Trang

Thứ Hai, 14 tháng 4, 2014

15-04-2014 : THỨ BA TUẦN THÁNH

15/04/2014
Thứ Ba Tuần Thánh


Bài Ðọc I: Is 49, 1-6
"Ta đã làm cho con nên sự sáng các dân tộc, để con trở thành ơn cứu độ Ta ban cho đến tận cùng trái đất".
(Bài Ca thứ hai của người Tôi tớ Chúa)
Trích sách Tiên tri Isaia.
Hỡi các đảo, hãy nghe tôi đây; hỡi các dân tộc miền xa xăm, hãy chú ý: Chúa đã kêu gọi tôi từ khi tôi còn trong lòng mẹ, đã nhớ đến tên tôi khi tôi còn ở trong bụng mẹ. Người đã làm cho miệng tôi nên như lưỡi gươm sắc bén, đã bảo vệ tôi dưới bóng cánh tay Người, đã làm cho tôi nên như mũi tên nhọn, và đã ẩn giấu tôi trong ống đựng tên. Và Người đã phán cùng tôi: "Hỡi Israel, ngươi là tôi tớ Ta, vì Ta sẽ được vinh hiển nơi ngươi". Và tôi thưa: "Tôi đã vất vả mất công vô cớ, tôi đã phí sức vô ích; nhưng công lý của tôi ở nơi Chúa; và phần thưởng của tôi ở nơi Thiên Chúa". Và bây giờ Chúa phán: "Người là Ðấng đã tác tạo tôi thành tôi tớ Người, khi tôi còn trong lòng mẹ, để đem Giacóp về cho Người, và quy tụ Israel chung quanh Người. Tôi được vinh hiển trước mặt Chúa, và Thiên Chúa là sức mạnh tôi. Người đã phán: "Con là tôi tớ Ta, để tái lập các chi họ Giacóp, để dẫn đưa các người Israel sống sót trở về; này đây Ta làm cho con nên ánh sáng các dân tộc, để con trở thành ơn cứu độ Ta ban cho đến tận bờ cõi trái đất".
Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 70, 1-2. 3-4a. 5-6ab. 15 và 17
Ðáp: Miệng con sẽ loan truyền sự Chúa công minh (c. 15).
Xướng: 1) Lạy Chúa, con tìm đến nương nhờ Ngài, xin đừng để con tủi hổ muôn đời. Theo đức công minh Chúa, xin cứu nguy và giải thoát con, xin ghé tai về bên con và giải cứu. - Ðáp.
2) Xin trở nên thạch động để con dung thân, và chiến luỹ vững bền hầu cứu độ con: vì Chúa là Thạch Ðầu, là chiến luỹ của con.Lạy Chúa con, xin cứu con khỏi tay đứa ác. - Ðáp.
3) Bởi Ngài là Ðấng con mong đợi, thân lạy Chúa; lạy Chúa, Ngài là hy vọng của con tự hồi thanh xuân. Ngay từ trong bụng mẹ, con đã nép mình vào Chúa, từ trong thai mẫu, Chúa là Ðấng bảo vệ con. - Ðáp.
4) Miệng con sẽ loan truyền sự Chúa công minh, và suốt ngày kể ra ơn Ngài giúp đỡ, thực con không sao mà kể cho cùng. Lạy Chúa, Chúa đã dạy con từ hồi niên thiếu, và tới bây giờ con còn kể những sự lạ của Ngài. - Ðáp.

Câu Xướng Trước Phúc Âm:
Kính lạy Vua chúng con, Ðấng vâng lời Chúa Cha, Ngài đã bị dẫn đi để chịu đóng đinh vào thập giá, như con chiên hiền lành bị dẫn đi giết.

Phúc Âm: Ga 13, 21-33. 36-38
"Một người trong các con sẽ nộp Thầy... Trước khi gà gáy con đã chối Thầy ba lần".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Khi ấy, (Chúa Giêsu đang ngồi ăn với các môn đệ), tâm hồn Người bị xao xuyến, nên Người tuyên bố: "Thật, Thầy nói thật cho các con biết, một người trong các con sẽ nộp Thầy". Các môn đệ nhìn nhau phân vân không biết Người nói về ai. Có một môn đệ được Chúa Giêsu yêu quý, đang ở bàn ăn gần lòng Chúa Giêsu. Vậy Phêrô làm hiệu cho môn đệ ấy và nói: "Hỏi xem Thầy nói về ai đó". Môn đệ ấy nghiêng mình sát ngực Chúa Giêsu và hỏi Người: "Thưa Thầy, ai vậy?" Chúa Giêsu trả lời: "Thầy chấm miếng bánh trao cho ai là người đó". Và Người chấm một miếng bánh trao cho Giuđa, con Simon Iscariô. Ăn miếng bánh rồi, Satan nhập vào hắn. Chúa Giêsu nói với hắn: "Con tính làm gì thì làm mau đi". Nhưng những người đang ngồi ăn không một ai hiểu được vì sao Người lại nói với hắn như vậy. Có nhiều người tưởng tại Giuđa giữ túi tiền, nên Chúa Giêsu bảo hắn: Hãy mua những gì chúng ta cần dùng trong dịp lễ, hoặc Người bảo hắn bố thí cho người nghèo. Vậy sau khi nhận miếng bánh đó, Giuđa liền đi ra. Bấy giờ là đêm tối. Khi Giuđa đi rồi, Chúa Giêsu phán: "Bây giờ Con Người được vinh hiển, và Thiên Chúa đã được vinh hiển nơi Người. Nếu Thiên Chúa được vinh hiển nơi Người, thì Thiên Chúa lại cho Người được vinh hiển nơi chính Mình, và Thiên Chúa sẽ cho Người được vinh hiển! Các con yêu quý, Thầy chỉ còn ở với các con một ít nữa. Các con sẽ tìm Thầy, và như Thầy đã nói với người Do-thái: "Nơi Ta đi, các ngươi không thể đến được", nay Thầy cũng nói với các con như vậy".
Simon Phêrô hỏi Người: "Thưa Thầy, Thầy đi đâu?" Chúa Giêsu trả lời: "Nơi Thầy đi, nay con chưa thể theo tới đó được, nhưng sau này con sẽ theo Thầy".
Phêrô thưa lại: "Tại sao con lại không theo Thầy ngay bây giờ được! Con sẽ liều mạng sống con vì Thầy". Chúa Giêsu nói: "Con liều mạng sống vì Thầy ư? Thật, Thầy nói thật cho con biết: trước khi gà gáy, con đã chối Thầy ba lần".
Ðó là lời Chúa.


Suy Niệm: Môn Ðệ Phản Thầy
Tu sĩ Thomas Kempis, gốc nước Ðức, thuộc dòng thánh Augustinô, là người viết ra tác phẩm: "Gương Chúa Giêsu". Người ta nói đây là sách tu đức được đọc nhiều nhất sau Phúc Âm.
Thánh Ignatiô, Ðấng Sáng Lập dòng Tên đã khuyên một môn sinh như sau: Mỗi ngày con hãy đọc một chương sách "Gương Chúa Giêsu", vì chính cha đây cũng có kinh nghiệm là hễ mở trang sách nào, dù là một cách tình cờ, cha cũng thấy đáp ứng nhu cầu hiện tại của tâm hồn cha. Tu sĩ Thomas Kempis đã viết những dòng sau đây:
Ít người yêu mến Thánh Giá Chúa Giêsu, nhưng lại có rất nhiều kẻ muốn lên thiên đàng với Người. Nhiều kẻ muốn lên thiên đàng với Chúa Giêsu nhưng ít kẻ muốn vác Thánh Giá với Người. Nhiều kẻ ao ước được những an ủi của Người, nhưng ít kẻ muốn chịu thử thách với Người. Nhiều kẻ muốn dự tiệc với Người, nhưng ít kẻ muốn chịu thiếu thốn với Người. Nhiều kẻ muốn vui hưởng với Người, nhưng ít kẻ sẵn sàng chịu một sự gì khó với Người. Nhiều kẻ theo Chúa Giêsu cho đến bàn tiệc bẻ bánh, nhưng ít kẻ theo Ngài đến uống chén đắng tử nạn. Nhiều kẻ tôn sùng các phép lạ của Ngài, nhưng ít kẻ muốn chịu sỉ nhục với Người. Nhiều kẻ yêu mến Chúa Giêsu khi không có gian truân, nhưng ít kẻ tung hô ca ngợi Ngài khi Ngài ban ơn an ủi. Nhưng nếu Chúa Giêsu ẩn mình hoặc bỏ quên họ trong giây lát, lập tức họ sẽ phàn nàn than trách hoặc quá sức thất vọng. Cả cuộc đời Chúa Giêsu là Thánh Giá và tử đạo. Còn con, con muốn an nghỉ và vui chơi. Con lầm lạc, nếu con tìm sự khác hơn là thử thách.
Ðức cố Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, tác giả tập sách "Ðường Hy Vọng" chia sẻ với những người con tinh thần của mình như sau: Tránh gian nan đau khổ, con đừng trông làm thánh. Chúa Giêsu đến đâu cũng có một số người sống chết với Ngài và cũng có một số người oán ghét trách Ngài. Sao con muốn mọi người yêu thương con? Sao con nao núng khi có người ghét con?
Bài Tin Mừng hôm nay kể lại biến cố đã xảy ra cho Chúa Giêsu nhân dịp lễ Vượt Qua của Ngài trên trần gian này. Cả đến lúc đó, sau một thời gian dài huấn luyện các tông đồ, và chính Ngài đã chọn lựa các ông, thế mà Chúa Giêsu còn bị Giuđa phản bội, hay Phêrô đã ba lần chối Thầy mình. Phần Chúa Giêsu, Ngài không nao núng, không bỏ cuộc, mặc dù Ngài bị phản bội, bị xúc phạm. Và giờ Ngài được Thiên Chúa Cha tôn vinh là chính giờ này mà Ngài được sinh xuống trần gian: "Bây giờ Con được vinh hiển và Thiên Chúa Cha được vinh hiển nơi Người".
Anh chị em thân mến!
Thật không có gì đau buồn cho Chúa Giêsu hơn khi Ngài nhìn thấy những kẻ Ngài tuyển chọn mà bị họ phản bội. Ngài nhìn thấy Giuđa rời bàn tiệc ra đi, bước vào đêm tối để đi vào con đường từ chối tình yêu của Ngài. Chúa Giêsu đành để như vậy, vì Ngài tôn trọng tự do của con người. Cũng như Chúa Giêsu nhìn thấy trước việc Phêrô tự phụ chối Ngài: "Phêrô, trước khi gà gáy con sẽ chối Thầy ba lần".
Thường tình mà nói thì xem ra Chúa Giêsu như thể bị thất bại hoàn toàn, nhưng Ngài phải đi qua con đường khổ nạn này để cứu rỗi nhân loại. Ðó là thánh ý mà Thiên Chúa Cha muốn Ngài hoàn tất sứ mệnh cứu thế của Ngài. Vì thế, Chúa Giêsu sẵn sàng vâng lời thánh ý Chúa Cha cho đến cùng.
Con Người đến rồi ra đi đã được loan báo trước, nhưng khốn cho kẻ nộp Con Người, thà nó đừng sinh ra thì hơn. Nhưng sự phản bội của đồ đệ không làm cho Chúa Giêsu ngừng yêu thương họ. Ngược lại, Ngài muốn họ quay trở về với tình thương của Ngài. Bởi thế, lần chạm mặt cuối cùng với Giuđa, Chúa Giêsu đã âu yếm hỏi ông: "Giuđa, con dùng cái hôn để nộp Thầy sao?" Nhưng Giuđa vẫn tiếp tục đi tới trên con đường tuyệt vọng. Chúa Giêsu đã quay lại nhìn Phêrô sau khi ông đã chối Thầy ba lần, nhưng thái độ của Phêrô thì ngược lại, ông thành tâm ăn năn xin Chúa tha thứ những lỗi lầm mà ông đã trót phạm, và ông đã không còn ỉ lại vào sức mình nữa. Từ đó, Phêrô đã biết đưa ra cho mình một bài học quí giá là luôn cộng tác với Chúa một cách thiết thực hơn.
Ðức cố Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, tác giả tập sách "Ðường Hy Vọng" mời gọi những đồ đệ của Chúa hãy tỉnh thức kiểm điểm thái độ sống của mình để được luôn tiến bước trên con đường của Chúa với những lời sau:
Kiểm điểm rồi con phải làm thế nào? Con hãy khiêm tốn khóc lóc tội lỗi mình. Con hãy ngồi bên Chúa yêu mến bù lại như Mađalêna. Con hãy dốc quyết canh tân như Giakêu. Con hãy làm tông đồ hăng say như Phaolô và như thế giúp con tràn đầy hy vọng tiến bước.
Con thấy hoài bão lớn lao, chương trình hành động vĩ đại mà con yếu đuối sao vượt nổi? Lấy phương tiện ở đâu? Thánh Phaolô đã chỉ cho con rằng: "Chúa chọn những kẻ yếu đuối để làm cho kẻ mạnh mẽ phải hỗ thẹn, miễn là ơn Chúa không trở nên vô ích trong tôi". Nói như vậy, nghĩa là con phải trung tín với ơn Chúa. Con nhất quyết làm tông đồ Chúa, nhưng con không phó thác cậy tin nơi Ngài thì làm sao con có thể là khí cụ đắc lực của Ngài được.
Lạy Chúa, xin cho con đừng ngã lòng trước những tội lỗi con đã phạm. Xin Chúa thương giúp con trở về với tình thương của Chúa và nhất quyết canh tân đời sống mình. Ước gì ơn Chúa không trở nên vô ích nơi con. Amen.
Veritas Asia



Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Ba Tuần Thánh
Bài đọc: Isa 49:1-6; Jn 13:21-33, 36-38.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Người Tôi Trung hoàn toàn tin cậy nơi Thiên Chúa.
Con người thường có khuynh hướng muốn nhìn thấy kết quả ngay; và dễ nản chí bỏ cuộc khi đã cố gắng hết sức mà vẫn không có kết quả gì. Trong những lúc như thế, con người dễ than thân trách phận, trách Trời, và trách người. Hậu quả là con người dễ bỏ đường lối của Thiên Chúa để chạy theo các cách thức của mình, của thế gian, hay của ma quỉ.
Các Bài Đọc hôm nay đưa ra những tấm gương để dạy con người phải biết hoàn toàn trông cậy nơi Thiên Chúa. Trong Bài Đọc I, Người Tôi Trung nhiều khi cảm thấy những cố gắng của mình hoài công vô ích; nhưng sau khi định thần nhìn lại, ông quyết định tiến tới vì ông biết Thiên Chúa sẽ cho ông phần thưởng sau cùng. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu chắc cũng phải nhụt chí khi phải đương đầu với sự phản bội của Judah, và nhất là của Phêrô, người Chúa đặt kỳ vọng rất nhiều vào ông; nhưng Chúa vẫn can đảm tiến tới. Ngài tin tưởng Thiên Chúa sẽ dành cho Ngài chiến thắng sau cùng; qua đau khổ của Thập Giá là sự sống lại hiển vinh.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Bài ca thứ hai về Người Tôi Trung của Thiên Chúa
1.1/ Phải ghi nhớ muôn đời những gì Thiên Chúa đã làm, và loan báo cho mọi người được biết: Người Tôi Trung tường thuật những gì Thiên Chúa đã làm cho ông: “Hỡi các đảo, hãy nghe tôi đây, hỡi các dân tộc miền xa xăm, hãy chú ý: Đức Chúa đã gọi tôi từ khi tôi còn trong lòng mẹ, lúc tôi chưa chào đời, Người đã nhắc đến tên tôi. Người đã làm cho miệng lưỡi tôi nên như gươm sắc bén, giấu tôi dưới bàn tay của Người. Người đã biến tôi thành mũi tên nhọn, cất tôi trong ống tên của Người.” Tất cả những gì tôi sở hữu đến giờ này là do Người ban: tài năng, sức mạnh, sự hiểu biết. Người bảo vệ tôi như người dũng sĩ cất giấu các mũi tên bên mình, chứ không hoang phí một mũi tên nào.
Sẽ có những lúc Người Tôi Trung cảm thấy mệt mỏi, vì thấy những cố gắng của mình bị khoang phí và không mang lại kết quả như lòng mong ước, và phải thốt lên: "Tôi vất vả luống công, phí sức mà chẳng được gì." Nhiều khi Người Tôi Trung còn phải lãnh nhận những hậu quả ngược lại điều mong ước: phản bội thay vì thương yêu, oán thù thay vì ân nghĩa.
1.2/ Phải tin tưởng hoàn toàn vào sức mạnh của Thiên Chúa:
(1) Thiên Chúa tôi thờ là sức mạnh của tôi: Những lúc chao đảo như thế, Người Tôi Trung cần định thần để nhớ lại đâu là nguồn sức mạnh đích thực của mình, và đâu là sứ vụ đã được trao phó: “Nhưng sự thật, đã có Đức Chúa minh xét cho tôi, Người dành sẵn cho tôi phần thưởng. Giờ đây Đức Chúa lại lên tiếng. Người là Đấng nhào nặn ra tôi từ khi tôi còn trong lòng mẹ để tôi trở thành người tôi trung, đem nhà Jacob về cho Người và quy tụ dân Israel chung quanh Người. Thế nên tôi được Đức Chúa trân trọng, và Thiên Chúa tôi thờ là sức mạnh của tôi.”
(2) Không chỉ giải thóat Israel, mà còn trở nên ánh sáng cứu độ cho tòan thế giới: Sứ vụ của Người Tôi Trung không chỉ giới hạn trong vòng dân tộc Do-thái, nhưng được mở rộng cho tòan thế giới, vì như Thiên Chúa phán: "Nếu ngươi chỉ là tôi trung của Ta để tái lập các chi tộc Jacob, để dẫn đưa các người Israel sống sót trở về, thì vẫn còn quá ít. Vì vậy, này Ta đặt ngươi làm ánh sáng muôn dân, để ngươi đem ơn cứu độ của Ta đến tận cùng cõi đất."
2/ Phúc Âm: Chúa Giêsu tuyên bố sự phản bội của Judah và của Phêrô.
2.1/ Sự phản bội của Judah Iscariot: Đức Giêsu cảm thấy tâm thần xao xuyến khi phải đương đầu với sự phản bội của Judah, và nhất là phải báo tin cho các tông đồ biết thời giờ đã điểm. Chúa có thể làm ngơ để chuyện gì phải đến sẽ đến, nhưng Chúa muốn chuẩn bị tâm hồn cho các ông để họ đừng ngỡ ngàng khi nó xảy ra; và nhất là biết những chuyện xảy ra đã được xếp đặt trước. Người tuyên bố: "Thật, Thầy bảo thật anh em: có một người trong anh em sẽ nộp Thầy." Các môn đệ nhìn nhau, phân vân không biết Người nói về ai. Trong số các môn đệ, có một người được Đức Giêsu thương mến. Ông đang dùng bữa, đầu tựa vào lòng Đức Giêsu. Ông Simon Phêrô làm hiệu cho ông ấy và bảo: "Hỏi xem Thầy muốn nói về ai?" Ông này liền nghiêng mình vào ngực Đức Giêsu và hỏi: "Thưa Thầy, ai vậy?"
Chúa Giêsu cho Judah biết sự phản bội của ông: Để khỏi gây hoang mang và ngộ nhận giữa các tông đồ, và cũng để cho Judah biết không có gì ông tính tóan qua được mắt Chúa, Ngài nói: "Thầy chấm bánh đưa cho ai, thì chính là kẻ ấy." Rồi Người chấm một miếng bánh, trao cho Judah, con ông Simon Iscariot. Có lẽ chỉ có 3 hay 4 người biết kẻ phản bội: Chúa Giêsu, đương sự, Phêrô và Gioan. Khi biết kế họach bị bại lộ; ngay khi Judah vừa ăn xong miếng bánh, Satan liền nhập vào y. Đức Giêsu bảo y: "Anh làm gì thì làm mau đi!" Judah liền đi ra. Lúc đó, trời đã tối. Thánh sử Gioan muốn nhấn mạnh cho độc giả hiểu thế nào là “trời đã tối:” trời tối vì khi ăn Lễ Vượt Qua, trời bên ngòai đã vào đêm; nhưng tâm hồn của Judah từ lúc đấy cũng trở nên tăm tối, vì đã quay lưng lại với nguồn ánh sáng chân thật là Thầy mình.
2.2/ Chúa Giêsu nhận ra vinh quang Ngài nhận được giữa hai sự phản bội: Khi Judah đi rồi, cái chết trên Thập Giá chắc chắn sẽ xảy ra. Khi điều đó xảy ra là lúc Chúa Giêsu được tôn vinh. Vinh quang Chúa Giêsu có được là qua con đường Thập Giá: không qua gian khổ sẽ không đạt tới vinh quang. Thiên Chúa cũng được tôn vinh nơi Người: Chúa Giêsu đã cho Thiên Chúa danh dự và vinh quang tối cao vì Ngài vâng lời Thiên Chúa cho đến nỗi bằng lòng chết trên Thập Giá. Nhờ sự vâng lời của Ngài, kế hoạch của Thiên Chúa cho con người thành sự thật: con người nhận ra tất cả những gì Chúa Con nói là sự thật, và sẵn sàng hy sinh đáp trả tình yêu Thiên Chúa dành cho họ. Khi Thiên Chúa được tôn vinh, Ngài cũng sẽ tôn vinh Chúa Con. Ngài không những tôn vinh Chúa Con, mà còn siêu tôn Ngài bằng cách: cho sống lại, lên trời, trao vương quốc, và ban một danh hiệu trổi vượt hơn muôn ngàn danh hiệu (x/c Phi 2:10-11).
2.3/ Sự phản bội của Phêrô: Chúa Giêsu biết rõ tính tình của Phêrô: nhanh nhẩu đoảng, hứa đấy rồi quên đấy. Ông rất nhiệt thành, nghĩ sao nói vậy; sống về trái tim hơn là về trí óc. Vì thế, Chúa nhắc nhở ông: “Anh sẽ thí mạng vì Thầy ư? Thật, Thầy bảo thật cho anh biết: gà chưa gáy, anh đã chối Thầy ba lần.” Chúa Giêsu biết cả quá khứ, hiện tại, và tương lai của Phêrô. Đó là lý do tại sao Chúa nói với ông: "Nơi Thầy đi, bây giờ anh không thể theo đến được; nhưng sau này anh sẽ đi theo." Ông chưa sẵn sàng theo Chúa hẳn lúc này, nhưng sẽ đến ngày ông sẽ cùng đi con đường thập giá với Chúa; lúc đó, lời ông nói “Con sẽ thí mạng con vì Thầy!” thành hiện thực.
Có một sự khác biệt lớn giữa hai sự phản bội của Judah và của Phêrô: Sự phản bội của Judah là sự phản bội có tính toán; sự phản bội của Phêrô là sự phản bội vì yếu đuối, xảy ra cách đột xuất vì không chuẩn bị. Sự phản bội của Judah không dành chỗ cho hối hận và trở lại; sự phản bội của Phêrô tức khắc quay về khi nhận ra mình đã làm điều đó: “Ông òa lên khóc!” (Mk 14:72).

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
Có những lúc chúng ta cảm thấy chán chường, mệt mỏi, và muốn bỏ cuộc; vì những cố gắng của chúng ta dành cho Chúa đã không mang lại kết quả tốt đẹp, lại còn đưa đến chia ly, phản bội. Khi phải đối diện với những giờ phút như thế, chúng ta phải nhớ lại hình ảnh Người Tôi Trung và Chúa Giêsu trong Bữa Tiệc Ly. Cứ can đảm tiến tới, vì Thiên Chúa luôn đồng hành, và Ngài là Người sẽ ban cho chúng ta phần thưởng sau cùng.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP


HẠT GIỐNG NẨY MẦM  TUẦN THÁNH 
Is 49,1-6 ; Ga 13,21-33.36-38

A. Hạt giống...
Đoạn Tin Mừng này là một phần của bữa tiệc ly. Có 3 chi tiết đáng lưu ý :

1. Chúa Giêsu cố gắng đánh thức lương tâm của Giuđa : Ngài nói rằng Ngài đã biết kẻ đang mưu phản Ngài, Giuđa nghe nhưng không xao xuyến ; Ngài thân ái chấm miếng bánh trao cho hắn, hắn nhận lấy một cách dửng dưng ; Ngài bảo hắn muốn làm gì thì cứ làm đi, hắn dựa vào câu đó để ra đi thực hiện âm mưu đen tối.

2. Giây phút Giuđa ra đi là tiếng chuông báo hiệu cuộc thương khó bắt đầu. Chúa Giêsu coi đó là tiếng chuông mở đầu giờ Ngài được tôn vinh. Không phải đau khổ tự nó là tôn vinh, mà vì qua đau khổ Chúa Giêsu thực hiện ý muốn của Chúa Cha. Chúa Giêsu lấy làm vinh dự được thực hiện ý muốn Chúa Cha.

3. Chúa Giêsu báo trước việc Phêrô chối thầy. Phêrô nói rất hăng “Con liều mạng sống con vì Thầy”. Nhưng lời nói của ông không đi đôi với việc làm “Con liều mạng sống vì Thầy ư ? Thầy nói thật cho con biết : trước khi gà gáy, con đã chối Thầy 3 lần”.

B.... nẩy mầm.
1. Không phải Chúa muốn Giuđa phạm tội, cũng không phải Ngài thờ ơ bỏ mặc hắn chìm sâu trong tội. Ngài đã nhiều lần nhiều cách đánh thức lương tâm hắn. Ngài chỉ làm được đến thế thôi, vì Ngài phải tôn trọng tự do của hắn. Cách Chúa đối xử với những người tội lỗi cũng thế.

1a. Người da đỏ giải thích lương tâm như sau  : Đó là một khối 3 góc ở trong tim ta. Khi ta làm gì tốt thì nó nằm yên. Khi ta làm gì xấu, nó quay và đâm các góc nhọn vào ta. Nếu ta cứ làm điều xấu, các góc nhọn của nó mòn dần và không làm ta cảm thấy gì nữa cả. (Weapons and Workers).

2. Chúa Giêsu lấy làm vinh dự được thi hành ý muốn Chúa Cha. Do tình yêu, người ta cũng lấy làm vinh dự được chiều ý người mình yêu. Thánh Phaolô nói “Vinh dự của chúng ta là thập giá Đức Kitô”. Các tông đồ sau khi bị bắt nhốt trong tù và bị đánh đòn, đã “hân hoan bởi được coi là xứng đáng chịu khổ nhục vì danh Đức Giêsu” (Cv 5,41). Nếu ta không lấy làm vinh dự làm theo ý Chúa và chịu khổ vì Chúa, đó là dấu ta chưa yêu Chúa.

3. Cũng như Phêrô, tôi rất dễ nói những lời hăng hái bày tỏ lòng mến Chúa. Thí dụ lúc cầu nguyện, trong những cuộc tĩnh tâm v.v. Nhưng thực tế là tôi đã chối Chúa không chỉ 3 lần.

Lm. Carolo HỒ BẶC XÁI – Gp. Cần Thơ

15/04/14 THỨ BA TUẦN THÁNH
Ga 13,21-33.36-38

TRUNG THÀNH VỚI TÌNH YÊU
“Một người trong anh em sẽ nộp Thầy… Gà chưa gáy anh đã chối Thầy ba lần.” (Ga 13, 21.38)
Suy niệm: Hãy cứ đặt mình vào vị trí của Đức Giê-su để thấy được nỗi đau buồn, xót xa đang diễn ra trong tâm hồn của Ngài. Xuống thế để cứu chuộc con người, nhưng trớ trêu thay, khi sứ mạng đến hồi kết thúc thì Ngài lại bị chính con người phản bội. Mà kẻ phản bội ở đây, lại là chính những môn đệ thân tín của mình. Chúng ta như muốn trách móc những con người phản bội, những môn đệ vô ơn… Thế nhưng câu chuyện xưa kia van còn nguyên tính thời sự: Sự chối từ Thiên Chúa, phản bội lại tình yêu của Ngài vẫn ứng vào chúng ta hôm nay, vẫn còn nhan nhản đó đây trong cuộc sống. Con người phản bội đó có thể là chính bản thân mỗi người. “Trông người mà nghĩ đến ta”! Chúng ta hãy nhìn những tấm gương tày liếp của các môn đệ phản thầy đó như một bài học để ta biết sống cho phải đạo đối với Thiên Chúa của mình.
Mời Bạn: Là môn đệ của Thầy Giê-su, chúng ta có đồng cảm và chia sẻ sứ mạng của Ngài chưa? Thiết nghĩ, điều tối thiểu mà mỗi người chúng ta phải có, đó là lòng trung thành với Thầy Giê-su. Trong tâm tình phụng vụ Tuần Thánh, chúng ta bày tỏ tình yêu cảm thông, chia sẻ với Thầy Giê-su trong việc hoàn thành sứ mạng cứu độ. Mời bạn tự vấn: Điều gì đang ngăn cản tôi sống trung tín với Thầy Giê-su?
Chia sẻ: Điều gì khác giữa Phê-rô và Giu-đa sau khi chối bỏ Thầy Giê-su?
Sống Lời Chúa: Kiểm điểm đời sống mỗi ngày và xin ơn sống trung thành với tình yêu Chúa.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin gìn giữ chúng con và đừng để chúng con phài lìa xa Chúa bao giờ. Amen.


Trời đã tối 
 Phêrô tỏ ra quá tự tin vào tình yêu và sức mạnh của mình. Anh coi thường cuộc chiến đấu ác liệt sắp tới nên đã dễ dàng ngã quỵ. 

Suy nim:
Làm người ở đời ai chẳng có lúc xao xuyến.
Đức Giêsu hai lần nhắc các môn đệ đừng xao xuyến
trước sự ra đi được báo trước của Thầy (Ga 14, 1.27).
Nhưng Ngài đã xao xuyến khi thấy người ta khóc thương Ladarô (Ga 11, 33).
Ngài cũng đã xao xuyến khi giờ đã đến và cái chết gần kề (Ga 12, 27).
Trong bữa tối này, Đức Giêsu không tránh khỏi xao xuyến
khi nói đến sự phản bội sắp đến của một người môn đệ (c. 21).
Vậy vấn đề không phải là cố tránh xao xuyến, mà là đừng để nó làm chủ mình.
Trong bốn sách Tin Mừng, Thầy Giêsu không bao giờ nói rõ Giuđa là kẻ phản bội.
Thầy muốn giữ thể diện thậm chí cho kẻ sắp phản bội mình.
Vì thế nói chung các môn đệ không rõ ai là kẻ sẽ nộp Thầy (c. 22).
Ông Phêrô có lẽ nằm trên giường tiệc xa với Thầy,
nên đã làm hiệu cho anh môn đệ được Thầy thương, để nhờ anh hỏi xem là ai.
Thầy Giêsu đã không nói tên kẻ phản bội.
Ngài chỉ tế nhị dùng một dấu hiệu để cho anh môn đệ mình thương nhận ra.
Dấu hiệu đó là chấm một miếng bánh trao cho Giuđa.
Đây là một cử chỉ quý mến của chủ tiệc dành cho một vị khách đặc biệt.
Việc trao miếng bánh cho Giuđa cho thấy anh nằm gần với chủ tiệc là Thầy,
như thế Giuđa, người thủ quỹ kiêm quản lý, có một chỗ khá cao trong bữa tiệc.
Giuđa đã nhận miếng bánh ân tình của Thầy và anh có thể chọn lại.
Anh có dám từ bỏ kế hoạch phản bội của anh không?
Tiếc là không, cử chỉ ưu ái của Thầy chẳng làm anh thay đổi.
“Khi anh vừa ăn xong miếng bánh, thì Satan nhập vào anh” (c. 27).
Chúng ta ngạc nhiên khi Thầy Giêsu không hề phân biệt đối xử với Giuđa.
Thầy đã rửa chân cho anh và còn cho anh tham dự bí tích Thánh Thể (Mt 26, 27).
Khi biết lòng anh chai đá, Thầy lại hối thúc: “Anh làm gì thì làm mau đi” (c. 27).
Giuđa ra đi lúc trời đã tối.
Cũng trong bữa tiệc này, Thầy Giêsu nói về việc Phêrô sẽ chối Thầy ba lần.
Thầy chỉ nói sau khi Phêrô tuyên bố mình sẽ thí mạng để cứu Thầy (c. 37).
Phêrô tỏ ra quá tự tin vào tình yêu và sức mạnh của mình.
Anh coi thường cuộc chiến đấu ác liệt sắp tới nên đã dễ dàng ngã quỵ.
“Thầy đi đâu?”, tiếng Latinh là “Quo vadis?” (c. 36).
Ta lại thấy câu hỏi này của Phêrô trong một sách ngụy thư ở cuối thế kỷ thứ hai.
Lúc Phêrô chạy trốn khỏi sự bách hại ở Rôma,
anh lại gặp Thầy Giêsu và hỏi Thầy: “Thầy đi đâu vậy?”
Thầy trả lời Thầy đang vào thành Rôma để chịu đóng đinh một lần nữa.
Phêrô hiểu ra nên trở lại Rôma để chết tử đạo ở đó.
Cầu nguyn:

Lạy Chúa,
xin cho con quả tim của Chúa.

Xin cho con đừng khép lại trên chính mình,
nhưng xin cho quả tim con quảng đại như Chúa
vươn lên cao, vượt mọi tình cảm tầm thường
để mặc lấy tâm tình bao dung tha thứ.

Xin cho con vượt qua mọi hờn oán nhỏ nhen,
mọi trả thù ti tiện.
Xin cho con cứ luôn bình an, trong sáng,
không một biến cố nào làm xáo trộn,
không một đam mê nào khuấy động hồn con.

Xin cho con đừng quá vui khi thành công,
cũng đừng quá bối rối khi gặp lời chỉ trích.
Xin cho quả tim con đủ lớn
để yêu người con không ưa.
Xin cho vòng tay con luôn rộng mở
để có thể ôm cả những người thù ghét con.

Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ


Suy niệm

Qua đoạn Tin mừng hôm nay tôi nhớ lại lời của Tổng Giám Mục Dom Helter Camara: “Không phải chỉ có một định nghĩa về thánh thiện mà đã có cả hàng chục hàng trăm. Thế nhưng có một định nghĩa mà tôi thích nhất: sống thánh thiện là phải chỗi dậy ngay khi bị ngã, chỗi dậy với lòng khiêm nhường và vui mừng. Không phải có ý nói là không bao giờ được sa ngã theo đàng tội lỗi, mà muốn nói lên ý nghĩa là ta có thể nói: ‘Vâng lạy Chúa con đã sa ngã một ngàn lần, và nhờ ơn Chúa giúp con đã chỗi dậy một ngàn lẻ một lần’. Tất cả ý nghĩa là như vậy. Tôi thích suy nghĩ về điều đó”.

Chúa biết rõ tính cách của từng con người một. Cả Giuđa và Phêrô đều là môn đệ của Chúa, hơn thế nữa còn thuộc nhóm 12, những con người luôn gần gũi, luôn được Chúa yêu thương và dạy dỗ. Chúa biết Giuđa hay tính toán nên giao cho ông làm quản lý dù nhiều khi ông cũng hay gian dối, lọc lừa. Chúa biết Phêrô bốc đồng, nhưng được cái có nhiệt tình, nên giao cho ông sứ mạng đứng đầu…

Hơn thế nữa, cả hai đều được Chúa luôn nhắc nhở, cảnh báo về những chuyện xấu của họ. Đối với Giuđa, Chúa Giêsu đã nói: “Thầy bảo thật anh em: có một người trong anh em sẽ nộp thầy”.Hoặc sau khi trao miếng bánh cho ông, Chúa Giêsu cũng đã nhắc khéo: “Anh làm gì thì làm mau đi!”… Còn Phêrô, sau lời quyết tâm theo Thầy, Chúa Giêsu đã báo trước cho ông ta biết: “Gà chưa gáy, anh đã chối Thầy ba lần”…

Cả Giuđa và Phêrô đều là những con người bất xứng, đều đã sa ngã. Nhưng Giuđa thì đã thất vọng tìm đến cái chết, còn Phêrô thì biết chỗi dậy sau cái nhìn của Chúa.

Chúa vẫn dành những tình cảm đặc biệt cho Giuđa như tin tưởng giao cho ông chức quản lý, trao bánh cho ông… Nghĩa là tình yêu vẫn lên tiếng gọi mời ông, nhưng ông đã không lấy tình yêu đáp trả lại tình yêu.

Còn Phêrô sau khi chối Thầy: “Chúa quay lại nhìn ông, ông sực nhớ lời Chúa đã bảo ông… ông ra ngoài khóc lóc thảm thiết” (Lc 22,61-62).

Điều quan trọng là biết sai để sửa sai, biết mình ngã để chỗi dậy. Giá trị của con người không hệ tại ở bao nhiêu việc đạo đức tốt lành, nhưng hệ tại ở chỗ họ đã nhận ra được bao nhiêu sự sai trái của mình và đã sửa đổi được bấy nhiêu? Một việc tốt tự nhiên sẽ dễ làm hơn là cố gắng mỗi ngày để bỏ đi được một tính xấu. Ví dụ người có lòng thương cảm, tự nhiên thấy người nghèo là muốn giúp đỡ, và giúp đỡ là chuyện quá dễ đối với họ. Nhưng có người thích soi mói, hôm nay biết được chuyện xấu của người khác. Lẽ ra họ sẽ tận dụng để tấn công người anh em mình, nhưng họ đã cố gắng để im lặng… Như vậy giữa việc bố thí và việc thinh lặng, việc nào dễ hơn?

Lạy Chúa xin cho con luôn đặt mình trước tình yêu của Chúa, để thấy dù con có như thế nào đi chăng nữa Chúa vẫn tin tưởng và yêu thương con. Chúa không muốn con thất vọng, không muốn con phải chết, nhưng muốn con thấy mình còn có những bất toàn, thấy mình yếu đuối tội lỗi, và quan trọng nhất là “muốn con ăn năn sám hối và được sống”.  Xin cho con trỗi dậy mỗi lần sa ngã và mạnh dạn ngã vào lòng Chúa để được Chúa ôm ấp vỗ về. Xin cho con biết quay trở về mỗi khi biết mình đã đi hoang.

Lm. Thiện Duy



Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
15 THÁNG TƯ
Niềm Vui Vượt Qua Trào Lên Lời Cảm Tạ
“Hãy tung hô Chúa, hỡi toàn thể địa cầu, phụng thờ Chúa với niềm hoan hỉ, vào trước thánh nhan Người giữa tiếng hò reo… bởi vì Chúa nhân hậu, muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương, qua bao thế hệ vẫn một lòng thành tín” (Tv 100, 1-2. 5)
Niềm vui Vượt Qua mà chúng ta chia sẻ phải chứa đầy tâm tình tạ ơn. Giáo Hội mời gọi chúng ta ngắm nhìn bằng con mắt đức tin tất cả những ân huệ của Thiên Chúa từ ngàn xưa. “Chính Chúa là Thượng Đế; Người dựng nên ta; ta thuộc về Người. Ta là dân Người, là đàn chiên Người dẫn dắt” (c.3).
Chúng ta mừng vui bởi vì thế giới không phải là một khoảng không hoang vu trống rỗng. Chúng ta tràn ngất niềm vui Vượt Qua bởi vì Thiên Chúa đã tạo ra thế giới và Ngài đã tạo thành chúng ta. Ngài đã tạo thành con người giữa một thế giới xinh đẹp. Chúng ta mừng vui và tạ ơn bởi vì con người được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa – ngay cả dù con người cũng có nhiều đặc điểm chung với thế giới mà con người sống trong đó.
Chúng ta mừng vui và tạ ơn bởi vì, nhờ đặc tính độc đáo giống với Thiên Chúa này, con người thuộc về Thiên Chúa. Cuộc Phục Sinh của Đức Kitô đã xác nhận quyền sở hữu thánh thiêng này. Chúng ta thuộc về Chúa. Máu của Người đã đổ ra để trả giá và chuộc lại chúng ta từ án phạt của tội lỗi và sự chết.
- suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II


Lời Chúa Trong Gia Đình
NGÀY 15-4
THỨ BA TUẦN THÁNH
Is 49, 1-6; Ga 13, 21-33.36-38.

LỜI SUY NIỆM“Thật,Thầy bảo thật anh em; có một người trong anh em sẽ nộp Thầy.”
Chúa Giêsu công khai tuyên bố, trong Nhóm Mười Hai, có người sẽ bán Chúa. Mọi người đều xôn xao và đã cất tiếng hỏi: “Thưa Thầy có phải con không?”.Thế mà không thể đánh động tâm hồn của Giu-đa; Giu-đa vẫn tiếp tục ý định bán Chúa.Không chỉ có tâm hồn của Giu-đa chai lì trong tội. Trong cuộc sống ngày hôm nay, cả chúng ta, cũng đang giống như Giu-đa, trước những hành vi phạm tội; chúng ta đều có tiếng lương tâm ngăn cản, nhưng rồi chúng ta vẫn giữ nguyên ý định phạm tội của mình.
Lạy Chúa Giêsu. Chính Chúa đã đặt để tiếng nói lương tâm trong mỗi con người. Xin cho mọi người trong gia đình chúng con luôn luôn tôn trọng và tuân theo tiếng nói của lương tâm, trước mọi suy nghĩ và việc làm của mình.
Mạnh Phương


15 Tháng Tư
Hoàng Tử Tí Hon
Trong một chuyện ngắn mang tựa đề "Hoàng tử tí hon', văn hào Pháp Saint Exupery cókể lại chuyện như sau: Máy bay trục trặc, ông đã phải đáp xuống giữa sa mạc Sahara. Sáng hôm sau, khi thức dậy, ông thấy có một cậu bé luẩn quẩn bên cạnh mình. Cậu bé cứ nài nỉ ông vẽ cho cậu một con cừu.
Viên phi công đành phải chiều theo ý của cậu bé. Nhưng con cừu đầu tiên ông vẽ được lại là một con cừu già nua. Không vừa ý, ông lại tiếp tục vẽ. Nhưng kết quả chỉ là một con cừu bệnh hoạn. Không biết cách nào làm vừa lòng cậu bé, ông mới vẽ một cái họp với nhiều lỗ xung quanh và nói với cậu: "Con cừu đang ở trong cái hộp này bé ạ".
Viên phi công ngạc nhiên vô cùng, bởi vì ông vừa giait thích thìcậu đã reo lên: "Ðây chính là điều mà cháu đang chờ đợi... Xem kìa, con cừu đang ngủ". Nhờ một cái hộp như thế, cậu bé tha hồ tưởng tượng theo ý thích của nó. Nó còn tin rằng cái hộp này quả thực là hữu ích vì con cừu mà nó chưa bao giờ thấy vẫn có nơi trú ngụ.
Trong cuộc sống của chúng ta, có lẽ cũng có nhiều điều tương tự xảya như thế. ngay trong Giáo Hội của chúng ta, cũng xảy ra nhiều điều như thế.
Có lẽ lắm khi chúng ta cũng xin Chúa Giêsu hãy vẽ cho chúng ta một Giáo Hội, và Ngài đã chiều theo ý của chúng ta. Ngài đã vẽ cho chúng ta một Giáo Hội. Ngài đã để lại cho chúng ta nhiều yếu tố về Giáo Hội của Ngài. Giáo Hội ấy chẳng khác nào một bức tranh mà các màu sắc được phân tán rải rác khắp nơi... Nơi đây, ngài bảo rằng Giáo Hội của Ngài là Ánh Sáng muôn dân. Nơi khác nữa, ngài lại loan báo rằng Giáo Hội đó như một cây vĩ đại có thể dùng làm chỗ cho chim trời đến đậu.
Dĩ nhiên ai trong chúng ta ai cũng biết rằng Giáo Hội không phải là Ðức Giáo Hoàng, Giáo Hội không phải là tòa thánh Vatican. Giáo Hội lại càng không phải là một vị giám mục hay các linh mục... Giáo Hội của Ðức Kitô là một thực tại gồm những con người, nhưng lại vượt lên trên những con người.
Bổn phận của mỗi người Kitô chính là vẽ lại khuôn mặt của Giáo Hội. Giáo Hội đó có thực sự là Giáo Hội của Ðức Kitô hay không, Giáo Hội đó có thực sự là Giáo Hội của người nghèo hay không là tùy thuộc ở những nét điểm tô mà chúng ta dành cho Giáo Hội.
(Lẽ Sống)

Vị thánh trong ngày _ 15/4
Thánh Damien De Veuster  

(1840-1889)
Trong những năm cuối đời, ngài chua xót với nổi niềm cô đơn vì tình đời đen bạc, ngài hoàn toàn bị cô lập, không có linh mục để xưng tội và nhận lảnh phép lành. Chỉ một lần, ngài được chèo thuyền đến gần tàu của một vị Giám mục mà xưng tội lớn tiếng. 
Chân Phước Damien De Veuster, là một linh mục truyền giáo trẻ, đã phục vụ chín năm ở Hạ uy di. Ðược ơn gọi đặc biệt, ngài xin phép Bề trên đến phục vụ trên đảo Molokai dành riêng cho người bệnh phong cùi.
Người Tây phương đến Hạ uy di vào cuối thế kỷ 18 thì dân số trên các hòn đảo có khoảng chừng ba trăm ngàn người, nhưng trong khoảng một trăm năm sau dân số chỉ còn khoảng năm chục ngàn. Trong những bệnh truyền nhiểm đang lan tràn trên các đảo, bệnh phong cùi là nguy hiểm và thiệt hại nhiều hơn hết.
Không thể kiểm soát dịch phong cùi, chính quyền thành lập một nơi xa xôi dành riêng cho người cùi trên đảo Molokai. Theo luật những người mang bệnh cùi đều bị đày đến đảo này cho đến chết.
Tình trạng trên đảo thật là bi đát. Họ sống trong các chòi lá hoặc trong các hóc đá. Tự tìm lấy thức ăn để sống qua ngày, vô luật lệ và vô luân lý. Chính trong tình trạng này mà cha Damien đã đến đây. Ngài tổ chức lại mọi việc như trong một giáo xứ. Công việc đầu tiên là đem lại cho họ nhân phẩm, tổ chức việc ma chay thật tiêm tất để kính trọng người chết thay vì vất ra ngoài ven rừng làm mồi cho thú rừng như dân ở đây đã từng làm trước kia.
Trước tiên ngài xây một ngôi thánh đường, rồi dọc theo đường dẫn đến nhà thờ ngài khuyến khích họ xây những ngôi nhà sạch sẽ. Chỉ trong ít năm trên đảo đã hoàn toàn thay đổi, cảnh tượng u ám xâu xé lẫn nhau không còn nữa, một cộng đồng an vui dù đang ở trong hoàn cảnh bệnh tật.
Mặc dù ngài đã nâng cao tính tự trọng nơi dân chúng, cha Damien vẫn không dám tiếp xúc gần gủi thân cận với họ. Trên tòa giảng ngài thường nói “anh chị em thân mến” hoặc “chúng ta là những người cùi hủi”.
Rồi một ngày những lời trên mang đến cho ngài một ý nghĩa mới là ngài phải hoàn toàn kết hợp với họ trong niềm đau khổ và chua xót của người cùi. Cha Damien thật sự mang chứng bệnh ghê rợn đó và kết thúc cuộc đời tại Molokai với họ. Dù chứng bệnh làm cho thân xác ngài tàn tạ nhưng ngài không ngừng cố gắng thực hiện mọi kế hoạch cải tiến đời sống người dân trên đảo.
Trong những năm cuối đời, ngài chua xót với nổi niềm cô đơn vì tình đời đen bạc, ngài hoàn toàn bị cô lập, không có linh mục để xưng tội và nhận lảnh phép lành. Chỉ một lần, ngài được chèo thuyền đến gần tàu của một vị Giám mục mà xưng tội lớn tiếng.
Cha Damien qua đời ngày 15 tháng 4 năm 1889 vì bệnh phong cùi. Lúc bây giờ danh tiếng của ngài đã vang dội khắp cùng thế giới. Ngài được Ðức Giáo Hoàng Gioan Phao lồ II tôn phong Chân phước vào năm 1995. Và được Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI tôn phong hiển thánh ngày 21 tháng Hai năm 2009.
Phó Tế J.B. Huỳnh Mai Trác



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét