Trang

Thứ Bảy, 6 tháng 9, 2014

06-09-2014 ; THỨ BẢY TUẦN XXII MÙA THƯỜNG NIÊN

06/09/2014
Thứ Bảy Tuần XXII Mùa Thường Niên Năm chẵn


BÀI ĐỌC I: 1 Cr 4, 6-15   (hoặc 9-15)
"Chúng tôi chịu đói khát và trần trụi".
Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.
Anh em thân mến, anh em hãy học hỏi nơi tôi và Apollô lời tục ngữ rằng: "Đừng làm quá điều đã chép", để anh em đừng kiêu căng mà theo phe người này chống lại phe người khác. Vì có ai làm cho ngươi được nổi bật đâu? Nào ngươi có điều gì mà không phải là ngươi đã nhận lãnh? Nếu ngươi đã nhận lãnh, lẽ nào ngươi khoe mình dường như ngươi không nhận lãnh?
Phải rồi! anh em đã được no đầy rồi đấy, đã trở nên giàu có rồi đấy, anh em đã cai trị mà không cần đến chúng tôi. Chớ chi anh em được làm vua, để chúng tôi cùng được cai trị với anh em. Vì tôi nghĩ rằng chúng tôi là những tông đồ rốt hết, mà Thiên Chúa đã phơi bày chúng tôi ra như những người bị tử hình: vì chúng tôi đã nên trò cười cho thế gian, cho các Thiên Thần và loài người. Chúng tôi là những kẻ ngu dại vì Đức Kitô, còn anh em là những người khôn ngoan trong Đức Kitô; chúng tôi là những kẻ yếu đuối, còn anh em là những người hùng mạnh; anh em là những người sang trọng, còn chúng tôi là những kẻ hèn hạ. Cho đến giờ này, chúng tôi phải chịu đói khát, trần trụi, bị xỉ vả và long đong, chính tay chúng tôi đã vất vả làm việc; khi bị chúc dữ, chúng tôi chúc lành; bị bắt bớ, chúng tôi chịu đựng; bị thoá mạ, chúng tôi năn nỉ. Chúng tôi trở nên như đồ phế thải của thế gian này, và như cặn bã của mọi loài cho đến giờ này.
Tôi viết những điều này, không phải để làm nhục nhã anh em, nhưng tôi khuyến cáo anh em như con cái rất yêu dấu của tôi. Vì dẫu anh em có hàng vạn thầy dạy trong Đức Kitô, nhưng anh em không có nhiều cha đâu; vì nhờ Tin Mừng, tôi đã sinh anh em ra trong Đức Giêsu Kitô.  Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 144, 17-18. 19-20. 21
Đáp: Chúa gần gũi mọi kẻ kêu cầu Người (c. 18a).
Xướng: 1) Chúa công minh trong mọi đường lối, và thánh thiện trong việc Chúa làm. Chúa gần gũi mọi kẻ kêu cầu Người, mọi kẻ kêu cầu Người cách thành tâm. - Đáp.
2) Chúa thực hiện ý muốn của những ai tôn sợ Người, Người nghe tiếng họ kêu và Người cứu họ. Chúa gìn giữ tất cả những ai mến yêu Người, và Người hủy diệt hết mọi kẻ bất nhân. - Đáp.
3) Miệng tôi hãy xướng lời ca khen ngợi Chúa, mọi loài huyết nhục hãy chúc tụng danh Chúa tới muôn đời. - Đáp.
ALLELUIA:  Tv 110, 8ab
Alleluia, alleluia! - Lạy Chúa, mọi giới răn Chúa được lập ra cho tới muôn ngàn đời. - Alleluia.

PHÚC ÂM: Lc 6, 1-5
"Tại sao các ông làm điều không được phép làm trong ngày Sabbat?"
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Trong một ngày Sabbat, khi Chúa Giêsu đi qua đồng lúa, thì các môn đệ bứt bông lúa miến, vò xát trong tay, rồi ăn. Có mấy người biệt phái nói với các ông rằng: "Tại sao các ông làm điều không được phép làm trong ngày Sabbat?" Chúa Giêsu trả lời họ rằng: "Các ông chưa đọc điều Đavit đã làm khi ông và các người tuỳ tùng bị đói sao? Ngài đã vào đền thờ Thiên Chúa, lấy bánh dâng hiến mà ăn và cho các người bạn tuỳ tùng ăn, bánh đó họ không được phép ăn, nhưng chỉ dành cho các trưởng tế mà thôi". Và Người bảo họ rằng: "Con Người làm chủ cả ngày Sabbat". Đó là lời Chúa.

Suy Niệm : Ý nghĩa của lề luật
Về triết gia Ðavít Hume của Anh vào thế kỷ 18, người ta kể một giai thoại như sau: Một hôm, có một quận công hỏi ông:
- Theo ông thì đối tượng của luật pháp là gì?
Ðavít Hume trả lời:
- Ðó là để phục vụ cho lợi ích lớn nhất của số lớn nhất.
Quận công hỏi lại:
- Thế thì theo ông số lớn nhất là gì?
Triết gia đáp:
- Số lớn nhất là số một.
Ðây là thực tế thường xảy ra trong luật pháp của nhiều quốc gia: số lớn nhất thường chỉ là một thiểu số. Luật pháp được làm ra không phải là để phục vụ mọi người, mà chỉ nhắm đến quyền lợi của thiểu số mà thôi.
Vào thời Chúa Giêsu, không thiếu những người nhân danh luật pháp để triệt hạ và chối bỏ người khác. Truyện được ghi trong Tin Mừng hôm nay là một điển hình cho biết bao trường hợp nhân danh pháp luật để đè bẹp con người. Chúa Giêsu đã thách thức cho đến cùng thái độ như thế. Thật ra, Chúa Giêsu không phải là một con người sống ngoài luật pháp, Ngài đến để kiện toàn lề luật. Nhưng sở dĩ Chúa Giêsu chống lại luật pháp là bởi vì luật pháp đó phi nhân hoặc chối bỏ con người. Các môn đệ vì đói nên bứt bông lúa mà ăn, thật ra không phải là vi phạm ngày Hưu lễ. Không có khoản luật nào trong các sách luật xem một hành động như thế là vi phạm ngày Hưu lễ; nếu có thì chỉ là vi phạm một trong 39 hành động mà các nhà chú giải Do thái đã thêm vào qui định của ngày Hưu lễ mà thôi. Hơn nữa, Chúa Giêsu đã dẫn chứng hành động của Vua Ðavít và Ngài khẳng định: hành động của các môn đệ không hề vi phạm ngày Hưu lễ. Lề luật vì con người, chứ không phải con người vì lề luật. Ðó là ý nghĩa của luật pháp mà Chúa Giêsu nêu bật trong cuộc tranh luận với những Biệt phái. Khi luật pháp chống lại con người, nghĩa là chối bỏ phẩm giá và quyền lợi cơ bản của con người, thì luật pháp đánh mất ý nghĩa và không còn lý do để hiện hữu nữa; trong trường hợp đó, dĩ nhiên không tuân hành luật pháp là một thái độ thích đáng.
Thật ra, khi luật pháp chối bỏ hoặc chà đạp những quyền cơ bản của con người, thì luật pháp đó cũng xúc phạm đến chính Thiên Chúa. Thánh Phêrô và thánh Gioan đã hành động một cách cương quyết khi dõng dạc tuyên bố trước Công nghị Do thái: "Thà vâng lời Thiên Chúa hơn vâng lời loài người". Chẳng hạn, khi luật pháp một quốc gia cho phép phá thai, nghĩa là tước đoạt quyền sống của con người, thì chống lại luật pháp đó là một nghĩa vụ. "Thà vâng lời Thiên Chúa hơn vâng lời loài người". đó là nguyên tắc nền tảng hướng dẫn người Kitô hữu trong các quan hệ xã hội của họ. Chúa Giêsu luôn đòi hỏi các môn đệ của Ngài một thái độ dứt khoát tận căn: không thể vừa vâng lời Thiên Chúa, vừa chạy theo những gì chống lại Thiên Chúa.
Nguyện xin Chúa cho chúng ta ơn can đảm để luôn biết nói không với những gì loại trừ con người và xúc phạm đến Thiên Chúa. Xin Chúa gìn giữ chúng ta trong niềm xác tín và vâng phục cho đến cùng, để trong mọi sự, chúng ta chỉ tìm thánh ý Chúa và xây dựng những giá trị Nước Trời.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)



Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Bảy Tuần 22 TN2, Năm Chẵn
Bài đọc: 1 Cor 4:9-15; Lk 6:1-5.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Chịu đau khổ vì Tin Mừng.
Người đời có thể hy sinh chịu đau khổ, thời giờ, sức lực… với hy vọng họ sẽ lãnh nhận lại uy quyền, danh vọng, và những lợi lộc vật chất; nhưng vì động lực nào các môn đệ của Chúa dám hy sinh chịu đau khổ, thời giờ, sức lực, tiền của? Nhiều tín hữu bị khinh thường là làm việc không công!
Các bài đọc hôm nay giúp chúng ta nhận ra những động lực thúc đẩy Phaolô và các tín hữu làm việc. Trong bài đọc I, thánh Phaolô thú nhận ngài đã trở nên điên dại vì Đức Kitô với một mục đích duy nhất là làm cho mọi người nhận ra tình yêu của Đức Kitô đã dành cho họ và tin tưởng nơi Ngài. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu bảo vệ các môn đệ bằng cách nhắc nhở cho các Kinh-sư và Biệt-phái biết họ đừng vụ luật; nhưng phải biết giữ ngày Sabbath cho lợi ích của linh hồn và thân xác họ.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Những động lực thúc đẩy Phaolô chịu đau khổ.
(1) Chịu đau khổ vì Đức Kitô: Cũng như các tiên tri của Cựu Ước, một khi đã chấp nhận làm tiên tri của Chúa là phải chịu đau khổ; các Tông Đồ của Tân Ước cũng vậy, họ phải chịu mọi gian nan thử thách vì Tin Mừng của Đức Kitô. Lý do là vì thế gian không luôn muốn đón nhận Sự Thật và lối sống theo Tin Mừng. Thánh Phaolô cũng không ra ngoài trường hợp này. Ngài phải chịu đau khổ trăm chiều vì Đức Kitô như lời ngài viết: “Thật vậy, tôi thiết nghĩ: Thiên Chúa đã đặt chúng tôi làm Tông Đồ hạng chót như những kẻ bị án tử hình, bởi vì chúng tôi đã nên trò cười cho thế gian, cho thiên thần và loài người!”
Nhưng những gian khổ họ chịu không vô nghĩa vì nếu chung phần đau khổ với Chúa Kitô họ sẽ cùng chung phần vinh quang với Ngài trong vương quốc của Ngài đời sau.
(2) Chịu đau khổ cho người khác được lợi ích: Ngoài hy vọng được chung hưởng vinh quang đời sau, đau khổ sẽ giúp ích cho tha nhân ngay khi còn ở đời này. Những hy sinh cố gắng của các nhà truyền giáo sẽ mang hạt giống đức tin đến cho những người chưa nhận biết Chúa. Những giọt máu đào đổ ra sẽ giúp cho hạt giống đức tin sinh hoa kết quả nơi những người đã lãnh nhận, gia đình của họ, và giáo hội địa phương. Thánh Phaolô liệt kê một số các đau khổ ngài đã chịu, có lẽ để nhắc nhở các tín hữu biết quí trọng những gì ngài đã hy sinh cho họ: “Chúng tôi điên dại vì Đức Kitô, còn anh em thì khôn ngoan trong Đức Kitô; chúng tôi yếu đuối, còn anh em thì mạnh mẽ; anh em được kính trọng, còn chúng tôi thì bị khinh khi. Cho đến giờ này, chúng tôi vẫn chịu đói khát, trần truồng, bị hành hạ và lang thang phiêu bạt; chúng tôi phải vất vả tự tay làm lụng. Bị nguyền rủa, chúng tôi chúc lành; bị bắt bớ, chúng tôi cam chịu; bị vu khống, chúng tôi đem lời an ủi. Cho đến bây giờ, chúng tôi đã nên như rác rưởi của thế gian, như phế vật đối với mọi người.”
Như cha mẹ phải vất vả lo lắng, làm việc, và dạy dỗ con cái, thánh Phaolô cũng coi mình như một người cha tinh thần của các tín hữu. Vì thế, ngài không ngại chấp nhận mọi hy sinh và đau khổ với hy vọng cho những người con tinh thần của ngài được lớn lên trong đức tin và được hưởng muôn vàn lợi ích thiêng liêng qua việc tin tưởng vào Đức Kitô. Ngài tâm sự: “Tôi viết những lời đó không phải để làm anh em xấu hổ, nhưng là để sửa dạy anh em như những người con yêu quý của tôi.Thật thế, cho dầu anh em có ngàn vạn giám thị trong Đức Kitô, anh em cũng không có nhiều cha đâu, bởi vì trong Đức Kitô Giêsu, nhờ Tin Mừng, chính tôi đã sinh ra anh em.”
2/ Phúc Âm: Biệt-phái xét đoán các môn đệ Chúa.
Các Kinh-sư và Biệt-phái không tố cáo các môn đệ của Chúa lỗi đức công bằng, vì luật cho phép có thể bứt bông lúa ăn bằng tay, nhưng không được tra liềm cắt lúa (Dt 23:26). Họ tố cáo các môn đệ vì dám vi phạm ngày Sabbath. Những việc cấm làm trong ngày Sabbath là gặt hái, đập lúa, sàng xẩy, và chuẩn bị đồ ăn. Theo họ, các môn đệ vi phạm tất cả các điều này khi bứt lúa, vò trong tay (coi như đập lúa), thổi vỏ trấu (sàng lúa), và chuẩn bị đồ ăn trước khi cho vào miệng. Chúng ta có thể cười thầm vì lối nhìn của họ, nhưng đối với họ, những người vi phạm ngày Sabbath như thế có thể bị tử hình!
Đức Giêsu trả lời họ bằng việc nhắc nhở họ biến cố được ghi chép lại trong I Sam 21:1-6. "Các ông chưa đọc chuyện này trong Sách sao? Ông Đavid đã làm gì khi ông và thuộc hạ đói bụng? Ông vào nhà Thiên Chúa lấy Bánh Tiến mà ăn và cho thuộc hạ ăn. Thứ bánh này, chỉ có tư tế mới được ăn mà thôi." Ở đây Chúa Giêsu muốn nói: Luật nào cũng có luật trừ. Luật ăn Bánh Tiến được vi phạm để bảo vệ sự sống cho Đavid và thuộc hạ của ông.
Chính những Rabbi cũng công nhận “Ngày Sabbath được làm ra cho con người, chứ không phải con người cho ngày Sabbath.” Điều này chứng tỏ khi sự sống bị đe dọa, con người có thể vi phạm các luật ngày Sabbath.
Và Chúa Giêsu kết luận: “Thiên Chúa làm chủ ngày Sabbath.” Nếu ngày Sabbath được làm ra vì con người, luật lệ ngày đó chỉ để áp dụng cho con người, chứ không cho Thiên Chúa. Chúa Giêsu chữa bệnh trong ngày Sabbath vì (1) Ngài làm chủ ngày Sabbath, và (2) bệnh tật đe dọa sự sống con người.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Chúng ta sẵn sàng chịu đau khổ vì Đức Kitô vì biết chúng ta sẽ cùng được hưởng vinh quang đời sau với Ngài.
- Chúng ta sẵn sàng chịu đau khổ cho tha nhân được sống. “Nếu hạt giống rơi xuống đất mà không thối đi, nó chỉ trơ trọi một mình; nhưng nếu nó chịu thối đi, nó sẽ trổ sinh nhiều bông hạt khác.”
- Đừng cố vạch lá tìm sâu bằng cách bắt tha nhân giữ tỉ mỉ các lề luật, nhưng hãy lo cho sao có lòng nhân từ và bảo vệ công lý.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP


HẠT GIỐNG NẨY MẦM - MÙA QUANH NĂM - TUẦN 22
Lc 6,1-5

A. Hạt giống...
Chúa Giêsu và biệt phái tranh luận nhau về việc sống ngày sabát :
- Biệt phái chỉ biết giữ luật nghỉ ngơi ngày sabát. Nên khi họ thấy các môn đệ Chúa Giêsu bứt lúa trong ngày này thì họ lên án.
- Chúa Giêsu hiểu luật ngày sabát nhằm giải phóng con người, nên trách bệt phái đã quá câu nệ chữ nghĩa của luật mà không hiểu tinh thần.

B.... nẩy mầm.
1. Ngày Chúa nhựt, nếu tôi chỉ biết nghỉ làm việc và đi dự lễ thì chưa chắc là tôi đã “thánh hóa” ngày đó theo đúng ý muốn của luật Giáo Hội. Tôi còn phải yêu mến Chúa nhiều hơn và quan tâm đến anh em tôi hơn.
2. Nếu tôi giữ luật chỉ vì đó là luật thì việc giữ luật của tôi không đem lại lợi ích thực nào cho tôi mà lại thêm nặng nề khó chịu. Nếu tôi buộc người khác giữ luật chỉ vì đó là luật thì cũng chẳng ích lợi gì cho người khác, trái lại càng làm cho người khác khổ sở thêm.
3. “Con Người là chủ của ngày hưu lễ” : Chúa Giêsu là chủ của ngày Chúa nhựt. Ngày Chúa nhựt tôi có quy hướng mọi sự về Chúa Giêsu không ?
4. “Con Người làm chủ ngày sabát” (Lc 6,5)
Hồi bé, tôi luôn phải nghe đi nghe lại điệp khúc : “nghỉ chơi đi lễ, lễ xong về chơi chẳng muộn”. Vâng, tôi đã đi lễ, nhưng đi một cách miễn cưỡng. Giáo Hội thật “ác”, đặt ra bao điều phải theo.
Bây giờ tôi đến với thánh lễ không phải vì những luật lệ, những “điệp khúc” hồi bé, nhưng bằng chính tấm lòng, bằng sự khao khát của con tim, của tâm hồn muốn có được sự bình an vĩnh cửu. Nghĩ lại, tôi thầm cám ơn Chúa vì những luật lệ trong Hội Thánh.
Lạy Chúa, xin cho con đến với Chúa không phải vì lề luật đòi buộc, nhưng với cả tấm lòng của một người con. (Hosanna)
Lm. Carolo HỒ BẶC XÁI – Gp. Cần Thơ

06/09/14 THỨ BẢY ĐẦU THÁNG TUẦN 22 TN
Lc 6,1-5

Suy niệm: Có lẽ chưa bao giờ cụm từ “thảm họa nhân đạo” được sử dụng nhiều như trong thời gian qua, bởi vì những thiên tai như bão lụt, động đất hoặc “nhân tai” như các cuộc giao tranh đã đẩy nhiều người vào cảnh màn trời chiếu đất, cuộc sống hết sưc bấp bênh. Dù tiếng súng chưa yên, thiên tai còn hoành hành, nhưng từng đoàn cứu trợ đã bất chấp tất cả để lên đường. Vì thế, chẳng có lý do nào, kể cả lý do “ngày Sa-bát”hay “bánh tiến chỉ dành cho tư tế” ngăn cản chúng ta không cấp thời cứu giúp những con người đang đối điện với nguy cơ sinh tử. Tinh thần bác ái Ki-tô giáo càng thúc đẩy ta quảng đại hơn nữa, không nại lý do “luật lệ” nào, để cứu những người đang gặp nguy hiểm cả phần xác lẫn phần hồn.
Mời Bạn: Bạn và tôi thường hay sống đạo dựa trên luật lệ; vì thế mà nhiều khi bỏ qua những cơ hội để thực thi tình bác ái đối với tha nhân. Bạn thấy cần làm gì để cải thiện tinh thần sống đạo hôm nay?
Chia sẻ một kinh nghiệm vì quá câu nệ luật lệ mà đánh mất dịp thuận tiện làm chứng cho lòng quảng đại của Chúa.
Sống Lời Chúa: Thực hành câu Lời Chúa: “Ta muốn lòng nhân chứ không cần lễ tế; thích được các ngươi nhận biết hơn là của lễ toàn thiêu" (Hs 6,6).
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, chính vì yêu thương nhân loại sa ngã, mà Chúa đã xuống thế để gánh lấy tội lỗi trần gian. Xin cho mỗi người chúng con cũng đừng nại bất kỳ lý do gì để không rộng tay cứu giúp anh chị em con đang gặp khốn khó. Amen.

Điều không được phép làm
 Mọi luật lệ được đặt ra để phục vụ con người và thăng tiến nó. Đôi khi chúng ta phải nhìn lại những luật đã quen giữ từ lâu để điều chỉnh lại cho phù hợp với những nhu cầu mới của con người. 


Suy nim:
“Tại sao các ông lại ăn uống với bọn thu thuế và quân tội lỗi?”
“Tại sao môn đệ ông lại không ăn chay?”
“Tại sao môn đệ ông không chịu rửa tay khi dùng bữa?”
Mấy người Pharisêu có vẻ thích đặt những câu hỏi tại sao.
Và trong bài Tin Mừng hôm nay, họ lại đặt một câu hỏi nữa:
“Tại sao các ông làm điều không được phép làm trong ngày sabát?”
Câu chuyện đơn giản như sau:
Thầy Giêsu và các trò đi ngang qua một cánh đồng lúa chín.
Các môn đệ đói nên bứt những bông lúa, vò trong tay cho vỏ tróc ra mà ăn.
Hành vi này được phép làm, dựa theo sách Đệ nhị luật (23, 26).
Nhưng vì đó là ngày sabát, nên lại không được phép làm.
Thật ra sách Xuất hành chỉ cấm gặt lúa vào ngày sabát thôi (34, 21).
Nhưng truyền thống đã dựng thêm một hàng rào bảo vệ,
bằng cách coi bứt lúa cũng là một hình thức gặt lúa.
Bởi thế các môn đệ bị coi là đã vi phạm luật giữ ngày sabát.
Thầy Giêsu lại một lần nữa bênh vực học trò của mình.
Ngài bắt đầu câu trả lời bằng việc đưa các ông Pharisêu về với Kinh Thánh.
Chẳng lẽ những người trí thức như họ mà đã không đọc chuyện này rồi sao.
Đó là chuyện vua Đavít và thuộc hạ đói bụng, đã được ăn “bánh thánh”,
khi họ đến đền thờ Nốp, gặp tư tế Akhimêléc (1 Sm 21, 2-7).
Vị tư tế này đã cho họ ăn thứ bánh đặt trước nhan Đức Chúa (Xh 25, 30)
mà chỉ tư tế mới được phép ăn (c. 4; Lv 24, 9),
khi 12 bánh cũ của tuần trước được thay bằng bánh mới vào ngày sabát.
Akhimêléc đã làm điều không được phép, vì bánh thường không còn.
Đứng trước cơn đói của Đavít, ông đã không quay đi vì nệ luật.
Đức Giêsu dùng câu chuyện này để bênh các môn đệ đang đói của Ngài,
dù nó không liên quan gì đến chuyện giữ ngày sabát.
Như tư tế Akhimêléc, Ngài cũng không quay đi vì nệ luật.
Hơn nữa, Ngài khẳng định mình là chủ ngày sabát (c. 5).
Đức Giêsu không dẹp bỏ ngày sabát, nhưng đặt nó ở dưới quyền của Ngài.
Chính Ngài cho ta biết cách giữ ngày sabát theo đúng ý Thiên Chúa.
Tội nghiệp các môn đệ bị đói, vì họ đã bỏ mọi sự mà theo Thầy Giêsu.
Họ chấp nhận bữa đói bữa no với một vị Thầy lang thang đây đó,
sống hoàn toàn nhờ lòng tốt của người nghe.
Mấy bông lúa có là gì để tránh cái cồn cào trong ruột.
Thầy Giêsu đã từng nếm cái đói, và thèm một trái vả (Mc 11, 13).
Thầy đã từng khát và xin nước của người phụ nữ (Ga 4, 7).
Bởi đó Thầy hiểu được cái đói khát hành hạ con người mọi thời.
Mọi luật lệ được đặt ra để phục vụ con người và thăng tiến nó.
Đôi khi chúng ta phải nhìn lại những luật đã quen giữ từ lâu
để điều chỉnh lại cho phù hợp với những nhu cầu mới của con người.
Làm sao để luật không đè bẹp, nhưng nâng đỡ con người sống tốt hơn?
Làm sao để khi áp dụng luật, tôi vẫn giữ được sự mềm mại của tình yêu?
Cầu nguyn:
Lạy Chúa,
con được no nê mà vẫn thiếu ăn,
vì bên con còn có người đói lả.

Con uống nước mát mà họng vẫn khô ran,
vì bên con còn có người đang khát.

Con vui cười mà nước mắt tuôn rơi,
vì bên con còn có người phiền muộn.

Con sáng mắt mà vẫn ở trong bóng đêm,
vì bên con còn có người mù tối.

Con mặc áo đẹp mà vẫn rách tả tơi,
vì bên con còn có người trần trụi.

Con nằm trong nệm êm mà vẫn thao thức,
vì bên con còn có bao người thiếu thốn.
(Myrtle Householder)

Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ


Suy niệm
Tin mừng hôm nay tường thuật về cuộc tranh luận giữa Chúa Giêsu và những người Pharisêu.
Lý do xảy ra cuộc tranh luận là vì các môn đệ Chúa Giêsu bứt bông lúa ăn cho đỡ đói vào ngày Sabát.
Nguyên nhân chính của cuộc tranh luận này là vì bất đồng quan điểm.
- Với những người Pharisêu giữ ngày Sabát là điều hết sức quan trọng. Ai vi phạm ngày này có thể bị xử tử (x. Xh 31,14), bị ném đá (x. Ds 15,32-36).
Bứt bông lúa để ăn là một hành động không thể chấp nhận được. Mặc dù theo sách Đệ Nhị Luật (23,26) thì hành động này được phép làm: “Khi vào đồng lúa của người đồng loại, anh em có thể lấy tay bứt bông lúa”. Nhưng vì đố kỵ, ghen ghét Chúa Giêsu nên họ cho rằng việc bứt lúa và vò trong tay cũng giống với hành vi gặt và xay lúa, mà gặt và xay lúa là một trong ba mươi chín việc không được phép làm ngày Sabát.
- Còn Chúa Giêsu thì cho rằng: Thiên Chúa lập nên ngày Sabát để loài người có thời gian nghỉ ngơi hầu nhớ đến công trình tạo dựng và giải phóng của Ngài (Đnl 5,14-15). Ngày Sabát đúng là ngày của Chúa, dành cho Chúa, nhưng nó cũng là ngày phục vụ nhu cầu lợi ích cho con người và vì con người: "Ngày Sabát được đặt ra vì con người".
Do đó việc các môn đệ Chúa bứt lúa ăn cho đỡ đói trong ngày Sabát là một nhu cầu chính đáng vì nó phục vụ cho nhu cầu lợi ích chính đáng cho con người. Chính vua Đavít và đoàn tùy tùng cũng đã vào đền thờ và đã lấy bánh dâng tiến để ăn khi bụng đói! Nhưng vì ghen ghét và hận thù đã làm cho những người Pharisêu trở nên mù quáng mà quên đi mục đích chính của việc giữ luật.
Để giúp cho những người Pharisêu có cái nhìn đúng đắn về mục đích của luật, Giêsu đã không ngần ngại đối đầu với họ cho đến cùng, dù có phải trả giá bằng cái chết trên Thập giá, tất cả là để minh chứng rằng: chỉ có một lề luật duy nhất để tuân giữ, đó là luật yêu thương, và chỉ có một giá trị cao cả nhất để sống và chết cho, đó là tình yêu. Sống "yêu thương là chu toàn lề luật" (Rm 13,10).
Xin Chúa loại trừ nơi chúng ta những đố kỵ, ghen ghét tầm thường để chúng ta có được cái nhìn trong sáng đúng đắn. Và xin Chúa giúp chúng ta luôn biết sống nhân ái và bao dung với hết mọi người như Chúa đã yêu thương chúng ta. Amen
Lm Seoka

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
6 THÁNG CHÍN
Trở Nên Đồng Hình Đồng Dạng Với Đức Kitô
Mỗi ơn gọi đều là một lời kêu mời dấn sâu hơn vào mầu nhiệm Thiên Chúa. Việc học hỏi thần học và triết học sẽ giúp thấu hiểu sâu hơn ngôi vị của Đức Kitô. Nhưng sự hiểu biết sâu hơn này không chỉ phụ thuộc vào nỗ lực tri thức của chúng ta. Tiên vàn việc nhận biết Chúa Con là ân huệ do Chúa Cha ban cho chúng ta nhờ Thánh Thần. Chúng ta không thể chỉ dừng lại với việc được giáo dục trong đức tin mà còn phải trở nên “đồng hình đồng dạng với Đức Kitô” nữa.
Mọi sự cộng tác của chúng ta với ân sủng tiếng gọi phải theo sự khôn ngoan mà Đức Kitô diễn tả trong dụ ngôn cây nho. Ngài nói: “Thầy là cây nho, Cha Thầy là Người trồng nho” (Ga 15,1) … “Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở trong Thầy và Thầy ở trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái. Vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được. (Ga 15,5).
Giai đoạn huấn luyện chủng sinh hay tu sĩ hướng đến mục tiêu đào sâu mối hiệp nhất của chúng ta với Đức Kitô. Đức Kitô đưa ra cùng lời mời gọi đó cho mỗi người trong chúng ta.
- suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II


Lời Chúa Trong Gia Đình
Ngày 06-9
1Cr 4, 6b-15; Lc 6, 1-5.

LỜI SUY NIỆM: “Vào một ngày Sabát, Đức Giêsu đi băng qua một cánh đồng lúa; các môn đệ bứt lúa, vò trong tay mà ăn. Nhưng có mấy người Pharisêu nói: Tại sao các ông làm điều không được làm trong ngày Sabát”
Lề luật của Chúa giúp con người đi đúng con đường để gặp lại được Thiên Chúa, nhưng trong đời sống của nhiều người,  khi đang còn sống chung với nhau, đã không giúp nhau sống lề luật, tạo điều kiện cho nhau chu toàn lề luật, mà lại dùng lề luật để đánh giá nhau để rồi kết án nhau, nhằm hạ phẩm giá của nhau.
Lạy Chúa Giêsu. Xin cho mọi thành viên trong gia đình chúng con luôn yêu mến lề luật của Chúa và sống trọn vẹn lề luật vì kính Chúa mà yêu người. Yêu người vì kính Chúa.
Mạnh Phương


06 Tháng Chín
Không Mong Ðền Ðáp
Trên đường đi hành hương đến La Mecque, thủ đô của Hồi Giáo, một tín đồ đã cải trang thành một người hành khất.
Anh gặp một người thợ hớt tóc đang săn sóc cho một người giàu có. Nhưng lạ lùng thay, khi anh vừa mở miệng ra xin người thợ cắt tóc, cạo râu cho mình, thì người thợ này liền bỏ người giàu ngồi đó và tức khắc đến phục vụ cho anh. Và đáng phục hơn nữa là ngươòi thợ này đã không đòi hỏi bất cứ một thù lao nào, trái lại ông còn cho anh ít tiền để hộ thân.
Cảm động vì lòng tốt của người thợ hớt tóc, người tín đồ quyết định sẽ tặng cho ông tất cả số tiền anh đã xin được trong ngày.
Và ngày hôm đó, người tín đồ cải trang thành người ăn xin đã nhận được một túi vàng do một người khách hành hương giàu có trao tặng. Như đã hứa với lòng mình, người tín đồ quay trở lại tìm người thợ hớt tóc và trao tất cả gói vàng cho ông ta.
Nhưng, ngoài sự tưởng tượng của người tín đồ, người thợ hớt tóc vừa thấy cử chỉ của người hành khất đã nghiêm sắc mặt nói: "Xin lỗi, ông cho mình là người đạo đức ư? Ông không cảm thấy xấu hổ để trả công cho một nghĩa cử yêu thương sao?".
Thì ra, người thợ hớt tóc đã không cạo râu cho một người hành khất để được trả công. Ông chỉ làm cử chỉ đó với tất cả yêu thương dành cho một người khốn khổ và ông nghĩ rằng mình làm như thế để được đền đáp.
Ngạn ngữ tiếng Latinh thường nói: tôi cho bạn, để bạn cho lại... Hoặc như người Việt Nam chúng ta thường nói: có qua có lại mới toại lòng ta.
Người ta dùng câu ngạn ngữ này để diễn tả những đòi hỏi công bằng giữa con người với nhau. Tôi cho bạn để bạn cho lại. Tôi làm cho bạn để hy vọng bạn sẽ đền đáp lại... Trên bình diện xã hội và nhân bản, ý thức được sự qua lại này đã là một điều đáng kể trong các mối tương quan giữa người với người.
Tuy nhiên, chúng ta không thể áp dụng một thứ công bình như thế vào mối tương quan giữa chúng ta với Thiên Chúa.
Thiên Chúa không thi ân giáng phúc để chúng ta biết ơn, hay đền đáp lại. Thiên Chúa cũng không căn cứ trên tài năng của từng người để ban phát ân huệ của Ngài. Thiên Chúa không dùng cán cân công lý thông thường của loài người. Công lý của Ngài là công lý của tình thương. Người thợ của giờ thứ nhất không lãnh hơn người thợ thứ hai vào giờ cuối cùng...
Nếu Thiên Chúa không thi ân giáng phúc tùy theo công nghiệp và tài năng của con người, thì con người cũng không thể nại đến công lao của mình để đòi hỏi một sự trả công tương xứng... Sau một công lao vất vả, có lẽ chúng ta chỉ có thể thốt lên: Lạy Chúa, chúng con chỉ là những người đầy tớ vô dụng.Lắm khi chúng ta vẫn còn đeo đuổi sự công bằng cộng trừ nhân chia của chúng ta đối với Chúa. Tôi sẽ đọc bao nhiêu kinh để xin được ân này, ơn nọ. Tôi sẽ làm bao nhiêu hy sinh để cầu cho được một ơn đặc biệt... Lý luận như thế trong các việc lành phúc đức, chúng ta dễ dàng rơi vào một thứ biệt phái mới nhằm đề cao công nghiệp riêng của chúng ta mà quên rằng: tất cả những gì chúng ta có, tất cả những gì chúng đã và sẽ lãnh nhận được đều xuất từ Tình Yêu vô vị lợi của Chúa.
(Lẽ Sống)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét