12/05/2014
Thứ Hai sau Chúa Nhật
IV Phục Sinh
Bài
Ðọc I: Cv 11, 1-18
"Thiên
Chúa cũng ban cho dân ngoại ơn ăn năn sám hối để được sống".
Trích
sách Tông đồ Công vụ.
Trong
những ngày ấy, các tông đồ và anh em ở Giuđêa nghe tin rằng cả dân ngoại cũng
đã đón nhận lời Thiên Chúa. Khi Phêrô lên Giêrusalem, các người đã chịu cắt bì
trách móc người rằng: "Tại sao ngài vào nhà những kẻ không chịu cắt bì và
ăn uống với họ?" Phêrô trình bày cho họ sự việc từ đầu đến cuối theo thứ tự
sau đây: "Tôi đang ở tại thành Gióp-pê, lúc cầu nguyện, trong một thị kiến,
tôi thấy một vật gì giống chiếc khăn lớn túm bốn góc, từ trời thả xuống sát bên
tôi. Tôi chăm chú nhìn và thấy những con vật bốn chân, những mãnh thú, rắn rết
và chim trời. Tôi nghe tiếng phán bảo tôi: "Phêrô, hãy chỗi dậy giết mà
ăn". Tôi thưa: "Lạy Chúa, không được, vì con không khi nào bỏ vào miệng
con những đồ dơ nhớp hay bẩn thỉu". Tiếng từ trời nói lần thứ hai: "Vật
gì Thiên Chúa cho là sạch, ngươi đừng nói là dơ nhớp". Ba lần xảy ra như
thế, và mọi sự lại được kéo lên trời.
"Và
ngay lúc đó, ba người từ Cêsarêa được sai đến nhà tôi ở. Thánh Thần truyền dạy
tôi đừng ngần ngại đi với họ. Sáu anh em cùng đi với tôi, và chúng tôi vào nhà
một người. Anh thuật lại cho chúng tôi biết: anh đã thấy thiên thần hiện ra thế
nào; thiên thần đứng trong nhà anh và nói với anh rằng: "Hãy sai người đến
Gióp-pê tìm Simon có tên là Phêrô; người sẽ dạy ngươi những lời có sức làm cho
ngươi và cả nhà ngươi được cứu độ". Lúc tôi bắt đầu nói, Thánh Thần ngự xuống
trên họ như ngự trên chúng ta lúc ban đầu. Bấy giờ tôi nhớ lại lời Chúa phán:
"Gioan đã rửa bằng nước, còn các con, các con sẽ được rửa bằng Thánh Thần".
Vậy, nếu Thiên Chúa ban cho họ cũng một ơn như đã ban cho chúng ta, là những kẻ
tin vào Chúa Giêsu Kitô, thì tôi là ai mà có thể ngăn cản Thiên Chúa?"
Nghe
những lời ấy, họ thinh lặng và ca tụng Thiên Chúa rằng: "Vậy ra Thiên Chúa
cũng ban cho dân ngoại ơn ăn năn sám hối để được sống".
Ðó
là lời Chúa.
Ðáp
Ca: Tv 41, 2. 3; 42, 3. 4
Ðáp: Hồn con khát
Chúa Trời, Chúa Trời hằng sống (Tv 41, 3a).
Hoặc
đọc: Alleluia.
Xướng:
1) Như nai rừng khát mong nguồn nước, hồn con khát Chúa, Chúa Trời ôi. - Ðáp.
2)
Hồn con khát Chúa Trời, Chúa Trời hằng sống; ngày nào con được tìm về ra mắt
Chúa Trời! - Ðáp.
3)
Xin chiếu giãi quang minh và chân thực của Chúa, để những điều đó hướng dẫn
con, đưa con lên núi thánh và cung lâu của Ngài. - Ðáp.
4)
Con sẽ tiến tới bàn thờ Thiên Chúa, đến cùng Thiên Chúa làm cho con được hoan hỉ
mừng vui. Với cây cầm thụ, con sẽ ca ngợi Chúa, ôi Chúa là Thiên Chúa của con.
- Ðáp.
Alleluia:
Alleluia,
alleluia! - Chúng con biết rằng Ðức Kitô đã thật sự sống lại từ cõi chết: Lạy
Vua chiến thắng, xin thương xót chúng con. - Alleluia.
Phúc
Âm: Ga 10, 11-18
"Mục
tử tốt lành thí mạng sống vì chiên".
Tin
Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Khi
ấy, Chúa Giêsu phán: "Ta là mục tử tốt lành. Mục tử tốt lành thí mạng sống
vì chiên. Kẻ làm thuê không phải là chủ chiên, và các chiên không phải là của
người ấy, nên khi thấy sói đến, nó bỏ chiên mà trốn. Sói sẽ bắt chiên và làm
chúng tản mát. Kẻ chăn thuê chạy trốn, vì là đứa chăn thuê, và chẳng tha thiết
gì đến đàn chiên. Ta là mục tử tốt lành, Ta biết các chiên Ta, và các chiên Ta
biết Ta. Cũng như Cha biết Ta và Ta biết Cha, và Ta thí mạng sống vì đàn chiên.
Ta còn những chiên khác không thuộc đàn này; cả những chiên đó Ta cũng phải
mang về đàn; chúng sẽ nghe tiếng Ta. Và sẽ chỉ có một đàn chiên và một chủ
chiên. Vì lẽ này mà Cha yêu mến Ta, là Ta thí mạng sống để rồi lấy lại. Không
ai cất mạng sống khỏi Ta, nhưng tự Ta, Ta thí mạng sống. Ta có quyền thí mạng sống
và cũng có quyền lấy lại. Ðó là mệnh lệnh Ta đã nhận nơi Cha Ta".
Ðó
là lời Chúa.
Suy
Niệm:
Ta
Là Cửa Ðoàn Chiên
Anh
chị em thân mến!
Phần
lớn vùng đất Giuđêa nằm trên độ cao, nhiều gồ ghề và sỏi đá, thuận tiện cho việc
chăn nuôi hơn là trồng trọt. Bởi thế, người dân vùng này nói riêng và toàn thể
vùng Palestina nói chung thường sống bằng nghề chăn nuôi. Họ nuôi nhiều cừu để
lấy lông chiên hơn là ăn thịt. Thế nên, mối liên lạc giữa đàn chiên và người
chăn thật mật thiết. Chiên hiểu chủ và chủ biết từng con chiên một.
Hình
ảnh người chăn chiên là một diễn tả quen thuộc của lòng nhân từ, yêu thương.
Trong Kinh Thánh các tác giả Cựu Ước đặc biệt là Thánh Vịnh thường hay so sánh
mối quan hệ giữa Giavê Thiên Chúa và dân Israel như người chăn và đàn chiên.
Israel và đàn chiên Giavê chăm sóc trong đồng cỏ của Ngài.
Qua
tân Ước, hình ảnh người chăn và đàn chiên cũng được nhiều lần nói đến, đặc biệt
là người chăn chiên được Chúa Giêsu tự đồng hóa mình với người chăn chiên nhân
lành. Nỗi lòng của người chăn chiên cũng là nỗi lòng của Ngài. Một trong những
diễn tả ấy được thánh sử Gioan ghi lại trong bài Tin Mừng hôm nay.
Anh
chị em thân mến!
Thấy
người Do Thái không lãnh hội được ý nghĩa là người chăn chiên, Chúa Giêsu nói
rõ cho họ biết: "Ta là cửa chuồng chiên". Qua đó, chính Chúa Giêsu mạc
khải cho họ biết con đường đi tới Chúa Cha như là cửa mà đàn chiên ra vào và được
hưởng sự an toàn, được sống dồi dào. Còn những kẻ đến trước mà vào là kẻ trộm
cướp nên chiên đã không nghe tiếng họ. Những người đến trước ở đây không phải
là các ngôn sứ, nhưng là những người dựa vào sự khôn ngoan thông thái thế gian.
Chính họ là những người Thiên Chúa dấu không cho biết những điều thuôc về ơn cứu
độ. Trong thực tế, mặc dù bị áp đặt, nhưng người mù được Chúa Giêsu chữa lành
không nghe lời người Pharisiêu và chỉ tin vào Chúa Giêsu. Vì họ là kẻ trộm đã
giết hại chiên và phá hủy, còn Chúa Giêsu đến để chiên được sống và sống dồi
dào.
Chúa
Giêsu đã tóm tắt vai trò của Ngài, Ðấng chăn chiên với đàn chiên là hình ảnh cửa
đàn chiên: "Ta là cửa, ai qua Ta mà vào thì sẽ được cứu độ". Ðây là
hình ảnh quen thuộc của vùng Trung Ðông đối với các mục tử chăn chiên. Người mục
tử nhân lành biết lo liệu cho đàn chiên của mình vào ban đêm và ban ngày, sẽ dẫn
chiên tới đồng cỏ xanh tươi với dòng suối mát như tác giả Thánh Vịnh 22 vẫn hát
lên "trong đồng cỏ xanh tươi Người cho tôi nằm nghỉ, Người cho tôi dòng nước
trong lành".
Chúa
Giêsu là cửa để qua đó từng con chiên vào và được nghỉ qua đêm an toàn. Chính
nơi cửa, người mục tử sẽ cầm gậy để kiểm từng con chiên, không để một con nào bị
lạc mất. Chúa Giêsu là cửa, qua đó các con chiên được dẫn đi ăn mỗi buổi sáng,
để các chiên nghe và nhận biết tiếng gọi của chủ chăn. Chủ chăn gọi đàn chiên
và dẫn chúng đi, người chăn chiên đi trước và chiên theo sau, vì chiên biết tiếng
chủ chiên của mình. Hình ảnh cửa chuồng chiên và hình ảnh vị chủ chăn cho chúng
ta thấy Ngài là Ðấng chăn chiên, là Ðấng Cứu Ðộ cho những ai nghe tiếng Ngài.
Veritas Asia
Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Hai Tuần IV PS
Bài đọc: Acts 11:1-18;
Jn 10:1-10.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Con người phải vâng
theo Kế Hoạch của Thiên Chúa.
Có
hai giai đọan trong Kế Hoạch Cứu Độ của Thiên Chúa: Trong giai đoạn thứ nhất,
Ngài chọn dân Do-thái để chuẩn bị cho Đấng Thiên Sai tới; sau đó, đến giai đọan
thứ hai, Tin Mừng Cứu Độ được loan báo cho tất cả mọi người. Nhiều người
Do-thái chỉ dừng lại ở giai đọan thứ nhất. Họ tin chỉ có họ mới là con Thiên
Chúa và xứng đáng được hưởng ơn Cứu Độ; Dân Ngoại không phải là con Thiên Chúa,
họ xứng đáng để chịu hình phạt và bị hư mất.
Các
Bài Đọc hôm nay xoay quanh tình thương Thiên Chúa và Kế Hoạch Cứu Độ dành cho mọi
người. Trong Bài Đọc I, Sách CVTĐ mô tả sự xung đột giữa các môn đệ về việc
giao tiếp và chấp nhận Dân Ngoại vào đạo thánh Chúa. Phêrô phải dùng thị kiến
chiếc lưới từ trời và kinh nghiệm mục vụ để thuyết phục họ: Trong Kế Hoạch Cứu
Độ của Thiên Chúa, Dân Ngoại cũng được lãnh nhận Thánh Thần và ơn sám hối để được
sự sống đời đời. Loài người chúng ta không thể ngăn cản Kế Hoạch của Thiên
Chúa. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu tuyên bố Ngài là Mục Tử Tốt Lành đến để qui tụ
tất cả các chiên và cho chúng được sống dồi dào.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/
Bài đọc I:
Ơn Cứu Độ được Thiên Chúa ban cho tất cả mọi người.
1.1/
Xung đột xảy ra giữa người Do-thái và ông Phêrô: Theo truyền thống Do-thái, họ
sống cách biệt với các dân tộc khác, và không bao giờ vào nhà của Dân Ngoại.
Các người Do-thái chỉ trích Phêrô đã giao tiếp với Dân Ngoại, vào nhà những kẻ
không cắt bì, và ăn uống với họ. Bấy giờ ông Phêrô trình bày cho họ biết thị kiến
mà ông đã chứng kiến, ông nói: Tôi đang cầu nguyện tại thành Joppa, trong lúc
xuất thần, tôi thấy thị kiến này: Có một vật gì sà xuống, trông như một tấm
khăn lớn buộc bốn góc, từ trời thả xuống đến tận chỗ tôi. Nhìn chăm chú và xem
xét kỹ, tôi thấy các giống vật bốn chân sống trên đất, các thú rừng, rắn rết và
chim trời. Và tôi nghe có tiếng phán bảo tôi: "Phêrô, đứng dậy, làm thịt
mà ăn!” Tôi đáp: "Lạy Chúa, không thể được, vì những gì ô uế và không
thanh sạch không bao giờ lọt vào miệng con!” Có tiếng từ trời phán lần thứ hai:
"Những gì Thiên Chúa đã tuyên bố là thanh sạch, thì ngươi chớ gọi là ô uế!
Việc ấy xảy ra đến ba lần, rồi tất cả lại được kéo lên trời.”
Thị
kiến này đòi Phêrô phải xét lại truyền thống Do-thái của mình: Vì tất cả những
gì Thiên Chúa dựng nên đều tốt lành và thanh sạch, ông không thể giữ thái độ
khinh thường Dân Ngoại, coi họ là dân không cắt bì, nô lệ, hay không thanh sạch.
1.2/
Thiên Chúa cũng ban cho các Dân Ngoại ơn sám hối để được sự sống!
(1)
Tin Mừng được rao truyền cho Dân Ngoại: Phêrô tiếp tục kể: "Ngay lúc đó, có ba người đến
nhà chúng tôi ở: họ được sai từ Caesarea đến gặp tôi. Thần Khí bảo tôi đi với họ,
đừng ngần ngại gì. Có sáu anh em đây cùng đi với tôi. Chúng tôi đã vào nhà ông
Cornelius. Ông này thuật lại cho chúng tôi nghe việc ông đã thấy thiên sứ đứng
trong nhà ông và bảo: "Hãy sai người đi Joppa mời ông Simon, cũng gọi là
Phêrô. Ông ấy sẽ nói với ông những lời nhờ đó ông và cả nhà ông sẽ được cứu độ.”
Cornelius là viên Đại Đội Trưởng Roma, tuy là Dân Ngoại, nhưng ông đối xử rất tốt
với người Do-thái. Nhân cơ hội đó, Phêrô đã rao giảng Tin Mừng về Đức Kitô cho
tất cả những người trong gia đình Cornelius. Điều đáng chú ý là Thiên Chúa hoạt
động trong biến cố này: Ngài gởi thiên sứ tới báo tin cho Cornelius, đồng thời
dùng Thần Khí tác động trên Phêrô, để thúc đẩy ông cùng đi với 3 sứ giả của
Cornelius.
(2)
Không ai có thể ngăn cản Kế Hoạch Cứu Độ của Thiên Chúa: Tôi vừa mới bắt đầu
nói, thì Thánh Thần đã ngự xuống trên họ, như đã ngự xuống trên chúng ta lúc
ban đầu. Tôi sực nhớ lại lời Chúa nói rằng: "Ông Gioan thì làm phép rửa bằng
nước, còn anh em thì sẽ được rửa trong Thánh Thần. Vậy, nếu Thiên Chúa đã ban
cho họ cùng một ân huệ như Người đã ban cho chúng ta, vì chúng ta tin vào Chúa
Giêsu Kitô, thì tôi là ai mà dám ngăn cản Thiên Chúa?" Phêrô nhắc lại biến
cố Chúa Thánh Thần hiện xuống trên các Tông-đồ trong ngày Lễ Ngũ Tuần; và nhờ
biến cố này, Phêrô nhận ra Thiên Chúa ban Thánh Thần cho tất cả mọi người, chứ
không riêng gì những người Do-thái. Sau đó, Phêrô làm Phép Rửa cho tất cả gia
đình ông Cornelius.
Nghe
Phêrô trình bày đầu đuôi, người Do-thái mới hiểu ra. Họ tôn vinh Thiên Chúa và
nói: "Vậy ra Thiên Chúa cũng ban cho các Dân Ngoại ơn sám hối để được sự sống!"
2/
Phúc Âm:
Tôi đến để cho chiên được sống và sống dồi dào.
2.1/
Chúa Giêsu là Cửa chuồng chiên: Trong các làng mạc của Do-thái, họ có chỗ chung để
nhốt tất cả các chiên trong làng ban đêm. Chỗ nhốt này chỉ có một cửa duy nhất
có khóa, và chìa khóa chỉ người giữ cửa mới có. Người giữ cửa biết tất cả các
người chăn chiên, và chỉ mở cửa cho những người này. Tuy nhiên, cũng có những
người chăn chiên không vào làng, nhưng giữ chiên ngoài cánh đồng như tại
Bethlehem. Trong trường hợp này, người chăn chiên sẽ tìm những hang đá mà chỉ
có một ngõ ra vào. Đêm đến, họ sẽ lùa chiên vào trong hang đá, và họ sẽ nằm ngủ
ngay cửa ra vào. Trong trình thuật hôm nay, Chúa Giêsu đề cập đến cả hai trường
hợp:
(1)
"Thật, tôi bảo thật các ông: Ai không đi qua cửa mà vào ràn chiên, nhưng trèo qua
lối khác mà vào, người ấy là kẻ trộm, kẻ cướp. Còn ai đi qua cửa mà vào, người ấy
là mục tử. Người giữ cửa mở cho anh ta vào, và chiên nghe tiếng của anh; anh gọi
tên từng con, rồi dẫn chúng ra.”
(2)
"Thật, tôi bảo thật các ông: Tôi là Cửa cho chiên ra vào. Mọi kẻ đến trước tôi đều
là trộm cướp; nhưng chiên đã không nghe họ. Tôi là cửa. Ai qua tôi mà vào thì sẽ
được cứu. Người ấy sẽ ra vào và gặp được đồng cỏ.”
2.2/
Liên hệ giữa mục tử và chiên: Có một sự liên hệ mật thiết giữa mục tử và đàn chiên. Người mục
tử biết tất cả các chiên của mình và thói quen của từng con một; nhiều mục tử
còn đặt tên riêng cho mỗi con như “vằn” nếu con nào có những vằn quanh như sóng
trên người, “trắng,” “đen,” “khoang”... Đồng thời, các con chiên cũng biết đánh
hơi, hay nhận ra chủ của chúng nhờ tiếng gọi đặc biệt, hay tiếng chuông, tiếng
kèn, tiếng sáo mà người mục tử đeo trên mình. Đó là lý do tại sao Chúa nói:
“Khi đã cho chiên ra hết, anh ta đi trước và chiên đi theo sau, vì chúng nhận
biết tiếng của anh. Chúng sẽ không theo người lạ, nhưng sẽ chạy trốn, vì chúng
không nhận biết tiếng người lạ."
Chúa
cũng đề cập đến sự khác biệt giữa Mục Tử và trộm cướp: “Kẻ trộm chỉ đến để ăn
trộm, giết hại và phá huỷ. Phần tôi, tôi đến để cho chiên được sống và sống dồi
dào.” Người chăn chiên thật phải chịu trách nhiệm về đàn chiên của mình với chủ;
nếu chiên bị ăn thịt, anh phải có bằng chứng rõ ràng để trình cho chủ. Người
chăn chiên đích thực phải chăm sóc bằng cách tìm những đồng cỏ xanh và nước
trong lành cho chiên ăn uống. Anh phải bảo vệ chiên khỏi mọi nguy hiểm như: chó
sói, sư tử, kẻ trộm, kẻ cướp... Qua hình ảnh thân thương này, Chúa Giêsu muốn
ví Ngài như Mục Tử Tốt Lành và các tín hữu được ví như đàn chiên. Ngài đến để
cho chúng ta được sống, và sống dồi dào.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
-
Tất cả mọi người đều có thể nhận được ơn Cứu Độ trong Kế Hoạch của Thiên Chúa,
và Tin Mừng cần được loan báo cho mọi dân tộc.
-
Để được hưởng ơn Cứu Độ, chúng ta cần biết lắng nghe và tin tưởng vào Đức Kitô,
Người Mục Tử Tốt Lành mà Thiên Chúa gởi tới con người.
-
Người mục tử tốt lành là người phải vào qua Cửa là Đức Kitô: họ phải nhân danh
Đức Kitô giảng dạy, chữa lành; và bắt chước Đức Kitô để săn sóc và bảo vệ đòan
chiên của mình.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
HẠT GIỐNG NẨY MẦM TUẦN 4 PHỤC SINH
Ga 10,1-10
A. Hạt giống...
Sang đơn vị nói về Mục tử tốt lành. Bài giáo lý
thứ 3 : sống dưới sự dẫn dắt của Chúa Giêsu là Mục tử tốt lành.
Đoạn Tin Mừng hôm nay trình bày Chúa Giêsu là cửa
chuồng chiên :
- "Ai không qua cửa chuồng chiên mà vào thì
là quân trộm cướp" : Chúa Giêsu ám chỉ những người biệt phái và luật sĩ.
Họ không được Thiên Chúa ủy nhiệm, họ chỉ dành quyền lãnh đạo tôn giáo, không
phải để mưu cầu lợi ích cho dân, mà để tìm vinh dự và quyền lợi riêng.
- "Ta là cửa chuồng chiên" : Chúa Giêsu
là mục tử đích thực của dân. Ngài đi vào đường hoàng, được người canh gác mở
cửa cho, gọi tên từng con chiên, chiên quen tiếng nên đi theo, Ngài dẫn chúng
đi ăn...
B.... nẩy mầm.
1. Chúa chúng ta không phải là một Thiên Chúa cao
vời xa cách, mà là một Thiên Chúa rất gần gũi yêu thương, như một mục tử sống
sát với đàn chiên, hiểu biết, yêu thương, chăm sóc từng con chiên một... Giả
như tôi có là một con chiên yếu đau, què quặt, Chúa đã biết và vẫn thương tôi, hơn
nữa còn chăm sóc tôi đặc biệt hơn những chiên khác. Vì thế tôi nên phó thác
sống theo sự dẫn dắt của Ngài.
2. Từ lâu, tôi vẫn cứ ấm ức không hiểu tại sao
khi minh họa chân dung mình trong dụ ngôn Mục tử tốt lành, Chúa Giêsu lúc thì
ví mình như Mục tử, lúc lại ví mình như cửa chuồng chiên. Gần đây, một cuốn
sách đã giải tỏa cho tôi thắc mắc đó. Sách viết : một du khách đến Palestin,
gặp được một mục tử đang làm việc tại một trại cừu. Người đó chỉ cho du khách
thấy cảnh vật biến ảo của cánh rừng. Thấy thế, du khách hỏi : "Đó là trại
cừu, kia là bấy cừu, đây là lối vào. Vậy còn cửa đâu ?" Người mục tử hỏi
lại : "Cửa hả ? Chính tôi là cửa. Ban đem tôi nằm giữa lối đi này. Không
một con cừu nào bước ra hay một con sói nào bước vào mà không phải qua xác
tôi." Thế đó, đức Giêsu đâu có lẫn lộn khi trình bày chân dung mình : Ngài
vừa là mục tử vừa là cửa vào. (Góp nhặt)
3. "Khi đã cho chiên ra hết, anh ta đi trước
và chiên đi theo sau, vì chúng nhận biết tiếng của anh."
"Tôi xin chọn Người làm gia nghiệp tôi mãi
mãi. Trọn đời tôi trót cả đời tôi, trọn tuổi xuân, dâng cả tình yêu luôn với
ước mơ... " Đối với tôi, đó không chỉ là một bài hát, là những nốt nhạc,
những là tâm nguyện, là cuộc đời của một chàng trai đã dám từ bỏ tất cả : tương
lai rực rỡ, một người yêu tuyệt vời và cả những cuộc vui cùng bè bạn, để bước
theo tiếng Chúa gọi.
Đã bao lần tôi muốn quyết định... những rồi lại
thôi. Muốn đặt bước chân mình lên bước chân Người, định đưa tay tôi ra để Người
nắm lấy và dẵn tôi đi, nhưng lại hèn nhát rụt tay lại.
Lạy Chúa, xin cho con biết Chúa, xin cho con biết
con, và xin cho con biết đón nhận thánh ý Người. (Epphata)
Lm. Carolo HỒ BẶC XÁI – Gp. Cần Thơ
12/05/14 THỨ HAI TUẦN 4 PS
Th. Nê-rê-ô và A-ki-lê-ô, tử đạo
Ga 10,11-18
Th. Nê-rê-ô và A-ki-lê-ô, tử đạo
Ga 10,11-18
BIẾT VÀ YÊU CHÚA GIÊSU
“Tôi chính là Mục Tử nhân
lành, tôi biết chiên của tôi, và chiên của tôi biết tôi, như Chúa Cha biết tôi
và tôi biết Chúa Cha, và tôi hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên.” (Ga 10,14-15)
Suy niệm: Cô X. có người yêu khác tôn giáo sẵn sàng theo
đạo như cô nhưng trên thực tế cô X. không quan tâm đến việc đó và cũng không
tìm cách giúp cho người yêu biết Chúa Giê-su và Tin Mừng của Ngài. Điều này giả
thiết chính cô X. cũng không biết, hoặc biết mà không yêu Chúa vì nếu có, cô sẽ
tìm cách truyền đạt cho anh hồng ân đức tin mà mình đã lãnh nhận. Là Ki-tô hữu
tức là môn đệ Chúa Ki-tô, nên cũng là một nhà truyền giáo. Chúa Ki-tô muốn họ
cộng tác với Ngài để đem ánh sáng chân lý chiếu soi trên trần gian. Để làm tốt
việc này, Ki-tô hữu phải học biết Chúa Ki-tô và yêu mến Ngài. Không ai cho cái
mình không có.
Mời Bạn: “Ngày nay chúng ta phải đối diện
với thách thức phải trả lời cách tương xứng cho nhiều người đang khao khát
Thiên Chúa kẻo họ lại bằng lòng với những câu trả lời sai lệch hoặc với một Đức
Giê-su vô cảm, không một chút dấn thân cho người khác.”
(ĐGH Phan-xi-cô, Niềm Vui Tin Mừng, 89).
Biết Chúa và yêu Chúa không chỉ là nhu cầu cho việc truyền giáo nhưng đó chính
là lẽ sống, niềm vui và hạnh phúc chân thật cho tâm hồn chúng ta.
Sống Lời Chúa: Sứ
mệnh Tân Phúc Âm hóa thúc bách chúng ta găp gỡ Đức Ki-tô mỗi ngày, đồng thời
đổi mới cách trình bày Chúa cho những người sống chung quanh chúng ta.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa là Mục tử nhân lành. Xin cho chúng con luôn
hướng về Chúa, khao khát Chúa và đừng để những quyến rũ trần gian ngăn cản
chúng con đến với Chúa.
SUY NIỆM
Sứ mạng
Chúa Giêsu là “Cửa” chuồng chiên. Chúa Giêsu ví Ngài như cánh cửa để
cho chiên ra vào. Điều này cho thấy Chúa Giêsu chính là cửa ngõ, là con đường
dẫn con người đến niềm vui, bình an và hạnh phúc đích thực. Qua Chúa Giêsu, đến
với Chúa Giêsu, con người được dẫn đến nguồn sống vĩnh cửu. Nhờ Chúa Giêsu, con
người được ơn cứu độ và được sống dồi dào viên mãn.
Chúa Giêsu là “Mục tử nhân lành”. Chúa Giêsu ví Ngài như Mục tử nhân
lành, quan tâm lo lắng cho đoàn chiên, gắn bó, chăm sóc và bảo vệ đoàn chiên.
Hình ảnh này cho thấy Chúa Giêsu yêu thương con người và đem đến cho con người
những điều tốt đẹp nhất.
Chúa Giêsu không những là nguồn sống cho tôi, nhưng Ngài còn là tấm gương
cho tôi trong cuộc sống mỗi ngày. Với bổn phận và trách nhiệm của mình trong
gia đình, nơi làm việc và trong xứ đạo, tôi cũng như một mục tử. Lời Chúa hôm
nay là lời nhắc nhở tôi và giúp tôi ý thức bổn phận của mình đó là: đem đến cho
người khác những điều tốt đẹp bằng lời nói việc làm và bằng chính đời sống của
tôi.
Xin cho con luôn gắn bó với Chúa Giêsu là “Mục tử nhân lành” để con kín múc
nơi Chúa nguồn sống đích thực. Xin cho con luôn sẵn sàng sống cho tha nhân để
con cũng đem đến cho người khác niềm vui và những điều tốt đẹp. Amen.
(Trích Lm. Carôlô Hồ Bặc Xái, Tin mừng theo thánh
Gioan)
1. Nghề chăn chiên
Đây là một nghề thịnh hành ở
Palestina từ thời Cựu Ước cho tới thời Tân Ước. Người ta nuôi chiên vì nó đem
lại nhiều nguồn lợi vật chất như sữa, bơ, thịt, lông...
Nhưng người chăn chiên phải
vất vả nhiều: phải tiên liệu những nơi có cỏ, nước và bóng mát; bảo vệ chiên
khỏi bị thú dữ và trộm cướp tấn công; chăm sóc kỹ từng con; tìm kiếm những con
lạc v.v. Dần dà có 1 tình cảm phát sinh giữa người chăn và các con chiên: người
chăn biết rõ từng con chiên với những đặc tính của nó, các con chiên cũng biết
ai là người chăn mình. Để dễ hướng dẫn đoàn chiên, mục tử cũng đặt tên cho một
số con chiên “tổ trưởng”. Ông chỉ cần gọi tên những con này, khi chúng đi theo
thì các chiên khác cũng theo. Ngược lại chiên cũng biết ai là chủ thật của nó,
nên khi gặp người lạ thì chúng bỏ chạy, dù người ấy có lên tiếng gọi nhưng
chiên biết không phải là tiếng chủ nên cũng bỏ chạy.
Ban đêm
người ta cho chiên vào chuồng. Chuồng thực ra chỉ là một khoảng đất có hàng rào
bao quanh và một cái cửa ra vào. Để khỏi tốn kém làm nhiều chuồng, những chủ
chiên chung nhau làm một chuồng lớn. Chiều xuống, các mục tử lùa đàn chiên của
mình vào chuồng rồi đóng cửa lại. Có người canh gác bên ngoài đề phòng trộm
cướp hoặc thú dữ. Đến sáng từng mục tử mở cửa vào, gọi tên các con chiên tổ
trưởng, chúng đi ra và các chiên khác cùng đàn đi theo. Sau khi đếm đủ số, mục
tử đi đầu dẫn đoàn chiên của mình ra đồng cỏ.
Thỉnh thoảng có trộm cướp.
Bọn này không dám đi qua cửa vì sợ đụng mặt với những người canh gác. Chúng
nhảy rào vào. Nhưng các chiên biết chúng là người lạ nên sợ và chạy tán loạn.
Vì đây là một nghề thịnh
hành ở Palestina nên Thánh Kinh đã dùng nhiều hình ảnh từ nghề này (thí dụ Ed
34 Tv 23 Mt 18 và 25 Mc 14 Lc 12 v.v.) Những hình ảnh đó là: mục tử tốt, mục tử
xấu, đoàn chiên, con chiên và con dê...
2. Vai trò mục tử
Mục tử là một hình ảnh quen
thuộc đối với dân Israel cả trong thời kỳ họ còn sống nghề du mục lẫn trong
thời kỳ họ đã định cư: thời du mục thì họ chuyên chăn nuôi; đến thời định cư
hẳn trong xừ Palestina thì tuy họ đã chuyển sang nghề nông nhưng vẫn còn giữ
nghề chăn nuôi.
Trong chăn
nuôi, vai trò và nhiệm vụ của mục tử rất quan trọng và khó khăn:
a/ Không
phải chỉ nuôi vài ba con chiên mà cả đàn lên tới mấy trăm hoặc mấy ngàn con;
b/ Muốn
nuôi sống một mớ chiên đông như thế, không phải chỉ cần đi cắt một mớ cỏ đem về
là đủ, mà phải tìm những đồng cỏ lớn, phải tính sẵn trong đầu xem khi đoàn
chiên ăn hết đồng cỏ này thì phải dẫn chúng tới đồng cỏ khác ngay; phải chọn
những chỗ vừa có cỏ xanh vừa có bóng mát vừa có nước uống (x. St 13,1-9: đầy tớ
của Loth và của Abraham dành nhau những đồng cỏ và giếng nước);
c/ Ngoài
ra còn phải bảo vệ chiên khỏi những nguy hiểm thường xuyên đe dọa như trộm cướp
và thú dữ. Có khi phải chiến đấu đến bị thương hoặc bị chết.
Trong bối
cảnh trên, hình ảnh mục tử rất đẹp: thân thiết, tận tụy, can trường, chu đáo
v.v. Bởi đó Thánh Kinh thường dùng hình ảnh này để mô tả những nhân vật quan
trọng như Môisê (Xh 3,1-2 15,22-27...), các nhà lãnh đạo dân như vua, tư tế,
thẩm phán, ngôn sứ (Gr 10,21 12,10 Ed 34 Is 36,11 Dcr 11,15-17...). Đặc biệt
nhất chính Thiên Chúa tự mô tả mình là mục tử (Tv 23 80), dân Israel được
coi là đoàn chiên của Ngài (Tv 80,2), cuộc Xuất hành là việc Thiên Chúa dẫn dắt
đoàn chiên Israel ấy qua những nơi khó khăn để tới chốn an lành (Tv 78,52
77 Is 63,11-14). Và sau cùng Đấng Messia cũng được mô tả là mục tử (Ed
34 Dcr 13,7-9...).
Mô tả
Thiên Chúa và Đấng Messia bằng hình ảnh mục tử thì rất đẹp, nhưng mô tả dân
Thiên Chúa như đoàn chiên thì không được đẹp lắm vì hình ảnh đoàn chiên gợi lên
ý tưởng một đám đông trong đó những cá nhân không có cá tính mà chỉ như một con
số bị mất hút trong đa số. Bởi thế trong đoạn Tin Mừng này Đức Giêsu cũng dùng
hình ảnh đoàn chiên nhưng Ngài làm nổi bật tính cá nhân riêng biệt của từng con
chiên: “Ta biết các chiên của ta và các chiên của Ta biết Ta” (c
14).
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
12
THÁNG NĂM
Mệnh
Lệnh Cuối Cùng
“Mọi
quyền hành trên trời và dưới đất đã được trao cho Thầy” (Mt 28, 18). Vào ngày
thứ bốn mươi sau phục sinh, sự sống mới nơi Đức Kitô biểu hiện chiều kích
thiêng liêng của nó vượt quá thời gian. Ngày Thăng Thiên, trọn vẹn uy quyền của
Đức Kitô Phục Sinh đã được mở ra cho thấy. Đó là “uy quyền trên trời và dưới đất”.
Sức mạnh và uy quyền đó, Đức Kitô đã có từ muôn thuở, vì Người là Con đồng bản
tính với Chúa Cha. Giê-su Na-da-rét, trong tư cách là một con người, đã chiến
thắng xuyên qua thập giá của Người; và Thiên Chúa Cha đã trao cho Người mọi quyền
uy và sức mạnh. Quyền hành ấy đến từ sức mạnh cứu độ.
Và
với quyền hành ấy, Đức Kitô đã trao cho các Tông Đồ mệnh lệnh cuối cùng của Người
trên dương thế: “Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm
phép Rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ
tuân giữ những điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi
ngày cho đến tận thế!” (Mt 28, 19 – 20). Sứ mạng của các Tông Đồ là rao giảng
Tin Mừng: “Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em” (Ga 20, 21).
Khi
chúng ta nghe những lời ấy, những lời chứa đầy sức mạnh cứu độ của Đức Kitô,
chúng ta nghĩ ngay đến Nhóm Mười Hai là những người đầu tiên đã nghe lệnh truyền
ấy.
Nhưng
chúng ta không thể tách rời mệnh lệnh này trong biến cố Thăng Thiên ra khỏi hoa
trái của nó trong đời sống Giáo Hội và trong lịch sử của các quốc gia và các
dân tộc. Hoa trái đó là sự cứu rỗi các linh hồn.
-
suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II -
Lm.
Lê Công Đức dịch
từ nguyên tác
LIFT
UP YOUR HEARTS
Daily
Meditations by Pope John Paul II
Lời Chúa Trong Gia
Đình
NGÀY 12-5
THÁNH NÊRÊÔ VÀ THÁNH
ACHILÊÔ, TỬ ĐẠO,
THÁNH PANCRATIÔ. TỬ ĐẠO
Cv 11, 1-18; Ga 10, 11-18.
LỜI SUY NIỆM: “Tôi chính là mục tử nhân lành. Mục tử nhân lành hy
sinh mạng sống mình cho đoàn chiên.”
Nhân loại đang sống như những
con chiên không người chăn dắt, không được ai gìn giữ, bảo vệ, săn sóc và nuôi
sống. Trên cùng một đồng cỏ chung: mạnh ai nấy thắng và chen chúc chà đạp lên
nhau, loại bỏ nhau, để chiếm đoạt của chung làm của riêng cho mình. Đưa con người
vào đường tội lỗi, nô lệ ma quỷ. Chúa Giêsu đến, Chúa tự giới thiệu với toàn thể
nhân loại: “Chúa là Mục Tử Nhân Lành”. “Mục Tử Nhân Lành hy sinh mạng sống mình
cho đoàn chiên”. Để mời gọi con người sum họp trong đoàn chiên của Chúa để Chúa
bảo vệ, nuôi sống; Điều này Chúa Giêsu đã thực hiện trọn vẹn, như lời Chúa đã hứa.
Lạy Chúa Giêsu. Đâu đâu,
trên khắp địa cầu này, vẫn đang cần, sự có mặt của những con người tận hiến đời
mình cho Chúa, cho Giáo Hội, và cho xã hội. Xin Chúa Thánh Hiến họ trong Danh
Cha, và cho gia đình chúng con biết hy sinh, cọng tác và cầu nguyện cho ơn gọi
này.
Mạnh
Phương
12
Tháng Năm
Danh Dự Cho Ai
Văn
sĩ Pháp Alexandre Piron qua đời năm 1773, thường có thói quen đi dạo trong khu
rừng Boulogne giữa thủ đô Paris. Một ngày nọ, ông ngồi nghỉ trên một ghế đá tựa
vào một bức tường.
Chỉ
một lát sau, ông ngạc nhiên vô cùng, vì trong đám đông những người đang đi dạo
trong khu rừng, một vài người đến gần ông, ngả nón chào. Cũng có một vài người
bái cả gối nữa. Nhà văn mỉm cười đáp lễ cảm tình mà khách qua lại dành cho ông.
Ông không ngờ rằng ông được nhiều người mến mộ đến như thế. Ông mong sao một số
bạn bè trong văn giới chứng kiến được cảnh tượng này để thấy được vinh quang mà
ông đã đạt được...
Nhà
văn đang say với bã vinh hoa thì chợt trong đám người đang bái chào ông, một
lão bà để lộ một thái độ khác thường. Cũng giống như mọi người khác, bà lão cúi
chào, rồi tiến đến gần ghế đá. Bà thì thầm nói trong miệng mà nhà văn không hiểu
được, rồi ngước mắt nhìn lên cao. Ngạc nhiên trước cử chỉ khác thường của bà
lão, nhà văn cũng đưa mắt nhìn lên cao phía trên tường. Lúc bấy giờ ông mới
khám phá ra rằng trên đầu ông có một tượng thánh giá... Thì ra, những người đi
dạo trong khu rừng Boulogne này dừng lại không phải để tỏ lòng mộ mến đối với
ông, mà chính là tỏ lòng cung kính đối với Chúa Giêsu trên thập giá.
Hổ
thẹn vì sự khám phá ấy, Alexandre Piron đứng dậy bỏ đi nơi khác.
Sở
dĩ Chúa Giêsu đã có thái độ gay gắt đối với những người biệt phái giả hình, là
bởi vì họ muốn chiếm đoạt chính Vinh dự của Thiên Chúa. Họ cũng giống như văn
sĩ Alexandre Piron trong câu chuyện trên đây: người ta đến bái chào Chúa Giêsu
trên thập giá, nhưng ông lại muốn dành cho mình vinh dự ấy. Những người biệt
phái giả hình cũng giống như con lừa mà Chúa Giêsu dùng để cưỡi vào thành
Giêrusalem. Giữa những tiếng reo hò dân chúng dành cho Chúa Giêsu, con lừa cứ
nghĩ rằng nó là một anh hùng oai phong lẫm liệt...
Khao
khát danh vọng, quyền bính là đam mê chung của mọi người. Ai cũng thích xuất hiện
trước công chúng, ai cũng thích được người đời ca tụng, ai cũng thích được phục
vụ. Một cách nào đó, người tham vọng không những dùng người khác như bàn đạp,
mà còn tước đoạt chính Vinh quang của Chúa...
Chúa
Giêsu là con người đã sống trọn vẹn cho tha nhân và do đó cũng quy mọi vinh dự
về cho Thiên Chúa. Thánh Phaolô đã nói với chúng ta rằng: là Thiên Chúa, Ngài
đã không đòi cho được đồng hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hủy bỏ mình đi để mặc
lấy thân phận con người và vâng phục cho đến chết.
Chúa
Giêsu đã vạch cho chúng ta con đường được sống trọn vẹn ơn gọi làm người: đó là
sống cho Thiên Chúa. Chỉ khi nào con người sống cho Thiên Chúa, thuộc về Thiên
Chúa trong tất cả mọi sự, con người mới đạt được chính cùng đích của mình. Sống
cho Thiên Chúa là luôn tìm thấy Thánh ý của Ngài, là hoạt động cho vinh quang của
Ngài, là trở thành khí cụ trong bàn tay của Ngài...
(Lẽ
Sống)
Thánh Nereus và thánh Achilleus
(thế kỷ I)
Hai ngài quăng vũ khí và
trốn ra khỏi trại, vứt bỏ áo giáp và gươm đao để mặc lấy đời sống mới trong Ðức
Kitô.
Những gì chúng ta biết về hai vị tử đạo của
thế kỷ thứ nhất là từ các lời chứng của Thánh Giáo Hoàng Damasus trong thế kỷ
thứ tư, và được ghi khắc trên tấm bia để tưởng nhớ hai ngài. Nhưng điều dẫn
giải này chỉ xảy ra sau cái chết của các ngài đến 300 năm.
Ðức Damasus kể rằng Nereus và Achilleus là
binh lính của đạo quân Rôma và nhiệm vụ của họ là bách hại người Kitô Giáo. Có
lẽ hai ngài chẳng có gì chống đối đạo và cũng không muốn đổ máu người vô tội,
nhưng họ tuân lệnh chỉ vì sợ chết. Nói cho cùng, đó là nhiệm vụ của một người
lính.
Chúng ta không rõ hai ngài đã trở lại đạo như
thế nào, chỉ biết đó là một "phép lạ đức tin." Sau phép lạ này, hai
ngài quăng vũ khí và trốn ra khỏi trại, vứt bỏ áo giáp và gươm đao để mặc lấy
đời sống mới trong Ðức Kitô. Vì đã từng là những kẻ bách hại, có lẽ các ngài
biết rõ hơn ai hết về sự đau khổ đang chờ đợi người Kitô. Tuy nhiên, đức tin đã
chiến thắng sự sợ hãi cái chết, và sự chiến thắng của đức tin là sự ngọt ngào
nhất mà các ngài chưa bao giờ được cảm nghiệm.
Chúng ta biết là các ngài đã tử đạo, nhưng Ðức
Damasus không cho biết chi tiết như thế nào. Sau này, truyền thuyết nói rằng
các ngài phục vụ dưới quyền bà Flavia Domitilla, là cháu gái của Hoàng Ðế
Domitian, và đã bị lưu đầy và bị hành quyết cùng với bà khi chính bà này trở
lại đạo. Truyền thuyết này có lẽ phát xuất từ sự kiện là hai ngài đã được chôn
cất trong một hầm mộ được gọi là nghĩa trang Domitilla.
Lời Bàn
Như trong trường hợp của các vị tử đạo tiên
khởi, Giáo Hội chỉ biết bám víu vào chút ký ức sơ sài giữa những dữ kiện mù mờ
của lịch sử. Nhưng đó là một khích lệ lớn lao cho tất cả Kitô Hữu khi biết rằng
chúng ta có một di sản quý báu. Những anh chị của chúng ta trong Ðức Kitô cũng
đã sống ở một thế giới giống như chúng ta -- chủ nghĩa quân phiệt, chủ nghĩa
vật chất, hung bạo và hoài nghi - tuy nhiên các ngài đã biến đổi tâm hồn nhờ sự
hiện diện của Ðấng Hằng Sống. Sự can đảm của chúng ta cũng được phấn khích bởi
các anh hùng liệt nữ, là những người đã ra đi trước chúng ta và đã được ghi dấu
đức tin nhờ mang lấy thương tích của Ðức Kitô.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét