Trang

Chủ Nhật, 11 tháng 5, 2014

XÉT MÌNH VỚI LUÂN LÝ TÂN ƯỚC

XÉT MÌNH VỚI LUÂN LÝ TÂN ƯỚC

Hoành Sơn
Từ xưa đến nay, tín hữu (giáo dân) xét mình là để xưng tội; tu sỹ và giáo sỹ còn xét mình hằng ngày để sửa khuyết điểm nữa. Xét mình, nhất là để xưng tội, người ta quen lấy “Mười điều răn Đức Chúa Trời và Sáu luật điều Hội thánh” mà xét.
Tại sao đã gọi “Luật điều Hội thánh”, mà không kêu “Luật Thiên Chúa” luôn? “Điều răn” hay Giới, Giới răn nói về điều phải tránh, chứ không điều phải giữ (gọi là Quy)[1]. Do đó, nếu bảo “kính mến một Đức Chúa Trời’ và “thảo kính cha mẹ” là giới hay răn, thì có nghĩa là”Cấm kính mến một ĐCT” và “Cấm thảo kính cha mẹ” đấy!
Ngoài ra, Mười luật (điều răn) Thiên Chúa nói trên mới chỉ là luật Cựu Ước, chứ chưa phải luật Tân Ước. Vậy nếu lấy luật CƯ mà xét mình, há chẳng thụt lùi hay sao? Cách đây hai ngàn năm, thánh Phaolô đã đấu tranh để chúng ta thoát khỏi luật lệ Do Thái giáo, mà nay chúng ta lại tự đánh mất thứ tự do ấy à?
Luật CƯ, luật xưa cũ rồi
Cứ việc giở Mt.5.21-48 thì rõ. Tuy ngay trước đấy, vì viết cho độc giả Do Thái, thánh Mathiêu đã trưng dẫn lời Thầy : “Đừng tưởng Ta đến hủy bỏ Luật và Ngôn sứ : Ta không đến bãi bỏ, nhưng kiện toàn” (Mt.5.17), nhưng rồi liền sau đó, Ngài liên tiếp đối lập luân lý của “người xưa” với quan điểm của Ngài. Chúa nói :”Anh em nghe nói với người xưa…Còn Thầy thì Thầy bảo cho anh em biết…”.  Vâng, Chúa không nhắc đến Maisen, mà đến người xưa, tức những cổ nhân (arkhaioi) nói chung, những người góp phần làm nên truyền thống luật lệ CƯ. Như thế, Chúa kiện toàn luật lệ ấy bằng cách đề ra một thứ luật lệ vượt cao hơn hẳn. Sau đây là sáu luật cũ chính yếu:
1-Không được giết người
2-Không được ngoại tình
3-Không được rẫy vợ
4-Đừng thề gian hay làm trái lời thề
5-Mắt đền mắt, răng đền răng
6-Yêu người thân cận và ghét (không yêu) kẻ thù
Không đối nghịch, nhưng vượt xa sáu luật ấy là sáu luật mà Chúa công bố:
1-Chỉ nóng giận hay chửi rủa người khác thôi, là đã có tội rồi
2-Mới ham muốn người khác phái trong lòng là đã có tội
3-Không được rẫy vợ cũng như không được lấy người vợ bị rẫy
4-Đừng thề, mà có sao nói vậy
5-Ai tát anh em má trái, hãy chìa thêm má phải
6-Hãy yêu kẻ thù và làm ơn cho kẻ làm hại mình
Xem như thế, luật TƯ đòi hỏi nhiều hơn, cao hơn, nhất là nhắm tâm hồn trước hết.
*
Thật ra, cái mà Công giáo Việt Nam gọi là Mười điều răn, cái ấy Cựu Ước gọi là Mười lời (deka-rêmata : Nhị luật 4.13; 10.4). Do đó Hy ngữ và La ngữ gọi là DECALOGOS, DECALOGUS (deka=mười, logos là lời). Mười luật hay lời ấy được ghi rõ trong Xuất hành 20.1-17 và Nhị luật 5.6-21. Có thể tóm tắt như sau:
1-không được thờ thần nào ngoài Ta, Thiên Chúa các ngươi
2-Không được tạc đúc tượng thần
3-Không được hơi tí thì kêu danh Thiên Chúa
4-Giữ và thánh hóa ngày sabbat
5-Hiếu thảo với cha mẹ
6-Không được giết người
7-Không được ngoại tình
8-Không được trộm cắp
9-Cấm làm chứng gian
10-Cấm tham của cải người khác
Xem như thế, luân lý CƯ không có gì cao hơn một số nền luân lý cùng thời, trừ khoản độc thần. Không ai chối cãi, ở một vài chỗ khác, thiết định CƯ cũng có những điểm thật hay. Như nếu cầm đồ, thì chiều đến phải trả lại áo khoác cho người cùng túng, để họ làm chăn mền đắp ấm qua đêm (Xh.22.25-26; Nl.24.13). Như trả lương thì không được khất đến ngày mai (Lv.19.13). Như cho vay thì không được lấy lãi (Xh.22.24). Thêm vào đấy, cứ bảy năm một lần, mọi công nợ đều xí xóa hết (Nl.15.1-2). Có điều, những luật đầy tinh thần bác ái này chỉ áp dụng cho người thân cận (plêsion), tức đồng bào, cũng là đồng tôn giáo luôn,  chứ với người ngoại thì không cần (Nl.15.3).
Và đây, luật Tin mừng hay luật Đức Kitô
Như đã thấy trong Mt.5.21-48, Chúa cấm những điều nhẹ hơn nhiều (chỉ chửi rủa đã có tội rồi, chứ chưa cần hại người, thậm chí giết người), buộc ngặt hơn (không chỉ cấm thề gian, mà còn buộc phải thành thật nữa), lại xét từ trong lòng xét ra (chỉ ham muốn người khác phái đã có tội, chứ chưa cần có hành vi ngoại tình hay gian dâm). Còn nói về lòng nhân, thì luật Chúa thật quá cao, do đó cũng thật khó giữ: Phải yêu thương hết mọi người, dù cho đây là người xa lạ (như người Samaritanô đối với Do Thái), thậm chí yêu kẻ thù, lại còn làm ơn cho kẻ hại mình nữa chứ!
Nói chung, luật TƯ là luật Tình yêu, khi mà chính Thiên Chúa là Tình yêu viết hoa (1Yo.4.8). Vì bản chất là Yêu, nên yêu loài người, Thiên Chúa đã yêu họ trước, ngay khi họ còn là tội nhân, là kẻ thù của Ngài. Yêu đến nỗi Ngài đã sai chính Con một giáng trần làm người để cứu ta bằng cái chết. Khai mở đạo Tình yêu, Ngài đã truyền lệnh cho chúng ta phải yêu thương nhau như Ngài đã yêu thương chúng ta (Yo.13.14), yêu đến có thể hy sinh mạng sống vì  người (Yo.15.13).
*
Quả thật, luật Chúa Kytô là một nền đạo đức quá cao, quá khác thường. Khác thường ngay từ Bài giảng trên núi vốn được đánh giá là bản Tuyên ngôn Nước Thiên Chúa:
-Phúc cho những ai nghèo khổ; phúc cho người khóc lóc, bị ghét bỏ, chửi rủa, chịu sỉ nhục, bách hại…(Mt.5.3-12; Lc.6.20-26).
Ai nấy, xưa cũng như nay, đều coi Phúc là ở “Đa tử, đa tôn, đa phú quý”,v.v…, chứ nghèo khổ, bị hà hiếp và sỉ nhục chỉ được coi là những điều bất lợi, không may thôi. Nên để thực sự hiểu con đường Chúa, không thể không lộn đầu đi ngược!
Phải chăng khó như thế thì không ai giữ nổi? Thật ra, với người phàm thì thế, chứ với (ơn) Chúa thì giữ chẳng khó chi (Mt.19.26). Bằng chứng là đời nào cũng có thánh Công giáo, mà có nhiều là khác. Mà thánh không chỉ là giữ được luật Chúa khi có khi không, hoặc giữ với những khuyết điểm, nhưng là giữ một cách hoàn hảo, thường hằng, nhất là tiến xa hơn luật vào con đường quảng đại của tình yêu. Đường Tình yêu chính là đường Tin mừng, đường mà Chúa khai mở cho hết mọi tín đồ chân thực của Chúa. Bởi được rửa (dìm) nhân danh Chúa đã là thành một với Thầy Giêsu trong mầu nhiệm Thánh giá và Phục sinh, như thánh Phaolô giải thích (Rom.6.3-14; Col.2.12). Thành một với Chúa trong mầu nhiệm kép ấy ở bề sâu, là để có thể sống hai mầu nhiệm ấy ở bề mặt. Sống được như vậy một cách hoàn hảo, đó là thánh. Và để thánh được như vậy chỉ cần sống theo Tin mừng, dựa vào sức đẩy của ân sủng, sự trợ lực của Chúa Thánh Thần. Đó cũng là làm hiển lộ Chúa Kytô trong đời sống, để ta có thể nói theo thánh Phaolô :“Tôi sống, mà không phải tôi sống nữa, nhưng Đức Kytô sống nơi tôi” (Gal.2.20).
Luật Đức Kitô hôm nay
Hồi đầu trong Giáo hội, người ta chỉ nhấn vào ba tội lớn và công khai : giết người, gian dâm và chối đạo. Người phạm một trong ba tội ấy sẽ bị “rút phép thông công” (như trong 1Cor.5.5), cùng lúc phải đền tội thật lâu và thật nặng trước khi được tiếp nhận lại vào ngày thứ Năm Tuần thánh. Sự giải vạ này sẽ không được lặp lại lần thứ hai nếu kẻ đó tái phạm.
Sau này, do ảnh hưởng cách làm của dân đảo Anh-Ái Nhĩ Lan (ở đó Hội thánh được quản trị bới các đan sỹ), phép hối giải trở thành tư riêng, được lặp đi lặp lại mãi, đồng thời mở ra đối với mọi tội, trừ những tội được dành riêng theo giáo luật. Thế mà vào thưở ấy, giáo sỹ không được đào tạo gì về thần học, nên phải sáng tác cho họ những bảng danh mục các thứ tội, kèm theo là cách xử lý cho mỗi loại như thế. Bảng danh mục ngày càng dài vì đi vào chi tiết cùng với những hoàn cảnh khác nhau. Cuối cùng xuất hiện những tập sách gọi là Sách đền giải (libri paenitentiales), rồi sách Tổng biên (Summa).
Kể từ thế kỷ XVI, khoa thần học luân lý ra đời, nhưng chủ yếu vẫn là nhằm giúp các cha giải tội, nên có tính giải mục (casuistique), nghĩa là phân loại tội và đề ra những cách xử lý. Mà tội thì chủ yếu vẫn là vi phạm Mười điều răn Thiên Chúa và Sáu luật điều Hội thánh; và đến khi có giáo luật rồi, thì còn dựa theo giáo luật nữa.
Phải đợi đến thế kỷ XIX, trường phái Đức quốc mới khởi xướng được một nền luân lý có tính Phúc âm hơn, và từ giữa những cố gắng ấy đã mọc lên bộ thần học luân lý nổi tiếng của B. Haring, gọi là “Luật Chúa Kytô” (La Loi du Christ)[2]. Việc thiết kế một nền luân lý học dựa vào Phúc âm và lương tâm mỗi người rồi sẽ phát triển mạnh sau khi được thúc đẩy bởi công đồng Vatican II, đặc biệt bởi hiến chế Dei Verbum số 24 và sắc lệnh Optatum totius số 16. Thần học luân lý không còn được soạn riêng cho linh mục giải tội, mà cho mọi kytô-hữu để họ “được nuôi dưỡng bởi Thánh kinh” hầu thấy rõ ơn gọi của họ là đưa hoa quả đức Ái vào trong thế giới. Với hướng đi thiêng liêng và cởi mở như thế, luân lý học Kytô-giáo đã được chắp cánh để ngày càng bay cao và đổi mới hoàn toàn.
Vâng, luân lý Kytô giáo không thể chỉ là một luân lý tự nhiên hay luân lý CƯ, dủ đôi khi luân lý tự nhiên có thể nhập cuộc, trám vào những chỗ Tân Ước xem ra không đả động tới. Thực ra, Chúa Kytô không soạn một bộ luật như các giáo tổ khác. Ngài chỉ mang tới những mệnh lệnh, cũng là một hướng đi, một tinh thần :
-Hãy nên toàn thiện (teleios) như Cha anh em trên Trời là Đấng toàn thiện (Mt.5.48).
-Hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em (Yo.13.14), v.v…
Thế nhưng toàn bộ Tin mừng lại cung cấp một toàn bộ những nguyên tắc và tiêu chuẩn để xây dựng một lối sống chính danh Kytô tính. Nhờ đó, những gì thuộc CƯ hay tự nhiên khi đưa vô phải được chế biến sao cho có hương vị và hướng đi Kytô tính ấy. Hướng đi, đó là hướng siêu thế và cánh chung, cũng là phải sống sao cho ngày càng nên một hơn với Chúa chịu chết và phục sinh vì sự cứu độ của thế giới. Nhờ đấy, sống như một Kytô hữu là sống với một lương tâm đã được nhào nặn lại trong thứ lương tri siêu nhiên này.
Nói tóm tắt, luân lý Tin mừng không phải là một bộ luật hoàn chỉnh cho bằng một Hương vị, một Hướng đi, một tinh thần. Do đó, nó sống động chứ không cứng nhắc, nó có thể thay đổiphần nào ở chi tiết tùy theo hoàn cảnh và lương tâm cá nhân, tùy theo vùng trời và thời đại. Chính vì thế mà gần đây, nhiều thần học gia đã khai mở những hướng đi mới cho luân lý Kytô giáo, như lấy kiểu mẫu sống là Đức Kytô, lấy đức Kytô làm chuẩn mực sống cụ thể cho bản thân mỗi người, hay thiết lập một nền đạo đức có tính Kytô-hướng (christocentrique),v.v… Nhất là rời bỏ cách suy tư nhấn vào luật lệ và càc loại hành vi, nhưng tập trung vào bản vị con người. Được thông điệp Veritatis splendor lưu ý về nguy cơ tương đối chủ nghĩa và khuynh hướng nghiêng về chủ quan của thế giới, nhiều nhà tư tưởng cố gắng dung hòa giữa khách thể (quy phạm khách quan và luật lệ) với chủ thể, giữa lý thuyết với thực hành, giữa truyền thống với văn hóa mới.[3]
Dù thế nào chăng nữa, con đường Chúa vạch ra cho chúng ta phải là con đường duy nhất của chúng ta.  Để hiểu con đường ấy, chúng ta cần đọc Tân ước theo cách thần độc (lectio divina), để thấm lấy giáo huấn của Chúa và ý nghĩa cuộc  đời Chúa. Vâng, Ngài đã vâng lời cho đến chết, đã đi vào sự chết để mở ra cho chúng ta con đường của sự sống mới. Đến lượt chúng ta cũng phải yêu nhau như Thầy yêu chúng ta, do đó biết hy sinh vì đồng loại của mình. Đấy phải là ý nghĩa của sống đạo Kytô giáo, phải là nền tảng của cả thần học luân lý lẫn thần học thiêng liêng.
Hiểu rồi, phải sống như mình đã hiểu. Mà sống thì trong cụ thể, từng phút giây phải đối mặt với những vần đề thiên hình vạn trạng, mỗi lúc mỗi khác. Cùng một quy phạm luân lý hay đạo đức, nhưng vận dụng vào những hoàn cảnh khác nhau như thế, không thể thiếu sự phân định (diakrisis, discernement)! Do đó, cầu nguyện và vấn tâm luôn là cần thiết cho những ai muốn sống theo Luật Đức Kytô.
Vấn tâm (xét mình) hôm nay

Vì đạo đức-luân lý Kytô giáo vượt xa trên đạo đức-luân lý CƯ và tự nhiên, lại vì sống Tin mừng không chỉ là tránh tội, mà còn là sống mầu nhiệm Thập giá-Phục sinh của Đức Kytô, nên xét mình không chỉ là rà soát giữa đống tội lớn nhỏ của mình, mà còn để xem mình đã sống Tin mừng ra sao, xem ý Chúa là gì trước mỗi lựa chọn. Có điều, không phải mọi Kytô hữu đều ngoan đạo cả, nên phải có những cách vấn tâm khác nhau cho những loại người khác nhau.
Một cách tổng quát, ít nhất có ba loại người như sau : loại (A) trong luyện đạo (voie purgative), còn đang vùng vẫy với tội lỗi khó tránh; loại (B) trong minh đạo (voie illuminative), vốn đang tiến đức rồi, nên chỉ cần tránh những khuyết điểm trên con đường sống Phúc âm; loại (C) đã tiến đức khá xa và sâu, nên chỉ cần tập trung vào sự hoàn thiện (perfectio), xem sống cách nào để nên giống Chúa hơn.[4]
Với loại (A), họ không thể không xét đến các tội “lòng lo, miệng nói, mình làm”. Có điều họ phải nhắm xa hơn về phía lý tưởng Tin mừng (tức cái Đáng lẽ phải thế), để sám hối, ăn năn.
Với loại (B), họ càng phải hướng về lý tưởng Tin mừng hơn nữa, để dễ nhìn ra những thiếu sót, không chỉ để ăn năn, mà còn để sửa mình cho tốt hơn.
Với loại (C), họ hãy bớt nghĩ về mình (dù là nghĩ về những thiếu sót của mình) để tập trung nhiều vào Chúa, cốt sao trở nên giống Chúa.
Vậy giờ đây, chúng ta có thể phác họa cho mỗi loại người một bản Xét mình thích hợp. Theo tôi, chỉ cần hai bản là đủ : một bản chung cho Luyện đạo và những ai đang Tiến đức; còn bản thứ hai chung cho những người đã tiến đức khá xa và những ai bắt đầu sống toàn thiện.
*
Sau đây là Bản vấn tâm thứ nhất (tạm phác cho những ai thuộc tình trạng (A) và (B)). Bản xét mình này dựa vào Bài giảng trên núi, cộng thêm bổn phận đối với Chúa và các đấng sinh thành. Lại ở mỗi mục, vừa có + cho hướng nhắm xa hơn, vừa có – cho lỗi lầm và thiếu sót.
XÉT MÌNH DÀNH CHO LUYỆN ĐẠO và MINH ĐẠO
VỚI CHÚA: “Thiên Chúa đã sai Thần Khí của Con vào lòng ta kêu lên Abba-Cha” (Gal.4.6).
+Thay vì kết hiệp với Chúa Giêsu mà yêu kính Cha trong Thánh Thần, yêu xứng đáng như một người con Cha,
-Hỏi tôi có lung lay về đức tin? Có trách móc Chúa khi gặp tai ương, khốn khổ? Có chọn danh lợi thay vì chọn Chúa và sự sống vĩnh cửu? Có dự thánh lễ ngày Chúa nhật và lễ trọng? Có bỏ xưng tội hằng năm và bỏ chịu lễ mùa Phục sinh? Có biếng nhác cầu nguyện và không ăn chay, kiêng thịt các ngày buộc?
VỚI NGƯỜI THÂN: “từ Ngài (Thiên Chúa Cha) mà có mọi phụ (mẫu) tính…” (Eph.3.15)
+Thay vì yêu kính đấng sinh thành và yêu thương người thân thích trong Thiên Chúa Cha,
-Hỏi tôi có bất hiếu với mẹ cha, thờ ơ với ông bà, ganh ghét với anh em và phản bội quê cha đất tổ? Hoặc có vì nể người thân mà không vâng lời Thiên Chúa?
NHỮNG BỔN PHẬN KHÁC (theo Bài giảng trên núi)
1-Phúc thay kẻ thanh bần
+Thay vì thanh bần ít là trong tinh thần, và năng cứu giúp kẻ cùng túng,
-Hỏi tôi có ham muốn những gì thuộc người khác, nhất là ăn gian, ăn trộm, ăn cướp?
2-Phúc thay kẻ hiền lành
+Thay vì hiền lành như con chiên bị đem đi giết và cầu phúc cho kẻ làm hại mình,
-Hỏi tôi có ghét, ghen, hận, ác độc, trả thù, tàn nhẫn…?
3-Phúc thay kẻ khóc lóc
+Thay vì sẵn lòng chịu khổ để cứu mình và cứu thế giới,
-Hỏi tôi có oán Trời, tuyệt vọng, làm liều?
4-Phúc thay kẻ khao khát điều công chính
+Thay vì cố sống toàn thiện như Cha trên Trời,
-Hỏi tôi có những tâm tình hèn hạ, đê tiện, gian tà, không xứng đáng với tư cách con Cha trong Đức Giêsu?
5-Phúc thay kẻ thương người
+Thay vì yêu thương mọi người như anh chị em trong Chúa,
-Hỏi tôi có bỏ không an ủi, giúp đỡ khi anh em cần đến? Hỏi tôi có thờ ơ đối với ích chung của xã hội và ít quan tâm đến các thế hệ mai sau, như trong vấn đề môi trường?
6-Phúc thay kẻ có tâm hồn trong trắng
+Thay vì sống trong sạch theo gương Chúa và Đức Mẹ,
-Hỏi tôi có rượu chè, cờ bạc, ma túy? Có ham mê nhục dục, nhất là ngoại tình, gian dâm?
7-Phúc thay kẻ gây hòa thuận
+Thay vì cư xử ôn hòa với người khác, và cố hòa giải những mâu thuẫn,
-Hỏi tôi có hay nóng giận, có gây thù chuốc oán, có “đổ dầu vào lửa” cho người ta sát phạt nhau?
8-Phúc thay kẻ bị bắt bớ vì điều công chính
+Thay vì sẵn sàng chịu thiệt để bênh vựa công lý và lẽ phải, bênh vực kẻ  thế cô và bị hà hiếp,
-Hỏi tôi có hèn nhát mà trốn tránh trách nhiệm, nhất là xu nịnh cường quyền?
VẤN TÂM CHUNG CHO TIẾN (đức)+ và THÀNH (hoàn thiện)
(tập trung vào Chúa hơn là vào bản thân)
Trước hết, họ nên xét xem biết bao ân huệ (cùng với tình thương yêu được biểu lộ trong đó) họ nhận được mỗi lúc từ Chúa, nhờ đó họ có thể tan ra trong nước mắt của tri ân.
Tiếp đến, họ hãy suy xét xem Chúa Giêsu đã sống thế nào, để cố sống nghèo, khổ và chịu khinh rẻ như Chúa.
Cuối cùng, họ hãy năng đi vào những uẩn khúc của nội tâm, tìm ra những thúc động (motion) ở đó, hầu phân định (discernere) đâu là ý Chúa để tuân tùng.
Thậr ra, với kẻ đã quen suy niệm và sống lý tưởng Phúc âm, họ sẵn có “sự xức dầu từ Chúa Thánh Thần” (1Yo.2.20), nghĩa là một “sống nghiệm huyền bí đức tin” do Tín-Vọng-Ái từ bề sâu đã sáng dần ra ở ý thức, nhờ đó một “nhạy cảm đức tin” sẽ giúp họ dễ nhận ra cái gì là hợp Tin mừng, cũng là hợp ý Chúa trong mỗi hoàn cảnh [5].
Có điều, trong những trường hợp đặc biệt và phức tạp, sự “xức dầu” bình thường ấy không mạnh đủ, nên đương sự phải đi vào cầu nguyện lâu giờ, lâu ngày, hầu có thể nhận được những thúc động mạnh hơn, những soi sáng rõ hơn, để rồi qua đánh giá vượng cảm (consolation) và suy cảm (désolation) họ tìm ra ý Chúa[6].
[1] Ấn giáo và Phật giáo quen nhấn vào Giới : Ngũ giới, Thập giới, Đại giới. Càng lên cao càng phải giữ nhiều cấm kỵ.
[2] Xx. Hoành sơn, Tìn lý tinh yếu, nxb Thành phố HCM, 1996, tr.648-651.
[3] Xx. Bulletin de théologie morale, trong Recherches de Science Religieuse, số 98/3 (2010), tr.392-395.
[4] (Thanh) Luyện đạo, Minh đạo, Hiệp đạo là cách phân chia theo Giả-Denys  Areopagos, tương ứng với của thánh Augustinus : (Đức Ái) Khởi (incipiens), Tiến (proficiens), Thành (perfectus)..
[5] Xx. Hoành sơn, Thần học thiêng liêng, nxb  Thành phố HCM, 1995,1996,1997, tr.746-747.
[6] Xx thêm Thần học thiêng liêng về Phân định thần căn, tr.398 vt.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét