Trang

Chủ Nhật, 8 tháng 12, 2013

09-12-2013 : THỨ HAI TUẦN II MÙA VỌNG - ĐỨC TRINH NỮ MARIA VÔ NHIỄM NGUYÊN TỘI - LỄ TRỌNG

Ngày 9 tháng 12
Ðức Trinh Nữ Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội
Lễ Trọng


Ngay từ giây phút đầu tiên trong đời, Đức Maria đã được gìn giữ khỏi vương bất cứ tội lỗi nào, nhờ ân sủng do cái chết của Con mình. Như vậy, tín điều Đức Maria vô nhiễm nguyên tội được đặt căn bản trên đặc ân làm Mẹ Thiên Chúa. Đức Maria vô nhiễm nguyên tội, cũng như được cất lên trời là hình ảnh tiên báo Hội Thánh. Thiên Chúa muốn cho Hội Thánh không tỳ ố, không vết nhăn, hoặc bất cứ một khuyết điểm nào.

Ðức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội
"Thánh Maria, Mẹ Thiên Chúa". Ngay từ những thế kỷ đầu, Giáo Hội đã hân hoan chúc tụng với niềm tin tưởng vào chức vị cao trọng của Mẹ. Nhưng Giáo Hội phải trải qua một thời gian lâu dài, để dần dần khám phá ra những kỳ công của ân sủng gói ghém qua lời Kinh hằng được van xin trên môi miệng của các tín hữu. Thánh Irênê đã cảm thấy trước đặc ân Vô Nhiễm Nguyên Tội của Mẹ khi ngài ca ngợi Mẹ là "Evà mới". Mãi tới thế kỷ XV, chúng ta mới thấy Giáo Hội diễn tả trong phụng vụ "Thiên Chúa đã dọn cho Con Ngài một chỗ ở xứng đáng nhờ đặc ân Vô Nhiễm Nguyên Tội của Ðức Trinh Nữ. Mẹ được giữ sạch không vương chút tội lỗi nhờ vào ân sủng do cuộc tử nạn của Chúa Giêsu", và Ðức Giáo Hoàng Piô IX đã lập lại những ý tưởng đó khi long trọng công bố tín điều Mẹ Vô Nhiễm (08/12/1854).
Với đắc ân Vô Nhiễm, Mẹ không phải chỉ được giữ sạch, không chút tội lỗi, mà Mẹ còn được tràn đầy ơn phước: Thiên Chúa đã đổ tràn muôn hồng ân cho Mẹ, đã phủ kín gấu áo Mẹ bằng một vẻ trắng trong tinh tuyền. Cũng như đặc ân lên trời, sự Vô Nhiễm bắt nguồn từ chức vụ Mẹ Thiên Chúa. Và cũng như đặc ân lên trời, với Sự Vô Nhiễm Nguyên Tội, Mẹ chính là hình ảnh của Giáo Hội: Thiên Chúa đã gìn giữ Giáo Hội, hiền thê của Ngài, không tì ố, rực sáng vẻ đẹp thánh thiện và Vô Nhiễm.


Bài Ðọc I: St 3, 9-15. 20
"Ta sẽ đặt mối thù nghịch giữa miêu duệ mi và miêu duệ người phụ nữ".
Trích sách Sáng Thế.
Thiên Chúa đã gọi Ađam và phán bảo ông rằng: "Ngươi đang ở đâu?" Ông đã thưa: "Con nghe thấy tiếng Ngài trong vườn địa đàng, nhưng con sợ hãi, vì con trần truồng và con đang ẩn núp".
Chúa phán bảo ông rằng: "Ai đã chỉ cho ngươi biết rằng ngươi trần truồng, há chẳng phải tại ngươi đã ăn trái cây mà Ta cấm ngươi không được ăn ư?" Ađam thưa lại: "Người phụ nữ Chúa đã cho làm bạn với con, chính nàng đã cho con trái cây và con đã ăn".
Và Thiên Chúa phán bảo người phụ nữ rằng: "Tại sao ngươi đã làm điều đó?" Người phụ nữ thưa: "Con rắn đã lừa dối con và con đã ăn".
Thiên Chúa phán bảo con rắn: "Bởi mi đã làm điều đó, mi sẽ vô phúc ở giữa mọi sinh vật và mọi muông thú địa cầu; mi sẽ bò đi bằng bụng, và mi sẽ ăn bùn đất mọi ngày trong đời mi. Ta sẽ đặt mối thù nghịch giữa mi và người phụ nữ, giữa miêu duệ mi và miêu duệ người đó, người miêu duệ đó sẽ đạp nát đầu mi, còn mi thì sẽ rình cắn gót chân người".
Và Ađam đã gọi tên vợ mình là Evà: vì lẽ bà là mẹ của chúng sinh.
Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 97, 1. 2-3ab. 3cd-4
Ðáp: Hãy ca tụng Chúa một bài ca mới, vì Người đã làm nên những điều huyền diệu (c. 1a).
Xướng: 1) Hãy ca tụng Chúa một bài ca mới, vì Người đã làm nên những điều huyền diệu. Tay hữu Người đã tạo cho Người cuộc chiến thắng, cùng với cánh tay thánh thiện của Người. - Ðáp.
2) Chúa đã công bố ơn cứu độ của Người, trước mặt chư dân Người tỏ rõ đức công minh. Người đã nhớ lại lòng nhân hậu và trung thành để sủng ái nhà Israel. - Ðáp.
3) Khắp cùng bờ cõi trái đất, đã nhìn thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa chúng ta. Toàn thể địa cầu, hãy reo mừng Chúa, hãy hoan hỉ mừng vui, và đàn ca. - Ðáp.

Bài Ðọc II: Ep 1, 3-6. 11-12
"Từ trước khi tạo thành vũ trụ, Thiên Chúa đã kén chọn chúng ta trong Ðức Kitô".
Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Êphêxô.
Anh em thân mến, chúc tụng Thiên Chúa và là Cha của Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta: Người đã chúc phúc cho chúng ta bằng mọi phúc lộc thiêng liêng ở trên trời trong Ðức Kitô. Bởi Người đã kén chọn chúng ta trong Ðức Kitô từ trước khi tạo thành vũ trụ, hầu cho chúng ta được thánh thiện và tinh tuyền trước mặt Người. Trong tình thương, Người đã tiền định cho chúng ta được làm dưỡng tử đối với Người, qua Ðức Giêsu Kitô, theo như ý Người sở định, cho được ca ngợi vinh quang ân sủng của Người, ân sủng mà Người ban tặng chúng ta trong Con yêu quý của Người.
Cũng trong Ðức Kitô, chúng ta đã được chọn trước làm phần gia nghiệp, chiếu theo chương trình tiền định của Ðấng tác thành mọi sự theo như ý Mình sở định, hầu cho chúng ta ca tụng vinh quang Người, chúng ta là những người đã đặt niềm hy vọng trước trong Ðức Kitô.
Ðó là lời Chúa.

Alleluia:
Alleluia, alleluia! - Kính chào Trinh Nữ Maria đầy ơn phúc, Thiên Chúa ở cùng Trinh Nữ, Trinh Nữ có phúc hơn các người nữ. - Alleluia.

Phúc Âm: Lc 1, 26-38
"Chào Trinh Nữ đầy ân sủng, Chúa ở cùng Trinh Nữ".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, thiên thần Gabriel được Chúa sai đến một thành xứ Galilêa, tên là Nagiarét, đến với một trinh nữ đã đính hôn với một người tên là Giuse, thuộc chi họ Ðavít, trinh nữ ấy tên là Maria. Thiên thần vào nhà trinh nữ và chào rằng: "Kính chào trinh nữ đầy ơn phúc, Thiên Chúa ở cùng trinh nữ, trinh nữ có phúc hơn các người nữ". Nghe lời đó, trinh nữ bối rối và tự hỏi lời chào đó có ý nghĩa gì. Thiên thần liền thưa: "Maria đừng sợ, vì đã được ơn nghĩa với Chúa. Này trinh nữ sẽ thụ thai, hạ sinh một Con trai và đặt tên là Giêsu. Người sẽ nên cao trọng và được gọi là Con Ðấng Tối Cao. Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngôi báu Ðavít tổ phụ Người. Người sẽ cai trị đời đời trong nhà Giacóp và triều đại Người sẽ vô tận!" Nhưng Maria liền thưa với Thiên Thần: "Việc đó xảy đến thế nào được, vì tôi không biết đến người nam?" Thiên thần thưa: "Chúa Thánh Thần sẽ đến với trinh nữ và uy quyền Ðấng Tối Cao sẽ bao trùm trinh nữ. Vì thế Ðấng trinh nữ sinh ra sẽ là Ðấng Thánh và được gọi là Con Thiên Chúa. Và này, Isave chị họ trinh nữ cũng đã thụ thai con trai trong lúc tuổi già và nay đã mang thai được sáu tháng, người mà thiên hạ gọi là son sẻ; vì không có việc gì mà Chúa không làm được". Maria liền thưa: "Này tôi là tôi tớ Chúa, tôi xin vâng như lời Thiên thần truyền". Và Thiên Thần cáo biệt trinh nữ.
Ðó là lời Chúa.


Suy niệm : Lễ Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội

 Trong quyển "Tiểu Sử Ðời Sống Của Thánh Don Boscô" có thuật lại một sự việc sau đây:
Hôm ấy là ngày 8 tháng 12 năm 1841, ngày lễ Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, Cha Don Boscô vị tân Linh Mục đang mặc áo sửa soạn dâng Thánh Lễ, bỗng từ trong phòng áo Cha nghe tiếng ồn ào từ phía ngoài cửa. Cha bước ra và gặp thấy Ông Từ coi phòng áo nhà thờ đang cầm chổi lông gà đánh đuổi một cậu bé nghèo ăn mặc rách rưới, chỉ vì cậu dám bén mảng đến phòng áo và lại không biết giúp lễ. Cha Don Boscô tỏ vẻ không bằng lòng và bảo Ông Từ phải đi tìm cậu bé đem trở lại phòng áo cho Cha. Cha lại còn quả quyết rằng đó là bạn thân của Cha.
Vâng! Tất cả các thanh thiếu niên nghèo bị bỏ rơi đều là bạn thân của Cha hết.
Một lúc sau, Ông Từ trở lại phòng áo, dẫn theo cậu bé bị đánh đuổi. Cha bảo cậu ngồi đợi một chút, sau lễ ngài sẽ nói với cậu về một điều mà cậu rất vui thích. Có lẽ đó chỉ là cách Cha muốn bù đắp lại sự tàn nhẫn của Ông Từ hoặc xóa bỏ đi những mặc cảm và ấn tượng xấu đã gây nên trong tâm hồn cậu.
Nhưng đường lối của Chúa còn đi xa hơn nữa, vì chính trong ngày lễ Kính Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội đó, Thiên Chúa muốn ngài khởi công một sứ mệnh Tông Ðồ cao cả mà vẫn còn hiện hữu cho tới ngày nay tại mọi dân tộc, mọi nền văn hóa. Ðiều gì đã xảy ra trong cuộc gặp gỡ đó? Như lời đã hứa, sau lễ Cha bắt đầu cuộc đối thoại thân mật với cậu bé, đó là cậu Bartolômêo Galendy. Don Boscô bắt đầu bằng những câu hỏi thân mật từ gia đình cậu, cha mẹ cậu.
Cậu đáp lại là cả hai đều đã qua đời.
Cha hỏi tiếp về tuổi của cậu, về công ăn việc làm và nơi ăn chốn ở của cậu.
Tuy nhiên câu hỏi đó, cậu chỉ đáp lại bằng tiếng "không" hơi cọc cằn.
Tuy nhiên, Cha vẫn không nản lòng. Sau cùng Cha hỏi: Con có biết huýt sáo không? Mắt cậu sáng lên và cậu bắt đầu mỉm cười gật đầu. Ðó là điều duy nhất Cha mong ước. Cậu đã bị chinh phục và đã trở nên bẹn thân của Cha. Từ đó, cha bắt đầu đối thoại bằng những câu hỏi về đời sống người công giáo của cậu. Ðáng thương thay, tuy cậu đã lên 16 tuổi nhưng chỉ được xưng tội lần đầu mà thôi. Còn về giáo lý thật không biết gì hết, vì không được ai chỉ bảo cho. Ngay cả đến việc làm dấu Thánh Giá và đọc một kinh Kính Mừng cậu cũng không biết. Và cha Don Boscô quì gối đọc kinh Kính Mừng phó thác cho Mẹ Maria và nhân danh Mẹ bắt đầu sứ mệnh Tông Ðồ của Cha, cầu xin Mẹ giúp Cha cứu rỗi linh hồn cậu bé này.
Trước khi cho cậu ra về, Cha tặng cậu một mẩu ảnh Ðức Mẹ và cậu hứa sẽ trở lại tuần tới đem theo chúng bạn của cậu để cùng được học giáo lý nữa.
Nhân dịp toàn thể Dòng Con Cái Don Boscô mừng kỷ niệm một trăm năm mươi năm cuộc gặp gỡ đầu tiên giữa Don Boscô và cậu bé Bartolômêo Galendy, ngày khởi đầu sinh hoạt Khánh Lễ Viện mà Don Boscô là Vị Sáng Lập và cậu bé Bartolômêo là viên đá đầu tiên. Nơi cậu Bartolômêo, Don Boscô đã nhìn thấy trước hàng ngàn thanh thiếu niên bị bỏ rơi cần được nhận biết tình thương của Chúa và ngài đã hiến trọn đời mình để giáo dục niềm tin trong tâm hồn các em. Hơn nữa, ngài còn đào luyện các em trở thành tông đồ giữa chúng bạn, dẫn đưa chúng bạn về với Chúa qua đời sống bí tích và việc học hỏi giáo lý. Một trăm năm mươi năm đã qua và sứ mệnh tông đồ của Don Boscô đã được các con thiêng liêng của ngài tiếp tục tới ngày nay trên khắp Năm Châu. Hàng ngàn hàng triệu thanh thiếu niên qua nhiều năm đã nhận biết, yêu mến Chúa và dấn thân để Chúa cũng được nhận biết, yêu mến và tôn thờ.
Lạy Chúa, chúng con cảm tạ Chúa đã ban cho chúng con Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội, một tấm gương tinh tuyền và tràn đầy ơn thánh Chúa. Cám ơn Chúa đã làm phong phú Giáo Hội Chúa với ơn đặc sủng của Tu Hội Salésien. Xin Chúa chúc lành cho sứ mệnh tông đồ mà ngài đã hiến thân phục vụ đến hơi thở cuối cùng, để giới trẻ qua mọi thời đại và trong mọi môi trường văn hóa tìm được thầy chỉ dẫn, nhận được sự hiểu biết tình thương của Chúa và trở nên vị tông đồ khác giữa giới trẻ, dẫn đưa chúng bạn gặp gỡ Chúa, xa tránh tội lỗi và gìn giữ luôn mãi vẻ đẹp trong sáng của tâm hồn là bí quyết niềm an vui và hạnh phúc thật. Amen.
(Veritas Asia)

Lectio: Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội (A)
Thứ Hai, 9 Tháng 12, 2013
Truyền Tin cho Đức Maria
Lc 1:26-38


1.  Bài Đọc
a)  Lời nguyện mở đầu
Vui mừng lên, hỡi Đức Trinh Nữ Maria,
Ngôi sao của nhà Giacóp đã xuất hiện,
Hôm nay lời Kinh Thánh được hoàn thành;
Chúa đến như đám mây đầy hứa hẹn.

Thiên Chúa của chúng ta đang đến, Người không ở trong im lặng;
Hãy chú ý đến lời chào mừng của Người.
Lời từ môi Người thật ngọt ngào,
Cao quý thay trái tim Người.

Nó tỏa sáng như đôi cánh bồ câu
Lễ phục của sứ giả Ngài,
Như làn gió nhẹ mùa hè ngự xuống trên Chúa,
Đầy hứa hẹn, là điều an ủi.

Thiên Chúa của chúng con hiển thị dũng lực của Ngài,
Trong thân xác anh em, Người tìm thấy nghỉ ngơi;
Trong anh em, Người tìm thấy sự tôn nghiêm,
Hãy ca tụng Người và yêu mến Người mãi mãi.

Này kìa, đoàn tùy tùng của Người xuất hiện,
Trước nhan Ngài, công lý tuần hành.
Người sẽ chinh phục niềm tự hào của người dũng mãnh,
Và ban khí lực cho kẻ khiêm nhu.

Người sẽ lan tỏa lòng thương xót của mình
Trên những kẻ kính sợ danh Người;
Người tôi tớ khiêm hạ của Thiên Chúa,
Đan dệt những lời ca ngợi Tình Yêu của Chúa.

b)  Tin Mừng:
Lc 1:26-38

26 Khi ấy, thiên thần Gabriel được Chúa sai đến một thành xứ Galilêa, tên là Nagiarét, 27 đến với một trinh nữ đã đính hôn với một người tên là Giuse, thuộc chi họ Đavít, trinh nữ ấy tên là Maria. 28 Thiên thần vào nhà trinh nữ và chào rằng:  “KÍnh chào trinh nữ đầy ơn phúc, Thiên Chúa ở cùng trinh nữ!” 29 Nghe lời đó, trinh nữ bối rối và tự hỏi lời chào đó có ý nghĩa gì.  30 Thiên thần liền thưa:  “Maria đừng sợ, vì đã được ơn nghĩa với Chúa.  31 Này trinh nữ sẽ thụ thai, hạ sinh một con trai và đặt tên là Giêsu.  32 Người sẽ nên cao trọng và được gọi là Con Đấng Tối Cao.  Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngôi báu Đavít tổ phụ Người. 33 Người sẽ cai trị đời đời trong nhà Giacóp và triều đại Người sẽ vô tận.” 34 Nhưng Maria thưa với thiên thần:  “Việc đó xảy đến thế nào được, vì tôi không biết đến người nam?” 35 Thiên thần thưa:  “Chúa Thánh Thần sẽ đến với trinh nữ và uy quyền Đấng Tối Cao sẽ bao trùm trinh nữ.  Vì thế Đấng trinh nữ sinh ra sẽ là Đấng Thánh và được gọi là Con Thiên Chúa. 36 Và này, Isave, chị họ trinh nữ cũng đã thụ thai con trai trong lúc tuổi già và nay đã mang thai được sáu tháng, người mà thiên hạ gọi là son sẻ; 37 vì không có việc gì mà Chúa không làm được.” 38 Maria liền thưa:  “Này tôi là tôi tớ Chúa, tôi xin vâng như lời thiên thần truyền.”  Và thiên thần cáo biệt trinh nữ.

c)  Giây phút thinh lặng cầu nguyện:

Để Lời Chúa có thể thấm nhập vào lòng và soi sáng đời sống chúng ta.

2.  Suy Niệm

a)  Chìa khóa để hướng dẫn bài đọc:
Dù rằng chúng ta lại chọn các chủ đề của Mátthêu và Máccô, Tin Mừng theo Thánh Luca là tác phẩm nguyên bản dưới nhiều khía cạnh.  Thánh sử đã chèn vào lời tường thuật của ông các tài liệu mới liên quan đến các câu chuyện Tin Mừng khác.  Trong hai chương đầu tiên nói về thời thơ ấu của Chúa Giêsu, thánh Luca theo truyền thống của người Do Thái, với nhiều dẫn đoạn tham khảo trực tiếp và gián tiếp về các sách Cựu Ước.  Thần học, thuyết biểu tượng và toàn bộ câu chuyện về thời thơ ấu của Chúa Giêsu đặt căn bản trong thế giới người Do Thái, khác với nhiều câu Kinh Thánh của thế gian và tư tưởng Hy Lạp.  Tác giả Phúc Âm đặt khởi đầu câu chuyện của mình trong môi trường của “anawim”, người nghèo khó của Chúa, đó là những người chịu quy phục với lòng vị tha cho Thánh Ý của Thiên Chúa, vững chãi trong đức tin rằng Chúa sẽ ban ơn cứu rỗi cho họ trong thời gian thích hợp.  Đối với những kẻ nghèo khó, Chúa hứa sẽ sai Đấng Cứu Thế đến để mang lại tin vui cho những kẻ đau buồn, băng bó những tấm lòng tan nát, công bố lệnh ân xá cho kẻ bị giam cầm, phóng thích cho những tù nhân, công bố một năm hồng ân của Đức Giavê và một ngày báo phục của Thiên Chúa chúng ta; yên ủi mọi kẻ khóc than, tặng cho những kẻ khóc than ở Xi-on…” (Is 61:1 và các câu tiếp theo).  Lời hứa này của Thiên Chúa được thực hiên nơi Đức Giêsu thành Nagiarét là người đang bước vào “Hội Đường như Người vẫn quen làm trong ngày Sabbát” (Lc 4:16) công bố rằng lời hứa của Thiên Chúa được loan báo bởi tiên tri Isaia “hôm nay đã được ứng nghiệm” (Lc 4:21) trong Người.  Chỉ có “những người nghèo hèn” có thể chấp nhận Tin Mừng về ơn cứu độ từ Con của ông thợ mộc Giuse và bà Maria (Lc 4:22; Mt 13:53-58; Mc 6:1-5; Ga 1:45), những người khác thì rất tiếc là lại cảm thấy chướng tai gai mắt bởi vì Người.  Đấng Cứu Thế thì khiêm nhu và tử tế, “miệng Người” thốt ra “những lời ân sủng” (Lc 4:22), và đây là lý do tại sao để tiếp nhận Người, người ta cần phải chuẩn bị bản thân, đi vào chính mình để tiếp nhận Đấng Được Hứa của nhà Israel.  Đây là lý do tại sao Thiên Chúa nhắc nhở bằng các phương tiện của vị Tiên Tri:  “Hãy tìm kiếm Đức Chúa, hỡi tất cả các bạn khiêm tốn của trái đất, là Đấng chấp hành các mệnh lệnh.  Hãy tìm kiếm sự công chính, hãy tìm kiếm sự khiêm nhường:  may ra bạn sẽ tìm được nơi trú ẩn, trong Ngày thịnh nộ của Đấng Giavê” (Xp 1:3).

Trong bối cảnh này, “Khi bà Isave có thai được sáu tháng, thì Thiên Chúa sai sứ thần Gabriel đến một thành miền Galilê, gọi là Nagiarét, gặp một Trinh Nữ đã đính hôn với một người tên là Giuse, thuộc dòng dõi Đavít.  Trinh nữ ấy tên là Maria” (Lc 1:26-27).  Đức Trinh Nữ này là một trong những “người nghèo hèn” mà Chúa mặc khải ơn cứu độ của mình.  Cùng với bà cũng có hai “người nghèo hèn khác đã luống tuổi” (Lc 1:7), “một thày tư tế tên là Giacaria” và “bà Isave là người hiếm hoi” và vì thế đã không có con (Lc 1:5-7).  Cũng với hai kẻ bị hổ nhục này (St 30:33; 1Sm1:5-8; 1Sm 6:23; Hs 9:11) ơn cứu rỗi của Chúa được công bố.  Thật không may tại Giêrusalem, trong đền thờ, đang khi lo việc tế tự, nơi của sự mặc khải, của quyền năng và vinh hiển của Thiên Chúa, Tin Mừng này đã không được chấp nhận bởi người tư tế (Lc 1:8-23).  Nhưng Lời Chúa không bị ràng buộc và không thể bị giới hạn.  Trên thực tế, Đấng Thánh của nhà Israel phán:  “Cũng như mưa với tuyết sa xuống từ trời, không trở về trời nếu chưa thấm xuống đất, chưa làm cho đất phì nhiêu và đâm chồi nẩy lộc, cho kẻ gieo có hạt giống, cho người đói có bánh ăn, thì Lời Ta cũng vậy, một khi xuất phát từ miệng Ta, sẽ không trở về với Ta nếu chưa đạt kết quả, chưa thực hiện ý muốn của Ta, chưa chu toàn sứ mạng Ta giao phó” (Is 55:10-11).  Đây là lý do tại sao bà Isave “tuy đã già rồi, mà cũng đang cưu mang một người con trai và, bà ấy là người vẫn bị mang tiếng là hiếm hoi, mà nay đã có thai được sáu tháng.  Vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được” (Lc 1:36-37).  Đây cũng sẽ là sự kiện dành cho Đức Maria như một dấu chỉ “quyền năng của Đấng Tối Cao” (Lc 1:35) sẽ ngự xuống và rợp bóng trên bà, vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa qua quyền năng của Chúa Thánh Thần sẽ “ngự” xuống trên bà (Lc 1:34-35).  Con Trẻ sẽ được đặt tên là Giêsu, “Người sẽ nên cao trọng và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao; Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngôi báu của vua Đavít, tổ tiên Người; Người sẽ cai trị Nhà Giacóp đến muôn đời và triều đại Người sẽ vô cùng vô tận” (Lc 1:31-33).  Những lời này của thiên thần lặp lại hoặc gợi lại lời Chúa phán với vua A-khát:  “Chính Chúa Thượng sẽ ban cho các ngươi một dấu:  Này đây, người trinh nữ sẽ mang thai, sinh hạ con trai, và đặt tên là Emmanuen (Is 7:14).

Đó là lý do tại sao khi Gioan Tẩy Giả còn là bào thai, đó là “trong tháng thứ sáu” (Lc 1:26) Tin Mừng đã được nhận “tại một thành miền Galilê, gọi là Nagiarét” (Lc 1:26) bởi một thiếu nữ, một “trinh nữ đã được hứa hôn” (Lc 1:27).  “Nagiarét” và “Đức Maria” thì đối lại với “Giêrusalem” và “thày tư tế”; cũng giống như câu: “ông đi vào trong” với chữ “đền thờ”.  Chúa tỏ mình ra ở những nơi khiêm tốn và được chấp nhận bỏi những kẻ khiêm nhu mà từ nơi đó, theo sự đánh giá của người ta, “làm sao có cái gì mà hay được” (Ga 1:45).  Đức Maria được kêu mời vui mừng:  “Hãy vui mừng lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Thiên Chúa ở cùng bà” (Lc 1:28).  Sự hiện diện của Chúa ở giữa dân của Người là dịp để vui mừng vì sự hiện diện của Chúa mang đến ơn cứu rỗi và ân sủng.  Lời mời gọi của thiên thần được gửi đến toàn thể Dân của Thiên Chúa trong con người của Đức Maria.  Đó là lý do tai sao, toàn thể Dân Chúa được mời gọi vui mừng, hân hoan trong Chúa, Đấng Cứu Độ của họ.  Đó là niềm vui Đấng Thiên Sai được công bố cho tất cả mọi người:  “Dân Xi-on, hãy reo hò mừng rỡ, vì giữa ngươi, Đức Thánh của Israel quả thật là vĩ đại” (Is 12:6); “Reo vui lên, hỡi thiếu nữ Xi-on, hò vang dậy đi nào, nhà Israel hỡi!  Hỡi thiếu nữ Giêrusalem, hãy nức lòng phấn khởi.  Án lệnh phạt ngươi, Đức Chúa đã rút lại, thù địch của ngươi, Người đã đẩy lùi xa.  Đức Vua của Israel đang ngự giữa ngươi, chính là Đức Chúa.  Sẽ chẳng còn tai ương nào khiến ngươi phải sợ…” (Xp 3:14-15); “Hỡi con gái Xi-on, hãy vui sướng reo hò, vì này Ta đang đến để ở lại giữa ngươi” (Dcr 2:14).

Việc thụ thai của Chúa Giêsu là một sự kiện mới mẻ, tính ưu việt của sự tạo dựng tương lai mới đã mang lại bởi quyền năng tác tạo của Thiên Chúa, Đấng đến để gặp gỡ với việc bất khả thụ thai của Đức Maria bởi vì bà không biết đến việc vợ chồng (Lc 1:34).  Uy quyền của Đấng Tối Cao bao phủ trên Đức Maria gợi nhớ lại cột mây đi theo với đoàn lũ dân chúng trong sa mạc vào ban ngày (Xh 13:22), cũng bao phủ Núi Sinai tỏ lộ Vinh Quang của Chúa trong sáu ngày (Xh 19:16; 24:17).  Và cũng là dấu hiệu sự che chở của Thiên Chúa, được mở rộng đến người công chính là kẻ kêu cầu đến Danh Thánh Chúa và đặt mình trong bàn tay Thiên Chúa trong lúc bị thử thách (Tv 17:8; 57:2; 140:8).  Trong thời gian tạo dựng, Thần Khí Chúa thổi trên mặt nước, là dấu hiệu quyền năng tác tạo của Lời Thiên Chúa (St 1:2).

Thiên Chúa vượt trội mọi khả năng của con người, không có điều gì là không thể làm được đối với Thiên Chúa (Lc 1:47; St 18:14; Gr 32:27).  Trước mặt Chúa của hân hoan, của sự sống và ơn cứu rỗi, Đức Maria chấp nhận lời sáng tạo và phát sinh của Chúa:  “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói” (Lc 1:38).  

b)  Một vài câu hỏi để hướng dẫn cho sự suy niệm và thực hành của chúng ta:
-  Chúa tỏ mình ra cho “những kẻ nghèo hèn (anawim)” của dân Người.  Theo bạn, ai là những người nghèo hèn đương thời ở giữa chúng ta?
-  Nhiều lần, chúng ta cảm thấy rằng mình đang ở trong một thế giới thù địch với sự mặc khải của Thiên Chúa.  Cũng có vẻ như Chúa đã trở nên im lặng, rằng Người không còn mặc khải Lời Chúa ban sự sống nữa.  Điều này có đúng không?  Nếu Người vẫn nói với chúng ta, tôi có thể tìm thấy Lời hằng sống của Người ở đâu?  Làm thế nào để tôi có thể chấp nhận nó?
-  Quyền năng của sự dữ dường như bao phủ thế giới không ngừng nghỉ của chúng ta.  Các phương thức đa dạng của áp bức dường như cũng chính là để đàn áp Thiên Chúa của sự hân hoan, của sự tự do, của lòng thương xót.  Đâu là thái độ của bạn trước thực tế này?  Bạn có cảm thấy rằng đoạn Tin Mừng hôm nay linh ứng cho bạn một thái độ công chính trước một tình huống không thể được không?
-  Đặc tính thái độ của Đức Maria là gì?  Điều này có cho thấy một việc gì đó trong chính đời sống của bạn không?

3.  Cầu nguyện:


a)  Bài Ca Ngợi Khen của Đức Maria:

Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa,
Thần trí tôi hớn hở vui mừng
Vì Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi.
Phận nữ tỳ hèn mọn,
Người đoái thương nhìn tới;
Từ nay, hết mọi đời
Sẽ khen tôi diễm phúc.
Đấng toàn năng đã làm cho tôi
Biết bao điều cao cả,
Danh Người thật chí thánh chí tôn!
Đời nọ tới đời kia,
Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Người.
Chúa giơ tay biểu dương sức mạnh,
Dẹp tan phường lòng trí kiêu căng.
Chúa hạ bệ những ai quyền thế,
Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường.
Kẻ đói nghèo, Chúa ban của đầy dư,
Người giàu có, lại đuổi về tay trắng.
Chúa độ trì Israel, tôi tớ của Người,
- Như đã hứa cùng cha ông chúng ta -
Vì Người nhớ lại lòng thương xót
Dành cho tổ phụ Abraham
Và cho con cháu đến muôn đời.

b)  Giây phút thinh lặng cầu nguyện

4.  Chiêm Niệm:

[Trong chiêm niệm], trên thực tế, đối với những người mạnh khỏe nó ban cho người ta nhớ lại khi họ ước muốn được ở lại với chính mình, để cần mẫn nuôi dưỡng những mầm đức hạnh và trau dồi bản thân, một cách hạnh phúc, từ những hoa trái của Thiên Đàng.  Ở đây con mắt của cái nhìn thanh thản, được chuộc lại, nó tạo thành những vết thương cho người phối ngẫu với tình yêu, và qua đó sự trong sáng và tinh tuyền của Thiên Chúa được nhìn thấy.  Ở đây là sự thực hành thời gian nghỉ ngơi khó nhọc và việc nghỉ ngơi trong hoạt động yên tĩnh.  Tại đây, bởi vì những mệt mỏi của sự dấu tranh, Thiên Chúa ban cho các vận động viên của Người phần thưởng mong ước, đó là, sự bình an mà thế gian thờ ơ, và niềm hân hoan trong Chúa Thánh Thần.

Đây là bà Ra-khen người đang đi đến, một khía cạnh đẹp, mà ông Giacóp, mặc dù hiếm muộn, được yêu mến nhiều hơn Lia, chắc chắn rằng dồi dào hơn nhưng qua đôi mắt mờ.  Thật ra, những người con của chiêm niệm ít hơn liên quan đến những người của hành động; tuy nhiên, Giuse và Bengiamin, được cha yêu nhiều hơn các anh em khác.  

Đây là phần tốt nhất mà Đức Maria đã chọn và không ai có thể lấy đi được.

(Trích thư của Thánh Bruno gửi Rudolph il Verde).   




Lời Chúa Mỗi Ngày
Lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm, Năm ABC
Bài đọc: Gen 3:9-15, 20; Eph 1:3-6, 11-12; Lc 1:26-38.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Khiêm nhường và vâng phục Thiên Chúa là hai chìa khóa chiến thắng tội lỗi và sự chết.
Nhiều tác giả đã ví cuộc đời con người như một giao tranh giữa sự thiện và sự ác, giữa sự thật và sự gian manh, giữa ánh sáng và bóng tối, và giữa sự sống và sự chết. Điều quan trọng nhất là làm sao con người có thể chiến thắng trong cuộc chiến tại thế gian này?
Các Bài Đọc hôm nay muốn chúng ta học hỏi cẩn thận hai mẫu gương chiến bại và chiến thắng của các tiền nhân. Trong Bài Đọc I, ông Adong và bà Evà đã bị thảm bại vì những lời cám dỗ điêu ngoa của con rắn. Nó khơi dậy tính kiêu ngạo để ông bà bất tuân lệnh của Thiên Chúa. Hậu quả là ông bà phải xa cách và lẩn trốn Thiên Chúa. Trong Bài Đọc II, nhờ sự khiêm nhường và vâng phục Thiên Chúa của Đức Kitô qua biến cố Nhập Thể, con người đã nhận được hết ơn này đến ơn khác: được tha tội, được trở thành nghĩa tử của Thiên Chúa, và được hưởng đầy tràn ơn phúc của Thánh Thần. Trong Phúc Âm, nhờ sự khiêm cung và vâng phục Thiên Chúa của Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ được Vô Nhiễm Nguyên Tội, được làm Mẹ Thiên Chúa, và qua Mẹ, lời hứa ban Đấng Cứu Độ của Thiên Chúa được thành tựu.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Dòng giống đó sẽ đánh vào đầu mi, và mi sẽ cắn vào gót nó.
1.1/ Tội của Adam và Eve làm con người xa cách Thiên Chúa: Khi con người chưa phạm tội, con người có mối liên hệ tốt đẹp với Thiên Chúa, với tha nhân, và với các tạo vật của Thiên Chúa. Khi con người phạm tội, các mối liên hệ này đều bị thiệt hại.
(1) Con người sợ hãi và lẩn tránh Thiên Chúa: Khi Ngài đi tìm con người sau khi họ đã phạm tội, Ngài hỏi họ: "Ngươi ở đâu?" Con người thưa: "Con nghe thấy tiếng Ngài trong vườn, con sợ hãi vì con trần truồng, nên con lẩn trốn." Sự trần truồng làm cho con người bị xấu hổ và lẩn tránh Thiên Chúa; điều này đã không xảy ra trước khi con người phạm tội. Tội lỗi làm cho con người xấu hổ và sợ hãi khi phải đối diện với Thiên Chúa. Đức Chúa tiếp tục hỏi con người: "Ai đã cho ngươi biết là ngươi trần truồng? Có phải ngươi đã ăn trái cây mà Ta đã cấm ngươi ăn không?" Tội nguyên tổ là tội kiêu ngạo và không vâng phục Thiên Chúa. Con người muốn được như Thiên Chúa để khỏi phải vâng phục những lệnh truyền của Ngài.
(2) Tội lỗi làm tổn thương đến mối liên hệ giữa con người với tha nhân: Trước khi phạm tội, con người yêu thương và tin tưởng lẫn nhau; nhưng sau khi phạm tội, con người nghi ngờ và đổ lỗi cho nhau. Con người thưa với Thiên Chúa lý do của sa ngã: "Người đàn bà Ngài cho ở với con, đã cho con trái cây ấy, nên con ăn." Điều này cũng bao gồm việc con người đổ lỗi cho Thiên Chúa: vì Ngài cho con người đàn bà, con đã nghe theo và phạm tội.
(3) Tội lỗi làm rạn nứt mối liên hệ giữa con người với các tạo vật của Thiên Chúa: Theo thánh Thomas Aquinas, trình thuật hôm nay giả định sự sa ngã của các thiên thần. Tác giả muốn dùng hình ảnh của rắn để tượng trưng cho Satan, vì những gian manh và lừa đảo của nó. Ngay từ đầu chương, tác giả đã nói lên điều này: "Rắn là loài xảo quyệt nhất trong mọi giống vật ngoài đồng'' (Gen 3:1). Sự gian manh này cũng được tỏ bày hai lần trong việc con rắn bẻ cong sự thật trong mẩu đối thoại với bà Evà: Lần thứ nhất, rắn hỏi thử người đàn bà: "Có thật Thiên Chúa bảo: Các ngươi không được ăn hết mọi trái cây trong vườn không'' (Gen 3:2)? Tội lỗi bắt đầu bằng việc bẻ cong sự thật. Lần thứ hai, rắn thuyết phục người đàn bà bằng hai ngụy thuyết: thứ nhất, không có sự chết chóc; thứ hai, phần thưởng khi ăn được là sẽ trở nên như những vị thần biết điều thiện, ác, mà không cần tùy thuộc vào Thiên Chúa.
Đây là cám dỗ muôn đời của nhiều người, họ không muốn nghe ai giảng về luân lý hay bắt họ phải làm gì, tránh gì; nhưng muốn tự họ có quyền xác định điều thiện ác, theo tiêu chuẩn và lề lối suy nghĩ của họ. Bà Evà bị xiêu lòng vì dáng vẻ bên ngoài hấp dẫn của trái cây và ước mong được biết thiện ác như Thiên Chúa, nên đã ăn và đưa cho ông Adong cùng ăn. Khi ông bà nhận ra đã bị rắn lừa dối thì đã quá muộn màng (Gen 3:4-7). Khi Đức Chúa là Thiên Chúa hỏi người đàn bà: "Ngươi đã làm gì thế?" Người đàn bà đổ lỗi cho rắn: "Con rắn đã lừa dối con, nên con ăn."
1.2/ Mối thù giữa Satan và con người: Trước tiên, Thiên Chúa tuyên án phạt cho con rắn, vì nó là nguyên nhân của tội: "Mi đã làm điều đó, nên mi đáng bị nguyền rủa nhất trong mọi loài súc vật và mọi loài dã thú. Mi phải bò bằng bụng, phải ăn bụi đất mọi ngày trong đời mi.'' Sau đó, là án phạt cho con người, qua sự giao chiến liên tục giữa rắn và con người. Sự giao chiến này được xảy ra trong hai lãnh vực:
(1) Giữa rắn và Người Phụ Nữ: Trình thuật hôm nay có liên quan đến con Mãng Xà và Người Phụ Nữ trong Sách Khải Huyền (Rev 12:1-18). Các học giả dễ đồng ý con Mãng Xà là hiện thân của Satan; nhưng bất đồng trong việc nhận diện Người Phụ Nữ, khi phân tích đoạn văn của Sách Khải Huyền. Một số cho Người Phụ Nữ là Đức Mẹ Maria, số khác cho là Mẹ Giáo Hội. Chúng tôi không thấy có gì mâu thuẫn cả, vì cả hai đều có thể chấp nhận được: Mẹ Maria luôn đồng hành với Giáo Hội trong việc giao chiến với quyền lực của Satan.
(2) Giữa dòng giống của rắn và dòng giống người ấy: "Ta sẽ gây mối thù giữa mi và người đàn bà, giữa dòng giống mi và dòng giống người ấy; dòng giống đó sẽ đánh vào đầu mi, và mi sẽ cắn vào gót nó." Tuy luôn phải giao chiến; nhưng Thiên Chúa đã ngụ ý phần chiến thắng sẽ về phía miêu duệ của Người Phụ Nữ qua việc ám chỉ "dòng giống đó sẽ đánh vào đầu mi;" và sự vô vọng của rắn "và mi sẽ cắn vào gót nó." Miêu duệ của Người Phụ Nữ trước tiên ám chỉ Đức Kitô, và sau đó, những ai thuộc về Ngài.
2/ Bài đọc II: Người đã tiền định cho ta làm nghĩa tử nhờ Đức Giêsu Kitô.
2.1/ Đức Giêsu Kitô là Adam mới.
(1) Nguồn gốc của ơn thánh: Tác giả Thư Ephêsô cho chúng ta biết nguồn gốc và ý nghĩa của ơn thánh, khi ông tuyên xưng: "Chúc tụng Thiên Chúa là Thân Phụ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Trong Đức Kitô, từ cõi trời, Người đã thi ân giáng phúc cho ta hưởng muôn vàn ơn phúc của Thánh Thần." Ơn thánh phát xuất từ Thiên Chúa, được ban qua Đức Kitô, nhờ công nghiệp của Người. Ơn thánh cũng chính là muôn vàn ơn phúc của Thánh Thần: ơn bảy nguồn là nguyên nhân sinh ra mười hai hoa quả của Thánh Thần.
(2) Những đặc quyền con người được thừa hưởng: Vì công nghiệp của Đức Kitô qua biến cố Nhập Thể, Thương Khó và Phục Sinh của Người, con người được thừa hưởng những đặc ân như sau:
+ Được trở nên tinh tuyền, thánh thiện: "Trong Đức Kitô, Người đã chọn ta trước cả khi tạo thành vũ trụ, để trước thánh nhan Người, ta trở nên tinh tuyền thánh thiện, nhờ tình thương của Người."
+ Được trở nên các nghĩa tử của Thiên Chúa: "Theo ý muốn và lòng nhân ái của Người, Người đã tiền định cho ta làm nghĩa tử nhờ Đức Giêsu Kitô."
+ Được ngợi khen Thiên Chúa: "Để ta hằng ngợi khen ân sủng rạng ngời, ân sủng Người ban tặng cho ta trong Thánh Tử yêu dấu."
2.2/ Đức Kitô mang lại vinh quang cho con người: Vì sự sa ngã của ông Adong, con người bị luận phạt và bị chết; nhưng nhờ sự tuân phục của Đức Kitô vào Thiên Chúa, con người được tha thứ mọi tội, được hưởng tràn đầy ơn thánh, và được sống muôn đời. Đây là Kế Hoạch Cứu Độ của Thiên Chúa có từ trước muôn đời, chỉ được mặc khải cho con người khi Đức Kitô xuống thế. Tác giả Thư Ephêsô diễn giải như sau: "Thiên Chúa là Đấng làm nên mọi sự theo quyết định và ý muốn của Người, đã tiền định cho chúng tôi đây làm cơ nghiệp riêng theo kế hoạch của Người, để chúng tôi là những người đầu tiên đặt hy vọng vào Đức Kitô, chúng tôi ngợi khen vinh quang Người."
3/ Phúc Âm: Đức Kitô nhập thể nhờ lời thưa "Xin Vâng" của Đức Trinh Nữ Maria.
3.1/ Thiên Chúa chọn Maria làm Mẹ Đấng Cứu Thế: Trước tiên, chúng ta cần xác định câu 26 trong trình thuật hôm nay là Lời Giới Thiệu tổng quát của Luca trước khi đi vào chi tiết của biến cố Truyền Tin. Điều này giúp chúng ta tránh được việc thắc mắc: Tại sao Mẹ trả lời "không biết đến chuyện vợ chồng" trong câu 34, lại còn "đã thành hôn với một người tên là Giuse" trong câu 26.
Có thể nói hầu hết các danh hiệu của Đức Mẹ mà Giáo Hội tuyên xưng qua các thời đại, có nguồn gốc trong các chi tiết của biến cố Truyền Tin:
(1) Mẹ Maria là Đấng đầy tràn ân sủng và Thiên Chúa luôn ở cùng Mẹ, như lời sứ thần Gabriel chào Đức Mẹ: "Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà."
(2) Mẹ Maria luôn đẹp lòng Thiên Chúa: Sứ thần nói: "Thưa bà Maria, xin đừng sợ, vì bà đẹp lòng Thiên Chúa." Điều này chứng tỏ Mẹ luôn sạch tội.
(3) Mẹ Maria là Mẹ Thiên Chúa: "Và này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giêsu. Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao." Hiển nhiên Mẹ là Mẹ Thiên Chúa, vì Chúa Giêsu là Con Đấng Tối Cao.
(4) Mẹ là người đem lời Thiên Chúa hứa với các tổ phụ tới chỗ thành tựu: "Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua David, tổ tiên Người. Người sẽ trị vì nhà Jacob đến muôn đời, và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận."
3.2/ Xung đột giữa ý của Thiên Chúa và của Maria: Khi được biết ý của Thiên Chúa qua sứ thần Gabriel, Mẹ Maria cũng trình bày cho sứ thần ý muốn của Mẹ là muốn sống cuộc đời thánh hiến: "Việc ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng!" Sứ thần mặc khải cho Mẹ Maria biết cuộc thụ thai kỳ diệu, không giống như bất cứ cuộc thụ thai nào trong lịch sử nhân loại: "Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà, vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa.''
Điều này có nghĩa Mẹ mang thai mà vẫn còn đồng trinh, như đã được tiên báo trước bởi tiên tri Isaiah 7:14, và được nhắc lại bởi Matthew 1:23. Thánh Luca xác định điều này bằng chứng từ của sứ thần Gabriel: "Vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được." Nếu Thiên Chúa có thể cho một người sinh con trong lúc tuổi gìa như Abraham và Sarah, như mẹ của Thủ-lãnh Sampson, như mẹ của Tiên-tri Samuel, hay như Zachariah và Elisabeth trong trình thuật hôm nay, Ngài cũng có thể làm cho Mẹ Maria mang thai con của Ngài và vẫn đồng trinh.
3.3/ Lời thưa "Xin Vâng" của Đức Maria: Câu trả lời của Mẹ dạy chúng ta hai điều: Thứ nhất là thái độ khiêm nhường của Mẹ Maria khi nói với sứ thần: "Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa!'' Thứ hai là thái độ vâng lời làm theo ý Chúa của Mẹ Maria: "xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói." Với hai thái độ thích đáng này, Mẹ đã cưu mang Đức Kitô và khai mào kỷ nguyên cứu độ cho nhân loại.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Hậu quả của tội lỗi là do lòng kiêu ngạo và sự bất tuân lệnh Thiên Chúa của ông Adong và bà Evà. Chúng ta phải cố gắng hết sức khử trừ hai tội nguy hiểm này.
- Hiệu quả của ơn phúc tuôn tràn trên con người là do tình thương của Thiên Chúa, sự khiêm nhường và làm theo thánh ý Thiên Chúa của Đức Kitô và Mẹ Maria.
- Chúng ta vẫn còn đang phải chiến đấu với Satan và đồng bọn của hắn, vì đó là mối thù truyền kiếp; nhưng chúng ta được hứa sẽ chiến thắng, nếu chúng ta khiêm nhường và làm theo thánh ý Thiên Chúa như Đức Kitô và Mẹ Maria.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

09/12/13 THỨ HAI TUẦN 2 MV
Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội 
Lc 1,26-38

LẰN RANH GIỮA DIỄM PHÚC VÀ VÔ PHÚC
Sứ thần vào nhà trinh nữ và nói: “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà.”  (Lc 1,28)
Suy niệm: Nguyên tội là tội do tổ tông loài người gây ra khiến tất cả mọi người đều phải mang tội. Đó không phải là thứ tội Thiên Chúa ‘gắp’ bỏ lên đầu mỗi người để rồi ai cũng mang nó; mà đó là tình trạng mất ơn nghĩa với Chúa và vì thế con người sống “không Thiên Chúa,” là nguồn mạch sự sống, như bóng điện bị tắt nguồn, như chiếc điện thoại di động nằm ngoài vùng phủ sóng. Nếu nguyên tội gây nên tình trạng mất ân sủng, thì vô nhiễm nguyên tội là được “đầy ân sủng” vì có “Chúa ở cùng”. Vô nhiễm nguyên tội là đặc ân dành riêng, là cuộc sáng tạo mới, để từ đó phát sinh một dòng giống đầy ân sủng. Dòng giống này đã khởi đi từ Đức Maria, có khả năng đạp nát đầu Tên Cám Dỗ (St 3,15) và sẽ tồn tại đến muôn đời (Lc 1,33).
Mời Bạn: Đức Maria được ơn “vô nhiễm tội” còn Evà được khởi đầu bằng tình trạng “không có tội;” nhưng một bên chấp nhận mọi sự theo như ý Chúa, còn bên kia muốn qua mặt Chúa theo con đường ma quỉ mách cho; từ đó kết quả cũng khác nhau: một bên được kể là “có phúc”, còn bên kia trở nên vô phúc. Diễm phúc hay vô phúc là do ta chấp nhận theo ý Chúa hay làm theo sự cám dỗ của Satan! Mặc dù không được ơn vô nhiễm nguyên tội, nhưng mỗi người đều có cơ hội thoát khỏi nguyên tội để thuộc vềdòng giống đầy ân sủng nhờ tin vào Đức Kitô và thanh tẩy trong máu của Ngài.
Sống Lời Chúa: Chấp nhận bỏ ý riêng trong những việc rất nhỏ để sống khiêm nhường “xin vâng” theo ý Chúa.
Cầu nguyện: Hát bài “Xin Vâng”.


Đấng đầy ân sủng 
Sống Mùa Vọng là để cho Con Thiên Chúa đi vào đời mình. Như Đức Maria, chúng ta được mời gọi cưu mang Con Thiên Chúa, làm cho Ngài lớn lên mỗi ngày và sinh Ngài ra cho thế giới.

Suy nim:
Ngày 25-3-1858 tại Lộ Đức, Đức Mẹ lại hiện ra cho Bernadette,
một cô bé mười bốn tuổi, nhà nghèo, quê mùa.
Vào lần hiện ra thứ mười sáu, khi cô gặng hỏi tên của Bà đẹp,
Bà đã trả lời: Que soy era Immaculada Conception,
Ta là sự Thụ thai vô nhiễm.
Một câu trả lời khó hiểu và khó nhớ đối với một cô bé ít học.
Dĩ nhiên cô không hề biết rằng bốn năm trước đó,
Đức Piô IX đã công bố tín điều Đức Maria Vô Nhiễm nguyên tội.
Mừng lễ Đức Maria Vô nhiễm là mừng lễ một con người, một phụ nữ.
Thiên Chúa muốn Con Một của mình làm người trăm phần trăm,
nên cần tuyển một phụ nữ để sinh ra người Con ấy.
Maria chính là người được chọn, hoàn toàn như một ân huệ.
Khi chọn Maria, Thiên Chúa đã ban cho Mẹ mọi sự tốt đẹp nhất có thể,
vì ơn gọi quá vĩ đại là làm Mẹ Con Thiên Chúa.
Maria được Thiên Chúa bao bọc và bảo vệ bằng ân sủng tuyệt vời.
Ngài cho Mẹ được hưởng trước công nghiệp của Người Con,
nên gìn giữ Mẹ khỏi vết nhơ của nguyên tội.
Mừng lễ Vô nhiễm là mừng lễ một con người, một phụ nữ,
ngay từ giây phút đầu tiên được thụ thai,
đã trọn vẹn và tuyệt đối nằm trong bàn tay yêu thương của Thiên Chúa.
Khi nói Mẹ không nhiễm vết nhơ của nguyên tội
là chỉ mới nêu lên một khía cạnh có phần tiêu cực.
Theo Công Đồng Vaticanô II, từ giây phút hiện diện đầu tiên của cuộc sống,
Mẹ đã được rạng ngời một sự thánh thiện hoàn toàn độc nhất vô nhị.
Giáo Hội Đông Phương gọi Mẹ là Đấng toàn thánh (panagia).
Sự thánh thiện của Mẹ đã được sứ thần Gabrien diễn tả qua lời chào :
Mừng vui lên, hỡi Đấng được đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng Bà.”
Maria được Thiên Chúa ban đầy tràn ân sủng,
nghĩa là được Thiên Chúa yêu thương, và được đẹp lòng Thiên Chúa,
từ trước khi Mẹ nói tiếng Xin Vâng.
Nhưng ân sủng không bóp chết tự do và trách nhiệm.
Mẹ đã đáp lại tình yêu đó với sự mở ra không ai sánh bằng.
Tiếng Xin Vâng trên môi của cô thiếu nữ Maria
là cử chỉ đón lấy Đấng Cứu Độ vào đời mình, vào lòng dạ mình.
Maria đã suốt đời trung tín với tiếng Xin Vâng đầu tiên
bằng việc nói muôn tiếng Xin Vâng khác cho đến tận thập giá.
Những gì Mẹ Maria được hưởng, chúng ta cũng được chung phần.
Chúng ta cũng được chọn, được tẩy xóa tội nguyên tổ, được ban ơn.
Chúng ta cũng được mời gọi đáp lại bằng những tiếng Xin Vâng nho nhỏ.
Sống Mùa Vọng là để cho Con Thiên Chúa đi vào đời mình.
Như Đức Maria, chúng ta được mời gọi cưu mang Con Thiên Chúa,
làm cho Ngài lớn lên mỗi ngày và sinh Ngài ra cho thế giới.
Chúng ta cũng muốn cưu mang Giêsu với trái tim và cuộc đời vô nhiễm.
Xin Chúa cho chúng ta được chia sẻ ơn Vô Nhiễm giữa cuộc đời ô nhơ.
Cầu nguyn:
Lạy Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ Thiên Chúa,
xin gìn giữ nơi con quả tim của trẻ thơ
tinh tuyền và trong ngần như dòng suối.
Xin ban cho con quả tim đơn sơ,
mau quên những nỗi buồn phiền.
Một quả tim hào hiệp dám hiến thân,
dịu dàng để cảm thông.
Một quả tim trung thành và quảng đại,
không quên ơn, không báo oán.
Xin tạo cho con quả tim hiền từ và khiêm tốn,
yêu mà không mong được yêu lại,
hân hoan xóa mình đi
để Con của Mẹ có chỗ trong lòng người khác.
Một quả tim vĩ đại và bất khuất,
không khép lại trước những kẻ vô ơn,
không chán nản trước người lạnh nhạt.
Một quả tim khắc khoải
lo tìm vinh danh Chúa Giêsu Kitô,
quả tim mang vết thương vì yêu Ngài,
vết thương chỉ lành
khi được sống với Ngài trên trời. Amen.

Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ


Đặc Ân Vô Nhiễm
Sau khi Adong Eva phản bội, Thiên Chúa đã phán với con rắn, tượng trưng cho uy quyền của ma quỷ rằng: Ta sẽ đặt mối thù nghịch giữa ngươi và người phụ nữ, giữa dòng dõi ngươi và dòng dõi người phụ nữ. Dòng dõi người phụ nữ sẽ đạp dập đầu ngươi, còn ngươi thì chỉ rình cắn trộm gót chân Người.
Lời tiên tri này trước hết muốn nói tới Đấng Cứu Thế, Ngài sẽ đến đập tan uy quyền hoả ngục để cứu độ chúng ta. Nhưng đồng thời cũng giới thiệu với chúng ta, khuôn mặt Đức Trinh Nữ Maria.
Thực vậy, sứ thần Gabriel đã đến viếng thăm Mẹ với lời chào kính lạ lùng: Kính chào Bà đầy ơn phúc, Thiên Chúa ở cùng Bà. Trước lời chào kính lạ lùng ấy, Mẹ đã cảm thấy bối rối. Sứ thần Gabriel đã cắt nghĩa, nhưng đồng thời lại đề nghị một tin vui lạ lùng khác nữa: Này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai và đặt tên lá Giê su. Ngài sẽ nên cao cả và sẽ được gọi là con Đấng Tối Cao. Tin vui này khiến cho Mẹ không khỏi băn khoăn nêu lên câu hỏi: Việc đó xảy đến thế nào được vì tôi không biết tới người nam. Thiên thần liền trả lời: Chúa Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà và uy quyền Đấng Tối Cao sẽ bao phủ bà. Vì thế con trẻ được sinh ra sẽ là Đấng Thánh và được gọi là con Thiên Chúa. Sau khi biết được thánh ý Thiên Chúa là như thế, Mẹ đã trả lời một cách đơn sơ: Này tôi là tôi tá Chúa, tôi xin vâng như lời sứ thần truyền.
Qua hình ảnh của sách Sáng Thế Ký cũng như qua câu chuyện của Phúc Âm thánh Luca chúng ta thấy được vai trò của Mẹ Maria đối với nhân loại, đồng thời cũng thấy được đặc ân vô nhiễm nguyên tội của Mẹ, ít nữa là một cách gián tiếp.
Jean Guitton trong cuốn “Vie de la Vierge Marie”, cuộc đời Đức Trinh Nữ Maria, đã viết: Mẹ như một thửa vườn khép kín, đến nỗi ma quỷ và tội lỗi không thể nào ảnh hưởng và để lại những dấu vết. Cho dù bầu khí tội lỗi đã bao trùm nhân loại ngay từ thuở ban đầu, thì vẫn còn có một nơi không hề bị ô nhiễm. Nơi đó được dành cho Chúa Giêsu và Mẹ Maria. Phúc Âm cũng cho thấy: Gioan Tiền Hô mà còn được thánh hoá từ trong lòng mẹ, huống chi nữa Đấng cưu mang Ngôi Lời, Đấng cưu mang chính Thiên Chúa.
Từ những suy tư như thế, người tín hữu đã tin chắc đặc ân vô nhiễm của Mẹ Maria, để rồi cuối cùng Đức Thánh Cha Piô IX, vào năm 1854 đã long trọng công bố và ấn định thành một tín điều phải tin. Sau đó bốn năm tức là vào ngày 25.3.1858, chính Mẹ đã hiện ra tại Lộ Đức và xác quyết với chị Bernadette: Ta là Đấng vô nhiễm nguyên tội. Mừng lễ Vô Nhiễm, chúng ta hãy mang lấy tâm tình vui mừng và hy vọng, bởi vì hiện giờ ở trên trời, chúng ta có được một người mẹ vừa thánh thiện lại vừa quyền năng để bầu cử cho chúng ta trước mặt Thiên Chúa. Nhất là chúng ta hãy ra sức khử trừ tội lỗi, để nhờ đó tâm hồn chúng ta được trở nên giống Mẹ, là một cánh sen vô nhiễm, gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn.


Suy niệm

Mỗi khi đọc lại đọc đoạn Tin Mừng này, con vẫn thấy sự mới mẽ, phong phú của lời Chúa. Hôm nay con thấy được nơi Đức Maria mẫu gương của đời sống cầu nguyện.
Không giống như hoạt cảnh Giáng Sinh năm nào con cũng được xem. Trong khi Đức Maria đang ngồi may vá, hoặc có khi đang quét nhà, làm việc nội trợ… thì bỗng từ trời có thiên thần bay đến để báo tin cho Mẹ… Nhưng biến cố này Mẹ chỉ nhận ra trong cầu nguyện. Sở dĩ có cảnh Tổng lãnh Thiên thần Raphael hiện ra đàm đạo với Mẹ là vì chúng con muốn diễn lại cho người khác, nhất là anh chị em lương dân dễ hiểu.
Trong cầu nguyện Mẹ hết sức chân thành, đơn sơ. Khi không hiểu điều thiên thần loan báo, Mẹ mạnh dạn hỏi lại, trình bày hoàn cảnh của mình: “Việc ấy xảy đến thế nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng?” (Lc 1, 34).
Trong cầu nguyện Mẹ hết sức tin tưởng. Mặc dù không hiểu việc “thụ thai bởi phép Chúa Thánh Thần” là gì, nhưng khi biết đó là điều Chúa muốn thực hiện nơi cuộc đời Mẹ, thì Mẹ sẵn sàng đón nhận và nói tiếng “xin vâng”.
Trong cầu nguyện Mẹ hết sức phó thác. Không phải câu chuyện truyền tin chỉ diễn ra trong chốc lát. Khi nghe thiên thần loan báo điều lạ lùng, Mẹ suy nghĩ một chút là nói tiếng xin vâng ngay đâu, mà chắc chắn phải có một tiến trình. Mẹ suy nghĩ, xem xét những gì có thể xảy ra cho mình… Nhưng rồi Mẹ không thể tìm được câu trả lời cho mọi vấn đề. Không phải khi không có câu trả lời là làm thinh, là nín lặng, nhưng Mẹ biết phó thác là trông cậy vào lời hứa của Chúa nên Mẹ hoàn toàn vâng theo.
Sự đơn sơ, chân thành, tin tưởng, phó thác được gói gọn trong một tình mến. Vì yêu mến Chúa nên Mẹ sẵn sàng làm những điều đó.
Từ mẫu gương cầu nguyện của Mẹ, con nhìn lại đời sống cầu nguyện của con.
Con đã biết cầu nguyện trong đời sống chưa, hay giữ đạo đối với con chỉ là việc dự lễ Chúa Nhật, không kêu tên Chúa vô cớ, không trộm cắp, không nói tục chửi thề, không làm chứng dối…? Giữ đạo không phải là việc tuân giữ một mớ lề luật, mà là việc sống mối tương quan thân tình với Thiên Chúa, từ đó mới tuân giữ những gì Chúa chỉ dạy.
Trong cầu nguyện con có đơn sơ, chân thành đặt mình trong vòng tay Chúa như một trẻ nhỏ chưa, hay con còn tìm kiếm những lời hay ý đẹp để độc thoại với Chúa? Trong cầu nguyện con có biết trình bày với Chúa hoàn cảnh của mình chưa hay cứ xin Chúa làm cho con việc này, việc nọ?
Trong cầu nguyện con có dám tin tưởng để mạnh dạn thực hiện những gì Chúa muốn chưa? Hay những khi thấy có những điều Chúa muốn buộc con phải hy sinh, từ bỏ thì con lại thoái thác, chối từ?
Trong cầu nguyện con đã biết phó thác chưa hay chỉ những gì hợp với suy nghĩ của con thì con mới đón nhận?
Trong tất cả mọi sự con đã dành trọn con tim, dành trọn tình mến của con cho Chúa chưa?
Lạy Mẹ Maria, Mẹ là mẫu gương tuyệt vời của đời sống cầu nguyện. Mẹ đã biết tin tưởng, phó thác và yêu mến Chúa một cách trọn hảo.
Với Mẹ con tin tưởng vào Chúa. Qua Mẹ con phó thác cho Chúa. Trong Mẹ con yêu mến Chúa.
Xin cho con biết bắt chước Mẹ để cùng với Mẹ dâng lên Chúa tất cả tâm tình của một đứa con.
Xin cho con biết học nơi Mẹ để sẵn sàng đón nhận thánh ý Chúa.
Xin cho con biết noi gương Mẹ để nói tiếng xin vâng, không phải một lần, mà là trọn cả đời con.

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
9 THÁNG MƯỜI HAI
Linh Hồn Tôi Nhảy Mừng Trong Chúa
Nỗi chờ mong của Đức Nữ Trinh, Đấng “được sủng ái giữa các người phụ nữ” (Lc 1,42), đúc kết tất cả niềm hy vọng mà Dân Thiên Chúa đã đặt vào các lời hứa được trao cho các tổ phụ. Và xuyên qua dân Israel, niềm hy vọng của toàn thể nhân loại được kết đọng lại trong nỗi chờ mong vĩ đại này.
Chúng ta cũng hãy trân trọng thái độ chờ mong trong đức tin của Đức Maria, một đức tin cắm rễ sâu trong lịch sử dân tộc và trong niềm hy vọng của toàn thể loài người. Chúng ta hãy nắm vững ý nghĩa của nó khi chúng ta hành trình qua các thế kỷ. Đó là một con đường được thiết lập vững chắc trên niềm hy vọng cứu độ đến từ chỉ một mình Thiên Chúa.
Đức Maria được chúc phúc bởi vì Mẹ tin vào sự hoàn thành những lời Chúa nói cùng Mẹ (Lc 1,45). Mẹ biết rằng Thiên Chúa sẽ không bỏ lời hứa của Người. Mẹ ‘vui mừng’ và đồng thời Mẹ ‘được chúc phúc’ bởi Thiên Chúa. Hai tình trạng hiện hữu ấy không thể tách rời – vì cái trước là hệ quả của cái sau.
Lời chúc phúc, được Thiên Chúa nói lên, luôn luôn là nguồn sự sống và do đó cũng là nguồn đem lại niềm vui. Trong toàn bộ Thánh Kinh, niềm vui đến xuyên qua việc trao ban và thông truyền sự sống, cả thể lý lẫn thiêng liêng. Hễ ai được Thiên Chúa ‘chúc phúc’ bằng sự sống của Ngài, thì người ấy cũng ‘mừng vui’.
Đức Maria vui mừng chờ mong món quà sự sống. Nhưng chính sự sống ấy cứu độ Mẹ và làm cho Mẹ mừng vui. Vì sự sống ấy là chính Con Thiên Chúa.
- suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II




Lời Chúa Trong Gia Đình
NGÀY 09-12
ĐỨC MẸ VÔ NHIỄM NGUYÊN TỘI
St 3, 9-15.20; Ep 1, 3-6.11-12; Lc 1, 26-38.
LỜI SUY NIỆM: “Sứ thần vào nhà trinh nữ và nói: mừng vui lên; hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà”.
Trước mặt Thiên Chúa và mọi loài thụ tạo. Đức Maria là người duy nhất được diễm phúc Vô Nhiễm Nguyên Tội, là Đấng đầy ân sủng và được Thiên Chúa ở cùng một cách đặc biệt. Trong mọi thử thách,Đức Mẹ luôn tin vào quyền năng yêu thương, bảo vệ của Thiên Chúa: “Vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được”.
Lạy Chúa Giêsu. Trong gia đình của chúng con, có rất nhiều chuyện đang xãy ra, đối với chúng con như là vô phương cứu chữa. Xin Chúa ban thêm đức tin cho chúng con trong cầu nguyện và biết phó thác vào tình yêu thương của Chúa: Vì đối với Chúa không có gì là không thể làm được.
Mạnh Phương
Gương Thánh Nhân
Ngày 08-12: ĐỨC MARIA VÔ NHIỄM NGUYÊN TỘI
Một trong những lễ đẹp lòng trái tim Mẹ Maria nhất, chắc chắn là lễ vô nhiễm nguyên tội. Thánh lễ này nhằm tôn kính đặc ân riêng cho mẹ là đã được thụ thai trong lòng thánh Anna một cách tinh tuyền không vương tì ố. Thiên Chúa đã giữ gìn Mẹ khỏi tội tổ tông, tội mà vì mọi người chúng ta khi sinh ra đều vướng mắc vì thuộc dòng giống Adam. Đức Maria, do một đặc ân duy nhất, từ lúc hình thai, vẫn luôn tinh tuyền xinh đẹp trước mặt Chúa. Bởi vậy, do ơn thánh và do cuộc sống, Mẹ luôn là đối tượng đẹp mắt Chúa, theo như lời thánh kinh đã được quy về Mẹ: - Mẹ tuyệt mỹ, không hề vương vấn tội tình.
Người ta có thể tự hỏi, làm sao lại có đặc ân này ? Để trả lời cho trường hợp đặc biệt này, chúng ta chạy đến ơn phúc của Chúa Giêsu Kitô. Ơn cứu chuộc của Chúa Kitô đã có sức mạnh toàn năng để cứu nhân loại khỏi tội nguyên tổ, cũng đã giữ gìn cho Mẹ khỏi tội tổ tông. Chắc chắn đây là một phép lạ, nhưng phép lạ này không lạ lùng hơn các điều kỳ diệu trong cuộc đời Đức Mẹ. Hơn nữa, các dặc ân khác Đức Mẹ thụ hưởng mà chúng ta chấp nhận sễ dàng, đều là hiệu quả của ơn vô nhiễm nguyên tội và giả thuyết ơn huệ này, nếu chối bỏ ơn Vô Nhiễm nguyên tội, mỗi biến cố trong cuộc đời Đức Maria đều giả thiết một phép lạ mới, nhưng với ơn vô nhiễm nguyên tội, mọi điều đều có thể giải thích được dễ dàng, vì không vương mắc tội nguyên, Mẹ Maria vượt qua tất cả những gì là hiệu quả và hình phạt do tội gây nên, như tình tư dục, thống khổ và tan rữa sau khi chết. Con người không mắc tội nguyên tổ là một bí ẩn không thể giải thích nổi. Đức Maria, nếu mắc tội nguyên tổ lại còn là một bí ẩn khó giải thích hơn nữa.
Niềm tin vào sự vô nhiễm nguyên tội của Mẹ Maria là một niềm tin không thễ thay đổi. Các nhà thần học đã chứng minh điều đó, các giáo phụ giảng dạy, các nhà giảng thuyết phổ biến... nhưng thời đại của chúng ta được thấy sự vinh quang cao cả này trở thành tín điều trong đức tin Kitô giáo, ngày 8 tháng 12 năm 1854, trước sự hiện diện của 54 hồng y, 42 Đức Tổng giám mục và 92 Đức Giám mục cùng đoàn người đông đảo, vị đại diện Chúa Kitô đã tuyên bố tín điều từ bao thế kỷ đợi trông. Chúng ta kể ra một vài lý do khiến Giáo hội công bố tín điều: Đức Trinh Nữ Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội.
1. Chúa Giêsu Kitô, vì sự thánh thiện của Ngài, phải được sinh ra bởi người mẹ Vô Nhiễm Nguyên tội. Đấng thấy cả tì vết nơi các thiên thần, lại chịu sinh ra từ một thân thể bị nhơ nhớp vì tội lỗi được sao ? Thân xác của Chúa Kitô là xác thân bởi Mẹ Maria. Vậy nếu Mẹ Maria thụ thai trong tội, hẳn Ngài đã thông truyền cho Chúa Giêsu một xác thể bị nhơ uế vì tội lỗi. Quả là một điều ô nhục cho Chúa Giêsu một xác thể bị nhơ uế vì tội lỗi. Quả là một điều ô nhục cho Chúa !
2. Vinh quang của Chúa Giêsu phải giữ cho Mẹ Người khỏi vết nhơ tội nguyên. Mục đích của Chúa Con khi xuống trần gian này là để hủy diệt sự uy quyền của quỉ dữ và tội lỗi. Người đã thắng ma quỉ khi nhờ phép rửa tội, đưa các Kitô hữu ra hỏi vòng tội lỗi, thanh tẩy các tội nhân nhờ phép giải tội. Người đã thắng ma quỉ cả trước khi Người sinh ra, như khi thánh hóa từ lòng mẹ tiên tri Giêrêmia, thánh Gioan tẩy giả, thánh Giuse bạn Đức Trinh Nữ.
Nhưng những chiến thắng này chưa hoàn toàn. Còn một lúc mà quyền lực hỏa ngục khoe khoang rằng: có thể làm cho ơn thánh bị vô hiệu, đó là lúc thụ thai. Vậy sự chiến thắng sẽ hoàn hảo nếu Mẹ Maria được ơn vô nhiễm nguyên tội, đặc ân này thể hiện lời hứa đã được loan báo từ trước: - Ta sẽ đặt hận thù giữa ngươi và người đàn bà, giữa giòng giống ngươi và dòng giống nó. Dòng giống nó sẽ đạp nát đầu ngươi, còn ngươi sẽ táp lại gót chân" (St 3,15).
Niềm tin vào ơn vô nhiễm nguyên tội của Đức Maria đã được chính Đức Mẹ chứng thực. Năm 1858, nghĩa là chỉ bốn năm sau ngày tuyên bố tín điều, Mẹ đã hiện ra tại Lộ Đức và tuyên bố: - Ta là Đấng vô nhiễm nguyên tội ngay từ buổi đầu thai.
Việc mừng trọng thể lễ Đức Trinh nữ Maria Vô nhiễm nguyên tội vào mùa vọng có một ý nghĩa đặc biệt, như mừng "cuộc chuẩn bị căn bản cho Đấng Cứu thế xuất hiện, vầng đông sáng tươi của một Hội Thánh không tì vết" (Marialis Cultus 3)
(daminhvn.net)


09 Tháng Mười Hai
Thế Nào Là Cầu Nguyện?
Một chàng thanh niên nọ khao khát sống đời tận hiến và cầu nguyện, đến nỗi anh đã xa lánh tất cả mọi người và mọi sự, để đến gõ cửa một đan viện nọ... Anh được vị tu viện trưởng chấp nhận tức khắc.
Trong những ngày đầu, anh quan sát cách sống của các tu sĩ: Sau những giờ cầu nguyện lâu dài, tất cả mọi người đều bắt tay vào công việc: người thì cày cuốc, người thì gặt hái, người thì miệt mài trong công tác dịch thuật. Thấy thế, chàng thanh niên đâm ra thất vọng. Anh đến trình bày ý nghĩ của mình với đan viện phụ như sau: "Thưa cha bề trên, con cứ tưởng ở đây chúng ta chỉ có một sinh hoạt duy nhất đó là cầu nguyện. Ðằng này, con lại thấy các thầy phải vất vả lo cho những nhu cầu vật chất quá nhiều". Vị tu viện trưởng mỉm cười gật đầu và nói với anh: "Có lẽ con có lý... Nếu con cảm thấy việc làm tay chân không cần thiết, thì con cứ vào phòng đóng cửa lại và tiếp tục cầu nguyện".
Nghe thế, chàng thanh niên hớn hở trở về phòng đóng cửa lại và cầu nguyện. Chỉ sau vài giờ cầu nguyện, anh cảm thấy mệt mỏi, bụng anh cũng cảm thấy cồn cào vì đã đến giờ ăn trưa. Nhưng chờ mãi mà vẫn không thấy ai đến gọi anh vào nhà cơm, người thanh niên mới đến hỏi vị đan viện phụ: "Thưa bề trên, hình như hôm nay các thầy không dùng bữa?". Cha bề trên mỉm cười đáp: "Các thầy đã ăn cả rồi". "Thế sao không ai đến gọi con đi ăn cả?", người thanh niên hỏi. Cha bề trên mới trả lời: "Sáng nay con đã chẳng đến nói với cha là chúng ta chỉ có một sinh hoạt duy nhất là cầu nguyện đó sao? Cha nghĩ rằng các thầy khác lao động nhiều cho nên cần phải có ăn uống, ngủ nghỉ. Còn con, con muốn sống như các thiên thần, nghĩa là không làm việc, không ăn uống mà chỉ biết suốt ngày cầu nguyện, cho nên cha đã dặn các thầy là đừng đến gọi con dùng bữa".
Nghe thế, người thanh niên chợt hiểu được thế nào là sống tận hiến, thế nào là cầu nguyện. Con người không chỉ cầu nguyện bằng nhữg giây phút ưu biệt dành cho Chúa, mà còn bằng cả những sinh hoạt từng ngày như làm việc, ăn uống, ngủ nghỉ, giải trí... Cầu nguyện chính là tìm thấy Thánh ý Chúa và Nước Ngài trong cuộc sống mỗi ngày.
Mùa Vọng là mùa thức tỉnh.
Chúng ta cảm thấy được thôi thúc để dành nhiều thì giờ cho việc cầu nguyện hơn. Thánh Kinh nói: Thiên Chúa đã tạo dựng vũ trụ trong sáu ngày, ngày thứ 7, Ngài nghỉ ngơi: đó cũng là hình ảnh của đời người. Cuộc sống là một chuỗi làm việc xen lẫn với nghỉ ngơi. Có một thì giờ cho tất cả mọi sự, có một thì giờ để ngủ nghỉ... Có những giây phút ưu biệt trong ngày dành cho việc cầu nguyện, có những thời gian ưu biệt trong năm dành cho việc cầu nguyện. Thời gian ưu biệt ấy không có mục đích nào khác hơn là để giúp cho con người được tỉnh thức hơn, được sẵn sàng hơn, được tươi mát hơn để gặp gỡ Chúa trong từng phút giây của cuộc sống, trong mọi sinh hoạt hằng ngày.
Cuộc sống cần có tổ chức, cần có những ngăn kéo, nhưng những ngăn kéo ấy phải được thông thương với nhau. Ngăn kéo của sự cầu nguyện phải được liên kết với ngăn kéo của những sinh hoạt hằng ngày. Ngăn kéo của những sinh hoạt hằng ngày phải được nối liền với ngăn kéo của sự cầu nguyện.
Tổ chức cuộc sống như thế tức là biến tất cả cuộc sống thành một lời cầu nguyện. Lời cầu nguyện triền miên ấy có những phách mạnh dành cho những giây phút thân mật chuyện vãn với Chúa, nhưng những phách mạnh ấy chỉ được làm nổi bật nhờ những âm thầm gặp gỡ Ngài trong từng sinh hoạt, trong từng biến cố của cuộc sống.
(Lẽ Sống)

Lễ Ðức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội

V
ào thế kỷ thứ bảy, trong Giáo Hội Ðông Phương có một ngày lễ được gọi là Sự Thụ Thai Ðức Maria. Lễ này được cử hành trong Giáo Hội Tây Phương vào thế kỷ thứ tám. Ðến thế kỷ 11, ngày lễ này có tên như hiện nay, Vô Nhiễm Nguyên Tội. Và vào thế kỷ thứ 18, lễ này trở thành ngày lễ chính thức của Giáo Hội hoàn vũ.
Năm 1854, Ðức Giáo Hoàng Piô IX công bố điều bất khả ngộ: "Ðức Trinh Nữ Maria rất thánh, trong giây phút đầu tiên khi thụ thai trong lòng mẹ, bởi một ơn huệ phi thường và đặc biệt do Thiên Chúa toàn năng ban cho, vì công nghiêäp của Ðức Giêsu Kitô, Ðấng cứu chuộc nhân loại, nên ngài được gìn giữ khỏi mọi tì ố của tội nguyên tổ."
Phải mất một thời gian khá lâu mới hình thành tín điều này. Trong khi nhiều Giáo Phụ và Tiến Sĩ Hội Thánh coi Ðức Maria như vị thánh cao trọng và thánh thiện nhất trong các thánh, nhưng họ vẫn ngại ngùng để cho rằng Ðức Maria là một người không có tội -- hoặc từ lúc thụ thai hoặc trong cuộc sống. Ðây là một tín điều của Giáo Hội phát sinh từ lòng đạo đức của tín hữu hơn là sự hiểu biết của các thần học gia sáng giá. Ngay cả các vị lão luyện hiểu biết về Ðức Maria như Thánh Bernard và Tôma Aquinas cũng không thấy được lý do về phương diện thần học của tín điều này.
Hai tu sĩ dòng Phanxicô là William ở Ware và John Duns Scotus, đã giúp chúng ta hiểu biết hơn về ý nghĩa thần học. Họ cho rằng sự Vô Nhiễm Nguyên Tội của Ðức Maria nâng cao giá trị công trình cứu chuộc của Ðức Giêsu. Các phần tử khác của gia đình nhân loại chỉ được sạch tội nguyên tổ sau khi sinh. Với Ðức Maria, tội nguyên tổ đã bị ngăn chặn ngay từ lúc ban đầu nhờ quyền lực mạnh mẽ của công trình cứu chuộc của Ðức Giêsu.
Lời Bàn
Trong Phúc Âm theo Thánh Luca 1:28, thiên thần Gabrien, sứ giả của Thiên Chúa, đã xưng tụng Ðức Maria là "đầy ơn phúc" (hay "hết sức sủng ái"). Trong khung cảnh đó, lời chào này có nghĩa Ðức Maria được mọi sự trợ giúp đặc biệt thánh thiêng để thi hành nhiệm vụ được giao phó. Tuy nhiên, Giáo Hội chỉ có thể lớn lên trong sự hiểu biết nhờ sự giúp đỡ của Chúa Thánh Thần. Chính Thần Khí đã hướng dẫn Giáo Hội hiểu biết rằng Ðức Maria phải là một công trình tuyệt hảo của Thiên Chúa, chỉ sau công trình Nhập Thể. Nói khác đi, sự liên hệ mật thiết giữa Ðức Maria và sự Nhập Thể đòi hỏi sự can thiệp đặc biệt của Thiên Chúa trong toàn thể cuộc đời của Ðức Maria. Lòng đạo đức giúp cộng đồng dân Chúa tin rằng Ðức Maria là người đầy ơn phúc, và sạch mọi tội lỗi từ lúc thụ thai trong lòng mẹ. Hơn thế nữa, đặc ân cao trọng này của Ðức Maria là cao điểm của tất cả những gì Thiên Chúa đã thể hiện nơi Ðức Giêsu. Hiểu một cách đúng đắn, sự thánh thiện không thể so sánh của Ðức Maria cho thấy sự thiện hảo không thêå so sánh của Thiên Chúa.
Lời Trích
"[Ðức Maria] đã cho thế giới Sự Sống để canh tân tất cả mọi sự, và ngài được Thiên Chúa phong phú hóa với mọi ơn sủng thích hợp cho vai trò đặc biệt đó.
"Bởi thế, không ngạc nhiên khi các Giáo Phụ thường coi người mẹ Thiên Chúa hoàn toàn thánh thiện và không một tì ố tội lỗi, được Chúa Thánh Thần khuôn đúc trong một thực thể mới để trở nên một tạo vật mới. Ngay từ lúc thụ thai đã được tô điểm bằng sự thánh thiện cực kỳ độc đáo và diễm lệ, Ðức Trinh Nữ của Nagiarét được sứ thần, theo mệnh lệnh của Thiên Chúa, chào mừng là 'đầy ơn phúc'. Với vị sứ giả ấy, ngài đã trả lời: 'Này tôi là tôi tớ của Thiên Chúa, hãy thể hiện nơi tôi những gì ngài vừa nói' (Luca 1:38)" (Hiến Chương về Giáo Hội, 56).


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét