Trang

Thứ Bảy, 1 tháng 3, 2014

02-03-2014 : (phần I) CHÚA NHẬT VIII MÙA THƯỜNG NIÊN năm A

02/03/2014
CHÚA NHẬT VIII MÙA THƯỜNG NIÊN năm A
(Phần I)


BÀI ĐỌC I:  Is 49, 14-15
"Ta sẽ không quên ngươi đâu".
Trích sách Tiên tri Isaia.
Sion nói: "Chúa bỏ rơi tôi, Chúa đã quên tôi rồi". Nào người mẹ có thể quên con mình mà không thương xót chính đứa con mình đã cưu mang ư? Cho dù người mẹ đó có quên, nhưng Ta sẽ không quên ngươi đâu. 
Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA:  Tv 61, 2-3. 6-7. 8-9ab.
Đáp:Duy nơi Thiên Chúa, linh hồn tôi được an vui  (c. 2a).
1)Duy nơi Thiên Chúa, linh hồn tôi được an vui; do chính mình Người, tôi được ơn cứu độ. Phải, chính Chúa là Đá Tảng, là ơn cứu độ của tôi, Người là chiến lũy của tôi, tôi sẽ không hề nao núng.
2)Duy nơi Thiên Chúa linh hồn tôi hãy nghỉ an, vì do chính mình Người, tôi được ơn cứu độ. Phải, chính Chúa là Đá Tảng, là ơn cứu độ của tôi, Người là chiến lũy của tôi, tôi sẽ không hề nao núng.
3)Vinh dự và an toàn của tôi ở nơi Thiên Chúa, nơi Thiên Chúa, tôi có Đá Tảng kiên cố và chỗ dung thân. Hỡi dân tộc, hãy trông cậy Người luôn mọi lúc, hãy đổ dốc niềm tâm sự trước nhan Người.
BÀI ĐỌC II:  1 Cr 4, 1-5
"Chúa sẽ phơi bày những ý định của tâm hồn".
Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.
Anh em thân mến, như vậy người ta coi chúng tôi như những thừa tác viên của Đức Kitô, và những người phân phát các mầu nhiệm của Thiên Chúa. Do đó, người ta đòi hỏi nơi những người phân phát các mầu nhiệm là mỗi người phải trung tín. Phần tôi, tôi không lấy làm quan trọng khi bị anh em hay toà án nhân loại đoán xét; nhưng tôi cũng không đoán xét chính mình tôi. Vì chưng, mặc dầu lương tâm không trách cứ tôi điều gì, nhưng không phải vì thế mà tôi đã được công chính hoá. Đấng đoán xét tôi chính là Chúa. Vì thế, anh em đừng đoán xét trước thời gian cho đến khi Chúa đến, Người sẽ đưa ra ánh sáng những điều giấu kín trong bóng tối và phơi bày những ý định của tâm hồn; và bấy giờ Thiên Chúa sẽ ban khen tương xứng cho mỗi người.
Đó là lời Chúa.
ALLELUIA:  Ga 14, 23
Alleluia, alleluia! - Chúa phán: "Nếu ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy, và Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy, và Chúng Ta sẽ đến và ở trong người ấy". - Alleluia.
PHÚC ÂM:  Mt 6, 24-34
"Các con chớ áy náy về ngày mai".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Mátthêu.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Không ai có thể làm tôi hai chủ: vì hoặc nó sẽ ghét người này, và yêu mến người kia, hoặc nó chuộng chủ này, và khinh chủ nọ. Các con không thể làm tôi Thiên Chúa và tiền của được. Vì thế Thầy bảo các con: Chớ áy náy lo lắng cho mạng sống mình: lấy gì mà ăn; hay cho thân xác các con: lấy gì mà mặc. Nào mạng sống không hơn của ăn, và thân xác không hơn áo mặc sao?
Hãy nhìn xem chim trời, chúng không gieo, không gặt, không thu vào lẫm, thế mà Cha các con trên trời vẫn nuôi chúng. Nào các con không hơn chúng sao? Nào có ai trong các con lo lắng áy náy mà có thể làm cho mình cao thêm một gang được ư? Còn về áo mặc, các con lo lắng làm gì? Hãy ngắm xem hoa huệ ngoài đồng, coi chúng mọc lên thế nào? Chúng không làm lụng, không canh cửi. Nhưng Thầy nói với các con rằng: Ngay cả Salomon trong tất cả vinh quang của ông, cũng không phục sức được bằng một trong những đoá hoa đó. Vậy nếu hoa cỏ đồng nội, nay còn, mai bị ném vào lò lửa, mà còn được Thiên Chúa mặc cho như thế, huống chi là các con, hỡi những kẻ kém lòng tin.
Vậy các con chớ áy náy lo lắng mà nói rằng: Chúng ta sẽ ăn gì, uống gì, hoặc sẽ lấy gì mà mặc? Vì chưng, dân ngoại tìm kiếm những điều đó. Nhưng Cha các con biết rõ các con cần đến những điều đó. Tiên vàn các con hãy tìm kiếm nước Thiên Chúa và sự công chính của Người, còn các điều đó, Người sẽ ban thêm cho các con. Vậy các con chớ áy náy lo lắng về ngày mai. Vì ngày mai sẽ lo cho ngày mai. Ngày nào có sự khốn khổ của ngày ấy". 
Đó là lời Chúa.

SUY NIỆM : Người Biết Rõ Các Ngươi Cần Ðến Các Ðiều Ấy

Ðời sống chúng ta hiện nay còn nhiều khó khăn. Vấn đề lương thực là một và có lẽ phải đứng hàng đầu. Chúng ta đầu tắt mặt tối mà vẫn chưa đủ cơm ăn áo mặc. Thế mà Lời Chúa trong bài Tin Mừng hôm nay lại bảo chúng ta đừng lo lắng! Chúng ta có thể bình thản sống như Lời Chúa dạy không?
Thiết tưởng trước hết phải hiểu đúng ý của Chúa đã! Và cho được như vậy, chúng ta phải nhờ chính Phụng vụ hôm nay giúp đỡ. Không phải vô lý mà trước khi đọc cho chúng ta nghe bài Tin Mừng, Phụng vụ đã công bố mấy lời của sách Isaia. Và chúng ta sẽ thấy những lời thư Phaolô cũng giúp chúng ta thi hành Lời Chúa.

A. Hơn Một Người Mẹ Thương Con
Chắc chắn những lời sách Isaia hôm nay không phải của nhà tiên tri đã hoạt động trong dân Israel trước khi dân này mất Nước và bị đem đi lưu đày. Sấm ngôn của vị tiên tri này chỉ chiếm 39 chương đầu trong sách Isaia thôi. Những chương 40-55 là của một ngôn sứ khác, mai danh ẩn tích, thường được gọi là Isaia II. Và người ta phải nói đến một Isaia III làm tác giả cho những chương cuối cùng của sách Isaia hiện nay, gồm những chương 56-66.
Bài trích đọc hôm nay nằm trong Isaia II. Tác giả bấy giờ đang sống trong cảnh lưu đày với con cái Israel ở Babylon. Ông được Chúa sai đi loan báo Tin Mừng cứu độ: Người sắp tái tạo và tái sinh Dân Người, tức là phục hồi Israel và trùng tu lại Yêrusalem.
Sứ mạng không dễ đâu. Sion đã kiệt quệ rồi. Nó chỉ còn biết nói: "Yavê đã bỏ tôi, Ðức Chúa đã quên tôi". Và bề ngoài rõ ràng như vậy. Con cái Israel đã tha phương lâu quá rồi. Các tin tức từ Yêrusalem cho biết Ðất Nước đã trở thành của ngoại bang; Ðền thờ chẳng còn gì nữa; và ở tại nơi lưu đày này, đa số đã xây dựng cơ nghiệp như là vĩnh viễn. Có chăng chỉ còn một thiểu số đạo đức chẳng bao giờ chịu quên Sion và chỉ muốn được trở về để làm lại Dân Chúa. Nhưng đó là thành phần khó nghèo, hy vọng gì làm được công việc đáng kể. Người ta hiểu rằng "quyền năng của Thiên Chúa hay viên thành nơi sức yếu đuối của con người", tức là Thiên Chúa càng biểu lộ sự cứu độ của Người khi con người tỏ ra bất lực.
Ðó chính là trường hợp lúc bấy giờ, khi Thiên Chúa sai Isaia đến với Dân. Thay mặt Người, ông phải công bố cho họ biết Thiên Chúa sắp ra tay cứu Dân. Họ tưởng Người bỏ họ và quên họ rồi sao? Chỉ có họ đã bỏ Người và đường lối của Người, nên họ mới như ngày hôm nay. Họ đã quên Người và huấn giáo của Người nên mới nghi ngờ lòng tốt và quyền năng của Người. Trước kia, Người đã thi thố bao nhiêu kỳ công cho họ, đâu phải vì họ xứng đáng? Chính lúc họ thất vọng, chán nản như đã quên Người thì Người đã đến phục hồi họ. Tất cả quá khứ của lịch sử Israel là như vậy. Và bây giờ cũng sắp như thế. Bởi vì:
"Mẹ nào lại quên con đẻ của mình...?".
Isaia cho chúng ta một hình ảnh khác về Êzêkiel. Nhà tiên tri này nói đến Thiên Chúa như là một người chồng trung thành. Không những chính Người đã làm ra thân thể kiều diễm, lộng lẫy của Dân Người khi lôi kéo nó ra khỏi cảnh bỏ rơi nhớp nhúa, đói ăn, xấu xí; Người đã đem về tắm rửa, dưỡng nuôi, may mặc và trang sức và dạy cho yêu thương... nhưng rồi nó đã trở thành bạc phục, chạy theo trăng gió để phá hoại thân thể và đời sống. Tuy nhiên Thiên Chúa luôn trung thành và mãi mãi trung thành. Người sẽ tìm cách đưa bạn Người vào sa mạc để khuyên nhủ, để cải hóa... Theo Êzêkiel, tình yêu của Thiên Chúa nói lên sự trung thành không thể nào tưởng tượng được.
Isaia cũng nói đến tình yêu ấy. Nhưng nơi ông nó tha thiết, sâu xa, vô vị lợi và êm ái như lòng mẹ. Và hơn lòng mẹ, bởi vì cho dù "chúng quên được con mình, thì phần Ta, Ta sẽ không bao giờ quên ngươi".
Thiết tưởng không cần giải thích thêm. Ai có thể phủ nhận tình hiền mẫu? Ai không biết nó chân thật, sâu xa, êm ái và vô vị lợi? Nó đáng tin và đáng tin hơn hết: vì người ta có thể đặt những nghi vấn về tình yêu vợ chồng hay bạn hữu, nhưng chẳng ai dám nghi ngờ gì về tình yêu của người mẹ.
Isaia có thể kéo được lòng con cái Israel trở về với Thiên Chúa nhờ lời sấm chân thật, đơn sơ và cảm động này. Chúng ta hoan hô các bà mẹ. Chúng ta cảm mến lòng các bà mẹ, nhất là các bà mẹ Việt Nam. Chúng ta hãy đi từ đó để hiểu về tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta, để hiểu lời Tin Mừng hôm nay nói với chúng ta về Cha trên trời.

B. Người Biết Rõ Các Ngươi Cần Ðến Các Ðiều Ấy
Thật vậy, Thiên Chúa yêu thương chúng ta. Người đã sinh ra chúng ta, nên Người không thể bỏ và quên chúng ta được. Loài người lầm lạc sa ngã, thì Người đã sai Con của Người đến để tìm gặp chúng ta, nơi Ðức Yêsu Kitô.
Nhưng rất ít kẻ đón nhận Con Một Thiên Chúa giáng sinh làm người. Ðại đa số bộ phận nhân loại vẫn dửng dưng với lời loan truyền Tin Mừng Cứu Ðộ. Vì sao, nếu không phải vì như lời nhận xét của chính Chúa Cứu thế? Là: Không ai có thể làm tôi hai chủ; người ta không thể làm tôi Thiên Chúa và Tiền của được.
Nhưng chúng ta muốn thưa lại với Người: Chúng tôi không tìm tiền của thì chúng tôi ăn gì, mặc gì? Thế là chúng ta mặc nhiên bỏ Thiên Chúa và quên Người đi, để lo có cơm ăn áo mặc. Những yêu cầu này khẩn trương và bức thiết quá!
Tuy nhiên chính vì vậy mà Thiên Chúa sai Con của Người đến. Người mời chúng ta coi chim trời: chúng không gieo, không gặt, không thu tích vào lẫm và Cha các ngươi, Ðấng ngự trên trời, nuôi nấng chúng. Các ngươi không hơn chúng sao? Chắc chắn chúng ta phải hơn chúng, không phải chỉ vì chúng ta linh ư vạn vật, nhưng nhất là vì Ðấng nuôi chim trời lại là Cha của chúng ta. Người phải săn sóc đến chúng ta trước chứ. Lẽ tự nhiên là vậy; sau chúng ta yếu tin vậy?
Còn về áo mặc chúng ta lo làm gì? Kìa xem cỏ đồng nội nay còn mai sẽ quăng vào lò mà Thiên Chúa còn cho mặc đẹp hơn cả Salômon trong vinh hoa đời ông, huống chi là chúng ta, con của Thiên Chúa toàn năng và đầy tình yêu thương?
Lời Chúa dạy rất đơn sơ, chí lý. Nó chân thật rõ ràng. Nhưng sao chúng ta khó tin vậy. Phải chăng chúng ta mới chỉ nhìn thấy khía cạnh tiêu cực trong lời giáo huấn kia mà chưa đi sâu vào phương diện tích cực. Chúng ta mới chỉ nghĩ tới việc "đừng" lo ăn lo mặc. Nhưng Chúa không bảo chúng ta như vậy. Cùng lắm, chúng ta có thể hiểu rằng Người bảo chúng ta "chớ lo đến ngày mai, mai sẽ lo cho mai; khó ngày nào đủ cho ngày ấy". Tuy nhiên đó cũng chưa phải là giáo huấn tích cực, sâu xa và cốt yếu của Người. Ðiều Người muốn nói với chúng ta là "hãy tìm kiếm Nước Ðức Chúa Trời trước đã, và các sự ấy sẽ được ban thêm cho các ngươi". Vì Cha trên trời biết rõ chúng ta cần những điều ấy. Người không thể bỏ và quên chúng ta. Chúng ta có lo cũng chẳng có thể thêm cho đời mình một gang nữa. Khởi đầu sự khôn ngoan chân thật là lòng kính sợ Thiên Chúa, là tin vào tình thương của Người, là được sự bình an của Người, rồi nhờ Người hướng dẫn sống trong sự bình an ấy.
Những con người như thế vẫn lo cơm ăn áo mặc; nhưng họ lo trong niềm tin vào tình yêu của Thiên Chúa. Cũng chẳng thể nói được rằng họ "lo", bởi vì niềm tin luôn giữ họ trong sự bình an. Họ không bị các lo lắng đời này lôi đi đến nỗi chưa hết hôm nay đã lo sang ngày mai, để cuối cùng không còn suy nghĩ, yêu mến gì khác nữa ngoài tiền của và những sự ở đời này. Họ đã bỏ và quên Chúa, vì không thể làm tôi vừa Thiên Chúa vừa tiền của được. Còn kẻ tin Chúa, luôn tìm Nước Ðức Chúa Trời và sự công chính của Người trước đã và sẽ tìm thấy mọi điều cần khác ở đó; và sẽ thấy chúng chỉ là những phương tiện sinh sống chứ không phải là đối tượng của đời sống con người. Những người như vậy dù có vất vả vẫn thư thái bình an vì Chúa chẳng bỏ quên họ, hay nói đúng hơn vì họ chẳng bỏ quên Chúa. Họ luôn thấy Chúa là Cha là Mẹ. Họ được an ủi nhất là thấy Chúa yêu thương mình và Người không thể không săn sóc mình hơn chim trời và hoa cỏ ngoài đồng nội.
Nhưng con người không sống chỉ nhờ bánh, mà còn cần vinh dự, cảm thông của xã hội. Chúng ta cũng lo điều này không ít. Lời thư Phaolô hôm nay có lẽ giúp được chúng ta.

C. Ðấng Xét Xử Tôi Chính Là Chúa
Chúng ta ít có khi nào đau đớn như thánh Tông đồ. Người đã vất vả hình thành ra đoàn chiên ở Côrinthô. Chính người đã sinh ra giáo đoàn ấy. Thế mà bây giờ vì có kẻ thọc gậy bánh xe, và cũng vì tâm lý những người Côrinthô bồng bột nhẹ dạ không những ưa mới nới cũ mà còn nông nổi thích chạy theo những sự bay bướm, uy tín của Phaolô đang mất dần. Không thiếu những kẻ xấu miệng phê phán người thế này thế khác. Nói đúng ra, thánh Tông đồ không buồn cho mình. Người chỉ sợ vì thế mà đức tin ở Côrinthô sa sút và lầm lạc.
Người không chủ quan, chỉ thấy những sự tốt ở nơi mình. Người có tự kiểm điểm và kiểm điểm cả những dư luận về mình. Nhưng người không mảy may bận tâm. Không phải những dư luận và đánh giá ấy làm cho người xao xuyến lo lắng. Ðấng xét xử tôi, người nói, chính là Chúa. Chỉ có Chúa là quan trọng. Chỉ có tình yêu của Người là cần thiết. Phaolô tìm Nước Ðức Chúa Trời trước đã và sự công chính của Người. Chính Người là Cha là Mẹ và hơn cả cha mẹ vô vàn. Cho dù trước lương tâm chúng ta không thấy có gì, nhưng không phải cứ thế là chúng ta được giải án tuyên công. Không phải xã hội và người ta hay lương tâm của mình sẽ trao tặng lời tán thưởng đời đời cho chúng ta, nhưng là Thiên Chúa, Ðấng xét xử chúng ta. Cho nên chúng ta đừng vội xét đoán trước khi Chúa đến và mọi dư luận trước đó cũng chỉ là không.
Tuy nhiên không vì vậy mà ai muốn sống thế nào cũng được. Trong xã hội, tất cả chúng ta đều là những người quản lý các mầu nhiệm Thiên Chúa. Và trong các sách Tin Mừng, nhiều lần Người đã nói đến vai trò quản lý này. Người đòi họ phải trung thành với chức vụ, phân phát các ơn của Chúa trong bác ái khiêm tốn, và tỉnh thức cần mẫn chờ đợi chủ về. Tất cả những tư cách ấy, Chúa dạy chúng ta phải đem ra thi hành trong đời sống xã hội. Nếu đã thi hành thì chúng ta cứ yên tâm, không phải xao xuyến vì các dư luận đánh giá đoán xét công việc và thiện ý của chúng ta. Chỉ có điều chúng ta có thật là người quản lý trung thành và khôn ngoan không?
Giờ đây chúng ta hợp dâng thánh lễ. Chẳng có điều gì cần hơn trong lúc này là đến gần bên Chúa để cảm thấy tình Cha, tình Mẹ của Người. Ðời sống của chúng ta đang có nhiều khó khăn và lo lắng ư? Kìa, Thiên Chúa đang ban Con Một của Người cho chúng ta; và Con Một của Người đang trao cả Mình Máu Người cho chúng ta. Thiên Chúa còn có thể tiếc gì, không muốn ban cho chúng ta khi hiến ban cho chúng ta mối tình to lớn như thế? Chúng ta hãy có niềm tin, đón nhận mối tình ấy, lãnh nhận chính Thiên Chúa. Chính Người ở trong chúng ta sẽ hướng dẫn chúng ta trong đời sống hàng ngày, để dù lam lũ vất vả, dù gặp những xét đoán bất lợi, chúng ta vẫn không mất niềm tin, vì có Chúa đang ở với chúng ta và giúp chúng ta là các người quản lý tốt ở trong một xã hội.

(Trích dẫn từ tập sách Giải Nghĩa Lời Chúa
của Ðức cố Giám Mục Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm)



Lời Chúa Mỗi Ngày
Chủ Nhật VIII Thường Niên, Năm A
Bài đọc: Isa 49:14-15; 1 Cor 4:1-5; Mt 6:24-34.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Cần tin tưởng nơi sự quan phòng của Thiên Chúa.

Trong cuộc đời, chúng ta nhận thấy có ba hạng người rõ rệt: hạng người chỉ tin tưởng nơi mình, hạng người chỉ tin tưởng nơi người khác, và hạng người vừa tin tưởng nơi mình vừa tin tưởng nơi người khác. Hạng người chỉ tin tưởng nơi sự khôn ngoan của mình nghi ngờ tất cả mọi người, cho dù là Thiên Chúa. Họ nghĩ phải làm sao dùng sự khôn ngoan của họ để lo lắng, sắp xếp, và kiểm soát mọi sự. Hạng người chỉ tin tưởng nơi người khác vì họ chưa có khôn ngoan đủ để phán đoán, nên dễ bị người khác đánh lừa. Hạng người quân bình nhất là những người vừa tin tưởng nơi khả năng của mình, vừa nhận ra có những điều vượt quá khả năng của mình nên phải biết tin tưởng nơi người khác.
Các bài đọc hôm nay dạy con người vừa phải biết tự tin nơi mình vừa phải biết tin tưởng nơi sự quan phòng của Thiên Chúa. Trong bài đọc I, ngôn sứ Isaiah muốn con người phải tin tưởng nơi tình yêu Thiên Chúa, vì Ngài là Người duy nhất không bao giờ phản bội và bỏ rơi con người. Trong bài đọc II, thánh Phaolô khuyên nhủ các tín hữu phải biết tin tưởng nơi Thiên Chúa và tự tin nơi mình; đừng để ý đến những lời dèm pha hay phán đoán để rồi xao lãng bổn phận mà Thiên Chúa trao phó. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu vạch ra cho con người thấy sự vô lý của việc chỉ biết tin nơi mình, biểu lộ qua thái độ lo lắng. Ngài dạy con người hãy biết đặt trọn vẹn tin tưởng nơi Cha trên trời và hãy biết dành thời gian để đi tìm Nước Thiên Chúa và sự công chính của Ngài.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Cho dù mẹ có quên ngươi đi nữa, thì Ta, Ta cũng chẳng quên ngươi bao giờ.

1.1/ Con người chạy theo những thứ thần ảo tưởng, gian dối: Trước thời Lưu Đày, dân tộc Do-thái chạy theo thờ các ngẫu tượng của Dân Ngoại, thay vì biết quí mến mối tình chân thật của Thiên Chúa. Các ngôn sứ được Thiên Chúa sai đến nhiều lần để cảnh tỉnh và kêu gọi họ trở về; nhưng họ không thèm nghe lời các ngôn sứ. Rốt cuộc, Thiên Chúa đành phải để cho họ rơi vào tay Dân Ngoại và bị lưu đày. Khi phải đương đầu với tủi nhục và đau khổ trên đất khách quê người, họ lại kêu trách Thiên Chúa như lời ngôn sứ Isaia tường thuật: "Đức Chúa đã bỏ tôi, Chúa Thượng tôi đã quên tôi rồi!"

1.2/ Thiên Chúa không bao giờ bỏ rơi dân Ngài: Thiên Chúa luôn trung thành với tình yêu Ngài dành cho con người, Ngài không bao giờ phản bội con người. Thế tại sao Thiên Chúa lại để cho Israel bị dày xéo bởi tay quân địch? Các ngôn sứ đều cho họ biết rõ lý do của việc sửa phạt là vì yêu thương: Nếu Thiên Chúa không ra tay sửa phạt, Ngài sẽ mất họ vĩnh viễn. Ngài phải sửa phạt với hy vọng khi phải đương đầu với đau khổ, họ sẽ nhận ra tội bất trung của họ và ăn năn quay về với tình yêu đích thực. Khi hồi tâm, họ sẽ nhìn thấy tình yêu Thiên Chúa dành cho họ qua việc gởi các ngôn sứ đến cảnh cáo và khích lệ họ đừng tuyệt vọng. Lời của ngôn sứ Isaiah trong trình thuật hôm nay ví tình yêu của Thiên Chúa như tình mẫu tử: “Có phụ nữ nào quên được đứa con thơ của mình, hay chẳng thương đứa con mình đã mang nặng đẻ đau? Cho dù nó có quên đi nữa, thì Ta, Ta cũng chẳng quên ngươi bao giờ.” Thiên Chúa không vui mừng khi thấy dân Ngài chịu đau khổ, và Ngài luôn tìm mọi cơ hội để đưa họ trở về.

2/ Bài đọc II: Bấy giờ, mỗi người sẽ được Thiên Chúa khen thưởng đích đáng.

2.1/ Sống trung thành với ơn gọi của mình: Chúa Giêsu báo trước cho các môn đệ của mình: Tôi tớ không trọng hơn chủ, nếu họ đã truy tố Thầy, họ cũng sẽ truy tố anh em. Thánh Phaolô chắc chắn cảm thấy rõ điều này, vì mỗi khi ngài vừa thành công trong việc rao giảng và thiết lập một giáo đoàn; thì có những người theo sau quấy phá và vu khống cho ngài đủ điều, nào là: Phaolô không phải là tông đồ, hay ông không khôn ngoan, hay ông nói năng không theo kiểu hùng biện... Phaolô chẳng những không buồn vì những lời dèm pha, ông còn lợi dụng những lời dèm pha để làm sáng tỏ đức tin. Phaolô viết: “Vậy chớ gì thiên hạ coi chúng tôi như những đầy tớ của Đức Kitô, những người quản lý các mầu nhiệm của Thiên Chúa. Mà người ta chỉ đòi hỏi ở người quản lý một điều, là phải chứng tỏ lòng trung thành.” Đối với Phaolô, ông chỉ là người quản lý các mầu nhiệm của Thiên Chúa, mà bổn phận của người quản lý không gì khác hơn là trung thành rao giảng Tin Mừng mà ngài đã nhận được từ Đức Kitô. Đức tin mà các tín hữu có được là do sự tác động của Thánh Thần, chứ không phải do tài khéo của ông. Phaolô trung thành với sứ vụ rao giảng Tin Mừng trong suốt cuộc đời, ông không để tâm chú ý vào bất kỳ điều gì khác, đêm ngày chỉ miệt mài suy nghĩ để rao giảng những lời chân lý sao cho con người nhận ra sự thật và trở về với Thiên Chúa.

2.2/ Phaolô tin tưởng nơi sự phán xét công minh của Thiên Chúa:. Dù bị đối phương nói xấu và dèm pha đủ điều, thánh Phaolô rất tự tin nơi mình và nơi Thiên Chúa. Ông viết: “Đối với tôi, dù có bị anh em hay toà đời xét xử, tôi cũng chẳng coi là gì. Mà tôi, tôi cũng chẳng tự xét xử lấy mình.” Ngài chỉ sợ một Đấng có thẩm quyền xét xử là Thiên Chúa. Tuy nhiên, ngài không dám nhận là mình vô tội; nhưng chỉ biết cố gắng trung thành làm mọi sự Đức Kitô đã trao, phần còn lại, ngài phó thác cho tình yêu Thiên Chúa.
Phaolô khuyên các tín hữu biết khôn ngoan để đừng xét xử tha nhân trước kỳ hạn, vì 3 lý do: thứ nhất, đó không phải là công việc của con người; thứ hai, con người không có đủ chứng cớ để xét xử; thứ ba, thời hạn để xét xử chưa đến. Vì thế, chúng ta cũng đừng xét xử ai để khỏi bị Thiên Chúa xét xử.

3/ Phúc Âm: Anh em đừng lo lắng về ngày mai: ngày mai, cứ để ngày mai lo.

3.1/ Lo lắng sự đời làm con người xao lãng trách nhiệm Thiên Chúa trao: Chúng ta có thể nhận ra sự thật này qua kinh nghiệm của cuộc sống. Một người mục tử lo lắng sự đời, ông sẽ không có thời giờ để tâm dạy dỗ, chăn dắt, và bảo vệ đoàn chiên Thiên Chúa đã trao phó. Cha mẹ ích kỷ chỉ biết lo cho mình sẽ không còn thời giờ để dạy dỗ, chăm sóc, và bảo vệ phần hồn cũng như phần xác của con cái. Người tín hữu chỉ biết quan tâm đến việc thỏa mãn những nhu cầu của xác thịt, sẽ không thể chu toàn bổn phận Đức Kitô trao là làm sao cho Tin Mừng được loan báo đến hết mọi người.
Trong trình thuật hôm nay, Chúa Giêsu buộc các môn đệ phải lựa chọn: "Không ai có thể làm tôi hai chủ, vì hoặc sẽ ghét chủ này mà yêu chủ kia, hoặc sẽ gắn bó với chủ này mà khinh dể chủ nọ. Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi Tiền Của được.” Nếu con người yêu thương Thiên Chúa, họ sẽ tìm mọi cách để làm đẹp lòng Ngài; nhưng nếu con người yêu thương chính mình hay những sự trong thế gian, họ sẽ miệt mài chạy theo những lôi cuốn của thế gian để thỏa mãn bản thân. Làm sao họ còn sức lực và thời gian để hoàn thành những gì Thiên Chúa muốn?

3.2/ Lo lắng vô ích: Chúa Giêsu tiếp tục dạy: "Vì vậy Thầy bảo cho anh em biết: đừng lo cho mạng sống: lấy gì mà ăn; cũng đừng lo cho thân thể: lấy gì mà mặc. Mạng sống chẳng trọng hơn của ăn, và thân thể chẳng trọng hơn áo mặc sao?” Nhiều người sẽ cãi lại: Biết như vậy, nhưng không lo cho có của ăn làm sao sống? Nếu không lo cho có áo mặc thân thể sẽ chết vì lạnh giá?
Chắc chắn Chúa Giêsu không khuyên chúng ta cứ việc lười biếng mà vẫn có ăn, vì sau khi nguyên tổ phạm tội trong Vườn Địa Đàng, Thiên Chúa đã phạt con người phải làm lụng vất vả mới có ăn; nhưng chúng ta cần phân biệt hai điều:
1) Thiên Chúa vẫn là người ban tặng: Con người có thể làm việc vất vả khổ cực mà vẫn không có ăn, nếu Thiên Chúa không quan phòng cho thời tiết thuận hòa. Tác giả của Thánh Vịnh 127 hiểu rõ điều này, nên đã thốt lên: “Bạn có thức khuya hay dậy sớm, khó nhọc làm ăn cũng hoài công. Còn kẻ được Chúa thương dầu có ngủ, Người vẫn ban cho đủ tiêu dùng” (Psa 127:2).
Chúa Giêsu dẫn chứng hai ví dụ về sự quan phòng của Thiên Chúa cho các tạo vật: (1) “Hãy xem chim trời: chúng không gieo, không gặt, không thu tích vào kho; thế mà Cha anh em trên trời vẫn nuôi chúng. Anh em lại chẳng quý giá hơn chúng sao?” (2) “Còn về áo mặc cũng thế, lo lắng làm gì? Hãy ngắm xem hoa huệ ngoài đồng mọc lên thế nào mà rút ra bài học: chúng không làm lụng, không kéo sợi; thế mà, Thầy bảo cho anh em biết: ngay cả vua Solomon, dù vinh hoa tột bậc, cũng không mặc đẹp bằng một bông hoa ấy.”
(2) Con người chỉ là người nhận lãnh: Nếu Thiên Chúa không ban, con người có lo lắng cũng chẳng làm thêm ra được gì. Chúa Giêsu thách thức các môn đệ: “Hỏi có ai trong anh em, nhờ lo lắng, mà kéo dài đời mình thêm được dù chỉ một gang tay?” 
Vì thế, thái độ thích hợp là con người vẫn phải làm và phải tin tưởng nơi tình yêu quan phòng của Thiên Chúa. Ngài biết con người cần tất cả những thứ đó để sinh sống và sẽ ban như con người cần.

3.3/ Biết dành giờ cho Thiên Chúa, cho mình, và cho tha nhân: Sau khi đã làm việc để sinh sống, Chúa Giêsu muốn các môn đệ chú tâm vào những điều có lợi ích cho họ hơn, Ngài phán: “Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho.” Làm sao gọi là dành thời giờ và sức lực cho việc tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người? Chúng ta biết con người không thể tự mình nên công chính, nhưng phải tin và nhờ công nghiệp của Đức Kitô. Một số những điều căn bản con người phải làm trong việc đi tìm Nước Thiên Chúa: (1) Chúng ta phải dành giờ để học biết về Chúa và về sự thật qua Kinh Thánh; (2) chúng ta phải dành giờ cho việc cầu nguyện và đào sâu niềm tin và mối quan hệ với Thiên Chúa; sau cùng, (3) chúng ta phải dành giờ để dạy dỗ con cái và mọi người, sao cho họ biết về Thiên Chúa qua việc rao giảng Tin Mừng.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

- Chúng ta cần xác tín mỗi ngày: Không ai yêu thương chúng ta bằng Thiên Chúa trong cuộc đời; vì thế, chúng ta đừng dại dột hy sinh tình yêu Thiên Chúa cho bất cứ tình yêu nào trên thế gian.
- Chúng ta đừng bị phân tâm hay bị chia trí vào những chuyện thế gian, nhưng hãy biết dành trọn vẹn thời giờ để chu toàn ơn gọi Thiên Chúa trao, sao cho hoàn thành mọi sự.
- Sau khi đã cố gắng chu toàn những bổn phận Thiên Chúa trao, chúng ta đừng lo lắng gì nữa, nhưng hãy tin tưởng hoàn toàn nơi sự quan phòng của Thiên Chúa.
Lm.Anthony ĐINH MINH TIÊN, OP.


Suy niệm:
Chế độ nô lệ tưởng như đã không còn trên thế giới.
Nhưng ngày nay người ta vẫn nói đến những hình thức nô lệ mới.
Nước nghèo mất chủ quyền, chịu nô lệ cho nước giàu,
các phụ nữ trở nên nạn nhân của nô lệ tình dục,
trẻ em nô lệ cho chơi game, thanh niên nô lệ cho ma túy.
Xem ra khó tránh được chuyện bị làm nô lệ,
giữa một thế giới đề cao tự do và giải phóng.
Khi không muốn làm nô lệ cho ai,
con người lại trở nên nô lệ cho cái tôi ích kỷ.
Khi không chấp nhận lệ thuộc Đấng Tạo Hóa cao vời,
con người lại trở nên nô lệ cho các thụ tạo do mình tạo ra.
Đức Giêsu đặt chúng ta trước một chọn lựa.
“Anh em không thể đồng thời làm tôi Thiên Chúa và Tiền Của được.”
Nếu có hai chủ thì thế nào cũng yêu mến người này hơn người kia.
Giữa Thiên Chúa và Tiền Của, tôi sẽ gắn bó với ai hơn, tôi sẽ chọn ai?
Tôi không thể giả vờ thỏa hiệp để chọn cả hai, để được cả hai.
Thần Tài hứa hẹn cho tôi sự an toàn và hạnh phúc giả tạo,
còn Thiên Chúa hứa cho tôi hạnh phúc đích thực, vững bền.
Chỉ khi đặt Thiên Chúa lên trên mọi sự, tôi mới thật sự tự do.
Có sáu động từ lo trong bài Tin Mừng trên đây.
Đức Giêsu nhiều lần khuyên các môn đệ đừng lo (cc. 25. 31. 34).
Nhưng làm người ai lại không lo về ngày mai, trừ phi là trẻ thơ?
Trên thế giới bao người vẫn phải vật vã từng ngày với cơm ăn, nước uống?
Con người có thể sống vô tư như chim trời không
khi chim trời ngày nay cũng bị đe dọa không nơi trú ẩn?
Chúng ta cần hiểu cho đúng chữ lo của Đức Giêsu.
Ngài không dạy chúng ta sống vô trách nhiệm, phó mặc hay lười biếng.
Cái lo mà ta nên tránh là cái lo âu, lo sợ của người kém lòng tin (c. 30),
không tin rằng Thiên Chúa quý con người hơn mọi thụ tạo khác.
hơn giống chim trời, hơn hoa ngoài đồng nội.
Lo âu đó chi phối quá khiến người ta cứ loay hoay, bối rối tự hỏi:
ta sẽ ăn gì, uống gì hay mặc gì đây? (c. 31).
Lo âu này khiến người ta bất an và sợ hãi, vì là lo âu một mình,
quên rằng mình có Người Cha biết rõ những nhu cầu thiết yếu (c. 32),
và sẵn sàng lo cho mình những điều cần dùng (c. 33).
Lo âu này cũng khiến người ta tìm kiếm thỏa mãn nhu cầu của mình
hơn là ưu tiên tìm kiếm xây dựng Nước Thiên Chúa (c. 33).
Kitô hữu không phải là người ngây thơ, sống không lo ngày mai.
Kitô hữu là người biết lo liệu, lo toan cho cuộc sống của họ.
Nhưng họ không căng thẳng vì phải bơ vơ lo một mình.
Họ lo như một người con trưởng thành, cùng lo với Thiên Chúa Cha.
Họ lo một cách thư thái nhẹ nhàng như loài chim buổi sớm đi tìm thức ăn.
Kitô hữu nắm được chìa khóa của hạnh phúc, của no đủ và bình an.
Đó là cứ tìm kiếm Thiên Chúa trước tiên, mọi sự khác sẽ được ban dư dật.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa,
xin cho con luôn vui tươi.
dù có phải lo âu và thống khổ,
xin cho con đừng bao giờ khép lại với chính mình;
nhưng biết nghĩ đến những người quanh con,
những người - cũng như con -
đang cần một người bạn.
Nếu như con nên yếu đuối,
thì xin cho con biết yêu thương và sáng suốt hơn,
thông cảm và nhân từ hơn.
Nếu bàn tay con run rẩy,
thì xin giúp con luôn biết mở ra và cho đi.
Khi lâm tử,
xin cho con biết đón nhận khổ đau và bệnh tật
như một lời kinh.
Ước chi con sẽ chết trong khiêm hạ và tín thác,
như một lời xin vâng cuối cùng.
Và con về nhà Chúa,
để dự tiệc yêu thương muôn đời. Amen.



Lm.An-tôn NGUYỄN CAO SIÊU, SJ.

02/03/14 CHÚA NHẬT TUẦN 8 TN – A 
Mt 6,24-34

PHẢI LO GÌ
“Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho.” (Mt 6,33)
Suy niệm: “Những thứ kia” mà Chúa Giêsu muốn nói đến là cơm ăn, áo mặc, là những nhu yếu phẩm mà con người sống phải có. Nhưng còn một thứ quan trọng hơn mà nếu thiếu thì “những thứ kia” dù có cũng chẳng tích sự gì, đó là chính mạng sống mỗi người. Nếu có được “những thứ kia”, hay “nếu được cả thế giới mà phải thiệt mất mạng sống, thì nào có lợi gì?” (Mt 16,26). Giống như một chiếc tàu chuẩn bị ra khơi, nếu chỉ lo sơn phết thật đẹp, lắp đặt các tiện nghi thật thoải mái mà phao cứu sinh, canô cứu nạn không có... thì mọi sự chuẩn bị kia lại chẳng vô ích lắm hay sao? Vì vậy, theo thứ tự ưu tiên, điều quan trọng nhất là Nước Thiên Chúa, hãy lo tìm kiếm trước “còn những thứ kia, Người sẽ ban cho”. Và Thiên Chúa cũng theo thứ tự ưu tiên đó: chim trời, Ngài còn cho chúng cái ăn, chẳng lẽ chúng ta lại khong quí hơn chim sẻ sao?
Mời Bạn: Thiên Chúa là Cha, và Ngài thừa biết chúng ta cần “những thứ kia”; nhưng Ngài cũng biết mạng sống chúng ta còn quan trọng hơn, nên Ngài dám hy sinh Con Một yêu dấu để cứu chúng ta. Tiếc rằng, nhiều người chỉ lo tìm kiếm “những thứ kia” mà thờ ơ với Nước Thiên Chúa!
Chia sẻ: Trong việc Phúc Âm hoá gia đình, điều quan trọng nhất mà bạn định thực hiện là gì?
Sống Lời Chúa: Dành thời gian để đọc và suy niệm Lời Chúa mỗi ngày.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con biết “mạng sống trọng hơn của ăn, và thân thể trọng hơn áo mặc” để con chỉ biết tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Ngài.

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
2 THÁNG BA
Thiên Chúa Gọi Đích Danh Chúng Ta
Cũng như Mô-sê được gọi trong khi ông đang chăn giữ đoàn vật trong hoang địa, Thiên Chúa gọi chúng ta trong hoang địa. Ngài gọi đích danh chúng ta, như Ngài đã gọi Mô-sê: “Mô-sê! Mô-sê!” (Xh 3,4).
Thiên Chúa truyền lệnh cho chúng ta cũng như Ngài đã truyền lệnh cho Mô-sê: “Hãy cởi giày ra khỏi chân ngươi, vì chỗ ngươi đang đứng là nơi thánh” (Xh 3,5).
Hãy cởi bỏ sự cứng cỏi ra khỏi lòng bạn! Hãy nhổ rễ sự kiêu căng ra khỏi tâm trí và ý chí bạn. Thời gian Mùa Chay là một thời gian thánh của Giáo Hội. Đó là một thời gian đầy sức mạnh. Đó là một thời gian mà Thiên Chúa hiện diện với chúng ta một cách đặc biệt.
Mùa Chay truyền lệnh cho con tim và lương tri chúng ta quay về với Thiên Chúa – Đấng đã tỏ hiện cho Mô-sê trong hoang địa. Ngài là Thiên Chúa của Abraham, Thiên Chúa của I-sa-ác, Thiên Chúa của Gia-cóp. Ngài là Thiên Chúa của uy phong khôn sánh, và cũng là Vị Thiên Chúa tìm kiếm con người để thiết lập một giao ước với con người.
Hãy lưu ý điều này: Thiên Chúa đã tự biểu lộ chính Ngài trong hình thức một bụi gai bốc cháy mà không bị thiêu rụi (Xh 3,2). Vị Thiên Chúa tình yêu toàn năng tự tỏ hiện chính Ngài trước mắt của Mô-sê trong hình thức của một bụi gai bốc cháy.
Đấy là Thiên Chúa, là Đấng siêu việt. Người ta không thể nhìn thấy Ngài bằng mắt trần khi còn đang sống trên mặt đất này. Mô-sê giấu mặt đi, bởi vì ông sợ không dám nhìn Thiên Chúa (Xh 3,6). Rồi, ông nghe tiếng Thiên Chúa phán: “Đừng bước tới gần thêm!” (Xh 3,5). Mô-sê vừa sợ hãi vừa bị hấp lực bởi Đấng đang phán bảo ông từ trong bụi gai. Sự hiện diện của Thiên Chúa bao trùm lấy ông. Ông chìm đắm trong sự thánh thiện của Thiên Chúa và được biến đổi một cách thâm sâu bởi cuộc gặp gỡ này.
- suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II


Lời Chúa Trong Gia Đình
NGÀY 02-03
CHÚA NHẬT VIII THƯỜNG NIÊN
Is 49, 14-15; 1Cr 4, 1-5; Mt 6, 24-34.

LỜI SUY NIỆM: “Anh em đừng lo lắng về ngày mai; ngày mai, cứ để ngày mai lo. Ngày nào có cái khổ của ngày ấy.”
Sau khi Chúa Giêsu căn dặn: “Không thể vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi Tiền Của”. Chúa kêu mời chúng ta phải có lòng “Tin tưởng vào Chúa quan phòng” Chúa đưa ra hình ảnh sự sống của con chim se sê và cái đẹp tuyệt vời của cành hoa huệ ngoài đồng. Rồi Chúa khuyên chúng ta:”Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người”
Lạy Chúa Giêsu. Gia đình chúng con đã nhận được rất nhiều hồng ân của Chúa từ vật chất cũng như tinh thần. Xin Chúa cho mọi thành viên trong gia đình chúng con luôn tạ ơn Chúa và biết chia sẻ lại cho tha nhân.
Mạnh Phương


02 Tháng Ba
Bàn Thờ Cho Người Nô Lệ
Du khách đến viếng thăm nước Tanzania bên châu Phi không thể không dừng chân trước Nhà Thờ chính tòa Anh Giáo tại Zanzibar.
Bước vào nhà thờ, người ta có thể đọc ngay lời chào đón được viết trên tường như sau: "Bạn đang ở trong nhà thờ chính tòa của Ðức Kitô. Nơi đây đã từng là chợ buôn người nô lệ".
Ngôi thánh đường này đã được xây ngay trên chính khu đất mà ngày xưa người da trắng đã tập trung không biết bao nhiêu người Phi Châu để buôn bán đổi chác như những con thú. Ðặc biệt nhất là bàn thờ của ngôi thánh đường: đây là nơi mà trước khi được bán, người nô lệ phải chịu đánh đòn. Sở dĩ người ta phải dùng roi để quất vào người nô lệ là để xem người ấy còn khỏe mạnh không.
Cột trụ ở ngay lối vào nhà thờ là một cây thánh giá gỗ có mang tên của nhà giải phóng Livingstone, một nhà thám hiểm người Anh, đã hô hào chống lại cuộc buôn bán vô nhân đạo này. Cây thánh giá mang tên ông đã được chạm trổ từ gốc cây nơi ông thường đứng để hô hào cuộc chiến bãi bỏ việc buôn bán người nô lệ.
Mãi đến ngày 06 tháng 6 năm 1873, việc buôn bán người nô lệ mới chính thức bị cấm chỉ bằng một đạo luật. Kể từ đó, phẩm giá đích thực của người da đen mới được nhìn nhận.
Cũng như một đan viện dòng kín đã được dựng lên ngay bên cạnh trại tập trung Auschwitz bên Ba Lan để âm thầm nhắc nhở về những độc ác dã man mà con người đã có thể làm cho người khác, thì nhà thờ chính tòa Anh Giáo tại Zanzibar cũng là một nhắc nhở về một quá khứ vô cùng đau thương và đen tối của cả nhân loại, khi con người chỉ xem những giống người khác như thú vật để đổi chác. Nhưng một tưởng niệm không chỉ dừng lại ở khía cạnh kết án, nó còn là một mời gọi để cam kết sống đích thực hơn. Ðối lại với chà đạp dã man phải là sự tôn trọng yêu thương mà con người phải có đối với tha nhân.
Cuộc sống của người Kitô chúng ta được xây dựng trên một tưởng niệm vô cùng cao cả: đó là cái chết của Ðức Kitô được thực hiện trong Thánh Lễ. Thánh lễ vừa là một nhắc nhở về cái chết vô cùng dã man mà Ðức Kitô đã trải qua, vừa là một tưởng niệm về Tình Yêu vô bờ của Thiên Chúa đối với con người, vừa là một mời gọi sống yêu thương, yêu thương đến nỗi có thể chết thay cho người khác... Chúng ta không thể tưởng niệm cái chết của Chúa Giêsu mà vẫn tiếp tục cưu mang hận thù, mà vẫn nuôi dưỡng sự khinh rẻ đối với tha nhân.
(Lẽ Sống)
2-3
Thánh Agnes ở Bohemia
(1205 - 1282)

T
uy Thánh Agnes hiếm muộn nhưng ngài đã đem lại sức sống cho tất cả những ai biết đến ngài.
Agnes là con của Nữ Hoàng Constance và Vua Ottokar I của Bohemia. Lúc lên ba, ngài được hứa gả cho Công Tước xứ Silesia, nhưng ba năm sau đó ông này từ trần. Khi Agnes lớn lên, thánh nữ định tâm dâng mình cho Chúa trong đời sống tu trì.
Sau khi từ chối lời cầu hôn của Vua Henry VII của nước Ðức và Henry III của nước Anh, Agnes phải đương đầu với sự cầu hôn của Frederick II, là Thánh Ðế Rôma (Holy Roman Emperor). Thánh nữ cầu khẩn đến Ðức Giáo Hoàng Grêgôriô IX để xin giúp đỡ. Ðức giáo hoàng đã nghe theo; một cách cao thượng Frederick trả lời rằng ông cũng không khó chịu khi Agnes yêu quý Vua Thiên Ðàng hơn ông.
Sau khi Agnes xây một bệnh viện cho người nghèo và một nơi cư ngụ cho các tu sĩ, ngài cung cấp tài chánh để xây cất tu viện Clara Nghèo Hèn ở Prague. Năm 1236, cùng với bảy phụ nữ quý tộc khác, ngài đã gia nhập tu viện này. Thánh Clara đã gửi năm nữ tu từ San Damiano đến tiếp tay với họ, và đã viết cho Agnes bốn lá thư khuyên bảo về ơn gọi mỹ miều của ngài và đặt ngài làm tu viện trưởng.
Sơ Agnes ngày càng nổi tiếng về sự cầu nguyện, đức vâng lời và hãm mình phạt xác. Ðức giáo hoàng làm áp lực để ngài nhận chức vụ tu viện trưởng; tuy nhiên, ngài thích được gọi là "sơ già" hơn là tu viện trưởng. Dù là tu viện trưởng, ngài cũng không quản ngại nấu nướng cho các nữ tu khác cũng như may vá quần áo cho người cùi. Các nữ tu trong dòng nhận thấy ngài rất tử tế nhưng rất nghiêm nhặt về đức khó nghèo; ngay cả người anh ruột của ngài muốn tặng cho nhà dòng ít của cải cũng bị ngài từ chối.
Sau khi ngài từ trần ngày 6 tháng Ba 1282, việc sùng kính ngài ngày càng lan rộng. Năm 1989, Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã phong thánh cho ngài.
Lời Bàn
Thánh Agnes đã sống 45 năm trong tu viện Clara Nghèo Hèn. Một cuộc sống như vậy đòi hỏi sự kiên nhẫn và bác ái lớn lao. Những cám dỗ về sự ích kỷ chắc chắn không tan biến khi thánh nữ bước chân vào tu viện. Có lẽ chúng ta dễ nghĩ rằng các nữ tu dòng kín "sẵn có" sự thánh thiện. Nhưng con đường của họ cũng giống như của chúng ta: hàng ngày cố gắng thay đổi bản tính ích kỷ để đạt đến tiêu chuẩn độ lượng của Thiên Chúa.
Lời Trích
"Ðừng dính dáng với bất cứ ai cản đường bạn và tìm cách thay đổi lời thề mà bạn đã hứa với Ðấng Tối Cao, cũng như tách bạn ra khỏi cuộc sống tuyệt hảo mà Thần Khí Thiên Chúa đã mời gọi bạn" (Trích trong Thư II Thánh Clara gửi cho Agnes).


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét