23/08/2014
Thứ Bảy sau Chúa Nhật
20 Quanh Năm
Bài
Ðọc I: (Năm II) Ed 43, 1-7a
"Uy
nghi Chúa tiến vào đền thờ".
Trích
sách Tiên tri Êdêkiel.
Thiên
Thần dẫn tôi đến cửa phía đông. Và đây vinh quang Thiên Chúa Israel từ con đường
phía đông tiến vào: tiếng của Người như tiếng nước lũ, và địa cầu sáng rực uy
nghi của Người. Thị kiến mà tôi đã thấy giống như thị kiến trước kia tôi đã xem
thấy khi Người đến huỷ diệt thành phố, và như thị kiến tôi đã xem thấy gần sông
Côbar, nên tôi sấp mặt xuống đất. Uy nghi Chúa tiến vào đền thờ theo lối của hướng
đông. Thần Trí đỡ tôi lên, và dẫn tôi vào hành lang phía trong. Ðây ánh vinh
quang của Chúa tràn ngập đền thờ. Tôi đã nghe có người nói với tôi từ trong đền
thờ và người đứng gần bên tôi, bảo tôi rằng: "Hỡi con người, đây là nơi đặt
bệ ngai Ta, nơi Ta để chân, nơi Ta ngự giữa con cái Israel đến muôn đời".
Ðó
là lời Chúa.
Ðáp
Ca: Tv 84, 9ab-10. 11-12. 13-14
Ðáp: Vinh quang
Chúa ngự trị trong đất nước chúng tôi (x. c. 10b).
Xướng:
1) Tôi sẽ nghe Chúa là Thiên Chúa của tôi phán bảo điều chi? Chắc hẳn Người sẽ
phán bảo về sự bình an. Vâng, ơn cứu độ Chúa gần đến cho những ai tôn sợ Chúa,
để vinh quang Chúa ngự trị trong đất nước chúng tôi. - Ðáp.
2)
Lòng nhân hậu và trung thành gặp gỡ nhau, đức công minh và sự bình an hôn nhau
âu yếm. Từ mặt đất, đức trung thành sẽ nở ra, và đức công minh tự trời nhìn xuống.
- Ðáp.
3)
Vâng, Chúa sẽ ban cho mọi điều thiện hảo, và đất nước chúng tôi sẽ sinh bông
trái. Ðức công minh sẽ đi trước thiên nhan Chúa, và ơn cứu độ theo sau lốt bước
của Ngài. - Ðáp.
Alleluia:
x. Cv 16, 14b
Alleluia,
alleluia! - Lạy Chúa, xin hãy mở lòng chúng con, để chúng con nghe lời của Con
Chúa. - Alleluia.
Phúc
Âm: Mt 23, 1-12
"Họ
nói mà không làm".
Tin
Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi
ấy, Chúa Giêsu phán cùng dân chúng và các môn đệ rằng: "Các Luật sĩ và các
người biệt phái ngồi trên toà Môsê: vậy những gì họ nói với các ngươi, các
ngươi hãy làm và tuân giữ, nhưng đừng noi theo hành vi của họ: vì họ nói mà
không làm. Họ buộc những bó nặng và chất lên vai người ta: còn chính họ lại
không muốn giơ ngón tay lay thử. Mọi công việc họ làm đều có ý cho người ta thấy:
vì thế họ nới rộng thẻ kinh, may dài tua áo. Họ muốn được chỗ nhất trong đám tiệc
và ghế đầu trong hội đường, ưa được bái chào nơi đường phố và được người ta
xưng hô là "Thầy". Phần các ngươi, các ngươi đừng muốn được người ta
gọi là "Thầy", vì các ngươi chỉ có một Thầy, còn tất cả các ngươi đều
là anh em với nhau. Và các ngươi cũng đừng gọi ai dưới đất là "cha",
vì các ngươi chỉ có một Cha, Người ngự trên trời. Các ngươi cũng đừng bắt người
ta gọi là "người chỉ đạo": vì các ngươi có một người chỉ đạo, đó là Ðức
Kitô. Trong các ngươi ai quyền thế hơn sẽ là người phục vụ các ngươi. Hễ ai tự
nhắc mình lên, sẽ bị hạ xuống, và ai tự hạ mình xuống, sẽ được nâng lên".
Ðó
là lời Chúa.
Suy
Niệm:
Ðề
phòng thái độ giả hình
Theo
các văn thư của Ðức Giáo Hoàng Innocentê để lại, thì thời của Ngài, tức thế kỷ
12, là một trong những thời kỳ suy thoái nhất của giáo huấn về đức tin và luân
lý: tệ đoan lan tràn khắp nơi, các phe phái quá khích nổi lên, nhiều người phê
bình chỉ trích các vị lãnh đạo Giáo Hội vì cuộc sống phản chứng của các ngài.
Lúc đó thánh Phanxicô Assisiô xuất hiện, ngài không chỉ trích ai, nhưng ý thức
rằng kẻ phải ăn năn sám hối trước tiên là chính ngài; ngài không khoe khoang,
không tham lam, không giả hình, nhưng cố gắng sống đạo một cách nghiêm túc;
ngài đi cho đến tận cùng trọng cuộc sống nghèo khó, bác ái, phục vụ, khoan
dung. Lý tưởng của thánh Phanxicô chẳng mấy chốc đã được nhiều người chia sẻ,
Giáo Hội được hồi sinh, nhiều tâm hồn được đổi mới, mùa xuân thiêng liêng được
nở rộ nhiều thế kỷ liên tiếp.
Trong
giai đoạn hiện nay, mẫu gương của thánh Phanxicô Assisiô thôi thúc chúng ta hơn
bao giờ hết.
Tin
Mừng hôm nay không phải là một bản án trút xuống một vài thành phần nào đó
trong Giáo Hội, mà phải là một lời mời gọi sám hối cho mọi người. Quả thật,
Chúa Giêsu không chỉ kết án thái độ giả hình của những biệt phái, mà còn kêu gọi
mọi người hãy đề phòng thái độ giả hình ấy. Giả hình là căn bệnh chung của tất
cả những ai mang danh Kitô. Thật thế, nếu giả hình là tách biệt giữa niềm tin
và cuộc sống, thì có ai trong chúng ta dám tự phụ mình không rơi vào một thái độ
như thế? Giả hình vẫn là cơn cám dỗ cơ bản và triền miên trong cuộc sống người
Kitô hữu. Khi căn tính Kitô chỉ là một danh xưng mà không được thể hiện trong
cuộc sống hàng ngày, khi sinh hoạt tôn giáo chỉ đóng khung trong bốn bức tường
nhà thờ, khi lòng đạo đức được thúc đẩy bởi khoe khoang, tự phụ, khi cuộc sống
đạo không là lối sống về niềm tin, mà là trở ngại cho nhiều người đến với Chúa
và Giáo Hội, phải chăng đó không là một cuộc sống giả hình?
Câu
hỏi mà chúng ta không ngừng đặt ra là cuộc sống đạo của tôi có thực sự là một
đóng góp vào việc cải tạo một xã hội đang băng hoại về đạo đức và những giá trị
tinh thần không? Giáo Hội mà tôi là thành phần, có xứng đáng là điểm tựa đạo đức
cho nhiều người không?
Xin
Chúa soi sáng hướng dẫn chúng ta để chúng ta không ngừng nhìn lại bản thân và
nhận ra những thiếu sót lầm lỡ trong cuộc sống đạo, ngõ hầu từ đó chúng ta quyết
tâm vươn lên mỗi ngày trên đường theo Chúa.
Veritas Asia
Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Bảy Tuần 20 TN2
Bài đọc: Eze 43:1-7; Mt
23:1-12.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Giá trị bên trong
thay vì hào nhoáng bên ngoài.
Chúa
luôn đòi con người chú trọng đến đời sống tinh thần bên trong hơn là những nghi
thức hoành tráng bên ngòai; đến mối liên hệ sâu đậm với Thiên Chúa và giữ các
điều răn của Ngài hơn là những danh xưng hào nhoáng và giữ các tập tục của con
người.
Các
Bài đọc hôm nay lại một lần nữa dạy con người những nguyên tắc căn bản trên.
Trong bài đọc I, ngôn sứ Ezekiel nhắc nhở cho con cái Israel sự hiện diện của
Thiên Chúa trong Đền Thờ, để họ đừng làm cho Đền Thờ ra ô uế như vua chúa và
các tiền nhân của họ. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu khuyên dân chúng chú trọng đến
đạo lý các kinh sư và biệt phái dạy họ; nhưng đừng làm những gì họ làm, vì họ
không thực hành những điều họ dạy.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/
Bài đọc I:
Vinh quang của Thiên Chúa trở lại bao phủ Đền Thờ.
1.1/
Đền Thờ sẽ được xây dựng lại sau thời lưu đày: Như lời Chúa đã tuyên sấm
qua các tiên tri (Isaiah, Micah, Jeremiah, Ezekiel), Chúa tạo cơ hội cho Israel
được hồi hương sau những năm tháng lưu đày. Điều quan trọng hàng đầu là cho họ
có cơ hội xây dựng lại Đền Thờ, nơi Thiên Chúa sẽ cư ngụ giữa họ để dạy dỗ và
che chở họ. Trong quá khứ, Israel đã vấp phạm hai lỗi lầm quan trọng: (1) quá để
ý đến Đền Thờ mà quên đi sự hiện diện của Thiên Chúa ở giữa họ, và (2) quá để ý
đến những nghi lễ bên ngoài mà quên đi việc thực thi hai giới răn công bằng và
bác ái.
Thị
kiến hôm nay nhắc nhở cho họ biết Đền Thờ sẽ chỉ là cái vỏ vô nghĩa bên ngoài nếu
không có sự hiện diện của Thiên Chúa. Một khi không còn sự hiện diện của Thiên
Chúa, Đền Thờ cũng chẳng khác chi các dinh thự khác. Tiên tri cho biết thị kiến
ông nhìn thấy vinh quang của Chúa xuất hiện và bao trùm Đền Thờ hôm nay cũng giống
như thị kiến ông đã thấy khi Người đến để huỷ diệt thành, thị kiến ông đã thấy
bên sông Chebar.
1.2/
Sự hiện diện của Thiên Chúa trong Đền Thờ mới: Một khi Đền Thờ đã
hoàn tất, cần có sự hiện diện của Thiên Chúa trong Đền Thờ. Tiên tri Ezekiel bảo
đảm điều này khi ông nhìn thấy vinh quang của Thiên Chúa từ trời ngự xuống trên
ngai Cherubim, qua cổng phía đông và ở lại trong Đền Thờ; và lời Thiên Chúa
phán với ông: “Hỡi con người, đây là nơi Ta đặt ngai của Ta, đây là nơi Ta đặt
các bàn chân của Ta. Ta sẽ ngự tại đây, giữa con cái Israel, cho đến muôn đời.
Nhà Israel, cả chúng lẫn các vua của chúng, sẽ không còn làm ô uế danh thánh của
Ta vì những sự đàng điếm và xác chết các vua của chúng nữa.”
2/
Phúc Âm:
Nghe nhưng đừng làm.
2.1/
Giá trị giới hạn của kiến thức suông: Tục ngữ Việt-Nam dạy: “Lời nói lung lay, gương bày
lôi kéo.” Lời nói có thể chỉ cho con người biết điều đúng sai, nhưng gương sáng
có sức hấp dẫn để người khác làm theo như vậy. Người lãnh đạo hoàn hảo là người
biết dùng cả lời nói lẫn hành động để hướng dẫn những người dưới quyền mình làm
theo những gì họ muốn. Tuy nhiên, nếu không tìm thấy một người lãnh đạo hoàn
toàn như thế, người lãnh đạo chỉ bằng lời nói cũng có thế giá giới hạn của họ
như Chúa Giêsu đã công nhận hôm nay. Người nói với dân chúng và các môn đệ Người
rằng: "Các kinh sư và các người Pharisees ngồi trên toà ông Moses mà giảng
dạy. Vậy, tất cả những gì họ nói, anh em hãy làm, hãy giữ, còn những việc họ
làm, thì đừng có làm theo, vì họ nói mà không làm.”
2.2/
Những tật xấu của các luật-sĩ và Pharisees: Chúa Giêsu tố cáo họ những điều sau:
(1)
Họ là những người làm luật và kiểm soát những người lỗi phạm luật; vì thế họ đặt ra
rất nhiều luật đến độ quá chi li không cần thiết, chẳng hạn cách thức rửa tay
trước khi ăn hay đóng thuế thập phân những lá cây như bạc hà. Chúa buộc tội: “Họ
bó những gánh nặng mà chất lên vai người ta, nhưng chính họ thì lại không buồn
động ngón tay vào.”
(2)
Họ làm việc cốt để cho thiên hạ thấy: Tất cả những việc đạo đức họ làm không vì Thiên
Chúa, nhưng để cho người đời trông thấy để khen ngợi họ. Tuy việc đeo hộp kinh
và mang tua áo trong khi cầu nguyện là việc luật buộc phải làm để nhắc nhở họ
phải không ngừng nhớ tới Thiên Chúa là Chúa của họ (hộp kinh: Exo 13:16, x/c
Deut 6:8, 11:18; tua áo: Num 15:37-41, Deut 22:12); nhưng để kéo sự chú ý của
người khác, họ thi nhau làm những hộp kinh lớn hơn và đeo những tua áo dài hơn.
(3)
Họ ưa ngồi cỗ nhất trong đám tiệc, chiếm hàng ghế đầu trong hội đường: Trong các đám tiệc,
chỗ nào quan trọng nhất là chỗ của họ, chẳng hạn ngồi bên trái hay phải của chủ
nhà hay cùng bàn với những nhân vật quan trọng. Trong hội đường Do-thái, những
ghế trên đầu là những ghế dành cho những người già cả và vị vọng. Họ muốn những
ghế này để tỏ cho thiên hạ biết mình quan trọng và chú ý tới cách ăn mặc của họ
cũng như các việc họ làm.
(4)
Họ thích được người ta chào hỏi ở những nơi công cộng và được thiên hạ gọi là
“rabbi.” Người
luật sĩ và Pharisees quan niệm dân chúng phải đối xử với họ như những công dân
bậc nhất, hơn cả cha mẹ, vì cha mẹ chỉ có công về phần xác; trong khi họ có
công về phần tinh thần và tinh thần quan trọng hơn thân xác.
Tại
sao Chúa Giêsu ngăn cấm không cho các môn đệ gọi ai là "rabbi,"
“cha,” hay “người lãnh đạo”? Ở đây Chúa muốn nhắc nhở cho các môn đệ đừng tôn
thờ ai như thần tượng của mình để bắt chước họ ngòai một mình Thiên Chúa. Sau
cùng, Chúa nhắc nhở con người về tiêu chuẩn đánh giá trị của Thiên Chúa: “Trong
anh em, người làm lớn hơn cả, phải làm người phục vụ anh em. Ai tôn mình lên, sẽ
bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống, sẽ được tôn lên.”
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
-
Đền thờ hay thánh đường là nơi Thiên Chúa ngự; mỗi khi đến những nơi đó chúng
ta cần có thái độ cung kính và khiêm nhường để học hỏi và cầu nguyện với Chúa.
Đó không phải là nơi phô trương các việc đạo đức hay tài năng cho người khác
nhìn thấy để bái phục và khen thưởng; càng không phải là nơi để trình diễn thân
thể hay thời trang làm chia trí người khác.
-
Chúng ta có lý do để không theo những nhà lãnh đạo bằng miệng, nhưng những kiến
thức của họ tự nó cũng có giá trị. Vì thế, chúng ta nên theo những gì họ nói mà
không làm theo những gì họ làm.
-
Thân xác con người là đền thờ của Thiên Chúa, chúng ta cần phải chú trọng đến sự
hiện diện của Chúa trong tâm hồn và biết quí những nét đẹp và giá trị bên trong
thay vì những hào nhoáng và các giá trị bên ngoài.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
HẠT GIỐNG NẨY MẦM - MÙA QUANH NĂM - TUẦN 20
Mt 23,1-12
A. Hạt giống...
Chúa Giêsu nói với các môn đệ Ngài về các luật sĩ
và biệt phái :
1. Vì họ “ngồi tòa Môsê”, nghĩa là nắm quyền
giảng dạy, cho nên “những gì họ nói, các con hãy làm và tuân giữ”.
2. “Nhưng dừng noi theo hành vi của họ, vì họ nói
mà không làm”. Những gương xấu của họ là :
- Ra luật cho người khác giữ, còn bản thân không
giữ.
- Làm những việc đạo đức chỉ cốt cho người ta
thấy mà khen.
- Ham danh vọng : ngồi chỗ nhất, thích được chào
nơi công cộng, thích được gọi là Rabbi.
B.... nẩy mầm.
1. Hầu hết những lời Chúa Giêsu kết án các biệt
phái ngày xưa đều đúng cho tôi ngày nay :
- Trong cương vị lãnh đạo, phải chăng tôi cũng
thường “chỉ tay năm ngón”, bảo người khác làm còn mình thì không làm ?
- Đạo đức bề ngoài : người ta tưởng tôi đạo đức,
nhưng trước mặt Chúa tôi có đạo đức thật không ?
- Tôi cũng ham danh vọng và địa vị ?
2. “Tất cả chúng con đều là anh em với nhau” :
người có quyền và người không có quyền, người bề trên và người bề dưới cũng đều
ngang nhau trước mặt Chúa. Quyền và chức chỉ là những phương tiện để phục vụ
anh em. “Trong chúng con, ai quyền thế hơn sẽ là người phục vụ chúng con”.
3. “Ai tự nhắc mình lên sẽ bị hạ xuống, và ai tự
hạ mình xuống sẽ được nâng lên” : các động từ ở thể thụ động “bị hạ xuống” và
“được nâng lên” ám chỉ kẻ hạ xuống và nâng lên là chính Thiên Chúa. Đã đành ai
ai cũng ghét kẻ kiêu căng và mến người khiêm tốn. Nhưng quan trọng hơn nữa là
chính Thiên Chúa cũng hạ kẻ kiêu căng và nâng cao người khiêm tốn.
4. Vào thế kỷ thứ 12, tệ đoan lan tràn khắp nơi,
các phe phái quá khích nổi lên, nhiều người phê bình chỉ trích các nhà lãnh đạo
Giáo Hội vì cuộc sống phản chứng của các ngài. Lúc đó Thánh Phanxicô Assisiô
xuất hiện. Ngài không chỉ trích ai, nhưng ý thức rằng kẻ phải ăn năn sám hối
trước tiên là chính ngài. Ngài không khoe khoang, không tham lam, không giả
hình, nhưng cố gắng sống nghèo khó, bác ái, phục vụ, khoan dung. Lý tưởng của
thánh Phanxicô chẳng mấy chốc đã được nhiều người chia sẻ. Giáo Hội được hồi
sinh, nhiều tâm hồn được đổi mới, mùa xuân thiêng liêng được nở rộ nhiều thế kỷ
liên tiếp. ("Mỗi ngày một tin vui")
Lm.Carolo HỒ BẶC XÁI – Gp. Cần Thơ
23/08/14 THỨ BẢY TUẦN 20 TN
Th. Rô-xa Li-ma, trinh nữ
Mt 23,1-12
Th. Rô-xa Li-ma, trinh nữ
Mt 23,1-12
Suy niệm: Chúa Giê-su thật sự đã làm một cuộc “cách
mạng” khi thay đổi cách nhìn thông thường của người đời về vai trò của những
“người làm lớn”. Đối với Ngài, người được cất nhắc lên một chức vụ cao, không
phải là để cai trị, không phải để được người khác phục vụ, nhưng là để phục vụ
người khác. Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta, đã trở nên gương mẫu cho mọi người
về tinh thần phục vụ mà Ngài rao giảng. Dù là Con Thiên Chúa, Ngài đã sẵn lòng
đến sống và phục vụ con người trần thế cho đến giây phút cuối cùng. Không chỉ
phục vụ bằng việc rao giảng, chữa lành bệnh tật, Chúa Giê-su còn trao chính
thân mình để đem lại ơn cứu độ cho mọi người mà Chúa Cha đã trao phó cho Ngài.
Thật như Ngài đã nói: “Con
Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến
mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Mc 10,45).
Mời Bạn: Giữa
cảnh đời ganh đua, tìm kiếm lợi lộc, thì tinh thần phục vụ, hơn lúc nào hết,
trở nên một thách đố lớn cho người Ki-tô chúng ta. Hôm nay, bạn và tôi được mời
gọi làm chứng cho Chúa giữa lòng đời bằng đời sống quên mình phục vụ anh chị em
mình, không tính toán, so đo hơn thiệt.
Chia sẻ: Bạn
nghĩ thế nào về tinh thần phục vụ mà Chúa dạy chúng ta hôm nay? Đâu là cảm
nghiệm của bạn khi phục vụ người khác?
Sống Lời Chúa: Làm
một việc nhỏ bé mỗi ngày để giúp đỡ người bên cạnh ta.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa đã dạy chúng con phải biết hy sinh phục vụ
anh chị em đồng loại. Xin giúp chúng con thực thi Lời Chúa dạy mỗi ngày trong
suốt cuộc đời. Amen.
Là anh em với nhau
Có những đoạn Tin Mừng làm chúng ta nhức nhối, vì
mở cho chúng ta những chân trời xa, cho chúng ta thấy những điều cần làm, phải
làm, nhưng chưa làm.
Suy niệm:
Nửa sau của bài Tin Mừng hôm
nay
có thể làm chúng ta bị sốc.
Ðức Giêsu bảo ta đừng để ai
gọi mình là thầy,
vì chỉ có một Thầy, một vị
lãnh đạo là chính Ngài;
cũng đừng gọi ai là cha,
vì chỉ có một Cha là Thiên
Chúa trên trời.
Vậy mà chúng ta vẫn gọi
nhiều vị trong Hội Thánh
là cha, là Ðức Thánh Cha,
là giáo phụ, thượng phụ,
viện phụ...
Chúng ta có làm sai lời Chúa
dạy không?
Ta có phải hiểu theo nghĩa
đen lời của Ðức Giêsu không?
Hội Thánh sơ khai đã không
hề hiểu theo nghĩa đen.
Thánh Phaolô đã coi mình là
cha sinh ra các tín hữu,
đã gọi họ là con (1Cr
4,14-17; Gl 4,19).
Hội Thánh cũng có những thầy
dạy (Cv 13,1; 1Cr 12,28),
và những vị lãnh đạo (Cv
15,22; Rm 12,8)
Vậy đâu là điều Ðức Giêsu
muốn nhắn nhủ chúng ta?
Chắc chắn Ngài không hề muốn
phá bỏ
những cơ cấu cần thiết cho
thân thể Hội Thánh,
Ngài cũng không loại bỏ phẩm
trật và quyền hành.
Ngài chỉ muốn chúng ta đừng
quên:
mọi quyền bính trong Hội
Thánh
đều bắt nguồn từ Thiên Chúa
và phải quy về Thiên Chúa.
Nếu có ai làm thầy, làm
người lãnh đạo,
thì vì họ được chia sẻ quyền
làm Thầy của Ðức Giêsu.
Nếu họ được gọi là cha,
thì vì họ được chia sẻ quyền
làm Cha của Thiên Chúa.
Dù có chức vụ hay chức vị gì
trong Hội Thánh,
tôi cũng không được quên
chân lý này:
còn tất cả anh em đều là anh
em với nhau,
con một Cha trên trời.
Chỉ có một vị Thầy là
Ðức Giêsu.
Nhưng Thầy Giêsu lại sống
như bạn của các môn đệ,
như anh em với
họ (Ga 15,14; Mt 12,49-50),
và nhất là như tôi
tớ phục vụ họ (Mt 20,28).
Ðức Giêsu mãi mãi là gương
cho các nhà lãnh đạo.
Quyền lãnh đạo chính là để
phục vụ con người.
Phần đầu của bài Tin Mừng
cho thấy sự giả hình
của một số người pharisêu,
có quyền giảng dạy Lề Luật.
Giả hình là không làm điều
mình dạy người khác,
là dễ dãi với chính mình,
nhưng khắt khe với tha nhân.
Giả hình là biến việc thờ
phượng Chúa thành thờ mình,
làm việc tốt để người ta
thấy và thán phục.
Khi nhìn khuôn mặt của người
pharisêu giả hình,
tôi thấy tôi: háo danh, khoa
trương, ích kỷ,
dám “đốc” chứ không dám
làm...
Có những đoạn Tin Mừng làm
chúng ta nhức nhối,
vì mở cho chúng ta những
chân trời xa,
cho chúng ta thấy những điều
cần làm, phải làm,
nhưng chưa làm.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu,
khi đến với nhau,
chúng con thường mang những mặt nạ.
Chúng con sợ người khác thấy sự thật về mình.
Chúng con cố giữ uy tín cho bộ mặt
dù đó chỉ là chiếc mặt nạ giả dối.
Khi đến với Chúa,
chúng con cũng thường mang mặt nạ.
Có những hành vi đạo đức bên ngoài
để che giấu cái trống rỗng bên trong.
Có những lời kinh đọc trên môi,
nhưng không có chỗ trong tâm hồn,
và ngược hẳn với cuộc sống thực tế.
Lạy Chúa Giêsu,
chúng con cũng thường ngắm mình trong gương,
tự ru ngủ và đánh lừa mình,
mãn nguyện với cái mặt nạ vừa vặn.
Xin giúp chúng con cởi bỏ mọi thứ mặt nạ,
đã ăn sâu vào da thịt chúng con,
để chúng con thôi đánh lừa nhau,
đánh lừa Chúa và chính mình.
Ước gì chúng con xây dựng bầu khí chân thành,
để chúng con được lớn lên trong bình an.
Lm Antôn Nguyễn Cao
Siêu, SJ
Suy
niệm
Có lẽ
trong Kinh Thánh không có nơi nào mà Chúa Giêsu lên án thứ tôn giáo
khiến người ta cảm thấy nặng nề cho bằng đoạn này. Quả thật Chúa
Giêsu đã nói đến các kinh sư và Pharisêu: “Bó những gánh nặng chất
lên vai người ta, nhưng chính họ thì lại không buồn động ngón tay vào”. Ngài không kêu người ta chống đối lại những
người lãnh đạo. Ngài vẫn bắt buộc người ta tin vào những chân lý mà
các kinh sư và Pharisêu nhân danh Chúa để giảng dạy: “Tất cả những
gì họ nói, anh em hãy làm, hãy giữ”. Nhưng thật khốn khổ cho
những người lãnh đạo giới thiệu cho người khác một thứ tôn giáo trở
thành gánh nặng cho cuộc đời họ. Nghĩa là ngoài những luật lệ
chính yếu của Thiên Chúa, họ còn đặt ra những thứ luật lệ mà ngay
cả bản thân họ cũng không giữ nổi. Điều chính yếu trong luật lệ của
Thiên Chúa là giới luật yêu thương. Thiên Chúa đã yêu thương con người
đến tuyệt đối. Ngài muốn họ được bay bổng lên tới thiên đàng. Còn
các kinh sư và Pharisêu thì làm cho họ phải mang lấy những gánh nặng.
Cũng không có nơi nào mà
Chúa Giêsu lên án sự phô trương và sự kiêu ngạo trong tôn giáo cho bằng
nơi này. Chúa Giêsu nói các kinh sư không lo giữ những điều chính yếu,
mà thích làm quá nhiều những chuyện lặt vặt để cho người khác nhìn
thấy và khen ngợi họ. Hơn thế nữa, khi họ làm những thứ lặt vặt
đó, họ tưởng mình đã thành thánh nên sinh ra thói kiêu ngạo xem người
khác chẳng ra gì.
Lạy Chúa, qua đoạn Tin
Mừng hôm nay xin cho con biết phân biệt đâu là điều chính yếu, đâu là
điều phụ thuộc, để con chỉ chuyên chăm đến những chuyện quan trọng,
còn những chuyện lặt vặt biết bỏ qua để đời sống đức tin của con
trở nên nhẹ nhàng. Trong ngày giữ chay, kiêng thịt, con quá quan tâm
đến việc được ăn con vật nào mà quên đi việc chính yếu của giữ chay
và kiêng thịt là làm chủ bản thân, hy sinh, hãm mình, khước từ những
vui thú, hấp dẫn… Việc chính yếu của ngày Chúa Nhật là cùng với
anh chị em mình thờ phượng Chúa, theo những quy định của Giáo hội đã
đặt ra cho con cái mình. Nhưng con chỉ quan tâm đến việc làm sao tôi có
đến nhà thờ, ngồi đâu cũng được, làm gì cũng không sao, miễn là có
đến và có về cho yên lương tâm… Những lúc đó rõ ràng đạo không làm
cho con thoải mái, ngược làm còn làm cho con cảm thấy nặng nề.
Cũng xin cho con đừng quan
tâm đến việc làm cho người khác thấy, làm càng nhiều càng tốt,
người khác thấy càng nhiều càng hay. Kitô giáo không phải là tôn giáo
của sự phô trương, mà là tôn giáo của tình yêu thương. Vì vậy con
không được phép dùng những nghèo để phô trương sự bố thí của con. Con
không được phép dùng những việc đạo đức để phô trương lòng đạo của
con….
Trên hết mọi sự xin cho
con một tình yêu mến.
Lm. Thiện Duy
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
23 THÁNG TÁM
Chúng Ta Đang Ở Giữa Một Trận
Chiến
“Như lời Chúa phán (Mt 24,13), cả lịch sử
nhân loại là một trận chiến cam go chống lại quyền lực bóng tối, khời đầu từ
khi thế giới khai nguyên và sẽ kéo dài đến ngày cuối cùng. Dấn thân vào cuộc
chiến này, con người phải luôn luôn chiến đấu để gắn bó với sự thiện và chỉ tìm
được sự thống nhất trong chính mình sau khi hết sức cố gắng với sự trợ giúp của
ơn Chúa” (MV 37).
Chúng ta có thể kết luận rằng mặc dù không
được đồng hóa sự phát triển của Nước Thiên Chúa với sự phát triển và tiến bộ thế
tục, song quả thực rằng Nước Thiên Chúa có mặt ngay nơi thế giới và, nhất là,
nơi con người sống và hoạt động trong thế giới. Người Kitôhữu biết rằng xuyên
qua những nỗ lực của chính mình cùng với sự giúp đỡ của ơn Chúa, mình đang làm
cho Nước Thiên Chúa trở thành hiện thực. Công việc của mọi Kitôhữu dẫn đến sự
hoàn thành của mọi sự trong Đức Kitô, theo kế hoạch quan phòng của Thiên Chúa.
-
suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II -
Lm.
Lê Công Đức dịch
từ nguyên tác
LIFT
UP YOUR HEARTS
Daily
Meditations by Pope John Paul II
Lời Chúa Trong Gia
Đình
Ngày
23-8
Thánh
Rôsa Lima, Trinh nữ
Ed
43, 1-7a; Mt 23, 1-12.
LỜI
SUY NIỆM: “Trong anh em, người làm lớn hơn cả, phải là người phục vụ
anh em”
Kinh
sư và người Pharisêu họ sống chuộng hình thức bên ngoài, họ biến tôn giáo thành
mọt gánh nặng cho con người, và muốn biến tôn giáo thành những gì là phô
trương; họ đánh mất mục đích của Tôn giáo là đưa con người tiến gần đến với
Thiên Chúa để được sống hạnh phúc với Ngài.
Lạy
Chúa Giêsu, Chúa đã đưa ra một nguyên tắc quan trọng và cần thiết cho tất cả những
ai trong vai trò lãnh đạo. Xin Chúa ban cho mọi người trong gia đình chúng con
luôn học tập và làm quen hai phẩm chất yêu thương và phục vụ khi sống với nhau.
Mạnh
Phương
Gương Thánh Nhân
Ngày
23-8
Thánh
ROSA LIMA
Đồng
Trinh (1586 - 1617)
Có
những vị thánh chỉ đáng cho chúng ta thán phục hơn là bắt chước. Thánh Rosa thuộc
loại này. Chúng ta tôn kính và thán phục sự thánh thiện của Ngài nhưng không phải
tìm cách bắt chước theo đường lối Ngài đã theo để nên thánh. Thánh Rosa chính
là người đầu tiên ở tân thế giới được phong thánh. Ngài trở nên quan trọng vì
chứng tỏ rằng giữa sự bất công và phi nhân dính liền với cuộc chinh phục Mỹ
Châu của người Tây Ban Nha. Men Kitô giáo vẫn hoạt động.
Rosa
sinh tại Lima nước Peru năm 1568. Cha mẹ Ngài, ông Caspar del Flores và Maria
del Oliva đặt tên cho Ngài là Isabelle. Nhưng vì sắc đẹp của Ngài, người ta gọi
Ngài bằng tên một loài hoa Rosa. Khi đến tuổi có trí khôn thánh nữ đã muốn được
gọi là Rosa Maria, để tỏ lòng tôn sùng Đức Trinh Nữ. Ngài còn có lòng yêu mến đặc
biệt thánh nữ Catarina Siena và can đảm bắt chước vị thánh này vì lòng yêu mến
sống thinh lặng, hãm mình cũng như chuyên chăm cầu nguyện. Dường như được ơn
Chúa gìn giữ đặc biệt, nên ngay vào buổi mà các trẻ em khác chưa có trí khôn,
thánh nữ đã có những nét thánh thiện, đáng ghi nhớ. Năm tuổi, Ngài đã hứa giữ
mình trinh khiết. Sáu tuổi Ngài đã ăn chay 3 lần trong tuần, chỉ ăn bánh và uống
nước thôi.
Gia
đình nghèo túng, Rosa mất ngủ lại thiếu ăn lại còn tự ý hãm mình để giảm đi sức
hấp dẫn tự nhiên. Khi khách đến thăm khen ngợi sắc đẹp của mình, thánh nữ thoa
hồ tiêu lên má cho sưng phồng lên. Cẩn thận ngâm tay vao vôi khiến cả tháng
không một việc được. Khi người mẹ kết một vòng hoa lên đầu cho Ngài, thánh nữ
kín đáo kết gai vào trong cho đau đớn để cảnh giác tính xa hoa.
Gia
đình gặp bước khó khăn, thánh Rosa đã tận tụy làm vườn suốt ngày, đêm về lại thức
giấc vá may. Thánh nữ luôn luôn vâng lời cha mẹ. Dầu vậy trên mười năm rời,
Ngài đã dốc quyết từ khuốc bước vào hôn nhân. Ngài còn cắt ngắn mái tóc đẹp hiếm
hoi của mình. Sự từ khước đã gây nên nhiều phản ứng khốc liệt. Người ta bắt dầu
vu oan giá hoạ cho Ngài đủ điều, nhưng Ngài đã nhẫn nại chịu đựng tất cả. Năm
1606, Ngài gia nhập dòng ba Đaminh và nhận thánh Catarina như gương mẫu đời
mình.
Ngoài
những hy sinh hãm mình tự ý. Thánh Rosa còn phải trải qua những năm bị hiểu lầm,
mù tối trong chính nội tâm. Dầu vậy Ngài vẫn nhẫn nại, khiêm tốn chịu dựng và
không bao giờ mất niềm tín thác vào lòng từ bi vô bờ của Chúa. Ngài tìm săn sóc
những trường hợp ghê tởm nhất.
15
năm khủng khiếp trôi qua. Tâm hồn trung tín anh hùng đã được ân thưởng. Thánh
Rosa gặp lại được ánh sáng. Ngài mời gọi mọi tạo vật hợp ý ca ngợi và yêu mến
Thiên Chúa. Ngài nói: - Nếu mọi người biết ơn thánh là gì, họ sẽ muốn được chịu
đau khổ, sẽ đón tìm cực khổ, bắt bớ để chiếm hữu cho được, bởi vì ơn thánh là
cái giá khôn sánh đáp đền cho lòng nhẫn nại.
Đối
với phép Thánh Thể Ngài nói : - Điều mà mặt trời thực hiện trong thế giới hữu
hình, sự thông hiệp Thánh Thể sẽ phát sinh trong tôi.
Quả
quyết tình Chúa quan phòng còn lớn gấp bội những khốn khổ và yếu đuối của con
người, Ngài nói: - Tôi có một hôn phu có thể làm điều lớn lao nhất, sở hữu điều
họa hiếm nhất. Tôi thấy mình mới chỉ biết trông đợi nơi Người có một chút đỉnh
thôi.
Từ
đây, Ngài luôn được an bình, Ngài sống trong một cái chòi như một nhà ẩn tu.
Năm 1614, Ngài ở dưới sự bảo trợ của ông Don Gonzalo de Massa và vợ ông. Họ cho
Ngài trọ và săn sóc Ngài trong cơn bệnh dài trước khi chết.
Vào
đầu tháng tám cuối đời, cơn bệnh đau đớn dữ dội. Ngài thú nhận: - Tôi không hiểu
được tại sao bao nhiêu đau đớn như vậy lại đổ trên đầu một tạo vật.
Nhưng
đầy can đảm Ngài nói : - Lạy Chúa xin tăng thêm những đau đớn, miễn là Chúa
cũng thêm lòng yêu mến cho con.
Ngày
24 tháng 8 năm 1617 thánh nữ qua đời với lời cuối cùng trên môi : - Chúa Giêsu,
Chúa Giêsu, Chúa ở với tôi .
(daminhvn.net)
23
Tháng Tám
Hoa Ðầu Mùa Của Mỹ
Châu
Hôm
nay Giáo Hội kính nhớ thánh Rosa Lima, vị thánh đầu tiên của Châu Mỹ. Thánh nữ
có hai đặc điểm mà dường như vị thánh nào cũng có, đó là: bị chống đối và sống
khắc khổ.
Chọn
thánh nữ Catarina Siena làm mẫu mực, Rosa quyết sống trọn vẹn cho Thiên Chúa. Sợ
nhan sắc của mình có thể quyến rũ nhiều người cũng như làm cớ vấp phạm cho
chính mình, Rosa đã lấy tiêu thoa lên mặt để biến mình thành một người xấu xí.
Cô cũng lấy thép cuốn thành vòng gai nhọn đội trên đầu.
Nhưng
Rosa không phải là một con người mơ mộng viển vông. Khi thấy gia đình gặp khó
khăn về kinh tế, Rosa đã hy sinh làm lụng suốt ngày ngoài đồng và tối về may vá
suốt đêm để kiếm tiền đắp đổi cho gia đình. Sống cho cha mẹ, lo cho gia đình,
nhưng Rosa vẫn quyết tâm dâng hiến trọn đời cho Chúa. Cô đã mất mười năm để chống
lại ý định của cha mẹ nhằm cưỡng bách cô phải lập gia đình. Và cuối cùng, vì
cha mẹ cũng không chấp nhận cho cô vào dòng, Rosa đã gia nhập vào dòng ba thánh
Ða Minh. Như thế cô vừa sống được lý tưởng tu dòng vừa sống thánh giữa đời.
Trong
những năm cuối đời, Rosa dành một phòng trong nhà để đón tiếp trẻ em không nhà
không cửa và những người già cả bệnh tật. Ðây là một trong những hình thức hoạt
động xã hội đầu tiên tại Pêru.
Rosa
qua đời năm 31 tuổi. Cả thành phố Lima thương khóc cô như một vị thánh trẻ đã kết
hợp tinh thần chiêm niệm, khổ chế với hoạt động bác ái.
Thánh
Rosa kể lại rằng trong một giấc mơ, ngài được Chúa dẫn đến một xưởng điêu khắc
dành cho những người muốn nên thánh. Thánh nhân chứng kiến cảnh không biết bao
nhiêu người đang ngồi trước các khối đá cẩm thạch. Có người sắp hoàn thành xong
một tác phẩm nghệ thuật. Có người chỉ mới bắt đầu đục đẽo trên một phiến đá sần
sù, cứng nhắc. Thánh nữ cũng được Chúa trao cho những đồ nghề cần thiết và đặt
ngồi trước một phiến đá lớn. Người mẫu của tác phẩm chính là hình ảnh mà Thiên
Chúa đã đặt để từ đời đời trong thánh nữ.
Mỗi
ngày chúng ta kính nhớ một vị thánh. Mỗi một vị thánh là một nhắc nhở chúng ta
về ơn gọi nên thánh của mỗi người chúng ta. Không một vị thánh nào giống vị
thánh nào. Không ai bắt buộc phải sống khuôn dập theo bất cứ một mẫu mực nào. Mỗi
người là một vị thánh cá biệt. Nhưng tất cả đều có một mẫu số chung: đó là họa
lại hình ảnh của Thiên Chúa trong cuộc đời của mình.
Và
hình ảnh mà Thiên Chúa muốn mỗi người chúng ta họa lại trong cuộc đời của chính
mình là Ðức Giêsu Kitô. Nhưng người Kitô không chỉ sống như Ðức Kitô, mà còn sống
bằng chính Ðức Kitô. Họa lại Ðức Kitô cũng có nghĩa là để cho Ðức Kitô uốn nắn,
tạc vẽ cho đến khi nào chúng ta đạt được tầm mức của Ngài.
(Lẽ
Sống)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét