THỨ HAI 4/11/2013
Thứ Hai sau Chúa Nhật
31 Quanh Năm
Thánh Carôlô Borômêô, giám mục. Lễ nhớ.
*Thánh
Carôlô Borrômêô, Tổng Giám Mục Milan (1538-1584)
Thánh Carôlô sinh ngày 02/10/1538 tại Milan, nước Ý, thuộc
Borrômêô. Năm 12 tuổi dâng mình cho Chúa và sau đó gia nhập hàng giáo sĩ. Năm
21 tuổi đỗ tiến sĩ giáo luật và dân luật. Năm 1560, ngài lại được Ðức Giáo
Hoàng triệu về La Mã và được phong làm Hồng Y quốc vụ khanh giáo triều, kiêm
nhiệm Tổng Giám Mục thành Milan.
Ngài đã có công rất lớn trong việc điều hành công đồng
Tridentinô. Thời đó bệnh dịch lan tràn khắp thành Milan, ngài đã bán hết tài
sản để cứu trợ kẻ nghèo. Ngài đích thân thăm viếng những người mắc bệnh, an ủi
và ban các bí tích cho họ. Ngài còn viết nhiều sách có giá trị đặc biệt về mục
vụ của các Giám Mục và việc dạy giáo lý của các cha sở. Ngài đã lập một dòng
riêng cho địa phận mang tên thánh Ambrôsiô. Ngài cũng xây cất nhiều cơ sở giáo
dục Công Giáo và Chủng Viện. Trong bất cứ công việc gì, ngài chỉ nhắm một mục
đích phụng sự thánh ý Chúa.
Ngày 03/11/1584, ngài từ trần tại Milan trong khi đang quên
mình phục vụ cho các nạn nhân đói rách bệnh tật, hưởng thọ 47 tuổi. Ðức Giáo
Hoàng Phaolô V đã phong ngài lên bậc Hiển Thánh năm 1610.
Bài Ðọc I: (Năm I) Rm 11, 29-36
"Thiên Chúa đã
để mọi người phải giam hãm trong sự cứng lòng tin, để Chúa thương xót hết mọi
người".
Trích
thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma.
Anh
em thân mến, Thiên Chúa ban ơn và kêu gọi ai, thì Người không hề hối tiếc. Như
xưa anh em không tin Thiên Chúa, nhưng nay vì họ cứng lòng tin, nên anh em được
thương xót, cũng thế, nay họ không tin, vì thấy Chúa thương xót anh em, để họ
cũng được thương xót. Thiên Chúa đã để mọi người phải giam hãm trong sự cứng
lòng tin, để Chúa thương xót hết mọi người.
Ôi
thẳm sâu thay sự giàu có, thượng trí và thông biết của Thiên Chúa! Sự phán quyết
của Người làm sao hiểu được, và đường lối của Người làm sao dò được! Vì chưng,
nào ai biết được ý Chúa? Hoặc ai đã làm cố vấn cho Người? Hay ai đã cho Người
trước để Người sẽ trả lại sau? Vì mọi sự đều do Người và trong Người: nguyện
Người được vinh quang đến muôn đời. Amen.
Ðó
là lời Chúa.
Ðáp
Ca: Tv 68, 30-31. 33-34. 36-37
Ðáp: Lạy Chúa, đây
là lúc biểu lộ tình thương, xin nhậm lời con (c. 14cd).
Xướng: 1) Phần con, con
đau khổ cơ hàn; lạy Chúa, xin gia ân phù trợ, bảo toàn thân con. Con sẽ xướng
bài ca ngợi khen danh Chúa, và con sẽ chúc tụng Ngài với bài tri ân. - Ðáp.
2)
Các bạn khiêm cung, hãy nhìn coi và hoan hỉ, các bạn tìm kiếm Chúa, lòng các bạn
hãy hồi sinh: vì Chúa nghe những người cơ khổ, và không chê bỏ con dân của Người
bị bắt cầm tù. - Ðáp.
3)
Vì Thiên Chúa sẽ cứu độ Sion, Người sẽ tái thiết thành trì của Giuđa, tại đây người
ta cư ngụ và chiếm quyền sở hữu. Con cháu của bầy tôi Chúa sẽ thừa hưởng đất
này, và tại đây những người yêu danh Chúa sẽ định cư. - Ðáp.
Alleluia:
Mt 11, 29ab
Alleluia,
alleluia! - Các ngươi hãy mang lấy ách của Ta và hãy học cùng Ta, vì Ta hiền
lành và khiêm nhượng trong lòng. - Alleluia.
Phúc
Âm: Lc 14, 12-14
"Ông chớ mời
các bạn hữu, nhưng hãy mời những người nghèo khó và tàn tật".
Tin
Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi
ấy, Chúa Giêsu nói với thủ lãnh các người biệt phái đã mời Người rằng:
"Khi ông dọn tiệc trưa hay tiệc tối, ông chớ mời các bạn hữu, anh em, bà
con và những người láng giềng giàu có, kẻo chính họ sẽ mời lại ông mà trả ơn
cho ông. Nhưng khi ông dọn tiệc, ông hãy mời những người nghèo khó, tàn tật,
què quặt và đui mù, thì ông sẽ được phúc, bởi họ không có gì đền ơn cho ông: vì
chưng, khi những người công chính sống lại, ông sẽ được đền ơn".
Ðó
là lời Chúa.
Suy niệm : Bác Ái Vô Vị
Lợi
Tâm
lý thường tình của con người vẫn là: "Có qua có lại, mới toại lòng
nhau" hoặc "Ông đưa miếng giò, bà thò chai rượu". Chúng ta kết bạn
thân thiết với ai, chúng ta cũng muốn họ có một tâm tình như thế đối với chúng
ta.
Nhưng
Chúa Giêsu trong bài Tin Mừng hôm nay lại đưa ra một cái nhìn khác, đó là lòng
bác ái vô vị lợi: "Khi ông đãi tiệc, thì đừng mời bạn bè, anh em, bà con,
hoặc láng giềng giầu có... Nhưng hãy mời những người nghèo khó, tàn tật, què quặt,
đui mù; họ không có gì trả lễ, và như thế ông mới thật có phúc, vì ông sẽ được
trả công trong ngày các kẻ lành sống lại".
Ở
đây, Chúa Giêsu hướng lòng con người về đời sau. Ðang lúc dự tiệc cưới trên trần
gian, Ngài đã liên tưởng đến bữa tiệc sẽ được hoàn tất trong vinh quang Nước
Chúa, ở đó những người hèn kém được nâng lên và kẻ quyền thế bị hạ xuống; ở đó
những người tàn tật, đui mù thực sự là những khách được mời dự tiệc của Chúa.
Gương
bác ái vô vị lợi có thể tìm thấy trong chính đời sống của Chúa Giêsu. Ngài là
hiện thân của tình yêu Thiên Chúa và tình yêu này được biểu lộ trong việc nhập
thể. Ðây là tình yêu vô biên đến gặp con người ở tầm mức nhân loại, bởi vì
khiêm nhường là một trong những bộ mặt của tình yêu. Chúa Giêsu đã xuống ngang
tầm mức những kẻ nhỏ bé, yếu đuối; Ngài không tìm địa vị cao sang nổi bật,
nhưng quan tâm đến những kẻ nghèo khó, bệnh tật, những kẻ bị xã hội ruồng bỏ.
Tình
thương của Chúa Giêsu không đòi hỏi phải có đi có lại. Ngài đi tìm kẻ nghèo khổ
để ban ơn, mà không làm cho họ mặc cảm hay nghĩ ngợi là mình chẳng có gì đền
đáp. Ngài mời gọi tất cả, nhất là những người nghèo khó, vì chỉ có họ mới dễ
dàng chấp nhận lời mời dự tiệc Thiên Chúa. Về mặt thiêng liêng, những người
nghèo là những người không khoe khoang về kiến thức, đức hạnh, hay bất cứ ưu điểm
nào của mình; họ ý thức thân phận của mình: nhận ơn huệ của Thiên Chúa mà không
có gì để dâng lại; họ chỉ biết một điều là sẵn sàng đón nhận vì ý thức rằng
Thiên Chúa là Ðấng tốt lành và đầy lòng thương xót. Và đó là điều Thiên Chúa chờ
mong nơi họ.
Lời
Chúa hôm nay mời gọi chúng ta noi gương sống bác ái của Chúa. Ngài đã yêu
thương chúng ta bằng một tình yêu bao la và nhưng không; do đó, chúng ta cũng
có bổn phận phải cho đi một cách rộng rãi và vô vị lợi những ân huệ mà Ngài đã
ban cho chúng ta. Ðược như thế chắc chắn chúng ta sẽ sống đẹp lòng Chúa và xứng
đáng thông dự bàn tiệc vĩnh cửu trong Nước Chúa.
(Veritas Asia)
LỜI CHÚA MỖI NGÀY
Thứ Hai Tuần 31 TN1
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Đường lối của Thiên
Chúa và của con người.
Nhiều
người trong chúng ta có khuynh hướng suy xét thật cẩn thận trước khi làm các việc
thiện nguyện trong cộng đòan hay bác ái xã hội. Họ tính tóan xem những công việc
này có đem lại những lợi ích cho cá nhân hay cộng đòan của họ; chẳng hạn: cho
đi với hy vọng sẽ nhận lại, bố thí để tìm hư danh, chỉ đi cầu nguyện cho người
chết nào mà mình hy vọng cũng sẽ được gia đình người chết đến cầu nguyện cho khi
mình chết.
Các
Bài đọc hôm nay đề nghị chúng ta thay đổi hòan tòan những tính tóan ích kỷ này.
Trong Bài đọc I, thánh Phaolô khuyên chúng ta tìm học để thấu hiểu đường lối của
Thiên Chúa trong việc cứu độ con người. Ngài chọn dân tộc Do-thái trước để chuẩn
bị đường cho Đấng Thiên Sai; kế tiếp, Ngài mở đường cứu độ cho hết mọi người;
sau cùng, Ngài sẽ cứu những người Do-thái cứng lòng không chịu tin Đức Kitô.
Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu khuyên các môn đệ phải làm ơn cho những người không
thể trả ơn đời này; nhưng chính Chúa sẽ giúp họ trả ơn cho chúng ta đời sau.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/
Bài đọc I: Sự giàu có, khôn ngoan và thông suốt của Thiên Chúa sâu thẳm dường
nào!
1.1/
Ba giai đoạn trong Kế-hoạch Cứu Độ của Thiên Chúa: Một điều làm thánh
Phaolô không thể hiểu là tại sao nhiều người Do-thái không chịu tin vào Đức
Kitô, dù họ là dân tộc được Thiên Chúa lựa chọn để chuẩn bị đường cho Ngài đến;
trong khi biết bao nhiêu Dân Ngoại lại tin vào Ngài. Chương 11 của Thư Roma là
nơi thánh Phaolô cắt nghĩa sự khó hiểu này. Thánh Phaolô quả quyết: “Cả người
Do Thái lẫn Dân Ngọai đều có thể được hưởng ơn trong kế hoạch mầu nhiệm của
Thiên Chúa.” Để hiểu bài đọc, chúng ta có thể chia làm ba giai đoạn chính trong
kế hoạch Cứu Độ của Thiên Chúa.
(1)
Từ ban đầu cho tới khi Chúa Giêsu đến: Dân Ngoại là những người không tin và vâng phục
Thiên Chúa. Thánh Phaolô lý luận:
-
Tuy chưa được nghe về Thiên Chúa, nhưng Dân Ngọai vẫn bị kết tội vì vinh quang
của Chúa biểu lộ khắp nơi qua việc sáng tạo và quan phòng vũ trụ. Họ có thể
dùng trí khôn ngoan của họ để nhận ra quyền năng của Thiên Chúa và tin vào Ngài
(Rom 1:19-21), nhưng họ đã không làm như thế.
-
Người Do Thái rất hãnh diện vì có Chúa Tể trời đất là Thiên Chúa của họ và Ngài
ban cho họ Lề Luật; nhưng có người Do-thái nào tuân giữ tất cả Lề Luật đâu. Vì
thế, họ có thể bị luận phạt nhiều hơn vì có Luật mà không chịu giữ.
(2)
Từ thời Chúa Giêsu đến cho tới thời Cánh Chung: Vì người Do-thái không tin, nên
Tin Mừng Cứu Độ được rao giảng cho Dân Ngoại.
Thánh
Phaolô được Chúa dùng đặc biệt để rao giảng Tin Mừng cho Dân Ngọai. Chính người
đã thú nhận: “Tôi xin ngỏ lời với anh em là những người gốc Dân Ngoại. Với tư
cách là Tông Đồ các Dân Ngoại, tôi coi trọng chức vụ của tôi, mong sao nhờ vậy
mà tôi làm cho anh em đồng bào tôi (người Do-thái) phải ganh tị, và tôi cứu được
một số anh em đó.”
Nhưng
khi một số Dân Ngoại đã đón nhận Tin Mừng và tin nơi Thiên Chúa, họ lại kiêu
hãnh coi thường hay ghét bỏ người Do-thái. Thánh Phaolô phải giải thích cho họ
biết lý do tại sao họ không nên kiêu hãnh và coi thường chỗ đứng của người
Do-thái trong kế hoạch Cứu Độ của Thiên Chúa: “Thật vậy, nếu vì họ bị gạt ra một
bên mà thế giới được hoà giải với Thiên Chúa, thì việc họ được thâu nhận lại là
gì, nếu không phải là từ cõi chết bước vào cõi sống?”
(3)
Giai đoạn sau cùng: Chúa
sẽ đưa người Do-thái trở về và cứu họ vì: “Khi Thiên Chúa đã ban ơn và kêu gọi,
thì Người không hề đổi ý. Lý do tại sao họ không vâng phục Thiên Chúa là để Người
thương xót anh em, nhưng đó là để chính họ cũng được thương xót.”
Và
thánh Phaolô kết luận: “Quả thế, Thiên Chúa đã giam hãm mọi người trong tội
không vâng phục, để thương xót mọi người.” Con người chúng ta không thể hiểu nổi
kế hoạch Cứu Độ nhiệm mầu của Thiên Chúa, chỉ một mình Thiên Chúa, Đấng dựng
nên con người, biết cách xử dụng con người để hoàn tất kế hoạch Cứu Độ của
Ngài.
2/
Phúc Âm: Làm ơn cho những người không có gì để trả.
2.1/
Hai thái độ sống: công
bằng và bác ái:
(1)
Lợi nhuận của người đời: “Ăn
miếng trả miếng. Hòn đất ném đi, hòn chì ném lại.” Một ví dụ thực tế Chúa đưa
ra hôm nay: Khi mở tiệc đãi khách, con người thường có khuynh hướng mời bạn bè,
anh em, bà con, hoặc láng giềng giàu có, để đáp lễ hay hy vọng sẽ nhận được gì
từ họ. Cách cư xử như thế mới chỉ là công bằng mà thôi.
(2)
Bác ái của người môn đệ Chúa Kitô: “Trái lại, khi ông đãi tiệc, hãy mời những người
nghèo khó, tàn tật, què quặt, đui mù. Họ không có gì đáp lễ, và như thế, ông mới
thật có phúc: vì ông sẽ được đáp lễ trong ngày các kẻ lành sống lại.”
2.2/
Tại sao phải giúp đỡ người nghèo khổ? Vì chúng ta cũng đã từng nhận ơn trong những lúc
gian nan tuyệt vọng. Chỉ cần hồi tưởng lại quá khứ đôi chút, chúng ta cũng nhận
ra đã không biết bao lần chúng ta đã từng nhận ơn nhưng không từ:
(1)
Thiên Chúa: Ngài
cho chúng ta có mặt trong cuộc đời, cho chúng ta hưởng tất cả những gì không do
tay chúng ta làm ra, tha thứ tội lỗi khi chúng ta xúc phạm đến Ngài, và không
ngừng gởi những người giúp đỡ tinh thần cũng như vật chất khi chúng ta cần đến…
Chúng ta đã trả ơn được gì cho Ngài?
(2)
Tha nhân: Nếu
không có các quốc gia mở lòng nhân đạo nhận người vào định cư, nếu không có các
Hội Từ Thiện giúp đỡ những ngày chân ướt chân ráo đến định cư nơi đất khách quê
người, làm sao chúng ta có thể sống ổn định như ngày hôm nay? Chúng ta đã trả lại
được gì cho họ?
Vì
chúng ta đã từng nhận nhưng không nên việc cho đi nhưng không là điều phải làm
để đền ơn những gì chúng ta đã lãnh nhận trong cuộc đời. Chưa chắc chúng ta đã
đền trả đủ theo đức công bằng chứ chưa nói tới chuyện bác ái!
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
-
Tư tưởng và đường lối của Thiên Chúa khác xa với tư tưởng và đường lối của con
người. Chúng ta cần học hỏi và làm theo đường lối của Thiên Chúa, vì chúng sẽ
đem lại hiệu quả cho chúng ta cả đời này lẫn đời sau.
-
Để có thể sống đức bác ái trọn hảo, chúng ta phải để Chúa Kitô thấm nhuần tòan
bộ con người: từ tư tưởng, suy luận, đến hành động. Để có thể cho đi nhưng
không, cần xét mình thường xuyên để đánh giá những gì mình đã nhận nhưng không
nơi Thiên Chúa và tha nhân.
-
Để có thể giúp đỡ tất cả mọi người, phải tập nhìn thấy Chúa trong tha nhân. Đừng
bao giờ quên đây là tiêu chuẩn Thiên Chúa sẽ dùng để phán xét (Mt 25). Nếu đã
biết trước tiêu chuẩn mà vẫn không chịu làm theo; có sa hỏa ngục cũng là tự do
lựa chọn của con người.
Lm. Anthony ĐINH MINH
TIÊN, OP.
HẠT GIỐNG NẨY MẦM TUẦN 31TN
Lc 14,12-14
A. Hạt giống...
Trong đoạn Tin Mừng này, Chúa Giêsu dùng việc mời
khách dự tiệc để dạy bài học phục vụ vô vị lợi :
1. “Hãy mời những người nghèo, người què, người
cà thọt và người đui” : ba hạng người sau chỉ là giải thích cho chữ “người
nghèo”. Chúa Giêsu dùng ba hạng đó để diễn tả những người nghèo nhất, vì ba
hạng này bị khinh miệt nhất và không được phép tham dự những lễ nghi trong Đền
thờ (2Sm 5,8 ; Lv 21,18).
2. “Họ không có gì đáp lễ” : người đời thường cư
xử với nhau theo tiêu chuẩn có qua có lại, do đó họ thường mời những kẻ mà sau
này sẽ đền ơn họ bằng cách này hay cách khác. Nhưng Chúa Giêsu khuyên hãy mời
những kẻ không có gì đáp lại và cũng không có khả năng đáp lại. Khi đó chính
Thiên Chúa sẽ thay họ mà thưởng công cho kẻ đã mời (“ông sẽ được đáp lễ : thể
thụ động, ngụ ý Thiên Chúa là kẻ chủ động).
B.... nẩy mầm.
1. Mời dự tiệc tượng trưng cho sự cho. Nhưng giá
trị của sự cho tùy vào cho ai và tại sao cho. Người đời thường chỉ cho những ai
có thể cho lại mình. Như thế động cơ của sự cho là để được cho lại (do ut das).
Cho như thế không có giá trị bao nhiêu vì thực chất là cho mình chứ không phải
cho người. Vả lại dù người ta có cho lại mình thì chỉ cho theo sự tính toán của
người ta (cũng như mình đã tính toán đối với họ), và chỉ cho những cái trong
khả năng hạn chế của loài người. Chúa Giêsu dạy môn đệ Ngài một cách cho có giá
trị cao hơn nhiều : cho những kẻ không có khả năng cho lại, và động cơ chỉ là
vì thương nên muốn chia sẻ. Đó mới là cho thực nên mới có giá trị. Vả lại
vì người nhận không có khả năng cho lại nên Thiên Chúa sẽ thay họ cho lại ta,
và cái Chúa cho thì dĩ nhiên quý hơn cái ta đã cho gấp bội.
2. Ăn chung với nhau còn biểu lộ sự thông hiệp,
liên đới. Chúa Giêsu là kẻ muốn thông hiệp liên đới với tất cả mọi người, do đó
Ngài không ngại ăn chung với một thủ lãnh biệt phái mặc dù hai bên khác quan
điểm với nhau (x. đoạn phía trước : 14,1-6). Ngài cũng không ngại ăn chung với
những người tội lỗi (x. Mt 9,10-13). Trong đoạn Tin Mừng này, người thủ lãnh
biệt phái đã khá cởi mở khi mời Chúa Giêsu đến ăn chung với mình. Chúa Giêsu
khuyến khích ông tiến thêm một bước nữa là hãy hiệp thông liên đới với những
người mà địa vị xã hội thấp kém hơn ông bằng cách mời họ cùng ăn uống với ông.
3. “Phần thưởng ai cũng muốn có. Nhưng phần
thưởng đến từ đâu và lúc nào, đấy mới là vấn đề quan trọng. Chúng ta hãy suy
tính xem phần thưởng tạm bợ trong thời gian có hơn được phần thưởng vĩnh cửu
không ? Phần thưởng của anh em có hơn được của Thiên Chúa không ? Phần Chúa,
Chúa nhắn : “Hãy tìm của Nước Trời trước” (Mt 6,33) (Trích "TMCGK ngày
trong tuần" ).
4. “ Khi ông đãi tiệc, hãy mời những người nghèo
khó, tàn tật, què quặc, đui mù. Họ không có gì đáp lễ và như thế ông mới thật
có phúc“ (Lc 14, 13-14)
Có một nỗi đau quặn thắt trong tôi, khi tôi được tin một người thân sắp bị mù.
Có một tình thương len lõi trong tôi mỗi khi tôi nhìn thấy những người
nghèo khó, tàn tật. Nhưng dường như đó chỉ là cảm xúc pha lẫn thương hại. Chưa
một lần nào tôi nghĩ đến chuyện phải là một cái gì đó cho họ.
Lời Chúa hôm nay, mở ra cho tôi một tình yêu mới : “Yêu như Chúa yêu”, nghĩa là
dám dấn thân cho tình yêu và nhất là không chỉ yêu những người danh giá địa vị,
mà cả những người nghèo khó, tàn tật. Tôi nguyện đến với họ để chia sẻ với họ
những gì tôi có, cả niềm vui và hy vọng nữa.
Lạy Chúa ! Xin cho con luôn nhận ra sự hiện diện của Chúa nơi những người nghèo
khó, tàn tật, để con có thể đến với những người anh em đó dễ dàng hơn.
(Hosanna)
Lm.Carolo HỒ BẶC
XÁI – Gp. Cần Thơ
04/11/13 THỨ HAI TUẦN 31 TN
Th. Carôlô Borrômêô, giám mục
Lc 14,12-14
Th. Carôlô Borrômêô, giám mục
Lc 14,12-14
QUAN TÂM NGƯỜI NGHÈO
“Khi ông đãi tiệc, hãy mời những
người nghèo khó, tàn tật, què quặt, đui mù. Họ không có gì đáp lễ, và như thê,
ông mới thật có phúc : vì ông sẽ được đáp lễ trong ngày các kẻ lành sống lại.” (Lc 14,13-14)
Suy niệm: Quan tâm đến người nghèo không phải là mối
quan tâm độc quyền dành cho người Kitô hữu, nhưng là mối quan tâm đặc biệt của
Kitô hữu. Cha De Lubac đã nói, khi chọn lựa người nghèo, ta luôn được chắc chắn
là không bị lầm lẫn. Và một điều còn chắc chắn hơn nữa là ta đã có một chọn lựa
tốt: ta đã chọn giống như Đức Giêsu và nhất là ta đã chọn chính Đức Giêsu. Khi
sống ở trần gian, Ngài quan tâm đến người nghèo, sống nghèo như họ và Tám Mối
Phúc của Ngài nhắm vào họ trước hết. Để nên giống Chúa, Kitô hữu phải dành cho
người nghèo một vị trí ưu tiên trong đời mình. Thực vậy, nếu không có người
nghèo, Kitô hữu không thể hiểu được Đấng cứu dân Do Thái ra khỏi Ai Cập và cũng
không thể biết Giêsu, “con của bác thợ mộc”. Nhờ người nghèo, Kitô hữu khám phá
khuôn mặt của Thiên Chúa và nhờ đó, Kitô hữu biết rõ Đấng thiết lập Hội Thánh,
Đức Giêsu Kitô.
Mời Bạn: Cảnh
nghèo hôm nay đa dạng, không chỉ nghèo vật chất mà còn nghèo tinh thần, cả
nghèo về sự nhận biết Chúa. Để nên giống Chúa, những hạng người nghèo này phải
có vị trí nào trong mối quan tâm của bạn?
Chia sẻ: Hạng
người nghèo nào chiếm đa số nơi bạn sống? Bạn có kế hoạch gì cho họ?
Sống Lời Chúa: Gặp
một người nghèo và làm việc bác ái phục vụ họ như phục vụ chính Chúa Giêsu hiện
diện nơi họ.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, xin cho con trở nên nghèo như Chúa để anh chị em
con trở nên giàu có, nhất là giàu ân sủng của Chúa.
Suy niệm
Theo thói thường, khi mở
tiệc ai cũng muốn mời những vị khách giàu có, sang trọng hoặc quyền lực. Mời
những người giàu để nhận những món quà hậu hĩnh. Mời những vị sang trọng, quyền
lực để được vinh dự. Biết bao lời trầm trồ: "Ồ, đám cưới anh đó mời
toàn là những vị khác giàu sang"; hay "ông kia chỉ làm phép
nhà mới mà có đến hơn chục ông cha, mấy chục bà soeurs, vinh hạnh thật!".
Thế nhưng, trong bài Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu bảo: "Khi ông
dọn tiệc trưa hay tiệc tối, ông chớ mời các bạn hữu, anh em, bà con và những
người láng giềng giàu có, kẻo chính họ sẽ mời lại ông mà trả ơn cho ông. Nhưng
khi ông dọn tiệc, ông hãy mời những người nghèo khó, tàn tật, què quặt và đui
mù, thì ông sẽ được phúc, bởi họ không có gì đền ơn cho ông: vì chưng, khi
những người công chính sống lại, ông sẽ được đền ơn".
Hãy "mời những
người nghèo khó, tàn tật, què quặt và đui mù". Đây là những hạng người
không có khả năng đền đáp, hoạ chăng chỉ là lời cám ơn. Ngầm ý trong lời dạy
của Chúa là hãy cho đi cách nhưng không, cách vô vị lợi. Chúng ta có thể rút ra
được hai điểm qua lời dạy này:
Thứ nhất, bác ái không nhắm đến mình, mà là đến tha nhân.
Giúp cho một người tàn tật, người nghèo khó là chúng ta góp phần của mình để
cho làm cho đời sống của họ được tốt đẹp hơn. Giúp để họ có thể ăn no đủ hơn,
mặc ấm hơn… hay nói cách khác là cho họ những gì cần thiết để sống đúng là một
con người. Thế nhưng, đôi khi mục đích của việc bác ái không là tha nhân mà là
chính bản thân mình. Bỏ ít tiền ra cũng để giúp tha nhân đó, nhưng trong thâm
tâm lại nhắm vào chính bản thân mình. Giúp người nghèo nhưng vẫn mong nhận lại
được lời cám ơn, lời khen, sự đáp đền, thậm chí là dùng bác ái để quảng bá hình
ảnh của mình, của công ty mình, của doanh nghiệp mình…
Thứ hai, khi cho đi cách nhưng không, không mong đáp
đền, chúng ta lại được đáp đền phần thưởng cao trọng hơn và cao trọng nhất, đó
là hạnh phúc nước trời, như lời Chúa hứa: "khi những người công chính
sống lại, ông sẽ được đền ơn". "Khi người công chính sống
lại" là gì nếu không phải là thời sau hết, lúc đó Chúa phân xử kẻ lành
người dữ, và ban thưởng hạnh phúc đời đời cho những ai luôn biết cho đi cách vô
vị lợi.
Lạy Chúa, xin cho con
biết quảng đại cho đi, cho đi không phải vì con mà vì tha nhân của con. Xin cho
con biết đóng góp phần nhỏ bé của mình để làm vơi đi phần nào những khó khăn
của tha nhân, để họ có thể sống xứng đáng hơn với nhân phẩm của mình, và để con
mỗi ngày trở nên giống Chúa hơn. Amen.
Đáp
lễ
Đức Giêsu mời ta thanh luyện ý hướng của mình khi
làm điều tốt, trở nên siêu thoát và từ bỏ những tìm kiếm tự nhiên quy về mình.
Suy niệm:
“Bánh ít đi, bánh quy
lại” hay “Có đi có lại mới toại lòng nhau”:
đó vẫn được coi là cách
cư xử bình thường giữa người với người.
Hơn nữa ai làm như vậy
còn được coi là người biết cách xử thế.
Trong bài Tin Mừng hôm
nay,
Đức Giêsu mời ta vượt lên
trên lối cư xử đó,
không ngừng lại ở chỗ tôi
cho anh, để rồi anh cho tôi (do ut des).
Ngài dạy cho ông chủ tiệc
biết nên mời ai và không nên mời ai.
Có bốn hạng người không
nên mời dự tiệc:
bạn bè, anh em, bà con họ
hàng, hay láng giềng giàu có.
Ngài đưa ra lý do: “Kẻo
họ mời lại ông, và ông được đáp lễ” (c.12).
Hơn nữa, Ngài còn nói đến
bốn hạng người nên mời dự tiệc:
những người nghèo khó,
tàn tật, què quặt, đui mù (c.13).
Đức Giêsu khuyên nên mời
những hạng người này,
vì họ không có khả năng
mời lại hay đáp lễ (c.14).
Như thế Đức Giêsu cho ta
tiêu chuẩn để mời khách dự tiệc.
Không mời những người
quen biết, thân thích, giàu sang,
để mời những người nghèo
hèn, những kẻ chẳng được ai mời.
Qua đề nghị khó thực hiện
này của Đức Giêsu,
Ngài đụng đến một khuynh
hướng tự nhiên mà ít người để ý.
Đó là khi làm điều tốt
cho ai
ta
cũng mong được hoàn trả cách này cách khác.
Có
khi mong được trả lại tương đương hay hậu hỹ hơn.
Có khi mong trả lại bằng
một bia đá ghi công hay một lời tri ân đơn giản.
Nói chung để làm một hành
vi hoàn toàn vô vị lợi là điều rất khó.
Chỉ ai thành thật đi vào
lòng mình mới thấy mình ít khi cho không.
Đức Giêsu muốn hạn chế
khuynh hướng này.
Ngài mời chúng ta ra khỏi
thế giới của những người quen biết,
không kết thân với những
người giàu có và thế lực,
để mong họ đem lại lợi
nhuận hay làm ô dù cho ta.
Ngài đưa ta đến với những
người nghèo và không có địa vị,
những người không có khả
năng mời lại hay đáp lễ.
Có khi những người đó
chẳng ở đâu xa.
Họ nằm ngay trong số bạn
hữu, bà con, anh em, hay hàng xóm.
Khi mời họ dự tiệc, trân
trọng họ như khách quý,
chúng ta làm sống lại
những mối tương quan tưởng như không còn.
Đức Giêsu mời ta thanh
luyện ý hướng của mình khi làm điều tốt,
trở nên siêu thoát và từ
bỏ những tìm kiếm tự nhiên quy về mình.
Bài Tin Mừng đơn sơ này
có thể tạo một bước ngoặt trong đời Kitô hữu.
Chúng ta sẽ được nếm một
mối phúc mới:
Phúc cho ai làm một việc
tốt mà không được ai biết đến và đáp lễ.
Họ sẽ được Thiên Chúa
“đáp lễ” trong ngày phục sinh (c. 14).
Cầu nguyện:
Lạy Ngôi Lời Thiên Chúa rất đáng mến,
xin dạy con biết sống
quảng đại,
biết phụng sự Chúa cho
xứng với uy linh Ngài,
biết cho đi mà không tính
toán,
biết chiến đấu không ngại
thương tích,
biết làm việc không tìm
an nghỉ,
biết hiến thân mà không
mong chờ phần thưởng nào
ngoài việc biết mình đã
chu toàn Thánh Ý Chúa. Amen.
Lm Antôn Nguyễn Cao
Siêu, SJ
Thứ Hai 4-11
Thánh Charles Borromeo
(1538-1584)
T
|
ên của Thánh Charles
Borromeo đi liền với chữ cải cách. Ngài sống trong thời kỳ Cải Cách Tin Lành,
và đã tiếp tay trong công cuộc cải cách toàn thể Giáo Hội trong những năm cuối
của Công Ðồng Triđentinô.
Mặc dù ngài thuộc về một
gia đình quý tộc ở Milan và có bà con với dòng họ Medici rất uy thế, nhưng ngài
lại muốn tận hiến cho Giáo Hội. Khi người bác của ngài là Ðức Hồng Y de Medici
được chọn làm giáo hoàng năm 1559 với tước hiệu là Piô IV, đức giáo hoàng đã
chọn ngài làm trưởng phó tế và là quản lý của Tổng Giáo Phận Milan trong khi
ngài chỉ là một sinh viên giáo dân. Vì sự thông minh xuất chúng nên ngài được
giao cho nhiều chức vụ quan trọng có liên hệ đến Tòa Thánh, và sau này được bổ
nhiệm làm bộ trưởng chịu trách nhiệm toàn thể ban hành chánh của tòa thánh. Cái
chết đau đớn của người anh đã đưa ngài đến quyết định đi tu làm linh mục, mặc
dù bao người thân nhân ngăn cản. Ngài được thụ phong linh mục năm 25 tuổi, và
sau đó không lâu được tấn phong làm giám mục của Milan.
Chính thánh nhân là
người đã thúc giục đức giáo hoàng phục hồi Công Ðồng Triđentinô vào năm 1562
sau 10 năm bị ngưng trệ. Ðứng ở đằng sau và âm thầm làm việc, thánh nhân là
người có công trong việc duy trì sự liên tục của các khóa họp Công Ðồng mà
nhiều khi tưởng đã đổ vỡ. Trong giai đoạn cuối của Công Ðồng, ngài là người chủ
yếu trong việc hướng dẫn và thành hình các sắc lệnh của công đồng. Hiển nhiên
ngài cũng được phép dành thời giờ để làm việc cho Tổng Giáo Phận Milan, là nơi
mà tôn giáo và luân lý thật sáng tỏ.
Sự cải tổ cần phải thi
hành trong mọi tầng lớp Công Giáo, dù là giáo sĩ hay giáo dân, và được khởi sự
từ các công đồng địa phương với các giám mục phụ tá. Những quy luật rõ ràng
được đặt ra cho các giám mục và tu sĩ: Nếu người ta thay đổi đời sống để trở
nên tốt lành hơn, thì giáo sĩ phải là những người làm gương và phải canh tân
tinh thần tông đồ của mình trước hết.
Chính Thánh Charles tiên
phong trong việc làm gương. Ngài chia sẻ hầu hết phần lương của ngài cho công
việc bác ái, tự ý từ bỏ đời sống sang trọng của một tổng giám mục, và ăn chay
đền tội. Ngài hy sinh giầu sang, danh vọng, sự mến mộ và ảnh hưởng để trở nên
nghèo hèn. Trong thời kỳ dịch tễ và đói kém năm 1576, ngài cố tìm cách để nuôi
ăn 60,000 đến 70,000 người mỗi ngày. Ðể thực hiện điều này, ngài phải mượn một
số tiền rất lớn mà nhiều năm sau mới trả hết. Khi nạn dịch hoành hành đến mức
tối đa, các giới chức hành chánh dân sự bỏ trốn thì ngài vẫn ở lại thành phố để
thi hành công việc mục vụ cho những người đau yếu, người hấp hối và những ai
cần sự giúp đỡ.
Vào năm 1578, ngài thành
lập một tổ chức cho các linh mục triều, Tu Sĩ của Thánh Ambrôsiô (bây giờ là Tu
Sĩ của Thánh Charles), tích cực rao giảng, chống với sự xâm nhập của các tà
thuyết, và đưa những người Công Giáo lầm lạc trở về với Giáo Hội.
Công việc và gánh nặng
của chức vụ đã ảnh hưởng đến sức khỏe của ngài. Ngài từ trần khi mới 46 tuổi và
được phong thánh năm 1610.
Lời Bàn
Thánh Charles đã sống
theo lời Ðức Kitô: "... Khi ta đói con đã cho ta ăn, ta khát con
đã cho ta uống, ta lạc lõng con đã tiếp đón, ta trần truồng con đã cho áo mặc,
ta đau ốm con đã chăm sóc, ta tù đầy con đã thăm viếng" (Mt.
25:35-36). Thánh Charles đã nhận ra Ðức Kitô trong tha nhân, và ngài biết rằng
công việc bác ái được thi hành cho những người bé mọn là được thi hành cho Ðức
Kitô.
Lời Trích
"Trong cuộc lữ
hành trần thế, Ðức Kitô luôn mời gọi Giáo Hội hãy cải tổ liên tục và đó là điều
rất cần thiết, vì giáo hội là một tổ chức của con người. Do đó, nếu ảnh hưởng
của các biến cố hay thời cuộc đã đưa đến những khiếm khuyết trong hành động,
trong kỷ luật của Giáo Hội, hay ngay cả trong việc hình thành tín lý (cần thận
trọng phân biệt với kho tàng đức tin), thì những khiếm khuyết ấy phải được chấn
chỉnh một cách thích hợp và đúng lúc" (Sắc Lệnh về Ðại Kết, 6).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét