Trang

Thứ Sáu, 22 tháng 8, 2014

Mười triệu Mỹ Kim cho ai bắt được Đấng Thống Lĩnh Các Tín Đồ

Mười triệu Mỹ Kim cho ai bắt được Đấng Thống Lĩnh Các Tín Đồ
Abu Bakr al-Baghdadi, the leader of the terrorist group ISIL (file photo)

Với những lời lẽ mạnh nhất, tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama đã kêu gọi “một nỗ lực chung để loại bỏ cái ‘ung thư’ khủng bố thánh chiến ở Iraq và Syria” trong thông điệp gởi quốc dân Hoa Kỳ lúc 12:45 trưa thứ Tư 20 tháng 8. Ông hứa hẹn Hoa Kỳ sẽ làm hết mọi khả năng để đưa những kẻ khủng bố ra trước công lý. Đó là phản ứng của nhà lãnh đạo Mỹ sau khi bọn khủng bố Hồi Giáo IS đã chặt đầu ký giả Công Giáo người Mỹ James Foley.

Tưởng cũng nên nhắc lại là chỉ 4 tuần trước đó, nhà tranh đấu nhân quyền của Iraq là bà Pascale Warda đã từ Baghdad tới Hoa Thịnh Đốn để báo động với Bộ Ngoại Giao và các thành viên Quốc Hội Hoa Kỳ. Bà được tháp tùng bởi Đức Cha Yousif Habash, Giám Mục giáo phận Qaraqosh, một thị trấn cách Mosul 15 dặm, vừa bị bọn khủng bố IS tràn ngập. Chuyến đi của Đức Cha Habash và bà Pascale Warda thất bại hoàn toàn. Hoa Kỳ, và hầu hết các nước dửng dưng và tỉnh bơ trước những tiếng kêu tuyệt vọng của các tín hữu Kitô Iraq.

Thái độ của Hoa Kỳ và các nước phương Tây chỉ thay đổi vào hôm thứ Năm 7 tháng 8 vừa qua sau khi một đại thảm hoạ nhân đạo đã diễn ra khi hàng trăm ngàn người thuộc cộng đồng người Yazidi gồm cả người già, phụ nữ và trẻ em phải chạy trốn trên núi Sinjar lang thang trong tuyệt vọng giữa cái nóng 45 độ của mùa hè Iraq; và thành phố Erbil nơi đặt tòa lãnh sự Hoa Kỳ có nguy cơ thất thủ.

Lập trường chao đảo của Hoa Kỳ và các nước phương Tây đối với tên trùm khủng bố al-Baghdadi là nguyên nhân dẫn đến tình trạng bi đát hiện nay.

Ngày 04 Tháng 10 năm 2011, Bộ Ngoại giao Mỹ đã liệt kê al-Baghdadi vào hàng những tên khủng bố toàn cầu nguy hiểm và công bố một phần thưởng lên đến 10 triệu Mỹ Kim cho những ai cung cấp thông tin dẫn đến việc bắt giữ hoặc giết chết tên khủng bố này.

Tuy nhiên, sau đó vì muốn hạ bệ tổng thống Bashar al-Assad của Syria bằng mọi giá, các cường quốc trên thế giới, dẫn đầu là nước Pháp, đã không ngần ngại cung cấp vũ khí và các phương tiện chiến tranh khác cho bọn khủng bố Hồi Giáo IS. Cùng với những nguồn tài trợ khổng lồ cả người lẫn của từ các nước Hồi Giáo khác trong vùng, bọn khủng bố Hồi Giáo này đã lớn mạnh đến mức đánh bại những sư đoàn quân Iraq và Syria, bá chiếm được 40% lãnh thổ Iraq và 30% lãnh thổ Syria. Quân số của bọn khủng bố Hồi Giáo IS này hiện nay là bao nhiêu khó lòng có con số chính xác nhưng với khả năng đánh bại được những sư đoàn quân Iraq và Syria và khả năng giữ được các vùng đất đã chiếm được, quy mô của bọn khủng bố Hồi Giáo IS thực sự đã vượt xa tít tắp nhóm khủng bố al Qaeda của tên trùm Osama bin Laden.

Tên trùm khủng bố Abu Bakr al-Baghdadi (أبو بكر البغدادي) sinh năm 1971 ở Samarra, Iraq, được gọi với nhiều tên khác nhau và từ ngày 29 tháng 6 sau khi tự xức dầu “cù là” tấn phong cho chính mình thành “Đấng Thống Lĩnh Các Tín Đồ” kế tục Muhammad đã đổi tên thành Ibrahim.

Theo tiểu sử đăng trên các diễn đàn thánh chiến vào tháng Bảy năm 2013 - vô phương kiểm chứng được là đúng hay sai - tên khủng bố này đã giành được bằng thạc sĩ và tiến sĩ về Hồi giáo học của Đại học Hồi giáo Baghdad. Khi Mỹ tấn công vào Iraq năm 2003, y đang là một giáo sĩ tại nhà thờ Hồi giáo Ahmad ibn Hanbal ở Samarra. 

Sau cuộc tấn công của Mỹ, al-Baghdadi thành lập nhóm chiến binh thánh chiến Jamaat Jaysh Ahl al-Sunnah wa-l-Jamaah, trong đó y giữ chức chủ tịch Ủy ban về luật Sharia. Năm 2006, nhóm này tham gia vào Hội đồng Shura Mujahideen, trong đó y là thành viên của ủy ban Sharia. Trong cùng năm đó, Hội đồng Shura Mujahideen được đổi tên thành Nhà nước Hồi giáo Iraq (ISI), và al-Baghdadi trở thành tổng giám sát Ủy ban Sharia và là thành viên của Hội đồng tư vấn cấp cao.

Theo Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ, al-Baghdadi đã từng bị bắt giam tại trại Bucca, là một trại giam dân sự của lực lượng Mỹ-Iraq từ tháng Hai năm 2004. Có lẽ vì y là một giáo sĩ Hồi Giáo, nên tháng 12 năm 2004, các thành viên người Iraq trong ủy ban tái xét và trả tự do đã đề nghị trả tự do vô điều kiện cho tên này.

Ngày 29 tháng Hai năm 2008, Đức Tổng Giám mục Rahho của tổng giáo phận Mosul đã bị bọn khủng bố ISI bắt cóc từ xe hơi của mình ở quận Al-Nur ngay giữa thành phố. Bọn khủng bố sau khi bắt Đức Tổng Giám Mục đã nhả đạn như mưa vào chiếc xe của ngài giết chết hai vệ sĩ và người lái xe sau khi đẩy Đức Tổng Giám Mục vào cốp xe của chúng. Trong bóng tối, ngài vẫn bình tĩnh rút điện thoại di động gọi về Tổng Giám Mục ra lệnh cho các linh mục không được trả tiền chuộc mạng cho mình. 

Ngày 13 Tháng Ba năm 2008, người ta tìm thấy thi thể của Đức Tổng Giám Mục được vùi sơ sài gần Mosul. 

Al-Baghdadi lên lãnh đạo ISI vào ngày 16 Tháng 5 năm 2010, sau cái chết của người tiền nhiệm là tên khủng bố Abu Omar al-Baghdadi, bị giết trong một cuộc tấn công của Hoa Kỳ một tháng trước đó.

Trong vai trò lãnh đạo ISI, al-Baghdadi đã chỉ đạo những hoạt động khủng bố với quy mô lớn hơn như cuộc tấn công ngày 28 tháng 8 năm 2011 vào nhà thờ Hồi giáo Umm al-Qura ở ngay thủ đô Baghdad, giết chết nhà lập pháp Khalid al-Fahdawi thuộc Hồi Giáo Sunni; và hàng loạt những cuộc tấn công khác đặc biệt nhắm vào các nhà thờ Kitô Giáo với ý đồ trục xuất các tín hữu Kitô ra khỏi nước này. 

Chỉ vài ngày sau khi Hoa Kỳ hoàn tất việc rút quân khỏi Iraq vào cuối tháng 12 năm 2011, bọn khủng bố Hồi Giáo ISI mở hàng loạt các vụ đánh bom bằng xe hơi trên khắp Baghdad, giết chết ít nhất 63 người và làm bị thương 180 người khác.

Ngày 15 tháng 3 năm 2011, Syria rơi vào cảnh nội chiến. ISI lập tức mở rộng phạm vi hoạt động sang cả nước lân bang. Sau một thời gian hoạt động tại Syria và được sự ủng hộ mạnh mẽ của các nước Hồi Giáo Sunnni và các cường quốc Tây phương, ngày 8 tháng 4 năm 2013, al-Baghdadi công bố sự hình thành của cái gọi là Nhà nước Hồi giáo Iraq và Levant (ISIL). Levant là từ chỉ vùng phía Đông Điạ Trung Hải bao gồm Cyprus, Israel, Palestine, Jordan, Lebanon, và Syria. Trong thực tế, hoạt động của bọn khủng bố này chỉ giới hạn tại Iraq và Syria, cho nên từ ngữ thường được dùng hơn là ISIS, nghĩa là Nhà nước Hồi giáo ở Iraq và Syria.

Khi công bố sự hình thành của ISIS, al-Baghdadi nói rõ rằng mặt trận al-Nusra, là tổ chức đã được Liên Hiệp Quốc liệt vào danh sách khủng bố quốc tế, đã được sáp nhập vào ISIS. Bất chấp điều đó, các nước phương Tây vẫn tiếp tục nhắm mắt ủng hộ và cung cấp khí giới cho bọn ISIS chống lại tổng thống Bashar al-Assad của Syria.

Ngày 29 tháng 6 năm 2014, sau khi đã chiếm được Mosul và uy hiếp thủ đô Baghdad, al-Baghdadi tự xưng là khalip, là Đấng Thống Lĩnh các tín đồ Hồi Giáo trên toàn thế giới, kế tục tiên tri Muhammad.

Trong một video thu hình tại đại đền thờ Hồi Giáo al-Nuri ở Mosul ngày 5 tháng 7 vừa qua, al-Baghdadi tuyên bố mình là người lãnh đạo toàn thế giới Hồi Giáo và kêu gọi người Hồi Giáo khắp nơi trung thành với hắn và hỗ trợ hắn về tài chính để tiến hành thánh chiến. Hắn hứa hẹn rằng quân khủng bố Hồi Giáo IS sẽ diễu hành ở Rôma trên con đường thiết lập một nhà nước Hồi giáo từ Trung Đông đến khắp toàn cõi châu Âu, chinh phục cả Rôma và tái lập Tây Ban Nha thành một nước Hồi Giáo.


Đặng Tự Do8/22/2014(vietcatholic)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét