26/10/2014
Chúa Nhật 30 Quanh
Năm Năm A
(phần I)
Bài
Ðọc I: Xh 22, 21-27
"Nếu
các ngươi hà hiếp các cô nhi quả phụ, Ta sẽ nổi giận các ngươi".
Trích
sách Xuất Hành.
Ðây
Chúa phán: "Ngươi chớ làm phiền lòng và ức hiếp khách ngoại kiều: vì các
ngươi cũng là khách ngoại kiều ngụ trong đất Ai-cập. Các ngươi đừng làm hại cô
nhi quả phụ. Nếu các ngươi hà hiếp những kẻ ấy, họ sẽ kêu thấu đến Ta, và chính
Ta đã nghe tiếng họ kêu van. Ta sẽ nổi cơn thịnh nộ, sẽ dùng gươm giết các
ngươi, vợ các ngươi sẽ phải goá bụa, và con cái các ngươi sẽ phải mồ côi.
"Nếu
ngươi cho người nghèo khó nào trong dân cùng định cư với ngươi mượn tiền, thì
ngươi chớ hối thúc nó như kẻ đặt nợ ăn lãi quen làm, và chớ bắt nó chịu lãi nặng.
Nếu ngươi nhận áo sống của người láng giềng cầm cố, ngươi hãy trả lại cho kẻ ấy
trước khi mặt trời lặn: vì nó chỉ có một áo ấy che thân, và không còn chiếc nào
khác mặc để ngủ; nếu kẻ ấy kêu van đến Ta, Ta sẽ nhậm lời nó, vì Ta là Ðấng
thương xót".
Ðó
là lời Chúa.
Ðáp
Ca: Tv 17, 2-3a. 3bc-4. 47 và 51ab
Ðáp: Lạy Chúa là
dũng lực con, con yêu mến Chúa (c. 2).
Xướng:
1) Lạy Chúa là dũng lực con, con yêu mến Chúa, lạy Chúa là Ðá Tảng, chiến luỹ,
cứu tinh. - Ðáp.
2)
Lạy Chúa là Thiên Chúa, là sơn động chỗ con nương mình, là khiên thuẫn, là uy
quyền cứu độ, là sức hộ phù con. Con xướng ca ngợi khen cầu cứu Chúa, và con sẽ
được cứu thoát khỏi tay quân thù. - Ðáp.
3)
Chúa hằng sống, chúc tụng Ðá Tảng của con, tán tụng Thiên Chúa là Ðấng cứu độ
con. Ngài đã ban cho vương nhi Ngài đại thắng, đã tỏ lòng từ bi với Ðấng được xức
dầu của Ngài. - Ðáp.
Bài
Ðọc II: 1 Tx 1, 5c-10
"Anh
em đã bỏ tà thần trở về với Thiên Chúa để phụng sự Người và để trông đợi Con của
Người".
Trích
thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Thêxalônica.
Anh
em thân mến, khi chúng tôi còn ở giữa anh em, anh em biết chúng tôi sống thế
nào vì anh em. Và anh em đã noi gương chúng tôi và noi gương Chúa, đã nhận lấy
lời rao giảng giữa bao gian truân, với lòng hân hoan trong Thánh Thần, đến nỗi
anh em đã nên mẫu mực cho mọi kẻ tin đạo trong xứ Macêđônia và Akaia.
Vì
từ nơi anh em, lời Chúa vang dội không những trong xứ Macêđônia và Akaia, mà
còn trong mọi nơi; lòng tin của anh em vào Thiên Chúa đã quá rõ rồi, đến nỗi
chúng tôi không còn nói thêm làm gì nữa. Vì người ta thuật lại việc chúng tôi đã
đến với anh em thế nào, và anh em đã bỏ tà thần trở về với Thiên Chúa làm sao để
phụng thờ Thiên Chúa hằng sống và chân thật, để trông đợi Con của Người từ trời
mà đến, "Ðấng mà Người đã làm cho từ cõi chết sống lại", là Ðức
Giêsu, Ðấng đã giải thoát chúng ta khỏi cơn thịnh nộ sắp đến.
Ðó
là lời Chúa.
Alleluia:
Ga 14, 23
Alleluia,
alleluia! - Nếu ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy, và Cha Thầy sẽ yêu thương
người ấy, và Chúng Ta sẽ đến và ở trong người ấy. - Alleluia.
Phúc
Âm: Mt 22, 34-40
"Ngươi
hãy yêu mến Chúa là Thiên Chúa ngươi, và yêu thương kẻ khác như chính mình
ngươi".
Tin
Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi
ấy, những người biệt phái nghe tiếng Chúa Giêsu đã làm cho những người Sađốc
câm miệng, thì họp nhau lại, đoạn một người thông luật trong nhóm họ hỏi thử
Người rằng: "Thưa Thầy, trong lề luật, giới răn nào trọng nhất?"
Chúa
Giêsu phán cùng người ấy rằng: "Ngươi hãy yêu mến Chúa là Thiên Chúa ngươi
hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi. Ðó là giới răn thứ nhất và trọng
nhất. Nhưng giới răn thứ hai cũng giống giới răn ấy là: Ngươi hãy yêu thương kẻ
khác như chính mình ngươi. Toàn thể Lề luật và sách các Tiên tri đều tóm lại
trong hai giới răn đó".
Ðó
là lời Chúa.
Suy
Niệm:
Thời
Xưa Ðã Có Nhân Ðạo
Mọi
người đều biết, các giới răn của đạo ta quy về hai việc mến Chúa và yêu người.
Nhưng muốn biết phải mến Chúa thế nào và yêu người làm sao thì phải dựa vào
Thánh Kinh. Những bài đọc Thánh Kinh hôm nay cũng nói về hai điều đó. Tuy là những
bài viết ở những thời đại khác nhau và đã xưa rồi; nhưng suy nghĩ, chúng ta
càng nhận thấy tính cách trường cửu của Lời Chúa.
Bài
sách Xuất hành đưa chúng ta trở về thời Cựu Ước xa xưa. Chúng ta sẽ ngạc nhiên
về tính cách nhân đạo của nếp sống đạo đức thời bấy giờ. Và chúng ta sẽ hiểu bối
cảnh của bài Tin Mừng hơn để nhận ra uy tín của Ðức Kitô khi khẳng định về luật
mến Chúa yêu người. Cuối cùng thư Phaolô sẽ cho chúng ta thấy gương sáng của một
giáo đoàn biết đón nhận và thi hành Lời Chúa.
A.
Trước Hết, Thời Xưa Ðã Có Nhân Ðạo
Chúng
ta thường nghĩ rằng ngày xưa người ta chỉ biết lấy mắt trả mắt, răng đền răng.
Hơn nữa chúng ta còn dám so sánh và cho rằng ở những thời đại xa xưa của
Abraham, Môsê và Ðavít, người ta chỉ cư xử với nhau bằng luật rừng, chứ không
thể cư xử với nhau theo tình bác ái. Bài sách Xuất hành hôm nay khiến chúng ta
phải dè dặt hơn.
Dĩ
nhiên đây không phải là những luật đã được ban bố vào thời Xuất hành. Người ta
quen lấy những luật ở những thời đại về sau đem cắm vào những thời đại trước và
đặt nơi môi miệng của nhà luật pháp trứ danh là Môsê để chúng được thêm uy tín.
Tuy nhiên chúng vẫn căn cứ vào biến cố Xuất hành như ta thấy ở ngay câu đầu
tiên trong bài đọc hôm nay.
Chúa
truyền cho dân: "Khách cư ngụ, ngươi không được ngược đãi và áp bức nó, vì
các ngươi đã là khách cư ngụ ở đất Aicập". Và Người dạy không được ức hiếp
mẹ góa con côi, kẻo nó kêu lên Người thì khí nộ Người bốc lên làm cho người ta
rơi vào cảnh vợ góa con côi.
Chúng
ta thử đặt các lệnh truyền này vào thời đại của chúng cách đây ít nhất cũng phải
gần 3,000 năm. Ðó không phải là nhân đạo và văn minh sao? Nhất là luật tiếp
theo. Phải cho vay mà không được lấy lãi. Ðược giữ vật thế chân để tránh sự lạm
dụng, nhưng những đồ cầm đó phải trả lại trước khi mặt trời lặn, kẻo đêm lạnh
người nghèo không có áo làm mền.
Thật,
ngày xưa đã có những luật không cho phép người ta bóc lột nhau. Nhưng ở đây
không phải chỉ có vấn đề nhân đạo, mà còn có cơ sở đạo đức. Chúa dạy dân phải
giữ các lệnh truyền bác ái, không phải vì mọi người là đồng loại, hoặc vì phải
nhớ lại hồi trước dân đã từng là nạn nhân của nhiều sự bóc lột, nhưng nhất là
vì Thiên Chúa là Ðấng lân tuất. Người luôn luôn xót thương và bênh vực những kẻ
khó nghèo và yếu thế. Người chống lại bóc lột. Người đòi cho mọi người được
bình đẳng vì tất cả đều là hình ảnh của Người. Người ta muốn đẹp lòng Người thì
phải săn sóc đến tha nhân. Người không tách rời lòng đạo đức và tình đồng loại.
Người không đồng hóa hai vấn đề mến Chúa và yêu người; nhưng Người chỉ chấp nhận
những lòng mến Chúa đồng thời cũng thương người.
Ý
định của Thiên Chúa thì rõ rệt như vậy; nhưng thường khi người ta lại không thi
hành. Ngay ở trong Dân Chúa, bất công xã hội và bóc lột những kẻ yếu hèn là
chuyện không hiếm hoi. Các tiên tri của Chúa phản ứng mạnh mẽ, nhưng cho đến thời
Chúa Yêsu vẫn còn có những khuynh hướng pháp luật muốn tách rời hai nhiệm vụ mến
Chúa và yêu người. Thậm chí người ta còn muốn căn cứ vào lòng mến Chúa để coi
nhẹ bổn phận thương người. Ðọc kỹ bài Tin Mừng hôm nay chúng ta sẽ thấy như vậy.
B.
Cả Hai Giới Răn Ðều Quan Trọng
Mở
đầu, thánh Matthêô đã cho chúng ta thấy bầu khí tranh chấp đố kỵ của thời Ðức
Yêsu. Người theo Biệt phái, kẻ theo Sađốc phái. Bên này gài bẫy bên kia và hí hửng
khi đối thủ gặp nạn. Từ lãnh vực chính trị xã hội, cuộc tranh chấp lan sang phạm
vi tôn giáo. Luật pháp có tới 613 khoản: 248 lệnh truyền và 365 điều cấm. Nhưng
khoản nào trọng hơn khoản nào và khoản nào quan trọng hơn hết? Ðó là vấn đề sôi
bỏng. Tùy theo người ta nghiêng về phụng vụ hay xã hội, về Ðền thờ hay về đền
vua, mà người ta có thể biện minh cho thái độ Biệt phái hay Sađốc phái, thái độ
dè dặt hay hợp tác với ngoại bang. Ai cũng muốn tranh thủ người khác về phe
mình. Người ta muốn biết ý kiến của Ðức Yêsu. Lập trường của Người rất quan trọng,
vì dân chúng sẽ tùy đó mà biểu lộ cảm tình với phe nào. Nhưng tuyên bố lập trường
ấy ra cũng thật nguy hiểm cho Người. Phe đối địch sẽ có thêm chứng cớ để tiêu
diệt Người.
Tuy
nhiên đó chỉ là những suy tính của người ta. Ðã nhiều lần họ gài bẫy Người.
Nhưng chẳng có lần nào họ đã thành công. Hôm nay cũng vậy. Ðược hỏi ý kiến về
giới răn trọng nhất. Người trả lời như hết mọi người Dothái đạo đức: Ngươi phải
yêu mến Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng ngươi, hết linh hồn ngươi, và hết
lòng trí ngươi. Ðó là câu trong sách Thứ luật (6,5), là kinh nguyện hằng ngày của
Dân Chúa. Nhưng Ðức Yêsu không dừng lại ở đó. Người còn nói tiếp: Ðó là giới
răn thứ nhất. Thứ đến cũng quan trọng như vậy, là ngươi phải thương đồng loại
như chính mình. Người không đồng hóa hai việc mên Chúa và yêu người. Hai việc
đó vẫn khác nhau và có thứ tự trước sau, nhưng quan trọng như nhau; và vì thế
không được sao nhãng nhiệm vụ nào. Nét độc đáo trong câu trả lời tức là lập trường
của Ðức Kitô là ở chỗ đó. Người ta vẫn nói phải mến Chúa và thương người, phải
có thiên đạo và nhân đạo. Nhưng thông thường người ta vẫn coi đó là những nhiệm
vụ rời nhau, những bổn phận không liên lạc gì với nhau. Người ta có thể mến
Chúa trong Ðền thờ và không thương người ngoài xã hội hoặc thương người nơi xã
hội nhưng lại không mến Chúa trong Ðền thờ. Nhất là người ta quen coi thương
người là thứ yếu sánh với nhiệm vụ phải mến Chúa.
Ðối
với Ðức Kitô thì không được như vậy. Phải thương người cũng như mến Chúa. Ưu
tiên là mến Chúa nhưng đồng thời cũng phải thương người. Sau này thánh Yoan sẽ
giải thích: không thể có lòng mến Chúa vô hình nếu không thương người hữu hình
(1Yn 4,20). Và khi dạy phải thương người như chính mình, Ðức Yêsu không có ý bảo
phải thương mình trước, hay cũng phải thương cả tha nhân nữa. Câu nói của Người
có nghĩa rằng: phải thương người hết mình như đã mến Chúa hết linh hồn.
Cuối
cùng một nét độc đáo nữa trong câu trả lời của Ðức Yêsu là: tất cả Luật pháp và
Tiên tri đều quy về hai giới răn mến Chúa và yêu người ấy. Và như vậy, không những
tất cả 613 khoản luật, mà toàn thể mọi lời giáo huấn đều nhằm phát triển lòng mến
Chúa và yêu người.
Vấn
đề tranh chấp xưa nay giữa các phe nhóm đã được giải quyết. Chẳng phe nào thắng
nhưng nhóm nào cũng phải nỗ lực hơn để giữ trọn Lề luật. Nói đúng ra phe nhóm
nào cũng đã lầm lạc. Khi đã không coi trọng hai nhiệm vụ mến Chúa và thương người
như nhau, người ta đã làm mất quân bình, gây ra lệch lạc trong đời sống. Ðức
Yêsu đã mang ơn cứu độ đến. Ai đón nhận thì phải mến Chúa nhưng đồng thời cũng
phải thương người. Thái độ đó, một phần nào chúng ta có thể nhìn thấy nơi giáo
đoàn Thessalônikê của thánh Phaolô, mà bài thư hôm nay như muốn nói lên.
C.
Một Gương Thực Hành
Có
thể nói đây là những đoạn văn đầu tiên của bộ sách Tân Ước. Phaolô đã viết bức
thư này trước hết vào khoảng năm 51, tại nhà Aquila sau khi Timôthê đã mang mực
và da thuộc đến. Lần đầu tiên biên thư cho một giáo đoàn, nên Phaolô có một
thái độ trịnh trọng đạo đức, và hầu như phụng vụ nữa.
Người
tạ ơn Chúa vì sự sống đạo nơi giáo đoàn ấy. Giáo đoàn Thessalônikê vừa bắt chước
Chúa vừa bắt chước các Tông đồ. Họ sống kết hợp với Chúa nhưng cũng kết hợp với
các Tông đồ vì họ đã thấy các Tông đồ đến lo việc của Chúa ở nơi họ nhưng đồng
thời đã tỏ ra đầy tinh thần phục vụ họ. Mến Chúa và yêu người không phải là hai
phận sự tách biệt, nhưng cũng quan trọng như nhau và phải tiến hành đồng đều.
Chính vì vậy mà tiếng tăm của giáo đoàn này đã bay đi khắp nơi và Thessalônikê
đã trở thành giáo đoàn gương mẫu. Mọi nơi đều ca ngợi họ về hai điểm: đón nhận
Lời Chúa cũng như đón nhận các Tông đồ. Họ vừa mến Chúa vừa thương người, vừa kết
hợp với Chúa vừa hiệp nhất với nhau.
Cảm
động và chân thật hơn nữa là thái độ đón nhận này quả thật rất siêu nhiên, vì
là đón nhận giữa bao nỗi gian truân, nhưng lại hoan hỷ trong Thánh Thần. Ðiều
này làm chứng Tin Mừng mà Phaolô đem đến không phải là lời của loài người nhưng
là Lời của Thiên Chúa. Dân Thessalônikê đón nhận không phải vì thấy đó là lời lẽ
khôn ngoan xác thịt, nhưng là Lời có sức mạnh của Thần Khí. Họ phải lướt thắng
nhiều khó khăn để đón nhận và đón nhận vui vẻ. Thế nên họ thật đã tham dự vào mầu
nhiệm tử nạn phục sinh của Chúa. Họ đã lãnh nhận được chính ơn cứu độ của mầu
nhiệm thập giá. Phaolô đánh giá việc họ đón nhận là việc bắt chước Chúa Yêsu và
các Tông đồ; bởi vì khi đón nhận Lời Chúa trong gian truân mà vui vẻ thì rõ
ràng người ta đã bắt chước các Tông đồ trong việc dạn dĩ rao giảng Lời Chúa giữa
ngăn cấm và đe dọa. Nói cách khác, lòng mến Chúa và thương người nơi giáo đoàn
Thessalônikê không theo lẽ thế gian nhưng tựa vào sức mạnh của Thánh Thần. Ðó
là nếp sống đạo chân thật vì hoàn toàn siêu nhiên. Phaolô có lý do để hãnh diện
vì nếp sống đạo ấy. Người tạ ơn Chúa thật là phải lẽ. Và người không nói sai
khi tuyên bố đó là nếp sống phải trở nên gương mẫu cho mọi giáo đoàn.
Chúng
ta nghĩ sao về các lời Kinh Thánh ấy? Chúng ta đã thâm tín tất cả Luật pháp và
Tiên tri đều quy về hai giới răn mến Chúa và yêu người. Ðó vẫn là hai việc khác
nhau: không thể coi mến Chúa là thương người; và cũng không được coi thương người
là mến Chúa. Nhưng đó là hai việc quan trọng như nhau; phải thi hành cả hai, phải
quý cả hai như một; phải kết hiệp với Chúa và đồng thời cũng phải hợp nhất với
mọi người.
Giáo
xứ chúng ta có được như giáo đoàn Thessalônikê không? Gặp gian truân, khó khăn,
chúng ta có "bắt chước" Chúa và các Tông đồ không? Có giữ đạo và đời
không? Có vừa làm tốt đời và đẹp đạo không? Biết đâu những lời trong bài sách
Xuất hành không đang còn có giá trị khẩn trương? Chung quanh chúng ta có những
đồng bào mới đến. Những anh chị em ấy có được lập tức đón nhận như đồng bào ruột
thịt không? Những cảnh mẹ góa con côi cũng không hiếm ở giữa chúng ta. Và chắc
chắn nhiều người đang lâm cảnh vay mượn và cần giúp đỡ. Lòng nhân đạo khi gặp
khó khăn có vươn lên được nhờ sự giúp đỡ của đức tin không?
Các
tín hữu ở Thessalônikê đã nhờ việc "bắt chước" Ðức Kitô mà có một nếp
sống đạo chân thực và tốt đẹp. Giờ đây, Ðức Kitô đến hiện diện trong mầu nhiệm
tử nạn phục sinh nơi bàn thờ. Chúng ta muốn tham dự vào mầu nhiệm của Người.
Nhưng việc tham dự này chỉ chân thật khi chúng ta quyết tâm bắt chước cuộc đời
của Ðức Kitô. Chúng ta sẽ làm chứng mình đã tham dự thánh lễ chân thật, nếu sau
khi về nhà, chúng ta sẽ sống tốt cả hai nhiệm vụ mến Chúa và yêu người. Chúng
ta sẽ là Kitô hữu tốt khi chu toàn các bổn phận đối với cả đạo và đời. Xin
Thiên Chúa giúp đỡ chúng ta.
(Trích
dẫn từ tập sách Giải Nghĩa Lời Chúa
của
Ðức cố Giám Mục Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm)
Lời Chúa Mỗi Ngày
Chúa Nhật 30 Thường
Niên,
Năm A
Bài đọc: Exo 22:20-26; I Thes
1:5-10; Mt 22:34-40.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Mến Chúa Yêu Người
-
Có quá nhiều lựa chọn hay phải giữ quá nhiều luật lệ làm chúng ta dễ bị hoang
mang lẫn lộn. Chúng ta không biết phải lựa chọn làm sao, không biết phân biệt
cái gì chính yếu, cái gì phụ thuộc. Thật là hữu ích khi có người biết rành rẽ lựa
chọn hay chỉ cho chúng ta những điều chính yếu và làm sao để thi hành những điều
chính yếu đó.
-
Trong Phúc Âm hôm nay, Chúa tóm gọn Lề Luật trong hai giới răn, và gọn hơn nữa
trong 4 chữ: Mến Chúa Yêu Người.
-
Trong Bài đọc I, Sách Xuất Hành dạy cho chúng ta những bài học cụ thể phải yêu
người làm sao qua những gì chúng ta phải làm cho khách ngọai kiều, cô nhi quả
phụ, và những người nghèo.
-
Trong Bài đọc II, Thánh Phaolô chỉ cho chúng ta thấy cách phải dạy “Mến Chúa
Yêu Người” làm sao cho có hiệu quả.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/
Bài đọc I:
Chúa yêu thương kẻ khốn cùng.
Tại
sao Chúa dạy con người phải yêu thương người cùng khổ? Câu trả lời đơn giản là
vì họ cũng là con của Thiên Chúa; bổn phận của Cha là phải che chở và bảo vệ con
cái mình. Hơn nữa, mọi người đều là con Thiên Chúa; và vì thế, mọi người đều là
anh chị em với nhau trong gia đình Thiên Chúa. Sách Xuất Hành cho chúng ta những
ví dụ cụ thể phải yêu người làm sao:
(1)
Khách ngoại kiều: là
những người đến từ các nước khác, không phải là dân bản xứ. Ví dụ, người Việt
Nam cư ngụ tại Canada hay Hoa-Kỳ. Khách ngọai kiều phải chịu rất nhiều thiệt
thòi về ngôn ngữ, tài chánh, quyền lợi … Chúa dạy: “Các ngươi không được ngược
đãi và áp bức họ, vì chính các ngươi đã là ngoại kiều ở đất Ai-Cập.” Người Việt-Nam
chúng ta cũng là dân di cư như những người Do-Thái, chúng ta biết phải khổ cực
thế nào trong những ngày tháng đầu tiên tỵ nạn nơi đất khách quê người. Vì thế,
chúng ta không được kỳ thị những người tới sau hay những khách ngọai kiều khác.
Chúng ta có bổn phận phải giúp họ ổn định cuộc sống vì chúng ta cũng đã được
giúp đỡ để ổn định.
(2)
Mẹ goá con côi:
là những người vợ không có chồng và những đứa con không có cha. Những người này
phải chịu rất nhiều thiệt hại: Người vợ góa phải chu tòan 2 bổn phận của mẹ và
của cha, vừa phải làm việc kiếm tiền vừa phải lo lắng mọi sự trong gia đình. Đứa
con côi cũng phải chịu thiệt hại không kém, lẽ ra phải được hưởng tình yêu và sự
săn sóc của cả cha lẫn mẹ, giờ đây chúng chỉ còn người mẹ phải bươn chải kiếm
ăn, không còn thời giờ nhiều để dạy dỗ chúng. Đó là lý do tại sao Chúa dạy:
“Các ngươi không được ức hiếp. Nếu ngươi ức hiếp mà nó kêu cứu Ta, ắt Ta sẽ
nghe tiếng nó kêu cứu. Cơn giận Ta sẽ bốc lên, Ta sẽ cho gươm chém giết các
ngươi: thế là vợ các ngươi sẽ thành goá bụa, và con các ngươi sẽ thành côi
cút.”
(3)
Người nghèo:
là những người không có đủ tiền để sinh sống, không có nhà để ở, không có lương
thực để ăn … Thái độ chúng ta cần tránh khi giúp đỡ người nghèo là kết tội họ
lười biếng không chịu làm việc, và lấy tiền xin được đi hút hay say xỉn. Chúng
ta phải hiểu rằng nếu là một người bình thường, không ai thích phải ăn xin hay
vô gia cư; nhưng cuộc sống có nhiều bất ngờ mà họ phải rơi vào tình trạng đó.
Vì thế, bổn phận của chúng ta là giúp đỡ họ, còn họ dùng tiền của chúng ta vào
việc gì, chúng ta không có quyền phán đóan. Sách Xuất Hành dạy cho chúng ta ít
điều cụ thể để giúp người lâm cảnh túng thiếu:
-
“Nếu ngươi cho một người trong dân Ta, một người nghèo ở với ngươi vay tiền, thì
ngươi không được xử với nó như chủ nợ, không được bắt nó trả lãi.” Khi người
nghèo phải đi vay nợ để sinh sống là họ đã hết tiền; nếu chúng ta bắt họ phải
trả lời thì họ lấy đâu mà trả. Nếu họ trả được vốn là họ đã cố gắng lắm rồi.
-
“Nếu ngươi giữ áo choàng của người khác làm đồ cầm, thì ngươi phải trả lại cho
nó trước khi mặt trời lặn. Nó chỉ có cái đó để đắp, để làm áo che thân; nó sẽ lấy
gì mà ngủ? Nó mà kêu cứu Ta, Ta sẽ nghe nó, vì Ta vốn nhân từ.” Cầm đồ để mượn
tiền là phương thế rất phổ thông xưa cũng như nay. Nếu cầm những đồ không phải
dùng hằng ngày thì chủ nợ có quyền giữ đồ cầm; nhưng nếu là những đồ phải dùng
hằng ngày như áo chòang để che thân cho ấm để ngủ, chủ nợ phải trả lại cho người
cầm đồ trước khi mặt trời lặn.
2/
Bài đọc II:
Lòng mến Chúa và yêu người của các tín hữu Thessalonica
2.1/
Thánh Phaolô dạy và làm gương cho các tín hữu Thessalonica: Không ai có thể
cho cái mình không có. Trước khi đi rao giảng cho dân thành Thessalonica, Thánh
Phaolô đã được thấm nhuần đạo lý của Tin Mừng và tình yêu của Thiên Chúa đến độ
ngài ao ước cho tất cả mọi người cũng được hiểu biết Tin Mừng và có được tình
yêu Thiên Chúa như ngài. Ngài tâm sự với các tín hữu: “Khi chúng tôi loan báo
Tin Mừng cho anh em, thì không phải chỉ có lời chúng tôi nói, mà còn có quyền
năng, có Thánh Thần, và một niềm xác tín sâu xa. Anh em biết, khi ở với anh em,
chúng tôi đã sống thế nào để mưu ích cho anh em.”
Để
thành công trong việc rao giảng, Thánh Phaolô nói không phải chỉ bằng lời,
nhưng còn có quyền năng của Thánh Thần, và sự xác tín sâu xa của người rao giảng
biểu lộ qua cách sống. Chính những điều này đã để lại ấn tượng sâu xa trên người
nghe và giúp họ hóan cải và tin vào Tin Mừng: “Còn anh em, anh em đã bắt chước
chúng tôi và noi gương Chúa, khi đón nhận lời Chúa giữa bao nỗi gian truân với
niềm vui do Thánh Thần ban.”
2.2/
Các tín hữu làm gương cho mọi người bằng cuộc sống mến Chúa yêu người: Những lời giảng dạy
và cuộc sống nhân chứng của Thánh Phaolô đã hóan cải các tín hữu Thessalonica
và đào tạo họ trở nên những chứng nhân sống động cho người khác. Thánh Phaolô
nhận định: “Anh em đã nên gương cho mọi tín hữu ở miền Macêđônia và miền Akaia.
Quả thế, từ nơi anh em, lời Chúa đã vang ra, không những ở Macêđônia và Akaia,
mà đâu đâu người ta cũng nghe biết lòng tin anh em đặt vào Thiên Chúa, khiến
chúng tôi không cần phải nói gì thêm nữa.”
Rao
giảng Tin Mừng không phải là để cho đi một số những kiến thức về Thiên Chúa,
nhưng là để cho đi cả một niềm tin và tình yêu của người rao giảng. Phải làm
sao để những gì đã họat động nơi người rao giảng cũng sẽ họat động nơi người
nghe; để giúp họ tiếp tục rao giảng và làm chứng nhân sống động cho Tin Mừng.
Điều này đã được thể hiện sống động nơi Thánh Phaolô và các tín hữu của ngài:
“Khi nói với chúng tôi, người ta kể lại chúng tôi đã được anh em tiếp đón làm
sao, và anh em đã từ bỏ ngẫu tượng mà quay về với Thiên Chúa thế nào, để phụng
sự Thiên Chúa hằng sống, Thiên Chúa thật.”
3/
Phúc Âm:
Mến Chúa Yêu Người là 2 giới răn quan trọng nhất.
3.1/
Điều răn nào là điều răn trọng nhất? Khi nghe tin Đức Giêsu đã làm cho nhóm Sa-đốc phải
câm miệng, những người Pharisêu họp nhau lại. Rồi một người thông luật trong
nhóm hỏi Đức Giêsu để thử Người rằng: “Thưa Thầy, trong sách Luật Môsê, điều
răn nào là điều răn trọng nhất?” Đức Giê-su đáp:
(1)
Mến Chúa (Dt 6:5): “
Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết
trí khôn ngươi. Đó là điều răn quan trọng nhất và điều răn thứ nhất.” Người
Do-Thái không xa lạ gì với câu trả lời này, vì đi chỗ nào họ cũng nhìn thấy câu
này: thẻ kinh họ đeo trên trán hay đeo trên hai tay, trên cửa ra vào, là những
lời dạy dỗ đầu tiên và liên tục nhắc nhở cho con cái. Vấn đề Chúa đặt ra không ở
chỗ họ có biết hay không, nhưng ở chỗ họ thể hiện tình yêu Chúa thế nào trong
cuộc sống!
(2)
Yêu người (Lv 19:18): “
Còn điều răn thứ hai, cũng giống điều răn ấy, là: ngươi phải yêu người thân cận
như chính mình.” Điều răn thứ hai cũng đã được ghi chép trong Sách Levi 19:18.
Cái sáng tạo của Chúa Giêsu là lấy hai giới răn đã được ghi chép ở hai nơi,
Levi và Đệ Nhị Luật, đưa về một nơi và tuyên bố là hai giới răn quan trọng nhất.
Cũng như giới răn thứ nhất, vấn đề Chúa đặt ra không ở chỗ họ có biết hay
không, nhưng ở chỗ họ thể hiện tình yêu Chúa thế nào trong cuộc sống!
Và
Chúa kết luận: “Tất cả Luật Môsê và các sách Ngôn Sứ đều tuỳ thuộc vào hai điều
răn ấy.” Chúng ta có thể thêm vào mà không sợ sai: các Sách Tân Ước cũng đều
tùy thuộc vào 2 điều răn này. Một khi con người đã thấu hiểu tình yêu Thiên
Chúa qua những gì Ngài đã làm cho con người, và loan truyền tình yêu này cho
tha nhân qua việc rao giảng Tin Mừng và qua chính cuộc sống chứng nhân, họ đã đắc
đạo và không thiếu gì nữa.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
-
Mến Chúa Yêu Người phải trở nên cái địa bàn cho mỗi người chúng ta trong khu rừng
của thế giới với bao nhiêu cám dỗ và học thuyết làm cho con người lẫn lộn.
-
Mến Chúa Yêu Người không phải là lý thuyết xuông hay những lời chóp lưỡi đầu
môi, nhưng phải biểu lộ qua lời rao giảng và cuộc sống chứng nhân. Trong khi
rao giảng Tin Mừng, chúng ta phải làm sao để những gì đã họat động nơi chúng ta
cũng sẽ họat động nơi người khác.
-
Mến Chúa Yêu Người phải được biểu lộ cách cụ thể nơi những khách ngọai kiều,
nơi mẹ góa con côi, và nơi những người nghèo không có phương tiện sinh sống.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
26/10/14 CHÚA NHẬT TUẦN
30 TN – A
Mt 22,34-40
Mt 22,34-40
Suy niệm: Chúa
dạy điều răn trọng nhất là phải yêu mến Chúa trên hết mọi sự. Lòng mến bắt
nguồn từ Thiên Chúa, vì “Thiên Chúa là nguồn yêu thương” (2Cr 13,11) và Ngài
ban tình yêu của Ngài cách đặc biệt qua Đức Giê-su Ki-tô. Như thế, đối với con
người, Thiên Chúa phải là đối tượng tuyệt đối của tình yêu. Thiên Chúa phải
được yêu thương hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn, không phải vì Ngài cần
đến tình yêu của chúng ta, nhưng vì Ngài đã yêu thương chúng ta trước. Tình yêu
của chúng ta dành cho Thiên Chúa là sự đáp trả do tình yêu Ngài thôi thúc. Cần
ghi nhớ rằng, Thiên Chúa không chỉ là đối tượng trên hết của lòng mến, mà còn
là lý do của lòng mến nữa. Nếu không có lòng mến Chúa, mọi tình yêu nhân loại
với nhau không có nền tảng và không thể đứng vững. Do đó, mặc dù điều răn yêu
người quan trọng, nhưng điều răn đó vẫn chỉ là “điều răn thứ hai”,
phụ thuộc vào điều răn mến Chúa.
Mời Bạn: Trong
hoàn cảnh của bạn, làm thế nào để diễn tả lòng mến Chúa trên hết mọi sự? Điều
răn thứ nhất này có đòi hỏi bạn một nỗ lực nào không?
Sống Lời Chúa: Bạn
quyết tâm làm một việc bày tỏ lòng mến Chúa và dâng lên Chúa với hết lòng mến
yêu.
Cầu nguyện: Lạy Chúa xin dạy con biết sống quảng đại, biết phụng sự Chúa cho
xứng đáng, biết cho đi mà không cần tính toán, biết chiến đấu mà không sợ
thương tích, biết làm việc mà không cần an nghỉ, biết xả thân mà không được một
lần trả ơn.
ĐIỀU RĂN TRỌNG NHẤT
Kitô hữu tự bản chất là người biết yêu và cuộc đời
chỉ là tình yêu. Tình yêu đích thực với Thiên Chúa thì đưa tôi về với anh em.
Tình yêu đối với anh em lại đòi tôi phải trở về với Thiên Chúa.
Suy niệm:
Theo truyền thống hội đường
Do thái, Luật gồm 613 điều răn.
365 điều cấm làm và 248 điều
phải làm.
Giữa một rừng điều răn như
thế, người thông luật đã hỏi Đức Giêsu:
“Điều răn nào trọng nhất
trong Luật Môsê?” (c. 36).
Đức Giêsu đã trả lời bằng
một câu trong kinh Shema,
kinh mà người Do thái phải
đọc mỗi ngày.
“Ngươi phải yêu mến Đức
Chúa, Thiên Chúa của ngươi,
với tất cả trái tim ngươi,
tất cả linh hồn ngươi, tất cả trí khôn ngươi” (Tl 6, 5).
Và Ngài còn thêm một điều
răn thứ hai nữa (c. 39).
“Ngươi phải yêu mến người
thân cận như chính mình” (Lv 19, 18).
Tất cả Luật Môsê nằm trong
hai điều răn đó.
Hai điều răn được gói trong
một động từ yêu.
Mọi điều cấm làm và mọi điều
buộc làm, đều bắt nguồn từ và qui về tình yêu.
Các bạn trẻ thường nghĩ yêu
là chuyện dễ.
Nhưng yêu với tất cả trái
tim, tất cả linh hồn, tất cả trí khôn, tất cả sức lực,
nghĩa là yêu với trọn cả con
người mình, thì điều đó không dễ.
Đối với người Do thái, trái
tim là nơi phát sinh toàn bộ đời sống tinh thần.
Yêu mến Thiên Chúa bằng tất
cả trái tim của mình
là để cho Ngài chi phối mọi
tư tưởng, mọi ý muốn, mọi tình cảm.
Tất cả đều nhằm làm cho Ngài
được mọi người nhận biết và tôn vinh.
Yêu người thân cận như chính
mình cũng là điều rất khó.
Có bao người làm chúng ta
đau khổ và bị xúc phạm.
Yêu thương và tôn trọng họ
đòi một sự từ bỏ mình không nhỏ.
Nhưng chúng ta cũng dễ coi
mình là trung tâm và qui tất cả về mình.
Chúng ta lạnh lùng trước nỗi
đau, thiếu sẻ chia và độc đoán,
đôi khi dùng tha nhân như
phương tiện lót đường để ta tiến thân.
Nói chung, dù yêu Chúa hay
yêu người, chúng ta cũng phải ra khỏi mình,
trao đi chính mình và chấp
nhận mọi hy sinh mà tình yêu đòi hỏi.
Đức Giêsu đã tóm Luật Môsê
trong động từ yêu mến.
Và Ngài đã hoàn thiện Luật
này bằng cách đẩy yêu mến đến cùng.
Kitô hữu chẳng những yêu mến
Thiên Chúa với trọn con người mình,
mà còn được mời yêu mến Đức
Giêsu trên mọi thụ tạo khác,
trên mọi của cải, trên những
người ruột thịt, và trên cả mạng sống.
Kitô hữu là người mang mối
tình sâu đậm với Đức Giêsu,
“Đấng đã yêu mến tôi và hiến
mạng vì tôi” (Gl 2, 20),
đến nỗi họ có thể tuyên xưng
như Phêrô: “Thầy biết con mến Thầy.”
Đức Giêsu cũng không chỉ đòi
yêu tha nhân như chính mình.
Ngài còn đòi ta phải yêu như
Ngài đã yêu (Ga 13, 34-35).
Một tình yêu tha thứ đến vô
cùng, một tình yêu đối với cả kẻ thù,
một tình yêu phục vụ như
người tôi tớ, một tình yêu dám hiến mạng.
Kitô hữu tự bản chất là
người biết yêu và cuộc đời chỉ là tình yêu.
Tình yêu đích thực với Thiên
Chúa thì đưa tôi về với anh em.
Tình yêu đối với anh em lại
đòi tôi phải trở về với Thiên Chúa.
Chỉ mong đời tôi đong đưa
giữa hai tình yêu đó, để chúng nên một tình yêu.
Cầu nguyện:
Con đã yêu Chúa quá muộn màng!
Ôi lạy Chúa là vẻ đẹp vừa cổ
kính,
vừa luôn mới mẻ,
con đã yêu Chúa quá muộn
màng!
Bấy giờ Chúa ở trong con
mà con thì ở ngoài,
con cứ chạy đi tìm Chúa ở ngoài.
Con thật hư hỏng,
khi chạy theo các thụ tạo xinh đẹp.
Bởi thế, bấy giờ Chúa ở với con
mà con lại không ở với Chúa.
Các thụ tạo xinh đẹp kia cứ giữ con ở xa Chúa,
trong khi chúng hiện hữu được là nhờ Chúa.
Chúa đã gọi con, đã gọi to
và phá tan sự điếc lác của con.
Chúa đã soi sáng
và xua đi sự mù lòa của con.
Chúa đã tỏa hương thơm ngát
để con được thưởng thức,
và giờ đây hối hả quay về với Chúa.
Con đã nếm thử Chúa
và giờ đây con đói khát Người.
Chúa đã chạm đến con,
nên giờ đây con nóng lòng
chạy đi tìm an bình nơi Chúa.
(Thánh Âu-Tinh)
Lm Antôn Nguyễn Cao
Siêu, SJ
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
26
THÁNG MƯỜI
Kiểu
Mẫu Và Nguồn Mạch Tối Thượng Của Hiệp Nhất
Mối
hiệp nhất liên kết các Kitô hữu vào một thân thể, đó là mối hiệp nhất bắt nguồn
từ Thiên Chúa. Mẫu thức tối thượng của sự hiệp nhất này là Thiên Chúa Ba Ngôi,
là sự hiệp thông của Ba Ngôi Vị Thần Linh – Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần.
Chính vì thế Chúa Giêsu đã cầu nguyện trong bữa Tiệc Ly: " Cũng như, lạy
Cha, Cha ở trong con, và con ở trong Cha, con cầu xin để họ nên một trong chúng
ta" (Ga 17, 21).
Tất
cả những người nhờ cùng một đức tin và cùng một Phép Rửa, đã trở nên con cái
Thiên Chúa, đều được mời gọi đi vào trong mối hiệp nhất này. Thánh Phaolô nói:
"Nhờ đức tin, tất cả anh em đều là con cái Thiên Chúa trong Đức Giêsu
Kitô" (Gl 3,26). Vì thế nhờ đức tin, chúng ta là con cái Thiên Chúa trong
Đấng là Con Một của Thiên Chúa Cha. Chúng ta phải hiệp nhất trong nguồn hiệp nhất
tối thượng này: mối hiệp nhất thần linh giữa Chúa Con với Chúa Cha. Rồi, Chúa
Cha và Chúa Con đã tuôn tràn Thánh Thần xuống trên Giáo Hội.
Chúa
Thánh Thần ngự trong tâm hồn tất cả những người đã chịu Phép Rửa, thúc đẩy họ
tin tưởng cầu xin và thưa lên: "Abba, Cha ơi!". Như Công Đồng Vatican
II đã dạy: "Chúa Thánh Thần – Đấng cư ngụ trong lòng các tín hữu và cai quản
toàn thể Giáo Hội – tạo ra sự hiệp thông kỳ diệu của các tín hữu và hiệp nhất tất
cả trong Đức Kitô cách mật thiết đến nỗi Ngài chính là nguyên lý hiệp nhất của
Giáo Hội. Ngài phân phát vô số các ân sủng và các sứ vụ khác nhau (1Cr 12,
4-11) và làm cho Giáo Hội của Chúa Giêsu Kitô nên phong phú bằng nhiều ân huệ,
‘nhờ đó các thánh được chuẩn bị làm công việc phục vụ, là xây dựng thân thể
Chúa Kitô’ (Eph 4, 12).
-
suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II -
Lm.
Lê Công Đức dịch
từ nguyên tác
LIFT
UP YOUR HEARTS
Daily
Meditations by Pope John Paul II
Lời Chúa Trong Gia
Đình
NGÀY
26-10
Chúa
Nhật XXX Thường Niên
Xh
22, 20-26; 1Tx 1, 5c-10; Mt 22, 34-40.
LỜI
SUY NIỆM: “Thưa Thầy, trong Sách luật Môsê, điều răn
nào là điều răn trọng nhất?”
Chúa
Giêsu đưa ra giới luật yêu thương, và Ngài đã sống trọn vẹn với giới luật này.
Điều này, giúp cho người tín hữu có một đức tin chân chính Là yêu mến Thiên
Chúa và yêu thương con người, mà Ngài đã tạo dựng theo hình ảnh của Ngài. Chúng
ta yêu mến Chúa và yêu mến con người không phải đơn thuần là một tình cảm tự
nhiên, nhưng bằng một tình yêu dấn thân và tận hiến đối với Chúa và nhiệt thành
phục vụ con người.
Lạy
Chúa Giêsu, xin cho mọi người trong gia đình chúng con khi thực hiện lòng bác
ái và phục vụ người anh em, là vì Chúa. Chúa trong người ấy.
Mạnh
Phương
Gương Thánh Nhân
Ngày
26-10
Thánh
HEDVIGA
Nữ
Tu (1174 - 1243)
Thánh
nữ Hedviga sinh tại Bavaria vào khoảng năm 1174. Ngay từ hồi 4 tuổi, Ngài đã được
gửi học tại tu viện. Lên 12 tuổi, Ngài kết hôn với Henri, bá tước miền Silêsia.
20
tuổi, thánh nữ Hedviga đã là mẹ của sáu người con, ba trai ba gái. Năm 1209, họ
quyết định hiến thân cho Thiên Chúa để sống đời khiết tịnh nhưng vẫn chu toàn
trách vụ thuộc bổn phận mình. Họ sống như anh em, lo cho con cái lẫn các gia
nhân sống đạo đức mà không dung túng cho bất cứ một chuyện dèm pha nào. Mỗi
ngày nữ bá tước nuôi cho 13 người ăn, để kính Chúa Giêsu và 12 tông đồ. Ngài mặc
một áo nhặm bên trong các y phục thường ngày, khiến Ngài phải chịu nhiều hy
sinh lớn lao.
Nhưng
các đau khổ tinh thần còn lớn lao hơn, như xé nát lòng người. Vị bá tước dầu
đáng kính nhưng lại có khuyết điểm là thương riêng Conrad, người con thứ hơn
các người con khác. Ông coi Conrad như người kế vị mình. Sự thiên tư này đã là
nguồn gốc gây nên mối thù oán... dữ dằn giữa người anh út với anh mình. Họ gây
chiến đấu với nhau và Conrad bại trận. Sau đó ít lâu, Conrad từ trần trong tinh
thần sám hối. Nhưng những tranh chấp tương tàn và những cái tang này đã làm cho
vị bá tước còn tránh xa thế sư hơn nữa.
Thánh
nữ Hedviga thiết lập một nhà dòng khổ tu ở gần Breslau... Gertrude, người con
gái duy nhất còn sống cho tới khi thánh nữ từ trần sẽ làm bề trên tu viện này.
Nơi đây các em gái mồ côi và nghèo túng tìm được chỗ dung thân, chúng được đào
tạo để trở nên những bà mẹ tốt trong gia đình hơn là để theo đuổi ơn kêu gọi.
Riêng thánh nữ Hedviga lại đóng vai trò người tôi tớ rửa chân cho các người
phong cùi. Lời Ngài mang lại hạnh phúc cho những ai tới gần và gặp gỡ Ngài.
Trong
một cuộc chiến, bá tước Henri bị bá tước miền Warzava cầm tù. Ong này từ chối mọi
thỏa hiệp, để cứu cha, công tử Henri II muốn khởi binh. Nhưng thánh nữ Hedviga
muốn tránh đổ máu nhiều hơn nữa, Ngài đích thân đến gặp kẻ chiến thắng. Gặp
Ngài, ông ta bỗng dịu lại và chấp nhận thỏa hiệp. Vị bá tước được trả tự do.
Nhưng vì vết thương quá trầm trọng, ông qua đời năm 1238.
Hedviga
đau lòng, nhưng vâng ý Chúa, Ngài mặc áo dòng ở Treibnitz, và dù không tuyên bố
lời khấn, Ngài trung thành với các bổn phận, dưới sự điều khiển của con mình là
Gertrude. Làm những việc thấp hèn, phục vụ những người nghèo khổ, Ngài nói với
các nữ tu: - Các chị là hôn thê của Chúa Giêsu, còn tôi chỉ là tôi tớ Người.
Sau
ba năm goá bụa, thánh Hedviga còn chịu một nỗi thống khổ chót, đó là cái chết của
Hênri II... Ông đã ngã gục trong cuộc chiến chống lại người Rartares. Thánh Nữ
Hedviga đã linh cảm thấy trước về cái chết này. Một bản tường thuật ghi lại rằng,
vào một buổi tối hôm khởi chiến, thánh nữ đánh thức một chị bạn và nói: -
Demundis ơi ! chị biết, tôi đã mất con rồi. Đứa con yêu dấu đã xa tôi như con
chim gãy cánh. Tôi sẽ không còn thấy nó trên trần gian này nữa.
Ba
ngày sau, một nguồn tin xác quyết này, thánh Hedviga nói: - Đó là ý Chúa. Điều
Chúa muốn và vui thỏa cũng phải làm cho chúng ta mãn nguyện.
Và
vui mừng trong Chúa Ngài nói: - Lạy Chúa, con cảm tạ Chúa đã ban cho con được
những đứa con như vậy. Suốt đời nó thương mến con và không hề làm gì cho con
đau lòng. Con muốn có nó trong đời. Nhưng con hết lòng chúc tụng Chúa về việc đổ
máu của nó, khiến nó được kết hợp với Chúa trên trời là đấng tạo thành nên nó.
Thánh
nữ vẫn tiếp tục theo đuổi con đường thăng tiến. Ngài đã trải qua những buổi cầu
nguyện thâu đêm. Các sử gia còn ghi lại nhiều phép lạ thánh nữ đã thực hiện. Cuối
cùng, Ngài được mạc khải cho biết trước giờ chết của mình.
Dầu
không có gì trầm trọng, Ngài đã xin được lãnh các bí tích sau hết. Khi vừa rước
Mình Thánh Chúa và cầu nguyện được hai tiếng: "Lạy Chúa, Lạy Chúa"
thì Ngài từ trần. Hôm đó là ngày 15 tháng 10 năm 1243, năm 1267, nghĩa là 24
năm sau, Ngài được suy tôn lên bậc hiển thánh .
(daminhvn.net)
26
Tháng Mười
Xin Cho Con Ðược
Thay Ðổi Chính Con
Một
triết gia Ấn Ðộ đã nhìn lại quãng đời đi của mình như sau: Lúc còn trẻ, tôi là
một người có đầu óc cách mạng. Lời cầu nguyện duy nhất mà tôi dâng lên Thượng Ðế
là: Lạy Chúa, xin ban cho con nghị lực để thay đổi thế giới.
Ðến
tuổi trung niên, tôi mới nhận thấy rằng một nửa đời tôi đã qua đi mà tôi chưa
thay đổi được một người nào. Lúc đó, tôi mới cầu nguyện với Thượng Ðế: Lạy
Chúa, xin ban cho con ơn được biến cải tất cả những người con đã gặp gỡ hằng
ngày, nhất là gia đình con, bạn bè con. Và như vậy là đủ cho con mãn nguyện rồi.
Nhưng
giờ đây, tóc đã bạc, răng đã long, ngày tháng còn lại chỉ đếm trên đầu ngón
tay, tôi mới nhận thức rằng tôi đã khờ dại biết chừng nào. Giờ này, tôi chỉ còn
biết cầu nguyện như sau: Lạy Chúa, xin ban cho con ơn được thay đổi chính con.
Nếu
tôi biết cầu nguyện như thế ngay từ lúc đầu, thì tôi đã không phí phạm quãng đời
đã qua.
Người
xưa đã có lý khi dạy chúng ta: tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ... Theo
trật tự của cuộc cạch mạng, thì cách mạng bản thân là điều tiên quyết.
Một
nhà cách mạng nào đó đã nói: chỉ cần 10 người như thánh Phanxicô thành Assisi
thì cuộc diện thế giới sẽ thay đổi. Cuộc cách mạng đầu tiên mà bất cứ vị thánh
nào cũng khởi sự đó là cách mạng bản thân.
Chúa Giêsu đã chuẩn bị 3 năm sống công khai bằng 30 năm âm thầm, 40 đêm ngày ăn chay cầu nguyện... Và lời kêu gọi đầu tiên của Ngài là: hãy sám hối và tin vào Tin Mừng.
Chúa Giêsu đã chuẩn bị 3 năm sống công khai bằng 30 năm âm thầm, 40 đêm ngày ăn chay cầu nguyện... Và lời kêu gọi đầu tiên của Ngài là: hãy sám hối và tin vào Tin Mừng.
Ai
trong chúng ta cũng biết câu châm ngôn: Thà thắp lên một ngọn đèn hơn là ngồi
đó mà nguyền rủa bóng tối. Nếu mỗi người, ai cũng đốt lên ngọn đèn của mình, nếu
mỗi người, ai cũng đóng góp phần ít ỏi, nhỏ mọn của mình, thì có lẽ thế giới
này sẽ bớt lạnh lẽo hơn vì lòng ích kỷ... Không ai nghèo đến nỗi không có gì để
cho người khác. Chúng ta hãy bắt đầu bằng món quà nhỏ mọn, có khi vô danh của
chúng ta. Một giọt nước nhỏ là điều không đáng kể trong đại dương, nhưng nếu
không có những giọt nước nhỏ kết tụ lại, thì đại dương kia cũng sẽ chỉ là sa mạc
khô cằn.
(Lẽ
Sống)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét