Trang

Thứ Tư, 12 tháng 2, 2014

Một năm sau ngày Đức Bênêđíctô XVI từ chức: thư từ trở lại với Hans Kung

Một năm sau ngày Đức Bênêđíctô XVI từ chức: thư từ trở lại với Hans Kung

Một năm trước đây, Đức Bênêđíctô XVI công bố ý định từ chức và lui về cuộc sống cầu nguyện và suy tư riêng. Ngài đã trung tín với ý định ấy và sống trọn cam kết của ngài đối với Giáo Hội, được chăm sóc bởi người kế vị mà chính ngài không biết sẽ là ai. 

Ngày ấy, bạn đang ở đâu

Nhân dịp này có người đặt câu hỏi: ngày ấy bạn đang ở đâu, khi nghe tin Đức Bênêđíctô XVI từ chức? Tác giả câu hỏi này chính là Edward Peters, giáo sư luật học nổi tiếng và là cố vấn của Tòa Án Tối Cao Rôma. Ôn cho hay: ngày ấy, mọi sự đều bình thường. Ông bước vào văn phòng của ông tại Đại Chủng Viện Thánh Tâm, tại Detroit, để chuẩn bị lên lớp. Điện thoại reo nhưng ông bận kiểm soát điện thư trước cái đã. Trong các điện thư này có lời một đài phát tin địa phương yêu cầu phỏng vấn ông về thủ tục giáo luật đối với việc một giáo hoàng từ nhiệm. Ông tặc lưỡi thầm nhủ: “tin tức gì mà kỳ thế này, lại muốn phỏng vấn một người về một thủ tục chỉ được dùng mỗi 500 năm một lần”. Ông thầm nghĩ: sẽ bảo đài phát tin gặp ông vài tháng sau, nếu muốn biết việc này!

Thế rồi, ông kiểm soát các lời nhắn trong điện thoại, cũng lại thấy lời yêu cầu được phỏng vấn ông về thủ tục từ chức của một giáo hoàng. Ông tự nghĩ: sao cái anh chàng này kiên trì quá vậy, hết nhắn qua điện thư, lại nhắn qua điện thoại. Nhưng lần này có khác, đài phát tin này khác với đài phát tin kia. Như vậy hẳn là có chuyện chi đây!

Ông bèn vào trực tuyến và kìa có tin “xét đánh” xác nhận Đức Bênêđíctô XVI tuyên bố từ chức. Mấy phút sau, văn phòng tòa tổng giám mục gọi cho ông và chuyển lời đức TGM Vigneron muốn ông tham dự cuộc họp báo với ngài trong một giờ sau. Lần đầu tiên, ông phải hủy bỏ lớp La Tinh (Peters từng dịch bộ giáo luật năm 1917 từ La Tinh qua tiếng Anh).

Ông thực hiện tới 10 cuộc phỏng vấn trong những ngày tiếp theo và bắt đầu viết “blog” về nhiều vấn đề giáo luật xem ra đáng bàn. Những điều còn lại đã trở thành lịch sử.

Dọn đường cho Đức Phanxicô

Nhà báo John L. Allen, nhân cơ hội này, cho hay vì Đức Phanxicô đang “khuấy động” nhiều vấn đề trong Giáo Hội Công Giáo, nên nhiều người cho rằng ngài đang thực hiện một cuộc cách mạng. Nhưng thực ra, hành vi có tính cách mạng hơn hết của một vị giáo hoàng, ít nhất trong 600 năm nay, đã diễn ra cách nay một năm và hành vi ấy không phải là của Đức Phanxicô.

Thực vậy, ngày 11 tháng Hai năm 2013, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI đã dùng cuộc họp của các Hồng Y bàn về việc phong thánh cho một số vị chân phước để làm mọi người sửng sốt khi loan báo rằng ngài có ý định từ chức và việc từ chức này sẽ có hiệu lực vào 8 giờ tối ngày 28 tháng Hai, năm 2013, giờ Rôma. Tin này hoàn toàn là một ngạc nhiên đối với mọi người, ngoại trừ các nhân viên thân tín. Nó đã dọn đường cho nhiều diễn biến lịch sử sau đó. 

Sau này, một vị Hồng Y cho hay: ngài tiếp tục ngồi lại tại căn phòng sau khi phiên họp kết thúc, mà vẫn chưa hiểu chuyện gì thực sự đã xẩy ra. Ngài ôn lại lời nói bằng tiếng La Tinh của Đức Bênêđíctô nhiều lần để biết chắc là mình hiểu đúng.

Đã đành là đã có những vị giáo hoàng từ chức trước ngài rồi, nhưng hoàn cảnh đưa tới việc từ chức thì không hoàn cảnh nào đáng lưu ý như hoàn cảnh của Đức Bênêđíctô XVI. Lần này, không hề có quân đội ngoại quốc đe dọa, không hề có cả ly khai nội bộ, vậy mà ngài vẫn tự ý từ chức, quyết định tiếp tục sống tại Vatican và thề “vâng lời vô điều kiện” bất cứ vị nào kế nhiệm mình. 

Đức Phanxicô được ca ngợi là người khiêm nhường, nhưng hành vi từ nhiệm của Đức Bênêđíctô phải được coi là tuyệt đỉnh của đức khiêm nhường nơi một vị giáo hoàng. Ngài đã đi từ vô ngộ tới gần như vô hình, không còn ai thấy nữa. 

Ngay sau lời tuyên bố, người ta bắt đầu đi tìm lý do của việc từ chức này. Dù ngài trưng tuổi già và sức khoẻ làm lý do, nhưng một số quan sát viên tự hỏi phải chăng ngài mất tinh thần về vụ rò rỉ đầy tai tiếng, kết thúc bằng việc viên quản gia của ngài bị bắt. Nhiều người khác đồ đoán về “nhóm vận động đồng tính” mơ hồ tại Vatican…

Báo chí Ý tha hồ vẽ ra đủ thứ lý do khác. Bất cứ vì lý do nào, Allen cũng tin rằng việc Đức Bênêđíctô từ chức đã dọn đường cho việc bầu Đức HY Jorge Mario Bergoglio của Á Căn Đình làm tân giáo hoàng. 

Thứ nhất, sự kiện biến việc từ chức thành một khả thể sống động, trên thực tế, đã loại tuổi tác và sức khỏe ra khỏi các vấn đề của việc đầu phiếu. Trong quá khứ, sự khôn ngoan đã thành qui ước cho rằng vác vị Hồng Y nên chọn một ứng viên ở tuổi giữa 60. Già hơn, sẽ có một triều giáo hoàng ngắn hạn; trẻ hơn, sẽ phải đối diện với một triều giáo hoàng quá dài. 

Việc từ chức đã cung cấp một lối thoát bí, ở cả hai đầu. Nếu vị giáo hoàng già lâm bệnh, ngài có thể tự ý đứng sang một bên và chấm dứt cảnh tê liệt mà một giáo hoàng kém sức khỏe có thể gây ra. Một giáo hoàng trẻ cũng vẫn có thể từ chức sau khi vòng cung sáng tạo của triều đại mình đã không còn, dọn đường cho một hướng đi mới. 

Không có có van xì hơi ấy, các vị Hồng Y chắc đã phải do dự nhiều lắm mới dám bầu một Hồng Y đã 76 tuổi lại mất một lá phổi lên kế vị. 

Thứ hai, sự kiện các Hồng Y bầu một giáo hoàng sau một vụ từ chức chứ không phải qua đời đã thay đổi tâm lý của diễn trình. Sẽ không có cao trào tiếc thương cũng như ca tụng vị giáo hoàng quá cố; sẽ không có đám đông vĩ đại các người đến khóc thương tại Rôma, không có những cáo phó lâm ly của báo chí hoàn cầu, không có những xúc cảm trào dâng trong thánh lễ an táng, nghĩa là không có những sức mạnh khiến các vị Hồng Y không dám lựa chọn một bước tách biệt khỏi vị giáo hoàng quá cố. 

Việc từ chức giúp các Hồng Y có cái nhìn có tính phê phán hơn. Nhờ thế, mà người ta cho rằng cuộc bầu cử giáo hoàng năm 2013 là cuộc bầu cử giáo hoàng phản giới nắm quyền (anti-establishment) nhiều nhất trong 100 năm nay. Các Hồng Y không hẳn bác bỏ giáo huấn của Đức Bênêđíctô XVI, một giáo huấn mà đa số các ngài ca ngợi, nhưng bác bỏ các khuôn mẫu quản trị Vatican mà các ngài tin đã trở thành tê liệt không hoạt động được nữa. Các ngài muốn có thay đổi và Đức Phanxicô đã được chọn vì thế. 

Cuối cùng, việc từ chức khuyến khích các Hồng Y hướng về một người ngoại cuộc ở Châu Mỹ La Tinh rất ít kinh nghiệm Vatican vì, thành thực mà nói, một vài vị hẳn nghĩ rằng nếu tân giáo hoàng không thành công, vài năm sau, các ngài vẫn có thể trở lại để chọn một vị khác. 

Người Công Giáo vốn tin rằng Chúa Thánh Thần hướng dẫn diễn trình bầu chọn một giáo hoàng. Nhưng trên bình diện phàm trần hơn, động lực hàng đầu trong chuỗi sự kiện dẫn tới Đức Phanxicô, theo Allen, quả là Đức Bênêđíctô XVI, một nhà cách mạng rõ ràng, người đã quay bánh xe lịch sử cách nay một năm. 

Đức Bênêđíctô thư từ lại với Hans Kung

Nhà báo Rocco Palmo thì thuật lại một số sinh hoạt thường lệ của Đức Bênêđíctô XVI trong năm qua. Nói chung, vị giáo hoàng hưu trí “đã giữ đúng kế hoạch hưu trí của ngài là ‘ẩn dật khỏi thế gian’”. Người ta cho rằng tại Tu Viện Mater Ecclesiae cũ, phần lớn thì giờ của ngài được dành cho “những người bạn cũ” tức các cuốn sách của ngài, như ngài vốn gọi chúng. Ngài vẫn tiếp tục nghiên cứu thần học, tuy không viết lách nữa. Sau cuộc cuốc bộ trong Vườn Vatican vào lúc trưa, ngài thường chơi dương cầm. Bạn bè vẫn lui tới, nhưng chỉ là những bạn bè rất thân, lâu đời ngày trước, những người không dễ gì tiết lộ nội dung các cuộc chuyện trò. 

Tuy nhiên, thư từ thì có khác. Ngài từng viết thư khá dài cho một tác giả vô thần hồi tháng Mười Một và được đăng trên tờ La Republica với sự thuận tình của ngài và ấn bản gần đây của tờ báo này cho hay: Đức Bênêđíctô XVI bắt đầu thư từ lại với Hans Kung, đồng nghiệp trở thành đối thủ đã nửa thế kỷ nay, người ngài đã mời ăn tối sau khi được bầu làm giáo hoàng, khiến nhiều người xầm xì bàn tán. 

Trong một ghi chú đề ngày 24 tháng Giêng về cuộc phỏng vấn của tờ Republica, Kung cho hay Đức Bênêđíctô tâm sự rằng: “tôi rất biết ơn vì được liên kết với một sự đồng hóa vĩ đại về quan điểm và một tình bạn trong tâm hồn với Đức Giáo Hoàng Phanxicô. Hiện nay, tôi coi việc ủng hộ triều giáo hoàng của ngài bằng cầu nguyện là công việc duy nhất và sau cùng của tôi”.

Về phần mình, Kung ca ngợi người bạn cũ của mình đã “nghĩ tới định mệnh của Giáo Hội hơn là nghĩ tới chính mình”. 

Dù tin đồn ngài có thể cho xuất bản một tác phẩm khác do tự tay ngài viết đã bị bác bỏ, nhưng nhà báo Đức từng vô thần nhưng sau trở thành người phỏng vấn Đức Bênêđíctô XVI rất được ưa chuộng là Peter Seewald sắp sửa cho ra đời cuốn tiểu sử về vị giáo hoàng thứ 265 này của Giáo Hội, do cơ sở xuất bản của Vatican (LEV) phát hành. Cuộc phỏng vấn vị giáo hoàng này vào mùa hè năm 2012 tại Castel Gandolfo vốn chưa được công bố. 

Đánh dấu một năm ngài hưu trí, Đức TGM Georg Gänswein, thư ký riêng của ngài và hiện đứng đầu phủ giáo hoàng, lên tiếng bênh vực ngài, cho rằng với Đức Bênêđíctô XVI “thước đo việc làm của một người, cách người này thực hiện công việc, không phải là điều truyền thông đại chúng viết mà là điều gì đúng trước mặt Thiên Chúa và trước lương tâm… Và nếu công bằng ra, lịch sử cuối cùng sẽ phản ảnh điều này”. 

Từ ngày rời Tòa Phêrô đến nay, Đức Bênêđíctô chỉ mới rời Vatican một lần để tới Bệnh Viện Đa Khoa Gemelli ở Rôma để thăm người anh đang nằm điều trị ở đấy là Đức Georg Ratzinger. Ngoài ra, trong một chương trình đặc biệt mừng sinh nhật thứ 90 của Đức Ông, người ta thấy Đức Bênêđíctô chuyện vãn ít phút với người điều khiển chương trình. 

Được vị kế nhiệm ví như “người ông khôn ngoan đang sống trong gia đình”, Đức Bênêđíctô có tới thăm đáp lễ Đức Phanxicô dịp Lễ Giáng Sinh và được vị kế nhiệm mời ăn trưa tại Nhà Thánh Marta. Biết vị tiền nhiệm thích Castel Gandolfo, Đức Phanxicô đích thân mời ngài tới ở đó bất cứ lúc nào ngài muốn, nhưng vị tiền nhiệm đã từ khước lời mời này, không những thế, còn khuyên vị kế nhiệm biến nó thành “nhà” của mình. Vị kế nhiệm không mấy hứng thú với gợi ý ấy, nên đã chọn ở lại với cái nóng mùa hè của Vatican. 

Trong những “từ bỏ” của Đức Bênêđíctô XVI, có lẽ việc từ bỏ không tham dự các buổi gặp gỡ hàng năm của các cựu học trò tiến sĩ, như từng diễn ra trong suốt 40 năm qua, có lẽ là từ bỏ khó khăn hơn cả. Dù thế, cuộc gặp gỡ năm 2013 cũng vớt vát được phần nào, vì sau khi thảo luận về đề tài “Vấn Đề Thiên Chúa Trong Ngữ Cảnh Thế Tục Hóa”, các cựu học trò này đã được mời tới Vatican tham dự Thánh Lễ buổi sáng với ngài. 

Bài giảng trong Thánh Lễ hôm ấy được coi là phát biểu công cộng sâu rộng nhất của ngài sau khi từ chức và có lẽ là sắc sảo hơn cả. Ngài bảo: người Kitô hữu đích thực phải là “người chót hết trong dư luận thế gian” vì “trong thế gian và lịch sử này, ai được đẩy lên trước và vào ghế đầu phải biết rằng mình đang gặp nguy hiểm, nên phải nhìn lên Chúa nhiều hơn, lấy Người làm thước đó, lấy trách nhiệm đối với người khác làm thước đo, họ phải trở nên người phục vụ, người trên thực tế phải ngồi dưới chân người khác”. 

Vị giáo hoàng hưu trí nói thêm: bước chân theo “Chúa Kitô, Con Thiên Chúa, Đấng xuống thế để phục vụ ta và đây là yếu tính của Thiên Chúa: cúi mình xuống trên ta”. Nhưng tự hạ là “được nâng cao”, vác “Thánh Giá… trên thực tế, là được hiển dương thực sự”.
Vũ Văn An2/11/2014(vietcatholic)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét