" Xin thương giải thoát con khỏi thái độ sống đạo vụ hình thức,
ham danh lợi, lo củng cố địa vị hơn là thực hành yêu thương bác ái. Xin thương
ban cho chúng con tâm hồn tràn đầy tình yêu Chúa để có thể trổ sinh những việc
làm tốt phục vụ anh chị em mọi nơi và mọi lúc.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
Suy niệm
Vào một ngày Sabat, Chúa Giêsu vào hội đường và người đã chữa lành bệnh cho
một người bại tay. Vì trung thành với luật Môisen, nên các kinh sư Pharisêu bực
tức. Đối với các luật sĩ biệt phái thì họ chú ý đến hình thức giữ luật hơn là
mục đích của lề luật. Vì thế họ đã trách Chúa Giêsu khi Ngài chữa bệnh trong
ngày Sabat. Theo quan niệm của người Do Thái thì việc làm vinh danh Thiên Chúa
là tuân giữ luật buộc của ngày Sabat. Nhân cơ hội ấy, Chúa Giêsu dạy cho họ
biết: mọi lề luật đều được làm ra vì con người, và điểm qui hướng mọi giới luật
là mến Chúa, yêu người. Chúa Giêsu không muốn họ giữ luật bằng hình thức mà còn
muốn dẫn họ đi xa hơn, tiến đến lý do sâu sa hơn đó là tuân giữ lề luật bằng sự
yếu mến Thiên Chúa và tha nhân.
Mến Chúa - yêu người là đặc tính cốt yếu của Kitô giáo. Đức Giêsu muốn con
người sống tinh thần yêu thương tất cả lòng quảng đại. Chúa Giêsu khởi xướng
hành động giúp người có cánh tay khô bại. Việc làm này chứng tỏ Chúa luôn yêu
thương con người bằng một tình yêu vô bờ, không tính toán hay chờ đợi kêu cầu
đáp trả.
Còn chúng ta, chúng ta đối với Chúa thế nào? Chúng ta giữ
luật Chúa vì sợ tội, sợ người khác nói chúng ta tội lỗi hay vì chúng ta yêu mến
Chúa? Đối với tha nhân chúng ta có đến với họ bằng lòng yêu thương hay chỉ là
đến vì bổn phận và trách nhiệm.
Mến Chúa – yêu người là điều răn Thiên Chúa muốn chúng ta thực hiện triệt
để. Là một kitô hữu chúng ta đã, đang và sẽ làm gì để nổ lực chu toàn hai giới
răn ấy?
Lạy Chúa, xin cho chúng con hiểu rằng luật lệ được đặt ra
là để phục vụ lợi ích cho con người. Xin cho chúng con biết không chỉ giữ luật
bằng những hình thức bên ngoài mà con hiểu tinh thần của luật. Để chúng con
biết giữ luật bằng tình yêu mến chứ không vì bổn phận. Amen.
Thứ Hai 9-9
Thánh Phêrô Claver
(1581-1654)
Là người gốc Tây Ban Nha,
Phêrô Claver -- một người trẻ thuộc dòng Tên -- đã từ bỏ quê nhà vĩnh viễn vào
năm 1610 để trở nên nhà truyền giáo ở Tân Thế Giới. Ngài đi thuyền đến
Cartagena (bây giờ thuộc Colombia), là một hải cảng sầm uất ở bờ biển
Caribbean. Ngài thụ phong linh mục ở đây vào năm 1615.
Vào lúc đó, việc buôn
bán nô lệ đã được thịnh hành ở Mỹ Châu khoảng 100 năm, và Cartagena là trung
tâm. Hàng năm, có đến mười ngàn người nô lệ từ Tây Phi Châu đổ về hải cảng này
sau khi vượt biển Atlantic trong những điều kiện tệ hại và bất nhân đến nỗi có
đến một phần ba đã chết trong cuộc hành trình. Mặc dù việc buôn bán nô lệ bị
Ðức Giáo Hoàng Phaolô III lên án và sau này Ðức Piô IX gọi là "hành
động vô cùng ghê tởm", nhưng nó vẫn phát đạt.
Cha Alfonso de Sandoval,
là một linh mục dòng Tên đã hy sinh cuộc đời để phục vụ người nô lệ ở đây trước
khi Cha Phêrô Claver đến để tiếp tục công việc của ngài, và cha tự nhận mình là
"người nô lệ muôn đời của người da đen."
Ngay sau khi thuyền chở
người nô lệ cập bến, Cha Phêrô Claver đi xuống khoang thuyền hôi hám để giúp đỡ
những người đau yếu và những hành khách khốn cùng. Sau khi người nô lệ bị lùa
ra khỏi tầu và bị xích với nhau như đàn vật trong một khu đất có hàng rào để
người ta chọn lựa, Cha Claver lại lẩn quẩn trong bọn họ để cung cấp thuốc men,
thực phẩm, rượu, chanh và thuốc lá. Với sự giúp đỡ của thông dịch viên, ngài
nói về giáo lý căn bản và đảm bảo các anh chị em của ngài về nhân phẩm và tình
yêu cứu độ của Thiên Chúa. Trong 40 năm phục vụ, Cha Claver đã giảng dạy và rửa
tội cho khoảng 300,000 người nô lệ.
Sứ vụ tông đồ của ngài
không chỉ hạn hẹp trong việc săn sóc người nô lệ, ngài trở nên một người có uy
quyền về luân lý, quả thật, ngài là tông đồ của Cartagena. Ngài rao giảng trong
trung tâm thành phố, truyền giáo cho các thủy thủ và thương gia, và nếu có thể,
ngài cố tránh né lòng quý mến của các nông gia và chủ nhân mà chỉ muốn sống
trong các khu dành riêng cho người nô lệ.
Sau bốn năm bị bệnh
khiến thánh nhân ngừng hoạt động và hầu như bị lãng quên, ngài chết ngày
8-9-1654. Ông toà của thành phố, trước đây rất khó chịu vì sự quan tâm của ngài
đối với người da đen thấp hèn, đã ra lệnh chôn cất ngài với công quỹ và với
nghi thức long trọng.
Ngài được phong thánh
năm 1888, và Ðức Giáo Hoàng Leo XIII tuyên xưng ngài là quan thầy công việc
truyền giáo cho người nô lệ da đen ở khắp nơi trên thế giới.
Lời Bàn
Quyền năng và sức mạnh
của Chúa Thánh Thần đã thể hiện trong hành động đáng khâm phục của Cha Phêrô
Claver. Quyết định từ bỏ quê nhà không bao giờ trở lại cho thấy một ý chí phi
thường thật khó cho người thời nay tưởng tượng nổi. Quyết tâm phục vụ những người
bị bạc đãi, thấp hèn nhất trong xã hội là một hành động cực kỳ anh hùng của
Thánh Phêrô Claver. Khi so sánh cuộc đời chúng ta với cuộc đời của một người
như vậy, chúng ta mới thấy sự ích kỷ và sự hẹp hòi của chúng ta trước những nhu
cầu của người khác, và chúng ta cần mở lòng ra cho sự tác động của quyền năng
vô cùng của Thần Khí Ðức Giêsu.
Lời Trích
Thánh Phêrô Claver hiểu
rằng việc phục vụ cụ thể như phân phát thuốc men, thực phẩm cho anh chị em da
đen thì cũng hữu hiệu để loan truyền lời Chúa như rao giảng bằng lời nói. Như
Thánh Phêrô Claver thường nói, "Chúng ta phải nói với họ bằng đôi tay
trước khi nói với họ bằng miệng lưỡi của chúng ta."
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét