Trang

Thứ Bảy, 1 tháng 3, 2014

02-03-2014 : (Phần II) CHÚA NHẬT VIII MÙA THƯỜNG NIÊN năm A

02/03/2014
CHÚA NHẬT VIII MÙA THƯỜNG NIÊN năm A
(Phần II)


GIÁO LÝ PHÚC ÂM CHÚA NHẬT VIII QUANH NĂM A

CHÚA NHẬT VIII QUANH NĂM A

Sách Tiên Tri Isaia 49:14-15; Thư Thứ I của Thánh Phaolô gửi tín hữu Corintô 4:1-5
và Phúc Âm Thánh Mathhêô 6:24-34

I. Giáo Huấn P.Â.:  

Đừng làm tôi hai chủ: Thiên Chúa và tiền bạc.

Chớ lo lắng thái quá nhưng phải tin vào Thiên Chúa quan phòng.

Tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người trước.

II. Vấn nạn P.Â.   

Tại sao “không thể vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi tiền của được?”

Ai cũng phải làm tôi Thiên chúa và chỉ làm tôi Thiên Chúa mà thôi, vì:

            Trong Cựu Ước: Mười điều răn được ghi lại trong sách Xuất hành chương 20:1-17 là luật Chúa. Luật tối thượng là phải thờ phượng kính mến Đức Chúa Trời trên hết mọi sự.

            Thiên Chúa phán tất cả những lời sau đây : "Ta là ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của ngươi, đã đưa ngươi ra khỏi đất Ai-cập, khỏi cảnh nô lệ. Ngươi không được có thần nào khác đối nghịch với Ta. Ngươi không được tạc tượng, vẽ hình bất cứ vật gì ở trên trời cao, cũng như dưới đất thấp, hoặc ở trong nước phía dưới mặt đất, để mà thờ. Ngươi không được phủ phục trước những thứ đó mà phụng thờ : vì Ta, ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của ngươi, là một vị thần ghen tương. Đối với những kẻ ghét Ta, Ta phạt con cháu đến ba bốn đời vì tội lỗi của cha ông. Còn với những ai yêu mến Ta và giữ các mệnh lệnh của Ta, thì Ta trọn niềm nhân nghĩa đến ngàn đời.

Trong Cựu Ước luật tôn thờ Thiên Chúa đã chiếm ưu thế và cũng chiếm gần hết chiều dài nội dung của hai bia đá lề luật. Bốn mươi năm trong hoang địa là bốn mười năm để Dân Do Thái học thuộc bài học thờ phượng Chúa trên hết mọi sự. Bốn mươi năm trong sa mạc là bốn mươi năm dân Do Thái phải nhận chịu nhiều hình phạt nếu lỗi luật thờ phượng Chúa. Sách Dân Số chương 21:4-9 tường thuật việc Chúa phạt Dân Do Thái bằng cách cho rằn hỗ lửa cắn vì tội cằn nhằn kêu trách Chúa: “Từ núi Ho, họ lên đường theo đường Biển Sậy, vòng qua lãnh thổ Ê-đôm; trong cuộc hành trình qua sa mạc, dân Ít-ra-en mất kiên nhẫn. Họ kêu trách Thiên Chúa và ông Mô-sê rằng:"Tại sao lại đưa chúng tôi ra khỏi đất Ai-cập, để chúng tôi chết trong sa mạc, một nơi chẳng có bánh ăn, chẳng có nước uống ? Chúng tôi đã chán ngấy thứ đồ ăn vô vị này. Bấy giờ ĐỨC CHÚA cho rắn độc đến hại dân. Chúng cắn họ, khiến nhiều người Ít-ra-en phải chết. Dân đến nói với ông Mô-sê : "Chúng tôi đã phạm tội, vì đã kêu trách ĐỨC CHÚA và kêu trách ông. Xin ông khẩn cầu ĐỨC CHÚA để Người xua đuổi rắn xa chúng tôi." Ông Mô-sê khẩn cầu cho dân. ĐỨC CHÚA liền nói với ông: "Ngươi hãy làm một con rắn và treo lên một cây cột. Tất cả những ai bị rắn cắn mà nhìn lên con rắn đó, sẽ được sống." Ông Mô-sê bèn làm một con rắn bằng đồng và treo lên một cây cột. Và hễ ai bị rắn cắn mà nhìn lên con rắn đồng, thì được sống.

Trong Tân Ước:
Giáo huấn phải yêu mến Chúa hết tâm hồn, hết trí khôn và hết sức lực được ghi lại trong các Phúc Ân như Matcô 12:28-34 “Đức Giêsu trả lời: "Điều răn đứng đầu là : Nghe đây, hỡi Ít-ra-en, Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, là Đức Chúa duy nhất. Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực ngươi. Điều răn thứ hai là : Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. Chẳng có điều răn nào khác lớn hơn các điều răn đó." Ông kinh sư nói với Đức Giê-su: "Thưa Thầy, hay lắm, Thầy nói rất đúng. Thiên Chúa là Đấng duy nhất, ngoài Người ra không có Đấng nào khác. Yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết trí khôn, hết sức lực, và yêu người thân cận như chính mình, là điều quý hơn mọi lễ toàn thiêu và hy lễ." Đức Giê-su thấy ông ta trả lời khôn ngoan như vậy, thì bảo: "Ông không còn xa Nước Thiên Chúa đâu !" Sau đó, không ai dám chất vấn Người nữa”.

Phúc Âm Thánh Matthêô 22: 36-40 cũng trình bày giáo huấn tương tự: “Rồi một người thông luật trong nhóm hỏi Đức Giê-su để thử Người rằng : "Thưa Thầy, trong sách Luật Mô-sê, điều răn nào là điều răn trọng nhất ?" Đức Giê-su đáp : "Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi.  Đó là điều răn quan trọng nhất và điều răn thứ nhất. Còn điều răn thứ hai, cũng giống điều răn ấy, là : " Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. Tất cả Luật Mô-sê và các sách ngôn sứ đều tuỳ thuộc vào hai điều răn ấy."

Điểm ưu việt của Tân Ước là kiện toàn giới luật thờ phượng Chúa trong Cựu Ước bằng cách gắn kết bất khả phân với giới luật yêu người. Kính Chúa và yêu người được trình bày như hai phần của một giới răn hay hai mặt của một thực tại đời sống đến nỗi không ai có thể nói rằng mình yêu Chúa mà không yêu thương tha nhân, cũng như sẽ không có tình yêu tha nhân chân thật nếu không biết tôn thờ Thiên chúa.

Tại sao phải tôn thờ Thiên Chúa và không thể tôn thờ tiền của?
Con người phải tôn thờ Thiên chúa trên hết mọi sự vì: Thiên Chúa tạo dựng con người để con người tôn thờ Chúa và được hưởng hạnh Phúc trường sinh với Thiên Chúa sau nầy. Tài liệu Công Đồng Vatican II, Hiến chế Vui Mừng và Hy Vọng số 19 minh định: “Ý nghĩa cao cả nhất của phẩm giá con người là con người được kêu gọi tớì kết hiệp với Thiên Chúa. Ngay từ lúc mới sinh ra, con người đã được mời gọi đối thoại với Thiên Chúa: thực thế, con người hiện hữu chỉ là do Thiên Chúa đã vì yêu thương nên tạo dựng nên con người, và cũng vì yêu thương mà luôn luôn bảo tồn con người; hơn nữa con người chỉ sống hoàn toàn theo chân lý một khi tự ý nhìn nhận tình yêu ấy và phó thác cho Ðấng tạo dựng mình.”

Hay nói như Thánh Augustinô trong tác phẩm tự thú của Ngài là: “Con người được tạo dựng với một khát vọng vô biên. Chỉ có Thiên Chúa là Đấng vô biên. Nên con người luôn khoắc khoải tìm kiếm Thiên chúa, Đấng vô biên”

            Khi tôn thờ Thiên Chúa, con người thể hiện trọn vẹn nhân tính của mình, tức là tạo vật cao trọng nhất, được tạo dựng giống hình ảnh Thiên Chúa. Dễ hiểu hơn: Nếu một người con càng hiếu thảo với Cha mẹ thì càng được khen ngợi và càng thể hiện được nhân cách của mình là con người có trí khôn và đạo đức. Như vậy người vô thần trước tiên là người đánh mất nhân cách vì không tôn thờ Đấng tạo thành mình. Người vô thần giống như đứa con chối bỏ công đức sinh thành dưỡng dục của Cha mẹ mình.

Tại sao không thể tôn thờ tiền của?
Tôn thờ là hành động ca ngợi, cảm tạ, tôn kính và yêu thương của tạo vật dành cho Đấng Tạo Hoá. Nếu phải so sánh, chúng ta có thể lấy chiều dọc thẳng đứng của hình thánh giá để mô tả bổn phận đối với Thiên chúa như Đấng Hoá Công.  Ông Bà tổ tiên dù là những Đấng bậc sinh thành chúng ta, nhưng cũng đã được Chúa tạo thành như tạo thành chúng ta. Nên dù có thứ bậc cao thấp theo cách xưng hô của con người, nhưng vẫn là thọ tạo, là hàng ngang nếu chúng ta muốn so sánh với hình Thánh Giá. Do đó, Đạo Công Giáo không dạy và không cho phép chúng ta thờ phượng Ông bà tổ tiên như thờ phượng Chúa. Dễ hiểu, chúng ta có thể nói thế nấy: Gia đình có năm anh chị em, Cha Mẹ chết, người anh cả lên làm “quyền huynh thế phụ”, tức thay mặt cho Cha Mẹ để chăm sóc và dạy giỗ các em. Tuy nhiên, anh vẫn là anh cả, chứ không bao giờ là cha mẹ của các em mình cả.

            Tiền bạc, của cải vật chất không thể xếp ngang hàng với loài thọ tạo được tạo dựng giống hình ảnh Thiên chúa như con người. Tất cả chỉ là vật chất được dùng như phương tiện nhằm trao đổi và phục vụ cuộc sống của con người. Tiếng La Tinh gọi tiền là Pecunia, nguyên ngữ từ chữ pecus, có nghĩa là con bò. Những ngàn năm trước, người ta lấy tiêu chuẩn con bò hay con vật để trao đổi hàng hoá và sản phẩm. Thí dụ: Một đống khoai bằng hai con bò. Dần dà người ta đúc tiền thành hình con bò và dùng tiền đúc để trao đổi. Dần dà nhiều thế hệ sau mới có tiền kim loại gọn gàng và tiền giấy như chúng ta thấy ngày nay.

             Như vậy, tiền là kim loại, là giấy, là thứ vật chất vô tri được định giá trong việc trao dổi thương mại. Nó không thể bằng con người là thụ tạo có lý trí, có linh hồn. Nó càng không thể được đặt trên bàn thờ để thờ phượng như Thiên chúa được. Nên ai làm tôi tiền bạc là đảo lộn giá trị cuộc sống. Ai coi trọng tiền bạc hơn con người là sống sai giới răn Chúa truyền: Kính Chúa và yêu người. Nên “Hãy về mà bán hết của cải vật chất người có, phân phối cho người nghèo, rồi đến đây và theo Ta” như trong Phúc Âm Matthêô 19:21 ghi lại lời Chúa bảo người thanh niên giàu có khi anh muốn biết phải làm thế nào để nên trọn lành và được cuộc sống đời đời?

 III. Thực hành P.Â.

 Để làm gì?
 Xin ghi lại những thông tin không rõ nguồn về lối sống sang trọng vô ích như sau:

Gia tài của Quốc vương Brunei tăng thêm cứ mỗi giây là 90 euros. Có nghĩa là gia tài này tăng lên mỗi phút là 5400 euros, 324000 euros mỗi giờ, 7,776,000 euros mỗi ngày. Tức vào khoảng 54432000 euros một tuần (nghĩa là 54 triệu và 432000 euros).

Quốc vương Hassanal Bolkiah của xứ Brunei...lãnh đạo một quốc gia giàu nhất thế giới: Vàng rất phổ thông, phong phú,...và ở khắp nơi. Quốc vương được sinh ra từ nơi dùng muỗng ăn bằng vàng, đến cả quần áo cũng được thêu nạm bằng vàng và bạc.
            
Quốc Vương có một Cung điện mênh mông và sang trọng nhất thế giới... bao gồm 1788 phòng. Nhiều phòng được trang bị bằng vàng và nạm kim cương. Có 257 phòng tắm cẩn vàng và bạc và một nhà xe chứa khoảng 110 xe. Cung điện gồm có 650 căn hộ... mỗi căn được trang bị không ít hơn 150,000 euros. Như vậy khách phải xử dụng cả 24 giờ để quan sát mỗi phòng khoảng 30 giây.
               
Theo yêu cầu của Quốc Vương, hãng Rolls Royce cùng hợp tác với hãng Porsche thiết kế một chiếc xe đặc biệt. Chiếc xe này hiện ở Luân Đôn được dùng mỗi khi Quốc vương đến Anh quốc. Theo Wikipedia, Quốc vương hiện có: 531 Mercedes-Benzes; 367 Ferraris; 362 Bentleys; 185 BMWs; 177 Jaguars; 160 Porsches; 130 Rolls-Royces; và 20 Lamborghinis. Đưa tổng số xe của Ông ta là 1,932.

Sống sang trọng như vậy để làm gì? Sống sang trọng như thế mang ích lợi gì cho bản thân?

Sống sang trọng như thế có coi được không khi có quá nhiều người nghèo, thiếu ăn và bệnh tật trên thế giới? Có đáng làm quốc vương khi không biết sống sao coi cho được?
Lm. Phêrô Trần thế Tuyên


SUY NIỆM :
Có một nhà hiền triết quan sát cơn gió thổi qua đồng cỏ. Khi cơn gió nổi lên, cây cỏ đều ngả theo chiều của gió. Khi cơn gió tạm ngưng thì cây cỏ lại ngóc đầu lên. Khi con gió đổi chiều, thì cây cỏ cũng đổi chiều.
Thấy vậy, nhà hiền triết bèn nói: Cây cỏ là chúng ta, còn cơn gió là số mệnh. Số mệnh không bao giờ để cho chúng ta nghỉ yên, nó thổi tung và thổi tung mãi, khi thì thổi bên trái, lúc thì thổi bên phải. Điều quan trọng là phải biết nương theo chiều gió. Đừng chống cự, đừng phản kháng, nhưng hãy biết gắn bó với số mệnh của mình, bởi vì số mệnh là chính Thiên Chúa, là thánh ý của Ngài.
Từ đồng cỏ, nhà hiền triết ghé thăm một người bạn quen. Thoạt khi tới cửa, thì con chó sủa vang, đứa bé đang chơi ngoài sân, nhìn thấy người lạ, bèn chạy đi nép mình vào vòng tay người mẹ. Nhà hiền triết càng tiến tới, thì đứa trẻ níu chặt lấy đôi tay người mẹ.
Thấy vậy, nhà hiền triết bèn nói: Đứa trẻ sợ hãi là chúng ta. Người lạ mặt là số mệnh, còn vòng tay chở che là Thiên Chúa. Số mệnh nhiều khi âm thầm từng bước tiến lại gần, khiến chúng ta sợ hãi, thế nhưng điều khôn ngoan là hãy noi gương bắt chước đứa trẻ, biết nép mình vào vòng tay uy quyền của Thiên Chúa. Tương lai càng đen tối, chúng ta lại càng phải níu chặt bàn tay của Thiên Chúa. Sống dưới cái nhìn trìu mến của Ngài, chúng ta sẽ không còn sợ hãi. Nếu đứa trẻ nhận ra tôi là một người quen, thì nó sẽ vui mừng chạy ra và ôm lấy. Cũng vậy, số mệnh dù có bẽ bàng thì cũng là thánh ý của Thiên Chúa. Nếu chúng ta có một đức tin mạnh mẽ, chúng ta sẽ sẵn sàng đón nhận không kêu ca oán trách.
Thế nhưng có một người đàn bà đã lên tiếng phản đối: Làm sao tôi có thể giơ tay đón nhận số mệnh, vì nó như những ngọn roi quất vào cuộc đời tôi. Chồng tôi bị chết trong chiến tranh, và bây giờ, mười mấy năm sau, đứa con trai tôi cũng lại chết trong chiến tranh.
Nhà hiền triết thông cảm với những đau khổ ấy, nhưng rồi ông đã trả lời bằng một giọng đầy an ủi khích lệ: Tôi biết, rất có thể chúng ta sẽ phải khóc dưới sức nặng của thập giá, nhưng chúng ta không có quyền chất vấn Thiên Chúa. Chúng ta phải tin rằng Đấng đã dựng nên những bông hoa xinh tươi, những trái cây ngon ngọt, Đấng đã cẩn thận sắp xếp từng nguyên tử của vật chất, thì Ngài sẽ chẳng để cuộc sống con người bị bất ổn.
Con người đau khổ, đó là điều dĩ nhiên. Nhưng đau khổ không phải là một cái gì thừa thãi và vô ích, chính Chúa Giêsu cũng đã từng chịu đau khổ, nhưng Ngài đã mặc cho những đau khổ ấy một giá trị tuyệt vời và đã dùng những đau khổ ấy để cứu chuộc chúng ta. Rồi Ngài lại phán: Phúc cho những ai than khóc vì Nước Trời là của họ. Vậy thì chị là người đang đau khổ, Nước Trời là của chị đó. Nếu không có Nước Trời, thì tôi sẽ lên tiếng kêu gọi mọi người đau khổ hãy đoàn kết, chống lại số mệnh, chống lại Thiên Chúa. Nhưng Nước Trời còn đó, và Thiên Chúa đang chờ đón chúng ta. Hãy để Ngài tẩy rửa và thanh luyện chúng ta nên xứng đáng với hạnh phúc tuyệt vời ấy.
Đừng hỏi tại sao Thiên Chúa lại dựng nên bông hồng có những gai nhọn, Ngài có chương trình của Ngài. Hãy để cho Ngài uốn nắn và hành động. Thái độ khôn ngoan nhất là biết nép mình vào bàn tay Chúa. Nếu cây cối chống trả với ngọn gió, nó sẽ bị gẫy đổ, nếu chúng ta chống trả với Thiên Chúa, đời chúng ta sẽ chồng chất thêm nhiều khổ đau, dù cuộc đời chúng ta có sóng gió, thì cũng hãy tin tưởng vào Thiên Chúa vì trước mặt Thiên Chúa, chúng ta đáng giá hơn chim trời và hơn hoa cỏ đồng nội rất nhiều.

Lectio Divina: Chúa Nhật VIII Thường Niên (A)
Chúa Nhật, 2 Tháng 3, 2014
Chớ áy náy lo lắng về ngày mai.
Các con quan trọng hơn chim trời và hoa huệ ngoài đồng
Mt 6:24-34


1.  Bài Đọc

a)  Lời nguyện mở đầu

Lạy Chúa Thánh Thần, xin hãy ngự xuống trên con trong sự im lặng của Chúa, và xin hãy nói với con không qua ngôn ngữ mà vẫn đụng chạm vào tâm hồn con.  Xin hãy để niềm hân hoan của Chúa ngự xuống trên con, trong khi những lo âu và sợ hãi bay đi như những lá mùa Thu và được thay thế bởi mùa Xuân mới.  Sự chăm sóc của Chúa thật là đằm thắm, những khi con để cho các lo toan của đời sống làm mất niềm hy vọng. Ôi lạy Chúa, Chúa là ánh sáng soi lối cho con và hướng dẫn con tìm đến Chúa.  Lạy Chúa Thánh Thần, xin hãy đến nắm lấy tay con và dạy cho con cầu nguyện những khi Người không tìm được lời lẽ linh ứng cho con.

b)  Tin Mừng Chúa Giêsu theo Thánh Mátthêu 6:24-34
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng:  “Không ai có thể làm tôi hai chủ: vì hoặc nó sẽ ghét người này, và yêu mến người kia, hoặc nó chuộng chủ này, và khinh chủ nọ.  Các con không thể làm tôi Thiên Chúa và tiền của được.” 
“Vì thế Thầy bảo các con:  chớ áy náy lo lắng cho mạng sống mình: lấy gì mà ăn; hay cho thân xác các con: lấy gì mà mặc.  Nào mạng sống không hơn của ăn, và thân xác không hơn áo mặc sao?  Hãy nhìn xem chim trời, chúng không gieo, không gặt, không thu vào lẫm, thế mà Cha các con trên trời vẫn nuôi chúng.  Nào các con không hơn chúng sao?  Nào có ai trong các con lo lắng áy náy mà có thể làm cho mình cao thêm một gang được ư?  Còn về áo mặc, các con lo lắng làm gì?  Hãy ngắm xem hoa huệ ngoài đồng coi chúng mọc lên thế nào?  Chúng không làm lụng, không canh cửi.  Nhưng Thầy nói với các con rằng:  Ngay cả Salomon trong tất cả vinh quang của ông, cũng không trang phục được bằng một trong những đóa hoa đó.  Vậy nếu hoa cỏ đồng nội, nay còn, mai bị ném vào lò lửa, mà còn được Thiên Chúa mặc cho như thế, huống chi là các con, hỡi những kẻ kém lòng tin.  Vậy các con chớ áy náy lo lắng mà  nói rằng:  ‘Chúng ta sẽ ăn gì, uống gì hoặc sẽ lấy gì mà mặc?’  Vì chưng, dân ngoại tìm kiếm những điều đó.  Nhưng Cha các con biết rõ các con cần đến những điều đó.  Tiên vàn các con hãy tìm kiến nước Thiên Chúa và sự công chính của Người, còn các điều đó, Người sẽ ban thêm cho các con.  Vậy các con chớ áy náy lo lắng về ngày mai.  Vì ngày mai sẽ lo cho ngày mai.  Ngày nào có sự khốn khổ của ngày ấy.”
c)  Giây phút cầu nguyện trong thinh lặng
Để Lời của Chúa có thể thấm nhập và soi sáng đời sống chúng ta.

2.  Suy Gẫm

a)  Chìa khóa dẫn đến bài đọc

Bài Phúc Âm để chúng ta suy gẫm tuần này trích từ chương sáu của sách Tin Mừng theo thánh Mátthêu. Đoạn Tin Mừng này phải được hiểu trong bối cảnh bài giảng của Chúa Giêsu trên núi (Bài Giảng Trên Núi) (Mt 5:1-7:12).  Bài giảng này gồm có:

·         Tám mối phúc thật (5:1-12);
·       Sáu chủ đề so sánh hoặc đối chiếu lề luật cũ với lề luật mới được rao giảng bởi Chúa Giêsu (5:21-48).  Một cách chắc chắn, mục đích của các lập luận này không phải là để Tân Ước chống báng lại Cựu Ước, mà để đào sâu hơn vào gốc rễ của các giới răn chi phối lại hành vi ngoại tại.  Chúa Giêsu đã đến không phải là để bãi bỏ mà là để kiện toàn lề luật (5:17-20);
·       Những giáo huấn của Chúa Giêsu nhắm về ba hoạt động đạo đức:  cầu nguyện (bao gồm cả Kinh Lạy Cha), ăn chay và làm việc lành phúc đức (6:1-18).  Hình thức văn chương cũng tương tự như hình thức được dùng trong sáu phản đề;
·         Những bài giảng khác của Chúa Giêsu thì không có một cấu trúc đặc biệt nào (6:19 – 7:12).

Đoạn Tin Mừng của chúng ta bắt đầu từ câu 24, nhắc lại vấn đề của việc gia nhập vào kế hoạch toàn bộ đời sống được trình bày bằng những giáo huấn của Đức Kitô.  Tham gia vào chương trình này là yêu mến một Chủ, Thiên Chúa, và dành trọn vẹn lòng mình cho Người mà thôi.  “Không ai có thể làm tôi hai chủ:  Vì nó hoặc sẽ ghét chủ này và yêu mến chủ kia, hoặc nó chuộng chủ này và khinh chủ nọ”.  Những thái cực yêu/ghét, thương mến/khinh khi này trong sách Đệ Nhị Luật nhắc nhở chúng ta tìm cách để hạn chế trong những trường hợp đa thê, “khi người đàn ông có hai vợ, một vợ được yêu và vợ kia bị ghét bỏ” (xem Đnl 21:15-17).  Sách Sáng Thế Ký là quyển sách đầu tiên của Samuel chúng ta liên tưởng đến trường hợp của hai gia đình: một là gia đình ông Giacóp, bà Rakhên và bà Lê-a, còn trường hợp kia là gia đình ông Encana, bà Anna và bà Pê-nina (St 29:30-31; 1Sm 1:2-8).  Thánh Phaolô cũng nói về một tấm lòng trọn vẹn chuyên cần lo việc của Chúa (1Cr 7:7-34).  Chúa không tiêu diệt những ai tự mình hàng phục Chúa!  Người là Chúa Cha và biết rất rõ về những nhu cầu của chúng ta.  Trong Kinh Lạy Cha, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta cầu xin với Chúa Cha ban cho chúng ta lương thực hằng ngày (6:11).

Hãy tận hiến đời mình cho Thiên Chúa, sau đó, trông cậy trong đôi tay của Chúa Cha và sự quan phòng của Người.  Thiên Chúa đầy lòng thương xót là Đấng chăm sóc cả đến cây cỏ ngoài đồng và ban của ăn cho chim trời thì Người cũng sẽ chăm sóc chúng ta.  Chúa Giêsu đoan chắc với chúng ta rằng:  Nếu Chúa còn lo trang phục cho hoa cỏ đồng nội, là giống hôm nay còn và ngày mai đã bị ném vào lửa, thì lẽ nào Người sẽ không ban cho chúng ta hơn thế nữa…” (câu 30).  Sự tương phản với sự giàu có giải thích lý do, trong ngôn ngữ Do-Thái và Aram, chữ thần tiền (Mammon) được dùng để chỉ việc tin vào của cải vật chất.  Thật vậy, giống như người thanh niên giàu có, Chúa Giêsu yêu cầu chúng ta hãy mạnh dạn từ bỏ của cải tài sản, để có thể thảnh thơi đi theo Chúa (Mc 10:17-31; Mt 19:16-30).

Chúa Giêsu muốn chúng ta hiểu rằng chỉ có Thiên Chúa là xứng đáng với lòng tin tưởng vả sự từ bỏ mọi vướng bận của chúng ta.  Ở đây, đoạn Tin Mừng nói với chúng ta về những lời cảnh báo của Chúa Giêsu về sự nguy hiểm của sự giàu có, và ngày tái lâm của Người (xem Lc 16:19-30; 17:22-37; 18:24-27).  Vấn đề là vì những thứ vật chất khiến cho chúng ta mất đi những gì cần thiết nhất (Lc 10:38-42) và lấp đầy trong chúng ta với một mối lo lắng tầm thường.
    
b)  Một vài câu hỏi gợi ý:


Để hướng dẫn việc suy gẫm và đem thực hành

-     Điều gì trong đoạn Tin Mừng đánh động bạn nhất?
-     Tuân theo lời giảng dạy của Chúa Giêsu là chỉ yêu mến một Chủ, đó là Thiên Chúa, và dâng trọn hồn xác cho Người.  Điều chọn lựa này có những áp dụng thực tiễn nào vào đời sống của bạn không?
-     Thiên Chúa là Cha, Đấng chăm sóc cho chúng ta.  Bạn có tin tưởng nơi Người không?  Bạn sẽ biểu lộ sự tin tưởng đó như thế nào?
-     Có phải cuộc sống thì không có gì hơn là của ăn và thân thể không có gì hơn là y phục không?  Cuộc sống của bạn là gì?
-     Bạn quan tâm đến những điều gì trong đời sống?  

3.  Cầu Nguyện

Một phút thinh lặng cầu nguyện

Lạy Cha chúng con…

4.  Chiêm Niệm

Hãy tưởng tượng Chúa Giêsu đang nói với bạn những lời này.

Tại sao con lại nhầm lẫn về sự phấn khởi?  Con hãy để Ta lo mọi việc cho con và mọi thứ sẽ lắng đọng lại.  Ta bảo thật cho con rằng mỗi hành động của việc chân thành, không đắn đo, hoàn toàn phó thác vào Ta, có tác dụng giúp con mong muốn và giải quyết các tình huống khó khăn.  Quy phục Ta không có nghĩa là đập phá, khóc lóc và tuyệt vọng.  Hãy tìm đến Ta với lời kêu cầu của con thì con sẽ được giải thoát vì Ta ở cùng con.  Quy phục có nghĩa là lặng lẽ khép lại đôi mắt cách lặng lẽ, hãy hướng tâm trí con khỏi những điều khổ ải và hướng về cùng Ta bởi vì Ta là Đấng duy nhất mà con nên kiếm tìm.  Giống như trẻ thơ đang say ngủ trong vòng tay mẹ hiền.  Ta làm rất nhiều điều khi linh hồn trong nhu cầu tâm linh và vật chất của nó hướng về Ta, nhìn Ta và nói:  “Con đang nghĩ về Chúa”, sau đó con hãy nhắm mắt lại và nghỉ ngơi!




Ngày 2-3-2014: PHÓ THÁC CHO CHÚA QUAN PHÒNG (Mátthêu 6,24-34 – CN VIII TN - A)
Khi Đức Giêsu bảo chúng ta chọn Thiên Chúa làm chủ nhân duy nhất, lý do duy nhất, đó là chúng ta không thể tìm được hạnh phúc ở bên ngoài Thiên Chúa.

Lm PX Vũ Phan Long, ofm

1.- Ngữ cảnh
Chúng ta có thể theo dàn bài của cha Marcel Dumais, mà cho rằng: phân đoạn Mt 5,17–7,12 của Bài Giảng trên núi có nhan đề “Sự công chính của Nước Trời hay là Sống như con cái của Chúa Cha” với bố cục như sau:
         Mở: hoàn tất Luật và các ngôn sứ (5,17-19).
         1.- Đức công chính dồi dào (5,20-48) [ x. “dồi dào” từ 5,20-47]:
                      1) Lời công bố tổng quát về đức công chính (5,20),
                      2) Sáu áp dụng (5,21-48).
         2.- Đức công chính được thực hiện nơi bí ẩn trước nhan Chúa Cha (6,1-18):
                      1) Lời công bố tổng quát về đức công chính (6,1),
                      2) Ba áp dụng (6,2-18).
         3.- Đức công chính phải ra sức tìm cho có và không lo lắng (6,19-34):
                      1) Tích trữ của cải bằng cách phụng sự Thiên Chúa chứ không phụng sự Mammôn (6,19-24),
                      2) Tìm đức công chính của Nước Trời không lo lắng (6,25-34).
         4.- Những câu được quy tụ lại (7,1-11):
                      1) Đừng xét đoán anh em (7,1-5),
                      2) Đừng quăng của thánh cho chó (7,6),
                      3) Hãy xin, thì Chúa Cha sẽ ban cho (7,7-11).
         Kết : Đây là Luật và các ngôn sứ (7,12).

2.- Bố cục
Bản văn có thể chia thành hai phần:
1) Câu chuyển tiếp: Thiên Chúa và tiền bạc (6,24);
2) Tin tưởng vào Chúa quan phòng (6,25-34): Ba phần với câu “Đừng lo lắng”
a) Đừng lo lắng về mạng sống (cc. 25-30),
b) Đừng lo lắng về ăn mặc (cc. 31-33),
c) Đừng lo lắng về ngày mai (c. 34).

3.- Vài điểm chú giải
- Ghét (24): Ý nghĩa Sê-mít của động từ miseô này là “không yêu thương; yêu thương ít” (so sánh với Lc 14,26 và Mt 10,37); và ý nghĩa của động từ “khinh dể” là “trở nên lãnh đạm với”.

- Mamônas 
(24): Từ ngữ A-ram (mâmônâ’) này không có trong Cựu Ước, mà chỉ xuất hiện ở đây và ở Lc 16,9.11. Nền văn chương Do-thái giáo thường dùng từ này để nhân cách hóa tiền bạc, và của cải trần thế. 

- Mạng sống 
(25): Psychê ở đây không có nghĩa là “linh hồn”, mà hiểu theo nghĩa Sê-mít là “mạng sống”, bởi vì nó ăn và uống được.

Lo lắng (25): “Lo lắng”, merimnaô, là xu hướng tìm cách bảo đảm cho cuộc sống của mình ở trần gian này.

- bông huệ
 (28): Chúng ta không biết đây là loại “huệ” nào; nhưng krinon cũng có thể có nghĩa chung là “bông hoa”.

- những kẻ kém tin
 (30): Theo truyền thống kinh sư cổ xưa, “những kẻ kém tin” là những người Israel đã muốn lượm man-na và chim cút vào ngày sa-bát trong hoang địa (x. Xh16,4.19.27; Ds 11,32).

4.- Ý nghĩa của bản văn
* Câu chuyển tiếp: Thiên Chúa và tiền bạc (24)

Câu chuyển tiếp này đi từ một kinh nghiệm: “Không ai có thể làm tôi hai chủ”, để dạy rằng không thể phục vụ Thiên Chúa với một con tim chia sẻ, hoặc nói tích cực, cần phải lấy một quyết định căn bản là yêu mến Thiên Chúa trên mọi sự và chỉ chấp nhận mọi sự khi chúng hòa hợp với tình yêu căn bản này. Vị “chủ” kình địch có thể là bất cứ vật gì hoặc bất cứ người nào, nhưng đến cuối câu, bản văn đưa ra một ví dụ, “mâmônâ’”, một từ Sê-mít để chỉ tiền bạc của cải.

* Tin tưởng vào Chúa quan phòng (25-34): Ba phần với câu “Đừng lo lắng”

Bài này là một bài giáo lý hoặc khuyến thiện Kitô giáo. Cũng rất có thể vào lúc đầu, bài này là một lời khuyên ban cho các nhà thừa sai, song song với Mt 10,8-10.

Lệnh truyền tiêu cực “đừng lo lắng” (mê merimnate) là chìa khóa giúp đi sâu vào bản văn này. Nó xuất hiện ở đầu, ở giữa và ở cuối bản văn (x. cc. 25.31.34). Cũng động từ ấy được lặp đi lặp lại ba lần trong bản văn (cc. 27.28.34). Đây là một nỗi ưu tư khắc khoải, phát xuất từ tình trạng thiếu đức tin (c. 30), đưa tới chỗ đặt những câu hỏi đầy lo âu (c. 31). Ta hiểu lệnh truyền này hơn khi đặt nó đối lập với lệnh truyền tích cực thứ hai: “Trước hết hãy tìm kiếm…” (c. 33). Nỗi lo lắng khắc khoải sẽ biến mất khi ta thực sự tìm kiếm (zêteô) Nước Thiên Chúa và sự công chính của Ngài.

Bản văn này có vẻ như nối tiếp Bài Tám Mối Phúc: những người nghèo, những người đói, sầu khổ, bị bách hại, được tha thiết mời gọi đừng để mất sự thanh thản và tin tư
ng cho dù phải thiếu những của cải căn bản. Đức Giêsu không gợi ý cho người ta những cách thức để thoát khỏi sự cùng quẫn, nhưng để chận đứng, để làm im tiếng sự khắc khoải. Câu 25 giới thiệu chủ đề của bản văn: đừng lo lắng về đời sống, về những nhu cầu của thân xác, tập trung vào cái ăn cái mặc. Động từ merimnaô, “lo lắng” được nói đến 6 lần trong bản văn (cc. 25.27.28.31.34), cho thấy chủ ý của bài giảng. Họ hãy nhớ đến Thiên Chúa tốt lành và quảng đại. Luận chứng khiến họ phải tin tưởng vào Chúa Quan phòng dựa trên những ân hệ Thiên Chúa đã ban rộng rãi và còn ban rộng rãi cho loài người. Ai đã ban chuyện lớn, chuyện cao hơn (đời sống và thân xác) thì cũng có thể ban chuyện nhỏ hơn (thực phẩm và y phục). Ngay về phương diện khôn ngoan tự nhiên, có ích gì nếu cứ lo lắng triền miên?

Đức Giêsu vận dụng hai ví dụ trong thiên nhiên: Thiên Chúa săn sóc (a) loài chim (c. 26), (b) các bông huệ và cỏ (cc. 28.30), là những thọ tạo không đáng kể. Đây phải là chuyện văn chương, mà là chuyện mỗi ngày và mọi giờ. Chắc chắn tác giả không muốn bảo họ sống vô vi và vô trách nhiệm, ăn bám; ngài chỉ muốn bảo họ rằng tất cả những gì họ được kêu gọi và bị buộc phải thực hiện để giải quyết các khát vọng căn bản thì phải làm với sự thanh thản và tin tưởng. Đó là lý do khiến tác giả đã để xen vào giữa hai ví dụ một câu mang tính minh triết và bi quan: “
Hỏi có ai trong anh em, nhờ lo lắng, mà kéo dài đời mình thêm được dù chỉ một gang tay?” (c. 27). Không một người nào có thể thay đổi mức độ Thiên Chúa đã đặt định cho mình! Sau đó, cc. 31-32 tóm kết lời khuyên bằng cách nhắc lại lời đưa vào Kinh Lạy Cha (x. 6,7t). Những câu sau phải được hiểu dưới ánh sáng  của niềm tin của cộng đoàn cầu nguyện; Cha trên trời biết rõ họ cần gì ngay trước khi họ xin.

Câu 33 minh họa ý nghĩa của khẳng định trước. Vấn đề không phải là xoá đi một điểm trong chương trình (dấn thân trần thế) để đề cao một điểm khác (Nước Thiên Chúa), nhưng là thiết lập giữa chúng một sự ưu tiên đúng đắn. Câu “Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người” có nghĩa là: sự công chính là một lối sống phù hợp với ý muốn của Thiên Chúa, nghĩa là phù hợp với các đòi hỏi và luật lệ của Nước ấy. Tác giả muốn làm sáng tỏ điều này là việc tìm kiếm Nước Thiên Chúa không phải là một sự chờ đợi tiêu cực, không chỉ là một thái độ tôn giáo nội tâm, nhưng là một lối thực hành đức công chính thấy được, như Bài Giảng trên núi trình bày (x. lời lưu ý 5,20).

Câu cuối cùng (c. 34) nhắc lại tầm mức của bản văn. Thật không khôn ngoan chút nào nếu muốn gánh vác gánh nặng của ngày mai. Ưu tư khắc khoải ngày hôm nay để được sống yên hàn ngày mai, trong khi ngày mai tự nó là không chắc chắn, không thể tiên liệu và không nắm chắc được, thì không phải là cách xử sự của những người thông minh.

+ Kết luận

Đoạn này không phải là một lời mời gọi đừng lo xa, và càng không phải là một lời khuyến khích đừng làm việc. Đây là một lời kêu gọi tin tưởng vào Cha trên trời: Ngài không thể bỏ rơi con người khi mà họ có giá trị hơn loài chim. Câu 32 nêu “dân ngoại” ra như một điển hình tiêu cực (anti-modèle): họ khắc khoải lo lắng tìm kiếm tất cả những thứ này. Ta nhớ rằng dân ngoại không ngỏ lời với Thiên Chúa với thái độ tin tưởng, bởi vì họ không xem nhưng là một Người Cha biết các nhu cầu của họ (x. 6,7-8 // 6,32). Còn người môn đệ “trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Ngài”. Đây là một mối bận tâm, nhưng không khắc khoải. Tiếng “trước hết” không loại trừ, nhưng đúng hơn bao hàm một tiếng “kế đó”, nghĩa là một mối quan tâm hợp lý (không khắc khoải) đến những nhu cầu cơ bản của cuộc sống.

5.- Gợi ý suy niệm
1. Tác giả Mt có trước mắt tình cảnh tuyệt vọng của những người đói khát và nỗi lo lắng của đám đông những người nghèo túng. Ngài nhắc cho họ nhớ đến lòng nhân lành, lòng quảng đại của Đấng Tạo hóa. Tuy nhiên, tác giả không cổ võ sự biếng nhác, ăn bám, ươn lười, nhưng là sự năng nổ, khi nhớ rằng Thiên Chúa đã ký thác vũ trụ cho con người làm chủ (x. St 1,27-28).

2. Nhiệm vụ trần thế phát xuất từ Thiên Chúa, mà Thiên Chúa thì không miễn chuẩn cho con người khỏi phải tìm kiếm, khỏi phải mệt nhọc, băn khoăn nhằm giải phóng đất đai khỏi sỏi đá gai góc và làm cho nó nên phì nhiêu mà sinh hoa kết quả (St 2–3). Tìm ra những cách thức tốt mà làm việc có thể là dấu chỉ về tình yêu đối với Thiên Chúa và người anh em rõ ràng hơn là sự “tách biệt khỏi các sự vật”, bởi vì người ta đang đưa đến chỗ hoàn tất công trình mà Đấng Tạo hóa đã ký thác cho loài người.

3. Khi bảo chúng ta chọn Thiên Chúa làm chủ nhân duy nhất, Đức Giêsu không hề có ý nói là Thiên Chúa cần chúng ta, hoặc Thiên Chúa muốn dùng chúng ta làm gì cho Ngài. Lý do duy nhất, đó là chúng ta không thể tìm được hạnh phúc ở bên ngoài Thiên Chúa. Ngài là của cải vô biên, còn chúng ta là sự nghèo nàn vô biên. Do đó, đòi hỏi này cuối cùng lại là một cách Thiên Chúa tỏ bày tình yêu đối với chúng ta. Thiên Chúa đoái thương nghiêng mình xuống trên chúng ta là thọ tạo của Ngai, và dùng tiếng nói của Đức Giêsu mà nhắc lại cho chúng ta nhớ định mệnh đích thực của chúng ta.


4. Hội Thánh hôm nay phải đặt mình trước đòi hỏi sống niềm tin tưởng nơi Thiên Chúa, rồi tự hỏi: sự nghèo khó, việc sống ơn gọi, hoặc sự từ bỏ việc làm có thể có ý nghĩa gì trong việc phụng sự Nước Thiên Chúa. Bản văn không cung cấp một giải pháp, nhưng cho những hướng phải theo và mở chúng ta ra với những chọn lựa mà chính chúng ta phải cân nhắc để đi đến quyết định.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét