THỨ BẢY 19/10/2013
Thứ Bảy sau Chúa Nhật
28 Quanh Năm
Thánh Phaolô Thánh
Giá, linh mục.
Các thánh Tử Đạo miền Bắc Mỹ
*
Thánh Phaolô sinh tại Uvada, miền Ligurie
nước Ý ngày 03/01/1694. Ngay từ thời niên thiếu, ngài đã đặc biệt sùng kính
Chúa Giêsu chịu đóng đinh. Ngài cũng tha thiết ước mong được chịu tử đạo nên đã
gia nhập đoàn quân viễn chinh ở Venise để chống lại quân Thổ Nhĩ Kỳ. Nhưng sau
khi nhận ra ý Chúa, ngài đã giã từ vũ khí và xin vào dòng tu. Ngài được phong
chức linh mục do tay Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XIII.
Sau đó, ngài sống
cuộc đời ẩn dật tại núi Argentarô và lập dòng Thương Khó năm 1720. Lời hứa đặc
biệt của dòng là chuyên lo giảng dạy cho mọi người về sự khổ nạn của Chúa
Giêsu. Ngài còn lập một dòng nữ chuyên lo cầu nguyện và sống cuộc đời Thương
Khó Chúa.
Thánh nhân được
Chúa cho làm nhiều phép lạ như nói tiên tri, thấu suốt được tâm hồn nhiều người.
Hơn nữa, ngài có tài giảng thuyết, nhất là khi giảng về những đau khổ của Chúa.
Năm 1775, ngài từ
trần tại Rôma, hưởng thọ 81 tuổi. Đức Giáo Hoàng Piô IX đã phong ngài lên bậc
Chân Phước và ít lâu sau, phong thánh cho ngài năm 1867.
Bài Ðọc I: (Năm I) Rm 4, 13.
16-18
"Mặc dầu tuyệt
vọng, ông vẫn tin".
Trích
thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma.
Anh
em thân mến, không phải nhờ lề luật mới có lời hứa ban cho Abraham hay dòng dõi
của ông trở nên kẻ thừa kế thế gian, nhưng là nhờ sự công chính của đức tin. Vì
thế, do đức tin, được coi như là theo ân sủng, lời hứa cho mọi dòng dõi được vững
bền, không phải chỉ cho kẻ sinh bởi lề luật, mà còn cho kẻ sinh bởi đức tin của
Abraham, tổ phụ của mọi người chúng ta, như có lời chép rằng: "Ta đã đặt
ngươi làm cha nhiều dân tộc". (Ông là cha chúng ta) trước mặt Thiên Chúa,
Ðấng ông đã tin, Ðấng cho kẻ chết sống lại, và kêu gọi cái không có như có. Mặc
dầu tuyệt vọng, ông vẫn tin rằng mình sẽ trở thành cha nhiều dân tộc, như có lời
đã phán với ông rằng: "Dòng dõi ngươi sẽ như thế".
Ðó
là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 104, 6-7. 8-9.
42-43
Ðáp: Tới muôn đời Chúa vẫn
nhớ lời minh ước (c. 8a).
Xướng: 1) Hỡi miêu duệ
Abraham là tôi tớ của Ngài, hỡi con cháu Giacóp, những người được Ngài kén chọn,
chính Chúa là Thiên Chúa chúng ta, quyền cai trị của Ngài bao trùm khắp cả địa
cầu. - Ðáp.
2)
Tới muôn đời Ngài vẫn nhớ lời minh ước, lời hứa mà Ngài đã an bài tới muôn thế
hệ, lời minh ước Ngài đã ký cùng Abraham, lời thề hứa Ngài đã thề với Isaac. - Ðáp.
3)
Vì Ngài đã nhớ lời thánh thiện của Ngài, lời Ngài đã ban bố cùng Abraham là tôi
tớ Ngài. Ngài đã đưa dân tộc Ngài ra đi trong niềm vui vẻ, đưa những kẻ Ngài
kén chọn ra đi trong tiếng hân hoan. - Ðáp.
Alleluia: Gc 1, 18
Alleluia,
alleluia! - Do ý định của Thiên Chúa, Người đã sinh chúng ta bằng lời sự thật,
để chúng ta nên như của đầu mùa các tạo vật. - Alleluia.
Phúc Âm: Lc 12, 8-12
"Trong giờ ấy,
Thánh Thần sẽ dạy các con phải nói thế nào".
Tin
Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi
ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Hễ ai xưng nhận Thầy trước mặt
người đời, thì Con Người cũng sẽ xưng nhận nó trước mặt các thiên thần của
Thiên Chúa; nhưng ai chối bỏ Thầy trước mặt người đời, thì sẽ bị chối bỏ trước
mặt thiên thần của Thiên Chúa. Và hễ kẻ nào nói phạm đến Con Người, thì nó sẽ
được tha. Nhưng kẻ nào nói phạm thượng đến Thánh Thần, thì sẽ không được tha.
"Khi
người ta điệu các con vào các hội đường, đến trước mặt vua quan và chính quyền,
các con chớ lo lắng phải thưa làm sao, hay phải nói thế nào, vì trong giờ ấy,
Thánh Thần sẽ dạy các con phải nói thế nào".
Ðó
là lời Chúa.
Suy niệm : Tội Phạm Ðến Chúa Thánh Thần
Ông
Charles Darwin, khi về già đã tâm sự: lúc còn trẻ, ông cũng rất yêu thích thi
ca và âm nhạc, thế nhưng, công việc nghiên cứu đã chiếm hết thời giờ của ông.
Dành trọn cuộc đời cho sinh vật học, cho nên ông đã mất dần khả năng thưởng thức
thi ca và âm nhạc, đến nỗi về sau, thi ca đối với ông chỉ còn là những lời vô bổ
và âm nhạc chỉ là những tiếng động ồn ào mà thôi. Cuộc đời ông đã thiếu hẳn vẻ
tươi mát và trẻ trung. Thế nên, nếu được sống lại tuổi trẻ lần nữa, ông sẽ dành
thời giờ tìm đến thi ca và âm nhạc, để khỏi mất đi khả năng thưởng thức chúng,
một khả năng gíup cho cuộc đời thêm hương vị.
Lời
tâm sự của Charles Darwin giúp chúng ta hiểu thêm phần nào về tội phạm đến Chúa
Thánh Thần được Chúa Giêsu nói đến trong Tin Mừng hôm nay.
Chúa
Thánh Thần là Thần Chân Lý. Một trong những công việc của Ngài là mạc khải về
chân lý, giúp con người hiểu biết chân lý mà hướng lòng họ đi tìm sự thật. Bởi
thế, sau khi Chúa Giêsu về trời, thì Thánh Thần đến trên các Tông đồ để dạy dỗ
và hướng dẫn các ông. Nhờ Thánh Thần, các ông đã hiểu rõ những lời nói và việc
làm của Chúa Giêsu; và cũng nhờ Thánh Thần, các ông đã mạnh dạn rao giảng Tin Mừng
như lời căn dặn của Chúa Giêsu trước khi Ngài về trời.
Công
cuộc rao giảng Tin Mừng không phải luôn luôn dễ dàng và gặt hái thành công, như
lần 3,000 người trở lại liền sau bài giảng của thánh Phêrô vào dịp lễ Ngũ Tuần;
nhưng các ông đã gặp biết bao chống đối và bách hại. Dù gặp gian nan thử thách
như thế, các ông vẫn hiên ngang rao giảng, vì đó là lời mời gọi của Chúa Giêsu,
và hơn nữa, một điều kiện: "Ai tuyên xưng Thầy trước mặt thiên hạ, thì Con
Người cũng sẽ tuyên xưng người ấy trước mặt các thiên thần của Thiên
Chúa". Vả lại, các ông không phải đơn độc trong gian nan, thử thách, vì có
Thánh Thần luôn hiện diện với các ông. Thánh Thần sẽ dạy cho các ông phải nói
gì khi bị điệu đến trước nhà cầm quyền, vì Danh Chúa Giêsu. Một sự hiện diện gần
gũi và cần thiết như vậy của Thánh Thần, khiến cho tội phạm đến Thánh Thần trở
thành tội không được tha. Không được tha, không phải vì Thánh Thần là một Thiên
Chúa nghiêm khắc trừng phạt; Chúa Thánh Thần vẫn mãi mãi là một Thiên Chúa
khoan dung, từ bi, nhân hậu, là Ðấng Bầu Chữa, an ủi, vỗ về các tâm hồn. Không
được tha không phải vì Chúa Thánh Thần không muốn tha, nhưng là vì thái độ của
con người.
Nếu
trong con người của Darwin có những sở thích về thi ca, âm nhạc, nhưng vì không
chịu tiếp xúc với các môn ấy khiến ông mất dần khả năng thưởng thức thi ca, âm
nhạc, để rồi chúng trở thành vô bổ đối với ông. Cũng thế, trong mỗi người chúng
ta đều có những khát vọng về chân lý, nhưng chính thái độ bịt tai nhắm mắt trước
sự thật đã khiến con người mất dần khả năng cảm nhận sự thật để rồi đối với họ
sự thật chẳng còn giá trị gì. Chúa Thánh Thần là Chân Lý, nhưng nếu đứng trước
Ngài, con người vẫn giữ thái độ cố chấp, thì dù Ngài là Ðấng giúp con người hiểu
biết và đi tìm chân lý, Ngài cũng đành bó tay. Không tìm đến với nguồn chân lý,
làm sao con người có thể nhận được ơn tha thứ?
Xin
Chúa cho chúng ta có một tâm hồn yêu mến và nhạy cảm trước sự thật. Xin cho
chúng ta biết can đảm vượt qua những trói buộc của đam mê, ích kỷ, tội lỗi, để
tìm đến với sự thật, vì chỉ có sự thật mới giải thoát chúng ta.
(Veritas Asia)
Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Bảy Tuần 28 TN1
Bài đọc: Rom 4:13,
16-18; Lk 12:8-12.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Tin vào những gì
Thiên Chúa hứa và làm chứng cho Ngài.
Nhiều
người thường áp dụng cách thức con người cho Thiên Chúa; chẳng hạn, chỉ yêu những
gì tốt lành. Họ nghĩ Thiên Chúa yêu con người vì những việc tốt lành con người
làm cho Thiên Chúa, như giữ luật, đi nhà thờ, giảng đạo, sống tốt lành... Sự thật
là Thiên Chúa yêu thương con người khi họ vẫn còn là tội nhân, yếu đuối, và đầy
những khuyết điểm. Con người không có công trạng gì để xứng đáng được Thiên
Chúa yêu thương; chỉ có một điều con người có thể làm là nếu tin vào tình
thương và uy quyền của Thiên Chúa, họ sẽ được trở nên công chính và hưởng mọi
ơn thánh Ngài hứa ban.
Các
Bài Đọc hôm nay muốn làm sang tỏ chân lý này. Trong Bài Đọc I, Phaolô tranh luận
với người Do-thái và nêu rõ lý do tổ Abraham được thừa hưởng lời hứa "là
cha nhiều dân tộc:" không phải vì việc giữ Luật; nhưng vì niềm tin tưởng
tuyệt đối nơi uy quyền và tình thương của Thiên Chúa. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu
muốn các môn đệ tuyệt đối tin tưởng nơi Ngài và nơi Thánh Thần của Ngài, nhất
là trong những lúc phải đương đầu với sự sai trá và làm chứng cho sự thật.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/
Bài đọc I: Vì tin mà Abraham được thừa hưởng lời Thiên Chúa hứa.
1.1/
Lề Luật không có sức mạnh làm con người nên công chính.
(1)
Không phải vì Lề Luật mà Abraham được thừa hưởng lời Thiên Chúa hứa: Lề Luật mà Thiên
Chúa ban qua Moses xảy ra 430 năm sau thời của Abraham; do đó, một người không
thể nói, nhờ việc giữ Lề Luật, Abraham được thừa hưởng lời Thiên Chúa hứa; mà
là do bởi niềm tin của ông vào Thiên Chúa. Thánh Phaolô tuyên bố: ''Thật vậy,
không phải chiếu theo Lề Luật, mà Thiên Chúa đã hứa cho ông Abraham và dòng dõi
ông được thế gian làm gia nghiệp; nhưng ông được lời hứa đó, vì đã trở nên công
chính nhờ lòng tin.''
Nếu
đã đúng cho Abraham, cũng đúng cho tất cả chúng ta: ''Bởi vậy, vì tin mà người
ta được thừa hưởng lời Thiên Chúa hứa; như thế lời hứa là ân huệ Thiên Chúa ban
không, và có giá trị cho toàn thể dòng dõi ông Abraham, nghĩa là không phải chỉ
cho những ai giữ Lề Luật, mà còn cho những ai có lòng tin như ông. Ông là tổ phụ
chúng ta hết thảy.''
(2)
Thiên Chúa đổi tên cho Abraham: Khi còn ở bên xứ Urs, tên của ông là Abram, có nghĩa
"người cha được tôn vinh." Thiên Chúa đổi tên của ông thành Abraham,
có nghĩa "người cha của nhiều dân tộc" (Gen 17:5). Thánh Phaolô lập lại
sự kiện này như sau: ''như có lời chép:
Ta
đã đặt ngươi làm tổ phụ nhiều dân tộc. Ông là tổ phụ chúng ta trước mặt Thiên
Chúa, Đấng ông tin tưởng, Đấng làm cho kẻ chết được sống và khiến những gì
không có hoá có.''
1.2/
Tin tưởng lời Chúa hứa trong mọi hoàn cảnh: Thiên Chúa hứa cho Abraham một giòng dõi đông như
sao trên trời và cát ngoài bãi biển; nhưng thực tế trong cuộc đời của ông chỉ
có Isaac và Ismael. Làm sao Abraham trở thành cha nhiều dân tộc trong khi chỉ
có hai người con? Dưới mắt nhân loại, đây là điều không thể; nhưng dưới mắt đức
tin của Abraham, ông tin Thiên Chúa có quyền năng làm được những gì Thiên Chúa
hứa: ''Mặc dầu không còn gì để trông cậy, ông vẫn trông cậy và vững tin, do đó
ông đã trở thành tổ phụ nhiều dân tộc, như lời Thiên Chúa phán: Dòng dõi ngươi
sẽ đông đảo như thế.''
Các
nhà chú giải Kinh Thánh nghĩ Thiên Chúa đã cho ông thấy trước ngày sinh của Đức
Kitô trong giòng dõi của ông; vì nhờ Đức Kitô mà ông trở thành tổ phụ của nhiều
dân tộc, vì họ tin vào Ngài: "Ông Abraham là cha các ông đã hớn hở vui mừng
vì hy vọng được thấy ngày của tôi. Ông đã thấy và đã mừng rỡ" (Jn 8:56).
2/
Phúc Âm: Ai tuyên bố nhận Thầy trước mặt thiên hạ, thì Thầy cũng sẽ tuyên bố nhận
người ấy trước mặt các thiên thần của Thiên Chúa.
2.1/
Cuộc sống chứng nhân cần thiết để khơi dậy niềm tin nơi người khác: Hai điều giúp con
người tin vào Đức Kitô là Tin Mừng và đời sống chứng nhân của người rao giảng;
điều thứ hai nhiều khi còn quan trọng hơn cả điều thứ nhất, vì "lời nói
lung lay, gương bày lôi cuốn." Chính Gandhi đã từng nói: "Nếu mọi tín
hữu sống những gì Đức Kitô dạy, thế giới chắc đã tin tưởng nơi Ngài hết."
Để có thể sống những gì Đức Kitô dạy, người tín hữu phải học hỏi Phúc Âm, nơi
các thánh-sử ghi chép lại tất cả những gì Đức Kitô muốn lưu lại cho hậu thế; nếu
không chịu học hỏi để biết, làm sao biết cách thực hành!
Cuộc
sống của con người trên đời này là để làm chứng nhân cho Thiên Chúa. Mục đích sự
hiện hữu của Hội Thánh và của mỗi tín hữu là làm chứng nhân cho Thiên Chúa bằng
lời rao giảng và các việc làm. Nếu không chu toàn bổn phận này, làm sao các tín
hữu có thể đạt được phần thưởng mà Đức Kitô đã sắm sẵn cho họ. Trong trình thuật
hôm nay, Chúa Giêsu tuyên bố hậu quả của những người chu toàn hay không chu
toàn sứ vụ làm chứng nhân: “Thầy nói cho anh em biết: phàm ai tuyên bố nhận Thầy
trước mặt thiên hạ, thì Con Người cũng sẽ tuyên bố nhận người ấy trước mặt các
thiên thần của Thiên Chúa. Còn ai chối Thầy trước mặt thiên hạ, thì sẽ bị chối
trước mặt các thiên thần của Thiên Chúa.”
2.2/
Tội phạm đến Thánh Thần là tội nào? Một cách tổng quát là tội không tin vào Đức Kitô và
những gì Ngài dạy dỗ. Đối với người Do-Thái và ngay cả đối với chúng ta, sứ vụ
của Chúa Thánh Thần là làm cho con người nhận thức được Sự Thật. Tội phạm đến
Chúa Thánh Thần là tội từ chối không nghe và theo sự hướng dẫn của Ngài. Trong
Tin Mừng của Matthêu và Marcô, cả hai Thánh Ký đều đề cập đến tội phạm đến Chúa
Thánh Thần khi người Do-Thái bảo Chúa Giêsu: “Ông ấy nhờ quyền lực của tướng quỉ
mà trừ quỉ” (Mt 12:31-32, Mk 3:28-29).
Tại
sao không được tha? Khi
con người đã mất sự nhạy cảm về sự thật đến nỗi cho điều thật là sai và cho điều
sai là điều thật, hay như một số người Do-Thái, cho Chúa Giêsu là ma quỉ, làm
sao họ có thể tin vào Đức Kitô để được hưởng ơn Cứu Độ. Tương tự, một khi con
người đã mất hết ý thức về tội lỗi: chẳng còn cho cái gì là tội nữa, thì họ đâu
cần để được tha thứ! Vì thế, khi con người từ chối không nghe sự hướng dẫn của
Thánh Thần để nhận ra sự thật, con người sẽ không còn hy vọng để lãnh nhận ơn Cứu
Độ.
2.3/
Vai trò của Chúa Thánh Thần trong đời sống chứng nhân: Chúa Giêsu nói rõ
cho các môn đệ về vai trò của Chúa Thánh Thần: "Khi người ta đưa anh em ra
trước hội đường, trước mặt những người lãnh đạo và những người cầm quyền, thì
anh em đừng lo phải bào chữa làm sao, hoặc phải nói gì, vì ngay trong giờ đó,
Thánh Thần sẽ dạy cho anh em biết những điều phải nói." Thánh Thần được gọi
là Trạng Sư trong Tin Mừng Gioan; và nhiệm vụ của Trạng Sư là nói thay cho người
bị cáo. Chính sự khôn ngoan và sức mạnh của Thánh Thần đã làm cho những con người
yếu đuối và chất phác trở nên những vị tử đạo anh hùng, và lưu truyền cho hậu
thế những lời khôn ngoan, bất khuất, và kiên cường.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
-
Tin vào những gì Thiên Chúa hứa là điều kiện để được nên công chính và hưởng những
hồng ân của Ngài; và ngược lại.
-
Sứ vụ quan trọng của Chúa Thánh Thần trong Kế Họach Cứu Độ là làm cho con người
thấu hiểu những lời giảng dạy và mặc khải của Đức Kitô. Vì thế, chúng ta cần cầu
xin với Ngài mỗi khi nghe Lời Chúa để Ngài soi lòng mở trí cho chúng ta.
-
Chúng ta cần lắng nghe sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần để luôn biết tìm hiểu
và nhạy cảm với sự thật. Một khi đã khinh thường và mất đi nhạy cảm với sự thật,
con người không còn hy vọng được cứu rỗi.
Linh mục Anthony
Đinh Minh Tiên, OP
HẠT GIỐNG NẨY MẦM TUẦN 28TN
Lc 12,8-12
A. Hạt giống...
Văn mạch : Đoạn này tiếp liền đoạn hôm qua và
cùng một chủ đề “ Chúa Giêsu khuyên môn đệ mình hãy mạnh dạn sống và rao giảng
Tin Mừng, đừng sợ. Trong đoạn hôm qua, Chúa Giêsu đã đưa một lý do để đừng sợ,
đó là có Thiên Chúa quan phòng. Hôm hay Ngài đưa thêm hai lý do nữa :
1. Câu 8-10 : Lý do thứ hai để đừng sợ là
trong ngày phán xét chính Chúa Giêsu sẽ tuyên bố nhận kẻ can đảm làm chứng cho
Ngài. Lời trấn an này đi kèm với lời đe dọa : Chúa Giêsu sẽ không nhìn nhận kẻ
nào vì sợ mà chối Ngài.
2. Câu 11-12 : Lý do thứ ba để đừng sợ là sẽ có
Thánh Thần soi sáng cách ăn nói và ứng phó khi người môn đệ bị đưa ra trước
những nhà cầm quyền thế gian.
B.... nẩy mầm.
1. Tử đạo và chối đạo ngày nay : “Lời Chúa hôm
nay mời gọi chúng ta nhìn lại cuộc sống. Ngày nay những cuộc bách hại đạo công
khai không còn, nhưng những khó khăn mọi mặt mà người kitô hữu đang trải qua
cũng đủ để họ tuyên xưng đức tin đến mức tử đạo. Ngược lại, khước từ sống theo
những cam kết đức tin cũng là một hình thức chối đạo. Chối đạo khi không có
những hành động cụ thể, khi đóng khung đức tin vào những việc đạo đức làm vì
thói quen, khi không nhận ra tình yêu quan phòng của Thiên Chúa” (Trích
"Mỗi ngày một tin vui").
2. Lần đầu tiên giảng Lời Chúa, một nữ mục sư trẻ
giảng chưa được lưu loát lắm. Trong đám thính giả, một người lên tiếng : “Cô
ơi, cô chưa đủ khả năng giảng đâu. Cô nên xấu hổ về chính mình đi”. Nữ mục sư
đáp : “Vâng, tôi rất xấu hổ về tôi. Nhưng tôi không hề xấu hổ về Chúa Giêsu,
Đấng đã dám lấy chính máu mình để cứu chuộc chúng ta”. (Christian Herald).
3. Lc 1,28-37 : Khi nghe Thiên sứ báo Thiên Chúa
muốn giao cho Đức Maria một sứ mạng quan trọng là làm mẹ Đấng Cứu Thế, Người đã
“bối rối”. Nhưng thiên sứ đáp : “Đừng sợ... Thánh Thần đã ngự xuống trên cô...
Đối với Thiên Chúa không có gì là không thể làm được”.
4. Trong thời đầu mở mang Giáo Hội, các môn đệ
Chúa đã nhờ “tràn đầy Thánh Thần” nên “không sợ” áp bức, “mạnh dạn” loan báo
Tin Mừng (Cv 4,33 : các tông đồ ; Cv 7,55-56 : Têphanô ; Cv 21,8-14 : Phaolô)
Lm.Carolo HỒ BẶC
XÁI – Gp. Cần Thơ
19/10/13 THỨ BẢY TUẦN
28 TN
Th. Brêbớp, lm, Giogơ, lm và các bạn tử đạo
Lc 12,8-12
Th. Brêbớp, lm, Giogơ, lm và các bạn tử đạo
Lc 12,8-12
TUYÊN XƯNG CHÚA
“Phàm ai tuyên bố nhận Thầy
trước mặt thiên hạ, thì Con Người cũng sẽ tuyên bố nhận người ấy trước mặt các
thiên thần của Thiên Chúa.” (Lc 12,8)
Suy niệm: Có
thể ta chưa công khai chối Chúa, nhưng cũng chưa dám mạnh dạn tuyên xưng Ngài
trước mặt mọi người. Làm dấu Thánh Giá trước bữa ăn ở nơi công cộng đôi khi đã
gây cho ta chút ngại ngùng, huống chi do việc tuyên xưng ấy mà công ăn việc làm
có thể bị đe dọa, gia đình bị phiền phức, bạn bè chê cười. Lời Chúa hôm nay mời
gọi ta đừng sợ khi tuyên xưng niềm tin vào Chúa vì: (1) người đời chỉ có quyền
trên thân xác và cuộc sống hôm nay, duy mình Chúa mới có toàn quyền trên linh
hồn và cuộc sống đời đời; (2) mỗi người có giá trị lớn lao trước mặt Chúa, được
Chúa ân cần chăm sóc đến từng sợi tóc; và (3) Chúa Thánh Thần hằng hoạt động
trong mỗi người chúng ta.
Mời Bạn: Chúng
ta tin Chúa Giêsu là Chúa, là chủ của lịch sử nhân loại và của mỗi người chúng
ta. Chỉ khi tín thác vào Chúa, vững tin vào sự sống đời sau và sự hoạt động của
Chúa Thánh Thần nơi mình và vũ trụ, chúng ta mới có đủ sức mạnh để sống Lời
Chúa dạy, đủ can đảm vượt thắng nỗi sợ.
Chia sẻ: Môn
đệ Chúa Kitô là người nên cũng biết sợ, nhưng không vì sợ mà không dám sống
niềm tin. Điều gì giúp người Kitô hữu vượt lên nỗi sợ?
Sống Lời Chúa: Tôi
sẽ vượt thắng nỗi sợ bằng cách mạnh dạn hơn trong việc tuyên xưng niềm tin như
làm dấu Thánh Giá trước bữa ăn nơi công cộng, hay thực hiện điều răn Chúa dạy…
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, mỗi khi chúng con sống tốt lành, thật thà, quan
tâm giúp đỡ người anh em, xin cho chúng con luôn làm vì yêu mến Chúa và để rao
truyền danh Chúa. Amen.
Đừng
lo
Một người dứt khoát từ chối Thánh Thần là từ chối
chính Thiên Chúa. Người ấy không có sự mở ra sẵn sàng để đón nhận. Người ấy
không được tha thứ, đơn giản vì không muốn nhận ơn ấy.
Suy niệm:
Người ta thường nói giữ
đạo tại tâm.
Đức Giêsu hôm nay đòi ta
phải tuyên xưng Ngài trước mặt người đời,
nghĩa là tuyên xưng một
cách công khai, không giấu diếm.
Các thánh tử đạo Việt Nam
ngày xưa đã có kinh nghiệm đó.
Chỉ cần bước qua thập giá
là coi như chối bỏ niềm tin vào Đức Giêsu.
Không bước qua thập giá
là cử chỉ tuyên xưng đức tin rõ ràng nhất.
Một đoàn người đông đúc
đã sẵn lòng chịu muôn vàn khổ hình,
nhưng quyết không bước
qua thập giá.
Phêrô đã có kinh nghiệm
về sự công khai chối bỏ Thầy (Lc 22, 57).
Ông bảo mình không biết
Thầy, không phải là người đã ở với Thầy,
đã theo Thầy như một môn
đệ và như một người bạn.
Đơn giản là ông sợ bị
liên lụy, sợ chịu chung số phận của Thầy.
Xưa nay chẳng ai tuyên
xưng Đức Giêsu mà không phải trả giá.
Tuyên xưng bằng cách
không bước qua thập giá như hồi xưa,
hay tuyên xưng bằng cách
bước qua những mời mọc thời nay,
Coi nhẹ những gì thế gian
mê đắm và ưa chuộng,
Như khoái lạc, địa vị,
quyền lực, giàu sang.
Phêrô đã bất ngờ và dễ
dàng sa ngã.
Nhưng Đức Giêsu đã cầu
xin để ông được đứng lên (Lc 22, 32).
Sau này, Phêrô sẽ có kinh
nghiệm khác về việc công khai tuyên xưng.
Đó là lúc ông và Gioan bị
đem ra trước Hội Đồng Do Thái (Cv 4, 8)
Sau khi đã chữa một người
bất toại ở cửa Đền thờ.
Phêrô được đầy tràn Thánh
Thần, đã mạnh dạn làm chứng về Đức Kitô.
Hội Đồng kinh ngạc trước
sự bạo dạn của ông,
vì biết ông là người ít
học, quê mùa (Cv 4, 13).
Bạo dạn là nét của cộng
đoàn sơ khai, khi đứng trước đe dọa (Cv 4, 29).
“Chớ lo lắng phải biện hộ
làm sao hay phải nói gì,
vì Thánh Thần sẽ dạy các
ông ngay giờ đó về điều phải nói” (cc. 11-12).
Không sợ và không lo,
đó là thái độ của người
Kitô hữu trưởng thành trước nghịch cảnh.
Đừng phạm thượng đến
Thánh Thần, vì sẽ không được tha (c. 10).
Xúc phạm đến Thánh Thần
là cứ ngoan cố,
khăng khăng chống lại tác
động của Ngài trong đời ta.
Những mời gọi của Thánh
Thần bị bóp chết ngay từ đầu.
Một người dứt khoát từ
chối Thánh Thần là từ chối chính Thiên Chúa.
Người ấy không có sự mở
ra sẵn sàng để đón nhận.
Người ấy không được tha
thứ, đơn giản vì không muốn nhận ơn ấy.
Xin cho chúng ta nhận
được sự nâng đỡ của Thánh Thần
để làm chứng cho Giêsu
giữa lòng thế giới.
Và xin cho ta chấp nhận
cái giá phải trả cho một tình yêu tín trung.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, vị tử đạo tuyệt vời,
Chúa
đưa chúng con vào thế giằng co liên tục.
Chúa
vừa chọn chúng con ra khỏi thế gian,
lại
vừa sai chúng con vào trong thế gian đó.
Thế gian này vàng thau
lẫn lộn.
Có khi vàng chỉ là lớp mạ
bên ngoài.
Xin cho chúng con giữ được bản lãnh của mình,
giữ được vị mặn của muối,
và sức tác động của men,
để đem đến cho thế gian
một linh hồn, một sức
sống.
Chúng con chẳng sợ mình bỏ đạo,
chỉ sợ mình bỏ sống đạo
vì bị quyến rũ bởi bao
thú vui trần thế.
Xin cho chúng con đừng bao giờ quên rằng
chúng con mang dòng máu
của các vị tử đạo,
những người đã đặt Chúa
lên trên mạng sống.
Lạy Chúa Giêsu, nếu thế gian ghét chúng con,
thì xin cho chúng con cảm
thấy niềm vui
của người được diễm phúc
nên giống Chúa. Amen.
Lm Antôn Nguyễn Cao
Siêu, SJ
Cuộc
Sống Chứng Tá
Sau khi khiển trách các người pharisiêu và những nhà thông
luật, Chúa Giêsu kêu gọi các môn đệ hãy có lòng can đảm tuyên xưng đức tin
trước mặt mọi người, ngay cả trước những kẻ dữ mà không sợ bị bách hại. Bài
trình thuật Phúc Âm hôm nay vì thế mời gọi tất cả chúng ta hướng về một đức tin
xác quyết và một niềm hy vọng bất diệt vào quyền năng của Chúa Thánh Thần. Chúa
Giêsu dạy bảo các môn đệ hãy can đảm làm chứng tá cho Thiên Chúa giữa lòng thế
gian, bất chấp những sự bách hại của các quyền lực trần thế, đó là điều kiện để
các ông được Chúa Cha trên trời đón nhận như Ngài nói: "Phàm ai tuyên bố
nhận Thầy trước mặt thiên hạ, thì Con Người cũng sẽ tuyên bố nhận người ấy
trước mặt các thiên thần của Thiên Chúa".
Tất cả cuộc sống của người Kitô không nằm ở thái độ biểu
dương đức tin để trở nên xứng đáng với trước mặt Thiên Chúa, nhưng là thái độ
khiêm tốn và xác tín trong việc sống thực hành những lời răn của Thiên Chúa mà
không đòi hỏi bất cứ sự đền bù nào. Khi Chúa Giêsu nói: "Bất cứ ai nói
phạm đến Con Người thì còn được tha, nhưng ai nói phạm đến Thánh Thần thì sẽ
chẳng được tha", Người ngụ ý dạy rằng tội lỗi thực sự của loài người là sự
ngoan cố đối nghịch với Thiên Chúa và từ khước tình yêu thương và sự tha thứ
của Người.
Chúa Thánh Thần là Ðấng của tình yêu thương và sự tha thứ. Ai
khước từ Chúa Thánh Thần là hoàn toàn từ chối sự cứu rỗi mà Thiên Chúa hứa ban
cho nhân loại. Hồng ân và sức mạnh đến từ Chúa Thánh Thần làm cho đức tin của
chúng ta được tăng trưởng và đức tin đó được đun nóng từ Chúa Thánh Thần sẽ
thúc đẩy chúng ta đến những hành động anh hùng bằng gương tử đạo. Gương tử đạo
không xuất phát từ các yếu tố con người mà là kết quả đến từ những ai để cho
ngọn lửa tình yêu của Chúa Thánh Thần bùng cháy trong tâm hồn mình đó là hồng
ân của Chúa Thánh Thần ban cho những ai biết mở rộng con tim để đón nhận Người.
Trong bài Phúc Âm hôm nay, Chúa Giêsu biết rằng các môn đệ sẽ
chịu nhiều thử thách, thế nên Người đã cảnh giác rằng các ông có thể sẽ mất đi
những hồng ân của Thiên Chúa và rơi vào tình trạng nghi ngờ hay từ bỏ đức tin.
Mặt khác, Người cũng bảo đảm rằng Chúa Thánh Thần sẽ ban cho các ông sự khôn
ngoan và lòng can đảm để đối diện với những kẻ dữ trong giờ phút bị bách hại.
Ðồng thời, Chúa Giêsu cũng lên án những kẻ nói phạm đến Thánh Thần. Sự phạm
thánh đó bao gồm những hành động hay những tư tưởng chống đối Thiên Chúa tiềm
ẩn trong con tim hay biểu lộ ra bên ngoài. Tội nói phạm đến Chúa Thánh Thần là
thái độ của những kẻ cứng lòng từ chối tình yêu và sự tha thứ của Thiên Chúa mà
không thực lòng muốn sám hối.
Lòng nhân ái của Thiên Chúa thì vô bờ bến nhưng nếu một ai từ
chối lòng thương xót của Người thì sẽ tự mình kết án chính mình. Hồng ân đến từ
Chúa Thánh Thần sẵn sàng ban xuống cho những ai tin nhận Chúa Giêsu là Thiên
Chúa và là Ðấng Cứu Thế.
Lạy Chúa,
Người là niềm hy vọng và là sự cứu rỗi của chúng con. Xin cho
chúng con biết đặt sự tin tưởng vào Chúa trong bất kỳ hoàn cảnh khó khăn hay
cám dỗ nào. Xin hãy để ngọn lửa của Chúa Thánh Thần bùng cháy trong con tim
chúng con, cho chúng con sự khôn ngoan và can đảm để theo gương đức tin mặc dù
phải đối diện với những sự bách hại của kẻ dữ.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
Suy niệm
Chúa Thánh Thần
Bài tin mừng hôm nay tiếp tục ghi lại những lời
Đức Giêsu huấn dụ các môn đệ phải can đảm tuyên xưng danh Chúa và đặc biệt là
vai trò của Chúa Thánh Thần trong đời sống đức tin của mỗi người kitô hữu.
Chúa Thánh Thần hướng dẫn con người đi tìm chân
lý, đi tìm sự thật. Qua mọi thời và mọi nơi, Chúa Thánh Thần an ủi và nâng đỡ
Giáo hội và các Kitô hữu can đảm tuyên xưng đức tin. Thật vậy, dù gặp bao nhiêu
thử thách, bao nhiêu bắt bớ nhưng các Tông đồ vẫn hiên ngang ra đi rao giảng
tin mừng vì các Ngài xác tín vào sự hiện diện của Chúa Thánh Thần và đó cũng là
lời mời gọi của Chúa Giêsu “phàm ai tuyên bố nhận Thầy trước mặt thiên hạ,
thì Con Người cũng sẽ tuyên bố nhận người ấy trước mặt các thiên thần của Thiên
Chúa.” Vì vậy, trong bất cứ hoàn cảnh nào, dù có bị bách hại, với Chúa
Thánh Thần cũng phải luôn giữ vững đức tin và trung thành với Chúa.
Tuy tôi không chối Chúa, nhưng đôi khi tôi có
những suy nghĩ, hành động ngược lại với giáo huấn của Chúa và Hội Thánh. Tôi
không phạm đến Chúa Thánh Thần, nhưng thực tế tôi không quan tâm đến Ngài,
không biết quý trọng ơn huệ Ngài ban vì tôi làm mọi sự theo ý tôi, không biết
phó thác cho Ngài.
Lạy Chúa, xin cho con nhận ra những ân huệ Chúa
ban, để con biết mở lòng đón nhận, biết cảm tạ, biết phó thác cuộc đời cho
Chúa, nhất là khi con gặp những khó khăn trong cuộc sống. Amen.
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
19 THÁNG MƯỜI
Chứng
Từ Của Tình Yêu Huynh Đệ
Sau khi ghi nhận những công việc xuất phát từ
tình yêu lớn lao dành cho Chúa Kitô trong trái tim của người phụ nữ này – một
tôi tớ nhỏ bé của Thiên Chúa – tôi liên tưởng đến giáo huấn mà Tông Đồ Phao-lô
đã viết cho các tín hữu Philipphê: “Nếu quả thật sự liên kết với Đức Kitô đem
lại cho chúng ta một niềm an ủi, nếu tình bác ái khích lệ chúng ta, nếu chúng
ta được hiệp thông trong Thần Khí, nếu chúng ta sống thân tình và biết cảm
thương nhau, thì xin anh em hãy làm cho niềm vui của tôi được trọn vẹn, là hãy
có cùng một cảm nghĩ, cùng một lòng mến, cùng một tâm hồn, cùng một ý hướng như
nhau” (Pl 2,1-2).
Phải chăng những lời này của vị Tông Đồ Dân Ngoại
chỉ dành cho giáo đoàn ở Philipphê? Hay chỉ gởi cho giáo hội ở Calcutta? Không!
Đó là những lời được gởi cho toàn thể Giáo Hội ở mọi nơi trên thế giới, gởi cho
mọi người Kitô hữu! Có thể nói, đó là những lời được gởi cho mọi tín đồ thuộc
mọi niềm tin tôn giáo, cho tất cả những con người thiện chí. Đó là một chứng từ
của tình yêu huynh đệ: “Xin anh em hãy làm cho niềm vui của tôi được nên trọn
vẹn, là hãy có cùng một cảm nghĩ, cùng một lòng mến, cùng một tâm hồn, cùng một
ý hướng như nhau. Đừng làm gì vì ganh tị hay vì hư danh, nhưng hãy lấy lòng
khiêm nhường mà coi người khác hơn mình” (Pl 2,2-3).
Đừng! Chúng ta đừng bao giờ hành động theo hướng
nuôi dưỡng hận thù, bất công, hoặc gây ra đau khổ! Đừng bao giờ hành động để
chạy đua vũ trang! Đừng bao giờ hành động theo hướng áp bức các dân tộc yếu
kém! Đừng bao giờ hành động theo những dạng trá hình của chủ nghĩa đế quốc và
những ý thức hệ bất nhân chà đạp tinh thần người ta.
Cuối cùng, hãy cho phép những người thấp cổ bé
miệng được lên tiếng nói! Hãy cho phép những người nghèo của Mẹ Têrêsa – cũng
như mọi người nghèo trên thế giới – được lên tiếng nói! Bởi tiếng nói của họ
chính là tiếng nói của Đức Kitô! Amen.
- suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II
Lời
Chúa Trong Gia Đình
Ngày 19-10: Thánh Gioan Brêbeuf, linh mục;Thánh
Isaac Jôgues, linh mục và các bạn tử đạo;Thánh Phaolô Thánh Giá linh muc; Rm
4,13.16-18; Lc 12, 8-12
LỜI
SUY NIỆM: “Thầy nói cho anh em biết: phàm ai tuyên bố nhận Thầy trước mặt thiên
hạ, thì Con Người cũng sẽ tuyên bố nhận người ấy trước mặt các thiên thần của
Thiên Chúa” (Lc 12,8).
Trong cuộc sống của người Kitô hữu luôn có những
sự đe dọa từ bên ngoài, càng văn minh, thì những mối đe dọa đó càng tinh vi,
làm cho chúng ta chối bỏ Chúa mà chúng ta không hay biết như: trong công ăn
việc làm để được thật giàu có, trong địa vị chức quyền muốn có một chỗ đứng cao
sang quyền quý... Tất cả những thứ ấy đều phải đánh đổi lương tâm chân chính
của mình mới có được. Nên trước mọi suy nghĩ, những ước muốn và hành động của chúng
ta cần phải biết chọn Chúa hay là chối Chúa để thực hiện những điều trên.
Mạnh Phương
Gương
Thánh Nhân
Ngày 19-10
Thánh PHAOLÔ THÁNH GIÁ
(1694 - 1775)
Ít có biến cố đẹp mắt để ghi lại cuộc đời của
Paul Prannes Daniel. Thường trọn đời Ngài dành cho cầu nguyện, sám hối và tôn
sùng cụôc tử nạn của Chúa. Ngài là dụng cụ phổ biến lòng tôn sùng này với dòng
tu Ngài thiết lập, dòng Thương khó. Ngài sinh tại miền Bắc Ý năm 1694 từ một
gia đình trung lưu đạo đức. Dầu cuộc sống Ngài cho tới tuổi15 đã diễn ra như
cuộc sống bình thường của người Kitô hữu, nhưng vào thời này, người đã trải qua
một loạt trở lại khiến Ngài dâng trọn đời cho việc cầu nguyện hãm mình: Ngài
quỳ gối lâu giờ, thực hành những việc phạt xác như ngủ trên đất và ăn chay liên
tục, nhờ đó ảnh hưởng đối với những người đương thời, khiến nhiều người đi tu
dòng hay là một linh mục triều.
Vào tuổi 20, việc gia nhập đạo quân Venise để bảo
vệ Kitô giáo chống lại người Hồi cho thấy sau một thời lý tưởng Ngài đã khác.
Nhưng Ngài đã trở lại đời sống cầu nguyện hãm mình.
Sáu năm qua đi và chỉ đến lúc 26 tuổi, Ngài mới
thấy rõ hơn chuỗi ngày tương lai của mình trong một loạt các thị kiến. Ngài
hiểu rằng: mình phải lập một dòng tu đặc biệt tôn sùng cuộc khổ nạn. Trước hết
Ngài bắt đầu nếp sống mà tu sĩ dòng Thương khó sẽ phải sống, trong khi phát ra
một qui luật gửi về Roma xin phê chuẩn. Sau một ít khó khăn, luật này đã được
chuẩn nhận. Ngài và em mình là Gioan Tẩy giả đã lập dòng ở Mote Argentaro và
nhận những tập sinh đầu tiên. Đức Bênêdictô XIV đã buộc giảm nhẹ đôi chút sự
khắc khổ trong đời sống tu trì và đi rao giảng trong các miền lân cận.
Phaolô là một nhà truyền giáo nhiệt thành rao
giảng cuộc Thương Khó khắp nơi và gây được nhiều cuộc trở lại. Những năm cuối
đời, Ngài đã lập dòng các nữ tu thương khó. Bây giờ Ngài được dân chúng coi như
một vị thánh và mỗi khi đi qua đâu, Ngài phải chịu đựng đám đông những người lo
kiếm miếng vải áo Ngài làm thánh tích, họ chạm tới Ngài hay xin Ngài chữa bệnh
hoặc một ân huệ nào khác. Ngài qua đời ngày 18 tháng 10 năm 1775 vào tuổi 80 và
được tuyên thánh khoảng gần thế kỷ sau năm 1865.
Điều lạ lùng là vị thánh người Ý không hề rời xa
quê hương mình sinh trưởng lại rất quan tâm tới việc trở lại của nước Anh mà
Ngài biết đến rất ít. Ngài nói: "Nước Anh luôn ở trứơc mặt tôi và nếu nước
Anh trở lại công giáo thì ích lợi cho Giáo hội vô kể". Dầu bản thân Ngài
đã không thể đi bước tích cực nào để cải tiến vấn đề, cũng cần ghi lại rằng 65
năm sau khi Ngài qua đời,một tu sĩ, dòng Thương Khó, anh Dominicô Barbeni đã
tới nước Anh và trở thành dụng cụ đưa về hiệp thông với Giáo hội Jolm Hery
Newman và nhiều người khác nữa, như thế là góp phần vào việc phục hồi đạo công
giáo tại xứ sở này.
Ngày 19-10 CÁC THÁNH TỬ ĐẠO MIỀN BẮC MỸ
(Thế kỷ XVII)
Rênê (+1642) Jean Lalande Và Isaac Jogues (+1644)
Antoine Daniel (+1648) Jean De Brébeuf Và Gabriel Lalemant (+1649) Charles
Garnier Và Noel Chabanel (+1649)
Ngay từ năm 1608, hai tu sĩ dòng Tên đã được gởi
tới miền Nova Scotia, nhưng công cuộc sớm bị ảnh hưởng những cuộc chiến tranh
với nước Anh và mãi tới năm 1632 khi Canada đi về với Pháp, trung tâm truyền
giáo mới được các tu sĩ dòn Tên thiết lập thường xuyên ở Rucbee.
Năm 1633, bề trên Paul le Jeune kết hợp với Jean
de Brébeuf, một nhà quí phái sinh tại Normandie, và Antoine Daniel với Ennemond
Massé. Những khó khăn của các nhà thám hiểm này được biểu trưng bằng những kinh
nghiệm của Le Jeune khi Ngài theo nhóm Algonquin đi săn bắn: những cố gắng rao
giảng của Ngài bị phá hoại bởi những tiếng reo hò, chế giễu, bởi vì người da đỏ
dạy người nói thổ ngữ để châm chọc đã dùng những chữ độc ác nhất đặt ngang với
từ ngữ chỉ đức tin Kitô giáo. Le Jeune cũng bắt dầu cảm thấy bốn khía cạnh tệ
hại nhất trong đời sống dân da đỏ là: lạnh, nóng, khói và chó. Trong căn lều
chất đầy đàn ông, đàn bà và chó ngủ chung quanh đống lửa đến khi thường bị mù
lòa. Một sự kiện khiến Le Jeune nhận định: "Những lương dân bất hạnh này
trải qua cuộc sống đời tạm trong khói mờ và chôn vùi cuộc sống đời đời trong
lửa cháy".
Le Jeune quyết định rằng không có cuộc truyền
giáo nào hy vọng thành công được nếu không hướng về những bộ lạc đã định cư.
Dân Huron sống ở miền phía đông bờ biển Huron đã được chọn làm trung tâm truyền
giáo. Năm 1634, Brébeuf Daniel và Davort đã thành công trong việc hoà đồng với
dân tộc gồm hai chục ngàn dân sống trong ba mươi làng, mỗi làng có khoảng bảy
trăm dân này.
Các nhà truyền giáo gặp được những người da đỏ
lịch sự nhưng xa cách trẻ em và những người hấp hối hầu như không thể trở lại
đạo được, vì họ chỉ coi đó là tôn giáo của người da trắng. Họ hỏi: "Các
ông có săn bắn trên thiên đàng, đánh nhau hay mừng lễ không ?". Được trả
lời là không. Họ liền đáp lời: "Vậy chúng tôi không tới đó đâu. Nhàn cư vi
bất thiện. Các nhà truyền giáo nhận thấy điều chống lại mình chính là cả nếp
sống với những cưới hỏi phải tranh hùng, những hành hạ và những cuộc ăn thịt
người. Các Ngài quyết định chính mình tập trung dân lại, không coi họ là đồng
minh. Nhưng khích lệ và còn hy vọng những cuộc hôn nhân với dân cư gốc Pháp
nưã.
Sự sáng suốt của quyết định này đã được củng cố
với những kinh nghiệm thu lượm được trong cuộc thí nghiệm năm 1638, trùng hợp
với việc đến góp mặt của năm nhà truyền giáo khác nữa trong đó có:
Isaac-Joques, một học giả và nhà lực sĩ có thể qua mặt cả người da đỏ và
Charles Garnier. Dân da đỏ bắt đầu thù nghịch với các tu sĩ dòng Tên như là
những phù thủy nguyền rủa dân tộc họ, khi ấy bóng áo dài của các Ngài in trên
nền tuyết trắng trên đường đi tới làng nào, trẻ con khóc thét tìm mẹ như là cơn
đói và dịch tễ đã đến. Đó là lúc Jean de Brebeuf thấy thánh giá vĩ đại của mình
tiến đến từ vùng đất dân Iroquois cư ngụ, kẻ thù của dân Huron. Khi được hỏi
thánh giá ấy giống cái gì, Ngài trả lời: "Nó lớn đủ để đóng đinh tất cả
chúng ta".
Dân Iroquois nuôi dưỡng sự tức giận từ khi bị
người Pháp đánh bại 30 năm về trước và mức độ tấn công của họ ngày càng lớn
thêm. Vào tháng tám năm 1624 Jognes, Goupil (một giáo dân cộng tác vào việc
truyền giáo) và một nhóm người da đỏ từ Quebu trở về với thực phẩm cần thiết
cho nhóm truyền giáo và những người dân da đỏ đói khổ. Họ bị dân Iroquois tấn
công và bắt giữ. Dân này gặm tay họ như chó dại, rút móng tay và bắt họ chạy
giữa hai hàng người cho người ta đánh đập mỗi khi qua làng nào. Sự tinh chế hay
là "Mơn trớn" (như người da đỏ nói) của cực hình họ chịu còn nhiều
hơn nữa: than nóng, dao mác, cắt xẻo để diễu cợt và vui chơi. Cái chết trong
bầu khí quỉ quái hơn là chỉ để vui chơi, thường bằng cách thiêu sống và rồi sau
đó thân thể được phân phát làm của ăn.
Goupil tồi tệ nhất. Ngài bị giết ngày 29 tháng 9
năm 1642 bằng một nhát búa vì dám rửa tội một em bé nhưng Jognes bị giam giữ
nhiều tuần với bản án tử hình vĩnh viễn. Cuối năm 1643, với sự trợ giúp của vài
nhà buôn Hòa Lan, Ngài đã trốn thoát được về Pháp bằng tàu, nhưng lại trở lại
truyền giáo năm 1644 và được chính quyền miền tân Pháp gửi tới dân Iroquois như
một sứ giả trong một thời gian hưu chiến ngắn.
Được khích lệ bởi những kết quả của cuộc viếng
thăm này, Jognes đã trở lại với một giáo hữu trợ tá khác là Jean Lalande. Nhưng
thành công của họ không sống lâu: một vụ mất mùa, một cái hộp khả nghi của
Jognes mà người da đỏ tin là có chứa một tai họa và cả hai bị bắt, bị hành hạ,
bị giết ngày 18 tháng 10 năm 1644.
Hầu hết dân Huron đã bắt đầu đón nhận đức tin
Kitô giáo, tinh thần của họ như một dân bị khổ cực với những cuộc tấn công liên
lỉ của dân Iroquois. Cuộc tử đạo kế tiếp xảy ra vào ngày 4 tháng 7 năm 1648 khi
pháo đài chính xứ thánh Giuse, một làng 26 ngàn người bị dân Iroquois phá hủy.
Antoin Daniel thành công trong 4 năm liên tiếp vừa mới cử hành thánh lễ xong,
khi thấy nhóm người bảo vệ bị vây khốn, Ngài giục họ trốn đi và nói: "Tôi
sẽ ở lại đây, chúng ta sẽ gặp lại nhau trên thiên đàng". Mặc nguyên áo,
Ngài tiến ra gặp người Iroquois. Họ ngỡ ngàng nhìn lại một chút, rồi bắn một
loạt tên. Sau đó bắt nạn nhân của mình, tắm mặt họ vào máu Ngài và ném xác Ngài
vào ngôi nhà thờ đang bốc cháy.
Mùa Xuân tiếp sau, người Iroquois tăng gấp đôi nỗ
lực nhằm hại người Huron và trong một cuộc tấn công của 1000 người vào làng
thánh Lu-y, họ bắt thánh Jean de Brébeuf và Gabriel Lement, thánh Jean de
Brebeuf bị hành hạ nghiêm khắc đến nỗi đã chết sau 4 tiếng đồng hồ. Một chiếc
vòng bằng vàng những cái rìu nóng đỏ quấn quanh cổ Ngài và Ngài đã được một
người Huron phản đạo rửa tội trong nước sôi. Nằm chết, đám đông uống máu Ngài
và thủ lãnh họ được đặc ân ăn trái tim Ngài.
Lelemant ốm yếu đã sống sót được 17 giờ bị hành
hạ trước khi tắt hơi ngày 17 tháng 3 năm 1649.
Hai vị tử đạo khác bị những người Thổ của Giáo
hội người da đỏ kêu gào đòi mạng khi sự khủng khiếp trải rộng tới dân tộc
Tobacco sống ở những thung lũng núi Blue. Trong cuộc tấn công vào xứ thánh Gioan
tháng 12 năm 1644, Charles Garnier đã bị giết khi Ngài cố gắng giải tội cho một
người da đỏ, đang hấp hối. Là con của một người dân thành Paris, Ngài đã sống
bằng rễ cây và trái sồi và đi bộ 30 hay 40 dặm dứơi sức nóng của mùa hạ qua
miền đất thủ hần để rửa tội một người da dỏ đang hấp hối. Bạn Ngài, Noel
Chabanel ngán các điều kiện của việc truyền giáo đến nỗi tự buộc mình bằng lời
khấn sẽ ở lại đó cho tới chết, đã bị giết chết bởi một người Huron phản đạo vì
tin rằng: tôn giáo mới chịu trách nhiệm về số phận đau khổ của quê hương anh
ta.
Cuộc truyền giáo cho người Huron như thế thật
gian khổ chỉ thấy chán nản thất vọng và phân tán. Tuy vậy ảnh hưởng của cuộc
truyền giáo đã thay đổi nếp sống những người da đỏ, dầu họ còn hoang dại nhưng
hết độc ác.
(daminhvn.net)
19 Tháng
Mười
Ôi
Giêsu, Ôi Giêsu!
Jeanne
D'Arc, một cô gái quê, đã nghe theo tiếng gọi từ trời cao để cầm quân đánh đuổi
người Anh ra khỏi đất Pháp. Nhờ chiến thắng này, hoàng tử Charles đã được đăng
quang làm vua nước Pháp.
Nhưng
sau đó trong một trận chiến khác, Jeanne D'Arc bị bại trận, cô bị người Anh bắt
giữ và kết án hỏa thiêu. Trong những giờ phút cuối cùng cô chỉ còn trơ trọi một
mình: người mẹ thân yêu ở cách xa ngàn dặm, vua Charles không muốn bỏ tiền ra
để chuộc cô, các tướng lãnh và binh lính đã từng sát cánh bên cô cũng đã bỏ
chạy trốn hết. Chỉ còn lại âm thanh lúc nào cũng trung thành với cô: đó chính
là tiếng kêu của cô.
Trong
cơn đau đớn cùng cực, người thiếu nữ đã kêu lớn: "Ôi Giêsu, ôi
Giêsu!". Quả thật, dù lòng người có bội bạc phôi pha, Chúa Giêsu vẫn luôn
ở với cô và luôn an ủi đỡ nâng cô.
Tin tưởng là tiếp tục yêu mến cho dù trong từng
phút giây ta có bị người đời bỏ rơi, phản bội. Yêu là tin rằng ta có thể trung
thành trước những bất trung của người khác và những thăng trầm của cuộc sống.
Chúng ta đứng vững trong niềm tin vì cho dù xung quanh ta không còn một bóng
người, Thiên Chúa vẫn luôn ở đó.
(Lẽ
Sống)
Thứ Bẩy 19-10
Các Thánh Tử Ðạo Bắc Mỹ Châu
Isaac Jogues (1607-1646): Thánh Isaac Jogues và các bạn là những người
tử đạo đầu tiên của Bắc Mỹ Châu. Khi còn là một linh mục dòng Tên trẻ tuổi,
ngài là một người có học thức và văn hóa, dạy văn chương ở Pháp. Nhưng ngài đã
từ bỏ công việc này để phục vụ người da đỏ Huron ở Tân Thế Giới, vào năm 1636
ngài và các bạn, dưới sự lãnh đạo của Cha Jean de Brebeuf, đã đến Québec. Thời
ấy, người Huron thường hay giao chiến với người Iroquois, và chỉ sau vài năm
Cha Jogues và các linh mục khác đã bị người Iroquois bắt và cầm tù trong 13
tháng. Các lá thư và nhật ký của ngài cho thấy các ngài đã bị đưa từ làng này
sang làng khác, bị đánh đập, bị tra tấn và buộc phải nhìn thấy cảnh những người
Huron trở lại đạo bị xẻo thịt và giết chết.
Một cơ hội bất ngờ đã
giúp Cha Isaac Jogues vượt thoát đến Hòa Lan, và ngài trở về Pháp với những
chứng tích của sự tra tấn. Những ngón tay bị cứa, bị bầm dập và bị cháy nám.
Ðức Giáo Hoàng Urbanô VIII đã cho phép ngài cử hành Thánh Lễ với bàn tay tàn
tật: "Thật hổ thẹn nếu một vị tử đạo của Ðức Kitô không được phép uống Máu
Thánh Ðức Kitô." Sau khi được chào đón như một vị anh hùng, người ta nghĩ
Cha Jogues có thể nghỉ ngơi và và sống an nhàn cho đến tuổi già. Nhưng nhiệt
huyết rao giảng Tin Mừng lại thúc giục ngài trở về với ước mơ ban đầu. Trong
một vài tháng sau, ngài lại dong buồm sang truyền giáo cho người Huron.
Vào năm 1646, Cha Jogues
và Cha Jean de Lalande đến phần đất của người Iroquois với sự tin tưởng rằng
người da đỏ sẽ tôn trọng hiệp ước hòa bình mới được ký kết. Nhưng ngay lập tức,
các ngài đã bị phe gây chiến Mohawk bắt giữ, và vào ngày 18-10 Cha Jogues đã bị
tra tấn bằng rìu và bị chặt đầu. Cha Jean de Lalande bị chết vào ngày hôm sau ở
Ossernenon, một làng gần Albany, Nữu Ước.
Một trong các vị thừa
sai dòng Tên tử đạo đầu tiên là Cha Rene Goupil, là người cùng với Cha Lalande
đã hy sinh mạng sống như của tế lễ. Ngài bị tra tấn cùng với Cha Isaac Jogues,
và bị chém bằng rìu vì đã làm dấu Thánh Giá trên trán các trẻ em.
Thánh Jean de Brebeuf
(1593-1649): Jean de Brebeuf là một
linh mục dòng Tên người Pháp, đến Gia Nã Ðại lúc 32 tuổi và làm việc ở đây
trong vòng 24 năm. Khi nước Anh xâm chiếm Québec năm 1629 và trục xuất các linh
mục dòng Tên thì ngài trở về Pháp, và bốn năm sau ngài trở lại hoạt động. Lúc
ấy, người Huron bị dịch đậu mùa và người thầy thuốc của họ đổ lỗi cho các cha
dòng Tên, nhưng Cha Jean vẫn ở lại đó.
Ngài đã soạn bộ giáo lý
và tự điển tiếng Huron, và được nhìn thấy 7,000 người trở lại đạo trước khi
ngài từ trần. Ngài bị người Iroquois bắt và sau bốn giờ tra tấn dã man, ngài đã
trút hơi thở cuối cùng ở Sainte Marie, gần Georgian Bay, Gia Nã Ðại.
Cha Anthony Daniel, cũng
phục vụ cho người Huron và bị người Iroquois giết chết vào ngày 4 tháng Bảy,
1648. Thi thể của ngài bị ném vào nhà nguyện và sau đó bị đốt cháy.
Thầy Gabrien Lalemant,
sau khi chịu chức bốn cũng đã hy sinh mạng sống cho người da đỏ. Cùng với Cha
Brebeuf, ngài bị tra tấn cho đến chết.
Cha Charles Garnier bị
bắn chết khi ngài rửa tội cho các trẻ em và người dự tòng trong một cuộc tấn
công của người Iroquois.
Cha Noel Chabanel bị
giết trước khi được gọi về Pháp. Ngài thấy thật khó khăn để thích ứng với đời
sống truyền giáo. Ngài không thể học được tiếng thổ âm, và ghê tởm thức ăn và
đời sống của người da đỏ, và ngài cảm thấy tinh thần thật khô khan trong thời
gian ở Gia Nã Ðại. Tuy nhiên ngài đã giữ lời hứa ở lại đây cho đến chết trong
sứ vụ truyền giáo.
Tám vị linh mục dòng Tên
tử đạo đầu tiên ở Bắc Mỹ Châu này đã được phong thánh vào năm 1930.
Lời Bàn
Ðức tin và đặc tính anh
hùng đã in sâu niềm tin nơi thập giá Ðức Kitô trên quê hương Mỹ Châu. Giáo Hội
Bắc Mỹ được phát sinh từ dòng máu tử đạo. Nhưng liệu chúng ta có còn hăng hái
để giữ thập giá ấy vươn cao giữa chúng ta hay không? Chúng ta có còn can đảm để
làm chứng cho đức tin đã ăn sâu nơi chúng ta, làm chứng cho Tin Mừng của thập
giá cứu độ nơi gia đình, sở làm, và ngoài xã hội hay không?
Lời Trích
"Tôi tín thác
vào Thiên Chúa là Ðấng không cần đến sự giúp đỡ của chúng ta để hoàn thành công
trình của Người. Mỗi một nỗ lực của chúng ta là để giúp lập công và trung tín
với Người, vậy chúng ta đừng làm hư hại công trình của Người bằng những khiếm
khuyết của chúng ta" (trích từ lá thư Thánh Isaac Jogues gửi cho một
linh mục bạn ở Pháp, ngày 12-9-1646, một tháng trước khi ngài tử vì đạo).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét