THỨ NĂM 05/12/2013
Thứ Năm Tuần I Mùa
Vọng
Bài
Ðọc I: Is 26, 1-6
"Dân
công chính biết giữ sự trung tín, hãy tiến vào".
Trích
sách Tiên tri Isaia.
Ngày
ấy, trong đất Giuđa, người ta hát khúc ca này: Sion là thành trì kiên cố của
chúng ta, có tường thành và hào luỹ che chở, hãy mở cửa, và dân công chính biết
giữ sự trung tín, hãy tiến vào. Sự sai lầm cũ đã qua đi, Chúa sẽ bảo tồn sự hoà
bình. Sự hoà bình, vì chúng ta trông cậy nơi Chúa.
Hãy
trông cậy Chúa đến muôn đời, trông cậy Chúa, Ðấng quyền năng mãi mãi. Vì Người
triệt hạ dân ở nơi cao, và hạ thấp những thành trì danh tiếng, Người hạ nó sát
đất, chà đạp nó thấu bụi tro. Bàn chân người nghèo khó bước đi, và kẻ bần cùng
sẽ đạp trên nó.
Ðó
là lời Chúa.
Ðáp
Ca: Tv 117, 1 và 8-9. 19-21. 25-27a
Ðáp: Chúc tụng Ðấng
nhân danh Chúa mà đến! (c. 26a)
Hoặc
đọc: Alleluia!
Xướng:
1) Hãy cảm tạ Chúa, vì Chúa hảo tâm, vì đức từ bi của Người muôn thuở. Tìm đến
nương tựa Chúa thì tốt hơn nương tựa ở loài người; tìm đến nương tựa Chúa thì tốt
hơn nương tựa những bậc quân vương. - Ðáp.
2)
Xin mở cho tôi các cửa công minh, để tôi vào và cảm tạ ơn Chúa. Ðây là ngọ môn
của Chúa, những người hiền đức qua đó tiến vào. Tôi cảm tạ Chúa vì Chúa đã nghe
tôi,và đã trở nên Ðấng cứu độ tôi. - Ðáp.
3)
Thân lạy Chúa, xin gia ơn cứu độ; thân lạy Chúa, xin ban cho đời sống phồn vinh.
Chúc tụng Ðấng nhân danh Chúa mà đến, từ nhà Chúa, chúng tôi cầu phúc cho chư vị.
Chúa là Thiên Chúa và đã soi sáng chúng tôi. - Ðáp.
Alleluia:
Is 40, 9-10
Alleluia,
alleluia! - Hỡi người giảng tin mừng, hãy mạnh dạn cất lớn tiếng: Này Chúa là
Thiên Chúa sẽ đến trong sức mạnh. - Alleluia.
Phúc
Âm: Mt 7, 21. 24-27
"Ai
thực hiện ý Chúa Cha, sẽ được vào nước trời".
Tin
Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi
ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Không phải tất cả những ai nói
với Ta, "Lạy Chúa, lạy Chúa!", là được vào nước trời, nhưng chỉ có
người thực hiện ý Cha Ta ở trên trời, kẻ ấy mới được vào nước trời.
"Vậy
ai nghe những lời Ta nói đây và đem ra thực hành, thì giống như người khôn
ngoan, đã xây nhà mình trên đá; mưa có đổ xuống, nước có tràn vào, gió bão có
thổi đến và lùa vào nhà đó, nhà vẫn không sập, vì nhà ấy được xây trên nền đá.
Và hễ ai nghe những lời Ta nói đây mà không đem ra thực hành, thì giống như người
ngu đần, xây nhà mình trên cát, khi mưa sa nước lũ, gió thổi và lùa vào nhà đó,
nhà sẽ sập và sẽ trở nên đống hoang tàn".
Ðó
là lời Chúa.
Suy
Niệm:
Người
Khôn Ngoan Thi Hành Ý Chúa
Ở
bất cứ một xã hội nào, một quốc gia nào, một thời đại nào, người ta vẫn trọng
chữ "Tín", nghĩa là tin tưởng nhau, đặt trọn niềm tin ở nhau. Ai cũng
muốn sống chân thật, không lừa dối, phỉnh phờ... Khi tìm bạn để kết nghĩa, ai
cũng muốn sống với nhau bằng trái tim chân thành. Không lạ gì khi người ta có
quan niệm: "Một túp lều tranh, hai quả tim vàng". Người ta sợ nhất những
người ăn nói dẻo miệng, ăn nói ngọt ngào, vì ai cũng cho là "mật ngọt chết
ruồi". Những người có khoa ăn nói dễ thành công khi ngoại giao tiếp xúc với
bên ngoài nhưng không mấy ai kết thân trong tình nghĩa.
Và
hôm nay Chúa Giêsu cho chúng ta một nhận xét: "Không phải những ai nói Lạy
Chúa! Lạy Chúa là được vào Nước Trời nhưng chỉ có những người thực hiện ý Cha
Ta ở trên trời". Chúa Giêsu cũng thường lên án những người Do Thái bấy giờ:
"Dân này thờ Ta bằng môi miệng, còn lòng chúng thì xa Ta".
Chúng
ta đi tham dự Thánh Lễ ngày Chúa Nhật để thờ phượng Thiên Chúa, thế nhưng chúng
ta đã không hẳn hoàn toàn nhớ đến Chúa. Chúng ta vẫn để ý những câu chuyện đâu
đâu, từ nhà đến phố chợ, từ công sở cho đến những việc giải trí. Chúng ta không
tìm hiểu Thánh Lễ là gì đối với những phần chính yếu trong Thánh Lễ mang một ý
nghĩa nào. Qua các phần đó, Chúa Giêsu muốn nói gì với chúng ta qua Giáo Hội.
Chúng ta giữ đạo chứ chúng ta chưa sống đạo: giữ đạo tức là chúng ta giữ các giới
răn của Chúa như người thanh niên trong Tin Mừng thuật lại rằng: "Khi anh
đến xin cùng Chúa Giêsu nhân lành: Lạy Thầy, con phải làm gì để được sống đời đời.
Chúa Giêsu đã bảo anh ta: Hãy thờ phượng Thiên Chúa, hãy thảo kính cha mẹ, chớ
ngoại tình, chớ gian tham, chớ làm chứng dối... Người thanh niên đó thưa: Lạy
Thầy, những điều ấy tôi đã giữ từ thuở nhỏ. Chúa Giêsu liền nói với anh: Vậy
anh hãy về bán tất cả của cải rồi đến đây theo Ta. Vì nhiều của cải nên anh
không thể bỏ mà đi theo Ngài được". Như vậy anh thanh niên đó đã giữ trọn
lề luật cho chính bản thân mình mà thôi, còn đối với những người khác, anh vẫn
chưa thực hiện được việc yêu người.
Chúng
ta cũng thế, chúng ta có thể giữ trọn Mười Ðiều Răn của Chúa, vẫn không trộm cắp,
không ngoại tình, vẫn đi nhà thờ theo luật Chúa dạy. Thế nhưng người bên cạnh
tôi không có gì ăn tối, tôi đang dư phần cơm nguội nhưng vẫn điềm nhiên như chẳng
liên can gì đến tôi. Trên đường đi đến nhà thờ dự thánh lễ là nguồn mạch yêu
thương, thế nhưng có người đang bị trúng gió ngã bên đường, liếc mắt qua, nhìn
lại không thấy ai tôi cũng nhanh chân bước vội vì sợ trễ thánh lễ. Vào nhà thờ,
người vào trước ngồi trên, chúng ta vẫn cứ ngồi cuối nhà thờ mặc cho ai kêu gọi
lên trên. Có lẽ chúng ta sợ Chúa phạt nên ngồi xa xa chăng.
Tình
yêu Thiên Chúa cơ mà. Chúng ta sống đạo, sống luật Chúa trong tình yêu thương.
Thiên Chúa thực sự và gần anh chị em trong tâm tình con một Cha chung trên trời,
khi chúng ta cùng nhau đọc lời kinh Lạy Cha, có như thế chúng ta mới thực sự sống
đạo, có như thế chúng ta mới xây nhà trên đá được. Dù sóng gió, bão táp của cuộc
đời, ngôi nhà sống đạo của chúng ta vẫn vững bền, dù sóng gió có lùa vào thì
cũng không thể làm sập nổi, dù có mưa sa nước lũ, căn nhà đức tin của chúng ta
cũng không hề hấn gì, vì được bao bọc bằng tình thương quan phòng của Thiên
Chúa che chở. Ðó là người khôn ngoan mà Chúa Giêsu đã nói hôm nay: "Ai
nghe và giữ lời Ta nói đây mà đem ra thực hành thì giống như người khôn ngoan
xây nhà trên đá". Nghe Lời Chúa và đem ra thực hành, đó là một cần thiết
cho mọi Kitô hữu. Và Chúa Giêsu còn quả quyết thêm: "Ai nghe và giữ lời Ta
thì là Mẹ Ta, là anh em Ta".
Bàn
Tiệc Lời Chúa và Bàn Tiệc Mình Máu Thánh Chúa quan trọng như nhau. Trong Thánh
Lễ nhắc nhở cho chúng ta hai phần quan trọng nhất là Bàn Tiệc Lời Chúa, Bàn Tiệc
Mình Máu Chúa. Lời Chúa là của ăn bổ dưỡng tinh thần cho chúng ta, Mình Chúa là
của ăn thần linh nuôi dưỡng linh hồn chúng ta. Chúng ta cùng nhau cầu xin Chúa
cho chúng ta ý thức được điều đó.
Lạy
Chúa, xin cho chúng con chuẩn bị mừng Chúa đến trong tâm tình yêu mến và ý thức
cảm nghiệm được thức ăn bổ dưỡng tâm linh cho chúng con, đó là thức ăn Lời Chúa
và Mình Máu Chúa. Amen.
(Veritas Asia)
Lectio: Mátthêu 7:21, 24-27
Thứ Năm, 5 Tháng 12, 2013
Tuần thứ nhất Mùa
Vọng
1. Lời nguyện mở đầu
Lạy Chúa là Thiên Chúa của chúng con,
Chúa của những ai tin tưởng vào Chúa,
Và sống theo Tin Mừng của Con Chúa,
Chúa là đá tảng cho con cậy trông.
Trong những cơn bão và căng thẳng của đời chúng con,
Nguyện xin cho đức tin của chúng con không bao giờ nao núng,
Xin Chúa ban cho chúng con thêm ơn cam đảm
Để sống như chúng con tin tưởng,
Trước sau như một, một cách triệt để,
Cùng với Con của Chúa, chúng con xin được làm theo ý Chúa,
Và sống trong tình yêu của Chúa bây giờ và muôn đời.
2. Phúc Âm – Mátthêu 7:21,24-27
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ
rằng: “Không phải tất cả những ai nói với Ta: Lạy Chúa,
lạy Chúa, là được vào Nước Trời, nhưng chỉ có người thực hiện ý Cha Ta ở trên
trời, kẻ ấy mới được vào Nước Trời. Vậy ai nghe những lời Ta nói
đây, và đem ra thực hành thì giống như người khôn ngoan, đã xây nhà mình trên
đá; mưa có đổ xuống, nước có tràn vào, gió bão có thổi đến, và lùa vào nhà đó,
nhà vẫn không sập, vì nhà ấy được xây trên nền đá.
Và hễ ai nghe những lời Ta nói đây mà không
đem ra thực hành, thì giống như người ngu đần, xây nhà mình trên cát, khi mưa
sa nước lũ, gió thổi và lùa vào nhà đó, nhà sẽ sập và sẽ trở nên đống hoang
tàn.”
3. Suy Niệm
Bài Tin Mừng hôm nay thuật lại đoạn kết của
Bài Giảng Trên Núi. Bài Giảng Trên Núi là bài đọc mới của Lề Luật
Thiên Chúa. Nó bắt đầu với Tám Mối Phúc Thật (Mt 5:1-12) và kết thúc
với lời giảng dạy về ngôi nhà được xây trên đá.
- Đó là câu hỏi làm thế nào đạt
được sự khôn ngoan thật sự. Cội nguồn của sự khôn ngoan là Lời Chúa
đã được diễn đạt trong Lề Luật của Thiên Chúa. Sự Khôn Ngoan đích
thực bao gồm việc lắng nghe và thực hành Lời Chúa (Lc 11:28). Nếu
chỉ nói: “Lạy Chúa, lạy Chúa” xuông thì chưa đủ! Điều
quan trọng không phải là nói những lời hoa mỹ về Chúa, mà chính là làm theo Ý
Chúa Cha, và vì thế, là một mặc khải cho tình yêu và sự hiện diện của Chúa
trong thế gian.
- Những ai lắng nghe và thực hành
Lời Chúa, thì giống như người xây nhà trên đá. Sự bền vững của ngôi
nhà không đến tự chính nó, mà là đến từ đất, từ đá. Tảng đá mang ý
nghĩa gì? Đó là kinh nghiệm về tình yêu Thiên Chúa được mặc khải
trong Đức Giêsu (Rm 8:31-39). Có một số người thực hành Lời Chúa để
xứng đáng với tình yêu của Thiên Chúa. Nhưng tình yêu thì không thể
có được bằng mua chuộc, đổi chác, cũng chẳng phải vì chúng ta xứng đáng (Dc
8:7). Tình yêu của Thiên Chúa được nhận một cách nhưng không. Chúng
ta hãy thực hành Lời Chúa chẳng phải vì xứng đáng, mà là để cảm tạ về tình yêu
chúng ta đã nhận được. Đây là đất vững chắc, là nền đá, mang đến sự
an toàn cho căn nhà. Sự an toàn thực sự đến từ tình yêu bất biến của
Thiên Chúa! Đó là tảng đá nâng đỡ chúng ta trong những lúc khó khăn
và bão táp.
- Thánh sử kết thúc Bài Giảng Trên
Núi (Mt 7:27-28) nói rằng đám đông vẫn còn sửng sốt về lời giảng dạy của Chúa,
vì người giảng dạy như một Đấng có thẩm quyền, chứ không như các Kinh Sư của
họ.” Kết qua của bài giảng của Chúa Giêsu là việc nhận thức quan trọng của
dân chúng liên quan đến thành phần lãnh đạo tôn giáo vào thời ấy. Ngưỡng
mộ và biết ơn, người ta đón nhận lời giáo huấn tốt đẹp và đa dạng của Chúa
Giêsu.
4. Một vài câu hỏi gợi ý cho việc
suy gẫm cá nhân
- Tôi có phải là trong số những kẻ
nói “Lạy Chúa, lạy Chúa” không, hay tôi ở trong số những người đi thực hành Lời
Chúa?
- Tôi tuân giữ Lề Luật Chúa vì để
xứng đáng với tình yêu và ơn cứu độ hay tôi tuân giữ Luật Chúa để cảm tạ Chúa
vì tình yêu và ơn cứu độ của Người?
5. Lời nguyện kết
Lạy Chúa, xin ban ơn cứu độ!
Lạy Chúa, nguyện xin Chúa tuôn đổ phúc lành
cho người tiến vào đây nhân danh Chúa (Tv 118)
Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Năm Tuần I MV1
Bài đọc: Isa 26:1-6; Mt
7:21, 24-27.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Cuộc đời chúng ta
phải được xây trên tảng đá vững chắc là Thiên Chúa.
Tất
cả các mối liên hệ trong cuộc đời đều đòi phải có hai chiều: chiều cho đi và
chiều nhận lại. Ví dụ, Thánh Phaolô dạy, để có hạnh phúc trong mối liên hệ vợ
chồng: vợ phải vâng lời chồng và chồng phải yêu thương vợ. Càng đúng hơn trong
mối liên hệ giữa con người và Thiên Chúa. Nếu Ngài đã thương yêu, lo lắng, mặc
khải mọi sự cho con người được an bình hạnh phúc; con người phải biết tin tưởng,
cậy trông, và làm theo những gì Lời Chúa mặc khải. Nếu con người không chịu đáp
trả tình thương, vâng lời những gì Thiên Chúa dạy, và cứ làm theo những gì họ
muốn; làm sao họ có thể đạt được bình an và sống hạnh phúc?
Các
Bài đọc hôm nay đều liên quan tới mối liên hệ giữa con người và Thiên Chúa. Bài
đọc I nói lên tất cả những gì Chúa đã chuẩn bị cho con người để có một cuộc sống
vững chắc. Phúc Âm nhấn mạnh tới bổn phận con người cần đáp trả lại; phải thực
hành Lời Chúa thì đời sống con người mới vững vàng, và không có chi lay chuyển
được.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/
Bài đọc I:
Thiên Chúa thương yêu và bảo vệ Dân Ngài.
1.1/
Thiên Chúa là thành trì kiên cố: Jerusalem chính là tiêu biểu của thành trì này. Mặc
dù Thiên Chúa đã để cho quân đội Babylon xâm lấn và phá hủy Đền Thờ vì dân
không chịu nghe theo những gì Thiên Chúa dạy; nhưng chính Ngài sẽ cho tái thiết
lại Đền Thờ và Thành Jerusalem sau cuộc Lưu Đày. Tiên tri nói trước về ngày
này: “Ngày ấy, trong xứ Judah, người ta sẽ hát bài ca này: Chúng ta có thành
trì vững chắc, Chúa đã đặt tường trong luỹ ngoài để chở che.” Đền Thờ và tường
Thành được hòan tất khoảng 20 năm sau khi dân Do-thái từ nơi lưu đày trở về.
Thiên
Chúa đã chuẩn bị cho dân một thành trì vững chắc, nhưng dân phải tin tưởng và
làm theo những gì Ngài dạy, thì họ mới được sống an vui và hạnh phúc. Tiên tri
nói tiếp: “Mở cửa ra cho dân tộc công chính bước vào, một dân tộc trọn niềm
trung nghĩa. Lạy Chúa, Ngài quyết giữ cho dân được an cư lạc nghiệp, vì họ tin
vào Ngài.”
1.2/
Đức Chúa là Núi Đá bền vững ngàn năm: Núi Đá thường được dùng để chỉ Núi Sion nơi mà Đền
Thờ và Thành Jerusalem được xây dựng trên đó; là một biểu tượng thường xuyên Cựu
Ước dùng để chỉ sự vững bền của Thiên Chúa. Chẳng hạn, trong Thánh Vịnh 18:2-3:
“Con yêu mến Ngài, lạy Chúa là sức mạnh của con; lạy Chúa là núi đá,
là thành luỹ, là Đấng giải thoát con; lạy Thiên Chúa con thờ, là núi đá cho
con trú ẩn, là khiên mộc, là Đấng cứu độ quyền năng, là thành trì bảo vệ.” Tiên
tri Isaiah khuyến khích dân đặt trọn vẹn tin tưởng nơi Thiên Chúa: “Đến muôn đời,
hãy tin vào Đức Chúa: chính Đức Chúa là núi đá bền vững ngàn
năm.”
Không
những xây dựng thành trì vững chắc cho dân ẩn náu, Thiên Chúa còn triệt hạ quân
thù, những kẻ mưu đồ ức hiếp dân. Quân thù này bao gồm cả những vua quan của
Do-Thái, những người lợi dụng quyền thế để ức hiếp dân nghèo. Đọan văn kế tiếp
có lẽ tiên tri ám chỉ biến cố xảy ra vào năm 587 BC, khi Babylon triệt hạ
Jerusalem và bắt vua quan của Judah đi lưu đày: “vì Người đã lật nhào dân sống ở
núi cao, thành trì kiên cố, Người đã triệt hạ, triệt hạ cho bình địa chỉ còn là
bụi đất. Nó sẽ bị chà đạp dưới chân, dưới chân người cùng khổ, dưới gót kẻ yếu
hèn.”
2/
Phúc Âm:
Ai nghe những lời Thầy nói đây mà đem ra thực hành, thì ví được như người khôn
xây nhà trên đá.
2.1/
Mối liên hệ giữa Thiên Chúa và con người không chỉ tòan lời nói: Nhiều người thích
nói lời yêu thương mặc dù những lời yêu thương không chân thành; nhiều người
cũng thích nghe những lời yêu thương mặc dù đó là những lời yêu thương giả dối,
như lời của một bài hát: “Tôi xin người cứ gian dối, cho tôi tưởng người cũng
yêu tôi… Tôi xin người cứ gian dối, nhưng xin người đừng lìa xa tôi!” Chuyện đó
không thể xảy ra với Thiên Chúa, vì Ngài yêu mến sự thật và có thể nhìn thấu suốt
tâm hồn của từng người. Chúa Giêsu cảnh cáo mọi người: “Không phải bất cứ ai
thưa với Thầy: "Lạy Chúa! Lạy Chúa!" là được vào Nước Trời cả đâu!
Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời, mới được vào
mà thôi.”
2.2/
Mối liên hệ giữa con người với Thiên Chúa phải được biểu tỏ qua việc nghe và giữ
Lời Chúa:
Vì yêu thương, Thiên Chúa săn sóc và quan tâm đến đời sống con người; Ngài muốn
con người được hạnh phúc và không muốn con người phải đau khổ. Là Đấng tạo
thành con người và điều khiển vũ trụ, Thiên Chúa biết rõ những gì lợi ích và những
gì gây đau khổ cho con người. Đó là lý do tại sao Ngài ban Lề Luật như hàng rào
để gìn giữ con người đừng vượt rào kẻo phải chịu đau khổ. Nhưng nếu con người
dùng tự do để không làm theo những gì Chúa dạy, con người phải lãnh nhận mọi khổ
đau của việc dùng tự do không đúng cách.
Ngòai
Lề Luật, Thiên Chúa còn mặc khải cho con người những sự khôn ngoan của Thiên
Chúa qua tòan bộ Kinh Thánh. Con người cần phải học cho biết tất cả những Lời
này, và đem ra áp dụng trong cuộc sống, thì sẽ thóat mọi hiểm nguy cuộc đời và
được sống hạnh phúc. Chúa Giêsu dùng 2 hình ảnh trái ngược: xây nhà trên đá và
xây nhà trên cát để chỉ người khôn ngoan hay người ngu dại mà khán giả của Ngài
hiểu ngay:
(1)
Người khôn ngoan: "Vậy
ai nghe những lời Thầy nói đây mà đem ra thực hành, thì ví được như người khôn
xây nhà trên đá. Dù mưa sa, nước cuốn, hay bão táp ập vào, nhà ấy cũng không sụp
đổ, vì đã xây trên nền đá.”
(2)
Người ngu dại: “Còn
ai nghe những lời Thầy nói đây, mà chẳng đem ra thực hành, thì ví được như người
ngu dại xây nhà trên cát. Gặp mưa sa, nước cuốn hay bão táp ập vào, nhà ấy sẽ sụp
đổ, sụp đổ tan tành.”
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
-
Mùa Vọng là thời gian cho mỗi người chúng ta nhìn lại mối liên hệ của mình với
Thiên Chúa, để xem coi mối liên hệ này đã tiến triển tới đâu, và làm thế nào để
cải tiến mỗi ngày một tốt đẹp hơn.
-
Một cách để nhìn lại là xét mình theo Lời Chúa dạy, chúng ta đã thực hành những
gì Chúa dạy chúng ta phải làm chưa: Mến Chúa trên hết mọi sự? Yêu tha nhân và
giúp đỡ họ như chính mình? Làm chứng cho Chúa bằng rao giảng Tin Mừng và cuộc sống
tốt lành?
-
Nếu không sống mối liên hệ với Thiên Chúa, làm sao cuộc đời chúng ta có thể an
bình và hạnh phúc được? Đừng lạ khi thấy cuộc đời chúng ta đầy dẫy những bi
quan, đổ vỡ gia đình, chán người và chán đời.
Linh
mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
HẠT
GIỐNG NẨY MẦM TUẦN 1 MV
Mt
7,21.24-27
A.
Hạt giống...
Câu
chủ yếu của đoạn này là câu 21 : “Không phải bất cứ ai thưa “Lạy Chúa, lạy
Chúa” là được vào Nước Trời cả đâu ! Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha
Thầy là Đấng ngự trên trời mới được vào mà thôi”.
Các
câu 24-27 là những hình ảnh minh hoạ cho câu trên : người nghe Lời Chúa rồi
thi hành giống như người “khôn” xây nhà trên đá ; kẻ nghe Lời Chúa nhưng
không thi hành giống như người “ngu” xây nhà trước cát.
B....
nẩy mầm.
1.
Chủ đề của bài đọc Cựu Ước, và sẽ được bài TM nhắc lại : “Dân công chính
biết giữ sự trung tín, hãy tiến vào”
2.
Tri phải đi đôi với hành. - Ta biết là thuốc tốt những không chịu uống thì cũng
chẳng ích lợi gì. - “Hoả ngục được lát toàn bằng những thiện chí” : mai
tôi sẽ nên thánh, mốt tôi sẽ giữ đạo…. Những chẳng bao giờ thực hành.
3.
Chúng ta thường xây nhà trên cát, vì chúng ta xây dựng cuộc sống đạo của mình
trên những luật lệ, những nghi lễ, trên những câu kinh “Lạy Chúa, lạy Chúa”.
Chúng ta ít quan tâm xây dựng cuộc sống trên việc tìm và thi hành ý Chúa, trên
việc lắng nghe và thực thi Lời Chúa.
4.
Muốn biết ngôi nhà đức tin của ta được xây trên cát hay trên đá, hãy coi những
lúc “mưa sa, nước cuốn, bão táp” dập vùi xem đức tin ta có còn đứng vững hay
không.
5.
“Một ông vua nọ có thói quen mỗi ngày nghe một đoạn trong kinh Bagavad Gita.
Người phụ trách việc đọc kinh này là một nhà sư đạo đức, thông thái. Cứ mỗi lần
đọc xong một đoạn kinh, ông lại dùng đến kiến thức uyên bác của mình để giải
thích cho vua nghe. Và ngày nào ông cũng đặt câu hỏi “Bệ hạ có hiểu những gì thần
vừa dẫn giải không ?”. Nhưng lần nào nhà vua cũng chỉ trả lời “Khanh nên hỏi
điều đó với khanh trước đã”... Ngày nọ, giữa lúc đọc kinh, ông bỗng được giác
ngộ và nhận ra tất cả mọi sự đều là hão huyền. Thế là nhà sư quyết từ bỏ mọi sự
và lên đường bắt đầu cuộc sống của một người hành khất. Trước khi ra đi, ông
nói với nhà vua “Tâu bệ hạ, thế là cuối cùng hạ thần đã hiểu được”... Giác ngô
đích thực, hiểu biết chân lý chính là thực thi chân lý”. (Trích "Mỗi ngày
một tin vui")
6.
“Chỉ những ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời thì mới được
vào Nước Trời mà thôi” (Mt 7,21)
Có
lần tôi xem được một chương trình trên tivi về những người cùng khổ trong xã hội.
Họ không có lấy một chỗ dựa, một ai nâng đỡ để hòa nhập cuộc sống của mọi người.
Họ đang cần sự giúp đỡ của bạn, và của chính tôi. Đã bao nhiêu lần, tôi khước từ
lời kêu cứu của họ. Tôi dửng dưng trước lời họ mời gọi. Và như thế, tôi cũng
khước từ ý muốn của Cha. Ý muốn của Cha là “anh em hãy yêu mến nhau như Thầy đã
yêu anh em”, nghĩa là sẵn sàng hiến mạng sống vì anh em. Vậy, tôi phải cứu lấy
những anh em tôi, phải thi hành ý muốn của Cha.
Lạy
Chúa, xin cho con biết yêu thương anh em như Chúa đã yêu con, để người ta nhận biết
chúng con là môn đệ của Ngài (Epphata)
Lm.Carolo HỒ BẶC
XÁI – Gp. Cần Thơ
05/12/13 THỨ NĂM ĐẦU THÁNG TUẦN 1 MV
Mt 7,21.24-27
Mt 7,21.24-27
ĐÁNH TRỐNG BỎ DÙI
Suy niệm: Có một cách hiểu
thành ngữ “đánh trống bỏ dùi”, theo đó “dùi” là những tiếng trống lẻ theo sau hồi
trống dài. Gọi là “lẻ” nhưng những “dùi” này rất quan trọng vì nó giúp phân biệt
các mệnh lệnh khác nhau. Như “ba hồi chín dùi” là họp toàn dân, trong khi “ba hồi
ba dùi” nghĩa là có cha về dâng thánh lễ. Vậy “đánh trống bỏ dùi” là chỉ đánh
những trống hồi, còn bỏ không đánh những tiếng trống lẻ theo sau. Nó ám chỉ
cung cách làm việc thiếu chu đáo, thiếu tinh thần trách nhiệm, không làm đến
nơi đến chốn, nửa làm nửa không. Theo cách hiểu này, cũng là “đánh trống bỏ
dùi” nếu chỉ nói tin Chúa mà lại không sống đức tin ấy. Chúa Giêsu cho biết đức
tin ấy không thể đem lại ơn cứu rỗi: “Không phải bất cứ ai ....”
Mời Bạn: Tin
trong lời mà không tin trong đời, người ta mắc phải
căn bệnh “đánh trống bo dùi” với các triệu chứng: nói mà không làm, nói nhiều
làm ít, nói hay làm dở, làm nửa vời bỏ dở dang. Khi Chia Sẻ Lời Chúa, ta mắc bệnh
này khi chỉ đề ra những lý giải thật hay mà không hoán cải đời sống, không thực
thi Lời Chúa. Nó biến việc chia sẻ Lời Chúa thành giờ lý thuyết suông, bày biện
những “ngôn từ” vô bổ.
Chia sẻ: Nhiều
lần các bạn đã sống Lời Chúa trong đời thường của bạn. Xin chia sẻ cho nhau một
trường hợp bạn thấy ý nghĩa nhất, đánh động bạn nhất.
Sống Lời Chúa: Làm
một việc hy sinh (tránh một dịp tội, bớt một chầu rượu, nhịn một điếu thuốc, một
lời nói chua cay...) để sống tinh thần Mùa Vọng.
Cầu nguyện: Hát: “Gặp gỡ
Đức Kitô”.
Thực thi chân lý
R. Khrisna, nhà thần bí Ấn độ, có kể câu chuyện như sau:
Một ông vua nọ có thói quen mỗi ngày nghe một đoạn trong kinh
Bagayad Gita. Người phụ trách việc đọc kinh này là một nhà sự đạo đức, thông
thái. Cứ mỗi lần đọc xong một đoạn kinh, ông lại dùng kiến thức uyên bác của
mình để giải thích cho nhà vua nghe, và ngày nào ông cũng đặt câu hỏi: “Bệ hạ
có hiểu những gì thần vừa dẫn giải không?” Nhưng lần nào nhà vua cũng chỉ trả
lời: “Khanh nên hỏi điều đó với khanh trước đã”.
Dĩ nhiên, thái độ của vua làm cho nhà sư buồn không ít. Ngày
nào ông cũng miệt mài tra cứu cốt để giúp nhà vua hiểu được lời kinh trong sách
thánh của Ấn giáo. Nhưng mỗi ngày ông có cảm tưởng như mình đang làm một công
việc dã tràng.
Ngày nọ, giữa lúc đang định tâm, ông bỗng được giác ngộ và
nhận ra tất cả mọi sự đều là hão huyền. Thế là nhà sự quyết từ bỏ mọi sự và lên
đường bắt đầu cuộc sống của một người hành khất. Trước khi ra đi, ông nói với
nhà vua: “Tâu bệ hạ, thế là cuối cùng hạ thần đã hiểu được”.
Sự giác ngộ của nhà sư trên đây có thể gợi lên cho chúng ta
lời nhắn nhủ của thánh Gioan Tông đồ. Trong thư thứ nhất, ngài lặp đi lặp lại
nhiều lần: “Chúng ta phải thực thi chân lý, chúng ta phải sống chân lý. Ai thực
thi chân lý sẽ đến với ánh sáng”. Giác ngộ đích thực, hiểu biết chân lý chính
là thực thi chân lý.
Giáo huấn của thánh Gioan chính là âm vang của lời Chúa Giêsu
trong bài Tin mừng hôm nay: “Không phải những ai nói: Lạy Chúa, lạy Chúa là
được vào Nước Trời, nhưng chỉ những ai thực thi ý Cha Ta trên trời, những người
ấy mới được vào Nước Trời”.
Chúa Giêsu không bao giờ dạy điều gì mà chính Ngài không sống
và thực thi trước. Cả cuộc sống Ngài là một tiếng xin vâng với thánh ý Thiên
Chúa, cả cuộc sống Ngài là một thể hiện lời Ngài giảng dạy.
Ước gì lời Chúa hôm nay nhắc nhở chúng ta về sứ mệnh của
người Kitô hữu, đó là làm chứng cho Đức Kitô, không những bằng những tuyên xưng
hay biểu dương bên ngoài, mà bằng cả cuộc sống của chúng ta.
Suy niệm
Bài tin mừng hôm nay là những lời kết thúc của bài giảng trên núi. Chúa
Giêsu nhấn mạnh đến việc phải đem những lời Ngài dạy ra thực hành. Qua đó chúng
ta thấy rằng người môn đệ chân chính là người không chỉ biết nghe mà còn phải
đem lời Chúa ra thực hành.
Lắng nghe lời Chúa, cầu nguyện và học hỏi giáo lý là điều rất tốt và cần
thiết giúp chúng ta khám phá ra ý muốn của Thiên Chúa. Nhưng chừng đó thì chưa
đủ bảo đảm Nước trời cho chúng ta. Nếu chúng ta không đem những điều mình học
hỏi ra thực hành thì việc học hỏi đó trở nên vô ích. Trong cuộc sống, điều làm
vui lòng Thiên Chúa không phải chỉ là những giây phút chúng ta cầu nguyện, mà
là mọi lúc trong ngày biết sống theo ý Ngài. Ngay cả khi chúng ta gặp những
điều trái ý, cả khi phải bỏ những dự tính, chương trình của mình, những điều
mình ấp ủ yêu thích để theo ý Chúa. Chúng ta phải biết kết hợp hài hòa giữa đời
sống cầu nguyện và cuộc sống để những công việc hằng ngày đều được thực hiện
theo ý muốn của Thiên Chúa.
Chúa Giêsu đã dùng hình ảnh rất dễ hiểu để minh họa cho chúng ta là: nếu
chúng ta chỉ nghe lời Chúa mà không đem ra thực hành thì cũng giống như việc
xây nhà trên cát, dễ đỗ vỡ khi gặp thử thách. Còn người nghe và biết thi hành
lời Chúa thì giống như xây nhà trên đá, vững chắt không sụp đỗ khi gặp thử
thách. Người Việt Nam có câu “Học phải đi đôi với hành”. Vậy mỗi người
chúng ta hãy xét lại, xem mình có đem lời Chúa ra thực hành trong cuộc sống
hằng ngày không? Để mình có thể chỉnh đốn lại đời sống theo đúng và đẹp lòng
Chúa hơn.
Lạy Chúa, xin cho chúng con nhận biết rằng chỉ có đọc
kinh cầu nguyện thì chưa đủ. Điều quan trọng và cần thiết hơn là chúng con phải
biết đem lời Chúa ra thực hành trong đời sống hằng ngày. Amen.
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
5 THÁNG MƯỜI HAI
Cuối Cùng Của Thời
Cũ - Đầu Tiên Của Thời Mới
Trong tất cả mầu nhiệm của ngài, Đức Ma-ri-a là
thành viên ưu việt của Giáo Hội. Chính Mẹ là người mở đường cho buổi khai
nguyên của Giáo Hội. Mẹ gắn bó chặt chẽ với Giáo Hội trong lịch sử cứu độ mà Mẹ
hiện thân như một sự nhập thể và một hình ảnh sống động của chính Giáo Hội, Hiền
Thê Đức Kitô. Từ đầu cuộc đời của Mẹ, Mẹ có tất cả sự sung mãn của ân sủng mà Đức
Kitô ban cho Giáo Hội Người.
Trong ánh sáng này, chúng ta nhớ lại chương 8 Hiến
Chế Giáo Hội. Chú giải quan điểm của Thánh Luca, văn kiện này của Công Đồng
Vatican II nói với chúng ta: “Sau một giai đoạn lâu dài chờ đợi, thời gian được
viên mãn nơi ngài, Nữ Tử cao quí của Sion, và kế hoạch cứu độ mới được thực hiện.”
Ở mốc điểm quan trọng này của lịch sử, Đức Ma-ri-a là chỗ kết nối giữa Cựu Ước
và Tân Ước. Mẹ đại diện cho sự chấm dứt của cộng đoàn It-ra-en đợi chờ Đấng
Thiên Sai và đại diện cho sự khởi đầu của Giáo Hội Đức Kitô mới được khai sinh.
Mẹ vừa là sự thể hiện cuối cùng và hoàn hảo của con cái Thiên Chúa sinh bởi
Abraham dưới cơ chế Cựu Ước, vừa là sự thể hiện đầu tiên và tuyệt đỉnh của con
cái mới của Thiên Chúa được khai sinh bởi Đức Kitô. Nơi Đức Ma-ri-a, chúng ta
nhận ra các lời hứa, các điều báo trước, các lời ngôn sứ của Hội Thánh trong Cựu
Ước được hoàn thành. Với Mẹ, chúng ta cũng nhìn thấy Giáo Hội của Tân Ước bắt đầu,
không nhăn nheo tì tích, trong sự sung mãn của ân sủng Thánh Thần.
- suy tư 366 ngày của
Đức Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch từ
nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations
by Pope John Paul II
Lời Chúa Trong Gia
Đình
NGÀY 05-12
Is 26, 1-6; Mt 7, 21.24-27.
LỜI SUY NIỆM: “Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: Lạy Chúa! Lạy
Chúa! Là được vào Nước Trời cả đâu! Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy
là Đấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi.”
Tin Mừng của Chúa Giêsu là ánh sáng soi đường cho con người nhận biết
Thiên Chúa là Tình Yêu, để tôn thờ Ngài trong vâng phục và đem vào cuộc sống của
mình, chứ không phải là một thứ trang điểm.
Lạy Chúa Giêsu. Xin ban cho những người trong gia đình chúng con tin vững
vàng vào những điều Chúa đã dạy như là ngọn đèn soi sáng, dẫn đường chúng con
đi đến gặp Chúa và anh em mình.
Mạnh Phương
05 Tháng Mười Hai
Thiện Nguyện
Hôm nay là ngày quốc tế những người thiện nguyện, được
Liên Hiệp Quốc thành lập năm 1985 và cử hành lần đầu tiên ngày 05 tháng 12 năm
1986. Ngày quốc tế những người thiện nguyện vừa là một tưởng thưởng và biết ơn
đối với không biết bao nhiêu người đang âm thầm phục vụ không công những người
đồng loại của mình, vừa là một lời gọi dấn thân phục vụ.
Hiện nay, trên khắp thế giới có khoảng 35 cơ quan
thiện nguyện chiêu mộ và gửi người đi khắp nơi để phục vụ trong mọi lãnh vực: từ
một cán sự y tá phục vụ trong rừng già Phi Châu, đến các chuyên viên làm việc
trong các dự án phát triển tại các nước thuộc thế giới đệ tam, từ một thanh
niên thiếu nữ âm thầm làm việc tại các nước nghèo đến các chuyên viên tổ chức
các cuộc lạc quyên: tất cả đều được thúc đẩy bởi một ý chí: đó là phục vụ người
anh em.
Ngày quốc tế những người thiện nguyện cũng là một
bài ca dành cho một nhân loại đã đạt được một bước tiến dài trong sự trưởng
thành. Bên cạnh những bước dật lùi vì chiến tranh, vì hủy hoại lẫn nhau, nhân
loại vẫn cố gắng tiến bước trong khát vọng và những nỗ lực nhân đạo. Bước tiến ấy
còn tiếp tục là nhờ ở tinh thần thiện nguyện, ý chí phục vụ
Ngày quốc tế thiện nguyện hôm nay không phải là phụ
trương của những ngày quốc tế khác rải rác trong suốt năm như ngày Hòa Bình thế
giới, ngày sức khỏe, ngày thực phẩm, ngày Giới Trẻ, ngày Môi Sinh, ngày Nhi Ðồng,
ngày Phụ Nữ v.v... Ngày hôm nay là khẳng định của một ý niệm nền tảng cho tất cả
mọi ngày quốc tế khác: ý niệm đó chính là tự nguyện phục vụ.
Ngày quốc tế những người thiện nguyện hôm nay không
chỉ là ngày tưởng thưởng và biết ơn đối với những người thiện nguyện. Ngày hôm
nay là ngày của mỗi người chúng ta, bởi vì chúng ta chỉ có thể sống trọn ơn gọi
làm người khi chúng ta biết tự nguyện sống cho người khác.
Chúa Giêsu là mẫu mực của thiện nguyện... Là Thiên
Chúa, Ngài đã đến trong thế gian để mặc lấy thân phận nghèo hèn của con người.
Trở nên con người, Ngài đã không sống giữa chốn giàu sang phú quý, nhưng đến với
những con người nghèo hèn nhất trong xã hội. Ngài đã phục vụ và phục vụ cho đến
chết. Ngài đã đến để làm cho bộ mặt thế giới này trở nên nhân bản hơn. Cùng với
Ngài, hàng hàng lớp lớp những con người dấn thân phục vụ tha nhân đã tô điểm
cho bộ mặt thế giới được thêm tươi tốt hơn. Quả thực, một thế giới không có những
người sống và chết cho tha nhân là một thế giới không có nhân tính... Chúng ta
hãy tưởng tượng một thế giới không có những thánh Phanxicô thành Assisi, không
có những Mahatma Gandhi, không có những Albert Schweitzer, không có những
Têrêxa Calcutta, không có những hội viên của Hội Chữ Thập Ðỏ... một thế giới
như thế quả thực là một thế giới buồn thảm. Một thế giới không có những bàn tay
đưa ra để chia sẻ, để san sẻ, để đỡ nâng, một thế giới không có những tấm lòng
tử tế: một thế giới như thế quả thực là một thế giới của chết chóc...
(Lẽ Sống)
Thứ Năm 5-12
Thánh Sabas
(s. 439)
S
|
inh ở Cappadocia (ngày
nay là Thổ Nhĩ Kỳ), Thánh Sabas là một trong những thượng phụ đáng kính của các
đan sĩ Palestine và được coi là một trong các vị sáng lập lối sống ẩn tu của
Ðông Phương.
Sau thời thơ ấu thiếu
hạnh phúc mà ngài thường bị đánh đập và bỏ nhà một vài lần, sau cùng Sabas đã
đến trú ẩn trong một tu viện. Mặc dù gia đình đã nhiều lần dụ dỗ trở về nhà,
người thiếu niên ấy cảm thấy bị thu hút bởi đời sống đan viện. Và mặc dù là một
đan sĩ trẻ nhất trong cộng đoàn, ngài trổi vượt về nhân đức.
Vào năm 18 tuổi, ngài
đến Giêrusalem, tìm hiểu biết thêm về lối sống cô độc. Không bao lâu, ngài xin
được làm đệ tử của một vị ẩn tu nổi tiếng ở địa phương, dù rằng lúc đầu ngài
được coi là quá trẻ để có thể theo được lối sống khắc khổ. Trong thời gian ở tu
viện, vào ban ngày ngài làm việc quần quật và ban đêm ngài dành nhiều thời giờ
để cầu nguyện. Vào lúc 30 tuổi, ngài được phép dành năm ngày mỗi tuần để sống
trong một hang động thật xa vắng, để cầu nguyện và lao động chân tay dưới hình
thức đan rổ rá.
Sau khi vị linh hướng là
Thánh Euthymius từ trần, Sabas đi sâu vào sa mạc hơn nữa, gần Jericho. Ở đây
ngài sống trong một hang động gần con suối Cedron mà lối ra vào chỉ là sợi dây
thừng, còn thức ăn là rau cỏ dại mọc trên đá sỏi. Thỉnh thoảng có người đem cho
ngài các thực phẩm và đồ gia dụng cần thiết, trong khi ngài phải tự đi tìm nước
uống.
Một số người đến với
ngài để xin gia nhập đời sống ẩn dật. Lúc đầu ngài từ chối. Nhưng không lâu sau
khi ngài cho phép, những người theo ngài lên đến trên 150 người, tất cả đều
sống trong các túp lều tranh riêng rẽ quây quần thành một cộng đoàn, gọi là
laura.
Trong thời gian ngài
khoảng 50 tuổi, đức giám mục thuyết phục Sabas chuẩn bị chịu chức linh mục để
ngài có thể phục vụ cộng đoàn đan viện của ngài tốt đẹp hơn trong vai trò lãnh
đạo. Mặc dù điều khiển một cộng đoàn đan sĩ với tư cách tu viện trưởng, ngài
vẫn cảm thấy ơn gọi sống đời ẩn dật. Hàng năm -- thường vào mùa Chay -- ngài bỏ
cộng đoàn trong một thời gian khá lâu khiến các đan sĩ thật lo lắng. Một nhóm khoảng
60 người rời bỏ tu viện, thành lập một cộng đoàn ở gần đó mà không có phương
tiện cần thiết. Khi Sabas nghe biết về các khó khăn họ phải gánh chịu, ngài đã
rộng lượng cấp dưỡng cho họ và giúp đỡ xây dựng cộng đoàn.
Trong nhiều năm trời,
Sabas đi khắp Palestine, rao giảng đức tin chân chính và đem được nhiều người
về với Giáo Hội. Vào lúc 91 tuổi, theo lời thỉnh cầu của Ðức Thượng Phụ
Giêrusalem, Sabas thực hiện cuộc hành trình đến Constantinople cùng lúc với
cuộc nổi loạn của người Samaritan và sự đàn áp đầy võ lực. Ngài cảm thấy đau
yếu và, sau khi trở về nhà không lâu, ngài từ trần tại tu viện Mar Saba. Ngày
nay tu viện này vẫn còn các đan sĩ của Giáo Hội Chính Thống Giáo, và Thánh
Sabas được coi là một trong những nhân vật sáng giá của đời sống ẩn tu thời
tiên khởi.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét